Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:39:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 3  (Đọc 100058 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:19:59 pm »


Tại Phú Yên, lực lượng vũ trang ta đột nhập thị xã Tuy Hoà, đốt cháy 10 vạn lít xăng, 100 tấn quân trang, quân dụng, phá hỏng hai máy bay và một kho đạn. Nhân dân nổi dậy phá banh các ấp chiến lược còn lại.

Ở Khánh Hoà, bộ đội địa phương tỉnh tiến công địch ở Mỹ Đông, Quảng Phước, pháo kích các quận lỵ Vạn Dã, Diên Khánh, đánh sập cầu Hà Dừa.

Trên địa bàn Khu VI, quân khu xác định hướng trọng điểm của đợt hoạt động xuân năm 1965 là Tánh Linh, Hoài Đức (tỉnh Bình Thuận). Ngày 17-1-1965, tiểu đoàn 186 chủ lực quân khu tổ chức phục kích diệt gọn một đại đội bảo an và ba trung đội dân vệ từ Hoài Đức hành quân lên Mêpu. Thừa thắng, ta phát triển đánh chiếm ấp chiến lược Bắc Núi, ấp chiến lược cuối cùng nằm sát chi khu, bao vây uy hiếp quận lỵ Hoài Đức.

Ở Tánh Linh, đầu tháng 2-1965, bộ đội chủ lực quân khu diệt cứ điểm Lồ Ô, đánh thiệt hại nặng chi khu. 1.000 đồng bào trong khu tập trung Đồng Me nổi dậy phá khu tập trung, trở về căn cứ.

Phối hợp cùng hướng trọng điểm Tánh Linh, Hoài Đức, trên đường số 8, bộ đội địa phương huyện diệt một đại đội dân vệ ở chi khu Thiện Giáo (Ma Lâm) và làm tan rã lực lượng bảo an ở đây. Bộ đội đặc công, biệt động đột nhập thị xã Phan Thiết, đánh địch ở bốt cổng chữ Y, vũ trang tuyên truyền ở các ấp Phú Hưng, Phú Thành, Phú Phong B. Đêm 23-2-1965, một bộ phận của chủ lực miền cùng lực lượng địa phương huyện Hàm Tân đánh ấp Hiệp Hoà. Địch từ tiểu khu kéo xuống ứng cứu bị đánh thiệt hại nặng hai đại đội.

Bị đánh mạnh và căng kéo trên các hướng, chỉ huy tiểu khu Bình Tuy buộc phải rút bỏ một số đồn bốt lẻ có nguy cơ bị tiêu diệt.

Ngày 23-2-1965, địch ở chi khu Hoài Đức bỏ đồn chạy về Võ Đắc. Toàn bộ huyện Hoài Đức và phần lớn huyện Tánh Linh với trên ba vạn rưỡi dân được giải phóng hoàn toàn.

Đến cuối tháng 3-1965, ở khu VI, ta đã giải phóng hơn bảy vạn dân. Ở một số nơi vùng tranh chấp áp dần vào vùng ven các thị xã, thị trấn...

Cuộc tiến công đông-xuân 1964-1965 của quân, dân ta ở miền Nam đẩy chiến lược chiến tranh đặc biệt mà Mỹ thí nghiệm và nuôi hy vọng sẽ giành chiến thắng để áp dụng chống “chiến tranh nổi dậy” ở các nơi khác có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Mỹ cảm thấy “đang chơi một ván bài thua” ở Việt Nam, vì “Việt cộng chiếm được nhiều quá đến nỗi một lần nữa chúng ta lại đứng trước nguy cơ nước này bị cắt làm đôi bởi một mũi dùi của Việt cộng thọc ra đến tận biển”1. Trước tình hình trên, L.Giônxơn tuyên bố trong Thông điệp nhậm chức Tổng thống ngày 20-1-1965 rằng: “Mỹ phải có hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Việt Nam cộng hoà và chính quyền miền Nam, giữ vững Nam Việt Nam”. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc viện cớ “trả đũa Việt cộng” tiến công trại lính Mỹ Hôlôwây ở Plâycu, họ coi đó là sự kiện “nhạy cảm” nhất đối với Mỹ. Bởi vậy, Tổng thống Mỹ ra lệnh cho tàu tuần tiễu và khu trục hạm kéo vào vùng biển Vịnh Bắc Bộ sẵn sàng hành động. Trên vùng biển đối diện với miền Bắc có 250 máy bay tiến công cùng với sư đoàn không quân số 2 do tướng Mo chỉ huy đóng ở Biên Hoà, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và 500 máy bay ở các căn cứ U Đôn, Nakhom Phanom, U Bon, Cò Rạt, Tắcli ở Thái Lan sẵn sàng xuất kích. Ngày 7-2-1965, Mỹ mở chiến dịch không quân mang tên Mũi lao lửa I (Flemming Dart I) ném bom Vĩnh Linh, Đồng Hới (Quảng Bình). Ngày 13-2-1965, Mỹ mở chiến dịch không quân Mũi lao lửa II (Flemming Dart II) ném bom miền Bắc Việt Nam đến vĩ tuyến 19. Lý do mà Mỹ đưa ra để đánh phá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, một nước độc lập, có chủ quyền được pháp lý quốc tế thừa nhận của Mỹ thực chất là ngụy biện để che đậy âm mưu, hành động xâm lược của Mỹ, lừa dối dư luận nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ, đang phản đối chúng. Loài người tiến bộ tự hỏi: Các trận tiến công khách sạn Brink, toà đại sứ Mỹ trước đó của Quân giải phóng đã gây cho Mỹ thiệt lại nặng gấp nhiều lần so với trận Hôlôwây về nhân mạng và phương tiện chiến tranh, nhưng sao những người cầm quyền nước Mỹ không cho đó là “sự kiện nhạy cảm” để trả đũa? Lời biện minh của giới lãnh đạo Mỹ rõ ràng không che đậy được bản chất xâm lược của chúng.

Xuất phát từ việc nghiên cứu bản chất của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và quy luật của cuộc chiến tranh xâm lược mà chúng từng tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh báo động trong toàn bộ lực lượng vũ trang và nhân dân. Chấp hành chỉ thị của Trung ương, với ý thức cảnh giác thường trực, từ sáng sớm Ngày 7-2-1965, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân ra lệnh báo động và điều một số đơn vị cơ động đến nơi dự kiến địch sẽ đánh phá. Trung đoàn rađa 290 do trung đoàn trưởng Lương Hữu Sắt và Chính uỷ Nguyễn Đặng Tuất chỉ huy thường xuyên phát sóng theo dõi, bám sát địch, thông báo kịp thời cho lực lượng phòng không và nhân dân. 13 giờ 53 phút, rađa của đại đội 12 phát hiện tốp máy bay đầu tiên từ hướng cồn cát Phú Hội bay vào ném bom thị xã Đồng Hới. Cán bộ, chiến sĩ các sư đoàn phòng không 325, 341 sẵn sàng trên mâm pháo, phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ đánh trả mãnh liệt, bắn rơi ba máy bay Mỹ.
_______________________________________
1. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam, VNTTX phát hành, Hà Nội, 1971, t.2, tr. 157.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:20:45 pm »


Ngày 8-2-1965, không quân Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch “Mũi lao lửa I”. Lần này, không quân Mỹ phối hợp với không quân ngụy do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy lao vào đánh phá Hồ Xá (Vĩnh Linh), thị xã Đồng Hới. Lực lượng phòng không trong khu vực Vĩnh Linh, Đồng Hới được thông báo kịp thời, cùng bắt được mục tiêu. Trên hướng Vĩnh Linh, ta bắn rơi ba máy bay và tại Đồng Hới bắn rơi hai chiếc.

Như vậy trong hai ngày 7 và 8- 2-1965, các đơn vị phòng không ở khu vực Vĩnh Linh, Đồng Hới (Quảng Bình) đã bắn rơi tám máy bay địch, bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Sau hai ngày đầu hoạt động không kết quả, địch tạm ngưng đánh phá, dùng máy bay U2 do thám trên vùng trời miền Bắc. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân nhận định: địch sẽ còn tiếp tục đánh phá Vĩnh Linh, Quảng Bình, điều tiểu đoàn pháo 37 do đồng chí Lại Đạt, tiểu đoàn trưởng và Nguyễn Nghị, chính trị viên, hành quân cấp tốc từ Vinh vào Đồng Hới. Lực lượng súng máy 14,5 ly của trung đoàn 234 cùng hai tiểu đoàn (8 và 9) của Trường sĩ quan pháo phòng không cùng được điều vào Vĩnh Linh, Quảng Bình tham gia chiến đấu. Bộ Tổng tham mưu đưa hai đại đội pháo của tiểu đoàn 14, sư đoàn 304 ở Hàm Rồng vào tăng cường bảo vệ thành phố Vinh. Bộ Tư lệnh Quân khu IV đưa đại đội 24, tiểu đoàn 14, sư 341 tăng cường cho Hồ Xá (Vĩnh Linh).

Đúng như nhận định của ta, ngày 11-2-1965, máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá thị trấn Hồ Xá, khu vực Vĩnh Linh, đảo Cồn Cỏ, thị xã Đồng Hới và một số vùng phụ cận. Các lực lượng phòng không của ta bắn rơi một chiếc F8U, bắt sống thiếu tá phi công Rôbot Sumếchcơ tại đồi Lý Ninh. Tại cảng Gianh, đại đội 54 cùng các phân đội súng máy của hải quân, tự vệ ngư trường sông Gianh và dân quân các xã hai bên bờ sông cũng đánh trả quyết liệt, hạ hai máy bay Mỹ. Trong ngày 11-2-1965, quân và dân Quảng Bình bắn rơi sáu máy bay. Mũi lao lửa I bị bẻ gẫy, chúng liền chuyển sang thực hiện kế hoạch Mũi lao lửa II, đồng thời, ngày 13-2 Tổng thống L. Giônxơn chấp thuận chiến dịch ném bom toàn bộ miền Bắc liên tục nhằm “bẻ gẫy ý chí của Hà Nội” với mật danh Sấm Rền (Rolling Thunder). Kế hoạch này được tiến hành từ ngày 2-3-1965. Mở đầu kế hoạch Sấm Rền, 14 giờ 47 phút, Mỹ huy động 164 lần/chiếc máy bay từ các tàu sân bay chia thành nhiều tốp, theo nhiều hướng, ồ ạt tiến công căn cứ hải quân ở sông Gianh hòng tiêu diệt các tàu chiến và cơ sở cầu cảng của Hải quân Việt Nam để bảo đảm an toàn cho hải quân Mỹ khi đánh phá miền Bắc. Các lực lượng phòng không trên các tàu 161, 167, 171, 173, 175, đại đội 24, phân đội súng máy của đại đội 47 (thuộc Hải quân) phối hợp với tự vệ ngư trường, dân quân các xã Quảng Phúc, Quảng Thuận, Thanh Trạch tập trung hoả lực đánh trả quyết liệt, bắn rơi bảy máy bay (gồm A4 và F8 ).

Từ ngày 14 đến ngày 17-3-1965, địch liên tiếp sử dụng hàng trăm lượt máy bay mở rộng phạm vi đánh phá ra đến vĩ tuyến 19. Chúng tập trung vào các mục tiêu quan trọng như doanh trại quân đội, kho tàng.... Quân khu IV phải huy động hàng trăm xe ôtô cùng hàng ngàn người bốc dỡ, vận chuyển, sơ tán 4.700 tấn hàng về các kho dã chiến, chuyển 8.815 tấn vật chất phục vụ yêu cầu chiến đấu trên địa bàn quân khu, tiếp nhận 8.250 tấn hàng hoá của Tổng cục Hậu cần giao. Quân khu còn điều chỉnh lực lượng pháo cao xạ theo hướng tập trung bảo vệ những mục tiêu chủ yếu, phát động phong trào bắn máy bay rộng khắp ở các đơn vị địa phương...

Hưởng ứng phong trào này, ngày 15-3-1965, tổ dân quân xã Diễn Hùng do Tô Đức Hùng chỉ huy, bắn rơi một máy bay địch, mở đầu cho phong trào bắn máy bay bằng súng bộ binh trên miền Bắc.

Ngày 23-3-1965, máy bay địch đánh phá trận địa đại đội 11 rađa. Phân đội súng máy 14,5 ly và các tổ súng trường của đại đội phối hợp với lực lượng phòng không Vĩnh Linh kịp thời nổ súng. Ngay từ những phút đầu, một máy bay F105 của địch bị bắn rơi. Địch lao vào đánh phá ác liệt hơn. Bom rơi trúng trận địa, một số chiến sĩ hy sinh, song cả đại đội 11 vẫn không rời tay súng. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm xuất hiện như chính trị viên đại đội Ngô Ngọc Diệp, chiến sĩ quan sát Phan Sĩ Yên, pháo thủ Mạnh Trọng Hảo.... Sau một giờ chiến đấu, trên bầu trời Vĩnh Linh, quân và dân ta đã bắn rơi bảy máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Hôm sau, ngày 24-3-1965, địch lại cho 24 máy bay đánh phá trạm rađa Đồng Hới do đại đội rađa 12 đóng giữ. Dự đoán được kế hoạch đánh phá của địch, trước đó đại đội 12 bí mật di chuyển khỏi trận địa, thay vào đó, một trận địa rađa giả. Tiểu đoàn 8 Trường sĩ quan pháo phòng không, tiểu đoàn pháo của trung đoàn 280 cùng lực lượng phòng không địa phương khẩn trương tổ chức trận địa phục kích đón đánh địch. Khi máy bay địch nhào tới oanh tạc trận địa rađa giả lực lượng phòng không của ta tới tấp bắn trả, hạ tại chỗ hai máy bay địch...

Qua ba tháng Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc với ý đồ khuất phục nhân dân ta trong vòng vài ba tháng, buộc miền Bắc ngừng hoặc giảm chi viện cho cách mạng miền Nam đã không thực hiện được. Trước tình hình đó, ngày 1-4-1965, Tổng thống Mỹ quyết định leo thang chiến tranh bằng việc cho phép không quân Mỹ đánh phá hệ thống cầu, cống, bến phà và nhiều mục tiêu từ vĩ tuyến 20 trở vào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:21:09 pm »


Về phía ta, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo tăng cường lực lượng pháo phòng không cho Quân khu IV và các thành phố trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Quân chủng Phòng không-Không quân mạnh dạn sử dụng không quân khi cần, tích cực cơ động các đơn vị pháo phòng không, chủ động tổ chức trận địa phục kích, tạo yếu tố bất ngờ, đánh thắng địch giòn giã hơn nữa. Trong sử dụng lực lượng, lấy bảo vệ giao thông làm nhiệm vụ hàng đầu, chú trọng tập trung lực lượng vào các trọng điểm giao thông. Theo phương hướng đó, Quân chủng Phòng không-Không quân khẩn trương hoàn chỉnh các phương án tác chiến và thành lập hai trung đoàn tên lửa đất đối không, xây dựng trung đoàn 910 không quân thành trường huấn luyện chiến sĩ lái máy bay, khẩn trương xây dựng trung đoàn không quân tiêm kích 923, tiểu đoàn thông tin 26 thành trung đoàn 26 thông tin không quân.

Trong điều kiện bảo vệ mục tiêu trên diện rộng, Bộ Tư lệnh quân chủng quyết định điều chỉnh việc bố trí lực lượng cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ: trung đoàn 228 từ Thanh Hoá được điều về tăng cường bảo vệ Hà Nội và cơ động tác chiến trên hướng đường số 5 và tả ngạn sông Hồng; trung đoàn 212 từ Xuân Mai về tăng cường bảo vệ Hà Nội và cơ động tác chiến trên hướng tây-nam Hà Nội; một đại đội của trung đoàn 218 về tăng cường bảo vệ Nam Định…

Hàm Rồng được xác định là một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Tại đây, ta bố trí hai đại đội pháo 57 ly của trung đoàn 234, hai đại đội pháo 37 ly của Quân khu III, một đại đội súng máy cao xạ 14,5 ly của sư đoàn 304 bộ binh và lực lượng phòng không trên tàu hải quân đậu ở sông Mã. Dọc các tuyến giao thông huyết mạch, bộ đội phòng không của chủ lực, địa phương, dân quân, tự vệ tập trung bố trí ở các bến vượt, cầu phà. Do vị trí đặc biệt quan trọng của cầu Hàm Rồng, khi soát lại các phương án đánh địch, đêm 1-4-1965, Bộ Tư lệnh Quân chung Phòng không-Không quân quyết định sử dụng lực lượng không quân tiêm kích hiệp đồng với các lực lượng phòng không ở mặt đất quyết tâm bảo vệ bằng được trọng điểm huyết mạch này của hệ thống giao thông từ Bắc vào Nam. Cục Tham mưu quân chủng trực tiếp xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến bảo vệ cầu.

Sáng 3-4-1965, nhiều tốp máy bay đánh cầu Đò Lèn (Thanh Hoá). Ngay từ phút đầu, lực lượng phòng không của trung đoàn 234 và của địa phương đã bắn rơi một chiếc F4. 10 giờ, máy bay địch đánh phá khu vực cầu Hàm Rồng. Được lệnh của Tư lệnh quân chủng, trung đoàn không quân 921 sử dụng hai biên đội MIG 17 do Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh chỉ huy tham gia cùng lực lượng phòng không đánh địch. Sau 20 phút xuất kích, không quân ta bắn rơi hai chiếc F8 và trở về căn cứ an toàn. Trận đầu ra quân, không quân Việt Nam đã lập công xuất sắc. Chiến công này có phần đóng góp của đại đội 29 rađa dẫn đường. 12 giờ 50 phút, máy bay địch tiếp tục đánh phá cầu Hàm Rồng. Các lực lượng phòng không chiến đấu quyết liệt suốt gần hai giờ. Tổ súng máy của dân quân do Phạm Gia Huấn chỉ huy bắn rơi một máy bay địch. Kết quả trong ngày 3-4-1965, các lực lượng phòng không không quân ta đã phối hợp bắn rơi tám máy bay Mỹ. Ngày 3-4-1965 trở thành ngày truyền thông của Không quân nhân dân Việt Nam.

Nhận định địch sẽ huy động lực lượng lớn đánh phá Hàm Rồng ác liệt hơn, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân điều ba đại đội pháo phòng không thuộc trung đoàn 234 từ Nghệ An ra tăng cường bảo vệ Hàm Rồng. Ngay trong đêm 3-4, đơn vị khẩn trương tổ chức hành quân di chuyển, đến phà Ghép thì trời vừa sáng. Đại đội 4 sang được phà tiến thẳng về hướng Hàm Rồng. Số còn lại gồm 11 khẩu đội cao xạ đang lần lượt qua phà, thì 8 giờ 20 phút, máy bay Mỹ lao đến ném bom. Đang hành quân, pháo không kịp tháo khỏi xe kéo, chiến sĩ ta cứ thế đánh trả máy bay địch. Dân quân các xã Hải Châu, Hải Ninh, Hải An hai bên phà Ghép phối hợp chiến đấu cùng bộ đội. Ba mươi phút chiến đấu ác liệt, ta bắn rơi ba máy bay Mỹ, bắt một giặc lái. 9 giờ 30 phút, không quân Mỹ đánh phà Ghép lần thứ hai. Các chiến sĩ đại đội 2, đại đội 5, trung đoàn 234 và khẩu đội súng máy 14,5 ly tăng cường cho phà Ghép phối hợp với dân quân, tự vệ hai bên bờ sông Yên bắn cháy bảy máy bay Mỹ.

Cũng trong ngày 4-4 tại Hoàng Mai (Nghệ An), tiểu đoàn 8 Trường sĩ quan pháo phòng không do tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Dĩnh, chính trị viên Vũ Bá Linh chỉ huy kịp thời triển khai trận địa trên đồi cao, bắn rơi một máy bay khi chúng lao xuống đánh cầu Hoàng Mai.

Trong ngày 4-4, tại khu vực Hàm Rồng, không quân Mỹ liên tục tổ chức nhiều đợt đánh phá. Tám giờ 30 phút, máy bay địch lao vào, lập tức, chúng bị lưới lửa phòng không của ta trừng trị, 1 máy bay F105 rơi tại chỗ. 9 giờ 30 phút, không quân Mỹ đánh Hàm Rồng lần thứ hai. Chúng lao xuống ném bom, bắn phá ồ ạt hai bên cầu, núi Ngọc, chợ Chớp (Hoàng Long), cầu Tào (Hoàng Lý), Nam Ngạn (thị xã)… Lửa, khói, bom đạn kín một vùng sông nước khu vực Hàm Rồng. 10 giờ 5 phút, không quân địch đánh phá cầu Hàm Rồng lần thứ ba. Hoả lực của biên đội tàu tuần tiễu 120, 136 hải quân, các trận địa pháo của trung đoàn 228, trung đoàn 280, trung đoàn 234, tiểu đoàn cao xạ thuộc sư đoàn bộ binh 304 và hoả lực tầm thấp của dân quân Nam Ngạn, Yên Vực, Hoàng Long, Hoàng Lý, Đông Tác, tự vệ nhà máy điện tạo thành lưới lửa nhiều tầng trên bầu trời Hàm Rồng phá vỡ đội hình bay của không quân Mỹ. Trong lúc hoảng loạn, chúng ném bom bừa bãi xuống các làng mạc hai bên cầu rồi tháo lui. Cùng lúc, biên đội không quân do Trần Hanh chỉ huy được lệnh xuất kích, bất ngờ xuất hiện công kích ngay phía sau đội hình F105 của địch. Sau bốn phút không chiến, biên đội của Trần Hanh bắn rơi hai chiếc F105 “thần sấm”... Dưới bom đạn ác liệt cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang vắt qua sông Mã. Những đoàn xe vận tải, xe kéo pháo phủ kín lá ngụy trang nối đuôi nhau qua cầu hướng về Nam. Trong lúc đó ở các đảo thuộc vùng biển Quân khu IV, không quân và hải quân Mỹ cũng đánh phá dữ dội suốt ngày đêm. Tại đảo Cồn Cỏ, trong tháng 3-1965, hầu như ngày nào máy bay địch cũng đánh phá. Nguồn tiếp tế từ đất liền ra đảo bị gián đoạn. Vượt lên mọi khó khăn, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ tổ chức trồng rau quanh trận địa, bắt của, câu cá cải thiện đời sống. Chi bộ đảng trên đảo chủ trương: “Công sự hoá toàn đảo, toàn năng hoá mọi người”. Từ đất liền, quân, dân Vĩnh Linh và Khu IV ngày đêm hướng ra đảo. Nhiều đội cảm tử vượt biển tiếp tế cho Cồn Cỏ. Hàng vạn bức thư trên khắp mọi miền của Tổ quốc gửi ra động viên cán bộ, chiến sĩ Cồn Cỏ-những người đứng vững trước mọi thử thách và trở thành niềm tự hào của quân, dân Vĩnh Linh cũng như trong cả nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:22:03 pm »


Ngày 12-4-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ “đã chiến đấu liên tục và rất dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay và đánh đuổi tàu biệt kích Mỹ... xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta”1.

Cùng với hành động đánh phá miền Bắc, ngày 8-3-1965, Mỹ đưa hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ vào Đà Nẵng. Đây là những đơn vị chiến đấu Mỹ đầu tiên được đưa đến miền Nam. Cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam đến đây, trên thực tế, đã có những nhân tố của một cuộc chiến tranh cục bộ.

Trước tình hình đó, từ ngày 25 đến 27-3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 11 và ra nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cách mạng. Hội nghị nhận định: “Từ hơn một năm nay, cuộc đấu tranh yêu nước, cách mạng của đồng bào miền Nam đã tiến bộ rất nhanh, thu được những thắng lợi ngày càng lớn, cuộc chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ ngày càng bị khủng hoảng và thất bại nghiêm trọng”. “Đế quốc Mỹ đã thấy rõ là chúng có thể bị thất bại hoàn toàn nếu không thay đổi chính sách, cho đến cả thay đổi chiến lược của cuộc chiến tranh đặc biệt của chúng ở miền Nam.... Do đó chúng đang từng bước đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ và chư hầu vào miền Nam để quyết giữ chặt một số vùng chiến lược quan trọng, ngăn chặn sự tan rã của quân đội tay sai, chống lại phong trào quần chúng ở đô thị và chúng sẽ tăng cường hoạt động với mức độ ác liệt và thâm độc hơn để cố giành lại một số mục tiêu chiến lược đã mất và cải thiện tình hình quân sự và chính trị của chúng. Đồng thời, chúng mở rộng hoạt động không quân ném bom, bắn phá miền Bắc, gây áp lực hòng làm cho ta giảm sức tiến công chúng ở miền Nam, dùng sự đe dọa mở rộng chiến tranh tạo ra một dư luận trên thế giới ép ta phải nhân nhượng chúng, ngừng cuộc đấu tranh cách mạng yêu nước ở miền Nam. Với những hành động trên đây của Mỹ, cuộc chiến tranh đặc biệt của chúng ở miền Nam đã được đẩy tới mức độ cao, bao gồm một số yếu tố của chiến tranh cục bộ và chiến tranh đã vượt khỏi phạm vi miền Nam lại đến miền Bắc, trước mắt với hình thức ném bom, bắn phá bằng không quân”2.

Những âm mưu và hành động mới của Mỹ đã làm cho tình hình Việt Nam từ một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hoà bình đã chuyển thành tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền. Vấn đề đặt ra lúc này là phải động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cả hai miền, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, quyết chiến thắng cho kỳ được cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam, tích cực đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân, hải quân của địch ngày càng ác liệt hơn trên miền Bắc, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng đối phó để có thế thắng địch nếu chúng biến chiến tranh ở miền Nam hiện nay thành chiến tranh cục bộ, hoặc chúng gây ra chiến tranh cục bộ ở cả hai miền Nam, Bắc.

Xuất phát từ những nhận định trên đây, Hội nghị đề ra nhiệm vụ cho quân và dân ta trên cả hai miền là: “Tích cực kiềm chế và thắng địch trong cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức cao nhất ở miền Nam, ra sức tranh thủ thời cơ, tập trung lực lượng của cả nước giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra; tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả bằng không quân và hải quân của địch, chuẩn bị sẵn sàng để đánh bại địch trong trường hợp chúng đưa cuộc chiến tranh phá hoại hiện nay đến một trình độ ác liệt gấp bội, hoặc chuyển nó thành một cuộc chiến tranh cục bộ ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam, ra sức giúp đỡ cách mạng Lào”3. Trong tình hình cả nước có chiến tranh với mức độ và hình thức khác nhau, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương xác định: “Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn nhưng hậu phương ấy cũng đang có chiến tranh hạn chế và đang trực tiếp chiến đấu”4. Vì vậy, Hội nghị Trung ương quyết định chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc vào thời chiến để một mặt phù hợp với tình hình địch đánh phá, mặt khác, đáp ứng yêu cầu phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong Hội nghị này, Trung ương đề ra đẩy mạnh công tác đấu tranh ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới, làm rõ chính sách và hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, cuộc đấu tranh của nhân dân ta là chính nghĩa.

Bằng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, Đảng ta đã chuẩn bị trước một bước cho nhân dân ta về tư tưởng, tổ chức để chủ động đối phó với những tình huống phức tạp của chiến tranh, thể hiện tư duy sắc sảo của Đảng ta mà tập trung là Ban Chấp hành Trung ương trong việc đề ra đường lối, chỉ đạo của kháng chiến, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua các bước ngoặt của chiến tranh, chủ động tiến lên giành những thắng lợi lớn hơn.
_______________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.11 tr.436.
2. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 (Khoá III) tháng 3-1965, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, số TW 816.
3, 4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, tldd.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:22:42 pm »


Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11, ngày 27-4-1965, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thị cho các chiến trường đẩy mạnh tác chiến của bộ đội chủ lực, mở những đợt hoạt động và chiến dịch cùng một lúc trên nhiều hướng, kết hợp tiến công quân sự với khởi nghĩa của quần chúng ở từng khu vực nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền... để chuẩn bị điều kiện đối phó và quyết thắng địch nếu chúng mở rộng thành chiến tranh cục bộ.

Tại miền Nam, Trung ương Cục chủ trương: tiếp tục tạo thế, tạo lực, đẩy mạnh tiến công trên các mặt trận, các địa bàn, làm phá sản kế hoạch bình định có trọng điểm, đánh qụy quân chủ lực ngụy, góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt, tạo thế chủ động chiến trường, sẵn sàng trong tư thế đánh Mỹ nếu chúng liều lĩnh gây ra cuộc chiến tranh cục bộ.

Thực hiện chủ trương đó, Bộ chỉ huy quân sự miền quyết định mở tiếp đợt hoạt động xuân-hè 1965 trọng điểm là chiến dịch tiến công Đồng Xoài, nhằm đánh qụy quân ngụy trước khi Mỹ tăng quân vào miền Nam. Địa bàn chiến dịch trải rộng gần 1.000 km2 bao gồm các tỉnh Phước Long, Bình Long (hướng chính), Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh, Biên Hoà, Bà Rịa (hướng phối hợp). Sau chiến dịch Bình Giã, đây là lần thứ hai ta sử dụng một lực lượng tương đối lớn gồm bốn trung đoàn1, hai tiểu đoàn, và một số đơn vị đặc công, hoả lực phối hợp với lực lượng địa phương mở chiến dịch trên một khu vực rộng. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí Lê Trọng Tấn, chỉ huy trưởng, Trần Độ chính uỷ, Hoàng Cầm, chỉ huy phó, tham mưu trưởng.

Đêm ngày 10 rạng ngày 11-5-1965, chiến dịch bắt đầu. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 1 (Q761) chủ lực miền, tiểu đoàn 840 của Quân khu miền Đông và lực lượng pháo binh, đặc công tiến công tiểu khu Phước Long (thị xã Phước Long). Cùng lúc, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 2 (Q762) và một đại đội thuộc trung đoàn 1 nổ súng tiến công chi khu Phước Bình.

Tại thị xã Phước Long, ngay trong đêm, bộ đội ta chiếm được khu truyền tin, kho xăng, khu cảnh sát, đồn bảo an... Lực lượng đặc công, sau khi chiếm dinh tỉnh trưởng, phát triển sang khu cư xá Mỹ, tiêu diệt 28 tên cố vấn.

Ở Phước Bình, chỉ sau 25 phút chiến đấu, ta làm chủ chi khu.

Được tin Phước Long thất thủ, ngụy quyền Sài Gòn lập tức điều quân đến ứng cứu, giải toả. Song các đường giao thông số 13, số 14 đều bị cắt đứt; thêm vào đó, bộ đội địa phương liên tiếp đánh chặn ở nhiều nơi, địch không thực hiện được phương án giải toả bằng đường bộ, chúng buộc phải dùng trực thăng đổ quân ứng cứu. Sau khi được tăng viện, địch tổ chức phản công hòng chiếm lại Phước Long. Trong cuộc chiến đấu đó, ta đánh lui sáu đợt phản công của địch, diệt hai đại đội thuộc tiểu đoàn 36 biệt động (trong đó có tên tiểu đoàn trưởng), bắn rơi 13 máy bay.

Hướng Phước Bình, lúc 9 giờ ngày 11-5-1965, tiểu đoàn 34 biệt động quân được không vận xuống Hiếu Phong cách thị xã 12 đến 14 km về phía đông-nam. Từ đây, địch hành quân lên Phước Bình. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho trung đoàn 2 và 3 xuất kích, nhưng khi trung đoàn 2 vận động đến sân bay Phước Bình, thì địch đã rút hết. Ta mất thời cơ tiêu diệt địch.

Ngày 12-5-1965, lực lượng ta rút khỏi thị xã Phước Long.

Trên hướng phối hợp ngày 15-5, trung đoàn 4 tổ chức phục kích trên đường số 20, diệt hai đại đội bảo an, phá huỷ 20 xe quân sự. Trên các đường số 20, 13, 14, ta phá sập 12 cầu, buộc địch phải đưa ba tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 43 và 48 đến giải toả, khôi phục các trục giao thông này.

Đợt một chiến dịch Đồng Xoài kết thúc, Quân ủy miền và Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: khu vực chủ yếu địch còn cố giữ là Chơn Thành, Đồng Xoài, thị xã Phước long, Bình Long, Bù Đốp, trong đó Đồng Xoài giữ vị trí có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Đồng Xoài (còn gọi là Đôn Luân) ở nam thị xã Phước Long 35km. Đây là khu vực nằm trùm lên ngã tư quốc lộ số 14 và tỉnh lộ số 2, là cứ điểm mạnh trong tuyến phòng thủ sông Bé bảo vệ phía bắc Sài Gòn. Từ Đồng Xoài, địch có thể khống chế cả khu vực Phước Long, Bình Long, Châu Thành, Đồng Phú. Do đó tại Đồng Xoài, địch bố trí nhiều đơn vị thiện chiến với tổng số gần 2.000 tên, có pháo binh, cơ giới yểm trợ.

Bộ chỉ huy chiến dịch chọn Đồng Xoài làm khu vực quyết chiến chiến dịch và trận đánh chi khu Đồng Xoài là trận then chốt quyết định. Ta tập trung lực lượng vào Đồng Xoài gồm trung đoàn 2, tăng cường thêm tiểu đoàn 2 của trung đoàn 3 chủ lực miền, bộ đội địa phương tỉnh Bình Long, Phước Long và du kích các xã.
_______________________________________
1. Gồm trung đoàn 1 (Q761), t.rung đoàn 2 (Q762), trung đoàn 3 (mới thành lập sau chiến dịch Bình Giã) và trung đoàn 4 (tức là trung đoàn Đồng Nai, trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu miền Đông, thành lập ngày 2-3-1965).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:23:19 pm »


Sau một thời gian tìm hiểu tổ chức bố phòng cũng như quy luật hoạt động của địch ở khu vực Đồng Xoài, đêm 9-6-1965, bộ đội ta bắt đầu hành quân chiếm lĩnh trận địa. Trong quá trình triển khai đội hình chiến đấu, địch báo động bất ngờ, tiểu đoàn 2 làm nhiệm vụ mở cửa tưởng bị lộ liền nổ súng. Trước tình huống ngoài dự kiến, ban chỉ huy trung đoàn 2 lập tức ra lệnh tiến công sớm hơn dự định 70 phút. Trận đánh kéo dài và ngày càng trở nên ác liệt vì địch được tăng viện thêm tám đại đội. Ngoài ra, có nhiều bãi mìn, hàng rào dây kẽm gai trước trận địa địch được chúng bí mật bố trí xây dựng thêm, mà trước đó ta không phát hiện. Chi khu lại có đồn bảo an và đồn biệt động quân, khi bị tiến công, lực lượng địch ở hai đồn chi viện cho nhau rất đắc lực, gây cho ta nhiều thương vong. Các chiến sĩ tiểu đoàn 2 phải đối phó với lưới lửa dày đặc của địch trong gần hai tiếng đồng hồ mới khai thông được cửa mở. Khi ta tiêu diệt được đồn bảo an, thì trời gần sáng. Lúc này ở khu biệt động quân, tiểu đoàn 1 lợi dụng thời cơ địch lo đối phó với tiểu đoàn 2 tiến đánh đồn do quân biệt động đóng giữ, một số bị diệt, một số ra hàng. 4 giờ sáng ngày 10-6-1965, quân ta làm chủ đại bộ phận cứ điểm Đồng Xoài. Địch co về sở chỉ huy, nhà cố vấn, dựa vào hầm ngầm cố thủ chống cự. Ta trụ lại bao vây. Trưa ngày 10-6-1965, địch dùng máy bay đổ tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 7, sư đoàn 5 ngụy xuống Thuận Lợi hòng giải vây cho Đồng Xoài. Trung đoàn 1 nhanh chóng vận động đến bao vây tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch vừa đổ xuống. 15 giờ, địch lại đổ tiểu đoàn 52 biệt động quân xuống một khu vực cách Đồng Xoài 2km về phía đông nhằm phản kích chiếm lại Đồng Xoài. Một đại đội của trung đoàn 1 đã đánh chia cắt đội hình địch, diệt gọn đại đội đi đầu, buộc số còn lại tản vào rừng.

Sáng 11-6-1965, địch tiếp tục đưa tiểu đoàn 7 nhảy dù, tiểu đoàn 46 biệt động quân thuộc sư đoàn 5 cùng một đại đội pháo 105 ly tới Đồng Xoài. Ngày 12-6, tiểu đoàn 7 nhảy dù từ Đồng Xoài hành quân lên Thuận Lợi để thu lượm tàn binh và xác đồng bọn. Trung đoàn 1 bố trí sẵn trận địa phục kích, bất ngờ nổ súng, khiến đội hình địch bị rối loạn ngay từ đầu. Sau một giờ 40 phút chiến đấu, trung đoàn 2 tiêu diệt tiểu đoàn nhảy dù 7, bắt 30 tên. Đây là tiểu đoàn nhảy dù thứ hai thuộc lực lượng cơ động chiến lược của quân ngụy bị xoá sổ. Dự kiến địch sẽ còn đổ quân để giải toả những khu vực bị ta đánh chiếm, Bộ chỉ huy chiến dịch cho điều chỉnh lại đội hình chiến đấu của trung đoàn 1 và 2, sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn. Trong ngày 13-6, địch chỉ đổ một tiểu đoàn xuống Đồng Xoài. Nhưng ngày sau đó, địch không hành quân, chỉ cho một bộ phận thám báo sục sạo, thăm dò cách bố trí của lực lượng ta. Ngày 17-6, địch rút khỏi Đồng Xoài. Đến đây, nhiệm vụ tiêu diệt chi khu Đồng Xoài và viện binh xung quanh chi khu đã hoàn thành. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc đợt hai, củng cố lực lượng, chuẩn bị cho đợt ba chiến dịch.

Trong đợt ba, ta tiếp tục giành thắng lợi, tiêu diệt và đánh thiệt hại ba tiểu đoàn chủ lực ngụy, làm chủ hoàn toàn cứ điểm Đồng Xoài. Về thất bại này, Tài liệu mật Bộ quốc phòng Mỹ ghi nhận: “Tháng 6-1965, Việt cộng tiến công một tiền đồn ở Đồng Xoài và khi quân tiếp viện của chính phủ được đưa đến nhỏ giọt, họ bị kẻ địch ngốn hết”1. “Việt cộng chiếm được thị xã và khu cố vấn Mỹ, gây thương vong nặng nề” và “cơn bão đã nổi lên thật sự”2.

Chiến thắng Đồng Xoài có ý nghĩa rất quan trọng, nó góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Nam Bộ có lợi cho ta. Sau chiến thắng này, trung đoàn 2 chủ lực miền được vinh dự mang tên Trung đoàn Đồng Xoài.

Phối hợp với Đồng Xoài, trên chiến trường Khu V, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh quân khu chủ trương tập trung chủ lực, mở đợt hoạt động hè trên ba hướng: bắc Quảng Ngãi, nam Tây Nguyên và tây Gia Lai- bắc Kon Tum.

Trên hướng bắc Quảng Ngãi, trọng điểm của đợt hoạt động ở đồng bằng, ta mở chiến dịch Ba Gia (còn gọi là chiến dịch tây Sơn Tịnh). Địa bàn chiến dịch gồm ba huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thị xã Quảng Ngãi, trong đó Ba Gia là điểm quyết chiến then chốt.

Cứ điểm Ba Gia (Gò Cao) nằm án ngữ phía tây huyện Sơn Tịnh. Nó cùng với cứ điểm Hà Thành (huyện Sơn Hà) và Trà Bồng tạo thành khu tam giác phòng ngự phía tây tỉnh Quảng Ngãi. Đóng giữ cứ điểm này là tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 ngụy. Bên cạnh lực lượng ở Ba Gia, địch còn bố trí tiểu đoàn 2 đứng chân tại thị xã Quảng Ngãi, tiểu đoàn 3 (trung đoàn 51) đứng chân ở Châu Ổ (Bình Sơn), hai tiểu đoàn biệt động 37 và 39 thuộc lực lượng cơ động Vùng I chiến thuật sẵn sàng ứng cứu bất cứ lúc nào.

Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch có trung đoàn 1 bộ binh (chủ lực Quân khu V) với ba tiểu đoàn 40, 60, 90 được tăng cường một tiểu đoàn trợ chiến, tiểu đoàn 45 độc lập do trung đoàn trưởng Lê Hữu Trữ và chính uỷ Nguyễn Đình Trọng chỉ huy tiến công trên hướng chủ yếu. Tiểu đoàn 83, bộ đội địa phương tỉnh cùng hai đại đội địa phương huyện và dân quân, du kích đảm nhiệm hướng thứ yếu. Đồng chí Chu Huy Mân, tư lệnh kiêm chính uỷ quân khu, trực tiếp làm tư lệnh chiến dịch.
_______________________________________
1, 2. Tài liệu mật Bộ quốc phòng Mỹ, t.2, tlđd, tr.68, 88.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:23:57 pm »


Đêm 28-5-1965, các lực lượng tham gia chiến dịch bắt đầu hành quân chiếm lĩnh các khu vực ém giấu quân: tiểu đoàn 90 ở Minh Thành, tiểu đoàn 60 ở Vĩnh Lộc 1 (nam đồi Chóp Nón), tiểu đoàn 40 ở Duyên Phước 4 (đông núi Khỉ), tiểu đoàn 45 ở Vinh Khánh. Sở chỉ huy trung đoàn đóng ở Núi Thành (mỏm Hóc Khoai). Riêng tiểu đoàn 83 bộ đội địa phương tỉnh được lệnh bí mật áp sát quận lỵ Nghĩa Hành.

Theo kế hoạch chiến dịch, ngay trong đêm 28-5, ta tập kích đại đội cơ động của địch ở Duyên Phước, kéo địch từ đồn Ba Gia ra ứng cứu. Nhưng trước đó không lâu, đại đội này đã di chuyển về Núi Tròn. Ta thay đổi kế hoạch, dùng một trung đội bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh tập kích vào hai trung đội dân vệ ở làng Phước Lộc, buộc đại đội đóng ở Núi Tròn phải quay về ứng cứu, tạo điều kiện cho đại đội 2 tiểu đoàn 90 phục kích tiêu diệt, Thực hiện kế hoạch đó, ngày 29-5-1965, trinh sát đặc công của trung đoàn 1 phối hợp với một trung đội bộ đội địa phương huyện Sơn Tịnh đánh địch ở Phước Lộc. Địch cố thủ chờ quân ứng cứu. Pháo binh địch từ Ba Gia bắn vào làng Phước Lộc chi viện cho đồng bọn và đại đội địch đóng ở Núi Tròn quay về ứng cứu cho lực lượng dân vệ. Nguyễn Văn Ngọc - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 50 ngụy cùng một thiếu tá, một trung uý cố vấn Mỹ dẫn hai đại đội còn lại của tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 51 từ Gò Cao (Ba Gia) tiến xuống Diên Niên, Lộc Thọ đánh vào đội hình tiến công của trung đoàn 1. Nhưng tiểu đoàn 90 (trung đoàn 1) giấu quân trong các xóm của xã Sơn Nam kịp thời xuất kích vận động tiếp cận địch. 9 giờ 50 phút, toàn bộ tiểu đoàn địch đã bị ta bao vây. Các chiến sĩ trung đoàn 1 nổ súng chặn đầu, khoá đuôi. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch hoàn toàn rối loạn. Quân ta dũng mãnh xung phong diệt từng tốp địch. Hai tên cố vấn bị bắn chết tại chỗ. Tên đại uy tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Ngọc bị bắt sống. 10 giờ 45 phút, trận đánh kết thúc, toàn bộ tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 ngụy bị tiêu diệt. Trong năm giờ ngày mở đầu chiến dịch, ta diệt gọn một tiểu đoàn chủ lực ngụy, hai trung đội dân vệ; giết và làm bị thương 270 tên (có hai tên Mỹ), bắt 217 tên (có một đại uý tiểu đoàn trưởng, 39 sĩ quan và hạ sĩ quan). Ta thu hơn 200 súng, phá hỏng một pháo 105 ly, 4 xe GMC, một xe Jep. Cùng ngày, trên hướng thứ yếu ở phía nam sông Trà Khúc, tiểu đoàn 83 bộ đội địa phương tỉnh bao vây và tiến công chi khu quận lỵ Nghĩa Hành, uy hiếp địch đóng ở quận lỵ Tư Nghĩa, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang tại chỗ diệt ác, phá kìm. Được tin tiểu đoàn 1 trung đoàn 1 bị diệt, đồn Ba Gia không còn lực lượng đóng giữ, ngay chiều 29-5-1965, Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật, điều động ngay tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến (thuộc lực lượng dự bị chiến lược), đang càn quét ở Đức Phổ, tiểu đoàn 37, 39 biệt động quân (lực lượng cơ động Vùng I chiến thuật), tiểu đoàn 2 (thuộc trung đoàn 51 sư 25) và một chi đoàn M113 tổ chức thành một chiến đoàn mạnh tập kết ở thị xã Quảng Ngãi chuẩn bị hành quân giải toả áp lực của ta và tiến công chiếm lại Ba Gia.

Suốt buổi chiều ngày 29, trên bầu trời huyện Sơn Tịnh không lúc nào ngót tiếng máy bay địch lồng lộn gầm rú, ném bom dọn đường. Mặt đất mù mịt khói lửa bom đạn và rung chuyển dữ dội. Khi màn đêm vừa buông xuống, đèn dù, pháo sáng địch soi tỏ các cánh đồng, máy bay C130 quần lượn bắn xăm từng bờ tre, mô đất, tưởng chừng không một người nào có thể trụ lại được. Dưới bom đạn ác liệt và sự kiểm soát gắt gao của địch, bộ đội ta vẫn bền gan bám trụ, bình tĩnh điều chỉnh, bố trí lại thế trận, củng cố, phát triển công sự, hầm hào, chuẩn bị cho trận đánh mới. Nhân dân Ba Gia, những người đã từng dẫn đường, che giấu bộ đội giấu quân đêm trước, nay từ trong các xóm làng xơ xác vì bom đạn địch, họ đổ ra các cánh đồng Diên Niên, Lộc Thọ, An Thành tiếp tế cơm nước, giúp bộ đội đào công sự, ngụy trang trận địa, tìm kiếm thương binh đem về nuôi dưỡng, mai táng tử sĩ. Sự phối hợp chiến đấu đó của nhân dân Ba Gia đã động viên tinh thần chiến đấu, tăng thêm sức mạnh cho bộ đội. Đó là một trong những nhân tố rất quan trọng, góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt của chiến dịch tiến công Ba Gia.

Sáng ngày 30-5-1965, đại bác địch từ các nơi bắn cấp tập vào khu chiến. Tiếp theo hàng trăm máy bay các loại từng tốp luân phiên nhau đến ném bom xuống hai bên đường số 5 (đoạn Sơn Tịnh đi Hà Thành) dọn đường cho bộ binh, xe tăng phản kích. Mặc cho bom đạn ác liệt, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 1 vẫn không nao núng, họ ẩn mình trong các công sự, dõi theo từng hành động của địch, sẵn sàng nổ súng. 9 giờ 30 phút, 20 xe GMC, 12 xe M113 chở chiến đoàn hỗn hợp vừa mới được thành lập từ quận lỵ Sơn Tịnh tiến lên Ba Gia. Lực lượng địch chia làm hai cánh: Cánh chủ yếu gồm tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 và tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến theo đường chính lên đánh Phước Lộc, điểm cao Mả Tổ, núi Khỉ rồi phát triển lên Gò Cao (Ba Gia). Còn lại tiểu đoàn 39 biệt động quân theo đường An Thuyết-Vĩnh Lộc-Vĩnh Khánh tiến chiếm điểm cao Chóp Nón, hình thành mũi bọc sườn tiến công vào phía sau trận địa của ta.

Từ đài quan sát trên đỉnh núi Khỉ, ban chỉ huy trận đánh theo dõi, nắm chắc ý đồ của địch, kịp thời ra lệnh cho tiểu đoàn 45 đang bố trí ở phía sau làng Vĩnh Khánh xuất kích tiến công vào cánh quân bọc sườn của địch. 13 giờ tiểu đoàn 39 biệt động quân đến chân điểm cao Chóp Nón, tiểu đoàn 2 (trung đoàn 51) và tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến đến làng Phước Lộc. Tiểu đoàn 60 (trung đoàn 1) của ta bố trí ở đồi Mả Tổ dùng một đại đội đánh chặn địch đang cố leo lên đỉnh Chóp Nón. Cùng lúc, các chiến sĩ tiểu đoàn 45 tiến công vào phía sau đội hình tiểu đoàn 89 biệt động quân.

Nghe súng nổ ở bên sườn, cánh quân của địch trong làng Phước Lộc vội vã chiếm giữ các chiến hào, tiến đánh lên điểm cao Mả Tổ và đồi 47 nhằm chiếm vị trí khống chế không gian khu chiến, yểm trợ cho đồng bọn chiếm núi Chóp Nón. Nhưng cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 60 (trung đoàn 1) từ Vĩnh Lộc kịp vận động ra đánh vào tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến ở điểm cao 47 và đồi Mả Tổ. Trong khi đó, tiểu đoàn 40 từ chân núi Khỉ nhanh chóng hình thành hai mũi bao vây tiến công vào tiểu đoàn 2 trung đoàn 51 ở rìa phía tây làng Phước Lộc. Máy bay địch tới tấp dội bom, bắn phá, hòng cứu nguy đồng bọn ở dưới đất. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Bộ đội ta bám từng mô đất từng công sự, yểm trợ cho nhau liên tục tiến công vào quân địch suốt trong hai tiếng đồng hồ. Kết quả, ta tiêu diệt phần lớn tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2, trung đoàn 51 ngụy. 19 giờ lực lượng còn lại của địch co cụm ở núi Chóp Nón, điểm cao 47, đồi Mả Tổ, làng Phước Lộc. Tình thế đặt ra cho ta phải liên tục tiến công mới tiêu diệt được quân địch. Mặc dù, sau một ngày chiến đấu ác liệt, bộ đội mệt mỏi, với tinh thần: “Chưa diệt hết địch, chưa dừng nghỉ ngơi”1, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 1 ăn cơm lấy sức và khẩn trương xốc lại đội hình, bí mật vận động bám sát các vị trí địch. Ngay trong đêm 30 rạng ngày 31, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 60 tiến công bất ngờ vào điểm cao 47 và đồi Mả Tổ. Tiểu đoàn 3 thuỷ quân lục chiến của địch chiếm giữ ở đây mất sức chiến đấu trong trận đánh chiều ngày 30, chống đỡ yếu ớt, bộ đội ta diệt nhanh gọn, bắt sống toàn bộ, làm chủ trận địa.
_______________________________________
1. Khẩu hiệu hành động của bộ đội trong chiến dịch tây Sơn Tịnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:24:32 pm »


Ở làng Phước Lộc, tiểu đoàn 2 của trung đoàn 51 ngụy quân số còn đông, chúng dựa vào hầm hào có sẵn trong ấp chiến lược, chống cự quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 40 phải giành giật từng đoạn chiến hào, đánh bật địch khỏi từng công sự. Cả hai bên đều bị thương vong nhiều. Không hề nao núng, bộ đội ta bám chắc trận địa, tổ chức yểm hộ cho nhau diệt từng tốp địch, chiếm từng mục tiêu, số địch còn lại phải rút khỏi làng Phước Lộc.

Ở núi Chóp Nón, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 45 của trung đoàn 1 có pháo binh chi viện, tiến công đánh chiếm điểm cao khống chế lợi hại này. Sau đợt pháo, cối bắn phá các mục tiêu, bộ đội ta xung phong. Quân địch ở đây còn sung sức có lợi thế cao, liều mạng chống trả. Trận chiến đấu diễn ra giằng co ác liệt. Chiến sĩ ta dùng tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê đánh gần. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 3 giờ 30 phút ngày 31 mới kết thúc. Tiểu đoàn 31 biệt động quân bị tiêu diệt. Trời hửng sáng, trung đoàn 1 của ta làm chủ trận địa. Trên cánh đồng Ba Gia nhân dân trong các thôn xóm toả ra chuyển thương binh, tử sĩ, cùng bộ đội thu dọn chiến trường.

Ròng rã ba ngày chiến đấu liên tục, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, bộ đội ta tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng bốn tiểu đoàn địch, trong đó diệt một chiến đoàn ngụy, bẻ gãy cuộc hành quân lớn nhằm giải toả Ba Gia. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Khu V, một trung đoàn chủ lực của ta tiêu diệt một chiến đoàn hỗn hợp tinh nhuệ của địch (916 tên địch bị diệt, có bốn cố vấn Mỹ, 65 tên bị bắt; ta thu 200 súng các loại). Chiến thắng Ba Gia thể hiện sự lớn mạnh vượt bậc, tài nghệ đánh tiêu diệt của khối chủ lực Quân giải phóng. Về trận Ba Gia, tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ thú nhận: “Cuối tháng 5 (1965), ở tỉnh Quảng Ngãi thuộc bắc phần Nam Việt, một tiểu đoàn quân Chính phủ cộng hoà bị đánh bại ở gần Ba Gia, phía tây Quảng Ngãi. Lực lượng cứu viện cũng bị phục kích... Trận này kéo dài trong mấy ngày kết thúc bằng sự thất bại hoàn toàn của quân đội Việt Nam cộng hoà, hai tiểu đoàn bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một tin khẩn cấp hoặc ít nhất cũng khẩn cấp đối với một số sĩ quan cao cấp Mỹ được chứng kiến trận đó”1.

Đồng thời với chiến dịch Ba Gia (tây Sơn Tịnh), trên hướng phối hợp, đêm 30-5, một bộ phận tiểu đoàn 83 tập kích tiểu đoàn 37 biệt động quân ở quanh thị trấn sông Vệ, buộc tiểu đoàn này phải rút lên Hành Đức huyện Nghĩa Hành. Tại đây, lực lượng vũ trang địa phương ta đánh ngăn chặn, tiêu hao thêm một số, giam chân chúng tại chỗ. Hoạt động của bộ đội địa phương và du kích trên các hướng phối hợp tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia chiến dịch Ba Gia hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Cùng với hoạt động quân sự, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp trong toàn tỉnh hỗ trợ cho cuộc tiến công của lực lượng vũ trang. Ngày 3-6-1965, hơn 10 vạn nhân dân các vùng quanh thị xã và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức kéo đến các trung tâm trụ sở ngụy quyền địa phương đấu tranh đòi được biết tin tức người thân, đòi trợ cấp cho các gia đình binh sĩ thiệt mạng... làm náo loạn cả thị xã và toàn tỉnh. Chiến thắng trên mặt trận quân sự cổ vũ quần chúng ở các huyện phối hợp với du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược ở 27 xã, 27.000 dân giành quyền làm chủ.

Thắng lợi vang dội của chiến dịch Ba Gia, khiến cho chính quyền và quân đội ngụy nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi hoang mang, chúng khó có khả năng tổ chức lực lượng đánh chiếm những vùng đã mất. Trước tình hình đó, trung đoàn 1 được lệnh phân tán từng tiểu đoàn kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương, du kích tại chỗ đánh diệt lực lượng kìm kẹp, hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng một số vùng nông thôn đồng bằng thuộc các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh.
_______________________________________
1. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, tlđd, t.2, tr.88.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:24:57 pm »


Trên hướng nam Tây Nguyên, ba trung đoàn chủ lực 2, 10 và 12 vừa vào chiến trường cũng hoạt động tích cực. Đêm 25-5-1965, ta diệt cứ điểm Ama Hrok, nhưng không diệt được các đơn vị đến tiếp viện khi chúng đang hành quân trên đường số 7. Đầu tháng 6, một bộ phận trung đoàn 12 tập kích diệt cứ điểm Ea Nu, đánh quân viện, cắt đứt đoạn đường số 7 từ Mlá đi Ea Nu. Bộ phận còn lại của trung đoàn đánh địch trên đường số 19, cắt đứt đoạn từ Măng Giang đi An Khê. Trong lúc đó, trung đoàn 10 tổ chức lực lượng thọc sâu vào đường số 21, chặn đoàn xe tiếp tế của Quân đoàn 2 ngụy, diệt đại đội hộ tống, thu, đốt trên 100 tấn gạo. Đường số 19, số 7, số 21 đều bị ta cắt đứt trong cùng một thời gian, làm gián đoạn việc tiếp tế của địch cho Tây Nguyên. Đêm 7-6, ta lại tiêu diệt cứ điểm Hoành Châm, bao vây quận lỵ Thuần Mẫn, uy hiếp quốc lộ số 14 đoạn từ Plâycu đi Buôn Ma Thuộc. Bị tấn công trên nhiều hướng, địch phải cầu cứu viện binh. Ngày 30-6, một chiến đoàn đặc nhiệm gồm hai tiểu đoàn dù số 1 và số 5, tiểu đoàn 2 trung đoàn 40 sư đoàn 22 ngụy từ Cheo Reo kéo lên cứu viện. Ta bố chí trận địa phục kích cách Cheo Reo khoảng 10 km. Khi toàn bộ đội hình địch lọt vào trận địa ta, các chiến sĩ trung đoàn 2 đồng loạt nổ súng. Địch chống cự quyết liệt, tổ chức nhiều đợt phản kích phá vây. Trận đánh kéo dài đến tối vẫn không dứt điểm. Địch co cụm lại đề phòng bị tập kích ban đêm. Ta chấn chỉnh lại đội hình; 1 giờ đêm ngày 1-7, trung đoàn 2 mở trận tập kích vào toàn bộ khu vực co cụm của địch. Sau một giờ chiến đấu, ta diệt tiểu đoàn nhảy dù số 1, đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy chiến đoàn và hai tiểu đoàn còn lại.

Quân tiếp viện bị diệt, địch ở Thuần Mẫn hoảng sợ bỏ quận lỵ tháo chạy. Đồng bào các dân tộc nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng một số buôn hai bên đường số 14 từ ngã ba Mỹ Trạch đến Buôn Hồ.

Hướng Gia Lai, đêm 31-5, tiểu đoàn 952 (tiểu đoàn 407 và 545 hợp thành) tiến công tiêu diệt quận lỵ Lệ Thanh, kéo địch ra đường số 19 tây, tạo điều kiện cho trung đoàn 320 đánh trận vận động phục kích, loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn bảo an 320 (300 tên), phái đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ ngụy, bắt sống phó tỉnh trưởng Plâycu (ngày 1-6-1965). Sau đó, trung đoàn 320 bao vây trại lực lượng đặc biệt Đức Cơ, buộc địch đến cứu viện, ta phục kích diệt 40 xe. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện hỗ trợ cho du kích và nhân dân nổi dậy phá hệ thống ấp chiến lược từ Thanh An đến Đức Cơ.

Tại bắc Kon Tum, đêm 25-6-1965, trung đoàn 101 diệt cứ điểm Pôcô, đánh chiếm trại lực lượng đặc biệt Tumơrông, pháo kích quận lỵ Đắc Tô. Bộ đội địa phương Kon Tum cùng du kích diệt các chốt bảo an, dân vệ từ Đắc Tô đến Đắk Pét, giải phóng các ấp chiến lược dọc đường số 14.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trung đoàn 1, sau một thời gian phân tán hoạt động, được lệnh trở lại chiến trường cũ tiến công Ba Gia, tạo điều kiện mở mảng trên trục đường Trà Bồng, Bình Sơn. Lúc này, căn cứ Ba Gia do tiểu đoàn 1 lính cộng hoà đóng giữ và một trung đội pháo 105 ly. Đây là đơn vị mới thành lập lại sau khi tiểu đoàn 1 (cũ) bị ta xoá sổ ngày 29-5-1965 tại khu vực Phước Lộc. 1 giờ 45 phút ngày 5-7-1965, tiểu đoàn 40 và tiểu đoàn 45 bất ngờ nổ súng tiến công cứ điểm. Chỉ sau 35 phút chiến đấu quân ta làm chủ trận địa. Địch dùng máy bay ném bom, thả pháo sáng dọn đường và đổ quân xuống lấy thương binh, bốn chiếc HU1A bị bắn rơi tại chỗ, một số chiếc khác bị thương, năm tên Mỹ và 14 tên ngụy chết. Cuối ngày hôm đó, tiểu đoàn ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ta thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và quân trang, quân dụng. Đây là trận tiến công địch trong công sự vững chắc đạt hiệu quả cao của chủ lực Quân khu V.

Trong lúc tiểu đoàn 40 và 45 tiến công cứ điểm Ba Gia, tiểu đoàn 80 và 90 được giao nhiệm vụ phục kích đánh quân tiếp viện trên đường từ Trà Bồng đến Son Tịnh, Bình Sơn. Do địch không tăng viện, bộ đội chuyển sang hỗ trợ quần chúng phá ấp chiến lược, giải phóng nhiều làng dọc các trục đường giao thông...

Sau khi giành thắng lợi lần thứ hai tại Ba Gia, trung đoàn 1 rút về Vạn Tường củng cố, chuẩn bị cho thu-đông.

Ở Quảng Nam, lực lượng vũ trang tỉnh tiêu diệt sở chỉ huy dã chiến sư đoàn 2 ngụy tại trung tâm thị xã Tam Kỳ, đánh địch trên đoạn đường từ cầu An Tân ra cầu Ông Bộ, diệt hàng trăm lính ngụy và nhiều cố vấn Mỹ. Trong ngày 6-7-1965, tiểu đoàn 70 phục kích, diệt tiểu đoàn 4, trung đoàn 4, sư đoàn 2 ngụy ở Mộc Bài.

Ở Quảng Đà, ngày 28-5, tiểu đoàn 1 bộ đội địa phương tỉnh tiến công tiêu diệt hai đại đội bảo an, bảy trung đội dân vệ ở Duy Xuyên. Đêm 30-6, đặc công đánh sân bay Đà Nẵng, phá huỷ, phá hỏng 57 chiếc máy bay. Đêm 5-8 các chiến sĩ đặc công tập kích kho xăng Liên Chiểu, thiêu huỷ 19 triệu lít.

Tại Phú Yên, bộ đội địa phương đánh địch ở thị xã Tuy Hoà, và bọn bảo an, dân vệ ở núi Sầm, Hoà Vĩnh, Phú Lâm... diệt bốn tổng đoàn dân vệ và một trung đội bảo an.

Đêm 26-7, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hoà đánh sân bay Nha Trang, trường sĩ quan hải quân ngụy và quận lỵ Diên Khánh, phá huỷ 21 máy bay, diệt một số học viên sĩ quan hải quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2010, 11:25:45 pm »


Ở Lâm Đồng, lực lượng vũ trang địa phương bao vây, tiến công trại biệt kích Tân Rai buộc lực lượng đặc biệt Mỹ trong trại phải rút chạy. Ngày 27-6-1965, bộ đội tỉnh lại tiến công tiêu diệt cứ điểm B’Sar, một vị trí quan trọng khống chế cả một vùng rộng ở phía nam đèo Bao, đánh sập các cầu Đậm Mrế, Đạc Oai hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng các ấp chiến lược hai bên đường số 20, đường số 14 bis, buộc địch phải co về thị xã Bảo Lộc, Di Linh. Vùng giải phóng cực Nam Trung Bộ mở thông với Tánh Linh, Hoài Đức, Hàm Thuận...

Tại Bình Thuận, ngày 17-5-1965, bộ đội ta cải trang làm dân thường đi trên hai xe lam bất ngờ nổ súng diệt bọn lính gác cầu, chiếm trụ sở ngụy quyền Phú Long. Địch ở tiểu khu Phan Thiết đưa hai đại đội bảo an số 441 và 887 cùng năm xe M113 ra ứng cứu. Mặc dù lực lượng địch đông, nhưng bảy lần vượt sông đánh vào trận địa của ta, chúng đều bị đánh bật trở lại. Ngày 22-5, địch đưa thêm tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, một tiểu đoàn biệt động đến phản kích. Sau bốn giờ chiến đấu, ta bẻ gẫy các đợt xung phong của địch, giết, làm bị thương 150 tên.

Hệ thống kìm kẹp của địch ở Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận... bị phá vỡ. Vùng giải phóng mở rộng, kéo dài suốt dọc đường số 1 từ Lương Sơn vào đến Phú Long.

Kết thúc đợt hoạt động hè 1965, quân và dân Khu V tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá vỡ, uy hiếp nhiều khu vực phòng ngự của chúng, phá hàng trăm ấp chiến lược, đưa tổng số ấp chiến lược phá được trong toàn khu lên 2.100 ấp (trong tổng số 2.800 ấp địch đã lập) đưa số dân làm chủ lên 2,5 triệu, vùng giải phóng được mở rộng.

Thắng lợi trên đây củng cố hơn nữa thế chủ động tiến công của quân và dân trong toàn quân khu, tạo đà cho phong trào du kích cũng như phong trào phá ấp giành dân phất triển.

Ở miền Đông Nam Bộ, sau một thời gian củng cố, rút kinh nghiệm, các đơn vị chủ lực miền bước vào đợt ba chiến dịch Đồng Xoài, tiến công địch ở Bầu Bàng, Bù Đốp. Ngày 15-7-1965, trên đường số 13, trung đoàn 2 tập kích ấp chiến lược Bầu Bàng, nơi tiểu đoàn 2, trung đoàn 7, sư đoàn 5 ngụy đang đóng quân dã ngoại, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 tên, phá hỏng một số xe M113. Địch đang lo đối phó trên hướng đường số 13, thì ngày 20-7-1965, trung đoàn 1 tiến công trung tâm huấn luyện biệt kích Bù Đốp (tỉnh Phước Long). Sau ba giờ chiến đấu, ta chiếm cứ điểm, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Tuy nhiên, do lùng sục quét địch không kỹ, khi rút quân, ta bị số địch lẩn trốn bắn vào đội hình làm 20 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương. Cứ điểm Bù Đốp bị diệt; địch rút bỏ luôn Bù Gia Mập.

Sau trận Đồng Xoài, Bầu Bàng, Bù Đốp, quân chủ lực ngụy ở chiến trường Nam Bộ bắt đầu co về phòng thủ, né tránh đụng độ với chủ lực ta, mà dùng biệt kích, máy bay đánh phá vùng căn cứ cách mạng và hành lang chiến lược. Địch có bước suy yếu mới.

Trên các hướng phối hợp, trung đoàn 4 (Quân khu miền Đông) và bộ đội địa phương cùng du kích các tỉnh liên tục đánh cắt giao thông, phá sập nhiều cầu cống, góp phần ngăn chặn các cuộc hành quân giải toả bằng đường bộ của địch.

Phối hợp với hoạt động vũ trang, nhân dân các bộ tộc trong tỉnh Phước Long nổi dậy phá bung hệ thống ấp chiến lược. 56.000 trong tổng số 67.000 dân trong tỉnh giành được quyền làm chủ.

Ngày 22-7-1965, chiến dịch Đồng Xoài kết thúc thắng lợi. Trong chiến dịch này, ta loại khỏi vòng chiến đấu bốn tiểu đoàn, 24 đại đội, sáu chi đội xe cơ giới, bốn phân đội kỹ thuật với tổng số 4.459 tên, có 73 cố vấn Mỹ; thu 1.652 súng các loại, phá huỷ 60 xe quân sự, 34 máy bay, sáu đầu máy và 12 toa xe lửa. Bên cạnh những kết quả đó, thắng lợi của chiến dịch còn có ý nghĩa quan trọng. Nó đánh dấu sự trưởng thành về trình độ tác chiến, nhất là trình độ đánh tiêu diệt của Quân giải phóng, về tổ chức chỉ huy, bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày. Những trận tiến công của bộ đội chủ lực trong chiến dịch Đồng Xoài có tác dụng thúc đẩy phong trào du kích phát triển đều khắp không chỉ ở miền Đông Nam Bộ mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, hỗ trợ tích cực cho quần chúng nổi dậy phá banh, phá rã 4/5 tổng số ấp chiến lược ở Nam Bộ. Với chiến thắng này, ta buộc chính quyền Sài Gòn “phải từ bỏ chút quyền kiểm soát ít ỏi còn lại ở những vùng nông thôn phía ngoài đồng bằng sông Cửu Long”1.

Cùng với chiến thắng Ba Gia và nhiều nơi khác trong cuộc tiến công xuân-hè năm 1965, chiến thắng Đồng Xoài góp phần rất quan trọng trong việc đánh bại đội quân chủ lực ngụy, làm cho nó không đủ sức làm nòng cốt thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.


*
*   *

Cuộc tiến công hè-thu năm 1965, đỉnh cao là các chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài, làm thất bại kế hoạch Giônxơn-Mắc Namara. Trong cuộc tiến công này, đòn tiến công của chủ lực Quân giải phóng kết hợp với hoạt động quân sự rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở các tỉnh, thành đã đánh bại quân ngụy, lực lượng nòng cốt, chỗ dựa chủ yếu của Mỹ để tiến hành chiến lược chiến tranh đặc biệt, làm thất bại chương trình bình định nông thôn, đẩy chính quyền Sài Gòn càng lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị. Trong khi đó, các hoạt động phá hoại của không quân Mỹ trên miền Bắc bị giáng trả mãnh liệt, bị thiệt hại nhiều máy bay, giặc lái, không đạt được kết quả như tính toán ban đầu của Mỹ. Như thế, đến giữa mùa hè năm 1965, mặc dù Mỹ từng bước đẩy cuộc chiến tranh đặc biệt tới đỉnh cao, vượt quá mức lý thuyết và dự kiến ban đầu, nhưng rốt cuộc chiến lược chiến tranh đặc biệt đã bị phá sản, cách mạng miền Nam đang vững vàng trên thế chủ động chiến lược, so sánh lực lượng trên chiến trường đang chuyển biến nhanh chóng có lợi cho ta. Tuy đội quân chủ lực ngụy đã bị thua, có những trận bị ta tiêu diệt từng chiến đoàn, tinh thần, ý chí sa sút nhưng với số lượng còn khá đông, chưa tan rã về tổ chức, trong khi đó Mỹ dốc sức viện trợ làm cho quân ngụy hồi phục, đồng thời đưa một bộ phận quân Mỹ vào miền Nam từng bước trực tiếp tiến hành chiến tranh. Cuộc chiến đấu của quân, dân ta còn phải kéo dài, ngày càng ác liệt.
_______________________________________
1. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ, tlđd, t.2, tr.88.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM