Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:36:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Phnôm-Pênh - Bùi Cát Vũ  (Đọc 136952 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #60 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:57:25 pm »

Vì ngoài ấy có tượng hình con chim xòe cánh rất to bằng đá cẩm thạch màu gạch, nhưng khi lại gần nhìn kỹ là một loại Phượng Hoàng.

Anh Trần Nguyên Độ, phó chính ủy Binh đoàn, anh Tám Tùng, phó chủ nhiệm Chính trị cũng đã đến. Các anh đi theo đường bộ từ Neak – lương lên.

Sở chỉ huy Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đóng trong khu nhà Tòa án gần đó.

Anh em văn phòng Bộ tư lệnh cũng đã đến, chị nuôi cho chúng tôi một bữa cơm nóng có rau muống luộc và thịt hộp.

Anh Nam Phong và Bộ Tham mưu đã triển khai được hệ thống thông tin chỉ huy thông suốt đến tất cả các đoàn bộ binh và các lữ binh chủng. Anh phân công anh em vệ binh dọn cho tôi một chiếc giường sắt có đệm, có màn. Thấy là thèm đi ngủ ngay. Anh bảo: “Anh ngủ no một bữa đi, không sao đâu. Đoàn 341 đã đứng chân ở Nam Bắc cầu Mô-ni-vông và dọc theo sông Bassac, Đoàn 9 đã nối sau Sư 341 về đến Neak-lương. Lữ 24 pháo binh cũng đã bố trí trận địa xong. Phía đường 3, lực lượng bạn hướng Tây nam đã vào chiếm sân bay Pô-chen-tông trước ta. Đơn vị đi đầu của cánh quân bạn hướng Bắc cũng đã gặp Trung đoàn 14 ở cây số 7 trên đường số 5 hồi chiều. Chỉ có hướng Bầu Diều thì Đoàn 2 chưa đến kịp. Nhưng đã có Hải quân ta kiểm soát trên sông. Sáng mai sẽ cho Trung đoàn 113 và một trung đoàn của Đoàn 9 đổ bộ sang đó thì ổn. Trong nội thành thì Binh đoàn 1 đã đến đủ, đang bố trí làm dầy thêm các khu phố. Đại đội 21 thiết giáp và Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 12 làm lực lượng cơ động cũng đã tập trung ở gần đây rồi.

Nghe đến phiên hiệu Đại đội 21 thiết giáp tôi hỏi anh Nam Phong:
- Mình có điện thoại với Đại đội 21 không?
- Được, anh muốn gọi tôi gọi cho.

Khi đầu dây bên kia có người trả lời tôi hỏi:
- Đồng chí cho biết, đồng chí hy sinh trong chiếc M113 trên đường Mô-ni-vông tên là gì vậy?
- Báo cáo thủ trưởng đồng chí ấy tên là Thương ạ!
- Gì Thương?
- Đinh Văn Thương.
- Có phải Thương ở Tuyên Hóa, Bình Trị Thiên không?
- Vâng, Đúng ạ!
- Đã đưa anh em về nước chưa?
- Đưa hồi chiều.

Tôi buông ống nghe, ngồi thừ người, ôm đầu:
“Cha mẹ đã đặt cho em một tên Thương, tên em nhiều ý nghĩa xúc động quá, Thương ơi!”.

Chắc anh Nam Phong và anh em xung quanh không hiểu tại sao tôi lại buốn nhiều đến thế.

X
ĐÊM PHNOM–PÊNH.


Đêm xuống rất nhanh. Ánh trăng mồng chín tháng chạp héo hắt đọng lại nhờ nhờ trên tàng cây, mái tháp. Không điện, không đèn, đường phố chìm trong biển đen mênh mông, vắng vẻ lạnh lùng. Mình đã quen sống trong các thành phố lớn, đã nghiên cứu trên bản đồ đến thuộc lòng tên các đường phố và các công trình trong thành phố Phnom-Pênh, lại còn được cả một buổi chiều dong xe, thế mà còn không hiểu đâu là đâu, thì anh em chiến sĩ làm sao?
(h_lananh đánh máy)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2010, 10:41:49 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #61 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:01:46 pm »

Dù suy nghĩ triền miên như thế, nhưng tôi đã thấy yên tâm rất nhiều từ lúc được anh Nam Phong cho biết là các cánh quân bạn đã lấp kín ngoại ô ở phía tây và phía bắc. Bộ tư lệnh đã đến đủ có lẽ đêm nay tôi sẽ được ngủ một giấc bù cho mười đêm qua.

Đúng 18 giờ 30 phút tôi ra sau nhà vặn đài nghe tin BBC. Nhớ hồi ta chiếm Lộc Ninh và Phước Long, anh Tư Tuyến, trưởng phòng Tuyên huấn Cục chính trị Miền, muốn đưa tin trước BBC, nhưng rốt cuộc đều chậm hơn nó. Nhưng lần này BBC chỉ đoán non rằng: " Hôm qua đến nay đài phát thanh Phnom Pênh không lên tiếng, không biết chuyện gì đã xảy ra ...".

Khoảng 19 giờ, súng bắt đầu nổ vang vang khắp bốn phía. Nhiều nhất và gần nhất là hướng bắc, xung quanh Hoàng Cung lên đền Phnom, góc bên kia công viên "con gà" cũng khơi khơi mấy loạt AK điểm vài quả lựu đạn. Rồi pháo binh bắt đầu bắn từ hướng đông, tây bắc, tây nam. Hướng tây nam có cả pháo 130 ly, tiếng nổ đầu nòng đanh như bể ống. Các trận địa pháo của ta từ Nam cầu Mô-ni-vông và ngoại ô bắc thành phố cũng bắn trả về hướng đông và tây bắc. Còn hướng tây nam ta không bắn, sợ trúng quân bạn.

Một chặp sau tiếng súng thưa dần. Thỉnh thoảng đó đây những dây đạn lửa vọt lên cao. Trực ban tác chiến hỏi các đơn vị đều được trả lời là địch nó bắn lung tung không trúng ai cả. Ta thì cũng có một số anh chị em đơn vị bạn Kampuchia tham gia bắn cũng khá.

Đêm đã khuya, thấy tôi còn trăn trở, chú Mười Vàng, quèo tôi sang Tiểu đoàn 4 uống trà.

Ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 cũng rất điệu đàn, các anh triển khai quan sát Sở trên sân thượng một tòa lâu đài bốn tầng. Máy điện thoại chỉ huy đặt ở một góc sân. Trên bàn trà, chiếc máy thu thanh bán dẫn đang ca nhạc đài tiếng nói Việt Nam. Chính trị viên tiểu đoàn chạy lăng xăng lo nước sôi, còn tiểu đoàn trưởng thì chạy hỏi ai còn lương khô hay đường, sữa gì không.

Đang chuyện trò tở mở, bỗng mọi người im bặt, phút giây hồi hộp đã đến: Đài tiếng nói Việt Nam đưa lại tin chiến thắng của đài SPK và đọc toàn văn bản tuyên bố của Ủy ban trung ương mặt trận dân tộc đoàn kết cứu nước Kampuchia. Chúng tôi ngồi nghe, hân hoan hiểu rằng giờ này cả nước và cả những người thân của chúng tôi đã biết tin chiến thắng này.

Ánh trăng mồng chín trải vàng trên mái chùa, lên mái đền đài trong Hoàng cung. Những  tháp nhọn nhấp nhô ngã ngược chiều mây, mờ mờ ảo ảo gợi lên trong tiềm thức những mộng xa xưa mông hoang huyền bí. Nhấp chén trà "Hương" tôi kể chuyện cho anh em nghe: "Thuở xa xưa nơi đây còn hoang dã, nhân dân địa phương gọi là vùng Buôl-muc, Buôl-đay" (bốn mặt, bốn tay) vì sông Mê Kông và Tôn-lê-sáp gặp nhau rồi tẻ thành bốn nhánh. Vào buổi sáng thế kỷ 15, một bà nông dân tên Pênh phát hiện sáu tượng Phật bạc nằm trong bọng cây trôi giạt vào bờ. Bà Pênh rước Phật lên rồi đắp một mô đất, cất sáu ngôi chùa nhỏ bằng lá thốt nốt để thờ Phật. Nhà vua lúc bấy giờ đóng đô ở Angko nghe được tin ấy nghĩ rằng:" Phật không chịu ở Angko nữa mà muốn đi về Buôl-muc, Buôl-đay, trái tim của nước Kampuchia. Sau khi bị Thái Lan chiếm mất vùng Ménam rồi thì Angko trở nên biên địa". Nhà vua quyết định dời đô về đây, sai đắp núi cao, dựng sáu ngôi chùa bằng đá. Nơi đây dễ làm ăn, nhân dân tề tựu ngày một đông. Vua cho khai phá khu rừng phía tây lấy đất trồng lúa, và sai đắp bao ngạn chung quanh để chống lũ lụt. Từ đó nhân dân gọi đất này là Phnom Pênh (núi bà Pênh). Mấy thế kỷ sau đó vì loạn lạc không ngớt, triều đình chia bè chia cánh nên vua phải di đô hết nơi này đến nơi khác, từ Angko xuống Longvet-Ouđông, Tàkeo, Kongpong-Chàm ... Mãi tới giữa thế kỷ 19 vua Ang-Đuông mới trở về đây, và đến những năm đầu thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc các đời vua Norođom,
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 01:02:52 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #62 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:05:38 pm »

Sisowath con của Ang-Đuông mới xây lại Hoàng cung và các đền đài chùa chiền như ta thấy ..."

Anh em có vẻ thích nghe lắm, coi như toàn thể tiểu đoàn bộ đều có mặt. Có đồng chí hỏi những cánh cong cong trên mái đền chùa là biểu tượng gì?

Tôi thầm cảm ơn cô giáo Kim-Van-Moni đã giúp tôi giải đáp được câu hỏi này.

Trong những năm 1971-1972, ở phum KomPong-Russei thuộc huyện Preksang-Đek, ngay bên kia sông đây thôi, tôi quen cô giáo Kim-Van-Môni. Thấy chúng tôi rất ham học tiếng Kampuchia và hay tìm hiểu con người và đất nước Kampuchia nên Môni cũng ưa nói chuyện với chúng tôi.

Nhân dân Kampuchia có tập quán nuôi rắn rồng ở trong nhà để nó bắt chuột. Ban ngày rắn nằm khoanh trên vì kèo, đòn tay. Anh em ta thấy thế sợ không ngũ được. Các cô gái trong phum rất thân với anh em chiến sĩ ta. Các cô rất hồn nhiên. Thừa lúc anh em đang tắm các cô lấy dọc cây nưa, rất giống đuôi rắn, thò vào chân vách nhà tắm ngọ nguậy lên bàn chân anh em. Chiến sĩ ta nhảy đùng đùng la oai oái trong nhà tắm, các cô thì cười rũ rượi. Thấy vậy Môni mắng yêu các cô và giải thích cho chúng tôi: "Rắn đối với Kampuchia là lành chứ không phải là dữ, người Kampuchia ai cũng biết truyền thuyết Naga. Ngày xửa ngày xưa có một ông vua tên Prah-Thong từ trên trời xuống cưới con gái của rồng là công chúa Neang Neak (Niêng-Niếc). Công chúa sinh ra dân tộc Kampuchia. Nên biểu tượng của dân tộc Kampuchia là Niếc, tiếng nhà Phật gọi là Naga hiểu là Rồng hoặc Rắn thần cũng được. Còn rắn thường gọi là Puốc. Vì vậy các đền chùa tượng Naga năm đầu, bảy đầu, chín đầu ở dưới thấp như ở cổng ra vào. Còn đuôi Naga  thì uốn cong trên các góc mái. Trên đất Kampuchia ở đâu cũng có Naga, từ trên đền chùa, trong Hoàng cung đến vườn hoa, trên gọng xe bò, chuôi cày, vòng hái, trên thuyền cán dao, chìa vôi, cả trên cánh tay vũ nữ, trên cây gậy của cụ già ...

Truyền thuyết rất hay cũng na ná thần thoại Lạc Long Quân lấy Âu Cơ của Việt Nam. Hai dân tộc anh em sao giống nhau về cội nguồn đến thế.

Nhắc đến phum Kônpông-Russei ( nghĩa là Bến Tre), tôi không thể không nhớ bà mẹ của Môni. Bà mẹ già còng lưng đầu trọc. Hồi ấy, một ngày đầu năm 1972, chúng tôi sắp sửa về nước để tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ. Trong lúc chờ thuyền đến rước, chúng tôi tranh luận sôi nổi về cách kết cấu ngôn ngữ Kampuchia có nhiều chỗ giống Việt nam, nhưng còn thiếu một số từ cần thiết như "chè" thì gọi là "cháo đường" sữa bò gọi là "nước bò" thì bất tiện quá. Lúc thuyền đến, chúng tôi từ giã bà con tụ tập rất đông để tiễn biệt thì bà mẹ giang tay cản lại. Cán bộ chúng tôi đang hồi hộp không biết có anh em nào phạm chính sách gì vào giờ chót hay không, thì mẹ bảo: "Nghe các con nhắc cháo đường, mẹ nhớ lâu lắm rồi các con không được ăn, mẹ nấu gần chín, chờ ăn rồi mới được đi". Thì ra là thế.

Dạo ấy Môni buồn lắm, cô than: "Không biết các anh đi rồi, chuyện gì sẽ xảy ra?". Sau này nghĩ lại chúng tôi chắc Môni đã thấy những triệu chứng không lành.

Không biết giờ này dưới vầng trăng kia bà mẹ và Môni cũng như bà con Kongpong-Russei còn sống để mừng cho dân tộc, cho đất nước mà họ yêu tha thiết, được thoát nạn diệt chủng của Pôn Pốt - Iêng Xari hay không?

Nhìn dòng sông mênh mông dưới mảnh trăng có hình con mắt người Kampuchia, không hiểu sao tôi lại nhớ đến Hồng Hà. Có lẽ giờ này bên bờ sông ấy, có những em bé tựa như em Nguyễn-Thị-Hồng-Hà đang cùng các bạn reo mừng khi được nghe đài báo tin Kampuchia giải phóng. Nhưng khi về nhà gặp mẹ em đang khóc, em mới nhớ đến bố em. Bố Nguyễn Sông Thao của em không còn về phép nữa. Em không còn được bố dắt ra ngồi
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 01:22:40 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #63 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:10:37 pm »

bên bờ sông quê hương để kể chuyện một dòng sông trên đất nước bạn nữa. Bố em đã ngã xuống như bao người anh hùng bảo vệ tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Hãy lau cho em dòng nước mắt. Trong sự mất mát lớn lao của em, của mẹ em, hàng triệu người dân lương thiện đã được cứu sống, một thế hệ trẻ như em tránh được họa diệt vong.

Hồng Hà ơi! Khi cô cháu dạy về lòng nhân nghĩa thì cháu hãy nhớ rằng bố cháu và các bạn chiến đấu của bố cháu là những tấm gương chói lọi về lòng nhân nghĩa cao cả nhất, đúng nghĩa nhất trên đời này.


XI
MỘT NGÀY MỚI BẮT ĐẦU

Ngày 8-1-1979

Con gà cồ đâu đây đập cánh cất tiếng gáy dõng dạc. Rồi con thứ hai, thứ ba từ chỗ khác hưởng ứng, có tiếng gáy thanh thanh mỏng mảnh như chú gà te.

Tôi trở mình, định thần một chặp mới nhớ là mình đang nằm giữa Phnom Pênh. Thì ra trong thành phố diệt chủng, Pôn Pốt vẫn không dập tắt được tiếng gà. Tiếng gáy vang vang chùa tháp tự ngàn xưa vẫn còn đấy. Ngoài đường sương xuống nhiều, hơi lạnh, trời tối đen để rồi lại sáng hẳn.

Từ phía sau phòng khách Hoàng gia có mấy anh em chiến sĩ bảo vệ thức sớm uống trà nói chuyện tự bao giờ. Hay là suốt đêm qua họ không ngủ. Những âm thanh lúc rạng đông bao giờ cũng khỏe khoắn tươi tỉnh.
   -Năm ngoái, ngày này mình ở đâu nhỉ?
   -Mình về Mộc Bài, Phước Lưu, Phước Chỉ, Bến Sỏi, Bến Cầu, năm ngoái đúng ngày này bà con Kampuchia kéo sang lánh nạn đặc đường  đặc xá, vất vả thật!
  -Mới một năm mà tưởng đâu là lâu lắm rồi vậy.
  -Căng thẳng quá thành ra thời gian dài ra, chứ tính lại chỉ hơn một năm mà đánh thắng một cuộc chiến tranh, kể ra cũng nhanh đấy chứ …


Mặt trời ửng hồng sau rặng cây bên kia bờ sông Mêkông. Từ trong Sở chỉ huy Binh đoàn ra đến thành phố bỗng tưng bừng náo nức hẳn lên. Mọi loại máy thu thanh đều mở hết cỡ.

Đài phát thanh SPK truyền đi một tin quan trọng:
“Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng của nước Cộng Hòa Nhân Dân Cách Mạng Kampuchia ra đời, đảm nhiệm sứ mạng lịch sử của Cách mạng Kampuchia”.

Từ khắp nơi các loại súng máy, tiểu liên nổ ran. Bắt đầu từ hướng đài Độc lập đến Phnom rồi truyền lan trên đại lộ Mô-ni-ong, Nô-rô-đôm, đường bờ sông. Trên các lầu cao bay lên tua tủa tín hiệu xanh, đỏ, trắng, vàng. Biết là anh em đang bắn chào mừng, bắn lung tung như vậy là sai, nhưng cũng không nỡ trách, nhất là đối với anh chị em chiến sĩ Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia. Vào lúc đúng 7 giờ sáng, tại phòng khiêu vũ nhà khách Hoàng gia, khai mạc một cuộc họp liên tịch mở rộng. Đồng chí Khang-Sarien chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Phnom Pênh kiêm tư lệnh Binh đoàn 1 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia và đồng chí Hoàng Cầm tư lệnh Binh đoàn 4, Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì cuộc họp.

Hội nghị đánh giá lại toàn bộ tình hình, đề ra chủ trương và biện pháp về các vấn đề:

Tiếp tục truy quét gọi hàng tàn binh Pôn Pốt, bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Chuẩn bị mọi mặt để rước ủy Ban Trung Ương Mặt trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu
(Kon Tiahien đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 06:56:48 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #64 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:13:35 pm »

Nước và Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Kampuchia về Thủ đô làm lễ chiến thắng. Chuẩn bị cứu tế cho dân, khôi phục điện, nước, nhà thương, làm vệ sinh tẩy uế thành phố ... Hội nghị bàn Binh đoàn 4 rút ra ngoài, mở rộng phạm vi an toàn cho thành phố đến U-Đông, Kông-Pong-Spư, Tackhman và phía đông sông giáp ranh Kông-Pông-Chàm, Pray-Veng. Còn Binh đoàn 1 bạn làm nhiệm vụ quân quản thành phố Phnom-Pênh.

Tôi cùng với một bộ phận cơ quan, ở lại bên cạnh đồng chí Khang-Sarin, làm chuyên gia quân quản và duy trì quan hệ hiệp đồng chặt chẽ giữa hai Binh đoàn.

Anh Khang Sarin quyết định dời cơ quan chỉ huy về đại sứ quán Trung Quốc cũ.

Mới đến đại sứ quán Trung Quốc cảm giác đầu tiên là trông nó giống sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Chu vi còn rộng hơn nhiều. Ở đây có máy điện, máy nước riêng, đến nơi là anh em phát động được ngay. Bên trong các buồng họp, phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng dạ hội … đều trang hoàng những đồ vật quý giá và đặc sắc nhất của Trung quốc. Những bức tranh thêu Thượng Hải, những bức tranh bằng xà cừ, đồi mồi, ngọc thạch, ngà voi, những đệm sa-lông bọc gấm Giang Châu, những thảm dạ, những màn nhung, những hàng sứ Giang Tây, rượu Mao Đài, thuốc lá Trung Hoa Bài … Trên thảm cỏ dưới gốc cây tùng, đống tro tàn của tài liệu bị đốt vội bay tứ tung như vàng mã.

Trên bàn trong nhà ở, còn lại những điếu thuốc hút dở, những lọ xí-mụi, ô mai chưa đậy nắp. Những quyển lịch bàn, lịch tường dở đến tờ 5-1-79.

Trên bộ sa-lông nhung xanh biếc có thêu rồng và phượng, lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với anh Khang Sarin. Anh 43 tuổi, dáng người cao lớn trong bộ quân phục ga-bác-đin ngắn tay. Tôi hỏi thứ anh trong gia đình và đề nghị gọi anh bằng tiếng Việt Nam là anh ba Khang vừa dễ gọi vừa bảo đảm bí mật.

Tin nhau như những người đồng chí quen biết từ lâu, anh hỏi tôi bằng một giọng nói nhỏ nhẹ của nông dân miệt Tà-keo, Kam-pốt:
- Anh có biết anh Hai Sĩ không?
- Phải anh Sĩ cao không?
- Phải, người cao, nước da trắng. Hồi năm 1953 tôi đi bộ đội thuộc Tiểu đoàn 40 ISSARAK tôi quen biết anh Hai Sĩ chỉ huy tiểu đoàn quân tình nguyện ở Kam-pốt.

Với một nụ cười hiền lành anh tiếp:
- Hồi đó chỉ huy toàn là bầu ra, nên gan lì lắm, hơn bây giờ. Rồi như nhớ đến công việc, anh nói:
- Anh Ba à! Công việc mới quá, lớn quá, mà công việc này chúng tôi chưa quen làm. Địch thì còn đông và thâm hiểm lắm.

Tôi nói:
- Xin anh cứ an tâm, chúng tôi coi công việc ở đây như chính là việc của bản thân mình vậy.

Tôi hỏi anh biết Phnom Pênh nhiều không. Anh cười bảo là hồi nhỏ nhà nghèo, ở tận Kông Pông Trạch-Kam Pốt nên không thể nào đến Phnom Pênh được, lớn lên làm cách mạng thì chuyên môn ở rừng.

Nhắc đến tình cảnh khổ cực của nhân dân Kampuchia dưới chế độ Pôn Pốt - Iêng Sari, anh rưng rưng nước mắt:
- Năm 1972 khi thấy rõ bộ mặt phản bội của Pôn Pốt - Iêng Sari - Tà Mốc, tôi ly khai rút vào bí mật xây dựng lực lượng Cách mạng chân chính chống lại chúng. Mình đã biết rõ bộ mặt khát máu của nó rồi, nhưng khi vào Phnom Pênh thật là ngoài tưởng tượng anh à.

Rồi anh nhắc đến các cán bộ quen thuộc trong kháng chiến chống Mỹ như Sóc Khâm, Keo Svey, Khem, Sóc Khên là những đồng chí chỉ huy quân sự tỉnh Kam Pốt. Anh bảo:
(Kon TTiahien đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 07:25:25 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #65 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:17:25 pm »

 - Những cán bộ trung thành với nhân dân, có đạo đức cách mạng đều bị nó giết hết, phải chi giờ này các anh còn sống để thấy ngày thắng lợi của nhân dân Kampuchia và chung lưng nhau đi vận động nhân dân tận diệt bọn Pôn Pốt bảo vệ thành quả Cách mạng, xây dựng lại đất nước. Bây giờ thì cán bộ cũ chỉ đếm trên đầu ngón tay … Nghĩ sao anh lại tiếp:

 - Tuy vậy nhưng tôi vững tin ở nhân dân tôi rất cách mạng, cán bộ chúng tôi rất kiên cường. Rồi anh hỏi tôi: Anh Ba biết đồng chí Xoai Keo không? Tôi chưa kịp đáp thì anh nói tiếp: ” Đồng chí Xoai Keo, Tổng tham mưu trưởng của chúng tôi, là một đồng chí rất kiên quyết. Đồng chí lãnh đạo một bộ phận ly khai ở vùng Đông bắc - chắp hai bàn tay lên bộ đùi rất khỏe anh nói tiếp - Còn các đồng chí Sãi Buthon và Tia Panh nữa. Từ năm 1977 khi đã thấy rõ tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Sari phản bội cách mạng, làm tay sai cho bọn bành trướng Bắc Kinh ám hại đồng chí bí thư Tỉnh ủy Kô Kông, các anh đã lãnh đạo một bộ phận quân đội và nhân dân vào trong vùng rừng núi Kô Kong, chống lại Pôn Pốt.

Nghe anh Khang Sarin kể, tôi lại nghĩ đến đồng chí Ủy viên Bộ chính trị. Đồng chí đã thay mặt Trung Ương truyền đến cho chúng tôi niềm tin sắt đá vào tiền đồ cách mạng Kampuchia, trong lúc tình hình đêm đen chưa thấy một ánh sao. Thực ra bầu trời có bao giờ thiếu sao, những vì sao lúc bấy giờ đang ẩn trong mây xám trên khắp bầu trời Kampuchia.

Nhìn gương mặt đầy đặn màu đường thốt nốt với đôi mắt hiền lành, núm mũi to và bẹt của anh Khang Sarin, tôi liên tưởng đến một Thạch Sanh dũng cảm, bộc trực. Bọn Lý Thông Bắc Kinh và chằng tinh Pôn Pốt toan hãm hại người ngay đã bị gục ngã. Xin đừng bao giờ để cho đàn tiên phải gẩy lại câu: “đàn kêu tích tịch tình tang, ai đem công chúa lên hang mà về”.

Ngoài đường phố các tiểu đoàn bạn đang điều chỉnh bố trí. Ở đâu cũng có Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đeo băng đỏ canh gác. Trước cổng các lâu đài lớn đã phơi phới cờ đỏ năm tháp vàng. Trên  tất cả các công viên vang vang giọng nói trong trẻo của các nữ đội viên công tác, hình như có tiếng của Sà Vây qua loa phóng thanh: "Nghe đây, nghe đây, hỡi binh sĩ và nhân viên ngụy quyền Pôn pốt – Iêng Sari! Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia đã hoàn toàn giải phóng làm chủ Nông Pênh và toàn nước Kampuchia. Các bạn hãy ra trình diện nộp vũ khí, sẽ được khoan hồng. Ai ngoan cố chống cự, trốn tránh, phá hoại, cướp của, sẽ bị nghiêm trị, nghe đây, nghe đây!”

Các thiên thần Garuda đang ưỡn ngực đỡ mái lâu đài, nhưng rắn thần Naga nghểnh cổ phồng mang xoắn chặt nhau chụm đuôi đỡ toà sen, các tiên nữ Apsara đang say sưa nhảy múa trên các cổng đền … Tất cả, tất cả đều như bước xuống đường trong ngày sống lại của Nông Pênh, của Angko, Mê Kông, Biển Hồ, Tôn lê sáp, của núi Uran, núi Các Đa Môn.

Anh Khang Sarin cho tôi biết đại sứ quán Lào còn ở lại. Anh nắm tay tôi ra xe đi thăm đồng chí đại sứ Lào, bắt đầu công việc ngày thứ nhất.

Xe chúng tôi vừa đổ lại thì đồng chí đại sứ Lào từ trong nhà chạy ra ôm hôn chúng tôi. Đồng chí nói tiếng Việt khá thạo. Tôi giới thiệu anh Khang Sarin, và tự giới thiệu. Vào gian phòng khách giữa tòa đại sứ, trông thấy ảnh đồng chí Cay Sỏn Phomvihản và đồng chí Su Pha Nu Vông treo trên tường giữa. Đồng chí đại sứ mời chúng tôi uống nước dừa và thuốc lá Vientian. Đồng chí bảo là dừa đó của Tiểu đoàn 6 Quân đội Kampuchia hái cho, chớ mấy hôm nay không được ra khỏi nhà nên không còn gì để ăn uống cả. Đồng chí đại sứ Khăm Phăn Virachit đã 66 tuổi, tóc bạc trắng, nước da nâu, gương mặt tròn, trông rất đôn hậu. Đồng chí ngồi giữa, anh Khang Sarin và tôi ngồi hai bên. Cùng với tủy viên Văn-Khâm Kop-Keo
(Kon Tiahien đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 10:11:55 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #66 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:22:06 pm »

nhân viên Sa-vẻng, Đun-tiêng. Đấy là toàn thể thành viên trong Đại sứ quán Lào.

Anh Khang-Sarin ngỏ lời xin lỗi đại sứ lào, vì không biết các đồng chí ở lại Phnom-Pênh nên không kịp thời bảo vệ chu đáo.

Đồng chí Đại sứ mỉm cười hiền từ:
- Tốt lắm rồi, chúng tôi ở lại chiến đấu với các đồng chí mà. Có các đồng chí Tiểu đoàn 6 bảo vệ - ngừng một chốc, nén xúc động, đồng chí tiếp – Anh em bảo Tiểu đoàn 6 là tiểu đoàn mồ côi, bị Pôn Pốt giết hết cha mẹ rồi, nên gặp tôi, họ nhớ cha, nhớ ông, họ khóc.

Qua lời kể của Văn-Khâm Kop-Keo và các đồng chí khác bổ sung, chúng tôi được biết: “Theo quy định của chính quyền Pôn Pốt, đại sứ Lào không được đi khỏi sứ quán quá 300 mét. Cần mua gì, ăn gì thì ra căntin đầu đường đặt hàng ngày trước, ngày sau lấy, trả bằng đô-la rất đắt. Đại sứ Lào không biết đại sứ quán Trung Quốc ở đâu, nhưng đêm đêm nghe nhạc phim inh ỏi hướng Tây nam nên đoán ở đó là sứ quán Trung Quốc. Hàng ngày, nhất là buổi chiều thấy người Trung Quốc đi tấp nập  trên đại lộ Mô-ni-vông và Si-Sô-Vát. Sứ quán Lào có mua một chiếc Mécceđéc nhưng người lái là của Pôn Pốt giữ chìa khóa xe. Mỗi năm vài lần nó đến lái xe đưa đại sứ Lào đến khách sạn Hoàng Gia hoặc điện Châm-ca-môn để dự lễ của nó. Sứ quán lào thật sự bị giam lỏng.

Năm ngày qua, xe nó chở người chạy rất nhiều lên phía Bắc. Sứ quán Lào thì bị bọn lính áo đen gác rất nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà.

Đêm 4/1 nhân viên sứ quán không ngủ được, kéo nhau lên sân thượng hóng mát, vào khoảng một giờ đêm trông thấy nó đưa các sứ quán khác ở bên cạnh đi.

Sáng 5/1, nhìn sang sứ quán Miến Điện và Nam Tư bên kia đường thấy vắng vẻ, anh em sinh nghi. Sáng hôm qua 7/1 bọn lính áo đen trẻ con 13 – 14 tuổi đến thay phiên gác cho bọn cũ. Chúng nó cầm súng lăm lăm, sợ nó bắn bậy bạ, không ai dám ra cửa sổ. Đến mười giờ thì nghe tiếng xe tăng, tiếng cà-nông nổ ở phía cầu Mô-ni-vông, mấy đứa nhỏ đó bắn AK, B40 vào nhà sứ quán, rồi chạy mất. Sau một chặp thấy hai người lính trẻ vào sứ quán Miến Điện, đồng chí đại sứ Lào đoán là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, Đồng chí gọi bằng tiếng Việt Nam mời sang uống nước. Họ lắc đầu. Sau đó độ nửa giờ thì có một đại đội của Tiểu đoàn 6 Quân đội cách mạng kampuchia đến.

Đồng chí Đại sứ Lào hay dùng tiếng “Rồi” kéo dài nghe rất hiền lành, rất dễ mến. Đồng chí bảo:
-Tốt quá rồi! Như vậy là ba anh em ta gặp nhau đây rồi. Tốt quá rồi!

                  *
                *    *

Ôm hôn từ giã đồng chí đại sứ Lào, chúng tôi ra đường đi bách bộ để khảo sát địa hình luôn thể. Câu nói sau cùng của đồng chí đại sứ Lào còn ngân vang mãi bên tai tôi. Không hiểu lúc ấy tôi đã suy nghĩ những gì. Hình như tôi suy nghĩ về dòng sông Mê-Kông nối liền ba nước anh em như một khúc ruột. Hình như tôi thấy lại những nụ cười đầu tiên của người dân Kampuchia hiền hòa giữa những hàng cây bị đốn cụt dưới bầu trời ảm đạm nặng mùi chết chóc. Hay là tôi nhớ đến hình ảnh những người mẹ nâng con lên khỏi đầu và những tiếng Xóc-xà-bai, Xa-ma-ki quyện theo chúng tôi.

Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tình chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ Binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiếc lược 23-12-1978: “Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, thì chúng tôi cũng xin sẵn sàng”.

Bầu trời Phnom-Pênh giữa trưa ngày đầu xuân lồng lộng một màu vàng rực rỡ. Tiếng đại bác rền rền ở hướng Bắc và hướng Tây làm rung động mặt nước hồ sen trong kinh thành.
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 06:33:24 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #67 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:26:30 pm »

Anh Khang Sarin nói với chúng tôi:
- Bọn Pôn Pốt chạy về hướng Tây, hướng Bắc, các dãy núi rừng Các-Đa-Môn, Bailin, Caomêlai, Xàm-Rông, Pravihia thật là hiểm trở, mà bên kia là đất Thái Lan. Cuộc chiến đấu của chúng ta còn tiếp diễn gay go quyết liệt. Khó khăn nhiều, nhưng nhát định chúng ta sẽ thắng.

Tôi rất đồng ý với anh Khang Sarin. Nhưng tôi không nói thêm, trong lòng tôi còn ngân vang lời nói của đồng chí đại sứ Lào:
- Tốt quá rồi! Như vậy là ba anh em ta đã gặp nhau đây rồi!

Phnom - Pênh, mùa Xuân 1979
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 09:36:31 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
rongxanh
Thành viên
*
Bài viết: 2085

Mơ về nơi xa lắm.


« Trả lời #68 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:27:48 pm »

Em kiến nghị bác đưa cả trang bìa lên nhé!

Và cũng nên chụp 1 ảnh đủ sáng để nhìn rõ chất giấy in sách của 1 thời gian khó.
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:57:57 pm »

Xin cám ơn bạn Bodoibucket đã cất công scan nguyên một quyển tư liệu quí giá viết về cuộc chiến của chúng ta trong Một thời Máu và Hoa. Một quyển ký sự đầy ắp sự kiện được viết ra nóng hổi ngay sau khi kết thúc hành trình "Đường vào Phnôm Pênh". Đây là lần đầu tiên tôi được xem quyển ký sự này, có lẽ khi cụ Vũ xuất bản quyển sách này thì lúc đó tui đang ở ngã ba Con Voi. Cheesy

Một lần nửa xin cám ơn bạn đã tặng chúng tôi một bửa đọc truyện no nê trong những ngày Xuân Con Cọp này. Xin chúc bạn và gia quyến năm Canh Dần Tiền Vào Như Nước, Sức Khỏe Như Cọp. Grin
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM