Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:56:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Phnôm-Pênh - Bùi Cát Vũ  (Đọc 136959 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #50 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 07:10:50 pm »

Nhìn bản đồ tôi đoán đó là phum  Kông Lêng. Chỗ này đường bộ cách sông khoảng 300 mét, ở đây có thể là một tuyến phòng thủ khá mạnh của sư đoàn 260 địch.

Độ 20 phút sau, đoàn xe dồn dần, nhích lên, rồi chạy từ chậm đến nhanh dần. Đến ngang khu nhà máy thì tốc độ đã khá nhanh. Từ sáng đến giờ qua chỗ này mới có khói lửa mịt mù khét lẹt mùi thuốc súng. Ngay bên đường hai chiếc xe tải nằm phơi bụng, một chiếc lật ngửa. Một chiếc xe Jeep, một chiếc PT85 cắm đầu xuống mương. Đạn súng máy vẫn còn bay chiu chíu, loạn xạ bạt mạng. Qua khỏi phum lại ra ruộng trống, tôi thò đầu lên, đồng chí bắn trọng liên bảo lúc nãy là nhà máy gỗ ván. Tôi và đồng chí Thắng lại trèo lên ngồi trên mui xe. Bên trái phía trước là bàu nước rất rộng, xa mù mù bên trong bàu nước là rừng. Bên phải là đầm lầy , thỉnh thoảng mới có một con đường xe bò chạy ra các xóm làng lưa thưa gần bờ sông. Địa hình giống hệt như trên tấm bản đồ một phần năm mươi nghìn cứ ngoe nguẩy lồng lộn chực vuột ra khỏi tay tôi vì xe lao rất nhanh, gió cuốn rất mạnh. Đường số 1 cao hẳn lên, đường rất xấu nhiều ổ gà, xe V-100 của Mỹ xóc kinh khủng. Nhân dân hai bên đường rất đông đảo họ tránh ra phía sau hàng cây bị cưa cụt. Kim đồng hồ tốc độ xe nhảy lia lịa giữa 55-60 ki-lô-mét. Thế chỉ cần nửa giờ nữa nếu suông sẻ thì ra tới cầu Mô-Ni-Vông. Tôi nhìn đồng hồ lúc này là 9 giờ 15 phút.

Máy thông tin hai oát không liên lạc được với tàu nữa rồi. Tôi biết nước ngược này không thể đòi hỏi đoàn tàu nhanh hơn được vì tàu há mồm LCM-6 chỉ chạy được khoảng 15 cây số một giờ mà thôi. Tai tôi thỉnh thoảng lại va vào nòng khẩu trọng liên, đau điếng. Chiếc V-100 chồm lên rất nhanh, thấy chiếc xe tải nào phía trước chạy chậm, tôi ra hiệu cho đồng chí lái xe vượt qua. Đồng thời tôi khoát cho các xe sau không được theo tôi. Qua phum Chruôi Ampil thấy hai chiếc xe Hoàng Hà sơn màu xanh ve chai còn mới có biển đỏ số trắng lật nghiêng bên đường, những thùng đạn vung vãi, kế đó có một chiếc T54 nghiêng mình dưới mương, mang ký hiệu xe ta, rồi một xe Hoàng Hà nữa chở đạn, một xe kéo khẩu 37 ly cũng lăn kềnh. Rõ ràng dấu vết của tốc độ ý chí quyết tâm của bộ phận đi đầu.

Tôi đưa ba ngón tay ra dấu với anh Thắng:
-Thế là ta chỉ còn ba xe tăng T54 thôi.

Vượt qua ngang Tiểu đoàn 2 bạn, tôi đưa tay vẫy, các chiến sĩ  Kampuchia vẫy lại, vừa reo hò vang dậy.

Xe tôi tăng tốc độ mãi cho tới bắt gặp một dãy xe của bạn Kampuchia nữa, tôi biết là mình đã tới Tiểu đoàn 3 đi cuối đội hình của Trung đoàn 14 rồi, Đồng chí Thắng ngăn không cho xe vượt lên nữa, xe tôi chen vào giữa đội hình Tiểu đoàn 3 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia, anh chị em nhìn chúng tôi nét mặt ai cũng rạng rỡ đầy phấn khởi tự hào.

Bên phải đường là ruộng trống, chỉ có một hàng nhà sàn ven lộ cất theo một kiểu dành riêng cho bọn Ăng-Ka ở. Bên phải có con mương rộng, đầy nước nối liền các bàu bưng. Địa hình này địch không thể bố trí đông được. Rất tốt!

Bỗng trước mắt tôi xuất hiện một ngôi chùa rất cao, mù mù ở phía trước. Tôi chỉ cho anh Thắng một ký hiệu chùa ở phum KđaitaKoy trên bản đồ. Ngôi chùa hiện ra to dần, rõ dần. Những năm hoạt động trên đất Kampuchia tôi chưa thấy một ngôi chùa nào đồ sộ như thế này. Xe qua, chùa nằm bên phải,đường số 1 cua vòng sang trái chếch về phía Tây nam. Trong khoảnh khắc đón nhìn, tôi reo: “Phnom-Pênh kia Thắng ơi!”. Chỗ này đường ăn sát bờ sông, tôi trông thấy xa xa, lởm chởm những chùa tháp, lâu đài ẩn trong rặng cây, như phông mờ mờ của một bức tranh cổ. Thắng nhìn theo tay tôi, nhưng không biết anh có kịp thấy không.

Bất chợt tôi lại reo lên: “Ăn rồi Thắng ơi!”
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 08:16:50 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #51 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 07:18:57 pm »

Vì tôi thấy xe ta phóng tốc độ 80 cây số giờ mà không sượng chút nào. Thành cũng không báo cáo gì cả, đầu đội hình chắc cũng đã qua cầu rồi, vì chỉ còn có bốn cây số thôi. Hướng Phnom-Pênh có một đám cháy, khói đen đặc bốc lên tận mây. Thắng bảo: “Nó đốt thành phố rồi anh ơi!”. Tôi cũng lo.

Trước mặt khói bụi mịt mù, tay lái non hoặc mất bình tĩnh là lật xe như chơi. Bỗng tiếng súng bộ binh trên các xe đằng trước nổ như ngô rang. Anh Thắng xô tôi thụp xuống mui xe vì từ nãy tôi vẫn đứng trên ghế ngồi bên phải đồng chí lái. Khẩu trọng liên trên xe tôi cũng bắn. Nhìn qua lăng kính trông thấy hai bên đường, trong vườn ngoài ruộng địch chạy như đàn kiến nhọt vỡ tổ, đạn bay vung vít. Rồi các xe sau cũng nổ súng, nổ dây chuyền. Tôi nhìn thấy phố xá như kiểu chợ lớn cũ, khói, lửa, bụi che phủ, nhiều xe địch cháy rừng rực. Mấy xác áo đen bị xe đè nghiến nát trên đường, cùng với xe đạp, xe Honda, bàn ghế, cây gỗ, đủ thứ ngổn ngang. Đồng chí chiến sĩ súng máy reo to:
-Cầu kia rồi!

Xe quẹo phải lên cầu. Tôi đứng lên nhìn thì cột khói lúc nãy so với thành phố chỉ là một ngọn cây nhô lên trong đám rừng. Thành phố nhòa trong mắt tôi, tôi ngây ngất như nửa say nửa tỉnh.

Xuống dốc cầu tôi còn kịp nhìn thấy một người đang lia máy quay phim. Đến trước bùng binh có tượng đài ba chân, thấy một người to béo đang điều chỉnh đường, điệu bộ thành thạo như công an. Nhìn kỹ lại té ra là anh Ba Bì. Tôi dừng xe nhảy xuống. Anh Ba Bì tay vẫn điều chỉnh cho đội hình tiểu đoàn 2 bạn và Trung đoàn 209 rẽ trái, miệng báo cáo với tôi là Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 14 qua hết rồi, anh Dũng cũng qua rồi. Anh bảo: “Đường thẳng sau lưng là đại lộ Mônivông, anh làm như tôi nhà quê vậy. Tôi nhìn đồng hồ: 10 giờ 45 phút. Tôi hỏi anh đã cho công binh xuống giữ chân cầu chưa, anh bảo đã bố trí xong rồi.

Chúng tôi phụ điều chỉnh xe với anh Ba Bì. Anh chị em chiến sĩ Kampuchia nhảy nhót reo hò trên xe, dưới lá cờ đỏ  năm tháp vàng tung bay phần phật giữa ban trưa nắng vàng rực rỡ. Đẹp quá! Xúc động quá! Chúng tôi hoan hô họ như chính chúng tôi là dân chúng vậy.

Có tiếng súng nổ vang vang trong thành phố, phía Bắc, rồi phía Tây.

Đoàn xe Sở chỉ huy chúng tôi lần lượt lên đủ, đỗ dọc phía bên phải bùng binh. Tôi gặp đủ mặt các anh Hoằng, anh Phùng, anh Tám Danh, anh Bộ, anh Hồ Nam, anh Tiến, anh Tư Sen và những đồng chí khác. Trên mặt ai cũng thấy vẻ vui mừng rạng rỡ như muốn nói: “Binh đoàn mình hoàn thành nhiệm vụ một lần nữa rồi”.

Khi đầu đội hình của Tiểu đoàn 7 bạn và Trung đoàn 12 đến và được điều chỉnh rẽ phải để ra bờ sông, nơi có Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt, thì chúng tôi cũng lên xe tiến thẳng đại lộ Mônivông.

Đường xá trong thành phố này rất dễ nhận, nó gạch thành ô vuông đông tây, nam bắc. Hai bên đường Mônivông ở đoạn này mỗi dinh thự chiếm một khu vườn, có chỗ còn có mảnh ruộng, bàu nước. Vắng vẻ đến rợn người. Xe chạy vài phút đã thấy những nhà cao sáu tầng, rạp chiếu bóng, dãy hiệu buôn hai ba tầng, tất cả đều đóng cửa, một số nhà vẫn còn bảng hiệu bằng chữ Trung Quốc, Khơ-me, Pháp. Gặp xác một chiếc M113 còn bốc khói bên trái đường mang ký hiệu xe ta, chúng tôi dừng lại xuống xem, không thấy còn gì trong xe cả. Xe chúng tôi đi tiếp lên hướng Bắc. Từ đây trở lên mới có xác địch rải rác, toàn mặc đồ đen, khăn rằn quấn cổ. Nhiều thằng còn kẹp chân trong chiếc Honda 90, đứa nằm vắt trên xe Jeep, nằm sãi trên vỉa hè. Đứa nào cũng có một khẩu súng đeo vai, văng bên cạnh hoặc chêm dưới bụng. Tất cả xe cộ, lính nằm chết đều quay đầu về hướng Bắc. Lên trước sân nhà ga, xác địch càng nhiều hơn.
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 07:55:53 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #52 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 07:23:36 pm »

Như vậy E14 + D3(K) và BCH F7 qua cầu vào Phnôm Pênh trước, liền sau là 1 bộ phận của E209 (E bác binhyen).

Khiếp thật, xe hành tiến, chiến đấu mà chạy đến 80Km/h! Trong 1 clip có tháy cảnh xe tăng lao trên đường QL vào NP cứ nghĩ là nó quay nhanh!
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2010, 07:30:23 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #53 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:09:09 pm »

 Đoàn xe chúng tôi rẽ phải theo con đường trước công viên nhà ga đi thẳng ra bờ sông, chạy ngoặt trở xuống doi sông Bassac, nơi mà trên bản đồ đề là Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt. Trên đường gặp khá nhiều xe tải, xe du lịch, xe Bắc Kinh. Khu này rậm rạp, vắng tanh, các đầu đường đều ngăn vách tôn hoặc ván, chúng tôi quyết định trở lại đóng Sở chỉ huy ở chỗ khu nhà rẻ quạt , trước có bảng chữ Kampuchia: “Trụ sở Đại hội đại biểu nhân” nằm sát bờ sông. Ở đây trống trải, dễ bảo vệ. Khi vào nhà thấy chúng nó dơ quá, trụ sở Hội đồng gì mà đầy rác rến, cứt đái lẫn lộn trong đống liềm hái. Có mấy con bò ốm đói chạy lồng quanh trên đường nhựa . Một số anh em muốn tìm chỗ khác nhưng chúng tôi quyết định quét dọn mà ở chứ còn biết đi đâu nữa. Ở đây an toàn được mặt sông vì chỗ này là ngã tư nơi gặp nhau giữa Tông-lê-Sáp và Mê-Kông rộng đến hai ki-lô-mét.

Anh Thắng kéo tay tôi ra chỗ chiếc xe V-100 đậu dưới gốc dừa. Tưởng đâu có chuyện gì. Anh cười tủm tỉm và chỉ cho tôi những dấu đạn trên hông xe bây giờ tôi mới biết xe mình bị trúng nhiều đạn, có vết xước đặt vừa đầu ngón tay.

Việc đầu tiên của chúng tôi là triển khai xe thông tin để báo cáo về nhà.

Anh em thông tin trèo lên một cây sao cột sào ăng-ten. Nhưng loay hoay mãi không liên lạc được với Bộ chỉ huy tiền phương và Sở chỉ huy cơ bản của Binh đoàn. Đồng chí Bộ bảo là cự ly xa quá rồi, anh đề nghị cho xe thông tin tiếp sức chạy về gần Neak-lương để báo cáo. Tôi viết điện, tổ chức sẵn một bộ phận định phái anh Phùng đi, một mặt bảo anh em thử trèo lên đỉnh tháp của lâu đài Casinô nơi chứa cờ bạc công khai thời Sihanouk mắc ăng-ten thử. Đỉnh tháp này trên nóc tầng lầu năm cao nhất trong khu vực.

Mãi 13 giờ 15 phút, anh em thông tin mừng rỡ chạy vào báo cáo đã nói được với Bộ chỉ huy tiền phương hai bên. Tôi chui vào xe thông tin mà lòng rộn ràng hồi hộp.

Đầu máy bên kia là anh X. Một cuộc nói chuyện ngắn ngủi qua làn sóng điện, nhưng cả đời không thể quên được.
- A-lô, a-lô, Đoàn Cửu Long - Mê Kông báo cáo các anh, chúng tôi đã vào Phnom-Pênh hồi 10 giờ 30 phút và hoàn thành chiếm lĩnh các mục tiêu quy định hồi 12 giờ.
-Thật không? Tình hình trong thành phố ra sao?
Rồi giọng nói hạ nhỏ, không phải nói với tôi: “Rồi! Rồi! Đơn vị anh Khang Sarin và anh Hoàng Cầm chiếm Phnom-Pênh rồi”.
Nhiều tiếng ồ à, cười khúc khích trong máy.
Tôi nói tiếp:
- Báo cáo … địch chống cự khá mạnh ở cầu Sài Gòn (1), thành phố rộng, nắm chưa được hết, mới gặp chúng đánh du kích lẻ tẻ. Thành phố không có dân.
- Có chắc ăn chưa?
- Báo cáo chắc ạ! Chúng tôi đã chiếm phía Bắc thành phố, mũi phía Tây và Tây nam đang phát triển ra chiếm sân bay Pô-Chen-Tông và Đài phát thanh. Phía Đông ta đã chiếm khu vực Bộ tổng tham mưu và dọc bờ sông đến Hoàng Cung rồi.
- Có chắc không?
- Báo cáo chắc ạ! Anh không nhận ra tiếng tôi sao?
- Nhận rõ rồi … Hiện giờ anh đang ở đâu?
- Tôi đang ở gần Bộ tổng tham mưu Pôn Pốt, sát bờ sông ạ!
- Hoan nghênh, Ủy ban trung ương mặt trận đoàn kết cứu nước Kampuchia và tiền phương Bộ biểu dương Cửu Long - Mê Kông nhé.

Tôi trở về nhà rẻ quạt, mà đồng chí phiên dịch gọi là hội trường Chak Đô Mục (2) cũng vừa lúc đó hai xe
__________________
(1) : Cầu Mônivông còn có tên là cầu Sài Gòn
(2) : Sông bốn mặt
----------------------
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 07:44:23 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #54 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:12:49 pm »

M113 đến. Anh Nam Phong chạy vào báo là anh Hoàng Cầm tới. Chúng tôi ôm nhau nước mắt ràn rụa. Mới xa nhau có một tuần và mới nói chuyện với nhau qua điện thoại hồi sáng nay, thế mà tưởng đâu là cách xa nhau lâu lắm rồi vậy. Anh Hoàng Cầm bảo là trưa nay anh bay trực thăng đuổi theo đoàn xe, đến Phnom-Pênh bị pháo cao xạ 100 và 57ly, nó bắn lên ác quá tưởng rụng rồi, anh mới quyết định cho quay lại đường 1, đáp xuống Nam cầu Mônivông độ 15 ki-lô-mét rồi lấy xe M113 của đoàn 341 đi vào. Anh bảo: “Đến gần cầu hỏi mãi không ai biết ông ở đâu cả”.

Chừng ấy tôi mới nhớ lại câu anh dặn tôi hồi sáng là: “Đến Nam cầu Mônivông thì triển khai Sở chỉ huy ở cách cầu độ vài ki-lô-mét đón anh lên”.

Có các anh đến, tôi thấy nhẹ gánh, khỏe ra.

Anh Nam Phong bắt tay ngay vào chức trách, anh nghe anh Phùng báo cáo lại tình hình và phân công các đồng chí tham mưu đi kiểm tra các đơn vị.

Anh Hoàng Cầm rất chú trọng hướng sân bay Pô-Chen-Tông của Tiểu đoàn 7 bạn và Trung đoàn 209. Điện thoại lúc ấy cũng vừa nối thông với Sở chỉ huy Đoàn 7.

Lúc này mới thấm đói, thấm khát. Nhưng xin cơm, xin nước thì gạo không có, nồi không có, bình toong không có. Đánh giặc Tây nam này, anh em hay ăn chực ở các sư, lữ quen rồi, không mang theo gì cả. Thanh niên thì họ nhai bao nhiêu mì tôm cũng được, không cần phải ngâm nước nóng, họ gọi mì ăn liền là mì ăn liều. Không lúc nào hơn lúc này, chợt nhớ cô Hai Hỷ, hồi ở Phước Long, Long Khánh, Lâm Đồng, Sài Gòn năm trước chị nuôi cho ăn nóng ăn đủ lắm.

Anh em tham mưu bố trí một tổ cầm cờ tín hiệu để đón cánh quân đường thủy lên, một tổ trèo lên treo cờ đỏ năm tháp vàng khổ rộng năm mét trên đỉnh tháp nhà rẻ quạt.

Chín chục cây số chạy không cũng mất sáu tiếng, còn phải đánh nhau mở đường nữa, thì giỏi lắm giờ này đoàn tàu mới có thể đến được.

Anh Ba Bì vừa bảo như thế thì anh em ngoài bờ sông reo inh: “Tàu lên! Tàu lên!”. Rồi súng lớn bắn giòn giã. Chúng tôi chạy hết ra bờ xi-măng sát sông đứng nhìn như ngày hội rước nước. Đang thích thú theo dõi hai chiếc PGM và một tốp PCF đi sau, triển khai đội hình chếch về phía chúng tôi, bắn mạnh sang phía bên kia bờ, thì súng máy, pháo, cối đâu từ phía đông sông và trên cù lao Chuôi Chang Var vãi đạn lên đầu chúng tôi. Tầu dừa, cành cây rơi lả tả. Mọi người tìm chỗ nấp thì chỗ nào cũng sân xi-măng và đường nhựa, đành phải nấp sau các thân dừa, gốc cây ven sông và sau các nhà ngói. Một chiếc tàu chiến trong đám tàu lố nhố bên kia sông bốc cháy. Tàu ta tiếp tục nã bồi. Hai chiếc khác cũng từ chỗ ấy tháo chạy lên phía Bắc, khuất mũi Cù lao. Mở PRC-25 liên lạc với anh Huỳnh, anh cho biết là tàu ta vừa bắn cháy một xà lan có bố trí hai khẩu 37ly và tiêu diệt trận địa pháo 105ly trên bờ sông. Anh đề nghị truy đuổi tàu địch và đổ bộ chiếm cứ hải quân như kế hoạch.

Biết rằng địch phía bờ bên kia và trên đảo còn nguyên, có hỏa lực rất mạnh mà đoàn 2 thì từ Svairiêng mới xuất phát hai ngày, không thể nào tới kịp được nên chúng tôi ra lệnh cho đoàn tàu đổ bộ Trung đoàn 113 đặc công trước cửa Hoàng Cung, rồi sẽ tổ chức đánh chiếm căn cứ hải quân địch bên Cù lao sau. Trong lúc ta đổ bộ, địch lại bắn dồn dập hỏa lực lên bến. Có đạn pháo rơi trúng khu Hoàng Cung. Pháo ta vừa bố trí xong ở gần bờ sông, phía dưới Casinô bắn sang kiềm chế pháo địch, nhất định phải bảo vệ cho được khu di tích Hoàng Cung cho nhân dân bạn.

Anh Hoàng Cầm quyết định dời Sở chỉ huy vào khuất bên trong một chút.

Lúc bấy giờ là 14 giờ 20 phút ngày 7-1-1979.

Chúng tôi vừa đến công viên phía Nam Hoàng Cung, thì cũng vừa gặp đoàn xe của Sở chỉ huy Binh Đoàn 1 bạn đến. Đồng chí Khang Sarin đi trên chiếc V-100 có cắm cờ hiệu Binh đoàn.
(tổ ongbom-f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 11:12:36 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #55 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:24:04 pm »

IX
CHIỀU KINH THÀNH CHÙA THÁP


07-01-1979
Quân địch chống cự yếu hơn là dự kiến. Điều đó làm cho Bộ tham mưu Binh đoàn suy nghĩ. Thành phố Phnom-Pênh rộng đến 20 ki-lô-mét vuông, trước đây có gần hai triệu dân sinh sống. Pôn Pốt cho rào tất cả các đường ngang ngõ tắt chỉ chừa lại mấy đại lộ chính. Xóa bỏ đô thị tất nhiên là Pôn Pốt cũng bỏ tên đường phố. Những tên đường mà chúng tôi gọi là theo quy ước thống nhất dựa vào bản đồ cũ thời Sihanouk. Nhà cửa phố xá bỏ hoang lẩn lút trong những vườn chuối và cây ăn quả cỏ dại mọc um tùm tạo thành những khu vực địa hình phức tạp rộng bát ngát. Trong đó địch có thể ẩn nấp kín đáo hàng mấy sư đoàn. Riêng những lâu đài dinh thự nhiều tầng ở dọc các đại lộ, muốn sục sạo cho khắp cũng phải dùng hàng vạn quân trong mấy ngày. Thế mà quân cách mạng tiến vào thành chỉ mới đủ bố trí thưa thớt như trên một bàn cờ về khuya. Nếu đêm nay các cánh quân bạn chưa đến kịp ngoại ô hướng Tây, Tây bắc và Bắc, thì địch có thể từ ngoài đánh vào, trong đánh ra, gây khó khăn cho ta. Ai cũng biết “Kế không thành” là một trong những món sở trường của binh thư Trung Quốc. Tình huống này đã được dự kiến, nhưng lo vẫn cứ lo. Kinh nghiệm tác chiến trong thành phố của các đơn vị bạn chưa nhiều. Thắng lợi tương đối chóng vánh vừa rồi cộng với sự mệt mỏi suốt mười ngày hành quân chiến đấu liên tục, có thể dẫn đến liều lĩnh chủ quan. Ngay trong Sở chỉ huy binh đoàn tuy số người không đông hơn nhân viên tòa đô chính cũng đã có chiều mất cảnh giác. Ngày tháng giêng lại ngắn, chỉ vài giờ nữa là đêm xuống rồi.

Bộ tham mưu binh đoàn tổ chức đi kiểm tra và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyển từ chiến đấu ban ngày sang chiến đấu ban đêm. Vào một thành phố lạ như thế này mà không đi khảo sát địa hình thì thật là như nằm trên tổ kiến. Tôi nhận trách nhiệm cùng với sĩ quan tham mưu, chính trị đi kiểm tra hướng Bắc và hướng Tây.

Thành phố Phnom-Pênh này có một đặc điểm là đứng chỗ nào cũng nhìn thấy đền Phnom. Ngôi tháp đồ sộ hình chuông úp này là biểu tượng của thủ đô. Chúng tôi lấy tháp Phnom làm điểm chuẩn để đi và về.

Những chập súng lẻ tẻ đó đây không làm mất vẻ tĩnh mịch của một thành phố rộng lớn. Nó giống tiếng pháo trong ngày hội hơn là chiến tranh. Đám cháy phía sau nhà ga cũng đã lụi dần. Thế là bằng tốc độ phi thường của ý chí, quyết tâm, quân đội cách mạng đã giành lại trong tay Pôn Pốt – Iêng Xari  một thành phố thủ đô, không để cho chúng kịp đốt phá. Tháp và đền Phnom được xây trên một hòn non nhân tạo mà tuổi tác có thể tính bằng những cây đa cổ thụ mọc trên sườn núi. Xung quanh chân núi là một vườn bách thảo với những loại cây mà ta chưa từng biết tên.

Dưới bóng mát của những tàn phượng vĩ bóng đa bên cạnh đền Phnom, trong vườn trẻ đầy cỏ dại, những chiếc đu quay, đu xích còn lay lắc đong đưa, hình như có đàn cháu nhỏ mới đâu đây! Trên hè phố đầy rác rưởi, giẻ rách, sách vở, thỉnh thoảng có một chiếc nôi, một xe đạp Mini, hay chiếc Honda vứt bừa bãi, như có thanh niên trai gái vừa đi vào nhà. Trước cổng một số dinh thự giàn bông giấy vẫn um tùm ra hoa trắng, đỏ, vàng trên cánh cổng hé mở. Trên bao lơn lủng lẳng những giò phong lan bên cạnh những chậu sứ Nhật Bản trổ hoa đỏ. Khung cửa kính còn buông màn xanh lam có viền đăng ten trắng. Ai trong đó mà bức màn lay động.

Yên lặng quá! Gió từ ngoài sông lùa qua bóng râm dưới tàn cây cổ thụ, làm cho một thành phố nổi tiếng ở vùng Đông Nam Á này thêm dịu dàng duyên dáng. Một thành phố mà có
(ongbom unit typed)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 10:56:02 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #56 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:34:12 pm »

thi sĩ đã hình dung như một cô gái lim dim, thiu thỉu giữa một buổi trưa hè.

Đi giữa thành phố Phnôm Pênh chiều nay, tôi có cảm tưởng như là một thành phố phương Tây ngủ sớm trong mùa lạnh.Tôi lại tưởng tượng đến một thành phố bị bom neutron mà đế quốc Mỹ gọi là bom sạch.

Lạ lùng quá, dù đã nghe Pôn-Pốt - Iêng-Xary đuổi dân đi khỏi Phnom Penh hồi tháng tư năm 1975! Rùng rợn quá, dù đã biết thành phố Phnom Penh là thành phố chết.

Đến  trước khách sạn Hoàng Gia và khu trường Đại Học Y Dược chúng mới gặp các chiến sĩ bạn thuộc Tiểu đoàn 3. Họ gác các ngã ba ngã tư. Tôi hỏi đồng chí tiểu đoàn trưởng Mia-sa Xát-Tha và chánh trị viên Ôn-Chxan ở đâu. Các đồng chí chỉ vào khách sạn Hoàng Gia. Vào trong tòa lầu đồ sộ kiến trúc theo kiểu Pháp, tôi sực nhớ cách đây không lâu bọn Pôn-Pốt – Iêng-Xary đã giết mất một giáo sư kiêm nhà báo người Anh ở đây. Vòng phía sau lâu đài, bên cạnh hồ nước, chúng tôi gặp anh Thuyết trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 và anh Luận, chính ủy trung đoàn. Thì ra Sở chỉ huy Trung đoàn 14 cũng đóng ở đây. Anh Thuyết cho mời các đồng chí chỉ huy Tiểu đoàn 3 ra gặp tôi. Xúc động quá tôi ôm hôn hai người bạn trẻ. Tôi hỏi:
- Thế nào, anh em mạnh khỏe cả chứ?
Xát Tha đáp:
- Dạ, báo cáo đồng chí, anh em khỏe cả!
Tôi quay sang Ôn-Chxan:
- Anh em có vui mừng không?
- Ồ! Mừng lắm, vui lắm, mà ai cũng chảy nước mắt hết.

Các chiến sĩ kampuchia trong Sở chỉ huy lần lượt đến bao quanh chúng tôi khá đông. Chúng tôi bắt tay từng người. Ai cũng vui tươi rạng rỡ trong niềm tự hào của những người chủ đi xa lâu ngày mới đưa bạn bè thân thuộc trở về quê nhà.

Tôi hỏi :
- Anh em bố trí canh gác, lùng sục tốt rồi chứ?
Xát-Tha đáp:
- Dạ! Các anh em tích cực lắm, mới bắt được mấy chục tù binh có đủ súng hết; có thằng đang gài mìn ở chân ghế, trên quạt trần. Anh nói tiếp: Đồng chí nhắc anh em Việt Nam coi chừng. Nó khai là chúng nó còn hơn hai mươi đội cảm tử trong thành phố, mỗi đội hai mươi, ba mươi đứa.

Tôi hỏi anh Thuyết các đội công tác bạn đang ở đâu. Anh đáp là đang đi với các tiểu đoàn trên đường 5, và ngoại ô phía Tây bắc. Anh bảo là chị em vừa phát hiện được một số công nhân nhà máy nước ngọt bị tụi Ăng-ka bắt ép chạy lên Ămleang bị lật xe chết bốn  và bị thương nhiều người, ta đã băng bó cứu chữa và cho ăn uống.

Sau khi giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 14 và Tiểu đoàn 3 chúng tôi đi xuống công viên đầu cầu Chruoi-Chang-va mà anh em gọi là “Cầu Sập”. Tiểu đoàn 2 xe tăng tập kết tại đó. Xe tăng, xe thiết giáp của ta lem luốt dầu mỡ, khói bụi xếp hàng bên cạnh đầy xe chở khoang phà của công binh địch bỏ lại. Chiến sĩ xe tăng ta người thì phủi bụi lau xe, người thì nấu cơm dọc theo bờ sông.

Chúng tôi gặp Phạm Hoa, đại đội trưởng Đại đội 5 thiết giáp. Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc PT85 và hai chiếc xe tải địch còn bốc khói âm ỉ ở phía nam gầm cầu. Hoa báo cáo ngay:
- Bọn địch trên ba xe này tất ngoan cố, nó bắn ta hy sinh một, bị thương ba.

Trong lúc thắng lợi như thế này mà nghe hy sinh mất mát dù ít, cũng rất đau xót, tôi cau mày.

Hoa trình bày là lúc xe tăng ta tiến đến phía sau Hoàng Cung cũng vừa lúc ba xe PT85 này theo đường bờ sông chạy lên. Nếu chặn đánh chúng ở đây thì có thể nát đổ Hoàng Cung, nên anh quyết định quay vòng lên phía Bắc chặn đầu bắt sống.
(h-lananh đánh máy)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2010, 09:15:29 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #57 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:39:47 pm »

Ta chạy đường vòng còn nó chạy đường thẳng chặn đầu không kịp nên đến đây phải bắn hạ nó.

Vừa lúc ấy Thành đến. Vốn người đã đen, da ăn nắng càng đen trũi, chỉ nhìn thấy đôi mắt và hàm răng.
Tôi hỏi ngay:
- Xe của Giao bị đổ phải không?
Hỏi nhưng tôi rất sợ câu trả lời.

Thành nói năng nghiêm chỉnh theo thói quen của lính xe tăng:
- Báo cáo anh, khi qua nhà máy gỗ ván các loại đạn pháo chống tăng của địch gài tương đối dày đặc. Được các xe sau yểm hộ, xe của Giao lao lên bứt bỏ đội hình Đại đội 10 đến ba bốn cây số. Lúc đó xe địch từ hai bên đường tháo chạy nên xe của Giao chen vào giữa đội hình xe địch. Khi xe của Giao bắn hạ được hai chiếc phía trước trong cự ly quá gần, khói bụi che lấp tốc độ nhanh không lấy được tim đường nên xe bị dệ xuống mương. Anh em nhảy xuống xe chiến đấu bằng súng bộ binh, diệt thêm hai xe chạy sau và bọn bộ binh địch. Mãi gần hai mươi phút sau, Đại đội 10 mới đến. Trần Ngọc Giao lên thay Đại đội trưởng trên chiếc T54 số 973, dẫn đầu đội hình chọc thẳng vào thành phố.

Như vậy là Trần Ngọc Giao đã chiến đấu trên chiếc xe tăng thứ tư trong vòng một tuần từ đường 10 vào đến Phnom-Pênh.

- Anh em khỏe cả chứ?
- Báo cáo anh chỉ có ba đồng chí bị thương nhẹ.
Tôi hỏi Phạm Hoa:
- Thế còn chiếc M.113 bị bắn cháy trên đường Mô-ni-vông?
Hoa kể:
- Khi đến chỗ ấy có hai ô tô và nhiều xe máy của địch chạy lên hướng Bắc. Từ các ngã ba ngã tư nó bắn ra, trên nhà gác nó bắn xuống, có chỗ thấy cả hàng chục nòng B40. Xe M.113 số 176 của tôi trúng hai quả B40 chỉ cách thùng xăng năm xăng-ti-met. Một số chiến sĩ bộ binh và nhân viên trong xe tăng bị thương nặng. Tưởng xe cháy anh em nhảy ra ngoài, thì thấy một xe đi sau tôi của Đại đội 21 bị trúng đạn bốc cháy. Khi chúng tôi chạy tới gần để cứu chữa thì chiếc xe như một bó đuốc, một đồng chí hy sinh và bốn đồng chí bị thương đã dìu nhau ra khỏi xe. Vừa lúc ấy xe phía sau của Đại đội 21 đến bốc anh em lên xe đi luôn.

Tôi hỏi:
- Đại đội 21 đi thẳng ra sân bay Pôchentông phải không?

Thành không đáp câu hỏi của tôi mà nói ý nghĩ của mình :
- Anh em ta chỉ dùng súng bộ binh bắn, chứ không dùng pháo sợ cháy thành phố. Đại đội 5, Đại đội 21 cũng vậy, nên ta mới bị thiệt hại như thế.

Hồi trưa này tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc Lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này. Chiến sĩ ta đã thực hiện một cách dũng cảm, nghiêm túc, sáng tạo lời dạy của Đảng ta.

Chúng tôi bàn kế hoạch bố trí xử dụng Tiểu đoàn 2 xe tăng đêm nay và căn dặn Thành phải đưa ngay hai tử sĩ về nước, rồi lên xe đi ra đại lộ Liên Xô.

Trên đại lộ Mô-ni-Vông và trên các phố buốn trước đây xung quanh khu chợ mới, vung vãi khắp nơi đầy ti-vi, tủ lạnh, nồi điện, bàn là, mô tô, xe đạp, chai lọ, hộp giấy, thùng gỗ, giấy bạc mới, đệm giường ... Dấu tích lục lọi, phá phách của bọn lính Pôn Pốt trước khi tháo chạy.

Chúng tôi vào thử một con phố cất theo kiểu thời Pháp thuộc. Trên chiếc nôi đầy giẻ rách có con búp bê, trên mặt chiếc bàn tròn bằng cẩm thạch giả còn cái ô trầu mạ bạc trên nắp có bình vôi, ống ngoáy đồng chạm trổ hình tháp Bayon bốn
(h_lananh đánh máy)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2010, 09:06:25 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #58 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:47:06 pm »

mặt. Trong nhà bếp còn mâm cơm ăn dở đã quá lâu rồi. Nồi cơm lên meo, lên nấm xanh xanh, vàng vàng. Trong bát đĩa còn một chất đặc đen thủi có xương cá.

Dọc đường “Liên Xô” đường ra sân bay Pochentong chúng tôi gặp từng tổ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 2 bạn canh gác. Trên sân rải đá cuội trước ngôi nhà cửa vách toàn bằng kính và kim loại không rỉ, có bảng đề “Phủ Thủ Tướng”, nằm lăn kềnh một con cá sấu, một con gấu và một con beo nhồi bông trên đống giấy tờ sổ sách tranh ảnh còn mới nguyên. Các chiến sĩ bạn đưa cho tôi xem một xấp ảnh màu chụp  Pôn-Pốt – Iêng-Xari, Khiêu-Sâm- Phan và vợ của họ xun xoe với các nhận vật tai to mặt lớn ở Trung Nam Hải Bắc Kinh như: Hoa Quốc Phong, Hoàng Hoa, Uông Đông Hưng, Đặng Vĩnh Siêu, Phù Hạo, v.v ... Có một tấm ảnh chụp toàn bộ Ban lãnh đạo Trung ương Khơ Me Đỏ, có cả Sihanouk đứng chầu rìa bên cạnh. Trớ trêu là mấy tấm thiệp chúc Tết Tây đỏ hoét của một số ít ỏi những vị đứng đầu các nước mà Pôn-Pốt đã hé cửa cho họ vào xem chúng nó làm thịt nhân dân Kampuchia.

Có tiếng súng nổ lớn hướng Pô-chen-Tông, xe chúng tôi dừng lại trước cơ quan viện trợ Mỹ MAAG cũ. Ở đây chúng tôi gặp đồng chí Chiêu-Sa-Vát, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 từ hướng sân bay đi lại trên chiếc xe Jeep mới toanh.

Đồng chí bảo là Trung đoàn 209 đang tiếp cận sân bay Pô-chen- Tông đồng thời nghe có nhiều tiếng pháo nổ ở hướng Nam Tây nam. Có lẽ cánh quân bạn trên đường số 3 đã lên gần đến nơi rồi.

Chúng tôi lên xe đi tiếp lên đến ngã tư nơi đường quốc lộ số 4 và đường Mao Trạch Đông gặp nhau, tôi gặp anh Từ, chính ủy Trung đoàn 209. Anh cho biết Sở chỉ huy Trung đoàn đóng ở đây, còn anh Cường  đã đi ra sân bay Pô-Chen-Tông với hai tiểu đoàn. Sau khi báo cáo qua tình hình của Trung đoàn, anh đưa  tôi đi xem bãi xe có gần trăm chiếc M113 và trên hai trăm chiếc xe tải ở trong và xung quanh khu chợ cũ (nhìn bản đồ là Phsar-Đơm-Kô nghĩa là “ Chợ Cây Gòn”). Anh Từ còn cho biết xung quanh đây là khu sửa chữa xe pháo. Trên đường Mao Trạch Đông về phía Nam có xưởng may quân trang và sứ quán Trung Quốc. Do đó mà chúng cấm đường, ngăn bằng thùng phuy, giữa đường có nhiều trạm gác. Anh bảo, tất cả những dãy nhà kho của nhà ga xe lửa và tất cả lâu đài, dinh thự chùa chiền dọc theo phía Bắc đường sắt đều đầy ắp vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh của Trung Quốc mới đưa sang. Dọc hai bên đường số 4 có rất nhiều pháo 105, 122, 37, 57 ly có cả đại pháo 130 ly. Anh kết luận rằng: Chưa phát hiện hết nhưng chắc chắn rằng từ hai bên đại lộ Mao Trạch Đông đổ về phía Tây là kho tàng và xưởng sửa chữa của quân đội Pôn-Pốt – Iêng-Xari. Có nhiều dấu tích để lại chứng tỏ bọn chuyên gia quân sự Trung Quốc đảm nhiệm khu vực này. Tôi cũng thoáng nghĩ bọn Pôn-Pốt – Iêng-Xari theo lệnh của Bắc Kinh đuổi dân ra khỏi Phnom-Pênh còn có mục đích nữa là để biến nơi đây thành căn cứ quân sự trung tâm. Vị trí Phnom- Pênh rất quan trọng, có đường Quốc lộ 4 và đường xe lửa nối liền với Cảng Kom-Pông- Som. Phnôm Penh là điểm hội tụ là gốc xuất phát của tất cả đường quốc lộ - Quốc lộ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, đi khắp các miền của đất nước, đánh số theo chiều kim đồng hồ.

Đánh một vòng xung quanh sân vận động, chúng tôi theo đường De Gaulle để trở ra đại lộ Mô-ni-vông. Đường này hai bên là cây me, cây khế, cây ô môi và có cây gì có hoa vàng quả như quả bồ kết. Nhà cửa phần lớn kiến trúc theo thời Pháp. Không một bóng người. Đến Sở chỉ huy Đoàn 7 trên đường Mô-ni-vông tôi gặp đủ cả anh Dũng, anh Thẩm, anh Vịnh. Các anh đóng trong nhà bán vé máy bay. Trước cửa, dọc theo rào sắt có hàng dương liễu. Trong nhà bày biện sang trọng với những bàn ghế đóng ở Kampuchia trước đây. Màn, thảm và đồ dùng đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Máy
(h_lananh đánh máy)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2010, 09:13:38 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #59 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 10:51:32 pm »

điều hòa của Nhật. Trên tường có treo tranh ảnh phong cảnh Trung Quốc, các bức chạm nổi giả đồng đen tượng hình đền Bayon Angkor. Các phòng khác có treo lịch hàng không và trên mặt bàn có những chiếc đế gỗ cắm cờ đuôi nheo nho nhỏ bằng sa tanh của Ru-ma-ni, Triều Tiên, Nam Tư ... Tầng dưới, trong một gian có cửa sắt dùng làm kho, đấy ắp những kiện hàng tài liệu báo chí, sách vở Trung Quốc, cho đến những hộp giấy đựng lọ “Ca-la-thầu”, “Ô mai”, “Xí mụi”. Có nhiều kiện họa báo, báo chí, sách chính trị bằng chữ Khơ- me, tranh ảnh chụp ngoại giao của chính quyền Pôn Pốt in từ Trung Quốc mới gửi sang. Nếu ta đưa một người tới đây mà không cho họ biết trước thì chắc chắn họ sẽ bảo đây là nhà ga máy bay trên đất Trung Hoa.

    Chúng tôi đang bàn công việc cho đêm nay thì có điện thoại từ trại tù binh báo về là có hai vợ chồng người nấu cơm cho Pôn Pốt muốn gặp Bộ chỉ huy Việt Nam. Anh Thẩm trả lời là bảo họ phải gặp Bộ chỉ huy Binh đoàn 1 bạn. Anh em lại bảo là họ sợ gặp bạn sẽ bị giết chết, nên muốn xin gặp ta. Anh Thẩm đồng ý cho đưa họ đến. Trại tù binh là khu nhà in cũ ở gần bên Sở chỉ huy Đoàn 7, nên chỉ mấy phút sau là anh em đưa họ đến nơi. Người chồng mặc áo sơ mi trắng, quần tetoron xám, cao gầy, giống người Trung Quốc nhiều hơn là Kampuchia. Vừa gặp chúng tôi anh ta nói tía lia bằng tiếng Pháp. Anh Thẩm bảo anh ta nói tiếng Khơ-me. Anh Thẩm lại không biết nói tiếng Khơ-me nên tôi phải đứng vai phiên dịch. May sao chị vợ, dáng người và cách ăn mặc đúng là Khơ–me 100% thì lại nói tiếng Việt rất sõi. Họ bảo họ là người nấu ăn cho Pennút chứ không phải cho Pôn-Pốt. Họ kể: Sau ngày 14/4/1975 Chính phủ của Sihanouk do Pennút làm Thủ tướng, đang lưu vong ở Bắc kinh, được Pôn-Pốt mời về hợp tác. Nhưng khi về đến nơi thì chúng bắt giam tất cả ở một nơi gần Battambang để cải tạo lao động, còn vợ chồng Sihanouk thì bị giam lỏng ở Phnom-Pênh. Mãi đến cách đây bốn mươi ngày nó cho đưa hết về ngoại ô phía Tây nam Phnom-Pênh. Vợ chồng Pennút được ở riêng một biệt thự gần đường Mô-ni-vông. Chúng nó cho phép Pennút được chọn một người nấu ăn và trồng rau nuôi gà. Pennút chiếu cố đến vợ chồng anh ta. Cho đến trưa hôm qua, chúng nó cho đem xe lại đưa vợ chồng Pennút ra sân bay. Họ đoán Sihanouk cũng đi chiếc máy bay ấy.

Chúng tôi biết vợ chồng anh ta không phải là người đầu bếp chăn gà đâu, nhưng chúng tôi rất cần những người thông thạo thành phố Phnom-Pênh. Chúng tôi nhờ anh ta dẫn  một bộ phận vệ binh đến chỗ Pôn-Pốt giam những người trong chánh phủ lưu vong của Sihanouk. Anh em đi một chốc trở về báo lại là theo dấu vết thì chúng đã đưa họ đi một tuần rồi. Tôi bảo anh ta ghi tên họ chức vụ của tất cả những người ấy. Và hôm sau khi đến nhà tù Tung-Sleng, tôi nghi là bọn họ đã bị giết. Vì trong số xác chết bị xiềng chân trên giường sắt ấy không có vẻ là người lao động chân tay bình thường. Bên cạnh giường sắt bố trí riêng trong từng phòng lại có máy điện thoại, máy ghi âm, bàn máy đánh chữ những phương tiện khai báo dành cho trí thức. Trong thành phố cũng xuất hiện những xác chết của đàn ông đàn bà mặc hàng đắt tiền. Chúng nó khử nhau trước khi tháo chạy.

Tôi nghĩ: Sau này nếu bà con họ muốn đòi mạng thì hãy đòi ở Pôn-Pốt – Iêng-Xari và những người ở Trung Nam Hải – Bắc Kinh.

Làm việc với Bộ tư lệnh Đoàn 7 xong thì đã 16giờ 30 phút, chúng tôi trở về Sở chỉ huy Binh đoàn.

Sở chỉ huy dời vào trong, cách bờ sông hai con đường, ở khu nhà khách của Hoàng Cung. Lâu đài này chỉ có hai tầng nhưng rất đồ sộ, cất theo kiểu Pháp, có nền đá cao khỏi đầu. Tường dầy, cột to, các gian buồng trong nhà này có giá trị chống các loại đạn như trong lô cốt. Cửa lâu đài với những bậc thềm rộng, hai bên có hai con sư tử đá to tướng ngồi nhìn ra công viên “Con Gà”.
(h_lananh đánh máy)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2010, 10:36:21 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM