Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:25:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Phnôm-Pênh - Bùi Cát Vũ  (Đọc 137123 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #40 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 04:01:25 pm »

Khu vực tàu của trung đoàn 962 "vượt biên" - sông Tiền.
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #41 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:11:29 pm »

Đố ai tìm được dấu vết mệt nhọc của sáu ngày đêm ròng rã hành quân chiến đấu với cường độ tưởng chừng ngoài sức chịu đựng của con người. Chiến sĩ ta đánh giặc giỏi, làm công tác dân vận giỏi, mà cũng rất nhạy cảm với cảnh đẹp thiên nhiên. Có lex vì thế mà chiến sĩ ta hay làm thơ.

Neak-lương, tiếng Khơ-me có nghĩa là nàng Lương. Chắc ở đây xưa kia đã xảy ra một chuyện buồn về thân phận người con gái tên Lương. Cách Svairiêng 68 km, Sài Gòn gần 200 km, Phnom-Pênh 60 km, cho nên hồi trước Neak-lương có nhiều hàng quán với món ăn đặc biệt của cá tôm Mê Kông nổi tiếng là ngọt thịt. Neak-lương đãi khách chờ phà. Vì thế mà tên Hố Lương quen thuộc hấp dẫn anh em quê miền Nam. Còn lính quê phía Bắc thì đây là dòng sông Mê Kông chảy qua ba nước anh em Lào - Kampuchia - Việt Nam đã hằn sâu vào tâm trí từ hồi ngồi trên ghế nhà trường. Ai cũng muốn hớp một ngụm nước sông, ai cũng muốn tắm, ít ra cũng rửa mặt, không thì cũng khoát tay xuống nước một cái như anh em lái xe.

Ba năm tám tháng rồi, Neak--lương điêu tàn, hiu quạnh dưới chế độ rào tường, ráp ngõ, cấm chợ, ngăn sông của Pon Pốt. Đêm nay Neak-lương hồi tỉnh mãnh liệt tưng bừng mở hội, như nhờ có phép thần tiên mà nàng Lương thoát nạn, từ cõi chết trở về.

Ra đến giữa sông mới biết sông rộng, gió sông Mê Kông làm mát da mát thịt, mát tận trong lòng.

Đến Sở chỉ huy mới anh em mới triển khai xong trong một doanh trại lính Pôn Pốt, chúng tôi gặp anh Ngọc Anh và anh Vịnh đang là mnhiệm vụ chỉ huy các đơn vị ở phía tây sông. Sau khi nghe các anh báo cáo tóm tắt tình hình, chúng tôi đi ra chỗ bến phà xi-măng cũ thăm bà con Kampuchia đang tụ tập ở đó. Anh Tư Sen, trưởng phòng dân địch vận Binh đoàn cùng một số cán bộ của ta, các đội viên công tác của bạn, cả Sà-Vây, Chan-Thu, Sam-môn đang có mặt ở đây.

Anh em cho biết bà con ở đây là người ở trong phum, hôm qua tụi nó lùa dân đi hết, bà con này trốn ở lại. Trong phum vắng vẻ, bà con sợ nên kéo ra đây. Bà con cho biết hơm mười ngày rồi chúng nó đưa nhiều xe, nhiều pháo và lính đông lắm sang miệt Svairiêng. Nhưng hai hônma y chúng nó chỉ lội sông về lẻ tẻ thôi.

Tôi ngồi trên mặt đất, kéo một em bé đứng cạnh, choàng tay ôm lấy nó. Tôi cố gợi cho đồng báo nói. Tôi muốn nghe tạn tai tiếng nói chân thật của bà con. Bà con thay phiên nhau kể, bổ sung, nhắc nhau, từ chuyện sinh sống làm lụng trong công xã, chuyện làm phân bằng xác người để đại nhảy vọt cho đến chuyện Ăng Ka đánh giết hành hạ người dân, chuyện ăn, ở, mặc của bà con, chuyện cưới xin tình cảm nam, nữ, chuyện gia đình ly tán, chuyện sư sãi bị giết, chùa chiền bị đập phá. Nhà văn Nguyễn Thế Trung ngồi bên cạnh tôi bấm đèn pin ghi chép mà nước mắt rưng rưng. Từ ngày đầu chiến dịch đến nay, anh Trung đi với tôi như hình với bóng. Tôi ở đâu, đang làm gì, ngoái lại sau lưng cũng thấy anh đang ghi ghi chép chép. Mấy hôm ở Đôn-so, Prey-nhây anh rủ tôi đi xem dấu vết của các công xã như những người khảo cổ. Chúng tôi tìm đủ chứng tích và hiểu rằng các công xã của Pôn Pốt - Iêng-Xari là một thứ chế độ nô lệ, có khi còn tàn bạo hơn chế độ nô lệ thời trung cổ. Nó xóa bỏ cơ sở gia đình. Nó phân ra nô lệ lão ông, nô lệ lão bà, nô lệ đàn ông, nô lệ đàn bà, nô lệ trẻ con. Hôn nhân hoàn toàn do Ăng Ka sắp đặt bằng những đám cưới tập thể. Vợ chồng được ngủ chung với nhau có định kì như bỏ giống súc vật ... Còn Ăng Ka là bọn chủ nô có gia đình riêng, có nhiều vợ, biết dùng radio, cátsét, phích nước, đồ sứ Giang Tây ... tế tạo tại Trung Quốc.

Khi bà con đã cạn lời, tôi mới hỏi, tôi hỏi những điều đã nghe mà lòng còn ngờ vực:
- Ba người ăn nửa lon gạo mà làm lụng nặng nhọc hơn mười giờ mỗi ngày, thì làm sao bà con làm nổi?
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 09:38:27 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #42 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:12:46 pm »

Bà con gần như đồng thanh đáp:
- Phải nổi chứ, đi té lên té xuống cũng phải làm, nó khoán một ngày hai thước khối đất, ngày nào làm không đủ thì dồn qua ngày sau, nên có lúc muốn chết còn khoẻ hơn.
- Mấy năm nay phum ta chết chừng bao nhiêu người?
- Độ phân nửa, còn bị đem đi biệt dạng thì nhiều.

Thấy không khí bi lụy quá, tôi xoay qua chuyện nhẹ nhàng hơn, tôi hỏi:
- Này các cô, làm lụng nặng như vậy mà mỗi năm nó chỉ phát một bộ quần áo thì làm sao đủ?
Các cô gái trốn mặt sau lưng các bà mẹ, lén nhìn chúng tôi trong bóng tối. Một bà mẹ nói:
- Mắc cỡ gì, ổng hỏi cho biết mà. Vậy nè, tối đi làm về thì cởi ra giặt phơi gió, ở truồng, ôm nhau ngủ, gà gáy dậy bận vô, nó còn ướt thì làm việc tới sáng nó khô ...

Tôi tìm cách thăm dò lòng dạ của nhân dân Kampuchia đối với nhiệm vụ của chúng tôi, tôi hỏi:
- Ang-Ka nó nói Việt Nam là kẻ thù, Việt Nam là xâm lược, bụng bà con mình nghĩ sao?
Mọi người xôn xao giành nhau đáp, tôi phải đề nghị bà mẹ lúc nãy nói thay. Mẹ nói:
- Đừng nói vậy tội chết, mấy hôm nay đêm nào người già cũng lấy vỏ thốt nốt làm nhang chắp tay lạy về phía Svairiêng cầu trời khấn phật cho quân giải phóng về tới đây cứu bà con, nếu giải phóng dừng lại ở Svairiêng thì bà con ở đây chết hết.

Tôi cố gượng hết sức mà hai môi tôi cứ run, giọng nói méo mó, đứt đoạn:
- Mẹ ơi! Mẹ đừng nói vậy, mẹ cứ kêu chúng con bằng con, cứu mẹ, cứu nhân dân Kampuchia của mẹ là trách nhiệm của các con. Các con về trễ là các con có lỗi với bà con rồi.

Các cô đội viên công tác khóc thút thít. Một ông cụ nói:
- Anh em Việt Nam là người ơn, bộ đội giải phóng của cụ Hồ cứu nhân dân Khơ-me lần thứ hai. Tôi chắc chắn bà con Kampuchia nầy ở đâu cũng thương bộ đội giải phóng nhiều nhiều. Khi trước bộ đội giải phóng về nước, bà con khóc, bà con sợ Ăng-ka nó tới đánh bà con không dám nói ra miện chớ trong bụng nhớ hoài.

Nhìn bà mẹ già móm mém, tôi chợt nhớ bà mẹ Xo ở Ba Nam, chỉ trên dòng nước này không đến một giờ thuyền chèo. Bà mẹ Xo đầu cạo trọc láng bóng và hai vành tai dài như tai Phật, cũng móm mém như bà mẹ này. Mẹ Xo vui tính lắm. Mẹ bắt đầu quen anh em bộ đội gỉai phóng Việt Nam, khi mẹ nghe anh em nói tiếng Khơ-me "bắt cá" thành ra "bắt con gái" (chập sẩy thành ra chạp srẩy), mẹ cười ngất. Mẹ bảo: "chạp  sẩy xi ban, chạp srẩy xi ót ban tê!" (bắt cá ăn được chớ bắt con gái ăn không được đâu). Mẹ thương con giải phóng Việt  Nam, ngoài việc ép ăn, ép uớng, mẹ còn hay cặp đôi anh em với các co gái ngaon nhất vùng. Anh em nói có vợ rồi, mẹ không tin, nhưng sau rồi mẹ hiểu, mẹ không nói đến chuyện ấy nữa. Mẹ cứ hay nói với làng xóm rằng: "Cũng thời là một thứ ngườ, nói một thứ tiếng, sao mà các con giải phóng Việt Nam hiền quá, tốt quá. dễ thương quá. Còn tụi "Duôl Thiệu Sài Gòn thì dữ quá, ác qúa. Hồi nó càn lên đây nó gom hết thảy từ ông Phật đến cái váy phụ nữ. Có thằng nó chĩa súng biểu mẹ đưa vàng, mẹ làm bộ lục túi chầm chậm, nó nói: "có mấy cái túi mà bà già lục lâu quá để tôi lục giùm cho". Rồi nó mò từ trên cổ xuống lưng xa-rông của mẹ".

Nhớ mẹ Xo tôi hỏi:
- Bà con ơi! Dân Banam còn ở chỗ cũ không?
- Banam cũng tiêu hết rồi. Pôn Pốt nói dân Banam thương Việt Nam, nó đưa lên Puốc Xát lâu rồi.

Một ông cụ trạc 70 tuổi gầy gò khổ sở, bỗng dưng nói tiếng Việt rất sõi, dùng nhiều từ ngữ rất cổ:
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 10:28:37 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #43 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:15:47 pm »

- "Mấy ông ơi! Tui nói thiệt tui là người Việt mình. Tui ở Mộc Hóa lên đây mần ăn hơn năm mươi năm rồi. Tui có vợ Miên đẻ sáu đứa con, một bầy cháu, bốn năm nay tui không dám nói tiếng Việt. Miễn hồ nhi là Việt, Miên lai Việt, nó cũng giết chết. Con cháu tui chết hết rồi, còn hai thằng con trai nó đem đi đâu mất. Nó nói nó giết cho tiệt cái giống "Duôl" đi. Dân trong phum này, phum khác biết tôi là gốc Việt mà chưa từng nói với nó đâu".

Trong lòng tôi thấy sáng them điều mà tôi đang tìm hiểu lâu nay: Tại sao Pôn Pốt - Iêng -Xari tự tiêu diệt dân tộc mình? Thì ra là thế! Chúng có âm mưu tiêu diệt cả ba dân tộc Việt Nam, Kampuchia và Lào. Trong lúc chúng nó nói chỉ cần một triệungười để xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Kampuchia, thì ở Bắc Kinh cũng có người quyền uy tối thượng bảo rằng: "Ông ta sẽ làm lãnh tụ chỉ huy mấy trăm triệu nông dân Trung Quốc tiến xuống phía Nam". Đất đai Kampuchia -  Lào - Việt Nam mà chứa một vài triệu dân thì còn quá rộng. Rồi cả vùng Đông Nam Á nữa. Thế giới có biết chuyện này không?

Trước cảnh tượng đêm nay bên dòng sông Cửu Long như sợi dây thiêng liêng gắn bó, buộc ràng giữa ba dân tộc, tôi chợt nhớ thơ Đồ Chiểu qua khí phách Lục Vân Tiên:

"Nay đã rõ đặng nguồn cơn,
Nào ai tính thiệt sơ hơn làm gì,
Có câu kiến nghĩa bất vi
Làm người dường ấy cũng phi anh hùng"


Huống chi, thưa vong linh cụ Đồ Chiểu đây không phải là một nàng Nguyệt Nga, một cô Kim Liên, mà là một dân tộc, hay đúng hơn là ba dân tộc anh em.

Chắc cụ Đồ cũng vui lòng khi cụ biết rằng, tuy còn phải sống bằng mì, khoai nhiều hơn là gạo, thế mà nhân dân ta đã dành dụm, dự trữ lúa gạo để cứu đói cho hàng triệu dân Kampuchia.

... Thấy bà con gầy gò, bủng beo, rách rưới quá, rách đến độ các cô gái không dám đứng dậy, cô Sà-Vây và anh Tư Sen đã sang sông lấy vải, sẵn bàn máy, may xà-rông cho phụ nữ, may quần đùi cho đàn ông và lấy gạo phát cho dân.

Có mấy cô gái kéo Sà-Vây ra một chỗ thầm thì những gì không rõ. Lát sau Sà-Vây trở lại báo là trong phun bà con còn giấu một đống súng, còn để năm người giữ trong đó và Sà- Vây đề nghị tổ chức cho phum một đội dân quân tự vệ.

Trở vào Sở chỉ huy, đã gần ba giờ sáng mà nhân viên trong Bộ tham mưu không kể là tác chiến hay quân lực đang bò ra can bản đồ thành phố Phnom-Pênh để kịp phát cho các đơn vị. Anh Tám Danh và anh Phùng đã chuẩn bị xong tình hình địch và phương án hành quân tác chiến. Anh Ba Bì cũng vừa đến.

Anh Đáng trinh sát, báo cáo với chúng tôi tình hình địch vừa nhận được:
Sư đoàn 260 địch điều từ Krachê về bảo vệ Phnom-Pênh hiện bố trí phòng thủ cầu Mô-ni-vông và phía Nam dọc theo đường 1 20km. Trung đoàn 180 vẫn bảo vệ Bộ Tổng tham mưu. Trung đoàn 331 của Sư đoàn 502 Không quân bảo vệ sân bay Pô-chen-tông. Sư đoàn 152 Thuỷ quân Lục chiến có một trung đoàn bảo vệ trên sông và căn cứ hải quân Chrui-chang-var. Ngoài ra một số lực lượng giữ nhà của Sư 377 xe tăng thiết giáp, sư 188 pháo binh và một bộ phận công binh được phân công bố trí chiến đấu bảo vệ khu vực hậu cứ  từ ga xe lửa ra đến sân bay Pô-chen-tông. Hôm kia (05-01) nó gom cố vấn Trung Quốc về Phnom-Pênh. Hôm qua (06-01) nó ra lệnh đốt tài liệu và có nhiều máy bay đi lại giữa Pô-chen-tông và Băng-kok. Chúng ra lệnh phá cầu trên các đường dẫn vào Phnom-Pênh và tích cực đánh ngăn chặn, đánh du kích phía sau ta.

Kế anh Hoằng, phó chủ nhiệm hậu cần binh đoàn, cũng vừa từ Svairiêng đến, anh báo cáo là quần áo, lương khô, xăng dầu, bảo đảm đủ cho các đơn vị nhưng xe còn kẹt phía sau chưa 
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 11:23:07 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #44 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:19:37 pm »

qua phà được. Anh cho biết 25 xe tăng cấp trên tăng cường còn ở bên kia cầu Tra-béc, anh em chưa dám qua vì sợ sập cầu.

Chúng tôi cùng các cơ quan nghiên cứu lại mọi mặt tình hình, chuẩn bị cho cuộc hội nggị giao nhiệm vụ và tổ chức hiệp đồng chiến đấu lần chót vào rạng sáng hôm nay.


VIII
ĐƯỜNG VÀO PHNOM-PÊNH


Sáng ngày 07-1-1979.
Cuộc hội nghị hiệp đồng lần cuối vừa xong, trời trời cũng vừa sáng. Lần họp này có đủ tiểu đoàn trưởng và chính trị viên của bảy tiểu đoàn thuộc Binh đoàn 1, quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia. Nhà văn Nguyễn Chí Trung gọi là cuộc hội nghị ghi nhớ một đời, anh cứ theo các đồng chí cán bộ Kampuchia đặt xin trước các tấm bản đồ Pnnom-Pênh, khi nào các đồng chí ấy sử dụng xong.

Chúng tôi rủ nhau ra sông tắm rửa để thay quần áo mới. Chúng tôi tắm, chúng tôi bơi. Bầu trời bình minh buổi đầu xuân hôm nay trong quá. Gió mát rời rợi quét nhẹ trên mặt nước gợn sóng lăn tăn. Sáu chiếc tàu há mồm xình xịch năng nổ cả đêm rồi mà vẫn chưa thấy dáng mệt mỏi. Đội hình toàn cảnh trung đoàn 962 Hải quân hiện trên mặt sông, đẹp quá, hùng dũng quá.

Vừa lúc ấy, hai chiếc phà dân sự một trăm tấn sơn trắng như phà Mỹ Thuận, ì ạch  ngược dòng đến nơi. Hình như thấy mình trễ tràng nên không cần đợi lệnh, phà cặp bến rước xe và người sang sông ngay.

Một ngày mới bắt đầu. Nhìn nhau thấy ai cũng quân phục  mới, giầy mới, mũ mới. Nhìn người gặp nhau hàng ngày như Mười Vàng, Nguyện, Biên, mà tôi cũng thấy lạ hẳn. Đẹp nhất là các chiến sĩ Kampuchia. Bộ quân phục, nhất là cái mũ kết rất hợp với khổ người lực lưỡng, đầy đặn, nước da đậm, đôi mắt to, mày xếch với hàm răng trắng nuốt. Các đồng chí nữ trong đội công tác còn trang điểm thêm chiếc băng đỏ trên tay, càng thêm trẻ trung duyên dáng, khỏe mạnh.

Tôi trở vào xe thông tin, báo cáo lần cuối về Sở chỉ huy cơ bản, anh Hoàng Cầm dặn tôi nắm chắc Đoàn 341 và Lữ 24 pháo binh làm thê đội hai. Nếu địch ngăn chặn thành nhiều tuyến vững chắc thì tổ chức đột phá bằng sức mạnh, đằng sau còn có Đoàn 9, không sức nào cản nổi chúng tạ. Anh dặn chú ý mìn, các cánh khác vấp nhiều mìn trên đường 6, đường 3. Anh bảo là anh sẽ bay theo chúng tôi, khi gặp trở ngại thì anh sẽ đến ngay.

Đường số 1 từ bến phà lên độ năm ki-lô-mét, chạy cặp theo bờ sông, xóm vườn hai bên rậm rạp, đường rất hẹp. Đội hình hành quân chen chúc xếp hàng ở đoạn này. Đầu đội hình là Tiểu đoàn 2 xe tăng gồm bốn chiếc T54, một chiếc PT85 và mười một chiếc M113. Nhìn xa tít đường số 1 chạy giữa đồng nước, thấy rõ anh em Trung đoàn 12 tranh thủ đi bộ. Đêm qua một tiểu đoàn của Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 2 bạn đã chiếm tận chỗ xóm làng xanh xanh, mù mù kia. Bên cạnh đội hình Tiển đoàn 2 xe tăng, đã có đủ một đại đội hỗn hợp trinh sát công binh, và Tiểu đoàn 3 của Xáttha.

Nhìn xe tăng, xe bọc thép mà tôi hình dung nó đang dậm chân, xoay mông, ngoắc tai, lúc lắc đầu như ngựa đua ở làn mức xuất phát, chờ tiếng súng của trọng tài là phóng.

Tôi hỏi đồng chí Thành tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 xe tăng chớ trung đội trưởng Trần Ngọc Giao là đồng chí nào? Giao đang lúi húi làm gì trên xe tăng, nhảy xuống đất đưa tay chào tôi rồi lột mũ bảo hiểm ra cầm tay. Cán bộ chiến sĩ  
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Ba, 2010, 10:10:20 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #45 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:23:20 pm »

trẻ thường biết mặt cánh già chúng tôi, có khi biết đến tính tình nữa, còn chúng tôi thì hay quên họ. Tôi dặn Giao:
- Đồng chí cũng như anh em đại đội 10 anh hùng, tôi biết từ lúc Lộc Ninh, Phước Long. Vừa rồi tôi cũng đã cùng đồng chí Thành ra đường 10 đến chỗ hai chiếc T54 của ta bị địch bắn cháy và xác bốn chiếc PT 85 của địch, các đồng chí chiến đấu rất ngoan cường. Riêng đồng chí đã đổi chiếc xe này là chiếc xe thứ ba rồi phải không? Bộ tư lệnh Binh đoàn giao cho đồng chí đi đầu, xông mạnh nhé, xé nó ra, chen với nó mà đi nhé.

Giao khiêm tốn, chỉ vâng dạ, không nói gì. Tôi nhìn đại đội 10 chỉ vỏn vẹn có ngần ấy xe thôi, tôi hơi chột dạ, nhưng tôi không lộ ra ngoài sợ anh Thắng  lữ trưởng xe tăng buồn. Tôi còn biết thêm là tình trạng kỹ thuật xe tăng rất tã, chưa được một ngày bảo dưỡng, mỗi xe M113 chỉ còn 150 lít xăng; xe T54 thì nhờ mượn dầu của Lữ 24 pháo binh nên nhiên liệu khá hơn, đạn pháo xe tăng chưa đến 12 quả cho mỗi nòng pháo mà xe hậu cần thì chưa lên kịp. Chúng tôi rất tiếc là 25 xe T54 của Lữ 215 do cấp trên tăng cường cho, thì anh em lái mới, kỹ thuật lái không bảo đảm nên còn dừng lại bên kia cầu Kompong Trabéc.

Tôi gặp Phạm Hoa, đại đội trưởng đại đội 5, đại đội đồng chí chỉ còn bốn chiếc M113. Trong lúc đang nói chuyện với Hoa tôi nghe trên một chiếc M113 phía sau có giọng nói Trị Thiên rất trong, rất trẻ, rất tình cảm. Giọng Trị Thiên là giọng hiếm hoi nhất trong Binh đoàn. Tôi đến chỗ ấy tìm thấy một chiến sĩ tuổi độ mười chín là cao, đang lau khẩu đại liên trên nóc chiếc M113. Tôi hỏi: Đồng chí ơi! đồng chí tên gì?
- Dạ, tên Đinh Văn Thương ạ.
- Quê ở đâu?
- Dạ quê Tuyên Hóa ạ.
- Tuyên Hóa sao nói tiếng “Huệ”?
Thương cười đỏ mặt:
- Dạ, tiếng Quảng Bình chứ ạ.
- Chiến đấu xe thiết giáp nhiều chưa?
- Dạ, chưa ạ! Cháu mới nhập ngũ năm 1978, mới học lớp lái xe thiết giáp ạ.
- Học ở đâu? Ở Sóng Thần phải không?
- Dạ, phải ạ!
- Hôm qua đại đội 21 của đồng chí mới chạy một mạch từ thành phố Hồ Chí Minh lên đây phải không?
- Dạ, phải ạ!

Thương chưa biết dùng từ ngữ quân sự. Nhìn dáng mảnh khảnh của Thương, nghe giọng nói nhỏ nhẹ lễ phép, tôi muốn hỏi mãi, trò chuyện mãi, nhưng thời gian không cho phép. Gương mặt bầu bĩnh, nước da sạm nắng, đôi môi đỏ, cặp mắt sáng ngời dưới vành lông mày đậm hơi xếch của Thương là hình ảnh tượng trưng cho các chiến sĩ trẻ mà tôi gặp hôm nay. Cái tên Thương cũng vang trong tôi một tình cảm, một kỷ niệm khó phai.

Chúng tôi trở lại cuối đội hình của Trung đoàn 14 và Tiểu đoàn 2 bạn. Sở chỉ huy hành quân của Đoàn 7 ở đây. Anh Dũng báo cho tôi biết là xe Trung đoàn 14 lên chưa đủ, mới được hai tiểu đoàn. Kinh nghiệm mãi rồi, thế mà vẫn sai sót. Chả là ban đầu khi còn ít xe tải thì định dồn cho các tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 209 là trung đoàn đi đầu. Còn Trung đoàn 14 và Trung đoàn 12 thì đi bộ và chuyển tải dần. Khi được thêm ba mươi xe của cấp trên tăng cường thì tham mưu lại giao hết cho Trung đoàn 209 ở cách bến phà mười cây số, nên kẹt phía sau không điều lên được. Các xe đã qua sông rồi thì không đủ cho các tiểu đoàn bạn và một trung đoàn đi đầu của ta.

Trong lúc Sở chỉ huy chùm nhum lại thì địch đâu từ trong vườn bắn ra chiu chíu. Vừa bực vì xe, địch lại quấy rầy, anh Dũng đưa cánh tay phải cong cong vì vết thương cũ chỉ vô vườn quát:
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Ba, 2010, 11:25:01 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #46 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:33:25 pm »

-Vệ binh đâu? Chạy vào đuổi bắn bỏ mẹ mấy thằng đó cho tao.

Giữa lúc ấy có mấy chiếc xe chạy lên, tôi mừng thầm. Nhưng đó là xe của Lữ 71 cao xạ. Anh Nho chủ nhiệm phòng không của Binh đoàn đến báo cáo:
- Lữ 71 đã sang sông đủ, xin chỉ thị của đồng chí.
Đang bực mình, tôi đay nghiến anh Nho:
- Tại sao? tại sao cao xạ lại giành phà của bộ binh hả?
Rồi chợt thấy mình nóng này vô lý, tôi chuộc lại nhưng vẫn còn tự ái:
- Lữ 71 đã chiến đấu ở An Lộc, Phước Long, Đồng Xoái, anh dũng như thế nào tôi rất rõ, nhưng lần này thì chưa cần lên trước, không phải đi duyệt binh.

Cũng nhờ vậy mà một chặp sau anh Mười Thứ, phó tư lệnh đoàn 341 dong xe lên, có cả hai chiếc M113, để xin chỉ thị, tôi ôn tồn giao nhiệm vụ làm thê đội hai cho anh. Tôi hỏi thăm anh Tám Bôn, Vũ Cao, anh Quế hiện ở đâu, mấy hôm nay lội ruộng lầy chắc vất vả lắm thì phải. Nhưng rồi tôi cũng phải nói:
-Bây giờ thì anh để hai xe M113 ở đây còn thì quay lại, anh sang bên kia bến phà ngăn không cho xe của Đoàn anh qua nữa, nhường cho Đoàn 7 qua trước.

Đã gần 7 giờ, thôi thì đành phải dồn xe đủ cho ba tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 14 làm đơn vị đi đầu thay cho Trung đoàn 209, còn Trung đoàn 209, Trung đoàn 12 thì đi bộ và đón nhận các xe lên sau.

Thế là lệnh xuất phát được truyền đi đúng lúc 7 giờ 15 phút. Trước đó hai mươi phút đã lệnh cho Trung đoàn hải quân 962 và Trung đoàn đặc công 113 rời bến.

Dưới bầu trời ngày đầu xuân trong sáng những tia nắng sớm xòe những rẻ quạt đủ màu trên màn sương mỏng. Đứng nhìn đoàn xe băng băng trên đường nhựa giữa đồng nước lác đác những cây thốt nố, lòng tôi sung sướng khó tả. Trên xe dưới lá cờ đỏ có năm tháp vàng ở giữa, các chiến sĩ Việt Nam - Kampuchia mặt mày rạng rỡ, quân phục, mũ kết mầu xanh xám mới tinh. Đẹp mắt thì một, mà đẹp lòng thì mười.

Đoàn xe Sở chỉ huy của tôi đi sau đội hình của Tiểu đoàn 3 Quân đội nhân dân cách mạng Kampuchia và Trung đoàn 14 Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi ngồi trên chiếc thiết giáp chỉ huy V-100 với anh Tạ Duy Thắng, lữ trưởng Lữ 22 xe tăng. Theo sau tôi cũng một chiếc V-100 dự bị do anh Đồng Phạm Thắng tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 xe tăng làm trưởng xe và một số cán bộ tham mưu Binh đoàn. Tiếp đó là các xe con của cơ quan và xe thông tin, trinh sát, v.v … Máy thông tin trên xe tôi liên lạc chung một tầng (tần) số với đồng chí Thành tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 xe tăng, với anh Dũng, anh Ba Bì và trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 đi đầu.

Xe mới lăn bánh độ năm ki-lô-mét, ra giữa đồng trống thì đi chậm dần rồi dừng lại. Qua máy PRC-25, anh Thành báo là địch đang kéo pháo chạy, các khẩu còn lại hạ nòng bắn thẳng có cả 130 ly và 85 ly, súng bộ binh địch cũng bắn nhiều. Ta đang quét chúng để vượt qua. Tôi nói với anh Thắng, điện lại cho anh Thành “nó kéo pháo chạy có nghĩa là đường không có mìn. Thời cơ rất tốt, bắn đè đầu nó xuống, thúc xe tăng vượt qua nhanh, đuổi theo!”.

Đường ở đoạn này vắng vẻ, nhìn thấy sông  Mê Kông mà bên kia là Ba Nam. Hai hàng cây cổ thụ bên đường bị cưa cụt chết khô, gợi lên cảnh hoang tàn tang tóc một cách lạnh lùng.

Xe mới dừng lại đâu vài phút mà tưởng chừng như lâu lắm rồi.

Trong lúc ruột gan như rang như đốt thì phía bên phải có tiếng súng nổ dòn, rồi nghe tiếng động cơ tàu. Mọi người quay về phía đó. Tôi đứng hẳn trên nóc xe thiết giáp nhìn thấy
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Ba, 2010, 04:26:32 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #47 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:37:33 pm »

rất rõ hai chiếc PGM dẫn đầu rẽ sóng với tốc độ khá nhanh, vừa bắn 37 ly sang bên kia bờ. Theo sau cách chừng 300 mét là hai tốp, mỗi tốp năm sáu chiếc PCF. Qua máy PRC-25 anh Huỳnh báo cáo: “Có tám chiếc xe tải địch vừa đổ quân trên đường Ba Nam sát bờ sông, chúng bắn DKZ và 12 ly 8 vào đoàn tàu ta, và ở mũi Cù lao có hai tàu chiến địch vừa bắn vừa chạy ngược trở lên”.

Thấy tàu ta chạy theo lạch phía Đông Cù lao Ba Nam mà không chạy theo lạch phía bên này, tôi hỏi. Anh Huỳnh đáp là anh em truy đuổi theo hai tàu địch, khỏi sợ thủy lôi. Tôi rất đồng ý với cách xử trí của anh Huỳnh.

Ba Nam, Sâm Bua, Tức Leang, những địa danh ấy chẳng những tôi quen thuộc trên bản đồ mà cả trên thực địa. Sau cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Sihanouk tháng 3 năm 1970 quân Mỹ đánh sâu lên đất Kampuchia đến bắc đường 7 thuộc tỉnh Kratré, Kông Pông Chàm. Quân ngụy Sài Gòn đánh qua Svei Riêng, Prây Veng, Đông dương nghiễm nhiên trở thành chiến trường không giới hạn. Lúc đó các sư đoàn của ta giải phóng một vùng rất rộng thuộc các tỉnh Đông và Đông bắc Miên, một bộ phận Đoàn 1 của ta và Đoàn đặc công 367 cắt đứt quốc lộ 4 đoạn Ki-ri-rôm đèo Piknil, thắt cổ họng của Mỹ - Lon Nol từ cảng Kong Pong Xom lên Phnom Pênh. Chúng chỉ còn hy vọng đường sông Mê Kông và đường hàng không. Đoàn pháo binh của Mieefn được lệnh dùng Trung đoàn 96 gồm hai tiểu đoàn pháo cao xạ và hai tiểu đoàn pháo đất chuyển thành pháo đường sông, chặn không cho địch sử dụng sông Mê Kông, đồng thời cùng với đăc công, khống chế thường xuyên sân bay Pô-Chen-Tông. Trung đoàn 96 pháo binh hạ quyết tâm biến Mê Kông thành “Bạch Đằng thời đại”, không cho một tàu nào của địch từ Sài Gòn lên Phnom Pênh. Quyết tâm đó đã được thực hiện trong suốt hai năm 1970 – 1971. Ác liệt lắm, vì Mỹ ngụy Sài Gòn – ngụy Lon Non có nhiều máy bay, tàu chiến mà tới mùa nước nổi  là dọc bờ sông phía Đông nhà nọ sang nhà kia phải đi bằng xuồng. Vừa chiến đấu Trung đoàn 96 còn xây dựng kèm cặp một trung đoàn pháo binh bạn. Lúc đó anh Mười Xu phụ trách chung, anh Năm Sang phụ trách quân sự ở vùng này. Nhắc đến anh Mười Xu, anh Năm Sang không làm sao chúng tôi quên được mối tình cách mạng trong sáng của những người Cộng sản chân chính. Lúc bấy giờ hai anh là linh hồn của phong trào cách mạng ở quân khu Đông này. Hai anh cũng là người lãnh đạo gắn bó mối tình đoàn kết thiêng liêng giữa hai dân tộc mà lịch sử đã quy định như vậy. Hai anh vận động nhân dân lo cho bộ đội giải phóng Việt Nam từ việc nhỏ như tải thương , tải đạn, nuôi dưỡng thương binh, đến việc lớn như đưa mấy chục xe tăng M41, M113 và pháo 105 ly thu được của địch trên đường số 6 vượt sông về biên giới. Nhân dân trong bốn tỉnh khu Đông ai cũng biết “boong Xu”. Đến phum nào, anh cũng có thể cởi áo vắt vai, mặc quần đùi quấn khăn choàng tắm bước lên nhà sàn ngồi ăn cơm uống nước nói chuyện với đồng bào. Nhân dân biết “boong Xu” là cán bộ cách mạng chứ ít ai biết đồng chí Su Vana là ủy viên thường vụ trung ương Đảng kiêm bí thư khu ủy khu Đông.
   
Còn anh Năm Sang (Xa-ang) thì có cái say mê lớn nhất là đánh giặc. Giữa năm 1970 khi mới xây dựng được một tiểu đoàn anh đã đi đánh đồn bót của Lon Nol, giải phóng một vùng rộng trong hai huyện Preksăng Deck và Vi-hia-Sua ra đến tận vùng Bầu Diều đối diện với Phnom Pênh. Quân Lon Nol mà nghe đến tên Tà-Xa-ang là khiếp đảm. Dạo ấy thanh niên Kampuchia thích đi bộ đội giải phóng Việt Nam, chớ không muốn đi bộ đội Khơ-me đỏ. Nhưng bảo đi bộ đội Tà-Xa-ang là họ đi ngay.

Lúc ấy anh em ta đã huấn luyện cho anh em quân giải phóng Kampuchia nhiều người không biết chữ, biết bắn pháo 105ly, ĐKZ, ĐKB, 12 ly 8. Trong những trận đầu chiến sĩ ta lấy thước tầm đâu đó xong, rồi cho anh em giật cò. Đánh bộ binh cũng vậy, ta mở rào xong rồi mới dìu dắt người anh em xung phong. Một hôm vào mùa nước nổi, tôi theo anh em
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Ba, 2010, 06:13:59 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #48 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:42:13 pm »

Việt kiều đi từ Chi-he qua Prek-Săng Deak xuống Vi-hia-sua bằng Honda 90, rồi đi đuôi tôm ra Săm-Bua nằm sát bờ sông Mê-Kông. Nhân dân ở đây thương bộ đội giải phóng Việt Nam lắm. Bà con thấy anh em ăn uống cực khổ mà lại thích ăn thịt chó, bà con kêu cho chó, anh em mình cám ơn mà không lấy. Thế là đêm đêm bà con trói chó, khớp mỏ, lén đem ném bên cạnh nhà bộ đội ở. Tiểu đoàn trưởng Hùng Móm đánh giặc rất gan nhưng cũng hơi ẩu, anh nói: “mở trói thả chó thì bà con buồn, bà con nói chê của bà con”. Nhân dân rình thấy bộ đội hay nấu thịt chó với củ riềng, những con chó sau lại có kèm theo củ riềng giắt trong sợi giây buộc quanh hông chó, trông tức cười không chịu được.

… Đoàn xe chúng tôi nhích dần lên rồi bon khá một chút. Khi xe chui vào làng, đối chiếu bản đồ  là phum Kô Ki Thom, tôi còn thấy hai khẩu 130 ly, một khẩu còn bố trí y nguyên trên trận địa trong một chòi lợp lá thốt nốt, bên cạnh có mấy cái xác mặc áo đen, một khẩu 130 ly lật chỏng gọng bên đường. Xe xích kéo pháo đêu không thấy. Xe chạy một đỗi nữa, trông thấy hai khẩu 85 ly, 37 ly và hai chiếc xe lật nghiêng. Phum này dài chừng hai cây số, ở đây mới bắt đầu có dân, chắc là dân bị nó lùa đi hôm qua ở miệt Neak Lương lên, khi địch chạy rồi bà con mới ra đường lục tục đi ngược về. Khác với dân chỗ khác, bà con ở đây chỉ có một gánh, một xách, không có xe trâu bò gì cả. Họ cũng không vội vã gì, đi chậm chạp hoặc đứng lại tránh xe thành từng tốp. Buồn cười có mấy tên lính ngơ ngác còn mang y nguyên khẩu súng trên vai đứng chung với đồng bào nhìn xe vỗ tay. Có thằng vừa mới vứt khẩu cối 60 ly bên cạnh. Mấy em bé là tiếp xúc nhanh nhất, các em vẫy tay reo hò, có em vẫy tay hoan hô mà đầu vẫn đội một cái gói, các cụ bà chắp tay trước ngực vái chào, các cô gái vẫy tay thật mạnh miệng hoan hô gương mặt vừa vui tươi vừa kiên nghị.

Qua máy vô tuyến điện anh Ba Bì trao đổi với tôi một nhận định của anh: “Chỗ nào có dân hai bên đường là không có địch, chỗ nào đồng trống thì địch không bố trí được nhiều, tranh thủ mở hết tốc độ lao lên”. Tôi rất đồng ý với anh Ba Bì và bảo anh Thắng truyền đạt ý kiến ấy cho Thành.

Từ phía sau anh Ba Bì cưỡi xe Jeep vượt lên trước, qua ngang xe tôi anh vừa nói như la vừa ra dấu là anh lên phía trước để đôn đốc anh em đi nhanh hơn.

Xe chạy được một khoảng đồng trống, tốc độ hơi khá một chút, thì dừng lại. Đồng chí Thành báo cáo là gặp cầu sập. Tôi toát mồ hôi hột. Tôi định cho xe tách ra lao lên trước thì anh Thắng cản lại bảo để chờ một chút xem sao. Chỉ vài phút sau Thành báo là cầu nó phá lâu rồi để làm đập nước, có đường vòng.

Anh Thắng đưa ống dòm cho tôi xem một đám địch có đến hàng trăm tên chạy từ trong phum ra ruộng phía tây. Khi đến đầu phum Prek Pol xe phải rời đường số 1 rẽ sang bên phải theo vệt đường cát lún, vượt qua con lạch cạn, nước đọng thành từng vũng đục đặc. Bên kia bờ địch còn bỏ lại một khẩu 85ly và nhiều khẩu DKZ trong công sự dọc theo bờ đê. Chỗ này nếu địch dám chiến đấu thì rất nguy hiểm. Có thể anh em xe tăng đi trước không kịp thấy phòng tuyến này. Ở đây dân rất đông, nhiều người đã có quyển cương lĩnh, cờ hoặc truyền đơn trên tay. Đồng bào họp trên bãi cỏ, trước sàn nhà, ngõ vào làng, từng đám năm chục, ba chục lắng tai nghe người biết chữ đọc cương lĩnh mà mắt vẫn theo dõi đoàn xe. Xe qua là trẻ em phất cờ hò reo inh ỏi. Người lớn thì đưa hai tay lên chào. Ông già bà lão cũng lột khăn đội đầu ra phất. Ai cũng muốn có một cử chỉ vui mừng chào đón. Xúc động nhất là có nhiều chị nâng đứa con nhỏ cao lên khỏi đầu để tỏ lòng tin tưởng đối với quân đội cách mạng.

Trên mảnh đất trước đây vài chục phút còn nghẹt thở xơ xác đau thương, bỗng bừng dậy một ngày hội. Đột ngột quá , nhiều người nhất là cụ già và phụ nữ nét mặt tươi vui nhưng nước mắt ràn rụa. Đồng chí lái xe tôi một tay vẫy vẫy, miệng
---------------------------------
(phà Niếc Lương và Kokir Thum)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2010, 12:44:56 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #49 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 06:57:13 pm »

cứ Xóc-xà-bai (1), Xa-maki (2) liên tục cho đến đỗi anh Thắng phải vỗ vai cậu ta thét : “Chú ý! Coi chừng tai nạn”.

Đến giữa làng ở đầu dường vào chùa bên phải, thấy còn một khẩu 37 ly và một khẩu 85 ly, hai chiếc xe kéo pháo bị tăng ta cán bẹp nhúm, cản trở mất một phần ba đường, có mấy xác lính Pôn Pốt nằm rải rác, một xác bị xe tăng nghiến nát bét. Nhưng cạnh đó nhân dân vẫn vui mừng phất cờ reo vẫy bộ đội. Có cụ già chỉ tay vào đống súng của địch mà bà con vừa gom lại, rồi chỉ tay vào ngực mình ý muốn nói cách mạng đồng ý võ trang súng cho chúng tôi chứ?

Xe qua khỏi phum. Trước mặt bên trái là cánh đồng nước, bên phải là một dãy bàu bưng dài  rộng như con sông. Đoàn xe lại dừng. Dựa đầu vào nòng khẩu trọng liên trên nóc xe thiết giáp, tôi hỏi mấy cụ già dưới gốc cây đa:
- Cụ ơi! Đây phải phum Prekluông không?
- Chà (3) phum Prekluông.
- Thế thì bên kia sông có phải phum Tức Leang không? Thưa cụ?
- Chà! Phải, Tức Leang.

Tôi ngậm ngùi nhớ đến đồng chí Rọt. Năm 1968-1969  đồng chí là chiến sĩ vệ binh của đoàn pháo binh miền. Rọt quê ở Đức Hòa Long An, nhà rất nghèo, nông dân rặc. Giữa năm 1969 Rọt nằng nặc xin ra đơn vị chiến đấu. Lúc ấy mà xin ra chiến đấu là rất tiến bộ. Sang năm 1970 Rọt mới được toại nguyện. Qua một thời giam chiến đấu 6 tháng ở bờ sông Mê-Kông này, Rọt từ trung đội phó lên đại đội trưởng, vì lúc ấy cán bộ hy sinh nhiều, mà Rọt cũng được anh em tín nhiệm.

Tháng 8 năm 1970, nước bắt đầu lên, bọn Mỹ treo giải thưởng lớn cho tàu nào chở được lương thực, đạn dược, xăng dầu lên Phnom-Pênh cho Lon Nol. Bọn quân ngụy Sài Gòn ham
_________________
(1) Mạnh giỏi, (2) Đoàn kết, (3) Dạ hoặc thưa.
--------------------------------
tiền, thỉnh thoảng lén chạy lên một vài chiếc. Chúng cho tàu chạy sát bờ Tây và yểm trợ rất mạnh bằng pháo, máy bay và tàu chiến. Nó còn chế ra một loại rọ lưới thép trong đựng chất xốp không cháy, tàu nó lên nó cặp bên hông phải thân tàu, tàu nó xuống nó cặp bên hông trái để chống lại các loại đạn của ta từ bờ Đông bắn sang, lúc ấy ngoài ĐKZ, B41 và H12 bắn lủi ta còn có loại loại BĐ20, BĐ30 là loại đầu đạn lõm chứa 20-30 kg thuốc TNT, do xưởng quân khí Miền chế tạo, đẩy bằng động cơ tên lửa. ĐKB rất lợi hại. Loại đầu đạn này bọn chuyên gia quân sự Mỹ gọi là “quan tòa” hay là “thùng rác bay” vì nó giống hình của hai vật ấy. Chúng ví đạn này như V1-V2 của Đức Quốc xã.

Ban chỉ huy Trung đoàn 96 nghiên cứu thấy bờ phía Tây thuộc phum Prekluông địa hình tốt, xa đường 1, mới lập kế hoạch đưa một trung đội sang sông phục kích diệt tàu địch lên. Đồng chí Rọt tình nguyện đi chỉ huy trung đội này. Trận đánh ấy ta nhận chìm ba tàu vận tải và hai tàu dầu. Nhưng đồng chí Rọt đã hy sinh. Rọt đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để yểm trợ cho toàn trung đội rút vào bưng an toàn.

   … Anh Thắng chăm chú nghe báo cáo của Thành và anh lặp lại nhát gừng cho tôi:
“Địch chống cự có tổ chức ở một khu vực có khu nhà máy bên phải … chúng đem hai xe tải ra chắn đường, hỏa lực chống tăng các loại bắn ra khá mạnh, có hai chiếc PT85 … Có cả pháo 85 không biết là mấy khẩu … chiếc T54 của Trần Ngọc Giao lao xa phía trước, chiếc M113 số 271 của Đại đội 5 bị trúng đạn B41 trên nóc … Đồng chí lái bị thương nặng, xe đâm vào gốc cây bên đường … Anh em đang tổ chức bắn yểm trợ cho nhau để vượt qua … anh Dũng và anh Ba Bì cũng vừa lên tới chỗ anh Thành … đang tổ chức cho Tiểu đoàn 3 bạn và Trung đoàn 14  vòng đánh địch để bảo vệ cho xe tăng đột phá …”.
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 08:28:37 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM