Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:11:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường vào Phnôm-Pênh - Bùi Cát Vũ  (Đọc 136949 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2010, 03:24:22 pm »

Khi đến giữa làng Tân Lập, còn cách biên giới bốn cây số, chúng tôi chết điếng trước cảnh tượng đau lòng. Nhiều người bật lên tiếng khóc. Đêm qua chúng đã giết, đã đốt, đã cướp sạch.

Một cụ già đến sau lưng chúng tôi thét lên:
– Khóc à! Hèn nhát à! Các anh bảo chúng tôi lên đây xây dựng vùng kinh tế mới rồi để tụi nó giết, bây giờ khóc trừ à!  

Tôi nhìn lên té ra là ông Ba Mây. Không dè gặp người quen cũ ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh giữa cảnh này. Gia đình ông, vợ và bốn con bị giết sạch, mình ông còn sống sót vì hôm qua ông đi đám cưới người thân ở Trại Bí. Chúng tôi cúi đầu im lặng trước lời trách mắng của ông Ba Mây.

Thật ra lúc bấy giờ nhiều người chưa hiểu rõ thực chất tình hình ra sao cả. Sau ba mươi năm chiến tranh, ai cũng mong muốn biên giới Việt Nam - Kampuchia là biên giới tình nghĩa láng giềng, nhân dân hai nước qua lại, như xưa.

Trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ còn thế, huống chi nay đã có hòa bình. Nhân dân hai nước vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời, lại vừa mới kề vai sát cánh đánh đuổi kẻ thù chung qua những năm dài. Thật khó mà giải thích ngay được thực chất cuộc tàn sát nhân dân ta của tập đoàn phản động Pônpốt - Iêng Xari. Chỉ có một điều ray rứt đắng cay là mình đã thiếu cảnh giác.

Khi trở về đến cầu Cần Đăng, chúng tôi gặp anh X. cán bộ quân đội về hưu, anh ấy quát đuổi theo xe chúng tôi:
– Mới thức dậy đó phải không mấy cha ... Để cho mấy thằng giặc cỏ nó làm trời. Chán mấy cha quá!

Chúng tôi không ai nói ai. Biết anh nóng ruột và tuy chủ quan nhưng anh có lý là nếu ta cảnh giác đầy đủ thì không thể để diễn lại cảnh Núi Dài ở Tân-Lập đêm qua. Nhưng cho bọn Pônpốt là giặc cỏ thì không đúng. Ít lâu sau đó mới rõ ra là sau ngày 17/4/1975 chúng nó đã  gấp rút xây dựng nhiều sư đoàn chủ lực trang bị rất mạnh, cùng với một hệ thống quân địa phương rất đông có đến hai mươi vạn tên. Chúng nó đã dốc vào biên giới Tây nam Tổ Quốc ta một cuộc chiến tranh tổng lực toàn điện. Đằng sau chúng, và ngay trong đội ngũ chỉ huy của chúng là bọn phản động Bắc kinh, chớ một mình Pônpốt - lêng Xari thì cho ăn vàng chúng cũng không dám đánh Việt Nam chứ đừng nói cho ăn kẹo.

Thế đấy, nhưng khi bước vào cuộc chiến đấu, Binh đoàn được lệnh: "Chỉ tiêu diệt địch trên đất ta, không sang đất Kampuchia; Cố gắng bắt sống địch nhiều mà giết ít thôi". Chiến sĩ ta tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của Đảng ta, quán triệt tinh thần nhân đạo trong chủ trương của Đảng. Dù sao binh lính của Pônpốt cũng là những người lao khổ, con em của nhân dân Kampuchia, nạn nhân của Bắc Kinh và bọn Ăng-ca ác ôn.

Chúng ta cũng không mắc mưu của bọn thủ phạm đầu sỏ muốn gây hận thù giữa hai dân tộc Việt Nam-Kampuchia. Dưới làn mưa đạn, trên hàng chục vạn quả mìn của chúng, nhân dân ta xây dựng ấp xã chiến đấu. Trong lúc đắp con đê theo đường biên giới để tỏ thiện chí hơn là đắp chiến lũy, chúng ta cũng móc đất từ phía Việt Nam lên, ta không lấy một hòn đất của nước bạn.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Mỹ mạnh là như thế, chúng nó đã dày đạp khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, thế mà ta chưa từng lên tiếng yêu cầu một tổ chức quốc tế nào đến giám sát. Nhưng lần này ta đã mấy lần nêu yêu cầu đó, kể cả một tổ chức của Hội đồng Liên hiệp quốc cũng được, để giám sát biên giới.

Như Sơn Tinh luôn luôn vươn cao hơn mực nước ác độc của Thủy Tinh, chiến sĩ ta đã phát huy trí tuệ và tinh thần, đánh thắng quân địch trong giới hạn chật hẹp do điều kiện chính trị quy định. Trong lúc đó một nhà bình luận đài BBC cũng thấy được rằng: "Với sức mạnh và kinh nghiệm của ...
(Kon Tiahien đánh máy)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Hai, 2010, 10:43:25 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2010, 03:38:16 pm »

Quân đội nhân dân Việt Nam cộng với đống vũ khí và phương tiện chiẽn tranh của Mỹ để lại, không cần đến một tuần là họ sẽ tới Phnom-Pênh.

Trong những năm tháng giữ chốt, nắng thì cháy da, mà đã mưa thì như trời dột, ngày ruồi đêm muỗi như vãi trấu. Ruồi muỗi chui đầy vào mắt mũi, miệng tai. Dưới nước đĩa lềnh như bánh canh  lộn ngầu với xác địch nát rữa nặc mùi hôi thối. Địch cứ lẩn quẩn bu bám như đĩa đói. Chuột đông từng đàn lông dài như lông gáy heo, nó ăn xác lính Pônpốt không đủ, nó vào cắn cả gót bộ đội. Đêm ngày cứ nghe tiếng súng, tiếng ễnh ương cóc nhái triền miền đơn điệu, lạnh lùng, buồn tẻ.

Trước mặt là bãi chiến trường chỉ có đồng hoang, cây thốt nốt, quạ, kên kên. Có con kên kên bị lạc đạn to bằng con gà tây, anh em thiếu thức ăn, tìm đủ cách nướng xào ướp đủ thứ gia vị mà nó vẫn tanh hôi không thể nào ăn được. Lính Pônpốt là những thằng lính mình trần trùng trục, miệng ngậm ngãi, vai vác súng, quấn quanh mình toàn là đạn, lựu đạn và một giỏ lá thốt nốt đựng cơm với một con mắm bò hóc nhỏ hơn ngón tay út. Nó chui nó rúc như dòi, nằm nước phơi nắng như trâu. Nó cũng "nhứt điểm lưỡng tiện" "Đầu nhọn đuôi dài", nó tập trung nhiều ĐKZ, 12 ly8, B40, B41, cối 82, 120 ly xếp hàng thành nhiều tầng lớp nó dùi cho thủng một điểm rồi chui vào đánh "nở hoa trong lòng địch". Nhưng trứng đâu có khôn hơn gà được, chúng mày chết kẹt trong mười sáu chữ giáo điều: "địch mạnh ta tránh, địch yếu ta đánh, địch dừng ta quấy, địch chạy ta đuổi" nên dễ bị dụ vào chỗ chết. Tuy vậy nó cũng gây cho chúng ta căng thẳng, không phải ác liệt kiểu B52, máy bay phản lực, đại bác 175 ly, xe tăng bầy của Mỹ, mà căng thẳng triền miên dai dẳng về ruồi muỗi, chuột, nắng mưa và những loạt đạn súng máy, cối ĐKZ, 105 ly bay đến không biết lúc nào. Căng thẳng vì hở một chút là nó lẻn vào giết dân đốt nhà, vì đại pháo 130 ly tầm bắn đến 27 km nó bắn luôn vào thị xã, thị trấn của ta; mà muốn triệt được pháo nó, chỉ có cách tốt nhất là đánh chiếm nơi nó đặt pháo bên đất Kampuchia. Mà việc ấy thì ta chưa được phép làm. Có anh em trong Bộ tham mưu nói rằng: "ta mới chỉ được phép đánh địch bằng cánh tay trái thôi".

Thế nhưng chỉ cần lui lại phía sau tuyến chốt chặn năm ba cây sõ thì có đủ áo xanh, áo đỏ, hon-đa, xe đạp, cà-phê, hủ tiếu, nước mía ... Anh em chiến sĩ thường nói với nhau, cuộc chiến tranh này đặc biệt như thế nào chỉ có cấp trên, những người đang chiến đấu phía trước, các nhân viên trong Quân Y viện và những người ở gần các nghĩa trang liệt sĩ biết thôi.

Trong những ngày tháng tình hình phức tạp như thế, cấp trên luôn luôn đi sát phía trước. Có thể nói tuần nào cũng có một phái đoàn nghiên cứu của các học viện, nhà trường, binh quân chủng, các cơ quan của Bộ đến đơn vị, ra phía trước nghiên cứu. Các đoàn đại biểu đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố, các đoàn nghệ thuật ... cũng đi thăm bộ đội trên các tuyến phòng thủ. Các tỉnh trong nội địa và nhất là thành phố Hồ Chí Minh gởi ra phía trước những tiểu đoàn địa phương, và những đội Thanh niên Xung phong.

Binh đoàn chúng tôi cùng với Binh đoàn 3 cập kè nhau trên tuyến biên giới như hai anh em sinh đôi. Chúng tôi thường trao đổi kinh nghiệm với nhau từ phương thức chiến đấu đến việc báo đảm hậu phương. Các anh Kim Tuấn và Phí Triệu Hàm thường đến Sở chỉ huy chúng tôi. Có hôm, anh Kim Tuấn bảo với tôi rằng: "Mình vất vả thế mà có anh em ở phía sau chê ỏng chê eo, nói mình không ra làm sao hết". Anh Phí Triệu Hàm có lúc ghé lại Sở chỉ huy chúng tôi cả đêm để trao đổi kinh nghiệm.

Nhớ một hôm, vào cuối năm 1977 tôi được phân công tổ chức cho đồng chí Ủy viên Bộ chính trị phụ trách chỉ đạo Mặt Trận Tây nam ra tận ngoài chốt tiền tiêu ở Mộc Bài. Bộ
(Binhyen1960 gõ tr.20; Kon Tiahien gõ tr.21)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Hai, 2010, 06:27:47 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2010, 03:41:21 pm »

Đoạn này nói đến "ông già đầu bạc" của lão vạnkiếp đây! Roll Eyes
---------------------------------------------------------
tư lệnh Binh đoàn rất ái ngại về việc này, vì chốt tiền tiêu đâu phải là nơi công tác đối với cương vị và tuổi tác của đồng chí ấy. Nhưng với đồng chí Ủy viên Bộ chính trị thì việc đi sát xuống tiểu đoàn, đại đội ở tất cả các hướng trên tuyến biên giới là việc thông thường của đồng chí, chúng tôi biết làm thế nào khác được. Hôm ấy đồng chí hỏi anh em chiến sĩ về cách đánh, kinh nghiệm của phân đội. Anh em cán bộ chiến sĩ gặp dịp bộc lộ tâm tình, anh em đòi tấn công sang bên kia giải quyết phức cho rồi, đó là cách đánh tốt nhất. Bằng cách trao đổi vấn đáp, đồng chí giải thích cho anh em mà tôi nhận thức được những ý chính: “Quân sự phải phục tùng chính trị và tạo điều kiện cho chính trị, ngược lại chính trị phải nhanh chóng đáp ứng và phục vụ cho thắng lợi quân sự. Quân sự, chính trị phải tạo điều kiện, tạo lực lượng, tạo thời cơ cho nhau thành thời cơ cách mạng. Ta phải giành thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự lẫn chính trị. Dù quân sự ta mạnh đấn đâu đi nữa mà tấn công quân sự đơn thuần trong lúc điều kiện chính trị chưa đủ, thì cũng sẽ thất bại mà thôi. Ta đã hiểu rõ kẻ thù, ta cũng mong muốn góp phần xóa đi những đau khổ cùng cực của nhân dân bạn, nhưng cuộc cách mạng trên đất nước bạn là của bạn, do nhân dân bạn làm. Đó là điều khó nhất so với các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây của ra”. Đồng chí lại nhấn mạnh cho nhớ: “Dù thiên binh vạn mã đi nữa nhưng thất bại về chính trị thì cũng phải cuốn gói mà về”.
 
Nói thế, nhưng đồng chí vẫn lộ vẻ ưu tư. Đồng chí nhìn thấy anh em quá cực khổ, nhiều chiến sĩ cán bộ từ sau ngày giải phóng miền Nam đến nay chưa được đi phép, có đồng chí từ mặt trận trở lại ghế nhà trường ngồi chưa nóng chỗ lại trở ra mặt trận, có đồng chí chưa dựng được nếp nhà nhỏ cho vợ con … Tôi nhớ rõ, hôm ấy đồng chí nhìn xa về phía đất Kampuchia hoang tàn, rồi nhìn qua những cánh đồng lúa nhiều đám đã chín vàng bên đất Việt Nam trải rộng đến tận chốt tiền tiêu. Xong đồng chí nói riêng với tôi: “Nếu ta phản công sang 5 – 3 cây số thì có sao đâu”. Rồi đồng chí lại dặn tôi là để đồng chí về trao đổi trong Bộ chỉ huy tiền phương và xin chỉ thị Trung ương đã.

Chiều tối hôm ấy, một buổi chiều ảm đạm khét lẹt mùi thuốc súng, nhìn đồng chí bước lên xe, mái đầu bạc trắng, tôi tưởng chừng có sức nặng ngàn cân vô hình nào đó đang đè nặng lên đôi vai gầy của đồng chí.

Tôi hiểu rằng tình hình Kampuchia như đêm đen chưa có ánh một vì sao.

Thế là ngày 6-12-1977, sau hôm đồng chí Ủy viên Bộ chính trị đến Mộc Bài độ một tuần, chúng tôi được lệnh phản công và được đánh sang đất Kampuchia 3 km, trong lúc địch đang tiến công sang Bến Cầu, Bến Sỏi, Lò Gò, Cà Tum, Lộc Ninh … có nơi sâu đến 7 – 8 km bên đất ta.

Không phải vất vả gì lắm, Binh đoàn phối hợp với lực lượng địa phương Tây Ninh, Long An đã đánh tan rã gần hai sư đoàn của địch, quét sạch hết các loại lực lượng vũ trang và tổ chức Ăng-ka của chúng trong ba huyện biên giới là: KompongRồ, Chi Phu, KompongTrạch. Nhân dân địa phương nhất loạt đứng dậy ủng hộ bộ đội Việt Nam, cùng với bộ đội vây bắt tàn quân địch còn trốn trong rừng, trong ruộng. các chiến sĩ ta nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị cấp trên, đã nêu vô vàn tấm gương chiến đấu dũng cảm ngoan cường, thương mến nhân dân Kampuchia đang mắc nạn bằng tấm lòng chân thành của người chiến sĩ cách mạng quốc tế vô sản. Đơn vị nào, binh chủng nào cũng nêu những tấm gương cứu giúp nhân dân Kampuchia như người ruột thịt: Cõng người già, nhịn đói nhường cơm cho dân, đỡ đẻ cho phụ nữ, săn sóc trị bệnh cho trẻ em. Thà bị chết ngất vì khát chớ không lấy một quả dừa ở cả những nơi không có dân. Thà ăn muối chớ không bắt một con cá dưới ruộng. Đã bị thương, một mình ngồi giữ 5 - 6 tù binh
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 06:07:18 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2010, 03:44:39 pm »

mới vừa bắn mình đó mà vẫn giữ được bình tĩnh … Chiến sĩ ta đinh ninh với nhau rằng, khi giúp nhân dân bạn thoát nạn rồi thì chỉ giữ nửa nắm cơm để đắp đầu gối về nước, còn thì để lại hết cho bạn.

Nhân dân ở phía địch cứ đêm đêm lặn lội vượt qua tuyến địch chạy về với ta. Miễn là đem được thân xác đến gặp bộ đội Việt Nam, sống chết không màng. Hầu hết những người gặp được trinh sát hoặc đến được trước chốt tiền tiêu của ta đều đã ngất xỉu. Anh em ta khiêng họ về đổ cháo, đổ sữa, cho quần, cho áo …

Dưới áp lực của cuộc phảm công ngày 6-12-1977 của ta, hàng ngũ quân đội Pôn Pốt ở biên giới phân hóa nghiêm trọng nhất là ở Quân khu 203. Pôn Pốt ra tay thanh trừng, giải tán, đổi chỉ huy đổi phiên hiệu ba sư đoàn. Nhiều cuộc binh biến diễn ra ở Quân khu 203 (Quân khu Đông ). Trước tình hình đó, lần đầu tiên bọn Pôn Pốt buộc phải đưa cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ra công khai.

Chúng tôi được lệnh thu quân về trong ngày 6-1-1978. Nhân dân Kampuchia thấy bộ đội ta thu dây thông tin, bảo nhau bỏ tất cả, bám theo bộ đội không rời nửa bước. Ta đi đâu bà con kéo theo đó. Địch phát hiện ta lui quân, chúng bám đuổi theo giết dân. Ta phải đánh chặn bảo vệ dân. Nhiều cụ già chống gậy lọm khọm, nhiều chị hai tay nách hai con, nhiều em bé ốm gầy xanh xao, từng bước từng bước lê chân về hướng Đông. Anh em ta phải dùng tất cả các loại xe, kể cả xe pháo để chở dân. Chỉ nội trong ngày 6-1-1978, ngày lịch sử khó quên, trên đường số 1 và 13 nhân dân Kampuchia đã sang ta hơn hai vạn người. Bà con Việt nam ở Tây Ninh góp gỗ, góp gạch xây dựng làng Bến Sắn khang trang cho nhân dân Kampuchia lánh nạn.

Nhân lúc ta lui quân, bọn Pôn Pốt và bành trướng Bắc Kinh tuyên truyền ầm ĩ là chúng đã đánh ta thua phải tháo chạy để bên trong thì lên dây cót tinh thần cho binh lính chúng, bên ngoài thì lừa gạt dư luận quốc tế.

Chúng lại điều quân từ phía sau ra đánh sang Hà Tiên, Bảy Núi, bắc Hồng Ngự, Mộc Hòa, Bến Sỏi, Tân Lập, Lộc Ninh …

Cho đến một hôm giữa tháng 5/1978 các chốt tiền tiêu báo cáo là nghe thấy tiếng súng nổ lớn dữ dội ở hướng Preyvieng. Cùng lúc ấy các đài vô tuyến điện đều báo là nhận được tín hiệu thông tin truyền đi liên tục trên nhiều tầng sóng, lặp đi lặp lại một câu: “Chúng tôi những người chiến sĩ cán bộ Quân khu 203 nổi dậy chống Pôn Pốt, chúng tôi muốn gặp các bạn Việt Nam”. Chúng tôi báo cáo tình hình đó lên trên thì đồng thời nhận được trên thông báo là Quân khu 203 đã nổi dậy. Thế là từng toán từng tốp trinh sát có cán bộ chỉ huy kiên cường dày dạn kinh nghiệm được phái sang các khu rừng rậm nơi có căn cứ của các đơn vị thuộc Quân khu 203. Giữa mùa mưa lũ, anh em ta đạp lên những bãi mìn, những bưng rạch ngập ngụa sình lầy, những khu rừng hoang đầy những mây gai … quyết tìm bắt liên lạc với bạn. Những chốt tiền tiêu đều phái người bung ra xa. Các nơi dồn dập báo cáo về đã bắt được liên lạc với một bộ phận nổi dậy hoặc đã gặp một cô sinh viên, một anh trí thức trốn trong rừng đã hơn tháng nay … Ở đâu trong đất Kampuchia, hễ nghe tiếng súng là phái người đi đến. Có toán trinh sát sau ba ngày ra đi  điện báo về là đã đến bờ sông Mê-Kông … rồi im bặt mất hút luôn …

Những hôm ấy ở cơ quan và đơn vị phía trước phía sau đều rộn vui. Chúng tôi lại nhớ đến lời đồng chí Ủy viên Bộ chính trị: “Quân sự phục tùng chính trị và tạo điều kiện cho chính trị, còn chính trị phải nhanh chóng đáp ứng phục vụ lại cho quân sự”. Có phải chăng đây là thêm một điều kiện chính trị mới, một lực lượng cách mạng mới của bạn và cả của ta nữa. Như thế này đã đủ điều kiện để thả tay cho quân sự vẫy cùng hay chưa? Sau này chúng tôi được biết trong sự
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 06:18:57 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2010, 03:49:29 pm »

kiện ngày 28-5-1978 này, ta đã liên lạc được với các đồng chí HenSomrin, ChiaSim, Penxôvan, XútKeo, Chăn-xi, Hunxen và các lực lượng ly khai Pôn Pốt khác.

Suy nghĩ đến đây tôi lại nhớ đến đồng chí Xoai-keo, mà tôi được gặp cách đây hơn tháng, trong lúc tôi chuẩn bị chiến trường  ở một vùng biên giới. Đồng chí Xoai-keo năm nay 41 tuổi. Hồi kháng chiến chống Pháp đồng chí còn nhỏ, con một gia đình nông dân nghèo ở vùng rừng núi Đông Bắc. Lúc bấy giờ vùng quê của đồng chí có quân tình nguyện Việt Nam hoạt động. Các chú bộ đội Việt Nam mà Xoai-keo gọi là bộ đội Um-Hồ (Bác Hồ) thường đóng trong nhà Xoai-keo. Phong cách đạo đức của các chú bộ đội Việt Nam làm cho tuổi thơ của Xoai-keo quen dần trở thành nếp trong cuộc sống giản dị, bình đẳng, nhân nghĩa, dũng cảm. Sau 1954 bộ đội tình nguyện Việt Nam về nước. Nhớ các chú bộ đội của Um-Hồ, Xoai-keo hát vang rừng núi những bài hát mà các chú bộ đội đã dạy cho. Lớn lên, Xoai-keo hăng hái hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng cộng sản Kampuchia, và đến năm 1972 trở thành huyện ủy viên. Một hôm anh được chỉ thị ra đón Pôn Pốt. Pôn Pốt đến trên chiếc võng do bộ đội và cán bộ Việt Nam khiêng. Xoai-keo thấy Pôn Pốt xuống võng mà không chào cám ơn gì anh em Việt Nam đã khiêng mình cả. Anh bắt đầu có một nhận xét không tốt về con người Pôn Pốt. Sau đó hắn ra lệnh cho anh đưa du kích ra đánh tàu trên sông. Anh ra quan sát về báo cáo là thuyền của quân giải phóng Việt Nam chớ không phải của Thiệu, anh còn nhấn mạnh là không phải địch mà là ta. Pôn Pốt bảo cứ đánh! Xoai-keo đánh dấu hỏi về con người của Pôn Pốt sao không giống những người cách mạng chân chính. Từ năm 1973 thấy Pôn Pốt - Iêng Xari bắt đầu đàn áp những người dân có cảm tình với cách mạng Việt Nam, anh càng suy nghĩ nhiều. Đến năm 1975-1976 lại thấy Pôn Pốt - Iêng Xari giết hại nhân dân ngày càng nhiều, anh khẳng định chúng nó không phải là cách mạng rồi.

Nhớ cụ Hồ, nhớ Việt Nam, Xoai keo cùng với bạn là UMi dìu dắt hơn năm nghìn dân sang đất Việt để xây dựng lực lượng cách mạng.

Từ lúc gặp đồng chí Xoai Keo đến nay, qua hình ảnh người cán bộ nông dân bộc trực ấy làm cho tôi tin tưởng rằng trên đất nước Kampuchia rộng lớn, chắc chắn còn nhiều Xoai Keo mà chúng ta chưa bắt tay được đó thôi. Lực lượng cách mạng tiềm tàng này sẽ nhân lên gấp bội khi có thời cơ cách mạng …

Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Kampuchia ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại. Đó là kết quả của một quá trình đấu tranh cách mạng, nổi dậy chống lại chế độ phản động của Pôn Pốt - Iêng Xari bằng chính trị vũ trang của nhân dân Kampuchia. Vì vậy mà Mặt trận tuy mới ra mắt nhưng đã có uy tín chính trị vững chắc và rộng rãi trong nhân dân toàn cõi Kampuchia, cũng đã có một lực lượng vũ trang gồm mấy chục tiểu đoàn được học tập huấn luyện kỹ, thề quyết không đội trời chung với chế độ Pôn Pốt.

Bầu trời Kampuchia hôm nay đã lấp lánh những vì sao sáng. Biết đâu, giờ này, đồng chí Ủy viên Bộ chính trị lại không thao thức để lại viết lên những vần thơ mới về những người chiến sĩ ở Mặt trận phía Tây Nam của Tổ quốc.
                        *
                    *      *
Đồng chí Bộ, Phó phòng thông tin, nhắc tôi là đã đến giờ làm việc với Sở chỉ huy cơ bản của Binh đoàn. Chắc chắn là anh Hoàng Cầm, Trần Nguyên Độ, Ba Vinh, Nam Phong và các đồng chí các cơ quan các binh chủng đang tập hợp họp xung quanh máy tăng âm, chờ nghe tôi báo cáo. Còn tôi, tôi cũng mong tin tức mới nhất của các cánh quân bạn, và cần đề nghị Sở chỉ huy cơ bản dốc sức giải quyết cho một số việc để chúng tôi tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Tôi xem đồng hồ lúc này là 1 giờ ngày 6-1-1979.
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 08:54:33 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2010, 03:53:48 pm »

III
ĐƯỜNG ĐẾN MÊ-KÔNG

Ngày 6-1-1979

Đường ra phía trước thường là những con đường vui, dù đó chỉ là con đường rừng hiu quạnh, trèo đèo, lội bưng. Huống chi đường của chúng tôi đang đi ra phía trước sáng nay là con đường số 1 trải nhựa nằm giữa đồng bằng bát ngát tít tắp tận chân trời. Không máy bay địch, không đại bác nổ, chiều tối qua, quân ta đã xé toạc quân địch ra như xé một tấm vải trên đường số 1 này.

Hai bên đường, những nhà sàn bị phá nham nhở, từng đám người đủ mọi lứa tuổi ngồi chùm nhum, không phân biệt ai là dân, ai là lính địch. Họ làm như không dính dáng gì đến chuyện quân sự ở trên đường. Chưa có đội công tác của bạn nào đến đây cả.

Đoàn xe chúng tôi phải tránh những hố pháo, những ổ gà, những đống thùng đạn, những xác xe hỏng, nên chạy rất chậm. Vòm trời phía Tây trong xanh lơ lửng những gợn mây mỏng màu da cam. Trên cánh đồng hoang, đàn cò trắng hốt hoảng chao lượn như những tờ giấy trắng gặp ngọn gió xoáy. Hàng thốt nốt đứng sừng sững, trơ trọi lặng thinh giữa trời như những cụ già Khơ-me chất phác.

Đêm qua là đêm thứ sáu, mọi người phía trước phía sau đều thức trắng.

Các đơn vị của Đoàn 7 và hai tiểu đoàn số 2 và số 7 quân giải phóng Kampuchia, được Tiểu đoàn 2 xe tăng chi viện đã chiếm bờ Đông bến phà Neak-lương đêm qua! Bộ đội ta tiến như vũ bão, nội ngày hôm qua đã chẻ quân địch ra mà tiến hơn 40 cây số. Các sư đoàn của Pôn Pốt từ đường Mười, Chi-Phu, Công-Pông-Rồ chạy tan tác về phía Tây không kịp phá cầu, không kịp đốt kho. Phà Neak-lương bị máy bay ta oanh tạc, trôi lềnh bềnh về phía hạ lưu. Chúng bỏ lại toàn bộ xe pháo, giựt thuyền của dân và ôm tất cả những vật gì nổi được bơi sang bờ phía Tây. Số chạy không kịp bị ta bao vây bắt sống gần hai ngàn tên. Nhân dân bị chúng lùa đến đây cũng ùn lại dọc bên bờ sông. Trong đêm tối họ reo mừng inh ỏi, họ gọi to: “Bộ đội giải phóng ơi! Đừng bắn, không còn Pôn Pốt đâu”. Được bộ đội đến giải phóng kịp thời, đang đêm nhân dân tháo ngược trở lại hướng Svay-riêng.

Gần đến cầu Kompong-Trabéc một đồng chí ngồi cùng xe chỉ cho tôi ba chiếc PT85 của địch bị ta bắn cháy trên cánh đồng.

Không ngờ hai bên đường 1 lại hoang tàn đến thế. Thị trấn Kompong-Trabéc (nghĩa là bến Cây ổi) trước đây rất đông người. Trong kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, chúng tôi thường qua lại chỗ này, Tra-béc xuống Tà-lô, sang Đồng Tháp Mười, lên Châk, Tiêm-phờ-lơn, Orăng-âu về chiến khu A (bắc tây Ninh) đông vui nhộn nhịp lắm. Từ trước tới nay nhân dân ta đoàn kết với nhân dân Kampuchia, giúp cách mạng Kampuchia hết sức tận tình trên tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Nhưng từ 72 – 73 đến nay, bọn bành trướng Bắc Kinh đã lôi kéo được tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xari  và từ đó chúng bắt đầu trở mặt. Chúng dùng bè cánh ở Quân khu Tây Nam do tên Tà-mốc làm Bí thư  kiêm Quân khu trưởng, giết hại cán bộ, thương binh của ta, trước nay vẫn mượn một đoạn đường ở Mỏ Vẹt này để đi từ miền Tây lên miền Đông. Vũ khí từ miền Đông ta tải xuống cho miền Tây, lớp thì chúng phục kích cướp giựt, lớp thì chúng đề ra nguyên tắc chia đôi, chúng đòi toàn súng đạn loại lớn mà ta đang cần để đánh Mỹ. Gạo từ miền Tây ta tải lên chúng lấy phân nửa rồi bán lại cho ta với giá cao ở miền Đông. Mỗi lần Trung ương cục của ta thông báo tình hình ấy cho Pôn Pốt thì chúng đổ lỗi cho quân khu Tây Nam làm sai. Nhưng nhân dân Prey-Veng và Svay-riêng thì rất thương bộ đội Việt Nam. Lại thêm các
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Ba, 2010, 09:13:06 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2010, 04:17:14 pm »

Ơ, trang 29 có nói lính Pốt giựt xuồng dân qua sông là sao nhể , các bác?
Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #17 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:26:53 am »

đồng chí chủ chốt trong ban lãnh đạo quân khu có chân trong Trung ương của PônPốt như Su-Va-na mà chúng tôi quen gọi là anh Mười Su và anh Năm Sang (cũng lấy vần đầu tên anh) là những đồng chí chí cốt chí tình, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Anh Mười Su! Anh Năm Sang! Chúng tôi không bao giờ quên các đồng chí cũng như các đồng chí khác. Khi tập đoàn PônPốt – Iêng Xari đã lộ nguyên hình là những tên phản bội, tay sai của Bắc Kinh, các anh đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của Quân khu 203 hồi tháng 5/1978. Lúc biết các anh gặp khó khăn, bộ đội Việt Nam đã tìm mọi cách để cứu nhưng không còn kịp nữa, chúng đã giết các anh rồi. Còn nhân dân các huyện biên giới được giải phóng từ những năm 1970 thì sau ngày 17/4/1975 chúng quy là dân loại 3 và đầy ải lên vùng rừng sâu nước độc giáp biên giới Thái lan, chúng đẩy dân các tỉnh khác lấp vào các huyện biên giới.

Cũng như các thị trấn khác, KomPong-Trabéc chỉ còn trơ những chân tảng xi măng lẫn cỏ dại. Dừng xe lại nhìn phía Phum Ampil cũ, tôi cố moi trí nhớ tìm cây me nhà cụ Sóc, ông già cụt một chân đã dám dùng rựa chém đứt cổ tên lính ngụy NonLon để giành lại đôi bò … Nhà cụ rộng rãi chỉ có hai vợ chồng già và đứa cháu nội, con lớn đã ra ở riêng, thằng Út thì đi tu. Đã đến Tra-béc mà không ghé nhà thì cụ giận lắm. Cụ thích chúng tôi ngoài tính tình hợp với cụ , còn vì chúng tôi biết thưởng thức món ếch ương phơi khô nướng nhắm rượu thốt nốt.

Đứa cháu gái cưng của cụ là Mờ-ni, năm ấy 12 tuổi. Cháu rất thông minh. Chúng tôi học tiếng Kampuchia ở cháu và dạy lại cháu  tiếng Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi xưng “Pu” (chú), cháu bảo: “Um lớn hơn Âu Mờni mà, Mờni kêu bằng Um-Vu  mà” (Bác Vũ). Một hôm thấy con cò bay ngoài ruộng, Mờni hỏi:
- Con chim đó Việt Nam kêu bằng gì?
- Con cò, “Con cò lặn lội bờ sông. Bắt tép nuôi chồng công tác đường xa”.

Tôi giải thích câu ca dao đó, Mờni  thích lắm. Cháu dạy lại cho các chị bên cạnh cùng học tiếng Việt Nam với cháu. Học tiếng nước ngoài mà học ngụ ngôn ca dao là dễ nhớ từ lắm. Cháu phát âm rõ nhưng không đúng dấu nghe dễ thương quá. Mỗi lần qua lại nhà là tôi bắt cháu nói: “Um-Vu ơi! Con cò lắng lói bờ song …” Tôi ôm bụng cười đến chảy nước mắt.

Cây me mà cụ Sóc hay cột bò vẫn đứng đó. Cụ, cháu Mờni và bà con Phum Ampil giờ ở đâu?

Tôi đi bộ lên cầu Tra-béc với anh Hồ Nam công binh, anh Phùng tác chiến, anh tám Danh quân báo, anh Bộ thông tin và một số anh em cán bộ chiến sĩ vệ binh trong Sở chỉ huy tiền phương. Chúng tôi muốn quan sát để xem, một trong những nỗi lo lắng đè nặng chúng tôi mấy hôm nay đã được anh em thiết giáp giải quyết như thế nào. Chiếc cầu sắt dài hơn trăm mét làm từ đời Pháp thuộc đã bị lún võng xuống hơn một gang tay, mặt gỗ bị băm nát. Chiều hôm qua năm chiếc T54, hai PT85 và chín chiếc M113 đã dũng cảm táo bạo vượt qua cầu này. Thế thì các cầu khác trên đường số 1 cũng sẽ qua được. Tôi hình dung theo anh em cơ quan tác chiến kể lại: chiều hôm qua một chiến sĩ lái xe tăng đã tình nguyện lái chiếc T54 đi đầu qua cầu này. Để làm cho cán bộ an tâm và cũng để tự động viên mình, đồng chí ấy lý luận rằng: “Cầu sắt nếu có sập thì cũng sập từ từ, có gì ta lùi xe lại”. Khi được chấp thuận, một mình một xe, đồng chí cho xe lăn từ từ đặt phân nửa thân xe lên cầu, rồi nhích lên cho toàn thân xe nằm trên cầu. Anh nhảy xuống đất quan sát, rồi lại lên xe. Bằng một tốc độ chậm và đều, anh cho xe chạy qua cầu. Móng cầu chuyển động rúc rắc, thân cầu đung đưa, làm đứng tim anh em xung quanh. Xong đồng chí ấy lần lượt lái bốn chiếc T54 còn lại qua cầu. Nếu chỉ tính toán theo công thức thông thường, mà không có kinh nghiệm đưa xe tăng qua cầu gỗ bắc ngang sông Sài Gòn ở Võ Tùng, qua cầu sắt Biên Hòa có tấm bảng tròn vẽ chữ 12 tấn to tướng, thì  không thể nào dám đưa T54 qua cầu Tra-béc.
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Hai, 2010, 09:10:52 am gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:27:18 am »

Còn mở đường vòng tránh ở khu vực đàm lầy này thì phải mất năm ngày chưa chắc đã xong. Tôi nhìn anh Hồ Nam cười, có lẽ ba hôm nay chúng tôi đều quên cười. Anh Hồ Nam cũng nhoẻn miệng vừa nói vừa chúm năm ngón tay ra dấu: “Như vậy là xe tăng nó nện, những chỗ hở bị nén chặt hơn, bảo đảm cho hàng chục xe tăng nữa qua không sao”.

Tuy biết rằng ý kiến anh Hồ Nam chưa đủ chứng cứ khoa học, nhưng cũng không ai tranh luận vấn đề ấy trong lúc này.

Đoàn xe của chúng tôi sốt ruột rú còi inh ỏi, xin đường vượt từng chiếc xe tải lác đác chạy chậm như rùa. Qua khỏi cầu Tra-béc vài cây số đã gặp dân đi ngược chiều rất đông, nào gồng gánh, xe bò, xe trâu, xe do người kéo. Lẫn lộn trong đó biết bao nhiêu là lính PônPốt. Họ mặc bộ đồ đen hoặc áo vàng vải Tô Châu may cùng một kiểu, trông là biết ngay. Nhân dân đã quen với bộ đội phía trước rồi, nên không còn ngỡ ngàng như bà con ở Đôn-so ngày hôm qua. Trên gương mặt của bà con chỉ có đôi mắt là còn sức sống.Họ gày gò phù thũng lê từng bước một. Các cụ già chỉ còn manh vải rách lủng lẳng trên ngực trên lưng gọi là áo, quần đùi vá đụp buộc túm phơi cặp giò gày nhom xiêu vẹo. Đàn bà thì áo túi ngắn cũn cỡn, xà rông bẩn cũ đến không còn thấy mặt vải, tóc tai rối bời, hoe hoét như mớ rễ lộc bình. Chúng tôi tươi cười vẫy tay nói với bà con hai bên đường:
-Xóc xa bai tà ơi, dầy ơi, boong ôn ơi!
(mạnh giỏi ông ơi, bà ơi, anh chị em ơi!)
   
Anh em đi xe sau cùng làm như vậy. Nhân dân cười cởi mở đưa tay vẫy mãi. Các em bé đầu trọc lóc, áo dài thùng thình quá gối, có đứa trần truồng, tấm lưng cong trên hai bàn đít chai đen trũi. Có bao nhiêu mì tôm, lương khô mang theo, chúng tôi phân phát hết cho các em. Có một em mím miệng nhìn tôi phập phồng cánh mũi nhỏ xíu, trông sao nhớ thằng cu Đức nhà tôi quá đỗi. Mỗi người chỉ đội trên đầu một ít gạo muối, vài thứ đồ dùng gia đình đơn sơ như nồi niêu, thúng mủng. Có em nhỏ ôm trum trũm chú chó con.

Thấy thế, quân y sĩ Mười Vàng cười khì khì.

Chả là hôm qua khi đến Đôn-so Prây-nhây, chúng tôi bảo nhân dân lấy lúa gạo, gà, heo của công xã chia nhau mà ăn, nhất là cho người già, trẻ em, người bệnh. Nhân dân nói: “Của Ăng-ka đấy, lấy Ăng-ka đập chết”. Chúng tôi bảo “Ăng-ka chạy hết rồi, sợ gì ”. Nhân dân bảo: “Mấy ông đi rồi Ăng-ka về đập chết”.

Hai bên đường thỉnh thoảng gặp chiếc xe khẩu pháo còn mới tinh đâm đầu xuống ruộng. Cảm giác sau gần bốn năm trên đường từ Dầu Giây đấn Biên Hòa sống lại trong lòng tôi như đâu mới hôm qua, hôm kia đây vậy.

Thành phần trên chiếc xe Jeep của tôi, nếu có một nhà văn giỏi tán nhuyễn ra thì cũng đầy một quyển sách hấp dẫn. Chú Mười Vàng quê xứ dừa, ra trường Quân y sĩ từ trước trận chống càn Jan-xơn xi-ti và bắt đầu về công tác chung với tôi từ Tết Mậu Thân cho đến nay. Ôm vô lăng là cậu Biên, con cả đồng chí Trung người lái xe đi với tôi thừ thuở còn dùng Hon-da 90 đến khi có Gaz 69 rồi Jeep. Còn cậu Nguyện thì cũng nối nghiệp của bố. Bố Nguyện đã từng đánh nhau với Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam bộ và Đông Bắc Kampu-chia. Biên với Nguyện rất lạ cảnh này, nên tôi cứ nhắc Biên vững tay lái, đừng làm cho nhân dân sợ. Còn Nguyện thì tôi nhắc mím kín môi lại kẻo bụi bám vào răng. Bụi bám vào lông mày, mi bạc như ông già, thế mà cậu ta cứ há hốc mồm.

Đoàn xe chúng tôi gào thét van xin mãi rồi cũng tới được cầu Tôn-lê-tút. Ở đây còn cách bến phà Neak-lương ba cây số. Xe của các binh chủng đỗ nối đuôi thành một chuỗi dài mấy cây số, khít như nêm. Riêng xe tăng và M113 thì không thấy. Đoàn xe chở phà và thuyền ghép của Lữ 25 Công binh tăng cường cho Đoàn 7 vẫn còn nghẽn ở tít phía sau.Trên
(ongbom_f2 đánh máy)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Hai, 2010, 12:49:44 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Bodoibucket
Thành viên
*
Bài viết: 913


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2010, 11:27:40 am »

cầu, hai bên dốc cầu, nhân dân chen chúc nhau đen nghịt, lộn nhèo với xe bò xe trận. Có những con trâu trợn tròn mắt trắng vặn nài bẻ ách không chịu đi. Chúng tôi gặp anh Dũng và mấy cán bộ tác chiến Đoàn 7 đang nhăn nhó điều khiển túi bụi trên đều cầu bên này. Đầu cầu bên kia thì anh Giáp, chủ nhiệm Công binh cùng làm việc ấy. Tôi hơi chột dạ vì vị trí anh Dũng lúc này là ở Sở chỉ huy mới đúng hơn. Nhưng nghĩ lại nếu anh không đi giải quyết một việc cụ thể như thế này thì có khi hỏng việc lớn. Hơn nữa, Sở chỉ huy Đoàn 7 cách cầu có ba trăm mét thì làm thế nào anh Dũng có thể ngồi yên trước tình huống như thế này. Trong chiến tranh nhiều khi về mặt chiến lược, chiến dịch rất thuận lợi nhưng để trục trặc mà không giải quyết kịp thời một khâu quan trọng nào đó trong chiến đấu thì bị thất bại là thường. Ở Sở chỉ huy đã có anh Thẩm chính ủy và chủ nhiệm các cơ quan.

Đêm qua sau cuộc họp ở ngã tư Pra-sát,chúng tôi đã phân công anh Ba Bì, anh Ngọc Ánh, anh Vịnh, anh Triệu, anh Tuất công binh Binh đoàn đi ra Neak-lương để chỉ huy chiến đấu mở rộng bãi đổ bộ và tìm mọi phương tiện tại chỗ để đưa hai Tiểu đoàn bạn và Trung đoàn 12 vượt sông đánh chiếm bến phà trong đêm. Đến ba giờ sáng, anh Ngọc Anh báo cáo về là không tìm ra một chiếc ghe chiếc xuồng nào cả. Tôi bảo làm phao bơi và kết bè bằng mọi vật nổi mà vượt. Đến bốn giờ các anh báo là sông rộng sóng to, đêm tối như mực, phao bè không bảo đảm vượt sông an toàn. Tôi bảo cố gắng khắc phục mọi cách để đưa bộ phận trinh sát sang, các anh cũng không giải quyết được.
Từ hai hôm nay, tôi không rời anh Hồ Nam, chủ nhiệm công binh Binh đoàn. Hồi hai giờ khuya tôi còn phái anh đi gặp anh Biểu, Lữ đoàn 25  Công binh ở Prây-nhây để xem phà máy đẩy có điều thêm được gì nữa không, dù tôi chắc đến giờ này chỉ có ngần ấy thôi: hai bộ phà nặng và hai mươi bốn xuồng gấp. Cầu Đôn-So bị xe tăng qua sập nên lực lượng còn lại của Lữ 25 Công binh vòng trở lại ngả Chi-Phu, đường sình lầy dài hơn trăm ki-lô-mét làm thế nào đến kịp.

Nhìn anh Hồ Nam hai vai xương xẩu, tóc hớt cao đã hoa râm, mắt thâm quầng vì mấy đêm rồi không ngủ, tôi nhớ những ngày Công binh mở đường bí mật đưa pháo bắn thẳng vào Bù-đăng, mở đường bao vây bốn phía Chi-Phu [1] Đồng Xoài, Phước Long, mở đường rừng núi chập chùng đưa pháo 130 ly vào lót sẵn ở phía Tây bắc Tiểu khu Lâm Đồng … Với những cây tre, những thùng xăng, thùng nhôm kết phà, công binh ta đã đưa xe vượt sông Sài Gòn, sông Bé, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ. Và mới cách đây mười ba ngày với những thùng phuy, ta đã bắc cầu nổi qua sông Vàm Cỏ cho toàn bộ Đoàn 341 bí mật vượt sông để cùng với Đoàn 2 bao vây tiêu diệt gọn ba Trung đoàn nòng cốt đi đầu của ba sư đoàn địch ở Bến Sỏi Tây Ninh.

Nhưng ta chưa từng vượt sông lớn mà bên kia bờ địch đã có hệ thống phòng ngự kiên cố mà học thuật quân sự gọi là “ Vượt sông bằng sức mạnh” .Ta chiếm bờ bên này rồi, chậm giờ nào là địch củng cố thêm bờ bên kia giờ ấy.

Vì thế mà chúng ta chạy vạy lo lắng biết bao nhiêu từ hôm qua đến nay và thực sự là ta đã lo việc này từ trước đây hai tháng rồi cơ mà. Thế nhưng đến giờ này thì chỉ có được ngần ấy thôi anh Hồ Nam à: Hai bộ phà đẩy, mỗi chuyến 45 phút, chuyển suốt 12 giờ không trục trặc gì thì được 64 xe tải. Nếu xe tăng thì bằng một nửa số đó. Biết làm sao bây giờ! Thời gian là thế, là lực, thời gian là xương, là máu.

***

Mê-Kông! Dòng sông thân thiết đã tưới mát tâm hồn thơ trẻ, hôm nay sao Mê-Kông lại thiêu đốt lòng tôi.
(ongbom_f2 đánh máy)
---------------------------------------
1. Có lẽ là Chi khu?
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Hai, 2010, 06:07:08 pm gửi bởi Bodoibucket » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM