Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 30 Tháng Mười Một, 2023, 07:29:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tuyển tập truyện ngắn về người lính  (Đọc 156061 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 04:01:00 pm »

Bây giờ con mới hiểu

Khoanh tròn trong chiếc kén thiếu nữ của ngày cuối cùng cùng tôi nhìn theo mẹ. mẹ còn trẻ quá.
   
Tóc mẹ chưa bạc sợi nào. Lưng mẹ thẳng và dáng đi nhanh nhẹn. Mẹ trân trọng bưng lễ vật để lên bàn thờ bố. Mắt mẹ dịu dàng vô biên cương. Và một nét cười bừng lên trong ánh mắt. -" Con gái chúng mình đi lấy chồng rồi đấy". Rồi đột ngột nước mắt lại dâng đầy. Mẹ quay nhìn xuống ngực mình, rồi mẹ nhìn trải khắp căn phòng. Ngày mai, khi tôi chui ra khỏi kén, tôi thành ngài sinh con đẻ trứng, mẹ sẽ chỉ còn một mình với căn phòng trống vắng. Mẹ còn quá trẻ, nỗi cô quạnh sẽ trùm lên mẹ trong quãng đời còn lại. Ai sẽ làm thay đổi được điều đó?
   
Sẽ chẳng thay đổi được số phận đâu. Chiến tranh qua đi và để lại muôn vàn những goá phụ như mẹ tôi. Nhưng có lẽ một đứa con, một giọt máu yêu thương để lại giứa hai điểm ngắm sẽ làm dịu bớt phần nào. và chính tôi, một con bé bảy tuổi ngày ấy đã không mang lại cho mẹ cơ may cuối cùng.

Bố nhập ngũ tôi còn bé lắm. Nỗi nhớ bố chỉ cất thành tiếng khóc chứ chưa biết nói thành lời. Người vợ trẻ nhớ chồng không san sẻ cùng ai cũng hoà thành tiếng khóc.
   
Hai mẹ con sống trong một căn hộ tập thể. Ban ngày mẹ đi làm, tối về hai mẹ con thủ thỉ nói chuyện về bố. Tôi lớn hơn một chút, mẹ thường mang anbum ra chỉ cho tôi ảnh bố. Như vậy bố như chỉ vừa sang hàng xóm và sắp về đó thôi. Sự thực thì hai mẹ con mang nỗi niềm nhớ thương bố khắc khoải.
   
Buổi trưa hôm ấy, bố về nhà đột ngột. Hai mẹ con đang ngồi ăn cơm. Mẹ sững sờ buông rơi chiếc bát. Con trân trân nhìn bố một lúc. Thấy đúng bố rồi, oà reo lên nhưng vẫn bẽn lẽn nấp vào vai mẹ. Bố bế bồng con lên, quay cuồng:
     -Chao ôi lớn thế này rồi kia à? Mà bảy tuổi rồi phải không? Bố vẫn đếm mà.
     
Rồi bố ôm lấy mẹ. Bố hít mãi vào tóc mẹ, thì thầm "Hai giờ thôi em ạ". tàu đỗ ngoài ga hai tiếng nữa. Mẹ rối  rít cứ chạy xung quanh bố. Mẹ bế lấy con lại đưa cho bố. Ngoài cửa có mấy người đi qua thì thào:
   - Hình như chú Quân nhà cô Nga về thì phải?
    Mẹ như sực tỉnh. Chạy ra đóng chặt cửa.
   
Tôi ngồi trong lòng bố sung sướng. Nỗi sung sướng của con muốn trào ra ngoài. Con chạy ra bảo cho cái Hoa, thằng Tú biết rằng bố đã về. Tôi tụt xuống khỏi lòng bố. Tôi chạy ra mở cửa. Mẹ không bằng lòng kéo tay tôi lên. Mẹ bế tôi ôm chặt vào lòng ngồi xuống bên cạnh bố. Mẹ áp mặt vào lưng bố. Bố ôm mẹ vào ngực. Mẹ thổn thức:
    -Đừng khóc em ạ!
   
Tôi ngơ ngác nhìn mẹ. Sao mẹ phải khóc kia chứ. Vì sao lại đóng cửa thế kia. Mở to ra cho các bác hàng xóm vào chơi chứ. Các bác ấy cười nói vui lắm. mẹ sẽ hết khóc ngay. Con sẽ ngồi vào giữa lòng bố thế này, cho cái Hương hết hãnh diện nhé. Nó làm như chỉ một mình bố nó về hôm nọ.
    - Sao mẹ lại khóc. Con chạy ra ,ở cửa gọi các bác sang nhà chơi cho mẹ vui nhé.
   
Xong tôi tụt ngay khỏi lòng mẹ chạy ra mở cửa. Mẹ chạy theo định nắm tay tôi lại - Đừng con! Rồi như mẹ chợt nghĩ ra điều gì đó.
   -À, mẹ cho con năm hào này. Con sang rủ cái Hoa ra đầu phố mua kem mà ăn.
   - Vâng ạ!

« Sửa lần cuối: 17 Tháng Ba, 2008, 07:45:05 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 07:38:51 pm »

Tôi cầm tiền vung vẩy chạy. Cái kem trong phút chốc làm tôi quên mất bố. Tôi chạy ù sang rủ các Hoa. Hai đứa vừa ra đến cổng gặp ngay bà bán kem rong, tôi mua cho nó một chiếc, tôi một chiếc. Tôi đưa kem lên miệng rồi chợt nghĩ ra.

- Bố tớ về rồi đấy!

- Bố cậu về à? Sao không gọi cho tớ biết với.

- Vừa về xong. Sang nhà tớ đi

- Để tớ về bảo cho mẹ tớ biết đã

Thế rồi mồm nó hét toáng lên từ cổng

- Mẹ ơi, bố bạn Loan về rồi. Chú Quân đi bộ đội về rồi.

Tôi cũng chạy ào về nhà. Tôi muốn chạy vào lòng bố ngồi chễm chệ trước khi mọi người đến. Tôi muốn mọi người biết rằng, tôi có bố đây này, bố tôi về đây này. Bao nhiêu lần tôi thèm cái cảnh cái Hương ngồi giữa lòng bố nó.

Cánh cửa đóng kín sừng sững trước mắt tôi. tôi đẩy cửa, cửa chốt từ bên trong. Tôi đẩy cửa sổ,cửa sổ cũng cài kín. Tôi căng mắt nhìn qua lỗ khoá. Trong nhà tối om tôi không sao nhìn thấy gì. Tôi đứng im băn khoăn, hay là bố mẹ đi vắng. Tôi pnhìn chiếc khoá vẫn lủng lẳng một bên. Nếu bố mẹ đi đâu sẽ phải khoá cửa chứ. Tôi áp tai vào cửa nghe ngóng. Tôi chợt nghe thấy tiếng mẹ nho nhỏ. Thế là tôi biết bố mẹ vẫn ở trong nhà. một nỗi dỗi hờn con trẻ ập vào lòng tôi. Tôi bị bỏ rơi. Tôi đập vào cánh cửa.

- Mẹ ơi, mở cửa cho con vào với.

Im lặng.

Tôi đập mạnh hơn

- Mẹ ơi, mở cửa cho con

Im lặng.

Tôi chợt gào lên và chợt nhớ ra có cả bố ở trong ấy nữa.

- Bố mẹ ơi, mở cửa cho con vào nhà với.

Cái Hoa đã đứng bên cạnh tôi lúc nào. Nó ngơ ngác nhìn tôi.

- Sao bố mẹ cậu lại đóng chặt cửa không cho cậu vào.

Loáng thoáng vài ba người hàng xóm đi qua trước cửa nhà xem có chuyện gì. Tôi uất ức trào nước mắt. Tôi khóc ầm lên.

- Bố mẹ ơi cho con vào với.

Bố chạy xô ra trước. Bố ôm lấy tôi, úp mặt vào bụng tôi cù. Tôi đẩy bố ra. Mẹ vẫn đang vấn tóc cho gọn, rồi chạy ra mở toang cửa. Mẹ nhìn thấy cái Hoa đang ngơ ngác nhìn mẹ và mấy người hàng xóm nhìn mẹ cười. Mẹ cáu bất ngờ. Mẹ xông vào tôi phát lấy phát để, rồi oà khóc. Thế là hai mẹ con tôi khóc. Bố bật cười gỡ mẹ ra:

- Bình tĩnh lại nào, con có lỗi gì đâu.

Mẹ ôm mặt khóc nức nở. Tôi bỗng sợ hãi. Tôi không khóc nữa. Tôi ngước mắt nhìn bố. Mắt bố sạm đen, sắt lại như đang dồn nén một điều gì đó. Bố bỗng nhìn xa, vút ra khỏi cửa. Tôi khẽ kéo áo bố. Bố như bừng tỉnh. Bố cúi xuống cười với tôi.

- Con ngoan của bố, con có nhớ bố không?

- Con yêu bố.
Mẹ vẫn khóc. Bố quàng tay ôm mẹ vào ngực. Bố ôm gọn cả hai mẹ và tôi:

- Đừng khóc nữa nào. Em yêu của anh. Sắp đến giờ anh phải đi rồi. Đừng làm cho con sợ.

- Em mong anh từng ngày. Em muốn có thêm một thằng cu…bom đạn nhỡ có mệnh hệ nào. Con bé này lớn sẽ đi lấy chồng…Còn có một mình em…

Bố cười rất tươi, bố thì thầm vào tai mẹ:

- Anh sẽ quay về khi em còn rất trẻ. Sẽ không lâu nữa đâu.

- Vâng lần trước anh cũng bảo em thế. Vậy mà đã năm năm rồi. Năm năm nữa em sẽ ba hai.

Bố lại cười:

- “Gái ba mươi tuổi đang xoan”

- Anh - mẹ dụi đầu vào ngực bố cười.

- Nào chúng ta cùng vui lên chứ.

Bố vòng tay kéo đầu con, đầu mẹ vào bố, ba cái đầu đập nhẹ vào nhau. Cả nhà phá lên cười. Như chờ có tiếng cười ấy hàng xóm bắt đầu kéo nhau vào. Họ đã ngấp nghé cả ở ngoài. Phút chốc cả nhà đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ. Mỗi người góp một câu. Mắt mẹ long lanh vui sướng.

Hai tiếng đồng hồ trôi như một giấc mơ. Mẹ thảng thốt không biết xếp thứ gì vào ba lô cho bố. Bố bế tôi và hàng xóm đưa tiễn, cả một đoàn người dài. Mẹ con tôi đi với bố ra tận bến tàu. Bố cứ liếc nhìn mẹ như định nói điều gì, mẹ lại đưa mắt nhìn tôi, nên bố chỉ cười. Lúc bố lên tàu mẹ lại oà khóc. Tôi an ủi mẹ:

- Mẹ khóc làm gì, bố không chết đâu.

- Em nghe thấy không? Anh không chết được đâu. Lời nói con trẻ như lời tiên tri em ạ. Chờ anh nhé.

Rồi bố giơ ngón tay cái sát mặt mẹ:

- Một thằng con trai!

Chiến tranh không có ngoại lệ. Bố đã ra đi vĩnh viễn. Thế là đã ba lần năm năm bố không về nhà và đấy cũng chính là thời gian để cho tôi đã lớn khôn.
Sẽ trọn mười lần, hai mươi lần năm năm nữa, bố mãi mãi không bao giờ trở về để lại mẹ suốt đời với một niềm khao khát thiếu phụ dở dang.
Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 07:41:01 pm »

Cả làng Hoạch không một ai biết rằng đêm ấy thằng Hùng, con trai bà Hai Vách đã trở về.

   Lúc ấy gà vừa gáy canh tư.

   Bà Hai Vách nhận ra tiếng bước chân thằng Hùng khi nó vừa tới chân đồi. Những bước chân bây giờ mạnh mẽ khiến đất đồi rung chuyển lên từng đợt nhưng vẫn láu ta láu táu như xưa, hệt như lúc nó mới tập đi chập chững trong tay bà.

   Bà nhào dậy, vặn to ngọn đèn dầu hoả rồi lập cập ra mở cửa

   Đã bao đêm bà chờ đợi giây phút này, mặc dù bốn năm trước bà nhận giấy báo tử của nó. Bấy giờ cả xóm  kéo sang chia buồn, an ủi. Với bản tính nhút nhát, bà không nói gì, chỉ cám ơn mọi người, nhưng sau đó dứt khoát không nhận tiền tử tuất. Làm sao thằng Hùng của bà chết được cơ chứ. Nó còn trẻ lắm, khoẻ lắm, ai cũng khen là hiếu thảo. Nó sẽ trở về cho mà xem. bà biết nhất định nó sẽ trở về.

   Nó sẽ trở về để sớm bật dậy, vươn vai như như một con gà trống choai chưa đủ lông cánh, xách hai thùng nước chạy một mạch từ dưỡi chân đồi lên. Nó cày giỏi, đường cày thẳng băng mà ngọt. Buổi chiều nó vác búa đi đánh gốc bạch đàn làm củi và không bao giờ quên kiếm đoạn rễ chay cho mẹ nhai trầu.

   Chẳng hiểu tại sao bà lại tin rằng thằng Hùng sẽ trở về vào ban đêm. Vì thế ban đêm bà rất ít ngủ. Bà thắp ngọn đèn dầu, để sẵn trên bàn thờ, dưới tấm ảnh chồng. ở đấy bao giờ cũng có một cặp bánh chưng. Thằng Hùng thích ăn đồ nếp. Hồi còn ở nhà có lần ngày tết nó nhai nhoay nhoáy, trông mà phát thèm. Bà còn dành sẵn vại gạo nếp trong nhà. Lo là lo thằng bé về bất thần, chứ còn bà thì cần gì, vài lát sắn mèo trừ bữa là xong. Dầu, gạo nếp, đỗ xanh ngốn hết phần lớn số tiền bán hoa quả trong vườn.

   Bốn năm nay, bà Hai Vách không nhớ đã bao lần gói bánh chưng để thay cho cặp bánh cũ đã  mốc meo trên bàn thờ.

   Bốn năm nay, ngọn đèn dầu chong chong thức đợi.

   Nhà bà Hai Vách nằm trên đỉnh dốc Mù Chang. Dân trong vùng đã quen đêm đêm từ dưới chân dốc nhìn lên thấy ngôi sao nhỏ nhấp nháy cô đơn nhưng ấm áp. Người ta xót xa mà nói: “Tội nghiệp bà già. Anh ấy làm sao còn trở về được nữa!”.

- Anh ấy làm sao còn trở về được nữa! – Chiều tối hôm đó dân làng lại nói với nhau như thế. Họ không thể ngờ được rằng niềm tin của bà mẹ già đã  đúng.

    Thằng Hùng hiện ra trước cửa. Thằng Hùng đây, thằng tí nhau của bà đây. Nó mặc bộ quân phục màu cỏ úa, ba lô trên vai, chiếc mũ có ngôi sao lấp lánh, cao lớn quá, chững chạc quá, đúng như bà tưởng tượng.

Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau mà khóc thoả thuê.

“Nó đã đói ngấu rồi còn gì!”. Bà Hai Vách bóc bánh rồi ngồi ngắm con ăn. Tổ cha nó, cái miệng nhai nhoay nhoáy, trông mà phát thèm!
Lúc bấy giờ trời đã gần sáng, dân làng Hoạch đang ngon giấc. Đêm hôm đó cũng như mãi mãi sau này không ai biết thằng Hùng đã trở về.

Hai mẹ con bà Hai Vách không bao giờ còn xa nhau nữa, ngôi nhà nhỏ cũng thôi thấp nháy đêm đêm trên đỉnh dốc Mù Chang

Hôm sau dân làng đưa bà đi bằng chiếc xe tang.

Lễ mai táng vừa xong thì trời đổ mưa. Dân làng ngạc nhiên: Điều đó chứng tỏ họ vừa tiễn biệt một con người hạnh phúc.
Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2008, 05:55:45 pm »

 
ANH BỘ ĐỘI VÀ LŨ TRẺ NHỎ


Hải Hồ




  Cái Mỹ có một anh bộ đội thật là đẹp. Đấy là một anh bộ đội bằng đất mẹ mới mua cho Mỹ phiên chợ hôm qua. Anh bộ đội mới về nhà cái Mỹ được một lúc, phải, chỉ một lúc thôi mà cái thế giới trẻ con khắp cõi “xóm Mít” đều bàn tán, nắc nỏm, ao ước xôn xao giống như câu chuyện của những người lớn khi có một tin thời sự nóng hổi đặc biệt, như tin tên lửa Liên Xô bay sau lưng mặt trăng chẳng hạn. Thật đúng là như thế!

  Bọn con gái thì cho rằng anh bộ đội rất hiền và rất xinh, bởi lẽ anh chỉ bằng củ khoai dong, hai chấm mắt đen láy, lại có cả má hồng, cái miệng  nhỏ lúc nào cũng mỉm cười với chúng nó. Bộ quần áo thì xanh ngăn ngắt như thể con cánh cam. Mà mũ cũng có huy hiệu sao vàng hẳn hoi nữa kia. Ôi, nom đến là xinh!

  Ừ, bọn con trai thì cho là anh bộ đội rất oách bởi lẽ rõ ràng anh lúc nào cũng mang một khẩu súng trước ngực. Mà súng tiểu liên hẳn hoi nhá. Sau lưng ụ lên cái ba lô, chắc hẳn nhiều thứ nặng lắm. Hai con mắt cứ nhìn thẳng vào chúng nó. Còn đôi chân thì bao giờ cũng đứng rất nghiêm như thể sắp duyệt binh, giả dụ ai hô: “Một. Hai” chắc anh ta có thể đi đều bước ngay tắp lự. Oách thế kia chứ!

  Lũ trẻ con xúm lại; đứa nào cũng muốn cầm xem, sờ vào cái áo cánh cam, cái mũ có sao vàng, cái sũng đen trũi và sờ cả vào khuôn mặt nho nhỏ hồng hồng của anh ta nữa. Thật là một anh chàng dễ dãi, đứa nào cầm đến anh ta cũng mỉm cười tươi tỉnh; một nụ cười lành như đất! Nhưng cái Mỹ thì thật là khắt khe, nó chỉ cho mỗi đứa cầm xem một tí vừa đủ để nó khoe xong một câu : “Của tao đấy! Đẹp không?” Chỉ một loáng thế thôi, rồi nó đòi anh bộ đội của nó lại ngay như sợ anh ấy cười với bạn nó lâu quá.

  Việc này làm cho thằng cu Mài, bạn cách rào của cái Mỹ, thèm vô kể. Rõ ràng nó mới chỉ kịp sờ được vào cái mũ có sao vàng của anh ta thôi, thế mà cái Mỹ đã vội đòi phắt ngay lại. Ôi! nom cái Mỹ nó cầm nhè nhẹ anh bộ đội, cái Mỹ khẽ khoanh tay vào ngực như ẵm em bé, cái Mỹ giả vờ ru như ru em  ngủ, thằng cu Mài thấy thích biết mấy. “Mình cũng phải có một anh bộ đội mới được”. Cu Mài nghĩ trong bụng thế và rồi nó ngán ngay cái xe bốn bánh không thiết chơi nữa. Gọi là xe nhưng thực ra nó chỉ vốn là hai cái lõi chỉ luồn kéo vào một cái khung bằng dây đồng, phía trên có đóng một miếng gỗ  mỏng. Bố cu Mài làm cho nó từ dạo phục viên. Cu Mài vẫn kéo xe bằng một sợi dây gai rõ dài và thường chiếc xe vẫn chở đủ mọi thứ. Chuyến nào cũng đầy ú hụ những hàng hoá: gạo và ngô thì bằng những nắm đất bột và sỏi con, vải vóc đẹp là  những mảnh lá cuộn tròn, còn như củ khoai luộc thì chính là một chú lợn béo quay chở gọn một chuyến xe khá nặng.

  Nhưng bây giờ thì chẳng ai thích gì bằng anh bộ đội nữa rồi. Đến trưa nó nói với bố:
  - Con không thích cái xe nữa bố ạ!

  Người bố nhìn vào đôi mắt tròn giống mẹ của nó:

 - Sao thế vậy?

  - Con thích cái anh bộ đội.

  Người mẹ bật cười với cả bố lẫn con:

  - Thì bố mày chẳng là bộ đội mãi còn gì?

Cu Mài chỉ sang bên phía rào:

 - Không! Bộ đội cầm súng như của cái Mỹ kia!

  Và nhất định cu Mài kéo bằng được bố sang gặp anh ta. Người bố ngắm nhìn và cũng khen: “Thật là khéo!” Còn anh bộ đội thì cười với cả hai bố con. Một nụ cười dễ dãi và thân mật quá chừng. Có điều là anh ta vẫn đứng nghiêm và ôm chặt khẩu súng trước ngực như không hề bao giờ quên nhiệm vụ.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Ba, 2008, 06:08:56 pm gửi bởi chichbong » Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2008, 06:01:10 pm »

  Vốn khéo tay lại chiều con, sau khi ngắm nghía một lúc rõ lâu, người bố quyết định làm cho cu Mài một anh bộ đội bằng gỗ. Công việc bắt đầu ngay từ hôm ấy. Cứ sau mỗi buổi đi làm đồng về, bố con lại lúi húi đục đẽo ở mé thềm. Phải mất trọn một tuần anh bộ đội mới hình thành. Một anh bộ đội khá rắn chắc. Chỉ có việc trang điểm cho anh ta tí chút nữa là hoàn thành. Cu Mài  ngồi xem bố tô điểm đôi mắt nó ánh lên  niềm chờ đợi sung sướng. Cũng thật là giản dị, chỉ một nước phẩm xanh là anh ta có bộ quần áo mới. Khẩu súng cũng đen nháy màu mặc nho. Lại đủ cả chấm quân hiệu nền đỏ sao vàng nữa kia. “ Không thua gì anh bộ đội của cái Mỹ cả”. Cu Mài nghĩ bụng thế.  Nhưng sao bố lại chấm xanh đỏ vào ngực anh ta thế nhỉ? Cu Mài vội hỏi:

  - Cái gì thế hử bố?
 
  - Huy hiệu Điện Biên mà.

  Cu Mài vội nhìn vào ngực bố. Nó hỏi luôn:

  - Cũng giống như bố à?

  Người bố gật gù:

  - Ừ! giống chứ!

  - À! thế anh ấy cũng biết đánh Tây!

  Nói xong, cu Mài vòng tay ngồi im, mắt không rời anh bộ đội trong tay bố. Chỉ một lát bố con lại hỏi nhau:

  - Kìa? Sao bố không vẽ mà hồng?

  - Đánh Tây thì không cần má hồng.

  - Giống má bố à?

  - Ừ, đúng thế.

  Cu Mài nhìn bố giây phút rồi bỗng nhiên nó bảo bố:

  - Con cũng không cần má  hồng.

  Người bố lắc đầu:

  - Má con vẫn hồng đấy thôi!

  Cu Mài thốt sờ tay lên má, nó không nhận:

  - Đâu?

  Người bố cười ngất:

  - Hồng đấy! Cái má giống mẹ mày như đúc.

  - Ứ! Mẹ bảo con giống bố kia mà.

  Bố cười rộ lên, to hơn, vui sướng hơn. Bố thơm mạnh vào chòm tóc cu Mài và giúi anh bộ đội vào lòng nó:

  - Xong rồi đấy! Giữ lấy con!

  Thế là việc cu Mài có anh bộ đội đeo huy hiệu Điện Biên lại như một thời sự  mới mẻ đến với lũ trẻ “xóm Mít”. Hai anh bộ đội bé bỏng được gặp gỡ làm quen ngay. Họ cùng cười với nhau mãi. Hẳn đúng là một đôi tri kỷ xa nhau lâu ngày nay mới gặp lại. Anh nào cũng nắm chắc tay súng trước ngực như dặn dò nhau đừng có bao giờ xa rời quân ngũ.

  Còn lũ trẻ thì tha hồ mà cãi nhau thật kịch liệt về việc anh nào đẹp hơn và oách hơn anh nào. Kể ra hai anh bộ đội này khó mà so sánh ai hơn ai kém kia đấy.

  Một anh thì rắn chắc như gỗ, nom mạnh mẽ rắn rỏi như vừa mới từ  trận chiến đấu oanh liệt xa xôi trở về. Nét mặt, khuôn người còn hằn rõ nét khắc khổ gian truân. Nom có vẻ tự hào ra dáng. Chắc hẳn anh ta không hề biết sợ một kẻ thù nào cả.

  Một anh son trẻ tươi vui, có nụ cười lành như đất. Dáng dấp khá là chững chạc, với khẩu tiểu liên cầm ngang tầm ngực dường như sẵn sàng đón mọi thử thách mà anh ta sẽ không cần đắn đo do dự một chút xíu nào hết.

  Bởi thế câu chuyện tranh cãi của lũ trẻ cứ om tỏi lên mà cũng khó lòng ngã ngũ. Vả lại chúng không thích kết luận. Thôi cứ là cầm xem mỗi đứa một tí cho thích là được!
Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2008, 06:06:55 pm »

  Lũ trẻ xem hết một lượt rồi bèn để cả hai anh đứng ở bậc cửa. Thật đúng là bằng nhau, chẳng anh nào cao hơn anh nào nổi một ly nhé. Một đứa thích chí hát bài “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…” Cả bọn ùa hát theo, cả vỗ tay nữa. Tiếng hát lanh lảnh cả khu vườn “xóm Mít”. Hai anh bộ đội mỉm cười nghe bài hát quen thuộc, họ đứng rất thẳng bên nhau có vẻ hài lòng lắm.

  Hát xong, một đứa lớn nhất bọn, lớn hơn một cái đầu, bảo cả bọn:

  - Này! Chúng mình tập trận đi!

  - Có mang bộ đội đi không?- Cu Mài hỏi thằng bạn thế.

  - Có chứ! Bộ đội mà lại không tập trận à?

  - Được! Cu Mài gật đầu tán thành ngay và nó vội khoe với lũ trẻ:

  - Anh này cũng đánh Tây ở Điện Biên ròi đấy nhớ!

  - Dô…ối! - một đứa con gái giảu mồm ra vậy.

  Cu Mài trợn mắt cãi:

  - Bố tao bảo thế mà lị!

  Thế thì chúng mình cử anh ấy là chỉ huy - thằng lớn nhất bọn nói thế và nó tuyên bố ra vẻ dứt khoát:

  - Đứa nào bằng lòng thì đi lấy súng mau lên.

  Lũ trẻ ùa vào trong bếp và ùa cả ra dọc hàng rào. Chỉ thoáng  một lát chúng đã trở đứng nối đuôi nhau ở sân. Đứa nào cũng có một thanh củi, một cái que hoặc là vác ở vai, hoặc là buộc dây quàng sau lưng, hoặc giắt ngang sườn như thể một thanh kiếm báu của người hiệp sĩ.

  Thằng lớn hô lũ trẻ tập hợp. Nó cũng ra lệnh điểm số một hai, ba…cho đến đứa chót, giống hệt như các anh bộ đội sắp ra thao trường.

  - Nghiêm!

  Nó hô xong liền quay lại bước tới trước thềm chào hai anh bộ đội đang đứng song song ở bậc cửa và báo cáo luôn:

  - Quân ta đã tập hợp xong! Đề nghị đồng chí bên phải (Nó giơ tay chỉ anh bộ đội của cái Mỹ) ở nhà canh gác doanh trại không cho quân địch đánh chiếm.

  Một thằng bé đứng giữa hàng nói xen vào:

  - Ê! Cậu phải nói như trong phim ấy kia.

  Rồi nó bước ra, ưỡn ngực nói luôn:
 
  - Phải canh gác doanh trại, bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

  Khi nó quay về hàng ngũ thì thằng bạn đứng cạnh khe huých nó khen:

  - Cậu nói thế mới oai.

  Cu lớn vẫn tiếp tục báo cáo, nó chỉ vào anh bộ đội của cu Mài và nói:

  - Còn đồng chí này, yêu cầu chỉ huy chúng tôi ra mặt trận tiêu diệt quân thù dã man…

  Cả hai anh bộ dội cùng vui lòng nhận  nhiệm vụ với nụ cười dễ dãi và họ phải chia tay nhau ngay lập tức. Một anh được để lên chiếc xe bốn bánh do chính tay cu Mài kéo đi đầu. Cả bọn khom khom người tiến theo sau, toán quân hướng về góc vườn. Cũng giống như mọi hôm, mặt trận được diễn ra ác liệt tại đấy.

  Còn anh bộ đội giữ nguyên nhiệm vụ canh gác thì vẫn đừng nguyên trên bậc cửa. Anh ta đứng thẳng mà không hề biết mỏi tí nào. Xung quanh vắng vẻ, chỉ còn mỗi cái Mỹ và cái Lúa ngồi lại ở thềm. Bọn con trai không chịu cho chúng ra mặt trận. Hai đứa vào nhà lấy khoai luộc chia cho nhau ăn, chúng chia cho cả anh bộ đội nữa. Nhưng anh ta nhất định không chịu ăn rồi, lúc canh gác ai lại ăn uống linh tinh thế được. Tiếng reo, tiếng súng “Pằng pằng, đoành đoành” từ một góc vườn dội vào lanh lảnh.

  Một con chim chích choè đậu trên ngọn đọt cau nhún đuôi hót “ chiu chót”. Nắng non trưa vàng roi rói. Nắng bò dần đến ngưỡng cửa, nhưng có hề gì, anh bộ đội vẫn đứng đinh ninh không lộ vẻ gì là ngại ngùng nắng gió cả. Cái Mỹ bỗng nhiên rủ bạn:

  - Chúng mình chơi ru em đi.

  Cái Lúa đồng ý ngay:

  - Ừ! Không chơi đánh nhau nữa! Ru em thích hơn.

  - Thế chúng mình ra bài “Hoà bình chim trắng…” nhớ

  Thế là cái Mỹ bế anh bộ đội, còn cái Lúa bế củ khoai; hai đứa cùng ngồi võng đưa bổng tít và chúng nó ra cho em ngủ, tiếng ru thánh thót:

      Hoà binh chim trắng a trời xanh
      Có anh bộ đội giữ canh hoà bình

  Con chim chích choè trên ngọn cau cũng hót véo von như hoạ theo lời ru của hai đứa gái nhỏ.

  Lúc này góc vườn đã im tiếng hò reo. Súng đã lặng. Chắc là quân địch đã bị tiêu diệt vì bọn trẻ đã quay ra bắt chuồn chuồn kim và nhưng con bướm nhỏ cánh vàng kéo đến xập xèo trên vạt rau khoai lác đác trổ hoa tim tím.

  Riêng anh bộ đội vẫn đứng nguyên trên xe gỗ để dưới gốc mít. Anh ta đứng rất thẳng, không hề chịu buông súng, mắt dõi nhìn phía trước. Hình như anh ta lo cảnh giác quân địch, sợ chúng trở lại đánh úp lũ trẻ đang nhởn nhơ giữa vườn đầy bướm. Đã là bộ đội thì không được một chút nào lơ là nhiệm vụ cơ mà. Bởi vậy anh ta vẫn đứng nguyên ở vị trí, đứng rất vững không hề thay đổi.

  Chắc hẳn lúc này anh cũng đang nóng lòng nghĩ tới người bạn chiến đấu lúc chia tay. Ừ! Anh bạn ấy có làm nhiệm vụ như mình không nhỉ?…

  Làm tròn chứ? Mãi tới lúc tan đồng, người mẹ trở về thấy cái Mỹ và cái Lúa đã ngủ say tít. Hai đứa trẻ gái thở đều đều, má chúng hồng hồng mìn mịn như da những quả đào chín.

  Chỉ có anh bộ đội thì vẫn không chịu ngủ. Anh ta đứng gọn trong lòng hai đứa trẻ, tay ôm khẩu súng trước ngực, mắt nhìn thẳng về phía trước. Anh ta mỉm cười với bà mẹ. Cõ lẽ anh ta rất hài lòng về công việc của mình, cái việc thức canh cho em gái ngủ, giấc ngủ êm ả dịu ngọt trên chiếc võng nhỏ khe khẽ đu đưa./.

Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2008, 05:42:42 pm »

   
Sau khúc hát ru





       Mạnh từ chiến trường trở về sau tám năm xa Hà Nội. Anh tìm đến Hưng, người bạn học cùng với anh trong những ngày ở đại học. Hai người xa nhau lâu đến thế mà khi cửa vừa mở ra Hưng đã nhảy phắt từ trên giường ra tới cửa, hét lên "Mạnh!", rồi ôm chầm lấy anh.

   Tám năm ở chiến trường, Mạnh  luôn nghĩ đến giây phút này sau mỗi lần kỷ niệm của hai đứa dào lên trong ký ức. Thế mà bây giờ Mạnh vẫn bị xúc động, đôi mắt màu nâu của anh bối dối trên gương mặt tái xanh vì sột rét:

   - Cậu phải ở với tớ cho đến giờ phép cuói cùng, hiểu chưa? - Vừa nói, Hưng vừa túm ba-lô của Mạnh vứt xuống giường, rồi chưa tin hẳn là Mạnh đang đứng trước mặt mình, Hưng lại ôm quàng lấy Mạnh một lần nữa làm cho khuôn mặt tái xanh của Mạnh phút giây ửng đỏ lên..

   Từ chiến trường về, Mạnh đã mất gần mười ngày phép để chuyển thư từ, quà cáp đến tận một số nhà bạn bè của anh mà do công việc họ chưa về thăm nhà được. Còn lại hai ngày anh nghỉ phải để dành cho Hưng- người bạn anh quý nhất trong những ngày học với nhau ở trường. lẽ nữa là bố Hưng, người công nhân già của một  nhà máy in trong quân đội đã thực sự coi anh  như con sau lần gia đình anh bị bom ở quê.

   - Chỉ sợ cậu không kham nổi tớ trong hai ngày thôi.

   Nghe cái từ quen thuộc rất riêng của bạn, Hưng reo lên thích thú:

   - Kham nổi, mấy cũng kham nổi... Ồ! Mà tại sao chỉ có hai ngày? Hưng sựng lại nhìn Mạnh.

   - Là vì...

   Mạnh lúng túng chưa biết nói thế nào thì Hưng đã nói ào đi:

   - Đừng có mà lôi thôi, ông tướng! Chốc nữa bố về tha hồ mà "là vì" với ông cụ.

   Trong phút gặp lại như thế này, " cánh đàn ông" như anh thường không hay nói nhiều. Và nếu có một cử chỉ nào đấy để biểu lộ tình cảm của mình thì lại quá vụng về. Vì thế mặc dầu Hưng cứ nao người lên mà cuối cùng anh chỉ ấn vào tay Mạnh nào chậu thau, nào xà phòng, khăn tắm...và đẩy cậu ta vào buồng tắm phía cuối sân.

   Trên nhà, Hưng cứ đi lại quanh quất cố nghĩ cách xoay thêm một cái vé văn công để tối nay Mạnh cùng xem. Cuối cùng cái ý nghĩ cần thiết cũng loé vụt ra, anh gọi với vào buồng tắm, bảo Mạnh: "Tắm xong ở nhà không có đi đâu nhé, ông tướng!" . Rồi anh túm lấy xe đạp dắt ra đường, nhảy phóc lên phóng vút đi.

   - Những năm ở chiến trường cậu không được xem văn công lần nào à? Hưng hỏi.

   - Không.

   - Thảo nào, từ tối qua đến giờ cậu như người mất hồn ấy! Phải công nhận hay tuyệt!
   - Cái gì hay tuyệt?

   - Cái mục " Đừng tặng hoa riêng em" của cô bộ đội lái xe với cánh lính trẻ ấy!

   - Ờ...

   - À, mà tại sao khi cô ta hiện ra sân khấu cậu lại nắm chặt tay tớ thế? - Và không thèm nghe Mạnh trả lời. Hưng nói say sưa - Cô gái hát tuyệt diệu, cứ  như hút lấy mọi người. Mạnh này, cậu có nghĩ thế không?

   Mãi lâu không nghe bạn nói tiếp, mạnh quay lại. Bao năm rồi đôi mắt nó vẫn cứ mơ mộng như thế! Trước đây mỗi lần thế Mạnh chỉ lặng người đi như muốn hiểu thấu cái khoảng tầm mà sức nhìn của đôi mắt ấy gợi mở. Gì đây anh cũng đã hiểu nhưng vẫn hỏi:

   - Nghĩ như thế là thế nào?

   - Là tất cả phông màn, sân khấu dường như không đủ sức chứa nổi tiếng hát ấy.

Mạnh cười vang. "Sự cực đoan của trí tưởng tượng" -biệt hiệu anh tặng cho bạn không ngờ Hưng lại giữ nó lâu đến thế.

   - Cậu biết không, cái lèn đá mà cô gái hát trong bài hát hiện ra với tớ lung linh và sinh động hơn cái phông người ta dựg lên đấy nhằm để gợi.

   - Ở Trường Sơn cũng có một cô gái hát được như thế.

   - Ai?

   - Một cô văn công.

   - Tất nhiên rồi nhưng tên cô ta?

   - Cô ta có rất nhiều tên. Toàn do lính đặt.

   - Nhưng chắc chắn không thể hơn được - Hưng nói quả quyết.

   Mạnh mỉm cười rồi như muốn nói với Hưng một điều gì đấy. Nhưng chưa kịp nói thì Hưng đã hất hàm, bảo:

   - Cái vé của cậu tối qua chính là cô ấy cho đấy!

   - Sao?- Mạnh nhỏm dậy, quay phắt sang Hưng, hỏi:

   - Cậu làm gì như đỉa phải vôi thế?

   Rồi Hưng cười xoà và nghĩ rằng mấy năm vào lửa ra lửa thế mà tính nhát gái của Mạnh vẫn chưa dạn ra.

   - Ồ...Mình muốn hỏi sao lại vẫn là cô ta?

   - Cô ta là bạn tớ.Sáng qua cô ấy đã đưa vé mời tớ. Đùng một cái, cậu về. Thế là lúc cậu tắm, tớ phải đến cô ấy. Tưởng là không được vì là sắp tới giờ biểu diễn không thể xoay kịp. Tớ nói là tớ có một thằng bạn thân ở chiến trường mới về rất yêu nghệ thuật. Không hiểu vì cậu là người ở chiến trường ra hay vì cậu là người yêu nghệ thuật mà nghe thế cô gái liềnđến nằn nì với một anh trong đoàn. Chẳng biết cô ta nói những gì mà anh ta đồng ý đổi chiếc vé độc thân của tớ trao hai cái vé liền ghế cho cô ta.

   - Cô ta... là bạn cậu từ bao giờ thế?

   - Những năm sơ tán cơ quan tớ ở gần đoàn văn công ấy.

   - Ra thế!

   - Cô bạn sắp đến mà điện lại mất. Thế có bực mình không chứ!

   Hưng lại bật công tắc một lần nữa. Vẫn vô hiệu.

   Mạnh bật khỏi giường  như lò xo. Những cơn sốt ban chiều làm anh kiệt sức. Chân tay rời nhão ra, đau  nhừ. Anh nằm vật xuống.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tư, 2008, 05:51:57 pm gửi bởi chichbong » Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2008, 05:45:38 pm »

   Có tiếng gõ cửa. Hưng chạy ra. Mạnh vội kéo tấm chăn chùm kín đầu.

   - Cậu ấy đã cắt sốt nhưng chưa dậy được.

   - Có thuốc cho anh ấy chưa?

   Giọng nói nghe thoảng như thường nghe ở các bệnh viện. Rồi Mạnh nghe bước chân đến gần anh. Anh giữ chặt đầu mép chăn bít láy đầu. Mồ hôi vã mèm ra trán nhưng cũng không sao ngăn được cậu Hưng đã kéo tấm chăn xuống, nói với cô gái:

   - Bạn nối khố mình đấy!

   Cô gái nhìn Mạnh rất nhanh. Nhưng cũng đủ để cái điều làm Mạnh băn khoăn suốt từ tối qua tới giờ không còn nữa: Anh không còn  sợ mình bị nhầm. Bao năm rồi anh vẫn không thể nào quên được đôi mắt lúc nào cũng cười trên khuôn mặt thanhh tú ấy.

   Hưng đặt chiếc ghế đẩu mời cô gái ngồi rồi anh ngòi xuống giường với Mạnh. Chiếc đèn hoa kỳ lù mù đặt ở bàn chỉ đủ hặt một vầng sáng vàng nhạt về một bên người con gái.

   - Anh đã đỡ chưa?- Cô gái hỏi Mạnh.

   - Người lính chúng tôi cắt cơn sốt là khoẻ ngay thôi - Mạnh cố gượng dậy.

   - Anh ngỡ tôi không biết sốt rét là gì sao?

   - Sốt định kỳ như người vay nợ đến hạn phải trả ấy mà!

   Và như muốn chứng thực điều mình nói là đúng nên Mạnh đã ngồi ngay dậy. Hưng chồm tới đỡ lấy Mạnh, bắt anh nằm trở lại.

   - Cho mình được tiếp khách nữa chứ! Rồi Mạnh nói với cô gái - Cậu ấy còn khắt khe hơn ông thầy thuốc khó tính.

   Sau khi xếp chăn gối cho Mạnh tựa và gối đầu lên thành giường để có thể nói chuyện được, Hưng đi pha trà.

   - Anh ở chiến trường nào?

   - Tôi ở Trường Sơn.

   Cô gái bưng miệng cười:

   - Anh làm như cả Trường Sơn chỉ có một chiến trường. Đồng chí xem thường nhau quá!

   - Đâu ạ.

   - Cậu ấy ở tít đỉnh Trường Sơn. Ông tướng là kỹ sư hữu tuyến- Hưng vứa rót nước mời mọi người.

   - Vậy đơn vị anh có phải K.87 không? Cô gái hỏi hấp tấp rồi chăm chăm nhìn Mạnh.

   Cổ họng Mạnh như đắng lại. Anh nhìn thẳng vào cô gái. Và...trog khoảng tranh tối tranh sáng của căn phòng này. Mạnh biết cô gái đã không nhận ra anh. Anh chậm rãi nói:

   - Cậu ấy nói vui đấy! Đơn vị tôi ở trường Sơn nhưng dưới chân núi.

   - Thế mà tôi cứ tưởng anh ở trên ấy thì thích quá. Cách đây bốn năm, tôi đã đến đấy phục vụ. Bây giờ không biết anh em ở đấy còn nữa không?

   - Chị vào tận nơi ấy thì giỏi thật! - Lúc này Mạnh đã hoàn toàn trở lại bình tĩnh.

   - Không dễ đâu. Lúc đầu các anh trong đoàn nhất định không cho đi. Sợ leo núi không nổi. Lo tôi vào bãi "toạ độ sốt rét" ấy thế nào cũng bắt anh em võng ra.

   - Các bố lo "thân gái dặm trường"mà lại - Hưng nói cắt ngang.

   - Nghe vậy tôi hơi băn khoăn. Tôi không sợ vất vả. Nhưng chỉ lo nhỡ ra sốt rét ác tính, tôi nghe nói những người chưa sốt rét bao giờ cũng dễ bị ác tính, phiền anh em phải cáng ra thì tội quá. Nhưng rồi tôi quyết định đi vì nghĩ những người đang sống nơi heo hút đó đang mong chờ chúng tôi. Và tôi đã đi đến nơi. Điều ấy làm cho cả đoàn bị bất ngờ. Còn tôi sau lần ấy tôic ó một kết luận nhỏ: bất kỳ trong việc gì cứ làm quá sức mình đi một tí sẽ thích hơn và có khi chính đấy còn là niềm hạnh phúc không ngờ.

   - Kết luận thú vị nhỉ? - Hưng vừa cười vừa nhìn cô gái.

   Cô gái bỗng bối rối khi biết rằng, mọi người dường như không tin điều cô vừa nói. Cô quay sang phía Mạnh:

   - Thật đấy! với tôi quả thật là như thế.

   - Tôi có một anh bạn nghĩ hệt như chị.

   Cô gái nhìn Mạnh cười biết ơn.

   - Chị là diễn viên đã lâu chưa? - Mạnh hỏi đột ngột.

   - Tám năm. Nhưng với tôi, có lẽ thực sự của công việc chỉ có cách đây bốn năm, sau chuyến đi công tác đầu tiên của tôi ở chiến trường - Cô gái nói thêm.

    - Tại sao?

   Cô gái mỉm cười:

   - Cõ lẽ tôi phải dẫn giải dài dòng để chính hai anh kết luận hộ vậy.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tư, 2008, 05:50:32 pm gửi bởi chichbong » Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
chichbong
Thành viên
*
Bài viết: 146



« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2008, 05:48:40 pm »

Đấy là lần đầu tiên đoàn chúng tôi đi pục  vụ chiến trường - Khi cô gái bắt đầu kể. Mạnh đã ngồi hẳn dậy. Anh tựa lưng vào thành giường. " Xưa nay hắn vẫn là thằng say chuyện". Hưng nghĩ vừa đăt vào tay Mạnh cốc nước chanh nóng và bắt anh uống.

   Vì đang chiến đấu ác liệt, nên đoàn chúng phải phân tán đi phục vụ lẻ các đơn vị. Tôi cùng mấy đồng chí nam đi theo một đơn vị thông tin. Anh em ở rải rác suốt dọc Trường Sơn. Đơn vị ở sâu nhất từ đông sang tây là k.87. Gần trưa chúng tôi đến nhà kho của đơn vị thì trời đổ mưa. Mưa núi hạt to như đồng xu đổ xuống cứ như đóng dấu lên mặt đất xốp. Bầu trời phút chốc như cái vung úp sụp lên đầu tôi. Mí mắt như có ai kéo trì xuống. Chân tay rã rời. Người ngai ngái bần thần như vừa muốn làm một cái gì như vừa không muốn làm gì hết. Anh em biết tôi sắp sốt quyết định tôi ở lại.

   Hai đồng chí được K.87 cử đón đã chờ chúng tôi từ đêm qua, nhìn tôi phân vân. Các anh cho biết vào đến đấy còn phải đi già nửa buổi đường. Lắm dôc. Đi theo đường giao liên khá vất vả. Một trong hai đồng chí đưa cho tôi một cốc nước đừng và hai viên thuốc sốt. Đấy là một thanh niên khoảng hai mươi lăm tuỏi. Trên gương mặt mai mái vì sốt nhiều là đôi mắt trầm tĩnh. Cái ánh nâu trong đôi mắt ấy như hai ngọn lửa mà bất kỳ ai nhìn vào đấy cũng thấy một cái gì đầm ấm. Và có lẽ chính vì thế mà tôi buột miệng hỏi anh:

   - Liêu tôi có đi nổi không anh?

   Anh nhìn tôi. cái nhìn như muốn đo sức vóc của tôi đi đến một lời quyết định. Và khi tôi biết mình bé nhỏ chỉ đứng tới vai anh ta thì tôi đã cầm chắc câu trả lời của anh. Mặt tôi xìu đi.

   - Với chúng tôi thì những ngày sốt, chúng tôi vẫn gùi hàng trên đường.

   Tôi ngước nhanh, nhìn anh. Hai ngọn lửa đã biến thành hai giot sáng vời vợi trên màu mắt trong veo của anh. Thế là một quyết định mãnh lịêt đến với tôi từ câu ấy. Tôi bỏ hết các thứ lại, chỉ mang theo bộ quần áo với một tấm dù mỏng để đi cho nhẹ.

   - Chị cứ để  nguyên cả ba-lô, tôi mang hộ! -Anh ta nói.

   - Nặng lắm. Không thể mang nổi đâu! - Tôi nhìn chiếc ba-lô với trăm thứ bà rằn của con gái mà ngao ngán.

   - Chị cứ để chúng tôi mang hết, không nhỡ vào trong kia thiếu thứ gì chúng tôi chẳng ai tương trợ chị đâu.

   Tiếng cười toả ra và chúng tôi lên đường. Đi hết mấy độ dốc trời tạnh hẳn mưa. Tôi dừng lại cởi tấm ni-lông và buồn cười là mặt ngoài của nó thì khô mà mặt trong lại nhơm nhớp ướt.

   - Chị tháo nhièu mồ hôi thế may ra sẽ không sốt- Đồng chí đưa đường bảo thế, rồi anh nói thêm- Chị kiếm chố thay quần áo đi không nó ngấm nước vào, lạnh, dễ ốm.

   Ngày xưa mẹ tôi chẳng bao giờ bảo nổi tôi một điều gì về những chuyện như thế. Thậm chí có hôm mùa đông, tôi gội đầu xong, đầu sũng nước, mẹ tôi lấy khăn bông lau, tôi không nghe và sau đó cảm một trận suýt chết nhưng cái tính khí ấy đâu vẫn hoàn đấy. Còn lúc ấy không hiểu sao tôi đã làm theo lời anh ấy ngoan ngoãn như một đứa trẻ.

   Quá trưa, chúng tôi tới một con suối thì gặp một đoàn bộ đội gùi hàng đang nghỉ bên bờ.   Thấy tôi, mọi tiếng cười lập tức bặt lại và sau đấy là những cặp mắt chiếu xoáy. Người ta nói "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Còn với tôi, trong phút giây này thì "Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là lính". Có trời mà biết được họ sẽ 'tặng" mình những lời bình phẩm gì đây.

   - Ai...qua suối cõng thuê đ.. â...y...!
   
   Tiếng cười rào lên như mưa đá. Nghe giọng bắt chước y hệt những người rao mua lông gà lông vịt, tôi biết chắc anh lính ấy là người Hà Nội nên tôi dạn hẳn ra.

   - Đồng chí đồng hương ơi! - Tôi gọi.

   - Đồng khói thôi.

   Trận cười lại rào lên. Tôi có cảm giác trận cười ấy dội xuống người tôi. Trong lúc chưa biết tìm đâu ra đất để chui thì một đoàn dồng bào Pakô, Vân Kiều đi đến. Họ cũng gùi hàng chiến dịch. Họ cười, nói nhìn tôi:

   - "Con mun o lư hung!" (Con gái đẹp hung!). Nhìn nét mặt hiền từ xởi lởi của họ tôi đã nắm chặt tay từng người lắc mạnh. Một thanh niên cầm chặt tay tôi, anh vừa lắc, vừa nói: "Bộ đội o lư hung!". Tất cả cười ồ lên. Tôi bối rối vì xấu hổ, cầu cứu cả đoàn. Tôi  nhìn người chiến sĩ đưa đường. Trong đoàn anh là người duy nhất hiểu tiếng Vân Kiều nhưng anh chẳng chịu nói cho tôi hay mà chỉ tủm tỉm. Thấy tôi càng bối rối, đồng bào càng siết chặt tay tôi. Mọi người tính đến chuyện qua suối. Mưa rừng suối lũ rất nhanh. Nhìn những  người lội ra giữa dòng, nước ngập quá cổ, anh em trong đoàn nhìn tôi. "Biết mà, dính vào các bà lắm cái lôi thôi". Tôi như đọc được câu đầu cửa miệng ấy trong mắt mọi người. Và tôi lội ào xuống suối. Anh chiến sĩ đi đường bỗng nắm tay tôi kéo lại và nhoáng một cái, anh đã nhấc bổng tôi lên. Mọi người chuyền tôi như chuyền một quả bóng qua suối.

   Chuyền một quả bóng qua suối cõ lẽ không có gì phải nghĩ. Chuyền một đứa trẻ qua suối có lẽ không có gì phải phân vân. Nhưng chuyền một người con gái thì không đơn giản. Tôi cảm  nhận điều ấy trên mỗi cánh tay của mỗi chiến sĩ. Bởi thế khi đặy chân xuống bờ bên kia tôi đứng lặng đi: với tôi mọi lời nói dường như không còn đủ nghĩa.

   Chúng tôi chia tay với bộ đội và đồng bào. Anh thanh niên Vân Kiều tặng tôi chiếc gậy hèo rất đẹp của anh, nói: "Bộ đội o lư đi mạnh giỏi hây!". Mấy chị phụ nữ bỏ cả tẩu ra , cười với tôi.
Logged

Đời người như một giấc mơ
Nằm mơ thì thấy dậy sờ thì không!!!
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2008, 09:53:42 pm »

GIẾNG TRONG

Chỉ còn chừng cây số nữa là hết cánh đồng. Quân lính anh nào cũng khát. Nước trữ trong bi đông vắt giọt đến mấy bận, khô cong. Dẫu Tào Tháo ở đây cũng khó mà động viên nổi binh sĩ. Vinh cho trung đội dừng lại, bảo: “Xóm làng kia rồi. Nhưng liên lạc tiền trạm chưa báo. Địch ta khó biết. Cứ đi. Chỉ được qua. Cấm dừng. Khát ráng chịu, còn hơn tất cả phải ăn đòn”.

Truyện ngắn . LÊ TẤN HIỂN

Cánh đồng Chó Ngáp – nghĩa là cánh đồng dài, rộng quá, đi hết, đến chó cũng phải ngáp. Có thể, những đoàn quân đầu tiên đi qua đây đã đặt tên như thế. Dẫu có hơi quá quắt, nhưng quả thật, lính mình không ngoa. Giữa chiến trường, cái quá quắt cuả ngôn từ lại có gì như dễ thương, thậm chí, cần thiết nữa.
Đơn vị tôi đang hành quân qua cánh đồng mang cái tên khôi hài dữ tợn này.
Đêm ấy không trăng. Nhưng trời đầy sao. Chúng tôi đã thấm mệt. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, thấm sang cả ba lô, rồi lại khô. Cứ thế đến mấy lần, mà vẫn chưa đi hết cánh đồng. Tiểu đội hậu cần, vốn đã lủng củng nồi xoong, lại dắt thêm con cầy tơ - đổi được của đồng bào dân tộc, nghe đâu bằng một cái chăn chiên. Biết lính trung đội mê món “mộc tồn”, mấy cậu anh nuôi cố giữ, định đến vị trí tập kết làm bữa khao quân trước khi vào trận mới. Nhưng chưa hết nửa cánh đồng, con chó đã nằm rịt, không chịu đi, tròng dây kéo cũng không nổi. Đành để cu cậu nằm lại. Tội nghiệp. Nó chưa ngáp, nhưng chắc gì sống nổi giữa đồng đất bao la nà. Mấy thằng tích giữ củ riềng trong túi cóc chép miệng tiếc. Có ai đó lên tiếng: “Dào, nó chưa chết là may. Ngay tao cũng sắp... ngáp đến nơi rồi. Khát khô cổ...”
Người vừa nói là Vinh. Vinh “ba toác". Nó là thằng đa ngôn bạo mồm nhất đại đội. Thằng ruột ngựa, nhiều khi đến sống sượng. Nhưng chẳng một ai giận được nó bao giờ, mặc dù nhiều khi phát chối, phát ngượng vì nó.
Không giận nổi, vì nó luôn nói đúng. Hồi còn ở pháo, thời huấn luyện, có đoàn kiểm tra của “sư” xuống thăm. Vinh đang “đóng vai trực chiến”. Thấy không mang mũ sắt trên mâm pháo, một ông trợ lý hỏi: “Sao không đội?”, nó tỉnh bơ: “Dạ trực vờ, đội làm gì. đánh nhau thật, khỏi nhắc. Mới lại, cơm đã ít, nặng đầu chỉ chóng đói...”. Mấy đứa cùng khẩu đội tức lắm, mà không nhịn được phải quay đi, cười. Vậy mà nó được việc. Ngay hôm sau đoàn về, thấy cơm nhiều hơn. Không ai nói ra, nhưng biết đấy do công thằng “ba toác”.
Một lần khác, hồi còn trên đất Bắc, đơn vị chuẩn bị ăn tết. Có mấy thằng lính nhớ nhà không chịu nổi, trốn ra đường cái, vẫy xe “vù. Ú ớ thế nào vớ ngay phải xe trung đoàn bộ. Thế là cả tốp bị mời về. Hôm sau hội bỏ ngũ phải lên đọc kiểm điểm trước đại hội. ông chính uỷ dự nghe, bảo: “Khuyết điểm rõ rồi. Còn tự nhận kỷ luật, chưa thấy ai nói...”.
Bỗng từ dưới hàng quân, một người bước lên, giậm gót, đứng nghiêm chào. Thì ra là Vinh. Nó dõng dạc: “Tôi xin bảo lãnh và cam đoan với danh dự chiến sĩ, đây sẽ là lầm lỗi cuối cùng của chúng tôi trước lúc ra trận!”. Chính ủy nhíu mày, nhưng xúc động nhiều hơn là ngạc nhiên: “Đồng chí nhân danh gì?” – “Dạ, đồng hương” – Vinh đáp gọn lỏn. Kết quả thật không ngờ. Mấy tay trốn hụt được về hàng. Kỷ luật cũng được xí xóa. Ông chính ủy thay vì “lên lớp” nán lại hàng giờ với đại đội, kể chuyện kỷ niệm thời tân binh...
Từ đó, Vinh “ba toác” trở thành niềm tin cậy và chỗ dựa của lính tráng đại đội. Bất kể đầu bò đầu bướu đến đâu, hễ Vinh đã nói một tiếng là răm rắp.
Trước ngày vào B, Vinh được đề bạt A trưởng. Rời đất Bắc, nó được phong trung đội phó. Hành quân được hai trạm, tay trung đội trưởng “khung” lăn ra sốt rét, phải nằm lại. Thế là “ba toác” được chỉ định nắm quyền. Lên cán bộ, nhưng mồm miệng nó vẫn thế, có khi còn bỗ bã hơn. Được cái nó làm ra trò, từ chỉ huy, quản lý, phân công, cách đánh, cách lui... một mình nó một kiểu. Nhưng trận nào cũng thắng. Lính các trung đội khác, trông sang mà thèm.
Chỉ còn chừng cây số nữa là hết cánh đồng. Quân lính anh nào cũng khát. Nước trữ trong bi đông vắt giọt đến mấy bận, khô cong. Dẫu Tào Tháo ở đây cũng khó mà động viên nổi binh sĩ. Vinh cho trung đội dừng lại, bảo: “Xóm làng kia rồi. Nhưng liên lạc tiền trạm chưa báo. Địch ta khó biết. Cứ đi. Chỉ được qua. Cấm dừng. Khát ráng chịu, còn hơn tất cả phải ăn đòn”.
Đến khi qua cái làng ấy, nghe tin đơn vị khác mấy thằng suýt chết vì uống phải nước giếng có thuốc độc. Cả trung đội lè lưỡi. Thoát nạn. Chúng nó xúm nhau vào tung Vinh lên, reo hò, khâm phục.
Nhưng vẫn không có nước. Lại suốt một ngày nhai lương khô thay cơm, bụng dạ ráo như bánh đa. Đến mồ hôi cũng không còn mà ra nổi. Ai cũng biết, nhịn ăn một ngày, còn dễ. Chứ nhịn uống, khó lắm... Vinh vừa đi ngược hàng quân, vừa nói: “Thằng nào có tiếu lâm, kể đi. Giời bể, đông tây, yêu đương, ma quái gì cũng được. Hay thằng nào có giọng, thì hát, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh, cho phép tất. Cố lên vài chặng nữa. Cây cỏ sống được thì mình sống được. Lính chưa gặp đạn bom, muốn chết cũng khó...”
Tang tảng sáng. May thay, có liên lạc của C báo: “Vùng an toàn. Cho quân nghỉ nấu cơm. Nhắc các đơn vị tuyệt đối chấp hành chính sách dân vận!”. Vinh nghe xong, cười ha hả. Đợi cậu liên lạc đi khuất, bảo: “Lại có “chất tươi” rồi. Nghe đây, thằng nào thằng nấy cất kỹ “chim đi”! Đứa nào để sổng, để bay, cứ đúng luật thời chiến mà xử: Chặt!”.

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM