Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:46:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức của các bác otosg  (Đọc 87064 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 12:55:49 pm »

"...đêm mình vào Snoul lành lạnh ánh trăng rừng
thành phố ngủ giữa ngàn hoa tranh lau trắng
trắng như màu khăn tang..."

Sau trận "tao ngộ chiến" (thuật ngữ quân sự để chỉ một trận đấnh mà hai bên chạm mặt trên đường hành quân, ngoài kế hoạch, choảng luôn) thì đội tiên phong được lệnh của trung đoàn phía sau là tạm dừng tại chổ, chờ đại quân lên để cùng tiến đánh vào Snoul trong ngày hôm đó luôn vì ý đồ chiến dịch đã bị lộ.
Chúng tôi chỉ kịp thu lượm các thứ vương rải trong lúc đánh nhau, ổn định đội hình đề phòng địch phản kích chứ không kịp nấu nướng gì...dù trời đã xế chiều. Chừng nửa tiếng sau thì đại quân cũng đến và toàn đội hình trung đoàn khẩn trương thẳng tiến về Snoul...
Như phần mở đầu ở bài trước tui đã viết "đánh Snoul gặp kế không thành " ...có lẽ đây là kế độc của các cố vấn thiên triều (lúc đó có rất nhiều trong bộ máy của K'mer Đỏ). Ở vùng ven ranh hướng Lộc Ninh sang thì có một số cuộc đụng độ lẻ tẻ của quân cánh F5, D Gò Dầu, E55...thế nhưng khi hai mủi chính quân ta từ Lộc Ninh và từ Mimot tiến vào Snoul lúc 6 giờ chiều thì chẳng có ma nào trong cái thành phố hoang tàn đổ nát và ảm đạm rêu phong nầy. Thế nhưng chừng một tiếng đồng hồ sau, khi chúng tôi vừa ổn định chổ đóng quân trong một khu nhà bỏ hoang, vừa quét tước cho sạch bụi xong, chuẩn bị nghỉ ngơi, cơm nước sau một ngày gian lao nguy hiểm thì...Tin từ tình báo quân khu cho biết là bên K sau khi bỏ cho quân ta vào chiếm thành phố thì đã bố trí một số trận địa pháo với cơ số đạn khoảng 8000 quả chuẩn bị san bằng Snoul với toàn bộ gần một sư đoàn quân ta trong đó. Nếu nhớ lại "mùa hè đỏ lửa 1972" , thị xã An Lộc của tỉnh Bình Long (có diện tích tương đối lớn hơn Snoul), theo tin báo chí SG lúc ấy, thì vào ngày cao điểm, An Lộc đã bị pháo kích 6000 quả đại pháo 130 mm của quân Giải Phóng. Sau đó thì An Lộc chỉ còn là một đống gạch vụn....thì các bạn biết thần kinh của quân ta lúc đó từ cấp chỉ huy mặt trận đến các chiến sĩ nó như thế nào
Thế là dù mệt mõi rả rời, dù cả ngày trong bụng chẳng có hột cơm nào (chỉ uống nước và chút lương khô) cả đội hình cũng phải rùng rùng cuốn gói, ba chân bốn cẳng, xe tăng chạy trước mở đường để phòng phục kích, bộ binh theo sau, thậm chí gặp đường trống còn chạy nhanh hơn cả xe tank, mục đích là phải ra khỏi trung tâm thành phố ít nhất 3 km trong vòng 15 phút.
Đêm đó chúng tôi phải ngủ trong rừng cao su. Pháo không thấy bắn (có lẽ trinh sát/quân báo của K biết bên mình đã chuyển quân nên thôi không bắn như độc kế nữa) nhưng lại gặp một địch thủ khác với đòn tập kích không kém phần tai hại....đó là lủ muổi rừng. Đây là loại muổi có màu vàng, nhiều vô kể và không biết sợ là gì. Cứ nhằm những phần da thịt của ta lộ ra ngoài là xông vào...Để giử bí mật đội hình, mọi người không dám đập mà chỉ cần đưa tay vuốt thì cũng giết được hàng đàn muổi,,,ngứa kinh khủng...sau nầy hầu như toàn bộ đơn vị tôi đều bị sốt rét, chỉ riêng tôi không hiểu sao lại không bị sốt rét mà lại bị....ghẻ ngứa...các nốt ngứa do muổi cắn đó không viêm nhiểm nặng, không lan rộng thế nhưng nó cứ âm ỉ tồn tại và ngứa...ngứa...ngứa....ngứa.... suốt cả năm trời, ban ngày còn đỡ, tối càng ngứa dữ tợn, không tài nào ngủ được, không thuốc nào trị được...Cho đến năm 1978 khi về dự khoá huấn luyện các bài học trinh sát đặc công ở khu vực Linh Xuân - Thủ Đức. Đơn vị đóng quân ở đình Linh Xuân (phía sau chợ Linh Xuân) Tình cờ khi tắm ở một cái giếng mội (giếng có mạch nước tràn ở trên mặt đất, người ta xây bao cho sạch rồi mọi người xung quanh cứ ra đó gánh nước về xài) gần đình thì tối hôm đó tôi bổng thấy sao cái cảm giác ngứa giảm hẳn, hôm sau tình hình càng khá hơn...tôi bèn đem cả quần áo chăn màn ra giặt luôn và một tuần sau thì bệnh khỏi hẳn. Ơn trời.
Trở lại với Snoul, sau cú đó, BCH chiến dịch đã quyết định bố trí đội hình ở ngoại vi chứ không đóng trong thành phố nữa. Với hai bên, Snoul bấy giờ là một đấu trường sinh tử địa, một miếng mồi nhử cho cuộc thư hùng (vừa đấu trí vừa đấu sức) của hai bên trong suốt gần 10 ngày sau đó.
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 12:56:33 pm »

Tôn Tử… ngưu giác binh… kỳ kế
Xuyên thâu bất giác… loạn binh tình

Những ngày căng thẳng nhất của chiến dịch bắt đầu bằng một chầu picnic ngon nhất rong đời tôi và có lẽ cũng là của hầu hết anh em trong trung đội trinh sát của chúng tôi…Như các bạn đã biết, ngày hôm qua chỉ có lương khô, tối đến vào Snoul, chưa kịp có gì bỏ bụng thì đã phải sơ tán tránh pháo và chịu trận suốt đêm với bầy muỗi đói…Đất lạ, chưa thông thuộc, nắm chắc địa hình, quân K chắc chắn vẫn bám đâu đó ngòai kia, cho nên tòan đơn vị được lệnh tuyệt đối đừng có mơ gì đến chuyện "nổi lửa lên em" nhé. Cái thời những năm 7x, bình thường thì ai cũng đã thường trực, cơ hữu cái cảm giác đói rồi ! Huống hồ lại là dân lính tráng đang tuổi ăn tuổi dọng như chúng tôi…nhịn cả 24 giờ, rồi vừa hành quân, vùa đánh đấm lọan xị như thế…

Và…

Sáng hôm sau, đơn vị chúng tôi được rời khu rừng cao su và hành quân đến một cái phum nằm về phía tây Snoul. Sau khi ổn định đội hình thì việc đầu tiên của tụi tui là tìm cái ăn. Thức ăn thì không thiếu, heo gà thậm chí trâu bò chạy đầy làng, dưới một đám ruộng gần bờ suối là cả một đám hoa màu gồm cải xanh, cải trắng, hành lá, rau thơm đủ lọai…Thế nhưng cái quan trọng nhất là gạo thì…cả trung đội gom lại thì chẳng thằng nào còn giữ được cài ruột tượng gạo nào cả. Tối hôm qua lúc chạy pháo, phần vì gấp gáp, lười muốn cho nhẹ, phần vì dân trinh sát thì luôn được một ưu tiên (để bù lại cho những hiểm nguy của lính tiên phuông) là không phải mang ba lô quân trang và gạo chỉ cần mang đủ trong thời gian họat động độc lập, còn khi sát nhập vào đội hình với bộ binh thì quân trang sẽ có xe cơ giới mang đến giùm (do hậu cần tiểu đòan lo) và gạo thì cứ đến hậu cần mà lãnh về....nên... Thế nhưng, do đánh nhanh quá nên sáng hôm đó đòan xe của lực lượng hậu cần ở Mimot vẫn chưa lên kịp….thế là…
Có thịt gà kho hành lá : Lấy nồi lớn, thịt gà chặt thành từng cục, kho chín. Hành lá nhổ nguyên cụm, tước rửa sạnh rồi tọng cả vào nồi thịt gà kho…tiêu xanh hái trên dàn xuống đập dập bỏ vào…thơm nứt mủi…mà các bạn phải biết rằng thì là cái giống gà K, nó giống như con gà rừng (bạn nào chưa biết gà rừng thì cứ tưởng tượng đến con gà tre) nhưng to hơn một chút, thịt cứng hơn gà ta nhưng chắc và rất ngọt, ngọt ác chiến….
Có rau: Lấy mấy tàu lá chuối rửa sạch trãi trên mặt đất làm mâm đĩa, các lọai rau cải chất đống lên, ngòai ra còn một mớ lá xòai non nữa…tươi chong, hấp dẫn, đẳng cấp đến độ là nếu mà cái mâm rau bánh canh giò heo NĂM DUNG ở Trảng Bàng mà có dịp hân hạnh diện kiến thì cũng phải gọi cái "Miên rau đại yến" của tụi tui ngày đó bằng "ông cố tổ đại gia gia" !
Mà không có cơm ! mà không có có cơm thì còn trời đất gì nữa với đòan "Đại Việt Quốc Tế Nghĩa Vụ Quân" nầy nữa !
Nổi khùng, tôi đã làm một chuyện mà thú thật các bạn, bây giờ…sau khi đã nam bắc đông tây, đã đời làm bao nhiêu chuyện, bằng khen, huy chương nội ngọai cũng có đủ và khi mái đầu đã phai bạc ở tuổi "tri thiên mệnh" thì tự trong lòng mình, tôi vẫn luôn đắc chí mà chân thành tự nhận xét rằng đó là cái thành tích đáng kể nhất của đời mình, so với chuyện nầy, tất cả các thành tích khác chỉ là chiếc giày rách mà thôi…
Mất khôn vì đói, vì có thức ăn mà chẳng có cơm, vì có "tửu" mà không có "sắc" (như trong một vở chèo hài), tui đã đá một phát vào cái ống đựng đạn pháo 155 ly (đây là một cái ống bằng thép rổng để chứa viên đạn pháo 155 ly của US Army. Đường kính chừng 200 ly, dài 0,8 mét) mà người chủ nhà đã dùng chừng một chục cái đóng xuống đất xung quanh cái nhà sàn, vừa để ngăn trâu bò, vừa có thể dùng làm cái ghế ngồi chơi trước nhà. Chân đá vào thép thì dĩ nhiên là chân đau, càng khùng hơn, nhưng rút kinh nghiệm, tui phang tiếp một chưởng nữa vào cái ống thép mất dạy cứng đầu, nhưng lần nầy là bằng cái báng súng AK…hai thứ cứng chạm nhau mà sao tiếng kêu nghe trầm đục, không thanh thót hoặc chói tai như khi lão trực ban gỏ kẻng báo thức chút nào ? Máu Sê Lốc Cốc nổi dậy, tôi lấy chân đạp (lần nầy "đạp" chứ không "đá" – tiếng Việt ác chiến chưa. Tiếng Anh phân biệt Kich-đá với xxx-đạp như trong ngữ cảnh ra sao ta Huh to trample, to stamp thì không "đã" chút nào) cho cái ống vỏ đạn bật ngang thì…trời đất ơi, trong đó tuôn ra một dòng gạo trắng tinh…tiếp tục các ống khác cũng thế. Thì ra đây là chiêu "tiêu thổ kháng chiến " bên K. Thế là:

Có cơm, có thịt, có rau…
Trên đời hỏi có ông nào hơn ta

Như đã kể lể hòan cảnh ở trên…bữa đó, tôi đã có một bữa ăn ngon nhất trong đời.
"…Về sau và ngàn năm sau nữa
Có xực thì cũng không, bao giờ bằng hôm nay…"
(xin lổi nhạc sĩ Vũ Thành An)

Sau bữa cơm nhớ đời đó thì đến cái màn mà bất cứ chiến binh nào cũng ngán&ghét nhất nhưng nhất định, bắt buộc phải làm….đó là….đào hầm. Đất vùng nầy là đất sỏi đỏ, vốn đã cứng, mà chổ tổ tụi tui được bố trí lại là một cái gò gần một bụi tre thì lại càng khô khốc và cứng ngắc ngỏai luôn. Cố gắng lắm thì cũng đào được đến ngang bụng thì tụi tui (tui và thằng Phú – hai thằng chung một hầm) cũng quyết định tạm ngưng, mặc cho ông trung đội trưởng cằn nhằn hậm hực.
Mặt trời tháng chạp xuống nhanh, rồi màn đêm buông xuống một bóng đen mịt mùng kìn kịt. Đêm trên đất K là những đêm không một đốm lửa, không một tiếng động của con người, không thuốc lá (nhờ thế mà tui đã bỏ được thuốc lá), không đầu gió, dầu xanh gì cả…hơi thở phải thật nhẹ, trao đổi bằng thủ hiệu (ra dấu bằng tay)…kẻ nào để bên kia phát hiện mình trước thì có khả năng sẽ được ghi ơn - tưởng niệm trong ngày 27/7 hàng năm ngay.
Thằng Phú thường được tui nhường cho cái "tiện nghi" là được gác trước vì nó có tật là sau khi ngủ thì thường có tật thần hồn nát thần tính. Lúc ở Kà Tum, vì cái tật nầy mà vào một phiên gác nữa đêm, nhìn thấy bụi cây bị gió lay mà nó cứ tưởng lính K bò vào và nhanh nhẫu đỏan phang cho "tên K bụi cây" một quả lựu đạn Liên Xô. Đã vậy nó còn "quá tay", nên trái lựu đạn rơi nổ gần cái hầm cua BCH tiểu đòan – lúc đó mấy ảnh đang họp mới chết chứ. Mọi người không sao nhưng cũng một phen hú vía…và từ đó thằng Phú có biệt danh là "PHÚ TẬP KÍCH"…
Trở lại Snoul, đến chừng nửa đêm, thằng Phú bổng lay tôi…dậy và nói thầm vào tai tôi:
- P. mầy có nghe gì không Huh
Định thần, thì quả thật tôi có nghe những tiếng lốc cốc – lộc cộc khá rỏ phía ngoài tuyến bên cánh phải của hầm tụi tui.
- Chắc tụi K bò vô ! Tao độp (bắn họăc ném lựu đạn) nhe. Thằng Phú tiếp tục thì thầm.
- Khoang !
Rút kinh nghiệm lần bị chưởi kỳ trước, vả lại phía đó lại là hướng hầm của tiểu đội 1 đang án ngử (nếu tụi tui khai hỏa về phía tiếng động thì hỏa lực sẽ "cháy sườn" của đội hình A1) nên tui cản thằng Phú. Tiếng động càng dồn dập và rỏ hơn…hai thằng chưa biết quyết định thế nào thì…
Bổng có ánh chớp nhóang sáng rực rồi …Ầm ! Đùng ! Tằng...tằng…tằng…tiếng các lọai súng cá nhân và hỏa lực (B40, B41, M79, lựu đạn…) vang lên lọan cả một góc đội hình…Bên A1 khai hỏa rồi…theo như kế họach tác chiến phòng ngự thì khi đó chúng tôi có nhiệm vụ phải canh giữ mặt của mình, tránh cho A1 và BCH trung đội bị hở sườn. Tiếng súng nổ sau một hồi rộ lên thì im bặt một chút, rồi lại vẫn cái tiếng "lốc cốc lộc cộc " lạ lùng ban nãy vang lên từng chập! Lạ lùng vì ở những trận trước, khi chạm tráng ban đêm, để cướp tinh thần bên mình, lính K thường hay la "Hù…Hụ…" chứ không có gỏ mỏ như lần nầy…thế là bên A1 lại khai hỏa tiếp từng chập và tụi tui lại căng mắt chờ đến phiên mình…
Bây giờ thì một niềm hối hận chân thành nhất thế giới đang ngự trị trong lòng tui và thằng Phú cho cái tội làm biếng đào hầm lúc ban ngày…Tui có cố co người cách mấy thì cũng còn nguyên cái "thủ cấp" trồi trên mặt đất….còn thằng Phú càng thê thảm hơn vì nó vốn cao giò ( cao 1,78 mét) nên cố cách mấy thì nó cũng còn nguyên cái "bán thân bất tọai" của nó tênh hênh sẳn sàng ăn đạn nếu lính K buồn tình mà đổi ‎hứơng sang phía tụi tui…thế nhưng không hiểu sao….cái tình trạng ấy cứ lặp đi lặp lại tới sáng….và tất nhiên tụi tui cũng còn "phúc an khang".
Một trận chiến kỳ cục phải không các bạn…Chiến tranh Việt – Kh'mer Đỏ là một cuuộc chiến tranh nhà nghèo. Ban đêm không có trái (pháo) sáng, càng không có trang bị hồng ngọai hay bộ đàm cá nhân như trong phim Rambo…nên mọi sự tỏ tường…phải chờ đến khi bác mặt trời trở lại.
Và các bác biết cớ sự như thế nào không ?
Cả đêm qua A1 và cả tiểu đòan chúng tôi mất ngủ là để chiến đấu với một…..con trâu !
Số là trâu bên K cũng giống như trâu ở các vùng dân tộc ở ta. Họ không cần phải chăn dắt gì mà chỉ cần cột vào cổ con trâu đầu đàn một cái mỏ, thường cũng bằng sừng trâu, và cứ để chúng tự lang thang vào rừng kiếm ăn. Các con trâu trong đàn cứ theo tiếng mỏ con đầu đàn mà tụ bầy, không bị lạc. Khi cần tìm thì chủ trâu cũng chỉ cần lần theo tiếng mỏ. Đến chiều thì chúng tự tìm về. Chú trâu đầu đàn của Phum là một thủ lĩnh "trình độ". Chiều khi quay về đầu Phum, chắc thấy chúng tôi lạ nên nó không vào…Đến tối…vì cũng còn hơi bị *** như "bò", nên nó quên béng tụi tui và lửng thửng "tìm về gác trọ". Phúc cho anh chàng chiến binh hậu duệ của Tôn Tử (trong trận Ngưu Đao: Dùng trâu cột đao vào hai sừng, đốt bùi nhùi đuốc cột ở đuôi rồi xua vào đội hình quân địch) và cũng là "vợ hai bốn vó" (theo thuật ngữ chuyên môn của diễn đàn Otosaigon) của Tôn Tẫn là lúc vô tình xông trận, "ngưu anh hùng" lại lủi vào phía bên kia bụi tre có cái gò mối rất to trước đội hình A1, cho nên, khổ thân cho tụi tui vì mặc cho lính ta chơi đủ lọai hỏa lực sáng đêm nhưng nhờ có bụi tre gò mối đở đạn nên "Ngưu Ma Vương" bên nớ vẫn an tòan mà cầm canh gỏ mỏ…
Chuyện nầy có thật 100% đó. Các bác phải công nhận, tin tưởng thì tui mới kể tiếp hồi kế có tựa đề là:

Vu hồi kế tiền phương thọ khổn
Dĩ quân xa giải cứu mỹ nhân
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 12:57:29 pm »

Vu hồi kế tiền phương thọ khổn
Dĩ quân xa giải cứu mỹ nhân

Đã ba Ngày ở ngọai vi Snoul, vẫn là thăm dò trinh sát, tập kích pháo cối lẻ tẻ…ở vai trò một chiến sĩ, tôi chỉ có thể mường tượng về tình thế của tòan trận chiến…giờ đây, khi đưa ra những nhận định có tính tòan cục sau đây, thì thực tình đó cũng chỉ là những vỏ đóan. Nhưng thôi thiệt tình nghĩ sao nói vậy, đúng sai các bạn sẽ góp ‎‎lời cho mọi việc tường minh thêm.

Bên ta, sau khi tiến nhanh và có những thành quả chiến dịch như đẩy quân K'mer Đỏ về sâu trong đất của họ, xác định khả năng tác chiến và những đặc điểm của đối phương, chiếm lĩnh được các cứ điểm chiến thuật (Mi Mot – Tà Not – Snoul – Lăng CàBơ…) và giờ đây đang bố trí lại đội hình cho một mục tiêu xa hơn : SaLung - Kra T'chê . Theo thông tin nghe lóm của mấy anh cán bộ tham mưu thì hình như đây là một thị xã quan trọng nằm cạnh bờ sông Mekong vùng đông bắc Kampuchia tiếp giáp vùng Chup, một vùng đồn điền cao su mênh mông của Kampuchia, nơi đang có sự tập trung của những lực lượng "K'mer yêu nước kháng chiến" (tạm gọi như thế) họat động chống lại sự thống trị của Anka – Kmer Đỏ. Nếu đúng như thế thì tình thế của nhân dân Kampuchia sẽ có một thay đổi quan trọng, khi mà lực lượng nầy liên lạc và nhận được sự tương trợ của VN. Tất nhiên chuyện nầy chỉ có thể xảy ra khi quân VN tiến được đến SaLung - Kra T'chê. Còn phía K'mer Đỏ, sau khi có những bước rút lui chiến thuật, thì giờ đây, khi quân VN đã vào đủ sâu trong đất của họ, tiếp tế, yểm trợ hậu cần càng lúc càng khó khăn hơn, lực lượng đã có những tiêu hao, mệt mỏi nhất định thì…có lẽ đã đến lúc họ muốn tung đòn cho một trận thư hùng quyết định...

Chuyện xảy ra là vào lúc chừng 5 giờ sáng, ở ban chỉ huy tiền phương Exx – một trung đòan bạn trong đội hình chiến dịch lúc đó đóng ở mạng bắc Snoul. Mặc dù đã bố trí các tiểu đòan bộ binh ở ba mặt trước hai bên QL7 còn BCH và đại đội hỏa lực cối 82 mm, trọng liên 12,8 mm, và một khẩu đội pháo 155 mm của sư đòan đóng kết hợp ở một cánh rừng cao su ở phía sau…nhưng một đơn vị của K đã luồn qua các đơn vị của ta và bất ngờ tập kích vào BCH Exx. Khi địch tiến công, do không có lực lượng tác chiến đủ sức đương cự nên các xạ thủ trọng liên 12 ly 8 chỉ có thể nổ súng cầm chân địch trong vài phút, thời gian đủ để BCH rút lui (tôi có thằng bạn nối "quần tà lỏn" kế bên nhà, nó nhập ngủ NVQS năm 1976 và là xạ thủ đại liên trong trận nầy. Lúc đó, sau khi quất hết thùng đạn thì nó nhanh trí phi ngược về một khỏang trống hướng quân K và cuối cùng đến được nơi đóng quân của các tiểu đòan bộ binh phía tiền tuyến và an tòan. Thế nhưng Đại đội hỏa lực của nó sau khi tập kết về phía sau thấy mất nó…một thằng bạn bị thương được đưa về tuyến sau điều trị sau đó đã nhanh nhẩu đỏan về nhà "báo tử" với gia đình. Báo hại cô người yêu của nó đến nhà khóc hết nước mắt và ba tháng sau …đi lấy chồng…!) rồi thì trận địa bị quân K tràn ngập và chiếm lĩnh. Có 3 cô TNXP do núp dưới hầm và chậm chân nên không thóat kịp và đã bị bọn K bắt sống…
Nhận được tin dữ, nhất là khi biết còn kẹt ba cô TNXP và cả khẩu đội pháo 155 ly bị chiếm…Ban chỉ huy E GĐ đã có một quyết định táo bạo và ơn trời, diễn biến thực tế đã cho thấy đó là một quyết định "tài hoa" của chú Hai Đ. Trung Đòan Trưởng. Số là khi đón tiếp BCH Exx thóat về, nhận định lúc đó chỉ có D1 (Tiểu Đòan 1 Quyết Thắng – Tiểu đòan Anh Hùng LLVT đầu tiên của LLVT SG-GĐ) là đóng quân gần nơi mà quân ta và các "mỹ nhân" đang "thọ khổn" nhất, Chú Hai Đ. Đã điều một đại đội của D1 và cho hành quân bằng 3 quân xa GMC và chơi đẹp cho luôn chiếc Jeep Lùn (thường khi là vợ hai của chú ấy) có trang bị khẩu M60 và một xạ thủ làm hỏa lực tiên phong. Chắc quân K chưa bao giờ gặp và tưởng tượng rằng quân VN lại có cái kiểu chỏang nhau như thế nên…khi các giặc lái ta cho xe phóng hết ga vào áp sát trận địa chừng 50 mét và khẩu M60 bắt đầu quét đạn ào ào trên…đọt cao su ?!?! và bộ binh ta nhào từ trên 3 chiếc GMC xuống hô XUNG PHONG…thì lính K mới biết chuyện gì đang xảy ra và… chỉ còn nước lủi thật nhanh vào rừng giống như lúc đến. Chắc các bạn đang nóng lòng muốn biết "số phận" của các "mỹ nhân" chứ gì. Có ngay! các nàng còn nguyên, bị cột trên các nòng pháo 155 ly và đang...xỉu ! Các bạn biết không, dù được giải thoát an tòan và đưa về tuyến sau, thế nhưng nghe mấy đứa bạn bên quân y kể lại sau nầy là phải 3 ngày sau các nàng mới bớt hỏang lọan và ăn uống lại được. Tôi thật không dám tưởng tượng là nếu D1 đến chậm và trong lực lượng K có tên nào nhanh tay biết bắn pháo 155 thì cái sự thể "ngọc nát vàng tan" nó sẽ như thế nào đây ? Và đến đây chắc các bạn cũng đã thông cảm cái duyên cớ mà anh chàng xạ thủ M60 chỉ xổ đạn trên đọt cao su. Thì ra anh chàng chỉ muốn hù cho lính K hỏang hồn chứ không dám phang vào đội hình địch vì sợ phạm tội "vũ phu" vì lúc đó các mỹ nhân TNXP và 3 khẩu 155 ly đang ở giữa đội hình địch.

Chiều nay, tháng chạp ngày đưa ông táo về trời, tôi có việc về Bình Phước, bây giờ cũng là "cao su mùa lá bay"…tôi bỗng nhớ về kỷ niệm nầy và bài thơ của thi sỹ chiến binh Chính Hữu:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đõ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dậm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa.
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 12:58:10 pm »

Anh hùng tử khí hùng nào tử
Mệnh trượng phu vị quốc vong thân

Sau trận “nắn gân - tập hậu và giải vây tốc hành” ấy thì rạng sáng ngày hôm sau cuộc chiến thực sự quyết định giữa quân VN và K đã nổ ra. Chiến trường chính là một dãi đất dọc QL 7 về phía bắc Snoul, con đường dẫn đến thủ phủ Salung-Krache, có địa danh là Cát-Đai. Đó là một Phum cách Snoul chừng 4 km với những căn nhà sàn nằm xen lẫn trong những tàn cây chạy dài hai bên QL7, phía sau dãi nhà là những cánh đồng nhỏ khô cằn rồi tiếp giáp là rừng.
Những ngày đầu, vùng nầy là hướng tiến công của Exx và D Gò Dầu thế nhưng qua 5 ngày so găng và nhất là sau trận tập kích hôm trước thì rỏ ràng là lực lượng VN không đủ để có một trận chiến cân sức. Như thế, Trung Đoàn Gia Định từ mạn tây nam của Snoul đã được điều lên tăng cường cho hướng nầy.
Ngày đầu tiên chuyển sang mủi nầy thì tổ tụi tui vẫn đóng trong đội hình với BCH tiểu đoàn, thế nhưng ngày hôm sau thì mọi việc diễn biến càng lúc càng ác liệt. Hai đại đội 2 và đại đội 3 thế chổ cho D Gò Dầu đã hứng chịu một cuộc tấn công dữ dội của một trung đoàn quân K’mer đỏ. Anh Ba T. tiểu đoàn phó kiêm tham mưu trưởng tiểu đoàn được điều lên “đốc chiến” cũng phải ở lại không thể về lại BCH do đường 7 cũng bị bên K cắt đứt. Trận chiến không cân sức đã diễn ra suốt từ sáng sớm đến chiều tối. Bên mình dù quân số ít hơn nhưng nhờ có hầm và mệnh lệnh “kỷ luật chiến trường” nên vẫn còn trụ vững mặc dù cũng đã có một số thương vong…

Đến chừng 7 giờ tối thì tổ tụi tui nhận được lệnh đi cùng một tiểu đội súng cối với sự dẫn đường của trinh sát trung đoàn đi lên trận địa. Nhiệm vụ là nắm tình hình, hộ tống anh Ba T. về họp bàn chiến thuật với BCH tiểu đoàn và (tổ trinh sát tụi tui) mang nước, lương khô tiếp tế cho hai đại đội trên đó và (tiểu đội cối) tải thương binh về tuyến sau .

Triết thuyết của các tôn giáo thường dạy rằng: Ai mà trong cuộc đời có nhiều tội lổi thì khi chết sẽ bị xuống hỏa ngục…Con đường đi xuống hỏa ngục đó nếu có thì chắc chắn là sẽ giống như con đường mà đêm nay chúng tôi đang đi…Trời cuối năm, từng cơn gió se lạnh và khô thổi vuốt qua cánh đồng và những tàn lá hai bên đường và làm bùng đỏ lên những đám lửa của những căn nhà đang cháy rực. Mái, vách đã ra tro nhưng những cây cột do được chôn sâu xuống đất và thường được làm bằng gổ cứng nên vẫn đứng sửng và trong đêm đen vẫn rực lên ánh lửa đỏ than hồng. Ánh lửa, tiếng gió rít, mùi hăng nồng của khói tro, của thuốc súng…tất cả đã tạo cho thần kinh chúng tôi, những chiến binh đã qua “thử lửa”, một cảm giác vừa căng cứng, vừa như mất thăng bằng và sự tự chủ…từng bước chân như đi trong hư vô mặc dù tụi tui vẫn phải hết sức tập trung vì biết rằng quân K đang lẩn khuất đâu đó hai bên đường. Đây là đất của họ, họ rất thông thuộc đường đất, và sẽ dễ dàng làm thịt tụi tui nếu họ đủ gan và biết chọn đúng chổ phục kích…Trên mặt đường vương vãi ngổn ngang những vỏ đạn SKZ 75 (đại bác không giật của US-ARMY) và DK 82 (đại bác không giật của LX), mấy ông bạn bên tiểu đội cối vốn chỉ quen “đi sau - vác nặng”, nay phải liều mình đi vào đất địch như một khinh binh (khinh: nhẹ) nên cứ thỉnh thoảng lại đá vào mấy cái vỏ đạn và lại một phen làm cả đám hết hồn vì lo bên K phát hiện ra tụi tụi đang len lỏi qua đội hình của họ. Có những chổ tụi tui đi gần đến mức nghe rỏ cả tiếng đào hầm của lính K, tuy nhiên mấy ông anh bên trinh sát trung đoàn đã trấn an tụi tui rằng: “Đừng có lo, cứ đi thật êm, trời tối tụi K cũng không dám mò đi lung tung đâu vì nó cũng sợ mình phục kích…” Cứ thế, dù con đường hỏa ngục tưởng chừng như vô tận rồi cũng được vượt qua…Bây giờ nhớ lại, tôi mới tận ngộ rằng, vì sao trong mùa hè đỏ lửa của cuộc chiến tranh VN đã xuất hiện những cái tên ấn tượng như “Đại lộ Kinh hoàng – QL 13 Bình Long ”, “Đại lộ Hoàng Hôn – Dãy phố Buồn hiu - Quảng Trị”…Khi đến nơi, cảm nhận được nỗi vui mừng của những đồng đội khi được tiếp tế nước và lương khô qua những cái nắm chặt tay thật lòng thì bao nhiêu mệt nhọc và căng thẳng của đoạn đường máu lửa như đã được gội rửa gần hết...
Chuyến về cũng gian nan tương tự nhưng mấy ông bạn lính Cối không còn than vãn nặng nề gì nữa, bước chân hình như đều hơn, nhanh hơn vì trỉu nặng trên vai họ và vời vợi thời gian mà họ đang vượt qua sẽ là sinh mạng của những đồng đội thương binh…Chúng tôi đã đi không nghỉ và cảm thấy sao thật mau, cả bọn đã về đến BCH tiểu đoàn.

Sau buổi họp của BCH tiểu đoàn về kế hoạch ngày mai thì…tổ tụi tui đã nhận được một nhiệm vụ mà sau nầy tụi tui cứ nói đùa với nhau là như hồi “quá ngũ quan trảm lục tướng” của Ông Quan Vân Tường. Nhiệm vụ là: Hộ tống BCH tiểu đoàn “xông trận”, tức là thay vì ở tuyến sau cùng với Đại Đội 1 (C1) theo kế hoạch cũ thì BCH tiểu đoàn sẽ cùng tổ chúng tôi đêm nay bí mật đi lên tuyến trên với C2 và C3 để sẳng sàng cho trận quyết chiến ngày mai. Nghĩa là tụi tui lại một lần nữa phải trở lại con đường hỏa ngục nhưng với một trách nhiệm nặng nề hơn là phải bảo vệ an toàn BCH tiểu đoàn trên suốt con đường xuyên qua đất địch. Thế là lại mò mẩm nhưng cũng đỡ khồ hơn lần trước là vì các anh trong BCH tiểu đoàn đều là những chiến binh dạn dày kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến trước 1975 nên kỷ năng “…băng lau lách xuyên đêm…” của mấy ảnh quá ngon lành thành ra mọi việc lại êm re hơn chuyến đi lần trước…

Đêm đó…sau khi đến nơi, tổ tụi tui đã được giao một nhiệm vụ thực sự “lạnh lưng”. Ở chiến tuyến của C3, tổ chốt ở vị trí gần quân K nhất đã bị thương toàn bộ. Hầm chốt chiến đấu vẫn còn nhưng người thì không ! Lúc đến nơi, ông trung đội trưởng trung đội 1 của C3 (B1) mới dẫn tụi tui ra (lúc ấy là chừng 21 giờ đêm, trời tối như mực tàu…) và nói:
- Bên kia bụi chuối, cách chuồng trâu (lại trâu !) 10 mét là cái hầm dành cho mấy ông. Hồi chiều khi rút thương binh thì nó còn trống. Bây giờ thì không biết tụi K có chiếm nó hay chưa. Mấy ông cứ bò ra đó, phang mấy quả lựu đạn rồi chiếm lấy hầm mà thủ cho tới sáng nhé…
Từ trên trời rơi xuống, mà còn đánh “mò” theo kiểu “bịt mắt bắt dê” nầy thiệt là hết biết (thời đó chưa có từ “botay.com”), thế nhưng, trong hoàn cảnh mà sinh mạng của cả đơn vị từ cán bộ đến từng chiến sĩ đều ngàn cân treo sợi tóc nầy thì không có đất cho sự cân phân, so bì… tồn tại. Thôi thì….”…cũng liều nhắm mắt đưa chân…” (cụ Tiên Điền “độc chiêu” là ở chổ nầy: Trong hầu như bất kỳ hoàng cãnh éo le nào, ta cũng đều có thể mượn lời của cụ để thì là mà…trang trải nỗi lòng một cách đã đời cô Lựu )…thế nhưng, sự thể thì cũng không đến đỗi. Bên K có lẽ cũng “ngán càng” sau một ngày máu lửa nên khi tụi tui bò đến thì cái hầm chốt vẫn im ắng, chẳng có “ma” (sống) nào “trụ trì” cả. Tụi tui tiếp quản chốt im re, thế nhưng có một vấn đề nhỏ. Đó là hầm quá nhỏ. Thằng Phú không thể nào an trí cái thân theo chuẩn người mẫu nam của nó vào hầm nên tụi tui đành ưu tiên cho nó về tuyến sau (BCH C3) còn tui và thằng Cắt cố thu mình chịu trận tại chốt.
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 12:58:36 pm »

Sau một hồi, mắt dần quen với bóng đêm, bóng tối không còn tạo cảm giác hoàn toàn phủ vây như lúc đầu, thế nhưng đêm vẫn là đêm nín thở. Các bạn biết đấy, thở là bản năng của con người, thế nhưng trong hoàn cảnh đêm nay, tôi phải nhớ, phải điều khiển và ráng lắm mới giữ cho hệ hô hấp mình làm tròn nhiệm vụ của nó…
Trước mặt, cách tụi tui chừng hơn chục mét là một đám cây rậm, phía bên kia một chút là một cánh đồng hẹp rồi tiếp giáp là rừng (cảnh vật nầy thực ra là sáng hôm sau tôi mới thấy). Còn lúc đó, tất cả chỉ là một bức màn đen bí hiểm. Chỉ có những tiếng động, những tiếng côn trùng ngắt quảng, rồi đôi lúc, bất chợt lại một chú lợn thả rong lại chạy ủn ỉn qua…để ngón tay của tui lại ngọ ngoậy trên cò súng…Bắn chậm (khi lính K bò tới) thì chết, nhưng bắn nhầm (vào heo, gà, hay một bóng cây động gió…do thần hồn nát thần tính, để lộ vị trí trong đêm => địch ném lựu đạn) thì cũng có thể chết…Trong những tiếng động đêm thâu đó, thỉnh thoảng lại có những tiếng lục cục, những tiếng ho…vọng về từ phía bên kia hàng cây trước mặt. Những âm thanh thực ra cũng bình thường trong những đêm hòa bình mất ngủ sau nầy….nhưng khi ở tuyến đầu, thì chúng có hiệu quả khủng bố không thua gì một đoạn phim ngắn (video clip) chiếu cảnh hành quyết con tin của AQ. Trên đài Al. gửi đến các công dân phương tây bây giờ trong cuộc chiến vùng Vịnh.
Chúng tôi (bộ đội VN và họ lính K. đỏ) phải thức suốt đêm nay, trong một đêm toàn bóng tối, cố hô hấp trong cảm xạ nghẹt thở… có lúc mong cho đêm mau qua, có lúc mong cho thời gian chùng lại, một mong muốn bản năng…vì chẳng biết trong cuộc trải thân với tử sinh ngày mai rồi ra sẽ như thế nào.
Nhưng rồi cái cơn buồn ngủ của những cơ thể trai tráng tuổi đôi mươi sau một ngày trời bương chải cuối cùng cũng thắng cái sợ chết. Tôi và thằng Cắt cuối cùng quyết định: Chỉ một thằng thức để canh, thằng còn lại ngủ. Một chập ngủ cho bây giờ và cho ngày mai. Khi nào mắt của thằng thức không chống lên nỗi thì lay thằng kia dậy đổi canh. Muổi cắn, ngứa ngáy, khát nước, tê tay chân….không còn tác dụng gì cả…Chỉ tỉnh thức và ngủ vùi…cho hết một đêm…
Thực tình cho đến giờ, tôi vẫn không biết đêm ấy thực ra là dài thiên thu hay chỉ là phù du khoảnh khắc.

Dù sao thì đêm cũng qua. Khoảng vừa mờ sáng, chưa kịp hít lấy bầu không khí thơm mùi cỏ sương mai dịu thơm thì….những loạt chớp lửa hầu từ mọi phía xẹt về phía tụi tui và ngay sau đó là những tiếng nổ chát chúa và rồi mùi khét lẹt của thuốc súng cũng ập tới bao trùm cả không gian. Trời đất! thì ra suốt đêm qua, tụi tui và bọn K chỉ ở cách nhau chừng 20 mét, đội hình của chúng ở ngay phía sau hàng cây trước mặt chúng tôi, còn hầm của tui và thằng Cắt ngồi thì trống lốc, chỉ an ủi một chút là bên trái hầm có bụi chuối te tua tơi tả. Vừa kịp định thần thì phía cánh trái của tụi tui, mấy ông bạn bên C3 thổ địa cũng bắt đầu đáp lễ điểm tâm bằng những loại AK cắt chéo và rồi nhịp nhàng từng chập B40, M79 tróc nã về phía bọn K đang ăn hiếp tụi. Tui và thằng Cắt vừa thay băng đạn thứ nhất, chưa kịp phang tiếp thì đã nghe phía sau, một ông A trưởng (tiểu đội trưởng) của C3 vừa chạy khom tới và gọi tụi tui:
- Rút, rút…mấy ông trinh sát ơi !
Do hôm qua đã được “quán triệt” (ra lệnh một cách rỏ ràng dứt khoát) là không được bỏ chốt khi chưa có lệnh nên tui hỏi gặng lại:
- Ông kêu rút, hay lệnh của trên kêu rút ?
- Trời đất bộ giỡn sao cha, cánh mình chuyển qua đánh mủi phía bên kia đường, kềm hông, để bên nây cho C1 và tăng ( xe tank) ở dưới quét lên. Lệnh của tiểu đoàn đó!
Tôi và thằng Cắt thăng thiên ra khỏi hầm còn nhanh hơn cả tên lửa Kachiusa rời bệ phóng, lao theo người đồng đội C3. Đến một căn nhà cạnh đường, nhìn lại phía sau, chổ hầm của tụi tui giờ phủ một đống bụi khói trắng sau một tiếng nổ ầm trời. Khi thằng Cắt theo những người tốp cuối băng qua bên kia đường thì tôi cũng rời vị trí đoạn hậu (vị trí làm nhiệm vụ giữ phía sau bảo vệ đồng đội rút, cảnh giới phòng địch đánh theo từ sau lưng) lao nhanh theo họ. Vừa kịp qua đường xong, nhìn lại thì căn nhà chổ tui vừa ém lúc đoạn hậu cũng vừa bùng cháy lên do trúng đạn cối hay B41 gì đó. Theo kế hoạch thì cánh C2 và được C3 cùng tụi tui bổ sung sẽ bố trí đội hình bên cánh phải đường theo hướng từ Snoul lên Katdai, kềm giử, một mặt chờ C1 và tăng lên ngang sẽ cùng tiến, một mặt chờ nếu bọn K bên trái đường nếu dạt ngang thì sẽ đánh hốt trong thế có hầm và đội hình ổn định đánh quân vận động.
Cái hầm mà tụi tui tạm trú lúc nầy cũng là chiến tuyến những ngày hôm trước của C2. Phía trước hầm là một vạt cỏ tranh đã bị đốt cháy chỉ còn lại là một đám tro đen…và…khét lẹt, tanh nồng…còng queo phía trước tụi tui chừng mười mét, trời ạ, là một xác lính K. Tên nầy có lẽ là cái tên chạy hung hăng nhất, chạy nhanh nhất và đến được gần phòng tuyến của C2 nhất và…ăn đạn nhiều nhất. Kết quả là dù cho hàng chục đợt xung phong sau đó thì bọn K vẫn không thể nào lấy được xác tên nầy. Trời nắng, cái xác mau bốc mùi (các bạn cứ tưởng tượng cái mùi chuột chết rồi nhân lên mười lần thì sẽ phần nào “cảm tưởng” được cái mùi xác người chết nó như thế nào), chịu không nỗi thế là một ông mình “sáng kiến” giải quyết bằng cách thử đốt cỏ tranh để làm món “K. đỏ BBQ.” ( BBQ.: món thịt nướng than hồng ngoài trời theo kiểu USA). Thế là bây giờ không chỉ là mùi tanh tưởi của xác chết bình thường nữa mà là một mùi tanh khét lẹt xộc vào tận óc o mổi khi gió thuận chiều về phía tụi tui. Trong tình cảnh đó, trong đời lính, tôi thực tình chưa bao giờ lại mong sao mau mau được lệnh tiến công đến thế. Thế nhưng trớ trêu thay, cánh bên nây lại im re, có chăng chỉ là những tiếng rít của đạn pháo, đạn cối từ phía sau, vút qua đầu chúng tôi mà dập về phía trước xa về phía đội hình của bên K.

Tuy nhiên phía bên kia đường thì tình hình lại khác hẳn. Phần câu chuyện đoạn nầy tôi không tận mắt chứng kiến dù chỉ ở cách chừng vài trăm mét. Tôi chỉ xin ghi lại theo lời kể của những người trong cuộc. Có điều tính trung thực của câu chuyện thì các bạn có thể tin cậy được vì đây là một CHIẾN LỆ ( diễn biến một trận đánh thật với những đặc thù có tính tiêu biểu, được ghi nhận lại từ nhiều người trong cuộc (từ chiến sĩ đến cấp chỉ huy) tường trình, được đánh giá, đúc kết một cách khoa học để làm bài giảng cho các trường quân huấn và thậm chí có thể được ghi vào quân sử nếu hết thời hạn giải mật hoặc xét thấy không cần giữ bí mật).

Như đã kể ở trên sau khi chúng tôi chuyển qua cánh phải thì ở cánh trái, nơi tập trung lực lượng của bên K, C1 với một phân đội xe tăng T54, xe bọc thép M113 đã đánh ép từ dưới Snoul lên dưới những làn pháo 105 mm bắn chụp chận yểm hộ từ phía sau. Trong đội hình tiểu đoàn chúng tôi (D2 – E Gia Định) C1 là đơn vị anh cả, dầy dạn nhất. Dàn cán bộ khung hầu hết là những chiến sĩ, cán bộ đã trải qua cuộc chiến tranh trước 1975 và người đại đội trưởng, thiếu uý NGUYỄN ANH NHIỄN. Anh có một gương mặt hao hao như nghệ sĩ Thế Anh nhưng (thật sự) còn đẹp trai hơn. Vóc dáng tài tử, ăn nói bình thường thì rất nhỏ nhẹ tình cảm…thế nhưng nếu gần gủi và nhìn kỹ thì ta mới thấy ánh lửa dũng cảm trong đôi mắt sáng đôi khi loé lên như ánh thép của anh ấy…
Còn phía bên K, đối phương cũng là một đơn vị đáng tầm, nhất là về chiến thuật và sự gan lì để thực hiện kế chiến thuật đó.
Tưởng chừng như chịu không nổi trước áp lực của pháo, tăng và C1 nên một số lính K đã phải bỏ tuyến hầm dọc trong hàng cây (nơi xuất phát hỏa lực dập tụi tui hồi hừng sáng) mà chạy lui về phía cầu Katđai. Thấy thế, C1 tăng tốc truy kích, thế nhưng khi đội hình C1 vừa băng vào một đoạn trên cánh đồng lúa mùa vừa gặt xong (thân cây lúa mùa khá cao nên gốc rạ còn lại sau khi thu hoạch cũng còn cao hơn đầu gối) thì một đơn vị K đã phục sẵn trong những hầm cá nhân đào lẫn giữa đám ruộng bắt đầu nổ súng, đánh vổ mặt vào đội hình C1 đang vận động giữa đồng!!! Bọn K thật tinh quái, đã tạo thế bất ngờ khi mai phục giữa cánh đồng trống và nằm im suốt thời gian chỉ để chờ với mục đích “hốt gọn” C1. Bên mình hoàn toàn thất thế, địa hình trống trải, cự ly quá gần, địch có hầm, ta không… Một số chiến sĩ đã dính đạn, chuẩn uý L. đại đội phó bị đạn sượt qua đầu, máu tuôn xối xả, một số chiến sĩ đã phải nằm chúi xuống đất…khoảng cách giữa hai bên đã quá gần cho mọi sự thay đổi điều chỉnh đội hình hay tháo lui. Anh Nhiễn lúc nầy đã có một hành động, một hành động mà…thực sự tôi không biết có thể dùng một “khái niệm từ” nào để chỉ cho xác đáng…Anh đứng thẳng người giữa làn đạn, vung khẩu K54 lên trời, nổ liền mấy phát và hét to, ra lệnh cho chuẩn uý L. đại đội phó phải đứng dậy (vì anh thấy vết thương chỉ sượt ngoài da đầu…) và hô mọi người xung phong thẳng vào đội hình của lính K. Khí phách của người tướng chỉ huy trận mạc đã đã vực dậy tinh thần và tập trung sức mạnh của toàn Đại Đội. Mọi người đã đứng dậy xung phong theo lệnh của anh, họ lao lên nhưng anh thì ngã xuống khi phải hứng đến 4 phát đạn súng trường vào giữa ngực…Trung sĩ LÊ HOÀNG SƠN, trung đội trưởng trung đội 1 khi đó đã nhận lãnh vai trò chỉ huy (trong điều lệnh QĐNDVN quy định rằng, trong chiến đấu, nếu đại đội trưởng hy sinh hay mất khả năng chỉ huy thì đại đội phó sẽ đảm trách, kế đó là trung đội trưởng trung đội 1, rồi kế là trung đội trưởng trung đội 2…cho đến người cuối cùng.)
Và tiếp tục dẫn đầu toàn đại đội xông lên…những người chiến sĩ của C1 đã thật nhanh tràn vào đội hình bắn găm vào những tên lính K còn chôn chân trong những cái hầm giữa đám ruộng cuối mùa. Toàn bộ đội hình của lính K đều bị diệt tại chổ…một chiến thắng oanh liệt…nhưng sự hy sinh của người đại đội trưởng là quá lớn.
Xác Anh được các đồng đội đưa vào chiếc thiết vận xa M113 và đưa về tuyến sau vào buổi chiều hôm ấy….buổi chiều cuối năm, bóng chiếc chiến xa in trên nển cánh đồng lúa vừa gặt xong cuối mùa…

HẬU TỪ:

Vì một sự trúc trắc (trúc trắc chứ không phải trục trặc)... Mãi 20 năm sau (năm 1997). Khi vị chỉ huy tiểu đoàn 2 ngày ấy, anh Ba K. cấp trên trực tiếp của anh Nhiễn (cũng là anh hùng LLVT phong năm 1978 do thành tích trong kháng chiến), bấy giờ đảm trách cương vị Tư Lệnh Quân Khu 7, thì Liệt Sĩ – Thiếu Uý NGUYỄN ANH NHIỄN mới được truy tặng danh hiệu ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG. Quê anh ở Rạch Bắp – Huyện Bến Cát – Tỉnh Bình Dương. Anh hy sinh ở tuổi 25 khi còn độc thân. Cha anh cũng là liệt sĩ thời chống Pháp. Lúc đó anh còn một bà mẹ già…
"...mà đời sao bổng vắng, như rừng núi ngủ yên, như đồng lúa gặt xong..." (Ru ta ngậm ngùi - Trịnh Công Sơn)

Vị trung đội trưởng trung đội 1 LÊ HOÀNG SƠN, trong năm 1978 đã được phong danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam.
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 01:05:15 pm »

Tạm hết chuyện của bác phuni
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 01:05:52 pm »

Chuyện của bác Airbus


Trước tôi cũng ở Katum, cũng xém chết ở phum T'hơ mây.
Số là khoảng tháng 11/77, đơn vị tôi được điều từ Xa Mát qua, cứ của tụi tôi đóng ngay SB Katum. Sáng sớm hôm đó chúng tôi được lệnh đánh vận động từ chốt trảng dầu lên phum T'hơ mây.
Lúc đó tôi cầm RPD cùng đi kẹp với A trưởng trinh sát QK tên Xu, người Thanh Hóa, là lính 72 vừa về Thanh Hóa cưới vợ vào.
Chúng tôi bắt đầu vận động sau khi 12ly8 và cối 82 cấp tập vào phum. Băng qua một con suối, chúng tôi đã vào lãnh thổ của CPC.
Chúng tôi, trừ các cán bộ khung như A trưởng, B trưởng, v.v..., còn lại tất cả là những người con của đất Sài Gòn, chưa từng ra trận quen, mặc dù đã trải qua gần tháng đóng chốt ở cầu 15, bên Xa Mát, để yểm trợ cho đồn CABP.
Trở lại, chúng tôi sợ lắm, đạn thì chéo chéo lung tung, rồi B 40, B 41 cứ "bùng...bình" liên tục. Tụi tôi thì chỉ được lệnh vận động, không được bắn lung tung như trong phim, cốt là để tiết kiệm cơ số đạn.
Tôi cùng Xu, B40 bên phải và Hiệp (tôi còn nhớ người này làm việc ở Sở ngoại thương, do cơ quan đưa đi NV theo chỉ tiêu), đi bên trái. Đa số tụi tôi đều bị các cán bộ khung la ó om sòm, bảo chạy lên phiá trước. Tôi và Hiệp nháy mắt và cung nói to cho nhau rằng " Kệ m.., chết bỏ, có số mà !", thế là chúng tôi bắt đầu băng qua một thưà ruộng, đạn vẫn từ Phum T'hơ Mây bắn rát, toàn 12ly8 và DK và B40, 41 bắn ra.
Khi chúng tôi chạy gần đến cuối thưả ruộng thứ hai để nằm xuống bờ đê thì một loạt đạn bắn cày xuống và chia chúng tôi ra làm 2, tôi và Hiệp văng qua bên trái còn Xu thì qua bên phải. Bổng tôi nghe "Bùm, bùm !" rồi khói nghi ngút bên phải, đồng thời nghe tiếng rên hụ hụ. Khi tan bớt khói tôi mới thấy Xu nằm bất động, máu me tùm lum, tôi la lên kêu Hiệp cùng chạy qua thì Xu đã không còn thở nữa. Sợ quá, Hiệp và tôi cùng lúc khóc và nhìn lên. Không còn ai, mặc dù đạn vẫn bắn rất rát.

....đạn bắn rất rát. Tôi nói với Hiệp : "Tiêu rồi Hiệp ơi! Không còn ai hết! Chạy về !". Thế là 2 anh em cung quay đầu chạy trở về con suối, nhưng hình như là bị lệch hướng vì tôi thấy không giống chỗ con suối lúc nãy mình chạy qua, có những bụi le. Kệ, cứ phi xuống đại, Hiệp chạy trước tôi phi xuống. Tôi nghe tiếng Hiệp nhảy xuống, vướn bụi cây và Bùm, khói xanh lè, thêm tiếng rên của Hiệp, thú thiệt tôi không còn chạy nổi, té xuống tại chỗ mà run quá trời run.
Hiệp rên càng to, lại chửi thề lung tung, rồi cứ kêu tên tôi um sùm. Hoảng quá tôi bò từ từ lại mép suối và trườn xuống từ từ.
Tôi thấy Hiệp nằm dưới nước, chân phải thì chỉ thấy được một khúc xương trắng chạy dài từ ống quyển đến đầu gối. Khi thấy tôi, nó nói "Chết tao rồi!". Tôi đi (suối chỉ sâu khoảng 50cm) đến chỗ nó nằm, quýnh quá không biết phải làm sao, trấn tỉnh lại, tôi cởi dây TB định thắt chỗ trên đầu gối nó lại, nhưng làm sao được, thế là xé đại cả tay áo (lúc đó chúng tôi xài đồ K74), thắt garô cho nó, rồi bắt đầu vừa diù nó đi mà 2 thằng cùng khóc, lúc đó đã khoảng 4g chiều.
Trước khi đi trận thì Đại đội trưởng có bảo là nếu đi lạc thì cứ mon theo co suối về phiá mặt trời lặn mà đi, vừa thăm dò và vừa nói mật mã "Hà Nôi" nếu bên kia trả lời "Saigon" là phe ta.
Theo lơì A. Chính ĐĐ trưởng, chúng tôi cứ men theo con suối mà đi, dọc đường nghe ôi thôi là tiếng rên từ trên bờ suối làm tụi tôi còn sợ hơn và khóc cũng càng nhiều hơn. Khi trời sụp tối thì tôi cảm thấy hình như là thằng Hiệp nó nặng hơn. Tôi từ từ bỏ nó xuống nước, thì thấy nó im re luôn, chắc là ổng xiủ rồi. Tôi lấy nước rửa mặt, rồi nói với nó : "Tao đở mày về, mày có chết thì cũng phù hộ cho tao về tới chỗ mình !" Rồi xóc nó lên đi tiếp, trên cổ thì đeo lòng thòng cây RPD và cây AK, đi được một đoạn thì nghe một tiếng "Ùm" đàng sau lưng, giật mình quay lại, té xuống nước luôn, hóa ra là 1 anh nhà mình bị thương, bị bỏ lại trên bờ suối, khi nghe tiếng bì bởm ở dưới nước thì cũng liều mạng lăn xuống kếu giúp.
Tay này cũng lính NV (tên Kim) cùng học khóa D30 ở Long Giao, không hiểu bị thế nào mà mất gần nguyên một bên mông, còn bàn tay trái thì mất gần phân nữa, hoá ra anh này xài B40, lúc nạp đạn vào hứng quá bóp cò luôn, thế là khi trái đạn chạy ra, xòe cánh thì sẳn đó tiện mấy ngón tay của ảnh luôn. Kim nhờ tôi đeo cây B40 vào rồi cùng đi. Tôi gắt : "Dẹp mẹ nó luôn đi, đem về làm gì, mày bị thương chứ bình thường à ?"

Lúc này thì tôi đã đở sợ vì trong đầu cứ nghĩ là chuyến này mình chết rồi, chắc chắn là tử sĩ thôi, cứ theo con suối mà đi, vừa đi, thỉnh thoảng lại ngừng, rồi lại đi, vừa run vì sợ, vừa run vì đói và vừa run vì lạnh. Lâu lâu thì lại thì thào " Hà Nội", vậy mà chẳng có gì cả !
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 01:06:06 pm »

em cao 1m73, nặng 68Kg (lúc đó), còn bây giờ thì lên hàng 8 rồi.
Lúc ở chiến trường Tây Nam, khi vừa được chuyển từ Long Giao ra Xa Mát, đến cây số 165 thì toàn trung đoàn nghĩ lại ngoài nhà dân, đêm đó có lẽ là đêm khủng khiếp nhất trong đời em vì từ nhỏ chỉ biết chiến tranh qua màn ảnh thôi, họa lắm thì ở SG co nghe xe tháo gở bom mìn của Mỹ chạy hụ còi thôi, cả đêm ở đây cứ đùng đùng, phần thì ở đó chỉ có đèn dầu, phần thì nhớ nhà nữa !
Sáng sớm hôm sau, chúng em được anh nuôi phát cơm vắt với muối đậu, A trưởng thông báo là chuẩn bị hành quân, tư trang gọn nhẹ : ny lông, võng. Tụi em phải cho dân ở đó toàn bộ đồ còn lại gồm : chăn (mền), còn mùng thì nhẹ nên đem theo, nón cối cũng bị bỏ lại, chiếu, và các đồ linh tinh mà ở nhà tiếp tế khi lên thăm ở quân trường.
Sau khi sàn lọc, tụi em được phát mỗi đứa 1 trái lựu đạn cầu, rồi bắt đầu hành quân vô rừng. Đi thì miệt mài, hỏi khi nào tới thì được trả lời bằng giờ chứ không phải bằng cự ly.
Đi từ sáng (non-stop) đến tận xế chiều mới tới được cứ nằm ở khu vực (chắc cũng cách vài cây số) chốt CABP ở cầu 15
Tối đó mắc võng nằm, mà chắc chắn toàn bộ lính NV như em chẳng ai ngũ được, phần vì lạnh, phần vì sợ, và phần vì đã đi quá sâu, không còn hy vọng được về nhà. Đêm đó lại còn nghe tiếng súng và pháo rõ hơn đêm trước.
Sáng hôm sau, cũng cơm vắt, sau đó bắt đầu mới nhận vũ khí. Đến lượt em thì DĐ trưởng và quân khí không nói gì cả, chỉ chỉ cho em khẩu B40, B41, và 6 trái bắp chuối.
Em thấy không ổn vì nghe đồn bắn B40, B41 này dễ bị địch tiêu diệt trước lắm, đồng thời nghe nói bắng hết cơ số đạn dễ bị điếc hoặc chảy máu lỗ tai. Em bèn năn nỉ quá trời, xin AK, cùng lắm thì đi cặp với 1 người ôm cối tép (60 ly), nhưng không được chấp thuận, may sao lúc đó có 1 ông trinh sát QK chạy đến đưa thêm 1 RPD và 1 RPK, nói là của 2 em bị thương đã chuyển về phẩu tiền phương. Thế là em năn nỉ cho em cây RPK. Sếp không chịu, du di lắm là RPD, gồm 1 bánh trên súng, 2 bánh rời và một hộp đạn LX. Từ đó là em ôm RPD, còn thùng đạn của LX, đem về em khui ra, lấy cái hộp đó để nấu hà thủ ô và chùm bao để uống, còn đạn thì đào lỗ chôn luôn cho đở nặng.
Điều đặc biệt trong thời kỳ này là tụi em rất được sủng ái. Thỉnh thoảng thì được các đoàn thể ở SG gởi ra nào là thịt gà hộp (loại 1kg của Hà Lan), và nhu yếu phẩm thì hả hê (cứ vài ngày là 1 hộp sửa, 2, 3 gói Vàm cỏ hoặc Lao động), đường cũng vậy, cứ cách 1,2 ngày là 1kg đường.
Kể cả những lúc sau này chuyển về Kà Tum cũng vậy, khi ghé ngang Ngã Ba Đồng Ban, hay ở SB Kà Tum, đi đến đâu cũng được dân ở đó mời uống nước mía (những khu vực này người ta trồng rất nhiều miá), thuốc lá cũng vậy : khi mua thuốc "bốc lăng xe" (thuốc rê) mà người dân ở đó biết là mình là dân NV thì họ không chịu lấy tiền. Đó chính là những sự động viên rất cao quý từ những nghĩa cử như vậy, thế mới thấy lúc đó dân thương bộ đội như thế !
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 01:06:21 pm »

.....Lâu lâu thì lại thì thào " Hà Nội", vậy mà chẳng có gì cả ! ....
Xung quanh trời tối mù, người thì lã ra, chẳng thấy đói mà chỉ thấy sợ, lạnh và khát mặc dù người thì ngâm trong nước. Chúng tôi tạm thời ngồi lên mép suối (đúng hơn là nằm) : Hiệp thì rên, thỉnh thoảng giựt giựt, còn thằng Kim thì cứ "Úi giời ơi, d.. mẹ nó !"(Kim là con CB tập kết nên nói giọng Bắc).
Thế rồi tôi mò lên bờ trên để nhìn. Ở trên là ruộng, trống trơn, nhìn rất rõ mặc dù trời tối (không nói quá, các bác nào đã đi BĐ hoặc là "con cháu cuả Baden Powell"(hướng đạo) chắc biết rõ rằng ban đêm, ở khoảng trống, nếu mình nằm sát xuống đất thì với ánh đêm tự nhiên mình vẫn nhìn thấy rõ, vì mình nhìn từ dưới lên).
Tôi lại bò trở xuống, quờ quờ, rồi nằm im. Thỉnh thoảng chúng tôi nghe bùm ! bùm!.
Cầu trời cho mau sáng. Một lúc sau tôi nghe soạt soạt, sau đó nghe 2 tiếng bùm ! rồi bùm ! Không nghe gì nữa. Trong thời khắc này, đầu óc tôi lung tung, không còn biết mình nghĩ gì, không biết có thiếp chút nào không.
Rồi trời cũng hừng sáng, chúng tôi lại nghe có tiếng sột soạt và tiếng người nói chuyện, tôi quay qua nói nhỏ với Kim, "Bây giờ làm sao?, mày nghe cái gì không ?" nó nói "tao không biết ! D..mẹ đau quá rồi, tao mà có chết thì mày nhớ báo cho nhà tao hay (rất buồn cười, vì tôi đâu có biết nhà nó ở đâu mà báo (!)), còn thằng này (ý nói Hiệp) chắc nó tử sĩ rồi mày ạ !".
Tôi chẳng còn muốn nói gì, lúc đó chi nghĩ tới cha, mẹ,anh, và cả con bồ ở SG.
Mặt trời lên khá cao, chúng tôi vẫn ì ra đó, chưa biết phải làm gì ?
Bỗng, chúng tôi lại nghe tiếng người nói chuyện nho nhỏ, rồi nghe tiếng múc nước, ở bên kia bụi le.
Tôi rờ khắp người kiếm "Em 67" (M67), quên rằng lúc chiều hôm qua khi tháo dây TB đã làm rơi hết rồi, tôi ra dấu cho Kim ý muốn hỏi nó có còn trái nào không ? Nó cũng chẳng thèm trả lời.
Tôi định là tương quả đó qua đàng sau bụi le. Không có lựu đạn, tôi lấy cây AK của Hiệp, bò thật nhẹ cách Hiệp và Kim một đoạn chừng 10m, hướng về phía bụi le, tôi ra dấu cho Kim nằm sát xuống, mà không biết nó có nghe không, chỉ thấy nó nằm ngửa hơi nghiêng người ra, chắc là để đừng đụng vào cái mông te tua bên trái.
Tôi chỉa súng vô bụi le, mở khóa an toàn xuống nấc rafale, tay để vô cò, lấy hết can đảm còn lại, hít vô thật sâu, thầm từ biệt ba,má và con bồ, rồi nói nhỏ vừa đủ nghe "Hà Nội", không có gì. Tôi sợ quá, bò qua phải một chút lên phía bờ suối, rồi lập lại " Hà Nội". "Hà Nội".
Bổng nhiên từ bên kia "Saigon" "thằng nào đấy ?" Ma ở K6". Rồi 3, 4 người cùng chạy ào xuống suối chạy đến chỗ chúng tôi. Tôi quăng súng xuống suối luôn, và khóc
thành tiếng hẳn, như một đứa trẻ đồng thời nằm ngửa ra.
Các anh em người thì xốc tôi, người thì chạy đến cõng Kim và Hiệp.
Thì ra chúng tôi đã đến bên rià của DD 7 (K7) từ tối hôm qua mà không biết, tiếng"bùm, bùm mà chúng tôi nghe được trong đêm là tiếng lựu đạn cuả anh em đang gác quăng ra.
Chúng tôi được đưa về hầm đại đội. Tại đây DĐ trưởng tên Nhân cho gọi y sĩ tới.
Kim thì được băng bó, sau đó chuyển lên cán để chuyện đi qua phẩu tiền phương,
chỉ tội cho Hiệp, không còn kịp, Hiệp được báo cáo là tử sĩ, các anh em lấy khăn chạy xuống suối thắm nước rồi lau cho Hiệp, sau đó bỏ Hiệp lên võng, buộc 2 ngón tay cái lại với nhau rồi chuyển ra ngoài, nghe nói là chuyển Hiệp cho TĐ 1 TNXP đưa ra nghĩa trang liệt sĩ mai táng.
Phần tôi, được pha trà đường cho uống, lấy kẹo lạc cho ăn. Đại đội kêu tôi cứ nằm nghĩ, một lúc sau chính trị viên trung đoàn đến hỏi thăm và hỏi tôi tình hình trên đường đi như thế nào ? Tôi bảo " Tụi em đi dọc dưới suối nghe trên bờ nhiều tiếng rên lắm, Kim cũng từ trên bờ lăng xuống suối ". Tôi hỏi lại : "Mà sao kỳ vậy ? Đang đánh vận động mà sao khi quay lại tụi em không còn thấy ai hết vậy ? " Đại đội trả lời : "Mình bị nó đánh tạt sườn nên tổn thất nặng, cả tụi em cũng đều bị ghi là tử sĩ rồi".
Sau trận này D8-Q16-F5 của tôi tan nát, các cán bộ khung đều bị rút về Long Khánh nhận quân, còn lính tụi tôi, hình như chỉ còn vài chục cho cả tiểu đoàn (gồm 3 đại đội 6, 7, 8 và đại đội 9 hỏa lực, tức cối 82), tất cả bị chia đi bổ sung cho các ban của trung đoàn 16, riêng tôi thì bị đưa tạm sang đại đội 9 (C19), công binh trung đoàn, số còn lại may mắn hơn được đưa qua vệ binh trung đoàn hoặc vệ binh sư (tiểu đoàn 25), có cả 1, 2 người được qua thông tin sư (tiểu đoàn 26) bên 15 watt.

Còn tiếp các bác ơi, ngày mai sẽ hầu tiếp các bác nhé !. Cám ơn các bác đã xem.
Cuộc đời NV của tôi là một chuổi ngày tháng không thể nào quên, khi tôi viết lại những dòng này, sự việc cứ tái hiện như mới hôm qua, mặc dù đã gần 30 năm rồi (tôi nhập ngũ đợt 1 năm 77, tức ngày 31/7/1977, ngày giao quân diển ra ở NH thành phố)
Có trải qua những ngày tháng ấy mới hiểu được gía trị của cuộc sống, mới hiểu được tại sao lớp cha anh khi kể lại ề chiến trường xưa, họ vẫn rất chi tiết, vì theo tôi nghĩ đối với các tiền bối đó cũng thế, đó là những ngày tháng mà họ không thể nào quên.
Logged

Chết vì ghét người!
danngoc
Thành viên
*
Bài viết: 948

Đã bị khóa vĩnh viễn


« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2008, 01:06:35 pm »

Nghe các bác nói mà tủi thân quá ! Thế các bác có biết Q16 (trung đoàn 16) của em, mà bị đánh tan tác trong trận Phum T'ho May đã kể ở trên không ? Theo em được biết thì trước khi nhận tụi em ra chiến trường K, thì đây là Trung Đoàn KSQS trực thuộc QK 7, doanh trại lúc bấy giờ là ở đường Lý Tự Trọng, ngang với Sở Tài nguyên và môi trường bây giờ.
Trong thời kỳ CT Tây Nam thì TĐ 16 phối thuộc Sư 5, cùng với các E thiện chiến của F5 là E4 và E 174.
Lúc đó, theo tụi em được biết, thì các đơn vị thiện chiến là Sư 9, Sư 10 của Quân đoàn 4.
Lại tiếp chuyện của em :
Sau khi bị đánh tan tác, tiểu đoàn 8 của em bị xóa sổ, anh em tụi em tứ tán, dàn khung thì về Long Khánh nhận thêm tân binh.
Riêng em chuyển qua C19 (đại đội công binh trực thuộc trung đoàn), rút ra nằm ngoài sân bay Kà Tum, giống như đi an dưỡng vậy. Em ở đây được gần tháng, sáng lang thang ra chợ uống nước miá, quanh quẩn với dân ở đây, hoàn toàn khác hẳn với ý nghĩ của em là sang công binh chắc là vất vả lắm (tháo bom, rà mìn, xây cầu. . .) mà lúc trước trên truyền hình được xem các phim phóng sự.
Thậm chí ba, má, và cả con bồ của em nhận được thư của em, phi xe đò lên trên này ở chơi với em và các anh em trong C mấy ngày. Tình nghĩa lúc đó thật tràn đầy : tất cả ai cũng bố, bố , má, má với ba má em (riêng con bồ thì các anh em chừa ! chứ không thì mệt đấy…!), tối tối sau khi cơm nước xong mọi người cùng quay qưần bên bá má em hỏi thăm chuyện Saigon. Còn em thì tranh thủ kiếm góc kín đáo, lên võng tâm sự với ẻm.
Nghe má em kể, lúc đó đi thăm em thật vất vả và khó khăn : cả nhà đi xe đò, từ Saigon lên Tây Ninh, phải ngồi hẳn ra sàn xe ở giữa, sau đó phải chuyển xe “than” đi Kà Tum. Dọc đường thì vô số trạm KS của kiểm soát quân sự, thấy dân ăn mặc không giống dân bản xứ thì hỏi là đi đâu ? Ba má em phải nói thật là đi thăm con NVQS đã lâu lắm rồi không gặp, từ khi chuyển từ Long Giao qua Xa Mát rồi giờ qua đây, nghe em viết rằng đang rút ra sân bay Ka Tum để củng cố nên tranh thủ lên thăm.
Các anh em cũng rất tốt, nói rằng vào trong đó rất nguy hiểm, có nơi còn mời cả nhà vào đội ăn uống nghĩ ngơi và hỏi thăm chuyện ở SG.
Logged

Chết vì ghét người!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM