Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:05:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92791 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #150 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 05:15:15 pm »

Nhà văn Nguyễn Đình Thi, tác giả của những bài hát nổi tiếng trước cách mạng: Diệt phát xít, Người Hà Nội..., tác giả tiểu thuyết Xung kích và nhiều truyện ngắn viết trong những ngày đi với bộ đội thời chống Pháp, tác giả các tiểu thuyết Vào lửa, Mặt trận trên cao viết trong những ngày đi với bộ đội thời chống Mỹ, đã có những trang đầy ấn tượng trên đường Hồ Chí Minh - mà bài thơ Lá đỏ là tiêu biểu. Nhà thơ gặp một cô gái chiến sĩ giữa một khung cảnh bát ngát, hùng vĩ "trên cao lộng gió - Rừng lạ ào ào lá đỏ và:

Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Trong khi:
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa.


Lời thơ khi thơ mộng, lúc hùng tráng đã được phổ bằng giai điệu đẹp của nhạc, tạo một ấn tượng rất mạnh cho người nghe.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu sau nhiều lần khoác ba lô đến các nẻo đường Trường Sơn đã có truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng và tiểu thuyết Dấu chân người lính được coi như những tác phẩm xuất sắc nhất của anh những năm chống Mỹ. .

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, đi trên đường Hồ Chí Minh đã có một loạt bài thơ, như Đường ra tiền tuyến gặp bạn thơ quê hương, Buổi chiều trên đỉnh Trường Sơn... Con đường này tạo cho nhà thơ khí thế xung trận:

Chiều nay
Từ đỉnh Trường Sơn nổi gió
Cuồn cuộn bước ta đi
Lại âm vang tiếng hát bốn phương về.
Ôi xương tan máu rơi
Lòng hận thù ngút trời...
.

Phải chăng, từ khí thế này mà nhà văn đã bám trụ liên tục mười năm ở chiến trường miền Nam, để có nhiều tác phẩm, trong đó bộ tiểu thuyết hai tập Đất trắng là một thành công nổi bật.

Nhà văn Nam Hà cũng sống và viết gần mười năm ở chiến trường khu 6 (cực nam Trung Bộ), đã in gần hai mươi quyển sách gồm ký sự, truyện ngắn, tiểu thuyết... nhưng được người đọc biết nhiều hơn cả lại là từ một bài thơ - bài Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi. Đó chính là bài thơ được khởi đầu bằng nguồn cảm hứng trên đường Hồ Chí Minh.

Đã có lần, Nam Hà tâm sự: "Tên bài thơ, ý tưởng từng đoạn thơ cứ dần dần hình thành. Trong suốt một trăm ngày vượt Trường Sơn, tôi đã làm được một số đoạn". Gần ba năm sau đó, khi đã ở chiến trường khu 6, mạch của bài thơ được khai thông, và Nam Hà chỉ viết trong hai giờ là xong. Bài thơ của anh đã một thời vang lên nhiều lần trên Đài tiếng nói Việt Nam và như một tiếng kèn hùng tráng thúc giục mọi người ra trận.

Các nhà văn khác như Chu Văn, Đào Vũ, Vũ Bão cũng đều có những chuyến đi dài ngày vào Trường Sơn; sau các chuyến đi ấy đều thấy những tác phẩm có tiếng vang và đáng ghi nhớ trong đời văn của các anh. Chu Văn có tập truyện ngắn Hương cau, hoa lim. Đào Vũ có tiểu thuyết Con đường mòn ấy (đã in lần thứ hai). Vũ Bão có một loạt tập truyện và ký: Khe Tre, Qua Hướng Hóa, Xe tăng ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #151 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 05:16:27 pm »

Nhưng phải nói đến lớp khá đông nhà văn trẻ, sinh trước và sau Cách mạng tháng Tám mấy năm, trưởng thành trong chế độ mới. Họ đã đem vào Trường Sơn một tiếng nói nghệ thuật trẻ trung, mới lạ. Những ngày ban đầu là sự hồn nhiên, và lãng mạn của tuổi học sinh trong giọng điệu và suy nghĩ. Nhà thơ Anh Ngọc thấy:

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Cây hiện lên như một niềm ấp ủ
Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ
Ướp vào trong trang sổ của mình...


Anh lính trẻ ấy rất có thể là chính tác giả. Và những câu thơ này là ở trong bài Cây xấu hổ được giải thưởng trong một cuộc thi thơ của báo Văn nghệ thời bấy giờ. Bài Thơ vui tặng con của anh cũng như vậy:

Bố đi ngàn dặm xa xôi
Suối sâu dốc thẳm núi đồi lô nhô
Đường trơn không ếch cũng vồ
Gặp cây cầu khỉ bố bò như con...


Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khi "vào mặt trận", cái chú ý đầu tiên của anh chưa phải bom đạn, mà là lúc "ve đang kêu”. Trên đồi chốt, trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, người chiến sĩ trẻ trong thơ anh vẫn:

Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm...


Nhưng rồi cùng với chiều dài của thời gian, cùng với sự ác liệt xảy ra khắp không gian Trường Sơn, hiện thực sẽ được phản ánh một cách đầy đủ hơn, ở chính thơ của hai anh, và của nhiều nhà thơ khác.

Nguyễn Đức Mậu trưởng thành về cả hai phương diện người lính và nhà thơ chính là từ những ngày đi Trường Sơn (cả Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Người đọc còn nhớ, mấy năm đầu của thập kỷ 70, trên báo Nhân dân thấy rất hay đăng những bài thơ Nguyễn Đức Mậu dưới tiêu đề Thơ bộ đội. Và sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu đã là cảm hứng cho Trường ca sư đoàn, trong đó có những câu ghi được những nét "đặc tả" trên đường hành quân thần tốc của những người lính tiến về Sài Gòn, trong những ngày tổng tiến công chưa đến mùa xuân đại thắng l975:

Đội hình chủ lực hành quân gấp
Đi dọc Trường Sơn xanh chết ngất...
Giờ nghỉ ven đường, bếp nhóm vội
Nấu chưa kịp chín, lệnh hành quân.
Bê nồi cơm sống lên xe tải
Không cần bát đũa, chẳng cần mâm
Đường dài xe chạy, người ăn bốc
Một miệng cơm nhai có bụi lầm!.


Nhà văn Lê Lựu vào Trường Sơn với tư cách phóng viên mặt trận. Ngoài truyện ngắn anh có tiểu thuyết Mở rừng. Ở đó hiện ra những chiến sĩ - những người con trai, những người con gái - từ nhiều cảnh ngộ, nhiều tâm trạng đến với chiến trường, và tác giả chứng minh rằng những tổn thất ở hậu phương, những gian lao ở tiền tuyến chỉ càng làm tăng thêm quyết tâm chiến thắng của họ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #152 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 05:17:02 pm »

Nhà văn Triệu Bôn đi Quảng Trị, vào Tây Nguyên, đến miền đông Nam Bộ. Dù viết văn đã khá lâu, nhưng chuyến vượt Trường Sơn năm 1969, với truyện ngắn Đường chân trời viết lúc ấy, anh mới làm người đọc thực sự chú ý và Triệu Bôn thường nói: chỉ từ chuyến đi này, anh mới ý thức rằng mình đang là người viết văn.

Cây bút trẻ Nguyễn Thị Như Trang lúc bấy giờ con còn nhỏ vẫn quyết đi Trường Sơn, và sau đó tiểu thuyết đầu tay của chị - Khoảng sáng trong rừng - dài trên 400 trang ra đời. Nguyễn Thị Như Trang lấy việc mở rộng một cung đường Trường Sơn vào đầu mùa khô năm 1971 của một đại đội chủ yếu là nữ thanh niên xung phong, để thể hiện khí thế của thanh niên trong một công việc tưởng là buồn tẻ, đơn điệu như: quan sát máy bay địch trên chòi canh, chở đạn đến trận địa pháo, phá bom nổ chậm, chống lầy.

Nhà văn khẳng định: với những người con trai con gái ở đây "mọi nỗi lo lắng và niềm vui đều xuất phát từ sự sống còn của một con đường ra tiền tuyến", và cũng muốn mọi người cùng cảm nhận điều này: Trường Sơn không chỉ là nơi thử thách mà còn làm nảy nở những tình cảm cao đẹp của con người, trong những tháng ngày gian khổ.

Nhà văn Dương Thị Xuân Quý, hy sinh năm 28 tuổi, để lại nhiều trang Nhật ký chiến trường ghi lại rất tỉ mỉ chuyến đi trên đường dây 559, từ ăn uống: tắm giặt đến hành quân, ốm đau... mà đối với một chiến sĩ nam giới đã gian khổ, nỗi gian khổ lại tăng gấp bội đối với một người phụ nữ. Tình cảm chân thành của Dương Thị Xuân Quý như hiện ra ở từng dòng chữ, để nói một cách trung thực nỗi nhớ thương da diết đứa con thơ đang gửi lại ngoài Bắc, ý chí quyết cùng đồng đội vượt khó khăn đến chiến trường, và nỗi day dứt chưa có được những trang viết ghi lại cảnh và người trong chiến tranh.

Tuy nhiên, trong lớp nhà văn trưởng thành từ chính khói lửa của những năm chống Mỹ, người được đường Hồ Chí Minh rèn luyện, và nói được tiếng nói nghệ thuật đặc sắc nhất về đường Hồ Chí Minh, về Trường Sơn, về cuộc kháng chiến với phong cách mới, và rất nổi tiếng lúc bấy giờ, là Phạm Tiến Duật. Anh sinh viên Đại học sư phạm này làm thơ từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chỉ đến lúc được làm một chiến sĩ trên đường Trường Sơn, với một thời gian dài đến tám năm, trong mười bốn năm ở quân ngũ, thơ Phạm Tiến Duật thời kỳ này tạo được ấn tượng mạnh.

Chẳng hạn, Qua một mảnh trời thành phố Vinh là tiếng nói bình tĩnh, tự tin của con người trước thắng lợi giữa một nơi đạn bom ác liệt, Gửi em - cô thanh niên xung phong là tình cảm thắm thiết với những người con gái đã hy sinh tuổi xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng và nuôi dưỡng con người dẫn ra chiến trận. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một tiếng nói lạ, ca ngợi những người lái xe - một lực lượng chủ yếu của con người vận tải chiến lược này.

Có nhà nghiên cứu cho rằng: trong kháng chiến chống Mỹ có hai "trường phái thơ", mà khác với trường phái kia, Phạm Tiến Duật là trường phái "tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống". Đúng như vậy. Có điều cần nói rõ là cuộc sống ở Trường Sơn, ở chiến trận, chứ không phải cuộc sống ở một nơi nào khác.

Những bài thơ nói trên, và nhiều bài thơ nữa của Phạm Tiến Duật không thể có được, nếu anh không hòa mình trong cuộc sống và cuộc chiến dấu của đồng đội ở đấy
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #153 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 05:17:39 pm »

Và giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 - 1970 tặng cho một chùm thơ của Phạm Tiến Duật là một sự đánh giá đúng đắn và có ý nghĩa.

Có thể nói, không có đường Hồ Chí Minh thì không có Phạm Tiến Duật.  

Còn có thể kể được rất nhiều các nhà văn khác gắn bó với đường Hồ Chí Minh ít hay nhiều. Chẳng hạn, nhà văn Phạm Hoa - một cây bút chuyên viết truyện ngắn và là một tên tuổi quen biết với bạn đọc từ sau 1975, nhưng những truyện đầu tay anh viết lúc mới "vào nghề", đăng ở tạp chí Văn nghệ quân đội và một số báo chí khác chính là được viết từ Trường Sơn, khi anh đang là một chiến sĩ lái xe. Chẳng hạn, các liệt sĩ Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định, v.v... hy sinh lúc còn rất trẻ, ngoài những bài thơ khác, còn có những bài thơ về con người và mảnh đất Trường Sơn những ngày đầu chiến tranh với cái nhìn vừa hiện thực vừa lãng mạn. Rồi Chính Hữu, Nguyên Ngọc, Xuân Thiều, Hải Hồ, Phạm Ngọc Cảnh, Xuân Sách, Thu Bồn, Ngô Văn Phú, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Trần Ninh Hồ, Bùi Bình Thi, Khuất Quang Thuỵ, Trần Mạnh Hảo, Duy Khán, Trần Nhương, Liên Nam, Cao Tiến Lê, Thao Trường, Dương Trọng Dật, Nguyễn Việt Phương, Trọng Khoát, v.v...

Nhớ lại tác phẩm của một số nhà văn trong rất nhiều nhà văn đã gắn bó với đường Hồ Chí Minh như trên đây, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một cái nhìn còn có phần phiến diện. Trong những năm tháng mà "toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến", "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", một số người cầm bút đến với Trường Sơn, đi trên đường Hồ Chí Minh nhiều không thể kể hết. Đó là chưa nói đến không ít nhà văn quen biết với người đọc bây giờ, thời còn ở Trường Sơn, họ chưa được biết đến như một nhà văn, đơn giản vì bấy giờ họ chưa sáng tác hoặc đã sáng tác nhưng chưa có gì nổi bật. Những dẫn chứng từ tác phẩm của các nhà văn ở đây cũng chỉ là đôi nét chấm phá sao cho có thể phản ánh một cách tương đối đa dạng hiện thực đã diễn ra trên con đường lịch sử này.
Có điều rất cần lưu ý là, phải đặt những tác phẩm ấy vào thời điểm chúng ra đời mới thấy hết giá trị to lớn của chúng, mới thông cảm với những gì còn bất cập trong những dòng chữ, những trang sách ấy.

Thật ra, tác phẩm của nhiều nhà văn viết về đường Hồ Chí Minh đủ sức để một số người, thậm chí để một số tác phẩm cần có những bài viết riêng, những công trình nghiên cứu riêng. Giới thiệu các nhà văn và tác phẩm ấy ở đây chúng tôi chỉ muốn nhìn nhận một khía cạnh nữa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và để thấy sức mạnh mà Đảng ta đã huy động cho cuộc kháng chiến: một sức mạnh tổng hợp, mà đường Hồ Chí Minh là nơi đã rèn luyện, đã đào tạo nhiều nhà văn, đã để lại trong họ một ấn tượng cực kỳ sâu đậm.
Tháng 3 năm 1999
KD

HẾT
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2010, 12:06:42 pm gửi bởi SaoVang » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM