Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:48:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Trường Sơn  (Đọc 92798 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:02:16 am »

Tên sách: Lính Trường Sơn
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 1999
Số hoá: ptlinh, Sao Vàng


LỜI GIỚI THIỆU

Chiến tranh lùi xa đã hơn 20 năm. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, con đường đã trở thành huyền thoại. Đối với kẻ thù, đường Trường Sơn vẫn là bí ẩn vì chính con đường đó đã vô hiệu hóa toàn bộ sự cố gắng cao nhất của nền khoa học quân sự hiện đại Mỹ, nhằm chặn đứng mạch giao thông vĩ đại này.

Cho đến nay, vẫn trong sự ngạc nhiên, với bao nhiêu công trình nghiên cứu, bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí mô tả, phản ánh, người Mỹ dường như vẫn chưa chạm tới được cái chân lý giản dị nhất trong cuộc đối đầu của họ ở Trường Sơn. Đó là cuộc đọ sức của những kẻ xâm lược với con người Việt Nam, nhân cách và bản sắc một dân tộc có truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc đó không chịu khuất phục và không chịu làm nô lệ.

Tập sách nhỏ này (tập sách đầu tiên trong cuộc thi viết “Kỷ niệm sâu sắc chuyên đề về lính Trường Sơn”) là một minh chứng giản dị được thể hiện chân thực của những người trong cuộc vốn là những thanh niên từ nhiều làng quê trong cả nước tụ hội về con đường chiến lược này để làm bộ đội và thanh niên xung phong. Ghi chép của các anh các chị là những trang đẩy ắp hơi thở của cuộc sống thực, phản ánh tâm tư và sự cố gắng đóng góp của từng con người về sự sống của con đường.

Sự đóng góp nhỏ của mỗi người, như giọt nước góp mình cho dòng sông, đó là sức mạnh muôn người như một tạo nên sức mạnh tổng hợp diệu kỳ của con đường mang tên Bác. Đồng thời tập sách còn phản ánh lên cuộc sống hiện tại của những người lính Trường Sơn đang có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, các anh đang tiếp nối truyền thống Anh hùng: không những đánh giặc giỏi mà lao động cũng giỏi, mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Ra đời vào dịp Nhà nước kỷ niệm trọng thể 40 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tập sách nhỏ này sẽ là tập tư liệu quý để các bạn trẻ trong và ngoài quân đội hiểu biết thêm về những ngày gian khổ, hào hùng của "Lính Trường Sơn" trong kháng. chiến chống Mỹ, trong nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hiện nay.
PHÒNG VĂN HÓA - VĂN NGHỆ
CỤC TƯ TƯỞNG - VĂN HÓA
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:03:25 am »

Phần thứ nhất
Trường Sơn ngày ấy...
[/size][/size]

BÁC HỒ VỚI TRƯỜNG SƠN
TRỌNG KHOÁT


Là một đảng viên của Xứ ủy Nam Trung Bộ từ năm 1933 - 1936, đã trải qua lao tù đế quốc từ Ba Tơ, Lao Bảo, lại bị đầy an trí ở Tây Nguyên, độc lập xong, đồng chí Võ Bẩm được bổ sung vào quân đội, giữ trọng trách là ủy viên quân sự của Liên khu ủy Khu 5. Anh đã hai lần vượt biển Đông rồi Trường Sơn theo chỉ thị Liên khu ủy, được Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép tổ chức một đoàn thuyền vượt gió bão biển Đông, lên tận đảo Hải Nam, Trung Quốc chở vũ khí về cho quê hương đánh giặc. Tháng 5 năm 1959, anh được lệnh vào Trường Sơn thành lập Đoàn 559. 

Trong giai đoạn đầu, anh đã tổ chức các cung gùi thồ thành công. Hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn tấn vũ khí, thuốc men, nhu cầu sinh hoạt cùng bao tài liệu đã theo trên lưng người chiến sĩ 559 vào Khu 5, Nam Bộ, làm nên các cuộc tiến công, đồng khởi long trời lở đất.

Mùa đông năm 1962, để chuẩn bị cho kế hoạch vận chuyển Đông - Xuân 1962 - 1963, anh ra Hà Nội làm việc với Bộ Quốc phòng và một niềm vinh dự lớn lao đã đến với anh được gặp Bác Hồ. Với giọng nói trầm vang, suôn sẻ như không phải lục tìm gì mấy trong ký ức tưởng sắp già lẫn của anh, đồng chí Võ Bẩm kể:

“Trưa hôm ấy, mình đang ở nhà riêng, số 25 phố Phan Đình Phùng, Hà Nội, nghe tiếng chuông điện thoại reo. Có điện từ trong Thành báo ra gọi mình vào ngay phòng làm việc của Quân ủy Trung ương, nói là có việc gấp. Họ bảo mình phải ăn mặc quân hàm, quân hiệu chỉnh tề. Mình đoán là có thể làm việc với cán bộ cấp cao của Đảng hay quân đội. Mình mở tủ khoác vội bộ đồ dạ đ xếp để tận trong ngăn đáy. Nó nhăn nhúm quá cũng chẳng kịp là. Lục bộ quân hàm đại tá móc vội vào ve áo. Để đầu trần, mình đi thẳng vào Thành lối cổng Cửa Bắc.Qua trạm gác, một đồng chí cảnh vệ chạy ra ngăn lại bảo: "Đồng chí đại tá đeo quân hàm ngược rồi. Để tôi đeo lại cho". Anh ta đứng nghiêm xoay lại chiều đôi quân hàm và đề nghị mình quay về lấy mũ kê-pi đội, vì quy định của Bộ, quân nhân không được để đầu trần khi qua trạm gác.”
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:04:19 am »

*
*   *

Vào đến phòng làm việc, vừa bước qua cửa, đã nhìn thấy Bác Hồ đang ngồi. Ở bàn phía trong, nói chuyện với đồng chí Văn Tiến Dũng, lúc bấy giờ là Tổng Tham mưu trưởng. Đi gặp Bác mà lại đến muộn? Mình vừa xúc động vừa hoảng quá, đứng ngay như phỗng, giơ tay chào theo đúng điều lệnh mà miệng lắp bắp: "Cháu... cháu chào Bác ạ."

Bác và anh Văn Tiến Dũng cùng đứng lên, đi về phía cửa ra vào. Bác bảo "Chú Bẩm này, chú chào đúng động tác nhà binh lắm. Thế là tốt". Mình đứng nghiêm, còn định hô "Chúc Hồ Chủ tịch..." thì Bác đã đưa tay ra nắm lấy bàn tay phải mình. Mình run lên. Đúng như câu thơ Tố Hữu: "Bàn tay Bác ấm vào dạ vào lòng".

Để cho mình đỡ hồi hộp rồi Bác bảo ngồi xuống ghế đối diện Bác, bên cạnh anh Văn Tiến Dũng. Với cặp mắt hiền từ, giọng nói ấm áp, Bác bảo:

- Chú vừa ở trong Trường Sơn ra, có khỏe không?

- Dạ thưa Bác, cháu mấy ngày nay có hơi mệt nhưng đã đỡ ạ.

Bác nhìn theo có vẻ thương cảm, rồi hỏi tiếp:

- Nào, chú báo cáo cho Bác nghe đi. Tình hình Đoàn 559 trong Trường Sơn do chú phụ trách ra sao.

Thấy tôi có vẻ bối rối, vừa là xúc động, vừa còn lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu, Bác gợi cho tôi nói từng ý: Đại loại là vận tải tiếp tế người, súng đạn cho chiến trường miền Nam được bao nhiêu, tới những đâu. Đặt trạm, lập kho, đưa quân, dẫn cán bộ như thế nào...

Tôi mở sổ tay, báo cáo với Bác từng con số, địa danh và sự vui mừng của các đơn vị, địa phương khi nhận được hàng tiếp tế của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tôi cũng không quên nhắc lại câu nói của anh em Hậu cần Khu 5 khi nhận những khẩu súng đầu tiên. Họ reo lên: “Súng của miền Bắc, của Bác Hồ đã gửi đến đây rồi? Sướng quá. Phen này thì Mỹ - ngụy phải thua to”. Nghe xong thành tích của chúng tôi, Bác gật đầu khen tốt. Sau đó Bác hỏi:

- Thế các anh em cán bộ, chiến sĩ ta có đủ sức khỏe làm việc không? .

Câu hỏi này làm tôi hơi lúng túng. Vì thực ra, anh em ta vào trong ấy, mặc dầu đều là những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, có sức khỏe dẻo dai và nhiệt tình hăng say vì quê hương ruột thịt. Nhưng phải trèo đèo lội suối mang vác cực nhọc, lại mưa nắng dãi dầu, ăn đói mặc rách, bệnh sốt rét và nhiều bệnh tật khác theo nhau hành hạ. Lại còn muỗi vắt rắn rết, thú dữ, tai nạn, đạn bom rình rập... Một số đồng chí đã hy sinh, nhiều anh ốm đau, mất sức đã phải cho ra phía sau an dưỡng, điều trị... Nhưng tôi không dám báo cáo chi li tình tiết với Bác sợ Bác lo buồn ảnh hưởng đến sức khỏe của Người nên tôi chỉ biết nói tóm tắt chung chung:

- Dạ thưa Bác, anh em 559 chúng cháu tuy gian khổ, vất vả nhưng vẫn cố gắng giữ sức khỏe. Đặc biệt tinh thần quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của anh em rất cao. Vì hầu hết là con em miền Nam tập kết nên luôn sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì quê hương ruột thịt. 
Tôi báo cáo một số gương dũng cảm, hy sinh để Bác nghe.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:05:00 am »

Ở Văn phòng Quân ủy Trung ương, tấm bản đồ tham mưu kích cỡ khá to, mỗi lần thay đổi tọa độ phải có người quay trục. Tôi đứng báo cáo chỉ trên bản đồ các vị trí con đường, sông suối… Bác cùng đứng bên nghe và dõi theo rất chăm chú. Có những chữ quá nhỏ, Bác phải ghé sát nhìn. Tôi thấy Bác đứng lâu, sợ Bác mệt, liền đề nghị cho ngồi xuống bàn, đưa tập bản đồ gấp nhỏ trong cặp của tôi ra để báo cáo, Bác và anh Văn Tiến Dũng đồng ý. Tôi lại được ngồi sát bên Bác để chỉ rõ những nơi chúng tôi đã đặt trạm, mở đường, chạy xe, thồ gùi bộ, giao hàng. Bác hỏi về đời sống và tinh thần tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào. Tôi báo cáo:

- Đồng bào ở các tỉnh mà tuyến 559 đã đi qua, cả trên đất Việt và đất Lào, đều rất hăng hái tham gia mở đường, vận chuyển. Như ở một số huyện miền Tây Quảng Nam, nhiều làng, bản, cả trẻ, già, trai gái đều lên đường tiếp chuyển hàng của miền Bắc gửi vào. Có nơi, không những thanh niên mà cả ông già, cả các cháu thiếu niên cũng đòi được nhận phân công gùi hàng.

Thỉnh thoảng Bác nói tôi tả rõ cho Bác nghe về cách khuân vác hàng qua sông, vượt núi cheo leo; cách lao động phát lối mở đường qua rừng rậm. Bác bảo "phải tìm cách cải tiến công cụ và cách làm để cho anh em và bà con lao động đỡ vất vả”. Bác còn bày cách làm xe cút-kít một bánh hai càng bằng gỗ như ở Nghệ An quê Bác.

Tôi báo cáo lại những tấm gương hy sinh dũng cảm, thì Bác yêu cầu nói rõ tên người, tuổi, quê quán để Bác biết. Khi nghe đến tình hình đồng bào ta từ dưới khu vực Mỹ - ngụy tạm chiếm trốn lên Trường Sơn xin tham gia kháng chiến, tố cáo về tội ác của chúng đã gây ra cho gia đình, quê hương, Bác nhiều lần ngậm ngùi chớp mắt. Rồi Bác hỏi:

- Đồng bào các vùng bộ đội chú đi qua, đời sống ra sao. Bà con có đủ cơm ăn, áo mặc hay không?

Lại một lần nữa tôi lúng túng. Tôi định bụng cứ biết vậy, để rồi sau sẽ tìm cách giúp đỡ đồng bào khi mình có điều kiện. Nhưng thấy nếu không nói thật với Bác là có tội, tôi thưa thật cùng Bác: 

- Dạ thưa Bác. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Trị - Thiên - Nam - Ngãi cũng như đồng bào Thượng ở Tây Nguyên đều rất đói khổ. Họ phải quanh năm ăn rau, ăn cháo hoặc lên núi đào củ, kiếm măng. Trồng bắp, tra lúa thì thú rừng phá hoặc Mỹ cho bom, đại bác bắn vào. Chúng còn cho lính ngụy, biệt kích lên theo dõi, ngăn trở bảo là làm nương nuôi cách mạng. Cơm không có ăn, muối không có, phải đốt gio, mài đá mà ăn. Về cái mặc, không còn là rách rưới, mà nhiều nơi, phụ nữ cũng trên không áo, dưới chỉ có mảnh vỏ cây khô đập giập che thân.

Thấy Bác rơm rớm nước mắt, tôi chuyển sang những câu chuyện lạc quan hơn một chút. Đó là hình ảnh những pò, me (tiếng dân tộc gọi là bố, mẹ) suốt năm suốt tháng chỉ ăn củ, ăn rau, vẫn làm nương trồng lúa. Họ bảo để có thóc gạo dành cho Bộ đội Cụ Hồ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:05:57 am »

Bác hỏi:

- Thế các chú không tiếp tế được gạo vào sao, còn để đồng bào đã đói kém lại phải nuôi.

- Dạ thưa Bác - tôi trả lời - ở phía ngoài thì cả nhân dân và bộ đội đều có gạo gùi thồ từ Bắc vĩ tuyến vào san sẻ nhau ăn. Nhưng phía trong thì lúc đầu phải chịu ăn rau, ăn củ. Về sau lâu dài, phải tăng gia lấy ngô sắn, lúa gạo mà ăn.

- Thế đồng bào chịu nhịn để các chú ăn, các chú cũng lấy à - Bác hơi nghiêm sắc mặt hỏi.

Tôi thưa:

- Dạ, chúng cháu đã đề ra kỷ luật, lúc đầu là lánh xa dân để giữ bí mật. Về sau dân biết có Bộ đội ông Cụ đi vào đánh Mỹ, họ lần theo biết hết. Họ loang gạo, ngô, mang bầu bí đến bắt anh em ta phải nhận. Anh em không nhận, họ nói: "Tụi bay chê tao nghèo, không cho tao đóng góp cho cách mạng à?". Có mẹ nói: "Chúng tao đói còn lên rừng đào được củ mà ăn, còn tụi bay đi cách mạng là đi miết. Đói lấy gì mà sống để đánh giặc".

Bác cười hóm hỉnh:

- Thế rồi các chú đành phải nhận chứ gì?

- Dạ thưa không. Chúng cháu chỉ chịu thua đồng bào lúc đó, nhận cho đúng phép. Sau đó tập trung vào, bí mật nhờ cốt cán trong bản chuyển đến giúp những bà con nơi nào còn thiếu đói. Những cử chỉ và tình nghĩa mặn nồng như vậy của đồng bào đã thôi thúc anh em càng quyết tâm phục vụ kháng chiến, giải phóng miền Nam cho nhanh để đồng bào được có đủ cơm no, áo lành, được học hành như Bác hằng mong. Thưa Bác, bà con Tây Nguyên còn có câu nói cửa miệng là "đánh Tây, đánh Mỹ cho hết sạch để người Tây Nguyên chóng có hạt muối của Cụ Hồ mà ăn ạ".

Bác lại gật đầu và bảo tôi lấy sổ tay ghi kỹ mấy điều Bác dặn:

- Việc đầu tiên, chú về lựa chọn những anh em nào hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhất, lập danh sách để báo cáo lên Bác, Bác sẽ khen thưởng.

- Sau đó, chú vào nhớ chuyển đến đồng bào và chiến sĩ lời biết ơn và hỏi thăm sức khỏe của Bác. Nhớ nói với bộ đội và đồng bào là nếu mọi người cố gắng, đánh Mỹ - ngụy thành công thì Bác càng rất khỏe. Đồng bào và chiến sĩ thi đua nhau đánh giặc và sản xuất tốt để Bắc - Nam chóng sum họp một nhà.

- Việc nữa, rất quan trọng là chú báo cáo Thường vụ Quân ủy phải chuyển ngay cho đồng bào dân tộc ít người dọc Trường Sơn 30 tấn gạo, 10 tấn vải và dăm tấn muối, chú có làm được không?

- Dạ thưa Bác, chúng cháu cố gắng làm được ạ.

Bác vui vẻ chia tay chúng tôi quay về Phủ Chủ tịch, Bác bảo anh Văn Tiến Dũng cứ ở lại phòng làm việc rồi quay lại khoác vai tôi ra khỏi cửa và dặn thêm:

- Các chú ở Trường Sơn lâu nay làm việc tiếp tế và mở đường như vậy là tốt, cần tiếp tục phát huy. Riêng chú, phải nhớ hết sức giữ gìn sức khỏe. Phải luôn chăm lo đến anh em và đồng bào. Phải giữ nguyên tắc, giữ bí mật và phải thật khôn khéo để làm được tốt hơn. 

Từ giã Bác ra về, tỏi chuẩn bị trở vào với Đoàn 559 ở Trường Sơn. Trước lúc ra đi, tôi đã sang bàn bạc với ủy ban Thống nhất Trung ương để các đồng chí cùng chúng tôi lo đủ số lương thực, vải, muối mà Bác đã chỉ thị tặng cho đồng bào miền núi dọc Trường Sơn đang thiếu đói. Đến mùa xuân năm 1963, các món quà đặc biệt của Bác Hồ đã được chuyển đến các bản, tận tay những người dân mà chúng tôi rất cảm phục vì một lòng một dạ thủy chung với cách mạng, nguyện mãi mãi đi theo tiếng gọi của Bác Hồ: "Đất nước còn quân xâm lược thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi".
Hà Nội 8-3-1999
(ghi theo lời kể của đồng chí Võ Bẩm).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:07:05 am »

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP Ở NẬM TALÊ
KHỔNG YẾN PHƯƠNG


Mặt trời gần tròn bóng. Đoàn xe vừa tới khu tạm dừng, tôi bước tới chiếc thứ hai, chào đón Tổng tư lệnh có các anh Đồng Sĩ Nguyên và Đặng Tính đi cùng.

Khách vào lán tạm nghỉ bên bờ suối. Công vụ bưng thau nước tới, Đại tướng khẽ hỏi:

- Đồng chí để tôi xuống cầu phao được chứ?

Anh chiến sĩ lúng túng đỏ mặt. Tôi đứng bên vội đỡ lời:

- Thưa được ạ? Nhưng để đồng chí ấy xuống trước xem lại đã (tôi muốn làm động tác chứng minh sự an toàn để người cán bộ bảo vệ đi theo khỏi ngại).

Tổng tư lệnh cười, nhẹ nhàng nói: 

- Anh em vẫn dùng hàng ngày mà.

Ông thong thả bước từng bậc xuống cầu phao, chăm chú nhìn những nút lạt mây buộc thanh vịn, những đoạn tre ngà vàng óng ken mặt cầu, mấy dò phong lan hoàng điệp rực rỡ. Ông khoả tay xuống dòng nước trong veo mát lạnh, ngước nhìn mặt suôn thoáng rộng, quay sang người cán bộ đứng hộ tống bên cầu.

- Đồng chí mần chi ở đơn vị?

- Dạ... Báo cáo Đại tướng, tôi là "xê" trưởng ạ?

- Đồng chí người Bố Trạch phải không?

Người cán bộ công binh mở to mắt như một sự bất ngờ đến lạ lùng.

- Dà, dà... Đúng ạ.

Đại tướng mỉm cười: 

- Anh em khéo tay lắm. Chiếc cầu vững chãi, rất đẹp, đơn vị mới làm đón khách phải không? 

- Dạ, dạ... làm từ trước...

- Những nút lạt, vệt đeo các bậc lên xuống đã mách bảo tôi rồi. Cảm ơn đồng chí muốn tránh cho khách khỏi áy náy...

Đã từ lâu tôi nghe và đọc sách báo trong nước, thế giới ca tụng tài năng quân sự và nhãn quan chiến lược thông tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi cũng đã chiêm nghiệm gần ba chục năm chiến đấu, thực tế hiển nhiên đó buộc ta không thể hiểu khác. Nhưng hôm nay được chứng kiến vị thống lĩnh quân đội có thái độ trân trọng công sức của quần chúng, lại rất thông cảm tâm lý con người Việt Nam trong bộ quần áo lính... tôi chợt nghĩ, ông đã nhìn chuyện đời và lòng người bằng con mắt của sử gia dân tộc, chứ không bằng cách nhìn của “ngài" Tổng tư lệnh. Một ấn tượng mới về ông mãi hằn đậm trong tôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:07:59 am »

Sau nghỉ trưa, đoàn đi về hướng ngã ba Lùm Bùm. Tới đèo Cốc Mạc, Đại tướng ra hiệu ngừng xe để quan sát địa thế con đường bị địch ngăn chặn quyết liệt. Tổng tư lệnh đi vào trận địa cao xạ ngay đầu trọng điểm. Ông đến từng khẩu đội, xem xét cách bố trí, thăm các chiến sĩ và nghe anh tiểu đoàn trưởng báo cáo trận đánh có hiệu quả nhất tại trọng điểm này.

Tổng tư lệnh hoan nghênh cách ứng dụng sáng tạo chiến thuật đánh tiêu diệt trong hoàn cảnh địa hình cụ thể, bám sát mục tiêu bảo vệ giao thông vận tải. Ông bắt tay từng cán bộ, chiến sĩ. Họ cứ ngây người nhìn khuôn mặt đôn hậu gần sát bên họ. Tôi thoáng nghe tiếng líu ríu:

" Đại tướng nắm tay tớ...”

“Ông cụ nắm đến chặt cậu ạ...”

Thì ra những người lính rất tinh tế, họ hiểu tấm lòng cấp trên qua cái bắt tay.

Đến ngã ba Lùm Bùm, xe quặt theo đường 20A. Đoạn dốc Chà Là bị đánh quyết liệt nhất trong mùa khô 1971 - 1972. Suốt hăm bốn giờ có từ 12 đến 15 tốp cường kích và B52 giội bom liên tục, kéo liền sáu mươi hai ngày đêm. Cả vùng đồi núi hơn một trăm ki-lô-mét vuông trốc lốc, hàng chục vạn hố bom ken nhau khoét thành những ao hồ đặc nước.

Ngọn Phu La Nhích đột ngột nhô cao. Đường vượt đèo đỏ đọc ở xa trông như tấm vải hồng vắt lên đám mây đang bồng bềnh trôi. Hàng vạn thân cây cụt ngọn lô nhô tựa một rừng giáo mác dựng ngược. Tiểu đoàn 33 công binh đã cố dọn dẹp cho giảm bớt độ căng thẳng nhức nhối. Song những xác xe cong queo, những chiếc ca-bin, bệ pháo bẹp rúm, thùng phuy cháy ngổn ngang đã nói rõ cả.

Đoàn xe lên tới đinh đèo, chỗ có ba đường vượt sông Ta Lê. Một chiến sĩ gái quán phục mầu rêu bước ra phất mạnh lá cờ hiệu chỉ đường xuống ngầm. 

Tổng tư lệnh mở cửa, bước tới bên chiến sĩ gái. Cô sững người lúng túng đưa tay lên vành mũ.

- Cháu... cháu chào Đại tướng ạ!

Tổng tư lệnh đáp lễ, bắt tay cô chiến sĩ.

- Đồng chí quê ở đâu?

- Dạ! Cháu người Quốc Oai ạ

- Gái quê lụa hở! - Đại tướng cười đôn hậu. 

- Dạ!

- Đồng chí nhập ngũ năm nào

- Báo cáo! Cháu nhập ngũ năm 72, ở tiểu đoàn nữ binh Trưng Trắc vào đấy ạ

- Đồng chí lên Trường Sơn đúng vào lúc Tổng thống Mỹ muốn làm nhụt tinh thẩn của nhản dân ta bằng B52 đấy! - Đại tướng trìu mến nhìn gương mặt trẻ măng - Đồng chí đã dự mấy trận chiến đấu rồi?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:09:08 am »

Cô chiến sĩ bớt e ngại, mạnh dạn kể những trận chiến dấu chống máy bay Mỹ đánh phá đỉnh đèo này. Nhưng cô chỉ kể chuyện về chị tổ trưởng Trần Thị Loan có sáng kiến tháo thuốc quả bom nổ chậm để làm bộc phá, cách cắt bom từ tính, và cô bạn thông tin Nguyễn Thị Thịnh có sáng kiến về cách kiểm tra bom rơi ban đêm, đồng chí tiểu đoàn trưởng công binh đã gan dạ dẫn xe vượt bom từ trường... .

Đồng chí trung đoàn trưởng đứng lên khẽ nhắc:

- Sao không báo cáo với Đại tướng sáng kiến của cô hạ gỗ lát kín hố bom, cho tiểu đoàn xe vượt hết, rồi mới chữa đường.

Mặt cô chiến sĩ thắm lại, cúi đầu nói lí nhí:

- Chuyện... có gì mà kể ạ!

- Còn chuyện cô "liều” lái chiếc xe đồng chí bị thương qua đèo nữa...

Cái nóng ở đâu như ập vào người cô công binh, nước ướt đầm lưng áo.

Tổng tư lệnh trìu mến nhìn người chiến sĩ gái đang cuống quít vì chỉ huy nhắc đến chiến công của mình. Ông dịu dàng động viên:

- Khiêm tốn đáng quý lắm, nhưng nói rõ để rút kinh nghiệm cho người khác cùng làm lại càng quý đấy.

- Báo cáo rõ ạ!

Trên đỉnh đèo lộng gió, Tổng tư lệnh nhìn thèo hướng tay của sư trưởng Nguyễn Đàm giới thiệu địa hình khu trọng điểm liên hoàn: "Phu La Nhích - Ta Lê - Cua chữ A". Dưới chân đèo phía đông, dòng sông uốn khúc ôm lấy sườn đá trơ trụi. Mặt sông tựa một nét mầu xanh sẫm, phía thượng lưu thác đổ trắng xóa, khiến dòng sông như bị đứt thành nhiều đoạn.

Con đường 20A từ đỉnh Phu La Nhích oằn oèo lượn theo bình độ bò xuống, hơi chếch hướng đông bắc, men hẻm núi kín, băng qua tràn đá "ngầm" vượt sông. Rồi lại ngoi lên uốn theo những "cua" gấp khúc. Bộ đội, thanh niên xung phong gọi nó là "Cua A mẹ", "Cua A con"... Bên kia trọng điểm là tổng kho phía. trước cua Binh trạm 14...

Sư trưởng Nguyễn Đàm ngồi xe đầu dẫn đoàn theo trục đường giới thiệu đã đi vào cái "túi bom" thuộc địa.

Nước sông Ta Lê giữa tháng 3 chưa cao, mặt ngầm phẳng rộng, hàng lộ tiêu sừng sững dọc hai mép. Lái xe yên tâm giữ đều tốc độ, nước tóe vọt loa lóa. Lên khỏi ngầm, đoàn xe chạy một mạch qua "Cua Chữ A", Đại tướng bảo dừng lại thăm anh em.

Chỉ một loáng cả đơn vị đã bao quanh vị Tổng chỉ huy của mình, tiếng chào mừng òa lên rộn rừng.

Đại tướng đưa hai tay quá đầu vẫy chào, cười nói:

- Tôi đến thăm các đồng chí và muốn nghe một kỷ niệm chiến đấu sâu sắc nhất của đơn vị. Được không?

- Được ạ? - Tiếng đáp đồng loạt vang núi.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2010, 10:12:09 am »

Đỗ Hải, trung đội trưởng công binh bảy năm liền trụ bám trọng điểm được anh em đồng thanh tiến cử kể chuyện.

- Hôm đó ba tốp máy bay địch từ hướng đông vọt lên, nối tiếp nhau phóng bom kết thành vệt dài từ "Cua Chữ A" đến Ta Lê. Địch đánh mãi đã quen địa hình này, nên xác suất trúng đường khá cao.

Lực lượng công binh đã có kinh nghiệm chống phá hoại khẩn cấp. Mọi vật liệu thiết yếu chuẩn bị sẵn: đá hộc, gỗ tròn, ván lát kê... dồn dập chuyển đến. Các tổ ứng dụng biện pháp cạp hố bom lót ván cho xe vượt xong rồi sau sẽ san lấp. Chỉ hai mươi phút thông đường.

Tiểu đoàn 781 nhanh chóng qua "Cua Chữ A", đang vượt ngầm Ta Lê, bỗng có báo động khẩn cấp, kẻ địch đánh trận tiếp theo sớm một giờ, trái quy luật thường ngày.

Giữa trọng điểm xe không thể lùi lại, cũng không có chỗ tạt ngang trú ẩn. Binh trạm ra lệnh tất cả các loại pháo, súng máy trên đỉnh núi phải chặn địch từ xa, đánh hất địch lên cao. Bầu trời thoắt đỏ rực, phủ kín đoạn đường, dòng sông... Công binh vẫn bám trọng điểm, xe tiếp tục vượt.

Đột nhiên một chớp sáng ngợp mắt bùng lên giữa sông. Không nghe tiếng nổ. Một xe tải biến mất, một xe lật úp bên ngầm. Đoàn xe khựng lại.

Đội công binh bảo đảm ngầm hối hả băng xuống. Hai xe "ben" chở gỗ đá trực sẵn chân dốc lùi nhanh tới chỗ bị phá... Mất hơn mười phút cạp hố bom, nắn xong đoạn tránh, đặt lộ tiêu.

Hiệu lệnh thông đường. Đoàn xe khởi động máy vượt tiếp. Lái 781 nổi tiếng gan dạ, vậy mà lần ấy... họ vừa chớm đoạn mới chống phá hoại, các tay lái ký cựu bỗng ngập ngừng(?) ... Họ không tin đội bảo đảm ư? Vâng, tôi nổi cáu, bì bõm lội tới đầu xe... Thì ra, anh em ngần ngại vì hai mép ngầm trước mặt không phải những cọc tiêu lân tinh nữa, mà là hàng cọc tiêu sống - những cô gái khoác dù trắng...

Trên đầu tiếng phản lực vẫn ràn rạt... Hàng ngàn tia lửa đạn loang loáng bao quanh. Các chiến sĩ "lộ tiêu” vẫn đứng trơ giữa dòng nước. Mấy cô bị đá văng trúng, lảo đảo, nghiến răng nắm chặt tay nhau giữ thăng bằng...

Đại tướng, Tổng tư lệnh chăm chủ lắng nghe. Đôi mắt ông thoắt mở to, thoắt khép lại, dường như bị cuốn hút vào cuộc chiến vô cùng dũng cảm của đội quân "tường đồng vách sắt" đáng kính phục.... Ông quá hiểu trong mọi trận chiến đấu, người ta đều tự vệ bằng cách đánh trả, sự che khuất, hoặc bằng di động... Còn ở đây, những con người ấy cứ nguyên tại chỗ để sửa đường, làm cọc tiêu(?) Anh cán bộ này đã hai ngàn ngày đẫm mình trong đạn bom trọng điểm ấy...

Đỗ Hải kể xong, Đại tướng choàng tay ôm lấy anh, rồi bắt tay từng người, xúc động nói:

- Tôi rất cảm ơn các dũng sĩ Trường Sơn, những người con ưu tú của dân tộc góp phần làm nên thắng lợi rực rỡ kỳ diệu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2010, 06:12:52 pm »

Đêm đó, Tổng tư lệnh nghỉ lại bên nậm Ta Lê giữa đạo quân trung dũng, ngay cửa ngõ đường Hồ Chí Minh. Đại tướng muốn chia sẻ với các chiến binh nơi tuyến lửa niềm vui bước đầu thắng Mỹ trên chặng đường dài lịch sử.

Bộ đội, thanh niên xung phong. Cửa khẩu 20 - Quyết Thắng hồ hởi đón nhận vinh dự lớn này. Nhưng chỉ hiềm nỗi nghèo vật chất quá. Gấp gáp quá, chỉ kịp dọn dẹp trang trí lại mấy ngôi nhà "âm" của sở chỉ huy Binh trạm 14 để đón Đại tướng và Bộ tư lệnh 559. 

Sau bữa cơm chiều, Tổng tư lệnh vui vẻ tọa đàm với cán bộ. Tôi chọn được chỗ ngồi khá thuận lợi dễ nghe, dễ thấy.

Qua cách diễn đạt thoải mái theo một lô-gic chặt chẽ, Tổng tư lệnh cho thấy:

"…Ta thắng hiệp đầu trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng cũng khá dài. Mười tám năm bảy tháng rồi còn gì. Trong lịch sử chiến tranh, đây là lẩn đầu dân tộc ta đối chọi với tên xâm lược khổng lồ có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới, có tư duy chiến lược sắc sảo hiểm độc vượt xa các đế quốc đương thời.

…Mỹ đổ vào cuộc chiến tranh Việt Nam, theo số liệu họ công bố chưa đầy đủ đã tốn gần ngàn tỷ đô-la, mười chín phần trăm tổng lực lượng quân sự, năm triệu rưởi lao động chính quốc phục vụ hậu cần chiến tranh...

Riêng với việc ngăn chặn đường "mòn", Mỹ đã huy động trí tuệ hầu hết các nhà khoa học kỹ thuật nổi tiếng để sáng chế các chương trình chiến tranh điện tử, chiến tranh "trụi lá rừng" - thực chất là chiến tranh hóa học, chiến tranh địa vật lý... Phải dốc sức thế, vì Mỹ ý thức rõ đường "mòn" Hồ Chí Minh là "động mạch" chủ yếu của cơ thể Việt Nam và cũng là chiếc "thòng lọng" siết lấy cổ họng người "khổng lố".

Cuộc chiến tranh chinh phục Việt Nam nằm trong chương trình công cộng ở châu Á. Chủ tâm của giới cầm quyền Mỹ là không thể bỏ chỗ đứng ở Việt Nam, nhưng rồi Mỹ vẫn phải ký hiệp định Paris. Song, chúng ta cần hiểu đúng thực chất khả năng của Mỹ. Không phải nó đã kiệt sức đâu, nó còn cố gắng được nữa. Tuy vậy vẫn phải rút khỏi miền Nam Việt Nam vì những chuyện nhức đầu đang nổ ra ngay trong nước Mỹ, trong quân đội và sự chống đối ngay giữa nội bộ những người có thế lực chi phối rất lớn.

Về phía ta, tuy thắng, nhưng ta cũng còn nhiều chỗ yếu kém; nhất là đôi lúc còn khá chủ quan, nên tổn thất không nhỏ, cũng hạn chế thành quả".

Tôi bị hút bởi cách phần tích thắng lợi và nguyên nhân rất thanh thoát. Ông không dùng những danh từ to tát có ý phô trương nhằm gây ấn tượng và cũng không quên những yếu tố từ phía địch tạo thuận lợi đặc biệt quan trọng cho ta chiến thắng... Trong cách so sánh lực lượng, không một lúc nào ông tỏ ra coi thưởng sức mạnh của đối phương, không cường điệu khả năng ta và rất tỉnh táo tự thấy mình... Sức thuyết phục của ông là ở chỗ đó. Tôi liếc nhìn những khuôn mặt đang ngửa lên im phắc.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM