Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:10:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  (Đọc 107926 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:46:25 pm »


ĐỀN HÁT MÔN

Làng Hát Môn nay thuộc xã cùng tên, ở huyện Phúc Thọ. Đền thờ Hai Bà, thường gọi là miếu Hát, nằm ở rìa phía đông bắc làng, mé trong đê sông Hát.

Ngay chân đê là một hàng bốn cột hoa biểu lực lưỡng, trên cột có nhấn nhiều câu đối. Từ đây vào đền còn khoảng non trăm bước. Tương truyền ngày Hai Bà khởi binh, đàn thề đã lập tại đây. Ngày ấy chưa có đê, chưa có các xã Vân Nam, Vân Phúc nên dòng Hát chảy không xa nơi lập đền thờ là mấy. Theo lời kể ở địa phương thì đền này được lập từ đời Tiền Lê nhưng đó cũng chỉ là lời truyền miệng chứ không có giấy mực ghi chép.

Theo Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái thì dường như đền Hát Môn được lập ngay sau khi Hai Bà hy sinh.

Việt điện u linh: “Hai Bà thua trận và cùng mất. Thổ nhân thương tiếc lập đền thờ tại địa hạt huyện An Hát”.

Lĩnh Nam chích quái: “Hai Bà thế cô, bị hại trong trận. Người trong châu thương cảm, lập miếu ở cửa sông Hát”.

Lại cũng hai sách này cho biết “đời Lý Anh Tông (1138-1175) gặp đại hạn, vua sai sư Tĩnh Giác lên đền cầu mưa, quả nhiên ứng nghiệm”. Như vậy là từ trước thế kỷ XII, ở Hát Môn đã có đền thờ Hai Bà nhưng nói rằng đền này có ngay sau khi Hai Bà tử trận thì còn phải khảo sát kỹ càng hơn mới khẳng định được1.

Cứ theo quy cách kiến trúc và đồ tự thì diện mạo hiện nay là có từ cuối thế kỷ XIX, đúng như lời kể của một tấm bia dựng ở hành lang (sẽ nói tới ở phần sau).

Tại nhà tiền tế có một bức hoành phi khắc bốn chữ Lạc Hùng chính thống có ý biểu dương sự nghiệp của Hai Bà là đã nối lại nền chính thống của các vua Hùng ngày trước.

Về câu đối, có một đôi bằng chữ Nôm khá đặc sắc:

Giặc Bắc đến nhà, gia quốc thù chung hai nữ tướng
Trời Nam có chủ, non sông riêng gánh một bà vua.


(Cử nhân Dương Bá Trạc)


Nhưng đôi câu đối mà nhiều người biết đến là:

Đồng trụ triết hoàn Giao Lĩnh trĩ
Cấm Khê doanh hạc Hát Giang trường


(Khuyết danh)

Nghĩa là:

Đồng trụ gãy hai còn, núi non Giao Chỉ vẫn vững
Cấm Khê đầy hay cạn, sông nước Hát Giang vẫn dài.


Ở hậu cung không có tượng mà chỉ có bài vị và là bài vị Hai Bà Trưng. Không có bài vị Thi Sách. Như thế nơi đây chỉ thờ có Hai Bà. Thêm một điểm khác với bên Hạ Lôi (Yên Lãng) là thần tích thì chép Hai Bà tự vẫn ở Hát Giang nhưng đồ thờ phụng, hoành phi, câu đối, hương án, long kiệu, đều phải sơn đen. Không có màu đỏ. Ngày trước có lệ định là ai bước chân vào đền cũng phải cởi bỏ mọi thứ trang phục màu đỏ (như thắt lưng, khăn, yếm...). Như vậy lệ định này chấp nhận giả thuyết Hai Bà chết về gươm đao.

Ở Hát Môn có lệ mở hội vào ngày mùng 8 tháng Ba, tục truyền là ngày Hai Bà hy sinh. Thuở trước tiệc cúng khá đặc sắc: tiệc bánh trôi, còn gọi là bánh tù tì. Nhưng việc này không phải là dựa vào sự tích Giới Tử Thôi bên Tàu như quan niệm khá phổ biến xưa nay2. Ở đây là dựa theo sự tích bà Âu Cơ sinh trăm trứng. Cho nên bánh cũng nặn thành trăm chiếc hình trứng chim. Lễ xong, dân làng đem 49 chiếc đặt trong bông hoa sen đưa ra sông Hát (khi còn là một sông lớn) thả cho trôi xuôi. Tục này có lẽ để nhắc lại Hai Bà là dòng dõi Lạc Hùng, vì theo thần thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ thì trong số 50 người con theo cha (tức Lạc Long Quân) về xuôi, một người ở lại Phong Châu, còn 49 người kia đi về các miền khác sinh cơ lập nghiệp thành các lạc tướng lạc hầu. Lạc tướng Mê Linh tương truyền là dòng dõi Hùng Vương3.

Ngoài ngày mùng 8 tháng Ba, ở Hát Môn còn có tiệc ngày mùng 4 tháng Chín tương truyền là ngày Hai Bà lên đàn thề tế cáo trời đất. Tiệc cúng trong ngày ấy là trâu thui cả con.

Tại đền này có một số bia cổ nhưng nội dung không liên quan gì tới sự tích Hai Bà. Chỉ là những bia ghi về việc tư sửa ngôi đền. Cổ nhất là bia Cung tiến bản từ nhị vị đại vương giám sát huệ điền bi ký. Bia đã mòn nhiều, người soạn là một ông tiến sĩ khoa Ất Mùi (1595) làm Binh bộ thượng thư (chỗ ghi tên họ bị mờ hết). Kể việc viên quan nội giám cúng ruộng cho đền. Bia khắc năm Vĩnh Tộ thứ ba (1622).

Một bia khác có tên Khắc thạch bi, do Nguyễn Trí Cung soạn. Ông này đỗ hội nguyên khoa Quý Mão đời Chính Hòa (1703). Bia khắc năm Vĩnh Hựu - Bính Thìn (1736) nói về việc sửa đền.

Bia có niên đại gần nay nhất là Miếu hướng bi ký do tú tài Hồ Danh Bật soạn năm Tự Đức thứ 35 (1882) nội dung cho biết đền Hát là nơi quốc tế (vua phải cử khâm sai thay mặt đến tế) nhưng bị hư hỏng nhiều. Dân đóng góp tiền của, công sức tu sửa và chuyển hướng đền.

Như vậy thì diện mạo và ngay cả hướng đền ngày nay mới có từ năm 1882.
_____________________________________
1. Theo lời kể từ xưa truyền lại ở đây (qua lời khai của hương lý làng này vào tháng 4-1938 ) thì trước khi thờ Hai Bà, làng Hát Môn thờ thần Bạch Thạch, cao như cột đình. Bạch Thạch là đá trắng. Phải chăng đó là ký ức của một thời cổ đại còn thờ cúng cự thạch hoặc linga.
2. Đời Chiến quốc, Giới Tử Thôi phò tá Trùng Nhĩ lúc còn hàn vi. Khi thành vua, Trùng Nhĩ quên Giới. Giới ẩn trong rừng. Có người nhắc, Trùng Nhĩ cho người đi gọi nhưng Giới không ra. Trùng Nhĩ ra lệnh đốt rừng. Giới - cũng không ra và chịu chết cháy. Sau đó người Tàu có lệ không nhóm bếp vào ngày Giới chết, ngày mùng 3 tháng Ba, vì vậy từ ngày hôm trước, họ làm bánh trôi để ăn vào ngày này.
3. Có một thuyết khác giải thích lệ bánh trôi như sau: Trước lúc Hai Bà xuất quân có một bà lão làm bánh trôi dâng tiến. Do đó mà có lệ người dân Hát Môn không ai dám ăn bánh trôi trước ngày lễ mùng 8 tháng Ba, vì như thế là vô lễ, dám hưởng món quà này trước Hai Bà. Bà lão dâng bánh cũng được lập miếu thờ cạnh đền Hai Bà.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:48:39 pm »


ĐỀN ĐỒNG NHÂN

Đền Hạ Lôi tương truyền là nền nhà cũ của Hai Bà. Đền Hát Môn tương truyền là nơi Hai Bà hội quân. Còn đền Đồng Nhân được dựng nên do một huyền tích. Huyền tích đã được kể lại trong Trưng Vương lưỡng vị thánh sắc: Sau khi gieo mình xuống sông Hạc (Hạc Giang), Hai Bà hóa thân thành tượng đá rực sáng, trôi xuôi đến bãi Đồng Nhân... Vua Lý Anh Tông biết chuyện cho người ra đón rước nhưng không được. Dân làng Đồng Nhân lấy vải đỏ ra đón thì được. Tượng đá lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, hai tay trỏ lên trời, một chân quỳ một chân ngả. Vua bèn truyền cho dân làng ấy lập đền thờ hai pho tượng trên ở bên sông. Đó là vào năm Đại Định thứ ba tức năm 11421.

Như vậy là đền Đồng Nhân có từ giữa thế kỷ XII ở ngay sát cạnh bờ sông Hồng. Cũng hai tài liệu trên có kể tiếp là đến năm Gia Long thứ mười tám (tức năm 1819), bãi Đồng Nhân bị lở. Dân Đồng Nhân được phép dời đền Hai Bà tới làng Hoa Viên thuộc tổng Hậu Nghiêm huyện Thọ Xương, dưng trên nền Tập Võ sở của triều Lê cũ. Rồi người làng Đồng Nhân một phần cũng dời vào cư trú xung quanh đền và lập ra một làng Đồng Nhân mới trên đất làng Hoa Viên. (Làng Hoa Viên tới khoảng giữa thế kỷ XIX đổi thành Hương Viên, tới đầu thế kỷ XX lại đổi ra là Phương Viên). Nay làng Đồng Nhân đó thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.

Như vậy điều chắc chắn là đền Đồng Nhân được xây dựng ở chỗ hiện nay từ năm 1819. Trước đó, đền ở ngoài bãi Đồng Nhân, nhưng theo các chính sử, như Việt sử lượcToàn thư thì đền được làm trên bãi ấy từ mùa xuân năm 1160 chứ không phải 1142 như lời truyền thuyết nêu trên. “Canh Thìn năm thứ 21 (1160), mùa xuân, tháng Giêng, làm đền Hai Bà và đền Xuy Vưu ở phường Bố Cái” (Toàn thư) Chữ Bố Cái có thể hiểu là Búa Cái (Búa có nghĩa là bến, nay còn đứng trong từ kép chợ búa). Vậy phường Bố Cái chính là khu vực bãi Đồng Nhân, ngày nay thuộc phường Bạch Đằng, cùng quận Hai Bà Trưng. Điều rất đáng lưu ý là cho tới nay ở trên bãi Đồng Nhân vẫn có một ngôi đền thờ Hai Bà song nhỏ hơn nên dân gọi là miếu Hai Bà. Như vậy là: đến năm 1819, do bờ sông Hồng lở nên đền Hai Bà được dời từ bãi Đồng Nhân vào đất làng Hương Viên. Song sông Hồng do quá trình lở - bồi diễn ra theo chu kỳ nên ở bãi Đồng Nhân chính gốc, dân vẫn bám trụ, nối tiếp cư trú sinh sống và họ cũng đã xây một ngôi miếu thờ Hai Bà coi như để tưởng nhớ cội nguồn gốc gác cũ. Do vậy ở Hà Nội, cụ thể là ở quận Hai Bà Trưng, có hai nơi thờ Hai Bà, một đền một miếu nhưng thực chất vẫn là một gốc. Do vậy đến ngày hội mùng 5 tháng Hai âm lịch, dân rước kiệu từ đền ra miếu rồi đình kiệu (tức dừng kiệu) đem đôi chóe xuống sông lấy đầy nước rồi rước trở về đền và làm lễ hội chính thức ở đây.

Trở lại ngôi đền Đồng Nhân trên đất Hương Viên thì ngày nay, làng xóm đã đổi thay. Đền Đồng Nhân bây giờ là ở vào phố Hương Viên, quận Hai Bà Trưng. Trước đền là hồ bán nguyệt. Một hàng cột hoa biểu lực lưỡng vốn có nhấn nhiều câu đối nhưng nay bị vỡ hầu hết. Tiếp đó là một cái sân rộng. Trên sân ở phía bên phải đền là một tấm bia khá lớn dựng trên rùa đá. Đó là bia Trưng Vương sự tích bi ký do Vũ Tông Phan, tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826) soạn vào năm 1840. Nội dung văn bia là biểu dương sự nghiệp Hai Bà và kể lại việc dân làng Đồng Nhân dời đền từ bờ sông vào nơi hiện nay.

Trong đền, ở nhà tiền tế có hai thớt voi sơn đen, voi gỗ nhưng ngà thật. Theo ông Hoa Bằng trong bài “Đền Hai Bà ở Đồng Nhân” in trên tạp chí Tri Tân số 39 thì “tương truyền hai cặp ngà voi đó là tặng phẩm do triều Lý ban cho dân làng Đồng Nhân để chế tạo voi thờ nên trong bản Thần tích làng Đồng Nhân hãy còn chép cả hai vế biền văn trích trong tờ biểu dân làng tạ ơn vua Lý về việc ban tặng ấy”.

Cũng ở nhà tiền tế giáp tường phía bên trái còn có một tấm bia do Hà Nội đốc học là cử nhân Dương Duy Thanh soạn năm 1848, cũng có tên là Trung Vương sự tích bi ký. Nội dung bia này cũng không khác gì mấy so với nội dung tấm bia Vũ Tông Phan.

Đến hậu cung sẽ thấy tượng Hai Bà đặt trên bệ cao. Nhưng không phải là tượng đá mà là bằng đất luyện. Hai tay tượng cũng không trỏ lên trời mà đưa ngang ra phía trước. Đầu cũng không đội mũ trụ. Vậy đây không phải là tượng từ đời Lý mà là mới đắp sau này. (Tất nhiên không loại trừ khả năng bên trong tượng hiện nay có một cái cốt đá, kiểu như “đá Mỹ Châu” bên Cổ Loa).

Ở nhà tiền tế cũng như hậu cung có nhiều câu đối hay như:

Đồng Nhân miếu, tôn tượng túc thanh cao, hào khí như sinh, Bắc cố mục trung vô Hán quốc.
Hát Thủy môn, nộ đào thời chấn đãng, anh phong bất tử. Nam âm sử thượng hữu Bà Vương.


(Khuyết danh)


Nghĩa là:

Miếu Đồng Nhân, tượng báu trang nghiêm hào khí như còn, ngoảnh ngó Bắc phương không nước Hán.
Cửa sông Hát, sóng hờn sôi sục anh phong không dứt, tiếng vang Nam sử có Vua Bà.


Hoặc:

Khả liên Hán đế xưng Quang Vũ
Bất để thoa quần khởi nghĩa binh.


(Khuyết danh)


Nghĩa là:

Khá thương vua Hán phô oai mẽ
Khôn đọ quần thoa dấy nghĩa binh.


Trước đây, hàng năm làng Đồng Nhân mở hội từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Hai, chính hội là vào mùng 5. Tương truyền đó là ngày dân bãi Đồng Nhân xưa đón tượng Hai Bà từ sông lên.

Trong ngày hội mùng 5 tháng Hai ấy, dân Đồng Nhân rước kiệu Hai Bà ra bờ sông Hồng, chỗ làng Đồng Nhân gốc, rồi đình kiệu lại, đem đôi chóe xuống thuyền đã túc trực sẵn, bơi ra giữa dòng lấy nước. Nước này sẽ dùng để tắm tượng và dâng cúng quanh năm. Đặc biệt đám rước ấy có đôi voi gỗ đi dẹp đường, quản tượng là đàn ông. Còn các đô tùy khiêng kiệu thì toàn là nữ, tức cũng giống như nghi vệ ở đám rước làng Hạ Lôi. Nhưng các nữ đô tùy này chỉ có một số ít là người địa phương, còn thì là những cô gái các làng có giao hiếu với Đồng Nhân như Phụng Công (ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) là nơi tương truyền có người đã cùng dân Đồng Nhân rước tượng Hai Bà ở sông lên từ đời nhà Lý. Có năm, vùng Thường Tín (Hà Tây) cũng cử người lên giúp hội vì được coi là quê hương của Hùng Nguyên, chồng bà Trưng Nhị.

Đám rước đi từ đền, ngược lên phố Lò Đúc, tới phố Hàn Thuyên mới quay trở về. Ngày trước đám rước còn lên đến chỗ nay là chân cầu Chương Dương.

*
*   *

Cạnh đền Hai Bà, phía bên phải là ngôi đình của dân làng Đồng Nhân và bên trái là chùa của làng này. Chùa có tên là Viên Minh tự (chùa Viên Minh). Cả đình lẫn chùa tất cũng chỉ có thể có từ sau năm 1849. Nhưng cái tên Viên Minh thì bắt nguồn từ một sắc phong vào năm 1533. Vào năm đó - năm Nguyên Hòa thứ nhất đời vua Lê Trang Tông - có sắc phong cho Hai Bà là Quảng Giáo Viên Minh Linh Thạch Trưng Vương Phật. Chữ Viên Minh lấy từ pháp hiệu này.

PHỤ CHÚ: Qua sự tích đền Đồng Nhân, có thể hiểu rằng tới đời Lý, từ là hai vị anh hùng cứu nước, Hai Bà Trưng được vương triều này tôn lên là hai nữ thần bảo hộ nông nghiệp. Tới đời Lê Trung Hưng, Hai Bà lại được tôn lên làm Phật.

Ngoài ra, nhìn dưới góc độ dân tộc học thì ở ngày hội của các làng trên có những lễ tiết đã trộn lẫn tín ngưỡng nguyên thủy vào chủ đề lịch sử (tưởng niệm Hai Bà). Như ở Đồng Nhân, việc rước nước sông Hồng, có thể là hình thức hội nước (thờ nước, cầu mưa), một lễ tiết tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy. Hoặc lễ bánh trôi ở Hát Môn có thể là sự tôn xưng biểu dương thành quả của lao động nông nghiệp trồng lúa mới.
_____________________________________
1. Trưng Vương lưỡng vị thánh sắc là một cuốn sách chép tay, chỉ có 52 trang, gồm phần ghi lại các đạo sắc phong cho Hai Bà Trưng của các đời vua từ Lê Chính Hòa (1680-1705) đến Nguyễn Duy Tân (1907-1916) và phần ghi sự tích Hai Bà. Phần này hoàn toàn là sao lại lịch sử Hai Bà mà mọi người đều biết. Chỉ ở cuối sách có chép các linh tích, tức các dấu tích linh dị - như kiểu nói về tượng đá kể ở trên - là có giá trị tư liệu tham khảo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:50:10 pm »


QUÁN AO SEN

Tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất cũng có đền thờ Hai Bà Trưng. Như đã nêu ở Chương hai, theo chủ trương của ông Đinh Văn Nhật thì Hạ Bằng - tức Hạ Lôi và Bằng Trù - là một khu thuộc trang Cổ Lôi ngày xưa, quê hương của Hai Bà Trưng. Nhưng Hai Bà lại không phải là thành hoàng làng (thành hoàng là ba anh em Cao Hưng, Tuấn Tĩnh, Trung Liệt, các con của Lạc Long Quân) nên không thờ ở đình mà thờ riêng ở quán. Vùng xứ Đoài cũ có tập quán gọi nơi thờ các thần thánh là quán tức cũng như các làng vùng khác gọi là nghè hoặc đền.

Quán thờ Hai Bà nguyên ở trên một cái gò cạnh một ao sen nên có tên là quán Ao Sen. Tương truyền đó là nơi Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân. Sau, quán lại được chuyển sang một cái gò đối diện tức chỗ nay là nhà trạm xá xã.

Trước đây, hàng năm có lệ cúng tế tại quán này vào ngày mùng 6 tháng Mười Một (là ngày Hai Bà khao quân). Tiệc đám là thịt trâu lột, tức là mổ trâu xong rồi, thịt xẻ ra nhưng không nấu bằng nồi mà lại lột da trâu, lấy da đó lót để nấu thay nồi. Hèm này là gợi lại bữa tiệc khao quân ngày ấy của Hai Bà, do quân số đông không đủ nồi nên phải làm ra như vậy.

Các cụ già ở địa phương còn kể là trong quán Ao Sen, trên các tấm ván nong lá gió có chạm hình Hai Bà Cưỡi voi ra trận. Tiếc rằng hồi Pháp tạm chiếm (1950- 1954) lính Pháp đã phá hủy hoàn toàn quán này, ngay tấm bia duy nhất ở đây cũng bị chúng đẩy xuống giếng rồi lấp đi. Giếng ấy nay vẫn còn vết tích cạnh đường đi. Sau ngày hòa bình lập lại, trên nền quán đã xây trạm xá xã. Theo một người cao tuổi ở đây - ông cụ Đặc ở xóm Cốc thì quán này thời xưa các cố lão còn gọi là quán Dạ. Ông Đặc không hiểu nghĩa chữ này. Phải chăng chữ Dạ ở đây cũng giống như chữ Dạ trong Mả Dạ ở Nam An quê hương bà Man Thiện? Như vậy có thể hiểu “quán Dạ” là “quán đức Bà”. Và cái tên gọi này chính cũng là tia ảnh xạ của một thời mà tiếng Lạc Việt chưa chia ra làm hai (tiếng Kinh và tiếng Mường) tức thời kỳ Hai Bà Trưng vậy.



THÀNH DỀN (CỰ TRIỀN)

Làng Cư An nay thuộc xã Tam Đồng, huyện Mê Linh. Trước đây làng này có tên là Cự Triền. Tại đó có một dấu tích thành cổ mà dân làng gọi là thành Dền. Có lẽ Dền là tên Nôm cổ của Cự Triền, vì những địa phương có tên bằng chữ Hán là Triền thì đều là phiên âm chữ Dền của tên gọi Nôm. V(í dụ ở nội thành, chỗ cuối phố Huế, đầu phố Bạch Mai ngày trước có một cửa ô tên Nôm là của ô Cầu Dền thì các sách chữ Hán đều chép là Triền Kiều ô môn).

Cái tên Cư An chỉ mới có từ thế kỷ XIX, vì ở sách Kiến văn tiểu lục soạn vào thời gian những năm cuối thế kỷ XVIII tác giả là Lê Quý Đôn còn dùng chữ Cự Triền: “Ở xã Cự Chiền (sửa là Triền - N.V.P) có nền thành cũ, tương truyền Phục Ba tướng quân cùng Trưng Nữ Vương đánh nhau ở đây”. (Bản dịch, trang 506, Nhà xuất bản Sử học - năm 1962).

Nhưng đến sách Đại Nam nhất thống chí (soạn vào thời gian nửa cuối thế kỷ XIX) thì đã có tên Cư An: “Lũy cổ Trưng Vương: ở xã Cư An, huyện Yên Lãng, có hai lũy cách nhau không xa, nền cũ này vẫn còn, tương truyền đấy là lũy cũ của Trưng Vương”. (Bản dịch, Tập IV, trang 213 - Sách đã dẫn).

Như vậy thành Dền nằm ở địa phận làng Cư An. Làng này nay thuộc xã Tam Đồng. Nhưng theo sự phân chia lại địa giới gần đây thì thành Dền lại thuộc về địa phận xã Tự Lập, vẫn là huyện Yên Lãng, tức nay là huyện Mê Linh.

Thành cách đền Hạ Lôi chừng 6km về phía tây bắc, tương truyền là nơi bà Trưng Nhị đóng quân. Cứ như cách gọi ở địa phương, ngoài tên thành Dền, thành này còn được gọi là thành Trại, thành Cờ, thành Tam Kha.

Theo sự mô tả của ông Nguyễn Lộc trong bài “Những vết tích khảo cổ về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Vĩnh Phú”1 thì thành Dền có hình dáng khá đặc biệt: không đắp theo hình vuông, hoặc chữ nhật, hoặc đa giác đều như các thành thường gặp trên đất nước ta mà là hình bầu dục. Chỗ dài nhất là 200m, chỗ hẹp nhất là 170m. Mặt thành hiện nay có chỗ còn rộng tới 10m. Tường quanh cũng còn cao tới 1,5m so với mặt hào chạy xung quanh thành. Hai đầu thành ở phía bắc và nam hiện còn hai khu đất được đắp vòng rộng ra ngoài ước khoảng gần 1 sào Bắc Bộ. Có thể đó là hai cái mang cá? Trong thành về phía Nam có một gò cao. Ở đỉnh gò còn dấu vết nền móng ngôi miếu cổ tương truyền là nơi thờ bà Trưng Nhị và vốn là cột cờ xưa.

Ở mặt phía đông của vòng thành có một quãng bị cắt ngang vì ở đó có một hố nước. Một bên thành được đắp vòng ra ngoài hố nước ấy, còn một bên thì nhập vào một gò đất khá cao. Nơi đó có thể là cổng thành.

Trong nội thành, đối diện với cổng còn có một nền đất phẳng hình chữ nhật giống như nền nhà. Tại góc bắc thành có một hồ nước rộng khoảng 1 sào Bắc Bộ và hiện còn sâu tới 0,8 mét. Có thể đó là giếng nước dùng chung cho cả nội thành.

Còn dãy hào chạy quanh thành thì nay bị san lấp nhiều, tuy vậy có chỗ còn rộng tới 10m, sâu chừng 0,6m so với mặt ruộng xung quanh. Theo thần tích của làng Cư An thì sau khi đánh đuổi Tô Định, bà Trưng Nhị được cử về nơi đây đắp thành lũy để làm kinh đô.

Liên quan đến tòa thành Dền này còn có một tòa thành khác, cách 2km về phía đông. Đó là thành Vượn ở địa phận làng Nam Cường, giáp giới Cư An (Nam Cường nay hợp với Cư An và Văn Lôi thành xã Tam Đồng). Theo lời kể ở địa phương thì Mã Viện đã kéo quân tới đánh thành Dền trong nhiều ngày nhưng không hạ nổi. Hắn đành phải cho xây một tòa thành ở đây để làm nơi trú quân lâu dài. Đó là thành Vượn. Thành Vượn có hình gần tròn, rộng khoảng 2 héc-ta. Đường kính khoảng 150m đến 170m. Chỗ thành cao nhất là 1,5m so với mặt hào. Mặt thành có đoạn còn rộng trên 8m. Phía bắc thành có một gò đất cao, cũng gọi là gò Cột Cờ.

Kể ra bảo rằng đây là thành do Mã Viện cho đắp thì cũng có thể tin được. Vì các sử Trung Quốc đều có chép rằng Mã Viện đã xây Kiển thành ở huyện Phong Khê. Vậy mà huyện Yên Lãng, nay gọi là huyện Mê Linh, chính là huyện Phong Khê ngày xưa. Và Kiển thành có nghĩa là “thành Cái Kén”. Ở đây, thành Vượn có hình gần tròn rất giống một cái kén tằm. Vậy có thể Kiển thành ghi chép trong sử sách là thành Vượn.

Như thế thành Vượn có thể coi là hiện vật để gián tiếp chứng minh sự có mặt của thành Dền vào thời kỳ Hai Bà Trưng. Thực tế Cự Triền đúng là một làng cổ. Các nhà khảo cổ đã cho biết rằng những di vật đào được ở lòng đất trong thành Dền (gồm gốm và đồng) có niên đại trước Công nguyên, thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu2. Và kiểu dáng của thành cũng đã được coi là loại hình thành cổ. Ông Lê Văn Lan (trong bài đã dẫn) có nhận xét: “Đặc điểm đáng chú ý nữa là kiểu dáng của những tòa thành này (Cự Triền và Miếu Môn - N.V.P) nếu một mặt tỏ ra khác biệt với những thành quách của bọn thống trị đương thời và của đất nước ở những thời kỳ sau - thường có hình tứ giác thì mặt khác, lại đồng dạng với thành Cổ Loa và cùng vơi Cổ Loa làm nên một phong cách xây thành riêng: tạo một bình diện hình gần tròn hoặc những đường cong tự do khép kín của tường thành”.

Tất nhiên trải qua hai mươi thế kỷ, nhiều cánh quân đã đóng ở Cự Triền, như quân Nguyễn Khoan (thế kỷ X) hoặc nghĩa quân của các phong trào nông dân mà cụ thể nhất là phong trào Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương. Bấy nhiêu cánh quân tất có tham gia nhiều hoặc ít vào việc làm thay đổi diện mạo thành Dền.
_____________________________________
1. Những vấn đề lịch sử Vĩnh Phú - trang 119.
2. Xem thêm bài “Phát hiện một số di tích khảo cổ ở Vĩnh Phú” của Hà Văn Hiệt trong Những phát hiện mới khảo cổ học 1972. NXB Khoa học xã hội.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:51:02 pm »


LŨY BÀ CHU TƯỚC (THÀNH MIẾU MÔN)

Về thành lũy thời Hai Bà Trưng thì ngoài thành Dền ra nhiều tài liệu còn nhắc tới Lũy bà Chu Tước (còn gọi là thành Miếu Môn).

Tại khu núi đá Miếu Môn, nay thuộc xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Tây còn dấu vết một thành lũy mà nhân dân địa phương gọi là Lũy bà Chu Tước.

Theo truyền thuyết, bà Chu Tước và em gái là Vân Mộng quê ở Đồng Sậu (nay là một xứ đồng ở vùng núi này). Chị thì thông minh mưu trí còn em thì có sức khỏe phi thường. Thuở ấy nước nhà bị giặc Hán đô hộ, nhân dân rất cực khổ. Hai chị em bà Chu Tước theo Hai Bà Trưng mưu việc lớn. Bà Chu Tước cho xây thành đắp lũy để chờ thời cơ nổi dậy. Có một lần Vân Mộng sang thăm chị trong lúc dân chúng đang gánh đất xây thành. Để khích lệ, Vân Mộng đã đích thân tham gia gánh đất gánh đá. Bà gánh rất khỏe, chạy như bay, không ai kịp. Đến chuyến cuối cùng, trời đã gần tối, bà gánh cố cho xong. Nhưng mới đến Miếu Môn không may đòn gánh bị gãy, đá đổ tung thành ra ba đống, tạo nên núi Chùa, núi Đặng và núi Sáo ngày nay.

Cũng theo truyền thuyết, Mã Viện từng đánh tới đây. Xương chất thành đống, dân bị tàn sát, nay còn các xứ đồng gọi nhớ: đồng Xương, đồng Tàn...

Dấu vết thành lũy này gần đây vẫn còn. Năm 1974 ông Phan Đại Doãn đã mô tả như sau:

“Thành được đắp nối liền với hai chân núi đá vôi, rồi tỏa ra như các vành đai. Phía ngoài có hào sâu bám dưới chân núi. Tất cả thành lũy và hào kết thành một hệ thống ôm gọn thung lũng của ba ngọn núi Phượng Sơn, Tượng Sơn và Yên Ngựa. Thành lũy hiện nay chỉ còn lại hơn 60m, chân rộng 11m, cao 1m60. Độ sâu của hào chỉ còn gần 0,50m”1.

Không rõ từ năm 1974 đến nay dấu vết có còn được như vậy không? Song Miếu Môn đúng là có một vị trí chiến lược. Ngày nay là ngã ba án ngữ hai nẻo đường: Phía Đông từ Ngã ba Thá - nơi sông Đáy gặp sông Tích đi vào (tức theo tỉnh lộ 73) có thể sang vùng núi tỉnh Hòa Bình; phía Bắc theo quốc lộ 21A từ thị xã Sơn Tây xuôi qua đây để đến thị xã Xuân Mai rồi vào Chi Nê, Nho Quan... Tại Miếu Môn thời chống Mỹ đã xây dựng một sân bay quân sự.

Còn về di tích khảo cổ thì chính tại vùng này đã khai quật hai trống đồng loại 1 Hê-gơ, tuổi dư hai ngàn năm, được đặt tên là trống Miếu Môn I và Miếu Môn II.
_____________________________________
1. Danh nhân quê hương - Tập II - Ty Văn hóa Hà Tây - 1974 – Tr.17.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:55:24 pm »


“MIẾU BÀ TRẮC”
Ở HỒ NAM (TRUNG QUỐC)

Trên đất Trung Quốc mà lại có đền thờ Bà Trưng! Kỳ lạ nhưng có thật! Vì nguồn thông tin này nằm trong thơ của danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803). Nguyên là trong Hoàng hoa đồ phả, một tập thơ và họa do Ngô Thì Nhậm sáng tác trong thời gian đi sứ nhà Thanh (năm 1793) có một bài nhan đề Phân Mao lĩnh (núi Phân Mao):

Nhất đái thanh sơn Sở, Việt giao
Hoàng Mao dịch lộ nhận Phân Mao
Thiên thu bật tận Hành Sơn lĩnh
1
Địa khí hoàn phù Nhạn Trạch mao2.
Trưng Trắc kiếm mang khai động phủ
Úy Đà quế đố lạc sơn sào
Phong lai giải uấn tây nam lợi
Vị hứa Hùng Bi vạn nhận cao.


Nghĩa là:

Một dải núi xanh ở giữa nơi giáp giới Sở và Việt
Trên đường đến trạm Hoàng Mao nhận ra đó là núi Phân Mao.
(Ranh giới của Trung Hoa do) Sách trời định ra không quá núi Hành Sơn.
Khí đất làm trôi ngược lông chim nhạn ở Nhạn Trạch (về phía nam).
Lưỡi kiếm của Bà Trưng mở ra động phủ.
Sâu quế của Triệu Đà còn đầy trong hang núi
3.
Gió từ tây nam làm nguôi cơn nồng
Coi thường núi Hùng Bi dù cao tới muôn sải
4.

Ngô Thì Nhậm có lời chú thích rằng: “Núi Phân Mao ở địa giới Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, có cỏ mao rẽ hai ngả nam bắc, trên đường đi có biển đề Phân Mao lĩnh”5.

Như vậy thì núi này là chỗ ranh giới hai nước Sở, Việt. Sở là khu vực tỉnh Hồ Nam và Việt là khu vực hai tỉnh Lưỡng Quảng ngày nay. Gọi là Hồ Nam vì ở phía nam hồ Động Đình. Và vậy là theo bài thơ này, tại Hồ Nam có đền thờ bà Trưng Trắc.

Trong một tập thơ khác của Ngô Thì Nhậm - tập Yên Đài thu vịnh cũng gồm những bài thơ do ông viết trong chuyến đi sứ năm 1793 - có một lời ghi chú khác: “Phía nam hồ Động Đình có miếu thờ Bà Trưng. Bà đã chống với Mã Viện ở Hồ Nam và giữ được vài tháng. Sau đó bà chiến đấu ở Khẩu Phong và thất bại ở Tương Âm rồi mất. Nay ở đó còn có miếu thờ Hai Bà Trưng, tục gọi là Miếu Bà Trắc, rất linh ứng”.

Rõ ràng đây chỉ là truyền thuyết. Vì chính sử Trung Quốc không ghi sự việc này. Nhưng cơ sở để hình thành truyền thuyết trên thì có thể giải thích được: Chính sử có ghi là sau khi Mã Viện hoàn thành công việc xâm lăng, hắn đã bắt trên ba trăm cừ súy người Việt đưa về Trung Quốc, an trí tại Linh Lăng. Linh Lăng chính là phần đất phía nam tỉnh Hồ Nam. Số ba trăm cừ súy đó tất phải là các thủ lĩnh nghĩa quân, tướng lĩnh của Hai Bà và các lạc hầu lạc tướng đã kiên cường chống lại giặc Hán. Những người dân Việt yêu nước này, tuy bị đày ải xa quê hương nhưng dứt khoát họ vẫn hướng về đất tổ, vẫn nuôi mối hờn căm đối với quân thù: họ đã lập “Miếu Bà Trắc” để tưởng nhớ thủ lĩnh của mình đồng thời cũng là thể hiện ý chí bất khuất của người dân nước Việt.

Những câu chuyện về cuộc khởi nghĩa và cuộc kháng chiến ngày đó tất cũng được lưu truyền trong cộng đồng ấy nhưng rồi do trải qua bao đời, bao thế hệ, cùng với quá trình địa phương hóa (tức là bị Trưng Quốc hóa) những câu chuyện đó bị “khúc xạ” đi trở thành ra truyền thuyết Bà Trưng đánh Mã Viện trên đất Hồ Nam.

Miếu Bà Trắc ở bên bờ hồ Động Đình đúng là một biểu tượng hiên ngang của tinh thần ngoan cường bất khuất của người dân Việt thời Hai Bà Trưng dù bị tách khỏi quê hương vẫn dám phủ định uy quyền của kẻ thù đang ở thế thắng.

Một số truyền thuyết về tướng lĩnh Hai Bà Trưng - Nhiều tác giả - Ty Văn hóa Hà Sơn Bình - 1979.

Truyền thuyết Trưng Vương - Nhiều tác giả - Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Vĩnh Phú - 1975.

Tạp chí Nghiên cứu lịch sử trong những năm 1962 đến 1980.

Những phát hiện mới về khảo cổ học các năm 1972 đến 1979.
_____________________________________
1. Hành Sơn: tên chỉ chung dãy núi trùng điệp trên địa phận huyện Hành Dương.
2. Nhạn Trạch: chim nhạn bay về nam nhưng tới Hành Dương gặp ngọn núi Hồi Nhạn cao quá phải quay về. Nhưng lông nhạn rụng xuống lại theo sông Ly trôi về Nam. Khúc sông đó gọi là Nhạn Trạch.
3. Triệu Đà không muốn cống quế cho nhà Hán, bịa ra chuyện cây quế bị sâu phá hoại và bắt sâu này đem nộp, thực ra đó là con cà cuống.
4. Hùng Bi là một dãy núi ở huyện Kỳ Dương, huyện cực nam tỉnh Hồ Nam.
5. Xin cảm ơn anh Ngô Linh Ngọc và anh Trần Lê Văn đã cho tư liệu về thơ Ngô Thì Nhậm.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:56:53 pm »


Chương kết

Trưng Vương ở ngôi có ba năm nhưng sử gia Ngô Sĩ Liên trong Toàn thư vẫn chép riêng làm một kỷ bên cạnh các kỷ Hồng Bàng, kỷ nhà Đinh, kỷ nhà Lê v.v... Quả là một ngòi bút “chí công”, một nhận thức đáng trọng. Vì vương triều này tuy tồn tại có ba năm nhưng đã mở đầu cho cả một thời đại quan trọng trong lịch sử dân tộc: thời đại đấu tranh giành độc lập, tự do.

Kỷ Trưng Vương ngắn ngủi nhưng là một khoảng thời gian vô cùng sống động, ăm ắp sự kiện: trong có trên một nghìn ngày mà dân tộc ta khi ấy đã tiến hành hai cuộc chiến tranh, là chiến tranh giải phóng dân tộc mùa xuân năm 40 và chiến tranh chống ngoại xâm vào hai năm 42-43. Giữa hai cuộc chiến ấy là thời gian xây dựng chính quyền tự chủ sau hai trăm năm bị đô hộ, bị bóc lột tàn tệ, bị đàn áp dã man và đồng hóa nghiệt ngã. Thật là hiếm có một khoảng “ba năm” mà sục sôi, vang dội, căng thẳng đến như vậy.

Nhận định về kỷ Trưng Vương ấy, bộ Lịch sử Việt Nam - Tập I - của Ủy ban Khoa học xã hội có viết:

“Nó là tia lửa nhen lên tinh thần yêu nước Việt Nam vô địch, coi độc lập dân tộc là cái quý nhất, với ý chí không gì và không bao giờ lay chuyển là giành lại và giữ gìn độc lập”.

Thật thế, cái tinh thần yêu nước Việt Nam ấy chính là của báu vô giá mà Hai Bà cùng nhân dân ngày đó để lại cho muôn đời cháu con. Chính cái tinh thần ấy đã giúp Hai Bà - từ 2000 năm trước đây - sáng tạo ra một hình thức tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc độc đáo - hình thức đồng khởi - mà tới ngày nay vẫn còn ứng dụng.

Chính với tinh thần ấy mà nhân dân Âu Lạc - mất chủ quyền từ hai thế kỷ trước - với hai tay trắng đã dũng cảm đứng lên lật đổ ách thống trị của một kẻ thù hung ác đang trên thế bành trướng cuồng nhiệt. Và hơn nữa, nhân dân Âu Lạc lại còn dựng lên một triều đại của riêng mình, còn xây đắp một chính quyền tự chủ, dù hình thức như thế nào - chưa đủ tài liệu để đoán định thì vẫn là một chính quyền thực sự của một nước độc lập. Sự ra đời của nhà nước Trưng Vương trên co sở ý thức dân tộc đã được khẳng định còn là một sự thách đố đối với tính bền vững của đế chế Hán. (Năm 41, nhân dân ở Hoãn Thành thuộc tỉnh An Huy và năm 43 nhân dân ở Ích Châu thuộc tỉnh Vân Nam hẳn là cũng noi gương Âu Lạc mà nổi dậy chống nhà Hán).

Cho nên kẻ thù run sợ, quyết dồn mọi sức lực, huy động cả một dải bốn tỉnh Hoa Nam (tức hai nước Ngô, Sở ngày trước) để chống phá, hòng cứu nguy cho sự lung lay của chính quyền bành trướng đô hộ ở vùng Bách Việt cũng như ở vùng Tây Nam Di.

Đối với ta, thời gian xây dựng chính quyền tự chủ chưa lâu, mới có hai hoặc ba năm. Nhân dân Âu Lạc thực sự chưa hồi sức sau hai trăm năm bị đô hộ. Mọi người đang phải làm rất nhiều việc để củng cố chính quyền non trẻ thì lại phải vội vã cầm vũ khí mà tự vệ chống giặc ngoại xâm. Và thế là cuộc kháng chiến bắt đầu.

Các nguồn tu liệu đều không cho biết gì về hình thái tiến hành chiến tranh chống giặc Hán ngày ấy, ngoài hai ba địa điểm có chiến sự và một chi tiết về thời gian: cuộc kháng chiến kéo dài tới hai hoặc ba năm.

Thực ra chi tiết này rất có ý nghĩa. Vì với một thứ quân giặc từng làm mưa làm gió ở Tây Vực, ở Triều Tiên, ở Hung Nô, ở Tây Nam Di vậy mà chúng đã phải mất hai (hoặc ba) năm dòng mới đàn áp được cuộc kháng chiến của nhân dân Âu Lạc. Cuộc kháng chiến ấy là bằng chứng hiển nhiên của tinh thần yêu nước Việt Nam, của ý chí bất khuất ngoan cường, dám hy sinh xả thân cho độc lập, tự do.

Cuối cùng, trong tinh thần yêu nước Việt Nam đó cũng phải kể tới tinh thần yêu nước của người phụ nữ Việt Nam. Đứng đầu cuộc khởi nghĩa và kháng chiến là phụ nữ. Các tướng lĩnh nghĩa quân đa số là phụ nữ. Và thành phần phụ nữ trong quân chủ lực không phải là ít như đã nêu ở các phần trên, chỉ ở nước ta mới có những cánh quân nam giới phải hóa trang làm nữ giới để xin đi chiến đấu. Điều này nói lên tinh thần anh hùng cũng như vai trò thực sự quan trọng của người Phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống đương thời. Có nhiều cách giải thích thực trạng này: hoặc lúc đó tinh thần dân chủ của công xã chưa hoàn toàn bị ý thức hệ phong kiến Hán tộc phá hủy, hoặc chế độ mẫu hệ tuy đã qua rồi nhưng vẫn còn những tàn dư trong sinh hoạt công cộng cũng như riêng tây, hoặc trong nền kinh tế của thời kỳ quá độ từ chế độ công xã nguyên thủy sang chế độ phong kiến, người phụ nữ vẫn còn giữ những nhiệm vụ chủ chốt trong gia đình cũng như trong làng chạ.

Các lý do trên đều thông nghĩa lý nhưng do thiếu tư liệu gốc nên chưa thể khẳng định. Có điều là cho tới thời thịnh thế của phong kiến, sách vở thánh hiền công khai tuyên bố “nam tôn, nữ tì”, “phu xướng phụ tùy”, “thập nữ viết vô” v.v... thì ở khắp thôn xóm vẫn “công anh, công ả, công cả đôi bên”, “thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, “lệnh ông không bằng cồng bà” v.v... vậy vào đầu Công nguyên, phụ nữ Việt Nam hẳn đang còn giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt xã hội.

*
*   *

Kỷ Trưng Vương không dài, không làm mốc cho một chế độ xã hội hoặc một phương thức sản xuất nhưng rõ ràng là đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, một kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, tự do, một kỷ nguyên đi vào cuộc trường chinh nghìn năm chống bá quyền Trung Quốc, kỷ nguyên ấy kết thúc vào năm 938 với chiến thắng của Ngô Quyền với sự ra đời của quốc đô Cổ Loa (lần thứ hai).

Điều vinh dự cho vùng đất Hà Nội nói riêng, châu thổ sông Hồng nói chung là Hà Nội - ở cả hai thời điểm mở đầu và kết thúc kỷ nguyên này - đã chứng kiến và tham gia một cách vô cùng hào hùng, tích cực, sôi động vào hầu hết những sự kiện chính. Nơi đây đã giữ gìn biết bao là kỷ niệm, dấu tích thuộc về những sự kiện đó.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng làm rạng rỡ cho dân tộc ta, cũng là làm rạng rỡ cho Hà Nội - Thủ đô của chúng ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:58:25 pm »


PHỤ LỤC

NGỌC PHẢ CỦA HAI LÀNG HẠ LÔI VÀ HÁT MÔN

Ở Thư viện Khoa học xã hội có một bộ sưu tập các thần tích do hương lý chức sắc các làng ở Bắc bộ gửi nộp cho trường Viễn Đông bác cổ vào năm 1938. Những thần tích này hoặc là bản có từ xưa (bản cổ) hoặc là bản do các hương lý sao chép lại các bản cổ. Trong kho tài liệu này có bản ngọc phả của làng Hạ Lôi (Yên Lãng) và bản ngọc phả của làng Hát Môn.

Bản của Hạ Lôi có tên là “Nam Việt Trưng Nữ Vương Trắc Nhị nhị vương ngọc phả cổ lục”. Ở cuối có ghi năm tháng cùng với tên người soạn, người sao ngọc phả: Hồng Phúc nguyên niên (1572) chính nguyệt, sơ thập nhật, Hàn Lâm viện, Đông Các đại học sĩ (thần) Nguyễn Bính phụng soạn; Vĩnh Hựu tam niên (1737) nhị nguyệt, cát nhật, Quản giám bách thần tri điện. Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng thảo đặc cổ bản tôn sao: Tự Đức nhị thập lục niên (1874) chính nguyệt sơ thập nhật đồng xã tôn sao.

Như vậy bản ngọc phả này được chép lại vào năm 1874.

Bản của đền Hát Môn cũng có tên gọi, có niên đại, có soạn giả y như bản Hạ Lôi. Như thế thì về nội dung, hai bản này phải hoàn toàn giống nhau mới phải. Nhưng ở đây bản Hát Môn ngoài ba chỗ có thêm chú thích thì còn có hai đoạn khác hẳn bản Hạ Lôi. Đó là điều hơi lạ. Có thể đoán rằng trong hai bản có một bản là gốc còn bản kia là do người chép lại ở địa phương đã thay đổi, thêm bớt một số tình tiết theo sự hiểu biết của riêng cá nhân hoặc theo truyền thuyết ở địa phương mình. Nhưng do chưa thể xác định được điều này nên dưới đây chúng tôi tạm dịch toàn văn bản Hạ Lôi chỉ vì bản này có số chữ nhiều hơn. Gặp chỗ bản Hát Môn kể khác thì chúng tôi chua ngay chỗ khác biệt đó ở cuối trang. Như vậy cùng một lúc bạn đọc có thể theo dõi cả hai bản ngọc phả. Cũng xin nêu thêm là do chưa thể giám định - cả văn bản lẫn nội dung - nên việc giới thiệu hai văn bản này chỉ nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc những tư liệu thần tích cơ bản về Hai Bà Trưng mà lâu nay có khá nhiều người cho là đã bị mất hẳn - mà cụ thể thì ở hai địa phương trên cũng không còn lưu giữ được thật1.
_____________________________________
1. Ông Trần Quốc Phi trong bài mở đầu cuốn “Truyền thuyết Trưng Vương” (Chi hội VNDG tỉnh Vĩnh Phú xuất bản - năm 1975) có viết: “Đáng tiếc là trong kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp và bè lũ tay sai đã phá hoại (làng Hạ Lôi)... làm mất ngọc phả”.
    Ông Nguyễn Quang Ngọc trong bài “Hà Nội với cuộc khởi nghĩa Hai Bà” trên báo Hà Nội mới ngày 7-10-1979 có viết: “Điều rất đáng tiếc là thần tích Hát Môn không còn nữa”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 11:01:22 pm »


NAM VIỆT TRƯNG NỮ VƯƠNG TRẮC NHỊ NHỊ VƯƠNG NGỌC PHẢ CỔ LỤC

Nhớ xưa, tới cuối triều Hùng, thế nước cáo chung truyền đến Duệ Vương, đã là 18 đời: hưởng nước dư 2000 năm, đã là dài lâu.

Duệ Vương không có con (trai) nối dõi, nên cho vời Thục An Dương Vương vốn là cháu xa của các vua Hùng và là con của Ai Lao bộ chủ đến truyền ngôi cho. Thục Vương phụng mệnh, nối họ Hùng, kế trị ở ngôi sáu mươi năm. Thiên hạ thái bình, binh mạnh nước giàu, thấu suốt đạo Sơn Nam Hạ và quận Cửu Chân.

Khi đó Triệu úy Đà nhà Tây Hán sang xâm lược. Thục Vương bị hại. Nước Nam lại thuộc nhà Hán. Trải qua Văn Đế, Vũ Đế, tới Kiến Xương (sửa là Vũ), Tô Định làm thái thú nước Nam. Hắn hiếu sát tham tàn, bạo ngược hại dân, mọi người oán hận. Anh hùng bốn bể đều phẫn nộ.

Có Hùng Lạc tướng quân dòng dõi Lạc Long Quân, ngày ấy đã ngoài 60 tuổi. Vợ là Trần Thị Đoan cũng ngoài 40 tuổi. Vậy mà chưa có con nối dõi. Một hôm, bà Trần nằm mơ thấy một đóa mẫu đơn trong cung trăng nở hai bông. Sau đó bà có mang. Đến ngày mùng 1 tháng Tám năm Giáp Tuất trời bỗng tối sầm, trong phòng thì gió thơm ngào ngạt, khí lành phát sáng. Bà trở dạ sinh hai gái, mặt như gương ngọc, sắc như bình vàng, mày ngài, mắt phượng, má phấn, môi son, quả là tiên nữ chốn Bồng Lai, chúa hoa ở Lãng Uyển, không phải là hạng con gái tầm thường. Ông bà chăm chút hai con, đến năm hai con lên ba tuổi, đặt tên là Trắc nương, Nhị nương công chúa. Chú: Thời đó con cái vua chúa và các quan lang phụ đạo, trai thì gọi là hoàng lang, gái gọi là công chúa. (Lời chú này không rõ của ai. Nguyễn Bính hay Nguyễn Hiền? - N.V.P).

Từ đó năm tháng thoi đưa, hai chị em đã 16 tuổi. Nhan sắc nghiêng thành, tư dưng tuyệt thế, làm say hoa đắm nguyệt, cá lặn chim sa. Cả hai văn võ kiêm toàn, tài chí như thần, kiếm cung đều giỏi, cầm kỳ đều hay. Ai cũng coi là thế thượng thần tiên, nữ trung hào kiệt.

Năm Trắc nương 19 tuổi, gả về Chu Diên huyện lệnh Thi Sách. Vợ chồng hòa hợp. Được vài năm, Thi Sách bị Tô Định giết hại. Trắc nương cảm nghĩa chồng, căm giận giặc Tô, nuôi chí báo phục, mới dành chứa binh lương, chiêu mộ anh hùng hào kiệt... Bà thường nguyện: bốn bể anh hùng hãy tới giúp chúng tôi trừ Tô Định, lấy lại non sông.

Một ngày kia, Trắc nương phong em là Quốc Khôi công chúa1, sai truyền hịch chiêu dụ phụ tướng nữ binh trong thiên hạ tới phù tá. Quốc Khôi phụng mệnh. Trong mười lăm ngày phụ tướng nữ binh anh tài trí dũng có dư hai nghìn người kéo tới ứng mộ, cho làm nội giá.

Lại nói, khởi binh được một năm, tướng sĩ nam nữ tới ba vạn người. Hội tại Phong Châu thành bên sông Bạch Hạc. Trắc nương xưng là Trưng Nữ Vương, mổ trâu, ngựa khao quân, phong tước mệnh, phân phẩm vật cho chư tướng. Các đạo nội giá đều là nữ, đông tới hai nghìn người.

Ngay ngày hôm đó, cử binh đến cửa Hát Giang, đại hội ở bãi Trường Sa, Trưng Nữ Vương điểm binh sĩ, lập đàn kỳ đảo thiên địa bách thần2, khấn rằng: Nguyện trời đất bách thần phù trì: Thiếp tôi là nữ nhi, lòng thù dấy nghĩa, những lăm trừ Tô Định là kẻ khác nòi khác giống. Hắn đối với dân rất bạo ngược, dạ sói lang, hình dê chó, nhiễu loạn non sông làm sinh dân nghiêng ngửa. Thiếp tôi lòng đau, nghĩ tới tính mệnh mọi nhà mà khởi binh trừ Tô Định. Nguyện trời đất bách thần phù trì giúp đỡ cho thành công. Đức ấy dài vậy”.

Khấn xong, bỗng trên đàn mây đen bao phủ, gió mau dữ dội, cờ xí phần phật bay, chỉ về phía đất giặc. Trưng Nữ Vương cùng bách quan lễ tạ.

Cùng ngày, Trưng Nữ Vương cử binh tiến về huyện Chu Diên thuộc phủ Tam Đới3. Thời gian đó Tô Định xây thành Chu Diên. Trưng Nữ Vương tiến đến trang Cổ Lôi, lập đồn binh cự chiến Tô Định. Lúc đó trang Cổ Lôi các họ đều theo Hai Bà4. Còn chọn thêm 27 cô gái tài ba đi theo hầu nội giá.

Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, khao quân trong vòng mười ngày. Sau đấy binh tướng chia các đạo đánh thành Tô Định. Bốn mặt la hò, các đạo cùng tiến, lửa đốt tứ bề. Tô Định không kịp dàn binh, bỏ chạy ra ngoại thành. Trưng Nữ Vương và chư tướng tiếp đến. Tô Định đại bại, chạy thẳng. Trưng Nữ Vương đuổi Tô Định đến Cổ Lôi trang, nơi đây đã có lập sẵn đồn binh. Phục binh đổ ra. Quân Tô binh tướng chịu chết, hơn một nghìn tên bị mất đầu. Đất Cổ Lôi máu chảy thành sông, xương cốt cao như núi. Tô Định chạy về bắc ngạn.

Trưng Nữ Vương lấy lại sáu mươi thành, thu phục cõi bờ. Từ đó Nam bang nhất thống. Trăm quan đón xa giá Trưng Nữ Vương vào thành Chu Diên, bà lên ngôi vua, xưng là Trưng Vương, phong em là phó vương. Từ đó thanh bình, Trưng Vương lập đô thành tại đất Phấn Lộ, huyện Chu Diên5. Ở Cổ Lôi trang, Trưng Vương lập một hành cung, năm tháng ban yến tiệc tại xứ Đầu Bàng Thượng là một dải đất có thế đẹp như một nhị sen hóa thành nơi chim phượng quần hội, gò đống bao bọc lấy minh đường, sông nước nhiễu quanh xinh đẹp...

Lại nói từ Trưng Vương ở ngôi, dân Cổ Lôi được ban họ tên, ra vào cung điện, quan tước đầy triều, vua tôi đồng đức. Thiên hạ thanh bình. Trăm họ âu ca. Không ai không thỏa lòng về cuộc sống. Không một vật nào là không được nuôi dưỡng.

Trưng Vương ở ngôi ba năm, rừng vắng hổ báo, nước chẳng ba đào, vua sáng tôi hiền, thiên hạ đều ái mộ. Đức như núi cao biển rộng, khác nào trời Nghiêu, vua Thuấn...

Lại nói Hán Quang Vũ nghe nước Nam có vua đàn bà, bèn sai Phục Ba tướng quân Mã Viện đưa quân sang đánh nước ta. Quân Hán hơn mười vạn, tướng ba nghìn viên, rầm rộ tiến tới biên giới. Quân thủy cũng gồm trên một vạn thuyền đi theo sông Giang, Hán. Lại có thêm hàng vạn ngựa chiến kèm theo.

Nhận được thư báo cáo cấp của biên quan, Trưng Vương cử tướng tuyển binh. (Chú: Cổ Lôi có năm tướng thuộc năm họ được phong hầu). Trên ba mươi viên danh tướng được phái đến các đạo ải quan cự chiến.

Qua vài năm, quân Hán thường thua, vừa chết trận vừa chết bệnh tới quá nửa, lùi về Giang, Hán, dâng biểu lên vua Hán6.

Trưng Vương nghe tin quân Hán lại vào cõi, cùng em là Quốc Khôi công chúa thay đai giáp nam giới, cưỡi ngựa cầm gươm cùng các nữ tướng tùy tòng năm trăm người cùng mặc áo quần nam tướng và một nghìn tướng nam ra nghênh chiến. Qua vài tháng, hai bên đánh dư mười trận không phân thắng bại. Tới một ngày, quân Hán tiến tới phủ Hạ Đồng, Hải Dương, nơi đó quân Trưng Vương đã lập đại đồn. Mã Viện phân các đạo bao vây tứ phía. Hai Bà không kịp bày trận, liền lên ngựa dẫn cánh quân thủ túc xông ra phá vây, chém được vài chục viên tướng Hán. Bỗng trời nổi gió dữ thổi tung cân đai, làm lộ hình là nữ. Quân Hán thấy vậy reo to lên: “Vua đàn bà, tướng đàn bà, ta nhất định bắt sống”. Chúng cởi hết quần áo xông vào. Nữ quân Trưng Vương hổ thẹn chạy tán loạn. Trưng Vương cũng phi ngựa chạy, đến Thạch Thành huyện thuộc phủ Kinh Môn, hai chị em thúc ngựa phi lên đỉnh núi và hóa. Đó là ngày mùng 8 tháng Ba. Lúc đó trời u ám tối sầm gió mưa gầm rít. Quân Hán rút chạy về thành.

Từ đó nước ta lại bị Đông Hán đô hộ.

Nói về các bề tôi của Trưng Vương, cảm công đức của Bà đứng ra tu sửa hành cung (nơi ban yến tiệc) thành đền miếu phụng thờ.

Năm Hồng Đức thứ nhất (1572) mùng 10 tháng Giêng, Hàn Lâm viện, Đông Các đại học sĩ, bề tôi là Nguyễn Bính phụng soạn.

Năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) ngày lành tháng Hai, Quản giám bách thần tri điện, Hùng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền xét riêng bản cổ mà sao lại.

Năm Tự Đức thứ hai mươi sáu (1874) mùng 10 tháng Giêng, đồng xã sao lại7.
_____________________________________
1. Bản Hát Môn: “Bình Khôi công chúa”.
2. Bản Hát Môn thêm lời chú thích: “Nay, ngày mùng 4 tháng Chín đại tế tam sinh là do ngày này mà có”.
3. Bản Hát Môn thêm lời chú thích: “Nay là phân phủ Vĩnh Tường”. (Chi tiết này chứng tỏ bản Hát Môn được sao lại sau năm 1832 là năm tách hai huyện Yên Lạc và Yên Lãng đặt làm phân phủ Vĩnh Tường).
4. Bản Hát Môn thêm lời chú thích: “Nguyên tên cổ là Cổ Lai, sau cải là Cổ Lôi, sau nữa mới cải là Hạ Lôi”. (Chú thích này nhầm, vì chính ra là: Cổ Lôi - Cổ Lai - Hạ Lôi).
5. Bản Hát Môn chép khác hẳn: “Trưng Vương lập đô tại Mê Linh (nay là Hạ Lôi, Yên Lãng), đổi ra họ Trưng, đặt quốc hiệu là Triệu, lấy Cổ Lai làm thang mộc ấp, sửa hành cung, phong hầu cho năm họ, chốn cỏ rậm thành triều đình. Dân chúng không ai ngờ lại có ngày như vậy, thật rạng rỡ uy nghi, bốn phương ngưỡng vọng, thoát tai ách, được thái bình. Từ đấy nước Nam yên vui.
    Trưng Vương ở ngôi bốn năm, rừng vắng hổ báo, nước chẳng ba đào...” (trở đi giống như bản Hạ Lôi).

6. Bản Hát Môn chép khác: “... lùi về Giang, Hán. Viện có ý lo sợ. Hắn nhớ lời em Thiếu Du nói dạo trước, cái ngày da ngựa bọc thây có thể là lúc này chăng! Viện tâu vua Hán xin viện binh. Quang Vũ cấp thêm cho mấy vạn lính.
    Lúc này, quân Trưng Vương đóng ở Hải Dương, Hạ Hồng phủ. Mã Viện hợp binh lại đánh. Qua mấy tháng xảy ra vài chục trận không phân thắng bại. Bỗng một trận gió mạnh nổi lên làm loạn quân ta, không giống như trận gió ngày trước ở đàn thề. Thế không giữ được, Vương cùng phó vương lui giữ Cấm Khê. Viện tiến quá Đông Kinh, quân đến hồ Lãng Bạc (nay là Tây Hồ). Vương dừng lại ở Hy Sơn (nay là Ngân Thị - Chợ Ngân), đóng tại đó, thề không đội trời chung với giặc. Bỗng hiện một người vận triều phục, tâu rằng: “Phụng mệnh Thượng đế ở dương trần đã lâu. Nay vận số đã hết, thỉnh xe rồng về chầu trời. Chốn thủy cung sẽ là nơi lăng tẩm mộ phần”. Vương biết số trời khó tránh. Anh hùng không luận ở thành bại. Ngày mùng 8 tháng Ba, Vương và bà em gieo mình xuống Hát Giang. Anh hồn thường giúp dân giúp nước. Dân nhớ công ơn lập miếu thờ.
    Hồng Phúc năm thứ nhất... (trở đi giống bản Hạ Lôi).

7. Bản Hát Môn không có dòng này.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 11:05:36 pm »


NHỮNG VĂN BIA VỀ SỰ TÍCH HAI BÀ TRƯNG

Cho đến nay, trên toàn khu lưu vực sông Hồng chỉ mới biết có hai tấm bia nói về sự tích Hai Bà. Hai tấm bia này lại cùng ở một nơi: đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng - nội thành Hà Nội), ra đời cách nhau tám năm. Cả hai đều có tên là Trưng Vương sự tích bi ký.

Để bạn đọc tiện tra cứu, dưới đây là bản dịch hai bài văn bia đó:

1. BIA GHI SỰ TÍCH TRƯNG VƯƠNG

Trên đời có những sự nghiệp kỳ lạ, làm cho người ta không thể ngăn được lòng hâm mộ và xúc động.

Nước Đại Nam ta, từ đời Hồng Bàng đến đời Lê, trước sau trong khoảng mấy nghìn năm, có những bậc anh hùng nối tiếp nhau chiếm cứ các vùng châu thổ, dựng nên các triều chính thống như bốn họ Đinh, Lý, Trần, Lê.

Than ôi! Đấng trượng phu là phải như thế.

Trong nữ giới mà trượng phu, chính là Hai Bà Trưng. Hai Bà là con Lạc tướng, cháu Lạc vương, vốn không phải người thường. Nhưng từ khi nước Văn Lang bị mất, thế nước thuộc về nhà Thục, nhà Triệu, rồi đến nhà Hán, lệ thuộc nước ngoài hơn hai trăm năm. Việc ấy không cần bàn luận. Thêm vào đó, bọn thái thú nhà Hán hoành hành bạo ngược, những bậc hào kiệt chưa ai nổi dậy. Buổi ấy, trong nước có việc kỳ lạ lắm thay! Đó là việc Bà Trưng chị vì chồng, Bà Trưng em vì chị, xắn cánh tay, hô một tiếng, bọn thái thú bạo ngược bỏ chạy. Trong khoảng vài ngày, bình định được hơn năm mươi thành, oai vũ lừng khắp cõi Lĩnh Nam, thanh danh làm rung động đất Hoa Hạ. Mặc dầu trí dũng như Phục Ba mà Hai Bà vẫn ba lần đánh thắng, thanh thế làm cho người Hán bao phen ngày đêm vất vả. Đến lúc việc chẳng chiều lòng, cùng nhau xắn tay, nhảy xuống sông Hát. Trí tuệ như thế ai mà sánh kịp, tài lược như thế ai mà sánh kịp, nghĩa khí như thế ai mà sánh kịp. Chị em một nhà, anh hùng muôn thuở, Hai Bà quả là bậc người hiếm có trong nữ giới và việc làm của Hai Bà cũng khó mà có được trong nữ lưu.

Các đấng trượng phu làm việc vốn không cần bàn luận thành bại, mà việc làm của Hai Bà lại càng không nên lấy thành bại mà luận bàn. Nghìn đời sau, đọc trang sử cũ, khiến mọi người đều tăng thêm chính khí. Đến bản triều Hai Bà vẫn được ghi vào nền tự điển1. Ngoài ra, miếu thờ Hai Bà đâu đâu cũng có, ấy là do uy thiêng của Hai Bà lưu truyền lại. 

Tại làng Đồng Nhân, huyện Thanh Trì, từ xưa có lập đền thờ Hai Bà ở bãi sông. Về sau sông lở, dân làng chọn được một nơi ở Võ Miếu cũ, thuộc thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, được ban cấp hơn sáu mẫu đất để lập đền làm nơi hương đèn phụng thờ. Việc ấy được vua xuống chỉ chuẩn y. Thế là triều đình đã thể theo nguyện vọng của dân, điều đó có bằng cứ rõ ràng. Còn như việc thi thể không hóa và những điều linh ứng lạ lùng thì đều là những sự truyền miệng thêm thắt.

Nhân tìm được tấm bia bỏ không ở nơi đền mới, người ta cậy tôi viết bài văn, ý muốn mượn bia để truyền lại những việc đó. Tôi cũng mượn bia này để bày tỏ ý kiến, giúp người xem bia hiểu cho đúng. Vậy có bài ký này.

Năm Minh Mạng thứ hai mươi mốt trong muôn vạn năm. Canh Tý (1840) trung tuần tháng năm ngày tốt dựng bia.

Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826) nguyên đốc học Bắc Ninh, Vũ Hoàn Phủ, hiệu Đường Xuyên soạn2.

Theo bản dịch của Lê Thước - Trần Huy Hà
(Nghiên cứu Lịch sử số 149).

_____________________________________
1. Tự điển: sự tích các thần thánh và phép tắc thể lệ thờ cúng ở các đền miếu của các triều vua xưa. Hễ một vị thần được ghi vào Tự điển tức là được triều đình xếp hạng.
2. Chính là Vũ Tông Phan (1804-1862) gốc ở Bình Giang (tỉnh Hải Dương cũ) ngụ tại làng Tự Tháp, huyện Thọ Xương, tức khu vực các phố Hàng Trống, Lê Thái Tổ ngày nay. Ông là một danh sĩ của Thăng Long thời đó.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 11:06:54 pm »


2. BIA GHI SỰ TÍCH TRƯNG VƯƠNG

Trong khoảng vũ trụ, sự nghiệp kỳ lạ phần nhiều ra từ những khách trượng phu. Phận gái làm nên sự nghiệp lạ, chẳng cũng là bậc nữ trượng phu sao? Như thế lại càng đáng ghi lắm.

Nhớ Hai Bà Trưng người Châu Phong, cha là Lạc tướng, tổ là Hùng Vương. Kể về dòng dõi kẻ thường không sánh được. Huống nữa Hai Bà đem tấm thân ngọc trắng giá trong, ôm cái chí tang bồng, hoài bão không phải vừa. Hành động lớn lao chẳng ở đấy thì ở đâu?

Từ khi nước Văn Lang nửa vời sụp đổ, bờ cõi mất về tay Thục, Triệu và Lưỡng Hán đến vài trăm năm. Thêm nỗi ngọn lửa bạo ngược của Tô Định lại lưng trời ngùn ngụt bốc.

Hai Bà, vợ vì chồng, em vì chị, bừng bừng nổi giận vùng dấy nghĩa binh, ném trâm thoa mà mặc giáp trụ, nhãng gương lược mà cầm gươm đao, không đầy vài tháng mà lược định 56 thành ngoài Ngũ Lĩnh, dựng nước, xưng vương, định đô Mê Linh. Chẳng phải sự nghiệp kỳ lạ là gì đấy?

Đến lúc phải lui về Cấm Khê, tuẫn tiết ở Hát Giang, cũng là bởi trời chứ há nên bình luận, anh hùng theo thành hay bại.

Nhưng xét đến gan dạ kia, mưu lược kia, tiết tháo kia thì Hai Bà thật không thẹn là dòng dõi thần minh.

Sau khi mất, chân thân Hai Bà hóa thành đá hiển linh ở bến sông Nhị Hà. Năm Đại Định thứ ba (1142) vua Lý Anh Tông sai lập đền ở bãi Đồng Nhân, huyện Thanh Trì để thờ Hai Bà, rất linh ứng. Các triều đều có sắc phong.

Hoàng triều ta trọng điển lễ, đã phong sắc rồi. Năm trước, đền cũ hư hỏng vì nỗi sông lở cát bay, đã được chỉ dụ nhà vua cho dời vào thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương để dân xã thờ phụng.

Nghìn thu hương lửa, dằng dặc với trời đất không cùng.

Nay nhân sửa đền, xin kính thuật sơ qua sự tích Hai Bà để khắc vào đá, truyền lâu dài.

Hậu quân Đô thống phủ đô thống lĩnh Hà Ninh tổng đốc Vũ Khê tử Tôn Thất Bật kính ghi.

Năm Tự Đức thứ nhất (1848 ) trong muôn vạn năm ngày lành, tháng Tư. Cử nhân tỉnh Hưng Yên hiện làm đốc học Hà Nội, Dương Duy Thanh kính soạn1.

Theo bản dịch của Hoa Bằng
(Tạp chí Tri Tân số 39)
24-3-1942
_____________________________________
1. Dương Duy Thanh (1804-1861) hiệu là Nhạn Phong, đỗ cử nhân năm 1828, người làng Phú Thị, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũ, nay là huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng, là một nhà giáo dục nổi tiếng đồng thời là một nhà thơ đặc sắc. Người bấy giờ khen là một trong “quốc sĩ tứ kiệt”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM