Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:18:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  (Đọc 107922 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2010, 10:18:53 pm »


TRƯNG NHỊ

Ngoài việc nêu bà Trưng Nhị là em và cùng khởi nghĩa với bà Trưng Trắc thì các sử cũ không có ghi gì thêm về nhân vật này. Các ngọc phả ở Hạ Lôi và ở Hát Môn có đưa ra một số chi tiết mới:

Sau khi Trưng Trắc đã khởi binh ở Phong Châu thành (?) thì bà ủy cho Trưng Nhị truyền hịch kêu gọi anh hùng hào kiệt bốn phương hưởng ứng. Tại cuộc hội quân Hát Môn, Trưng Nhị được phong là Bình Khôi công chúa và cầm một đạo binh đi đánh thành Tô Định. Sau khi thành công, bà Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Trưng Nhị làm phó vương. Đến lúc Mã Viện xâm lăng, Trưng Nhị cùng chị dẫn đại quân chống cự ở nhiều nơi, cuối cùng cả hai người hóa ở đỉnh một ngọn núi thuộc Kinh Môn phủ, Thạch Thành huyện. Đó là ngày mùng 8 tháng ba. (Thần tích làng Hát Môn kể giống như thần tích làng Hạ Lôi, chỉ khác một chi tiết về chung cục của Hai Bà: Hai Bà tự trầm ở sông Hát và đó cũng là vào ngày mùng 8 tháng ba. Tuy vậy cả hai bản đều do một người soạn là Nguyễn Bính và năm soạn là Hồng Phúc thứ nhất tức năm 15721.)

Thực ra trong các thần tích này có lầm lẫn về địa danh: Kinh Môn phủ (tỉnh Hải Dương cũ) không có huyện Thạch Thành. Huyện này thuộc về tỉnh Thanh Hóa. Và những thứ chức tước “Bình Khôi công chúa”, “Phó vương”, cả việc Hai Bà chạy vào tận Thạch Thành tất cả đều là không có căn cứ chính xác. Cho nên chỉ có thể coi đây là truyền thuyết chứ chưa phải sử liệu.

Ngoài ra, từ bao đời nay, Trưng Nhị thường được thờ cùng với Trưng Trắc - như ở đền Hạ Lôi, đền Hát Môn, đền Đồng Nhân v.v... Riêng có làng Cư An (nay thuộc xã Tam Đồng, huyện Mê Linh) chỉ thờ một mình Trưng Nhị. Theo truyền thuyết địa phương, nơi đây là đất bản bộ của bà. Đáng lưu ý là ngọc phả của làng này kể về Trưng Nhị có nhiều điều khác với ngọc phả Hạ Lôi, Hát Môn cũng như khác với sự hiểu biết quen thuộc của chúng ta lâu nay.

Dưới đây là tóm lược những ý chính của văn bản đó: “Trắc và Nhị là hai chị em sinh đôi, con gái lạc tướng. Chị lấy huyện lệnh Ô Diên là Thi Sách. Em lập bản doanh ở trang Cự Triền (nay là Cư An) thuộc huyện Ô Diên, phủ Tam Đái, đạo Sơn Tây.

Thi Sách bị Tô Định giết. Trắc khởi nghĩa binh ở Phong Châu thành. Bà cho vời Trưng Nhị tới, giao quản lĩnh ba quân, truyền hịch đại cáo với thiên hạ... Với ba vạn nam nữ quân sĩ, Hai Bà về Hát Môn hội quân. Sau đó tiến đánh Tô Định. Khi đã đánh đuổi được quân Hán, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong em là Bình Khôi công chúa. Bà này xin lui về Cự Triền mở mang đất đai, lập nên thành đó. Trưng Vương dời đô về đóng ở đó.

Mã Viện sang xâm lăng. Ban đầu quân Hán thua nhiều. Mã Viện dùng mẹo, cho một cánh quân đi đường thượng đạo, tiến ra Côn Luân, Bắc Tạ, đến Tụ Long, Bảo Lạc, Tuyên Quang, Đại Man thập lục châu. Trưng Vương cử bà Nhị lên thượng đạo cự chiến. Nhưng kỳ thực Mã Viện phái đại binh theo hạ đạo đánh vào trung châu. Được tin này, Trưng Nhị liền quay trở lại.

Khi đó Trưng Trắc đã vào Ái Châu. Nhị tìm theo, tới Thiệu Thiên phủ, Thạch Thành huyện thì cũng vừa lúc ấy bà chị lên núi và hóa. Trưng Nhị trở về Cự Triền. Quân Hán tới vây đánh. Bà phá vây và hy sinh tại trận. Đó là ngày 10 tháng tám”
.

Trở lên là nội dung tóm tắt bản “Cư An xã thần tích” mà tác giả là Lễ bộ thượng thư Nguyễn Bính, soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), tháng hai, ngày mùng 102.

Như vậy thần tích An Cư có nhiều điểm khác với thần tích các làng Hạ Lôi, Hát Môn:

1. Trưng Nhị có một căn cứ riêng ở Cự Triền (tức Cư An).

2. Huyện Chu Diên còn có thể gọi là Ô Diên (?)

3. Trưng Trắc từng đóng đô ở Cự Triền và hóa ở huyện Thạch Thành thuộc Châu Ái.

4. Trưng Nhị từng chống quân Mã Viện ở Cự Triền và hy sinh tại đây vào ngày 10 tháng tám, sau khi bà Trưng Trắc hy sinh tại Thạch Thành.

Cũng chưa thể khẳng định thần tích nào chép đúng vì đều là còn ở dạng truyền thuyết. Có một điều hơi lạ là tác giả bản thần tích Cư An chính cũng là Nguyễn Bính - tác giả hai bản Hạ Lôi, Hát Môn; vậy mà lại có những sai biệt như thế3. Trong thực tế thì tại Cư An hiện còn dấu vết một tòa thành tương truyền là do bà Trưng Nhị đắp nên, gọi là thành Dền4. Và ngành khảo cổ đã từng khai quật ở đó những hiện vật bằng đá, bằng gốm, bằng đồng thuộc các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên và Gò Mun. Điều này có nghĩa là Cư An từng là một điểm cư dân đông đúc từ thời các vua Hùng đầu tiên mới dựng nước.
____________________________________
1. Toàn văn lời dịch hai bản ngọc phả này in ở phần Phụ lục.
2. Bản này có ở Thư viện Khoa học xã hội, ký hiệu Q4*18 (phần phủ Yên Lăng), do hương lý làng Cư An sao nộp trường Viễn Đông bác cổ ngày 4-7-1938.
3. Sự sai biệt này có thể do một trong những nguyên nhân sau:
    - Hoặc Nguyễn Bính đúng là tác giả các văn bản nói trên nhưng người các đời sau ở từng địa phương, với những động cơ, mục đích và nguồn tư liệu truyền thuyết khác nhau đã thay đổi thêm bớt ít hoặc nhiều tình tiết.
    - Hoặc Nguyễn Bính chỉ soạn một bản (nào đó), còn những bản khác do người đời sau viết ra nhưng ký tên Nguyễn Bính để cho có uy tín.

4.Chương sáu sẽ trở lại vấn đề thành Dền này.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 07:55:21 pm »


HÙNC NCUYÊN

Hầu hết các sử sách đều không chép gì về gia đình riêng của Trưng Nhị. Thiên Nam ngữ lục lại kể rằng hai chị em bà đều lấy Thi Sách (tuy không phải là kể trực tiếp mà qua lời nói của Tô Định: Hai gái má hồng dùng lấy kết duyên). Điều này không thể tin được, vì hai lẽ:

1. Lúc ấy xã hội Giao Chỉ đã bước sang chế độ phụ hệ nhưng tàn dư của cơ cấu nguyên thủy vẫn còn, nhất là vai trò và địa vị của người phụ nữ trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt xã hội còn rất cao, bằng chứng là có nhiều phụ nữ tham gia khởi nghĩa và giữ những chức vụ chỉ huy trọng yếu (theo các thần tích, ngọc phả). Như thế thì chưa thể có chế độ đa thê.

2. Theo nhiều thần tích, ngay cả thần tích làng Cư An ở trên - là nơi thờ riêng bà Trưng Nhị - đều không có dấu hiệu gì tỏ ra bà là vợ Thi Sách.

Ngược lại theo thần tích làng An Duyên nay thuộc xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây thì Trưng Nhị có chồng. Người chồng đó tên là Hùng Nguyên. Thần tích kể rằng:

“Hùng Nguyên người trang Phấn Thư, thuộc huyện Chu Diên, là con ông Hùng Đức và bà Mai Thị Ngoạn. Ông làm bạn với Trưng Nhị trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa. Sau này, khi dấy binh, Hùng Nguyên cầm đầu một đạo quân mà cờ hiệu và áo quần đều là màu xanh. Dẹp xong Tô Định, Hùng Nguyên lập ấp ở trang An Duyên, dạy dân khai hoang, cày cấy... Dân trang ngày một đông đúc.

Khi Mã Viện xâm lăng, Hùng Nguyên chiêu tập thêm dân binh theo Hai Bà chiến đấu. Sau Hùng Nguyên tử trận. Quân sĩ cũng hy sinh hầu hết. Chỉ còn sống sót có bảy người. Họ vượt được vòng vây, vế tới An Duyên. Sau đó dân làng tôn Hùng Nguyên làm thành hoàng. Hùng Nguyên trở thành một trong số bảy thành hoàng của An Duyên”.

Thần tích là như vậy, ghi lại ở đây để giữ một tư liệu chứ chưa thể khẳng định đúng sai.1
____________________________________
1. Rất tiếc là bản sao ngọc phả làng An Duyên hiện lưu ở Thư viện Khoa học xã hội không ghi tên người soạn và năm soạn. Về bà Trưng Nhị, ngoài một lần được nêu là vợ của Hùng Nguyên thì không hề được nhắc tới nữa trong suốt ngọc phả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:00:38 pm »


QUÊ HƯƠNG

Sử cũ (của ta và của Trung Quốc) đều chép Hai Bà là con lạc tướng huyện Mê Linh. Vậy huyện này hiển nhiên là quê hương của Hai Bà. Nhưng đó là khu vực nào so với ngày nay? Tại đấy làng cụ thể nào là làng của Hai Bà?

Hiện có hai chủ trương khác nhau: Một đặt huyện Mê Linh đời Hán ở về phía tả ngạn sông Hồng mà phần chủ yếu là đất đai huyện Yên Lãng, tức nay là huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. (Chính theo chủ trương này mà năm 1977 khi đặt tên cho một huyện mới, do sáp nhập hai huyện Yên Lãng và Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú đã chọn tên Mê Linh. Tháng 12-1978, phần huyện Yên Lãng cũ được cắt về Hà Nội nhưng vẫn giữ tên Mê Linh ấy. Năm 1990, huyện này trở về thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Tại đấy, làng Hạ Lôi được coi là quê của Hai Bà.

Một chủ trương khác lại đặt huyện Mê Linh đời Hán ở bên hữu ngạn sông Hồng mà trung tâm là vùng giáp ranh các huyện Thạch Thất, Quốc Oai. Tại đấy cũng có một làng tên là Hạ Lôi và được đoán định là quê của Hai Bà. Làng này thuộc huyện Thạch Thất nay thuộc tỉnh Hà Tây.

Dưới đây sẽ lần lượt điểm qua hai chủ trương đó:


LÀNG HẠ LÔI Ở HUYỆN MÊ LINH

Từ trước tới nay, rất nhiều người nếu không nói là tất cả đều coi huyện Mê Linh đời Hán ở bên bờ trái sông Hồng và trị sở của huyện đó là chỗ làng Hạ Lôi ngày nay.

Làng Hạ Lôi nằm bên trong đê tả ngạn, cách bờ sông chừng một ngàn mét, cách trung tâm nội thành Hà Nội 13km đường chim bay về phía tây bắc. Làng này nay hợp với làng Liễu Trì thành xã Mê Linh. Khác với các làng cổ thường có tên gọi Nôm, làng Hạ Lôi không có tên Nôm, chỉ có tên Hán - Việt. Theo bản ngọc phả vốn giữ tại ngôi đền thờ Hai Bà Trưng ở đây và cả ký ức dân làng thì Hạ Lôi là tên mới. Xưa là Cổ Lôi trang, trung gian đổi ra là Cổ Lai. Sau rốt, cách đây khoảng hai trăm năm mới có tên như hiện nay:

Hiện nay làng Hạ Lôi có 12 xóm: 1. xóm Chợ, 2. xóm Hội, 3. xóm Đình, 4. xóm Chùa, 5. xóm Cầu, 6. xóm Ao Sen, 7. xóm Xanh, 8. xóm Bờ Hè, 9. xóm Bàng, 10. xóm Đường, 11. xóm Giếng, 12. xóm Ấp Hạ. Nhưng ngày trước có cả thảy 36 giáp, chia làm hai thôn Đông và Đoài. Các di tích cổ ở cả hai thôn là như sau:


VỀ ĐÌNH MIẾU

Mỗi thôn có một văn chỉ riêng. Văn chỉ thôn Đông nguyên ở vào chỗ nay là nghĩa trang liệt sĩ. Văn chỉ thôn Đoài vốn là ở khu vực trường cấp hai hiện nay.

h. Sơ đồ HẠ LÔI (YÊN LÃNG)

Tuy có hai văn chỉ nhưng cả làng chỉ có một ngôi đình. Trụ sở ủy ban nhân dân xã ngày nay là dựng trên nền đình cũ.

Đình làng Hạ Lôi thờ bốn thành hoàng là các ông Đô, Hồ, Bạch, Hạc, tương truyền đó là bốn người đầu tiên đã lập ra làng Hạ Lôi. Theo lời kể của người làng thì buổi ban đầu bốn vị đó tới đây trụ ở bốn nơi, khai phá đất đai, sinh cơ lập nghiệp. Dần dần bà con các nơi khác cũng noi theo, kéo tới đây sinh sống, lập ra bốn xóm có tên là xóm Đường, xóm Hội, xóm Nội, xóm Kiên. Đó là bốn xóm “hạt nhân” của làng Cổ Lôi sau này. (Song ngày nay mọi người chỉ biết có xóm Đường và xóm Hội. Còn hai xóm Nội và Kiên thì chẳng ai biết là ở chỗ nào, kể cả những người già nhất làng).

Ngoài ngôi đình ra, ở xóm Chợ còn có một ngôi đền thờ Cốt Tung, tương truyền là người đã phù tá vua Hùng Duệ Vương chống Thục Phán. (Làng Liễu Trì - láng giềng của Hạ Lôi - thờ Cốt Tung làm thành hoàng chính). Đền ấy nay không còn, trên nền đã xây nhà kho của hợp tác xã. Có người gọi đó là đền Đen, vì đồ thờ, cờ kiệu... đều sơn đen, do kiêng kỵ1 Cốt Tung chết vì đao kiếm. Sự tích tóm lược như sau:

“Ở làng Liễu Trì, khi đó gọi là Lục Trì sở có hai vợ chồng nhà nọ, nhân leo lên một ngọn núi, thấy có nhiều xương cốt vương vãi, họ bảo nhau nhặt nhạnh rồi tung xuống chân núi để chôn cất làm phúc. Sau hôm đó, người vợ có lòng, rồi sinh một trai, đặt tên là Cốt Tung. Cốt Tung cao lớn lạ thường, được vua Hùng tuyển đi chống quân Thục. Nhưng trong một trận chiến, ông bị thương ở cổ, máu chảy đỏ lòm. Ông xé áo buộc vết thương, tìm đường về làng. Quân địch vẫn đuổi theo. Ông liền nhấc một tảng đá to bằng con trâu mộng ném vào đám quân địch, khiến chúng kinh hãi, thôi không dám đuổi.

Về tới đầu làng (Lục Trì sở) ông ngồi tựa gốc đa rồi hóa. Mối đùn thành mộ. Còn tảng đá ném địch thì rơi ở làng Hạ Lôi, có in hằn năm vết ngón tay, mỗi vết to hơn quả chuối mắn”.

Như vậy ở làng Hạ Lôi về mặt đình miếu liên quan đến Hai Bà Trưng thì chỉ có ngôi đền thờ Hai Bà, vẫn quen gọi là đền Hạ Lôi, nằm ở rìa phía nam làng, tương truyền xây trên nền nhà cũ của bà Trần Thị Đoan, mẹ của Hai Bà. Chính ngôi đền này cùng với lời tương truyền đó đã là một căn cứ chủ yếu để khẳng định làng Hạ Lôi là quê hương của Hai Bà2.


VỀ BI KÝ

Ở kho văn bia của Thư viện Khoa học xã hội có ba bản dập từ ba tấm bia của làng này. Theo thứ tự thời gian là các bia sau:

Lưu truyền bi ký khắc năm Vĩnh Thịnh thứ mười lăm (năm 1719) ghi lại sự tích, hành trạng một người họ Dương có công đức.

Hậu hiền bi ký khắc năm Cảnh Hưng thứ tám (năm 1747) dựng ở văn chỉ thôn Đông, nói về việc xây văn chỉ này.

Tụy văn bi ký khắc năm Cảnh Hưng thứ mười (năm 1749) dựng ở văn chỉ thôn Đoài, cũng nói về việc xây văn chỉ đó.

Như vậy cả ba tấm bia ấy không liên quan gì tới Hai Bà Trưng và trong thực tế thì hai tấm sau đã bị phá. Chỉ còn lại tấm thứ nhất hiện thấy ở nhà thờ Dương Công Sủng.

Riêng ở đền thờ Hai Bà có một tấm bia nhưng lại không giúp gì cho việc nghiên cứu về Hai Bà vì nội dung chỉ ghi lại việc sửa đổi hướng đền vào năm Thành Thái thứ nhất tức năm 1899.

____________________________________
1. Hèm.
2. Chương sáu sẽ nói về ngôi đền này.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:03:22 pm »


VỀ NHỮNG TRUYỀN THUYẾT

Loại tư liệu này có hai nguồn:

Một là những lời kể của dân làng - sẽ gọi tắt là lời truyền miệng - chủ yếu là của những người cao tuổi mà tác giả sách này được tiếp xúc. Các vị đó có đoan rằng “ngày xưa các cụ truyền ngôn lại thế nào thì chúng tôi kể như vậy”, tức là sự tích chưa bị lịch sử hóa.

Nguồn thứ hai là bản ngọc phả đền Hạ Lôi do Lễ bộ thượng thư Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất tức năm 1572. Tuy gọi là ngọc phả đền Hạ Lôi nhưng trong đền không còn lưu giữ vì khoảng năm 1947-1948, bọn tay sai giặc Pháp đã vào đền phá phách, hủy tượng thờ, đốt ngọc phả... May là trong kho thần tích, ngọc phả của Thư viện Khoa học xã hội còn có một bản do hương lý làng này sao nộp vào tháng 4 năm 1938.

Về nguồn thứ nhất thì trong thực tế, người dân ở đây - những người không chuyên chú đi sâu tìm hiểu qua sách báo hiện nay về sự nghiệp Hai Bà - kể về Hai Bà cũng không dồi dào chi tiết.

Như một người cao tuổi trong làng - ông cụ Hương Đệ có kể cho chúng tôi nghe chuyện Hai Bà “theo lời các cụ xưa truyền lại”, nội dung cũng đơn giản. Những chi tiết chính thì mọi người đều biết: Bà Trưng Trắc là con gái nhà lạc tướng và là vợ Thi Sách. Thi Sách bị Tô Định giết. Bà khởi binh diệt trừ Tô Định và ở ngôi vua ba năm. Mã Viện xâm lăng. Bà và em gái hy sinh.

Nhưng có thêm một số chi tiết ít phổ biến:

- Đền thờ Hai Bà là xây trên nền nhà cũ của bà mẹ (bà Trần Thị Đoan).

- Hai Bà đóng đô tại đây.

- Thi Sách làm huyện lệnh Chu Diên, huyện đường chính là khu đất rộng chừng 10 mẫu ở ngay đằng sau đền Hai Bà, nay vẫn gọi là khu huyện.

- Hai Bà trầm mình ở cửa Hát chứ không phải chết vì đao kiếm nên đồ thờ tự trong đền vẫn sơn son như thường.

Về nguồn thứ hai - nguồn ngọc phả - thì nội dung phong phú hơn. Dưới đây là tóm tắt những ý chính:

“Hùng lạc tướng và vợ là Trần Thị Đoan sinh được hai gái, đặt tên là Trắc nương và Nhị nương. Ngày sinh là mùng 1 tháng tám năm Giáp Tuất. Năm 19 tuổi, Trắc nương lấy Thi Sách. Vài năm sau, Sách bị Tô Định giết. Trắc nương nuôi chí trả thù chồng, giành lại non sông. Bà cử em là Nhị nương đi chiêu mộ hào kiệt. Hơn một năm, quân đông tới ba vạn người, họp ở thành Phong Châu, sông Bạch Hạc. Bà cử binh về cửa Hát, hội quân ở bãi Trường Sa. Tại đây, Bà lập đàn kỳ đảo thiên địa bách thần. Sau đó, tiến đánh thành Tô Định ở huyện Chu Diên. Hai Bà lập đồn tại Cổ Lôi trang. Ngày mùng 7 tháng giêng, Hài Bà mở tiệc khao quân rồi tiến đánh Tô Định. Định thua chạy. Trăm quan đón Hai Bà vào thành Chu Diên. Bà chị lên ngôi vua xưng là Trưng Nữ Vương. Bà xây đô thành ở huyện Chu Diên, đất Phấn Lộ và mở một hành cung ở Cổ Lôi trang nơi xứ Đầu Bàng Thượng.

Ba năm sau, Quang Vũ sai Mã Viện sang xâm lăng. Quân Hán thường thua. Mã Viện phải lui về Giang Hán, xin viện binh. Được cấp thêm quân, Mã Viện trở lại đánh, Trưng Vương và em gái cùng năm trăm nữ tướng cải trang thành nam giới ra trận. Đánh hơn mười trận không phân thắng bại. Tới một lần quân Hán đánh phủ Hạ Hồng thuộc Hải Dương. Trưng Vương đã lập đồn tại đây. Bà dẫn nữ binh nữ tướng ra nghênh chiến. Bỗng gió lớn nổi lên, thổi tung áo mão mọi người. Quân Hán nhận ra quân Nam đều là đàn bà liền bảo nhau cởi quần áo xông vào. Các bà, các cô thẹn, chạy tán loạn. Hai Bà chạy đến huyện Thạch Thành, phủ Kinh Môn, phi ngựa lên núi và hóa. Đó là ngày mùng 8 tháng ba"1.

Gác lại một bên những chi tiết hư cấu nhằm lý giải nguyên nhân bại trận của Hai Bà (ý đồ tốt nhưng cảm thụ nghệ thuật khá tầm thường), cũng như gác lại những thông tin sai lầm về diễn biến của chiến tranh ngày ấy hoặc về địa danh Thạch Thành - Kinh Môn (phủ Kinh Môn không hề có huyện Thạch Thành, chỉ có huyện Kim Thành; còn Thạch Thành là một huyện ở Thanh Hóa) v.v... thì ngọc phả này có một số chi tiết rất đáng lưu ý:

- Không nói rõ quê hương cụ thể của Hai Bà.

- Coi Hạ Lôi là đất huyện Chu Diên và không hề nhắc gì tới địa danh Mê Linh.

- Ở huyện Chu Diên có một thành của Tô Định: để đánh thành này Hai Bà lập đồn ở Hạ Lôi. Sau khi thành công Hai Bà cho dựng hành cung ở Hạ Lôi, tại xứ Đầu Bàng Thượng2.

- Còn kinh đô thì Hai Bà lập tại xứ Phấn Lộ cũng thuộc huyện Chu Diên. Về địa danh này, chúng tôi ngờ là ngọc phả sao chép sai mặt chữ. Có thể là Ký Hợp vì thần tích chàng Hối ở làng Thịnh Kỷ (nay thuộc xã Tiền Châu, huyện Mê Linh) có đoạn viết: “... Trưng Vương theo lời tâu của chàng Hối cho lập đô tại Ô Diên huyện, Ký Hợp phường” và chú thích “Ký Hợp nay là làng Yên Lãng”. Chữ nay là chỉ thời gian soạn thần tích tức thế kỷ XVI. Lúc đó làng Yên Lãng thuộc về huyện Yên Lãng, còn hiện giờ thì làng này đã mang tên mới là làng Lý Hải và thuộc xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Hai chữ Phấn Lộ và Ký Hợp về mặt chữ rất dễ lẫn lộn).

- Về chung cục của Hai Bà thì ngọc phả nói là hóa ở núi huyện Thạch Thành (chứ không phải trầm mình trên sông Hát).

Như vậy ngọc phả khác nhiều so với lời truyền miệng ở chính làng Hạ Lôi (phần dưới sẽ trở lại vấn đề này).

Cũng cần nêu thêm là ở quyển “Truyền thuyết Trưng Vương” do Chi hội Văn nghệ Vĩnh Phú in năm 1975 có bài Truyền thuyết về Hai Bà Trưng viết dưới dạng tiểu thuyết mà các sự kiện, tư liệu dẫn dụng trong bài lại không có xuất xứ cho nên chúng tôi xin chưa sử dụng tới.
____________________________________
1. Xem toàn văn bản dịch ở phần Phụ lục.
2. Theo người làng thì Đầu Bàng Thượng ở chỗ giáp ranh xóm Bàng và xóm Chùa. Cl. Madrôn trong bài “Le Tonkin ancien” (BEREO XXXVII) thì ghi lầm là Đầu Bằng Thượng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:08:30 pm »


VỀ DI TÍCH THÀNH CŨ

Người làng Hạ Lôi ai cũng công nhận ngày trước ở đây có một tòa thành đất mà mọi người gọi kiêng là thiềng. Nhưng hỏi về hình dạng qui mô của thành đó thì không ai nói được. Vì ngay cả những người cao tuổi nhất làng này cũng chỉ nhớ là thủa nhỏ, khi họ bắt đầu có hiểu biết thì thiềng chỉ còn là những vạt đất nứt nối rời rạc, đôi chỗ có tre mọc, khó hình dung ra kiểu cách.

Về gốc gác của thành thì trong làng cũng có nhiều cách giải thích. Người thì bảo đó là thành do Hai Bà cho xây nên. Người thì nói đó là thành huyện Chu Diên, nhiệm sở của Thi Sách. Nhưng có người lại đoan chắc rằng huyện đường Chu Diên chỉ là khu đất rộng chừng 10 mẫu ta ở sát ngay phía sau đền Hai Bà.

Tóm lại, bằng vào ký ức và dấu vết hiện còn thì chưa có thể xác định lịch sử và hình dạng tòa thành đó. Tuy nhiên, với cách nhìn có chuyên môn, hai ông Nguyễn Lộc - Văn Lang đã nhận diện và mô tả tòa thành đó như sau:

“Đây là một tòa thành... rộng tới 100 mẫu Bắc bộ1, chiều dài có chỗ lên tới 1700m, chiều ngang nơi rộng nhất hơn 500m.

Điều đặc sắc thứ nhất của thành là hình dáng không ổn định của nó. Bình diện tòa thành gợi lên cảm giác lắp ghép tiếp hợp của ba ô thành khác nhau có hình gần chữ nhật và một ô thứ tư nữa, hình đa giác lồi chiếm hơn nửa diện tích thành.

Điều đặc sắc thứ hai là bên cạnh cấu trúc cổ điển gồm hào lũy thì tường thành có chỗ còn thấy đắp thành hai lớp song song với khoảng cách từ 1m đến 3m tạo thành một đường ống ở giữa. Cái tên “Thành ống” cũng do đó mà có. Thành ống khoanh lại trong lòng nó bốn xóm được coi là cổ nhất làng, mang những tên Đường, Hội, Nội, Kiên... Lời kể dân gian nói rằng đấy là xóm Nội - nằm trong ô thành tính từ đông sang tây là ô thứ hai - xưa là quê của bà Trần Thị Đoan... Nơi sinh hạ của Hai Bà cũng là xóm Nội”2.

Có thể đó là tình hình năm các tác giả viết bài khảo sát này - năm 1973 - chứ năm 1980, khi chúng tôi đến khảo sát thì không sao nhận ra hình dáng và qui mô này. Đặc biệt là về địa điểm xóm Nội thì ở Hạ Lôi ngày nay, ngay cả những người cao tuổi cũng không ai chỉ ra rõ được. Đó chỉ là địa danh huyền thoại.


VỀ ĐỊA DANH

Ở Hạ Lôi còn một số địa điểm mà tên gọi có liên quan đến hoạt động của Hai Bà:

- Con đường đi từ đền ra đến đường liên thôn được gọi là đường Trống quân hoặc Trung quân, tương truyền là đường trẩy quân của Hai Bà.

- Ngoài đồng có những vùng đất mang tên như Đồng Vỡ chỉ nơi quân Hán bị tan vỡ. Đồng Đống là nơi xác quân Hán chết chất thành đống. Đồng Dai là nơi quân hai bên giao chiến dai dẳng suốt ngày. Đồng Đỗi là nơi một cánh quân tiếp ứng được lệnh đỗi lại tức dừng lại v v...

Tất cả cũng là do lời truyền ngôn kể lại và cũng chỉ có giá trị là những chứng tích huyền kỳ.


VỀ NHỮNG DI VẬT KHẢO CỔ

Theo ông Vũ Kim Biên ở Ty Văn hóa Vĩnh Phú - là cơ quan phụ trách khai quật di chỉ Hạ Lôi. những năm 70 - thì ở Hạ Lôi có nhiều mộ thời Bắc thuộc (quen gọi là mộ Hán) tập trung ở ba khu vực ở Đồng Si, xóm Đường và phía nam đền Hai Bà. Ở những khu này ngoài các nấm mộ xây gạch cuốn có nhiều đồ dùng bằng gốm, hoa văn kiểu dáng phương Bắc3.

Một cán bộ khác của ty này - ông Lê Tượng - có nhận xét về di chỉ Hạ Lôi như sau: “Qua xem xét những hiện vật đào được ở mộ cổ hiện để ở đền Mê Linh và rải rác trong làng, chúng tôi thấy những hiện vật này đa số là thuộc thời Tùy - Đường”4.

Như vậy xét về mặt tư liệu khảo cổ học, sơ bộ có thể coi Hạ Lôi từng là nơi có nhiều người Hán tộc cư trú – có thể là một huyện lỵ, quận lỵ hoặc nơi đóng quân - nhưng không phải là người thời Tây Hán - Đông Hán (thời Hai Bà Trưng) mà là người thời Tùy - Đường (thế kỷ thứ VII, thứ VIII)5.
____________________________________
1. Mỗi mẫu bằng 3600m2.
2. “Đi tìm dấu vết thời kỳ Hai Bà Trưng trên miền đất đóng đô của Hai Bà” – Nghiên cứu Lịch sử số 150.
3. Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1978 - trang 301 - Viện Khảo cổ học xuất bản.
4. Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1975 - trang 24 - Viện Khảo cổ học xuất bản.
5. Thực ra di chỉ này chưa được khảo sát kỹ càng, còn phải xác minh tầng văn hóa, nghiên cứu địa tầng và các di vật, xác định niên đại một cách cụ thể hơn... thì mới trở thành một cứ liệu khoa học.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:11:26 pm »


*
*   *

Tóm lại, ở Hạ Lôi có nhiều dấu vết cổ, liên quan đến Hai Bà Trưng cũng không phải ít. Theo ngọc phả, đây là nơi có hành cung của Trưng Vương. Theo lời truyền miệng, đây là làng quê của Hai Bà, Hai Bà đóng đô tại đây, thành đất cũng do Hai Bà cho xây đắp, nhiều địa điểm là chiến trường thời Hai Bà và đền Hai Bà là nền nhà cũ v.v… Chính căn cứ trên những dấu vết đó - dù là đều do truyền miệng - mà lâu nay các nhà chép sử đã coi Hạ Lôi là quê của Hai Bà. Từ khẳng định này dẫn tới những khẳng định khác: làng Hạ Lôi ấy tất là thuộc đất huyện Mê Linh đời Hán, là lỵ sở của huyện này đồng thời là quận trị quận Giao Chỉ và trị sở của bộ Giao Chỉ. Theo đấy, huyện Mê Linh đời Hán chủ yếu nằm bên tả ngạn sông Hồng.

Chủ trương đó lại được một số thư tịch cổ hỗ trợ, Toàn thư của Ngô Sĩ Liên (hoàn thành năm 1479) là sách đầu tiên ghi về điều này: “Thời Tây Hán trị sở của thái thú (Giao Châu) tại Long Uyên tức Long Biên. Thời Đông Hán tại Mê Linh tức Yên Lãng”1.

Ba thế kỷ sau, sách Vân đài loại ngữ của Lê Quí Đôn (hoàn thành năm 1773) có đoạn ghi: “Mê Linh nay là Yên Lãng” (phần Khu vũ, điều 53)2.

Gần năm chục năm sau đó, Phan Huy Chú ghi trong Lịch triều hiến chương - Dư địa chí (hoàn thành năm 1821): “Huyện Mê Linh nay là Yên Lãng. Trưng Vương đóng đô ở đấy”3.

Ý kiến của ba nhà bác học trên làm cho chủ trương Mê Linh đời Hán ở bên tả ngạn sông Hồng mà trung tâm là huyện Yên Lãng (từ năm 1977 đổi là Mê Linh) thêm vững vàng.

Tuy thế, chủ trương này vẫn chưa đủ sức thuyết phục vì trong những truyền thuyết được lấy làm căn cứ suy luận thực ra mang nhiều mâu thuẫn, chứa đựng những chỉ dẫn ngược nhau; các dấu vết vật chất (thành trì và các cánh đồng - chiến trường) thì nguồn gốc chưa sáng tỏ và nhất là lại có những thư tịch khẳng định ngược lại, coi Mê Linh là dải đất bên hữu ngạn sông Hồng.

Về thư tịch thì trước khi Ngô Sĩ Liên hoàn thành Toàn thư 44 năm, tức vào năm 1434, Nguyễn Trãi đã soạn pho sách địa lý đầu tiên của nước ta: Dư địa chí và các nhà Nho uyên bác đương thời là Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Thiên Túng và Lý Tử Tấn đã làm phần diễn giải, chú thích: Trong sách này, điều IX có ghi: “Mê Linh là Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc bây giờ”, tới điều XIX lại nhắc lại: “huyện Phúc Lộc là Mê Linh ngày xưa”4.

Huyện Phúc Lộc đời Lê tới năm 1822 đổi lại Phúc Thọ và tồn tại đến ngày nay (tất nhiên địa giới có xê xích đôi chút). Làng Hát Môn vẫn còn đó, trên bờ phải sông Hồng.

Ngoài ra, cũng ở diều IX và điều XIX Dư địa chí còn ghi: “Chu Diên là huyện Yên Lãng ngày nay” và “huyện Yên Lãng là Chu Diên ngày xưa”.

Như vậy là vào đầu thế kỷ XV, theo những tác giả uyên bác nhất đương thời - và rất có thể họ cũng đã đặt chân tới nhiều miền của đất nước - thì huyện Mê Linh ở bên hữu ngạn sông Hồng và Yên Lãng chưa bao giờ là Mê Linh.

Cho nên sau Nguyễn Trãi ba thế kỷ, hẳn là bị giằng co giữa Dư địa chíToàn thư5 nên nhà bác học Lê Quý Đôn thật sự lúng túng khi định vị vị trí huyện Mê Linh. Như vừa nêu ở trên, Vân đài loại ngữ, phần Khu vũ, điều 53 có ghi: “Mê Linh nay là Yên Lãng” nhưng đến điều 85 Lê Quý Đôn lại viết: “Phong Khê là đất Yên Lãng” rồi “Chu Diên nay là Yên Lãng”. Thật là lúng túng, đầy mâu thuẫn vì từ đời Tây Hán, Chu Diên và Mê Linh đã là hai huyện song song tồn tại trong số mười huyện họp thành quận Giao Chỉ. Vậy nếu Yên Lãng đã là Mê Linh thì không thể là Chu Diên và ngược lại. Ngoài ra Phong Khê là một huyện do Mã Viện lập vào năm 43 bằng cách tách ra một phần huyện Tây Vu (phần còn lại được đặt tên là huyện Vọng Hải) vốn cũng là một trong số mười huyện của quận Giao Chỉ, nghĩa là Tây Vu cũng song song tồn tại với Chu Diên và Mê Linh. Tóm lại, Yên Lãng không thể trong một lúc mà lại thuộc về ba huyện được.
____________________________________
1. Bản dịch của Cao Huy Giu, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Tập 1, trang 89.
2. Bản dịch của Trần Văn Giáp, Nhà xuất bản Văn hóa, Tập 1 trang 111.
3. Bản dịch của Viện Sử học. Nhà xuất bản Văn sử địa - Tập 1, trang 97.
4. Bản dịch của Phan Huy Tiếp - Nhà xuất bản Sử học.
5. Thực ra, Toàn thư của Ngô Sĩ Liên hoàn thành năm 1479 nhưng sau đó nhiều người đã viết thêm, bổ sung, chú thích. Nội dung của sách này như ta thấy ngày nay là mới cố định từ cuối thế kỷ XVII. Cho nên lời chú “Mê Linh tức là Yên Lãng” trong sách này có thể không phải của Ngô Sĩ Liên mà là của những sử thần các đời sau.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:16:59 pm »


Tới thế kỷ XIX, chia sẻ quan điểm của Dư địa chí, các tác giả bộ Cương mục khi chú thích địa điểm Mi Linh (tức Mê Linh) với tư cách là trị sở bộ Giao Chỉ thì ngoài việc trích dẫn Dư địa chí, Toàn thư, Vân đài loại ngữ, còn dẫn cả một câu trong Văn hiến thông khảo là sách của Mã Đoan Lâm (1245-1325): “Các đất Gia Ninh, Thừa Hóa, Tân Xương thuộc Phong Châu đều là đất huyện Mê Linh đời Hán”. Sau đó các tác giả kết luận: “Vậy Mi Linh là phong Châu mới phải”. Rõ ràng Cương mục đã chấp nhận ý kiến của Dư địa chí vì theo sách Thái bình hoàn vũ ký (do Nhạc Sử soạn trong khoảng các năm 984-998 ) thì ở huyện Gia Ninh có núi Tản Viên (q.170). Điều này có nghĩa là huyện Mê Linh đời Hán bao gồm cả khu vực có núi Tản Viên, tức khu vực hữu ngạn sông Hồng (núi Tản Viên cách huyện Phúc Lộc không quá 20km đường chim bay).

Ngoài ra Cương mục còn dẫn thêm một dẫn chứng rất có ý nghĩa: “Theo Địa lý chí trong Đường thư thì Mi Linh ở địa phận hai huyện Phúc Lộc và Đường Lâm”.

Huyện Phúc Lộc như đã nêu ở trên, nay là huyện Phúc Thọ. Còn huyện Đường Lâm ở vào quãng huyện Hoài An và huyện Mỹ Lương1. Hai huyện này tương ứng với các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa của tỉnh Hà Tây.

Ra đời cũng thời gian với Cương mục, bộ sách địa lý Đại Nam nhất thống chí, ở phần tỉnh Sơn Tây, khi nói về huyện Phúc Thọ có ghi cụ thể: “Đời Hán là đất huyện Mê Linh”2. Còn khi nói về huyện Yên Lãng thì cũng ghi cụ thể: “Đời Hán là đất quận Giao Chỉ, có lẽ là huyện Phong Khê. Đời Nam Tề tách ra đặt làm huyện Bình Đạo... Đời Đường đổi làm châu Nam Đạo, lại đổi làm Tiên Châu. Từ đời Đinh đời Lý về sau đặt tên huyện hiện nay”3.

Vậy là theo những ghi chép của các thư tịch trên thì huyện Mê Linh đời Hán nếu có phần đất nào nằm bên tả ngạn sông Hồng thì là ở khu vực tỉnh Phú Thọ, một thời là nửa phía tây của tỉnh Vĩnh Phú, chứ không hề ăn lấn sang đất Vĩnh Yên - Phúc Yên cũ (trong đó có huyện Yên Lãng). Và đại bộ phận đất đai huyện Mê Linh đời Hán là nằm bên hữu ngạn sông Hồng. Theo đó, làng Hạ Lôi thuộc huyện Yên Lãng không thể nào là đất huyện Mê Linh đời Hán được!

Đó là về thư tịch. Còn về tòa thành ở Hạ Lôi thì không phải là các nhà nghiên cứu đều nhất trí coi đó là công trình đắp từ thời Hai Bà Trưng. Ngay hai ông Nguyễn Lộc - Văn Lang tuy tin theo truyền thuyết tòa thành ấy là do Hai Bà xây đắp cũng có lúc tỏ ý nghi ngờ: “Chứng tích đích thực của việc này (việc Hai Bà xây đô thành - N.V.P) hiện nay chưa thấy nhiều. Chưa tìm được dấu vết có hệ thống của nơi cư trú cổ nào thuộc về niên đại đầu Công nguyên ở dưới lớp đất cư trú hiện nay trong thành”4.

Và ông Lê Tượng cũng có ý kiến: “Còn vết tích thành Mê Linh theo bản đồ địa lý và khảo sát bước đầu thì khó có thể kết luận một cách chắc chắn thuộc giai đoạn nào. Nhất là đặt trong mối quan hệ với thành Dền, thành Vượn và diễn biến chiến trận Lãng Bạc thì Mê Linh (nay thuộc Hạ Lôi) khó là kinh đô của Hai Bà Trưng”5.

Riêng chúng tôi thì cho rằng di tích thành ở làng Hạ Lôi này là thuộc về thành Bình Đạo. Vì Đại Nam nhất thống chí đã chỉ dẫn khá rõ ràng. Trong sách đó ở phần tỉnh Sơn Tây, mục Cổ tích có đoạn chép: “Thành cổ Bình Đạo: Theo An Nam chí thì thành cổ Bình Đạo ở phía tây bắc phủ Giao Châu, tức là đất huyện Yên Lãng bây giờ. Hồi thuộc nhà Hậu Hán, năm Kiến Vũ thứ 15, Mã Viện đặt huyện Phong Khê thuộc quận Giao Chỉ. Thời Tam Quốc huyện này thuộc quận Vũ Bình. Nhà Tấn vẫn theo như thế. Nhà Tống vẫn để thuộc quận Vũ Bình. Nhà Tề tách ra đặt huyện Bình Đạo. Khoảng đời Lương, đời Trần bỏ huyện Phong Khê cho nhập vào Bình Đạo. Quảng Châu ký chép Thục Vương kiêm tính lấy Phong Khê tự xưng là An Dương Vương, sau bị Triệu Đà cướp mất. Nay phía đông thành Bình Đạo có thành chín lớp chu vi chín dặm, có lẽ thành này là chỗ ở của An Dương Vương, có người cho đấy là thành cũ Phong Khê”.

Phân tích đoạn sách trên có một số điểm đáng chú ý:

- Phủ Giao Châu nói trong An Nam chí là thành Thăng Long tức nội thành Hà Nội (An Nam chí soạn đời Minh), vậy thành cổ Bình Đạo ở tây bắc nội thành Hà Nội.

- Thành cổ Bình Đạo ấy lại được Đại Nam nhất thống chí chỉ định là ở trên đất Yên Lãng.

- Thành chín lớp của An Dương Vương nói trong Quảng Châu ký chỉ có thể là thành Cổ Loa. Vậy mà thành Cổ Loa được chỉ định ở về phía đông thành Bình Đạo vậy.

Như vậy, một tòa thành nằm trên đất huyện Yên Lãng mà là ở về phía tây bắc nội thành Hà Nội và về phía đông lại có thành Cổ Loa thì chỉ có thể là tòa thành ở Hạ Lôi. Điều này phù hợp với ký ức của người dân Hạ Lôi về một huyện lỵ, huyện đường Chu Diên ở nơi đây. Thực tế là không thể có huyện Chu Diên ở đây, vậy chỉ có thể là thành Bình Đạo. (Và như vậy ký ức cũng khá là bền, vì thành Bình Đạo có từ thời Tề tức thế kỷ thứ VI).

Cho nên nếu muốn dùng những vết tích thành cổ ở làng Hạ Lôi để chứng minh nơi đây là quê hương hoặc kinh đô của Hai Bà Trưng thì sẽ không đạt kết quả vì thiếu chứng cớ xác thực.
____________________________________
1. Dẫn trong Đại Nam nhất thống chí - bản dịch tập IV - Nhà xuất bản Khoa học xã hội - tr.178.
2. Bản dịch của Phạm Trọng Điềm - Tập IV - Nhà xuất bản Khoa học xã hội - tr.178.
3. Bản đã dẫn, tr.184.
4. Bài đã dẫn.
5. Bài đã dẫn.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:17:43 pm »


PHỤ CHÚ - Về loại hình kiến trúc “Thành ống” của tòa thành Hạ Lôi thì ông Đỗ Văn Ninh từng có nhận xét như sau:

“Chúng tôi cũng đã đi điều tra thực địa. Phải nói rằng những vết tích thành cổ còn lại hiện nay không sao cho phép dựng lại được một bình đồ kiến trúc. Chúng tôi tỏ ý hoài nghi về những bình đồ đã được mô tả trong một số bài in ở các tạp chí, báo và họa báo trước đây.

Loại hình kiến trúc “thành ống” cũng là điều đáng bình luận. Đông Tây kim cổ chưa hề có một tòa thành xây dựng theo cách này. Hai tường thành, một ngoài một trong cách nhau chỉ từ 1-3 mét sẽ phát huy tác dụng gì trong chiến đấu?

Tường ngoài tất nhiên là chống địch đánh từ ngoài vào, thế còn tường trong? Chẳng lẽ lại để chống với ta? Nếu quân ta hoạt động dưới con đường giữa hai tường thì tường trong chính là vật chướng ngại cho sự quan hệ tiếp viện của ta với phía trong thành, tức hậu phương của ta. Nếu tường trong cũng là vòng tường thứ hai để ngăn quân giặc vào trong, xây dựng theo kiểu những tòa thành có nhiều lớp tường thì khoảng cách một mét sẽ là vô nghĩa đối với quân giặc khi chúng đã phá được thành ngoài.

Thực tế không có kiểu xây dựng thành như thế này. Khái niệm “thành ống” không có trong kiến trúc quân sự. Sử cũ không có nói, kiến trúc thành cổ không thấy còn. Như trên đã viết, đây là một thuật ngữ chỉ thấy có ở Hạ Lôi - Yên Lãng. Nói đúng ra thì nhân dân địa phương cũng không rõ nội dung thuật ngữ này, chỉ nói theo một nguồn mà xuất xứ cũng không rõ nốt.

Trong khi đó, cũng có người ở đây lại cho biết là riêng đoạn có hai lớp lũy đất ở phía sau đền Hai Bà - vẫn được một số người coi là điển hình của “thành ống” - chính là giao thông hào của du kích thời kháng chiến chống Pháp!

… “Thành ốc” Cổ Loa đúng là độc đáo song “Thành ống” Hạ Lôi không độc đáo vì rằng không có cái gọi là “Thành ống”.”.

(Về tòa thành cổ ở xã Mê Linh - Tham luận tại Hội nghị khoa học về Hai Bà Trưng do Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức tháng 3-1982).

Còn như về nguồn truyền thuyết thì cũng có lắm mâu thuẫn, không thể lấy làm sử liệu được:

Lời truyền miệng bảo Hạ Lôi là quê của Hai Bà - tức Hạ Lôi phải là đất huyện Mê Linh - nhưng lại nói Hạ Lôi là đất huyện Chu Diên, lại chỉ định cụ thể cả huyện đường của huyện này!

Trong khi ngọc phả chỉ định dứt khoát Hạ Lôi là thuộc huyện Chu Diên và không có một dòng nào nói về quê quán của Hai Bà cũng như về huyện hoặc đất Mê Linh. Cũng ngọc phả chỉ công nhận Hạ Lôi là nơi Hai Bà lập một hành cung (nơi ở tạm của vua khi đi ra ngoài cung điện) chứ không phải lập kinh đô - kinh đô là ở đất Phấn Lộ nào đó!

Thế là về quê của Hai Bà cũng như kinh đô thời ấy trong lời truyền miệng và ngọc phả có nhiều mâu thuẫn, rối ren, do đó nguồn truyền thuyết này thật không thể coi là sử liệu được, nhất là nó lại mâu thuẫn với chính sử. (Toàn thư: “Bà Trưng... đóng đô ở Mê tinh”. Tư trị thông giám cũng chép: “Trưng Trắc... đóng đô ở Mê Linh”). Cho nên đặt huyện Mê Linh đời Hán ở về tả ngạn sông Hồng mà phần đất chủ yếu là huyện Yên Lãng (tức nay là huyện Mê Linh) với trung tâm là làng Hạ Lôi - được coi là gốc quê của Hai Bà Trưng - chủ trương đó có nhiều điểm chưa ổn đáng. Từ năm 1972, căn cứ vào sự khảo sát và phân tích địa hình, địa mạo, ông Đinh Văn Nhật - một nhà nghiên cứu địa lý lịch sử - thấy rằng làng Hạ Lôi đó và cả dải đất ven sông Hồng từ Vĩnh Tường đến Yên Lãng vào thời đầu Công nguyên - khi chưa có đê - là một khu vực mùa mưa thường bị ngập nước. Từ đó ông có nhận xét vùng Yên Lãng (trong đó có Hạ Lôi) dù là một điểm dân cư cổ cũng không thể là nơi sinh cơ lập nghiệp của một dòng họ lạc tướng bao đời thế tập, càng không thể là một trung tâm kinh tế, chính trị của một quận lớn là quận Giao Chỉ (tương đương với Bắc bộ Việt Nam) và hơn thế của cả bộ Giao Chỉ (gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam của Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam)!

Mặt khác, qua khảo cứu thư tịch, Đinh Văn Nhật có một nhận xét là đất đai huyện Mê Linh đời Hán không ăn sang đất Vĩnh Yên - Phúc Yên cũ bên tả ngạn sông Hồng, vì đó là địa hạt huyện Tây Vu và từ năm 43 là địa hạt huyện Phong Khê.

Trên cơ sở những nhận xét như vậy, tác giả đi tìm huyện Mê Linh đời Hán và trị sở của nó ở vùng đất mà Dư địa chí đã chỉ dẫn.

Đó chính là chủ trương thứ hai nhằm lý giải về vị trí của làng Hạ Lôi tương truyền là quê của Hai Bà Trưng và vị trí của huyện Mê Linh đời Hán.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:22:41 pm »


LÀNG HẠ LÔI Ở  HUYỆN THẠCH THẤT

Với những luận văn nghiên cứu công phu, công bố trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử các số 148, 149, 172, 190, 1911, Đinh Văn Nhật lần lượt chứng minh rằng huyện Mê Linh đời Hán so với ngày nay là khu vực bao gồm tỉnh Phú Thọ và phía tây của Hà Tây.

Từ chỗ xác định huyện Mê Linh như vậy, tác giả đưa ra một chủ trương mới về quê hương Hai Bà: vùng Hạ Lôi mà phần đất chủ yếu nay là xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất gần như nằm ở trung tâm huyện Mê Linh đời Hán mới là quê của Hai Bà Trưng. Trị sở của huyện Mê Linh ấy cũng như của quận Giao Chỉ tất cũng ở khu vực đó. Những kiến giải của ông có thể tóm tắt như sau:

1. Vùng Hạ Lôi ấy có tên Nôm là Kẻ Lói. Từ tên Nôm đó mà thành ra tên Hán - Việt là Cổ Lôi2, tên gọi của làng Hạ Lôi này đồng thời cũng là trùng với tên cũ của làng Hạ Lôi bên Yên Lãng.

Ngày trước, đây là một vùng trù phú nên tục ngữ có câu “Đói thì vào Lói mà ăn”3. Thực ra Kẻ Lói không chỉ là một làng Hạ Lôi ngày nay mà bao gồm cả khu vực nay là các làng ở gần nhau, tên gọi có cùng một từ gốc là Lôi: Văn Lôi, Vân Lôi, Trạch Lôi v.v... Đây là một vùng bậc thềm ổn định - gọi theo tên địa lý học là bậc thềm Ba Vì - mà thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, ngành khảo cổ đã tìm thấy trong lòng đất những hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn tức thời gian dăm bảy thế kỷ sát mốc Công nguyên. Năm 1975, ở xã Lại Thượng cũng thuộc huyện Thạch Thất có đào được 14 chiếc rìu đồng và một ngọn giáo đồng. Điều này nói lên rằng Kẻ Lói và lân cận là những trung tâm cư dân thời đầu Công nguyên tức thời kỳ Hai Bà Trưng.

2. Dự đoán này được truyền thuyết ủng hộ: ở đây có những lời kể về những dấu tích thuộc về Hai Bà như xóm Nội Nhà được kể là nơi Hai Bà cất tiếng chào đời, tức cũng là nơi có dinh cơ của lạc tướng Mê Linh, hoặc dải đất sau lưng chùa Cao được kể là nơi Hai Bà tổ chức khao quân. Lại còn những địa điểm được coi là dinh xưa, là tàu voi, là chiến trường v.v...

3. Ngoài ra nhìn dưới góc độ quân sự sẽ thấy vị trí trọng yếu của vùng được giả định là trung tâm huyện Mê Linh này về mặt chiến lược: ba mặt tây, bắc và đông được vào vệ bằng ba dải sông lớn là sông Đà, sông Hồng và sông Đáy, còn mặt nam thì có núi rừng Hòa Bình che chở. Từ trung tâm này có thể “tiến khả dĩ công” tỏa ra vùng đồng bằng, mà “thoái khả dĩ thủ” rút về giữ vùng núi rừng hiểm trở. Hoặc gặp khó khăn hơn thì sẵn có con đường hành lang Miếu Môn - Chi Nê - Nho Quan len lỏi giữa hai bên triền núi đá vôi mà rút vào Cửu Chân (như năm 43, sau khi thất thủ Cấm Khê thì tướng của Hai Bà là Đô Đương - Chu Bá đã theo đường này mà vào lập căn cứ kháng chiến ở các huyện Vô Công, Dư Phát trong quận Cửu Chân).

4. Để hoàn chỉnh chủ trương trên (huyện Mê Linh đời Hán ở bên hữu ngạn sông Hồng và quê của Hai Bà là Hạ Lôi thuộc Thạch Thất), Đinh Văn Nhật còn lý giải vấn đề tại sao lại có làng Hạ Lôi bên Yên Lãng với những dấu vết được cả một hệ thống truyền thuyết minh họa.

Ông cho rằng sau khi Mã Viện hoàn thành cuộc xâm lược hắn đã san bằng vùng Kẻ Lói - Cổ Lôi trù phú để trả thù dòng họ lạc tướng và nhân dân ở đây (cũng như đã san bằng đất Chu Diên của Thi Sách). Để xóa bỏ tận cùng mọi dấu vết, hắn còn dời dân những vùng này đến nhiều nơi khác nhau trong đó có vùng bãi sông Hồng và vùng mép bậc thềm Tam Đảo. Những người Kẻ Lói - Cổ Lôi cũng như những người dân Chu Diên đã mang theo cả tên làng tên đất cũ sang đặt cho vùng quê mới. Cho nên bên Yên Lãng quê mới cũng có những địa điểm, địa danh Cổ Lôi, Văn Lôi, Chu Diên, Đồng Vỡ, xóm Nội Nhà v.v...
____________________________________
1. Đất Cấm Khê, căn cứ cuối cùng của Hai Bà Trưng... (NCLS số 148- 149). Huyện Mê Linh thời Hán (NCLS số 172). Đất Mê Linh, trung tâm chính trị, quân sự và kinh tế của huyện Mê Linh... (NCLS số 190-191).
2. Đúng có một thực tế là để phiên âm những tên làng có chữ Kẻ đứng đầu thì sách xưa (Việt Nam cũng như Trung Quốc) đều dùng chữ Cổ, như Kẻ Chủ = Cổ Loa, Kẻ Du = Cổ Đô, Kẻ Mơ = Cổ Mai, Kẻ Noi = Cổ Nội (sau mới thêm một nét trên chữ Nội thành Nhuế) v.v...
3. Ngày trước và cả tới nay, nước sông Tích rất thất thường, mùa mưa nước từ núi Ba Vì, núi Vua Bà dồn về hay gây thiên tai thủy hại cho các làng ở ven sông. Do đó năm nào mất mùa thì dân các làng này vào Kẻ Lói tìm sự giúp đỡ.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 08:24:28 pm »


*
*   *

Gần đây tiến hành khảo sát vùng này một cách chi tiết hơn, chúng tôi thấy thêm nhiều “dữ kiện”:


1. VỀ CẤU TRÚC LÀNG XÃ

Làng Hạ Lôi - Kẻ Lói nằm bên bờ phải sông Tích, cách trung tâm nội thành 25km đường chim bay về phía chính tây. Ngày nay làng Hạ Lôi hợp với làng Bằng Trù thành xã Hạ Bằng. Trước đây cả hai làng có 12 xóm: 1. xóm Khoang Mè, 2. xóm Cầu, 3. xóm Đầm, 4. xóm Quán, 5. xóm Cốc, 6. xóm Mương Ốc, 7. xóm Vực Giang, 8. xóm Trũng Nu, 9. xóm Gò Mận, 10. xóm Cổ Chềm, 11. xóm Chằm Mỏn, 12. xóm Khu Ba.

Từ năm 1956, hai xóm Khu Ba và Chằm Món cắt về xã Đồng Trúc. Hai xóm Gò Mận và Cổ Chềm cũng hợp làm một. Như vậy, hiện xã Hạ Bằng còn có 9 xóm.

h. Sơ đồ HẠ LÔI (BẰNG TRÙ)

Một điều đặc biệt là tuy trên danh nghĩa có hai làng (Hạ Lôi và Bằng Trù) nhưng thực thế chỉ là một. Có lẽ ở tỉnh Hà Tây hiếm có nơi nào giống như ở đây. Về mặt địa lý hành chính thì đó là hai làng riêng biệt. Ngày trước, trong thời phong kiến cũng như thời Pháp thuộc, mỗi làng có lý trưởng riêng, có triện đồng riêng nhưng không có địa phận riêng. Tự những thời xa xưa, khi mà Hạ Lôi còn có tên là Cổ Lôi và Bằng Trù là Minh Trù thì cũng đã thế này, dân hai làng ở xen kẽ với nhau, hai làng chung xóm, chung đồng, chưng cả đình miếu. Nghĩa là cũng trong một xóm nhưng nhà này là của người Hạ Lôi thì đó là đất làng Hạ Lôi, nhà bên cạnh là của người Bằng Trù thì đó lại là đất làng Bằng Trù và ngôi nhà tiếp theo nếu chủ là người Hạ Lôi thì đó lại là đất của làng Hạ Lôi v.v... Đồng ruộng cũng vậy, hễ một thửa ruộng về người làng nào thì thửa ruộng đó thuộc về đất của làng ấy. Cho nên hai làng Hạ Lôi và Bằng Trù không có ranh giới phân chia riêng biệt, tình trạng đó gọi là hỗn cư hỗn canh.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là do một nguyên nhân lịch sử. Người ở đây kể rằng xưa kia làng Minh Trù ở phía thấp và làng Cổ Lôi ở phía cao. Tới một thời - chẳng nhớ là thời nào - dân Cổ Lôi có mắc míu gì đó với quan trên nên có lệnh triệt hạ làng, dân bị đuổi đi nơi khác còn đất đai thì giao cho làng Minh Trù. Mãi sau, một số người Cổ Lôi tìm về quê cũ, được người Minh Trù nhường đất, nhường đồng cho, do đó mà hình thành cái thế hỗn cư hỗn canh cho tới tận ngày nay.

Với hoàn cảnh ăn ở và làm lụng xen kẽ như vậy nên hai làng chỉ xây chung một ngôi đình. Khi có việc làng thì dân Hạ Lôi ngồi bên trái và dân Bằng Trù ngồi bên phải, mọi việc tế lễ, bổ bán đều làm chung cả.

Liệu ký ức về một làng Cổ Lôi bị triệt hạ đó có thể chính là ký ức đã phai nhạt về một sự thực quá xa xưa là Mã Viện đã san bằng Cổ Lôi trang được không?


2. VỀ ĐÌNH MIẾU

Hai làng chung nhau một ngôi đình. Đình vốn ở xóm Quán, đã bị phá. Trên nền đình nay là trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Ngày trước tại đình này thờ ba thành hoàng là Cao Hưng, Tuấn Tĩnh và Trung Liệt. Lời truyền miệng ở đây kể rằng đó là ba người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Khi ông bà chia con thì ba vị đó đến ở vùng này, dạy dân cày cấy, lập thành làng mạc. Dân cảm ơn công đức ấy, lập miếu thờ. Đến thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Hai Bà có kỳ đảo ở miếu, rồi nằm mộng thấy ba ông lão đầu râu tóc bạc tự xưng là Cao Hưng, Tuấn Tĩnh, Trung Liệt tới xin âm phù trợ giúp. Sau khi đánh đuổi được giặc Hán, Hai Bà cho dân Minh Trù dựng đình miếu nguy nga thờ ba vị đó làm thành hoàng.

Ngoài ngôi đình ấy, ở Hạ Lôi - Bằng Trù còn có một ngôi đền thờ Hai Bà Trưng tương truyền là dựng trên chính nơi Hai Bà tập hợp đại quân. Ở vùng này các làng thường gọi đền thờ thần là quán, và quán thờ Hai Bà ở trên một gò cao, bên dưới là ao sen nên quán đó có tên là quán Ao Sen - (ở Chương năm sẽ trở lại ngôi quán này).

Về chùa thì có hai ngôi: chùa Cao (Báo Ân tự) là chùa của Hạ Lôi và chùa Thấp (Thiên Trúc tự) của Bằng Trù. Chùa Cao thuộc xóm Cốc, ở phía sau chợ mới. Chùa Thấp thuộc xóm Đầm chỗ có trại chăn nuôi. Tại chùa Cao có một tấm bia khắc năm Minh Mạng thứ hai nhưng không liên quan gì tới Hai Bà Trưng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM