Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:09:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  (Đọc 108075 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:02:35 pm »


TỈNH HƯNG YÊN

THỊ XÃ HƯNG YÊN

TRẦN LŨU:

Thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thị xã Hưng Yên thờ Trần Lữu, người đã phù Hai Bà Trưng đánh giặc.

Ông có bảy người con, đều có sức khỏe hơn người, thạo võ nghệ, giỏi văn chương. Nghe tin Hai Bà dấy binh ở Hát Giang, cha con ông Trần Lữu đến bái yết xin được đi đuổi giặc. Đuổi xong Tô Định, tám cha con đều được phong là đại tướng và về lập doanh trại ở bản quán. Sau này tất cả đều hi sinh ở Cấm Khê.


TRẦN MÃ CHÂU:

Thôn Bảo Châu, xã Quảng Châu thị xã Hưng Yên thờ bà Trần Mã Châu, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Cô là con bộ chủ Trần Thành và bà Trương Thị Hoan, vốn quê ở huyện Lương Giang phủ Thiệu Thiên, châu Ái. Cô mồ côi mẹ khi chưa đầy một tuổi, được bà nhũ mẫu là Sơn Lạc nuôi dưỡng. Đến tuổi trưởng thành theo học Lý tiên sinh.

Thuở đó, ông Trần Thành là bộ chủ huyện Nam Xương, đã cùng ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc khởi binh chống Tô Định song cả hai đều bị giặc Tô giết hại. Mã Châu căm hờn, cắt tóc cải trang làm ni cô đến chùa Bảo Châu trụ trì. Cô ngầm chiêu tập binh mã. Gái trai khoảng hai trăm người đến xin làm gia thần, luyện tập binh pháp tinh nhuệ. Kịp khi Bà Trưng khởi nghĩa, Mã Châu liền đem gia thần nhập vào đại binh của Bà Trưng. Sau nhiều trận, Tô Định đại bại phải bỏ trốn.

Ba năm sau, Mã Viện kéo quân sang. Trong một trận đánh không ngang sức, Mã Châu một mình một ngựa phá vòng vây chạy về đến Bảo Châu thì hóa. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ.


VŨ THỊ THỤC:

Đền Tân La, thuộc xã Bảo Khê, thị xã Hưng Yên, thờ bà Vũ Thị Thục, là một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tương truyền khu vực đền là nơi bà đóng quân. Nơi đây đã diễn ra trận thứ bảy trong tám trận mà nghĩa quân Hai Bà Trưng giao chiến với quân Mã Viện. Bà đã hi sinh tại trận tiền.

Thực ra bà Vũ Thị Thục được thờ chính ở quê là làng Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và đặc biệt là ở làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, đền miếu hoành tráng, tương truyền là địa bàn chiến đấu chính của bà và thánh hiệu của bà là Bát Nàn công chúa.

Có thể ở Bảo Khê, Hưng Yên là nơi bà có đóng trại một thời gian, có xảy ra chiến sự.


TRẦN XUÂN HỒI VÀ TRẦN HỮU THIỆN:

Thôn Đặng Cầu, xã Trung Nghĩa, thị xã Hưng Yên có hai ngôi đền thờ hai vị tướng của Hai Bà Trưng. Đền Cây Đa thờ ông Trần Xuân Hồi và đền Đức Đại Vương thờ ông Trần Hữu Thiện. Chưa rõ sự tích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:05:22 pm »


HUYỆN ÂN THI

QUÁCH NGỌC CHI VÀ HAI NGUỜI CON:

Ở Thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi thờ bà Ngọc Chi và hai người con cùng tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Bà là con gái ông Quách Đình Hổ, làm tri phủ Thiên Thi. Chồng bà là ông Hoàng Văn Ân quê ở Hoan Châu. Một thời gian, ông Hổ già yếu nhường quyền cho vợ chồng Ngọc Chi. Họ sinh được hai trai là Hoàng Văn Miệng và Hoàng Văn Long, thông minh tài bộ, học văn học võ tinh thông. Khi hai người con đến tuổi 14, 15 thì cha chết. Cũng lúc đó Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu. Ngọc Chi và hai con chiêu tập được sáu nghìn quân, đến bái yết Hai Bà Trưng. Sau đó họ theo Hai Bà đi đánh 65 thành. Đất nước thanh bình chưa lâu thì Mã Viện sang xâm lược. Trong trận đánh ở Hát Môn, hai chàng Miệng và Long đều hi sinh. Bà Ngọc Chi trở về quê nhà rồi cũng từ trần.


TÍN YẾT:

Thôn Tiêu Kiều, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi thờ ông Tín Yết. Nguyên thân mẫu chàng là bà Phương Dung đi tắm ở đầm rồi về mang thai sinh hạ ra chàng. Tín Yết thông minh, tuấn tú, năm 17 tuổi văn võ đã kiêm toàn. Khi Hai Bà tụ nghĩa ở Hát Môn, Tín Yết tới ra mắt, được phong chức Chỉ huy sứ tiền đạo tướng quân. Sau trận Cấm Khê, Tín Yết cũng tự trầm trên sông Hát.


HƯƠNG THẢO:

Làng Bích Tràng, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi thờ một người có công trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đó là cô Hương Thảo. Cô chỉ là một người giỏi đồng áng, đặc biệt có tài cắt cỏ, tương truyền cô cắt nhanh tới mức châu chấu bay không kịp, chết hàng loạt. Vì vậy mọi người gọi cô là Thảo. Khi Hai Bà Trưng phất cờ nổi dậy, cô Thảo xin gia nhập đoàn nghĩa binh do bà Thánh Thiên chỉ huy, cô được giao nuôi đội quân voi ngựa. Cô Thảo về quê dựng nhiều trại cỏ, rủ các cô gái trong vùng đi cắt cỏ phục vụ đoàn voi chiến, ngựa chiến. Sau khi đuổi Tô Định, bà Trưng Trắc lên ngôi vua phong cô là Hương Thảo tướng quân. Ba năm sau Mã Viện sang, cô vẫn ở tại Bích Tràng lo cung cấp cỏ cho voi ngựa. Khi giặc kéo đến, bắt Hương Thảo giao toàn bộ trại cỏ cho chúng, cô giả vờ đồng ý hẹn ngày giao trại. Nhưng cô đã cho đốt trại và giặc trở tay không kịp đều bị chết thiêu. Hương Thảo cũng hy sinh, được dân thờ ở trong chùa Cỏ, tương truyền là nền nhà cũ của cô.


LÔI LÂU CÔNG CHÚA - NGUYỆT HOA CÔNG CHÚA

Cũng ở thôn Bích Tràng có ngôi nghè thờ Lôi Lâu công chúa - Nguyệt Hoa công chúa. Tương truyền là tướng của Hai Bà. Chưa rõ sự tích.



HUYỆN KIM ĐỘNG

BÀ HỒNG NƯƠNG VÀ HAI CON LÀ PHỔ HỘ THƯỢNG SĨ, LINH LÔI.

Thôn Bồng Châu, xã Phú Cường, huyện Kim Động thờ ba mẹ con bà Hồng Nương. Hồng Nương chính gốc quê huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, Sơn Nam hạ đạo, lấy chồng ở thôn Bồng Châu. Sau khi sinh con thứ hai là Linh Lôi thì chồng mất, bà nuôi dạy hai con khôn lớn rồi theo nghĩa quân Hai Bà Trưng diệt giặc. Sau khi đuổi giặc Tô, ba mẹ con bà ở lại kinh đô. Trong một lần về quê Thiên Bản thì gặp cơn giông. Một con rồng vàng từ trên trời sa xuống và rước ba mẹ con bà lên trời.


NƯỚC CÔNG VÀ ĐÌNH CÔNG

Thôn Mai Viên, xã Song Mai, huyện Kim Động thờ hai vị trên, vốn là con quan tri phủ họ Dương tên Đào, người Xích Đằng. Năm hai chàng lên 5 tuổi, Dương tri phủ bị Tô Định giết. Phu nhân liền đem hai người con trốn về làng Tư Viên. Nghe tin Hai Bà dấy binh, hai chàng đến bái kiến. Sau khi dẹp yên Tô Định, hai chàng trở về Tư Viên thăm mẹ. Trên đường đi, gặp trời tối, nước sông dâng cao đón hai người về thủy cung. Hai Bà Trưng phong Nước Công làm Bến Nước đại vương và Đình Công làm Đang Đình đại vương.


HÙNG DŨNG ĐẠI VƯƠNG VÀ Ả NÀNG CÔNG CHÚA:

Làng Phú Khê, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động thờ hai tướng của Hai Bà Trưng là hai vị trên. Hùng Dũng là con ông Hùng Đức ở làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm, đạo Sơn Tây. Hùng Dũng đến thụ giáo với Đào tiên sinh ở phường Thịnh Quang, huyện Thọ Xương. Thấy thông minh tài bộ, tiên sinh bèn gả con gái là Ả Nàng cho chàng. Bấy giờ Tô Định đã nhiều lần tới cầu hôn Ả Nàng nhưng đều bị từ chối nên hắn lập mưu giết ông Đào. Vợ chồng Hùng Dũng nghĩ kế báo thù, ngầm chiêu mộ binh sĩ, lập thành một đội quân. Cũng lúc đó Hai Bà Trưng khởi nghĩa, vợ chồng Hùng Dũng liền tới hội quân, lập công lớn. Ông Dũng được phong là Trấn Quốc đại vương và Ả Nàng được phong là công chúa. Sau này trong trận Cấm Khê, hai ông bà đều hy sinh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:08:37 pm »


HUYỆN PHÙ CỪ

NGUYỄN VIẾT QUANG, VIẾT CƯ, VIẾT VÕ:

Đình Nghĩa Vũ, xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, thờ ba anh em họ Nguyễn là Viết Quang, Viết Cư, Viết Võ. Họ là con ông Nguyễn Huy Thành và bà Đào Thị Ánh, vốn quê ở châu Bố Chính sau rời ra sinh sống ở Khoái Châu. Lúc đó Hai Bà khởi binh, ba anh em họ Nguyễn tới đầu quân lập nhiều chiến công. Nhưng đến trận Cấm Khê thì cả ba đều hi sinh.


ĐỖ QUỐC UY

Thôn Tân Tiến, xã Minh Tân, huyện Phù Cừ thờ một vị tướng của Hai Bà là Đỗ Quốc Uy. Chưa rõ sự tích.



HUYỆN TIÊN LỮ

ĐỘNG TẦN HỒNG LOAN CÔNG CHÚA:

Thôn Bái Khê, xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ thờ nữ tướng này. Tương truyền thân phụ của bà là phủ quan ở Hải Dương bộ đã cùng ông Thi Sách dấy binh chống Tô Định song đều bị sát hại. Bà Động Tần liền theo Trưng Vương khởi binh. Được Trưng Vương phong là Động Tần Hồng Loan công chúa. Về sau bà hy sinh tại trận tiền.


LƯU THÁI HIỀN, THÁI THANH, THÁI THUẦN, THÁI SƠN, THỊ CHINH, THỊ CHÂU:

Thôn Trí Thiện, xã Đức Thứng, huyện Tiên Lữ thờ tứ vị đại vương và nhị vị công chúa là sáu anh em họ Lưu. Chưa rõ sự tích. Thôn An Lạc cùng xã thì thờ riêng hai bà Lưu Thị Chinh và Lưu Thị Châu.


TRẦN MINH TÔNG VÀ THÔI NƯƠNG:

Thôn Quyết Thắng xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ thờ hai ông bà Trần Minh Tông và Thôi Nương. Tương truyền là tướng của Hai Bà Trưng. Chưa rõ sự tích.



HUYỆN VĂN LÂM

TRẦN CÔNG, MINH CÔNG

Thôn Phả Lê, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, thờ hai vị tướng của Hai Bà là Trần Công và Minh Công. Sự tích chưa rõ.


TAM GIANG:

Thôn Đại Đồng, xã Đại Đông, huyện Văn Lâm thờ Tam Giang tương truyền là tướng của Hai Bà. Sự tích chưa rõ.


PHƯƠNG DUNG CÔNG CHÚA:

Đây là một tướng của Hai Bà, được thờ ở thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm. Sự tích chưa rõ.



HUYỆN YÊN MỸ

TRƯƠNG CÔNG ĐẠI VÀ LÝ CÔNG MẪN

Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ thờ hai vị tướng của Hai Bà. Đó là Trương Công Đại, con trai của Trương Công Nghiệp và bà Lý Thị Vị. Lý Công Mẫn là con nuôi của ông bà Trương.

Ông Công Nghiệp làm huyện quan huyện Tế Giang, đạo Kinh Bắc. Ông sinh được một trai là Công Đại và nuôi thêm Công Mẫn. Hai con nổi tiếng tài giỏi, thông minh xuất chúng. Tô Định lập kế giết cả nhà họ Trương nhưng bà Trương kịp cùng hai con trốn thoát về Lạc Cầu. Sau họ theo Hai Bà khởi nghĩa, vừa trả được thù nhà lại trả được nợ nước. Sau cả hai hy sinh trong một trận đánh lại Mã Viện.

(Theo tư liệu của Vũ Nguyên Lý)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:12:12 pm »


TỈNH VĨNH PHÚC

HUYỆN BÌNH XUYÊN

ĐẠM NƯƠNG - HỒNG NƯƠNG - THANH NƯƠNG:

Đình làng Quất Lưu, nay thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, thờ ba vị nữ tướng của Trưng Vương.

Đó là ba chị em ruột Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương, là con gái huyện lệnh huyện Tam Dương, họ Lê. Huyện Bình Xuyên khi đó là một bộ phận của Tam Dương. Lúc này, Trưng Vương đã phất cờ khởi binh. Ba chị em họ Lê cũng nổi dậy hưởng ứng, đóng đại doanh ở Quất Lưu, đắp lũy đào hào, chiêu mộ được nhiều nghĩa sĩ, lập thêm ra sáu đồn trại ở quanh vùng quê. Cả ba cô từng theo Trưng Vương đi hạ thành Tô Định. Nhưng khi chống Mã Viện thì cả ba đều hy sinh ở trận tiền.



HUYỆN MÊ LINH
(Yên Lãng)

THIÊN BẢO - TRẦN NANG

Làng Thái Lai nay thuộc xã Tiến Thắng và làng Phú Mỹ nay thuộc xã Tự Lập đều thờ hai vợ chồng Thiên Bảo - Trần Nang làm thành hoàng. Sự tích hai tướng này đã nêu ở Chương ba.


LỰ NƯƠNG - BẠCH TRẠCH

Xã Tráng Việt ngày nay gồm ba thôn: Điệp Thôn tên Nôm là làng Đẹp, Tráng Việt tên Nôm là làng Tráng và Đông Giao (không có tên Nôm). Ở hai thôn đầu đều thờ hai chị em Lự Nương và Bạch Trạch làm thành hoàng.

Thần tích của cả hai làng đều kể:

Tại Quy Hóa động, châu Bố Chính có vị tôn trưởng tên là Hùng Hiên, dòng dõi vua Hùng. Vợ ông là bà Mai Thị Triết. Gần năm chục tuổi, họ sinh một gái, trên đỉnh đầu có chữ Thiên Sớ Lự Nương. Hùng Hiên liền đặt tên cho là Lự, hiệu là Ả Nàng. Đó là ngày mùng 3 tháng Giêng. Năm năm sau, họ sinh thêm một trai, trên đỉnh đầu có chữ Bạch Trạch nên dùng ngay chữ đó làm tên. Đó là ngày 10 tháng Sáu.

Lớn lên, hai chị em văn võ toàn tài. Lự Nương thay cha làm tôn trưởng rồi làm vua cõi đất Thiên Sớ. Một lần, hai chị em về thăm quê tổ là núi Nghĩa Lĩnh (nơi có đền thờ các vua Hùng, tỉnh Vĩnh Phú), thuyền đi đến huyện Chu Diên thì gặp Trưng Nhị. Hai bên thông tỏ họ tên, nguồn gốc và nhận ra là có họ hàng với nhau. (Hai Bà Trưng cũng là dòng dõi vua Hùng). Thế là hai chị em Lự Nương theo Hai Bà khởi nghĩa. Chị về đóng ở Tráng Việt, khi đó mới có ba chục nhà dân. Em về đóng ở Điệp Thôn khi đó cũng không quá hai chục mái nhà. Họ chiêu thêm dân lập thêm trại và sau trở thành những tướng tài của Hai Bà.


Ả LỰ - HÁC THẦN

Làng Đông Cao láng giềng của hai làng trên cũng thờ một cặp hai chị em tên gọi là Quốc Vương Thiên Sớ Ả Lự Đề Nương và Hác Thần cửa ải. Sự tích hai vị này cũng na ná như hai chị em Lự Nương, Bạch Trạch của hai làng Tráng Việt, Điệp Thôn. Ngọc phả Đông Cao kể rằng:

Người con thứ 18 của Lạc Long Quân về làm vua nước Thiên Sớ ở địa phận Thái Nguyên. Truyền đến đời thứ 27 là Hồ An (đổi từ họ Hùng sang họ Hồ). Vợ ông là bà Bạch Thị Phương. Năm Nhâm Tuất, ngày 4 tháng Giêng sinh một gái đặt tên là Đề Nương. Năm sau họ lại sinh ra một bọc trứng, nở ra một trai, đặt tên là Hác. Đề Nương thay cha làm quốc vương Thiên Sớ. Lúc đó Hai Bà Trưng bị Tô Định truy bắt, đã lánh đến ở nhờ nhà Đề Nương. Sau đó họ khởi binh đánh quân Hán. Thắng lợi rồi, Đề Nương cải tên là Ả Lự, lập cung phủ đồn binh ở Đông Cao. Nhưng sau lễ khao quân ngày mùng 1 tháng Hai thì Đề Nương thúc ngựa đi ra sông Nguyệt Đức bến Tiên Tân, “thét lên một tiếng, nước rẽ đôi đón bà về thủy cung”.

Còn chàng Hác thì sau hy sinh ở cửa bể Nam Hải trong lần ngăn chặn quân Mã Viện.

Như vậy phải chăng Ả Lự - Bạch Trạch của hai làng Tráng Việt, Điệp Thôn cũng là Đề Nương - Hác Thần của làng Đông Cao?

Thần tích ngọc phả vốn không ít những lầm lẫn về lịch sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:16:03 pm »


LŨ LŨY

Thần tích làng Văn Lôi (nay thuộc xã Tam Đồng) kể như sau: Làng Văn Lôi xưa là trang Cổ Lôi. Trong làng có nàng Tứ là con gái một lạc tướng nhân nằm mơ thấy đám mây sà xuống mà có mang. Nàng sinh một trai, đặt tên là Lũ Lũy.

Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Lũ Lũy tìm đến đại doanh đầu quân. Sau khi dẹp xong Tô Định, Lũ Lũy về Văn Lôi lập đồn. Lúc quân Mã Viện kéo sang, chúng bao vây đồn này gọi hàng. Nhưng Lũ Lũy nhất định không đầu hàng. Giặc công phá. Biết không giữ nổi đồn trại, Lũ Lũy phá vây nhưng không sao thoát ra ngoài được. Chàng bèn rút gươm đâm cổ mà hóa (cũng có thuyết nói ông bị giặc lấy mất đầu). Đó là ngày mùng 3 tháng Ba. Nay ở xóm Trại có cánh đồng Dinh tương truyền là dinh trại xưa. Thuở trước, tới ngày kỵ, dân làng làm cỗ chay (để không đụng chạm tới dao) và làm một thủ cấp bằng giấy đặt trên bàn thờ.

PHỤ CHÚ - Làng Văn Lôi ở về phía tây-bắc làng Hạ Lôi và cách làng này tới ba làng: Liễu Trì, Đại Bái, Nội Đồng. Nhưng Văn Lôi vẫn nhận là thuộc trang Cổ Lôi xưa - như Hạ Lôi cũng vẫn thường nhận. Vậy có một thời đây hẳn chỉ là một đơn vị cư dân, sau đó một bộ phận mới tách ra đi lập nên một làng mới nhưng vẫn giữ cái gốc Lôi (Kẻ Lói?) để tưởng nhớ nguồn gốc.


Ả NƯƠNG - Ả NANG

Làng Yên Mạc nay thuộc xã Yên Mạc có vợ chồng ông Vương Hinh và bà Tạ Thị Long làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Họ sinh được hai gái, đặt tên là Ả Nương, Ả Nang. Khi bà Trưng truyền hịch, hai chị em họ Vương chiêu tập được gần một nghìn dũng sĩ, tới hội quân ở Hát Môn. Hai cô được cử đi tuần du hai bộ Tây và Bắc. Tới núi Trâu Sơn ở huyện Tiên Du (nay núi này thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh), hai cô đồn trú lại. Sau đó cả hai chị em góp công lớn trong việc hạ dinh Tô Định. Thắng lợi rồi, hai cô về khao thưởng quân gia tại làng quê Yên Mạc. Nhưng sau tiệc mừng là hai chị em đều hóa cùng lúc.


CỐNG SƠN

Làng Bạch Trữ nay thuộc xã Tiến Thắng vốn là thực ấp của Cống Sơn đại vương.

Nguyên tại châu Ái, phủ Trường Yên, động Hoa Lư có vợ chồng ông Hoàng Công Tạo và bà Đinh Thị Điền là người hiền, mấy đời làm nghề thuốc. Họ sinh có một trai đặt tên là Cống. Năm Cống 22 tuổi thì bố mẹ kế tiếp qua đời. Cống dời Hoa Lư ra bắc tìm đến ở với cậu ruột là Đinh Đạm làm trưởng bộ hộ Vũ Ninh. Nhưng chỉ ít lâu sau ông Đạm bị Tô Định giết hại. Đinh Cống trở về Hoa Lư dạy học. Là một người thày có đức độ lại có tài giáo dưỡng nên môn sinh đến rất đông, tiếng tăm của thầy vang đi xa.

Khi Hai Bà khởi nghĩa, bà Trưng Nhị thân hành đến Hoa Lư mời Đinh Cống ra hành doanh “thao luyện binh mã, huấn diễn binh thư”. Sau thắng lợi, Đinh Cống được cấp thực ấp ở Thủy Trung châu tức nay là Bạch Trữ. Các đời vua sau phong là Cống Sơn đại vương1.


ĐỨC CẢ ĐỨC HAI - ĐỨC BA

Họ là anh em sinh ba, con ông Trương Long và bà Phùng Thị Loan, nguyên quán hương Lưu Xá, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam. Nghe tin Hai Bà khởi nghĩa, ba anh em rủ thêm ba mươi bạn hữu đến Hát Môn đầu quân. Tất cả đều dự trận đánh Tô Định. Nhưng khi đã hạ được thành thì ba anh em đều hóa cùng một lúc. Làng Trung Hậu lập đền thờ vì nơi đây có một tòa cổ miếu mà bà Phùng Thị Loan đã tới cầu tự sau đó sinh ra ba chàng trai dũng sĩ ấy.


XA LAI

Ba làng Yên Điềm, Cao Quang, Đức Cung nay hợp thành xã Cao Minh (trước thuộc huyện Kim Anh nay thuộc huyện Mê Linh) và đều thờ Xa Lai, một tướng của Hai Bà Trưng. Thực ra, đời cổ cả ba làng chỉ là một đơn vị cư dân thuộc huyện Bình Tuyền, đạo Thái Nguyên. Ban đầu gọi là trại Linh Sơn, sau đổi thành Linh Quang. Cuối cùng thành ba làng như hiện nay.

Thần tích kể rằng ở đất Long Biên có cô Đặng Huệ Nương tính thích du ngoạn. Lần đó, cô đến trại Linh Sơn nơi làng Cao Quang ngày nay thấy có chùa (?) đẹp liền ở lại tu hành. Rồi một hôm qua tòa cổ miếu ở chân núi Thằn Lằn có đám mây xà vào người. Thế là cô có mang, sinh ra Xa Lai.

Xa Lai sau rủ được ba mươi lăm bạn bè theo cánh quân bà Trưng Nhị đi đánh Tô Định. Xong việc, chàng về lập đồn tại Cao Quang. Tới khi Mã Viện xâm lăng, hắn cho quân tới đánh đồn này và Xa Lai đã chết trong trận chiến.
____________________________________
1. Bố họ Hoàng, mẹ họ Đinh, như vậy là ông thần Cống Sơn này theo về họ mẹ. Điều đó vẫn thường thấy trong các thần tích. Ví dụ ông thần làng Lệ Mật (Gia Lâm - Hà Nội) có bố là Nguyễn Quang, mẹ là Hoàng Thị Tâm vậy mà tên của ông là Hoàng Quý Công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:17:48 pm »


VĨNH HOA

Làng Trung Hà nay thuộc xã Tiến Thịnh, thờ Vĩnh Hoa. Nhân vật nữ tướng này còn được thờ ở làng Tiên Nha, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú, tức là làng đối diện với Trung Hà so với cửa sông Nguyệt Đức tức Cà Lồ ngày xưa (nay không còn vì đã bị lấp).

Ngoài ra Vĩnh Hoa còn được thờ ở làng Trung Hà bên bờ phải sông Hồng thuộc huyện Đan Phượng. Sự tích nhân vật này đã nêu ở phần huyện Đan Phượng.


CHÀNG HỐI

Làng Thịnh Kỷ nay thuộc xã Tiền Châu là căn cứ của Đông Hối đại vương tức Chàng Hối, một thủ lĩnh nghĩa quân đã nổi dậy chống quân Hán trước ngày Hai Bà khởi binh. Sự tích Chàng Hối đã được kể lại ở Chương ba.


HẢI - TRỰC - ÚT

Làng Chu Phan nay thuộc xã Chu Phan thờ ba tướng lĩnh của Hai Bà là Hải Thần, Nhật Trực và Chàng Út nhưng sự tích thất truyền.

Làng Chu Phan bên huyện Đan Phượng cũng thờ ba vị này. Về quan hệ giữa hai làng Chu Phan sẽ trình bày ở Phần Phụ chú cuối mục Vĩnh Gia dưới đây.


VĨNH GIA

Làng Nại Châu, nay thuộc xã Chu Phan là nơi thờ chính công chúa Vĩnh Gia. Thần tích kể rằng: Tại bãi Quân Thần, thuộc huyện Từ Liêm có nhà họ Tạ sinh hạ một gái, đặt tên là Vĩnh Gia. Năm cô 20 tuổi, được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, cô đứng ra chiêu mộ được hai nghìn nam binh nữ tốt rồi kéo lên Hát Môn tụ nghĩa. Cô được cắt cử đi trấn “Tây Bắc nhị lộ chư biên giang bạn”. Nhân một lần trẩy quân qua trại Cống Áng (sau đổi là Nại Tử Châu) ở sát cạnh sông Cái thấy có địa thế đồn binh liền đứng lại lập trại quân.

Và sau, trong một trận chống quân Mã Viện, cô phải rút chạy, tới Bạch Hạc giang tân (bến sông Bạch Hạc, tên gọi khúc sông Hồng từ ngã ba Hạc đến hết địa phận huyện Bạch Hạc) thì có “thần ngưu” nổi lên đón qua sông. Khi đi tới đầu trang Mạnh Lân (sau đổi là Mạnh Trữ, làng láng giềng của Nại Tử Châu) có “rồng vàng hạ xuống đón cô lên trời”. Đó là ngày 10 tháng Mười Một.

Thủa trước, tới ngày kỵ này, dân làng sửa tiệc cúng gồm bánh dày và bánh cuốn, nửa nhuộm đỏ, nửa để trắng.

Làng Yên Châu huyện Đan Phượng cũng có lập đền thờ Vĩnh Gia.

PHỤ CHÚ - Ở hai bên bờ sông Hồng vẫn có hiện tượng “chạy lở” tức là dòng sông thường làm lở bờ, mà là lở cả làng theo chu kỳ, cứ trên dưới một trăm năm lại xảy ra một lần. Lại do quy luật “sông kia bên lở bên bồi” nên dân làng bị lở bên này đa số sang bờ bên kia lập làng mới, trừ một số nhỏ ở lại trên những dải đất còn sót. Tới một hai trăm năm sau, làng mới này bị nước sông đe dọa thì dân lại chạy về bên này sông. Ngoài ra cũng có những làng do dân đông lên nên sẻ làng làm hai, một nửa ở bên này, một nửa sang bên kia sông. Cho nên ở hai bên sông Hồng chỉ nói phạm vi huyện Yên Lãng (nay gọi là Mê Linh) bên bờ trái và huyện Đan Phượng bên bờ phải thường có những cặp đôi. Như ở huyện Yên Lãng bên bờ trái sông Hồng có những làng Chu Phan, Thanh Điềm, Trung Hà, Thọ Lão, Sa Khúc, Nại Tử Châu, Nại Tử Xã thì bên huyện Đan Phượng cũng có những làng như vậy. Từng cặp làng đó vẫn coi nhau cùng một gốc và đền thờ chung một thành hoàng như:

Hai làng Chu Phan thờ Nhật Trực, Hải Thần, Chàng Út

Hai làng Thanh Điềm đều thờ Ngu Lan và Trương Nam Uyên.

Hai làng Trung Hà đều thờ Vĩnh Hoa.

Hai làng Thọ Lão đều thời Trần Liễu và vợ là Lã Thị Hồng cùng Trần Quang Khải, Trần Quang Thành.

Hai làng Sa Khúc (Nại Sa) đều thờ Quý Minh.

Hai làng Nại Tử Xã đều thờ Thi Sách và Hai Bà Trưng.

Hai làng Nại Tử Châu đều thờ Vĩnh Gia.

Cũng khó khẳng định làng nào là làng gốc vì trải mấy nghìn năm, biết bao lần “chạy lở”1, sách vở không có ghi chép mà bằng vào ký ức con người thì mức độ chính xác không vượt quá vài trăm năm.

Cho nên chưa rõ Nại Tử Châu nói ở thần tích Vĩnh Gia chính là ở bên Đan Phượng hay Yên Lãng.
____________________________________
1. Trường hợp “chạy lở” xảy ra gần đây nhất là ở Nại Nam thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Làng này do một số dân làng Nại Tử Xã, Nại Tử Châu bên huyện Yên Lãng sau một vụ lở bờ sông đã chạy sang đây lập ra vào hồi cuối thế kỷ XIX. Tới cuối năm 1972, Nại Nam bị lở cả làng. Dòng sông Hồng nay chảy ở chính giữa ngôi đình cũ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:20:19 pm »


HUYỆN VĨNH TƯỜNG

NGỌC THANH - NGỌC TRINH:

Đây là hai cô con gái trang Lũng Ngòi, nay thuộc xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường. Cô chị còn gọi là Ả Chàng, cô em là Ả Chạ. Lúc đó có viên quan đô hộ nhà Hán sai người đến bắt Ả Chàng về làm thiếp. Uất hận, Ả Chàng đã qua đời. Cô em là Ả Chạ quyết trả thù cho chị, đã đi nhiều nơi tập hợp những người cùng căm ghét giặc Hán. Họ tập hợp thành một đoàn quân, thường đánh các đồn giặc. Sau họ về Hát Môn hội quân, theo Hai Bà Trưng đi đánh Tô Định. Sau chiến thắng, Trưng Vương phong cho nàng là Ngọc Trinh công chúa, cho về đóng đồn ở trang Đàm Luân (nay cũng thuộc xã Lũng Hòa). Ba năm sau, Mã Viện sang xâm lăng, Ả Chạ đã chiến đấu rất dũng cảm rồi hy sinh ngay tại trang Đàm Luân này.


ĐỐNG VỊNH:

Làng Thượng Lạp, xã Tân Tiến thờ Đống Vịnh, được coi là tướng của Trưng Vương, tương truyền là hy sinh trên dòng sông Phó Đáy.



HUYỆN YÊN LẠC

VĨNH HOA:

Phùng Vĩnh Hoa, quê ở Mao Điền, đạo Hồng Châu, từ nhỏ đã học võ nghệ và văn chương. Lúc đó giặc Hán Tô Định cai trị rất tàn bạo. Năm 18 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời, nàng trao gia sản cho ông cậu rồi ra đi tìm cách diệt giặc. Đến trang Tiên Nha, nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, thấy địa thế đẹp nàng bèn ở lại rồi liên kết với nghĩa sĩ bốn phương. Kịp lúc đó, Hai Bà Trưng phát hịch khởi binh. Vĩnh Hoa bèn cùng bạn hữu tới đầu quân. Sau nhiều chiến công, Trưng Vương phong cho nàng là Vĩnh Hoa công chúa, lấy trang Tiến Nha làm “chính đồn”, trang Trung Hà bên kia sông là “thứ đồn” (xem thêm mục Vĩnh Hoa ở phần huyện Đan Phượng, Hà Tây). Ba năm sau, trong trận đánh Mã Viện, thế cùng, nàng đã tự trầm trong dòng sông Nguyệt Đức.


KHÂU NI:

Trang Nhật Chiêu nay thuộc xã Liên Châu, huyện Yên Lạc thờ một nữ tướng của Trung Vương là Khâu Ni. Nàng tên thật là A, con gái ông bà họ Quách, làm nghề thuyền chài. Có viên quan đô hộ nhà Hán định bắt cô làm thiếp. Cũng thời gian đó bố mẹ cô qua đời, cô liền gọt tóc đi tu. Khi ấy mới có 16 tuổi. Cô xưng là Khâu Ni tìm về trú ngụ tại Ngã Ba Hạc. Nuôi chí diệt thù, Khâu Ni bí mật tập hợp những người cùng chí hướng chống giặc Hán. Khi Hai Bà hội quân ở Hát Môn, Khâu Ni đến dưới cờ lĩnh mệnh, được giao chỉ huy thủy binh đánh vào thành Tô Định. Sau thắng lợi, Khâu Ni được phong là công chúa, lấy đất Nhật Chiêu làm thực ấp. Nhưng chỉ hai năm sau cô qua đời, chưa kịp tham gia chống Mã Viện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:22:21 pm »


*
*   *

Như vậy, ở châu thổ sông Hồng có nhiều làng thờ các vị tương truyền là tướng của Trưng Vương. Đó là tư liệu văn hóa dân gian. Song có một điều đáng lưu ý là ở những nơi đó hoặc gần đó thường có những địa điểm khảo cổ học thuộc các giai đoạn văn hóa từ Phùng Nguyên tới Đông Sơn. Điều này có nghĩa là vào thời kỳ Hai Bà Trưng, những làng ấy đã thuộc phạm vi những điểm tụ cư đông đúc.

Ngoài ra, ở các địa điểm trên cũng có nơi còn bảo lưu những tục lệ hèm húy được người dân địa phương coi là có từ thời kỳ Hai Bà Trưng nhưng thực tế rất có thể là những tia ảnh xạ của các thời xa xưa hơn. Như ở làng Hạ Lôi (Thạch Thất) vào ngày lễ Hai Bà Trưng mùng 6 tháng Mười có một lệ mở tiệc thịt trâu lột. Phải chăng đó chỉ là lặp lại một mặt sinh hoạt của nghĩa quân Hai Bà hay còn là tàn dư của tục lệ hiến tế thời kỳ bộ lạc sống chủ yếu về săn bắn?

Hoặc ở Hạ Trì (Từ Liêm) vào ngày mồng 7 tháng Ba giỗ bà Sa Lương, tướng của Hai Bà Trưng có lệ bơi chải trên sông Hồng. Đó chỉ là nhắc lại một buổi luyện tập thủy quân của Sa Lương hay còn là ảnh xạ của ngày hội nước đón trăng thời bình minh lịch sử.

Hay như ở vùng Gối có lệ mở hội chèo tàu tượng mà theo lời truyền ngôn thì là hội tưởng nhớ cuộc trẩy quân của Hai Bà Trưng. Gối là tên Nôm chỉ chung một cụm nhiều làng nay thuộc huyện Đan Phượng, có tên Hán Việt là Thượng Hội, Hạ Hội, Thúy Hội, Đan Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long, Ngọc Kiệu và Hạnh Đàn. Tại đây cứ vài chục năm lại một lần mở hội chèo tàu tượng. Vào năm mở hội, dân bốn làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ, Phan Long chung nhau dựng lại cánh đồng Ngói (thuộc Thượng Hội) những cung điện (bằng tre nứa) để làm nơi diễn xướng. Hai chiếc thuyền rồng bằng gỗ, có bánh xe di chuyển, mỗi thuyền là nơi đứng của mười ba diễn viên, đều là nữ gồm một chúa tàu, hai cái tàu và mười con tàu. Con tàu vừa hát vừa múa vừa biểu diễn động tác chèo tàu (thuyền). Cái tàu gõ sênh giữ nhịp cho con tàu hát. Chúa tàu thì điều khiển chung.

Lại còn có hai con voi đan bằng tre đặt trên bộ gỗ, cũng có bánh xe di chuyển. Mỗi voi có hai quản tượng quản tiềnquản hậu, cũng đều là nữ. Các người này cũng sẽ vừa múa vừa hát đối đáp với các con tàu bên thuyền rồng.

Thuyền rồng và voi - tàu và tượng - đặt song song nhau, bên này hát một câu thì bên kia hát đáp lại.

Tục lệ này theo một truyền ngôn ở địa phương là có từ ý thức kỷ niệm Hai Bà Trưng: xưa Hai Bà đã trẩy quân qua vùng này, tàu thuyền tấp nập trên sông Nhuệ, voi ngựa rầm rập trên đường cái. Dân làng có nhiều người đi theo nghĩa quân. Sau để tưởng nhớ sự kiện đó, dân đặt ra lệ hội chèo tàu tượng.

Như thế, theo truyền thuyết ấy, ở thời kỳ Hai Bà Trưng ở vùng Gối đã là một điểm cư dân đông đúc. Điều này lại được một phong tục cổ hỗ trợ.

Nơi đây còn bảo lưu một phong tục mà theo M.O.Côsven trong “Sơ yếu lịch sử văn hóa nguyên thủy” thì là một phong tục có từ thời chế độ mẫu quyền phát triển tức thời kỳ cuối Đồ đá mới. Đó là phong tục kết hôn rất đặc biệt: phụ nữ đi lấy chồng nhưng ngay sau hôm cưới không ở lại nhà chồng mà trở về nhà mình làm ăn sinh hoạt như cũ. Sau một thời gian ngắn là dăm tháng, dài là vài ba năm - cô dâu mới sang ở hẳn bên nhà chồng. Cho tới trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, phong tục đó vẫn phổ biến.

Đây chính là tàn dư khá đậm nét của một hình thức hôn nhân gọi là “cư trú riêng lẻ”, sản phẩm của giai đoạn phát triển của thời kỳ mẫu quyền. Như thế vùng Gối rõ ràng là một điểm tụ cư cổ từng có tới vài ba nghìn năm lịch sử. Vậy nghĩa quân Hai Bà có qua đây, để lại một kỷ niệm đậm đà thì cũng là điều rất có thể có.

*
*   *

Còn về các tướng lĩnh thì qua sự tích của họ có thể nói rằng “không có lửa, sao có khói”. Đành rằng trong thực tế, đời sống của họ tất không hẳn đúng y như truyền thuyết, ngay cả họ tên của họ cũng vậy.

Ở đầu công nguyên liệu đã có chữ Thị để chỉ phụ nữ chưa? Cũng đã có những mỹ tự Thành Công, Thủy Hải, Nàng Tế v.v... chưa? Hay cũng là cô gái trẻ mà nơi gọi là (Ả Lã, Ả Lự) nơi lại gọi là nàng (Nàng Tía, Nàng Quốc). Đó là cách gọi của từng địa phương thời bấy giờ hay thời sau? Có nơi lại gọi kết hợp cả hai: Ả Lã Nàng Đê (Tiếng Mường hiện có từ nàng ả chỉ con gái đầu của nhà lang. Tiếng Tày có từ và tiếng Thái có từ a đọc kéo dài đều có nghĩa là ). Hoặc rõ ràng là có sự lẫn lộn giữa một vài nhân vật, như Ả Lự của hai làng Tráng Việt - Điệp Thôn rất giống Đề Nương của Đông Cao, hay gốc gác Chàng Hối thành hoàng làng Thịnh Kỷ chẳng khác gì gốc gác bà Thánh Thiên ở Ngọc Lâm, huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang1.

Nhưng dù sao trong thực tế hẳn phải có những con người thật sự đã đứng lên chống quân Hán!

PHỤ CHÚ - Vẫn theo các thần tích, ngoài những nhân vật đã nêu ở trên còn một số tuy hoạt động ở những vùng khác nhưng có quê quán ở Đường Lâm. Ngày nay Đường Lâm là một xã thuộc huyện Ba Vì. Trong xã có thôn Cam Lâm - nguyên chính tên là Đường Lâm - là quê của Phùng Hưng và Ngô Quyền.

Nhưng trong thực tế, ở thôn này ngoài sự tích hai vua họ Phùng và họ Ngô thì không hề nghe kể về một nhân vật nào ở thời kỳ Hai Bà Trưng. Có thể đây là một huyện (hoặc có thời còn gọi là châu) Đường Lâm một đơn vị hành chính có từ thời Bắc thuộc, bao gồm vùng đất ngày nay là khu vực các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Ngô Thì Sĩ từng chỉ ra: “Đường Lâm ở vào quãng huyện Hoài An và huyện Mỹ Lương”. Hoài An nay là phần đất huyện Mỹ Đức và một phần huyện Ứng Hòa. Mỹ Lương nay là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ.
____________________________________
1. Theo thần tích làng Thịnh Kỷ (huyện Mê Linh) thì Chàng Hối quê ở Bích Uyển (Kinh Môn - Hải Dương), con ông Nguyễn Huyên, có cậu bị Tô Định giết và sau đóng quân ở Ký Hợp. Theo thần tích của làng Ngọc Lâm thì Thánh Thiên cũng quê ở Bích Uyển, cha cũng là Nguyễn Huyên, cậu cũng bị Tô Định giết và sau cũng đóng đồn ở Ký Hợp. Như vậy nếu không phải là một người thì họ cũng phải là anh hoặc chị em ruột. Nhưng cả hai bản thần tích đều không ghi như vậy. Do đó phải có một bản chép lẫn. Nếu lấy địa đếm Ký Hợp làm chuẩn thì thần tích Chàng Hối đáng tin hơn. Vì đúng có trang Ký Hợp, tên gọi cổ của làng Yên Lãng, nay thuộc về xã Lý Hải, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Còn bên tỉnh Bắc Giang thì ở huyện Yên Dũng chẳng có làng nào tên gọi Ký Hợp mà ở các huyện khác cũng không hề có địa danh này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 11:23:56 pm »


BA CHỊ EM BÀ DUỠNG

Có một cặp vợ chồng quê ở Đường Lâm, vì nghèo khó phải bỏ làng đi tha phương cầu thực. Cuối cùng họ trú lại ở thôn Nội Phật (nay là xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phú). Họ có ba con, đầu lòng là cô Dưỡng, hai em trai là Bạc và Bỉnh.

Ba chị em đi theo Hai Bà từ ngày đầu khởi nghĩa. Khi Mã Viện sang, cả ba đều hy sinh trong trận đánh bên bờ đầm Xuôi Ngành. Dân làng thương cảm lập miếu thờ ngay cạnh đầm này, nay vẫn còn gọi là miếu Ba Vị.


BA ANH EM HỌ ĐẶNG

Ở Đường Lâm có ông Đặng Long làm nghề dạy học. Nghèo túng nên ông và vợ là bà Phạm Thị Phương đến ở tại vùng Đồng Núi (nay là thôn An Sơn, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Tây). Họ sinh ba trai, đặt tên là Cả, Hai và Ba.

Ba anh em họ Đặng này đã lập được một đội quân theo Hai Bà đi đánh Tô Định. Thắng lợi rồi, họ được Hai Bà cho về lập đồn dựng ải tại Đồng Núi đề phòng giặc. Sau đó cả ba đều hy sinh trong cùng một trận chống trả quân Mã Viện tới hạ đồn. Hiện nay ở đầu thôn An Sơn còn có một gò cao tương truyền là nơi ba anh em họ Đặng tụ hội nghĩa quân.


CHIÊU TRUNG - ĐỖ LÝ

Đó là hai anh em sinh đôi, con trai ông Đỗ Bang ở Đường Lâm.

Họ đến Hát Môn tụ nghĩa rồi được giao đem quân đi đánh giặc Hán ở mạn phía Nam. Họ đến vùng hai thôn Trung Thịnh và Yên Trường (nay thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Tây) xây thành đắp lũy. Sau này, khi Mã Viện xâm lược, hai anh em họ Đỗ đã hy sinh ngay tại chân thành, chỗ bây giờ gọi là Lăng Miễu hoặc Bãi Miễu. Ở thôn Yên Trường và thôn Trung Thịnh hiện còn đền thờ hai người anh hùng này, còn có những dấu tích thành lũy của họ.


Ả LAN - CHÀNG TUẤN

Sự tích hai vị này đã nêu ở Chương ba.


THỦY HẢI - ĐĂNG GIANG

Đây là hai tướng lĩnh của Hai Bà, có quê là Đường Lâm nhưng ngụ cư ở trại Hà Hào bên huyện Đông Anh. Sự tích hai vị này đã nêu ở khẳn huyện Đông Anh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2010, 10:43:28 pm »


Chương Sáu
CÁC DI TÍCH


Các di tích thuộc về Hai Bà Trưng gồm có ba ngôi đền chính mà cả nước đều biết tiếng. Đó là đền Hạ Lôi ở huyện Yên Lãng cũ (nay là huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc), đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ (Hà Tây) và đền Đồng Nhân ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Ngoài ra còn có năm nơi thờ khác nhưng chỉ được biết tới trong phạm vi một vài làng. Đó là đình Vân Môn ở xã Trung Châu (huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Tây), đình Nại Tử Nam ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Tây), đình Nại Tử Xã ở xã Chu Phan (huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc), đình Cư An ở xã Tam Đồng (huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc) và đền làng Hạ Lôi - Bằng Trù (huyện Thạch Thất - tỉnh Hà Tây).

Còn có một loại di tích khác cũng đáng được chú ý tới đó là hai tòa thành ở trên đất huyện Yên Lãng cũ: thành Hạ Lôi tương truyền là do bà Trưng Trắc cho đắp để làm đô thành (đã bàn tới ở Chương hai) và thành Dền tương truyền là do bà Trưng Nhị cho đắp để làm bản doanh.


ĐỀN HẠ LÔI

Đền ở về rìa phía đông nam làng Hạ Lôi. Ở địa phương này, có người nói ngôi đền dựng trên nền nhà cũ của mẹ Hai Bà, cũng có người nói trước đó là miếu thờ Thi Sách, sau mới mở mang thành đền thờ Thi Sách và Hai Bà.

Đền Hạ Lôi có tự bao giờ thì không thể nói chắc được, chỉ biết là chiếu theo thực trạng hiện nay thì từ quy cách kiến trúc đến đồ thờ tự, trang trí đều không vượt quá thế kỷ XIX.

Đền xây trên một khu đất rộng, thoáng, giữa cánh đồng cao, nhìn ra đê sông Hồng. Cổng đền đẹp, trên khung cửa chính có bức hoành mang bốn chữ “Ly chiếu tứ phương” (ánh sáng chiếu ra bốn phương). Sau cổng là một vạt sân rộng, cuối sân có hồ bán nguyệt. Trên bờ hồ là nhà tiền tế. Tại đây có một tấm bia và một cái chuông nhưng không cổ lắm. Bia có tên là “Cải chính miếu hướng bi ký” (Bia về việc sửa lại cho đúng hướng miếu) nói về việc sửa đổi hướng đền, khắc năm Thành Thái thứ nhất (tức năm 1899). Chuông thì có dòng niên đại đúc là năm Gia Long thứ hai tức năm 1803. Như vậy thì diện mạo và hướng đền ngày nay mới có từ năm 1899.

Phía trong nhà tiền tế là hậu cung. Tại đây trên bệ thờ vốn đặt tượng bà Trưng Trắc và tượng ông Thi Sách, đặt ngang hàng. Theo tờ khai của hương lý làng này (tháng 4-1938 ) nộp cho trường Viễn Đông bác cổ thì đời xưa đó là hai pho tượng bằng đất luyện, đến năm Gia Long thứ mười một (tức năm 1812) mới thay bằng tượng gỗ. Đặt bên ngoài tượng là bài vị bà Trưng Nhị. Bài vị này bằng đá tạc. (Như vậy ở đây thờ vợ chồng Thi Sách là chính).

Ở hậu cung và nhà tiền tế có một số hoành phi, câu đối. Hai bức hoành giàu ý nghĩa tự hào là bức “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam) và “Hoàng đế từ” (Đền đức vua). Đôi câu đối có niên đại xưa nhất là của Vĩnh Tường tri phủ Nguyễn Thái cung tiến vào năm Tự Đức - Tân Tị tức năm 1881:

Bất thế anh hùng vương tỉ muội
Nhưng tiền cơ chỉ tuế xuân thu


Nghĩa là:
 
Vua chị vua em, hào kiệt thế gian khó sánh
Còn nền còn móng, xuân thu hương lửa dài lâu.


Một câu đối khác cũng khá chỉnh là của huấn đạo Phạm Quang Tiến (đứng liên danh với đồng tri phủ và thương biện phân phủ Vĩnh Tường) soạn năm Duy Tân - Canh Tuất tức năm 1910:

Sổ thiên niên Diên Quận cố đô, uất uất thông thông giang sơn ngô thổ.
Thập bát thế Lạc Hùng di trụ, oanh oanh liệt liệt tỉ muội nhất môn.


Nghĩa là:

Mấy ngàn năm Diên Quận đô xưa1, đất nước nhà ta vẻ vang rục rỡ.
Mười tám đời Lạc Hùng dòng cũ, chị em một cửa hiển hách vang lừng


Ngày trước, hàng năm việc tế lễ chủ yếu là vào những ngày mùng 6 tháng Giêng - tương truyền là ngày yến hạ khao quân, ngày mùng 1 tháng Tám là ngày sinh và ngày mùng 8 tháng Ba là ngày hóa của Hai Bà. Nhưng lễ lớn nhất là ngày mùng 6 tháng Giêng, thường được bà con các làng lân cận gọi là “ngày hội Hạ Lôi”. Vào ngày hội này có lệ cúng bánh dày và có rước kiệu. Chính đám rước ấy là “cái đinh” của ngày hội.

Từ trong đền, ba cỗ kiệu rước được rước ra cổng, kiệu Thi Sách đi trước, đến kiệu bà Trưng Trắc, sau cùng là kiệu bà Trưng Nhị. Nhưng ra đến đường cái - ở đây gọi là đường Trống Quân - thì kiệu Thi Sách lại dừng lại để kiệu Hai Bà tiến lên trước (gọi là giao kiệu) vì theo lễ “nội gia phu phụ, ngoại quốc quân thần” nghĩa là “trong việc nhà là vợ chồng, ra ngoài việc nước là vua tôi”. Điều hấp dẫn là các đô tùy khiêng hai cỗ kiệu Hai Bà đều là thiếu nữ đồng trinh, những cô gái mười tám, đôi mươi chưa chồng, đã qua sự tuyển chọn nên cô nào cũng xinh và nhất là vóc người, chiều cao thì đều tăm tắp như nhau. Mỗi cỗ kiệu có 32 đô tùy chính, 32 đô tùy dự bị, lại còn thêm hàng chục cô cầm tàn, cầm lọng, cầm các đồ lễ bộ. Như vậy là có tới khoảng một trăm rưởi cô gái tham gia vào đám rước, cô nào cũng xinh, trang phục ngày hội.

Kiệu Thi Sách thì do đô tùy nam khiêng, cũng đủ lệ bộ, khoảng bảy chục người.

Đám rước đi trên đường Trống Quân, ra đường cái, rồi tiến ve dinh để “hội đồng” với bốn vị thành hoàng Đô, Hổ, Bạch, Hạc và ông thánh Cốt Tung.

Có tài liệu viết rằng đám rước này ra sông Hồng, lấy nước giữa dòng cho vào một cái chóe đem về để dùng làm lễ tắm tượng và dâng cúng quanh năm. Nhưng hỏi tất cả các vị bô lão trong làng (như ông cụ Hương Đệ) thì không hề có chuyện này. Thực ra, nghi thức lấy nước đó chỉ là của đám rước đền Đồng Nhân.

Có tài liệu viết là đồ tế khí ở đền Hạ Lôi đều sơn đen. Cũng không phải! Đồ thờ ở đây như kiệu, ngai... đều sơn son thiếp vàng và cờ quạt đều bằng vải lụa ngũ sắc. Ở Hạ Lôi này chỉ có đền thờ Cốt Tung mới kiêng màu đỏ.
_____________________________________
1. Đây là tác giả quan niệm làng Hạ Lôi này vốn thuộc huyện Chu Diên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM