Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:27:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Hà Nội và các vùng lân cận  (Đọc 108090 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 12:27:08 pm »


HUYỆN SÓC SƠN
(Kim Anh + Đa Phúc)


ĐỔNG NGHI

Làng Ninh Bắc nay thuộc xã Quang Tiến, thờ Đổng Nghi. Nghi là con ông Đổng Long và bà Trương Thị Hoằng. Chàng đã mộ vài nghìn dân đinh theo Hai Bà khởi nghĩa. Sau trận Cấm Khê, chàng phi ngựa vào sơn động mà hóa.


BÀ Y

Làng Kim Lũ nay thuộc xã Kim Lũ, thờ bà Y là một nữ tướng của Hai Bà nhưng sự tích thất truyền.



HUYỆN THANH TRÌ

NÀNG TÍA

Làng Vĩnh Ninh xưa có tên là Kẻ Đặng nay thuộc xã Vĩnh Quỳnh, có truyền thuyết về Nàng Tía. Truyền thuyết kể rằng Trưng Vương sau khi đánh đuổi Tô Định, định đô ở Mê Linh, có lần đi qua đất Vĩnh Ninh này. Tại đây Vua Bà gặp một cô gái trẻ đang gánh nước. Đó là Nàng Tía. Vua Bà gọi lại hỏi chuyện, biết được tài chí của Nàng Tía, liền đưa về triều, phong làm tướng.

Sau này, khi Hai Bà đã hy sinh, Nàng Tía vẫn tiếp tục chiến đấu tại cửa biển Thần Phù. Cuối cùng người nữ tướng này hy sinh ở đó ngày 13 tháng Mười Một.

(Xã Vĩnh Quỳnh có di chỉ văn hóa Gò Mun
và Đông Sơn ở Gò Chùa Thông).



TAM TRINH

Làng Mai Động, nay thuộc xã Hoàng Văn Thụ, thờ Tam Trinh làm thành hoàng. Thần phả kể rằng:

Ở Long Biên có nhà ông Triệu Cẩn lấy vợ là bà Tạ Thị Thành mãi năm 60 tuổi mới sinh ra Tam Trinh. (Như vậy Tam Trinh họ Triệu chứ không phải họ Nguyễn và quê gốc là Long Biên chứ không phải Thanh Hóa như một số tài liệu đã nêu). Tam Trinh sau làm nghề dạy học, tới làng Mai Động mở trường ở bên sông Kim Ngưu.

Khi nghe tin Hai Bà dấy nghĩa, Tam Trinh mộ được ba nghìn người, theo Hai Bà đi dẹp giặc.

Sau này Mã Viện kéo tới vây đánh Mai Động. Tam Trinh cùng sĩ tốt phá được vòng vây nhưng ông bị trọng thương và khi tới xứ Khu Đống thì hóa. Đó là ngày 10 tháng Hai. Tuy vậy hàng năm, làng Mai Động lại mở hội vật vào những ngày mùng 5 mùng 6 tháng Giêng tương truyền là môn võ mà quân lính của Tam Trinh ưa tập luyện.

(Làng Mai Động có những di vật
 khảo cổ thuộc thời đại Đá mới).



HUYỆN TỪ LIÊM


QUÁCH LÃNG - ĐINH BẠCH NƯƠNG - ĐINH TĨNH NƯƠNG

Hai thôn Đống Đa, Thượng Cát nay thuộc xã Thượng Cát và thôn Đại Cát (xưa nay là Hạ Cát) nay thuộc xã Liên Mạc vốn có tên gọi chung là làng Kẻ. Cả ba thôn đều thờ Quách Lãng, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương là ba anh em cháu cô đồng thời họ hai bề: Mẹ Quách Lãng là chị của bố Bạch và Tĩnh, còn mẹ của hai cô này là em của bố Quách Lãng.

Cả ba đều quê ở động Hoa Lư và tinh thông võ nghệ. Riêng hai cô Bạch và Tĩnh lại thạo nghề sông nước.

Khi nghe tin Hai Bà Trưng khởi binh, họ tìm đến Hát Môn ứng nghĩa. Trên đường đi, họ dừng lại ở Thượng Cát để chiêu mộ nghĩa binh. Hai cô gái họ Đinh tập hợp được một cánh quân thủy và dông thuyền ngược lên cửa Hát. Quách Lãng ở lại Thượng Cát ít lâu để luyện cho toán quân bộ thêm thành thục rồi cũng lên Hát Môn.

Sau khi dẹp được Tô Định, ba anh em được lệnh về Thượng Cát lập đồn binh. Hai cô Bạch và Tĩnh tổ chức lại thủy quân, mở những cuộc thi bơi thuyền để binh sĩ có dịp tập luyện. Nhưng mới được vài tháng thì cả hai chị em chết trong một chuyến đắm đò. Còn Quách Lãng thì về sau hy sinh trong trận Cấm Khê.

Ngày trước, những năm được mùa nhân ngày giỗ hai cô gái họ Đinh (mùng 10 tháng Ba) các làng Kẻ thường mở hội được coi là diễn lại tích luyện binh ngày trước. Làng Thượng Cát tổ chức chạy quân, làng Hạ Cát tổ chức bơi chải trên sông Hồng.


VĨNH GIA

Cánh bãi nằm giữa hai thôn Thượng Cát và Hạ Cát có tên là Quân Thần châu (bãi vua tôi). Tên đó có từ đời Triệu Việt Vương, do tích là vị vua này chia một phần đất cho Lý Phật Tử lấy bãi này làm ranh giới. Từ đó trở về đông là đất của vua (Triệu Việt Vương), trở về tây là đất của bề tôi (Phật Tử).

Nhưng trước đấy năm trăm năm tại cánh bãi này đã có dân cư và một cô gái anh hùng đã ra đời. Đó là Vĩnh Gia mà sự tích sẽ nêu ở phần huyện Mê Linh.


Ả LÃ NÀNG ĐÊ

Làng Trung Văn nay thuộc xã Trung Văn, thờ Ả Lã Nàng Đê là nhân vật được thờ chính tại Yên Lộ - Nghĩa Lộ, huyện Hoài Đức, sự tích nhân vật này có ở phần huyện Hoài Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 12:32:08 pm »


TỈNH BẮC NINH

HUYỆN GIA BÌNH

TRUNG TRIỀU CÔNG THẦN, TƯỚNG CÔNC LINH ỨNG ĐẠI VƯƠNG:

Thành hoàng làng Đông Cao, tổng Xuân Lai, nay thuộc xã Xuân Lai, huyện Gia Bình. Chưa rõ sự tích.


CÔN NƯƠNG CÔNG CHÚA:

Thôn Phùng Xá, nay thuộc xã Bình Dương, huyện Gia Bình, có nàng Côn Nương, văn võ tinh thông. Căm ghét giặc Hán đô hộ, nàng cắt tóc làm ni sư, ăn mặc nâu sồng, tập hợp được trăm cô gái ở Ngũ Phùng trang cùng giả danh ni sư, ngày ngày luyện tập võ nghệ. Nghe tin, Hai Bà Trưng liền triệu Côn Nương đến hội quân ở Hát Môn. Sau khi đánh thắng Tô Định, Trưng Vương đã phong cho nàng là Côn Nương công chúa.


DOÃN CÔNG VÀ ĐÀO NƯƠNG:

Đây là hai vợ chồng cư ngụ tại làng Bảo Tháp, nay thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Ông bà đã chiêu tập nghĩa binh, thiết lập doanh trại khu Đầu Rồng, núi Thiên Thai. Lực lượng tới hàng vạn quân. Hai Bà Trưng đã mời Doãn Công và Đào Nương cùng khởi binh. Doãn Công được cử là đại tướng quân kiêm quản hai đạo thủy bộ. Sau đó ông bà cùng đại quân tiến đánh thành Tô Định. Khi khải hoàn, Doãn Công và Đào Nương được phong thực ấp ở Bảo Tháp.


CHIÊU HỮU ĐẠI VƯƠNG:

Làng Nhân Hữu nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình thờ Chiêu Hữu đại vương húy là Chiêu Phúc nguyên là tướng công thần của Trưng triều. Chưa rõ sự tích.


Ả LÃ - RỒNG NHỊ:

Đây là hai nữ tướng của Trưng Vương và là chị em ruột. Hai vị đã lấp đồn sở ở làng Du Tràng nay thuộc xã Giang Sơn huyện Gia Bình, chống quân Hán đã vài năm. Khi khởi binh, Hai Bà Trưng sai sứ đến mời Ả Lã và Rồng Nhị cùng tham gia khởi nghĩa. Hai nàng đem theo hai nghìn quân đến Phong Châu hội binh. Khi vây đánh thành Tô Định, Ả Lã cưỡi ngựa xông vào giữa trận tiền, chém ngay ba tên tướng giặc và hô quân tấn công. Xác quân Hán lấp đầy sông. Khi bình công, Trưng Vương cho lấy Du Tràng làm thực ấp.



HUYỆN LƯƠNC TÀI

TRÌNH CÔNG VÀ HOÀNG CÔNG:

Làng Đào Xá nay là xã Đào Xá thuộc huyện Lương Tài thờ hai vị công thần của Trưng Vương với tước phong là: Trình Công Trợ Thắng Phụ Quốc đại vương và Hoàng Công Vệ Đạo Tiệp Phù đại vương. Không còn sự tích.


ĐẠI ĐÔ ĐẠI VƯƠNG, KHU MẬT ĐẠI TUỚNG QUÂN, ĐỀ THẦN ĐỊCH LỖI ĐẠI VƯƠNG; NGU CHIÊU TÔN LINH CÔNG CHÚA:

Đó là các vị công thần triều Trưng Vương được thờ ở làng Thận Trai nay thuộc xã Trưng Xá, huyện Lương Tài. Không còn sự tích.


THÁI LANG VÀ ĐẠI LONG:

Thôn Điện Xuyên nay là làng Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài thờ hai vị tướng của Trưng Vương là Thái Lang và Đại Long. Không còn sự tích.


ĐÀ CÔNG - NGUYỆT NƯƠNG:

Thờ ở xã Phú Hòa. Không còn sự tích


NGA CÔNG, LANG CÔNG, NGHIÊM CÔNG, DƯƠNG CÔNG:

Thờ ở xã Minh Tâm. Không còn sự tích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 12:44:46 pm »


HUYỆN TIÊN DU

ĐÔNG QUÂN TAM VỊ ĐẠI VƯƠNG:

Làng Hoài Thượng nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du thờ 3 anh em Đông Quân. Đó là 3 tướng của Trưng Vương từng lập đồn lũy ở Hoài Thượng để chống giặc Hán. Sự tích không rõ.


LIỄU GIÁP:

Xóm Phú Hậu, thôn Lũng Sơn, thị trấn Lim huyện Tiên Du là quê hương của Liễu Giáp. Nàng vốn con nhà nghèo ở Kẻ Trũng (tên Nôm của Lũng Sơn). Căm ghét giặc Hán tàn bạo, nàng ra sức luyện rèn võ nghệ rồi tập hợp trai tráng trong vùng lập đồn dựng trại. Khi nhận được hịch của Hai Bà Trưng, Liễu Giáp dẫn quân bản bộ tham gia khởi nghĩa, lập nhiều công trạng.


PHƯƠNG DUNG CÔNG CHÚA:

Xóm Thanh Lê, thôn Lũng Sơn, thị trấn Lim là quê hương của Phương Dung. Nàng là con của hai ông bà thuyền chài được Linh Lang thủy thần giáng sinh tại miếu thiêng bên bờ sông Tiêu Tương. Phương Dung võ nghệ cao cường, có ý chí chống giặc Hán, đã tập hợp được một vạn nghĩa quân. Trưng Vương đã phong nàng là Tiền Đạo tiên phong, tiến đánh giặc Hán theo sông Tiêu Tương. Sau thắng lợi Trưng Vương phong là Ả Lự Man Đê Phương Dung công chúa, hưởng thực ấp ở trang Thiểm Xuyên (nay là thôn Lũng Sơn).



HUYỆN THUẬN THÀNH

TẠ THÔNG VÀ ĐỀ NƯƠNG:

Làng Đa Tiện nay thuộc xã Xuân Lâm huyện Thuận Thành thờ tướng Tạ Thông và phu nhân Đề Nương. Khi Hai Bà Trưng khởi binh. Ông Tạ mộ được một nghìn hương binh, bà Đề mộ được hai nghìn hương binh cùng đến dưới cờ Hai Bà Trưng. Ông Tạ Đề Nương tiến đánh thành Tô Định, lập công lớn.


Ả TẮC - Ả DỊ:

Làng Văn Quan nay là thôn Văn Quan thuộc xã Trí Quả, huyện Thuận Thành thờ hai bà Ả Tắc - Ả Dị. Hai bà vốn quê ở Hồng Châu. Từng chiêu mộ được hai nghìn hương binh về tụ nghĩa ở Hát Môn, theo Hai Bà Trưng đi đánh thành Tô Định. Khi dẫn quân đến làng Văn Quán hai bà làm lễ thần Thổ kỳ nên được thần trợ giúp, nhanh chóng thắng giặc. Trưng Vương phong cho hai bà làng Văn Quan là thực ấp. Về sau dân lập đền thờ hai bà và thần Thổ kỳ.


MỘC HOÀN:

Làng Thanh Bình tên Nôm là Cảo Hai nay thuộc xã Xuân Lâm huyện Thuận Thành thờ một vị tướng của Hai Bà là Mộc Hoàn. Chưa rõ sự tích.


ĐỐNG CÔNG - HỰU CÔNG:

Làng Đức Hiệp thuộc xã Xuân Lâm thờ hai vị tướng của Trưng Vương là Đống Công và Hựu Công. Chưa rõ sự tích.


ĐẶNG VĂN ĐƯƠNG (ĐƯƠNG HOÀNG):

Là thành hoàng làng Ngọc Trì (làng Bún) nay thuộc xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành - là tướng của Trưng Vương. Trong đình có sắc phong nhưng không ghi rõ sự tích.



HUYỆN TỪ SƠN

TAM QUANG:

Làng Hồi Quan nay thuộc xã Tương Giang, Từ Sơn, thờ Tam Quang là người làng này đã chiêu mộ được ba nghìn quân theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Ông được phong là chỉ huy sứ, theo cánh quân của bà Trưng Nhị đi hạ thành Tô Định.


DIỆU TIÊN THẦN NỮ - QUẢNG KHÁNH ĐẠI VƯƠNG - PHÁP HẢI ĐẠI VƯƠNG:

Là ba vị công thần triều Trưng Vương được thờ ở làng Xuân Thụ, xã Đồng Nguyên, Từ Sơn. Riêng làng Cẩm Giang cùng xã chỉ thờ Pháp Hải đại vương.

Thần tích kể rằng: Diệu Tiên là mẹ của Quảng Khánh và là cô của Pháp Hải. Ba mẹ con cô cháu đều theo Hai Bà Trưng đi hạ thành Tô Định.


TAM NGỌ:

Làng Bính Hạ, trước thuộc tổng Phù Lưu huyện Đông Ngàn nay thuộc thôn Bính Hạ, xã Đồng Quan, huyện Từ Sơn. Ở đây thờ Tam Ngọ Thiên Linh Ứng đại vương, tương truyền ông vốn người làng này song đi khắp xứ Bắc mưu việc chống quân Hán. Đến làng Sặt, thấy đất đẹp, dân tốt, ông ở lại mở trường dạy học và ngầm chiêu mộ trai tráng luyện tập việc quân. Khi Hai Bà Trưng khởi binh. Ông đã đi theo và đánh thắng nhiều trận.



HUYỆN YÊN PHONG

TỪ MẪU HUỆ NƯƠNG TRINH THỤC HOÀNG THÁI HẬU:

Làng Đồng Mật vốn là thuộc xã Xuân Ái, trước thuộc huyện Võ Giàng, nay thuộc xã Xuân Đồng huyên Yên Phong, thờ thần Từ mẫu được gọi là Trưng Vương triều nhất vị đại vương. Chưa rõ sự tích.

(Tư liệu do ông Lê Viết Nga cung cấp)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 12:48:38 pm »


TỈNH HÀ NAM

HUYỆN BÌNH LỤC

CAI CÔNG ĐẠI VƯƠNG:

Ở phủ Lý Nhân, huyện Nam Xang có ông Nguyễn Mưu, vợ là Ma Thị Tố sống hiền lành sinh được một con trai đặt tên là Cự, tự là Cai Công. Chàng thông minh xuất chúng, 8 tuổi đi học, vài năm văn võ kiêm toàn thông minh tài trí. Năm chàng 16 tuổi, bố mẹ lần lượt qua đời. Sau khi lo xong việc hiếu, chàng tích thảo dồn lương tập hợp được khoảng năm mươi người. Kịp nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, chàng cùng năm mươi gia thần đến Hát Môn tụ nghĩa. Bà Trưng phong cho chàng là Thừa Thiên đại tướng quân dẫn quân đánh thẳng vào thành quân Hán. Thắng trận chàng về thôn Nhân Dực, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục lập hành cung an điện. Ba năm sau Mã Viện xâm lăng. Cai Công theo Hai Bà Trưng đến thành Long Sơn cự địch. Nhưng thế yếu phải lui về Cấm Khê và cuối cùng hóa ở núi Sài Sơn. Người dân Nhân Dực lập đền thờ phụng Cai Công.


ĐỨC LÁI VUA BÀ:

Bà người làng Tái Kinh, nay thuộc xã Đinh Xá. Nổi tiếng xinh đẹp, Thái thú Tô Định đem sính lễ đến xin cưới. Bà chối từ, Tô Định liền giết cả bố mẹ. Bà liền chiêu binh về Hát Môn theo Hai Bà Trưng. Sau khi đuổi được Tô Định bà được phong thực ấp ở Bình Lục... Khi Mã Viện xâm lăng bà đem quân chống cự và hóa ở núi Phật Tích, xứ Bắc.


BA CHỊ EM HỌ TRƯƠNG:

Ở thôn Cát, xã Đình Xá có ba chị em nàng Cả, nàng Hai, nàng Ba. Ba nàng theo Hai Bà Trưng khởi binh và đều được phong là công chúa. Sau được thờ ở đền Minh Linh.


BA VỊ CHÍ SĨ ĐẠI VƯƠNG, QUẠT NGÀ CỬA NGÒI CÔNG CHÚA, HỒNG VÂN CÔNG CHÚA:

Ở bộ Vũ Ninh, đạo Kinh Bắc có Dương Trực, còn gọi là Học. Ông Học đã hứa hôn với hai chị em Nga Nương và Hồng Nương họ Đào ở thôn Xanh thuộc làng Ngô Khê. Tô Định định cướp hai cô gái họ Đào. Ông Học liền kết hôn với hai cô rồi tập hợp được sáu nghìn người theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Sau khi đánh đuổi được Tô Định, giữa hôm Trưng Vương đến chợ nhà Học Công thì trời nổi gió và Học Công cùng Nga Nương, Hồng Nương vụt biến. Trưng Vương phong cho Học Công là Chí Sĩ đại vương và hai vợ là Quạt Ngà Cửa Ngòi công chúa và Hồng Vân công chúa.


TẠ HƯNG LONG VÀ ĐỖ LINH ỨNG:

Vào thời Tô Định cai trị, ở phủ Trường Yên, động Hoa Lư có ông Tạ Hưng Long và con người cậu là Đỗ Dưỡng Công. Hai anh em theo gia đình đến sống ở thôn Cao Dương, xã Yên Đổ. Được tin Hai Bà Trưng dấy binh ở Hát Môn. Hai anh em đến bái yết xin đi đánh giặc. Đánh thắng Tô Định nhưng hai ông đã hy sinh. Trưng Vương thương tiếc cho an táng hai người ở núi Hạc Trình và truy phong là Tạ Hưng Long đại vương và Đỗ Linh Ứng đại vương.



HUYỆN DUY TIÊN

NGUYỆT NGA PHU NHÂN:

Nguyệt Nga con ông Nguyễn Bình quê làng Dưỡng Thọ. Tô Định ép ông Bình phải dâng Nguyệt Nga. Ông không nghe, Tô Định liền sát hại. Nguyệt Nga chiêu nạp mấy nghìn người tìm lên Hát Môn hội quân cùng Hai Bà Trưng. Nàng có công lớn trong việc đánh đuổi Tô Định, sau chiến thắng được hưởng lộc xã Dưỡng Thọ. Ba năm sau Mã Viện đem quân sang. Nguyệt Nga bị giặc bắt, nhưng khi sắp bị hành hình thì có chiếc thuyền rồng nổi trên dòng sông đón nàng về Dưỡng Thọ. Sau đó bà hóa tại thực ấp này. Dân lập miếu thờ nay là thôn Dưỡng Thọ xã Tiên Phong. Thôn bên cạnh là thôn An Mông thuộc xã Châu Sơn cũng thờ bà.


HÀN QUỲNH NƯƠNG:

Bà là con gái một huyện lệnh ở châu Ái và là vợ chủ bộ Hải Dương Lê Công Bình. Bà sinh được hai người con gái là Lê Minh Nương và Lê Đậu Nương. Tô Định đã giết ông Bình nên bà Hàn cùng hai con gái đến trang Văn Bút, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân hội cùng các cháu gọi bằng cô là Hàn Sanh, Hàn Hãn, Hàn Già chiêu tập binh mã chờ thời cơ. Khi Trưng Vương khởi nghĩa bà cùng các con cháu đến hội quân ở Hát Môn rồi cùng đại quân đi đánh Tô Định. Sau đó bà hóa tại Ninh Xá. Hai con gái là Minh Nương và Đậu Nương sau này phò Trưng Vương lên đánh Mã Viện ở Lạng Sơn rồi rút về Cấm Khê. Sau đó vua tôi cùng tuẫn tiết. Bà Hàn được phong là Quốc mẫu Hàn Quỳnh Nương cùng với hai con gái Minh Nương, Đậu Nương được thờ tại thôn Văn Bút, xã Trác Văn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 01:03:53 pm »


HUYỆN KIM BẢNG

BẠCH HOA CÔNG CHÚA:

Nàng là con gái ông Trần Công Phương và bà Đinh Thị Thái. Từ nhỏ đã giỏi cầm kỳ thi họa lẫn cung kiếm. Năm 18 tuổi, nàng theo Hai Bà Trưng khởi binh đánh thắng Tô Định. Sau đó, lại bảo vệ Hai Bà Trưng ở chiến trận Cấm Khê và hóa tại đó. Được lập đền thờ ở thôn An Lạc, xã Kim Bình.


NGUYỆT NGA CÔNG CHÚA:

Nàng là con ông Trần Công Vi và bà Phạm Đào Nương. Nàng dấy binh theo Trưng Vương, được phong là Thanh Tĩnh Chinh Thục Nguyệt Nga công chúa, nay được thờ ở thôn Lương Đống, xã Kim Bình.


QUẾ HOA CÔNG CHÚA VÀ NỮ HOA CÔNG CHÚA:

Hai nàng quê thôn Phúc Trung, nay thuộc xã Tương Lĩnh, đã nhiều năm nổi dậy chống Tô Định. Sau theo giúp Trưng Vương đánh giặc Tô Định và hy sinh tại trận tiền. Trưng Vương cho lập miếu thờ ở quê hương. Đến thời Trần, hai nàng có công âm phù Hưng Đạo Vương dẹp giặc Nguyên nên được sắc phong Hằng Nga Uyển Mị Diệu Hạnh Thuần Hòa công chúa và Yểu Điệu Tiên Cung công chúa.


NGUYỄN PHÚC TÍNH:

Ông quê ở Ái Châu ra dạy học tại làng Phương Đàn (nay thuộc xã Lê Hồ). Cậu ruột của ông là Trương Công làm tri phủ (?) Lý Nhân bị Tô Định giết chết. Nguyễn Phúc Tính đã theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, sau thắng lợi, được lập đền thờ tại làng quê Phương Đàn.



THỊ XÃ PHỦ LÝ

THỦY TINH CÔNG CHÚA:

Tại thôn Trịnh Xuân, phường Lê Hồng Phong thuộc thị xã Phủ Lý vốn có đền thờ bà Thủy Tinh công chúa, tương truyền đã theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa.


CHÂN UY:

Thôn Châu Xá, nay thuộc phường Lê Hồng Phong, thị xã Phủ Lý có thờ Chân Uy. Ông người An Định, huyện Thụy Anh, Thái Bình đến dạy học tại thôn này. Mới sinh ra trên trán ngài có chữ thiện, học một biết mười, tinh thông binh pháp. Năm 14 tuổi, ông theo Hai Bà Trưng dấy binh. Sau Trưng Vương phong cho ông làm đại tướng coi cánh quân tiên phong đem bảy vạn quân đi đánh Tô Định. Đánh đuổi được giặc, Trưng Vương phong cho ông là Chân Uy Nghi Vũ Chính Thiện đại vương, lập đền thờ tại Châu Xá1.


NGUYỆT NGA PHU NHÂN:

Thôn Hòa Lạc nay thuộc xã Nam Hạ, thị xã Phủ Lý còn thờ bà Nguyệt Nga phu nhân tương truyền đã khởi binh theo Hai Bà Trưng đánh quân Hán.


CẨN THIỆN:

Nay thôn Phờ Vân thuộc xã Phù Vân, thị xã Phủ Lý còn thờ Cẩn Thiện cư sĩ. Tương truyền thân phụ là Thuần Công Sách và thân mẫu là Trần Quang Nương. Năm ông 20 tuổi thân phụ bị Tô Định giết, thân mẫu thương chồng rồi lâm bệnh qua đời. Cẩn Thiện theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Khi tan giặc ông về Phù Vân cùng dân xã lập ấp. Ba năm sau ông đã hy sinh ở Cấm Khê. Dân ấp nhớ ơn lập đền thờ.
___________________________________
1. Mười bốn tuổi mà là đại tướng thì đúng là huyền thoại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 01:06:24 pm »


HUYỆN LÝ NHÂN

BÁT NẠN PHU NHÂN:

Phu nhân là con gái ông Vũ Chất và bà Hoàng Cầu quê xã Phượng Lâu, huyện Bạch Hạc, thành Phong Châu nay là huyện Phù Ninh, linh Phú Thọ. Bà tên húy là Thục Nương, khi trưởng thành gặp lúc Tô Định hoành hành ngược bạo, bà tự xưng là Bát Nạn tướng quân theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Khi Mã Viện sang tiến đánh, bà lui quân về xã Tiên La, huyện Duyên Hà nay thuộc tỉnh Thái Bình, rồi bỗng nhiên sấm chớp và bà hóa ở gốc cây tùng. Dân ba thôn Chanh, Nội, Hà nay thuộc xã Nhân Mỹ đã thờ bà làm thành hoàng.


MỸ HẠO ĐẠI VƯƠNG, CHƯƠNG HỘ TẤU ĐẠI VƯƠNG, QUẬN CHÚA PHU NHÂN:

Ở trang Mỹ Lộc, huyện Hoằng Hóa, Ái Châu có vợ chồng ông Thành Công và bà Trần Thị Ngoạn. Một hôm bà ra sông tắm thì có con giao long bao quanh mình ba vòng rồi biến. Từ ấy bà thụ thai, sau sinh ra một bọc nở hai trai và một gái, đặt tên là Mỹ Hạo, Chương Hộ Tấu và Quận Nàng. Đến tuổi trưởng thành thì bố mẹ đều qua đời, ba anh em kéo nhau ra cư trú tại làng Đại Hoàng (nay thuộc xã Hòa Hậu). Kịp lúc đó Trưng Vương truyền hịch, ba anh em liền tới Hát Môn tụ nghĩa. Sau khi đánh thắng Tô Định, Trưng Vương cho ba anh em về đóng tại Đại Hoàng, phong là tam vị đại vương. Ít lâu sau, trong một lần xuống sông tắm, ba anh em biến thành ba con rắn rồi biến mất. Dân Đại Hoàng lập miếu thờ làm thành hoàng.


PHẤN HÙNG THẦN CẢ, CƯƠNG NGHỊ THẦN CẢ:

Hai vị con nhà họ Dương là anh em sinh đôi, anh tên húy là Đa, em tên húy là Si. Hai anh em theo Bà Trưng khởi nghĩa. Sau được phong thực ấp ở huyện Nam Sang (nay là Lý Nhân). Dạy cho dân nghề nông tang, canh cửi và không rõ hóa vào lúc nào. Nay các thôn Hải Long I và Hải Long II thuộc xã Nguyên Lý đều thờ hai vị.


TRẦN MÃ CHÂU CÔNG CHÚA:

Ở Lam Sơn huyện Lương Giang (Ái Châu) có vợ chồng ông Trần Thành và bà Trương Thị Hoan, sinh được con gái đặt tên là Trần Mã Châu. Cô lớn lên thông minh tài trí giỏi cả văn lẫn võ. Nghe tiếng, Trưng Vương mời cô ra giúp nước. Cô đóng quân ở trên bờ sông Cái thuộc đất Bảo Châu (nay là thôn An Châu, xã Đạo Lý) lập 18 doanh trại. Cô theo Trưng Vương đi đánh đuổi Tô Định được phong là công chúa. Sau đó lại đi chống Mã Viện. Trong một trận đánh, công chúa bị thương nặng, đã hóa. Thôn An Châu thuộc xã Đạo Lý đã lập đền thờ công chúa.


NGA NÀNG:

Ở đạo Nam Sơn thuộc huyện Mỹ Lương, xứ Đoài có vợ chồng ông Trần Lực và bà Nguyễn Thị Luân sinh được một gái đặt tên là Nga Nàng. Lớn lên Nga Nàng rất xinh đẹp. Tô Định sai lính đến bắt về làm vợ. Trần Công không chịu nộp. Tô Định cho quân đến đánh phá trang trại họ Trần và giết Trần Công. Bà Nguyễn Thị đem con gái chạy đến trú tại làng Thượng Châu, huyện Nam Sang. Sau đó Nga Nàng theo Trưng Vương khởi nghĩa dự nhiều trận đánh. Tới khi Mã Viện xâm lăng, Nga Nàng lui về trấn giữ ở Thượng Châu rồi hóa trong một trận đánh. Nay ở thôn Thượng Châu, xã Hợp Lý Còn đền thờ Nga Nàng.



HUYỆN THANH LIÊM

VẠN PHÚC PHU NHÂN:

Phu nhân họ Đặng người làng Cổ Đế, phủ Trường Yên. Bà theo anh giúp Trưng Vương đánh Tô Định có công được vua Trưng phong cho là Vạn Phúc phu nhân và trở thành thành hoàng thôn Kênh Cạn nay thuộc xã Thanh Lưu.


NGỌC NHAN CÔNG CHÚA:

Công chúa xuất thân trong một gia đình hào cường họ Nguyễn. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Ngọc Nhan liền tới đại dinh đầu quân. Sau khi đánh đuổi Tô Định được vua phong là Ngọc Nhan công chúa làm chức phụ chính. Ba năm sau khi Mã Viện đem quân sang, phu nhân đã hóa ở sông Hát. Nay thôn Nội Trình, xã Thanh Hương tôn phu nhân là thành hoàng.


CAO BÀ VĂN TỔ:

Ở làng Thạch Tổ (nay thuộc xã Thanh Hà) đời Hán có ông Cao Thọ và bà Lê Thị Đán sinh một gái đặt tên là Liên Hương. Căm giận Tô Định đã giết cả bố lẫn mẹ nên Liên Hương mộ binh đánh trả Tô Định. Tới khi Trưng Vương khởi nghĩa, Liên Hương theo nghĩa binh đánh Tô Định. Sau này, khi chống lại Mã Viện, cô đã tử trận ở Cấm Khê. Nay thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà vẫn thờ bà là thành hoàng.


CHÂU Y CÔNG CHÚA:

Công chúa là con ông Nguyễn Quang và bà Trương Mỵ quê ở Đọi Trung, huyện Duy Tiên. Năm 18 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời. Cùng lúc đó Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Châu Y lĩnh một đội quân đi đánh Tô Định thắng lợi, được Vua Bà phong cho là Châu Y công chúa. Nhưng ba năm sau công chúa đã hy sinh trong một trận chiến đấu chống Mã Viện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 01:12:57 pm »


TỈNH HÀ TÂY

HUYỆN BA VÌ

MAN THIỆN

Làng Nam An (xưa gọi là Nam Nguyễn) nay thuộc xã Cam Thượng, thờ bà Man Thiện.

Theo thần tích làng Hát Môn (huyện Phúc Thọ) và làng Hạ Lôi (huyện Mê Linh) thì bà mẹ của Hai Bà tên là Trần Thị Đoan. Nhưng thần tích làng Nam An thì lại ghi tên bà là Man Thiện. Làng Nam An lại chính là quê hương của bà, do đó cái tên Man Thiện có “uy tín” riêng của nó. Man Thiện, người làng này, vốn là cháu chắt ngoại của vua Hùng. Bà làm bạn với lạc tướng Mê Linh, sinh hai gái là Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Khi Trưng Trắc dấy binh, bà từng đi nhiều nơi liên kết các quan làng, phụ đạo hưởng ứng đại nghĩa. Đánh đuổi được Tô Định, bà lui về quê Nam Nguyễn lập đồn binh. Sau này khi hay tin hai con gái bị nguy khốn ở Cấm Khê, bà đưa quân bản bộ theo ngả đường sông định để cứu viện nhưng quân Hán đuổi theo đánh tập hậu. Trước nguy cơ thất bại, bà đã gieo mình xuống sông tìm cái thác trong. Đó là ngày mừng 10 tháng Chạp. Quân lính tìm vớt được thi hài bà đem về an táng ở khu đất cao trong đồn Nam Nguyễn cũ. Khu đất đó từ đây gọi là gò Mả Dạ, tức là mả của một bà mẹ cao cả.

(Xã Cam Thượng này có di chỉ văn hóa Đồng Đậu ở Đồi Dà).


PHÙNG THỊ CHÍNH

Làng Tuấn Xuyên nay thuộc xã Vạn Thắng thờ cô Phùng Thị Chính. Thần tích kể rằng ở trang Phú Nghĩa (láng giềng của Tuấn Xuyên) có nhà ông Phùng Bổng gốc ở Hoan Châu, nhập cư đã hai đời. Phùng Bổng lấy bà Hùng Thị Tuyết ở Phong Châu là người có họ với Hai Bà Trưng. Vợ chồng Phùng Bổn sinh được một gái đặt tên là Chính. Chính lấy Đinh Lượng là cháu bên họ ngoại ông Thi Sách.

Khi Hai Bà khởi nghĩa, Phùng Thị Chính được cử đi dò xét tình hình quân Tô Định. Cô cải trang làm người ăn mày, đi vào đất giặc. Cô nắm biết mọi đồn sở, địa giới, đường đi lối lại. Nhờ đó mà nghĩa quân nhanh chóng hạ được Tô thành1.

Khi Mã Viện xâm lược, Phùng Thị Chính theo bà Trưng Nhị làm tiên phong đi cản giặc. Lúc này Chính đang có mang. Giữa trận đánh cô trở dạ sinh con trai. Cô liền buộc con ở trước bụng rồi cầm song kiếm tiếp tục đánh bọn giặc Hán, mở đường máu phi ngựa ve thành (?). Sau khi Hai Bà thất trận, cô về sống ở Tuấn Xuyên. Song tên thái thú Hồ Điển (?) dò biết cho môi giới ép cô phải về làm tì thiếp cho hắn. Phùng Thị Chính không thuận, Hồ Điển dẫn quân tới vây bắt. Không chịu nhục, cô ra sông tự trầm. Đó là ngày mùng 6 tháng Chín. Dân Tuấn Xuyên thương cảm, lập đền thờ người con gái anh hùng và tiết liệt này.

(Xã Vạn Thắng này có di chỉ văn hóa Phùng Nguyên ở Gò Hện.
Còn ở xã láng giềng - xã Phú Phương - thì từng đào được
hai trống đồng Đồng Sơn và có di chỉ văn hóa Phùng Nguyên ở Đồng Chỗ).

_____________________________________
1. Ví dụ ở những tài liệu đó khi chép việc các nhân vật đi đánh Tô Định thì đều ghi là đánh thành Luy Lâu. Thực ra trong trên một trăm thần tích mà chúng tôi đã đọc không hề thấy có chữ Luy Lâu mà chỉ thấy chép là hạ Tô thành (thành Tô Định) hoặc Tô dinh (dinh Tô Định).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2010, 01:16:23 pm »


HUYỆN ĐAN PHƯỢNG

HẢI DIỆU

Thôn thượng làng Cổ Ngõa, tục danh là làng Thón nay thuộc xã Phương Đình thờ Hải Diệu. Cha ông tên Nguyễn Anh, người gốc Hoan Châu, làm quan doãn ở Đan Phượng. Vợ ông Nguyễn Anh là bà Lê Thị Hành. Họ có một trai đặt tên là Diệu. Nguyễn Anh tuy làm quan với nhà Hán nhưng có lòng thương dân, ông giảm nhẹ thuế cống cho dân. Tô Định hay biết điều đó, liền tìm cách giết hại Nguyễn Anh. Bà Hành đem con về ngụ ở làng Thón, lần lữa qua ngày.

Diệu lớn lên, nuôi chí trả nợ nước, báo thù nhà. Khi Hai Bà xướng nghĩa, Diệu cùng mười bạn trong làng chiêu tập được một nghìn nghĩa sĩ, cùng nhau đến Hát Môn bái yết Hai Bà. Hai Bà phát binh đi đánh các châu quận thì Diệu được cử đi tiễu trừ giặc ở vùng Cửu Chân.

Khi Mã Viện xâm lược, chàng Diệu chiến đấu trong đạo tiền quân. Sau chàng hy sinh ở Cấm Khê vào ngày 28 tháng Sáu. Các đời vua sau phong là Hải Diệu đại vương.


LÔI CHẤN

Làng Tháp Thượng nay thuộc xã Đồng Tháp thờ Lôi Chấn. Cha là ông Cao Cự người Thiên Trường, mẹ là bà Nguyễn Thị Phương. Ông Cao Cự tuy giữ một chức quan ở vùng Đan Phượng này nhưng có tinh thần chống đối Tô Định. Thế là tên cáo già quỉ quyệt đó đã tìm cách giết ông. Bà vợ đem con về sống nhờ ở Tháp Thượng. Năm Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Lôi Chấn 20 tuổi. Trong trận đánh đuổi Tô Định, chàng có đóng góp nhiều công trạng.

Dân làng Tháp Thượng thờ Lôi Chấn làm thành hoàng.


SA LƯƠNG

Làng Hạ Trì có bốn thôn Thượng, Trung, Hạ, Đoài Quý nay là hai xã Liên Hà, Liên Trung thờ bà Sa Lương1.

Trưởng bộ Nam Hải họ Hùng có một trai và một gái, đặt tên là Hùng Ninh (hoặc Linh) và Sa Lương. Thái thú Tô Định muốn lấy Sa Lương làm tì thiếp nhưng Sa Lương không thuận. Tô Định liền giết Hùng Ninh. Sa Lương ra ẩn náu ở vùng bãi sông Cái tức làng Hạ Trì rồi tụ tập một số bè bạn cùng căm ghét giặc Hán, mưu việc lớn.

Cách đấy ít lâu, tin Hai Bà truyền hịch sang tới Hạ Trì. Sa Lương cùng chúng bạn về Hát Môn tụ hội. Cô được giao chỉ huy một cánh quân thủy cùng đại quân đi hạ thành Tô Định.

Sau khi thắng lợi cô về đóng quân tại căn cứ Hạ Trì.

Nhưng đáng tiếc cô qua đời quá sớm, giữa lúc đang ở tuổi hai mươi. Ngày hóa là 15 tháng Bảy, ngày sinh là 8 tháng Ba.

Thủa trước, vào ngày 7 tháng Ba, cả bốn thôn chung nhau tổ chức hội trống (đánh và đi theo nhịp trống) và hội bơi chải được coi như là lặp lại cách luyện quân của Sa Lương.

(Cách Hạ Trì 4km về phút tây bắc có di chỉ Hà Nội,
 thuộc thời kỳ cuối của đá mới).


VĨNH HOA

Làng Trung Hà nay thuộc xã Trung Châu thờ Vĩnh Hoa làm thành hoàng vì thần tích kể rằng Trung Hà là “thứ đồn” của cô. Còn “chính đồn” là ở Tiên Nha đối diện qua sông Hồng nay thuộc huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyên là ở trang Mao Điền thuộc Hồng Châu (vùng Hải Dương sau này) có Phùng Vĩnh Hoa là một cô gái nhan sắc tuyệt vời và rất thạo nghề cung kiếm. Năm cô 18 tuổi, bố mẹ kế tiếp qua đời. Vĩnh Hoa giao cửa nhà lại cho ông cậu rồi ra đi tìm bạn đồng tâm mưu việc chống quân Hán. Thấy trang Tiên Nha (nay thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) ở ngay cửa sông Nguyệt Đức (tức sông Cà Lồ), có địa thế thuận lợi cho việc tụ nghĩa nên cô ở lại đấy, mở một hàng nước để có cơ hội chiêu tập anh tài. Dần dà, dân trang nhận thấy Vĩnh Hoa không phải là người tầm thường, mới tôn làm trưởng trang. Từ đó Tiên Nha thành một đồn trại. Quân Hán kéo đến đánh phá nhưng không thắng nổi. Kịp khi Hai Bà khởi binh, Vĩnh Hoa đưa quân bản bộ đi theo, lập công lớn trong trận đánh dinh Tô Định. Sau đấy, Hai Bà lệnh cho Vĩnh Hoa về án ngữ nơi ngã tư sông hiểm yếu là vùng cửa sông Nguyệt Đức và sông Hát. (Bên hữu ngạn, chỗ sông Hồng đổ vào sông Hát có tên là cửa Hát thì đối xứng với nó ở bên tả ngạn cũng là nơi sông Hồng chia nước cho sông Nguyệt Đức - nay đã bị lấp). Vâng lệnh, Vĩnh Hoa về lập chính đồn ở trang Tiên Nha và thứ đồn ở bãi Trung Hà bên bờ hữu ngạn sông Hồng. Sau này trong một trận chống Mã Viện, Vĩnh Hoa tử tiết ở cửa sông Nguyệt Đức, ngày 14 tháng Chín.


NHẬT TRỰC - HẢI THÂN - CHÀNG ÚT

Làng Chu Phan, nay thuộc xã Trung Châu có đến thờ ba người trên, là anh em ruột đã theo Hai Bà đánh giặc Hán nhưng sự tích thất truyền.


Ả TÚ - Ả HUYỀN - Ả CÁT

Làng Hưu Trưng, nay thuộc xã Trung Châu có đền thờ ba cô gái Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát đều là tướng của Hai Bà. Nhưng đây là thờ vọng. Nơi ở chính là ở sáu thôn Vĩnh Phúc, Vĩnh Thọ, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Thuận, Vĩnh Lộc nay là hai xã Vân Phúc, Vân Nam, huyện Phúc Thọ.


VĨNH GIA

Làng Yên Châu, nay thuộc xã Trung Châu thờ cô Vĩnh Gia, nữ tướng của Hai Bà. Nhưng đây là thờ vọng. Nơi thờ chính là làng Nại Tử Châu thuộc xã Chu Phan, huyện Mê Linh. (Sẽ nêu ở phần nói về huyện này).
_______________________________________
1. Đây là theo thần tích làng Hạ Trì. Ở quyển “Một số truyền thuyết về tướng lĩnh Hai Bà Trưng” của Ty Văn hóa Hà Sơn Bình - năm 1979 - lại chép tên vị này là Sa Lãng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 10:57:09 pm »


HUYỆN HOÀI ĐỨC

Ả LÃ NÀNG ĐÊ - CHÀNG QUỐC

Ven sông Đáy có nhiều làng thờ hai tướng này.

Ghi chép về sự tích của cô có tới năm bản thần tích của năm làng khác nhau: làng Vân Côn nay thuộc xã Vân Côn huyện Hoài Đức, làng Nghĩa Lộ và làng Yên Lộ nay là xã Yên Nghĩa thuộc Hoài Đức, làng Trung Văn tức Dộc Bé nay thuộc xã Trung Văn huyện Từ Liêm, làng Phú Hạng thuộc xã Tân Phú huyện Quốc Oai, Hà Tây.

Giữa năm bản này có đôi ba chỗ sai biệt, đó là điều phổ biến trong các thần tích, ngọc phả. Căn cứ vào bản sao của làng Nghĩa Lộ là làng chỉ thờ có hai chị em Ả Lã làm thành hoàng1 thì sự tích như sau:

Ông Nguyễn Viên quê ở hạt Hoằng Hóa, châu Ái (nay là Thanh Hóa), giữ chức trưởng doanh ở Cổ Châu, huyện Thanh Oai. Ông lấy bà Trần Thị Lâm người làng Nghĩa Lộ làm vợ. Hai ông bà sinh một gái đầu lòng, đặt tên là Lã, sau đổi là Đê, do đó mọi người gọi là Ả Lã Nàng Đê. Sau lại sinh một trai, đặt tên là Quốc. Tuy là một quan chức nhưng Nguyễn Viên không a tòng bọn xâm lược nên bị Tô Định sát hại. Bà Lâm đưa hai con về sống ở làng quê Nghĩa Lộ.

Tới năm Ả Lã tròn hai mươi tuổi và chàng Quốc mười chín tuổi thì có tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu. Hai chị em Ả Lã liền tập hợp thanh niên nam nữ trong vùng có tới năm trăm người, đi theo Hai Bà đuổi giặc.

Ba năm sau, Mã Viện xâm lược. Ả Lã và em trai theo dự nhiều trận, cuối cùng đều hy sinh tại Cấm Khê. Thi hài Ả Lã trôi theo dòng Hát, đến Phú Hạng thì được nhân dân ở đó vớt lên chôn cất và lập đền thờ.

(Ở làng Yên Lộ, tên gọi của cô là Ả Lã Làng Đê. Làng cũng là Nàng đọc chệch. Ở Vân Còn lại gọi là Ả Nữ Lương Lê. Thì Nữ chính là Lữ (một âm khác của Lã) đọc chệch. Lương là âm đọc chệch của Nương tức Nàng. Còn âm Lê thì chưa rõ nguồn gốc. Nhưng trong thần tích bằng chữ Hán của làng này thì lại chép đúng là Ả Lã Nàng Đê).


NGUYỄN AN

Thôn Cao Xá Thượng nay thuộc xã Đức Thượng và hai thôn Cao Xá Trung, Cao Xá Hạ thuộc xã Đức Giang vốn xưa là một đơn vị cư dân, gọi tên là Quách Xá. Ở đây thờ Nguyễn An làm thành hoàng.

Ông Nguyễn Tuyên là người trang Hoa Khê, phủ Gia Hưng (nay là huyện Cẩm Khê, huyện Vĩnh Phú). Ông làm bạn với bà Phạm Thị Lộc, sinh được một trai, đặt tên là Nguyễn An. Nguyễn An sau di cư tới ở tại Quách Xá. Khi Hai Bà khởi nghĩa, Nguyễn An đưa hai trăm nghĩa sĩ vùng này đi theo nghĩa quân. Sau đó họ về đóng đồn ngay tại Quách Xá. Khi Mã Viện sang, Nguyễn An và cánh quân thủ túc luôn chiến đấu bên cạnh Hai Bà. Cuối cùng tất cả hy sinh ở Cấm Khê.

(Xã Đức Giang và vùng lân cận có nhiều di chỉ khảo cổ
thuộc thời kỳ trước Công nguyên, đã nêu ở Chương bốn, mục VI).


HOÀNG ĐẠO

Làng Cát Ngòi nay thuộc xã Cát Quế thờ Hoàng Đạo. Nhưng đó là thờ vọng. Nơi thờ chính là làng Hạ Hiệp thuộc xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ. (Sẽ nêu ở phần nói về huyện này).
___________________________________
1. Làng Văn Côn còn thờ cả Lôi Công. Làng Yên Lộ còn thờ cả Thủy Hải và Tĩnh Quốc tam lang. Làng Trang Văn còn thờ cả Thủy Hải và Đào Quang Nhiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2010, 10:59:58 pm »


HUYỆN PHÚC THỌ

Ả TÚ - Ả HUYỀN - Ả CÁT

Thời cổ sơ có 12 họ đến lập trại bên tả ngạn sông Cái gọi là trại Vân Thủy thuộc đất huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường. Sau bờ sông này bị lở, dân trại Vân Thủy di cư cả đình miếu sang hữu ngạn lập ra sáu xóm, sau thành sáu làng riêng rẽ là Vĩnh Phúc, Vĩnh Thọ, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Thuận, Vĩnh Lộc. Sáu làng này nay là hai xã Vân Nam, Vân Phúc huyện Phúc Thọ. Ở đây còn lưu truyền truyện kể và thần phả về ba người con gái anh hùng, nữ tướng của Hai Bà Trưng.

Vào thời Vân Thủy còn ở bên tả ngạn, có nhà ông Phùng Liệt và bà Phạm Thị Tư sinh hai gái là Ả Tú và Ả Huyền. Chị hơn em ba tuổi. Hai cô kết bạn với Ả Cát con ông Hoàng Hy và bà Phạm Thị Chí ở bên làng Nhật Chiểu láng giềng. Ba cô vừa luyện văn luyện võ, mưu việc đánh đuổi quân Hán.

Khi hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, ba cô tập hợp gia nhân thân thích được cả thảy năm mươi hai người rồi vượt sông sang Hát Môn tụ hội.

Sau này cả ba đều chết tại Cấm Khê vào ngày mùng 2 tháng Chạp1.

Ngoài Vân Thủy (Vĩnh Thọ) ra, Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát còn được thờ ở làng Hưu Trưng phía bên hữu ngạn sông Hát nay thuộc xã Trung Châu huyện Đan Phượng.


ĐỖ NĂNG TẾ - TẠ CẨN NƯƠNG

Đỗ Năng nguyên quán ở Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hải Hưng) sau dời sang cư ngụ ở trang Khánh Hợp (nay thuộc xã Tam Hiệp) làm nghề bốc thuốc. Đỗ Năng lấy vợ người làng này là bà Đào Thị Dực và sinh được một trai, đặt tên là Đỗ Năng Tế. Lớn lên Năng Tế nổi tiếng là thông tuệ, làm bạn với con gái thầy học là Tạ Cẩn Nương. Bà Man Thiện nghe thấy tiếng liền cho mời vợ chồng ông tới dạy bảo cho hai con gái là Trắc và Nhị.

Khi Hai Bà mưu việc lớn, ông Năng Tế đã đi vận động các tù trưởng quan lang hưởng ứng.

Đánh đuổi Tô Định rồi, vợ chồng ông lui về Khánh Hợp. Khi Mã Viện xâm lược, bà Cẩn Nương chiến đấu bên cạnh Hai Bà Trưng và hy sinh ở Cấm Khê (hoặc sông Hát). Còn Đỗ Năng Tế cầm cự với quân Hán ở Cư Phong. Thế yếu, ông trở về Khánh Hợp và mất tại đây sau một trận tử chiến với quân thù vào ngày 17 tháng Bảy. Nơi ông mất ngày ấy là khu rừng rậm ở bìa làng. Sau dân lập đền thờ gọi là Quán Rậm hoặc Quán Cấm.


HOÀNG ĐẠO

Hoàng Lãng quê ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh) nhưng lưu lạc ra Bắc, ở tại làng Hạ Hiệp (nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ), lấy vợ tại đây là bà Phùng Thị Tam. Họ sinh một trai, đặt tên là Hoàng Đạo.

Đạo trở thành một chàng trai tuấn tú. Kịp khi Hai Bà khởi binh, Hoàng Đạo chiêu tập trai tráng ba làng Hạ Hiệp, Hiệp Lộc, Yên Dục lập nên một đạo quân và kéo tới Hát Môn tụ hội.

Sau này khi Mã Viện xâm lăng, ông đóng đồn ở quê nhà, trấn giữ khúc sông Đáy. Nhưng cuối cùng không thắng nổi quân giặc và ông đã hy sinh ngay tại đồn binh vào ngày 13 tháng Hai. Nơi đó nay là Quán Dâu gần bên bờ sông, có ngôi quán (ngôi đền) thờ Hoàng Đạo. Hai làng Hiệp Lộc và Yên Dục cũng có thờ người dũng tướng này. Bên kia sông Đáy là làng Cát Ngòi nay thuộc xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cũng có đền thờ ông.


Ả LÃ NÀNG ĐÊ

Làng Giáo Hạ nay thuộc xã Ngọc Tảo có thờ vọng Ả Lã Nàng Đê, một nữ tướng mà nơi thờ chính là làng Yên Lộ - Nghĩa Lộ, huyện Hoài Đức (xem phần huyện Hoài Đức)



HUYỆN THẠCH THẤT

LÝ MINH

Làng Mục Uyên nay thuộc xã Tân Xã, là nơi đóng quân của Lý Minh.

Lý Minh gốc người trang Cổ Pháp, quận Vũ Ninh, đạo Kinh Bắc, nghe tin Hai Bà khởi binh liền mộ hai nghìn dũng sĩ tới Hát Môn tụ hội. Ông được cử đem quân đi tuần phòng vùng Đông và vùng Bắc. Qua làng Mục Uyên, nhân chiêm bao thấy thần âm phủ liền lấy đây làm đại doanh. Sau ông mất cũng tại đây, ngày 10 tháng Chạp. Tương truyền đền thờ ông gọi là Quán Trăm nay ở thôn Hương Trung là lập trên khu doanh trại xưa.


ĐÀO KHANG

Làng Phú Hòa xưa là Phú Đa, tên Nôm là làng Gia nay thuộc xã Bình Phú. Nơi đây thờ Đào Khang.

Ông vốn là người trang Kiệt Đặc bên Hồng Châu (nay là tỉnh Hải Hưng). Sau khi cha mẹ chết, ông dời quê, đi lưu lạc kiếm sống. Đến Phú Đa, ông ở lại cấy cày lập nghiệp. Nghe tin Hai Bà truyền hịch đánh giặc Hán ông đứng ra chiêu mộ trai tráng trong vùng, được trên nghìn người. Và tất cả lên đường theo Hai Bà ra trận. Chiến thắng trở về, ông lập đồn binh ở Phú Đa và mất tại đây ngày mùng 3 tháng Tư.
___________________________________
1. Đây là thần tích của sáu làng Vĩnh nói trên. Ở quyển “Một số truyền thuyết về tướng lĩnh Hai Bà Trưng” của Ty Văn hóa Hà Sơn Bình - năm 1979 - lại chép ba vị này tự tự hoặc chết ở giếng làng Vĩnh Thuận.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM