Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:15:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Con nuôi Trung đoàn  (Đọc 38451 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:47:40 pm »



Tác giả: Va-len-tin Ca-ta-ép
Nhà xuất bản: Tiến bộ (Liên Xô)
Số hoá: katysha


Thân tặng hai con Giê-nha và Pa-vơ-lích Ca-ta-ép


Đây là bước đường của những con người vinh quang
Nê-cơ-ra-xốp




1


Đó là vào giữa một đêm khuya tĩnh mịch mùa thu. Trong rừng ẩm ướt và lạnh lẽo. Sương mù dày đặc bốc lên từ những vũng lầy đen sẫm, phủ đầy lá nhỏ màu nâu.

Trăng soi giữa đỉnh đầu, sáng vằng vặc, nhưng không dễ gì xuyên nổi làn sương. Ánh trăng phản chiếu qua làn sương, vẽ lên những vết sáng hình siên, có in dấu vân uốn éo, thần tiên, luôn luôn thay đổi của đám hơi nước bốc lên trên đầm.

Cánh rừng là rừng hỗn hợp. Trong dải ánh trăng soi, có chỗ hiện lên bóng đen kịt của cây thông khổng lồ nào đó, trông giống như ngôi chùa tháp nhiều tầng. Có chỗ, từ xa bỗng thấy hàng cây bạch dương trắng toát. Tại những khoảng trống trong rừng, những cành trơ trụi của cây hoàn diệp liễu vẽ lên những nét mảnh rẻ, óng ánh màu sắc cầu vòng trên nền trăng soi trắng xóa.

Và bất cứ ở đâu, hễ rừng thưa thớt thì mặt đất được phủ lên những tấm thảm ánh trăng.

Nhìn chung, cảnh đẹp với phong cách cổ kính, kỳ diệu khiến cho con tim người Nga luôn luôn rung động. Muốn hay không, trong trí tưởng tượng đều thấy hiện lên những cảnh thần tiên: chàng hoàng tử I-van đội mũ lệch, cưỡi chó sói màu xám và cặp nách chiếc lông chim lửa gói trong khăn tay, thần sơn lâm với những cẳng chân khổng lồ, mốc thếch, ngôi nhà gỗ mọc đôi chân gà, và nhiều cảnh khác.

Nhưng có ba anh bộ đội đi trinh sát về không có cảm xúc gì với phong cảnh đẹp của rừng trong giờ phút tĩnh mịch và yên lặng này.

Họ đã ở hậu địch hơn một ngày đêm để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu là tìm và ghi lên bản đồ vị trí những công sự của địch.

Công tác khó khăn và rất nguy hiểm. Hầu như lúc nào họ cũng phải bò để di chuyển. Có một lần, họ phải nằm không cựa quậy ba tiếng liền trong đầm lầy, trong bùn lạnh giá và hôi tanh đến nôn mửa, lấy áo đi mưa ngụy trang, trên rải lá vàng để che mình.

Họ phải ăn lương khô và uống nước chè nguội trong bi-đông.

Nhưng khó chịu nhất là không lần nào họ có dịp được hút thuốc. Như ta biết, đối với người lính, thà nhịn ăn, nhịn ngủ còn hơn không được rít một hơi thuốc ra trò và say sưa. Cũng không may là cả ba anh bộ đội đều nghiện thuốc nặng. Vì vậy, mặc dầu nhiệm vụ chiến đấu đã được thực hiện hết sức mỹ man và tấm bản đồ có đánh dấu đã nằm gọn trong xà-cột của người tổ trưởng, nhưng vẫn cảm thấy bải hoải và bực bội.

Càng đến gần tuyến tiền phương quân mình, họ càng thèm thuốc. Theo thường lệ, trong những trường hợp tương tự, một câu dí dỏm, một chuyện đùa vui có tác dụng làm cho cơn nghiện nhẹ đi. Nhưng hoàn cảnh lại bắt buộc họ im lặng hoàn toàn. Trao đổi chuyện trò không được mà đến xỉ mũi và ho cũng cấm vì một tiếng động trong rừng sẽ vang lên gấp bội.

Ánh trăng cũng làm phiền họ. Họ phải đi rất chậm, theo hàng một, cự ly cách nhau khoảng gần mười ba thước, cố tránh ánh trăng và cứ năm bước thì dừng lại và nghe ngóng.

Người tổ trưởng đi trước, lấy tay thận trọng ra hiệu lệnh: giơ tay lên đầu là lập tức phải dừng lại, đứng im như tượng gỗ, tay duỗi chếch xuống đất là tức thì phải nhanh chóng và nhẹ nhành nằm xuống, vung tay phía trước là tiến lên, hướng tay về phía sau là chậm rãi lùi lại.

Mặc dầu cho tới tuyến tiền phương còn không đầy hai cây số, các chiến sĩ trinh sát vẫn tiếp tục bước đi thận trọng, cảnh giác như trước. Có vẻ họ còn bước đi thận trọng hơn, dừng lại nhiều hơn.

Họ bước vào đoạn nguy hiểm nhất trên đường về.

Tối hôm qua, khi họ lên đường đi trinh sát, chỗ này hãy còn nằm sâu trong hậu quân Đức. Nhưng tình hình đã thay đổi. Ban ngày hôm sau, sau trận đánh, bọn Đức đã rút đi. Lúc này, cáng rừng hình như vắng vẻ. Nhưng sự thực có thể không phải như vậy. Có thể bọn Đức còn để lại những tên lính tiểu liên. Họ có thể bất chợt rơi vào ổ phục kích. Tất nhiên, dù chỉ có ba người họ cũng không sợ bị tấn công. Họ là những chiến sĩ thận trọng, nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng tiếp nhận cuộc chiến đấu bất cứ lúc nào. Mỗi người có một khẩu tiểu liên, nhiều đạn và bốn thủ pháo. Nhưng chính là họ không có quyền tiếp nhận chiến đấu. Nhiệm vụ của họ là làm sao nhanh chóng giao lại cho đồng chí chỉ huy trung đội tiểu đoàn bộ tấm bản đồ quý giá có đánh dấu vị trí pháo địch, không gây tiếng động, không gợi sự chú ý của địch. Sự thành công của trận chiến đấu ngày mai phụ thuộc rất nhiều vào đó.

Cánh rừng đặc biệt yên tĩnh. Hiếm có những giờ phút tạm ngừng chiến đấu như vậy. Nếu không kể một vài tiếng đại bác xa xôi, những tràng liên thanh ngắn ngủi vang lên ở nơi nào đó thì tưởng như không có cuộc chiến tranh nào trên thế giới.

Tuy nhiên, đối với những lính cựu, có hàng trăm dấu hiệu chứng tỏ là cuộc chiến tranh đang ẩn nấp chính ở nơi tĩnh mịch và yên lặng này.

Sợi dây điện thoại đỏ thấp thoáng ẩn hiện dưới bước chân đi cho biết là, ở gần đây, có sở chỉ huy hoặc vọng gác của địch. Một vài dây hoàn diệp bị gẫy và bụi cây bị nghiền nát chứng tỏ là một chiếc xe tăng hoặc pháo tự hành đã đi qua cách đây không lâu. Và qua mùi xăng nhân tạo đặc biệt, không quen thuộc lẫn với mùi dầu nhờn nóng thoang thoảng, chưa kịp bay hết, họ đoán ra được đó chính là xe tăng hoặc pháo tự hành của quân Đức.

Thỉnh thoảng họ gặp những đống mìn hoặc đạn đại bác xếp như xếp củi, phủ đầy cành thông một cách rất cẩn thận. Nhưng vì họ không biết mìn, đạn đó bị bỏ lại hoặc được chuẩn bị riêng cho cuộc chiến đấu hôm sau, nên họ vượt qua những đống đó hết sức thận trọng.

Có lúc, con đường đi bị chặn ngang bởi thân cây thông đổ gục do bom đạn. Có lúc, các chiến sĩ trinh sát bỗng nhận ra đoạn hào giao thông sâu và ngoằn ngoèo hoặc những hầm chỉ huy vững chãi phủ sáu lớp thân cây, cửa hướng về phía tây. Khi thấy cửa hướng về phía tây, họ biết chắc chắn đó là hầm quân Đức chứ không phải của quân ta. Nhưng họ không biết hầm đó bỏ không hay có người.

Họ thường vấp phải những chiếc mặt nạ chống hơi độc, những mũ sắt Đức bị bom đạn làm bẹp đi.

Tại một nơi, ở khoảng trống trong rừng, trong ánh trăng mờ ảo, họ nhìn thấy một hố bom khổng lồ giữa những đám cây đổ ngổn ngang vung vãi. Một vài xác lính Đức, mặt vàng như nghệ, trũng mắt thầm quầng, nằm rải rác trong hố hom.

Có một lần, có pháo sáng bắn lên. Nó lơ lửng hồi lâu trên các ngọn cây. Ánh sáng xanh khi mờ khi tỏ của nó, hòa lẫn với ánh trăng mờ ảo rọi chiếu khắp các khu rừng. Bóng cây thẫm lại, kéo dài ra và toàn bộ khu rừng hình như bước đi trên những cây cà kheo. Pháo sáng chưa tắt thì các chiến sĩ vẫn đứng yên giữa bụi cây. Bản thân họ cũng giống như những thân cây chưa rụng hết lá vì họ mặc áo mưa ngụy trang màu ca-ky có chấm loang lổ, dưới áo nhô ra đầu súng. Các chiến sĩ trinh sát cứ như vậy mà đi về hướng quân mình.

Bỗng nhiên người tổ trưởng dừng lại, giơ cánh tay lên. Ngay tức khắc, các chiến sĩ cũng dừng lại, không dời mắt khỏi người chỉ huy. Người tổ trưởng đứng yên hồi lâu, hất mũ mưa khỏi đầu và hướng tai về phía có tiếng động đáng ngờ. Tổ trưởng là một thanh niên chừng hai mươi hai tuổi. Mặc dầu còn trẻ nhưng trong đơn vị anh đã được coi là lính cựu. Anh là trung sĩ, họ là Ê-gô-rốp. Các đồng chí cùng đơn vị quý mến và đồng thời kính nể anh.

Trung sĩ Ê-gô-rốp cảm thấy có một tiếng động rất khác thường. Dù là người có nhiều kinh nghiệm, Ê-gô-rốp vẫn không hiểu được tính chất và nguồn gốc của tiếng động.

“Như thế là thế nào?”-Ê-gô-rốp nghĩ vậy, lắng nghe và nhanh chóng ôn lại những tiếng động khả nghi mà anh đã từng gặp trong những đêm trinh sát.

“Tiếng thì thầm? Không phải. Tiếng xẻng đào thận trọng? Không phải. Tiếng dũa rít? Không phải”.

Tiếng động lạ lùng, nhỏ nhẹ, gián đoạn, không so sánh được nó phát ra từ một chỗ gần đâu đây, ở phía bên phải, sau bụi cây đỗ tùng. Hình như tiếng động phát ra từ dưới đất.

Lắng nghe một chút nữa và không quay đầu lại, Ê-gô-rốp ra hiệu lệnh. Hai chiến sĩ trinh sát, chậm rãi và nhẹ nhàng như chiếc bóng, tiến lại sát anh. Anh chỉ tay về hướng có tiếng động và ra hiệu lắng nghe. Các chiến sĩ làm theo.

- Nghe thấy gì không?-Ê-gô-rốp hỏi không thành tiếng?

- Có nghe,-một chiến sĩ trả lời thầm như vậy.

Ê-gô-rốp quay mặt về phía các bạn. Ánh trăng ảm đạm soi bộ mặt gầy gò và đen xạm của anh. Anh hất hàm.

- Thế nào?

- Không hiểu.

Cả ba đứng yên và lắng nghe một lúc, ngón tay đặt sẵn vào cò súng. Tiếng động vẫn tiếp tục và vẫn không làm sao hiểu được. Bất chợt tiếng động thay đổi. Cả ba cảm thấy mình được nghe một giọng hát phát ra từ dưới mặt đất. Họ nhìn nhau. Nhưng ngay tức thì, tiếng động lại tiếp tục như cũ.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Năm, 2020, 08:13:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:48:24 pm »

Đến lúc đó, Ê-gô-rốp ra hiệu nằm xuống. Bản thân anh cũng nằm, ép mình sát mặt đất phủ đầy lá đọng hạt sương. Anh ngậm ngang dao găm trong miệng và dùng cùi tay bò không tiếng động, dán mình sát mặt đất.

Một phút sau, anh đã ẩn mình sau bụi cây đỗ tùng nằm trong bóng tối. Lại một phút nữa, cảm thấy dài hàng giờ, các chiến sĩ nghe thấy vẳng lên tiếng huýt sáo nhỏ, ám hiệu gọi họ lại gần. Họ bò lại và chẳng mấy chốc đã nhìn thấy trung sĩ đang quỳ trên mặt đất, ngó nhìn vào một cái hào nhỏ lẩn trong đám cây đỗ tùng.

Họ nghe rõ thấy trong hào có tiếng lẩm bẩm, thút thít, rên rỉ của người nằm mê. Không cần nói mà vẫn hiểu nhau, các chiến sĩ quây xung quanh cái hào, tay nâng áo, giang ra để làm thành một thứ lều che ánh sáng. Ê-gô-rốp bấm đèn pin, thò tay xuống hào.

Họ trông thấy một cảnh tưởng vừa đơn giản lại vừa đáng sợ.

Một cậu bé đang ngủ trong hào.

Cậu bé nằm trong vũng bùn màu xanh, hôi thối, ép cánh tay vào ngực, co đôi chân trần trụi, lấm láp như củ khoai và đang mê sảng trong giấc ngủ. Cái đầu trần, tóc lâu ngày không cắt, rối bù và bẩn thỉu, hất ngửa về phía sau một cách gò bó. Cổ họng gầy gò rung lên. Từ cái mồm móm với đôi môi bị sưng và lấm tấm mụn phỏng phát ra những hơi thở khò khè. Cậu bé luôn luôn lẩm bẩm, thút thút, nói những câu gián đoạn, khó hiểu. Đôi mi mắt nhắm nghiền cũng bị sưng, ốm yếu và xanh xao. Nó thâm quầng như mắt người ốm. Lông mi ngắn nhưng rậm dính lại với nhau thành hình răng cưa. Mặt cậu bé đầy vết sứt sát và thâm tím. Trên sống mũi thấy máu đọng đã khô.

Cậu bé đang ngủ. Nhưng cơn ác mộng mà cậu đã gặp trong giấc mơ vẫn phản ánh thấp thoáng trên nét mặt khổ sở. Nét mặt thay đổi từng phút. Lúc thì hoảng sợ, lúc thì thất vọng hết sức. Có lúc những nét đau khổ hằn lên chung quanh cái mồm móm, lông mày cụp xuống và những giọt nước mắt ứa trên lông mi. Có lúc bỗng nhiên, răng bắt đầu nghiến cót két, mặt trở nên đanh ác, tàn nhẫn, bàn tay nắm chặt lại đến nỗi móng ấn mạnh vào bàn tay, cổ họng phát ra những tiếng trầm trầm, khàn khàn. Cũng có lúc cậu bé trở nên đờ đẫn, mỉm một nụ cười đáng thương, hoàn tòan non nớt và hát nhỏ, hầu như không thành tiếng, một bài hát khó hiểu.

Giấc ngủ nặng nề và say sưa, tâm hồn lôi cuốn theo những đau khổ của giấc mơ xa xôi đến nỗi cậu bé chẳng cảm thấy gì hết: không thấy những con mắt chăm chú của các chiến sĩ trinh sát nhìn mình, không thấy ánh sáng chói lòa của ngọn đèn pin chiếu thẳng vào mặt.

Nhưng bỗng nhiên cậu bé giật mình, hình như do sức mạnh nào đó ở bên trong thúc đẩy. Cậu bé bừng tỉnh dậy, vùng lên ngồi. Đôi mắt của cậu ánh lên những ánh man rợ. Thoáng một cái, cậu đã rút từ đâu ra một cái đinh lớn, mài nhọn. Với cử chỉ nhanh nhẹn và chính xác, Ê-gô-rốp kịp thời nắm chặt bàn tay hâm hấp nóng của cậu bé và lấy tay bịt miệng cậu.

- Im. Quân ta đấy,-Ê-gô-rốp thì thầm nói.

Chỉ đến lúc này, cậu bé mới nhận ra các người lính đội mũ sắt Nga, mang tiểu liên Nga, mặc áo choàng Nga và những bộ mặt cúi xuống nhìn cậu cũng là những bộ mặt người Nga thân thuộc.

Một nụ cười vui sướng gượng gạo nở ra trên bộ mặt gầy gò của cậu. Cậu muốn nói gì đó nhưng chỉ kịp thốt lên một câu:

-Quân ta…

Và ngất đi.
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:51:08 pm »

2


Chỉ huy tiểu đoàn pháo, đại úy Ê-na-ki-ép đang ngồi trên sàn gỗ nhỏ hẹp bắc giữa các nhánh cây, trên ngọn cây thông. Ba phía đều để trống. Về phía tây, trên sàn có xếp một số tà-vẹt ngăn đạn. Ở thanh tà-vẹt trên cùng có lắp một cái ống ngắm. Vài cành cây được buộc vào ống kính làm cho chính bản thân nó giống như một nhánh cây.

Muốn lên sàn phải leo trên hai cái thang rất dài và hẹp. Cái thứ nhất đặt khá thoải, chỉ đến được nửa thân cây. Từ đó phải leo lên cái thang thứ hai, đặt gần như thẳng đứng. Ngoài đại úy Ê-na-ki-ép, trên sàn còn có hai điện thoại viên, một của bộ binh, một của pháo binh cùng với túi da đựng máy điện thoại treo ở thân cây thông xù xì, và chỉ huy tiểu đoàn bộ binh A-khun-ba-ép, cũng là đại úy, kiêm chỉ huy khu vực chiến đấu.

Vì sàn chỉ chứa được bốn người, hai người nữa là pháo thủ đứng ở bậc thang. Một người là trung đội trưởng trung đội tiểu đoàn bộ trung úy Xê-đức, còn người kia là trung sĩ Ê-gô-rốp mà chúng ta đã quen biết. Trung úy Xê-đức đứng ở bậc thang trên cùng tỳ khuỷu tay lên tấm ván sàn. Trung sĩ Ê-gô-rốp đứng thấp hơn, mũ sắt chạm vào ủng của trung úy.

Tiểu đoàn trưởng pháo binh đại úy Ê-na-ki-ép và tiểu đoàn trưởng bộ binh đại úy A-khun-ba-ép đang tiến hành một công tác rất khẩn cấp, quan trọng và tỉ mỉ. Họ định hướng các bản đồ theo địa hình, xác định chi tiết thêm những số liệu mà trinh sát pháo binh đã cung cấp. Những tấm bản đồ gạch đầy những nét bút chì màu đỏ được giải ra trên các tấm ván. Hai đại úy nửa nằm nửa ngồi trên sàn với bút chì, tẩy và thước trong tay.

Đại úy A-khun-ba-ép hất chiếc mũ sắt màu xanh lá cây về phía sau, cúi đầu trên bản đồ, trên vầng trán rộng gần như màu nâu có những vết nhăn của đôi lông mày nhíu lại, những ngón tay to mập cầm thước nhựa trong đưa đi đưa lại trên bản đồ với những cử chỉ dứt khoát và hấp tấp. Lúc thì anh dùng bút chì, lúc tẩy và đồng thời liếc nhanh về phía Ê-na-ki-ép hình như muốn nói: “Sao anh bạn lại chậm chạp thế? Tiếp tục đi! Nhanh lên!”.

Anh lúc nào cũng nóng nẩy và không dấu được sự bực mình. Lúc này là những giờ cuối cùng mà còn có thể là những phút cuối cùng trước trận đánh. Cái gì đối với anh cũng diễn ra chậm chạp. Trong lòng anh sôi sục.

Đại úy Ê-na-ki-ép và đại úy A-khun-ba-ép là những bạn chiến đấu cũ. Trong hai năm gần đây, tình cờ hầu như trận đánh nào các anh cũng chiến đấu cạnh nhau. Trong sư đoàn mọi người quen thấy: hễ ở đâu tiểu đoàn A-khun-ba-ép chiến đấu thì ở đó cũng có tiểu đoàn pháo của Ê-na-ki-ép. Ê-na-ki-ép và A-khun-ba-ép kề vai sát cánh trải qua những đoạn đường vinh quang. Họ đã đánh bại quân Đức ở vùng Đu-khốp-si-na, Xmô-len-xcơ, cùng nhau bao vây thành phố Min-xcơ, cùng nhau đuổi quân thù khỏi đất nước. Đã nhiều buổi tối, nhân danh Tổ quốc, thủ đô Mát-xcơ-va chúng ta đã rực sánh ánh pháo hoa bắn lên trên trời điện Cơ-rem-lanh bao phủ mây đen để chúc mừng mặt trận vinh quang mà tiểu đoàn của A-khun-ba-ép và tiểu đoàn của Ê-na-ki-ép đang tham gia chiến đấu.

Nhiều lần hai người đã ngồi ăn cùng bàn trong chiến sĩ. Họ đã từng uống trong một bi-đông. Họ đã từng nằm cạnh nhau dưới đất, đắp chung một chiếc áo choàng. Họ yêu mến nhau như anh em ruột. Tuy vậy, trong công tác, hội không xuê xoa cho nhau vì họ rất hiểu là bạn ra bạn, công tác ra công tác. Họ cố gắng xử sự thế nào cho bạn không vì mình mà hổ thẹn. Vậy mà tính tình của họ lại khác nhau.


A-khun-ba-ép nóng nẩy, hấp tấp, can đảm đến trở thành táo bạo. Ê-na-ki-ép dũng cảm không kém nhưng đồng thời hơi lạnh lùng, kín đáo, cân nhắc, phù hợp với đức tính người pháo binh.


Lúc này, khi đưa lên bản đồ những số liệu do các chiến sĩ của Ê-na-ki-ép cung cấp, đại úy A-khun-ba-ép muốn kết thúc công việc cho nhanh và sớm trả về đơn vị những chiến sĩ liên lạc do các đại đội gửi đến để lấy sơ đồ vị trí đã kiểm tra: họ đang đứng đợi dưới gốc cây.

Lệnh tấn công chưa nhận được nhưng có nhiều dấu hiệu làm họ có thể khẳng định là cuộc tấn công sẽ chẳng mấy chốc mà bắt đầu. A-khun-ba-ép muốn nhất thiết phải đến các đại đội để tự mình kiểm tra công tác chuẩn bị của các chiến sĩ trước giờ chiến đấu.

Tuy nhiên, dù cái thước nhựa của A-khun-ba-ép có lướt thật nhanh trên bản đồ, bút chì có thoăn thoắt ghi những dấu trong, quả trám, chữ thập giữa những dấu hiệu ngoằn ngoèo diễn tả khu rừng và những nét in xanh của sông ngòi thì công việc cũng không trôi chảy nhanh chóng như đại úy muốn. Hầu như mỗi lần, hễ thấy dấu hiệu tỏ A-khun-ba-ép định ghi gì vào bản đồ lại đại úy Ê-na-ki-ép lại ngăn lại bằng cử chỉ lịch sự nhưng kiên quyết của bàn tay nhỏ nhắn, hơi gầy, đeo găng da hươu màu nâu bị sờn.

- Đề nghị khoan một phút. Tôi muốn kiểm tra. Trung úy Xê-đức!

- Có!

- Nhìn vào bản đồ của đồng chí xem. Ô vuông 19-5. Bốn mươi lăm thước về phía bắc-đông bắc của cây độc lập. Trên bản đồ của đồng chí ghi gì?
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:51:41 pm »

Không hấp tấp nhưng cũng không lề mề, trung úy Xê-đức kéo ngang bảng vẽ đặt trên tấm ván ngang ngực về phía mình, khẽ cụp đôi mắt mọng đỏ vì thiếu ngủ, thúng thắng ho rồi nói:

- Một chiếc xe tăng bị phá, lấp đất, quân địch biến nó thành hỏa điểm cố định.

- Tài liệu nào cho biết?

- Theo báo cáo của trinh sát.

- Phải đấy, đúng,-đại úy A-khun-ba-ép vội nói và tiếp tục cởi ra, buộc vào dây áo khoác ở cổ để trán tĩnh cho khỏi sốt ruột.-T rinh sát của tôi cũng báo cáo như vậy. Thật rõ như ban ngày. Có thể mạnh dạn ghi.

- Dù sao anh cũng khoan cho một phút,- nghĩ ngợi một lúc,- Ê-na-ki-ép nói.

Anh cúi xuống, nhìn qua sàn về phía dưới.

- Trung sĩ Ê-gô-rốp!

- Có tôi!- ở dưới thang, Ê-gô-rốp trả lời vọng lên.

- Chiếc tăng bị phá ở ô vuông 19-5 là thế nào? Đồng chí có bịa ra không đấy?

- Báo cáo, đâu có chuyện bịa.

- Chính bản thân đồng chí thấy chứ?

- Báo cáo, đúng vậy.

- Chính mắt đồng chí thấy?

- Vâng, chính mắt tôi thấy. Khi đi cũng như khi về đều thấy đúng ở chỗ đó.

- Thế ra, bọn chúng đã biến tăng thành hỏa điểm cố định rồi à?

- Báo cáo, đúng vậy. Hỏa điểm cố định.

- Do đâu đồng chí biết?

- Chúng đào đất xung quanh xe tăng.

- Đào đất à?

- Đúng vậy.

- Có thể chúng đào đất để kéo xe tăng đi không?

- Không thể thế được. Khi chúng tôi có mặt ở đấy, có thấy bọn chúng dùng xe tấn rưỡi chở đạn dược đến.

- Bản thân đồng chí thấy?

- Đúng vậy. Mắt tôi thấy. Chúng dỡ những hòm ở ô-tô xuống.

Chính lúc đó tôi ghi vị trí vào bản đồ.

- Được rồi. Thế thôi!

- Đúng rồi! Đúng rồi!- đại úy A-khun-ba-ép vui sướng khẽ kêu lên và vẽ vào bản đồ một hình quả trám nhỏ.

Cũng có lúc, muốn kiểm tra lại vị trí một mục tiêu nào đó, sau khi ngăn bằng cử chỉ lịch sự nhưng kiên quyết, đại úy Ê-na-ki-ép quỳ xuống trước ống ngắm, dò xét địa hình nhấp nhô và mờ sương. Đồng thời, anh luôn luôn so sánh với bản đồ và đặt lên đó thước nhựa đo góc. Việc đó, đại úy A-khun-ba-ép cảm thấy diễn ra quá lâu. A-khun-ba-ép chỉ chực nghiến răng nghiến lợi vì sốt ruột nhưng sở dĩ không làm như vậy anh rất hiểu bạn anh: nghiến răng nghiến lợi hay không, cũng chẳng ích gì.

Chỉ cần nhìn qua đại úy Ê-na-ki-ép, thấy cái áo ca-pốt cũ kỹ nhưng rất chỉnh tề, vừa vặn có đính quân hàm màu đen và bộ cúc màu vàng, thấy cái mũ cứng cáp có quai da láng, có đai màu đen và lưỡi trai ngang bằng, hơi cụp xuống mắt, thấy cái bi-đông bọc cẩn thận trong miếng dạ lính, thấy chiếc đèn pin móc vào cái cúc thứ hai của áo khoác dài, thấy đôi ủng bền nhưng làm bằng da mỏng và luôn luôn được đánh bóng loáng, cũng hiểu được tinh thần trách nhiệm, tính chính xác và kiên quyết của người sĩ quan này.

Sáng hôm đó trời nhiều mây và lạnh. Những hạt sương giá rơi vào lúc rạng đông còn đông đọng trên mặt đất, chưa tan. Nó bốc hơi trong bầu không khí ẩm mờ đục như nước xà-phòng. Ngoài bìa rừng, cây cối đứng im lặng. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Ngọn cây thông bắc sàn quan sát chao đi chao lại, cái sàn cũng chao tựa như một cáng mảng đang bị cuốn vào trong dòng xoáy rộng và chậm chạp của con sông.

Không khí luôn luôn bị tiếng súng đại bác và tiếng nổ rung lên. Không những ta chỉ có thể cảm thấy cái tình trạng thường xuyên và không đều đó của không khí, mà còn có thể trông thấy được. Cứ mỗi lần có tiếng nổ, cây cối lại rùng mình, lá vàng lại rơi nhiều hơn, quay tròn và đảo đi đảo lại.
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 06:08:32 pm »

3


Người không quen chiến tranh tưởng rằng một cuộc chiến đấu lớn đang diễn ra và mình đang ở trong vùng trung tâm trận đánh. Sự thực thì đó chỉ là một cuộc đấu pháo thông thường, không có gì là ghê gớm lắm. Một khẩu pháo nào đó của quân ta hoặc của quân địch bắn ra vài phát để đo mục tiêu mới. Người lính quan trắc của đối phương ngay lập tức đã đánh dấu được khẩu pháo vừa bắn từ phía sau, một khẩu đội pháo chống pháo nào đó bắn trả lại ngay. Nhưng khẩu đội này lại bị săn. Cứ thế, chẳng mấy chốc toàn bộ khu vực bị chìm đắm trong cảnh hỗn loạn đến nỗi muốn lấy bông bịt lỗ tai. Đại bác loại nhỏ, loại vừa, loại lớn và lớn hơn nữa, tất cả các loại súng đều bắn tứ tung. Có lúc những khẩu pháo cực mạnh cũng lên tiếng. Tiếng nổ của nó lúc đầu thoáng nghe từ phía xa xa ở hậu quân, rồi bỗng có tiếng rít, tiếng gầm như gió bão và những viên đạn khổng lồ rơi xuống một cánh rừng nào đó, trông bề ngoài thì tưởng như hiền lành, làm bốc lên không khí những đám mây bụi đá đen như than lẫn với khúc cây, cành lá, rực sáng trong tia chớp của đạn nổ.


Có lúc, từ một phía bất chợt nào đó, một mảnh đạn văng đến, đập mạnh xuống đất rồi bật lên, quay cuồng, rít lanh lảnh, rú như chó sói và bay mất trong tiếng rên rỉ đáng ghét, vừa bay vừa đập rơi cành lá trên cây.


Tuy vậy, những người kiểm tra bản đồ trên ngọn cây thông hình như không nghe, không thấy gì. Chỉ thỉnh thoảng, khi ở nơi nào đó có tiếng súng đặc biệt rồn rập thì người chiến sĩ thông tin mới quay máy điện thoại bọc bao da của mình và khẽ nói:

- Cho “Hoa tím”. “Hoa tím” đấy à? “Ghế” nói đây. Kiểm tra đường dây. Chỗ các cậu có gì không?… Vẫn yên tĩnh hả? Thôi được. Chỗ chúng mình cũng yên tĩnh. Đánh hăng lên. Thôi chào nhé.


Cuối cùng, sau khi công việc kết thúc, đại úy A-khun-ba-ép vui vẻ lên trông thấy. Anh đút vội bản đồ vào xà-cột chiến đấu, buộc chặt dải áo choàng vào cái cổ của anh, vùng đứng lên trên đôi chân ngắn, chắc chân hơi cong và nói vọng xuống với người liên lạc:

- Đem ngựa lại đây!

Sau đó, anh nhìn đồng hồ:

- Kiểm tra lại xem. Đồng hồ của tôi chỉ chín giờ mười sáu phút. Còn của anh?

- Chín giờ mười bốn,-sau khi liếc nhìn đồng hồ, đại úy Ê-na-ki-ép nói.

Đại úy A-khun-ba-ép phát ra từ cổ một tiếng ngắn và hân hoan. Đôi mắt anh nheo lại, con ngươi đen bóng ánh lên:

- Cậu chậm rồi nhé, đại úy Ê-na-ki-ép!

- Không đời nào. Tôi không chậm. Đồng hồ của tôi rất đúng. Đồng hồ của anh nhanh. Nó cũng hấp tấp như bản tính của anh.

- Đồng chí Dai-xếp, cho biết giờ chính xác!-A-khun-ba-ép gọi to một cách hiếu thắng.

Chiến sĩ thông tin lập tức gọi điện cho sở chỉ huy trung đoàn và báo giờ chính xác là chín giờ mười bốn phút.
- Cậu lại thắng cuộc rồi, cậu pháo thủ ạ,-A-khun-ba-ép nói với một giọng hiền lành, rồi đưa đồng hồ mình đến cạnh đồng hồ Ê-na-ki-ép, vặn lại kim.

- Thôi được, lần này lấy theo giờ của cậu. Chào đồng chí tiểu đoàn trưởng pháo.

Anh lách qua hai người pháo binh, tụt xuống một mạch không nghỉ qua hai cái thang, áo choàng xột xoạt. Anh ném bản đồ cho sĩ quan tùy tùng, nhảy lên ngựa và phóng nước đại. Lá vàng lác đác rơi trên người anh.


Sau đó, đại úy Ê-na-ki-ép tháo dây cao-xu buộc chặt ở sổ tay ra đi và đến ống ngắm. Trong sổ tay có ghi những mục tiêu. Tất cả những mục tiêu này đã được ngắm trước. Nhưng đại úy Ê-na-ki-ép còn muốn chúng được xác định kỹ càng hơn. Anh muốn làm thế nào, khi cần thiết, tiểu đoàn pháo của anh sẽ có thể bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, không phí thời gian quý báu để bắn lại. Tất nhiên, muốn “bắn kiểm tra” cũng không có gì là khó. Nhưng anh sợ rằng tiểu đoàn của anh, đã chiếm lĩnh trận địa ở xa phía trước, tại tuyến bộ binh và đã ngụy trang kỹ càng, sẽ có thể vì thế mà lộ trước thời gian. Mà nhiệm vụ chính lại là nổ súng hoàn toàn bất ngờ vào lúc cuối cùng, quyết định nhất của trận đánh và nổ súng vào nơi kẻ địch bất ngờ nhất. Nơi đó, theo sự suy tính của đại úy Ê-na-ki-ép, là sườn phải của trận địa, nằm giữa ngã ba con đường và một cái khe khá sâu, mọc đầy sồi non.
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 06:09:51 pm »

Lúc này, chỗ đó không có gì đáng chú ý. Ở đó vắng vẻ, không có một hỏa điểm, một công sự nào. Thông thường, trên trận địa những nơi không đáng để ý như vậy khá nhiều. Trận đánh lướt qua chúng, không dừng lại. Đại úy Ê-na-ki-ép cũng đã biết điều đó. Nhưng anh có một óc suy đoán sâu sắc và chính xác.


Hàng trăm lần tưởng tượng trận đánh sắp tới với tất cả những chi tiết của sự triển khai, đại úy Ê-na-ki-ép vẫn chỉ thấy nổi lên một hình ảnh: tiểu đoàn A-khun-ba-ép chọc thủng tuyến phòng thủ của quân Đức và quật cánh phải của mình lên để chống cuộc phản công có thể xảy ra. Sau đó, anh vội vàng ném mũi trung tâm lên phía trước, củng cố sườn phòng ngự của cao điểm đối diện với ngã ba đường và dần dần đưa quân dự bị đến, chuẩn bị một cuộc tấn công mới, quyết liệt theo dọc con đường. Nhất định đại úy A-khun-ba-ép dừng lại gần nơi đó, giữa ngã ba đường và đầu khe. Anh phải dừng lại đấy thì mới hợp lý theo diễn biến của trận đánh: sẽ cần phải tiếp tế thêm đạn, lấy thương binh ra, sắp xếp hàng ngũ các đại đội và chủ yếu là bố trí lại đội hinh theo hướng tấn công mới. Và việc đó cần phải mất một số thì giờ, mặc dầu ít. Bọn Đức không thể không lợi dụng thời gian đó. Đó là thời cơ tốt nhất để đánh tăng. Chúng sẽ bất ngờ điều xe tăng dự bị dấu ở dưới khe lên. Việc mà bọn Đức dấu xe tăng trong khe, đại úy Ê-na-ki-ép hầu như hoàn toàn tin chắc, mặc dầu anh chưa có những số liệu chứng minh. Như anh căn cứ vào trí xét đoán của mình dựa trên kinh nghiệm, trên tri thức tinh tế về những cách bố trí trận đánh và trên nếp nghĩ đặc biệt, khoa học đặc trưng cho một người sĩ quan pháo binh tài giỏi, quen phân tích sự kiện một cách nhanh chóng và chính xác để đưa ra những kết luận đúng đắn.


“Hay là cứ đánh bạo thử xem!”-đại úy nói với mình như vậy trong khi vặn ống ngắm cho vừa mắt.


Chân trời xám và mờ nhạt sáng và rõ nét ra. Những nét nhòa của sự vật trở nên thật rõ ràng. Phong cảnh của địa điểm được kéo lại gần một cách kỳ diệu và hiện bật lên theo chiều sâu, cách nọ xếp sau cách kia, in hệt trên sân khấu.


Ở cảnh gần nhất nằm ngoài tiêu điểm, những ngọn cây của chính cánh rừng, nơi đặt đài quan sát, hiện lên chập chùng, mờ ảo và lạ lùng. Cành của cây thông có bắc đài quan sát, được phóng lên một cách dị thường, hình như chọc những lá nhọn và hai quả thông to tướng vào mắt.


Sau đó là một dải đồng nội. Ở mép dưới cánh đồng thấy nổi bật tuyến tiền tiêu của quân ta kéo dài và lượn quanh co. Hầm hố đều được ngụy trang kỹ càng mà chỉ có những con mắt kinh nghiệm mới phát hiện được. Đại úy Ê-na-ki-ép phần nhiều không nhìn thấy mà chỉ đoán được những nơi có lỗ châu mai, hào giao thông, ổ liên thanh.


Ở mép trên cánh đồng cũng thấy rõ ràng và chi tiết nhưng nhỏ hơn nhiều lần những chiến hào của quân Đức kéo dài song song với quân ta. Và qua ống ngắm khoảng cách giữa hai trận tuyến bị thu hẹp lại đến nỗi hình như không còn xa.


Xa hơn chút nữa, đại úy Ê-na-ki-ép thấy phong cảnh mờ sương của hậu quân bọn Đức. Anh chỉ nhìn lướt qua. Những khoảng rừng biệt lật trụi lá, những đầm lầy trông hình co hẹp lại, những mỏm đồi như dán vào nhau, những ngôi nhà bị phá, hiện lên thoang thoáng trước ống ngắm.


Sau cùng đại úy Ê-na-ki-ép quay trở lại địa điểm nằm giữa ngã ba đường và cái khe hẹp, nơi mà anh ghi trong sổ tay với cái tên “mục tiêu số 17”. Anh chăm chú soi ngắm cái địa điểm chẳng có gì đáng chú ý và vắng vẻ này. Đã bao lần trong ngày hôm nay, trí tưởng tượng của anh đã đặt vào địa điểm đó những hành quân di động của A-khun-ba-ép, những hình xe tăng Đức nhỏ xíu bất chợt bò từ cái khe huyền bí lên, cái nọ sau cái kia.


“Hay là thôi?-Ê-na-ki-ép nghĩ và cố gắng vặn ống ngắm, điều chỉnh tiêu điểm để nhìn địa điểm cho thật rõ. Đó không phải là tính do dự, dao động. Không. Anh không bao giờ dao động. Lúc nào cũng vậy, anh không dao động. Anh cân nhắc. Anh muốn tìm một giải pháp đúng nhất. Anh muốn rút ra kết luận thật rõ là, đối với anh, cuối cùng cách nào là lợi nhất: hoặc là bắn kiểm tra trước để sau này bắn “mục tiêu số 17”cho thật chính xác, mặc dầu có nguy cơ bị phát hiện trước, hoặc là dấu pháo cho đến lúc cuối cung nhưng lại có nguy cơ, đến chính lúc quyết định của trận đánh thì phí mất vài phút để điều chỉnh pháo.


Nhưng lúc đó, ở phía dưới vang lên những giọng nói. Chiếc thang rung rinh, nghe rõ tiếng lách cách của đinh thúc ngựa và một sĩ quan trẻ tuổi thở hổn hển nhảy lên sàn. Anh có bộ mặt ngăm ngăm đen, mũi hếch, lông mày rất đen và rậm, trông như trẻ con. Đó là sĩ quan liên lạc. Một nụ cười trẻ con, tươi rói nở trên bộ mặt cố hết sức làm cho trịnh trọng đến khắc khổ.

Anh đánh gót giày, nhanh nhẹn đưa tay lên mũ chào rồi hất mạnh tay xuống, đưa cho đại úy Ê-na-ki-ép một phong bì.

- Lệnh của trung đoàn…- anh nói giọng nghiêm khắc nhưng không giữ nổi mình, đôi mắt màu nâu xánh lên, xúc động nói thê:

- … về cuộc tấn công!

- Ngày giờ nào?-Ê-na-ki-ép hỏi.

- Vào lúc chín giờ bốn mươi lăm phút. Hiệu lệnh là hai pháo sáng màu xanh, một màu vàng. Trong thư có nói. Báo cáo hết.

Ê-na-ki-ép nhìn đồng hồ. Lúc đó là chín giờ ba mươi phút.

- Đồng chí có thể về,-anh nói.

Người sĩ quan liên lạc đập gót giày, ưỡn ngực, đưa tay lên mũ, hất mạnh tay xuống, quay đằng sau với động tác dứt khoát và có vẻ khoe mẽ, hình như không phải anh đang đứng ở trên ngọn cây mà là trong trường sĩ quan. Anh tụt vội xuống thang và khi đinh thúc ngựa vướng vào bậc thang thì rủa lên một cách vui vẻ.
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 06:11:00 pm »

- Trung úy Xê-đức?-Ê-na-ki-ép gọi.

- Có tôi!

- Đồng chí nghe thấy chứ?

- Có!

- Sở chỉ huy là đây. Liên lạc giữa tôi và các trung đội bằng điện thoại. Khi tiến phải kéo dây kịp thời, không chậm chễ. Phải bám sát các trung đội chiến đấu từng giây. Nếu đường dây bị đứt, đồng chí cho liên lạc bằng vô tuyến công khai. Bên cạnh mỗi đại đội trưởng, đồng chí phải chỉ định hai người: một làm liên lạc, một quan sát. Có gì thay đổi, báo cáo ngay tức khắc bằng điện thoại, bằng vô tuyến hoặc pháo lênh. Nhiệm vụ rõ ràng chứ?

- Rõ!

- Có hỏi gì thêm không?

- Báo cáo, không?

- Hành động đi!

- Rõ!

Trung úy Xê-đức bước xuống một bậc thang thì đứng lại:

- Báo cáo đồng chí đại úy, tôi quên mất. Vấn đề cậu bé, đồng chí cho biết cách giải quyết.

- Cậu bé nào?

Đại úy Ê-na-ki-ép chau mày nhưng bỗng nhớ ra:

- Ừ, phải!

Các chiến sĩ đã báo cáo với anh về cậu bé nhưng anh chưa có ý kiến.

- Thế sao? Nó ở đâu?

- Nó đang tạm ở chỗ tôi, ở trung đội tiểu đoàn bộ, ở chỗ anh em trinh sát.

- Thằng nhỏ tỉnh táo rồi chứ?

- Có vẻ đã khá hơn.

- Nó kể những chuyện gì rồi?

- Nó nói nhiều đấy. Việc này, trung sĩ Ê-gô-rốp biết rõ hơn.

- Đồng chí gọi Ê-gô-rốp lên đây.

- Trung sĩ Ê-gô-rốp!-trung úy Xê-đức gọi vòng xuống dưới.-Lên đồng chí tiểu đoàn trưởng, có việc!

- Có tôi!-Ê-gô-rốp trả lời tức khắc và chiếc mũ sắt ngụy trang đầy lá đã hiện lên khỏi sàn.

- Thằng nhỏ chỗ đồng chí thế nào rồi? Khỏe chứ? Đồng chí kể chuyện đi.
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 06:11:40 pm »

Đại úy Ê-na-ki-ép không bảo “báo cáo” mà nói “kể chuyện”. Và trung sĩ Ê-gô-rốp, người rất nhạy cảm với cách nói, hiểu ngay rằng đồng chí đại úy cho phép nói chuyện thân mật. Đôi mắt mệt mỏi và mọng đỏ sau nhiều đêm không ngủ ánh lên vui vẻ và trong sáng mặc dầu cái miệng và đôi lông mày vẫn giữ vẻ nghiêm túc.

- Thưa đồng chí đại úy, đó là một chuyện thông thường,-Ê-gô-rốp nói.-Cha bị hy sinh ngoài mặt trận lúc đầu chiến tranh. Làng bị quân Đức chiếm đóng. Mẹ ngăn không cho bọn Đức cướp bò của mình nên bị bắn chết. Bà và em gái chết đói. Nó chỉ còn một mình. Sau đó làng bị đốt. Nó phải xách bị nhặt rác kiếm ăn. Bị bọn hiến binh địch bắt ở nơi nào đó giữa đường. Nó bị đưa đến một trại tập trung ghê tởm của bọn Đức dành cho trẻ con. Ở đó, tất nhiên nó bị lây bệnh chốc đầu, ghẻ lở, đau bệnh sốt phát ban, suýt chết. Nhưng rồi cũng qua được. Sau đó, nó trốn. Gần hai năm lang thang, ẩn náu trong rừng vậy mà cứ muốn vượt mặt trận nhưng mặt trận lúc đó còn xa. Hoàn toàn như người rừng, tóc mọc dài. Dữ tợn như con sói con. Lúc nào trong bị cũng có cái đinh mài nhọn. Nó tự vũ trang cho mình cái khí giới đó. Nó muốn nhất định phải dùng cái đinh đó giết cho được một tên lính Đức. Trong bị của nó còn có một quyển sách vỡ lòng. Sờn nát, rách bươm. Chúng tôi hỏi: “Mày cần gì quyển sách vỡ lòng?”. Nó nói: “Để khỏi quên chữ”. Khá đấy chứ!

- Nó mấy tuổi?

- Nó nói là mười hai, mười ba tuổi gì đó. Nhưng trông mặt thì không thể đoán được quá mười hai tuổi. Đói khát, gầy gò. Da bọc xương.

- Thế à…- đại úy Ê-na-ki-ép đăm chiêu nói.-Mười hai tuổi. Thế là bắt đầu chiến tranh nó chưa được chín tuổi.

- Chịu khổ từ tấm bé,-vừa nói Ê-gô-rốp vừa thở dài.

Họ im lặng một lúc, lắng nghe tiếng đại bác thưa dần một cách rõ ràng như lúc nào cũng xảy ra trước khi trận đánh bắt đầu.

Liền sau đó đó một sự yên lặng căng thẳng, giả tạo.

- Thế nào, thằng bé kháu chứ?-đại úy Ê-na-ki-ép hỏi.

- Một thằng bé rất khá! Nhanh và sáng ý làm sao!-Ê-gô-rốp thốt lên với giọng đã có vẻ suồng sã.

Đại úy cau mày và quay mặt đi.

Trước đây, đại úy Ê-na-ki-ép cũng có một đứa con trai tên là Cô-xcha nhưng ít tuổi hơn một chút. Nếu còn, bây giờ nó đã bảy tuổi. Đại úy Ê-na-ki-ép cũng có một người vợ trẻ và mẹ. Nhưng ba năm về trước, trong một ngày, anh đã mất đi cả ba người đó. Vì có báo động, anh phải từ nhà ở thành phố Ba-ra-nô-vi-tri để đến đơn vị và từ đó anh không còn trông thấy ngôi nhà của mình, trông thấy vợ con và mẹ nữa. Anh sẽ không bao giờ trông thấy được.


Trong cái buổi sáng tháng sáu ghê gớm năm bốn mươi mốt, cả ba đã bị chết trên con đường đi Min-xcơ, giữa lúc các máy bay phóng pháo Đức bay trên đám người dân thường, ông già, đàn bà, trẻ con đang đi bộ trên đường đi Min-xcơ để trốn khỏi bọn cướp đã xông vào đất nước mình.


Một người bạn thân của anh, lúc đó cùng đơn vị đóng cạnh đường đã trông thấy và kể lại cảnh hy sinh của họ. Anh này không kể lại chi tiết vì sự việc quá kinh khủng. Vả lại đại úy Ê-na-ki-ép cũng không hỏi kỹ. Anh không đủ can đảm để hỏi thêm. Nhưng ngay lúc đó, cảnh tưởng người thân bị chết như thế nào đã hiện lên trong trí tưởng tượng của anh. Và từ đó, cảnh này không bao giờ từ bỏ anh mà luôn luôn hiện ra trước mắt. Một đứa bé bốn tuổi đội mũ lính thủy màu xanh nằm đó như một nắm dẻ đẫm máu, giang đôi cánh tay vàng như nghệ giữa đống rễ cây thông bị nhổ bật lên, trong đám khỏi lửa, tia chớp, tiếng nổ xé tan bầu không khí, giữa những tràng súng liên thanh, giữa đám đông cuống cuồng, lủng củng bồ bịch, va-ly, xe nôi. Đại úy Ê-na-ki-ép mường tượng thấy đặc biệt rõ chiếc mũ lính thủy xanh có những dải mới do bà lấy vải ở áo cũ của mẹ đính vào.


Tuy mới có ba mươi hai tuổi, mùa hè năm đó, tóc mai của đại úy đã bắt đầu điểm bạc. Anh trở nên khô khan, buồn tẻ và nghiêm khắc hơn. Trong trung đoàn, ít người biết nỗi đau khổ của anh. Anh không kể cho ai nghe. Nhưng khi chỉ có một mình, đại úy luôn luôn nghĩ đến vợ, đến mẹ, đến con. Khi nghĩ đến con, bao giờ anh cũng coi nó như còn sống. Đứa bé lớn lên trong trí tưởng tượng của anh. Từng giờ từng phút, đại úy biết rõ nó đã mấy tuổi, mấy tháng, hình dánh nó thế nào, nó nói gì, nó học hành ra làm sao. Tất nhiên, bây giờ con anh nếu còn, đã biết đọc biết viết và cái mũ lính thủy đã không dùng được nữa rồi. Cái mũ đó đã nằm trong cái tủ của mẹ nó giữa những vật không dùng được vì con Cô-xcha đã lớn. Cũng có thể bà đã dùng nó để làm vật gì khác có ích như túi đựng bút hoặc dạ đánh giày.
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 06:12:00 pm »

- Tên họ nó là gì?-đại úy Ê-na-ki-ép hỏi.

- Va-nha.

- Thế thôi à?

- Có thế thôi,-trung sĩ Ê-gô-rốp vui vẻ, nhanh nhẩu trả lời và trên mặt anh nở một nụ cười hiền lành, cởi mở.-Và họ cũng đặt: Va-nha Xôn-xép (Họ Xôn-xép tiếng Nga từ danh từ “mặt trời” mà ra-ND).

- Thôi, thế này nhé,-Ê-na-ki-ép nói, sau khi đã nghĩ,-phải đưa nó về hậu phương.
Mặt Ê-gô-rốp bỗng dài ra.

- Thật là đáng tiếc, thưa đại úy!

- Đáng tiếc là thế nào?-Ê-na-ki-ép nghiêm khắc cau mày.-Tại sao lại đáng tiếc?

- Ở hậu phương nó về đâu? Nó không có gia đình, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nguy mất.

- Không nguy gì cả. Có những nhà trẻ tiêng cho trẻ mồ hôi.

- Như vậy cũng đúng, tất nhiên,-Ê-gô-rốp nói, vẫn tiếp tục giữ giọng suồng sã, mặc dầu đại úy Ê-na-ki-ép nói với giọng đã có phần cứng rắn của người chỉ huy.

- Đồng chí nói gì?

- Như vậy cũng đúng,-Ê-gô-rốp nhắc lại, lúng túng, đổi chân luôn luôn trên bậc thanh dung dinh.-Nhưng mà…, nói thế nào nhỉ, chúng tôi định giữ nó lại ở trung đội tiểu đoàn bộ. Vì thằng bé sáng ý quá. Nó có năng khiếu trinh sát.

- Đồng chí thật là hão huyền,-Ê-na-ki-ép nói với giọng tức giận.

- Quả không, thưa đồng chí đại úy. Nó là thằng bé rất tự lập. Nó phân định phương hướng thạo như một người trinh sát lớn tuổi. Mà có khi còn giỏi hơn. Tự nó yêu cầu: “Chú dạy cháu làm trinh sát, cháu sẽ trinh sát mục tiêu, nó nói. Ở đây, só sỉnh nào cháu cũng biết”.

Đại úy mỉm cười:

- Tự nó yêu cầu… Mặc nó. Không được phép. Vả lại, sao chúng ta lại hứng lấy trách nhiệm đó? Vì đó cũng là người, mặc dầu còn nhỏ tuổi. Nếu xảy ra chuyện gì cho nó thì làm sao? Ở mặt trận, cũng có thể bị chết đấy. Có phải thế không, đồng chí Ê-gô-rốp?

- Vâng, có thể.

- Đấy, đồng chí nghĩ xem. Không, không được. Nó còn nhỏ tuổi quá, không chiến đấu được. Hãy để nó lớn lên. Bây giờ nó phải học. Có xe là đồng chí phải đưa nó về hậu phương ngay.

Ê-gô-rốp ngần ngừ.

- Nó sẽ trốn mất, thưa đồng chí đại úy,-anh rụt rè nói.

- Chạy trốn là thế nào? Tại sao đồng chí lại nghĩ như vậy?

- Nó nói rằng: “Nếu các chú dẫn cháu về hậu phương thì trên đường thế nào cháu cũng sẽ chạy trốn”.

- Nó tuyên bố như thế à?

- Vâng, nó tuyên bố như vậy.

- Được rồi, liệu đấu!-đại úy Ê-na-ki-ép lạnh lùng nói.-Tôi ra lệnh đưa nó về hậu phương. Đây không phải chỗ của nó.
Câu chuyện thân mật chấm dứt. Trung sĩ Ê-gô-rốp đứng nghiêm:

- Tuân lệnh.

- Hết,-đại úy Ê-na-ki-ép nói ngắn, như muốn cắt đứt câu chuyện.

- Xin phép đồng chí tôi đi.

- Đồng chí đi đi.

Khi trung sĩ Ê-gô-rốp bước xuống thang, một ngôi sao nhỏ màu xanh lơ bỗng chậm rãi bay lên khỏi hàng cây mờ nhạt của một cánh rừng xa xa. Nó chưa kịp tắt đi, một ngôi sao khác màu xanh lại được bắn theo lên và sau đó là ngôi sao thứ ba màu vàng.

- Toàn tiểu đoàn chuẩn bị chiến đấu!-đại úy Ê-na-ki-ép hô nho nhỏ.

- Toàn tiểu đoàn chuẩn bị chiến đấu!-chiến sĩ thông tin hét lanh lảnh vào ống nói.

Và hàng trăm nghìn tiếng vang gần xa nhắc theo lời hô đó, tràn ngập khu rừng yên tĩnh một cách ghê rợn.
Logged
katysha
Thành viên
*
Bài viết: 126


« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 06:15:13 pm »

4


Trong khi đó, Va-nha Xôn-xép ngồi xếp tè he trên các cành thông sát lều của trinh sát và đang dùng một cái thìa lớn bằng gỗ múc thức ăn trong soong một thứ súp nóng, đặc biệt ngon, nấu khoai tây, hành, thịt lợn hộp, ớt, tỏi và lá thớm.


Cậu bé ăn tham lam, vội vàng đến nỗi thỉnh thoảng có những miếng thịt nuốt vội mắc ở cổ. Đôi vành tai nhọn và cứng luôn luôn cử động dưới mái tóc vàng nhạt, rậm rì.


Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nền nếp, Va-nha thừa biết mình ăn uống như vậy là rất thô tục. Đúng ra là phải từ tốn, thỉnh thoảng lấy thìa quệt vào bánh mì để lau và không được nhai tóp tép quá to.


Đúng ra, cậu thỉnh thoảng phải đẩy cái xoong ra và nói: “Xin đa tạ. Cháu no rồi, xin đủ ạ”,- và chỉ tiếp tục ăn, sau khi chủ nhà năn nỉ ba lần: “Cậu làm ơn ăn thêm chút ít”.

Va-nha biết hết các điều đó nhưng không thể nào làm chủ được mình. Cơn đói mạnh hơn hết mọi phép tắc, mọi điều lịch sự.


Một tay ôm khư khư soong vào lòng, tay kia điều khiển thìa thoăn thoắt, Va-nha vừa ăn, vừa nhìn chằm chằm vào những miếng bánh mì đen dài, tiếc rằng không có thêm tay để giữ.


Thỉnh thoảng đôi mắt xanh, hầu như bị đói khổ làm phai màu, thẹn thùng liếc nhìn các chiến sĩ như có vẻ xin lỗi.

Trong lều có hai chiến sĩ, chính là những người đã cùng với trung sĩ Ê-gô-rốp kiếm được cậu bé trong rừng. Người thứ nhất, to lớn, xương xẩu, có cái miệng sứt răng, cởi mỏ và đôi cánh tay dài quá khổ, trông như cái cào cỏ, biệt hiệu là “bộ xương”, hạ sĩ Bi-đên-cô. Người thứ hai, cũng là hạ sĩ, cũng to lớn không kém, nhưng to lớn hoàn toàn theo kiểu khác, không phải chỉ to người mà thực ra là một lực sĩ. Đó là Goóc-bu-nốp, người Xi-bê-ri, tròn trĩnh, béo lẳn, có bộ mặt trong, đôi má phính, ửng đỏ, đôi lông mày trắng và đầu màu hồng, lơ thở tóc trắng, biệt hiệu là “Tran-đôn” (Dân Xi-bê-ri).


Hai chàng khổng lồ cảm thấy chật chôi trong cái lều dựng cho sáu người. Họ luôn luôn phải co chân lại để khỏi thò ra ngoài.

Trước chiến tranh, Bi-đên-cô là thợ mỏ vùng Đôn-ba-xơ. Bụi than đã ăn sâu vào làn da ngăm ngăm của anh, đến nỗi bây giờ vẫn còn để lại ánh xám xanh của nó.

Còn Goóc-bu-nốp, trước chiến tranh thì làm nghề đốn cây ở vùng Ngoại Bai-can. Cho đến hiện nay, đứng gần anh, hình như ta còn ngửi thấy thoang thoảng mùi cây bạch dương mới đốn. Và nói chung toàn bộ người anh cũng trăng trắng, giống như cây bạch dương.


Cả hai người ngồi trên những cành thông còn thơm mùi lá, khoác chiếc áo bông lên đôi vai rộng và thích thú quan sát Va-nha ngốn súp.

Khi nhận thấy cậu bé tỏ vẻ ngượng ngùng vì ăn tục, anh chàng cởi mở và mau miệng Goóc-bu-nốp bèn an ủi:

- Không sao, đừng ngượng, chú mày ạ. Ăn thả cửa. Nếu thiếu, chúng tớ sẽ tiếp tế thêm. Chúng tớ còn khối

Va-nha ăn, vừa liếm thìa, vừa đút vào miệng những miếng bánh mì bộ đội to tướng, mềm, có cùi màu nâu xẫm, hơi chua. Cậu bé cảm thấy hình như đã sống từ lâu trong chiếc lều này cùng với những chàng khổng lồ tốt bụng. Cậu ta cũng không thể ngờ rằng mới hôm qua đây, mình còn đang len lỏi trong khu rừng ghê rợn, lạnh lẽo, độc thân trên đời, ốm đau, đói khát, bị vây hãm như con sói con, không nhìn thấy tương lai ra sao, ngoài cái chết thêm thảm.


Cậu bé cũng không tin rằng mình đã sống qua ba năm đói khổ, nhọc nhằn, luôn luôn kinh hoàng, tâm hồn luôn luôn bị đè nén và trống rỗng.


Lần đầu tiên sau ba năm, Va-nha được sống với những người mà cậu không hề sợ hãi. Cái lều rất ấm cúng. Mặc dầu ngoài trời khí hậu xấu, nhưng một làn ánh sáng đều đặn, vui tươi vẫn xuyên qua tấm vải màu vàng mà chiếu vào lều một ánh sáng như ánh nắng mặt trời.


Thực ra, sự có mặt của hai chàng khổng lồ đã làm cho lều trở thành chật chội. Nhưng đồ lề trong lều đều xép xếp gọn gàng, treo, gấp đâu ra đó.


Các đồ vật để đúng chỗ. Những khẩu súng tiểu liên lau sạch bóng và bôi mỡ treo tai những cái cột chống lều. Áo khoác, áo mưa gấp phẳng phiu đặt trên các cành thông tươi. Mặt nạ chống hơi độc, ba-lô để ở đầu chỗ nằm thay cho gối, trên phủ những chiếc khăn mặt bằng vải thô sạch sẽ. Ở cửa lều có đặt một thùng nước đậy ván. Trên tấm ván có những chiếc ca làm bằng vỏ đồ hộp, những hộp xà-phòng nhựa, tuýp thuốc đánh răng, bàn chải đánh răng để trong hộp nhựa có lỗ thủng, màu sắc khác nhau, tất cả đều sắp đặt trật tự. Có cả một cái chén nhôm để quấy xà-phòng cạo râu và một cái gương tròn nhỏ treo bên cạnh. Có cả hai cái bàn chải ủng đặt úp vào nhau và gần đó là một hộp xi đánh giày. Tất nhiên, còn có một cái đèn bão.


Phía ngoài lều, một hàng rãnh được đào cẩn thận để thoát nước mưa. Các cọc lều đều còn nguyên vẹn và đóng chặt xuống đất. Vải lều chỗ nào cũng căng ra phẳng phiu. Tất cả đều thực hiện đúng điều lệnh.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM