Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:57:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 - Tập 2  (Đọc 88871 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:27:37 pm »


Năm 1956, tổng tuyền cử theo Hiệp định Giơnevơ quy định không diễn ra.

Đầu năm 1957, Bộ Chính trị đã đặt vấn đề phải có một đường lối cách mạng ở miền Nam cho phù hợp, mà then chốt là phải chuyển chiến lược đấu tranh. Bộ Chính trị giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp ủy viên Bộ Chính trị, và một số đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng chuẩn bị soạn thảo một nghị quyết về cách mạng Việt Nam ở miền Nam để trình Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng. Các đồng chí làm nhàm vụ chuẩn bị cho rằng, địch dùng quân sự đàn áp nhân dân ta, tiếp tục đấu tranh hòa bình sẽ không có kết quả, phải đấu tranh vũ trang mới đưa phong trào cách mạng miền Nam tiến lên được. Nhưng do đường lối và quan điểm của Liên Xô, Trung Quốc khác với Đảng ta, cho nên phải tiếp tục suy nghĩ. Cuối năm 1957, đồng chí Lê Duẩn ra Bắc được giao làm công việc của Tổng bí thư Đảng và trực tiếp chỉ đạo miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn mang theo Bản đề cương cách mạng miền Nam với tinh thần cách mạng miền Nam phải tiến lên theo con đường của Cách mạng tháng Tám và báo cáo cụ thể với Bộ Chính trị về tình hình địch, ta và ý kiến, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng trong Nam đề nghị phát động đấu tranh vũ trang. Đã có thêm những yếu tố, nhiều căn cứ cho sự ra đời của Nghị quyết, nhưng bộ phận chuẩn bi do đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo, phải làm nhiều lần, kết hợp với việc dự thảo văn kiện chính trị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, trong hai năm mới có bản dự thảo nghị quyết. Bộ Chính trị, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đã dành nhiều thời gian thảo luận các văn kiện dự thảo cho Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng và Đại hội. Lúc đầu, các đồng chí trong Bộ Chính trị còn có ý kiến khác nhau về chủ trương, phương pháp đấu tranh.

Tình hình miền Nam mỗi ngày càng đen tối thêm, địch khủng bố hết sức ác liệt. Sự chịu đựng của nhân dân đã đến giới hạn cuối cùng, họ đòi Diệm gây nợ máu phải trả bằng máu. Nông dân xã Hòa Hội, tỉnh Tây Ninh đã ký tên vào bức tâm thư gửi lên Bác Hồ, báo cáo “Nhân dân bị khủng bố, cán bộ bị giết hại, xin cho bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc trở về đánh giặc, cứu dân”. Trong một cuộc mít tinh, có cụ già nghẹn ngào, uất ức nói trước đồng bào “Bác Hồ ơi! Mỹ - Diệm nó độc ác quá lắm rồi, Bác cho phép đồng bào bắn nát đầu chúng nó”1. Ở tỉnh Thủ Dầu Một có 30 lão nông gửi thư lên Xứ ủy chất vấn rằng: “Tình hình như vậy không biết Xứ ủy có báo cáo lên Trung ương, lên Bác Hồ hay không?”. Các cụ yêu cầu Xứ ủy gửi bức thư đó ra cho Bác Hồ và đề nghị cho đấu tranh vũ trang trở lại, nếu không thì không thể thắng được2. Đây là nguyện vọng thiết tha không chỉ riêng của nhân dân Tây Ninh, Thủ Dầu Một, mà là của cả miền Nam ruột thịt.

Ý nguyện đó, đã thôi thúc các cấp ủy đảng ở Nam Bộ, Khu V và những đảng viên, cán bộ “nằm vùng” hoạt động ở cơ sở mạnh dạn lãnh đạo quần chúng tìm kiếm vũ khí tăng cường vũ trang, chủ động nổi dậy ở những nơi có đủ điều kiện mặc dù chưa có ý kiến của Trung ương.

Tháng Giêng năm 1959, hoạt động vũ trang ở tỉnh Cà Mau nổi lên. Tiểu đoàn Ngô Văn Sở và các chiến sĩ vũ trang tuyên truyền của tỉnh đột nhập vào quận Đầm Dơi, Thới Bình, trừng trị những tên tay sai ác ôn. Bọn địch rất lo sợ. Những tên ấp trưởng, ấp phó, đội trưởng Tổng đoàn dân vệ v.v… đêm đêm phải trốn về quận ngủ, không dám ở lại thôn ấp. Ở các tỉnh Bạc Liêu, Gò Công, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiến Phong, Sóc Trăng, Cần Thơ, Châu Đốc, An Giang hoạt động vũ trang tuyên truyền gia tăng làm cho ngụy quân cơ sở hoang mang. 805 xã các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tới 50% tề ngụy tan rã. Khu V - vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng đảng viên, du kích quần chúng cách mạng đông đảo không đi tập kết, được “thả nổi” trà trộn trong nhân dân và “nằm im” không hoạt động. Lực lượng này ít bị thiệt hại, nên sau khi có nghị quyết chỉ đạo của Khu ủy cho vũ trang tuyên truyền, vũ trang tự vệ thì phong trào đấu tranh vũ trang hồi phục và phát triển nhanh, đặc biệt ở miền núi các tỉnh đồng bằng và Tây Nguyên. Những cuộc rời làng chống Mỹ - Diệm của đồng bào Chăm, H’rê ở Thồ Lồ (Phú Yên), đồng bào Ba Na ở Vĩnh Thạnh (Bình Định), đồng bào Rắc Lây ở Bác Ái (Ninh Thuận), đồng bào Gia Rai ở Plây Ngo, Lệ Ngọc (Gia Lai), Xê Đăng, Dé ở Tà Boóc (Kon Tum) v.v… diễn ra liên tục, dồn dập, khiến cho hệ thống chính quyền cơ sở của địch gần như tan rã. Tiêu biểu cho những cuộc nổi dậy đầu tiên ở miền núi này là Vĩnh Thạnh (Bình Định) và Bác Ái (Ninh Thuận).

Vĩnh Thạnh là huyện miền núi phía tây tỉnh Bình Định, diện tích khoảng 140km2, dân số hơn 5300 người, phần đông là dân tộc Ba Na. Số đảng viên cũ ở lại có 50 đồng chí tập trung nhiều vào các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, Vĩnh An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Bình, Vĩnh Nghĩa. Huyện ủy do đồng chí Trọng làm bí thư, Nguyễn Trung Tín phó bí thư. Địch đánh phá ác liệt, số đảng viên không tổ chức thành chi bộ, mà hoạt động đơn tuyến. Trước khi tập kết lực lượng ra Bắc, tỉnh Bình Định đã cứu trợ cho dân lúa, gạo, muối, vải, thuốc chữa bệnh và rìu, rựa để làm rẫy. Tháng 5-1955 địch tiếp quản Vĩnh Thạnh, chúng dựa vào bọn thương lái người Kinh để điều tra, nắm quần chúng, thanh lọc dân cư, phát hiện cộng sản. Được hưởng những thành quả do cách mạng đem lại, tuy còn ít, nhưng đồng bào các dân tộc hiểu rõ cách mạng, biết Bok Hồ mới thương người Thượng như người Kinh, mới làm cho người Thượng hết khổ. Đồng bào ra sức giữ bí mật, nuôi dưỡng và che chở những đảng viên, cán bộ “nằm vùng” thoát khỏi các chiến dịch tố cộng, những trận ruồng bố của địch. Không tìm được “cộng sản nằm vùng”, tháng 11-1957, địch chuyển sang gom dân dồn về các ấp giáp vùng xuôi để cắt đứt mối liên hệ giữa dân với Đảng. Kế hoạch của địch sẽ gom sáu xã ở rìa rừng về quận lỵ trước. Tà Lốc, Tà Léc là hai làng bị gom thí điểm. Địch bắt các già làng về đồn thuyết phục đưa dân xuống quận. Các già làng đưa ra nhiều lý do về phong tục, tập quán, kiêng cữ, về canh tác của người dân tộc để từ chối. Tên Thái Quới, quận trưởng Vĩnh Thạnh, không chấp nhận, y phái bọn tay chân và cảnh sát về từng làng, vừa dụ dỗ, vừa khủng bố, và cấm mua bán giữa người Kinh với người Thượng, cấm phát rẫy làm nương, cấm đi thăm lẫn nhau giữa người ở làng này với người ở làng khác. Đời sống tình cảm, tinh thần và vật chất của đồng bào khốn khó đến cùng cực. Việc xuống quận theo Diệm, hay chạy vào rừng lập làng mới chống lại địch là cuộc đấu tranh với nhau trong các già làng, cán bộ và nhân dân. Riêng đồng bào Tà Lốc, Tà Léc luôn luôn nuôi một ý nghĩ “không thể bỏ cái núi, cái rừng”, phải chạy vào rừng dù khổ cũng được, không xuống xuôi. Ý chí kiên quyết của đồng bào làng Tà Lốc, Tà Léc là ngòi nổ của cuộc nổi dậy chống Diệm ở Vĩnh Thạnh. Tháng 11-1958, tên quận trưởng Vĩnh Thạnh cho cảnh sát bắt Bok Chua, già làng của Tà Lốc, Tà Léc, ép phải ký nhận đưa dân xuống. Trước sự thúc bách đó, già làng và đồng bào Ba Na phải tìm kế trì hoãn nhận xuống xuôi nhưng phải sau Tết âm lịch và yêu cầu phải để cho dân phát rẫy, xuống vùng xuôi mua bán tự do. Địch thấy đạt ý định, nên chấp nhận yêu sách của dân và hẹn đúng ngày 4 tháng Giêng âm lịch, già làng phải đưa dân xuống. Lợi dụng thời gian hòa hoãn này, đồng bào phát rẫy, mua muối, gạo, vải, dao, rựa tích trữ, lập kho sâu trong rừng cất giấu. Chỉ trong 4 tháng, đồng bào đã chuẩn bị đủ dụng cụ lao động, lương thực, muối cho 3 năm. Đây là một biểu hiện quyết tâm cao của đồng bào Tà Lốc, Tà Léc.
______________________________________
1. Theo “Miền Đông Nam Bộ kháng chiến”, t. II, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993. tr. 69.
2. Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:28:37 pm »


Ngày 6-2-1959 (ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Tuất), chỉ còn 4 ngày nữa là đến hẹn phải xuống quận, nhân dân làng Hà Ri, Tà Lốc, Tà Léc bỏ làng cũ chạy lên Đakló, nơi rừng núi hiểm trở, lập làng mới. Tiếp theo Tà Lốc, Tà Léc, Hà Ri là hai làng Tà Điệt, hai làng Kon Rơn, và các làng Kon Ria, Kon Rít, Kon Đơn, Bờ Nậm cũng nhất tề dời làng sâu vào rừng sống bất hợp tác với địch. Do lúc bấy giờ quan điểm đấu tranh chính trị chi phối là chính, khi Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo đã nổi dậy, huyện ủy Vĩnh Thạnh chủ trương chỉ bố phòng bảo vệ phía trong để địch có thể đi vào làng cũ, nhưng không lùng sục được xung quanh, tránh gây căng thẳng, tạo điều kiện hòa hoãn, hợp pháp được mức nào có lợi mức đó. Nhưng quần chúng không làm đúng theo chủ trương của huyện ủy, họ đã đặt chông thò, cạm bẫy, bố phòng chặt chẽ tất cả các làng cũ và làng mới ở cả vùng thấp và vùng cao. Đồng bào cho rằng, nếu để địch vào được làng cũ, vùng thấp, chúng sẽ lấn tới gom các làng vùng cao. Mỗi làng còn lập được một tiểu đội tự vệ và tiểu đội Kără1 tuần tra, canh gác ngày đêm, sẵn sàng chiến đấu. Giữa tháng 3 và đầu tháng 4 địch đem quân đánh phá các làng Hà Ri, Tà Lốc. Nhân dân xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo đã đoàn kết chiến đấu, diệt nhiều địch buộc chúng phải rút lui.

Từ đây, địch liên tục càn quét Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, chúng đốt sạch các rẫy lúa non, triệt đường tiếp tế từ đồng bằng lên, gây muôn vàn khó khăn cho nhân dân. Nhưng, quần chúng và lực lượng tự vệ Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo không lùi bước. Cuộc chiến đấu chống địch diễn ra ngày càng quyết liệt, căng thẳng. Không đánh được làng Tà Lốc, Tà Léc, Hà Ri, địch xoay sang dụ dỗ, mua chuộc bằng cách rải truyền đơn kêu gọi “điều đình”. Biết được ý đồ của địch muốn xoa dịu, nhân cơ hội này, Huyện ủy Vĩnh Thạnh chủ trương đưa Vĩnh Hảo ra thế hợp pháp đỡ bớt căng thẳng, tranh thủ thời gian chuẩn bị thêm lực lượng, vật chất2. Vĩnh Hảo chuyển ra hợp pháp, bị địch o ép, trả thù. Tháng 4-1959, đồng bào tám làng xã Vĩnh Hảo nổi dậy chống Diệm lần thứ hai. Cuộc nổi dậy này lôi cuốn các làng vùng cao huyện Vĩnh Thạnh cùng nổi dậy. Toàn huyện Vĩnh Thạnh, gần 60 làng lớn nhỏ với hơn 5000 dân đã giành được quyền làm chủ, đấu tranh công khai với địch, trừ bốn làng giáp huyện Hoài Ân chưa nổi dậy.

Cuộc nổi dậy của nhân dân huyện Vĩnh Thạnh là kết quả tất yếu của chính sách cai trị tàn bạo, phản dân của Mỹ - Diệm. Có kết quả và kinh nghiệm đấu tranh của Vĩnh Thạnh, Tỉnh ủy Bình Định mạnh đạn chủ trương: kiên quyết giữ vững và phát triển thành quả của cuộc nổi dậy, phát động toàn tỉnh đẩy mạnh đấu tranh chống địch. Thực hiện chủ trương của tỉnh, đồng bào Vĩnh Thạnh đánh bại hai cuộc càn quét của địch. Các xã kế cận thuộc các huyện An Lão, Bình Khê, Hoài Ân, nhân dân cũng bắt đầu rào làng chiến đấu, lập các tổ, đội vũ trang tự vệ, vũ trang công tác.

Chỉ sau một ngày nổi dậy thắng lợi của đồng bào Vĩnh Thạnh, đêm 7-2-1959 (đêm 30 Tết Kỷ Hợi) nhân lúc bọn bảo an chốt giữ khu tập trung B’râu thuộc huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) về nhà ăn tết, cán bộ, đảng viên “nằm vùng” đã vận động 5000 dân ở đây phá khu tập trung, bung về núi, xây dựng căn cứ.

Có kinh nghiệm của B’râu, tháng 4-1959, đảng bộ Bác Ái lại lãnh đạo đồng bào khu tập trung Tầm Ngân nồi dậy.

Để giữ vững thành quả của cuộc nổi dậy, Huyện ủy Bác Ái đã chọn 30 thanh niên ở Bác Ái Đông, lập thành đơn vị vũ trang đầu tiên của huyện và tổ chức các tổ, đội thanh niên bảo vệ, gấp rút xây dựng làng chiến đấu, tăng gia sản xuất, ổn định đời sống.

Sau ngày khu tập trung B’râu và Tầm Ngân bị phá, địch liên tục bao vây, đánh phá căn cứ Bác Ái, nhưng không thành.

Vĩnh Thạnh, Bác Ái, hai cuộc nổi dậy ở hai hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Vĩnh Thạnh đang bị ép buộc phải bỏ làng, bỏ quê dồn dân về quận lỵ; Bác Ái dân đã bị lùa vào khu tập trung có hàng rào kẽm gai và lính gác. Nhưng cả hai đều ở vào một tình thế hết sức bức xúc không thể chỉ dùng đấu tranh chính trị được nữa. Đảng viên và nhân dân đã nhanh chóng xác định thái độ kiên quyết chống lại Mỹ - Diệm bằng phương thức kết hợp đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, buộc địch phải lùi từng bước, tạo thời cơ thuận lợi nổi dậy dời làng, xây dựng căn cứ, lập lực lượng vũ trang tự vệ.

Phong trào nổi dậy, dời làng từ Vĩnh Thạnh, Bác Ái đã nhanh chóng lan đến các vùng đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên - nơi mà chính sách cai trị nghiệt ngã của Diệm đã làm cho người dân vốn hiền lành, chất phác đã phản ứng quyết liệt, chống lại chính sách của Diệm.
______________________________________
1. Kără: Mỗi làng có các cụ già làng, đứng đầu các già làng gọi là Kără làng. Kără làng là người thông thạo phong tục tập quán, có uy quyền, quản lý nhân dân.
2. Không đưa Vĩnh Hiệp, vì Vĩnh Hiệp cương quyết không hợp tác với địch. Đồng bào Vĩnh Hiệp chỉ một lời thề: “Vĩnh Hiệp không uống chung con suối với Mỹ - Diệm”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:38:42 pm »


Tháng 4-1959, ở Tà Boóc, huyện 40 (nay là huyện Đắc Lây), tỉnh Kon Tum, quần chúng tổ chức cắm chông bao vây đồn Tà Boóc, ngăn không cho địch vào làng. Địch phá, dân lại cắm chông, rào làng, cứ thế giằng co nhau. Nhân lúc một tiểu đội ngụy vào làng quấy phá, nhân dân lập mưu chuốc rượu, diệt 4 tên, thu 3 súng. Chị Y Ngã là người phụ nữ dũng cảm, lập công đầu. Lúc địch say rượu, chị xông đến ôm chặt tên trung úy chỉ huy cho chồng chém đầu. Số địch còn lại rút khỏi Tà Boóc. Nhân dân nổi lửa đốt làng, dời vào rùng, lập làng mới, chống địch.

Những cuộc nổi dậy cục bộ có vũ trang trên đây, chứng tỏ không thể dùng chính trị đấu tranh với một chế độ phát xít được thiết lập nhờ vào lưỡi lê và đại bác của ngoại bang, mà phải dùng bạo lực cách mạng.

Hoảng sợ trước sức phản kháng ngày càng mạnh của nhân dân, ngày 23-3-1959, Ngô Đình Diệm tuyên bố đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh, và tháng 5-1959, Diệm ban hành luật 10/59 quy định chỉ có hai hình phạt tử hình và khổ sai chung thân. Diệm lập tòa án quân sự lưu động xét xử tại chỗ những người yêu nước. Ngày 4-7, Quốc hội ngụy thông qua luật số 21 cho phép dùng máy chém chặt đầu những ai không ủng hộ các chính sách phát xít của Diệm. Từ đấy, quân lính của Diệm lê máy chém đi các tỉnh Nam Bộ để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Chúng đưa máy chém về các huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày, Châu Thành thuộc tỉnh Bến Tre và thị xã Tây Ninh, v.v… Địch hy vọng với biện pháp “cứng rắn” này sẽ làm cho quần chúng khiếp sợ, đem lại an ninh cho chế độ. Song, chính hành động tàn bạo đó lại kích động lòng căm thù của nhân dân, họ quyết đứng về phía cách mạng để chống lại Mỹ - Diệm. Cả miền Nam đang nóng lòng chờ quyết định của Trung ương. Sự cần thiết trước tiên là Đảng phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và quần chúng ở miền Nam, nếu không, sẽ bỏ lỡ một thời cơ cho phép phát động một cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn, đánh đổ chính quyền tay sai thân Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tính toán, cân nhắc rất thận trọng tất cả những nhân tố chủ quan và khách quan để định ra chủ trương, biện pháp cách mạng sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu cách mạng miền Nam và bảo vệ được miền Bắc vừa đoàn kết được đồng minh - nhất là Liên Xô, Trung Quốc.

Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế những mối mâu thuẫn đan xen nhau rất phức tạp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng)... Các đồng chí Phan Văn Đáng, Hai Xô, Xứ ủy viên Nam Bộ, đồng chí Trần Lương, Võ Chí Công, Khu ủy viên Khu V đã vượt qua hàng nghìn cây số, đồn bốt địch ken dày, đến Hà Nội kịp dự Hội nghị. Các đồng chí đem đến Hội nghị thực tiễn tình hình và kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào miền Nam trong những năm qua, góp cho Trung ương Đảng đánh giá đúng tình hình phong trào cách mạng ở miền Nam và đòi hỏi của quần chúng. Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) khai mạc ngày 13-1-1959 trong tình hình miền Bắc sau bốn năm rưỡi củng cố, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, khối đoàn kết toàn dân được củng cố.

Hội nghị phân tích, đánh giá đặc điểm nước Việt Nam từ sau ngay hòa bình lập lại: Do sự can thiệp của Mỹ, nước ta tạm thời chia làm hai miền. Nhưng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhân dân ta chẳng những phải củng cố miền Bắc mà còn phải giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập, dân chủ bằng con đường hòa bình. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chế độ chính trị, kinh tế thuộc địa, nửa phong kiến đã bị đánh đổ, cách mạng dân chủ nhân dân đã hoàn thành. Những người lao động bị nô lệ thời đế quốc phong kiến, nay trở thành người chủ đất nước, quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh về mọi mặt, làm cơ sở cho việc hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm để làm công cụ khôi phục và duy trì ách thống trị của đế quốc, phong kiến. Nhân dân miền Nam ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng, mất hết tự do. Âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai chẳng những xâm chiếm miền Nam, ngăn cản sự phát triển của xã hội miền Nam, mà còn ráo riết chuẩn bị chiến tranh hòng xâm chiếm miền Bắc nước ta, phá hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm không chỉ là kẻ thù của nhân dân miền Nam, mà là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam. Tình hình nói trên, làm nổi bật hai mâu thuẫn cơ bản của cách mạng Việt nam hiện nay là:

1- Mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ phong kiến và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị ở miền Nam và một bên là dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam.

2- Mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc.

Hai mâu thuẫn này tuy tính chất có khác nhau, nhưng quan hệ biện chứng với nhau và tác động lẫn nhau. Mâu thuẫn đó thể hiện sự đối kháng gay gắt giữa dân tộc Việt Nam mong muốn hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ với đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm hiếu chiến; đồng thời cũng thể hiện sự đối kháng gay gắt giữa lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc và hòa bình dân chủ trên thế giới với chủ nghĩa đế quốc xâm lược do Mỹ cầm đầu ở khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Cho nên, sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà của nhân dân ta chẳng những phù hợp với lợi ích sống còn của dân tộc ta, Tổ quốc ta, mà còn phù hợp với lợi ích chung của phong trào hòa bình, dân chủ thế giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:39:04 pm »


Trên cơ sở phân tích khoa học về đặc điểm, tính chất mâu thuẫn hiện nay của cách mạng Việt Nam, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 nhận định: “Cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương đề ra nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, ra sức củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.

Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Hội nghị Trung ương chỉ ra rằng: Miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là theo quy luật phát triển khách quan của xã hội miền Bắc, vì mục đích nâng cao không ngừng đời sống nhân dân, mặt khác là tích cực gánh vác phần trách nhiệm đối với phong trào cách mạng của cả nước. Kinh tế văn hóa miền Bắc phát triển, đời sống nhân dân miền Bắc được cải thiện, lực lượng quốc phòng miền Bắc ngày càng được vững mạnh, sẽ tăng thêm sức mạnh của cách mạng và uy thế chính trị của nhân dân ta, tăng thêm tin tưởng và tính tích cực cách mạng của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm. Quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cần chống khuynh hướng tách rời cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, hoặc coi nặng cuộc cách mạng này mà xem nhẹ cuộc cách mạng kia. Nhiệm vụ thống nhất nước nhà phải được thấu suốt trong tất cả các chủ trương công tác, chính sách của Đảng, Nhà nước và hành động của nhân dân trên miền Bắc.

Về đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam, Hội nghị Trung ương phân tích rất kỹ đặc điểm, tính chất xã hội miền Nam là xã hội thuộc địa kiểu mới, chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, đại biểu cho lợi ích của đế quốc Mỹ, của phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất ở miền Nam. Thành phần cốt cán trong chính quyền Diệm gồm những phần tử phản động nhất trong giai cấp địa chủ phong kiến tư sản mại bản, bọn đội lốt công giáo phản bội Tổ quốc, dân tộc, quyết tâm làm tay sai cho Mỹ. Từ những đặc điểm, tính chất đó, xã hội miền Nam nổi lên hai mâu thuẫn cơ bản sau đây:

1- Mâu thuẫn giữa nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược, chủ yếu là đế quốc Mỹ.

2- Mâu thuẫn giữa nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến.

Trung ương nhấn mạnh: “Mâu thuẫn chủ yếu ở miền Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc ta, nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược Mỹ cùng tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ, đại diện cho bọn địa chủ phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất”.

Hội nghị Trung ương phân tích một cách khách quan đặc điểm, thái độ các giai cấp trong chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam, và xác định rõ lực lượng của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc và những nhân sĩ yêu nước. Động lực của cách mạng ở miền Nam là giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, lấy liên minh công - nông làm cơ sở, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Từ sự phân tích trên đây, xuất phát từ thực tiễn cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam và tình hình chính trị quốc tế lúc bấy giờ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là: “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Nhiệm vụ trước mắt là: “Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân củu ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ  vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:40:04 pm »


Phương hướng cơ bản của cách mạng miền Nam được Trung ương thảo luận rất kỹ và đều có tính toán đến tình hình thế giới, tình hình trong phe ta. Vấn đề đặt ra là ta có tiến hành trường kỳ mai phục, lấy nông thôn bao vây thành thị, tiến lên dùng lực lượng quân sự giải phóng miền Nam hay không? Còn nếu tiến hành đấu tranh vũ trang thì dù mức độ như thế nào cuối cùng cũng dẫn đến chiến tranh cách mạng: ta có chấp nhận chiến tranh cách mạng không, và như vậy, kết quả đến đâu, thế giới thế nào? Quá trình thảo luận, trong Hội nghị có ba loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ. Loại ý kiến thứ hai, không đồng tình vũ trang mà phải dựa vào Hiệp định đấu tranh hòa bình. Loại ý kiến thứ ba, là phải khỏi nghĩa, nhưng làm từng bước... Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi. Hồi ấy, ở miền Nam “có đồng chí đề nghị không nên đấu tranh vũ trang vì sợ rằng dùng lực lượng vũ trang sẽ có hại cho việc đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ”1. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trì Hội nghị, nói: “Đấu tranh là có khó khăn, nhưng phải nhận là có nhiều điều kiện thuận lợi, thuận lợi ở miền Nam nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Thuận lợi là căn bản. Cách đặt vấn đề là quan hệ. Có đồng chí nói nước ta mất một nửa nước. Đáng lý phải thấy “nước ta mới thắng lợi một nửa nước” khác nhau nhiều. Đồng thời đặt chung miền Nam Việt Nam trong cách mạng chung của cả nước và cách mạng nước ta trong cách mạng thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những thuận lợi căn bản đó là:

“Hồi cách mạng tháng Tám ta chỉ có 5000 đảng viên, kể cả đảng viên ở Lào và Miên.

Hội nghị này ở miền Nam số đảng viên và đoàn viên nhiều hơn lúc kháng chiến. Đảng viên và đoàn viên cộng lại 43 vạn. Tính cả Bắc, Nam, Đảng ta hơn một triệu đảng viên và đoàn viên. Miền bắc lại có quân đội hùng mạnh, chính quyền hùng mạnh, mặt trận rộng rãi. Đó là những điều kiện cho cách mạng nói chung và miền Nam nói riêng. Đồng bào ta có tinh thần yêu nước rất cao, được tôi luyện trong kháng chiến, trong cách mạng, vì vậy chúng ta nêu cao lá cờ thống nhất, lá cờ hòa bình. “Vũ trang trường kỳ: Tôi không tán thành, tình hình bây giờ khác trước cách mạng và trong kháng chiến. Trường kỳ là bao lâu?... Trong lúc tình hình thắng tốt, ta tiếc gì mà cù nhằng, ta chú ý đẩy lùi địch từng bước, giành từng thắng lợi đó là đang có khả năng nhiều hơn, khi có cơ hội ta đánh đổ luôn không nên bỏ những thắng lợi nhỏ... Địch rất là dại. Nó càng bộc lộ hung ác của nó. Dân cũng phản đối nó, thế giới càng phản đối nó, nó càng gần chỗ diệt vong...”2. Ý kiến của Bác đã soi sáng cho Hội nghị Trung ương nhất trí chủ trương cách mạng miền Nam tiến hành theo hướng cơ bản là: “Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Trung ương nhận thấy chế độ Mỹ - Diệm dựa vào vũ lực để tồn tại và chúng rất ngoan cố, cho nên cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam phải trải qua một quá trình lâu dài gian khổ, không ngừng xây dựng, củng cố phát triển lực lượng cách mạng bao gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang để đưa phong trào đấu tranh đi đúng đường lối của Đảng, tiến từ những hình thức thấp, đẩy lùi chính quyền địch từng bước, đến những hình thức cao làm lay chuyển tận gốc chính quyền Diệm. Khi có thời cơ thuận lợi trong nước và trên thế giới, thì phát động quần chúng khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm. Cuộc khởi nghĩa ấy đổ máu nhiều hay ít là tùy thuộc vào sự chống đối của địch và tương quan lực lượng giữa ta và địch. Do đối tượng của cách mạng thay đổi, tình hình và đặc điểm trong nước và thế giới khác thời kỳ 1945, cho nên phương châm đấu tranh của ta ở miền Nam lúc này là: kết hợp sử dụng hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp, kết hợp chặt chẽ phong trào ở đô thị  với phong trào ở nông thôn  và vùng căn cứ. Song, do quân thù quyết dìm cách mạng trong máu lửa, cho nên “trong chùng mực nhất định và ở những địa bàn nhất định đã xuất hiện những lực lượng vũ trang tự vệ, vũ trang tuyên truyền để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị. Đó là một điều cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng lực lượng vũ trang tự vệ, vũ trang tuyên truyền cần phải thấu suốt nguyên tắc phục vụ cho đấu tranh chính trị, phục từng lợi ích của đấu tranh chính trị”. Trung ương cho rằng cần kiên quyết khắc phục thiên hướng lấy khủng bố cá nhân thay cho đấu tranh của quần chúng.

Trung ương cũng dự kiến “Trong quá trình đấu tranh cách mạng chống Mỹ - Diệm, cũng có thể xảy ra những hình thức quá độ nhằm phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà như đặt quan hệ kinh tế, văn hóa, đi lại v. v… giữa hai miền Nam, Bắc mà cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra. Chúng ta cần tranh thủ và triệt để sử dụng các hình thức ấy để đưa cách mạng tiến lên, thực hiện thống nhất trên cơ sở độc lập, dân chủ”. Khi đánh đổ được chính quyền Ngô Đình Diệm, cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam có thể diễn biến phức tạp, để tránh bớt khó khăn cho cách mạng, ta phải “triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong phe đế quốc, phân hóa hàng ngũ kẻ thù và cô lập cao độ đế quốc Mỹ”. Vì vậy, trên bước đường tiến lên của cách mạng, Trung ương Đảng cho rằng “Việc thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ rộng rãi bao gồm đại biểu các giai cấp và tầng lớp chống Mỹ - Diệm là cần thiết. Nhưng điều cần thiết là Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo và nắm chặt cơ sở quần chúng”.

Đế quốc Mỹ là tên đế quốc hiếu chiến nhất lại có tiềm lực quân sự kinh tế mạnh, Trung ương Đảng dự kiến: “Cuộc khỏi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Trong khi lãnh đạo, Đảng ta phải thấy trước khả năng ấy để chuẩn bị chu đáo và chủ động đối phó trong mọi tình thế”.

Để bảo đảm cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công. Trung ương khẳng định “Sự lãnh đạo của một đảng Mác - Lênin vững mạnh là một nhân tố quyết định”. Các cấp ủy đảng phải “không ngừng củng cố và phát triển đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa Đảng và quần chúng. Đó là vấn đề chủ yếu có tính chất quyết định cho thắng lợi của cách mạng”.
______________________________________
1. Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr. 32.
2. Trích bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1959 - Trường Nguyễn Ái Quốc sao lại - ký hiệu M76-3953, Lưư trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:40:56 pm »


Về sách lược cách mạng, Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng chủ trương: “triệt để lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của chế độ Mỹ - Diệm, luôn luôn chủ động và tranh thủ thêm bạn, bớt thù, làm cho hàng ngũ cách mạng ngày càng lớn mạnh, thế lực của địch ngày càng suy yếu và bị động”. Muốn làm được việc đó, trong công tác phải làm cho các tổ chức Đảng bám chặt quần chúng và thực hiện phương châm: “khéo công tác, khéo che dấu lực lượng... phải kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp; tùy nơi tùy lúc phải khéo kết họp các khẩu hiệu kinh tế văn hóa với khẩu hiệu chính trị; khéo kết hợp các hình thức đấu tranh chính trị với vũ trang tuyên truyền; phải phối hợp chặt chẽ phong trào ở thành thị, phong trào ở nông thôn miền Nam với phong trào ở miền Bắc, phong trào trong nước với phong trào cách mạng thế giới”. Trong chủ trương và phương châm nói trên, cần nắm vững khâu chính là: không ngừng củng cố, phát triển Đảng, đẩy mạnh công tác dân vận, không ngừng củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, xúc tiến công tác binh vận.

Do nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, Hội nghị Trung ương chủ trương phải thành lập ở miền Nam một mặt trận riêng, nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc, phong kiến. Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam phải rất rộng rãi: “đoàn kết tất cả các dân tộc đa số và thiểu số, các đảng phái, các tôn giáo và những cá nhân yêu nước, đoàn kết với ngoại kiều đặc biệt là Hoa kiều, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, điều cốt yếu là chống Mỹ - Diệm, tán thành tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất Việt Nam”. Trung ương nhận thấy hiện nay khuynh hướng hòa bình trung lập đang bắt đầu nảy nở trong một số tư sản dân tộc và trí thức lớp trên ở miền Nam, nên Đảng phải tranh thủ và sử dụng khuynh hướng ấy để mở rộng Mặt trận đoàn kết chống Mỹ - Diệm, v.v..

Sau khi thảo luận kỹ thêm các biện pháp thực hiện, nhất là mức độ kết hợp vũ trang hỗ trợ ở từng vùng và những công tác cấp bách về tăng cường xây dựng Đảng, chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam, tháng 3 và tháng 4, các đồng chí lãnh đạo Khu V, Nam Bộ tham gia Hội nghị, lần lượt lên đường trở lại chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Hội nghị truyền đạt thế nào, công bố thế nào phải bàn cho kỹ. Ví dụ nói Hội nghị Trung ương bàn về cách mạng miền Nam, không lợi. Nhưng có thể nói bàn về vấn đề hòa bình thống nhất cả nước...

Sau Hội nghị, Bộ Chính trị sẽ giải quyết một số vấn đề cụ thể với các đồng chí miền Nam. Phải giải quyết cho thật thông, chính sách nắm vững, đoàn kết chặt chẽ, về địa phương sẽ có chuyển biến tốt. Ta có khó khăn, nhưng Đảng ta, dân ta đủ sức khắc phục khó khăn để tranh thủ thắng lợi và cuối cùng nhất định thắng lợi”1.

Đầu tháng 5-1959, văn bản chính thức Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 được thông qua, nhưng trước đó, Bộ Chính trị đã điện cho các tỉnh, khu tinh thần cơ bản của Nghị quyết để quán triệt, thực hiện.

Phải sau bốn năm cuộc đấu tranh của nhân dân ta trải qua một chặng đường đầy sóng gió với bao hy sinh, vấp váp, cùng những biến động thăng trầm của tình hình chính trị thế giới. Đảng ta mới có đủ những cứ liệu để quyết định một vấn đề hệ trọng của dân tộc và Tổ quốc. Từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Đảng ta kết luận tình thế mà cuộc cách mạng sẽ nổ ra và thắng lợi khi: “Hàng ngũ quân thù chia rẽ, hoang mang cực độ. Các đoàn thể cứu quốc và các chiến sĩ cách mạng đã quyết tâm nổi dậy giết giặc; đông đảo quần chúng nhân dân đã nhiệt liệt tán thành khởi nghĩa, đã quyết tâm giúp đội tiền phong”2. Song, ở miền Nam tình thế lúc này không giống như tình thế cách mạng Việt Nam năm 1945. Bộ máy ngụy quyền trung ương còn ổn định, nắm chặt các đô thị, đặc biệt là đế quốc Mỹ, kẻ trực tiếp xâm lược miền Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới đang đổ tiền, của, vũ khí vào xây dựng ngụy quân, củng cố ngụy quyền với quyết tâm rất cao. Vì thế, Hội nghị Trung ương không đề ra tổng khởi nghĩa.

Theo thông lệ lúc bấy giờ, Đảng ta đã gửi văn bản Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng cho Đảng cộng sản Liên Xô và Đảng cộng sản Trung Quốc để tranh thủ ý kiến và sự giúp đỡ. Đầu năm 1960, đồng chí Le Duẩn dẫn đầu phái đoàn của Đảng sang Liên Xô, Trung Quốc, trao đổi về Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam. Bí thư thường trực Đảng cộng sản Liên Xô Kuxơnen tiếp và làm việc với đoàn. Trước khi trao đổi Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội III của Đảng ta, Kuxơnen nói: Đảng cộng sản Liên Xô không động tình với chủ trương trong Nghị quyết 15. Phải củng cố miền Bắc, qua đó rồi thống nhất, không có chuyện vũ trang, khởi nghĩa.

Lúc này giữa Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn đã gay gắt. Khi đoàn ta sang Trung Quốc, Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình tiếp và làm việc. Đặng Tiểu Bình đồng ý phương hướng chung của cách mạng miền Nam đã đề ra trong Nghị quyết 15, nhưng nhấn mạnh: hoạt động vũ trang chỉ nên đến quy mô đại đội. Như vậy, Trung Quốc nhất trí với ta, nhưng vẫn có mức độ.

Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp như vậy chứng tỏ kinh nghiệm dày dạn và sự trưởng thành vượt bậc của Đảng Lao động Việt Nam cả về lý luận và thực tiễn, đường lối và phương pháp cách mạng. Nó thể hiện rõ đường lối độc lập tự chủ và sách lược mềm dẻo của Đảng, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nội bộ lãnh đạo của ta lúc bấy giờ, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên đang lãnh đạo đấu tranh ở miền Nam và quảng đại quần chúng nhân dân.

Nghị quyết 15 đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, nó phù hợp với tình hình thực tế cho nên đã tạo bước tiến nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam. Tuy nhiên, do Nghị quyết nhấn mạnh đến đấu tranh chính trị, vũ trang phải phục tùng chính trị, đã làm cho cấp ủy ở một số địa phương miền Nam nhận thức không đầy đủ tinh thần cơ bản của Nghị quyết, thực hiện máy móc, lúng túng, dẫn đến phong trào đấu tranh ở đó phát triển chậm, có nơi tổn thất.

Nhờ có chủ trương đúng, sách lược mềm dẻo, ta đã tập hợp được lực lượng trong nước và ngoài nước đứng về phía nhân dân ta chống Mỹ - Diệm. Khi phong trào Đồng khởi nổ ra, tiếp đến là cuộc chiến tranh cách mạng, nhân dân tiến bộ thế giới cho đây là ngọn cờ dân tộc, là cuộc chiến đấu tự vệ của nhân dân miền Nam chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, để thiết lập một nền dân chủ thật sự.
______________________________________
1. Trích bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng, Tlđd.
2. Văn kiện Đảng (từ 25-1-1939 đến 2-9-1945), Nxb Sự Thật, Hà Nội, l963. tr. 432.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:42:52 pm »


II- NGHỊ QUYẾT 15 CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỚI CUỘC KHỞI NGHĨA TRÀ BỒNG
VÀ PHONG TRÀO VŨ TRANG DIỆT ÁC Ở MIỀN NAM CUỐI NĂM 1959

Nghị quyết 15 của Trung ương về đến các tỉnh, thành ở miền Nam không cùng một thời gian, nhưng đến đâu cũng được cán bộ, đảng viên và nhân dân khát khao đón nhận. Những uất ức, đắng cay, tủi nhục bị dày vò, những thắc mắc, lo âu, ngờ vực, cùng với niềm mong đợi của quần chúng bị dồn nén suốt hơn bốn năm trời, nay đã được giải tỏa. Cán bộ, quần chúng đi hoạt động được tự do mang vũ khí hộ thân không còn phải giấu trong mo cau, trong bao tải như các năm trước. Ít ai nghĩ đấu tranh chính trị hay vũ trang là chủ yếu, mà đều bí mật truyền cho nhau tin “Đảng đã cho đánh rồi !”, “Phải làm tới”. Rõ ràng Nghị quyết 15 đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng âm ỉ lâu nay thành những đám cháy lan tỏa khắp nông thôn, thành thị và rừng núi. Khí thế đấu tranh của quần chúng sục sôi. Hoạt động vũ trang phát triển rộng khắp đã hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị, chấm dứt thời kỳ đấu lý đơn thuần, bị động trước sự khủng bố dã man của địch. Song tương quan lực lượng giữa ta và địch trên từng khu vực nông thôn đồng bằng, đô thị, rừng núi có khác nhau, nên phong trào cách mạng phát triển không đều. Ở những nơi liền kề các căn cứ kháng chiến cũ như U Minh, Đồng Tháp Mười, chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu Đ, vùng rừng núi hiểm trở miền tây các tỉnh Khu V, và Tây Nguyên, địch có nhiều sơ hở, hệ thống chính quyền cơ sở của chúng rệu rã hoặc bị vô hiệu hóa, có nơi không có chính quyền địch. Những nơi này, tình thế cách mạng trực tiếp1 đã đến độ chín muồi. Từ mùa thu năm 1959, nhiều cuộc nổi dậy chống Diệm đã nổ ra ở miền núi dọc Trường Sơn và vùng căn cứ U Minh, Đồng Tháp Mười, trong đó cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là điển hình.


*
*   *

Miền tây Quảng Ngãi hợp thành bởi bốn huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ, có diện tích hơn 4.600km2, lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, mặt hướng biển Đông. Nơi đây, núi non trùng điệp, dàn trải ra như xây thành đắp lũy, án ngữ cả ba mặt bắc, tây, nam.

Về phía bắc, một dãy núi từ huyện Trà My (Quảng Nam) đâm thẳng xuống dốc Sỏi địa đầu huyện Bình Sơn, với những đỉnh núi Chúa, núi Răng Cưa, núi Hang Bà cao hon 1000m, hình thành địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Phía tây, một dãy núi dài nối tiếp từ Nước Ốc (Trà My) chạy song song với sườn Đông Trường Sơn vào đến Viôlác, Gọi Re với các đỉnh Mang Xin, Ngọc Dai cao 1300m, ngăn cách hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.

Phía nam, từ đông Nam tỉnh Kon Tum, một dãy núi thoai thoải chạy xuống đèo Bình Đê, sát biển, phân chia địa giới Bình Định và Quảng Ngãi.

Ở giữa những dãy núi đó là lòng miền tây Quảng Ngãi, với những cụm núi nhấp nhô trùng điệp, tạo nên địa thế rất hiểm trở, để hơn 90 ngàn đồng bào dân tộc H’rê, Cor, Cà Dong, Cà Rá, Kinh, quần tụ sinh sống và gắn bó nhau trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và nội phản suốt thế kỷ, làm cho tên núi, tên sông thành tên lịch sử. Cụm núi Đá Vách (Thạch Bích) cao trên 1000m là nơi đã diễn ra những trận đánh quyết liệt của đồng bào H’rê chống lại bọn vua quan phong kiến triều Nguyễn. Cụm núi Cà Đam cao 1650m là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân người Cor trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngọn núi Cao Muôn cao gần 1000m, quanh năm mây phủ là nơi khai sinh đội du kích Ba Tơ, một trong những đơn vị vũ trang cách mạng tiền thân, hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Cũng chính nơi đây dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, những cán bộ cách mạng Căng an trí, cùng nông dân các dân tộc tiến hành cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu 1945 ở Trung Trung bộ.

Miền tây Quảng Ngãi còn là nơi đầu nguồn và cũng là nơi giao hội của các con sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, Trà Câu, hàng năm đã cung cấp cho các huyện đồng bằng Duyên Hải lượng phù sa và nước ngọt để sản xuất của cải, nuôi sống cả tỉnh và cung cấp lương thực cho lực lượng vũ trang đánh giặc trong hai cuộc kháng chiến.

Sau Cách mạng tháng Tám, dưới chế độ dân chủ cộng hòa, đồng bào miền tây Quảng Ngãi đã tích cực tham gia kháng chiến, đồng thời ra sức xây dựng miền tây thành căn cứ kháng chiến mạnh cả về quân sự, chính trị. Nhân dân ở đây được giáo dục kỹ về chính trị, về tình đoàn kết Kinh - Thượng. Họ luôn luôn trung thành với cách mạng, Bác Hồ, dù cho “sông cạn, đá mòn”, lòng chung thủy ấy cũng không thay đổi.
______________________________________
1. Những điều kiện chủ quan, khách quan (về địch, ta, địa hình...) để cách mạng nổ ra gọi là tình thế cách mạng trực tiếp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:45:55 pm »


Sau Hiệp định Giơnevơ, từ tháng 10-1954, địch bắt đầu tiếp quản Trà Bồng và các huyện miền tây. Nhưng mãi đến cuối năm 1955, địch mới xây dựng được bộ máy cai trị cấp quận. Trong thời gian này, bộ máy lãnh đạo của tỉnh, huyện còn vững. Lực lượng cán bộ thoát ly, cán bộ xã ở các huyện miền núi còn nhiều. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức xong các chi bộ bí mật ở các xã và cài người của ta vào nắm chính quân địch. Anh Huệ một nhân sĩ yêu nước được ta cài vào giữ chức quận phó Trà Bồng. Anh đấu tranh tích cực, bị lộ, đã hy sinh anh dũng. Cơ sở ta ở Trà Bồng mạnh. Nhân dân dứt khoát không hợp tác với Diệm. Lãnh đạo của Khu, tỉnh, huyện đều dựa vào Trà Bồng và các huyện miền tây, nhưng chưa bao giờ bị lộ. Giữa năm 1956, Quảng Ngãi học tập Cương lĩnh chuyển hướng đấu tranh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cương lĩnh đề ra là cấm không được nổ súng, cấm hoạt động vũ trang, không gọi địch là đối phương, đã làm cho lãnh đạo Quảng Ngãi lúng túng, chần chừ, cộng với đánh phá điên cuồng của địch, phong trào đấu tranh trong tỉnh chững lại. Từ giữa năm 1956 trở đi, địch củng cố được bộ máy cai trị ở các huyện đồng bằng và đánh tan nát cơ sở cách mạng, cán bộ đảng viên còn sống sót phải chạy dạt lên rừng. Ở vùng cao Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ và vùng đầu nguồn sông Re nhờ dựa vào địa thế tự nhiên tốt nên mặc dù dịch đánh phá ác liệt, lực lượng lãnh đạo, cơ sở quần chúng chẳng những được bảo vệ an toàn, mà còn được tăng cường. Đến khi có Nghị quyết Trung ương 15, phong trào ở đồng bằng mới dần dần phục hồi. Huyện Bình Sơn có 16 chi bộ, huyện Tư Nghĩa có 3 chi bộ, huyện Nghĩa Hành 2 chi bộ, huyện Mộ Đức 1 chi bộ, huyện Đức Phổ 18 chi bộ. Ở miền núi phong trào phát triển nhanh, mạnh, 20 xã của Trà Bồng và 10 xã của Sơn Hà đều có chi bộ. Các huyện Ba Tơ, Minh Long hầu hết các xã có chi bộ. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để cuộc khởi nghĩa Trà Bồng nổ ra sớm, đúng như chủ trương của tỉnh và nhanh chóng giành thắng lợi.

Tháng 2-1958, đúng vào dịp Tết âm lịch, tỉnh ủy Quảng Ngãi họp ở xóm Di Ngân, xã Trà Trung, huyện Trà Bồng bàn về “Bản đề cương cách nạng miền Nam” và ý kiến1 chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương. Đề cương cách mạng miền Nam và chỉ thị của Ban bí thư đã xác định cho những người lãnh đạo Quảng Ngãi phương hướng đưa phong trào tiến lên. Tỉnh ủy hoàn toàn nhất trí với quan điểm: Con đường cách mạng miền Nam chỉ có thể dùng bạo lực cách mạng của quần chúng chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù và, phải dựa vào lực lượng chính trị lực lượng vũ trang của quần chúng để khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc họp đi sâu bàn những công việc chuẩn bị lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dụng cụ sản xuất đủ trong 3 năm trước khi tiến hành khởi nghĩa. Tỉnh ủy chú trọng vấn đề sản xuất tự túc, xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng vũ trang ở miền Tây.

Cuộc hội nghị này mở đầu cho việc vũ trang khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Sau cuộc họp, đồng chí Phạm Thanh Biền, ủy viên thường vụ tỉnh ủy cùng một đoàn cán bộ về khu báo cáo chủ trương của tỉnh và xin ý kiến lãnh đạo của cấp trên. Các đồng chí ở nhà tiến hành công tác chuẩn bị theo phương hướng cuộc hội nghị tỉnh ủy đã đề ra.

Đồng chí Trần Nam Trung (Trần Lượng), ủy viên Trung ương Đảng, bí thư khu ủy, thay mặt lãnh đạo miền Nam Trung Bộ nghe báo cáo và chỉ thị: “Nhận định của tỉnh là đúng. Đứng trước kẻ thù tàn bạo dùng lực lượng để tiêu diệt cách mạng của quần chúng, không từng bước kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang thì không thể giữ vững và phát triển phong trào. Ban lãnh đạo miền Nam Trung Bộ, ban lãnh đạo toàn miền Nam và cả Trung ương cũng đã nhất trí như vậy. Bây giờ phải ra sức chuẩn bị, tình thế đã đặt ra rồi... Phải vận dụng cả hai hình thức đấu tranh chính trị và vũ trang, phải mở rộng căn cứ địa hơn nữa đến vùng thấp, vùng giáp ranh và đồng bằng... Đối với vùng cao, khi có điều kiện cho phép thì tỉnh có thể phát động quần chúng nổi dậy diệt ác ôn, xóa ngụy quyền, thiết lập chính quyền nhân dân cách mạng. Nhưng phải tiến hành hết sức khéo léo, không kích thích địch có những phản ứng quyết liệt gây tổn thất cho phong trào chung. Đây là vấn đề nghệ thuật lãnh đạo… Đối với vùng thấp, vùng đồng bằng phải hết sức thận trọng, khi nào có chỉ thị của cấp trên mới cho nổi dậy khởi nghĩa”2. Như vậy, trên dưới đều “ý hợp tâm đồng” cả về quan điểm tư tưởng và phương pháp cách mạng. Đồng chí Phạm Thanh Biền trở về Quảng Ngãi báo cáo với Tỉnh ủy ý kiến của Khu ủy về phương hướng cách mạng miền Nam. Ngày 25-5-1958, Tỉnh ủy họp tại xã Trà Bùi nghe phổ biến ý kiến của Khu ủy, ra nghị quyết xây dựng căn cứ miền tây và đề ra phương châm đấu tranh ba vùng ở miền núi. Trong hội nghị này, Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông qua kế hoạch xây dựng vùng giáp ranh đồng bằng, vùng sâu đồng bằng và đô thị, đồng thời, quyết nghị củng cố và phục hồi các tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ, nông dân, phụ lão để tập hợp các phần tử tích cực trong các tầng lớp nhân dân các tộc người, rút thanh niên lên núi lập các đơn vị vũ trang, lập các đội quyết tử diệt ác với danh nghĩa “trả thù nhà”, đổi tên các đội nông binh đã xây dựng ở Nà Niu, Nước Tang, Nước Em và ở các huyện giáp ranh thành “trại sản xuất”. Hội nghị bàn kỹ cách kết hợp vũ trang với chính trị sao cho khéo mà giành thắng lợi lớn, ít tổn thất.

Trên cơ sở chủ trương nhất quán, phương hướng đúng, ngày 20-6-1958, Tỉnh ủy Quảng Ngãi triệu tập hội nghị toàn miền tây tại làng Búp, xã Trà Phong, bàn triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, 80 cán bộ từ khắp bốn huyện miền tây đã cơm đùm cơm gói, lội suối, trèo đèo về họp với khí thế mới bắt nguồn từ những chuyển biến mau lẹ của phong trào đấu tranh ở cơ sở. Hội nghị tuyên bố thành lập ban quân sự tỉnh do đồng chí Phạm Thanh Biền làm trưởng ban, lập các ban quân sự khu (huyện), xâ ở vùng cao.
______________________________________
1. Hồi đó mọi Nghị quyết chỉ thị của Trung ương đều gọi là “ý kiến của trên”.
2. Theo báo cáo của đồng chí Phạm Thanh Biền, nguyên phó bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi thời kỳ 1958-1961.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:47:12 pm »


Nhằm tập hợp quần chúng và phát động toàn dân chuẩn bị, tiến tới vũ trang khởi nghĩa, ngày 7-7-1958, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Đại hội nhân dân các dân tộc Trà Bồng tại Gò Rô thuộc xã Trà Phong. Đại hội có 200 đại biểu thuộc các tộc H’rê, Cor, Cà Dong, Kinh của bốn huyện miền Tây. Các cụ Tài, cụ Vinh, cụ Triều, cụ Kiến, cụ Bung, cụ Nà, cụ Chim... là những già làng yêu nước, những lãnh tụ nghĩa quân trước Cách mạng tháng Tám, khi Diệm đến, đã rút vào rừng sâu sống bất hợp tác với quân thù, xây dựng căn cứ, chờ ngày kháng chiến. Nay các cụ cũng về dự đại hội để tỏ lòng trung thành với cách mạng, với Bác Hồ. Cụ Gia, một lãnh tụ nghĩa quân từng chỉ huy đánh quân Pháp tại Gò Rô tháng 1-1939, đến tháng 8-1945 cụ đem nghĩa quân theo Việt Minh, cướp chính quyền ở Châu Lỵ và là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến đầu tiên của huyện Trà Bồng, lúc này cụ đã hơn 100 tuổi, không về được, đã cử con mình đến đại hội, nói lên ý chí tộc người Cor “chưa bao giờ khuất phục quân thù”. Phó Nía người giàu có nhất, nhưng suốt đời chống ngoại xâm và theo cách mạng, từ vùng cao Sơn Hà, không quản gian nguy, đến dự đại hội. Đinh Cày, Bí thư huyện ủy, một cán bộ lãnh đạo trung kiên của Đảng từ vùng thấp Sơn Hà lên, và nhiều đại biểu ở Ba Tơ, Minh Long sang, cùng một số đại diện cho tộc người Cà Rá cũng có mặt. Tất cả đều đem đến đại hội tình đoàn kết keo sơn giữa các tộc người và quyết tâm theo Bác Hồ, theo cách mạng đánh Mỹ - Diệm đến cùng. Báo cáo trước đại hội, ông Noa con cụ Gia, người đã từng bắn chết tên quan hai Pháp ở vùng cao Trà Bồng nói: “Phải đánh Mỹ - Diệm sớm chừng nào hay chùng nấy. Mỹ - Diệm như cây chùm gửi để lâu rễ mọc nhiều khó chặt. Có cách mạng, có Bác Hồ lãnh đạo, Kinh, Thượng đoàn kết cùng đánh, thì Mỹ - Diệm sẽ thua. Không đánh Mỹ - Diệm thì không giữ được đoàn kết, vì cái lòng, cái ruột của đồng bào mình đã muốn như vậy”1. Ban lãnh đạo tỉnh trao cho đại hội lá cờ mang dòng chữ “Suốt đời đi theo Bác Hồ làm cách mạng”. Cụ Triều, Cụ Kiến được đại hội cử lên nhận cờ. Cụ Triều phát biểu: “Nhân dân Trà Bồng, người dân tộc Cor xin hứa suốt đời đi theo Bác Hồ làm cách mạng, dù có chết, có cực khổ đến mấy, dù phải đánh Mỹ - Diệm hết đời này qua đời khác”2. Cuối cùng đại hội ra lời kêu gọi: “Các dân tộc anh em phải đoàn kết xung quanh Bác Hồ, đồng lòng hợp sức để đánh đổ Mỹ - Diệm. Mọi người không phân biệt dân tộc già, trẻ gái, trai phải tham gia lực lượng võ trang, luyện tập quân sự, làm vũ khí... sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền”3. Để phân hóa hàng ngũ địch, đại hội gửi một lá thư cho những người lầm đường, lạc lối. Thư có đoạn: “Ai chẳng căm hờn khi nhìn thấy cảnh nước non bị chia cắt, dân tộc bị dày xéo, đồng bào bị đau khổ. Ai mà không chảy nước mắt, đau lòng khi nhìn thấy cảnh tra tấn, tù đày những ông già, bà già 60, 70 tuổi, em nhỏ mới biết nói, chị phụ nữ có thai bị đánh đập hành hạ, nhà bị đốt, rẫy vườn bị phá. Ai mà không khổ tâm, nát cả lòng gan, dứt từng khúc ruột khi thấy đồng bào mình đau ốm, đói rách, chết chóc. Ai làm cho cha, con, vợ, chồng xa nhau, làm cho đồng bào chạy vào rừng sống chui rúc khổ cực. Ai bảo lính và đồng bào Kinh gọi đồng bào Thượng là “mọi rợ”? Mỹ - Diệm hay cộng sản? Ai tốt thì đồng bào theo, ai xấu thì đồng bào chống. Bốn năm rồi, đồng bào không theo Mỹ - Diệm mà theo nguyện vọng, theo lẽ phải. Nguyện vọng và lẽ phải đó là hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ, no ấm. Chính cộng sản, cách mạng, Bác Hồ làm việc tốt đó, chớ không phải Mỹ - Diệm...”4.

Đại hội Gò Rô là “Hội nghị Diên Hồng” chống Mỹ, cứu nước, thực hiện tình đoàn kết gắn bó và quyết tâm theo Đảng làm cách mạng của nhân dân các tộc người miền tây Quảng Ngãi.

Sau Đại hội, nhân dân các tộc người từ vùng cao đến vùng thấp miền tây Quảng Ngãi khẩn trương củng cố, xây dựng các căn cứ, tích trữ vật chất, tìm đào vũ khí, sẵn sàng chờ ý kiến của cấp trên. Cũng trong thời gian này, những cuộc nổi dậy diệt ác, trừ gian nổ ra ở nóc ông Vinh, xã Trà Lãnh, nóc ông Lùn, ông Chim xã Trà Khê. Tháng 12-1958, cuộc nổi dậy tương tự lại nổ ra ở nóc cụ Triệu, ông Dinh xã Trà Lãnh. Những cuộc nổi dậy lẻ tẻ đó, chứng tỏ nhân dân không thể cam chịu trước sự đàn áp của địch, họ phải chống lại kẻ thù để tìm con đường sống.

Trong không khí chuẩn bị và tập dượt quần chúng tiến tới vũ trang khởi nghĩa sôi động ở Trà Bồng, đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh ra đời. Ngày 3-3-1959, tại một địa điểm giữa hai thôn Nước Xoay và Cà Nung, xã Trà Thọ, vào lúc nửa đêm, đơn vị vũ trang 339 được thành lập do anh Bảo làm đội trưởng, anh Bùi chính trị viên. Các đồng chí Quý, Tân, Bốn là những tiểu đội trưởng đầu tiên. 33 cán bộ, chiến sĩ (27 thanh niên người Cor) làm lễ tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc. Hội thề “Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để đánh đổ Mỹ - Diệm, giành chính quyền về tay nhân dân”. Sáng hôm sau, có thêm 10 thanh niên từ các nơi đến gia nhập đơn vị 339, nâng tổng số cán bộ, chiến sĩ đơn vị lên 43 người. Tiếp theo, Trà Bồng mở đại hội thanh niên toàn huyện để cổ vũ, động viên thanh niên các tộc người phát huy vai trò xung kích trong nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Hoạt động của các tổ chức phụ nữ ở thôn, nóc nhằm vào việc sản xuất tự túc, làm công tác binh vận, địch vận cũng được đẩy mạnh. Những hoạt động chính trị đó, dẫn đến kết quả Mặt trận đoàn kết dân tộc, đoàn kết nhân dân phát triển và củng cố. Đảng đã nắm chắc các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, ban cán sự miền tây Quảng Ngãi đẩy mạnh các hoạt động vũ trang tuyên truyền, vũ trang diệt ác, hỗ trợ cho đấu tranh chính trị.
______________________________________
1, 2, 3. Theo báo cáo về Đại hội Gò Rô, ngày 7-7-1958, tài liệu lưu trữ Ban nghiên cứu lịch sử Đảng và Bảo tàng Quảng Ngãi.
4. Theo báo cáo về Đại hội Gò Rô, Tlđd.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:48:46 pm »


Tháng 6-1959, Nghị quyết 15 của Trung ương đến Quảng Ngãi. Tỉnh ủy Quảng Ngãi liền triệu lập hội nghị tỉnh ủy mở rộng để học tập và bàn biện pháp thực hiện. Lúc đầu dự định họp ở Mang Xinh, nhưng vừa khai mạc, thì bị địch càn, tỉnh ủy phải rời về họp tại chân núi Cà Đam, xã Trà Bùi. Các đồng chí lãnh đạo Quảng Ngãi rất vui mừng vì đối chiếu chủ trương của tỉnh từ trước đến giờ, căn bản đi đúng đường lối của Trung ương. Nghị quyết 15 giúp cho lãnh đạo Quảng Ngãi nhận thức sâu sắc về mối quan hệ, tác động giữa phong trào ở địa phương với toàn quốc, giữa Việt Nam với quốc tế, làm sáng tỏ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, cũng như phương pháp cách mạng và sách lược cách mạng của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo Quảng Ngãi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, nỗi băn khoăn, lo ngại trước đây được giải quyết.

Về phía địch, Mỹ - Diệm đang ráo riết tuyên truyền chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội bù nhìn. Mưu đồ của chúng là tổ chức “cuộc bầu cử thắng lợi sẽ đánh bật ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản”1. Địch huy động lực lượng quân sự càn quét khắp miền Nam để hỗ trợ cho các đoàn “chiến tranh chính trị” đi tuyên truyền, mua chuộc nhân dân. Riêng miền tây Quảng Ngãi. địch dùng sư đoàn 22 càn quét đánh phá ác liệt, hòng bắt dân khuất phục phải đi bỏ phiếu.

Tỉnh ủy Quảng Ngãi đưa ra khẩu hiệu “Chống bầu cử” thay cho khẩu hiệu “Chống dồn dân” trước đây và chủ trương cho miền tây kiên quyết tẩy chay cuộc bầu cử của địch, còn ở vùng xuôi thì dùng hoạt động võ trang để phá bầu cử, tạo cho dân có cớ không đi bỏ phiếu. Riêng vùng cao Sơn Hà, Trà Bồng kiên quyết đấu tranh không cho địch tổ chức bầu cử, nếu bị đàn áp, thì phát động quần chúng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Ở vùng cao Minh Long, Ba Tơ, các cấp ủy ở đó lãnh đạo nhân dân không đi bỏ phiếu; vùng thấp thì tổ chức diệt ác, trừ gian, cài người của ta vào nắm chính quyền cơ sở. Đối với huyện đồng bằng, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với vũ trang hỗ trợ để phá bầu cử, nếu bị ép buộc phải đi bỏ phiếu, thì lãnh đạo nhân dân bỏ phiếu trắng, đồng thời sử dụng các tổ, đội vũ trang đánh vào trụ sở bầu cử, gây rối loạn, để nhân dân có cớ tẩy chay bầu cử. Khẩu hiệu hành động đưa ra đúng lúc đã có tác dụng như một chất xúc tác kích thích tinh thần quật khởi của quần chúng, đẩy tình thế cách mạng nhanh đến độ chín muồi. Trong những ngày này, miền tây Quảng Ngãi đang sục sôi khí thế cách mạng của những ngày tiền khởi nghĩa.

Ngày 19-8-1959, tại thôn Tà Ngam, xã Sơn Lập, huyện Sơn Hà, tỉnh ủy Quảng Ngãi thành lập đơn vị vũ trang thứ hai phiên hiệu 89. Đơn vị 89 có 36 người (đông nhất là người Re và Cà Dong), do đồng chí Dường (người Re) làm đội trưởng, đồng chí Hồng (người Kinh) làm chính trị viên.

Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Quảng Ngãi thành lập thêm đơn vị vũ trang thứ ba, phiên hiệu 229 (lập ngày 2-9-1959). Cuối năm 1959, tỉnh thành lập thêm hai đơn vị vũ trang nữa, với phiên hiệu V9 (lập tháng 9) và V12 (lập tháng 12). Đơn vị V12 gồm các cán bộ đại đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng đặc công từ miền Bắc mới vào. Đây là đơn vị đặc công đầu tiên của Quảng Ngãi.

Vấn đề quan trọng đặt ra lúc bấy giờ là giải quyết trang bị cho lực lượng vũ trang. Ăn, mặc đã có dân lo, nhưng còn vũ khí? Trong điều kiện chưa có chi viện từ miền Bắc. Tỉnh ủy quyết định phải tìm đào các hầm súng đã chôn trước khi tập kết lực lượng ra Bắc. Đồng chí Nguyễn Đa và Nguyễn Quyết là những người chôn súng, đã đi tập kết, năm 1958, Trung ương đưa về tăng cường cho Quảng Ngãi, được phân công tìm đào súng. Các đồng chí nhớ súng chôn ở các huyện Ba Tơ, Sơn Tịnh, Mộ Đức... Thời gian và mưa nắng đã xóa sạch dấu vết, đồn bốt địch lại ken dày, địa hình thay đổi, tìm được nơi chôn súng không phải dễ, có khi hy sinh cả tính mạng. Với tinh thần vượt khó của người đảng viên, các đồng chí lần mò trong đêm tối, vượt qua bao gian nguy, lên rừng, xuống biển, nhưng chỉ tìm đào được hầm súng ở Ba Tơ. 42 khấu súng trường, 3 súng trung liên và một số súng ngắn, lựu đạn đào được là cái vốn ban đầu cực kỳ quý báu, để góp phần làm nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng.

Trong lúc ta đang khẩn trương chuẩn bị, ngày 23-8-1959, địch điều quân lên Trà Bồng, bủa vây các xã, cưỡng bức dân đi học tập bầu cử. Cuộc đụng độ giữa ta và địch diễn ra lẻ lẻ ở một vài nơi. Tình hình ở các địa phương biến chuyển mau lẹ và phức tạp, đơn vị 339 mới thành lập và các nhóm vũ trang tự vệ được cử xuống những vùng xung yếu hoạt động hỗ trợ cho dân.

Ngày 25-8-1959, Thường vụ tỉnh ủy họp bất thường và chủ trương “tìm mọi cách tổ chức cho nhân dân tránh né không đi bầu cử và tránh xô xát với địch, triệt để lợi dụng sơ hở, khó khăn của địch để chuẩn bị đầy đủ hơn cho cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn. Nếu địch lấn tới, khủng bố quần chúng thì kiên quyết lãnh đạo nhân dân cầm vũ khí đánh trả để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, giữ vững khí thế cho quần chúng. Riêng đối với vùng trung tâm căn cứ (khu 2) thì bất luận thế nào cũng không để cho địch xâm nhập, phải trừng trị chúng ngay lúc mới đặt chân lên”2. Gần đến ngày bầu cử, nổ ra cuộc biểu tình chống Diệm của nhân dân xã Trà Thủy, Trà Giang ngoài dự kiến của lãnh đạo. Đồng chí Tám Tú, bí thư tỉnh ủy cho người xuống giải tán không cho biểu tình, để tiếp tục học tập, chuẩn bị, mặt khác cố tránh hành động quá khích, kích động địch phản ứng, sẽ gây khó khăn cho ta. Địch đe doạ bắn chết, đốt nhà những ai không đi bỏ phiếu. Nhân dân cương quyết tẩy chay. Tình hình rất căng thẳng.
______________________________________
1. Báo Cách mạng Quốc gia số ra ngày 20-5-1959 tại Sài Gòn.
2. Trích Nghị quyết Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ngãi ngày 25-8-1959, Lưu trữ tại Ban tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM