Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:32:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 - Tập 2  (Đọc 89073 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2010, 11:13:41 pm »


Bám sát thực tiễn rèn luyện và công tác của bộ đội, theo dõi diễn biến trong nước và trên thế giới, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân tổ chức nhiều đợi học tập về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; triển khai các cuộc vận động lớn “nâng cao giác ngộ XHCN, rèn luyện lập trường, quan điểm giai cấp vô sản”, “xây dựng chi bộ vững mạnh”... Ngoài ra, Tổng cục Chính trị cũng đã ban hành và tổ chức học tập các tài liệu “làm một người đảng viên tốt”, “Nghĩa vụ và quyền hạn của đảng viên”, “Chế độ tập trung dân chủ của Đảng” cho cán bộ, đảng viên; mở nhiều lớp bồi dưỡng cho đối tượng kết nạp đảng viên. Lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bầu không khí xã hội miền Bắc và tấm gương của đội ngũ đảng viên có sức lôi cuốn đoàn viên, thanh niên quân đội, cổ vũ họ trong rèn luyện, công tác, học tập. Trên cơ sở đó, hàng chục nghìn đoàn viên chiến sĩ được thử thách và tôi luyện trong thực tế, được giáo dục về lý tưởng cộng sản đã gia nhập hàng ngũ Đảng. Năm 1960, trong quân đội, đảng viên chiếm gần 40% tổng quân số. Chất lượng và số lượng đảng viên đáp ứng sự lãnh đạo của Đảng làm cho quân đội luôn luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chất lượng đội ngũ cán bộ quyết định việc xây dựng và chiến đấu của quân đội. Ngày 17-5-1955, Tổng quân ủy chỉ thị cho cơ quan cán bộ các cấp trong toàn quân phải “nắm vững tiêu chuẩn đức, tài, hết sức mạnh dạn đề bạt cán bộ công - nông, đồng thời cất nhắc thích đáng cán bộ các thành phần khác đã được thử thách, biểu hiện tiến bộ, trung thành với cách mạng”1. Để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, hệ thống nhà trường quân sự tiếp tục được tăng cường về số lượng, chất lượng giảng dạy, đào tạo. Ngoài các trường đã có, thời kỳ 1957-1960, Trường cán bộ Hậu cần, Trường sĩ quan Pháo binh, Trường sĩ quan Quân y, Trường Hàng không (tiền thân của Trường sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân), Trường sĩ quan Công binh, Trường Không quân Việt Nam,... lần lượt được thành lập. Các quân khu tổ chức các trường quân chính, trường văn hóa. Bên cạnh số cán bộ được đào tạo, bổ túc ở các trường quân sự chính quy, các đơn vị đã mở các lớp huấn luyện, bổ túc cán bộ tại chỗ. Ngoài ra, 2400 người được quân đội cử ra nước ngoài học tập.

Được huấn luyện tại chức và tại trường, trình độ lý luận, năng lực tổ chức, chỉ huy, quản lý quân đội của đội ngũ cán bộ quân đội được nâng lên rõ rệt. Cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn đều có khả năng xây dựng chương trình, lập kế hoạch và tổ chức thực hành huấn luyện bộ đội theo nền nếp chính quy... Đến năm 1960, trong số 34.856 cán bộ cấp trung đội trở lên, 17.960 người đã qua các lớp bổ túc hoặc tốt nghiệp các khóa đào tạo tại các trường quân sự trong và ngoài nước. Từ năm 1955 đến năm 1960, 32.636 cán bộ được đề bạt lên một đến hai cấp. Trong quá trình đề bạt, một số đơn vị có hiện tượng chỉ nhấn mạnh tiêu chuẩn mà xem nhẹ việc bồi dưỡng; hoặc có biểu hiện hẹp hòi, thành phần chủ nghĩa. Những biểu hiện đó được Tổng quân ủy chấn chỉnh và từng bước khắc phục.

Trên cơ sở tổ chức, biên chế, trang bị thống nhất và có các điều kiện đảm bảo, đội ngũ cán bộ các cấp được đào tạo tương đối chính quy, nhiệm vụ huấn luyện quân sự đi dần vào nền nếp. Chiến sĩ được trang bị những kiến thức cơ bản về chính trị, lý thuyết binh khí kỹ thuật, bắn súng, ném lựu đạn, vượt vật cản. Các đơn vị tổ chức huấn luyện chiến thuật tiến công và phòng ngự từ cấp tiểu đội đến tiểu đoàn được huấn luyện cách vượt sông và tác chiến ban đêm trên địa hình trung du, miền núi và đồng bằng đạt kết quả tốt. Từ giữa năm 1957, một số đơn vị bắt đầu huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng cấp trung đoàn, sư đoàn nhằm rèn luyện, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Bộ Tổng tham mưu tổ chức nhiều cuộc diễn tập cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn chiến đấu phòng ngự, tiến công, đánh địch đổ bộ đường biển, đường không và các cuộc diễn tập có thực binh của cơ quan tham mưu cấp trung đoàn, sư đoàn.

Giữa những ngày tháng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên miền Bắc đang ra sức thực hiện kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, xây dựng quân đội nhân dân tiến dần tùng bước lên chính quy và tương đối hiện đại, thì tại miền Nam, Mỹ - Diệm điên cuồng mở các cuộc hành quân càn quét đánh phá ác liệt các vùng nông thôn, để dồn dân vào các khu dinh điền, khu trù mật để khống chế kìm kẹp họ, hòng dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân. Ngày 1-12-1958, chúng đầu độc hàng trăm cán bộ và đồng bào bị giam tại nhà tù Phú Lợi. Tin về vụ thảm sát này lập túc gây nên làn sóng căm phẫn sôi sục trong mọi người dân miền Bắc. Ở các địa phương, hàng triệu lượt người đã biểu tình, mít tinh lên án hành động phát xít của đế quốc Mỹ và tay sai, đòi trả thù cho đồng chí, đồng bào miền Nam ruột thịt. Hướng về miền Nam, các đơn vị trong toàn quân càng đẩy mạnh phong trào thi đua “Tiến nhanh hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng quân đội”, “Huấn luyện sát với thực tế chiến trường”... Các sư đoàn, lữ đoàn luyện tập hành quân cơ động lực lượng trên khu vực địa hình rừng núi, đồng bằng bị sông ngòi chia cắt. Một số đơn vị huấn luyện chiến đấu trên địa hình đồng bằng có nhiều làng mạc, sông ngòi, đồng nước và huấn luyện chiến đấu trong điều kiện có sự chi viện của trên về hỏa lực pháo binh và xe tăng. Nhiều đon vị cơ động của Bộ tập hành quân đường dài, sẵn sàng lên đường chiến đấu khi có lệnh. Các đơn vị từng chiến đấu ở chiến trường Lào tập luyện tiến công và phòng ngự trên địa hình rừng núi trong mọi tình huống... Quân khu IV khẩn trương nghiên cứu và huấn luyện cách tổ chức, đảm bảo cho bộ đội hành quân đường dài ra trận...

Đúc rút kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, tháng 3-1959, Bộ Tổng tham mưu triệu tập Hội nghị tổng kết công tác huấn luyện chiến đấu. Hội nghị đã phân tích những ưu điểm, khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bộ đội, chỉ ra nguyên nhân, khẳng định tính đúng đắn cơ bản của phương châm, nguyên tắc, nội dung, phương pháp huấn luyện mà Bộ Tổng tham mưu đã ban hành. Hội nghị phê phán những biểu hiện máy móc, giáo điều, thiếu tính linh hoạt trong việc huấn luyện bộ đội ở một số đơn vị, nhấn mạnh yêu cầu phải vận dụng sáng tạo hình thức chiến thuật trong quá trình huấn luyện, tập dượt cho phù hợp với điều kiện địa hình, đặc điểm chiến trường và thích ứng với trang bị, vũ khí, điều kiện đảm bảo của quân đội ta, với đối tượng tác chiến mới.
______________________________________
1. Dẫn theo Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, t. 2, q. 1, Sđd, tr. 63.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2010, 11:14:26 pm »


Cùng với huấn luyện quân sự, việc học tập và thực hiện điều lệnh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của quân đội. Từ năm 1956, Điều lệnh nội vụ, Điều lệnh đội ngũ, Điều lệnh kỷ luật, Điều lệnh cảnh bị được triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quân. Đây là cuộc đấu tranh không kém phần gian khổ, khó khăn giữa một bên là thói quen tự do, tùy tiện... và bên kia là hành động theo điều lệnh nhằm bảo đảm sự thống nhất, tác phong chính xác, khẩn trương, sẵn sàng chiến đấu cao của quân đội. Qua học tập rèn luyện việc thực hiện chế độ điều lệnh được tuân thủ, dần trở thành nền nếp, giúp cho bộ đội hành động khẩn trương chính xác, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng quân đội còn bộc lộ một số thiếu sót. Quá trình tiếp thu, học tập kinh nghiệm của quân đội các nước XHCN về xây dựng chính quy, hiện đại, chúng ta đã có những biểu hiện giáo điều, máy móc, vận dụng kinh nghiệm nước ngoài thiếu chọn lọc. Chúng ta chậm tổng kết những kinh nghiệm quý báu mà quân đội đã trải qua thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong huấn luyện, một số đơn vị đã có “Những biểu hiện máy móc trong công tác, trong xử trí tình huống, chỉ căn cứ vào những quy định của điều lệnh mà không nghiên cứu vận dụng những cách phù hợp với điều kiện trang bị của quân đội ta và đặc điểm chiến trường nước ta, chỉ chú trọng huấn luyện cơ bản, thiếu kết hợp với nhiệm vụ tác chiến”1

Dù vậy, sáu năm sau hòa bình, trong khi tập trung sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình mọi mặt, những kết quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng quân đội là một nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Cùng với việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân không ngừng được củng cố xây dựng.

Đảng, Nhà nước luôn luôn giáo dục cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới thấy rõ việc xây dựng quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là nhiệm vụ chung của mọi người. Trong đường lối, chính sách của mình, Đảng và Nhà nước đều chú ý kết hợp nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội với yêu cầu củng cố quốc phòng - an ninh.

Thời kỳ 1955-1960, nhân dân miền Bắc đã đóng góp tiền của, công sức cùng bộ đội xây dựng hệ thống công sự phòng thủ vùng ven biển và giới tuyến quân sự, giữ lại và cải tạo hệ thống công sự cũ của Pháp, phục hồi và làm mới nhiều tuyến giao thông chiến lược, bảo quản tốt hệ thống sân bay hiện có; sửa chữa, phục hồi và mở rộng hệ thống cầu, cảng, xây dựng mạng lưới bưu điện, thông tin... Toàn bộ hệ thống nông trường quốc doanh nhà máy, xưởng sản xuất và hệ thống đường giao thông, bưu điện được xây dựng, phát triển theo hướng phục vụ “Quốc kế, dân sinh” trong thời bình và đáp ứng nhu cầu quân sự khi có chiến tranh. Việc xây dựng những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng không tính vào chi phí quốc phòng mà do ngân sách nhà nước đảm bảo. Đồng thời với việc xây dựng, bố trí các công trình phòng thủ, tháng 8-1958, ta mở hội nghị xây dựng lực lượng hậu bị toàn miền Bắc, và tiến hành đăng ký quản lý huấn luyện quân dự bị. Đến năm 1960, lực lượng hậu bị trong danh sách đăng ký của Bộ Quốc phòng là 78 vạn, trong đó có 30.000 quân nhân phục viên, chuyển ngành, 78.000 đoàn viên thanh niên lao động.

Căn cứ vào bố trí chiến lược chung, Trung ương Đảng và Chính phủ chia miền Bắc thành sáu quân khu: Quân khu IV, Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn, Quân khu Tây Bắc, Quân khu Việt Bắc, Quân khu Đông Bắc. Trên các địa bàn chiến lược này, bộ tư lệnh quân khu là cơ quan quân sự cao nhất có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, xây dựng tiềm lực quân sự trong thời bình và tổ chức, chỉ huy lực lượng vũ trang phối hợp với nhân dân địa phương thực hành tác chiến theo phương án chung.

Ra khỏi cuộc chiến tranh, đất nước nghèo nàn, kinh tế kiệt quệ, nhưng Đảng và Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã bảo đảm định lượng hàng ngày cho 33 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân từ các chiến trường dồn về miền Bắc; bảo đảm chế độ chính sách cho 36.914 thương binh, trong đó 41% là thương binh nặng và hàng chục ngàn gia đình liệt sĩ, hàng vạn bệnh binh. Hàng năm, ngân sách quốc gia đã giành một khoản chi lớn cho quốc phòng, nếu so với năm 1955 thì đến năm 1958, mức chi tăng lên 50,6% và năm 1960 là 80,5%. Đó là những cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Quan tâm tới sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, Đảng, Nhà nước chăm lo tới cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của bộ đội và gia đình họ. Ngày 20-12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban hành chế độ phục vụ của sĩ quan (quy định quân hàm, quân hiệu), chế độ tiền lương và chế độ khen thưởng cho quân đội nhân dân. Tại buổi lễ trao quân hàm cho cấp từ thượng tá trở lên (ngày 22-12-1958 ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dù ở cương vị nào các đồng chí đều phải luôn luôn gương mẫu, luôn luôn xứng đáng là người đày tớ trung thành, tận tụy của nhân dân”2.

Đầu năm 1958, được phép của Hội đồng chính phủ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo thí điểm thực hiện nghĩa vụ quân sự ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hải Dương, Sơn La... Rút kinh nghiệm đợt thí điểm gọi thanh niên nhập ngũ theo chế độ nghĩa vụ quân sự, ngày 31-12-1959, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức thông qua Luật nghĩa vụ quân sự và đến tháng 4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ban hành. Từ chế độ tòng quân tình nguyện chuyển sang chế độ nghĩa vụ quân sự là bước phát triển mới của sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Chế độ nghĩa vụ quân sự cho phép tăng cường lực lượng hậu bị, giảm bớt số quân thường trực; tiết kiệm tài, lực cho công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xây dựng tiềm lực quân sự. Ngoài ra, chế độ nghĩa vụ quân sự cho phép phổ cập tri thức quân sự, nâng cao ý thức quốc phòng trong nhân dân; động viên được sự tham gia, đóng góp của toàn dân vào sự nghiệp xây dựng quân đội.


*
*   *

Như vậy, sau ngày được hoàn toàn giải phóng, trước những bề bộn, ngổn ngang của bao công việc, miền Bắc phải dành một khoảng thời gian sáu năm và dồn tâm lực để khắc phục những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội sau hơn 80 năm mất nước và 15 năm tàn phá của chiến tranh. Sáu năm củng cố miền Bắc, sản xuất được khôi phục, đời sống nhân dân ổn định, xã hội có những chuyển biến sâu sắc về kết cấu kinh tế hạ tầng, kết cấu giai cấp, chuyển biến về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một chế độ mới. Sau những năm dài nô lệ lầm than trước Cách mạng tháng Tám và gian khổ, hy sinh trong chín năm kháng chiến, đây là thời kỳ phấn khởi và đầy tin tưởng của nhân dân miền Bắc. Dù cuộc sống còn lắm cực nhọc, còn nhiều vất vả, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn đang tìm tòi thể nghiệm, nhưng mọi người, mọi nhà sống chan hòa, ổn định và bình yên trong chế độ xã hội mới - một chế độ mà áp bức, bất công, thù hận, tủi nhục... đã trở thành dĩ vãng. Mọi người tin yêu nhau, tin yêu Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, đoàn kết thành một khối thống nhất.

Đó là những điều kiện cần có được tạo ra trong sáu năm đầu sau hòa bình, làm cơ sở cho việc xây dựng miền Bắc trở thành căn cứ địa vững mạnh của cả nước, chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
______________________________________
1. Tổng kết huấn luyện bốn năm, lưu trữ tại Bộ Quốc phòng. Hồ sơ 404-TTM.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 7, Sđd, tr.227.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:09:42 pm »


Chương VI
MỸ - DIỆM ĐÃ ĐẨY NHÂN DÂN MIỀN NAM VÀO TÌNH THẾ
PHẢI KẾT HỢP ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VỚI VŨ TRANG TỰ VỆ


I- ĐỊCH MỞ CÁC CHIẾN DỊCH TỐ CỘNG VÀ DỒN DÂN DIỆT TRỪ NHỮNG NGƯỜI YÊU NƯỚC

Khi các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” giai đoạn I đang còn tiếp diễn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã triển khai kế hoạch này ở giai đoạn II - thực hiện trên toàn miền Nam (từ tháng 7-1956 trở đi), nhằm tiêu diệt tận gốc những “phần tử cộng sản”, “thanh lọc dân cư”, bắt nhân dân miền Nam phải theo Mỹ - Diệm. Với mục đích đó, địch tập trung lực lượng tổ chức liên tiếp nhiều cuộc hành quân quy mô vừa và lớn trên hầu khắp các địa phương, dùng bom dạn Mỹ tàn sát nhân dân miền Nam để hỗ trợ cho “tố cộng, diệt cộng”. Chính những hành động trên là nguyên nhân thúc đẩy nhân dân miền Nam chống lại chính quyền Diệm để mong tự cứu lấy mình và cứu nước.

Theo quan điểm của Mỹ, muốn giành được dân phải xây dựng ngụy quyền tay sai và quân ngụy bản xứ mạnh. Do đó, Mỹ - Diệm đưa ra hai biện pháp: một là củng cố chính quyền bằng biện pháp chính trị và kinh tế; hai là ủng hộ chính quyền bằng cách củng cố quân đội làm chỗ dựa cho chính phủ đó. Mỹ đã tiến hành huấn luyện quân đội ngụy do Pháp để lại và bắt lính bổ sung quân số tổ chức thành “quân đội quốc gia” coi đó là một trong những biện pháp hữu hiệu hàng đầu làm cho chính quyền ngụy Sài Gòn mạnh lên.

Để đảm bảo hiện đại hóa quân đội Sài Gòn và củng cố chính quyền tay sai, Mỹ đã cung cấp tiền của, vũ khí chiếm tới 70-80% toàn bộ ngân sách của Diệm. Về tiền, năm 1956 Mỹ chi cho Sài gòn 234 triệu, năm 1957 là 162 triệu, năm 1958 là 144 triệu đôla. Về vũ khí, quân dụng, năm 1956, Mỹ chở sang miền Nam 82 chuyến, 1957: 109 chuyến; 1958: 104 chuyến; 1959: 187 chuyến.

Sau khi đã cơ bản thanh lọc và cải tạo xong về mặt tổ chức, tháng 6-1957, chính quyền Diệm đưa ra “Luật quân dịch” để ép buộc thanh niên đi lính và bắt đầu thực hiện kế hoạch năm năm xây dựng quân đội - một kế hoạch dựa trên cơ sở tình hình nội địa lúc bấy giờ đã tương đối ổn định. Phương hướng, mục tiêu được đặt ra là: xây dựng quân đội chú trọng chất hơn lượng, lấy lục quân làm chủ yếu, đạt được trình độ chính quy về tổ chức, tương đối hiện đại về trang bị, có khả năng tác chiến đơn vị lớn trên mọi địa hình mà đối lượng chủ yếu là quân đội chính quy Bắc Việt Nam.

Tổng quân số biên chế trong quân đội ngụy vẫn duy trì ở mức xấp xỉ 155.000 quân chính quy, 52.000 bảo an và 53.000 dân vệ. Địch bỏ hình thức tổ chức sư đoàn dã chiến và khinh chiến. Từ 10 sư đoàn trước đây chấn chỉnh lại thành 7 sư đoàn mạnh, thống nhất tên gọi là “Sư đoàn bộ binh” có biên chế, trang bị thống nhất, huấn luyện theo hướng tác chiến hiệp đồng binh chủng. Do việc giải tán bớt 3 sư đoàn khinh chiến số 12 ở Công Tum, số 13 ở Tây Ninh, số 16 ở Quảng Trị, nên 7 sư đoàn còn lại không chỉ được bổ sung đầy đủ về quân số và trang bị, mà mỗi sư đoàn còn được biên chế 2 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn tăng thiết giáp (trước đây chỉ có 1 tiểu đoàn pháo và 1 đại đội thiết giáp).

Nội dung huấn luyện chủ yếu của quân đội ngụy lúc này là diễn tập phòng ngự và chiến đấu trì hoãn theo từng tuyến có kết hợp huấn luyện tấn công phân đội nhỏ, tăng cường huấn luyện hành quân bộ. Do điều kiện địa hình chi phối, dựa theo giả định về hướng hoạt động của ta, địch áp dụng phương án huấn luyện trên mỗi khu vực cũng khác nhau. Ở khu vực dọc Duyên Hải miền Trung, nặng về hình thức tác chiến theo tuyến, còn dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia, thì thiên về phòng thủ nhằm chặn lực lượng ta có thể mượn đất Campuchia làm bàn đạp đánh vào. Tin tưởng vào các phương án huấn luyện như trên, nên Ngô Đình Diệm đã khẳng định khả năng của quân đội Việt Nam Cộng hòa tại Oasinhtơn ngày 11-5-1957 như sau: “Tôi tin rằng chúng tôi có thể chặn đứng khá lâu cuộc tấn công của quân cộng sản để cho lực lượng của khối SEATO đủ thời gian vào giúp chúng tôi. Mọi cuộc xâm lăng của cộng sản có thể bị chặn lại bằng một sự hợp tác kiểu ấy giữa lực lượng của Nam Việt Nam và SEATO”1.

Từ việc phân định nhiệm vụ như vậy, nên lực lượng chủ lực địch được sắp xếp như sau: 2 sư đoàn và 2 liên đoàn dù và thủy quân lục chiến bố trí trên chiến trường Nam Bộ, nhằm vào hai trọng điểm biên giới Tây Ninh - Thất Sơn và bắc Sài Gòn. Sư đoàn bộ binh số 7, bố trí cơ sở chỉ huy ở Biên Hòa, có 1 trung đoàn ở Thất Sơn - Hậu Giang, 1 tiểu đoàn ở Cái Vồn và 2 trung đoàn (thiếu) ở Biên Hòa (sư đoàn bộ binh số 7 tiền thân là sư đoàn dã chiến số 4 tổ chức lại). Sư đoàn bộ binh số 21 (sư đoàn khinh chiến số 11 cũ) chỉ huy sở đóng tại Tây Ninh, bố trí 1 trung đoàn ở Tây Ninh, 1 trung đoàn ở Bến Cát, 1 trung đoàn ở Chơn Thành (dọc theo quốc lộ 13 đi bắc Sài Gòn). Quân dù và thủy quân lục chiến giữ ở Vũng Tàu và Sài Gòn.

Ở phía bắc gần giới tuyến, địch bố trí 2 sư đoàn: sư đoàn bộ binh 1 (tức sư đoàn 1 dã chiến cũ) bố trí ở Huế, sư đoàn bộ binh 2 (sư đoàn dã chiến số 2 trước đây) đóng tại Đà Nẵng.

Cao nguyên miền Trung, quân ngụy dùng 3 sư đoàn còn lại: sư đoàn bộ binh số 5 (sư đoàn 3 dã chiến cũ) ở Buôn Ma Thuột, sư đoàn bộ binh 22 (sư đoàn khinh chiến số 14 cũ) ở Kon Tum, còn sư đoàn bộ binh 23 (sư đoàn khinh chiến số 15 trước kia) ở Plây Cu.

Với cách bố trí lực lượng trên đây, Mỹ - Ngụy đã thiết lập được hệ thống phòng thủ mạnh và kín trên toàn miền Nam, nhưng vẫn bảo đảm ưu tiên cho vùng trọng điểm, vừa để bảo vệ giới tuyến, lãnh thổ, quyết chia cắt lâu dài miền Nam với miền Bắc, vừa tập trung được lực lượng tổ chức các cuộc hành quân càn quét gom dân, hỗ trợ cho quốc sách “tố cộng, diệt cộng”.
______________________________________
1. Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ - ngụy trên chiến trường B2. Bản tổng kết chiến tranh B2 - Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 10-1984.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:10:40 pm »


Ngoài việc chăm lo, củng cố và tăng cường quân đội Sài Gòn, Mỹ cũng không ngừng đầu tư vào nắm lực lượng công an, cảnh sát, an ninh, mật vụ ngụy thông qua phái đoàn Trường đại học Misigân. Mở đầu bằng việc Diệm ký với trường này hiệp ước danh nghĩa giúp tăng cường hiệu lực của cơ quan hành chính và cơ quan cảnh sát quốc gia, sau được bổ sung nhiều lần vào tháng 3-1957 và ngày 8, ngày 27-5-1958... Với hiệp ước trên, phái đoàn MSU trực tiếp tham gia huấn luyện, đào tạo cán bộ cảnh sát, công an ngụy tại các trung tâm huấn luyện Vũng Tàu, Sài Gòn. Trọng tâm của chương trình huấn luyện đi sâu vào việc truy lùng, đàn áp, tra tấn... những người cách mạng. Năm 1957, Mỹ đã cung cấp cho ngành an ninh cảnh sát Sài Gòn 22 xe gíp, đưa hàng trăm cố vấn công an mật vụ sang miền Nam. Năm 1958, cung cấp thêm 29 triệu đồng, 405 xe chuyên dùng, xe vận tải và chi 5,5 triệu đôla cho việc mua dụng cụ, máy móc tra tấn, thẩm vấn, phục vụ cho chương trình “tố cộng, diệt cộng”. Năm 1959, Mỹ lại viện trợ tiếp 539 xe các loại, cấp 176.000 đôla cho kinh phí đào tạo cán bộ ngành an ninh, cảnh sát ngụy.

Đối với lực lượng bảo an, mỗi tỉnh (tiểu khu) có 1 tiểu đoàn, mỗi quận (huyện) có 1 đại đội. Lực lượng bán vũ trang mỗi quận có 1 tổng đoàn, mỗi xã có từ 1 đến 2 tiểu đội dân vệ (2/3 quân số được trang bị súng trường). Thực hiện quân sự hóa chính quyền cơ sở, mỗi tỉnh bố trí đại tá làm tỉnh trưởng, còn các cấp quận trưởng là đại uý. Các ty công an cảnh sát, ty hiến binh, tỉnh đoàn bảo an, dân vệ được củng cố và mở rộng. Đặc biệt, từ thời gian này trở đi, Mỹ - Diệm bắt đầu chú trọng nhiều tới việc phát triển lực lượng bảo an, dân vệ, và coi đây là thành phần cần thiết cho nhiệm vụ bảo đảm an ninh nội địa. Các đơn vị bảo an, dân vệ được huấn luyện thống nhất theo chương trình và thời gian quy định của Bộ Quốc phòng ngụy đặt ra hàng năm. Đối với các tỉnh xung yếu ở Nam Bộ, địch đặt chức tỉnh phó phụ trách nội an do các cán bộ quân sự đảm trách để tăng cường khả năng chỉ huy và đàn áp phong trào cách mạng ở cơ sở. Bên cạnh đó, chúng cũng hướng nhiệm vụ của hai tổ chức “Tập đoàn công dân” và “Phong trào cách mạng quốc gia” vào mục đích đàn áp và diệt cộng. Thành phần nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang của Diệm là những thanh niên công giáo di cư, bọn lưu manh gian ác có nhiều nợ máu và oán thù đối với cách mạng.

Để thống nhất việc chỉ huy, chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh hành quân, các bộ tư lệnh quân đoàn của quân đội ngụy lần lượt được tổ chức, hệ thống chỉ huy lãnh thổ từng bước được kiện toàn. Các quân chủng không quân và hải quân cũng dần dần được hoàn thiện. Để có nguồn cán bộ bổ sung cho các cơ quan chỉ huy và đơn vị quân đội, Mỹ - Diệm một mặt nhanh chóng triển khai xây dựng và mở rộng các trung tâm huấn luyện ở Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Thủ Đức, Đà Lạt..., mặt khác, chúng đưa người sang Mỹ và một số nước thuộc phe Mỹ đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn theo các trường của quân, binh chủng, các ngành kỹ thuật để sau đó trở về điều hành quân đội. Quân ngụy cũng được huấn luyện rập khuôn theo giáo trình và điều lệnh của quân đội Mỹ. Thông qua việc làm trên, Mỹ đã trực tiếp nắm và điều hành quân đội Việt Nam cộng hòa của Diệm.

Song song với việc xây dựng lực lượng vũ trang, kiện toàn bộ máy chỉ huy quân đội từ trên xuống dưới, Mỹ - Diệm nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống đường chiến lược, chiến thuật, chủ yếu là mở đường ôtô, nâng cấp hệ thống đường có sẵn và mở nhiều đường mới. Trọng điểm ưu tiên hàng đầu trong việc mở đường là làm các tuyến đường nối liền các căn cứ không quân và hải quân Ô Cấp (Vũng Tàu) - Biên Hòa - Sài Gòn, Nha Trang - Buôn Ma Thuột. Mở rộng và nâng cấp hệ thống đường giao lưu giữa bờ biển với Tây Nguyên, nổi bật là đường 19 nối liền miền Nam với Campuchia, kéo dài đường 14 song song với đường số 1 nối Sài Gòn với vùng giới tuyến, đường 21 từ Ninh Hòa đi Buôn Ma Thuột, đường số 20 từ Phan Rang đi Đà Lạt. đường 16 Đà Nẵng đi Hiệp Đức, đường số 5 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, đường số 7 từ Tuy Hòa đi Cheo Reo và đến Plây Cu... Trong địa bàn các tỉnh, địch mở nhiều đường chia cắt (đường nhanh) giữa khu du kích, khu căn cứ... của ta với vùng địch chiếm đóng để phục vụ cho các cuộc hành quân càn quét của chúng. Những năm này, Mỹ tăng cường tiền của, vật liệu cho Diệm mở rộng các phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), Hòa Bình (Buôn Ma Thuột) và dự định mở rộng sân bay Ô Cấp (Vũng Tàu) thành sân bay lớn, xây dựng xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, đầu tư nạo vét mở rộng và hiện đại hóa các căn cứ hải quân Cam Ranh, Nha Trang... Bên cạnh đó, hệ thống kho tàng chiến lược ở Sài Gòn, Biên Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn... và các kho nhánh ở Plây Cu, Buôn Ma Thuột... phục vụ cho tác chiến tại chỗ cũng khẩn trương được xây dựng và lắp đặt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:11:47 pm »


Để thực hiện âm mưu quân sự lâu dài không chỉ đối với miền Nam Việt Nam mà đối với cả Đông Dương, Mỹ - Diệm đã đầu tư xây dựng Tây Nguyên thành trung tâm quân sự mạnh có nguồn cung cấp nhân, vật lực tại chỗ và có hệ thống kho tàng dự trữ lớn cho chiến tranh. Về tác chiến, địch cho rằng chiến tranh xảy ra, đường số 9 là chiến tuyến thứ nhất, đường 19 và đường 19 kéo dài sẽ là chiến tuyến thứ hai, đường 21 là chiến tuyến thứ ba, đường 14 là trục chiến lược điều quân quan trọng. Buôn Ma Thuột là trung tâm quân sự, chính trị của TâyNguyên. Do đó Mỹ - Ngụy tổ chức các tỉnh Nam Tây Nguyên gồm Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng cùng các tỉnh đồng bằng Nam Khu V (Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận) thành Quân khu IV1.

Cùng với việc tổ chức và sắp xếp lực lượng vũ trang, Mỹ - Diệm triển khai giai đoạn II “tố cộng, diệt cộng” trọng điểm đánh vào miền Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đối với các tỉnh Khu V, địch tổ chức tố cộng lần hai, trọng điểm vùng rừng núi. Điều 7 Hiến pháp ngày 20-10-1956 của Diệm khẳng định: “Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thức đều trái với nguyên tác ghi trong hiến pháp”. Phương châm của quốc sách diệt cộng là: “Tiêu diệt Việt cộng không thương tiếc,... tiêu diệt như trong tình trạng chiến tranh, thà giết lầm chứ không bỏ sót”2. Khẩu hiệu hành động của địch từng bước, lâu dài, nhưng kiên quyết và triệt để; tiêu diệt nội tuyến, diệt trừ nội tâm, đạp lên oán thù để thực thi chủ nghĩa “nhân vị quốc gia”. Tháng 5-1957, chính quyền Diệm thông qua luật “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, công khai hóa việc đàn áp cách mạng miền Nam.

Thực hiện mục tiêu đề ra, Mỹ - Diệm dùng lực lượng quân đội, cảnh sát, bảo an, dân vệ càn quét, đánh phá dữ đội ở cả nông thôn và thành thị, các khu căn cứ. Chúng ttỏ chức lùng sục vào tận hang cùng ngõ hẻm, triệt hạ xóm làng, tiêu diệt và chụp bắt cán bộ cơ sở, yểm trợ và làm lá chắn cho các đoàn tố cộng và bộ máy kìm kẹp ở cơ sở tiến hành truy bức nhân dân, phá phong trào cách mạng của ta. Thông thường, địch tập trung những bộ phận lớn lực lượng (quy mô ngang một sư đoàn tăng cường hay vài sư đoàn) tiến hành những cuộc hành quân càn quét lớn, xen với những trận càn quét nhỏ vào những địa bàn quy định. Địch phân chia lực lượng càn quét trên từng ô nhỏ, càn đi, quét lại nhiều lần, chiếm đóng cả đêm lẫn ngày, cắm thêm nhiều đồn bốt để kiểm soát làm điểm tựa cho tề điệp, biệt kích bất ngờ chụp bắt cán bộ cơ sở, tăng cường hoạt động thám báo, tận dụng bọn đầu hàng, đầu thú làm chỉ điểm để trục phá và truy bắt cán bộ, tróc nã cơ sở bí mật của ta. Đặc biệt, trong lần “tố cộng, diệt cộng” này, địch đã đưa ra những tay chân tin cẩn, có nhiều kinh nghiệm ở Khu V vào Nam Bộ để mở các đợt săn lùng, truy quét bắt cán bộ, đảng viên và phá cơ sở cách mạng.

Từ ngày 24-6-1956 đến ngày 24-2-1957 địch dùng 2 sư đoàn khinh quân số 11 và số 13, cùng 6 trung đoàn độc lập, 4 hải đoàn xung phong kết hợp với các đoàn tố cộng và bộ máy kìm kẹp cấp cơ sở, mở cuộc hành quân Thoại Ngọc Hầu đánh vào các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây và Trung Nam Bộ. Mục đích cuộc hành quân nhằm tìm diệt cán bộ, đảng viện nằm vùng, thanh toán lực lượng vũ trang cách mạng liên kết với tàn dư giáo phái Hòa Hảo đang hoạt động ở đây để củng cố chính quyền ngụy ở nông thôn, thành lập và huấn luyện cho lực lượng dân vệ đoàn.

Tiếp đó, địch mở cuộc hành quân mùa thu từ ngày 1-10-1957 đến hết tháng 12-1957. Lực lượng gồm 1 sư đoàn bộ binh tăng cường, 1 trung đoàn độc lập, 1 thiết giáp, 4 hải đoàn xung phong cùng lực lượng bảo an, dân vệ tại địa phương, càn quét lần thứ hai vào miền Tây Nam Bộ nhằm củng cố tình hình, ngăn trở hoạt động trở lại, lùng sục phát hiện cán bộ cơ sở ta trong dân chúng.

Sang năm 1958, chính quyền Diệm lại tập trung quân chủ lực càn quét 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ và ngoại ô Sài Gòn bằng hai cuộc hành quân mang tên Nguyễn Trãi và Hồng Châu.

Nổi bật trong số các cuộc hành quân quy mô lớn của địch trong thời gian này là cuộc hành quân Trương Tấn Bửu (từ ngày 10-7-1956 đến ngày 24-2-1957). Tổ chức cuộc hành quân này, địch huy động 1 sư đoàn chủ lực, 2 trung đoàn độc lập, 1 hải đoàn xung phong, kết hợp với lực lượng bảo an, các đoàn tố cộng, tiến hành càn quét các tỉnh miền Đông Nam Bộ kể cả phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nhằm tiêu diệt lục lượng cách mạng và tàn quân Bình Xuyên, Cao Đài, kiểm soát chặt vùng biên giới, tái lập an ninh nông thôn. Chỉ huy cuộc hành quân là tướng Mai Hữu Xuân.
______________________________________
1. Năm 1956, Quân khu II, gồm các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Phú Bổn và các tỉnh đồng bằng Khu V Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận.
2. Báo Cách mạng quốc gia từ 21-2 đến 31-3-1959.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:13:07 pm »


Sau khi dùng lực lượng lớn càn quét trên diện rộng, địch phân lực lượng hỗn hợp này thành những bộ phận nhỏ cỡ đại đội, tiểu đoàn, tổ chức càn đi quét lại nhiều lần trên một phạm vi ấp, xã hoặc một vùng căn cứ. Chúng dùng chó bécgiê đánh hơi, dùng gậy sắt nhọn đầu, xăm tìm hầm bí mật. Từng góc nhà dân, từng bờ bụi đều bị địch lục soát bới tung lên để tìm kiếm dấu vết cơ sở và cán bộ nằm vùng của ta. Trong thời gian lục soát, chúng tình nghi ai là lập tức bắt ngay, không kể người đó là thanh niên, phụ nữ, già hay trẻ và mặc dù người đó có mang đầy đủ giấy tờ hợp pháp, có khi, địch huy động khoảng 500 đến 600 lính tổ chức phục kích dọc các ngả đường trong thôn xóm 3, 4 ngày liền để đón bắt những người mà chúng tình nghi. Trong suốt thời gian hành quân càn quét, địch cấm đoán mọi tự do đi lại, hội họp thăm viếng... của nhân dân. Ra chợ mua gạo không được quá 3 lon, dầu không quá 1 lít, nếu mua nhiều sẽ bị quy tội là “nuôi” cộng sản. Nhà nào có giỗ chạp, ma chay, cưới xin... phải báo cáo xin phép ba cấp: thôn, xã, quận; phải khai rõ những người tới dự, thời gian tổ chức… Ban đêm mọi nhà phải thắp đèn treo ngoài cửa và cấm qua lại hàng xóm. Mọi người đi làm đồng phải tập trung lại cùng đi, ra cổng làng phải trình giấy tờ, khai rõ nơi làm việc, nếu vào rừng lấy củi phải xin phép trước và không được mang quá 3 lon gạo... Hội đồng hương chính ở các địa phương được lệnh phải kiểm tra nắm chắc số dân, thành phần từng gia đình, tổ chức làm thẻ có dán ảnh và đóng dấu nổi để tiện kiểm tra, kiểm soát. Bọn thám báo, chỉ điểm còn đóng giả người đi mua trâu, bò, hoa màu, nông thổ sản, len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm để dò xét, tìm kiếm cơ sở và phát hiện cán bộ nằm vùng của ta. Bọn phong trào cách mạng quốc gia cũng ráo riết hoạt động nhằm phát triển và mỏ rộng tổ chức. Chúng phao tin là quân đội sẽ còn càn quét mạnh hơn nữa, binh lính sẽ phân ra đóng ở từng gia đình, ai bị tình nghi sẽ bị tra tấn, khai thác ngay tại chỗ. Các địa điểm tôn nghiêm, linh thiêng như chùa chiền, đền miếu, trường học... đều trở thành địa điểm giam giữ, tra tấn và thẩm vấn người.

Những hoạt động ráo riết của địch đã làm cho nhân dân lo sợ, căng thẳng thường xuyên, một số dao động. Trong khi đó, nạn trộm cướp ám sát, giết người cướp của luôn luôn xảy ra, gây rối trật tự an ninh, càng làm cho tình hình thêm phức tạp.

Sau những cuộc càn quét và khủng bố gắt gao, địch đưa một đoàn gồm công an, cảnh sát, điều tra, mật vụ, cán bộ hương thôn, công dân vụ... xuống các tỉnh, huyện rồi chia thành nhiều toán nhỏ (mỗi toán độ 5 đến 8 người do 1 công an làm toán trưởng) có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội bảo an đi cùng, mỗi toán về hoạt động 1 xã hay 1 ấp. Chúng gọi từng người đến để thẩm tra bằng cách xem xét thẻ công dân đối chiếu với sổ cái, với ảnh trong thẻ và người thật để nhận dạng. Nếu không có dấu hiệu nghi ngờ thì chúng ghi tên vào sổ ngũ gia và cấp giấy chứng nhận có chụp dấu của cuộc hành quân (hay chiến dịch) đang được tiến hành tại địa phương đó. Với cách làm như vậy, chúng nắm được từng gia đình có bao nhiêu người, ai tham gia kháng chiến trước đây, ai tập kết, ai đã từng làm việc cho Pháp, ai đang làm việc cho quốc gia, gia đình có bao nhiêu ruộng đất, trâu bò, tài sản.

Thông qua việc điều tra nắm tình hình, địch tiến hành chia làng, xã thành từng ô và phân tán các gia đình thành ba loại A, B, C.

Gia đình loại A là những gia đình kháng chiến cũ, gia đình có người tham gia tập kết; những người yêu nước thiết tha với hòa bình, độc lập, thống nhất mà địch gọi chung là “Việt cộng”. Địch coi đây là những gia đình bất hợp pháp, trước nhà phải treo biển đỏ cộng sản. Những người trong gia đình loại này thường xuyên bị theo dõi và quản chế gắt gao, bị tra khảo, đánh đập tàn nhẫn và phải tuyên bố ly khai cộng sản.

Loại B là những gia đình có liên quan bà con, họ hàng thân thuộc với loại A, hay có mối liên hệ nhất định với cách mạng, cũng được liệt vào danh sách gia đình bất hợp pháp, trước nhà phải treo biển vàng thân cộng. Những người trong gia đình loại này hàng tháng phải làm tờ cam kết ly khai cộng sản, hàng ngày phải tập trung đi lao động khổ sai.

Cuối cùng là gia đình loại C, gồm những gia đình vây cánh là hậu thuẫn cho chính quyền Diệm. Đây là những gia đình được coi là hợp pháp, trước nhà treo biển xanh. Chính quyền Diệm có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những gia đình loại này. Những người xuất thân từ đây được sắp xếp giữ quyền cao chức trọng trong bộ máy Nhà nước và quân đội ngụy. Chúng được Diệm tin cậy cử xuống từng địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở, tiến hành các đợt tố cộng. Những người thuộc các gia đình loại A và loại B bị bắt dồn tới các trại tập trung để học tập tố cộng trong thời gian từ 1 đến 6 tháng (có nơi chúng làm đi làm lại nhiều lần không kể thời gian). Các “công dân bất hợp pháp” này bị cưỡng bức tham gia vào các lớp học tố cộng. Nhiều lớp đông tới hàng ngàn người. Năm 1957 ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam địch đã tập trung tới 5.000 người1.
______________________________________
1. Nhà báo Mỹ Côugơvôvơ đã viết bài đăng trên tờ “Mặt trời Nưu Oóc” tháng 7-1961 xác nhận: “Một điều người ta không thể tưởng tượng được là các trại giáo hóa (thực chất là các lớp học tố cộng), tại đó, tất cả những người không tán thành nhiều hay ít cách nhìn của nhà cầm quyền đều bị giam và họ bắt buộc phải trải qua một cuộc “tẩy não” nhãn hiệu “Việt Nam tự do”. Tôi là người Mỹ duy nhất được may mắn thăm một trong các trại đó - trại giáo hóa Quảng Trị, giam 400 người, trong đó có 80 phụ nữ, nhiều người bế con mới đẻ hay mang sữa trên tay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:13:47 pm »


Trước tiên, địch bắt mọi người học tập chính trị và liên hệ nói xấu cách mạng, nói xấu Việt cộng, coi Mỹ-Diệm là chính nghĩa, thừa nhận bọn phản quốc tay sai của Mỹ là theo chính nghĩa quốc gia. Chúng bắt mỗi người phải tự khai nhận về hoạt động của bản thân, tố giác các đồng chí, đồng bào và người thân của mình. Những người bị tố giác, địch bắt phải tự nhận là “Việt cộng” được cài lại để hoạt động phá hoại. Chúng vu cáo bất cứ ai mà chúng cho là những “phần tử nguy hiểm”. Những người không “nhận tội” sẽ bị tra tấn ngay tại chỗ, tại lớp học hay trong các phòng thẩm vấn và có thể bị thủ tiêu.

Để uy hiếp tinh thần những người bị bắt và gây hoang mang sợ hãi trong quần chúng, địch đưa một số tên đầu hàng phản bội cách mạng tố cáo Đảng, xuyên tạc chủ trương, đường lối cách mạng, xé cờ Đảng và ảnh Bác Hồ, tham gia tra tấn, thẩm vấn những người bị bắt. Tháng 10-1956, tại lớp học tố cộng ở Phú Thọ (Quảng Nam), địch đã tưới cồn đốt ngực anh Nguyễn Sự khi anh không chịu xé cờ cách mạng. Tháng 6-1957, bọn công an Củ Chi (Sài Gòn) đã tra tấn và không cho ăn uống đối với đồng chí Trần Văn Tư - một cán bộ cơ sở bí mật của ta. Tại phòng thẩm vấn của Ty công an tỉnh Phú Yên, bà Phan Thị Bích, cán bộ phong trào của địa phương, đã bị tra tấn cực hình và nhục hình trong nhiều ngày (tháng 9-1957)... Một biện pháp tra tấn thâm độc được áp dụng phổ biến trong chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” lần này là bắt mọi người phải “sám hối” - nghĩa là phải tự nhớ lại những việc làm của mình hay của người khác, thậm chí nhớ lại cả những việc làm của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ kháng chiến mà chúng cho đây cũng là tội lỗi.

Người bị buộc “sám hối” phải đứng hoặc quỳ gối lên những chồng gạch xếp cao chênh vênh, dưới đất có cắm chông sắt nhiều ngạnh, mắt nhìn thẳng vào ảnh Ngô Đình Diệm; bên cạnh một ngọn điện công suất hàng trăm oát. Trong phòng “sám hối” còn đốt hương trầm, khói xông lên làm ngạt thở. Người bị “sám hối” phải đứng liên tục trong nhiều giờ trong điều kiện như vậy, nhiều người không chịu nổi đã ngất xỉu, có người đứng lâu cơ bắp tê mỏi buộc phải cựa mình, thế là lính Diệm xô lại đánh đập túi bụi, ngã nhào bị chông đâm rách khắp thân mình. Sau khi phải chịu những cực hình trên, nếu ai vẫn không khai báo sẽ bị quy là “Việt cộng” cứng đầu, bị giam giữ và sau đó, có thể bị mang đi chôn sống hay thủ tiêu mất tích, nếu may mắn được tha về thì sớm, muộn cũng bị mật vụ ám sát, thủ tiêu bí mật.

Nhằm gây chia rẽ nội bộ, tạo sự hiềm khích, nghi ngờ trong các tổ chức cách mạng, địch cho đặt những thùng thư “trưng cầu dân ý” ngay trong lớp học “tố cộng” và cho tay chân bí mật bỏ thư tố giác một vài người có mặt ở đây rồi mang họ ra tra tấn công khai, không trừ một đối tượng nào. Cách thức tra tấn người của công an, mật vụ ngụy tàn ác hơn thời trung cổ: dùng đinh đóng vào các khớp xương, treo người lên xà nhà, đồ nước xà phòng... Điền hình là năm 1957, các đồng chí Quý, Quang, Sơn, Sáu ở trại giam Phú Lợi, đồng chí Mười ở Mỹ Tho,... đã bị địch dùng đinh đóng khắp các đốt xương chân và tay. Chúng đóng đinh từ từ, lần lượt vào từng khớp xương của người bị tra tấn để tạo sự tê giựt, đau đớn kéo dài, gây co quắp các ngón chân tay. Nạn nhân của hình thức tra tấn này không bao giờ phục hồi được chức năng của chân, tay. Riêng với những người bị tình nghi là cán bộ quan trọng như đồng chí Nguyễn Đúc Thuận, Hà Minh Trí..., cách tra tấn của địch nham hiểm hơn. Chúng bắt đứng chống tay vào tường, chân cách tường 60cm, người đổ về phía trước, hai bên gáy treo hai ngọn đèn công suất từ 500-1000 oát. Sức nóng của đèn tác động vào não làm cho nạn nhân thấy đầu óc như bị khoan rọi, moi bới, lúc thít chặt, lúc giãn nở nhức nhối, bứt rứt muốn phát điên. Trong trạng thái tinh thần đó địch thay nhau thẩm vấn, tra hỏi cho đến khi nạn nhân bất tỉnh mới thôi. Dã man hơn nữa là hình thức tra điện. Bọn công an địch chọn những nơi có độ nhạy cảm mạnh trên thân thể người để cắm điện. Nhục hình này làm cơ thể nạn nhân bị co giật dữ dội, cơ thể mất cảm giác, đầu óc bị điên loạn... Chị Trần Thị Vân ở Điện Bàn - Quảng Nam đã tố cáo: Sau khi thẩm vấn chị không kết quả, bọn công an ngụy đã cởi hết quần áo chị, buộc các đầu dây điện vào bộ phận sinh dục, hai đầu vú rồi quay điện. Chúng quay từ từ, vừa quay vừa thẩm vấn, đến khi chị chết ngất. Đặc biệt man rợ là chúng dùng gậy tre, ve chai, rắn độc nhét vào bộ phận sinh dục của phụ nữ. Các chị Lý, chị Vân (Quảng Nam), chị Mười ở Mỹ Tho và hàng trăm chị khác ở miền Nam bị địch bắt tra tấn như thế, nên cuộc đời và hạnh phúc của các chị đã bị hủy hoại tàn phế. Nhẫn tâm hơn nữa là đối với những người bị hành quyết hay bị chết sau các cuộc tra tấn chúng còn cắt cổ, moi gan, phanh thây làm nhiều khúc và cấm không cho người thân trong gia đình, họ hàng than khóc, mang xác về mai táng.

Để làm cho quần chúng và các tổ chức của Đảng nghi ngờ, mất lòng tin đối với đồng chí mình, địch ép những người bị bắt phải ăn, ngủ và mặc theo chúng, mang súng không có đạn, dẫn lính đi lùng sục tìm kiếm cán bộ và cơ sở mật của ta.

Trong các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, số lượng nhà tù, trại giam không ngừng tăng nhanh, nhưng vẫn không đủ chỗ giam giữ. Ở nhà tù Gia Định và Hội An, một buồng giam 54m2, địch nhốt tới 150 người (3 người/1m2), tù nhân ở đây phải thay nhau nằm, ngồi hoặc đứng (thông thường 3/4 số người nằm thì 1/4 số người phải đứng). Trong buồng giam chỉ có một thùng để đi đại tiện và tiểu tiện, do đông người nên thùng thường xuyên mở nắp, mùi hôi thối xông lên rất mất vệ sinh. Ở nhà lao Quảng Trị, xà lim rộng dưới 2m2, cao hơn 1m mà địch giam giữ tới 4 người (cứ 1 người nằm, 3 người kia phải ngồi). Tại nhà lao Phú Lợi, địch áp dụng hình thức giam người trong hầm lộ thiên, sâu khoảng 3-4 m, rộng 3m, trên mặt hầm rào bằng dây kẽm gai, không lợp mái. Tù nhân ăn ngủ ngay trên nền đất và chịu phơi sương, nắng, mưa suốt ngày đêm. Bên cạnh đó, địch còn giam trong những lồng đan bằng kẽm gai, diện tích chỉ vừa một người chui lọt. Người nào bị nhốt vào đây phải luôn ở tư thế ngồi, đứng thì chạm đầu, nằm thì bị gai thép đâm. Những lồng giam này cũng thường xuyên để ngoài trời mưa nắng. Nhà tù ở Côn Đảo, nơi dành cho những tù nhân “tối nguy hiểm”, ngoài những xà lim thông thường bọn Mỹ - ngụy còn xây dựng hệ thống “chuồng cọp”. Mỗi chuồng cọp có chiều dài 2,5m, rộng 1,5m, tường đá cao 4m, trần để trống và được rào bằng những song sắt, kẽm gai. Người bị giam ở đây hầu như bị biệt lập hoàn toàn, không được hưởng một chút tự do nào và thường xuyên bị tra tấn và thẩm vấn bằng những biện pháp thâm hiểm nhất. Với chế độ giam giữ như vậy, nên chỉ trong 3 năm từ 1957 đến 1959 đã có 3000/4000 người bị giam giữ ở Côn Đảo đã chết. Tại Sở Thú ở ngay trung tâm Sài Gòn, Diệm đã xây dựng một trại giam và tra tấn thẩm vấn đặc biệt với biệt danh P42 - thực chất đây là những hầm ngầm nhốt người có cửa thông ra chuồng cọp. Khi cần thủ tiêu người, bọn cai ngục chỉ cần mở cửa chuồng là lũ cọp sẽ nhảy sang xé xác người mà chúng muốn thủ tiêu. Ở nhà giam Phú Lợi, địch còn dùng chất độc để giết chết một lúc hàng nghìn người. Trưa ngày 1-12-1958, chính tay chúa ngục Hà Văn Tân (đã từng sang du học tại Mỹ) trực tiếp bỏ thuốc độc thần kinh vào cơm và thức ăn của tù nhân, làm hơn 1000 người bị giam giữ trúng độc, hàng trăm tù nhân chết ngay tại chỗ. Sau khi sự việc xảy ra, địch đã phong tỏa, bao vây kín xung quanh trại không cho cứu chữa, hòng bưng bít dư luận. Trước cảnh bi thương này, để cứu mình và những người còn sống, số tù nhân bị nhiễm độc nhẹ đã phá phòng giam, trèo lên mái nhà, la hét, kêu gọi cấp cứu. Những tiếng kêu xé trời của những người bị đầu độc ở Phú Lợi đã nhanh chóng lan ra ngoài, đến khắp miền Nam, miền Bắc và thế giới. Căm thù sục sôi trước hành động dã man của Diệm, nhân dân miền Bắc đã phát động một phong trào đấu tranh tố cáo hành động hèn nhát, man rợ của chính quyền Sài Gòn trước dư luận thế giới. Nhân dân tiến bộ ở nhiều nước Á, Phi, Mỹ Latinh, Hội đồng hòa bình thế giới, tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi, các nước XHCN đều lên án mạnh mẽ hành động vô nhân đạo của chính quyền Diệm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:14:31 pm »


Hành động khủng bố, trả thù điên cuồng của Mỹ - ngụy đã gây cho cách mạng miền Nam những tổn thất nghiêm trọng. Ở tỉnh Quảng Trị, sau tập kết, ta còn 8.400 đảng viên với hàng trăm chi bộ, đến đầu 1957, ở đồng bằng chỉ còn 7 chi bộ với 106 đảng viên (trong đó có 71 đảng viên hoạt động đơn tuyến), ở miền núi còn 70 đảng viên (nhưng hai huyện Cam Lộ và Hải Lăng, không còn đảng viên nào). Còn Thừa Thiên, sau khi chấn chỉnh tổ chức còn 300 đảng viên, đến 1957 ở đồng bằng còn vài chi bộ, miền núi chỉ còn lại duy nhất một chi bộ.

Trước tình hình đó, đầu năm 1957, Khu ủy Khu V chủ trương chuyển thế chỉ đạo từ rừng núi về đô thị và từ đô thị chỉ đạo nông thôn và miền núi. Đồng thời đưa một bộ phận cán bộ, đảng viên ra sống hoạt động hợp pháp để tổ chức hệ thống lãnh đạo công khai bên trong, kết hợp với hệ thống “bất hợp pháp” bên ngoài. Ngay từ đầu, một số đồng chí ta thấy chủ trương này khó thực hiện được, nhưng vẫn quyết tâm làm. Bình Thuận, Khánh Hòa đã chuyển gần 800 cán bộ ra hoạt động hợp pháp. Số này vừa ra đã bị lộ, địch bắt và giết gần hết, nhất là sau khi tên Nguyễn Xuân Viên, thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận ăn cắp vàng của cách mạng rồi chạy sang hàng địch, chỉ điểm, ta bị hy sinh nhiều hơn. Còn một số nơi như Quảng Ngãi, Bình Định không đồng tình, tìm cách kéo dài thời gian chuẩn bị thì ít tổn thất. Khu ủy Khu V nhận rõ chủ trương sai lầm đã rút những cán bộ, đảng viên chuyển ra hoạt động hợp pháp trở về căn cứ. Nhưng lúc này (cuối 1957), đã có 70% cấp ủy xã, 60% huyện ủy viên, 40% tỉnh ủy viên ở các tỉnh đồng bằng đã bị bắt, bị giết. Nhiều huyện, xã không còn cán bộ lãnh đạo. Ở Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng, hòa bình lập lại có 35.000 đảng viên, đến cuối 1958 còn dưới 100 đồng chí hoạt động đơn tuyến. Tỉnh khá nhất của Khu V cũng chỉ còn 10 chi bộ, 12 huyện không còn cơ sở đảng.

Tại Nam Bộ, nhiều cơ sở bí mật ở địa phương bị thiệt hại nặng nề như Vĩnh Long, Trà Vinh, An Xuyên và đặc biệt nghiêm trọng là Kiến Hòa, Định Tường. Một số đảng viên, chi bộ hoạt động hợp pháp và bán hợp pháp ở Sài Gòn - Gia Định cũng bị địch phát hiện, quấy phá không phát huy được tác dụng. Các ban chấp hành đảng bộ Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn phải “lột xác” nhiều lần. Riêng Hóc Môn, 1954 để lại 100 đảng viên đến cuối 1958 chỉ còn 1; Gò Vấp, Tân Bình số đảng viên để lại 1000, còn lại 8. Tỉnh Gia Định chỉ còn lại duy nhất một chi bộ ở Tân Phú Trung. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 1958 ở miền Trung và miền Tây Nam Bộ đã có 16 chi bộ bị tan vỡ, 1.457 cán bộ đảng viên bị địch bắt và sát hại trong đó có 2 tỉnh ủy viên, 26 huyện ủy viên, 33 chi ủy viên bị giam giữ, 2 tỉnh ủy viên, 1 huyện ủy viên, 4 chi ủy viên bị giết). Riêng hai tỉnh trọng điểm Định Tường và Kiến Hòa từ tháng 7-1958 đến tháng 9-1958, địch đã bắt 95 người, trong số đó có 2 tỉnh ủy viên, 2 huyện ủy viên, 13 chi ủy viên, 20 cán bộ giao liên và 11 đảng viên cơ sở. Ở Trà Vinh, địch bắt 42, giết 3 cán bộ cơ sở của ta (trong đó có bí thư huyện ủy Cái Bè). Hoang mang trước hành động của địch, nên 1 bí thư chi bộ, 13 đảng viên và 5 đoàn viên thanh niên lao động đã ra hàng. Cũng thời gian trên, ở An Giang, địch bắt 21 cán bộ ta (có: 2 tỉnh ủy viên, 2 giao liên huyện ủy, 3 chi ủy viên) làm 13 chi bộ ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên bị tê liệt hoàn toàn. Ở Kiến Tường, trong 6 tháng cuối 1958, địch đã bắt, thủ tiêu và mang đi mất tích 132 cán bộ, đảng viên.

Tính đến cuối năm 1958, trên toàn miền Nam, Mỹ - Diệm đã giết hại khoảng 68.800 cán bộ, đảng viên (tính trung bình cứ 3 đến 5 gia đình có người bị giết), bắt giam 466.000 và tra tấn thành thương tật 680.000 người. Những con số trên là bằng chứng về tính chất tàn bạo và tội ác của chính quyền Mỹ - Diệm đối với nhân dân ta ở miền Nam Việt Nam.

Cùng với việc thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, tháng 4-1957, chính quyền Diệm triển khai kế hoạch lập khu “dinh điền”, khu “trù mật” và coi đây là bộ phận quan trọng góp phần thực hiện kế hoạch “tố cộng, diệt cộng” ở miền Nam.

Theo quan điểm của Diệm thì chiến thắng cộng sản không phải chỉ dựa vào quân lực mạnh, mà còn phải biết dựa vào hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng nghèo khi mà họ đã được chính phủ giải thoát ra khỏi giai cấp vô sản, lúc đó chính họ sẽ tự chiến đấu chống cộng sản. Như vậy, cộng sản sẽ mất điểm tựa. Đây cũng chính là mục đích “quốc sách dinh điền”.

Khu dinh điền và khu trù mật thực chất là những trại tập trung trá hình. Diệm - Nhu dự định đến hết năm 1960 sẽ lập khoảng trên 100 khu dinh điền, rải khắp cao nguyên và vùng hẻo lánh dọc biên giới Việt Nam - Campuchia và đưa lên đây độ một triệu dân, thành phần chủ yếu là đồng bào mới di cư từ miền Bắc vào và nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Khu V, và đại bộ phận đồng bào dân tộc ít người bấy lâu nay sống du canh, du cư ở miền núi. Làm được như vậy, Mỹ - Diệm hy vọng sẽ tạo ra được vành đai bảo vệ và tách quần chúng nhân dân ra khỏi cách mạng; tạo điều kiện thuận lợi cho chúng nhanh chóng bình định xong miền Nam. Chính Barâu Trưởng phái đoàn viện trợ kinh tế Mỹ - người đề xướng ra chủ trương lập “khu dinh điền” đã nói “phải làm cho các khu dinh điền trở thành những cứ điểm bao vây bọn “Việt cộng”. Diệm thì tuyên bố phải làm cho các khu dinh điền trở thành các pháo đài tiễu “cộng”, là nơi cung cấp tin tức tình báo, nơi xuất phát hành quân ngăn chặn xâm nhập, không cho “Việt cộng” một mảnh đất hoang vu nào để hoạt động. Mục đích của dinh điền trước hết là nhằm tăng cường quân sự, bóc lột kinh tế và đàn áp về chính trị, được chính quyền Nam Việt Nam đưa lên hàng quốc sách và dồn sức thực hiện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:15:30 pm »


Địch cho rằng những vùng rừng núi hoang vu, những nơi địa thế hiểm trở... là chỗ dựa tốt để chúng chống lại cách mạng, nên lập được một khu dinh điền ở đâu là phá được căn cứ của cách mạng ở đó. Kế hoạch xây dựng các khu dinh điền của địch trước tiên là bắt cho được những cơ sở và những người có tinh thần đấu tranh ở những vùng có ảnh hưởng của cách mạng (nhất là các vùng tự do cũ của Liên khu V và những căn cứ cũ ở Nam Bộ) đưa đi các khu dinh điền (chủ yếu là ở Tây Nguyên) để xây dựng các căn cứ quân sự; mặt khác tập trung thành phần này lại để dễ quản chế, làm xáo trộn các cơ sở cách mạng ở địa phương, làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân mất nòng cốt, sẽ tan rã. Lực lượng cai quản các khu dinh điền là những tên tay chân của Diệm trong giáo dân di cư, bọn lưu manh côn đồ có nhiều nợ máu với cách mạng.

Để đảm bảo cho việc thực hiện quốc sách trên, Mỹ - Diệm tổ chức ra hệ thống bộ máy chỉ đạo từ Trung ương đến tận địa phương, giải tán “Tổng ủy phủ di cư” lập “Tổng ủy phủ dinh điền”. Tất cả phương tiện và nhân viên thuộc chương trình di cư được chuyển sang cho dinh điền sử dụng. Diệm cũng bắt đầu đưa các nhân viên dinh điền sang một số nước đào tạo và học tập kinh nghiệm phục vụ cho kế hoạch dinh điền.

Tổ chức bộ máy hành chính của dinh điền gồm: Tổng ủy phủ, đứng đầu là tổng ủy trưởng (ngang bộ trưởng) dưới là các vùng hoặc các dinh điền do một quản đốc vùng hay khu trưởng phụ trách, dưới nữa là các trưởng trại dinh điền. Ở Tổng ủy phủ dinh điền có các nha: kỹ thuật, tài chính, định cư... và các ban an ninh, thanh tra, công chính... chịu trách nhiệm điều hành và vạch kế hoạch hành động. Tại các vùng hoặc khu dinh điền có các nhân viên phụ tá các mặt, giúp khu trưởng điều hành công việc. Chúng còn lập ra các ban trị sự “địa điểm” do “địa điểm trường” điều hành và các nhân viên giúp việc ở những địa điểm cụ thể.

Một khu dinh điền được tổ chức thành nhiều liên gia. Mỗi liên gia gồm từ 5 đến 7 gia đình. Liên gia trưởng chịu trách nhiệm điều động và kiểm soát những gia đình trong liên gia mình. Những phần tử “chống đối” hay bị tình nghi có liên quan tới cộng sản đều bị theo dõi, bị bắt, bị giam giữ, tra tấn và thậm chí bị trục xuất ra khỏi liên gia. Mọi người ra hay vào địa điểm dinh điền phải được phép và chịu sự kiểm tra của nhân viên dinh điền. Thanh niên trong các dinh điền đều bắt buộc phải luyện tập quân sự và sẵn sàng tham gia quân dịch khi có lệnh.

Để lôi kéo và dồn ép quần chúng nhân dân vào các khu dinh điền, địch ra sức tuyên truyền lừa gạt và tăng cường khủng bố, bóc lột một cách thậm tệ, làm cho tinh thần nhân dân luôn căng thẳng, đời sống vật chất khó khăn, vất vả. Thậm tệ hơn nữa, địch còn lấy cớ quy hoạch, sắp xếp lại nhà cửa ở thành phố và thị xã để đẩy hàng loạt gia đình lên các khu dinh điền. Mỹ - Diệm còn gán ghép cho gia đình này hay gia đình khác là “Việt cộng”, “thân cộng”… để rồi bắt họ phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn đến những nơi rừng thiêng nước độc sống dưới sự kìm kẹp trực tiếp của những tên tay sai ác ôn.

Với những thủ đoạn trên, đến cuối năm 1958 đầu năm 1959, trên toàn miền Nam, địch đã lập được 84 dinh điền, khai phá được 12.322 héc ta đất canh tác, bắt 128.374 người vào trại dinh điền (trong số đó có 90.436 người là dân di cư từ ngoài Bắc vào). Riêng ở Nam Bộ, Diệm đã xây dựng được 7 khu gồm 47 điểm ở Phước Long, Kiến Phong, Kiến Tường, kể cả khu dinh điền dành cho các gia đình của binh sĩ ngụy ở dọc biên giới các huyện Mộc Hóa, Tân Uyên, Bời Lời. Tại cực Nam Trung Bộ (khu VI), các khu dinh điền được xây dựng ở các tỉnh cao nguyên dọc theo quốc lộ 14, 20 và 21. Phần đông quần chúng bị dồn ép, cưỡng bức đến các khu dinh điền, không chịu nổi cuộc sống ở vùng xa xôi hẻo lánh, và bị bọn cai quản o ép, bóc lột kinh tế, truy bức tinh thần căng thẳng, nên đến cuối năm 1958, số người trốn bỏ các khu dinh điền mỗi ngày mỗi tăng. Trước tình hình này, Diệm - Nhu đã dần dần thay thế chính sách “dinh điền” bằng chính sách “khu trù mật”1, áp dụng rộng rãi ở cả vùng cao nguyên và vùng đồng bằng, nhằm bình định, khống chế nhân dân, cô lập phong trào cách mạng ngay ở địa bàn cơ sở.

Biện pháp chủ yếu để xây dựng các “khu trù mật” là dùng bạo lực đàn áp và dồn dân vào các nơi quy định. Chúng dùng lực lượng đến ép từng gia đình dỡ nhà vào sống ở khu tập trung, nếu dân chúng có ý định chống lại thì ngay tức khắc bị binh lính xông vào dỡ nhà, triệt hạ các thôn ấp để dồn dân đi.

Mỗi khu trù mật tập trung từ 2.000 đến 3.000 người chia thành ba khu vực: khu tập trung nông dân, khu công thương và khu hành chính đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của một liên cơ quan gồm cán bộ hành chính địa phương, chuyên viên kiến thiết và các đại diện quân sự. Xung quanh khu trù mật được bao bọc bởi nhiều hàng rào, hệ thống hầm hào công sự, bãi chông và các tháp canh để kiểm tra, kiểm soát dân ra vào.

Tuy không phải chịu cảnh đày ải nơi rừng thiêng nước độc như ở các khi dinh điền, nhưng trung khu trù mật, chính sách kìm kẹp của địch hà khắc và nghiệt ngã hơn nhiều. Đời sống của nhân dân trong các khu ngày càng cơ cực, không khác gì ở các khu dinh điền trước đó.
______________________________________
1. Báo Anh “Người xứ Ecốtxơ” ngày 22-6-1960 viết: “khu trù mật là những khu hình vuông, có đèn điện, nhà thương trường học. Những thứ đó được xây dựng hằng sức lao động “tự nguyện” của những người nông dân do quân đội đi bắt một cách độc đoán. Khi một khu trù mật hình thành thì những nhà cũ của những người đến khu trù mật bị phá. Nhưng như thế thì hàng ngàn nông dân phải đi hơn 10 dặm đường để làm việc trên vùng đất của họ để mang trâu bò và dụng cụ đi và về. Cho nên phần đông số họ không đồng ý với chương trình lập khu trù mật. Việc các khu trù mật có thể chống lại hoạt động của cộng sản một cách có kết quả là điều đáng nghi ngờ”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2010, 11:16:26 pm »


Đi đôi với việc dồn dân, lập các khu dinh điền và khu trù mật, Diệm - Nhu cũng bắt đầu tiến hành chương trình “cải tiến nông thôn” tương đối toàn điện, trong đó, lấy việc thực hiện chính sách “cải cách điền địa” làm khâu trung tâm để mua chuộc, lừa phỉnh, tiến tới nắm chặt người nông dân, phá tan thành quả cải cách ruộng đất của Đảng và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Nam trước khi tập kết lực lượng ra Bắc. Qua đó, làm suy yếu phong trào cách mạng ở vùng nông thôn, tranh thủ nông dân miền Nam để củng cố chính quyền cơ sở của chúng. Nhận định về vấn đề này Vônphơlátđinxki trưởng phái đoàn cố vấn cải cách điền địa Mỹ, đánh giá: sở dĩ Việt Minh kiểm soát được nông thôn bởi vì họ không những kêu gọi nông dân đánh Pháp mà họ còn đề cập đến vấn đề ruộng đất. Hiện nay (thời Diệm) sự đe dọa của cộng sản ở nông thôn là có thật và thế lực chính trị của cộng sản chỉ có thể bị hủy hoại bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa địa chủ và tá điền. Để giải đáp vấn đề này, phải chia lại ruộng đất “công bằng” hơn1.

Thực hiện “cải cách điền địa” với khẩu hiệu “hữu sản hóa nông dân”, “thăng tiến cần lao, đồng tiến xã hội”. Tiếp theo các dụ số 2 và 7 ban hành năm 1955 nhằm xác định bằng pháp lý, mối quan hệ giữa địa chủ và tá điền, ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ra dụ số 57 quy định “quyền truất hữu ruộng đất” của chính phủ đối với các chủ điền chiếm hữu trên 100 mẫu ruộng canh tác, không tính diện tích trồng cây công nghiệp - tức là mỗi chủ điền chỉ được chấp nhận hợp pháp tối đa 100 mẫu ruộng, ngoài số này, chính phủ “truất hữu” bằng cách mua lại để bán cho tá điền theo chính sách trả dần, nhưng quy định mối tá điền cũng chỉ được mua tối da 5 mẫu. Đây là biện pháp “tiểu điền chủ hóa” tá điền của chính phủ Diệm. Nhưng lại quy định thêm địa chủ ngoài 100 ha còn được giữ 15 ha ruộng hương hỏa, nếu địa chủ nào tự làm thì được giữ thêm 30 ha, tổng cộng 145 ha. Quy định của Dụ 57 trên thực tế tuyệt đại bộ phận giai cấp địa chủ miền Nam với 2/3 số ruộng đất chiếm hữu đều không thuộc diện “truất hữu”, đặc quyền, đặc lợi của chúng được duy trì, bảo vệ, trong khi ruộng đất của nông dân bị tước đoạt.

Với cách làm như vậy trên thực tế 1.500.000 tá điền toàn miền Nam chỉ được chính phủ Diệm bán cho 125.000 mẫu ruộng mà thôi. Số còn lại, bằng cách này hay cách khác lại rơi vào tay bọn địa chủ hay các quan chức chính quyền và quân đội của chúng2. Như vậy, thực chất của chương trình “cải cách điền địa” mà Diệm - Nhu áp dụng ở nông thôn miền Nam chỉ là lừa bịp nhân dân, bởi 650.000 mẫu ruộng chia cho tá điền là ruộng đất mà cách mạng đã chia cho nông dân trong kháng chiến chống Pháp và sau hòa bình lập lại (gồm 564.547 mẫu ở Nam Bộ và 75.000 mẫu ở Trung Bộ) đã bị chính phủ Diệm cướp không và bán lại cho nông dân. Phần đông những tên địa chủ chạy trốn trước đây, giờ đã quay trở lại nông thôn, bắt nông dân lập khế ước nộp tô. Địa chủ còn bắt nông dân truy nộp số tô đã bị cách mạng xóa bỏ trong những năm kháng chiến. Thực chất của chương trình “cải cách điền địa” là sự phục hồi quyền lợi, thế lực cho giai cấp bóc lột ở miền Nam. Đến năm 1958, Diệm đã thực hiện được cơ bản mục tiêu đề ra, là làm đảo ngược tình hình sở hữu ruộng đất ở miền Nam Việt Nam. Ở đồng bằng sông Cửu Long, 2% địa chủ chiếm hữu tới 45% ruộng đất, 1/2 tổng số nông dân không còn ruộng đất để cày cấy sinh sống. Ở Trị -Thiên, chính quyền địch đã tịch thu số ruộng đất của lăng miếu, chùa chiền, rút công điền trong tay nông dân trước đây cách mạng chia, cùng toàn bộ số ruộng đất tốt giao lại cho phú nông, địa chủ đấu thầu, rồi phát canh bóc lột tô, thuế. Ruộng đất chính phủ Diệm quy định bán lại cho nông dân là những ruộng xấu, khó canh tác, chủ yếu là đất mới khai hoang, bạc màu, hoang hóa lâu ngày, phải bỏ công sức và đầu tư thời gian dài mới trồng cấy được. Nhưng mức đóng góp thuế, tô tức lại không chênh lệch so với ruộng đất tốt. Mức thuế nông nghiệp của cách mạng trước đây: 1 gia đình nông dân 6 nhân khẩu (4 người lao động) có 1 mẫu 4 sào ruộng và 4 sào nương, mức thuế là 8 thùng lúa (thành 440 đồng) trong 1 năm cộng với tiền nguyệt phí đoàn thể 48 đồng, tổng cộng số tiền là 488 đồng, trong khi đó dưới thời Diệm, gia đình trên phải đóng góp tới 2.691 đồng.

Ngoài ra, để bù đắp phần nào ngân sách thâm hụt tháng 3-1957, chính quyền Nam Việt Nam ban hành chính sách thuế mới đánh vào tất cả các mặt như: thuế sản xuất, thuế công quán, thuế gián thu... Có những loại thuế đánh chồng chất vào một mặt hàng như thuế sản xuất đánh từ 15 đến 35% vào nguyên liệu, 6% vào chế phẩm sản xuất ra. Còn ở địa phương, chính quyền cơ sở địch cũng tự đặt ra nhiều thứ thuế như: thuế chó, thuế ánh sáng, thuế đường sá giao thông. Chính sách thuế nặng nề như vậy đã làm cho đời sống nhân dân quá khổ cực, sức mua giảm tới 70% so với trước đó vài năm. Số lượng công nhân thất nghiệp tăng nhanh. Chỉ tính riêng Sài Gòn - Chợ Lớn, đến cuối năm 1957 đã có tới 400.000 người phải rời khỏi nhà máy, xí nghiệp... Nhiều cơ sở sản xuất truyền thống như nhà máy đường Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Hiệp Hòa, Bạc Liêu, Rạch Giá... đã phải đóng cửa, vì mỗi năm chính phủ Diệm cho nhập khẩu hàng trăm tấn đường và lập hàng trăm đại lý bán đường cho chủ Mỹ. Do không có công ăn việc làm, đời sống khó khăn, tệ nạn xã hội phát sinh ngày càng nhiều. Riêng thành phố Sài Gòn đã có tới 11.000 tiệm hút và tiệm chích ma túy với khoảng trên 300.000 người nghiện, nạn gái mại dâm lan tràn khắp nơi.

Song song với việc xây dựng quân đội, kiện toàn bộ máy hành chính ngụy quân các cấp, những chính sách của Mỹ - Diệm đều nhằm thực hiện cho được mục đích cuối cùng là diệt trừ cộng sản, khống chế, kiểm soát dân, thiết lập ở miền Nam một chính quyền độc tài thân Mỹ, thống trị nhân dân ta bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
______________________________________
1. Chính tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ghi nhận rằng: “Chương trình cải cách điền địa của Diệm đã không phân chia lại ruộng đất cho người nghèo mà rút cục chỉ lấy lại những thứ mà Việt Minh đã chia cho họ rồi trả về cho địa chủ”.
2. Diệm rút ruộng đất của 2055 địa chủ với số lượng 650.000 mẫu, trong đó 430.000 mẫu của địa chủ người Việt, còn 220.000 mẫu của người Pháp chiếm.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM