Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:54:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 - Tập 2  (Đọc 88888 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 05:02:16 pm »


Tên sách: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975 - Tập 2
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 1995
Số hoá: ptlinh, chuongxedap





CHỦ BIÊN
Trung tướng, PGS, PTS HOÀNG PHƯƠNG
Thượng tá: NGUYỄN VĂN MINH


TÁC GIẢ
Đại tá: ĐỖ XUÂN HUY
Thiếu tá: HỒ KHANG
Thiếu tá: NGUYỄN HUY THỤC
Thượng tá: NGUYỄN VĂN MINH
Thiếu tá: NGUYỄN XUÂN NĂNG





LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Trong hai năm 1990, 1991, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản trọn bộ hai tập Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), nhưng đó là công trình bước đầu nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu của bạn đọc.

Để có một công trình nghiên cứu sâu sắc, đầy đủ hơn, Viện Lịch sử quân sự đã bắt tay vào tổ chức biên soạn một bộ lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gồm 9 tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xin giới thiệu tập II bộ sách đó, và sẽ lần lượt xuất bản các tập khác trong thời gian tới.

Tập II mang tiêu đề Chuyển chiến lược, gồm năm chương, từ chương IV đến chương VIII, trình bày các sự kiện lịch sử từ sau Hiệp định Giơnevơ đến kết thúc cuộc đồng khởi vĩ đại của nhân dân miền Nam 1960.

Với việc xuất bản tập II của bộ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, cùng với việc xuất bản các bộ sách lớn khác về đề tài này, chúng tôi mong muốn góp phần thiết thực kỷ niệm 20 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta suốt 21 năm ròng.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc, mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho cuốn sách.

                                                                                     Tháng 4 năm 1995
                                                                           NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:28:06 pm »


Chương IV
HAI NĂM ĐẤU TRANH THI HÀNH HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ.
(7-1954 - 7-1956)


I- TIẾP QUẢN MIỀN BẮC ỔN ĐỊNH TRẬT TỰ, AN NINH;
SẮP XẾP LỰC LƯỢNG Ở LẠI MIỀN NAM, CHUẨN BỊ CUỘC ĐẤU TRANH MỚI

Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam soạn thảo xong lúc 24 giờ (giờ Giơnevơ) ngày 20-7-1954. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, thiếu tướng Đentây thay mặt Tổng tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã ký vào văn bản. Nội dung Hiệp định gồm 47 điều, bắt đầu có hiệu lực từ 24 giờ ngày 22-7-1954. Những điều khoản chính yếu của Hiệp nghị quy định:

Điều 1: Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy. Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía bắc giới tuyến, lực lượng quân đội Liên hiệp Pháp ở phía nam giới tuyến...1

Điều 14:...
c. Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hoặc phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong thời gian chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ.

Điều 11: Hội nghị chứng nhận lời tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng, Chính phủ Pháp, trong sự giải quyết tất cả những vấn đề có liên quan đến việc lập lại và củng cố hòa bình ở Cao Miên, Lào và Việt Nam sẽ căn cứ trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cao Miên, Lào và Việt Nam.

Bản “Tuyên bố cuối cùng” được phổ biến không có chữ ký của các nước nhưng đã được chín nước thành viên tham dự chấp nhận. Vì vậy nó được coi là một trong hai văn kiện chính của Hội nghị Giơnevơ2.

Cũng trong ngày 21-7-1954 ông W.Bidôn Smít (Walter Bedell Smith), trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị, đã công bố bản tuyên ngôn nêu rõ lập trường “Chính phủ Hoa Kỳ ghi nhận các thỏa hiệp quân sự và bản Tuyên bố cuối cùng” và “sẽ không dùng đến vũ lực để làm tổn hại đến các văn kiện ấy...”3.

Hiệp định Giơnevơ đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: Sau những năm dài chiến đấu, Chính phủ Pháp buộc phải công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia, rút hết quân viễn chinh Pháp.

Theo quy định của Hội nghị Giơnevơ, từ ngày 4 đến ngày 27-7-1954, Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam do thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Quân đội Liên hiệp Pháp do đại tá Lennuyô làm trưởng đoàn4 họp Hội nghị quân sự tại Trung Giã cách thị xã Thái Nguyên 30 km về phía nam) để bàn và quyết định biện pháp thực hiện những vấn đề quân sự mà Hội nghị Giơnevơ đặt ra.
_________________________________
1. Đường giới tuyến quân sự tạm thời nằm trên vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải tỉnh Quảng Trị).
2. Tài liệu liên quan đến Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương được phân làm bốn loại, không đồng quan trọng như sau:
    + Văn kiện chính, gồm hai bản:
        - Hiệp định về đình chỉ chiến sự
        - Bản tuyên bố không xếp hạng vào loại văn kiện hội nghị. Trong số này có tuyên bố của Chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tuyên bố của chính quyền Sài Gòn đại ý nói là không tán thành Hiệp định.
    + Lời tuyên bố của các trưởng phái đoàn trước khi phiên họp cuối cùng bế mạc (phần nhiều là những lời cảm ơn xã giao hai chủ tịch Hội nghị và Chính phủ Thụy Sỹ).
    + Trao đổi công điện giữa hai ông Phạm Văn Đồng và Mécde Frăng (Merdès France) về sự liên lạc kinh tế và văn hóa.

3. Dẫn theo Gioócgiơ Sáppha: Hai cuộc chiến tranh của Việt Nam, từ Valuy đến Oétmolen, Nxb Paris La Table Rond 1969, t.1, tr. 243.) (Bản đánh máy) số VI, 1139/82 - VLSQSVN.
4. Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam do thiếu tướng Văn Tiến Dũng trưởng đoàn, các đại tá Song Hào, Lê Quang Đạo, các trung tá Nguyễn Văn Long, Lê Minh Nghĩa và thiếu tá Lê (Lưu Văn Lợi) làm phiên dịch.
    Về phía Pháp, đại tá Lennuyô trưởng đoàn, trung tá Le Roy, các thiếu tá: Sanani, Giắckin, đại úy Lô Man làm phiên dịch.
    Tùy tùng có ba sĩ quan ngụy: Trung tá Trần Văn Chính (sau Lâm Ngọc Huân thay), thiếu tá Nguyễn Phước Đăng, đại úy Nguyễn Bửu (sau Trần Ngọc Huyến thay).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:29:52 pm »


Sau hơn 20 ngày làm việc, các bên tại Hội nghị quân sự Trung Giã đã thỏa thuận các thủ tục và biện pháp về ngừng bắn, về trao trả tù binh, về chuyển quân tập kết, v.v.... Đồng thời, ta và đối phương thống nhất tổ chức Ủy ban liên hiệp đình chiến trung ương và địa phương. Thành phần Ủy ban liên hiệp trung ương của ta vẫn do các đồng chí tham gia Hội nghị Trung Giã đảm nhiệm. Đồng chí Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Về phía Pháp, do thiếu tướng Đentây từ Pháp sang làm trưởng đoàn và Lennuyô làm phó trưởng đoàn.

Để bảo đảm thi hành Hiệp định Giơnevơ, Trung ương Đảng điều đồng chí Hoàng Anh, Bí thư Liên khu ủy IV ra Bộ Quốc phòng tham gia Tổng quân ủy, phụ trách theo dõi thi hành Hiệp định. Đồng chí Phạm Hùng làm Trưởng ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ. Đồng chí Hà Văn Lâu, Phó Cục trưởng Cục tác chiến, được bố trí bên cạnh Ủy ban quốc tế tham gia góp ý kiến về những vấn đề quân sự.

Ngày 22-7-1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh cho các lực lượng vũ trang ngừng bắn trên chiến trường toàn quốc (Bắc Bộ ngày 27-7, Trung Bộ ngày 1-8, Nam Bộ ngày 11-8-1954).

Cục thông tin liên lạc sử dụng mọi phương tiện thông tin hiện đại và thô sơ truyền đạt kịp thời lệnh ngừng bắn đến các địa phương, đơn vị và chiến trường.

Ngày 25-7-1954, Pháp đồng ý cung cấp máy bay để chờ các đoàn sĩ quan của ta di truyền đạt lệnh ngừng bắn cho các chiến trường1. Từ ngày 31-7 đến 2-8-1954, các sĩ quan của ta đi trên máy bay Pháp rải thư hiệu triệu của Hồ Chủ tịch và mệnh lệnh ngừng bắn của Bộ Tổng tư lệnh xuống những vùng xa xôi, hẻo lánh ở Liên khu V và Nam Bộ. Ở cả ba chiến trường, lệnh ngừng bắn được thi hành nghiêm chỉnh.

Trung tuần tháng 8-1954, Hội đồng chính phủ họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng báo cáo về thắng lợi của ta tại Hội nghị Giơnevơ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về việc quân, dân ta đã thi hành đúng đắn mệnh lệnh ngừng bắn như Hiệp định Giơnevơ quy định. Trong phiên họp này, Hội đồng Chính phủ thông qua kế hoạch tổ chức Ban đón tiếp bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Để kịp thời vận chuyển hàng vạn người từ Nam ra Bắc, Liên Xô giúp ta hai tàu vận tải Áckhăngghen và Xtavrôpôn, Ba Lan giúp một tàu Kilinky.

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, ở miền Bắc, khu vực Hà Nội còn nằm trong vòng tập kết 80 ngày, Hải Dương 100 ngày Hải Phòng, Kiến An, Hồng Quảng 300 ngày của quân đội Pháp.

Ở miền Nam, thời gian ta bàn giao địa bàn cho đối phương cũng khác nhau. Tại Trung Bộ: Quảng Ngãi, Bình Định là 300 ngày, các tỉnh khác bàn giao xong trước ngày 31-8-1954. Tại Nam Bộ: Hàm Tân, Xuyên Mộc vùng tập kết 80 ngày, Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười 100 ngày, riêng Cà Mau là khu tập kết 200 ngày.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.

Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt đầu chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Miền Nam tạm thời do đối phương kiểm soát. Cách mạng từ chỗ có chính quyền, có quân đội, có vùng giải phóng trở thành không có chính quyền, không có quân đội, vùng giải phóng bàn giao cho Quân đội Liên hiệp Pháp tiếp quản, sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Nhưng Hội nghị Giơnevơ đang họp, Mỹ đã ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam làm Thủ tướng thay Bửu Lộc, chuẩn bị cho Mỹ thay Pháp, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới hòng chia cắt, thống trị lâu dài đất nước ta.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc còn gay go, gian khổ. Mặc dù tình hình quốc tế có thuận lợi do ba dòng thác cách mạng đang ở thế tiến công, nhưng có sự khác nhau về đường lối cách mạng và chính sách đối ngoại của các nước xã hội chủ nghĩa, gây nên sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các lực lượng cách mạng quốc tế - nhất là Xô - Trung.
_________________________________
1. Đoàn đi Bình Trị Thiên gồm các đồng chí Trần Chí Hiền, Hồ Sĩ Thản, Vũ Kỳ Lân xuống sân bay Đông Hà, rồi đi ô tô về Như Lệ.
    Đoàn vào Nam Bộ gồm các đồng chí Đỗ Đức Kiến, Nguyễn Văn Long. Vào Nam Bộ, đoàn chia làm hai bộ phận: một bộ phận xuống sân bay Sóc Trăng về căn cứ miền Tây, một bộ phận xuống sân bay Dầu Tiếng về căn cứ rniền Đông.
    Đoàn đi Lào do đồng chí Đặng Tính, Phó Cục trưởng Cục tác chiến, làm trưởng đoàn. Ngày 7-8-1954, đoàn đáp máy bay từ Gia Lâm đi Xiêng Khoảng gặp Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Lào và Bộ chỉ huy quân đội nhà vua Lào.
    Đoàn đi Campuchia do đại tá Nguyễn Thanh Sơn làm trưởng đoàn. Ngày 11-8-1954, đoàn lên đường gặp đại diện quân đội Pháp và quân đội nhà vua Campuchia để thực hiện hiệp định đình chỉ chiến sự.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:31:40 pm »


Trước bối cảnh trong nước và quốc tế đầy phức tạp như vậy, một loạt vấn đề mới mẻ và nóng bỏng của cách mạng Việt Nam được đặt ra đòi hỏi Đảng ta phải xác định chiến lược, sách lược cách mạng cho phù hợp với tình hình trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, mục tiêu của cách mạng nước ta là: Độc lập dân tộc, tự do dân chủ, hòa bình thống nhất Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nhiệm vụ cực kỳ phức tạp và khó khăn.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp ở Việt Bắc ngày 15-7-1954, đã thảo luận và nhất trí với đường lối, chủ trương mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng nêu ra. Hội nghị nhận định: “Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương” và “đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Dông Dương”. Hội nghị quyết định: “Thay đổi phương châm, chính sách và sách lược đấu tranh cốt để thực hiện một cách thuận lợi mục đích trước mắt. Đây là một sự thay đổi quan trọng về phương châm và sách lược cách mạng, nhưng mục đích của cách mạng vẫn là một”.

Thấu hiểu nỗi niềm của đồng bào miền Nam, nhân Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, khẳng định công lao to lớn của nhân dân miền Nam “đi trưóc về sau”, Người chỉ rõ: “Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước lên trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Đảng, Chính phủ luôn luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào và tin chắc đồng bào sẽ thắng lợi”1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ tính chất cuộc đấu tranh: “Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”2.

Ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp nhằm cụ thể hóa và bổ sung thêm Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Phân tích những đặc điểm mới của cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị nhấn mạnh đặc điểm lớn nhất là đất nước ta tạm thời bị chia làm hai miền, có hai chế độ xã hội khác nhau và sự xuất hiện của kẻ thù mới là đế quốc Mỹ. Nhiệm vụ của cách mạng nước ta là: “Đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến để củng cố hòa bình; ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất, tăng cường xây dựng quân đội nhân dân, củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam nhằm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc”3.

Đối với miền Nam, Bộ Chính trị xác định: “nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam trong giai đoạn hiện tại là: Lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ (tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do đi lại, v.v…) cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập...”4.

Bộ Chính trị vạch rõ sách lược của ta ở miền Nam lúc này là tranh thủ tập hợp mọi người tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ vào Mặt trận Dân tộc thống nhất, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và tay sai của chúng. Phương châm của ta là: “khéo công tác, khéo che dấu lực lượng”, “kết hợp công tác hợp pháp và công tác không họp pháp”, lợi dụng các hình thức tổ chức và hoạt động hợp pháp để tập hợp và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, chú trọng bảo tồn lực lượng của ta.

Để sự lãnh đạo của Đảng thích hợp với tình hình mới, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy Liên khu V trực thuộc Trung ương Đảng. Riêng Thừa Thiên, Quảng Trị tạm giao cho Liên khu ủy Khu IV phụ trách.

Trước bước ngoặt mới của cách mạng, các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương, của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã kịp thời chỉ ra phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo điều kiện cho ta giữ vững thế chủ động khi cách mạng chuyển giai đoạn chiến lược. Những chủ trương đó phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta và tình hình quốc tế lúc bấy giờ.

Để tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, Trung ương Đảng đã tăng cường những cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu chiến trường về miền Nam lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Theo sự phân công của Bộ Chính trị, ngay khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Lê Duẩn cấp tốc trở lại miền Nam bằng máy bay của Ủy ban quốc tế. Qua Quy Nhơn rồi về Cần Thơ, đồng chí Lê Duẩn khẩn trương làm việc với các đồng chí lãnh đạo địa phương, truyền đạt lại nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương.
_________________________________
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr3.
3. Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 5 đến 7-9-1954, Tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
4. Tlđd.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:32:50 pm »


Tháng 9-1954, một phái đoàn thay mặt Trung ương Đảng, do đồng chí Lê Đức Thọ, dẫn đầu vào Nam Bộ để phổ biến hiệp định đình chiến. Đoàn đi bằng máy bay Đakôta của Pháp từ sân bay Gia Lâm, hạ cánh xuống Sóc Trăng, đi ô tô đến Phụng Hiệp rồi vào vùng căn cứ. Cũng thời gian này, Trung ương còn cử đồng chí Nguyễn Duy Trinh vào Khu V truyền đạt nghị quyết Bộ Chính trị, cùng Khu ủy sắp xếp tổ chức cán bộ ở khu.

Năm 1955, các đồng chí Trần Lương, Võ Chí Công được cử vào giữ chức bí thư và phó bí thư đảng bộ Liên khu V. Đồng chí Võ Chí Công đang tham gia cải cách ruộng đất thì được lệnh đi cùng với cơ quan liên hiệp đình chiến từ Hà Nội vào Quy Nhơn. Đồng chí Trần Lương đi sau bằng tàu biển vào Quy Nhơn đúng vào lúc lực lượng ta rút khỏi khu tập kết 100 ngày ở Bình Định1.

Lường định tình hình rồi đây có thể diễn biến phức tạp do đối phương không chịu thi hành Hiệp định, đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Trung ương giao nhiệm vụ cho một số anh em trí thức là đảng viên2 vào miền Nam hoạt động công khai hoặc hợp pháp trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Trên mặt trận chiến đấu thầm lặng này, nhiều đồng chí đã nêu tấm gương sáng về lòng trung thành đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng, Phạm Huy Thông... Với kinh nghiệm nghề nghiệp sẵn có, ta đã thu được từ trước các mẫu căn cước, mẫu dấu của công an ngụy để làm giấy tờ tùy thân hợp lệ cho cán bộ tình báo và chiến sĩ quân báo cài cắm vào hoạt động trong hàng ngũ đối phương. Khi địch lập “Ủy ban di cư” cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, ta đã nhanh chóng tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ gan dạ, trung thành để huấn luyện cấp tốc rồi tổ chức đi ngay, như các đồng chí Đặng Ngọc Phách, Vũ Văn Thiều, Vũ Ngọc Nhạ3, Đinh Thị Vân4. Các chiến sĩ ta hòa vào dòng người dân di cư thực hiện cuộc di chuyển địa bàn hoạt động bằng phương tiện vận chuyển của Pháp. Họ được hưởng quy chế di cư: được cấp giấy thông hành, trợ cấp và nhập các trại di cư ở miền Nam.

Đầu tháng 8-1955, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa (đã tập kết ra Bắc) cùng 12 cán bộ chiến sĩ đặc công được Cục Quân báo Bộ Tổng tham mưu huấn luyện trở lại miền Nam. Sau gần ba tháng, hành quân với bao vất vả, gian lao, đoàn đã về tới Khánh Hòa hoạt động theo phương thức hợp pháp.

Nhân dân miền Nam vừa trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, lại bước ngay vào cuộc chiến đấu mới đầy thử thách quyết liệt, bao nhiêu công việc bộn bề: bố trí lực lượng đi tập kết, sắp xếp cán bộ, đảng viên ở lại, chôn cất vũ khí... Cùng một lúc đặt ra, đòi hỏi cấp ủy và chính quyền các cấp phải khẩn trương giải quyết theo yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật.

Trong hai ngày 27 và 28-7-1954, Liên khu ủy V họp hội nghị mở rộng đến các bí thư tỉnh ủy để quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương. Phân tích những khó khăn và thuận lợi của Liên khu, hội nghị đã đề ra ba công việc cấp bách phải làm ngay:

- Mở rộng đợt tuyên truyền và giáo dục sâu rộng cho tất cả cán bộ, đảng viên, quần chúng về tình hình nhiệm vụ mới, về phương châm đấu tranh, về các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ để có cơ sở pháp lý đấu tranh với địch.

- Khẩn trương tổ chức lại bộ máy lãnh dạo của Đảng và các tổ chức quần chúng để nhanh chóng bắt kịp với tình hình mới của phong trào cách mạng.

- Biên chế lại và tổ chức lực lượng vũ trang thành các sư đoàn, trung đoàn để biểu dương chiến thắng và chuyển quân theo đúng kế hoạch.
_________________________________
1. Tháng 3-1955, Trung ương Đảng điều động đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung), Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, vào Khu V làm Bí thư Liên khu ủy thay đồng chí Trương Quang Giao bị bệnh nặng.
2. Các đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Huy Thông… hoạt động trong “phong trào hòa bình” ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
3. Đồng chí Vũ Ngọc Nhạ hiện nay là thiếu tướng quân đội.
4. Đồng chí Đinh Thị Vân sinh năm 1916, ở Xuân Thành, Xuân Thủy, Nam Hà, nhập ngũ tháng 5-1954. Giữa năm 1954 từ công tác công khai, tổ chức chuyển đồng chí sang hoạt động bí mật trong lòng địch. Hòa bình lập lại, theo yêu cầu của tổ chức, đồng chí tiếp tục bám địch vào miền Nam. Ngày 25-8-1970, đồng chí vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với thành tích: là một cán bộ mẫu mực, trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng; có năng lực vận động tổ chức quần chúng giỏi, bám chắc cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:34:12 pm »


Tháng 10-1954, tại căn cứ Chắc Băng (Cà Mau) Xứ ủy Nam Bộ họp, nhận định tình hình có thể có hai khả năng: Diệm buộc phải thi hành Hiệp định; cũng có thể chúng không thi hành. Vì vậy, nhiệm vụ của nhân dân miên Nam là vừa phải đấu tranh đòi chúng thi hành Hiệp định, đòi chúng tổ chức tổng tuyển cử, hòa bình thống nhất nước nhà, vừa chuẩn bị đối phó với khả năng xấu nhất. Xứ ủy đề ra phương châm công tác của cách mạng miền Nam là: “Kết hợp công tác bí mật với công tác công khai và nửa công khai; tổ chức và hoạt động của Đảng phải hết sức giữ bí mật, tổ chức và hoạt động của phong trào quần chúng thì cần lợi dụng các hình thức công khai”.

Thực hiện Nghị quyết tháng 9 của Bộ Chính trị, hội nghị lập ra Xứ ủy do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, lập ra các khu ủy, các tỉnh ủy, huyện ủy mới.

Về công tác tổ chức, hội nghị chủ trương “điều chỉnh tổ chức chi bộ và chuyển hoạt động của các chi bộ đảng vào bí mật... củng cố lại các cấp ủy và bố trí lại cán bộ theo yêu cầu công tác trong hoàn cảnh bí mật”.

Sau hội nghị, Nam Bộ chia làm ba liên tỉnh ủy và khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Liên tỉnh ủy miền Tây do đồng chí Nguyễn Thái Bường (Ba Bường) làm bí thư. Liên tỉnh ủy miền Trung do đồng chí Nguyễn Văn Mùi (Sáu Đường) làm bí thư. Liên tỉnh ủy miền Đông do đồng chí Trần Văn Đức (Hai Đức) làm bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử làm bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Tham mưu phó phân khu miền Tây được Xứ ủy phân công phụ trách công tác quân sự ở Nam Bộ.

Theo chỉ đạo của Xứ ủy, các tỉnh gấp rút mở lớp tập huấn ngắn ngày để chuyển hướng nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên ở lại; đào tạo thêm cán bộ đưa về tăng cường cho các thành phố lớn, các vùng dân tộc, tôn giáo, đồng thời bố trí cán bộ vào hoạt động trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền của địch với tên, họ và ngành, nghề mới theo khả năng của từng người1.

Nam Bộ có khoảng 60.000 đảng viên ở lại rút vào hoạt động bí mật. Số cán bộ, đảng viên chưa bị lộ thì vẫn sống hợp pháp, làm ăn sinh sống như mọi người dân, “tùy cơ ứng biến” mà vận dụng các khả năng hợp pháp hoặc không họp pháp để hoạt động. Số đồng chí đã bị lộ thì chuyển sang hoạt động bí mật hoặc chuyển vùng công tác, nhờ sự che chở đùm bọc của nhân dân. Tổ chức chi bộ chia thành hai loại: Loại A gồm đảng viên sống và hoạt động bất hợp pháp, loại B là đảng viên sống hợp pháp, hoạt động hợp pháp và bán hợp pháp.

Các đoàn thể quần chúng trong kháng chiến trước đây như đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ... đều giải thể. Các tổ chức dưới nhiều hình thức biến tướng như: hội hình, hội chùa, tổ vần công, hội tương trợ, cứu tế, hội an táng, hội đá banh, diễn kịch, v.v… được thành lập, có tác dụng tập họp đông đảo quần chúng hoạt động công khai, hợp pháp tạo điều kiện cho quần chúng tham gia công tác cách mạng. Cùng thời gian này ở Bến Tre còn tổ chức các “tổ nòng cốt rễ chuỗi”. Mỗi đảng viên được giao nhiệm vụ quan hệ bí mật với một số người là cốt cán, mỗi cốt cán lại quan hệ chặt chẽ nắm một số quần chúng tích cực; quần chúng tích cực vận động, tuyên truyền quần chúng khác trong xã, ấp.

Để phòng ngừa khả năng xấu, nhiều tỉnh ở miền Nam đã tổ chức chôn giấu vũ khí, đạn dược2. Quân giới Nam Bộ được lệnh cất giấu máy móc, dụng cụ ở rừng U Minh để xây dựng công binh xưởng sau này.
_________________________________
1. Tỉnh Đắc Lắc đưa 250 cán bộ (phần lớn là cán bộ quân đội) và một số người dân tộc trở về bám địa phương. Số này được tổ chức thành những đội công tác và có nhiệm vụ hoạt động gây cơ sở ở Cheo Reo, Buôn Hồ, M’ Đrak, Đác Min, Lak… Đội công tác thị xã Buôn Ma Thuột gồm 9 đồng chí đều vào sống hợp pháp trong dân.
    Trung 123 xã, 796 ấp của tỉnh Mỹ Tho, đều có người của ta lọt vào lực lượng bảo an, dân vệ ở các đồn bốt và bộ máy ngụy quyền. Nhờ vậy, mọi hành động của địch đều bị cơ sở ta phát hiện, giúp cho ta có kế hoạnh đối phó kịp thời.

2. Quảng Nam chôn 70 súng. Gia Lai để lại hai hầm gồm 70 súng trường, 7 tiểu liên, 60 súng ngắn, đạn tiểu liên mỗi khẩu 30 viên, súng trường mỗi khẩu 200 viên. Công Tum để lại gần 80 súng các loại và 4 tấn đạn.
    - Quân khu V đã chôn giấu trong khu vực từ Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đến bắc Bình Định một số vũ khí đủ trang bị cho hai tiểu đoàn và một số đại đội độc lập.
    - Miền Đông Nam Bộ chôn giấu nhiều hầm súng đạn, có cả súng trung liên, đại liên đủ trang bị cho ba đại đội.
    - Chiến khu D cất giấu 450 súng các loại, từ súng ngắn đến cối đại liên, cả máy tiện, máy in…
    - Tỉnh Bạc Liêu đã cử người dùng ghe, xuồng ra tàu Liên Xô đậu tại Vàm Sông Ông Đốc chở trên 6 tấn súng đạn đã đóng thùng sẵn đem về cất giấu ở các xã vùng U Minh Hạ.
    - Cà Mau cất giấu 2.000 khẩu tiểu liên, trung liên, súng trường.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:35:28 pm »


Để giúp các cơ quan chỉ đạo nắm được chủ trương của cấp trên và các hoạt động của địch, các tuyến giao liên, các hòm thư bí mật (còn gọi là hòm thư “chết”) để liên lạc giữa Trung ương với khu, giữa khu với các tỉnh được gấp rút tổ chức. Phần lớn cán bộ và chiến sĩ ở các trạm giao liên là cán bộ và chiến sĩ đặc công, trinh sát1. Địch dùng mọi cách để ngăn chặn đường liên lạc của ta từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, nhưng bịt đường này ta lại mở đường khác. Các chiến sĩ giao liên được sự giúp đỡ của dân đã dùng thuyền nan nhỏ, bí mật đi trên biển, vượt giới tuyến quân sự tạm thời vào Huế, Đà Nẵng bắt liên lạc với cán bộ hoạt động. Từ một tổ thuyền ban đầu đã phát triển thành nhiều tổ. Đường đi dài hơn, từ phía Bắc vào tới Nha Trang, Phan Thiết để liên lạc.

Tranh thủ thời gian trước khi bàn giao cho địch, chính quyền các cấp ở Nam Bộ và Khu V đã chia 740.490 hécta ruộng đất cho 1.299.000 hộ nông dân. Nhiều địa phương đã phân phối các kho thóc, kho muối dự trữ cho đồng bào ở vùng thiếu đói. Khu V đã cấp 330 tấn gạo, 11.500 mét vải. Vùng thượng du Nam Trung Bộ, mặc dù đường sá hiểm trở, đồng bào các dân tộc vẫn được tiếp tế 30 vạn mét vải, 600 con bò và hàng ngàn giạ muối2. Cà Mau, khu vực tập kết 200 ngày, những ruộng muối, ruộng lúa trước kia phải bỏ hoang nay được cách mạng giúp vốn, bộ đội giúp công cày đã sản xuất và gieo cấy trở lại được3.

Khắp nơi tổ chức tu sửa, viếng mộ những người có công với nước, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sĩ, trao huân chương, bằng khen của Chính phủ và huy hiệu của Hồ Chủ tịch cho những người có công trong kháng chiến chống Pháp. Nhân dân Cao Lãnh xây dựng lại mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc để tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc người đã sinh ra lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tận dụng khoảng thời gian 300 ngày, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định huy động lực lượng bộ đội và các cơ quan giúp đỡ nhân dân xây dựng lại nhà cửa bị giặc tàn phá, xây dựng trường học, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ. Chính quyền cách mạng còn huy động lực lượng giúp nhân dân đắp đập Cà Ninh (Bình Sơn) và sửa chữa các mương tưới tiêu nước cho hàng vạn héc ta. Ở Bình Định, bộ đội đã đắp được 200.000m3 đường giao thông: sửa lại 19 cầu cho ô tô hàng ngày chạy thông suốt từ Bồng Sơn đến Cù Mông, đắp đê ngăn nước mặn ở phía đông huyện Tuy Phước, v.v...

Thời gian khẩn trương, những thành tựu xây dựng cuộc sống mới chưa nhiều, nhưng đã để lại trong lòng nhân dân một tình cảm hết sức sâu đậm đối với cách mạng.

Chiến tranh chấm dứt, nhân dân được trở lại cuộc sống hòa bình nhưng lại là cái tang lớn của địch. Chúng coi đây là “ngày quốc hận” và ra lệnh cho tất cả các công sở ở vùng chúng kiểm soát treo cờ rủ ba ngày.

Trong khi đó, khắp nơi từ Cà Mau đến vĩ tuyến 17, hàng triệu lượt quần chúng đã dự mít tinh, hội thảo mừng hòa bình, hân hoan văn nghệ, chiếu phim, xem văn công biểu diễn.

Ở các vùng giải phóng cũ Nam Bộ, vùng tự do Liên khu V, hàng vạn người tập trung liên hoan, có nơi kéo dài hai ba ngày. Nhiều ngả đường tràn ngập cờ đỏ sao vàng, cờ xanh hòa bình, ảnh Hồ Chủ tịch. Ai cũng muốn gặp nhau để trò chuyện, nói cho nhau nghe nỗi niềm vui mừng và những băn khoăn của lòng mình khi phải chia tay người thân đi tập kết và những khó khăn trên bước đường đấu tranh sắp tới. Họ tha thiết, dặn dò người ra đi an tâm làm nhiệm vụ, người ở lại quyết tâm đấu tranh để sau hai năm gặp lại nhau trong ngày Bắc, Nam thống nhất.

Trị - Thiên, nơi địa đầu tiếp giáp miền Bắc, theo Hiệp định, hai tỉnh bàn giao lại ngay cho đối phương quản lý và chuyển quân tập kết sớm nhất. Ngày 18-8, tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Phước Môn, có trên 6.000 người dự để tiễn đưa con em của quê hương lên đường tập kết. Lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên tổ chức thành trung đoàn 269. Ngày 26-8, trung đoàn đã chỉnh tề đội ngũ hành quân ra Bắc.

Tại khu vực tập kết 80 ngày ở miền Đông Nam Bộ, các tiểu đoàn chủ lực 300, 303, 306 của các tỉnh Bà Chợ, Thủ Biên, Gia Định và Sài Gòn cùng với bộ đội địa phương các huyện tổ chức thành hai trung đoàn hành quân bộ và cơ giới ra bến Hàm Tân, Xuyên Mộc.

Ở khu vực tập kết 100 ngày, các tiểu đoàn chủ lực 302, 304, 309, 311, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở miền Đông Campuchia rút về nước, cùng với bộ đội địa phương Long Châu Sa, Mỹ Tho hành quân về Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười.
_________________________________
1. Thiếu tướng Nguyễn Tư Cường nguyên tư lệnh Binh chủng Đặc công kể lại: năm 1955, đồng chí được giao làm “con thoi” mang báo cáo phong trào mọi mặt của tỉnh ủy Khánh Hòa ra để vào hòm thư “chết” của Trung uơng đặt ở khu giới tuyến (Quảng Trị) và nhận ở đó những chỉ thị của trung ương mang về lại Khánh Hòa.
2. Theo tài liệu đánh máy Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, đơn vị bảo quản 5, tr. 41.
3. Trước đây đồng bào ngư dân ở Cà Mau chỉ có 100 thuyền vận tải, chỉ một thời gian ngắn sau khi ta tiếp thu, trên sông đã có 1.000 thuyền đánh cá, 22 chiếc tàu vận tải.
    Thị trấn Cà Mau làm thêm 20 trường học mới. 75% số ngươi được thanh toán nạn mù chữ. Trong vùng đồng vào Khơme các trường học được mở thêm nhiều.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:37:22 pm »


Bộ đội hành quân có lúc phải băng qua cùng tạm chiếm cũ, có đơn vị phải qua thành phố đầy lính ngụy, lính Pháp. Bất chấp sự ngăn cản của đối phương, đồng bào vẫn đổ ra đường hoan hô và tiễn chân bộ đội.

Những ngày cuối cùng của việc chuyển quân, mặc dù địch kiểm soát chặt chẽ, nhưng không ngày nào không có người dân từ vùng địch kiểm soát ra thăm. Có người từ cực nam ra Quy Nhơn, có người từ Sài Gòn xuống Cà Mau. Thấy bộ đội không nhận quà bánh, các má, các chị đem để lại vọng gác rồi về.

Tiễn đưa và tặng nhau kỷ vật là quyển sổ tay, chiếc huy hiệu, tấm khăn... để nhắc nhở nhau làm tròn nhiệm vụ. Có chị bán hàng vải đến phút cuối cùng xé ngay tấm lụa hồng ký tên vào, rồi mọi người xúm nhau ký tên không còn một chỗ trống. Một bà má ôm bộ đội hôn rồi tặng một cây cờ:

“Đây cờ đấu tranh,
Con giữ bên mình
Thấy cờ con nhớ học hành
Thấy cờ con nhớ mối tình Bắc, Nam”
1.

Ngày 31-1-1955, trong lễ bàn giao cho quân đội Liên hiệp Pháp khu vực tập kết 200 ngày ở Cà Mau, đồng chí Phạm Hùng. Chủ tịch Ủy ban liên hiệp đình chiến, thay mặt Chính phủ khen ngợi tinh thần cách mạng của nhân dân Nam Bộ.

Ngày 8 tháng 2, con tàu Liên Xô Xtavrôpôn trên dòng sông Ông Dốc chuẩn bị kéo neo rời bến đưa cán bộ, chiến sĩ tập kết chuyến cuối cùng ra Bắc, đồng chí Lê Duẩn lên tàu giả đi tập kết rồi bí mật xuống một chiếc xuồng con trở lại đất mũi Cà Mau. Đồng chí Võ Văn Kiệt, ủy viên Liên tỉnh ủy miền Tây đưa đồng chí Lê Duẩn về các cơ sở cách mạng ở Tân Hưng Tây (Cái Nước) rồi Khai Long, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), Nguyễn Phích, Cái Tàu (huyện Trần Văn Thời)... trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân.

Trong ngày chuyển quân cuối cùng của Nam Bộ, nhân dân Cà Mau đã gửi bộ đội nắm đất ở mũi xa nhất của miền Nam mang ra dâng Hồ Chủ tịch và dặn dò:

“Con ra thưa với Bác Hồ
Đất này chỉ cắm một cờ vàng sao”
2

Sau gần bảy tháng thi hành Hiệp định, việc bàn giao chính quyền giữa ta và đối phương đã cơ bản hoàn thành. Ta chỉ còn một khu tập kết từ nam sông Vệ đến giáp đèo Cù Mông thuộc hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Việc bàn giao khu vục này cũng phải xong trước ngày 21-5-1955. Công việc bàn giao trước đó đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Kẻ địch tìm mọi cách gây rắc rối nhằm phá hoại Hiệp định, nhưng Chính phủ và nhân dân ta vẫn kiên trì chủ trương tiếp tục đấu tranh để thi hành Hiệp định, củng cố hòa bình và tiến tới thực hiện thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử.

Tháng 3-1955, đồng chí Nguyễn Chánh, Phó Tổng tham mưu trưởng được cử vào Khu V xem xét tình hình tại chỗ và trực tiếp chỉ đạo đợt rút quân cuối cùng. Cùng thời gian này, theo quyết định của Trung ương, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên thuộc Khu IV nay trở lại trực thuộc Liên khu V.

Cuối tháng 3, Ban thường vụ Liên khu ủy V tổ chức hội nghị, một số cán bộ lãnh đạo các tỉnh tham dự. Trước tình hình địch có nhiều thủ đoạn khủng bố, đàn áp nhân dân trong vùng chúng kiểm soát, Khu ủy dự tính khả năng “cách mạng không thể phát triển bằng phương pháp hòa bình”, đã quyết định lựa chọn thêm một số cán bộ trong các đơn vị vũ trang và một số cán bộ các ngành chuẩn bị tập kết ra Bắc đang ở Quy Nhơn, đưa về bổ sung cho các địa phương. Đảm bảo cho tổ chức gọn, nhẹ phù hợp với tình hình mới, Liên khu ủy chỉ đạo bố trí số lượng các cấp ủy theo nguyên tắc: Liên tỉnh uỷ có từ 3-5 ủy viên, tỉnh ủy từ 5-7; huyện ủy từ 3-5. Chi bộ đảng tổ chức tới thôn, mỗi chi bộ từ 3-5 đảng viên. Số đảng viên còn lại cho “thả nổi” (tạm ngừng sinh hoạt). Số cán bộ, nhân viên từ khu đến xã tính đến tháng 3-1955 còn lại 3.603 người và 170 giao liên3.

Ngày 16-5-1955, chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ chiến sĩ miền Nam rời cảng Quy Nhơn ra Bắc. Công cuộc chuyển quân tập kết, sắp xếp lực lượng của ta ở lại miền Nam đã hoàn thành thắng lợi. Mười hai vạn bộ đội, cán bộ các ngành ở miền Nam tập kết ra Bắc, đem theo 500 tấn súng đạn; 600 tấn máy móc, khí tài và 236 xe ô tô các loại.

Đây là lực lượng rất quý của đồng bào miền Nam gửi ra Bắc để tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức và năng lực, góp công, góp sức xây dựng miền Bắc vững mạnh làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
_________________________________
1. Tài liệu đánh máy Cục Lưu trữ Trung ương Đảng. Đơn vị bảo quản 5. tr. 21.
2. Cục lưu trữ Trung ương Đảng, đơn vị bảo quản 5. tr. 22.
3. Số cán bộ nhân viên còn lại cụ thể ở các tỉnh: Quảng Nam: 506, Quảng Ngãi: 396, Bình Định: 451, Phú Yên: 254, Bình Thuận: 259.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:38:06 pm »


Ở miền Nam, hệ thống lãnh đạo của Đảng được tổ chức lại, chuyển vào hoạt động bí mật, cùng với đồng bào miền Nam giàu truyền thống cách mạng, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh mới với kẻ thù.

Cùng với việc chỉ đạo chuyển quân tập kết, sắp xếp lục lượng ở miền Nam, trên miền Bắc Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo đấu tranh với địch, tiếp quản vùng mới giải phóng, đồng thời lo hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định trật tự an ninh. Vấn đề quan trọng nhất lúc bấy giờ là giải phóng miền Bắc, đấu tranh buộc Pháp phải rút quân. Trong lời kêu gọi ngày 2-7-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ: “Nhiệm vụ trước mắt của quân và dân ta lúc này là đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc”; “việc tiếp quản các thành thị lớn ở miền Bắc là một công tác rất quan trọng và nặng nề”. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954, lại nhấn mạnh: “Việc chúng ta tiếp quản được thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, khiến chúng ta không những có nông thôn mà còn có thành thị, đường sắt, cửa biển, vùng công nghiệp... đó là một biến đổi to lớn, ta có đủ điều kiện kiến thiết quy mô một quốc gia”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp quản vùng mới giải phóng, đặc biệt là tiếp quản các thành thị, Trung ương Đảng quyết định cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, uỷ viên Bộ Chính trị, Tố Hữu ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và đồng chí Xuân Thủy, chỉ đạo tiếp quản thủ đô Hà Nội. Đồng chí Đỗ Mười, Bí thư khu Tả Ngạn, trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo khu vực 300 ngày1. Ngay từ đầu, được sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Trung ương, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã lãnh đạo quần chúng công nhân đấu tranh chống lại âm mưu của địch di chuyển kho tàng, máy móc, trang thiết bị, tài liệu quý vào Nam.

Tại Hà Nội, các cuộc đấu tranh được tiến hành trước hết ở các nhà máy, xí nghiệp phục vụ lợi ích công cộng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân như điện, nước, vệ sinh. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy điện Yên Phụ, phong trào đã nhanh chóng lan rộng khắp các nhà máy đèn Bờ Hồ, nhà máy nước, ga Hàng Cỏ, nhà máy xe lửa Gia Lâm. Các cuộc đấu tranh của công nhân đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú, từ hình thức không thi hành lệnh của chủ, cử đại biểu hoặc từng bộ phận, từng phân xưởng kéo lên nơi chủ làm việc đưa yêu sách, chất vấn, đến hình thức đấu tranh giành giữ, chặn đường không cho địch chuyên chở, mang máy móc đi v.v... Cao hơn là công nhân tổ chức thay phiên nhau ngày đêm canh gác xí nghiệp, bảo vệ hoặc tháo gỡ, cất giấu máy và phương tiện sản xuất. Cùng với công nhân các nhà máy, xí nghiệp đấu tranh giữ máy móc, nguyên liệu, nhân viên ngành y tế ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Phủ Doãn, nhân viên các trường học công, tư và trường đại học Hà Nội, công chức ở các cơ quan, công sở của địch, đã cất giấu, bảo vệ thuốc men, dụng cụ chữa bệnh, tài liệu khoa học, phương tiện làm việc hoặc bí mật chuyển ra vùng tự do.

Trong hơn hai tháng đấu tranh quyết liệt với địch, công nhân nhà máy điện Yên Phụ, nhà máy đèn Bờ Hồ đã buộc địch phải bảo đảm 4.000 tấn than dự trữ cho đến ngày ta tiếp quản. Nhà máy nước giữ được máy móc, thiết bị, đảm bảo cung cấp nước bình thường cho thành phố. Ga Hà Nội và sở Hỏa xa giữ được 12 đầu máy và toàn bộ các toa xe. Nhà bưu điện đòi địch phải bồi hoàn đủ phương tiện bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Đặc biệt công nhân các nhà máy này đã mưu trí lấy lại những tấm bản đồ ghi hệ thống cống nước ngầm, dây điện ngầm, dây điện thoại ngầm trong thành phố, giúp ta nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân sau khi tiếp quản.

Cũng như ở Hà Nội, nhân dân trong khu vực tập kết 300 ngày đã đấu tranh bền bỉ và khôn khéo với địch. Ở khu Hồng Quảng, Đặc khu ủy đã chỉ đạo thành lập các đội bảo vệ máy trong công nhân, làm nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và cùng công nhân ngăn chặn hành động tháo dỡ, di chuyển máy móc của địch.

Chiều 9-3-1955, công nhân Hồng Gai đã đấu tranh không cho bọn chủ chuyển 8 môbin của nhà máy điện xuống Cẩm Phả để chở vào Nam. Ngày 24-4-1955, công nhân nhà máy cơ khí Cẩm Phả buộc chủ phải để lại 3 máy không cho đem đi.

Tại Hải Phòng, Kiến An, ngoài việc tăng cường vơ vét máy móc vật liệu mang đi, địch còn tung ra hàng loạt tiền Đông Dương giả để mua hàng hóa chở vào Nam. Chúng còn phá huỷ hai cầu Kiến An và Kiến Bắc gây ách tắc giao thông.

Các tầng lớp nhân dân ở đây đã tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh lớn, nhỏ liên tiếp đẩy lùi các cuộc cướp phá của địch và giữ lại phần lớn máy móc của các nhà máy xí nghiệp bảo đảm cho việc nhanh chóng ổn định sinh hoạt của nhân dân, khôi phục sản xuất.
_________________________________
1. Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (1957), các đồng chí Xuân Thủy, Đỗ Mười được bầu bổ sung vào Trung ương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2010, 11:39:06 pm »


Đi đôi với việc đấu tranh chống địch cướp phá tài sản, máy móc, quân và dân ta còn tích cực vận động binh lính địch bỏ hàng ngũ trở về với gia đình. Nhân lúc sĩ quan, binh lính địch đang hoang mang, các địa phương đã tập trung chỉ đạo gấp rút chấn chỉnh các ban địch vận từ tỉnh xuống cơ sở, điều động nhiều cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm từ vùng giải phóng bổ sung cho các vùng tạm bị địch chiếm. Công tác tuyên truyền vận động sát với từng đối tượng. Với ngụy binh, ta giải thích sâu rộng bốn chính sách của Chính phủ đối với ngụy quân, ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân. Đối với lính Âu-Phi ta tuyên truyền làm cho họ nhận rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đấu tranh đòi “hòa bình và hồi hương”, đòi Pháp phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ.

Nhờ phát động được phong trào toàn dân làm công tác địch vận, quần chúng đã sáng tạo nhiều hình thức đấu tranh phong phú. Nhiều nơi nhân dân kéo đến các vị trí tập trung quân của địch hỏi tin tức, kêu khóc, đòi chồng, đòi con. Có cuộc ta huy động hàng ngàn quần chúng đấu tranh kiên trì nhiều ngày, làm tan rã từng đại đội, tiểu đoàn địch. Nhiều gia đình có người đi lính mang theo cơm, gạo nằm xung quanh doanh trại địch hết ngày này qua ngày khác đòi bằng được chồng, con trở về mới chịu giải tán.

Công tác vận động của ta cũng đã tác động đến tinh thần binh lính Âu-Phi. Họ ngày càng nhận rõ cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp là phi nghĩa, lại mong chờ ngày hồi hương, nên lo giữ lấy thân, tìm cách không đi càn quét bắt thanh niên vào lính ngụy, hoặc phải đi thì giữ thái độ trung lập. Nhiều binh lính tỏ ra cảm tình ủng hộ ta, tìm cách chuyển cho ta vũ khí, khí tài quân dụng.

Thắng lợi của công tác địch vận đã tác động mạnh vào tinh thần quân đội địch, góp phần làm cho ngụy quân còn ở miền Bắc tan rã từng mảng, lôi kéo được một lực lượng lớn sĩ quan, binh lính địch về với nhân dân. Tổng số ngụy quân ở miền Bắc có 80.076 tên, khi rút vào Nam chỉ còn 32.000 tên. Số lính đào ngũ lên tới 60%. Riêng ở Hà Nội sau ngày ta tiếp quản đã có 12.346 sĩ quan và binh lính ngụy ra trình diện.

Để thực hiện âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt” hòng phá hoại việc thi hành Hiệp định, địch đã mở chiến dịch cưỡng ép nhân dân, nhất là đồng bào theo đạo Thiên chúa di cư vào Nam. Ngay khi Hiệp định Giơnevơ vừa được ký kết, Mỹ - Diệm đã tổ chức “Ủy ban di cư Bắc Việt” đặt tại Tòa đại sứ Mỹ ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, cùng với bọn phản động đội lốt tôn giáo trực tiếp chỉ huy cuộc di cư.

Chính đế quốc Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện vận tải, tiền bạc, thuốc men, lương thực, thực phẩm1 và cử Hồng y giáo chủ Xpenman, tổng tuyên úy trong quân đội Mỹ sang Việt Nam để chỉ đạo chiến dịch di cư. Giăng Đô Lây, khâm mạng tòa thánh Vaticăng ở miền Nam cùng với Xpenman thường xuyên có mặt ở Hà Nội để trực tiếp đôn đốc, thúc giục các giáo hội thực hiện kế hoạch di cư.

Ngày 2-8-1954, Ngô Đình Diệm đích thân ra Hà Nội kiểm tra việc này đã trắng trợn tuyên bố: “Tôi sẽ hướng mọi nỗ lực của tôi vào công việc tổ chức di cư”.

Quân viễn chinh Pháp cho hải quân làm những chiếc tàu “ma” ở ven biển, khi thì làm “Đức mẹ hiện hình”, khi thì “Đức mẹ kêu gọi” để lừa và hù dọa giáo dân. Pháp, cũng cho phép sử dụng phương tiện vận tải quân sự trên biển để chuyên chở giáo dân vào Nam.

Đối với đồng bào theo đạo Thiên chúa, địch tiến hành chiến tranh tâm lý, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của ta để lung lạc tinh thần nhân dân, đổ vấy cho ta là “chia cắt đất nước”. Chúng đưa lực lượng quân sự đi hộ tống cho bọn phản động đội lốt thầy tu về các nhà thờ tuyên truyền “cộng sản phá đạo”, “Chúa đã vào Nam”, “Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống miền Bắc” v.v...

Bọn phản động đội lốt cha cố không những chỉ hoạt động trắng trợn ở vùng địch đang kiểm soát mà còn ráo riết hoạt động ngay tại các vùng của ta. Chúng đi rao giảng, rỉ tai, dọa dẫm và hứa hẹn đối với đồng bào di cư. Tại Cao Xá và Ngọc Đồng (Hưng Yên), linh mục chỉ đạo và giao cho bọn phản động gài mìn vào đường làng, ngõ xóm làm cho giáo dân sợ, dù không muốn đi cũng không thể quay về làng. Chúng gây ra hơn 200 vụ phá rối trị an trong đó những vụ bạo loạn ở Phát Diệm (Ninh Bình), Diễn Tiến (Nghệ An), Ba Làng (Thanh Hóa) là những vụ rất nghiêm trọng.

Do bị mê hoặc, lừa bịp, một số khá đông đồng bào theo đạo Thiên chúa đã hoang mang, lo sợ, nghe theo lời dụ dỗ, cưỡng bức di cư.
_________________________________
1. Tháng 7-1954, Mỹ đã bỏ ra 43 triệu đồng Đông Dương cho Diệm chi tiêu vào việc cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Mỹ còn cho Diệm 2.000 lều vảí để tập trung người di cư và chịu hết phí tổn chuyên chở.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM