Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:15:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại  (Đọc 53818 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #70 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:41:26 am »


         Đường 20 Quyết thắng do 2 công trường thi công: Công trường 20 phía đông, và công trường 128 phía tây.

         Đoạn phía đông từ Phong Nha đến biên giới Lào - Việt dài 68 kilômét là đoạn khó khăn, có đến 40 kilômét đường đá. Khối lượng đá phải phá theo thiết kế là 1.000.000 mét khối, trải dài khắp toàn tuyến nhưng tập trung lớn ở hai đoạn dốc Đồng Tiền và dốc Ba Thang.

         Đoạn phía đông đường 20 từ Phong Nha lên biên giới do Công trường 20 thi công. Ban chỉ huy công trường: Chỉ huy trưởng kỹ sư Phan Trầm, Chính ủy Thiếu tá Nguyễn Quang Bình, Chỉ huy Phó Đào Thanh và Chỉ huy Phó phụ trách hậu cần Nguyễn Khắc Phùng.

         Ngày 21 tháng 1 năm 1966, mồng 1 Tết Bính Ngọ, tại công trường 20, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Tư Lệnh Nguyễn Tường Lân ra lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên đón Xuân Bính Ngọ, hưởng ứng chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” do Bộ Tư lệnh 559 phát động.

         Với khí thế chiến dịch bộ đội, công nhân thanh niên xung phong lao động không mệt mỏi nhằm hoàn thành con đường trong thời gian sớm nhất.

         Ngày 10-4-1966 đường 20 từ Phong Nha, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình sang Lùm Bùm huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn đã thông đường. Toàn tuyến dài 123 kilômét qua các địa danh mà sau này đã thành trọng điểm thường xuyên bị địch đánh phá: Phong Nha, dốc Đồng Tiền, Trà Ang, Ba Khe, dốc Ba Thang, Khe Diêm, U Bò, Khe Tum, Cà Roòng, A Ky, cua chữ A, Ta Lê, Phu La Nhích, Chà Là, Hin Lắp, Ka Tốc, Lùm Bùm đến bây giờ cán bộ công nhân, thanh niên xung phong, bộ đội thời đó vẫn không thể nào quên!

         Mở được đường 20 từ Việt Nam sang Lào trên đất Quảng Bình là câu trả lời "có thể " của tập thể kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của nghề nghiệp xây dựng cầu đường Việt Nam.




« Sửa lần cuối: 18 Tháng Giêng, 2010, 11:17:21 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #71 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:43:11 am »



         Đường 128, đường 20 Quyết thắng có chiều dài trên 300 kilômét được thực hiện từ những năm 1965 - 1966, thời gian thi công chỉ gần 1 năm theo phương thức vừa khảo sát thiết kế vừa thi công.

         Đường 128 mùa khô năm 1965 đã phát huy được tác dụng. Hàng hoá hậu cần, binh khí kỹ thuật được vận chuyển vào sát chiến trường Trị Thiên (B4) và Tây Nguyên (B3). Những năm sau đường 128 còn được Bộ đội Công binh Đoàn 559 kéo dài đến Sê rê pốc dài 831 kilômét, tiếp đó tận dụng đường 14 đến Bù Gia Mập, tỉnh Bình Thuận. Đây là trục dọc nối từ hậu phương lớn miền Bắc vào tận các chiến trường miền Nam. Đường 128 là trục dọc đầu tiên trong số 5 trục dọc xuyên suốt từ Trung Lào xuống Hạ Lào.

         Đường 20 Quyết thắng là công trình đường ngang, cửa khẩu thứ hai rất quan trọng trong 4 cửa khẩu: đường 12, đường 20, đường 16, đường 18. Binh trạm 14 thuộc Bộ Tư lệnh 559 là binh trạm có nhiệm vụ bảo đảm giao thông, vận chuyển, chiến đấu bảo vệ tuyến đường 20 trong suốt hàng chục năm chống Mỹ.

         Mùa Xuân năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi suốt đường 20, đến cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích. Đại tướng nhận xét: "Đường 20 Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên! ".

         Vào khoảng tháng 10 năm 1965, khi toàn công trường đang làm đường “rông đanh” tranh thủ cho xe vào đường 9 thì Tư lệnh Đoàn 559, Thiếu tướng Phan Thanh Xuân đến thăm công trường, kiểm tra tiến độ. Những năm đầu thập kỷ 60, tôi đã công tác ở Văn phòng Bộ Giao thông vận tải nên nhận ra Tư lệnh Đoàn 559, Thiếu tướng Phan Thanh Xuân chính là vị Bộ trưởng kính mến Phan Trọng Tuệ. Đến nay tôi vẫn còn nhớ phút đầu buổi gặp mặt hôm đó. Ông cười vui, chỉ vào ngực mình và nói với cán bộ công trường chúng tôi:

         - "Sang đây mình là Tư lệnh 559 Phan Thanh Xuân, nếu là Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ thì phải có hộ chiếu ngoại giao, các cậu gọi mình là anh Thanh Xuân nhé!".

         Đường 128 bên đất Lào, và đường 20 bên đất Việt - giải pháp hữu hiệu tránh túi nước Xeng Phan, hai tuyến đường gắn bó với nhau, hỗ trợ nhau, cùng nhau chuyển hàng chục vạn quân, hàng triệu tấn hàng hoá binh khí kỹ thuật kịp thời vào chiến trường, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt một thời chống Mỹ.

         Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, phối hợp rất chặt chẽ đã lập nên chiến công đầu tiên cực kỳ quan trọng mở thông hai con đường chiến lược 128 và đường 20. Không thể nào quên Thiếu tướng Tư lệnh Đoàn 559 Phan Thanh Xuân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ, hai biệt danh, một con người đã đóng góp công sức không nhỏ của mình vào chiến công chung to lớn đó.





Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #72 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:15:28 am »


MỘT NGƯỜI LÍNH
TƯỞNG NHỚ MỘT VỊ TƯỚNG

TRẦN LIÊU
(Nguyên Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân)








         Bắt quả tang một quân nhân trèo trộm sấu, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh CAND vũ trang, nghiêm nét mặt: "Quả sấu nhỏ nhưng từ cành cao rơi xuống đã nát thế này; còn con người to lớn thế kia, ngộ nhỡ sẩy tay, sẩy chân rơi xuống thì còn gì nữa? Cành sấu nó giòn lắm. Lần này tha, nhưng tái phạm, lần sau sẽ kỷ luật nghiêm".

         Trong đời lính của mình, tôi có một vinh dự cùng lúc được nhân đôi: Được dự lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân  vũ trang (CANDVT) ngày 3-3-1959 tại Câu lạc bộ Quân nhân (Hà Nội) và được nghe Bác Hồ huấn thị tại buổi lễ trọng thể này.

         50 năm đã qua, bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in nguyên văn câu mở đầu bài nói chuyện của Bác: "Không biết Bác có duyên hay không, nhưng có nhiều nợ. Hội hè, đính đám gì Bác cũng được mời đến dự. Hôm nay thì dự Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang...".

         "... Thành lập được CANDVT là một thành công về sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa Quân đội và Công an, Công an và Quân đội. Có tư tưởng cho rằng Quân đội hơn Công an, hoặc Công an hơn Quân đội là không đúng đâu. Quân đội và Công an là hai cánh tay của Đảng, của nhân dân... Cả hai đều phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình".




BÁC HỒ "XUẤT TƯỚNG"

         Nói đến đây, Bác dừng lại. Một thoáng nhìn khắp hội trường rồi Bác chỉ vào một vị Tướng ngồi hàng ghế đầu và hô rất chuẩn, có dự lệnh... động lệnh đúng điều lệnh đội ngũ: "Ông Tướng này... Đứng dậy! Đằng sau... Quay!". Vị Tướng chấp hành đúng mệnh lệnh của Bác, quay mặt xuống hội trường, đứng nghiêm. Các đại biểu chưa ai hiểu được ý định của Bác nên đều chăm chú ngắm nhìn...Đó là một vị Tướng oai nghiêm, nét mặt kiên nghị nhưng rất tươi vui, dáng hình cao lớn, mặc lễ phục trắng, cầu vai gắn hàm Thiếu tướng CANDVT nền xanh đậm, giữa đính ngôi sao vàng lấp lánh:

         - Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ!

         Bác hỏi: "Ông Tướng Công an này có đẹp không, các chú?". Cả khối người trong hội trường đồng thanh đáp: "Thưa Bác, đẹp ạ!". Bác cười rất vui: "Ông Tướng Quân đội - đẹp". Ông Tướng Công an - cũng đẹp. Từ ông Tướng đến chiến sĩ, từ Chủ tịch nước đến người công nhân quét đường, mỗi người đều có công việc của mình, ai làm tròn nhiệm vụ cũng đều đẹp, đều vẻ vang như nhau...". Niềm vui òa lên trong tiếng cười, tiếng vỗ tay sôi nổi, kéo dài.

         Đến lúc ấy chúng tôi mới hiểu cách "xuất Tướng" của Bác là thay lời giới thiệu vị Tướng Tư lệnh đầu tiên của lực lượng CAND vũ trang và những lời dạy của Bác tuy rất ngắn nhưng rất trúng tủ, rất thấm thía đối với chúng tôi - những người phần đông chỉ thích ở Quân đội, không muốn chuyển sang CAND vũ trang, một phần vì tình cảm cách mạng lâu ngày gắn bó với Quân đội; phần nữa vì cảm thấy Quân đội hơn Công an, oai hùng hơn, quân hàm, quân hiệu đẹp hơn, nên: "Chuyển thì chuyển vậy kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai!".

         Cũng từ hôm đó, chúng tôi không còn bâng khuâng "chân trong chân ngoài" nữa, mà cả hai chân đều kiên định vững vàng trong lực lượng CAND vũ trang.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #73 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:21:16 am »



ÔNG TƯỚNG TƯ LÊNH - NGƯỜI BẠN ĐÁ BÓNG CỦA CHÚNG TÔI


         Lúc bấy giờ ở giữa doanh trại của cơ quan Tư lệnh Bộ có một sân vận động thừa tầm cỡ một sân bóng đá của đội cầu thủ chân đất chúng tôi. Đó cũng là sân tập đội ngũ, tập xạ kích và sân tập họp đơn vị để kiểm tra điều lệnh nội vụ cá nhân: Kiểm tra vệ sinh cổ áo, móng tay, râu tóc, bát ăn cơm đeo ở thắt lưng vào sáng thứ hai hằng tuần. Bây giờ, nơi ấy
xây nhà cao tầng kín cả rồi.

         Chiều nào cũng vậy, hết giờ làm việc là chúng tôi tụ hội ra đây sát phạt nhau bằng bóng đá, đá bằng chân cũng hăng mà "đá" bằng mồm thì cực kỳ ầm ĩ. Bất ngờ chiều hôm ấy, không biết Tư lệnh ra sân từ lúc nào, ngẫu hứng nói lớn: "Cho tớ tham gia với!". Không đợi trả lời, Tư lệnh cởi áo chạy ra sân sáp trận liền.

         Hóa ra nãy giờ chúng tôi không để ý, chính là lúc ông xem giò cẳng của cầu thủ và biết một bên còn thiếu người nên ông tự bổ sung mình vào bên ấy. Xem ra, "vị cầu thủ" này cũng có tầm cỡ đây. Chạy khá nhanh, dắt bóng rất điệu nghệ, lại có động tác giả đánh lừa chúng tôi. Mặc dù vậy, cầu thủ chủ nhà cũng có phần e dè, nể nang, sợ chạm chân ông Tướng nhỡ có bề gì gay go to. Có lần, ông tỏ ra bực mình, dừng bóng lại, bảo chúng tôi: "Các cậu phải sáp vào, tranh bóng thật lực vào, chứ cứ láng cháng chạy theo, để một mình tớ đá thì còn ra làm sao nữa?".

         Được bật đèn xanh, chúng tôi có phần bạo dạn hơn. Tiền đạo Bảy (đồ bản), Huyền (quân lực), nhiều lần tinh quái, tranh được bóng của ông Tướng, chạy băng băng rồi trở lại, làm ông Tướng chạy quá đà suýt ngã. Còn Lê Kỳ Lộc, Trưởng trạm Quân bưu, người ngắn như con găng võng, nhưng tả xung hữu đột, có lần tranh mất bóng trong chân ông Tướng, khi ông chuẩn bị sút vào khung thành đối phương. Ông cười với lời khen: "Tay này chơi được!". Riêng cầu thủ Trần Đức (hậu cần) cứ mỗi lần dắt bóng, là nã đại bác sang đối phương, nên ông Tướng có phần né tránh, sợ trúng quả thì bị thương là cái chắc…

         Có một kỷ niệm trên sân bóng thật ngọt ngào. Đó là buổi chiều đầu xuân năm ấy, chúng tôi nhất trí mở màn một trận đấu mừng Xuân cho thật máu lửa để lấy hên cho cả năm. Tư lệnh hứa sẽ tham gia. Và cổ động viên ra sân rất đông để động viên cho cả hai đội - trong đó có phu nhân của Tư lệnh. Đang ngồi bên này sân nhưng chói nắng nên bà chạy ngang qua sân sang phía bên kia có bóng mát. Đó cũng là thời điểm cầu thủ Tư lệnh dắt bóng chạy đến. Vậy là "cầu thủ đặc biệt" cố tình đá bóng chạm vào người bà cổ động viên đặc biệt! Không biết nặng nhẹ thế nào nhưng bà ngồi khuỵu xuống… ăn vạ! Xử trí rất nhanh, ông vội bế bổng bà lên chạy vào bên lề sân nơi có bóng râm và bảo: "Xin "thương binh" vui lòng ngồi đây nghỉ mát, chút nữa đá bóng xong sẽ đưa đi nhà thương!". Cả hai ông bà cùng cười. Tất nhiên, cả sân bóng đá, mọi người đều vỗ tay tán thưởng!




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #74 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:23:40 am »



ÔNG TƯỚNG BẮT QUẢ TANG "CẦU THỦ TRÈO
CÂY TRỘM SẤU"


         Trước cửa Bộ Tư lệnh có những hàng sấu cành lá sum suê tỏa bóng mát rượi. Đến mùa quả chín, những chùm sấu mọng vàng đung đưa trên cành cao trông đến ngọt ngọt chua chua con mắt! Để đề phòng xảy ra tai nạn, Đại úy Nguyễn Quốc Ân, Quản trị trưởng cơ quan Tư lệnh Bộ đã họp toàn đơn vị phổ biến chỉ thị "Cấm cán bộ, chiến sĩ trèo cây hái sấu". Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn rình chọn thời cơ đánh lén. Hết quả ở những cây sấu ngoại vi, chúng tôi đánh lấn vào khu tung thâm trước cửa nhà BTL.

         Trưa chủ nhật, doanh trại vắng vẻ. Ấy là cơ hội nghìn năm có một. Lê Kỳ Lộc làm lính xung kích leo cây. Anh mặc chiếc quần cộc quân trang chính hiệu rộng thùng thình, dây rút dài lê thê, để hái được quả nào thì cho vào lưng quần quộn lại thành cái ruột nghé quấn quanh người. Trong lúc Lộc đang say sưa bò ra cành ngang thu hái sấu thì bị Tư lệnh bất ngờ xuất hiện ở bậc tam cấp trước cửa ra vào. Dáng chừng ông đang thư giãn giữa giờ làm việc nên vươn vai hít thở rồi ho khẽ một tiếng và trở vào nhà.

         Từ vị trí cảnh giới ở góc tường bên ngoài, tôi và Tạo ra hiệu báo động. Đây là một tình huống ngoài dự kiến. Có ai ngờ chủ nhật mà Tư lệnh cũng làm việc cả buổi trưa? Đáng lẽ khi nhận được tín hiệu, Lộc phải chuồn xuống cho thật nhanh, đằng này còn tiếc rẻ hái mấy chùm sấu nữa, cho đến khi nhận tín hiệu lần thứ hai, lại lớn tiếng đáp: "Thấy rồi". Thế có chết không? Khác nào: "Lạy ông Tướng, con đang trèo ở cây này!".

         Khi Lộc vừa chạm chân xuống đất, vị Tư lệnh cũng vừa bước ra: "À, lại là cậu. Đá bóng chạy cũng nhanh mà trèo cây cũng bợm đấy chứ!". Rồi bất ngờ ông nhặt quả sấu dưới chân lên, hỏi Lộc: "Cậu thấy quả này thế nào?". "Dạ, quả ấy rơi bị giập nát rồi". Và anh hồn nhiên sờ tay vào cái ruột nghé - Dạ những quả này còn tươi nguyên".

         Vị Tư lệnh nghiêm nét mặt: "Không phải tôi xin sấu mà muốn nói quả sấu nhỏ nhưng từ cành cao rơi xuống đã nát thế này; còn con người to lớn thế kia, ngộ nhỡ sẩy tay, sẩy chân rơi xuống thì còn gì nữa? Cành sấu nó giòn lắm. Lần này tha, nhưng tái phạm, lần sau sẽ kỷ luật nghiêm. Rõ chưa?". Lê Kỳ Lộc đáp lý nhí: "Dạ, rõ rồi ạ!” Tư lệnh quay vào. Lộc vắt chân lên cổ chạy một mạch, quên cả hai đồng phạm làm nhiệm vụ cảnh giới đang sợ hết vía!




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #75 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:26:48 am »



ÔNG TƯỚNG NGHIÊM KHẮC


         Con đường QL1 chạy vào Nam, qua cầu Hiền Lương - giới tuyến quân sự tạm thời - đến gần đầu cầu bờ Bắc có một đoạn bị hỏng. Ta cho 2 chiếc ôtô tải chở đá dăm vào đổ bên lề đường để chuẩn bị sửa chữa. Nghe tiếng động cơ ôtô, quân đội Sài Gòn ở bờ Nam thường ra ranh giới ở giữa cầu dòm ngó, nhưng tình hình vẫn bình yên. Bất chợt hôm ấy, một ôtô sau khi đổ đá xong, rú ga, thò "cờ trắng" đâm đầu chạy vọt qua cầu sang phía Nam.

         Quân đội Sài Gòn nhốn nháo xô ra áp giải chiếc xe này chạy biến vào phía trong. Tối hôm ấy, tên lái xe phản bội bị chúng áp giải vào trạm tâm lý chiến ở bờ Nam, chõ loa sang bờ Bắc chửi bới ta cực kỳ hỗn láo; xuyên tạc, nói xấu hết cỡ chế độ XHCN ở miền Bắc.

         Tham mưu trưởng Huỳnh Thủ và cả cơ quan BTL như ngồi trên đống lửa, hết cuộc họp này đến cuộc họp khác quanh sự cố xảy ra đầu tiên - một ôtô tải của ta vượt trót lọt qua giới tuyến quân sự tạm thời mà đơn vị CANDVT bảo vệ ở đấy vì mất cảnh giác không kịp thời ngăn lại được.

         Sáng hôm sau, Tướng Tư lệnh sang phòng làm việc của Cục Tham mưu ở dãy nhà tôn hai tầng, phía bên phải đường từ cổng chính vào. Thấy tôi, ông hỏi: "Ông Thủ đâu?". Chẳng là hồi này, tôi từ trợ lý tham mưu được điều lên làm Thư ký kiêm giáo viên văn hóa cho Tham mưu trưởng, nên ngồi làm việc ở phòng ngoài. Tôi chưa kịp trả lời thì, phòng phía trong, Tham mưu trưởng đã lên tiếng: "Dạ, báo cáo anh, tôi đây".

         Và ông bước ra nói tiếp, nhưng có phần dè dặt: "Dạ, báo cáo anh, Tham mưu đã dự thảo chỉ thị bảo vệ giới tuyến xong nhưng chưa đạt, tôi đang sửa chữa, anh chờ cho sáng mai sẽ có văn bản đánh máy hoàn chỉnh trình lên anh". Tư lệnh nổi giận: "Còn chờ... chờ gì nữa? 24 tiếng rồi. Trong chiến đấu, 24 tiếng, cơ quan tham mưu các anh có ai đoán biết những việc gì sẽ xảy ra không? Anh đưa tài liệu đây cho tôi. Sau một giờ nữa, cho một thư ký đánh máy tin cậy sang phòng làm việc của tôi".

         Tôi phụng mạng nhận nhiệm vụ của Tham mưu trưởng giao, mang máy chữ portatif còn mới toanh sang phòng làm việc của Tư lệnh. Một bước đi, mấy bước lo. Lo là trình độ đánh máy của mình, không đến nỗi lộc cộc như gà mổ thóc, nhưng cũng chưa phải là điêu luyện múa may mười ngón. Vậy nên, nói cho chính xác là... sợ.

         Khi tôi chuẩn bị đã xong chỗ ngồi và chờ ông đưa tài liệu. Nhưng không, ông chắp tay sau lưng cứ đi đi lại lại quanh tôi. Thế mới hãi. Rồi bất ngờ ông đọc lớn "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.... Đánh đi - Đánh ở giữa dòng... Mệnh lệnh". Cứ thế và cứ thế, từ trong tư duy của mình, ông đọc ra thành câu, thành dấu chấm câu, thành tiêu mục, không trùng lắp nội dung, ý tứ... cả những số thứ tự cho những công việc cụ thể cũng đều rành mạch.

         Thỉnh thoảng ông bảo tôi đọc lại từng đoạn cho ông nghe để cân nhắc và sửa chữa những vấn đề mà ông chưa vừa ý. Lúc này, tôi cũng như một cái máy, nhưng dần dà tôi nhận biết được ông là một vị Tướng tài ba, có trình độ chính trị khái quát cao tình hình trong khu vực đặc biệt; có tính chiến đấu rất quyết đoán, sắc bén và nhanh nhạy; và sự chỉ đạo rất cụ thể, rất linh hoạt về sự vận dụng các biện pháp nghiệp vụ trong từng tình huống có thể xảy ra...

         Gần một giờ chiều, quên cả cơm trưa, quên cả uống nước, hai văn bản đã được hoàn thành: "Mệnh lệnh hỏa tốc" gửi đơn vị đặc nhiệm và "Mệnh lệnh điều chỉnh lực lượng bố
phòng giới tuyến quân sự tạm thời trong tình hình mới". Ông ký ngay tại chỗ và giao Văn phòng BTL gửi bằng đường công văn hỏa tốc.

         Đồng chí Thắng, công vụ, mang lên hai cốc sữa...

         Ông trở lại trạng thái thường ngày: Điềm tĩnh, dung dị, lại rất vui tính nữa.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #76 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:29:47 am »


PHAN GIA LIÊN

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI
(Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường)









Tôi đọc hồi ký của Cha,

Người Tư lệnh đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn năm ấy,

nước mắt trào dâng

Qua từng trang viết về sự ác liệt của chiến tranh

Tôi như nhìn thấy con đường 20 Quyết thắng

Xuyên thẳng qua núi cao vực thẳm,

trong tiếng gào thét của bom đạn, mưa giông

Nhìn thấy hai vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong,

tay cầm bộc phá, tay nắm choòng

Cùng với cha tôi phơi mình trước phong ba bão táp

Thấy từng đoàn xe chở đầy vũ khí

và những binh đoàn tiến thẳng vào Nam

Sức mạnh con người với lòng yêu nước thật vô song

Đường Trường Sơn, con đường của ý chí anh hùng

Ngày hôm nay để hiểu được chắc không phải dễ

Với trái tim của đứa con,

tôi rung động vì những điều được kể

Biết ơn các thế hệ đã dũng cảm hy sinh

Vì Độc lập, Tự do, Thống nhất, Hòa bình

Đường Trường Sơn con đường vĩ đại

Đã trở thành huyền thoại cùng Cha.


Tháng 5 năm 2009




Hết




« Sửa lần cuối: 19 Tháng Giêng, 2010, 05:45:06 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM