Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:20:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trước giờ nổ súng  (Đọc 55359 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 08:03:58 pm »

   Pha nhìn đăm đắm về phía đồn Pà Thạc.

   Sân bay dưới đồn hôm nay nhốn nháo. Quãng dốc đỏ từ con đường đá lớn vào sân bay lấm tấm những quân lính đi lại. Đoàn xe kéo đến từ trưa đến giờ chưa dứt. Lại quân ở Sài Gòn lên, nhưng không biết Tây trắng Tây đen hay lính Việt lính Miên. Chiếc xe này lên đến đầu dốc, lại chiếc khác dưới chân đồi nhô ra, như cả một bầy bọ hung bê bết đất đỏ nối nhau dưới lỗ chui lên, mãi không thấy hết. Ban trưa Pha đếm thầm được một lúc, chị em hỏi mấy câu lại quên sạch. Nhưng chắc đội anh Văn Thon đã cắt người nấp theo dõi.

   Pha chống tay đứng dậy, lê về làng.

   Con voi già vẫn ăn lá tre cạnh hàng rào lông nhím đầu làng. Nó gầy quá, bơi lùng nhùng trong lần da nhăn nheo chảy thõng xuống ở cằm và bụng, mốc trắng loang lổ. Đôi ngà cưa cụt đã bong mất lớp đồng bịt đầu, nứt từng khía dài. Nó hộc mừng một tiếng, quơ vòi hít hít bên vai Pha, vẫy đôi tai rách như lá đu đủ. Nó gần lòa hẳn mà vẫn nhận ra cô chủ. Pha chập choạng đi thẳng. Con voi theo chủ mấy bước, dừng lại, rướn vòi lên trời rống lên một tiếng dài nức nở.

   Làng Phi Lạt nằm trong rào, bên con đường ô tô rải đá chạy dọc sông Nậm Đăm. Trước làng ở sát chân bên kia núi Vượn, bây giờ khi mặt trời sắp lặn thì bóng núi thắt cổ bồng mới chạm đến làng. Giấy trên đồn ghi là làng số 11 thuộc khu tập trung Pà Thạc. Trước tám mươi bảy nóc nhà gỗ to, bây giờ còn hai mươi mốt túp lều thấp, mặt sàn đến ngang bụng và mái tranh vừa tầm tay với. Nhà xếp thành hai dãy, nom khấp khểnh như hai hàm răng sắp rụng. Một đứa bé bò lê trên đất bùn rắc trấu, mắt thô lố, trán nhăn như ông cụ. Từng đàn nhặng rung cánh lơ lửng giữa trời, sà xuống lại bốc lên một loạt. Các bếp tắt ngấm, tịnh không có mùi khói, mùi xôi đồ, mùi mắm pa đẹc gói lá chuối vùi tro quen mũi. Một cái làng tề ngắc ngoải, vơi người, mất tên, sắp sửa biến hẳn.

   Nhà của Pha ở cuối làng, cao gấp đôi các nhà khác tuy cũng rách như nhau. Bố Pha vừa cày vừa rèn, đến đâu cũng phải dựng nhà cao để đặt lò rèn bên dưới.

   Trèo lên khỏi cầu thang, Pha ngã chúi luôn xuống sàn, thở dốc. Nước trên người Pha rỉ qua lần tre mục, rỏ xuống bếp lò dưới đất lộp bộp, xốc tro bay như khói.

   Pha thiếp đi.

   - Pha ơi! Pha!

   Mè Xỉ bên hàng xóm đi lấy nấm về, đứng dưới cầu thang gọi giật giọng:

   - Gớm chửa con gái ngủ ngày! Lại nằm dọc nhà, sái quá…

   Bà cụ trèo lên nhà, hốt hoảng ném phịch giỏ nấm. Pha sốt hâm hấp, áo quần ướt đẫm mà mồ hôi lại vã trên cổ tay, trên trán.

   - Người làng ơi! Đến xem hộ con Pha ốm thế nào đây?

   Làng vắng cả. Đàn ông đi chật gỗ nộp xây đồn. Đàn bà đi nương, đi rừng. Chỉ có lũ trẻ chạy đến, kiễng chân dòm qua khe sàn. Mè Xỉ chạy về nhà. Nhà mè cũng vắng. Mè lầu bầu chửi con rể, vòng ra chùa.

   Một lúc sau ông sư đến, mặc áo dài tay lụng thụng màu vàng rực. Bà cụ xuýt xoa theo sau. Ông sư thắp một cây nến, cắm trên mâm cúng mè Xỉ vừa bày xong. Nắm gạo, dúm muối, quả trứng, thêm mấy bông hoa đại ngắt vội ở sân chùa, tất cả xếp trên cái mâm gỗ tròn đã cáu đen. Mấy sợi bông trắng nằm vắt ngang qua mâm. Ông sư ngồi xếp bằng tròn, lần tràng hạt, bắt đầu làm lễ xù khoẳn (gọi vía). Bài kinh tiếng Phạn tụng rầu rầu kéo dài như cơn mưa không dứt bên ngoài:

   A-li-na la-ma-vê la-ma-ni xíc-kha pa-thang xôm-ma ti-nha miii...

   Tiếng con voi già rống khàn khàn vọng đến. Mè Xỉ giật mình, liếc trộm nhà sư. Ông vẫn cúi đầu, cau đôi lông mày cạo nhẵn, đọc kinh. Mè lại ngồi xổm ngay ngắn, hai tay chắp ngang trán, khấn suỵt soạt. Bài kinh khác lại tiếp:

   Na-mô-ta-xa pha-kha-va-tô u-ra-ha-tô xam-ma xam- phu-tha-xaan...

   Ngọn nến cháy tàn. Ông sư đưa cho mè một cái vuốt hổ, mấy mẩu vỏ, hai khúc rễ thuốc. Ông xuống cầu thang, chợt nhớ ra, vẫy mè Xỉ nói khẽ:

   - Bảo người làng đừng nói cho ai biết tôi ra khỏi chùa nhé.

   - Dạ.

   - Tôi còn bị giam bốn tháng nữa.

   - Dạ. Rước sư ông về ạ.

   Mè Xỉ nhìn theo bóng áo vàng, đôi chân xéo lấm, hấp hay đôi mắt ướt.

   Sư ông chùa Phi Lạt tu đã trọn bảy năm. Các làng giàu đến thỉnh, ông không nghe, cứ ở mãi cái làng nghèo xác này, lấy tình dân làm quý. Dạo đầu năm, lão tỉnh trưởng về Pà Thạc có gọi dân đến cho lão thăm. Ai cũng biết lão là chủ hiệu buôn xăng dầu và vải tây lớn ở Viêng Chăn, có mở thêm cửa hàng ở Pà Thạc giao cho vợ trông nom. Gần đây lão lại vào đảng Xạtcaonạ 2 của chính phủ, phe phái to lắm. Lão ngồi xe hơi vào tận sân chùa, đi cả giày tây vào điện thờ Phật, miệng ngậm cái tẩu nói xì xồ với quan Pháp. Sư ông tức lắm, nhắc một câu kệ lơ lửng với dân làng:

   - Sự khổ não nhục nhã sẽ bám theo kẻ kiêu ngạo như cái bánh xe lăn theo chân con bò kéo vậy.

   Hai hôm sau, sư ông bị bắt lên đồn tra hỏi. Rồi hòa thượng ở chùa Pà Thạc họp các sư lại, buộc tội sư ông theo quân phản đạo Itxala nói xấu người chính phủ, phạt giam lỏng một năm lẻ bốn ngày trong chùa. Các sư đều tức nhưng sợ oai hòa thượng không dám cãi. Dân làng Phi Lạt thêm quý sư ông gấp bội. Giữa cơn đói quắt ruột này vẫn biện đủ ngày hai bữa cơm cá lên dâng vào canh sáng canh trưa, đúng giờ trống gọi.





-------------------------------------------------------
(2) Đảng “Quốc gia tiến bộ” của Kà Tày (về sau nhập với đảng “Tự do” của Phủi Xananicon làm một).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 08:09:23 pm »

   Mè Xỉ lấy bát nước lã mài các thứ thuốc đổ cho Pha uống, rồi ngồi xệp cạnh Pha đợi thuốc ngấm. Pha nằm thiêm thiếp, đôi lúc giãy mình, ú ớ. Mồ hôi đọng từng giọt to trên cái trán xanh rớt. Mè Xỉ chép miệng, thở dài, rì rầm khấn. Mè nổi tiếng chua ngoa ác mỏ nhất làng, nhưng thương ai thì nắm cơm xẻ đôi cùng ăn cùng nhịn.

   Hồi còn mồ ma cụ Thít La, tức bố Pha, nhà này đông người đến chơi nhất. Tối tối ông cụ đốt to bếp lửa lò rèn, cuộn một điếu thuốc bằng lá chuối luộc, ngồi đọc thơ. Mè Xỉ đến luôn. Chả là dạo còn con gái, cô Xỉ mê anh La ghê lắm. Khi anh La lấy người khác, có Xỉ ra dại mất hàng tháng. Con cái đôi bên đã lớn, mè Xỉ mới nguôi chuyện cũ, lại sang nhà cụ thợ rèn nghe thơ.

   Ông cụ có dăm bộ sách quý chép tay trên lá cọ từ đời cụ kỵ để lại, tất cả chừng hai chục quyển dày trên gang tay đóng nẹp gỗ. Rặt những thơ hay đáo để. Truyện Xỉn Xây, Kalakệt, Lin Thoong. Truyện Bốn cây hoa đại. Nhiều truyện khác nữa, đọc lên mọi người ngồi nghe mê mẩn đến gà gáy không chịu về. Ông cụ lại hay làm thơ. Những câu hát đối đáp, những bài con lâm 3 ghẹo gái của cụ, ai nghe cũng cười chảy nước mắt.

   Mè Xỉ ghen với mẹ Pha, nhưng cũng nhận rằng vợ chồng họ quả thật tốt đôi. Ông cụ rèn súng kíp nổi tiếng khắp vùng, súng bắn trăm phát đậu trăm, mười năm không hỏng. Bà vợ rời tay cấy lúa lại ngồi vào khung cửi dệt. Ngày hội, hai vợ chồng dắt hai con đi chơi, vác theo cái đàn khoỏng vông. Chồng đánh đàn, vợ múa. Mẹ Pha múa ít người theo kịp. Con đã gả chồng mà trông bà ta vẫn ong óng như gái đương xuân.

   Sau ngày làng bị Pháp vây đốt, lùa ra ở cạnh đồn, gia đình cụ Thít La tan nát dần.

   Anh con trai trốn ra vùng du kích, theo bộ đội Itxala. Chồng Pha cũng bỏ nhà đi biến, không biết đi đâu. Mẹ Pha ho khan một năm liền, gầy rộc đi, thổ ra máu hai lần rồi chết. Cụ Thít La lầm lũi chặt gỗ làm giàn thiêu xác vợ. Thiêu xong, cụ uống một bữa rượu thật say,  lấy cái đàn khoỏng vông ra ngồi đánh những bài ngày xưa vợ hay múa, đánh suốt đêm, nước mắt nhỏ xuống mười sáu cái đĩa đồng trên đàn. Rồi ông cụ lại gửi mua nòng súng kíp về rèn súng. Mỗi khẩu súng phải nộp những năm chục đồng bạc thuế. Pháp lại hay cấm rừng, nên dân trong vùng không dám mua súng. Tuy vậy, không hiểu sao ông cụ vẫn bán chạy tay, xong khẩu nào đi veo khẩu ấy, tiền thì lại chả thấy đồng nào, cả nhà cứ phải ăn củ rừng thay cơm.

   Cách đây vài tháng, chồng Pha về. Lúc ra đi là anh con buôn ngồi đầu voi đi đổi muối lấy thóc, nay lại đóng lon quan một của Pháp, có lính đồn vác súng theo hầu, bắt dân làng gọi là thàn (ngài). Pha đâm bổ ra gọi “anh Muôn!”, rồi đứng sững, ngơ ngác. Muôn trèo lên nhà được một lúc thì nghe cụ Thít La gắt to tiếng. Muôn nhảy vọt xuống sân, vừa kịp tránh cái kìm sắt bay sạt qua tai, cắm xuống đất. Muôn rút súng ngắn cầm tay, ngoáy ngoáy mũi súng, chừng định bắn bố vợ. Pha ào đến ôm chồng. Muôn cười nhạt bỏ về đồn. Pha chạy theo mấy bước. Cụ Thít La gọi giật lại:

   - Pha! Mày theo nó thì đừng bước về nhà nữa! Xéo!

   Pha ngồi bệt xuống đất, khóc không ra tiếng.

   Cụ Thít La từ con rể. Cụ uống rượu nhiều hơn trước, lại làm thơ. Cụ lấy cái tích hang núi Vượn, đặt thành bài con lâm thật hay. Dân làng nhiều người thuộc lòng, đem hát trong chỗ đông người. Mè Xỉ nghe mãi cũng nhớ nhập tâm được từng đoạn.

   Những con vượn hú khóc trong rừng, thỉnh thoảng xuống vật nhau với lũ chó làng Phi Lạt, chính là kiếp sau của nàng Mô La phản phúc.

   Xưa kia trên hang núi Vượn có ông Phạ lư xỉ (đạo sĩ) tu luyện bên dòng suối đêm ngày đếm đá cuội lách cách. Con gái ông là nàng Mô La sáng sáng gội tóc trong nước suối, quay tóc tỏa thành gió thơm. Nàng dan díu với chàng Chăn Tha-khô-rốp, học trò cha mình. Phạ lư xỉ bèn cho hai người trở về trần tục giúp đời, để ông ở lại tu với bầy vượn trắng hầu hạ bên mình.

   Chăn Tha đưa vợ về phương Bắc. Trèo núi mất tám ngày. Gặp voi cọp, chàng bắn cung giết chết. Gặp quỷ dữ, chàng múa gươm thần xua tan. Khi thiếu nước, chàng rạch cánh tay lấy máu cho vợ uống, cõng vợ lội suối trèo đèo về cõi trần.

   Đến sông Xê Ban, họ gặp một bọn cướp từ nước ngoài đến. Tướng cướp khỏe, béo trắng, khắp người đeo vàng lụa. Nàng Mô La thay lòng, liếc mắt đưa tình với tướng cướp, quay mặt không nhìn chàng Chăn Tha gầy, rách, trong người cạn máu. Tướng cướp ra lệnh cho tay chân bắt Mô La làm vợ. Chăn Tha múa gươm thần chém chết năm trăm tên cướp, cuối cùng chỉ còn tướng cướp chống cự rất dữ. Gươm bị văng khỏi tay, Chăn Tha xông vào vật ngã hắn. Cả hai người cùng với tay gọi Mô La trao cho thanh gươm thần. Nàng Mô La như quả sung da bóng ruột thối, trao đằng mũi gươm cho chồng và chuôi gươm cho tướng cướp. Tướng cướp chém Chăn Tha đứt làm đôi, làm tư. Mô La nhặt xác chồng ném xuống vực, đi theo tên tướng cướp từ nước ngoài đến, khắp người đeo vàng ngọc lụa là. Nhưng hắn quát:

   - Chồng nàng, nàng còn giết, huống chi ta là kẻ chưa quen! Ta lấy được gươm thần, đủ sức làm chúa nước Triệu Voi, còn thiếu gì gái đẹp, Lui ra, không ta chém bay đầu!

   Tướng cướp lên làm chúa nước Triệu Voi. Nàng Mô La lặn lội quay về hang đá của cha, nhưng không còn ai xua cọp, đuổi quỷ, cắt máu cho uống, cõng trên lưng vượt núi nữa. Về đến nơi thì nàng chết, được Phật hóa kiếp thành con vượn nức nở hú gọi hồn chồng xin tha tội.

   Từ đó, những kẻ ăn ở hai lòng, tham vàng bỏ ngãi, bán dân hại nước đều biến thành kiếp vượn khóc bơ vơ, kéo về giữ hang cho Phạ lư xỉ. Bầy vượn trắng vẫn chầu trong hang đá đến ngày nay...

   Bài con lâm của cụ Thít La bay như gió, lan khắp khu dồn dân. Bọn lính ngụy nháo nhác, lý trưởng tề cũng hốt. Vì nhiều người đã chính mắt thấy bầy vượn trắng trên núi Vượn, chỉ lởn vởn giữ cửa hang, không bao giờ xuống gần làng. Xưa có kẻ táo gan trèo lên gần đến hang trông thấy vượn trắng sợ quá ngã gẫy chân. Từ đó không ai dám men lên núi Vượn.

   Pháp cố dò mãi mới biết cụ Thít La đặt ra bài con lâm. Chúng bắt cụ lên đồn giam nửa tháng, mới hôm kia có giấy về báo tin ông cụ ốm chết trong ngục. Biết rằng Pháp giết, nhưng không ai dám nói...

   Bên ngoài mưa vẫn giăng màn kín trời. Pha nằm im bên chân mè Xỉ, thở thoi thóp, đôi lúc giật bàn tay. Nhện dệt lưới trên lò rèn. Mối đục mấy pho sách cổ, trút từng búng con bột lá xuống sàn. Mè Xỉ ngồi thừ, tay khoanh tròn quanh gối. Một giọt nước mắt đục lờ lăn xuống má, biến vào những nếp răn đan chéo trên mặt. Cái bìu to bên cổ mè khẽ nảy theo tiếng nấc.





------------------------------------------------------
(3) Điệu “hát kể”, rất phổ biến trong nhân dân Lào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 08:14:14 pm »

*
*    *

   - Pha ơi!

   Pha thở hộc một tiếng, quẫy mạnh. Đôi mắt xếch mở choàng. Đêm xuống từ bao giờ, ngọn lửa bếp lom dom sắp tắt. Tiếng gọi dưới sàn vọng lên:

   - Chị Pha ơi!

   Pha lắc đầu cho thật tỉnh, thốt rùng mình. Pha đang nằm dọc nhà, như người chết rồi. Pha vội quay ngang người, vuốt mồ hôi trên trán, thều thào:

   - Lên đây.

   Một bóng đen nhô trước khung cửa. Anh Chum, tổ trưởng Itxala bí mật, con rể mè Xỉ. Pha thường chế anh là cái bồ đựng chửi của mẹ vợ. Đầu húi trọc, mặt sần sùi già cằn như ruộng khô, không đoán ra tuổi. Anh đi phu đắp đồn suốt ngày mới về, bùn vấy từng mảng trên cổ, bám cả vào lông mũi dài thò ra đến giữa môi trên.

   - Nghe bảo chị ốm, tôi mang sang ít củ còi. Chị khỏe chưa?

   - Còn sống.

   - Xa thú, đừng nói gở! Vợ tôi sắp đẻ, nguy quá. Lại chết đói cả nút... À, anh Văn Thon đến đấy. Đang chờ ngoài rừng.

   Cây đèn chai bén lửa nổ lép bép, cháy to ngọn. Pha chống tay ngồi lên. Pha không ho, không tức ngực nữa. Có lẽ ban chiều cuốc nương mệt quá lỉu đi đấy thôi. Pha sờ sờ mấy nút chỉ trắng trên cổ tay, không hiểu ai buộc tay cho Pha lúc nào. Anh Chum lại nói lơ lửng:

   - Anh Văn Thon bảo có việc cần gấp lắm. Chả biết chuyện  gì…

   Anh ta không nhìn thẳng, nói không thật miệng.

   Pha rút cái lược chải tóc, hỏi vặn:

   - Sao anh còn ở đây?

   - Ờ, đến thăm chị... với lại chắc anh ta muốn gặp chị...

   - Còn vòng quanh mãi như con rắn!

   - Là tôi đoán vậy. Chị đi nhé?

   Pha buông cộc lốc:

   - Tôi không đi.

   - Chị chịu khó…

   - Tôi ốm, tức ngực. Đi đầm mưa lấy chết à?

   Nhưng khi Chum xuống cầu thang thì Pha cũng xuống theo. Pha trùm tấm phạ phe 4 trên đầu và vai cho đỡ ướt, đi trên bùn trơn nhẫy. Mưa vẫn rây van vát xuống mặt. Nhưng trời không rét. Pha đi một lúc, thấy khỏe lại như thường.

   Một lớp rào lông nhím cao sáu cùi tay bọc quanh làng lởm chởm. Đêm đến cổng gài chặt, bấm một cái khóa bằng nắm tay. Lão nai bản (lý trưởng) giữ thìa khóa, một đêm năm bảy lần đốc bọn lính làng đi tuần. Ngày chủ nhật cổng mở toang để lính Pháp vào ghẹo gái. Chum nhìn quanh, nghe ngóng, rồi dẫn Pha luồn theo bóng cây đi về một góc vắng. Anh rút cây rào vừa đủ người chui lọt. Ra ngoài rào, anh cắm lại những cây tre vạt nhọn, gạt lá khô xóa dấu chân.

   Dưới gốc cây bạc lá, Văn Thon đang ngồi đợi. Anh hỏi thăm Pha mấy câu gượng gạo, cũng không thật miệng. Pha đâm bực:

   - Tôi ốm thế nào anh biết rồi, hỏi mãi. Gọi tôi ra làm gì?

   - Ờ, ờ, có tí việc…

   - Việc gì?

   Trong bóng tối, hình như Văn Thon và Chum đưa mắt cho nhau. Rồi Văn Thon lên tiếng:

   - Thế này... lẽ ra sáng mai chúng tôi về. Nhưng lại gặp chuyến xe vừa rồi đổ đến. Phải điều tra gấp xem chúng nó...

   - Lại điều tra!

   - Chị Pha này...

   - Thố, điều tra! Tưởng các anh đánh đồn cứu bố tôi ra. Các anh bỏ mặc xác cho nó giết bố, rồi bảo con đi đưa tin, mang cơm, điều tra...

   Tổ trưởng Chum ngắt lời: “Kìa, khẽ chứ!” Nhưng Pha đứng thẳng lên, một tay chống nẹ, đay nghiến, hằn học:

   - Các anh đến, bố con tôi mừng như sống lại. Bố tôi cháy ruột cháy gan đợi các anh đánh đồn. Các anh chỉ máy ngón tay là ông cụ vào chỗ chết không từ. Nó treo ông cụ lên, đổ xăng đốt mồm. Ông cụ khai thì ông cụ sống, các anh chết. Thế mà ông cụ không khai nửa tiếng gọi là có. Còn các anh hai tháng nay thì thọt, nay bảo đánh đồn mai bảo đánh đồn, mà vẫn nhắm mắt cho ông cụ chết một mình... Anh Chum để tôi nói. Tôi còn miệng còn lưỡi, bắn chết tôi cũng nói. Tôi không đi. Không đi...





------------------------------------------------------
(4) Khăn tắm dài và mỏng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 08:16:40 pm »

   Pha ngồi xuống khúc gỗ, ho khan một hồi, thở hổn hển. Văn Thon bước đến gần. Đôi vai rộng hơi rung, cái đèn bấm lóng lánh trong tay hơi rung. Anh nói gằn từng tiếng:

   - Chị không muốn trả thù cho cụ Thít La nữa à?

   - Anh muốn chửi cứ chửi. Thằng nào giết bố tôi, mang cho voi xé xác!

   - Đánh đồn mới bắt được nó chứ!

   - Bao giờ đánh hở Trời Phật?

   - Bao giờ nắm tình hình thật chắc thì bộ đội về đánh. Bởi thế mới cần điều tra. Việc này chỉ riêng chị giúp được ác cái chị đang ốm...

   - Ốm gì? Lâu nay tôi bỏ việc Itxala bao giờ?

   - Thế thì tốt. Chị lên đồn gặp anh ấy, hỏi dò xem cánh quân mới đến nó định đóng luôn tại đây hay đi nơi khác. Càng biết tỉ mỉ càng hay.

   Pha rùng mình. “Anh ấy” tức là Muôn, chồng Pha, quan một trên đồn. Ba năm Pha đợi chồng khắc khoải. Từ ngày Muôn về, Pha khóc cạn nước mắt. Không dám khóc to sợ bố nghe lại mắng là đồ đĩ rạc, cố bám theo cái thằng bán làng cho Pháp. Bây giờ chính anh Văn Thon bảo Pha lên tìm chồng…

   Pha ngồi im một lúc lâu, rồi thở dài, nói rất khẽ:

   - Anh Văn Thon ạ... Bao giờ đánh đồn, anh cứu chồng tôi nhé.

   Văn Thon nín lặng. Pha nhắc lại, van vỉ:

   - Cứu chồng tôi anh ạ. Anh Muôn bị lừa theo Pháp thôi. Ngày trước anh ấy chỉ đi buôn, có hại người bao giờ.

   Chum từ nãy vẫn đứng yên, giờ xoa xoa hai bàn tay vào nhau, ngứa miệng muốn nói. Anh chỉ sợ Văn Thon đồng ý tha thằng Muôn. Mới vài tháng về đây, nó đã giết trên chục mạng người, đốt tám cái nhà.

   Văn Thon nhìn vào mắt Pha, nói chậm:

   - Đánh nhau, chuyện may rủi không lường được.

   - Không, anh Muôn ra hàng ngay mà. Anh ấy trông thế chứ nhát gan, tôi biết. Các anh thương tôi, cứu chồng tôi đi. Mẹ chết, bố chết, anh ruột đi mất tăm, tôi chỉ còn mỗi một anh Muôn…

   Pha nói hối hả, lạc giọng. Hai bàn tay xoắn vào nhau, Pha thở gấp, mặt đang nóng bỗng lạnh tê.

   - Nếu bắt được anh Muôn... Chúng tôi giao cho dân làng quyết định.

   - Không, không... dân làng họ không ưa anh Muôn. Trước anh ta buôn ăn lãi nhiều, họ ghét. Chứ anh ấy chả tội tình gì cho đáng, người làng bị Pháp giết cả đấy thôi. Ừ đi anh!

   Văn Thon đi qua đi lại, tay chắp sau lưng, đúng dáng điệu khi anh bối rối. Việc này phải hỏi tổ Itxala, bàn với Lương. Nhưng tình hình gấp rút quá, anh phải tự liệu lấy và chịu trách nhiệm một mình. Qua đêm nay thì chậm mất.

   - Được rồi. Chúng tôi giao anh Muôn cho chị xử.

   - Xa thú! Tôi xử làm sao?

   - Tùy chị.

   - Tôi tha được không?

   - Tùy chị.

   Tiếng trả lời gọn, chắc nịch. Pha nhìn Văn Thon nhìn Chum, rồi cuống quýt đứng dậy:

   - Mai các anh đợi tôi ở đây nhé. Đợi ở đây.

   Chum đợi Pha đi khuất mới túm tay Văn Thon, trợn mắt:

   - Anh điên hả? Hả? Thằng Muôn còn độc hơn Pháp. Tha nó như thả rắn vào hang, dân làng chết hết. Vừa rồi chính tay nó bóp chết cụ Thít La. Thế mà anh để nó sống ăn hạt cơm trời nữa!

   Văn Thon giật mình:

   - Nó giết bố chị Pha à?

   - Chứ sao. Chúng tôi biết, chưa kịp báo cáo. Tội nó, xử cho nấu vạc dầu mười kiếp chưa đủ nữa kia!

   - Chị Pha biết chưa?

   - Chúng tôi còn dò thêm. Nắm chắc mới nói.

   Văn Thon lay vai Chum, cười khẽ:

   - Thế thì chị ta chẳng tha nó đâu mà lo.

   Gió lên mạnh dần. Phía làng Phi Lạt, trời đêm chỉ quang hơn trong rừng một chút, mà tịnh không có chấm lửa sáng. Tiếng chó sủa gà gáy cũng không. Khu dồn dân chết lịm. Giữa cái im ắng dễ sợ, gió bỗng lùa đến một tiếng voi rống khản đặc, ngạt thở. Chum thì thào:

   - Con voi của cụ Thít La. Mấy hôm nay nó không ăn, chỉ rống gọi chủ.

   Văn Thon đi xa làng, tiếng rống còn đuổi theo, bóp ruột anh như tiếng gào của trăm nghìn người cùng một lần giãy chết trong khu dồn dân.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 08:19:09 pm »

*
*    *
   Pha xốc tung hòm áo, lấy từng chiếc váy ướm thử vào người, rồi vất sang bên. Cái nào cũng bạc phếch, vá năm bảy chỗ. Đi phu, Pháp không phát vải, chỉ phát nước hoa với xà phòng đánh răng trả công. Vợ lão tỉnh trưởng mở cửa hiệu bán giá cắt cổ, vải chất ngập đến nóc nhà mà dân làng vẫn rách tướp. Nghe đồn anh Muôn bám theo con gái mụ ta ráo riết lắm. Con ấy, Pha thấy nó ra chợ một lần. Răng vẩu, đi ngoe nguẩy uốn éo buồn cười lạ. Hơi đâu mà nghe tin đồn hoáng...

   Pha tần ngần một lúc, rồi rút dưới đáy hòm chiếc váy nhung đỏ thêu chỉ bạc. Váy múa ngày hội của mẹ ngày trước. Mặc đồ người chết để lại, có tội lắm. Nhưng Pha cần mặc đẹp. Hơn ba năm mới một lần thăm chồng. Mẹ Pha chắc không giận đâu.

   Pha cài cúc áo, hát lẩm nhẩm:

      Hỡi chàng trai đó ơi
      Em không hát được lâm tơi... hủa đon tàn...


   Áo xống ngày hội, bài hát ngày hội. Pha cũng vui như hội. Pha lên gặp chồng, rủ anh về, bắt anh về.

      Nhưng đêm nay dưới trăng sáng
      Đôi ta biết nhau đây...


   Anh Chum đưa Pha vào Itxala bí mật đã hai tháng. Vào mới biết bố theo Itxala. Ông cụ kín tiếng đáo để. Ông cụ rèn súng kíp, đem giấu vào hốc núi để sau này đánh Pháp, đến cả Pha cũng khống biết. Ông cụ sợ Pha nghe lời chồng, nói lộ hết. Cả cái tích bầy vượn trắng trên hang núi Vượn, ông cụ cũng hiểu rõ đầu đuôi. Dám trèo lên tận đấy tìm cứt dơi làm thuốc súng, gan quá gan hùm. Thì ra vượn chui vào hang đá vôi ngủ, sáng ra bụi phấn rắc kín lông, thành vượn trắng. Nhảy nhót một lúc, bụi phấn rơi hết, khi xuống gần làng lại hóa vượn đen. Ông cụ vẫn để bụng, đến khi đội anh Văn Thon về mới dẫn vào hang núi Vượn cho kín.

   Pha ngừng tay chải tóc, đứng im. Pháp giết bố Pha, hôm nay Pha lại lên chỗ Pháp ở, thật không phải quá... Đành vậy, muốn ăn lươn phải lội bùn. Pha lên đồn điều tra, sau này đánh nó trả thù cho bố. Mang cái thằng giết bố Pha ra buộc tay chân vào hai con voi, cho voi xé làm đôi.

   Mảnh gương vỡ trên phên soi khuôn mặt gầy, xanh, đôi mắt xếch hơi dữ. Pha cười trong gương. Pha còn trẻ, cũng chưa xấu lắm. Ngày trước Pha vào hạng xinh trong làng. Bây giờ ốm vất vưởng, nhưng Pha chỉ mới hai mươi hai tuổi. Đánh đồn xong, anh Muôn về, Pha chỉ vui cũng khỏi bệnh. Làng Phi Lạt vào ở chỗ cũ, cày ruộng cũ, gây lại đàn trâu, dựng nhà mới. Chồng cày, vợ cấy. Năm sau Pha sinh con gái đầu lòng. Sinh con gái để sớm có chàng rể đến đỡ tay. Pha đeo đôi khuyên tai bạc vào tai.

      Lòng em theo tiếng đàn
      Ca lên mãi tiếng lâm tơi
      Mắt anh cứ như con cá vàng ơi... ời!


   Pha xúng xính bước xuống cầu thang. Nắng sớm sáng trên nhung đỏ, hắt ánh hồng hồng lên má. Pha cười một mình. Mấy năm nay Pha mới được một lần vui, như ai múa hát trong lòng.

   Ra đến cổng làng, Pha nghe tiếng gọi giật. Mè Xỉ cởi trần ngồi trên hiên nhà, thái củ còi để đồ ăn thay cơm. Mè hỏi:

   - Mày đi hội đâu hở Pha?

   Pha bước lại, mỉm cười, giơ một ngón tay thì thào:

   - Cháu lên đồn gặp anh Muôn.

   Mè đứng phắt dậy:

   - Ra mày còn bám lấy nó ư?

   - Không...

   - Không thì tao hỏi mày lên tìm nó làm gì? Nó ăn bánh Tây như nhét đất thó vào bụng, quên làng quên nước. Đấy tao nói thế đấy, mày cứ lên mà hót với nó.

   Pha luống cuống bước lùi, giương mắt:

   - Không ạ, cháu lên có việc...

   - Việc quan đồn đã có nai bản lo. Cái việc mày với nó, không bảo tao cũng biết chán. Tao hai đời chồng, đẻ sáu đứa nuôi bốn, còn cho mày bú chực hàng tháng nữa kia (Mè đập vào cái vú dẹt vì cho bú mãi một bên). Lên mà đánh đĩ với nó. Làng này hết con trai rồi mà. Còn bố mày thì đố dám!

   Mè uất người lên, sấp lưng đi vào nhà, cái bìu trên cổ lắc mạnh. Pha tức muốn khóc, nhưng sợ lộ không dám nói.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 08:23:01 pm »

   Pha đi nép bên vệ đường, chực thấy người là tạt vào rừng. Con đường ô tô trống quá, phía sông là vườn rau chi chít, phía rừng là rẫy lúa, vườn ớt. May sao lúa chưa chín nên không gặp người đi suốt. Dân làng về đây không có ruộng, phải vỡ rừng làm rẫy, một mừn 5 giống giỏi lắm được hai chục mừn thóc, lại phải nộp đồn mất quá nửa. Cuốc bon chen từng mảnh đất đầu trâu trán khỉ rau trồng ra vẫn không đủ ăn qua giáp hạt.

   Sắp đến chỗ vườn rau bốn chị em làm chung. Pha rẽ sâu vào rừng đi vòng, cứ mười bước lại cúi xuống gỡ vắt.

   Đến chỗ suối, Pha xắn váy định lội, bỗng giật bắn người. Mấy tràng cười the thé cùng bật lên:

   - Gớm chị Pha, làm chúng em hết hồn!

   - Cứ tưởng lính nó sục tận đây!

   Ba cô gái nấp sau hòn đá to giữa suối cùng nhô đầu. Họ vào đây tắm. Lả lên bờ hối hả mặc váy, chạy đến xoắn xuýt:

   - Chị Pha đi đâu hở chị Pha? Úi trời, chị đẹp như tiên chúng mày ơi!

   Pha nói dối lúng búng, đi thẳng. Lả ngây mặt, cầm cái áo nghĩ mãi, rồi lắc đầu:

   - Sang làng bên mua muối mà phải mặc váy nhung, áo lụa, đeo khuyên… tao ngợ thế nào…

   - Hay là lên đồn? Thằng Muôn...

   - Nó lấy hai ba vợ khác rồi mà!

   Lả giẫm chân gắt, như chị Pha đang đứng trước mặt:

   - Theo thằng Muôn thì tao không chơi với nữa. Tao không làm vườn chung với nữa. Tao không gọi bằng chị nữa, tao cứ bà quan đồn tao gọi cho biết mặt!

   Lả vùng vằng đi ra đường. Hai cô kia xách cuốc lật đật chạy theo:

   - Mặc áo vào kìa con nỡm! Định khoe của đấy à?

*
*    *

   Một giờ qua.

   Cánh cửa nẹp sắt kin kít đóng lại, Pha ngồi trong buồng chồng.

   Pha ngơ ngác nhìn, gì cũng nhìn. Cái quần ka ki sáu túi vất trên giường, đôi giày đinh bết bùn, cái roi da trên bàn... Pha chợt buồn nôn, ộc luôn mấy cái. Mùi gì tởm quá, vừa tanh vừa khét, mũi ngửi mà người cứ rộm lên. Anh Muôn phải ở thế này sao? Khổ nhất đời là nằm mặt đất ăn cơm nấu. Ở đây giường kê trên đất, cũng như nằm đất. Đông người ăn, thì làm gì có xôi đồ?

   Ánh nắng ngừng lại ngoài cửa, không muốn chui vào chỗ hôi hám. Pha đến mở cửa sổ, thở mãi cho đỡ lợm. Hai mụ đàn bà õng ẹo đi qua, mặt bự phấn mà vẫn xanh rớt. Pha quay đi, không thèm ngó. Trên bàn có cuốn sách dày cộp, tô màu xanh đỏ vui mắt. Pha đánh vần hàng chữ trên bìa: “Xuồi lửa chạc A-mè-ri-ca” (viện trợ Mỹ). Lá cờ có sao có sọc trông hay hay... Xa thú, gì đây? Bên trong sách, rặt những ảnh đàn bà cởi truồng. Chao ôi, anh Muôn lấy vợ khác thật rồi! Con kia cho cả ảnh cởi truồng đây! Pha xé toạc tờ giấy. Tờ dưới cũng thế. Tờ dưới nữa cũng thế…

   Cánh cửa bật mở toang. Pha quay lại. Anh Muôn!

   Tim Pha ngừng đập. Trong chớp loáng, Pha nhận ra anh Muôn đen và già đi. Má phị, hơi chảy xuống. Tóc đổ lòa xòa trên trán. Anh cười nhếch mép, hở mấy cái răng vàng. Ngày xưa anh không có răng vàng.





------------------------------------------------------
(5) Một mừn là mười hai kilôgam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 08:27:36 pm »

   Muôn đứng cạnh cửa, đảo mắt nhìn quanh buồng, dáng nghi ngại. Rồi y bước đến giật cuốn sách trên tay vợ hỏi xẵng:

   - Sao lại xé?

   Câu đầu tiên sau ba năm xa vợ. Giọng Muôn cũng đổi khác. Khản hơn, đanh hơn. Pha thoáng ngửi thấy mùi rượu. Muôn phì cười, ném cuốn sách:

   - Ghen à?

   Giọng Muôn tỉnh quá. Pha nuốt nước bọt, hỏi:

   - Anh... lấy vợ khác rồi phải không?

   - Nhảm!

   - Thế… người trong sách đây?

   Muôn cười to. Pha chợt xấu hổ. Vợ chồng nghi nhau, không tốt.

   - Người Mỹ đấy chứ. Ngốc quá. Lên làm gì?

   - Em lên thăm anh.

   - Có việc gì không?

   Pha thấy lạ. Anh làm như vợ chồng phải có việc gì mới gặp nhau ấy. Muôn ngồi xuống giường, lé mắt nhìn vợ từ đầu đến chân. Luồng mắt sắc lạnh như mũi dao gí trên người Pha. Tự nhiên, Pha bật ho. Muôn dỗ dỗ điếu thuốc xuống bàn một lúc lâu, liếm môi, hỏi vợ bằng giọng nhẹ hơn:

   - Ho từ bao giờ?

   - Từ ngày mẹ chết.

   - Hừ, chết thế nào?

   Pha tấm tức kể, kể mãi. Nước mắt ứa dần mờ mắt, đọng đầy mí. Rồi Pha bật khóc to:

   - Về làng thôi... anh ạ. Bà con dè bỉu... em khổ lắm. Lính đồn suýt hiếp… mấy lần… làng mất tên, hết người… em không sống được.

   Muôn ngây người. Mặt y đờ đẫn. Núm yết hầu chạy lên chạy xuống trên cổ y. Nước mắt Pha rót vào lòng y từng giọt nóng, làm tan một cái gì lạnh lắm, cứng lắm. Y chống cằm ngồi nghe, nuốt khan nước bọt thế mãi, buồn rười rượi.

   - Anh Muôn nghe em, về làng đi. Không sống ở đây được. Bố mẹ hiền lành thế mà đứa nào nó giết. Bặc hà kin hủa măn!

   Nghe câu rủa độc, Muôn xanh mặt, đánh rơi cái roi da cầm tay. Y cúi nhặt hối hả:

   - Bận việc gấp tí. Đi đã.

   Y vớ cái chai rượu ở chân giường, tu một hơi. Da mặt đang tái dần dần đỏ lên. Y quất roi da vào ống quần, ra cửa.

   - Anh Muôn!

   Y không quay lại, cũng không ngoảnh mặt lại.

   Pha tưởng mình điên. Chung quanh tối sẫm, xoay tròn. Pha đâm bổ ra sân. Về, về thôi, ở đây làm gì. Pha chạy mấy bước, dừng lại. Pha thấy rõ anh Văn Thon đứng trước mặt mình, mắt long lanh, đếm từng tiếng rành rọt: “Chị không muốn trả thù cho cụ Thít La nữa à?”. Pha còn phải điều tra cho bộ đội đánh đồn cơ mà. Hai chân Pha mềm nhũn. Pha ho rũ một hồi.

   Chiều hôm ấy gió lên mạnh. Pha ra phố Pà Thạc, vào cửa hiệu của vợ lão tỉnh trưởng, cởi cái nhẫn cuối cùng bán lấy trăm bạc để đi chợ. Ngày trước bố bẫy được voi, mua nhẫn ấy cho mẹ mất trăm tám. Con gái lão tỉnh trưởng đi khạng nạng, Pha đoán nó chửa hoang với quan đồn. Lại không đẻ ra đứa mũi lõ tóc quăn thì chớ kể!

   Pha mát ruột chỉ được một lúc. Về đồn, Pha chen với bọn gái đĩ trong bếp, băm cá trê sống làm lạp. Pha nhớ khi ở nhà, Muôn thích nhất món lạp cá trê sống. Một con đĩ tắm truồng ngay cạnh bếp bỗng nói bô bô rằng thàn Muôn nợ nó hai chục một đêm chơi chưa trả tiền. Mấy đứa khác nhao nhao: thàn Muôn còn dồn tiền cưới con gái lão tỉnh trưởng, đừng hòng đòi. Pha băm lưỡi dao trên thớt mà tưởng như đang cắt ruột mình ra trăm nghìn mảnh.

   Tối đến, Pha vá chiếc áo rách cho chồng bên mâm rượu bày sẵn. Pha muốn khấn Phật giúp mình, mà không biết khấn thế nào. Con gái không đi tu, không biết kinh Phật. Pha chỉ biết Nang Tho-la-ni là bà chúa ở dưới đất. Từ bé, mỗi lần hắt nước sôi xuống đất, Pha vẫn nhớ gọi Nang Tho-la-ni tránh ra kẻo bỏng. Bây giờ Pha khấn thầm Nang Tho-la-ni xua tà ma ám chồng, dắt dẫn chồng về với mình. Không được thế, thì cũng xui anh nói hết bí mật, để Pha giúp bộ đội đánh đồn, cướp chồng về ở với mình, không cho theo Pháp nữa.

   Gió hú dài từng hồi bên ngoài, rung cửa lạch cạch, khiến Pha cứ giật mình tưởng chồng gọi cửa, đứng lên ngồi xuống mấy lần.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 11:04:20 am »

   Kẻng đổi gác đánh đến hai lượt, Muôn mới về. Y ném roi da xuống giường, lè nhè cái giọng bứ rượu:

   - Tưởng cô xéo rồi. Được, muốn ở thì ở. Có điều đừng vướng chân tôi.

   Y rót rượu uống liền liền. Mặt y đỏ bóng, nhây nhớp mồ hôi như cái chum sành bôi mỡ. Y ngật ngưỡng kéo vợ vào lòng, luồn tay nắn ngực. Pha giằng ra:

   - Việc gì bận lắm thế anh?

   - Quân nó ùn đến như rắc đỗ. Hạch đủ điều. Quan Mỹ cũng đến. Mẹ kiếp chứ, nó xem chúng ông bé hơn cái lông chân nó!

   - Họ ở luôn đây à?

   - Không, ở bốn hôm đủ chết mẹ người ta... Hỏi làm gì?

   - Thế thôi…

   Muôn lừ mắt. Pha luống cuống ngó nơi khác, chợt thấy cái roi da dính nước đen, hình như máu. Pha hỏi, mắt vẫn nhìn dấu máu:

   - Chúng nó hoạch thế nào được anh?

   - Đừng nói nữa, ông điên tiết lên rồi. Quân nó bị đánh mìn suốt dọc đường từ nước Việt lên, kéo đến đây bắt đền chúng ông hay sao chứ... Hừ, cũng gọi là đội quân nhà vua, quân đội quốc gia đấy! (Muôn gỡ cái huy hiệu đồng có mạ chữ Koong thập hèng xạt Lao 6 ném xuống bàn). Những lo hầu chúng nó đủ nhược xác. Trên đầu đội quan Pháp, trên nữa cõng quan Mỹ. Pháp chỉ huy, Mỹ trả tiền, các ông lớn ở Viêng Chăn chỉ phải đeo lon đi ăn tiệc thôi.

   - Thế còn độc lập quái gì hở anh?

   Muôn húp một thìa lạp, lại uống. Mặt hắn không đỏ nữa, mà tái dần đi. Hắn say đến cái độ mở mắt nói mê. Hắn giơ tay chỉ mặt Pha, ngón tay giật giật:

   - Mày lại một duộc với lão già... Hè, ông cho chết. Quân đến rồi quân đi. Chúng ông không đi, chúng ông giữ đồn đánh nhau với người rừng, với chúng mày. Ông thịt hết chúng mày rồi ông mới chết. Đằng nào ông cũng chịu tiếng làm phản rồi. Hè...

   Pha nghe chồng đổi giọng đột ngột mà sợ run. Muôn vẫn nói:

   - Lão già bố mày gân mãi, gân mãi. Lão tát tao một cái. Tay lão đập búa, cứng thật. Tay tao cũng không mềm. Bóp cổ... tao bóp cổ thế này này, trông nhé (Muôn duỗi chân trên ghế, đưa hai bàn tay chít lấy bắp chân, lắc lắc) Ra tao khỏe hơn. Giá lão chịu khai thì chả sao, đằng này cứ rủa sả, mắng xơi xơi. Muốn ngoẻo thì ông giúp cả hai tay…

   Ai đánh một nhát búa vào gáy Pha. Pha lắp bắp:

   - Anh… anh giết bố à?

   - Cọp cắn nhau ắt một con chết. Để lão sống, lão cũng chẳng tha tao. Tao bị giang mai, mà tao chưa thích chết. Con gái còn chửa được với tao mà. Mày xem con bé kia chưa? Kháu đấy chứ!

   Ngọn đèn nổ bung trước mắt Pha, rắc lửa bay lốm đốm. Khuôn mặt Muôn dài vọt ra, chạm đất. Pha từ từ ngồi xuống đất, tựa lưng vào tường, lịm đi. Tiếng Muôn vẫn léo nhéo, léo nhéo, mỗi lúc một xa.

   Nửa đêm, Pha tỉnh dậy.

   Ngực Pha đau tức không thở được, như bị thân cây đổ đè ngang. Pha cựa mình, nhận ra một cánh tay nào quàng lên ngực. Hơi thở nồng, hôi ngậy phì vào tai. Pha nằm với ai? Ở đâu?

   Ý nghĩ bay loạn trong óc như đàn muỗi. Mỗi lúc lâu, Pha nhớ ra hết câu chuyện hôm qua. Pha bật người nhảy xuống đất, nhặt váy mặc vào người. Cái áo lụa bị xé toang trước ngực, hai vạt treo lòng thòng.

   Pha đứng im trong bóng tối, thở gấp dần, đầu nóng dần như thỏi sắt nung trong lò rèn. Lò rèn của bố… Này đây bố Pha đập đe chí chát, anh Pha thổi bễ. Mẹ Pha đi cấy về, xách theo một giỏ xoài. Pha ném cho anh quả chín nhất, nó rơi tõm vào lò than, bố gắt um. Cả nhà cười. Rồi bố ngồi xếp bằng tròn, đánh đàn khoỏng vông. Hai cái vồ con đầu cắm hai khoanh da voi vung tít trên bàng đĩa đồng. Mẹ tập cho Pha múa điệu Lao phen, nắm hai tay Pha đưa rà sát đất, uốn lên trời... Pha thấy một hàng mả mới. Mả chen chỗ nhau ở góc rừng phía đông. Dân làng đi dần ra nằm góc rừng phía đông, vừa đi vừa thổ ra máu ồng ộc. Pha ngủ với thằng giang mai trên đồn, bên cạnh cái roi da dính máu. Hắn bóp cổ thế này này, thế này này... bóp cổ bố... hai bàn tay quều quào thít ngang cổ, lắc lắc…

   Pha thở hổn hển, người nóng bỏng. Không biết Pha đứng như thế bao lâu.

   Đột ngột như ống thuốc súng phụt lửa trong hội pháo hoa, Pha chồm lên. Con dao nằm trong ngăn bàn, Pha còn nhớ rõ nó nằm chĩa mũi nhọn ra ngoài. Pha lùa tay tìm trong ngăn kéo, nghĩ rất nhanh đến điệu bộ của bố khi kể chuyện săn nai: “Đâm vào tim, vặn ngang lưỡi dao, ngoáy một cái mạnh cho máu phọt ra mới chóng chết”. Ngăn kéo rỗng không. Chắc nó giấu con dao. Chân Pha vấp chiếc ghế đẩu. Pha cúi xuống túm hai chân ghế, bước đến cạnh giường, vung ghế lên cao, nện xuống. Sầm! Chiếc ghế nảy bật trên cái gì mềm mềm, Pha quật lần nữa, lần nữa. Hình như có tiếng ặc. Quật lần nữa, tiếng ặc đứt. Pha bổ nhào ra cửa. Gió đêm đẩy Pha bật lùi, loạng choạng xéo trên bóng mình.

   Tên lính gác cổng đồn thét: “Ách ! Ách”. Tiếng chân cứ sấn đến. Hắn hoảng, đưa súng lên, lại hạ xuống. Hắn cười hềnh hệch:

   - Phúc bảy mươi đời nhà mày! Câm à?

   Người đàn bà dừng một loáng trong khung sáng, rồi đi qua cổng. Hắn gọi giật: “Ỉa xa xa đấy!”.

   Ánh đèn soi với theo bóng người mặc váy đỏ màu lửa, áo rách hở ngực, tóc xõa tung trước gió, giống như ngọn đuốc cháy phần phật bốc một luồng khói đen đang chạy thuốn vào trong đêm.





-------------------------------------------------------
(6) Quân đội quốc gia Lào.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 11:12:48 am »

IV

   Dân làng Na Phô trong khu căn cứ du kích thường chèo thuyền đánh cá dọc sông Xê Ban. Hôm nào hiếm cá phải đi xa, đến một chỗ dốc mòn từ trên rừng xuống bến, họ nhìn nhau hất hàm: “Xẩm-nắc-ngan” (cơ quan). Chỉ biết thế, chứ cơ quan gì không rõ. Lắng tai nghe, có tiếng máy kin kít, xoèn xoẹt, có cả tiếng gì như tiếng ô tô kêu rù rù. Càng biết nhiều càng phải giữ miệng, nó ngứa ngáy khó chịu lắm, nên không ai muốn hỏi thêm, thấy thêm cái cơ quan ấy.

   Quãng bờ sông ấy rậm và vắng. Rừng vầu dài hơn chục cây số, đan ngọn cong vào nhau chằng chịt thành vô vàn cái cổng chào. Trần lá bịt kín trời, nhưng dưới đất quang quẻ dễ đi. Ủy ban kháng chiến mặt trận Tây Nam đóng tại đây. Ban chỉ huy Quân tình nguyện cũng ở gần bên. Dưới vòm lá xanh, bộ óc của mặt trận Tây Nam ngày đêm làm việc.

   Trong một cái lán nhỏ và cao lợp tranh, có hai người ngồi đối mặt cúi xuống tấm bản đồ trải trên bàn tre. Họ mặc giống nhau: phạ-xà-lùng 7 xanh đỏ, sơmi nâu. Một người dong dỏng cao, lưng hơi còng, râu lốm đốm bạc. Người kia béo lùn, tóc húi cua trắng gáy. Họ nói tiếng Lào, trầm ngâm như đang đánh cờ.

   - Cộng thử xem bao nhiêu mừn gạo?

   - Chín trăm mừn. Chưa đến mười một tấn.

   - Còn bao nhiêu thuyền chưa về nhỉ?

   - Tám chiếc. May lắm được ba tấn. Sợ không được.

   - Chết thật!

   Thông Phun gãi mớ râu nhọn, cứng. Ông chủ tịch Ủy ban kháng chiến có dáng dấp một nhà triết học. Nụ cười hiền, cử chỉ đắn đo, kiểu đi vắt tay nom ra người lận đận.

   Trái lại, trung đoàn trưởng Tuyên quen nói nhanh, đi vội, cười to, đứng nói trước bộ đội thì cứ mỗi câu kèm một tiếng khịt mũi. Cán bộ chung quanh thường gọi đùa đồng chí trung đoàn trưởng kiêm bí thư Đảng ủy Quân tình nguyện là “ông xã đội”.

   “Ông xã đội” đang nhăn nhó:

   - Kiếm đâu ra sáu tấn gạo nữa bây giờ?

   - Có thể rút bớt khẩu phần cơ quan...

   - Bốn lạng một ngày, rút xuống ba... Không ăn thua. Hay chúng mình nhịn quách vài tháng cơm?

   - Làm tội anh đi! Người ta lo cuống lên lại còn giỡn. Tôi gầy ăn hết mấy. Béo như anh, nhịn thừa khối gạo.

   Trung đoàn trưởng Tuyên cười phì phì híp mắt, cái cổ ngắn lắc lư. Tếu cho vui, chứ anh lo không kém Thông Phun. Trung đoàn 217 đang hành quân trên đất Lào. Những dấu mũi tên đỏ trên bản đồ cứ nhích dần về phía sông Xê Ban, mà gạo chiến dịch chưa kiếm đủ. Hai đại đội Itxala, một đại đội Tình nguyện đang tỏa đi mua thóc, giã gạo, tải về mặt trận bộ.

   Ngay trước lán, hai con voi lách qua giàn lá vầu như tàu thủy rẽ nước, trên bành chất ngập những giỏ tre lót lá mạy cung to bằng cái quạt. Rồi một đàn trâu mộng bám nhau kéo xe quẹt sồn sột diễu qua. Rồi tiếp đến bầy ngựa thồ lùn tè, mỗi con cõng hai bao tải trĩu lưng... Gạo! Rất nhiều gạo kìn kìn đổ về mặt trận bộ, như những dòng thác trắng chảy ngầm dưới lá xanh, từ các làng tuôn về đây. Vẫn chưa đủ. Tuyên quay lại gọi tham mưu trưởng Đặng đang nằm trên cái võng treo giữa hai cột lán, tờ báo che lấp nửa người:

   - Này Đặng, thiếu gạo to đấy. Dậy!

   Đặng buông tờ báo, ngáp dài:

   - Các ông nói tiếng Lào, tôi hiểu gì mà bàn góp... Gạo thiếu thế nào?

   - Ban cung cấp không báo cáo với cậu à?

   - Báo gì, có mà báo hại báo đời. Chỉ thấy mặt ông cung cấp nhăn như bị. Lần này hết khoe tài cơm áo gạo tiền nhé. Cứ nói đến “tham mưu chỉ đạo hậu cần” là cu cậu lu loa kêu bị động!.

   Tuyên cau mày, máy môi định nói gì, lại thôi. Thông Phun mỉm cười kín đáo. Anh không nói tiếng Việt, nhưng nghe hiểu cả, đọc cũng thạo. Đặng mới ở Việt Nam lên, đã hai lần cãi giằng co với Tuyên trước mặt anh vì ngỡ rằng anh không biết tiếng Việt. Đồng chí mật mã lẳng lặng đến cạnh bàn, trao cho Thông Phun hai mảnh giấy. Anh đọc lướt qua mảnh đầu, trên mặt thoáng một nét buồn:

   - Đội trinh sát chúng tôi lại hy sinh hai người. Vào đồn vấp mìn. Một trung đội trưởng bị thương nặng, e khó sống.





------------------------------------------------------
(7) Loại quần một ống của đàn ông.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 11:17:54 am »

   Tuyên gõ gõ ngón tay trên bàn. Anh biết Thông Phun đau đớn lắm. Lần thứ ba rồi, đội trinh sát Itxala mất người. Họ gan góc, bình tĩnh, nhưng thiếu kỹ thuật vào đồn. Đội trưởng Văn Thon đi với đội chuẩn chiến 3 của Lương để rút kinh nghiệm. Nhỡ Văn Thon có làm sao thì Tuyên sẽ ân hận mãi. Nhưng Thông Phun đã đẩy sang tờ giấy thứ hai, giọng vui hẳn lên:

   - Điện của CC3! Kết quả tốt, rất tốt.

   Bức điện viết bằng tiếng Lào phiên âm ra chữ La tinh: Thwngr hongbawnxakan xanamrroops... 8 Tuyên đọc và dịch cho Đặng nghe:

   - Ở lại thêm một ngày... Điều tra binh đoàn Âu Phi mới từ Sài Gòn lên... Báo cáo số năm xong... Tám ngày nữa về đây, vị chi đúng hôm trung đoàn đến. Hay lắm! Ăn khớp như máy đồng hồ!

   Trong cái mừng của Tuyên có lẫn ý nghĩ: “Văn Thon không hề gì”. Hình như Thông Phun cũng nghĩ thế, nhưng không mừng bằng Tuyên.

   Đặng chen vào một câu lơ lửng:

   - Cái hạn tám ngày ấy, tôi quy định đấy. Phải thế mới khuýp nhau được. Tôi cũng điện hướng dẫn thêm cách điều tra Âu Phi cho Lương hôm qua.

   - Ờ, chu đáo đấy. Hoan hô tham mưu!

   Thông Phun lại gãi râu, hơi mỉm cười nhìn Đặng. Vốn trước là nhà giáo kiêm nhà thơ, Thông Phun quen nhận xét những khía tế nhị trong tính nết những người chung quanh, và đôi khi buông một câu châm biếm nhẹ nhàng. Nhưng đối với Đặng, anh chưa quen mấy nên còn dè dặt. Anh nghĩ một lúc, rồi nói ngập ngừng:

   - Trung đoàn dừng lại đây dăm hôm mới đủ thời gian học tập và nghỉ chân. Nhưng nếu có thể rút ngắn đi một hôm chẳng hạn... chỉ sợ anh em mệt...

   - Đúng, phải đánh nhanh. Phải rồi!

   Tuyên vơ bút chì, phác vội một con toán. Anh tươi hẳn lên:

   - Đánh nhanh sẽ giải quyết được vấn đề gạo. Anh nói đúng. Có lẽ ta chỉ giữ trung đoàn lại đây hai ngày là đủ. Anh ở nhà chạy gạo, tôi đi hỏa tốc đón bộ đội cách đây năm ngày đường để nắm tình hình đơn vị, tổ chức học tập các chính sách luôn dọc đường, bàn luôn kế hoạch đánh Pà Thạc với cán bộ. Về đến đây là mọi việc đã xong một nửa. Vừa gặp đội CC3, nghiên cứu báo cáo số 5, phổ biến kế hoạch trong hai ngày, cho xuất quân luôn. Được không?

   - Bộ đội hành quân hàng tháng trời, chỉ nghỉ hai hôm.

   - Không sao đâu. Bảo đảm không mất sức. Đánh xong anh cho một chầu khao quân nhé!

   Thông Phun cười lặng lẽ, gật đầu: “Khao chứ!”

   Thông cảm nhau, làm việc thật là dễ. Ba năm nay công tác chung một mặt trận với Tuyên, anh quý Tuyên như bạn thân, như em ruột. Anh ngại nhất cái nghi ngờ để bụng, giữ miệng với nhau. Mà Tuyên thì bụng để ngoài da, không đồng ý cứ nói toạc ra ngay, thấy sai sót là phê bình thẳng cánh. Đôi lúc anh muốn rủ Tuyên buộc chỉ cổ tay kết làm xiều 9 với nhau, rồi lại thôi. Làm thế nó có vẻ phong kiến. Cái áo nâu với cái phạ-xà-lùng Tuyên đang mặc, chính là của anh cho. Anh nói giễu: “Ra ngoài nhân dân gọi là phù coong, về nhà bộ đội gọi là nai phôn, mà áo quần cứ như lá chuối khô, không trông được... Con gái Lào để ý anh lắm đấy”. Tuyên cười, nhận bộ áo quần. Anh cũng thấy mình lúi xùi quá thật.

   Tuyên gọi Đặng ra về. Đi mấy bước, anh quay lại hỏi Thông Phun:

   - Cuốn Lịch sử nước Lào anh viết đến đâu rồi?

   Thông Phun chỉ một ngón tay vào bụng:

   - Gạo!

   - Hừ, chạy gạo vẫn cứ viết chứ!

   - Sách lịch sử chưa cần gấp bằng tập báo cáo số 5.

   Tuyên vẫy tay:

   - Bảo đảm báo cáo về đúng hẹn. Anh cố viết nốt đi. Thi đua nhé?

   - Đồng ý. Tôi thêm một chương, hôm nào về anh xem.

   Lán của Tuyên cách độ nửa cây số. Cũng một kiểu lán vầu lợp tranh, chỉ khác là sàn nằm cao quá tầm tay với, sát vào mái nhà. Dựng lán như thế được lợi là họp hành bên dưới sàn không phải cúi đầu, lại đúng với cái thuyết của đồng chí quân y trưởng cho rằng muỗi anôphen không bay cao quá mặt đất một thước rưỡi. Qua thực tế, muỗi vẫn bay lên đốt Tuyên đến sưng người, nhưng cái lợi thứ nhất quả là có thực.

   Tuyên xếp giấy tờ quần áo vào cái phạ phe, ướm thử ngang lưng. Đồng chí cần vụ quen tính Tuyên, chỉ hỏi:

   - Đi mấy ngày ạ?

   - Mười hôm. Cậu mời hộ thường vụ Đảng ủy họp ngay. Khoảng một giờ, mời các trưởng ban đến hội ý.

   Đặng vơ tờ báo, bỏ đi, lẩm bẩm mấy câu về những ông chỉ huy làm việc không có giờ giấc. Ở phòng tham mưu trên khu đừng hòng gọi cán bộ vào giờ trưa này! Một nỗi bực khác là mỗi lần Đảng ủy họp, anh phải đi vắng, nhường lán cho Tuyên. Trong Đảng ủy có hai tiểu đoàn phó, một đại đội trưởng. Còn anh, tiểu đoàn trưởng lâu năm, làm tham mưu trưởng mặt trận như cấp trung đoàn phó, tuổi Đảng không kém ai, lại nằm ngoài Đảng ủy mặt trận! Lâu lâu ý nghĩ khó chịu này lại một lần quay về, day dứt Đặng, khiến anh đâm ra bẳn tính mất từ một buổi đến vài ngày, rồi khuấy đi.





-------------------------------------------------------
(8. Thửng koong-băn-xa-can xa-nảm-rốp: gửi Ban chỉ huy mặt trận.
(9) Bạn rất thân.

   
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM