Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:02:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bầu trời chiến tranh  (Đọc 136426 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #220 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:07:06 am »

Cuộc chiến đấu bây giờ chia thành nhiều nhóm nhỏ. Phải tăng cường chú ý thêm. Bốn chiếc tiêm kích địch đuổi theo tiến công Ê-rê-min và đồng chí hộ vệ. Chính tôi phải báo trước cho họ tình hình nguy hiểm. Nhưng Ê-rê-min đã lao vào trận với chúng trong một cuộc chạy đuổi quay vòng. Đó là nhóm thứ nhất. 

Trong nhóm này có tốp biên đội bốn chiếc của Xta-tơ-chi-cốp đang anh dũng tiến công bọn Mét-xe trên mặt phẳng đứng. Tránh khỏi đòn công kích, những máy bay tiêm kích ta nổ súng vào những chiếc Gioong-ke. Với tốc độ nhanh, một đường đạn chuẩn xác xả như sét đánh. Hai chiếc Gioong-ke rơi xuống kéo theo đuôi một dải khói.

Đó là chiến công của Xta-tơ-chi-cốp và Tốc-bê- ép. Rồi hai chiếc máy bay ta lại lao vào giữa đám Gioong-ke. Tôi nghe tiếng nói của Xta-tơ-chi-cốp đang theo dõi họ: “Bọn nó! Ô-ni-chơ-chen-cô! Bắn đi Ni-ki-tin!”. Mệnh lệnh được thi hành ngay tức khắc: hai chiếc Gioong-ke nữa phơi mình trên mặt đất.

Và ở trên cao, một biên đội hai chiếc khác tiếp tục chiến đấu với bọn Phốc-cơ. Tôi tập trung sức chú ý theo dõi họ. Qua Ê-rê-min báo cáo, đó là biên đội I-vát-cô. Tôi khuyến khích anh qua vô tuyến. Cuộc chiến đấu rất kịch liệt. Một cơn lốc máy bay chuyển động không ngừng. 

Một chiếc tiêm kích bốc lửa rơi xuống đất. Tôi quan sát nhận dạng trên ống nhòm: có dấu thập ngoặc... Lạt một chiếc nữa? Hoan hô các chàng trai! đối phương hấp tấp bỏ cuộc. Bây giờ càng có cơ hội để đánh chúng. Và sẽ có thêm vài chiếc máy bay địch nữa không trở về được sân bay.

Đội bay thay phiên cho Ê-rê-min đã đến gần tiền tuyến. 

- ‘Hổ xám” đâu, Clu-bốp đây. Clu-bốp đây. Thông báo tình hình. 

Đây là trách nhiệm của tôi, biết rằng, khi bay vào khu vực tuần tiễu, họ không quán sát thấy gì. Có thể khuyên họ bay ra chút nữa về phía sau địch, vì những tốp Giong-ke mới không lâu sẽ xuất hiện.

Clu-bốp lấy độ cao và dẫn tám chiếc máy bay về bên kia sông Prút. Họ mờ dần vào màu xanh bầu trời. Tôi chỉ thỉnh thoảng còn nghe thấy đôi lời của người chỉ huy đội hình bay, khi thì nói với Tơ-rô-phi-mốp bay ở trên cao, khi thì với Fê-tu-khốp, vẫn dẫn đội tám chiếc của anh sẵn sàng lao ngay vào hoạt động. 

Không còn gì để quan sát lúc này, tôi tranh thủ châm điếu thuốc lá. Cái tên Pê-tư-khốp làm tôi nhớ đến chàng trai đó và bạn của anh là Ki-ri-lốp. Cả hai người, cũng như Ô-li-phê-ren-cô, đã rời cuộc sống tẻ nhạt của hậu phương để ra mặt trận. Người ta đã truyền lệnh cho họ phải trở về đơn vị cũ ở gần Ba-cu. Họ vẫn ở lại với chúng tôi, dù biết chắc rằng họ sẽ bị thi hành kỷ luật nặng. Đó là những chiến đấu viên dũng cảm và khéo léo.

Nhưng thời gian không phải để suy tưởng. Tiếng nói khẩn thiết và lo lắng của Clu-bốp đã lệnh cho các phi công vào chiến đấu. Ở phía chân trời, tôi phân biệt lờ mờ một đoàn máy bay đang hướng về Xca-li-a-ni và về các vị trí những cụm pháo binh ta đang không ngừng giội đạn xuống phòng tuyến địch, Chúng tôi phải che chở trên không cho họ.

Bọn Ju-88 bay từng tốp theo đội hình bậc thang. Clu-bốp có ưu thế độ cao, đã chiếm vị trí sau đuôi chúng, lao vào tiến công chúng như một tia chớp. Đội hình tốp thứ nhất bị bẻ gãy. Máy bay tiêm kích ta lao vào lần thứ hai, và một chiếc Gioong-ke bốc cháy. Một chiếc Phốc-cơ Un-phơ bị trúng đạn, tách đội, là xuống thấp để trở về phòng tuyến.

Thắng lợi của ta và những hoạt động táo bạo của tốp Clu-bốp làm cho trận đánh càng trở nên kịch liệt. Bọn tiêm kích địch phản ứng mỗi lúc một điên cuồng. Vòng tròn càng siết chặt. Pháo và đại liên nổ mỗi lúc một liên tục. 

- Công kích, Các-pốp! - Clu-bốp ra lệnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #221 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:07:58 am »

Và tôi thấy một chiếc của ta, ngoặt gấp, bám một tên địch trong máy ngắm. Đúng, đó là Các-pốp. Tôi muốn khuyến khích anh, tôi nhắc anh đừng hấp tấp, phải đến gần hơn nữa và xả đan thật gần. Tôi như chiến đấu ngay cạnh họ, vui mừng thấy toàn đội bám chặt tổ trưởng. Ngay cả Tơ-rô-phi-mốp ở trên cao cũng không rời đội. Clu-bốp quan sát thấy tất cả, ra những lệnh cần thiết, đúng lúc cho họ. Lòng dũng cảm, sự tỉnh táo và quyết tâm của anh đã liên kết toàn đội thành một lực lượng mạnh mẽ. Anh tự tin ở mình.

Chiếc Phốc-cơ bị Các-pốp tiến công tròng trành và tôi còn thấy một chiếc khác bị hạ, có thể đó là con mồi của Tơ-rô-phi-mốp. Những phi công cận vệ của chúng tôi chiến đấu rất tốt và biết hỗ trợ lẫn nhau. Những máy bay ném bom Đức đã hoàn toàn quên cả Cu-li-a-ni và quẳng bom vào khoảng không. Số lượng máy bay trên không mỗi lúc một vãn. Các đồng chí của chúng tôi cũng trên đường trở về. Phải cảm ơn họ về thắng lợi rực rỡ này. 

Trong hai giờ diễn ra hai trận đánh: một chục máy bay Đức bị hạ trong khu vực Giát-xi, Bun-tua, Xcu-li-a-ni. Những máy bay tiêm kích ta đã làm chủ vùng trời. Họ bay thành từng tốp và mãi mãi thành từng tốp. La-vốt kín, Y-ắc, Cô-bra.

Bầu trời trải trước mắt tôi như một màn ảnh rộng lớn diễn ra những cảnh tượng anh hùng và những trận chiến đấu gần như có một kết thúc giống nhau: kẻ địch mất tinh thần vì tổn thất, rút khỏi cuộc chiến.

Rời trạm quan sát, tôi cho rằng Bộ chỉ huy Đức, rút kinh nghiệm những trận thất bại đó, sẽ phái đến những lực lượng ngày càng mạnh hơn. Cuộc chiến đấu trong khu vực này mới chỉ bắt đầu. Quân thù không dễ dàng nhường cho ta “những cửa ngõ vào Ru-ma-ni”.

Sáng sớm hôm sau, tôi ra sân bay định đến trung đoàn 16. Tới gần hầm sở chỉ huy, tôi thấy đồng chí tư lệnh tập đoàn quân không quân, tướng S. Gô-ri-u-nốp, đến gặp tại chỗ các trung đoàn trưởng, các phi công và cả tôi Tôi đành hoãn cuộc hành trình. Trong lúc trò chuyện, tôi nhắc lại cuộc gặp gỡ với ông trong thung lũng gần Séc-nhi-gốp-ca. 

- Tôi có ở Séc-nhi-gốp-ca, nhưng tôi không nhớ lần nói chuyện đó.

Tôi nói rõ là mình đã đến cơ quan tham mưu của ông, kéo theo chiếc Mích sau đuôi xe. 

- A! như vậy chính là anh? Chiếc Mích, tôi có nhớ. Còn anh... xin lỗi... - vị tướng nói với nụ cười chân thật.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #222 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:08:53 am »

2

Tôi đi trên đường phố, vào ban mai, khi cái thị xã nhỏ bé ở mặt trận mới bắt đầu thức giấc. Mỗi ngôi nhà còn nguyên vẹn, mỗi cảnh đổ nát, mỗi gốc cây đều làm tôi nhớ lại cũng một tháng Sáu rất khác biệt với ngày tháng hiện giờ tôi đang thấy ở Bi-en-xư. Đây là đống hoang tàn của nhà máy chế tạo đây cáp, chiếc khung cối xay, đâu đâu cũng là những bức tường cháy đen.

Và, gần bên những vỉa hè sạch sẽ được quét dọn chu đáo, cây cối được vun trồng, hoa nở rực rỡ trên thảm cỏ. Cuộc sống đang tái sinh, đẩy lùi về phía sau những hậu quả của cuộc chiến tranh.

Điều quan tâm nhất của tôi là đến ngôi nhà trước kia mình đã ở.

Con đường vào phố đã bị bịt lại. Vài tấm cửa sổ còn bị đóng ván hoặc xây chặn bằng gạch. Tôi muốn tìm người để hỏi thăm. Giữa một cái sàn nhỏ bỏ hoang, bẩn thỉu, tôi cố chờ xem may ra có gặp được người nào quen biết trước chiến tranh. 

Cửa ngôi nhà bên chợt mở, và một phụ nữ trẻ bước ra. Tôi tiến về phía chị và càng lại gần, tôi càng thấy chị giống một người quen nào đấy. Có đúng là tôi quen chị không? 

Chúng tôi chào nhau. Nhìn đôi mắt và nghe giọng nói của chị, giờ tôi khẳng định: đó là Phơ-lô-ri-ca. Nhưng tôi không dám gọi tên chị. Tôi hỏi thăm tên chị và tin tức ông chủ nhà.

- Đã bị bắn, cũng như nhiều người khác. - Chị trả lời - Căn nhà chúng tôi ở nay tạm thời có bộ đội đóng.

Chẳng còn gì để hỏi thêm, kể cả những công việc mà tôi để lại hồi đó.

Khi chúng tôi đang nói chuyện thì một cháu bé lạị gần, bám vào váy mẹ. Chị vuốt ve mái tóc màu vàng hung của cháu. Nhìn cháu bé, tôi nhớ ngay đến Mi-rô-nốp, Cô-xchi-a Mi-rô-nốp. .

- Cháu của chị đấy à ? - Tôi hỏi. 

- Vâng. 

Cổ họng tôi nghẹn lại, vô cùng thương xót cháu bé xinh xắn và Phơ-lô-ri-ca. Tôi muốn nói cho người mẹ, cho cháu bé mồ côi về Cô-xchi-a Mi-rô-nốp, báo cho họ nơi chôn cất Mi-rô-nốp. Nhưng nói cho họ biết để làm gì. Có lẽ từ lâu, Phơ-lô-ri-ca đã trả lời cho những kẻ tò mò là chồng chị, cha của cháu bé, đã ngã xuống ở mặt trận. Đó là sự thật. Tôi chờ những câu hỏi của chị, chờ chị nhận ra tôi. Nhưng không, chị cũng không buồn nhìn tôi nữa. Trong trái tim chị, mọi chiến sĩ quân đội, nhất là những phù hiệu cánh chim không quân, chỉ gợi lại cho chị những kỷ niệm buồn rầu.

- Chào chị - Tôi nói với Phơ-lô-ri-ca.

- Chào anh - Chị nói, không nhận ra tôi là người bạn cũ của Cô-xchi-a. 

Tôi đã trở lại cái thị xã nhỏ bé như thế, nơi tôi bắt đầu cuộc đời con đường cay đắng và dài dằng dặc của cuộc rút lui. Chính nơi đây, các bạn bè tôi đã nghe những tiếng bom nổ đầu tiên của quân thù. 

Đi theo dãy phố lớn đầy cảnh đổ nát, tôi suy nghĩ về cuộc xâm lăng của kẻ thù đã mang lại cho chúng ta biết bao nhiêu nỗi cực khổ và đau thương, tay tôi bỗng xiết chặt lại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #223 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:18:50 am »

3

Vào những ngày đầu tháng Sáu, kết thúc năm thứ ba chiến tranh, cuối cùng lực lượng đồng minh cũng mở cuộc đổ bộ lên miền bắc nước Pháp. Mặt trận vui mừng đón nhận tin tức mới đó, nhưng không thật hồ hởi. Chúng tôi, những phi công đã chờ đợi quá lâu sự hỗ trợ tích cực đó của lực lượng đồng minh.

Trong thời kỳ rút lui ở U-cra-i-na và ở Bắc Cô-ca-dơ, trong khi các  trận không chiến thường kết thúc bất lợi cho phía chúng tôi, tôi đã nghe từ cửa miệng bạn bè và tôi cũng tự hỏi: “Mặt trận thứ hai ở đâu? Tại sao lực lượng Đồng minh không đổ bộ lên bờ biển nước Pháp?”. Chúng tôi nghĩ đến sự hỗ trợ đó, thỉnh thoảng lại lau khuôn mặt đầy máu. Nhưng bây giờ chúng tôi đã chiến đấu chống bọn chiếm đóng bằng những phương tiện của chính mình.

Chúng tôi sẽ đuổi chúng ra khỏi bờ cõi và ra khỏi cácquốc gia khác mà chúng xâm lược. Tất nhiên có thể, chúng tôi hy vọng rằng kẻ thù sẽ phải rút ngay một phần lực lượng ở mặt trận phía đông, như thế chúng tôi chiến đấu sẽ dễ dàng hơn và đỡ thiệt hại hơn về người và vật chất. Nhưng vẫn không có gì đáng kể. Những trận chiến đấu với không quân Đức vẫn diễn ra dữ dội và gian khổ.

Vào thời kỳ mở mặt trận thứ hai, có mỗi một điều làm chúng ta vui thích là sự hoạt động của trung đoàn không quân Noóc-măng-đi - Y-ê-men. sự hỗ trợ tích cực và thực tế của những phi công Pháp. 

Bây giờ tôi cần có một sự giải thích đúng đắn với Crai-ép. Từ lâu, tôi đã cảm thấy sự cần thiết phải làm sáng tỏ mối quan hệ giữa hai chúng tôi. Tôi thừa biết anh đã lợi dựng quyền hạn để tạo nên một ấn tượng sai lầm về tôi, phù hợp với những ý đồ của anh. Tôi luôn luôn cố gắng kiểm tra cẩn thận những chứng cớ hoạt động thấp hèn của Crai-ép và tránh rút ra những kết luận vội vàng.

Nhưng tôi sẽ nói thẳng với anh và tôi rất bực mình về những mưu toan, về tính hèn nhát, tính thiếu chủ động của anh. Tôi phân vân không tin vào cảm giác cay đắng, vì những nỗi khổ tâm đã qua khiến tôi đi chệch chân lý. Nhưng nhiều sự việc đã buộc tôi ngày càng phải chú ý đến tư cách của Crai-ép và càng xác định ý nghĩ cho rằng chúng tôi không thể tiếp tục sống sát bên nhau. 

Một hôm, đồng chí tham mưu trưởng, đại tá A-bra-mô-vích, người đã giúp đỡ tôi nhiều trong thời kỳ đầu, khi tôi mới nhận nhiệm vụ, đưa cho tôi một bức điện mật gửi riêng cho tôi. Nhưng công văn đã bị mở. 

Tôi hỏi anh: ai đã mở ra đọc.

Tham mưu trưởng trả lời: tôi đọc lướt qua.

Người ta viết từ Mát-xcơ-va rằng, trên đã nhận được nhiều tin tức về tình hình vi phạm kỷ luật xảy ra ở sư đoàn chúng tôi, và tôi, người chỉ huy đã tìm cách bênh vực và bào chữa cho những kẻ phạm lỗi.

Sự việc thế là rõ: Crai-ép có sự giúp đỡ của kẻ nào đó định làm cho cả sư đoàn mất tín nhiệm về công tác, chiến đấu và từ đó sẽ đổ xuống đầu tôi.

Tôi gởi ngay điện trả lời cho Mát-xcơ-va: tôi cải chính cái tin bịa đặt đó, không có chuyện vô kỷ luật nào ở chỗ chúng tôi. Mọi người đều hăng hái thực hiện những nhiệm vụ chiến đấu. Tôi yêu cầu cử ngay một đồng chí thanh tra tại chỗ. 

Tôi không thể tha thứ quá lâu tình trạng như thế mãi: để cho người ta bịa đặt sau lưng tôi những lời tố giác vu khống; tôi không thể tiếp tục thực hiện công việc chỉ huy nếu không có sự cộng tác mật thiết của mọi người. Crai-ép và tôi, chúng tôi có quan niệm hoàn toàn khác nhau về công việc, về cuộc sống, về con người.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #224 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:19:39 am »

Sau đó ít ngày, tôi được gọt đến gặp tư lệnh quân đoàn. Trong buồng làm việc, tham mưu trưởng U-tin trải trên bàn một tấm bản đồ lớn. Ngón tay ông dừng lại trên một trong những vòng tròn nhỏ vẽ bằng bút chì.

- Căn cứ mới của chúng ta sẽ ở phụ cận Lơ-vốp. Sư đoàn đồng chí cùng với cả quân đoàn sẽ được phối thuộc cho tập đoàn không quân 2. 

- Trong phương diện quân U-cra-i-na? - Tôi hỏi. 

- Về hướng Béc-lin, đồng chí sư đoàn trưởng - Vị tướng trả lời, giọng vui vẻ.

Chúng tôi cảm động nhìn nhau. Câu nói của vị tướng có nghĩa là sự thực hiện cái điều mà lâu nay vốn là ước mơ tha thiết nhất của chúng tôi. Từ Lơ-vốp, qua nước Ba Lan, cũng như từ Bê-lô-ru-xi-a mở ra con đường vào Béc-lin. Chúng tôi sẽ truy kích lũ phát xít đến tận Béc-lin. Không ai trong chúng tôi, những chiến sĩ trên mặt trận, lại không nghĩ đến trong đầu cái ngày rạng rỡ nhất mà không quân sẽ vượt qua biên giới bợn quốc xã. Ai mà không mơ ước được tự mình tham dự vào cuộc tiến công trên hướng chính.

- Khi nào chúng ta tổ chức di chuyển? - Tôi xao xuyến hỏi

- Cuộc tiến công sẽ bắt đầu ở đó trong vài ngày tới, nếu nó không nổ ra ngay hôm nay. Ngày mai, chúng ta phải có mặt gần Brô-di. 

Sau khi biết cụ thể địa điểm của chặng đầu tiên, tôi định cáo từ thì vị tướng ngăn tôi lại:

- Tư lệnh tập đoàn quân đã xét đề nghị của đồng chí. Crai-ép được điều động sang quân đoàn khác. Trước mắt, đồng chí hãy tự lo liệu lấy, không có cấp phó đâu.

- Rõ! - Tôi trả lời không giấu giếm sự vui mừng như cất được gánh nặng đã đè mãi trên lưng. 

Tôi không gặp Crai-ép ở sư đoàn. Anh cũng không đến tạm biệt tôi. Hai năm cùng chiến đấu ở mặt trận, đôi khi gắn bó lâu dài với nhau, có thể cả cuộc đời, mà không để lại trong lòng nhau một kỷ niệm gì đẹp đẽ. Còn tôi thì vẫn muốn gặp anh, trò chuyện với anh... 

Sáng sớm, các trung đoàn cất cánh, hướng về phía bắc. Tôi bay trong đội hình trung đoàn 16, đất đai U-cra-i-na, những cánh đồng, những thị trấn, cánh rừng, sông ngòi lướt dưới cánh bay của chúng tôi. Đó là một ngày êm đềm và hửng nắng. Đằng sau những đám mây ở trên cao, màu trắng, bầu trời yên tĩnh. Chúng tôi bay đến những trận đánh to lớn và quyết định.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #225 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:20:37 am »

chương mười tám
VƯỢT QUA BIÊN GIỚI

MẶC dù con đường còn xa mới đến đó, nhưng chúng tôi cảm thấy Béc-lin đã rất gần. Biết bao lần chúng tôi thường tự hỏi: phải thay đổi bao nhiêu sân bay, bao nhiêu bản đồ và cặp bay nữa trước khi đến được vùng trời thủ đó quân thù?

Trên sân bay mà các trung đoàn vừa hạ cánh, vừa bố trí cơ quan tham mưu sư đoàn, các phi công chúng tôi cảm thấy một cách rõ ràng hơn rằng mình đã ở gần bên Béc-lin. Sức mạnh của lực lượng không quân tập trung trong khu vực này chỉ ra một cách chính xác rằng chúng tôi chuẩn bị giáng cho quân thù những đòn cuối cùng.

Được gọi đến Bộ tham mưu của Lực lượng không quân tôi thấy cả một cuộc quy tụ những danh tướng mặt trận, tư lệnh các quân đoàn và sư đoàn không quân: T.S. Pôn-bin, N.P. Cu-ma-nhin, D.P. Ga-lu-nốp, P.P. Ác khan-gra-en-ki, V.V. Na-nây-svi-li, A.N. Vi-rơ-úc, A.V. U-tin... mọi người đều đứng đầu những phi đoàn máy bay ném bom, máy bay tiêm kích, cường kích. Không kẻ thù nào có thể chống cự với một lực lượng như vậy.

Ngẩng cao mái đầu mới cạo nhẵn bóng, tư lệnh tập đoàn quân, tướng S.A. Crát-xốp-xki, con người vừa tốt bụng, vừa nghiêm khắc, bắt đầu phổ biến tình hình phương diện quân U-cra-i-na cho các cấp chỉ huy và những người dưới quyền rồi ông giao cho mỗi người những mục tiêu cụ thể.

Quân đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ vùng trời cho các hành động tác chiến của tập đoàn quân thiết giáp.

Một cuộc tiến công mới ghê gớm đang được chuẩn bị. Hồng quân phải giải phóng những tấc đất cuối cùng của U-cra-i-na, tiến ra ngoài biên giới và mở đầu việc thanh toán bọn xâm lược trên đất Ba Lan.

Trước cuộc tiến công, sư đoàn chúng tôi nhận lệnh di chuyển đến một sân bay mới ở cách tiền duyên vài ki-lô-mét: cuộc chuyển sân phải tiến hành theo từng biên đội hai chiếc ở độ cao cực thấp vào lúc hoàng hôn. Từ trước đến nay, chưa bao giờ trên đòi hỏi ở chúng tôi những điều kiện nghiêm ngặt như vậy. 

Cuộc chiến đấu bắt đầu thực sự trước mắt chúng tôi. Từ sân bay, chúng tôi thấy đầy đủ: sau đợt pháo hỏa chuẩn bị mãnh liệt được bổ sung bằng những đòn tiến công của không quân, là cuộc tiến quân như triều dâng thác đổ của từng đoàn, từng đoàn xe tăng thiết giáp. Phá vỡ ngay lập tức phòng tuyến của địch, họ khuếch trương chiến quả dưới sự chi viện của pháo binh và bộ binh.

Đến lượt chúng tôi bước vào hành động. Đối phương tung không quân của chúng vào trận đánh. Chúng tôi lao thẳng đến bợn Gioong-ke và Mét-xe-smít

Tôi dẫn đầu mười hai chiếc máy bay tiêm kích của trung đoàn 16, với nhiệm vụ chặn đánh một đội hình hơn bốn chục chiếc Gioong-ke và Hen-ken, được bọn Phốc-cơ Un-phơ yểm hộ, đang trên đường đến mặt trận.

Trần mây thấp không cho phép chúng tôi cơ động độ cao và tôi quyết định tiến công chúng ngay lập tức. Thấy chúng tôi, bọn ném bom lập thành đội hình vòng tròn phòng ngự. Song, chúng tôi đã biết rõ những điểm yếu của thủ đoạn chiến thuật này. Chúng tôi đã có cách đối phó với chiến thuật này của địch: chọc thủng vào giữa vòng tròn, chúng tôi nã đạn mãnh liệt vào bọn ném bom. Những cuộc công kích nối tiếp nhau liên tục. 

Những chiếc Gioong-ke đầu tiên bị hạ đâm nhào xuống đất. Sau khi bắn chiếc ném bom thứ hai, tôi ngoặt lại định tiến vào lần nữa từ hướng bên phải, bỗng nhận thấy một vệt lửa vọt qua trên cánh. Bằng “động tác bay cao cấp” (Nguyên vẫn Immenman: “động tác bay cao cấp” do Immenman - một phi công người Đức sáng tạo - ND) tôi tránh được, vệt lửa bất thần ngắt hẳn. Xu-khốp và Giéc-di-ép lao qua trên đầu tôi. Hoan hô, các chàng trai! Chính họ đã chi viện cho tôi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #226 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:21:31 am »

Trên cùng độ cao, tôi thấy xuất hiện một chiếc Hen-ken đang bay thẳng đến. Tôi biết nó được bọc thép, và các khẩu pháo của nó bắn đạn chống tăng, dài và nhọn như những mũi khoan. Chỉ cần vài giây là tôi sẽ đến cự ly xạ kích một chiếc Gioong-ke khác. Nhưng chiếc Hen-ken cũng sắp nổ súng trong giây lát. Nếu tôi cho nó kịp trở tay thì chiếc Cô-bra của tôi sẽ tan thành mảnh vụn. Tôi bóp cò, tràng đạn bay trúng đích. Một tiếng nổ vang bên tai và tôi thấy bóng chiếc Hen-ken vượt qua dưới máy bay.. Nó đã nổ súng được trước chăng? Nhưng không, lúc này máy bay tôi vẫn bình thường. Rồi tôi thấy máy bay của Gô-lu-bi-ép tiến lại gần: 

- Nhìn xem máy bay mình có bị đạn không? - Tôi hỏi đồng chí hộ vệ 

Gô-lu-bi-ép vào ggần hơn nữa và lắc cánh: an toàn.

Thế tiếng nổ tôi vừa nghe thấy là cái gì? Chuyện gì đã xảy ra? Thì ra, qua bề ngoài, trong điều kiện thần kinh căng thẳng, tôi đã quên rời tay cò. Tôi đã quá chú ý tập trung vào chiếc Gioong-ke và máy ngắm. Nhưng khi chiếc Hen-ken xuất hiện bên cạnh, tai tôi trở thành nhạy cảm, và tiếng nổ mà tôi nghe được chính là tràng đạn của mình. 

Lực lượng ta tràn qua Brô-đi, tiến về phía tây. Bộ đội thiết giáp đã tiến gần đến biên giới. Nhũng tốp máy bay của Cri-u-cốp và Bô-brốp đã tham gia một trận chiến đấu thật tuyệt trong khu vực này.

Phát hiện ở xa mặt trận một đội hình Hen-ken đang bay trên đường không có hộ tống (kẻ thù có lẽ không đủ máy bay tiêm kích hộ tống), bằng đòn tiến công tập trung đầu tiên từ trên cao, họ đã hạ nhiều tên địch. Rồi đuổi theo bọn ném bom hoảng hốt bỏ chạy, họ đã bắn chúng đến viên đạn cuối cùng. Hơn một chục chiếc Hen-ken rơi xuống đất với ngần ấy đám cháy.

Trận chiến đấu này xảy ra không xa địa điểm xưa kia phi công Nga Ne-xtê-rốp đã là người đầu tiên trên thế giới lao thẳng máy bay mình vào hạ một máy bay Đức.

Xla-va Bê-ri-ô-dơ-kin cũng nổi lên trong những trận đánh trên vùng trời biên giới Xô-viết. Cất cánh một buổi sáng trong biên đội hai chiếc đi trinh sát, Xla-va và biên đội trưởng gặp bọn Phốc-cơ Un-phơ bay phía trước tổ ném bom đã chặn đánh họ...

Biên đội trưởng I-vát-cô tiến vào công kích, nhưng khi anh nổ súng vào một trong những chiếc Phốc-cơ Un-phơ thì những chiếc tiêm kích địch khác lao vào anh, Bê-ri-ô-dơ-kin không kịp cản đường chúng. Máy bay I-vát cô trúng đạn phải rời khỏi trận đánh và bay xa dần về hướng sân bay. Bê-ri-ô-dơ-kin đã nhiều lần gọi biên đội trưởng qua vô tuyến nhưng không được trả lời.

Thấy bọn Phốc-cơ bám sát biên đội trưởng. Bê-ri-ô-dơ-kin liền lao theo để yểm hộ cho người bạn và cũng là người chỉ huy của mình...
Bọn Phốc-cơ bấy giờ tiến công quyết liệt gấp bội. Bê-ri-ô-dơ-kin phải vừa tự bảo vệ, vừa che chở cho I-vát-cô. Để thu hút bọn Phốc-cơ không chú ý đến máy bay biên đội trưởng, Bê-ri-ô-dơ-kin kiên quyết lao đến chặn đầu hai chiếc máy bay địch, bọn này tránh đánh chính diện, lách qua bên cạnh anh. Khéo léo vòng gấp lại, bằng một tràng đạn, Bê-ri-ô-dơ-kin hạ luôn chiếc Phốc-cơ đi đầu. Mọi chiếc tiêm kích địch đều hung hãn lao vào anh. Điều đó đã giúp cho I-vát-cô thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Bổ nhào gần sát mặt đất, Bê-ri-ô-dơ-kin cũng tìm cách thoát ra khỏi bọn săn đuổi. Nhưng bọn chúng vẫn bám được anh.

Và, trong một trận chiến đấu ở độ cao thấp, anh phi công trẻ đã lừa lúc sơ hở bắn cháy thêm một chiếc Phốc-cơ thứ hai. Bọn địch hiểu rằng chúng còn thiệt hại nếu cứ đuổi theo chiếc máy bay tiêm kích: ta thì bay về phía trận tuyến mình còn chúng thì càng bay xa căn cứ của chúng. Bọn Phốc-cơ liền quay lại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #227 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:22:13 am »

Bê-ri-ô-dơ-kin không thể tiếp tục bay về được căn cứ. Trong cuộc chiến đấu giành giật quyết liệt, anh đã mất phương hướng không ước lượng được thời gian. Biết là sắp hết dầu, anh đã hạ cánh xuống cánh đồng.

Khi Bê-ri-ô-dơ-kin trở về sân bay, ba niềm vui mới đã chờ anh: một là quyết định thăng cấp, hai là tướng Pu-khốp, tư lệnh tập đoàn quân chuyển đến anh lời biểu dương hài lòng về tinh thần dũng cảm của anh, và ba là buổi tối, trước hàng ngũ trung đoàn, tôi gắn cho anh phi công trẻ tấm huân chương Chiến thắng lần thứ hai.

Từ trạm quan sát, tôi chăm chú theo dõi các hành động chiến đấu của từng tốp: Khi các phi công đi săn lẻ ở phía bên kia tuyến mặt trận, tôi sốt ruột chờ họ trở về tìm hiểu xem có ai bị trúng đạn không và trong trường hợp đó họ có tìm được cách nào trở về phía đất ta không.

Một lần tôi thấy một chiếc Cô-bra bốc cháy trên tiền duyên. Ai thế? Phi công sẽ làm gì? Tôi có liên lạc vô tuyến với anh, nhưng anh không trả lời. “chắc có khó khăn rồi”. - Tôi nghĩ vậy và tiếp tục quan sát. Một cái đuôi khói kéo dài sau máy bay đang lao xuống dầt với tốc độ ngày càng tăng – “Nhảy, nhảy đi chứ?” – Tôi hét vào ống nói. Một chấm đen vọt lên không. tiếp đó tôi thấy một chiếc dù mở ra. Bây giờ tất cả đều tùy thuộc vào gió: nó sẽ đưa phi công về phía nào?

Sau đó, tôi được biết phi công bị hạ là Bô-rít Glin-ca. Mọi tổn thất đều đau đớn nhưng lần này có thể là một vố khó chịu đựng nếu chúng tôi mất đi một phi công như thế? Đây là người thứ hai: hôm qua người ta vừa báo cho tôi, trung úy Đê-vi-a-tai-ép không trở về sau khi làm nhiệm vụ.

Khi tôi đến trung đoàn, người ta đã biết là Glin-ca vừa được các chiến sĩ bộ binh đón và đưa đi bệnh viện. Chiếc Cô-bra không chịu để người ta rời bỏ nó ở trên không: mỗi lần gặp tai nạn, nó tiêu hủy phi công cùng với chiếc cánh đuôi: Glin-ca suýt phải trả giá vì nó.

Kiểm tra sự việc đó, tôi phải nhắc lại những chân lý đầu tiên: càng muốn dễ dàng đạt được những thắng lợi trước kẻ địch, chúng ta càng phải triệt để tuân thủ mệnh lệnh ở mặt đất và ở trên không. 

Khi trở về, tôi nghĩ: Bô-rít Glin-ca sẽ bình phục và anh sẽ trở lại trung đoàn. Còn Đê-vi-a-tai-ép... Anh đã buộc phải nhảy dù xuống phòng tuyến địch, điều gì sẽ đến với anh? 

Mọi người chờ đợi một ngày, rồi hai ngày, người ta gọi điện thoại lên cơ quan tham mưu: không ai cho chúng tôi biết gì về vấn đề Đê-vi-a-tai-ép cả.

Anh đã chìm đắm trong vô định bi thảm. Ôi, anh không phải là người đầu tiên và chắc chắn không phải là người cuối cùng. Có người như La-vri-nhen-cốp: tìm được cách dễ dàng thoát khỏi nanh vuốt bọn phát xít, những người khác phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt của trại tập trung trước khi trở về được đơn vị và còn nhiều người khác nữa không bao giờ trở về.

Rồi sư đoàn nhận được lệnh di chuyển đến khu vực Ra-va Rút-sơ-ca. Nghĩ rằng có thể đó là căn cứ cuối cùng trên đất của ta, tôi lại nghĩ đến Mi-khai-in Đê-vi-a-tai-ép. Anh đã hạ cánh xuống đâu? Ngay như nếu bọn Đức không vồ được anh, anh cũng khó luồn được đường về đến tuyến mặt trận vì nhiều toán thổ phỉ đang cướp phá ở những khu rừng miền tây U-cra-i-na.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #228 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:22:56 am »

Chỉ đến những năm sau này chúng tôi mới biết được số phận của Đe-vi-a-tai-ép: một câu chuyện đầy vẻ huyền thoại.  

Bọn phát xít đã bắt được anh khi dù vừa rơi chạm đất. Và những cuộc hỏi cung bắt đầu. Đê-vi-a-tai-ép đã anh dũng chịu đựng mọi cực hình tra tấn không cung khai nửa lời bí mật quân sự, như biên bản hỏi cung, phát hiện sau này trong đống hồ sơ tài liệu của Gie-xta-pô mà bộ đội ta thu được.  

Đê-vi-a-tai-ép bị giam ở trại tập trung Clen Cơ-nit-xbéc, tìm cách vượt ngục. Anh trao đổi ý định với vài người bạn cũng có quyết tâm như anh. Họ đào một đường hầm dưới sàn gỗ, nhưng khi đã có đường thoát ra, thì một tên phản bội đã bán họ. Sau đòn tinh thần đó, lại thêm những cuộc tra tấn mới. Rồi Đê-vi-a-tai-ép cùng với các bạn bị chuyển đến một trại tử hình.

Vào cuối tháng Chín, Đê-vi-a-tai-ép và tất cả những người tham gia cuộc dự định bỏ trốn bị đánh nhừ tử, đót rét, đi chân đất, quần áo tả tơi, được đưa đến trại Sa-sơ-xen-hau-xen. Trên nóc những nhà sàn gỗ, nổi lên cái ống khói lò thiêu người mà làn khói đen che khuất, không cho mắt người ta nhìn thấy ánh mặt trời.

Ở đây, Đê-vi-a-tai-ép đã gặp may tránh khỏi bị vứt vào lò thiêu nhờ sự giúp đỡ của những người cùng số phận như anh: anh đã tìm cách đổi được chiếc biển gỗ đeo số tù của anh lấy một cát biển của một tù nhân đã chết.

Dưới cái số tù giả, anh được giải đi làm ở một sân bay Đức trên đảo Nê-e trong vùng Ban-tíc. Làm công việc đào hầm quanh những vị trí đỗ của máy bay Đức, anh giấu kín không cho bọn coi tù biết anh là phi công. Tim đập thình thình, anh nín thở liếc trộm vào buồng lái, trong khi tay vẫn ngọ nguậy chiếc xẻng bên cạnh chiếc Hen-ken.  

Đê-vi-a-tai-ép một lần nữa lại nghĩ đến vượt ngục. Nhưng muốn thực hiện ý định này, anh cần có các bạn đồng hành trung thành. Và anh đã tìm được họ. Một hôm, sau khi giết bọn lính gác, mười tù binh Xô-viết cướp một chiếc Hen-ken 111 .

Cuộc sống của họ lúc này dựa vào đôi bàn tay và quyết tâm của Đê-vi-a-tai-ép. Anh có biết mở máy chiếc máy bay xa lạ và bay lên được không? Anh có thể vượt qua hàng rào lửa đạn lập tức nã vào những người chạy trốn không?

Đó là một tổ bay kỳ lạ trên chiếc Hen-ken 111 đã hạ cánh ngày 8 tháng Hai năm 1945 xuống mảnh đất Xô-viết. Mười con người, áo quần tù kẻ sọc, biển gỗ tù nhân, ở cổ, mặt đầy râu rậm rạp, ra khỏi máy bay đã hạ bụng xuống cánh đồng phủ băng. Đê-vi-a-tai-ép dẫn đầu đoàn người này.

“Lệnh” ở thời đó về những cuộc thẩm tra loại này vùi sâu một thời gian dài, dưới hàng chồng giấy tờ, kỳ công của các chiến sĩ Xô-viết, trước hết là của những người đã khuyên bảo, những người phụ trách của họ. Chỉ tới khi sự thật và câu chuyện về chiến công này được khôi phục thì Đê-vi-a-tai-ép, thọ máy ở một chiếc tàu trên sông Vôn-ga, mới đến Mát-xcơ-va để gặp lại những người bạn, những đồng đội vinh quang của mình và cùng nhau hồi tưởng những câu chuyện của chuyến bay không tẻ nhạt đó.  

Qua bao nhiêu năm xa cách và băn khoăn, tôi mới gặp lại được người phi công cũ của mình; người mà tôi luôn luôn nghĩ đến ở mặt trận. Tôi cùng anh ôn lướt lại trong đầu óc những ngày đen tối phức tạp, khi anh bị địch bắt. Hai chúng tôi đối chiếu trên bản đồ vị trí khu vực Lơ-vốp, nơi anh bay đi làm nhiệm vụ, và cùng nhớ lại trận chiến đấu cuối cùng của anh.

Anh kể lại mình đã làm thế nào để có thể tìm hiếu được bảng đồng hồ bay của chiếc Hen-ken chỉ trong vài phút và những khó khăn sau khi cất cánh từ cái sân bay nhỏ bé đó... Người Anh hùng Liên Xô Đê-vi-a-tai-êp đã viết một số trang vẻ vang trong lịch sử của sư đoàn chúng tôi và cuốn sử biên niên của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Nhưng hãy trở lại thời gian mã chúng tôi chỉ biết là trung đoàn đã mất thêm một chiến đấu viên. Chúng tôi gửi đến gia đình anh tin báo thường lệ: Không trở về sau nhiệm vụ.

Ba người mới đến thay vào chỗ anh: Đốp-nhi-a, Các-pô-vích và Ba-ri-sép. Đốp-nhi-a đã bị hạ trên vùng trời Môn-đa-vi-a năm 1941. Cũng như Ba-ri-sép, anh được bộ đội ta giải thoát trong một trại tù binh. Các-pô-vích từ Mát-xcơ-va trở về, nơi anh đã tốt nghiệp lớp học của các tham mưu trưởng, đồng thời học điều khiển một chiếc máy bay bằng một bàn tay.. Cả ba người đều trở về trung đoàn bằng những con đường khác nhau, cùng nung nấu một ý muốn được bay, được chiến đấu 

Họ không muốn ở lại các cơ quan tham mưu cũng như các đơn vị phía sau. Làm xong việc huấn luyện bổ sung cho anh em, chúng tôi lại đưa họ vào hàng ngũ các phi công. Cũng vì vậy mà chúng tôi phải tích cực tranh luận với một số người quá cảnh giác và quá thận trọng lo lắng về việc cho phép những người trở về bay trên những máy bay chiến đấu. Nhưng số anh em này đã chứng minh lòng tin của chúng tôi và chửng thực bằng những chiến công, bằng tinh thần tận tụy với Tổ quốc và lòng trung thành với nghĩa vụ quân sự.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #229 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2010, 09:24:11 am »

2

Lực lượng thiết giáp của các tướng Ca-tư-cốp và Ru-ban-cô mà quân đoàn chúng tôi bảo vệ đã tiến đến sông Xan. Chúng tôi di chuyển đến một sân bay mới. Đêm khuya, tôi mới đến ngôi nhà được bố trí làm chỗ ở. Một cụ già, chủ nhân ngôi nhà đứng đón ở sân, đoán tôi là một phi công qua bộ quân phục, nói với tôi bằng tiếng U-cra-i-na:

- Chào đồng chí phi công. Cách đây ba mươi năm, cũng có những phi công Nga đến ở đây. Vào thời ấy, bọn Đức gây chiến tranh với ta. Ne-xtê-rốp đã bay trên Ra-va Rút-xơ-ca và ông ấy đã lao máy bay vào một tên địch trên bầu trời Giốp-cơ-va.

Tôi không hiểu tất cả mọi điều cụ già nói, nhưng “phi công Ne-xtê-rốp”, những tiếng đó được nhắc đi nhắc lại ở cửa miệng ông cụ, làm cho tôi hiểu rằng cụ già nông dân U-cra-i-na đã giữ trong óc nhiều sự kiện lịch sử về không quân chúng ta. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện trong căn phòng, trước một tấm bản đồ. Tôi chỉ cho cụ thành phố Goóc-ki, nói để cụ biết rằng tôi vừa ở đấy và đã gặp con gái của nhà phi công lừng danh. Cụ cũng chỉ vào bản đồ, kể lại bằng những từ ngữ cụ thể và rất đẹp về trận không chiến của những năm xa xôi ấy, lúc chiếc máy bay Nga lao vào chiếc máy bay Đức.

Qua câu chuyện, tôi giữ một kỷ niệm sung sướng: những người dân U-cra-i-na đã giữ gìn cẩn thận biết bao trong ký ức của mình chiến công oanh liệt của người phi công Nga đó.

Từng tốp, từng tốp máy bay của các trung đoàn, bay đi bảo vệ những xe tăng. Cuộc tiến công của bộ đội mặt đất vẫn tiếp tục. 

Một đoàn xe dài ngăn đường chúng tôi từ cơ quan tham mưu ra sân bay. Các chị phụ nữ, các cháu, những cụ già ngồi ngất ngưởng trên những xe ngựa đầy rơm rạ. Vài chiếc xe còn dắt theo cả những con bò cái và cừu. Quang cảnh này làm tôi nhớ lại cái cảnh tôi đã có dịp trông thấy trên bờ sông Đơ-nhi-ép vào năm 1941. “Những người nông dân sơ tán từ khu vực mặt trận - tôi suy nghĩ - hoặc có thể họ tránh bộ đội ta lui về phía sau". 

Tôi dừng xe lại. Những bác nông dân đi trên các xe bò vây quanh ngay lấy tôi. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng, tôi cũng nhận ra đó là những người dân Ba Lan. Dưới ách chiếm đóng của bọn phát xít, bọn thổ phỉ đã lôi họ ra khỏi quê hương làng xóm, và bây giờ họ trở về, nhưng chưa dám lại gần những căn nhà ở. Chỗ ở lưu động đối với họ là nơi trú ẩn còn chắc chắn hơn là trong những căn lều.

Nghe họ kể chuyện, tôi tập trung những điều đã biết về sự tàn bạo của bọn gây tội ác, đang phá rối cuộc sống bình yên của nhân dân, những vùng vừa được giải phóng khỏi tay bọn Đức. Sau đó, trên đường đi, tôi quan sát những người gặp trên đường với cái nhìn nghi ngại, và đưa mắt sục sạo những khu rừng. Tôi tự nhủ: chính chủ nghĩa phát xít đã lợi dụng tất cả bọn vô lại, bọn cặn bã của xã hội, bọn phản bội và thổ phỉ để gieo rắc sự bất hòa trong những người dũng cảm, dân cư những làng mạc U-cra-i-na và Ba Lan.

Ngay đêm đầu tiên, bọn thổ phỉ nã súng vào sân bay chúng tôi. Không có ai bị thương, nhưng vài tiếng súng nổ từ khu rừng đã làm mọi người suốt đêm phải ở trong tư thế sẵn sàng. Phải đào hố dưới bánh máy bay và đặt máy bay ngang với mặt đất để có thể, khi cần thiết nổ súng vào bọn cướp bằng những khẩu liên thanh. Những thợ máy canh gác trong buồng lái, thỉnh thoảng lại bắn vài tràng đạn vào những khu rừng.

Nghe tiếng súng định kỳ đó trong dân, tôi lại nhớ đến những cỗ xe, những phụ nữ, những cháu nhỏ. Có thể ít thấy một cuộc chiến tranh lớn nổ ra lại không có những tên phản bội và một số nhỏ những kẻ có tư tưởng chống đối.

Bọn thổ phỉ chỉ là một đám nhỏ trong giai cấp tư sản dân tộc. Nhưng chúng khủng bố dân chúng. Có thể chúng thực hiện mệnh lệnh của bọn phát xít: làm cho chúng tôi mất ngủ ban đêm khi chúng tôi đang tiến công, và tiêu hao chúng tôi bằng những cuộc tiến công nhỏ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM