Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:53:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 1  (Đọc 96702 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:20:37 am »


Hai triều đại Lý - Trần tiếp theo kéo dài gần bốn thế kỷ độc lập (1010 - 1400) là thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử dân tộc. Nhìn chung, đó là thời kỳ ý chí, quyết tâm xây dựng và bảo vệ nền độc lập của nhân dân ta được biểu hiện rực rỡ thông qua công cuộc phát triển toàn diện đất nước và đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của những thế lực thù địch bên ngoài. Thời kỳ này, việc củng cố nhà nước phong kiến tập quyền giữ vững ổn định an ninh trong nước, tăng cường quốc phòng đã tạo điều kiện để xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt. Giới quý tộc trong các triều vua đầu của thời Lý - Trần do nhân quan chính trị rộng lớn, sâu sắc như biết nêu cao tinh thần độc lập và bảo vệ chủ quyền, biết khoan thư sức dân... nên đã xây dựng được khối đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn để đánh bại nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống và Mông - Nguyên. Song, đến các triều vua cuối của thời Trần do sự sa đoạ của giai cấp quý tộc cùng với chế độ bóc lột nặng nề quần chúng lao động, nhất là nông dân, tình hình đất nước bắt đầu khủng hoảng. Những cuộc nổi dậy chống triều đình và nạn cướp hoành hành khắp nơi, đời sống cực khổ, lòng dân ly tán, đất nước trì trệ và suy yếu. Đó là tình trạng nước ta ở cuối thế kỷ XIV khi nhà Hồ lên thay nhà Trần (1399). Mặc dầu ban hành nhiều chính sách cải cách táo bạo, nhưng nhà Hồ đã không ổn định được xã hội, không thu phục được nhân tâm. Đúng lúc đó thì nhà Minh phát quân xâm lược Đại Việt (1406-1407). Cuộc kháng chiến của Hồ Quý Ly thất bại nhanh chóng. Nền độc lập và chủ quyền quốc gia liên tục được giữ vững trong suốt mấy trăm năm, qua hai triều đại Lý - Trần, một lần nữa bị mất vào tay quân xâm lược. Mất độc lập và chủ quyền, đất nước bị dày xéo, xã hội bị kìm hãm, quyền sống của nhân dân và phẩm giá của con người bị chà đạp. Ngay sau khi đánh bại nhà Hồ, quân Minh đã thiết lập một nền cai trị tàn bạo, hà khắc, hòng đè bẹp ý chí của nhân dân ta. Đó là một nền đô hộ kết hợp giữa áp bức bóc lột nặng nề bằng bạo lực, với những âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, đồng hoá quỷ quyệt. Thế nhưng, bạo tàn và quỷ quyệt không thể nào và chưa bao giờ khuất phục được nhân dân Việt Nam. Suốt những năm dưới ách thống trị của nhà Minh, ý thức độc lập, tự chủ của nhân dân ta vẫn mạnh mẽ, biến thành những phong trào đấu tranh chống quân xâm lược liên tục và rộng lớn, lôi cuốn mọi tầng lớp, mọi dân tộc từ miền xuôi đến miền ngược tham gia. Nhờ vậy, khi ngọn cờ tụ nghĩa của Lê Lợi phất lên ở Lam Sơn, Thanh Hoá (1418) thì đông đảo nhân dân trong cả nước nhanh chóng hướng ứng.

Chẳng mấy chốc, từ chỗ chỉ giới hạn ở một địa phương, cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi đã lan rộng và phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong toàn quốc. Mười năm (1418 - 1428) “nếm mật, nằm gai”, chiến đấu bền bỉ và quyết liệt, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Bộ chỉ huy do Lê Lợi và Nguyễn Trãi đứng đầu, đã làm nên những chiến thắng vang dội ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang... đập tan ý chí xâm lược của kẻ thù, giải phóng hoàn toàn đất nước. Một lần nữa, ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam đã chiến thắng. Vì quý trọng độc lập tự do, nên nhân dân ta càng thiết tha với hoà bình, mong muốn thân thiện với các dân tộc lân bang. Đó là nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam. Nghĩa cử ấy, tinh thần ấy được Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn khẳng định:

“… Thần võ không giết
Đức lớn hiếu sinh
Nghĩ về kế lâu dài của nhà nước
Tha cho mười vạn sỹ binh
Sửa hoà hiếu cho hai nước
Tắt muôn đời chiến tranh
Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh” 1.

Hoà bình lập lại, thay mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã soạn Đại cáo Bình Ngô, khẳng định ý chí, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vẹn toàn nền độc lập của quân dân Đại Việt cả về văn hoá, lãnh thổ, phong tục nhà nước, chủ quyền. Có thể xem đây là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc Việt Nam.

Triều đại Hậu Lê tồn tại hơn 300 năm, dài nhất trong lịch sử dân tộc, nhưng lại diễn biến rất phức tạp. Thời kỳ Lê Sơ (1428-1504), đất nước ổn định, bình yên và phát triển đến mức thịnh đạt. Các mặt của cuộc sống được xây dựng tương đối quy củ văn hoá phát triển rực rỡ, cơ sở vật chất và tinh thần quốc gia được củng cố vững vàng, địa vị, uy tín của nhà nước Đại Việt được nâng cao, nền độc lập dân tộc được đảm bảo. Trên nền tảng đó, nhà Lê thi hành một chính sách đối ngoại mềm mỏng, nhưng kiên quyết nhằm bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.
____________________________________
1. Phú núi Chí Linh, dẫn theo Lịch sử Việt Nam, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.254.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:20:59 am »


Bước sang thế kỷ XVI, những mâu thuẫn nội bộ của nhà Lê phát triển. Mâu thuẫn đó đã dẫn đến sự bùng nổ phong trào nông dân khởi nghĩa và những cuộc xung đột triền miên giữa các phe phái phong kiến dẫn đến nhà Mạc chiếm ngôi (1527) và xung đột Nam - Bắc triều kéo dài hơn nửa thế kỷ (1527 - 1592)... Vì quyền lợi ích kỷ của dòng họ, một bộ phận đất đai của Tổ quốc bị nhà Mạc đem dâng cho nhà Minh để mong rảnh tay đối phó với các phe phái đối lập trong nước. Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ vốn là những giá trị thiêng liêng, bền vững trong tâm khảm người Việt Nam từ xưa, nay bị xâm phạm. Đó chính là lý do quan trọng khiến họ Mạc bị thất bại trong cuộc tranh chấp với Nam Triều. Họ Mạc vừa bị dẹp xong thì Trịnh, Nguyễn phân tranh, đất nước lại bị chia cắt. Đàng ngoài, Đàng trong lao vào cuộc nội chiến kéo dài hàng trăm năm (1627-1775), làm cho dân chúng khổ cực, điêu đứng, đất nước kiệt quệ. Nguyện vọng độc lập của nhân dân lúc này nếu không gắn với yêu cầu thống nhất Tổ quốc, dân chủ xã hội, thì sẽ không thể có được sức mạnh để đưa đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng.

Chính vào lúc đó, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ (1772). Dưới ngọn cờ nghĩa phù hợp lòng dân, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng phát triển khắp vùng Quy Nhơn. Thế nhưng, “trong chưa ấm”, nên “ngoài chưa yên”, nhân lúc nước ta rối ren, ở phía Nam, 5 vạn quân xâm lược Xiêm kéo vào miền Gia Định (1784); phía Bắc, 20 vạn quân chiến đấu và hàng chục vạn quân vận chuyển, phục dịch của nhà Thanh, chia thành bốn đạo, tiến vào nước ta. Hơn lúc nào hết, thống nhất đất nước là yêu cầu bức xúc và là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự mất còn của quốc gia, dân tộc. Trong những điều kiện đó, từ chỗ là cuộc khởi nghĩa nông dân, phong trào Tây Sơn do anh em Nguyễn Huệ cầm đầu đã phát triển thành phong trào quật khởi của cả dân tộc đè bẹp các tập đoàn thống trị trong Nam, ngoài Bắc, đánh bại các đạo quân xâm lược Xiêm La, Mãn Thanh. Rõ ràng, khi vươn lên làm nhiệm vụ khôi phục sự thống nhất đất nước, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, phong trào Tây Sơn là đại biểu cho ý chí độc lập, thống nhất của toàn dân tộc. Đó chính là nguồn gốc, tạo ra sức mạnh to lớn, làm nên những chiến công chói lọi của vương triều Quang Trung. Như ánh sao băng, triều đại Quang Trung tồn tại ngắn ngủi (1781-1802).

Lợi dụng cơ hội sau khi vua Quang Trung mất, Nguyễn Ánh dựa vào thế lực và sự viện trợ của Pháp, đánh đổ Tây Sơn, lập vương triều Nguyễn. Triều Nguyễn chuyên chế, đối nội thì hà khắc, đối ngoại thì yếu hèn, nên trước sự xâm lược của thực dân Pháp, đại diện cho một trình độ phát triển cao hơn hẳn, triều đình một mực lùi bước, không dám phát động cuộc kháng chiến toàn dân, trái lại, đàn áp những cuộc chiến đấu của nhân dân. Sau khi nhường ba tỉnh miền Đông lục tỉnh cho giặc (1862), triều đình lại nhượng đứt cả Nam Bộ (1874), cuối cùng nhượng nốt chủ quyền độc lập, cam chịu làm thuộc địa của Pháp (1883). Một lần nữa, dân tộc ta lại lâm vào thời kỳ đen tối kéo dài dưới ách thống trị của nước ngoài. Nhưng, ý thức độc lập dân tộc của nhân dân ta vẫn mạnh mẽ, tác động đến một số người trong hoàng tộc và những sĩ phu yêu nước dựng cờ Cần Vương chống Pháp. Song, vì không có đường lối phù hợp và phương pháp hữu hiệu, cho nên các lãnh tụ của phong trào chống Pháp lúc bấy giờ không huy động được đông đảo dân chúng tham gia. Phong trào Cần Vương thất bại. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức, lúc âm thầm, lúc dữ dội. Cũng vì vậy, mãi đến những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp mới “bình định” xong và thiết lập hệ thống cai trị thuộc địa trên cả nước ta.

Thời đại đang đổi khác, vận nước và kẻ thù cũng đã khác xưa, nhưng ý chí độc lập, tự do của toàn dân Việt Nam thì không bao giờ thay đổi và không một thế lực nào, không một kẻ thù nào khuất phục được. Ngược lại. trong cơn nguy biến, ý chí ấy, tinh thần ấy càng trở nên thiêng liêng trong mỗi người dân yêu nước. Nó trở thành khát vọng cháy bỏng, thành niềm tin to lớn, thôi thúc mọi thế hệ người Việt Nam không nề gian khổ, không sợ hy sinh, nhiều lần đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù, mà tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa do Trương Định, Thủ Khoa Huân, Cai Tổng Vàng, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến... lãnh đạo. Các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân... cũng đứng lên chống Pháp. Theo một hướng khác, sau khi các cuộc khởi nghĩa đang trên đường thất bại hoặc dẫm chân tại chỗ và trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, một số trí thức yêu nước Việt Nam tìm con đường mới, mong giải phóng dân tộc thoát khỏi ách ngoại xâm. Cụ Phan Bội Châu hướng sang Nhật, theo con đường Duy Tân rồi về Trung Quốc, theo con đường cách mạng Tân Hợi. Cụ Phan Châu Trinh lại theo con đường nghị viện tư sản của các nước phương Tây. Tuy sắc thái khác nhau, nhưng tựu trung, những con đường cứu nước trên đây đều là con đường của chủ nghĩa dân chủ tư sản. Dẫu nó còn là mới mẻ và không phải không hấp dẫn đối với các nhà yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng nhìn khung, so với thời đại, chủ nghĩa đó đã lỗi thời. Bởi thế, lòng yêu nước thương nòi và tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc không thiếu trong mỗi người yêu nước Việt Nam, nhưng tất cả các phong trào chống Pháp và tất cả các con đường cứu nước ấy đều không thành công.

Với lòng yêu nước, thương dân tha thiết, bằng thiên tài trí tuệ và công phu nghiên cứu đầy hy sinh, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm được con đường giải phóng đúng đắn cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam - con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc do Mác - Lênin đề xướng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối chính trị trong hai phần ba thế kỷ, mở đường cho nhân dân ta đi tới những thắng lợi lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, có đường lối chính trị phù hợp với những điều kiện cụ thể của đất nước, xã hội ta và nguyện vọng, lợi ích tối cao của toàn dân tộc, nên đã nhanh chóng tập hợp được toàn dân vào mặt trận chống đế quốc. Phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh những năm 1930-1931 thể hiện ý chí độc lập, tự do của nhân dân ta, mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, bị Pháp khủng bố tàn khốc. Chúng bắt bớ, tù đày gần hai chục vạn người, bắn giết hàng nghìn người yêu nước. Nhưng cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta không bị tiêu diệt, ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam không bị lung lay. Trái lại, Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn tồn tại và phát triển, nhân dân Việt Nam vẫn quyết tâm chiến đấu. Vượt qua tổn thất hy sinh, chỉ bốn năm sau, phong trào đấu tranh lại được khôi phục, phát triển. Cao trào Mặt trận dân chủ dấy lên trong cả nước, tạo ra một đội quân chính trị gồm hàng triệu người yêu nước trong các tầng lớp xã hội, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, chuẩn bị lực lượng và thế trận tiến công cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:44:48 am »


Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp thất bại, đầu hàng phát xít Đức (6-1940). Quân phiệt Nhật đem quân vào Đông Dương (tháng 9-1940). Pháp ra tay khủng bố, bỏ tù hàng nghìn người con ưu tú của nhân dân. Cả Nhật và Pháp thực hành một chính sách phát xít man rợ trên toàn bộ đất nước ta. Nhưng cả Nhật lẫn Pháp đều không dập tắt được ngọn lửa cách mạng, không ngăn cản được phong trào yêu nước của toàn dân đang ngày càng bốc cao. Nhân dân ta liên tiếp vùng lên chống Nhật, Pháp bằng ba cuộc khởi nghĩa oanh liệt: Bắc Sơn (22-9-1940), Nam kỳ (23-11-1940), Đô Lương (Nghệ An ) (13-1-1941). Phong trào cứu nước từng bước dâng lên hoà nhịp với cuộc tổng phản công chống phát xít trên toàn thế giới do Hồng quân Liên Xô làm đội quân chủ lực.

Những tháng đầu năm 1945, nước Đức phát xít đại bại trên chiến trường châu Âu, bị dồn vào ổ cuối cùng của chúng. Nhiều nước Đông Âu được Hồng quân Liên Xô giải phóng. Trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, phát xít Nhật lâm vào thế nguy khốn. Ngày 9-3-1945, Nhật làm cuộc đảo chính ở Đông Dương, hất cẳng Pháp để củng cố căn cứ quan trọng chống các nước Đông Dương, và loại trừ nguy cơ bị Pháp trả thù. Một cao trào chống Nhật, cứu nước, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền bùng lên mạnh mẽ dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Làn sóng đấu tranh cho độc lập dân tộc như triều dâng, thác đổ. Vùng căn cứ Việt Bắc rộng lớn chuẩn bị sục sôi, chiến tranh du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần mở rộng và phát triển từ rừng núi lan xuống trung du và một bộ phận đồng bằng. “Một nước Việt Nam phôi thai từ đó... Một phần Bắc Bộ đã thực tế đặt dưới quyền cách mạng”1.

Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Với quyết tâm dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do, ngày 16-8-1945, từ Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng kêu gọi đồng bào cả nước “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”2. Nhân dân cả nước liên tiếp nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công trên cả nước.

Chế độ thực dân thống trị nước ta gần 80 năm và chế độ quân chủ hàng nghìn năm đã bị lật nhào. Đồng bào cả nước làm cuộc tổng khởi nghĩa lay trời chuyển đất, thực hiện đúng lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nói về ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đao cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc3. Cách mạng Tháng Tám là sự nổi dậy đồng loạt của nhân dân trong cả nước từ miền Bắc tới miền Trung, miền Nam, từ rừng núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, biểu thị ý chí độc lập, tự do của một dân tộc có bề dày truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Do vậy, dù với một lực lượng vũ trang nhỏ bé (5000 người), với 5000 đảng viên, hầu hết vừa thoát khỏi nhà tù đế quốc, nhưng Cách mạng Tháng Tám đã phát huy sức mạnh chính trị, động viên cao độ tinh thần yêu nước, tạo nên sức mạnh áp đảo của cả một dân tộc, làm tê liệt mọi sự phản kháng của quân đội Nhật, buộc ngụy quyền tay sai phải đầu hàng. Nó diễn ra nhanh chóng làm cho quân đội Anh, Tưởng, Pháp không kịp đưa quân vào và sử dụng chúng chống lại cách mạng Việt Nam.

“Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng, vì nó là sự nghiệp của toàn dân đoàn kết, kiên quyết chiến đấu để tự giải phóng, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”4.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất, là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người Việt Nam”5.
_______________________________________
1. Trường Chinh: Cách mạng tháng Tám, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật 1975. t 1. tr 348.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai. Nxb chính trị quốc gia. Hà Nội. 1995, t.3. tr. 554
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1995, t 6, tr 159.
4. Trường Chinh: Cách mạng Tháng Tám, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt nam, Nxb Sự thật. Hà Nội. 1975, t 1. tr 374.
5. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật. Hà Nội. 1980. tr 13.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:46:17 am »


Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh của trên nửa triệu người, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”1.

Sau gần 80 năm dưới ách đô hộ của đế quốc, thực dân, giờ đây “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy” 2.
 
Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, với hệ thống chính quyền từ trung ương tới cơ sở được thiết lập, một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã mở ra. Đó là kỷ nguyên của độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Chính phủ lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch thực sự là người chủ của đất nước Việt Nam, tiếp đón và ứng phó với quân đội Đồng Minh vào nước ta giải giáp quân Nhật.

Nhưng tất cả mới chỉ là sự khởi đầu. Để đạt tới độc lập, tự do và hạnh phúc toàn vẹn, dân tộc Việt Nam còn phải trải qua chặng đường đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh. Độc lập, tự do, và thống nhất Tổ quốc là khát vọng, là động lực to lớn, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tăng cường đoàn kết, kiên quyết chiến đấu chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn thôn tính, chia cắt lâu dài đất nước ta của các thế lực đế quốc và bọn phản động trong nước.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng vừa mới ra đời đã phải đối phó ngay với một tình thế vô cùng hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”. Chưa bao giờ đất nước ta có nhiều kẻ thù như hồi bấy giờ, giặc ngoài, thù trong đủ loại, cấu kết với nhau, hòng lật đổ chế độ dân chủ cộng hoà. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ của nhân dân ta tiếp diễn trong một tình thế mới. Để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng thiêng liêng ấy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao khẩu hiệu “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết” và vạch ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng. Một số tổ chức chính trị, xã hội lần lượt được thành lập3. Mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất được mở rộng làm cơ sở vững chắc cho công cuộc bảo vệ và xây dựng nhà nước cách mạng Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải hoàn chỉnh và chính thức hoá cơ quan quyền lực dân tộc tối cao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tức là phải xúc tiến bầu Quốc hội để xây dựng Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức.

Thực hiện Sắc lệnh số 14, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã diễn ra thắng lợi trong cả nước. Thắng lợi của Tổng tuyến cử bầu Quốc hội đầu tiên ở nước ta là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”4.

Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là thành quả đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong gần chín thập kỷ, đặc biệt là 15 năm đấu tranh trực tiếp dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Kỳ họp thứ hai Quốc hội diễn ra cuối năm 1946. Quốc hội lập chính phủ mới. Đây thực sự là một chính phủ đại biểu cho nguyện vọng và ý chí của toàn dân. Chính phủ đó bao gồm các nhà cách mạng, các nhân sĩ, trí thức và đại diện của các tầng lớp, các đảng phái trong xã hội Việt Nam. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hiến pháp nêu rõ: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”5. Đó là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại, vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, sau ngày Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, khoảng 300.000 quân đội đế quốc và phản động Anh, Pháp, Nhật, Tưởng đua nhau xâu xé và tìm mọi cách bóp chết nước Cộng hoà dân chủ trẻ tuổi. Chỉ ba tuần sau ngày Việt Nam lập nước mới, thực dân Pháp thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, chúng núp sau lưng quân Anh, nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Và hơn một năm sau, ngày 19-12-1946, chúng mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước. Nền độc lập sau gần một trăm năm tranh đấu với biết bao, xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước mới giành được, quyền tự do, mơ ước ngàn đời mới có, đang bị kẻ thù uy hiếp. Đã từng mấy mươi năm mất nước, sống kiếp nô lệ, lầm than, chỉ mới được vài tuần sống trong không khí độc lập, tự do sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn dân Việt Nam càng thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của chữ “độc lập”, “hoà bình”. Nhưng đó phải là hoà bình trong độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Độc lập, tự do là quý báu, quý giá vô ngần; ta đã khổ sở trong bao năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn và bảo vệ”6.

Lúc này đối với nhân dân ta độc lập không thể tách rời chế độ dân chủ cộng hoà. Có bảo vệ được đất nước mới giữ được chế độ mới, có tự do thật sự, mới giữ được chính quyền dân chủ nhân dân. Đó vừa là lý tưởng, nguyện vọng của dân tộc, vừa là mục tiêu trước mắt của cách mạng và cũng là động lực của đấu tranh. Bởi lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến. Vì dân Việt Nam tin chắc rằng thế nào cuộc kháng chiến này cũng thành công”7.

Vào lúc đó, chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ, đất nước bị bao vây bốn bề, còn thiếu thốn đủ bề và chồng chất khó khăn. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời chưa được một nước nào trên thế giới công nhận. Lực lượng vũ trang cách mạng chưa phải là đội quân chính quy có vũ khí, trang bị hiện đại. Nền kinh tế vốn đã lạc hậu, nghèo nàn lại bị Pháp, Nhật bòn rút, vơ vét xác xơ và bị chiến tranh cũng như thiên tai tàn phá nặng, mà hậu quả là nạn đói năm 1945 khủng khiếp đã cướp đi hai triệu đồng bào ta. Cách mạng Tháng Tám thành công, nạn đói vẫn còn đang hoành hành dữ dội, sản xuất đình đốn, hàng chục vạn người vẫn tha phương cầu thực, hàng vạn công nhân không có việc làm, hàng hoá khan hiếm, ngoại thương bế tắc, kho bạc trống rỗng, ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản Pháp... Trong cơn hiểm nghèo của vận mệnh dân tộc, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng tình hình, vững tin ở khối đại đoàn kết toàn dân, ở lòng yêu nước và ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của cả một dân tộc vừa thoát khỏi hoạ mất nước kéo dài 80 năm ... Đảng ta một mặt, đề ra đường lối, chủ trương, biện pháp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ổn định tình hình, ra sức chuẩn bị ứng phó với những thử thách trước mắt cũng như lâu dài; mặt khác khôn khéo thực hành chủ trương mềm dẻo theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” nhằm lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, phân tán, cô lập chúng đặng giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ, đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.
_______________________________________
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai. Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội. 1995. t.3. tr 557.
3. Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (tháng 5-1946 ). Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (tháng 5-1946), Đảng Xã hội (7-1946), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (10-1946).
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. t 4 tr. 189.
5. Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980, 1992), Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1995. tr 7-8.
6. Những sự kiện lịch sử của Đảng, Nxb Sự thật. Hà Nội. 1976, t 1 (1920 – 1945), tr. 665.
7. Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb Sự thật. Hà Nội. 1976. t.1 (1920 - 1945), tr. 665.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:42:42 am »


Từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946 - tức là trước ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ - dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, dân tộc ta đã vượt qua một chặng đường lịch sử vô cùng khó khăn, gian khổ, phức tạp, nhưng thắng lợi vẻ vang. Chúng ta đã phát huy sức mạnh toàn dân, dũng cảm đương đầu với những kẻ thù nguy hiểm, giữ vững chính quyền, xây dựng và phát triển lực lượng, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài trong cả nước.

Với ý chí sắt đá vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, miền Nam thành đồng đã đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến. Nhân dân miền Nam không tiếc xương máu, tài sản, đem hết sức lực và của cải để chống chọi với kẻ thù hung bạo, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào miền Nam đã ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, làm thất bại âm mưu của chúng định nhanh chóng đánh chiếm miền Nam, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền đất nước. Cuộc chiến đấu đó để lại những kinh nghiệm đầu tiên hết sức quý báu cho nhân dân cả nước. Điều mà tướng Pháp Lơcơléc huênh hoang tuyên bố rằng: Việc chiếm lại Việt Nam chỉ là “một cuộc dạo mát quân sự” (Promenade militaire) đã trở thành một chuỗi dài thất bại thảm hại. Theo đường lối chiến tranh toàn dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân miền Nam bước đầu đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.

Trong khi đó, ở miền Bắc, bằng cuộc đấu tranh kiên quyết, giàu trí tuệ sáng tạo trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, quân và dân ta vừa chi viện cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam, vừa đẩy lùi mọi âm mưu lật đổ của các thế lực phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng bằng cách, khi thì tạm hoà hoãn với Tưởng để kháng Pháp ở miền Nam và làm chậm bước tiến ra Bắc của chúng, khi thì tạm hoà hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng ra khói nước ta và quét sạch bọn tay sai của chúng. Ta đã tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng chuẩn bị thế và lực, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Giữ được chính quyền cách mạng, tránh được nguy cơ bị bóp nghẹt ngay khi nguy cơ mới hình thành là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng lâu dài của nhân dân Việt Nam nói chung và đối với công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nói riêng. Chính quyền mới, chế độ mới, chế độ dân chủ cộng hoà được giữ vững, củng cố và phát triển là nhân tố cơ bản bảo đảm cho dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân là vũ khí đấu tranh sắc bén để chiến thắng thù trong giặc ngoài, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, vững bước tiến lên phía trước. Nhân dân Việt Nam đã vượt qua được một chặng đường đấu tranh hết sức gay go, để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Trong khi thi hành sách lược “hoà để tiến” với đủ loại thù trong, giặc ngoài, Đảng ta đồng thời lãnh đạo toàn dân ra sức chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (họp ngày 19-10-1946) chỉ rõ: Nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình, và mình nhất định cũng phải đánh Pháp. Vào lúc đó, quân đội Nhật, Anh, Tưởng lần lượt phải rút khỏi nước ta, Các thế lực tay sai thực dân, đế quốc, bọn giả danh cách mạng chống phá sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân ta bị tiêu diệt và tan rã. Kẻ thù của dân tộc ta giờ đây là thực dân phản động Pháp xâm lược. Toàn dân ta tập trung mũi nhọn đấu tranh đánh đuổi chúng.

Thực dân Pháp, mặc dù chiếm đóng gần như toàn bộ miền Nam và đã đưa quân ra đóng xen kẽ với ta trên nhiều khu vực ở miền Bắc, nhưng chúng không thể thực hiện được mưu mô nhanh chóng thôn tính toàn bộ nước ta.

Tham vọng cướp nước ta đã dẫn thực dân Pháp lao sâu và một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” không lối thoát. Song, với truyền thống lấy “đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thắng cường đạo” và với thiện chí hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng nhiều lần nhằm đẩy lùi chiến tranh, tránh một cuộc đổ máu cho cả hai dân tộc Việt - Pháp. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước 14-9 năm đó, nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi. “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! chúng ta thà hy sinh tất các chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”1. Đó là lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là ý chí, quyết tâm, là lẽ sống của mọi người yêu nước trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam trước khó khăn và hiểm nghèo của vận nước.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 21-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp và dân chúng các nước Đồng Minh, Người viết:

“Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: một là khoanh tay, cúi đầu trở lại nô lệ; hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập.

Không! Dân tộc Việt Nam không để cho người ta trở lại thống trị nữa.

Không! Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại nô lệ nữa. Dân tộc Việt Nam thà chết chứ không chịu mất độc lập và tự do”2.

Trong Lời kêu gọi nhân dịp sáu tháng kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa tuyên bố:

“Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ.

Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước,

Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”3.

Đế “tranh thủ độc lập và tự do cho Tổ quốc”, toàn thể dân tộc Việt Nam không phân biệt gái, trai, già, trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, không kể miền ngược, miền xuôi... đều nhất tề đứng lên kháng chiến. Cho dù, “Cuộc trường kỳ kháng chiến còn kinh qua nhiều bước gian nan.

Chúng ta phải hy sinh, chịu khó và phải gắng sức. Nhưng chúng ta quyết hy sinh chịu khó và gắng sức 5 năm, 10 năm để phá tan cái xiềng xích nô lệ hơn 80 năm vừa qua, để tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho muôn đời sắp đến”4. Trong cuộc kháng chiến đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ kháng chiến, do đồng tâm nhất trí của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc, dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu phải bức tường đó, chúng cũng phải thất bại.

Như lịch sử đã chứng minh, với ý chí, quyết tâm không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, toàn thể dân tộc Việt Nam đã tăng cường đoàn kết, ra sức khắc phục gian khổ, hy sinh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, liên tiếp đánh bại các âm mưu và thủ đoạn của địch, từng bước làm chuyển biến tình hình chiến trường có lợi cho ta. Trải qua 3223 ngày đêm ròng rã chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ (từ 23-9-1945 đến 20-7-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu cũ của Pháp, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với những thuận lợi mới, nhưng cũng nhiều thử thách, khó khăn mới, trên hành trình đi tới hoà bình, thống nhất, độc lập và tự do.
_______________________________________
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội: 1995 t.4: tr.480, tr. 483.
3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nôi. 1995, t.5. tr 150, 151, 152.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:43:44 am »


II. KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU ĐẤU TRANH VÌ HOÀ BÌNH, THỐNG NHẤT, ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình lập lại ở Việt Nam và trên bán đảo Đông Dương. Miền Bắc được giải phóng, nhưng miền Nam lại bị đế quốc Mỹ và tay sai thống trị bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Nhân dân miền Nam chưa được hưởng một ngày hoà bình trọn vẹn, thì đã bị địch ruồng bố, bắt giam, tra tấn, chém giết. Theo Hiệp định Giơnevơ, ngày 20-7-1956, tức là đúng hai năm sau ngày Hiệp định này được ký kết, phải tiến hành Tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam. Nhưng Mỹ - Diệm đã không thực hiện. Đây là hành động phá hoại hoà bình, gây chiến nguy hiểm nhất, trắng trợn nhất của đế quốc Mỹ và tay sai. Nỗi đau chia cắt vẫn tiếp tục nhức nhối dân tộc Việt Nam ta.

Mục tiêu cách mạng và cũng là hoài bão của nhân dân Việt Nam là Tổ quốc phải được độc lập, thống nhất hoà bình, dân tộc phải được tự đo, đồng bào ta phải có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Theo nguyện vọng và ý chí của toàn dân, tháng 7-1954, Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) xác định nhiệm vụ phải đấu tranh để giành lấy và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn dân.

Ngay từ khi đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nêu rõ tính chất của cách mạng Việt Nam là tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới “xã hội cộng sản”. Trong khi đất nước chưa được độc lập, nhân dân chưa được tự do, thì nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân đưọc tự do, lấy ruộng đất của đế quốc làm của công và chia cho dân nghèo, quốc hữu hoá toàn bộ xí nghiệp của thực dân Pháp, tổ chức ra chính phủ công - nông - binh và quân đội công - nông. Rõ ràng, độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân đã mang bản chất cách mạng khác hẳn với các phong trào đấu tranh trước đó, do giai cấp phong kiến, tư sản lãnh đạo.

Trải qua các thời kỳ đấu tranh, Đảng ta đã vận dụng chiến lược và sách lược cách mạng một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình mỗi thời kỳ, nhưng mục tiêu độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa cộng sản (sau này ta gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội) không hề thay đổi. Vào đầu thập kỷ 40, khi yêu cầu độc lập dân tộc được đặt lên hàng đầu, Đảng ta đã phân tích: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”1.

Do vậy, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta kiên quyết vượt qua những thử thách gian khổ, ác liệt, làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Nay cuộc kháng chiến đó đã kết thúc, hoà bình được lập lại, miền Bắc được giải phóng hoàn toàn, nhưng mục tiêu thống nhất, độc lập chưa được thực hiện trọn vẹn trên toàn quốc. Nhân dân ta còn phải tiếp tục tranh đấu để đạt cho được mục tiêu đó trong những điều kiện mới, đối mặt với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ vừa có tiềm lực, vừa có mưu đồ đen tối, thủ đoạn xảo quyệt. Vì vậy, cuộc đấu tranh nhất định sẽ gian khổ, lâu dài, phức tạp. Trong điều kiện đó, độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào vẫn là nhiệm vụ hàng đầu, to lớn và nặng nề của cách mạng Việt Nam.

Vì truyền thống ngàn năm văn hiến, biết bao anh hùng, liệt sĩ cùng lớp lớp đồng bào các thế hệ kế tiếp nhau chiến đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất Tổ quốc, nay không cho phép chúng ta dừng lại ở nửa chặng đường. “Dân tộc Việt Nam về mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hoá là một khối duy nhất, không thể phân chia. Lãnh thổ Việt Nam là một dải đất thống nhất, không thể chia cắt được”2. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22-7-1954, đã một lần nữa khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”3. Có thể nói nguyện vọng thiết tha vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của các thế hệ người Việt Nam đang đòi hỏi đồng bào cả nước cùng chung sức, chung lòng tiếp tục thực hiện.
_______________________________________
1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá I), dẫn theo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự thật. Hà Nội, 1981. t.1, tr.332.
2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), tháng 8 – 1955, tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ hai. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1996. t.7. tr.322.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:44:07 am »


Sau nhiều năm chiến tranh ác liệt, nhân dân ta muốn duy trì hoà bình để tập trung sức lực xây dựng đất nước, chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong điều kiện mới. Tuy mục tiêu của cách mạng Việt Nam không thay đổi, nhưng hình thức đấu tranh cũng như chủ trương, sách lược phải phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước sau khi có Hiệp định Giơnevơ năm 1954 - nhất là khi đế quốc Mỹ đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (khoá II) chỉ ra rằng: Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, và hiện nay đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương. Cuộc đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ do Đảng lao động Việt Nam lãnh đạo dưới con mắt của Mỹ là một mối hiểm hoạ, đe doạ mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ là chiếm một bàn đạp đầu cầu ở Đông Nam Á, ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và ảnh hưởng của trào lưu xã hội chủ nghĩa ở vùng này. Vì vậy, trước, trong và sau ngày Hiệp đinh Giơnevơ ký kết, Mỹ tìm mọi cách ngăn cản, phá hoại Hiệp định, tìm cách thế chân Pháp, độc chiếm miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Vấn đề có tính chất sống còn và cấp thiết lúc này đặt ra cho nhân dân Việt Nam là tiếp tục đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, đồng thời, phải bảo vệ và xây dựng miền Bắc, góp phần giữ gìn hoà bình thế giới trong điều kiện có pháp lý của Hiệp định Giơnevơ. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện thống nhất Việt Nam trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình. Đấy chính là một chủ trương được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (khoá II) chỉ ra. Trong hội nghị này Đảng ta dự đoán rằng: cuộc đấu tranh để thống nhất nước nhà là một quá trình đấu tranh rất gian khổ và phức tạp. Đó cũng là quá trình tìm tòi con đường tiến lên đấu tranh nhằm đạt cho được mục tiêu thiêng liêng của nhân dân ta là hoà bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước kia, lúc đang còn tập trung vào nhiệm vụ kháng chiến thì chủ nghĩa xã hội mới là phương hướng và mong muốn của nhân dân ta. Nó đã thực sự là nguồn cổ vũ, động viên to lớn toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phấn đấu hy sinh cho mục đích cao cả đó. Nay, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc, có nửa nước hoà bình xây dựng, thì chủ nghĩa xã hội trở thành mục tiêu và nguyện vọng của nhân dân. Nó là nền tảng, là gốc rễ, là bảo đảm vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước giành thắng lợi. Bởi lẽ, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo cho miền Bắc được củng cố toàn diện để trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, thành hậu phương vững chắc của cách mạng miền Nau. Miền Bắc còn là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta thực hành, mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm tranh thủ rộng rãi sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, Ngoài ra, miền Bắc phải xây dựng một chế độ xã hội ưu việt với một nền kinh tế phát triển, một nền văn hoá dân tộc và hiện đại, một nền an ninh - quốc phòng không ngừng lớn mạnh là niềm cổ vũ mạnh mẽ đồng bào ta ở miền Nam, là sức mạnh tập hợp tất cả những người yêu nước, tiến bộ vì một tương lai tươi sáng của dân tộc. Dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh cho độc lập, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đấu tranh đó là chính nghĩa, hợp với pháp lý của hiệp định Giơnevơ và trào lưu tiến bộ của thời đại, hợp với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc, nhưng đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách ngăn chặn, hòng thực hiện cho được mục tiêu chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Cậy có sức mạnh kinh tế, quân sự và là cường quốc trong phe đế quốc, nên Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách tàn bạo với ý thức có thể đè bẹp dễ dàng cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đây vừa là căn nguyên sâu xa, vừa là lý do trực tiếp của cuộc chiến tranh Việt Nam, làm cho cuộc đấu tranh giành độc lập, dân chủ, thống nhất đất nước của nhân dân ta trở nên gay go, kéo dài.

Sự thật lịch sử là sau ngày kháng chiến chống Pháp kết thúc, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với khẩu hiệu: Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chủ trương:

- Lập lại quan hệ bình thường và quyền tự do đi lại giữa hai miền; tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở miền Bắc và miền Nam được liên lạc với nhau.

- Mở hội nghị hiệp thương hai miền để bàn về vấn đề tổng tuyển cử tự do nhằm thống nhất nước nhà trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ.

- Duy trì quan hệ kinh tế, mậu dịch giữa hai miền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:44:27 am »


Để chỉ đạo kịp thời cuộc đấu tranh ở miền Nam, đầu tháng 9-1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ: trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của đảng bộ ở miền Nam là lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện hiệp định, củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, tranh thủ độc lập... Những chủ trương trên đây của Đảng và Chính phủ rõ ràng là mong muốn sử dụng các hình thức đấu tranh hoà bình để từng bước thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Những biện pháp và yêu cầu đầu tiên đặt ra để thực hiện chủ trương trên đây là: đôi bên phải tuân thủ và thi hành hiệp định để có hoà bình; qua hiệp thương tổng tuyển cử để thành lập chính phủ liên hợp, thống nhất đất nước; bảo đảm lợi ích dân tộc giữ vững nền độc lập về mọi mặt; không được khủng bố, đàn áp những người đã tham gia kháng chiến chống Pháp, bảo đảm cho các đảng phái, đoàn thể được hoạt động và thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Để đáp ứng các yêu cầu trên, Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đi trước nhiều bước với tinh thần mong muốn hoà bình thống nhất Tổ quốc. Liên tục những tháng đầu năm 1955, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra tuyên bố “sẵn sàng lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền; sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương; đề nghị chính quyền miền Nam cử đại biểu hiệp thương, đề nghị với hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ có biện pháp thúc đẩy hiệp thương...” v.v... Những chủ trương, biện pháp đó thể hiện nguyện vọng được sống trong hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Nhưng đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm ở miền Nam đã đi ngược lại nguyện vọng chính đáng đó của nhân dân ta. Chúng từ chối hiệp thương giữa hai miền, cự tuyệt tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Mỹ - Diệm ráo riết khủng bố, đàn áp đồng bào ta, tàn sát những người kháng chiến cũ bằng các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” và “luật 10/59” được thực hiện khắp nơi ở miền Nam.

Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ ngày càng lộ rõ bộ mặt phản động của nó. Chính quyền phản động Pháp bị suy yếu sau cuộc chiến tranh Đông Dương là con nợ của Mỹ đã rũ bỏ trách nhiệm một bên thi hành Hiệp định..., tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ nhảy vào miền Nam. Mỹ lôi kéo các nước trong phe thành lập khối Đông Nam Á, đặt miền Nam Việt Nam dưới sự bảo trợ của khối này hòng tạo thế công khai để có thể dùng sức mạnh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Chuỗi các sự kiện diễn ra đối lập nhau giữa một bên là nhân dân ta mong muốn hoà bình, hiệp thương, tổng tuyển cử để thống nhất Tổ quốc, còn bên kia là đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng ở miền Nam thì ra sức phá hoại Hiệp định, âm mưu chia cắt lâu dài và thành lập ở miền Nam một quốc gia riêng tách khỏi Tổ quốc Việt Nam, cũng đã chứng tỏ một sự thật lịch sử rằng: “Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”. Nhân dân Việt Nam muốn hoà bình, kiên trì giải pháp hoà bình, mặc dù Mỹ - Diệm đã không thực hiện đúng thời hạn tổng tuyển cử, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khoá II) dự kiến: …Muốn thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, ta cần phải tiến hành thống nhất từng bước; từ chỗ tạm thời chia làm hai miền tiến đến chỗ thống nhất chưa hoàn toàn, từ chỗ thống nhất chưa hoàn toàn sẽ tiến đến chỗ thống nhất hoàn toàn.

Tiếp sau Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, những nghị quyết và chỉ thị hướng dẫn đấu tranh đều nhấn mạnh, phải tập hợp và đoàn kết mọi lực lượng chống Mỹ - Diệm, kiên quyết chống chính sách “tố cộng, diệt cộng” của địch.

Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã dùng chiến tranh đơn phương để chống lại nguyện vọng độc lập, hoà bình, thống nhất Tổ quốc của cả dân tộc, đánh phá dã man phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta ở miền Nam: Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh cách mạng bằng bạo lực. Vì đấu tranh chính trị hoà bình để thống nhất nước nhà theo Hiệp định Giơnevơ quy định không có kết quả, Mỹ - Diệm càng dấn tới quyết tiêu diệt cách mạng Việt Nam ở miền Nam bằng vũ lực, nên Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1-1959) sau nhiều lần cân nhắc kỹ lưỡng tình hình trong nước và thế giới mới quyết định phải qua con đường đấu tranh cách mạng bằng bạo lực, mà cụ thể là dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ và tập đoàn quân sự phong kiến, tư sản mại bản theo Mỹ. Đó là quyết định đúng, hợp với ý nguyện của toàn dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:45:36 am »


KẾT LUẬN

Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ kết thúc cánh đây 21 năm với việc nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn. Nhưng, câu hỏi do đâu có cuộc chiến tranh này, điều gì khiến cho các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau từ Tơruman, Aixenhao đến Kennơđi, Pho, nhất là thời kỳ Giônxơn và Níchxơn làm Tổng thống nước Mỹ đã dính líu ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh, đã làm cho hàng triệu người Việt Nam và Mỹ thiệt mạng, mất tích, tàn phế, tiêu tốn hành trăm tỷ đôla cùng khối lượng vật chất khổng lồ? Robert S.Mc Namara, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, một trong những người góp phần hoạch định chính sách Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã thừa nhận rằng: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi đã mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy”1. Và, Mc.Namara cho nguyên nhân sai lầm đó là vì Mỹ “đã hiểu sai thậm tệ những mục tiêu của Trung Quốc và lầm lẫn cho rằng những ngôn từ hiếu chiến của nó hàm ẩn động cơ giành bá quyền khu vực. Chúng tôi cũng hoàn toàn đánh giá thấp khía cạnh dân tộc chủ nghĩa trong phong trào Hồ Chí Minh. Chúng tôi coi ông, trước hết là một người cộng sản, rồi mới là một người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc”2.

Để hiểu rõ nguồn gốc và nguyên nhân cuộc chiến tranh phải xem xét từ bản chất và biểu hiện của cuộc chiến tranh đó. Bản chất là cơ sở bên trong, nó vạch ra nguyên nhân sâu xa phát sinh ra cuộc chiến tranh với mọi biểu hiện cụ thể. Còn biểu hiện của chiến tranh thì bộc lộ trực tiếp ra bên ngoài thông qua đấu tranh vũ trang. Vì vậy, tìm rõ nguyên nhân cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam phải dựa vào quá trình vận động, phát triển của các sự kiện, hiện tượng có thể thấy, nhận thức được, để tìm cái ẩn giấu bên trong.

Sau Đại chiến thế giới thứ hai, các nước Đông Âu được giải phóng, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những nước này cùng với Liên bang Xôviết, Mông Cổ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam hợp thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng. Các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Âu, châu Phi, và Mỹ Latinh được phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ - nhất là Liên Xô, Trung Quốc, đã vùng lên tiến công liên tục vào chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc. Các nước đế quốc mất dần các thuộc địa và đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính tri, xã hội trầm trọng. Riêng Mỹ, tuy có bị thiệt hại về người và của trong cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai, nhưng chiến tranh không đến nước Mỹ. Nhờ vào đất nước không bị tàn phá và kiếm được nhiều lời lãi trong buôn bán vũ khí, phương tiện chiến tranh, nền kinh tế của Mỹ phát triển rất cao. Mỹ vượt lên trên các nước tư bản về mọi phương diện. Do đó, đế quốc Mỹ trở thành kẻ cầm đầu các nước đế quốc, tên Sen đầm quốc tế, kẻ bóc lột và nô dịch lớn nhất, tên trùm thực dân mới, thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng nhằm củng cố vị trí làm bá chủ thế giới, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội và đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, chèn ép các nước đế quốc khác để giành giật thuộc địa mở rộng khu vực ảnh hưởng. Đó là điểm xuất phát chính sách đối ngoại hiếu chiến và chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ. Bởi vậy, những phong trào đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc chống ách thống trị, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc để giành độc lập cho dân tộc nêu trên, là sự nghiệp chính nghĩa, nhưng đều bị đế quốc Mỹ coi là sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, Liên Xô, Trung Quốc “đỏ” hợp tác với nhau để mở rộng bá quyền, đe doạ đến nền an ninh nước Mỹ và “thế giới tự do”. Những năm năm mươi, không cam chịu sự cai trị nghiệt ngã, sự bóc lột thậm tệ của thực dân Anh, Pháp, Mỹ, nhân dân các nước Mianma, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin… đã vùng lên đấu tranh để thoát khỏi ách thống trị của chúng. Đó là cuộc đấu tranh cho quyền con người được sống trong độc lập tự do, bình đằng và bác ái, hợp với đạo lý. Nhưng, Mỹ cho những cuộc đấu tranh chính nghĩa đó “có liên quan chặt chẽ với sự chỉ đạo của những người cộng sản Việt Nam”, đe doạ đến lợi ích và an ninh nước Mỹ. Mỹ có “trách nhiệm” và “nghĩa vụ” can thiệp và ngăn chặn bằng mọi biện pháp để dập tắt các phong trào nổi dậy đó. Mục tiêu của Mỹ là không để bất cứ vùng đất nào nữa của thế giới rơi vào tay cộng sản, không để mất miền Nam Việt Nam và vùng Đông Nam Á giàu tài nguyên chiến lược. Đế quốc Mỹ ngang nhiên nói biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17 và được Ngô Đình Diệm phụ hoạ theo. Đó là nguồn gốc dẫn đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu, đi đến gây chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Đó cũng là nguồn gốc làm cho giới cầm quyền Mỹ luôn phạm phải sai lầm không thể hiểu được dân tộc Việt Nam.

Khi thấy thực dân Pháp có nguy cơ bị đánh bại, tháng 6-1950, Tổng thống Mỹ Tơruman chỉ thị gấp rút viện trợ cho Pháp ở Đông Dương để tiêu diệt Việt Minh và lập “phái đoàn viện trợ quân sự MAAG” để giúp Pháp kéo dài cuộc chiến tranh, chuẩn bị sẵn sàng thay Pháp áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam. Kế hoạch quân sự của Mỹ ở Việt Nam, theo Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ trong Tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam được soạn thảo từ những năm 1950 chứng minh rõ ý đồ xâm lược bằng quân sự của đế quốc Mỹ ngay từ lúc nhân dân Việt Nam đang kháng chiến chống thực dân Pháp để giải phóng Tổ quốc.
_______________________________________
1, 2. Robert S. Mc Namara Nhìn lại quá khứ. Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 12, 45.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:46:47 am »


Mặc dù Mỹ và đồng minh của Mỹ ra sức ngăn chặn, chống phá phong trào cách mạng thế giới mà chúng cho là “sự bành trướng của cộng sản”, nhưng sức sống của thời đại được cách mạng Tháng Mười cổ vũ và thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít, phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc vẫn phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia lên mạnh. Việt Nam chiến thắng quân Pháp trong chiến dịch Biên giới 1950, tạo chuyển biến căn bản cho cuộc kháng chiến từ chiến đấu trong vòng vây chuyển sang thế chủ động, liên tục tiến công. Nguy cơ quân Pháp sẽ bị đánh bại ở Việt Nam và Đông Dương đã rõ ràng. Trước tình hình đó, Mỹ sợ một sự phản ứng dây chuyền: “Việc mất Đông Dương sẽ gây nguy hiểm cho nền an ninh của Hoa Kỳ. Quyền kiểm soát của cộng sản ở Đông Dương sẽ doạ các nguồn nguyên liệu thiết yếu, làm yếu lòng tin của các quốc gia Đông Nam Á1.

Các Tổng thống Mỹ Tơruman, Aixenhao, Kennơđi đều thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ luôn luôn coi Đông Dương là một bộ phận cần thiết trong chính sách ngăn chặn - “một bức tường thành quan trọng trong chiến tranh lạnh”2. Mất Việt Nam sễ dẫn đến nguy cơ mất ca Đông Nam Á giống như sự sụp đổ của các quân bài Đôminô, nên Mỹ phải lập “tuyến kiềm chế”, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương. Xuất phát từ quan điểm thể hiện của thuyết Đôminô và cũng là bản chất chủ nghĩa đế quốc Mỹ là tự cho mình có quyền tối cao định đoạt cho mọi dân tộc phải theo hình ảnh của Mỹ lựa chọn, Hoa Kỳ đã từ chỗ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương bằng viện trợ kinh tế, tiếp tế vũ khí và đưa cố vấn, chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam để giúp Pháp, đến chỗ trực tiếp xâm lược Việt Nam. Trong báo cáo nhan đề “Về mối đe doạ của chủ nghĩa cộng sản”, do Uỷ ban đặc biệt của Tổng thống Mỹ soạn thảo, nói rõ lập trường của Mỹ đối với Việt Nam là:

1. Chính sách của Mỹ là không chấp nhận điều gì khác ngoài một thắng lợi về quân sự ở Đông Dương

2. Lập trường của Mỹ là tranh thủ sự ủng hộ của Pháp đối với lập trường này, nếu không được như vậy, thì Mỹ sẽ kiên quyết phản đối mọi thương lượng về Đông Dương tại Giơnevơ.

3. Trong trường hợp không thực hiện được điều hai nói trên thì Mỹ đề ra các biện pháp cấp bách với chính phủ các nước liên kết, nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh ở Đông Dương mà không có sự ủng hộ của Pháp nếu cần thiết3.

Mỹ đang mưu tính những nước cờ nhảy vào Việt Nam sao cho thuận lợi, thì tháng 5-1954, quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ; tháng 7-1954, Chính phủ Pháp phải ký với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hiệp định Giơnevơ, tuyên bố công nhận các quyền dân tộc cơ bản và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia, được 9 nước thành viên tham gia Hội nghị ghi nhận trong tuyên bố cuối cùng và cam kết tôn trọng, trong đó có Hoa Kỳ4. Nhưng sau đó để mở đường cho Mỹ thay thế Pháp, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ngày 22-7-1954, Tổng thống Mỹ Aixenhao tuyên bố: Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Giơnevơ và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy. Cũng như các Tổng thống của mình, khi còn là thượng nghị sĩ Kennơđi cũng nói “Việt Nam là hòn đá tảng của thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó”5. Khi được bầu làm tổng thống nước Mỹ thay Aixenhao, trong diễn văn nhậm chức, Kennơđi nói: “Hãy để cho các quốc gia biết rằng dù họ muốn chúng ta khoẻ mạnh hay ốm yếu. Chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, chịu hứng mọi gánh nặng, đường đầu mọi khó khăn, hậu thuẫn bất cứ người bạn nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào để bảo đảm sự sống còn và thắng lợi của tự do”6. Những tuyên bố trên đây thể hiện bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ thực hiện tham vọng bá chủ thế giới, áp đặt sự thống trị, khống chế các quốc gia, dân tộc trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Bởi vậy, năm 1954, lợi dụng sự suy yếu của Pháp, đế quốc Mỹ liền nhảy vào miền Nam Việt Nam, thực thi chính sách xâm lược thực dân kiểu mới, dựng lên ở đây một chính quyền, một quân đội tay sai do tập đoàn Ngô Đình Diệm cầm đầu, hòng biến miền Nam thành căn cứ quân sự để chống lại Liên Xô, Trung Quốc, chống nhân dân Việt Nam, mà Mỹ cho là “sự bành trướng” của chủ nghĩa cộng sản.
_______________________________________
1. Văn kiện số 16 Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ ngày 5-8-1953, Tài liệu mật Lầu Năm Góc, q 5. t 1 Trung tâm TTKHKT dịch.
2. Robert S Mc Namara. Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.43.
3. Bị vong lục về Đông Nam Á từ 30-1 đến 5-4-1954, Tài liệu Bộ quốc phòng Mỹ - t. 1, tlđd.
4. Ông W.Biđôn Smít thay Đalét làm trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ công bố tuyên ngôn của chính phủ Mỹ, trong đó có đoạn “Chỉnh phủ Hoa Kỳ ghi nhận các thoả ước quân sự và bản tuyên bố cuối cùng và sẽ không dùng đến vũ lực để làm tổn hại đến các văn kiện ấy...”.
5, 6. Robert S.Mc.Namara: Nhìn lại quá khứ..., Sđd, tr.43-44.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM