Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:52:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Tập 1  (Đọc 96799 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 10:17:55 pm »


Chương II
VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC KHU VỰC VÀ CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU CỦA ĐẾ QUỐC MỸ


Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông cùng với hai nước Lào và Campuchia, ở trên bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam châu Á. Việt Nam có diện tích lục địa rộng hơn 33 vạn km2 với số dân hồi đầu thế kỷ XX trên 20 triệu (1995: 75 triệu).

Đất nước Việt Nam có núi rừng trùng điệp chạy dài từ Bắc đến Nam, có nhiều đồng bằng phì nhiêu và bờ biển dài 3.260 km với vùng thềm lục địa rộng lớn. Dưới lòng đất và thềm lực địa Việt Nam chứa đựng rất nhiều tài nguyên phong phú: vàng, bạc, đá quý, đồng, sắt, chì, kẽm, thiếc, than, vônphram, bốcxít, dầu mỏ, khí đốt v.v…

Nằm trên một địa bàn chiến lược quan trọng: vừa tiếp giáp với Thái Bình Dương vừa nối liền với đại lục châu A, Việt Nam án ngữ một phần quan trọng con đường thông thương chiến lược hàng hải từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á từ Tây Thái Bình Dương sang Đông Ấn Độ Dương và đường hàng không trực tiếp giữa Thái Bình Dương và Nam Á. Ngay từ thế kỷ XVI, XVII, XVIII... nhiều thương thuyền và hạm đội của Trung Quốc, Nga, Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha, Pháp... Đã từng ra vào trú chân ở một số hải cảng Việt Nam.

Do vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên phong phú, từ lâu Việt Nam đã trở thành mục tiêu xâm chiếm, thôn tính của các thế lực xâm lược bên ngoài.

Vào những năm 50 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam và đến năm 1883 chúng chiếm xong toàn bộ Việt Nam. Tháng 10-1887 Pháp lập ra Đông Dương thuộc Pháp (gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Campuchia thuộc Pháp - Indochine Francaise) và đến tháng 4-1889 Pháp tổ chức lại “Liên bang Đông Dương” bao gồm cả Lào.

Từ đó Pháp ra sức bóc lột nhân dân ta, vơ vét của cải, khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước ta đem về chính quốc. Theo các số liệu của Pháp, chỉ riêng trong năm 1929, tổng giá trị các loại khoáng sản Pháp khai thác được ở Việt Nam tăng gấp 4, 6 lần năm 19191.

Dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai, nhân dân Việt Nam bị đè nén, áp bức đến cùng cực. Trong cảnh nước mất nhà tan đó, dân tộc Việt Nam không ngừng đứng lên đấu tranh nhằm đánh đổ ách thống trị thực dân, giải phóng đất nước. Nhưng những cuộc đấu tranh ấy đều bị thất bại, vì thiếu một ngọn cờ đủ sức tập hợp lực lượng toàn dân tộc, chưa có một đường lối chính trị đúng đắn và phương pháp hữu hiệu. Lịch sử đã từng chứng minh, chủ nghĩa đế quốc không bao giờ từ bỏ sự thống trị của chúng đối với các dân tộc, chúng sẵn sàng dùng quân sự đàn áp, tiêu diệt tất cả những ai chống lại chúng, bằng bất cứ hình thức nào. Vì vậy, muốn chiến thắng kẻ thù trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng.

Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (3-2-1930) do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc sáng lập đảm đương sứ mệnh lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, đáp ứng được nhu cầu của lịch sử và phù hợp với quy luật và tính chất thời đại, là một sự kiện lớn có ý nghĩa quyết định sự phát triển của cách mạng Việt Nam và xã hội nước ta.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tháng 9-1939. Tháng 9-1940, phát xít Nhật đưa quân vào Đông Dương. Mặt trận đoàn kết dân tộc - Việt Nam độc lập Đồng minh (Việt Minh) được thành lập (19-5-1941).

Tháng 8~1945, Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo động viên nhân dân ta đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, lật đổ ách thống trị của Nhật Bản, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (quyền thống trị của Pháp đã bị quân đội Nhật Bản đánh đổ ngày 9-3 cùng năm ).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mở đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ, thiết lập chế độ Cộng hoà dân chủ trong cả nước.

Thắng lợi vĩ đại đó của nhân dân ta đã phá vỡ một khâu quan trọng nhất trong hệ thống thuộc địa của Pháp, tạo nên ảnh hưởng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc, trực tiếp là hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp, góp phần tích cực vào việc mở ra thời kỳ tan rã của hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc thế giới.

Khoảng thời gian từ khi Pháp đô hộ Việt Nam, đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, giữa Việt Nam và Mỹ cũng đã từng có những mối quan hệ khác nhau.

Từ đầu thế kỷ XIX, các thương gia Mỹ đã đưa tàu đến Việt Nam buôn bán. Đầu những năm 1930, lại có những người Mỹ đến Việt Nam nghiên cứu về Đông Dương.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai tháng 1-1944, Tổng thống Mỹ Rudơven (Rudơvelt) trong văn kiện gửi Ngoại trưởng Mỹ, đã chỉ trích chế độ cai trị của Pháp ở Việt Nam, phê phán thái độ của Pháp đã đầu hàng Nhật ở Đông Dương. Tổng thống Mỹ chủ trương đặt ba nước Đông Dương dưới quyền uỷ thác quản lý quốc tế.

Sau khi Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc đưa ra đề nghị dùng không quân Mỹ yểm trợ cho quân Pháp ở vùng bắc Đông Dương, nhưng Chính phủ Mỹ đã bác bỏ đề nghị đó. Bộ Quốc phòng Mỹ còn chỉ thị cho Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Quốc không được tiếp tế vũ khí, quân dụng... cho tàn quân Pháp đang chạy trốn. Trong những diễn biến phức tạp lúc đó, Chính phủ Mỹ vẫn tỏ thái độ tiếp tục cản trở việc Pháp chuẩn bị điều kiện để chiếm lại Đông Dương.

Việc Mặt trận Việt Minh tuyên bố ủng hộ phe Đồng Minh chống phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai và tiếp đó là việc cứu sống một phi công Mỹ đưa sang Côn Minh trao trả cho Bộ tư lệnh Mỹ ở Trung Quốc đã dẫn đến những cuộc tiếp xúc và trao đổi thư từ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại diện Bộ tư lệnh Mỹ ở Trung Quốc. Phía Mỹ đã có thái độ tích cực trong việc hợp tác với Mặt trận Việt Minh để chống Nhật ở Việt Nam.

Sau ngày Tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam (19-8- 1945), Bộ tư lệnh Mỹ ở Trung Quốc cử đại diện sang Hà Nội (22-8). Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ lâm thời của Việt Nam tiếp xúc với đại diện Bộ tư lệnh Mỹ.

Lúc này, thái độ của Chính phủ Mỹ do Tơruman đứng đầu đối với Việt Nam không tích cực như trước, vì nhiều lý do nhưng chưa phải đã hoàn toàn ủng hộ Pháp đánh chiếm và lập lại chế độ cai trị thực dân của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Giữa Việt Nam với Mỹ từ xưa đã có ít nhiều quan hệ trên các lĩnh vực buôn bán, chính trị, ngoại giao, văn hoá. Những quan hệ đó tuy không nhiều, nhưng là mối quan hệ có thiện chí mong muốn mở rộng bang giao, không phải là quan hệ thù địch. Cho đến thời điểm đó, cả Việt Nam với Mỹ không hề thù địch lẫn nhau.
______________________________________
1. Theo tài liệu: Annuaire Statistique de l’ Indochine 1923-1929, thì năm 1919 tổng giá trị các loại khoáng sản Pháp khai thác được ở Việt Nam là 4,6 triệu Phrăng; 1929: 213,7 triệu Phrăng... tr. 352-353.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 10:20:46 pm »


I. NƯỚC MỸ VÀ CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC

Mỹ là một nước ở miền bắc châu Mỹ, đến thế kỷ XIII, còn là một vùng cư trú của người da đỏ. Về sau nhiều người da trắng từ châu Âu sang sinh sống. Thực dân Anh xâm chiếm và cai trị một số vùng. Năm 1775, cuộc cách mạng ở Mỹ bắt đầu lật đổ chế độ thực dân Anh. Nước Mỹ - Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (The United States of America) ra đời lúc đó mới gồm 13 bang, với Tuyên ngôn độc lập được ký ở Philađenphia ngày 4-7-1776. Ngày nay, Mỹ gồm 50 bang với diện tích 9.408.802 km2, số dân khoảng 250 triệu trong đó, hơn 88% là người da trắng. Còn lại là da màu.

Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX nước Mỹ đưọc coi là miền đất tự do. Số đông người da trắng ở Mỹ là dân nhập cư từ châu Âu sang. Hồi đó, các chế độ thống trị hà khắc tàn bạo của giai cấp phong kiến quí tộc ở các nước châu Âu, cũng như tình trạng các cuộc chiến tranh liên miên, đặc biệt là trong nửa đầu của thế kỷ XX, châu Âu là chiến trường lớn của hai cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai, đã tạo ra những làn sóng di dân ồ ạt sang châu Mỹ để sinh sống và lập nghiệp. Nhiều người ở các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh nhập cư vào Mỹ trong nhiều thời kỳ khác nhau cũng trong những hoàn cảnh tương tự. Đặc điểm đó làm cho cộng đồng xã hội Mỹ in đậm dấu ấn của một ý thức và tinh thần yêu chuộng tự do. Đông đảo những người Mỹ chân chính, tiến bộ thường tự hào về điều này.

Mặt khác, sự nhập cư ồ ạt này cùng với việc phát hiện các vùng có nhiều mỏ vàng lớn ở Caliphoócnia, Alátxca... Đã kéo theo nhiều thứ cực đoan khác xâm nhập vào xã hội nước Mỹ, như: chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dụng, maphia, v.v.. Đặc điểm này còn làm cho nước Mỹ cũng là nơi quy tụ điển hình của các tiêu cực đó. Đó là một trong những tiền đề về cơ sở xã hội, góp phần ảnh hưởng rất quan trọng vào việc hình thành những đặc thù về bản chất của chủ nghĩa đế quốc Mỹ sau này.

Là một đất nước rộng, rất giàu tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt, cả về nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp. Mỹ thường dẫn đầu thế giới trong nhiều ngành sản xuất cũng như về tổng sản phẩm xã hội và mức sống cao.

Do ít bị sự kìm hãm nặng nề và lâu đời của chế độ phong kiến như ở châu Âu, nước Mỹ phát triển trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang hưng thịnh, có nền công nghiệp và khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh. Trong khoảng chưa đầy 75 năm (từ 1893 đến 1970) trên toàn thế giới có hơn 190 phát minh sáng chế lớn về khoa học, kỹ thuật, thì người Mỹ đóng góp đến 87 phát minh. Trong ngót 150 năm (kể từ 1822), nền y học thế giới có khoảng 40 phát hiện lớn, đánh dấu các bước tiến quan trọng có ý nghĩa quyết định, thì các nhà bác học về y khoa của Mỹ chiếm đến một nửa.

Mỹ cũng là nước cùng với Liên Xô trước đây, đi đầu trong lĩnh vực du hành, nghiên cứu vũ trụ. Chỉ trong vòng hơn 10 năm (từ 1961 đến đầu 1972), trong tổng số 44 lần đưa con người bay vào vũ trụ, thì Mỹ đã đóng góp 26 lần.

Cùng với nhiều nhà khoa học lỗi lạc khác của thế giới, các nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ trong lĩnh vực vật lý như Comtơn (Arthur Holly Compton), Anbe Anhxtanh (Abbert Einstein) gốc Đức…, trong lĩnh vực hoá học như Pôlinh (Linus Oral Pauling), Uri (Harold Clayton Urey)..., trong lĩnh vực toán học như Uynnơ (Robert Wiener), Giôn Nơman (John Von Neumann) gốc Hunggari,... Đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho nhân loại.

Tất cả những điều đó tạo cho cộng đồng xã hội Mỹ ý thức được rằng, Mỹ là một trong những dân tộc vĩ đại (ngoại trừ sự tuyên truyền thổi phồng và xuyên tạc ý thức đó để lợi dụng vào những mục đính chính trị khác).

Năm 1915, Lênin đã đánh giá một cách tương đối khái quát về nước Mỹ như sau: “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một nước mà không có nước nào sánh kịp được, cả về tốc độ phát triển của chủ nghĩa tư bản vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cả về mức độ phát triển hết sức cao mà nước đó đã đạt được, cả về mặt diện tích rộng lớn của đất đai, trên đó người ta đã áp dụng một kỹ thuật được trang bị theo những thành tựa mới nhất của khoa học và có tính đến sự đa dạng hiếm có của những điều kiện tự nhiên, lịch sử, cả về mặt quyền tự do chính trị và trình độ văn hoá của quần chúng nhân dân. Về nhiều mặt, nước Mỹ là mẫu mực và là lý tưởng của nền văn minh tư sản của chúng ta” 1.

Mỹ là một nước rất giàu tài nguyên và không bị các cuộc chiến tranh liên miên tàn phá như các nước châu Âu, nhưng lại là nước tư bản ra đời muộn. Mãi đến đầu thế kỷ XX, lúc các đế quốc châu Âu như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, đã xâm chiếm được rất nhiều vùng rộng lớn ở khắp các châu lục, thì Mỹ lại có rất ít thuộc địa. Đến tận năm 1914, đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, tổng số thuộc địa của Mỹ chỉ rộng có 30 vạn km2 với số dân 9,7 triệu người (chỉ bằng một nửa số dân thuộc địa của Nhật). Hồi đó, Mỹ chỉ đứng ở hàng thứ sáu trong các nước đế quốc về chỉ tiêu thuộc địa2. Đem so sánh, hồi đó Mỹ còn kém thua Anh hơn 41 lần về số dân thuộc địa và kém hơn 111 lần về diện tích thuộc địa. Đầu thế kỷ XIX, Mỹ đã dùng nhiều cánh để bành trướng lãnh thổ quốc gia cả bằng súng đạn và cả bằng đôla (như mua Guyana của Pháp, mua Alátxca của Nga...).

Tháng 12-1823, Tổng thống Mỹ Mơnrâu (James Monrow) công bố học thuyết Mơnrâu, tuyên bố công khai ý đồ phân chia lại thế giới. Học thuyết đó coi phần đất Tây bán cầu là của Mỹ, với khẩu hiệu “châu Mỹ của người Mỹ” và “bất kỳ một nỗ lực nào của các quốc gia châu Âu nhằm thực dân hoá, hoặc can thiệp vào nội bộ các nước ở khu vực này, đều sẽ bị coi là hành động thù địch” với Mỹ.

Thực hiện học thuyết đó, suốt cả thế kỷ XIX, Mỹ đã dùng sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự để bành trướng thế lực, nhằm thống trị cả châu Mỹ.

Lịch sử châu Mỹ còn ghi lại hàng loạt những cuộc thôn tính của Mỹ hồi đó. Chiếm vùng Tếcdát của Mêhicô và buộc nước này để cho Mỹ sáp nhập xứ Niu Mêhicô vào lãnh thổ của Mỹ (1848). Thôn tính Achentina (1852-1853), Urugoay (1855-1858), Panama (1856-1857 và 1894), Paragoay (1859), Haiti (1891), Nicaragoa (1856-1857 và 1894), Cuba (1894), v. v… Hồi đó, chính giới Mỹ đã coi vùng Trung Mỹ và Caribê là “cái sân sau”, “cái ao nhà” của Mỹ.

Trong quá trình bành trướng của Mỹ ở cuối thế kỷ XIX, cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha nổ ra tháng 4-1898, kéo dài trong 3 tháng nhân vụ chiếc tàu chiến Maine bị đánh đắm ở cảng Havanna (Cuba). Các nhà sử học Mỹ và thế giới coi đây là cái mốc quan trọng đánh dấu việc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chuyển mạnh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Sau thất bại của Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh này, theo Hiệp ước Pari, Mỹ buộc Tây Ban Nha phải để cho Mỹ chiếm Cuba, đặt cả Puéctô Ricô, Guam và Philippin dưới quyền thống trị thuộc địa của Mỹ. Để đổi lại, Mỹ trả cho Tây Ban Nha 20 triệu đôla. Trước đó, từ năm 1893, Mỹ đã đánh chiếm quần đao Haoai, quần đáo Mácsan và lập căn cứ hải quân ở Xamoa. Đánh giá những sự kiện trên trong bước phát triển mới của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, Lênin đã viết rằng: Cuba, Philippin, Haoai chỉ là những “món khai vị” cho một bữa ăn thịnh soạn hơn.
_______________________________________
1. V.I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t.27, tr 171.
2. Theo tư liệu thống kê trong V. I. Lênin: Toàn tập, tiếng Việt. Nxb Tiến bộ. Mátxcơva, 1980. t.27. tr.478.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 11:24:58 pm »


Sự bành trướng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Tiếp theo sau Mỹ Latinh và việc Mỹ chinh phục lục địa này bằng học thuyết Mơnrâu, thì quá trình phát triển của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm một vị trí rất quan trọng cả về địa lý và lịch sử. Sự bành trướng của Mỹ ở khu vực này diễn ra từ thế kỷ XIX và trong nửa đầu thế kỷ thứ XX, trước khi hình thành chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Điều này cũng tạo ra những mối liên hệ dẫn đến sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam sau này.

Nước Mỹ nằm trên bờ Thái Bình Dương, vì vậy, có vùng tiếp giáp tự nhiên rất quan trọng với đại dương này. Trong tư liệu lịch sử hàng hải thế giới có ghi nhận rằng, năm 1892, nước Mỹ chính thức công bố phần lãnh hải của mình là ba hải lý (5,5 km). Nhưng đến năm 1898, thương nghị sĩ N. Đêpiu đã tuyên bố trước Thượng nghị viện Mỹ rằng: chúng ta đang sống trong một thế giới 800 triệu người và Thái Bình Dương đã trở thành một cái hồ của Mỹ1. Cùng với sự phát triển của thế giới, châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quan trọng về mọi mặt.

Khu vực này chiếm hơn một nửa Tây Bán Cầu và ngót 1/3 Đông Bán Cầu. Châu Á rộng hơn 43 triệu 475 nghìn km2, trong đó có 8 triệu km2 là bán đảo và hơn 2 triệu km2 là đảo, 57% số dân trên toàn thế giới sinh sống ở châu lục này. Còn Thái Bình Dương rộng 179,7 triệu km2 trong tống số 361 triệu km2 diện tích toàn bộ các đại dương trên trái đất. Khu vực này rất giàu tài nguyên, có đầy đủ các loại nguyên liệu chiến lược và khoáng sản quý hiếm, có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt rất lớn. Chỉ riêng vùng Đông Nam Á đã chiếm gần 80% trữ lượng thiếc toàn thế giới. Các hệ thống căn cứ chiến lược trên lục địa và hải đảo, các quân cảng, thương cảng, cùng các hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường không của khu vực này có thể khống chế được sự thông thương, vận chuyển trên 3/4 bề mặt trái đất, kiểm soát một phần quan trọng đáy đại dương.

Quá trình phát triển của chủ nghĩa đế quốc Mỹ gắn liền với quá trình bành trướng và khai thác khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi chủ nghĩa tư bản Mỹ bắt đầu phát triển, thì Đại Tây Dương hầu như không còn chỗ cho Mỹ len chân vào, còn châu Á - Thái Bình Dương cũng không còn là vùng bỏ trống nữa2.

Vì vậy việc Mỹ tiến vào châu Á - Thái Bình Dương là một sự giành giật bằng nhiều cách.

Năm 1854, một sĩ quan hải quân Mỹ, M.Peri, đưa chiến hạm đến Nhật, thúc ép triều đình Thiên Hoàng mở cửa buôn bán với Mỹ. Trước đó, Mỹ đã tìm cách len chân vào Trung Quốc3.

Ngay từ hồi đó, Mỹ thâm nhập vào châu Á không phải chỉ bằng các con đường buôn bán và truyền giáo.

Năm 1898, sau khi chiếm xong Guam (đảo lớn nhất trong quần đảo Marianna, cách Philippin 1500 dặm), Mỹ công khai tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Philippin, là nước đã tích cực ủng hộ Mỹ trong chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha vì muốn chấm dứt ách thống trị của Tây Ban Nha suốt mấy trăm năm trên đất nước mình. Sau khi đánh thắng Tây Ban Nha, Mỹ vin vào Hiệp ước Pari (Mỹ ký với Tây Ban Nha) buộc Philippin chấp nhận là thuộc địa của Mỹ, nhưng không thực hiện được. Quân đội Mỹ lúc đó đã bất ngờ nổ súng tiến công. Phong trào kháng chiến của nhân dân Philippin bị quân đội Mỹ dìm trong biển máu. Mãi đến năm 1905, Mỹ mới thôn tính xong Philippin.

Trung Quốc hồi đó đã là một thị trường rộng lớn, nhưng các đế quốc phương Tây đã nhảy vào chia nhau nguồn lợi trước Mỹ. Năm 1899, Tổng thống Mỹ Kinlây đưa ra yêu sách đòi các cường quốc khác cũng thi hành chính sách “mở cửa” ở Trung Quốc. Thực chất yêu sách đó là đòi các nước tư bản khác phải mở cửa thị trường Trung Quốc cho Mỹ vào.

Tháng 8-1990, Mỹ đưa quân viễn chinh cùng với liên quân Anh, Đức, Pháp, Nhật, Ý và Nga tiến vào thành phố Bắc Kinh, đàn áp phong trào Nghĩa Hoà Đoàn của nhân dân Trung Quốc.
_________________________________
1. Theo Ph.Falner: Cuộc chiến tranh Mỹ - Cuba - Tây Ban Nha và sự ra đời của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, Niu Oóc, 1972.
2. Từ thế kỷ XVI, tư bản Bồ Đào Nha đã đến Đài Loan. Từ năm 1641, Hà Lan đã chiếm đóng Đài Loan suốt hơn hai thập kỷ (đến 1662), Inđônêxia cũng bị Hà Lan chiếm đóng và thống trị từ thế kỷ XVII, còn Philippin bị Tây Ban Nha thống trị suốt 300 năm trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1898). Sang thế kỷ thứ XIX, trong lúc Mỹ đang phải mở rộng, củng cố địa bàn ở Mỹ Latinh, thì ở châu Á - Thái Bình Dương, Anh đã nắm quyền bá chủ ở Ấn Độ (1763), thôn tính xong Mianma (1888), chiếm các vùng Mãlai, Xaraoăc, Xingapo, Bruây (từ 1867), và sau Chiến tranh thuốc phiện (1839-1842) đã giành được nhiều vùng đất và nhiều quyền lợi ở Trung Quốc, tư bản Nhật đã chiếm Triều Tiên, Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và bán đảo Liêu Đông của Trung Quốc sau cuộc chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895).
3. Các nhà nghiên cứu Mỹ xác nhận cho đến năm 1875, Mỹ đã có 400 nhà truyền giáo hoạt động ở Trung Quốc. Năm 1905, con số đó tăng lên 2000 và đến năm 1925 lên 8000 người.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 08:41:30 am »


Năm 1914, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất giữa các tập đoàn đế quốc bùng nổ ở châu Âu. Trong những năm đầu chiến tranh, Mỹ đứng ngoài với cái vỏ giữ vai trò trung lập. Bằng cánh cung cấp hàng quân sự và phương tiện chiến tranh, Mỹ đã thu được những món lợi nhuận khổng lồ. Mặt khác, đây cũng là thời cơ để Mỹ chuẩn bị cho một kế hoạch bành trướng mới ở châu Á - Thái Bình Dương. Lênin nhìn thấy trước điều đó. Tháng 4-1917, Mỹ mới bắt đầu tham chiến, thì tháng 5 năm đó, Lênin đã tiên đoán rằng đế quốc Mỹ không tránh khỏi sẽ gây ra chiến tranh để phân chia Thái Bình Dương. Cuộc chiến tranh đó được chuẩn bị từ hàng chục năm nay rồi và mục đích thực sự của Mỹ nhảy vào chiến tranh chính là muốn chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sau này với Nhật Bản.

Cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, địa vị của Mỹ đã thay đổi. Trước chiến tranh, Mỹ là con nợ của các nước tư bản châu Âu, với tổng số nợ là hơn 6 tỷ đôla; sau chiến tranh, Mỹ chẳng những trả xong nợ, mà các nước châu Âu còn phải mắc nợ Mỹ đến trên 10 tỷ đôla. Nhiều nước gặp phải khó khăn chồng chất. Do vậy, thế và lực của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị suy yếu.

Để kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của hải quân Nhật, tháng 2-1922, trong hội nghị các cường quốc gồm năm nước: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật và Italia họp ở Oasinhtơn, Mỹ vận động ký kết “Hiệp ước tay năm” gọi là “Hiệp ước hạn chế vũ trang hải quân”. Theo Hiệp ước đó, tổng trọng tải tàu chiến của các nước tham gia ký kết được quy định như sau:

- Mỹ và Anh, mỗi nước 525.000 tấn tàu

- Nhật Bản 315.000 tấn tàu

- Pháp và Itaha, mỗi nước 175.000 tấn tàu

Với mức quy định hạn chế không ngang nhau như vậy, Mỹ đã giành cho mình một sức mạnh trên biển áp đảo sức mạnh của hải quân Nhật.

Đi đôi với việc củng cố và mở rộng hệ thống căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương, Mỹ đưa thêm lực lượng vào khu vực này, tham gia các hoạt động quân sự ở một số nơi. Trong năm 1927, hải quân Mỹ được tăng cường cùng với hải quân Anh, Pháp, Italia tham gia bắn phá thành phố Nam Kinh (Trung Quốc), đàn áp phong trào giải phóng ở Philippin, càn quét, đốt phá, bắn giết thường dân ở đó.

Về kinh tế, Mỹ cũng đã tăng cường được vai trò của mình. Tính đến đầu năm 1930, riêng về đầu tư của tư bản Mỹ vào Trung Quốc đã lên đến 239,9 triệu đôla, nhiều gấp bốn lần mức đầu từ năm 1914 (59,3 triệu đôla).

Trung Quốc trở thành thị trường ngày càng quan trọng mà các giới tư bản độc quyền Mỹ quyết giành giật lấy.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933 làm cho những mâu thuẫn giữa các nước đế quốc càng gay gắt. Sau cuộc khủng hoảng này tình hình thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương không có lợi cho Mỹ.

Mặt khác, nhiều diễn biến mới trong giai đoạn này ở châu Á cũng tạo ra những mâu thuẫn mới. Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời (năm 1921) lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc nội chiến cách mạng và kháng chiến chống Nhật. Liên bang Xôviết phát triển và củng cố sức mạnh ở vùng Trung Á và Viễn Đông. Năm 1921, Nhật xâm lược Mông Cổ. Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy, giải phóng Ulan Bato giành chính quyền, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ (1924). Những sự kiện đó là những nhân tố rất quan trọng dần dần chi phối chính sách và chiến lược của Mỹ ở Trung Quốc và ở châu Á - Thái Bình Dương về sau.

Vào thời kỳ này, Trung Quốc trở thành vấn đề trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á. Những lợi ích của Mỹ đã giành được ở Trung Quốc đang bị Nhật đe doạ. Nhật trở thành một địch thủ tiềm tàng lâu nay đối với Mỹ, buộc Mỹ phải đối phó. Ở Đông Nam Á, ngoài Philippin ra, lợi ích của Mỹ chưa có gì lớn. Mỹ đã trở thành cường quốc hàng đầu về kinh tế, nhưng về quân sự chưa phải là cường quốc mạnh nhất. Vì vậy, nội dung chủ yếu chính sách của Mỹ ở châu Á bao gồm hai mặt: vừa tìm mọi cách kiềm thế sự bành trướng của Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương, vừa triệt để lợi dụng khả năng và sức mạnh quân sự của Nhật để tiến công Liên Xô từ phía Đông, với mục tiêu làm cho cả hai đều bị suy yếu, nhất là từ khi Đức ký Hiệp ước không xâm lược với Liên Xô (1939). Trong những năm ấy, Mỹ vừa chấp nhận bán trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Nhật, đồng thời khuyến khích và ủng hộ chủ trương Quốc - Cộng hợp tác (hợp tác giữa Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và Đảng Cộng sản) chống Nhật ở Trung Quốc. Điều đó thể hiện rõ bản chất hai mặt của Mỹ.

Trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhật đã nhanh chóng chiếm đảo Hải Nam của Trung Quốc (2-1939), tiếp đó chiếm luôn quần đảo Spratley (3-1939), quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 08:42:28 am »


Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1-9-1939), lúc đầu Mỹ chưa tham chiến mà đứng ngoài cung cấp vũ khí, phương tiện chiến tranh cho cả hai phía, để thu lợi. Quy mô cuộc Đại chiến ngày càng mở rộng, uy hiếp lợi ích sống còn của Mỹ. Ngày 11-12-1941, Đức và Italia tuyên chiến với Mỹ, buộc nước này phải tham chiến. Trong lúc phát xít Đức tiến công sâu vào lãnh thổ Liên Xô, Mỹ và Anh lợi dụng tình hình này muốn Nhật mở mặt trận phía Đông tiến công vào Liên Xô. Nhưng ở Châu Á - Thái Bình Dương tình hình diễn biến không có lợi cho Mỹ. Mâu thuẫn Mỹ - Nhật trở nên hết sức gay gắt. Nhật tiến quân vào Đông Dương (9-1940) và ký Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương với Pháp (29-7-1941).

Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu. Trong ngày đầu chiến tranh, Nhật sử dụng lực lượng chủ yếu của các hạm đội cùng với 1600 máy bay, 15 sư đoàn bộ binh và các binh đội độc lập. Còn các lực lượng quân Mỹ, Anh và Hà Lan ở Thái Bình Dương có tới 22 sư đoàn, 237 tàu chiến (3 tàu sân bay), 88 tàu ngầm và 1290 máy bay, nhưng lại bố trí dàn mỏng, bị phân tán ở nhiều căn cứ.

Chỉ trong vòng năm tháng đầu, Nhật đã chiếm được Philippin, Mianma, Thái Lan, Malaixia, tất cả các đảo chính của Inđônêxia, phần lớn đảo Niu Ghinê, đảo Átnunan và nhiều đảo quan trọng khác nữa. Các căn cứ hải quân quan trọng của Mỹ ở Guam và Uâycơ cũng bị Nhật chiếm đóng.

Sau các chiến dịch và các trận đánh lớn trên các tuyến đảo, so sánh lực lượng hai bên đã dần dần thay đổi. Mãi đến cuối tháng 6-1945, quân đội Mỹ mới chiếm được Ôkinaoa, nhưng tiềm lực chiến tranh của Nhật vẫn còn, đặc biệt là ở Mãn Châu (Trung Quốc).

Ngày 26-7-1945, Mỹ - Anh - Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản đầu hàng, nếu không, sẽ sử dụng “đòn cuối cùng”, nhưng Nhật đã bác bỏ. Ngày 6 và 9-8, không quân Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nagadaki và Hirôsima, mở đầu cho “chính sách ngoại giao nguyên tử” của Mỹ, hòng khuất phục thế giới, vừa trả thù Nhật Bản và răn đe, ngăn chặn Liên Xô. Trong khi đó phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa phát xít tạo thêm thuận lợi cho phe Đồng Minh thừa thắng tiến lên.

Ngày 9-8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật.

Ngày 10-8, Chính phủ Nhật gửi công hàm cho Mỹ bác bỏ yêu cầu đầu hàng, vì lúc này Nhật còn hơn 5 triệu quân được trang bị mạnh.

Để đập tan lực lượng quân Nhật ở Mãn Châu, Nội Mông, Triều Tiên, Nam Xakhalin, quần đảo Curin1, quân đội Liên Xô đã tập trung lực lượng với ưu thế áp đảo: Về người gấp 1,2 lần, đại bác gấp 4,6 lần, xe tăng gấp 4,8 lần, máy bay gấp 1,9 lần của Nhật. Cuộc chiến diễn ra ác liệt cho đến ngày 14-8, Liên Xô mới tiêu diệt và làm tan rã đội quân Quan Đông. Thấy không thể chống cự được, ngày 15-8-1945, Nhật hoàng mới tuyên bố đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh không điều kiện.

Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Trong 2194 ngày đêm của chiến tranh, Mỹ tham chiến trên chiến trường Thái Bình Dương có 1.376 ngày đêm. Tuy thiệt hại của quân đội Mỹ ở khu vực này nặng nề, nhưng trong quá trình chiến tranh giai cấp tư bản độc quyền Mỹ thu được những món lợi rất lớn. Theo các số liệu công bố của Mỹ, nước này đã cung cấp một khối lượng chiến cụ, vật tư, lương thực, nguyên liệu cho các nước Đồng Minh chống phát xít (kể cả Liên Xô), trị giá 45 tỷ đôla. Nền công nghiệp sản xuất vũ khí và phương tiện chiến tranh của Mỹ phát triển rất mạnh2. Mỹ là nước đầu tiên chế tạo và sử dụng bom nguyên tử, nắm độc quyền về vũ khí hạt nhân lúc đó. Đây là cơ sở vật chất, cơ sở xã hội rất quan trọng để hình thành tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ sau này, và hình thành vai trò, cùng sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa quân phiệt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Về kinh tế, Mỹ cũng đạt được những lợi thế rất lớn. Chẳng những đất nước Mỹ không bị chiến tranh tàn phá, mà qua cuộc chiến, các tập đoàn tư bản độc quyền Mỹ còn thu được 116,8 tỷ đôla lợi nhuận. Mỹ dẫn đầu thế giới cả về sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, nắm trong tay 71,5 % dự trữ vàng trong thế giới tư bản. Năm 1945, giá trị tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ tăng 63% so với năm 1939, riêng sản phẩm công nghiệp chế tạo tăng gần gấp đôi. Tỉ trọng của Mỹ trong sản xuất công nghiệp của thế giới tư bản tăng từ 41,4% lên 56,4%. Trong tổng xuất khẩu của thế giới tỉ trọng của Mỹ từ 14,2% tăng vọt lên 32,5%. Cả về quân sự và kinh tế, Mỹ đã chiếm vị trí hàng đầu. Trung tâm của chủ nghĩa đế quốc thế giới chuyển từ châu Âu sang châu Mỹ và Mỹ trở thành đế quốc hùng mạnh nhất cầm đầu phe đế quốc, sẵn sàng đóng vai trò sen đầm quốc tế đối với thế giới.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, về mặt chiến lược, Mỹ đã nhanh chóng mở rộng được địa bàn đứng chân trên nhiều vị trí quan trọng rộng lớn. Sau khi thực hiện chiếm đóng bằng quân sự ở Nhật, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippin v.v... Mỹ còn giành được quyền uỷ trị trên nhiều tuyến đảo rộng lớn ở Thái Bình Dương như các quần đảo Micrônêdia, Mariana, v.v... để thiết lập một loạt căn cứ quân sự ở đó. Một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất mà Mỹ hằng đeo đuổi ở châu Á - Thái Bình Dương cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ vẫn chưa đạt được việc xâm chiếm Trung Quốc, mặc dù Mỹ đã dốc ra hàng trăm triệu đôla vũ khí và viện trợ quân sự, cùng nhiều cố vấn quân sự cho quân đội Quốc dân đảng nhằm đạt được mục tiêu đó.

Chủ nghĩa tư bản Mỹ ra đời muộn hơn ở các nước châu Âu, nhưng vẫn mang đủ bản chất và thuộc tính của chủ nghĩa tư bản. Nó có một quá trình tích luỹ tư bản nhanh hơn, mạnh hơn và cũng đầy tội ác trên xương máu, mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động da trắng và da màu. Cũng như tư bản chủ nghĩa nói chung, chủ nghĩa tư bản Mỹ cũng có vai trò lịch sử tích cực của nó. Chính chế độ tư bản Mỹ, nước Mỹ đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển về văn hoá, khoa học, kỹ thuật cùng nhiều lĩnh vực khác của nền văn minh nhân loại trong các thế kỷ XIX và XX đạt đến mức “là mẫu mực và là lý tưởng của nền văn minh tư sản”, như Lênin đã viết. Chính sự phát triển mạnh của chủ nghĩa tư bản Mỹ đã đẩy nhanh quá trình từ tự do cạnh tranh lên độc quyền và độc quyền nhà nước, độc quyền xuyên quốc gia nhanh hơn ở các nước tư bản khác, trên cơ sở đó mà chủ nghĩa đế quốc Mỹ ra đời.

Chủ nghĩa đế quốc Mỹ, tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng vẫn mang đầy đủ bản chất phản động của chủ nghĩa đế quốc. Nó ra đời và phát triển theo đúng quy luật của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, nhưng vẫn có những đặc trưng riêng của nó. Một mặt, về cơ sở chính trị, xã hội Mỹ có sự du nhập rất mạnh, trong nhiều thời kỳ khác nhau của các loại chủ nghĩa cực đoan (phát xít, sôvanh, quân phiệt, phân biệt chủng tộc, phục thù, v.v...) làm cho bản chất phản động, tàn bạo, độc ác, hung hãn, hiếu chiến của nó trong bành trướng, xâm lược và thôn tính trở nên cực đoan hơn, thường được gọi chung là “kiểu Mỹ” hoặc “rất Mỹ”. Mặt khác, ra đời xuất xứ từ một đất nước và cộng đồng xã hội như trên đã nói, nó tận dụng chỗ mạnh về ý thức dân tộc Mỹ để chuyển thành chủ nghĩa dân tộc siêu đẳng, sô vanh nước lớn, tự cho mình có “sứ mạng” lãnh đạo thế giới, nhân danh “tự do” đi “giải phóng” các dân tộc “bị xâm lược”, áp bức, giúp các nước khác “chống xâm lược”, để tranh thủ sự ủng hộ chính trị của xã hội Mỹ đối với chính sách xâm lược, bành trướng của đế quốc Mỹ.

Sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc Mỹ gắn liền với quá trình bành trướng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Quá trình này, xét về thời gian là một thời kỳ quan trọng trong lịch sử của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, khi Mỹ đặt chân lên châu Á thì nó tạo ra mối liên hệ, sau này dẫn đến sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Những mâu thuẫn gay gắt của chủ nghĩa đế quốc thế giới trong nửa đầu thế kỷ thứ XX, đẩy Mỹ tất yếu phải tham gia vào phe Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong những điều kiện lịch sử đó, nước Mỹ đế quốc chủ nghĩa, trong lúc đeo đuổi những tham vọng riêng của mình, đã đóng góp một phần rất quan trọng vào việc cùng các nước Đồng Minh đánh bại chủ nghĩa phát xít.
______________________________________
1. Quân Nhật có bảy tập đoàn quân dã chiến, hai tập đoàn không quân, 42 sư đoàn bộ binh, bảy sư đoàn kỵ binh và nhiều đơn vị độc lập, 2000 máy bay.
2. Sản xuất máy bay từ 19.390 chiếc (năm 1941) tăng lên đến 96.370 chiếc (năm 1944), xe tăng từ 4.250 chiếc (1941) lên 17.565 chiếc (1944) và trọng tải tàu chiến từ 1,2 triệu tấn tàu (1941) lên 11,6 triệu tấn tàu (1944).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 08:57:39 am »


II. SỰ DÍNH LÍU CỦA MỸ Ở VIỆT NAM
QUA CÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU

1. Mỹ và thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới1. Nền kinh tế Mỹ phát triển tăng vọt đến mức, cứ hai năm thì riêng phần tăng về sản lượng của Mỹ đã bằng tổng sản lượng hàng năm của nước Anh. Nghĩa là không còn cường quốc nào có hy vọng đuổi kịp Mỹ.

Trong lúc đó, các nước tư bản lớn khác trong phe Đồng Minh như Anh, Pháp… tuy thắng trận, nhưng đất nước bị tàn phá nặng nề, kinh tế bị kiệt quệ, sản xuất bị sụt hẳn xuống, nợ nần chồng chất. Các nước tư bản lớn thuộc phe phát xít Đức, Italia, Nhật bại trận, gần như sụp đổ và bị các nước Đồng Minh chiếm đóng.

Liên Xô là nước chiến thắng đang nắm ưu thế quân sự về vũ khí thông thường, nhưng đất nước bị tàn phá hết sức nặng nề2. Một số nước dân chủ nhân dân lần lượt ra đời, nhưng là những nước nghèo.

Phong trào công nhân và phong trào dân chủ trong các nước tư bản lên cao, lôi cuốn hàng triệu người tham gia đấu tranh, uy hiếp các dinh luỹ lâu đời của chủ nghĩa tư bản. Thế và lực của các đế quốc suy yếu, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh, làm rung chuyển cả hệ thống thuộc địa rộng lớn của chủ nghĩa đế quốc. Trận địa của chủ nghĩa tư bản thế giới bị thu hẹp, đang đứng trước nguy cơ tiếp tục bị thu hẹp hơn nữa.

Như vậy, khi khói lửa của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai vừa tắt, thì chủ nghĩa tư bản quốc tế đứng trước ba yêu cầu quan trọng, bức bách:

1. Giữ và khôi phục lại các nước tư bản chủ nghĩa đã bị chiến tranh tàn phá, trọng điểm ở châu Âu và Nhật Bản.

2. Níu giữ và củng cố hệ thống thuộc địa của các nước đế quốc.

3. Ngăn chặn, dập tắt sự phát triển của các trào lưu cách mạng thế giới.

Ba yêu cầu đó đặt lên vai đế quốc Mỹ sứ mạng duy trì sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản thế giới. Đây là thời cơ để Mỹ thực hiện mưu đồ bành trướng bằng chính sách thực dân kiểu mới. Lênin đã vạch rõ tham vọng về quyền bá chủ thế giới là nội dung của chính đế quốc Mỹ.

Chủ nghĩa thực dân mới, một chính sách thực dân giấu mặt, trá hình mà đế quốc Mỹ dùng để thay thế chính sách thuộc địa kiểu cũ, là một hình thức buông ra để nắm lại lãnh địa thực dân một cách vững chắc hơn.

Là nước siêu cường duy nhất hồi đó về kinh tế, nhưng sức mạnh của Mỹ cũng không phải là vô hạn. Vì vậy, trong ba yêu cầu trên, Mỹ đã phải lựa chọn và tập trung ưu tiên cao nhất vào yêu cầu thứ nhất (trong đó, còn là lý do để buộc các nước này chịu sự lệ thuộc và khống chế lâu dài của Mỹ). Qua đó, tiếp sức vực các nước đế quốc khác dậy, giữ vững hệ thống các thuộc địa. Lúc này, Mỹ chưa đủ sức thay thế các nước đế quốc khác trên các vùng thuộc địa xa và rộng lớn. Là một cường quốc mới vượt lên sau chiến tranh, Mỹ không đủ sức một mình đồng thời tiến công Liên Xô và các lực lượng cách mạng nổi lên ở các khu vực được. Đặc biệt, lúc này phong trào hoà bình ở Mỹ đang lên, buộc chính quyền phải cho giải ngũ hàng triệu binh sĩ. Vì vậy, Mỹ buộc phải chịu chấp nhận thực tế đã hình thành khi kết thúc chiến tranh, nhưng tìm cách ngăn chặn lại, không cho các lực lượng cách mạng tiếp tục phát triển. Chính sự lựa chọn một giải pháp thực thi chiến lược toàn cầu trong tình thế như vậy, đã đặt Mỹ và chủ nghĩa đế quốc vào thế phòng ngự trước sự phát triển mạnh mẽ của các trào lưu cách mạng. Đó cũng là cơ sở xuất phát của tư tưởng chỉ đạo chiến lược sau này của Mỹ. Các quyết định quan trọng nhất của Mỹ sau chiến tranh là bỏ ra gần 10 tỉ đôla cho việc khôi phục các nước tư bản châu Âu và dành cho Nhật 2,4 tỉ đôla trong “tín dụng ban đầu” để khôi phục nước Nhật.
______________________________________
1. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, trong thời kỳ này nước Mỹ sản xuất 70% máy móc của thế giới, kiểm soát 73% dầu mỏ của thế giới và nước Mỹ chỉ chiếm 5,7% dân số của thế giới, nhưng đã tiêu thụ đến 40% sản phẩm của thế giới về tài nguyên thiên nhiên.
2. Thiệt hại của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai gồm: 22 triệu người hy sinh. 1.710 thành phố lớn, nhỏ, trên 70.000 làng mạc, 32.000 xí nghiệp công nghiệp, 98.000 nông trường tập thể, 1876 nông trường quốc doanh bị phá hủy.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 08:58:42 am »


2. Mỹ với vấn đề Việt Nam trong thời kỳ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai và những năm đầu sau chiến tranh

Đối với Mỹ, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước và sau khi nổ ra chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật là địch thủ chủ yếu, Trung Quốc là thị trường rộng lớn, là địa bàn chiến lược quan trọng nhất mà hầu như các kế hoạch chiến lược của Mỹ ở vùng này đều nhằm vào đó. Ý đồ của Mỹ là tăng cường cả thế và lực cho Trung Hoa Dân Quốc thành nước lệ thuộc vào Mỹ, biến Trung Quốc thành địa bàn đứng chân để ngăn chặn Liên Xô và bành trướng, khống chế cả châu Á. Trong quan hệ Mỹ - Pháp, do Pháp tỏ ra quá yếu đuối trước phát xít Đức, địa vị của Pháp không được Mỹ coi trọng, vì vậy lập trường của Mỹ đối với các thuộc địa của Pháp là muốn xoá bỏ từng bước (kể cả Đông Dương). Tháng 4-1943, Tổng thống Mỹ tuyên bố về vấn đề Đông Dương nên áp dụng chế độ uỷ thác quản lý quốc tế (còn gọi là uỷ trị quốc tế). Sau đó, tùy Mỹ phải chấp nhận (trong Hội nghị Quebec ở Canađa, 8-1943) giao chiến trường Nam Á cho Anh phụ trách, nhưng Bộ tư lệnh của Anh ở Đông Nam Á vẫn phải chịu đặt dưới quyền điều hành của Bộ tư lệnh tối cao của Mỹ ở Viễn Đông.

Sau khi Đức đầu hàng Đồng Minh, khi bàn đến vấn đề mở mặt trận tiêu diệt phát xít Nhật (tại Hội nghị Pốtđam cuối tháng 7 và đầu tháng 8-1945), Tổng thống Mỹ Tơruman chấp nhận cho Anh mở rộng địa bàn hành quân vào Đông Dương nhưng chỉ đến nam vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng). Còn từ phía bắc vĩ tuyến 16 trở ra, giao cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc dưới danh nghĩa quân đội Đồng Minh tiến vào. Cả Anh và Tưởng Giới Thạch đang chuẩn bị các kế hoạch tiến vào Đông Dương để chống Nhật, thì chiến thắng nhanh chóng, to lớn của quân đội Liên Xô ở Viễn Đông, việc Nhật tuyên bố đầu hàng và thắng lợi hoàn toàn của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của nhân dân Việt Nam trong cả nước là những bất ngờ lớn, làm cho các kế hoạch đó bị đảo lộn. Mặc dầu vậy, cuộc tiến quân của Anh và Trung Hoa Dân Quốc vẫn được chuyển thành cuộc giải giáp quân đội Nhật đầu hàng. Với lý do đó, Tưởng Giới Thạch đã đưa 20 vạn quân vào Bắc Việt Nam. Quân Anh vào Nam Bộ và miền Nam Đông Dương. Sự thoả thuận đó của Mỹ đã mở đường cho Pháp dựa vào quân Anh đánh chiếm Sài Gòn1, châm ngòi cho cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Những năm 1946 và 1947, Mỹ không ngăn cản Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhưng cũng không trực tiếp viện trợ cho các lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Mãi đến năm 1947, khi Mỹ viện trợ cho nước Pháp 3 tỷ đôla theo kế hoạch Mácsan, nhờ đó Pháp mới đỡ khó khăn hơn trong việc tiếp tục chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Lúc này, tuy Mỹ có chú ý đến “tính chất cộng sản” của Chính phủ kháng chiến Việt Nam, nhưng họ lại đang bị cuốn hút vào những vấn đề lớn của châu Âu. Việc chiếm đóng và xây dựng lại Nhật, sự tiến triển của các lực lượng cách mạng trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc, sự phát triển mạnh của phong trào đòi độc lập và giải phóng dân tộc ở các khu vực thuộc địa rộng lớn, kể cả ở Đông Nam Á, v.v... làm cho Mỹ lúc này muốn Pháp giải quyết nhanh cuộc chiến tranh Đông Dương, kể cả bằng thương lượng2. Nhưng trước sau Pháp vẫn không chấp nhận thương lượng, mà còn đòi Chính phủ kháng chiến của Việt Nam phải đầu hàng.

Về phía Việt Nam, thể hiện nguyện vọng thiết tha của toàn dân mong muốn hoà bình, độc lập và chủ quyền dân tộc được tôn trọng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhiều lần tỏ rõ lập trường mềm dẻo, sẵn sàng có nhiều nhân nhượng với Pháp. Nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trong tình thế cực kỳ khó khăn, hiểm nghèo. Để tránh và hạn chế nguy cơ chiến tranh do Pháp gây ra, thấy rõ vai trò, ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhiều lần liên hệ (bằng điện, thư và tiếp xúc trực tiếp) với các cơ quan đại diện của chính quyền Oasinhtơn, bày tỏ lập trường và nguyện vọng của mình, kêu gọi và hy vọng Mỹ sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Pháp để giải quyết cuộc xung đột. Chính quyền Mỹ đã không đáp ứng tích cực.

Tóm lại, cho đến những năm 1946-1947, Mỹ chưa quan tâm nhiều đến vấn đề Việt Nam và Đông Dương.

Trung tâm chú ý của Mỹ ở châu Á lúc này là củng cố vị trí của họ ở Nhật, Nam Triều Tiên và tiếp sức cho Tưởng Giới Thạch, hòng giành thắng lợi trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Việc Mỹ ủng hộ chủ trương của Pháp xâm chiếm trở lại thuộc địa của Pháp là Việt Nam và Đông Dương còn do lúc này Mỹ đang cần tập hợp các đồng minh phương Tây, nhưng Mỹ lại muốn Pháp giải quyết nhanh cuộc chiến tranh Đông Dương, vì sợ tác động dây chuyền, từ đây sẽ thúc đẩy các phong trào đòi độc lập ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á, không có lợi cho Mỹ và phương Tây.
______________________________________
1. Ngày 5-9-1945, Graxay, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở Nam Đông Dương đòi giải giáp quân đội Việt Nam. Ngày 12-9-1945, quân Anh chiếm đóng trụ sở của Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ và cho treo cờ Pháp lên. Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, quân Anh đi trước mở đường và yểm trợ cho quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Sài Gòn.
2. Ngày 8-1-1947, thông qua Đại sứ Mỹ ở Pháp, Mỹ ngỏ ý sẵn sàng làm trung gian để giải quyết cuộc xung đột Pháp-Việt, nhưng Chính phủ Pháp đã bác bỏ. Sau đó, Mỹ mấy lần nhắc lại và muốn thúc Pháp giải quyết nhanh cuộc chiến tranh, nhưng Pháp vẫn khước từ.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:00:02 am »


3. Sự hình thành chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chiến lược quân sự toàn cầu “ngăn chặn” (1948- 1952).

Làm bá chủ thế giới là tham vọng từ lâu của chủ nghĩa đế quốc, nhưng trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản chưa có đế quốc nào có được những điều kiện đặc biệt thuận lợi như Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thế giới trước kia và trong thế kỷ XX là một cộng đồng của nhiều quốc gia, do đó, tồn tại rất nhiều mâu thuẫn. Để giành quyền làm bá chủ một thế giới như vậy không phải chỉ có sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị, mà còn cần phải có một chiến lược toàn cầu phù hợp, một chính sách xâm nhập và bành trướng khôn khéo. Đó là điều rất khó khăn đối với Mỹ hồi đó, tuy rằng Mỹ là nơi sản sinh ra nhiều nhân tài tri thức, nhiều nhà khoa học lỗi lạc, nhưng những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ phải tập trung chất xám, động viên lực lượng trí tuệ để phát triển kinh tế và khoa học - kỹ thuật quân sự, tạo cơ sở để những năm sau cho ra đời được chiến lược toàn cầu.

Chiến lược toàn cầu của Mỹ gồm có chiến lược chung (gtand strategy) có khi còn gọi là chiến lược tổng quát, và chiến lược quân sự toàn cầu. Chiến lược chung bao gồm những quan điểm, tư tưởng và phương hướng chỉ đạo chiến lược cho tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế ngoại giao v.v... và thường được mang tên là học thuyết hoặc chủ nghĩa1. Kèm theo là một chiến lược quân sự toàn cầu.

Ra đời trong bối cảnh quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai có nhiều biến động, Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa vừa chiến thắng phát xít, uy tín quốc tế đang lên cao, tuy bị tàn phá nhiều, nhưng vẫn đang nắm ưu thế quân sự về vũ khí thông thường. Các nước dân chủ nhân dân lần lượt ra đời được Liên Xô ủng hộ và bắt đầu hình thành một hệ thống thế giới. Phong trào cộng sản và công nhân ở các nước tư bản đang trên đà phát triển. Phong trào giải phóng dân tộc lên cao. Trong lúc đó, các trung tâm tư bản chủ yếu ở châu Âu và Nhật chưa được củng cố, phục hồi, tập hợp lại. Bối cảnh lịch sử đó đặt chiến lược toàn cầu Mỹ xuất phát từ một thế phòng ngự. Định để trung tâm của học thuyết Tơruman là ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong chiến lược quân sự toàn cầu của đế quốc Mỹ. Sau khi trúng cử vào Nhà Trắng lần thứ hai (lần thứ nhất liên danh với Rudơven và lên thay năm 1945-1948), Tơruman đề ra học thuyết mang tên mình. Học thuyết Tơruman, coi Liên Xô là đối tượng chủ yếu và lập luận rằng các nước dân chủ nhân dân được Liên Xô ủng hộ là chư hầu, tay sai của Liên Xô, coi các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc cũng là tay sai của cộng sản do Mátxcơva điều khiền. Do vậy, chiến lược của Mỹ là phải bao vây và ngăn chặn Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa đồng thời phải chống lại phong trào giải phóng dân tộc. Để củng cố lực lượng đồng minh của Mỹ, tập hợp lại trong phe đế quốc, học thuyết Tơruman chấp nhận kế hoạch Mácsan ở châu Âu, thay chân các đế quốc ở các thuộc địa bằng việc thực hiện chủ nghĩa thực dân mới2.

Kế hoạch thừa nhận quan điểm thực lực “cái gậy lớn” và ỷ lại vào độc quyền nguyên tử, chính quyền Tơruman đề ra chiến lược quân sự toàn cầu mang tên “chiến lược ngăn chặn”, coi đó là nhân tố then chốt, quyết định thành công của học thuyết Tơruman, vì Mỹ cho “sức mạnh quân sự là phương tiện chính thức để ngăn chặn”. Nhiều nhân vật trong chính giới Mỹ hồi đó đã tuyên bố thẳng ra rằng “có hai cách để chinh phục một nước. Cách thứ nhất là, dùng sức mạnh của vũ khí để nắm quyền kiểm soát nhân dân nước đó; cách thứ hai là, nắm quyền kiểm soát nền kinh tế nước đó bằng các phương tiện tài chính”.

Hàng loạt kế hoạch quân sự của chiến lược ngăn chặn bắt đầu triển khai3.

Trong những năm 1947, 1948, 1949, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến gây cho Mỹ bị những bất ngờ lớn, tác động mạnh đến vị trí của Mỹ, nội tình nước Mỹ và việc triển khai chiến lược ngăn chặn làm cho chiến lược này cần phải có những điều chỉnh quan trọng.

Trên lục địa châu Á, Quân giải phóng Trung Quốc đã chuyển sang phản công (từ tháng 7-1947). Sau khi tiêu diệt hơn một triệu quân Tưởng, Quân giải phóng đã vượt sông Trường Giang (24-4-1949), tiếp tục giải phóng hoàn toàn lục địa Trung Quốc4, buộc chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch và Bộ tư lệnh Mỹ ở Trung Quốc phải rút chạy ra Đài Loan.

Trong lúc ở châu Á tình hình diễn ra như vậy thì ở châu Âu, Đại nguyên soái Stalin ra lệnh phong toả Béclin (1948) và tiếp đó là nước Cộng hoà Dân chủ Đức được thành lập (10-1949). Ngày 10-7-1949, Liên Xô thử thành công bom nguyên tử, làm cho Mỹ mất độc quyền vũ khí nguyên tử.

Mất Trung Quốc và mất độc quyền vũ khí nguyên tử là hai thất bại chiến lược lớn nhất lúc đó, làm cho chính giới Mỹ choáng váng. Nó chứng minh học thuyết Tơruman và chiến lược quân sự toàn cầu ngăn chặn đã không ngăn chặn được sự phát triển của các lực lượng cách mạng.

Trước tình hình đó, ở Mỹ, các thế lực chính trị cực đoan, quân phiệt hiếu chiến dấy lên một làn sóng cực hữu, đòi tiêu diệt hết tay sai cộng sản ở trong nước, đòi tái vũ trang Tây Đức và Nhật, đòi dùng vũ lực đè bẹp Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, v.v... Trong chính giới Mỹ nổ ra một cuộc tranh cãi lớn “ai đã để mất Trung Quốc?” (kéo dài trong gần ba năm). Chính quyền liên bang dùng bạo lực đàn áp các phong trào hoà bình, dân chủ, dân sinh và chống phân biệt chủng tộc đang lan rộng trong nước. Một không khí chống cộng ngột ngạt bao trùm nước Mỹ. Thậm chí: trong các thành phố khắp nước Mỹ, cảnh sát tích trữ cả xe thiết giáp, máy bay lên thẳng, đại bác tầm xa... Bộ Quốc phòng cũng gấp rút hoàn thành một trung tâm tác chiến của lục quân tốn nhiều triệu đôla ở dưới hầm ngầm của Lầu Năm Góc dùng để làm một sở chỉ huy trong trường hợp nổ ra các cuộc nổi loạn ở các thành phố.

Tình hình đó tác động rất mạnh vào cơ cấu bộ máy cầm quyền và quân đội Mỹ, cả vào chính sách đối ngoại và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Các thế lực cực hữu, tướng lĩnh quân phiệt diều hâu tăng cường được vai trò, vị trí của chúng trong các cơ quan quyền lực nhà nước liên bang và trong quân đội. Chiến tranh lạnh bắt đầu và được tăng cường bằng chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, mở rộng cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe trên quy mô mới.
______________________________________
1. Học thuyết Tơruman có chiến lược quân sự toàn cầu là “Chiến lược ngăn chặn”. Chủ nghĩa Aixenhao có chiến lược quân sự toàn cầu là “trả đũa ồ ạt”, học thuyết Kennơđy có chiến lược quân sự toàn cầu là “phản ứng linh hoạt”.
2. Kế hoạch Mácsan do Mácsan, quốc vụ khanh Mỹ nêu ra ngày 5-6-1947, nhằm khôi phục lại châu Âu bằng viện trợ Mỹ. Các nước Anh, Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan, Lúcxămbua, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Ailen, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Đức, Tơriet… đã tiếp nhận với điều kiện giành cho Mỹ những đặc quyền kinh tế theo yêu cầu của Mỹ, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô và một số nước dân chủ nhân dân.
3. Đưa thêm quân Mỹ sang Chiến trường Tây Âu, thành lập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo Hiệp ước ký ngày 4-4-1949 ở Oasinhtơn, tăng cường lực lượng cho Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải. Hạm đội 7 ở Tây Thái Bình Dương; xây dựng hệ thống căn cứ quân sự ở Guam, ở Ôkinaoa (Nhật), ở Philíppin v.v..., lập khối OEA (tổ chức các nước châu Mỹ). Năm 1948, ký hiệp ước gồm các nước: Mỹ, Canađa, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Ailen, Italia, Lúcxămbua, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha; đến năm 1952 có thêm hai nước tham gia là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
4. Tháng 12-1949. Quân giải phóng Trung Quốc tiến xuống Quảng Tây, ngày 19-12-1949, giải phóng bản đảo Lôi Châu (Quảng Đông), ngày 11-12-1949, tiến xuống biên giới phía nam giáp Việt Nam và đến ngày 23-4-1950 giải phóng Hải Nam. (Trong lúc đó trong tay của Tưởng Giới Thạch có lực lượng gần ba triệu quân, có sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Mỹ ở Trung Quốc).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:01:24 am »


4. Mỹ với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Chiến lược “ngăn chặn” (hình thành từ năm 1947 đến năm 1948 được hoàn chỉnh, công bố và triển khai) coi Liên Xô là đối tượng chủ yếu, lấy châu Âu là chiến trường trọng điểm số một. Trung Cận Đông, Mỹ Latinh và Đông Á - Tây Thái Bình Dương là những chiến trường quan trọng.

Sức mạnh quân sự được coi là yếu tố then chốt quyết định, theo đó quân đội Mỹ được tổ chức lại. Đi đôi với việc bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang, Oasinhtơn còn xúc tiến việc nghiên cứu cho sản xuất bom khinh khí (H) để giành và giữ độc quyền về vũ khí hạt nhân, Mỹ giành nhiều nỗ lực tập trung cho chiến trường Tây Âu. Các lực lượng tinh nhuệ của lục quân Mỹ được tăng cường ở Tây Đức, Mỹ vận động thành lập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), cử tướng Aixenhao sang làm Tổng chỉ huy tối cao các lực lượng quân đội thống nhất của khối này. Viện trợ quân sự Mỹ cho Tây Âu trong thời kỳ này cũng tăng lên đáng kể1.

Từ năm 1949, do những biến động mới của tình hình quốc tế và trong nội tình chính giới Mỹ2, các xu hướng thiên hữu, cực đoan đang thắng thế, chiến lược ngăn chặn buộc phải có những điều chỉnh mới.

Từ cuối năm 1949, ở Tây Âu, Mỹ tăng số đơn vị lục quân Mỹ đóng ở đó lên gấp ba lần3.

Ở châu Á - Thái Bình Dương, chiến lược ngăn chặn ở khu vực này cũng có những điều chỉnh lớn. Nước Trung Hoa - (lục địa) lúc đầu là địa bàn chiến lược phải giành giật để ngăn chặn và bao vây Liên Xô, lúc này trở thành một đối tượng chủ yếu để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản châu Á. Nhật Bản trở thành chỗ dựa và căn cứ bàn đạp chủ yếu của chiến lược quân sự ở châu Á4.

Chiến lược ngăn chặn ở châu Á lúc này lấy Đông Bắc Á làm chiến trường trọng điểm và hình thành thế bố trí chiến lược Nhật Bản - Nam Triều Tiên - Đài Loan. Tình hình chính trị ở châu Á có những phát triển không thuận lợi cho Mỹ. Tiếp theo các sự kiện nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra đời, mở rộng đáng kể địa bàn của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên lục địa châu Á, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở vùng này đang lên cao ở Malaixia, Inđônêxia, Mianma, Philíppin, Việt Nam, Lào, Campuchia... Ngay ở Nam Triều Tiên, dưới sự chiếm đóng trực tiếp của Mỹ, đến cuối năm 1948, phong trào du kích đã lan rộng đến 77 huyện và trong năm 1949, các trận chiến đấu đã diễn ra ở 8 tỉnh. Các đế quốc khác liên tiếp bị thất bại và bất lực không ngăn chặn nổi xu thế phát triển đó. Hà Lan bị thất bại ở Inđônêxia; Anh không tiêu diệt được các lực lượng nổi dậy ở Malaixia, Pháp đang bị sa lầy trong chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.

Sự điều chỉnh chiến lược ngăn chặn của Mỹ ở châu Á được thực hiện bằng ba chủ trương lớn: bố trí hệ thống căn cứ quân sự bao quanh phe xã hội chủ nghĩa, hình thành thế “chiến lược vành đai”, áp dụng chính sách và công cụ quân sự của chủ nghĩa thực dân mới để tăng cường khả năng của các chính quyền tay sai thân Mỹ, đối phó với các phong trào giải phóng dân tộc và mở cuộc phản công để đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản trên chiến trường trọng điểm (Đông Bắc Á - Triều Tiên). Xây dựng thế bố trí chiến lược vành đai ở khu vực này, Mỹ đã dần dần xây dựng ở Nhật một mạng lưới gồm 125 căn cứ quân sự, biến Ôkinaoa thành trung tâm bố trí chiến lược quan trọng nhất. Mỹ bắt đầu xây dựng các căn cứ quân sự ở Nam Triều Tiên (từ cuối 1948, 1949), Đài Loan (từ cuối 1950, 1951). Để tăng cường sự vững chắc cho tuyến vành đai đó, Lầu Năm Góc đã có những biện pháp mở rộng, củng cố hệ thống căn cứ tuyến sau bao gồm ở Philippin, Mariana, Guam, Haoai, v.v..., hình thành một thế bố trí liên hoàn. Tiếp sau việc quyết định để Hạm đội 7 ở lại lâu dài ở Tây Thái Bình Dương, nhiều đơn vị quân Mỹ được tiếp tục đưa thêm tới, đã khẳng định sự có mặt của sức mạnh quân sự Mỹ ở châu Á5.

Về các công cụ và chính sách quân sự của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ: Việc xây dựng các chính quyền quân phiệt tay sai, dùng hệ thống cố vấn quân sự và viện trợ quân sự để xây dựng các quân đội quốc gia (ngụy), làm công cụ bành trướng... được vận dụng tích cực ở Nam Triều Tiên, Philíppin, Thái Lan... Các phái đoàn quân sự Mỹ MAAG đã đặt chỗ đứng chân ở thủ đô một số nước, bắt đầu hoạt động.
______________________________________
1. Từ cuối năm 1946 đến sau năm 1950, viện trợ quân sự cho Tây Âu chiếm 65,6% tổng số viện trợ quân sự cho nước ngoài.
2. Năm 1948, trong số 125 người được Tổng thống Tơruman bổ nhiệm vào các cương vị trọng trách của liên bang, có 66 người là tư bản tài chính, chủ ngân hàng, nhà công nghiệp hoặc cố vấn pháp luật của các tập đoàn tài chính và Công nghiệp quân sự lớn nhất hồi đó, có nhiều quyền lợi ở Tây Âu, Trung Cận Đông, Mỹ Latinh và châu Á như các tập đoàn Rốccơphenlơ, Moócgan, v.v…
3. Thành lập bộ chỉ huy tác chiến của khối NATO, thúc ép các nước thành viên khối này xây dựng 75 sư đoàn lục quân (cả thường trực và dự bị) để sử dụng cho chiến trường Trung Âu. Vận động tái vũ trang Tây Đức, nhưng không thành (bị nhiều nước phản đối).
4. Theo Michael T.Klare: Chiến lược lòng chảo Thái Bình Dương của Mỹ, Niu Oóc. 1975.
5. Tính đến đầu năm 1949, lực lượng chiến đấu trên bộ của Mỹ bố trí ở khu vực này đã có 4 Sư đoàn, 2 trung đoàn và nhiều đơn vị độc lập khác: bằng 34% tổng số đơn vị chiến đấu của quân đội Mỹ hồi đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:02:48 am »


Ở Đông Bắc Á, Mỹ quyết định tiến hành cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ngày 25-6-1950, chiến tranh bùng nổ, tiếp ngay sau đó ngày 27-6-1950, đại biểu Mỹ vận động được Hội đồng bảo an ra nghị quyết ủng hộ Mỹ và Lý Thừa Văn. Một số nước đồng minh và phụ thuộc Mỹ, gửi quân sang tham chiến (kể cả Pháp) dưới danh nghĩa của Liên hợp quốc. Tháng 9-1950, quân đội viễn chinh Mỹ do tướng Mác Áctơ chỉ huy, sử dụng 500 máy bay, 300 tàu chiến và 50.000 quân thuộc tập đoàn quân số 10, đổ bộ lên Nhân Xuyên để thực hành phản công. Tiếp đó, thừa thắng, quân Mỹ và liên quân đã vượt qua vĩ tuyến 38, tiến công thẳng lên phía Bắc, định đánh chiếm hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Sự phản ứng mạnh của Liên Xô và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là một bất ngờ đối với giới chiến lược quân sự Mỹ. Được sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc đã đưa chí nguyện quân sang tham chiến (10-1950), đẩy lùi Mỹ và liên quân xuống vĩ tuyến 38, cuộc chiến tranh tiếp tục giằng co1.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài. Mỹ không chịu chấp nhận những điều kiện chấm dứt chiến tranh do Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đưa ra. Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Mỹ doạ sẽ dùng bom nguyên tử, tuyên bố cấm vận đối với Trung Quốc, phong toả tài sản của Trung Quốc ở Mỹ v.v… Trung Quốc đã phản ứng lại một cách cứng rắn. Từ đó trong chính giới Mỹ không còn có ý kiến muốn tranh thủ Trung Quốc nữa. Chiến lược của Mỹ xác định Trung Quốc là nguy cơ đe doạ chủ yếu ở châu Á. Chiến lược ngăn chặn ở châu Á - Thái Bình Dương được bổ sung thêm một chủ trương mới - tái vũ trang Nhật. Ý đồ chủ trương này xuất hiện từ trước2 và đến tháng 11-1951, Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ được ký kết, tạo cơ sở hợp thức để thực hiện. Việc tái vũ trang Nhật Bản được lặng lẽ bắt đầu.

Trong quá trình điều chỉnh chiến lược ngăn chặn ở châu Á mọi nỗ lực quân sự của Mỹ được tập trung vào chiến trường trọng điểm là Đông Bắc Á, nên ở Lầu Năm Góc có sự đánh giá lại “chiến lược vành đai”. Giới chiến lược quân sự Mỹ phát hiện thấy lúc này hướng yếu nhất trong chiến lược của Mỹ ở châu Á là Đông Nam Á, một khu vực rộng lớn tiếp giáp với Trung Quốc ở phía nam. Bởi vì “Đông Nam Á có tầm quan trọng về chiến lược, nó kiểm soát cửa ngõ ra vào giữa hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, “Đông Nam Á rất quan trọng đối với Mỹ”... Quan điểm ngăn chặn đã tạo ra một cơ cấu chặt chẽ cho đường lối của Mỹ ở Đông Nam Á. Trong văn kiện NSC51, nhan đề Chính sách của Mỹ đối với Đông Nam Á do Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Hội đồng an ninh quốc gia ngày 1-7-1949, có đánh giá “ở Đông Dương, chính sách của Pháp là đánh chiếm lại, v.v... nhưng Pháp không thể dùng biện pháp quân sự để tiêu diệt Việt Minh, tình hình Đông Dương đang xấu đi rất nhiều. Cộng sản chiếm vị trí khống chế trong phong trào dân tộc...”. Sau đó, Tổng thống Tơruman đã phê chuẩn (ngày 30-12-1949) một văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, trong đó nhấn mạnh “cần thiết phải ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Dương”. Đông Nam Á trở thành chiến trường quan trọng (lúc đó vẫn là sau Đông Bắc Á) trong chiến lược của Mỹ ở châu Á. Chiến lược ngăn chặn ở Đông Nam Á coi như chính thức bắt đầu từ đó và Đông Dương trở thành trọng điểm của chiến lược Đông Nam Á của Mỹ.

Những năm 1948, 1949 triển khai học thuyết Tơruman và chiến lược quân sự toàn cầu ngăn chặn, Mỹ đặt trọng tâm chiến lược là Tây Âu. Yêu cầu cấp thiết của Mỹ là, tập hợp đồng minh, chuẩn bị xây dựng liên minh chiến lược chống Liên Xô. Ở châu Âu, lúc này nước Pháp có vị trí rất quan trọng, thậm chí là then chốt trong việc hình thành liên minh đó. Do vậy, Mỹ đã cố gắng tranh thủ Pháp để khai thác vai trò của Pháp3. Đó là nhân tố có tác động mạnh, chi phối thái độ, chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Năm 1948, trong một văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ (27-9-1948) tổng kết tình hình Việt Nam và chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, có nêu rõ mục tiêu lâu dài của Mỹ là: thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ. Việc “Pháp dùng quân sự đánh chiếm lại Đông Dương không phải là giải pháp nên có”. Văn kiện đó đánh giá: Cụ Hồ Chí Minh là người mạnh nhất và có lẽ là người có khả năng nhất ở Đông Dương, bất cứ giải pháp nào được đề nghị mà gạt Cụ Hồ ra thì chỉ là một biện pháp mà kết quả không chắc chắn. Do vậy, Mỹ do dự không ép Pháp quá mạnh hoặc dính líu quá sâu chừng nào chưa có thể gợi ý một giải pháp, hoặc Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm của sự can thiệp. Trên thực tế, trong nội bộ chính giới Mỹ lúc này có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng ở Việt Nam không thấy có ảnh hưởng của Liên Xô. Có ý kiến lo ngại Trung Quốc sẽ thống trị Việt Nam. Có ý kiến cho rằng mặc dầu chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính chất cộng sản, nhưng vẫn có thể khuyến khích Pháp thoả hiệp với hy vọng đây là chủ nghĩa cộng sản dân tộc, có thể trở thành một “Titô châu Á” và sẽ không chịu sự kiểm soát của Liên Xô. Đáng chú ý hơn cả là những ý kiến cho rằng Pháp không nên rút khỏi Việt Nam, và Mỹ cần tính đến khả năng can thiệp trực tiếp vào chiến tranh4. Các ý kiến trên đây đại biểu cho các xu hướng khác nhau trong chính quyền Mỹ lúc ấy. Tuy quan điểm và lập luận khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng tất cả đều xuất phát từ góc độ vì lợi ích của Mỹ trong chiến lược toàn cầu (phải tập hợp đồng minh, ưu tiên cho Tây Âu, tập trung cho Đông Bắc Á... ) để chống Liên Xô, sau đó cả Trung Quốc nữa. Không thấy có một ý kiến nào xuất phát từ lợi ích dân tộc và độc lập chủ quyền thật sự của Việt Nam, của các nước Đông Dương, ngay cả khi họ lập luận rằng chế độ thực dân của Pháp đã lỗi thời và Mỹ “cần tích cực tham gia một giải pháp hoà bình và xây dựng ở Đông Dương”.

Những xu hướng bất đồng ý kiến như vậy trong nội bộ giới cầm quyền Oasinhtơn làm cho thái độ của chính quyền Mỹ trong năm 1948 tuy đã tỏ ra ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng chưa ngả hẳn về chủ trương can thiệp mạnh vào cuộc chiến tranh.
______________________________________
1. Trong chiến tranh Triều Tiên, quân Mỹ lúc cao nhất là 472.000. Quân đội Mỹ đã sử dụng 2.746.000 tấn bom đạn. Chi phí của Mỹ gần 21 tỉ đôla. Thương vong của quân Mỹ là 136.913 binh sĩ bị loại khỏi chiến đấu, trong đó bị chết 33.629.
2. Tác giả R.Ghilanh trong sách: Nhật Bản - cường quốc thứ ba, Pari, 1969, có ghi lại chuyện sau: vào một ngày đầu năm 1951: Quốc vụ khanh Mỹ G.Ph. Dalet, sau khi đi thị sát chiến trường Triều Tiên tỏ ra rất bi quan với tình hình. Đalet phải ghé thăm Tôkyô để gặp thủ tướng Yôsiđa của Nhật. Trong buổi hội đàm kéo dài giữa hai chính khách, Đalet có lúc đã (bất chấp cả nghi lễ ngoại giao) đấm tay xuống bàn và rít lên: “Phải tái vũ trang! Tái vũ trang!”.
3. Năm 1947: Mỹ viện trợ cho Pháp 3 tỉ đôla theo kế hoạch Mácsan. Năm 1948. Tổng thống Mỹ đã có sự phê chuẩn đặc biệt để trang bị cho 3 sư đoàn Pháp đóng ở Đức.
4. Ngày 22-9-1947, cựu đại sứ Mỹ W. Bullit sang Đông Dương gặp Bollaert, sau đó sang Hồng Kông gặp Bảo Đại (chuyến đi này diễn ra sau 12 ngày khi Bollaert đọc diễn văn ở Hà Đông đòi Chính phủ kháng chiến Việt Nam đầu hàng). Sau khi về Mỹ, Bullit có viết bài trên báo Life (12-1947) nhấn mạnh “cần sử dụng con bài Bảo Đại... để có thể loại trừ cộng sản”. Đến cuối tháng 9-1948, Bullit gặp lại Bảo Đại ở Giơnevơ và hứa sẽ ủng hộ Bảo Đại. Nhưng tiếng nói của phái Bullit không có trọng lượng lắm đối với chính quyền Tơruman.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM