Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:42:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận đánh tháp canh "cầu Bà Kiên" – trận mở đầu cách đánh "đặc công"  (Đọc 10332 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ov10
Trung tá
*
Bài viết: 593


Đại diện qsvn tại TpHCM


« vào lúc: 16 Tháng Hai, 2008, 11:04:16 pm »

Theo tài liệu lịch sử, "đặc công" là cách nói tắt của cách đánh công đồn một cách đặc biệt (công đồn đặc biệt). Người khởi sự cách đánh này là Anh hùng lực lượng võ trang - Đại tá Trần Công An, biệt danh Hai Cà (hiện đang nghỉ hưu ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa). Đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, một tổ du kích Tân Uyên (thuộc tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ) do đồng chí Hai Cà chỉ huy đã bất ngờ tấn công tháp canh cầu Bà Kiên tiêu diệt nhiều tên địch và thu nhiều chiến lợi phẩm. Đây là trận công đồn đặc biệt khởi sự cho cách đánh đặc công sau này.

Từ tháng 4 năm 1947, tướng De Latour là tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam bộ thực hiện chiến thuật xây dựng các đồn bót dày đặc theo các trục lộ giao thông ở miền Đông và Sài Gòn- Chợ Lớn để bảo vệ giao thông và vùng kinh tế quan trọng. Đồng thời, chúng cũng sử dụng tháp canh làm phương tiện lấn sâu vào vùng căn cứ du kích cách mạng. Ở miền Đông, địch thiết lập khoảng 653 tháp canh, đồn bót và ở Sài Gòn- Chợ Lớn địch cũng xây dựng khoảng 516 cơ sở như vậy. Tại Tân Uyên, bộ đội và dân quân rất quyết tâm đánh tháp canh để ngăn chặn sự bành trướng của quân địch. Đồng chí Hai Cà (lúc đó là trợ lý tác chiến của bộ đội huyện Tân Uyên) và một tổ du kích được cử đi nghiên cứu đánh tháp canh cầu Bà Kiên trên địa bàn. Tổ đặc công này phải tập luyện việc tiếp cận tháp canh một cách bí mật như: ngụy trang cho phù hợp với địa hình, lợi dụng lúc địch sơ hở, đổi gác... Ngoài ra, còn quan hệ với người dân tại chỗ để tạo điều kiện cho quân ta tiếp cận, điều tra, nắm vững cách bố phòng của địch. Đến thời điểm đã định, đồng chí Hai Cà cùng hai đồng đội là Hồ Văn Lung và Trần Văn Nguyên đã tiếp cận mục tiêu. Cả 3 người cùng leo lên một thang tre đồng loạt ném lựu đạn vào 3 tầng trong tháp canh. Thắng lợi của cách đánh táo bạo này làm chết tại chỗ 11 tên địch, quân ta thu được 8 cây súng và 12 trái lựu đạn.

Sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, Hội nghị quân sự Khu 7 đã họp rút kinh nghiệm và chỉ đạo các tỉnh nghiên cứu cách đánh tháp canh có hiệu quả hơn. Sau trận đánh trên, quân Pháp đã tăng cường phòng thủ cho tháp canh nên việc tấn công của quân ta gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, mục tiêu tấn công tối đa tháp canh để làm phá sản chiến thuật De Latour của địch đã được Bộ tư lệnh Khu 7 quyết tâm thực hiện. Đêm 22 rạng sáng 23-3-1950, đã có 300 chiến sĩ được huấn luyện chiến thuật tấn công tháp canh theo kiểu đồng chí Hai Cà chia làm 50 tổ đồng loạt tấn công 50 tháp canh của địch trên các trục lộ 16, 24 và các quốc lộ 1, 13, 14. Lần này các tổ công đồn đều được trang bị mìn FT (phá tường) và dùng sào tầm vông gắn mìn lên độ cao khỏang 2 mét của tháp canh (xây bằng đá cao từ 8 mét đến 12 mét) nên đã gây tổn thất đáng kể cho địch. Cả 50 tháp canh của địch đều bị phá một lổ thủng rộng từ 0,6 mét cho đến 1,5 mét. Tổng cộng có trên 70 tên địch bị tiêu diệt, quân ta thu được 30 súng các loại. Sau trận đánh vang dội này, Hội nghị Khu 7 đã chính thức gọi cách tấn công đồn bót, tháp canh này là "công đồn đặc biệt", gọi tắt là đặc công. Danh từ đặc công chính thức ra đời từ đây.

Tuy nhiên, các trận đánh đặc công nói trên vẫn chưa phá hủy được tháp canh, đồn bót của địch. Do vậy, Bộ tư lệnh Khu 7 đã giao cho bộ phận quân giới chế tạo ra lọai mìn gọi là Pê-ta (Pétard) để đánh kèm với mìn FT nói trên. Sau khi FT tạo lổ thủng, mìn Pê-ta sẽ được đưa vào phá sập tháp canh hoặc lô-cốt. Đồng chí Hai Cà lại là người chỉ huy thực hiện cách đánh đặc công mới này. Đêm 18-4-1950, tổ đặc công huyện Tân Uyên do đồng chí Hai Cà chỉ huy đã trở lại đánh tháp canh cầu Bà Kiên đã được địch xây lại kiên cố hơn. Sau tiếng nổ của FT, các chiến sĩ đặc công đã đánh bồi Pê-ta vào lổ thủng. Sau một tiếng nổ long trời, lở đất, tháp canh cầu Bà Kiên chỉ còn là một đống gạch vụn. Sau trận đánh sập hoàn toàn tháp canh trên, chiến sĩ đặc công ở chiến trường miền Đông đã phá hủy thêm một số đồn bót, tháp canh của địch.

Thanh Toàn

(Ghi theo lời kể của Anh hùng lực lượng võ trang, Đại tá Trần Công An và tư liệu)

http://my.opera.com/nguoidongnai/blog/2007/04/05/tran-danh-thap-canh-cau-ba-kien-tran-mo-dau-cach-danh-dac-cong
Logged
ov10
Trung tá
*
Bài viết: 593


Đại diện qsvn tại TpHCM


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2008, 11:39:27 pm »

Cầu Bà Kiên ngày nay



http://www.panoramio.com/photo/7864339
Logged
ov10
Trung tá
*
Bài viết: 593


Đại diện qsvn tại TpHCM


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2008, 11:54:58 am »

Vĩnh biệt người anh hùng đặc công.

23:45:19, 08/09/2008 - Nguyên Thủy.
 
 
Hay tin đại tá Trần Công An - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua đời, rất nhiều đồng đội, người dân đã lặn lội hàng trăm cây số đến thắp nén nhang tiễn biệt ông.

Chiều 8.9, trời Biên Hòa đổ mưa. Mưa kéo dài đến chiều tối, mỗi lúc một nặng hạt hơn. Thế nhưng, từng đoàn người từ Tân Uyên, Xuân Lộc, Trị An, Long Thành, Củ Chi, Nhơn Trạch... vẫn hối hả hướng về TP Biên Hòa để viếng đại tá Trần Công An. Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ sáng 8.9, đến 16 giờ cùng ngày đã có 74 đoàn đến thắp hương tiễn biệt người anh hùng.

Đại tá Trần Công An (tên thật là Trần Văn Kìa), sinh ngày 22.12.1920, từ trần lúc 8 giờ 5 phút ngày 7.9.2008. Ông là người khai sinh ra cách đánh bí mật, chớp nhoáng tiêu diệt địch, mà ngay trong trận đầu áp dụng (tiêu diệt tháp canh cầu Bà Kiên, Bình Dương ngày 19.3.1948) đã thành công vang dội. Đây cũng là cách đánh của lực lượng đặc công sau này (ra đời vào năm 19.3.1967), gây nhiều tổn thất cho địch. Lễ di quan đại tá Trần Công An diễn ra lúc 8 giờ 30 ngày 10.9.2008, an táng tại quê nhà.
 
Trong số đám đông đến viếng, chúng tôi thấy có một cụ bà mặc bộ bà ba đen. Bà tên Lâm Thúy Nga (69 tuổi, quê Củ Chi), kêu đại tá Trần Công An là "tía nuôi". Bà Nga cho biết, trước kia là lính hậu cần của binh đoàn 814, đại tá An là thủ trưởng của bà. Từng trực tiếp đánh những trận rúng động Lầu Năm Góc; từng được Bác Hồ làm thơ tặng, oai phong là vậy nhưng đại tá An, theo lời bà Nga, rất hiền lành và thương người. "Sau ngày phục viên, khổ quá, tôi đến cầu cứu đại tá và được ông vận động cho một căn nhà tình nghĩa. Nghe tin ông mất, tôi đến thắp một nén nhang biết ơn ông cứu giúp đồng đội" - bà Nga nói.

Thượng tá Phạm Văn Hoàn, Cục Kỹ thuật quân chủng Phòng không - Không quân; thượng tá Trần Ngọc Khải, BCHQS Nhơn Trạch; ông Lê Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Chính trị Đồng Nai; ông Bùi Quang Huy, Giám đốc NXB tổng hợp Đồng Nai... đã không ngớt lời ca ngợi "cây đại thụ" của bộ đội đặc công. Gan dạ, đa mưu túc trí, sáng tạo, xuất quỷ nhập thần, giản dị, chân tình, nhân nghĩa... và nhiều mỹ từ nữa mà những người đồng đội, bà con lối xóm dành cho người quá cố.

"Vĩnh biệt người anh hùng mang những phẩm chất tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng, người con ưu tú của quê hương Tân Uyên, người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của tỉnh Thủ - Biên qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, người đã tìm ra và trực tiếp thực hiện trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, mở đầu cho sự ra đời của cách đánh binh chủng đặc công sau này"- ông Mai Thế Trung, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, đã viết vào sổ tang những dòng như thế.

Bài thơ trên tượng đài

Ngay trước nhà đại tá Trần Công An, nơi đang quàn linh cữu ông có một khu công viên, tượng đài. Tượng đài nhỏ nhưng khá đẹp, mô tả chiến công của cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn pháo binh, đặc công trong trận đánh của hai lực lượng này vào sân bay Biên Hòa. Trận này do chính do đại tá Trần Công An chỉ huy. Bên cạnh tượng đài là một bức phù điêu cao, hình cong lá cờ, trong phù điêu tạc bài thơ Bác Hồ viết tặng những người tham gia trận đánh. Thơ Bác viết:

Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu
Thành đồng trống thắng lay Lầu Trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.

Đại tá Lưu Vân Thới, 76 tuổi, cho biết trận đánh xảy ra vào ngày 31.10.1964, ta tiêu diệt gần 300 địch. Ông cho biết thêm, đại tá An cho đến khi tuổi già sức yếu vẫn cống hiến sức mình cho đất nước. Về hưu, ông nhận làm Trưởng ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Chi đội 10, tiền thân của lực lượng đặc công sau này. Không chỉ vậy, sinh thời đại tá An còn là người rất thích văn nghệ. "Chính đại tá An là người lệnh cho tôi lập đội văn nghệ của Ban liên lạc, đi phục vụ giúp vui cho bà con vùng Đông Nam Bộ, cốt chỉ để lưu truyền tinh thần Hát mãi khúc quân hành đó mà" - đại tá Thới kể.

http://www6.thanhnien.com.vn/Xahoi/2008/9/9/260940.tno
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM