Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:02:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tuần lễ dài nhất của Sư đoàn Trừng Giới  (Đọc 42448 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:34:59 am »


10- Những trận đánh không cân sức



+ Từ “Bàn cờ” của tổng thống đến “Bàn cờ” của Tư lịnh


Ngày 6-1-1975, 4 ngày sau cuộc họp tổng kết của Bộ Tham mưu Sư đoàn 3, Phước Long đã rơi vào tay giải phóng quân.

Tướng Hinh được báo tin này ngay trong giờ điểm tâm. Buổi họp 8 giờ sáng hàng ngày vắng mặt Tư lịnh, Trưởng phòng 2, Trưởng phòng 3. Đại tá H thay mặt, cho chỉ thị các phòng, rồi sau đó vào phòng họp riêng của Tư lịnh

Hôm nay Tư lịnh ít nói. Ông lắng nghe trung tá P, Trưởng phòng trình bày kế hoạch bố phòng, Nghe Trưởng phòng 2 ước đoán tình hình trong những ngày đến…

Riêng đại tá H Tham mưu trưởng, tin Phước Long mất không làm ông băn khoăn bằng tin ông lên làm Tư lịnh phó. Đại tá B Tham mưu phó lên thay ông. Chức phó đồng nghĩa “ngồi chơi xơi nước”, đâu có quyền bằng Tham mưu trưởng.

Với tướng Hinh, Phước Long mất, Tỉnh trưởng bị bắt sống, đó mới là vấn đề. Trong phòng họp thu hẹp, ông nhận xét :

“Quảng Nam tuy không bị như Phước Long, nhưng CS có thể đánh Hội An, đột kích Hòa Vang, đánh Đại Lộc… Tôi sẽ gặp đại tá Chung – Tỉnh trưởng Quảng Nam lưu ý gia tăng phòng thủ…”

Nếu tại trung ương, Tổng tư lịnh Nguyễn Văn Thiệu cho lệnh tướng Viên bố phòng kỹ Biệt khu Thủ đô, thay đổi một số tư lệnh quân đoàn và sư đoàn để nhằm trẻ hóa hàng ngũ tư lệnh chiến trường, thì tại Quảng nam Đà Nẵng, tướng Hinh yêu cầu đại tá Chung sắp xếp lại nhân sự. Riêng các tiểu đoàn trưởng, một số bị thay thế. Tướng Hinh mạnh dạn đưa một số đại úy nắm quyền tiểu đoàn trưởng thay cho một số thiếu tá, trung tá mà theo ông là bất lực.


Tướng Hinh lo xa hơn, ông sợ Bộ Tư lệnh có thể bị tấn công, điều ngay 1 tiểu đoàn vào căn cứ Hòa Khánh, vừa tái huấn luyện, vừa ứng chiến Đại La ngay Bộ Tư lệnh, 1 chi đoàn (22 chiếc xe tăng) được gọi về ứng chiến… Trung đoàn 57 từ lâu hoạt động ở Hương An, Đá Tịnh, rút về án ngữ Hoà Cầm. Trung đoàn 2 và Trung đoàn 56 giăng kín phòng tuyến Đại Lộc, Dục Đức…

Ban Báo chi Khối Chiến tranh Chính trị mỗi buổi sáng thâu băng đầy đủ các nguồn tin của BBC, VOA… các bản tin viễn ấn của Reuter, AP, AFP, được dịch và trình mật. Không khí chuẩn bị đánh lớn bao trùm cả Bộ Tư lệnh.

Biệt đội kỹ thuật Phòng 7 TTT, Biệt đội tác chiến điện tử, Biệt đội quân báo, Đại đội trinh sát được lịnh nắm bắt kịp thời các biến động. Các chùm điện tử được chôn trêbn những đường mòn từ Cận Sơn xuôi về đồng bằng để giải đoán sự chuyển quân. Các đài kỹ thuật Phòng 7 được điều động thu các làn sóng thông tin để giải đoán tình hình. Bàn cờ của tướng Hinh sắp sẵn chờ khai cuộc


+ Thung lũng Xuyên Trà và trận đột kích đêm


“Phải tìm một chiến thắng để lấy lại niềm tin của binh sỹ và dư luận” – Đại tá H, TMT trình bày với tướng Hinh trong cuộc họp thu hẹp.

Trong Bộ Tư lệnh, tướng Hinh thường đi sâu vào công táv tham mư bằng những khẩu lệnh có tính cách quyết đoán, nhưng trong lĩnh vực hành quân, mặc cảm “tướng tham mưu”, “tướng văn phòng” vẫn đè nặng trong quyết định của ông, trong đời sống “tư lệnh” của ông… Do đó về mặt này ông thường đề nghị hơn là quyết định.

(Thời kỳ này tại Quân đoàn 1, trong 3 tư lệnh sư đoàn chỉ có mình ông là chưa hề làm tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng bộ binh, khác với tướng Điềm - Sư đoàn 1 hay tướng Nhựt - Sư đoàn 2)

Và Xuyên Trà, một thung lũng của vùng Cận Sơn Quảng nam, nơi mà theo tin Phòng 2 ghi được, đương là căn cứ huấn luyện của 1Tiểu đoàn thuộc mặt trận 44… Đại tá H và trung tá P sau khi bàn bạc đề nghị với tướng Hinh giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 2 dứt điểm. Để cho chắc ăn, Sư đoàn điều thêm 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 57 tạo thành thế gọng kềm, đúng 13 giờ đêm ngày N… tháng 1-1975 tấn công vào căn cứ tại Xuyên Trà.

Nhưng cả 4 tiểu đoàn không đụng độ lớn, chỉ có những cuộc chạm súng cấp trung đội và đại đội. Sau 24 giờ hành quân, 1 tiểu đoàn tiến chiếm điểm nóng Xuyên Trà không gặp sức kháng cự mạnh, chỉ có hơn 10 dãy nhà tranh bỏ hoang.

Dưới cái nhìn của một nhà quân sự, thì trận đánh Xuyên Trà chỉ được xếp loại “giao tranh nhỏ”, nhưng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 tìm cách để đề cao chiến thắng, điều mà trước đây chính tướng Hinh không thích, nhưng “thực tế chiến trường” buộc Tư lệnh và Bộ Tham mưu phải đi tìm “chiến thắng dự tưởng”.


… Khi Tham Mưu trưởng trình tướng Hinh kế hoạch “Lễ mừng chiến thắng” tổ chức tại Hương An với đủ chi tiết : tặng vòng hoa, gắn huy chương, triển lãm chiến lợi phẩm… tướng Hinh gật đầu, không có ý kiến.

Theo lệnh của Tham mưu trưởng :

Phòng 2 lấy thêm vài chục súng lớn thu được trong các cuộc hành quân trước, cùng với số súng có được, tổng cộng hơn 80 vũ khí đủ loại.

Phòng tâm lý chiến sửa lại bản tin hành quân : Cả 1 tiểu đoàn địch bị đánh tan, gần 100 thương vong. Ban Báo chí liên hệ với Tổng cục Chiến tranh Chính trị tại Sài Gòn mời phái đoàn báo chí dự lễ gắn huy chương.

Tiểu khu Quảng nam vận động mời thân hào nhân sỹ, học sinh đi dự lễ và quàng vòng hoa…

Tướng Hinh và đại tá Chung, Tỉnh trưởng Quảng Nam đã đến chủ toạ lễ tuyên dương và khai mạc triển lãm. Báo chí sài Gòn không ra được. Báo chí Quân đoàn mời giúp một số thông tín viên có mặt tại Đà Nẵng lên Hương An dự…


+ Trận đánh “Rửa mặt Tiểu đoàn 3/56”


Trong số 9 tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 3, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 56 được ghi nhận là yếu kém nhất. Nguyên trong năm 1974, 2 lần bại trận, 1 tiểu đoàn trưởng chết, 1 tiểu đoàn trưởng bị thương và 2 tiểu đoàn trưởng bị thay thế vì kém khả năng. Đây cũng là tiểu đoàn có quân số đào ngũ cao nhất. Từng đợt tân binh và quân phạm phục hồi không lấp trống những lỗ hổng về quân số.

Theo quân số, tiểu đoàn phải từ 700 trở lên, nhưng trên thực tế có nhiều khi Tiểu đoàn 3/56 chỉ thực hiện được 50% so với lý thuyết vì thương vong và đào ngũ…

Bộ chỉ huy Trung đoàn 56 điên đầu về sự xuống dốc của Tiểu đoàn, ảnh hưởng dây chuyền đến các tiểu đoàn khác. Tướng Hinh đưa trung ta T, nguyên Trưởng Phòng 3 về nắm Trung đoàn trưởng, cử thiếu tá P giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/56 với chỉ thị :

- “Phải làm một cú rửa mặt cho Tiểu đoàn 3/56 để kéo nó khỏi tuột dốc”.

Tin tình báo ghi nhận 1 đại đội giải phóng quân về hoạt động tại tây nam quận lỵ Đại Lộc khoảng 10 km để nhận tiếp tế và gây cơ sở tuyển quân. Tướng Hinh chỉ thị Phòng 3 làm kế hoạch hành quân. 2 Tiểu đoàn 1/56 và 2/56 đánh gọng kềm. Còn Tiểu đoàn 3/56 là mũi nhọn. Có vẻ nghịch lý khi giao nhiệm vụ “nỗ lực chính” cho 1 tiểu đoàn yếu kém nhất, nhưng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 đã nghiên cứu nước cờ. 2 Tiểu đoàn 1 và 2 mới là nỗ lực chính “giả” có nhiệm vụ dứt điểm cuối cùng.

Khi hàng loạt pháo của pháo đội Tiểu đoàn pháo binh Sư đoàn khai hỏa, các cánh quân tiến bao vây với chủ đích tiêu diệt và bắt sống trọn Đại đội, nhưng sự thật, Đại đội đã rút đi quá nửa, chỉ còn lại khoảng 2 trung đội phân tán mỏng thành những chốt chặn trên đường tiến quân của Trung đoàn 56. Dù sao thì Tiểu đoàn 3/56 cũng vào được mục tiêu nhờ sự tiếp tay hữu hiệu của 2 tiểu đoàn bạn, thu được hơn 10 cây súng.

Tin báo về Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Tướng Hinh cho lệnh làm lễ chiến thắng ngay tại quận lỵ Đại Lộc, triển lãm chiến lợi phẩm bằng số vũ khí của Phòng 2 cho mượn để có được một “bề ngoài cần thiết”

Tuy không tổ chức rầm rộ như chiến thắng Xuyên Trà, nhưng Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Bộ chỉ huy Trung đoàn cũng làm đủ nghi lễ cho buổi rửa mặt Tiểu đoàn 3/56, hy vọng đem lại sinh khi chiến đấu cho quân sỹ đơn vị này.

Sau khi tan lễ, trên chuyến xe đò từ Đại Lộc về Đà Nẵng, quân cảnh bắt được 1 toán lính Tiểu đoàn 3/56 chuồn về gia đình, mà hầu hết là gốc miền Nam…

Còn tướng Hinh dặn dò trung tá T : “Đừng để xảy ra một Tân Lâm thứ 2” trước khi ông về lại Hòa Khánh.


+ Những ngày giáp Tết chờ đợi


Những ngày giáp Tết (hạ tuần tháng giêng dương lịch) chiến trường Quảng Đà trở nên yên lặng… Chính sự yên lặng đáng sợ này khiến cho tướng Hinh lo lắng, có thể xảy ra một Mậu Thân thứ hai, hoặc 1 mùa hè 1972 nữa chăng?

Tướng Hinh bị ám ảnh về sự kiện đại tá Lê Đức Đạt, quyền Tư lệnh Sư đoàn 22 bị bắt sống tại Tân Cảnh trong trận tiến công mùa hè 1972 tại chiến trường cao nguyên… ông lo ngại nội tuyến… ông nghi ngờ trung đội bảo vệ tư dinh Tư lệnh… Do đó ông ra lệnh cho Phòng An ninh quân đội rà lại lý lịch toán cận vệ, kể cả toán phục vụ tư dinh tại căn cứ Hòa Khánh cũng như tại biệt thự ở Đà Nẵng và ở Sài Gòn.

Đại tá H, Tham mưu trưởng thì khác hẳn. Ông mong chờ những trận đánh để may ra có dịp thi thố tài năng và kinh nghiệm. Viên đại ta này đã đạt đủ các tiêu chuẩn của ngành bộ binh : làm đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng trước khi về làm Tham mưu trưởng. Ông đã làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 1 “Sư đoàn bảnh nhất của Quân lực VNCH”.

Nhưng chiến trường vẫn yên lặng. Tin Phòng 2 ghi nhận sự chuyển quân của các sư đoàn chính quy Quân khu 5 các trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực Mặt trận 44, các đại đội thuộc các huyện đội Đại Lộc, Duy Xuyên, Thượng Đức, Quế Sơn…những ngày cuối tháng đợi chờ…


Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #11 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:36:54 am »


11- Phòng tuyến bê tông của tướng Trưởng, tướng Hinh



+ Phòng tuyến bê tông trên vòng cung “Nam – Tín”


Đầu tháng 2-1975 (hạ tuần tháng chạp âm lịch), tướng Trưởng thị sát khu vực hành quân của Sự đoàn 3 trải dài từ phía nam đèo Hải Vân đến gần Thăng Bình. Tại các căn cứ hỏa lực, cột trụ của phòng tuyến, tướng Trưởng ra lại các hệ thống phản pháo và hệ thống phòng thủ quanh căn cứ.

Một buổi chiều đầu tuần, tướng Trưởng xuống căn cứ Hoà Khánh, bản doanh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3. Tướng Hinh họp kín với tướng Trưởng, không một sỹ quan tham mưu nào được phép dự, kể cả Tham mưu trưởng. Sau hơn nửa giờ, tướng Hinh tiễn tướng Trưởng ra sân bay trực thăng, cạnh dinh tướng Hinh. Bắt tay từ giã người Gia trưởng Sư đoàn 3, tướng Trưởng nói :

- “Phải thường xuyên kiểm tra hệ thống phòng thủ và xem lại phối trí các đơn vị như tôi đã bàn…”

Buổi tối hôm đó, tướng Hinh ở lại Bộ Tư lệnh. Ngay trong phòng Tư lệnh, tướng Hinh, đại tá Tham mưu trưởng, các trưởng Phòng 2, 3 thảo luận chỉ thị của tướng Trưởng. Theo lời tướng Hinh, đã đến lúc phải thay đổi kế hoạch phòng thủ, thay vì phải trải rộng, rải khắp, để kiểm soát đất đai thì bây giờ chỉ cần xây dựng những trọng điểm vững chắc như bê tông theo hình vòng cung, tạo thế liên hoàn bổ trợ cho nhau… Các trung đoàn bố trí tập trung thay vì phân tán mỏng. Bài học Long Bình là bài học về phối trí lực lượng.

Theo chỉ thị của tướng Hinh, Bộ chỉ huy của Trung đoàn 57 được chuyển từ căn cứ Chi Lăng về đóng gần Hòa Cầm sẵn sàng ứng chiến cho Bộ Tư lệnh và là lực lượng tăng viện cho các trung đoàn bạn khi có giao tranh.

Trung đoàn 56 tạo phòng tuyến vòng cung quanh quận Dục Đức.

Trung đoàn 2 (Trung đoàn anh cả của Sư đoàn) đảm trách vòng đai Đại Lộc.

Bấy giờ quận Thượng Đức ở trong tay quân Giải phóng, phòng tuyến Cận Sơn giao cho Liên đoàn Biệt động quân biên phòng tăng phái.

Lữ đoàn Dù phụ trách các cứ điểm trọng yếu từ Duy Xuyên đến Hiếu Đức.

Phía đông quốc lộ 1 là trách nhiệm của 2 liên đoàn Địa phương quân thuộc tỉnh Quảng Nam, 1 liên đoàn đảm trách phía bắc từ Đéo Hải Vân trở vào. 1 liên đoàn chịu trách nhiệm phòng tuyến Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên.

Dưới tay tướng Hinh có quân số bằng 2 sư đoàn bộ binh :

- 3 trung đoàn
- 3 liên đoàn
- 1 lữ đoàn
- 1 thiết đoàn kỵ binh (hơn 70 chiến xa)
- 5 tiểu đoàn pháo (trong đó có 1 tiểu đoàn pháo binh dù của Lữ đoàn Dù, không kể các đơn vị yểm trợ trực thuộc)

 Tôi không muốn trở thành một De Castries


So với 10.000 quân lính Pháp ở phòng tuyến Điện Biên phủ vào tháng 1-1954 thì phòng tuyến bê tông của tướng Hinh có chu vi rộng hơn và quân số đông gấp đôi. Tỉ số De Castries / Việt Minh là 1/3. Còn bây giờ tỉ số Sư đoàn 3 / Giải phóng quân là 2/3 (theo Phòng 2 vào đầu năm 1975, lực lượng Giải phóng quân tại chiến trường Quảng nam gần 3 sư đoàn)…

Tướng Hinh tâm sự với các cộng sự viên :

- “Chúng ta không thể chịu số phận như De Castries ở Điện Biên Phủ. Hoặc là chúng ta giữ được, hoặc là chúng ta sẽ chết ở đây, chứ không đầu hàng”

Lời nói có vẻ tự tin của tướng Hinh không giấu được những lo lắng lộ hẳn trên khuôn mặt ông. Các cộng sự viên đều hiểu rằng đó chỉ là cách nói động viên tinh thần.

Từng sống, từng chia xẻ với tướng hinh những buồn vui chiến trường, các sỹ quan thân cận có chung một nhận xét :

“Tướng Hinh không thuộc loại tướng võ biền như kiểu tướng Nhựt Sư đoàn 2 hay thuộc loại “chịu đấm ăn xôi” như tướng Điềm Sư đoàn 1. Tướng Hinh là đại biểu cho hàng tướng lãnh – “tham mưu, văn phòng”, không phải là tướng tác chiến. Do đó khi ông nói : “Tôi không muốn trở thành một De Castries”, thì hãy hiểu dùm là ông không muốn bị bắt, cũng không muốn tự sát để bảo vệ danh dự của một người làm tướng”.


+ “Mặt trời Nguyễn Văn Thiệu” về thăm Sư đoàn 3 lần cuối.


25-2-1975, Nguyễn Văn Thiệu thị sát chiến trường Quân khu 1. 15 giờ chiều phi đội trực thăng đặc biệt chở “Tổng tư lệnh” và các tướng lãnh đạo cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu đáp xuống sân bay đặc biệt của Sư đoàn 3 trong căn cứ Hòa Khánh. Tổng thống ghé thăm Bộ Tư lệnh Sư đoàn để nghe tướng Hinh thuyết trình. Đây chỉ là nghi thức vì trước khi đến Sư đoàn 3, tướng Trưởng đã báo cáo chi tiết về hoạt động quân sự toàn quân khu cho ổng thống nghe tại Bộ Tư lệnh quân đoàn.

Nhìn thẳng vào tướng Hinh, Nguyễn Văn Thiệu hỏi :

- Nếu địch tấn công như đã tấn công ở Bình Long vừa rồi, hay như năm 1972, Sư đoàn 3 của anh liệu có bỏ chạy như ở Quảng Trị nữa không?

Tướng Hinh điềm đạm trả lời (có lẽ ông đã chuẩn bị câu hỏi này trước khi Tổng Tư lệnh tối cao đến) :

- Kính thưa Tổng thống, mặc dù đa số quân sỹ Sư đoàn 3 thuộc các thành phần “không tốt” do các đơn vị khác chuyển đến, nếu không muốn nói là thành thần “vô kỷ luật”, nhưng với sự cố gắng của Bộ tư lệnh, giờ đây Sư đoàn 3 nhìn chung tương đối vững vàng, có khả năng bảo vệ được Quảng Đà khi bị tấn công…

Nửa giờ sau, tướng Hinh lái xe Jeep đưa Tổng Tư lệnh đến Hội trường lộ thiên Đại La, cách văn phòng Tư lệnh 2 km, tại đây có 3 tiểu đoàn đại diện chi Sư đoàn 3, Lữ đoàn Dù Địa phương quân Quảng Nam tập hợp từ 12 giờ trưa, để nghe nhật lệnh của “Mặt trời Lớn” từ Sài Gòn về đây…

Giữa hàng quân là một khán đài nhỏ để 3 hàng ghế dành cho tướng Hinh, chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư đoàn Dù, đại tá Chung tỉnh trưởng Quang nam, đại tá Tường thị trưởng Dà Nẵng. Chính giữa khán đài là tấm băng “Chào mừng Tổng thống, Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực VNCH”. Đối diện với khán đài nhỏ và hàng quân là khán đài danh dự dành cho Tổng Tư lệnh.

Khác với năm trước, tết đến nay, tướng Cao Văn viên không tháp tùng Nguyễn Văn Thiệu mà thay vào đó là 2 trung tướng cũng mang kính trắng và có ngoại hình khá giống nhau : trung tướng Lê Nguyên Khang phụ tá hành quân, và trung tướng Trần Văn Trung phụ tá Chiến tranh Chính trị Tổng Tham Mưu trưởng.

Tướng Trưởng đứng cạnh Tổng Tư lệnh mắt đăm chiêu, ông không nhìn hàng quân trước mặt… khuôn mặt “hao gầy” nhìn về phía đèo Hải Vân… mây trắng vẫn hồn nhiên bay qua lưng đèo.


+ Bản nhật lệnh cuối cùng


Tướng Nguyễn Duy Hinh đại diện cho tướng lĩnh sỹ quan có mặt chúc Tết Tổng thống và hứa với Tổng Tư lệnh tối cao :

“Chiến sỹ Sư đoàn 3 và các đơn vị tăng phái xin hứa vững vàng tay súng đánh tan mọi cuộc tấn công của đ5ch, bảo vệ vũng vàng Quảng Đà thân yêu”

Bằng giọng nói chậm rãi, sau khi trình bày những biến động trong và ngoài nước, sau những câu động viên và kêu gọi quân sỹ, Nguyễn Văn Thiệu cho biết :

“Nếu bị cúp viện trợ, quân đội VNCH đủ lương thực đạn dược để tự chiến đấu trong 2 năm trong chờ đợi một giải pháp chính trị cho lợi cho VNCH”.

Cuối cùng Tổng thống hứa :

“Năm tới, cũng vào dịp này, tôi lại về thăm các chiến hữu”.

Rồi trực thăng chở Tổng Lư lệnh về Đà Nẵng. Máy bay đảo quanh hội trường lộ thiên Đại La 2 vòng. Tổng Tư lệnh vẫy tay giã từ chiến hữu và những người lính dưới đất cũng vẫy tay theo, lòng không mấy vui. Họ đâu biết rằng đó là lần vẫy chào cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu.

Từ biệt Tổng thống, từ biệt Tổng Tư lệnh, tướng Hinh về nhà. Khuôn mặt ông thoáng buốn, không phải vì ông sợ mất chức, không phải vì ông sợ Thiệu chê là kém tài, ngược lại ông là một trong những cấp tướng được lòng Nguyễn Văn Thiệu. Điều ông lo ngại là những trận đánh lớn đương chờ ông ở một ngày không xa.

Có thể trong đáy lòng ông, một bài toán, một sự so sánh giữa ông và viên Tư lệnh cũ. Dù bị giáng xuống binh 2, nhưng tướng G vẫn được cấp chỉ huy thuộc quyền nể mặt vì tướng G là “tướng chiến trường”. Tướng G đã đi từ những nấc thang theo cấp số cộng : Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, Tư lệnh phó trước khi làm Tư lệnh…

Nỗi buồn vây kín tâm hồn Tư lệnh chiều nay!

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #12 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:38:57 am »


12- Một ngày không chiến tranh và chiến trường thầm lặng.


+ Đêm Giao thừa trên chiến hào Hòa Khánh.


Chiều 30 tết (10-12-1975) chiến trường Quảng Đà im tiếng súng. Chính sự im lặng này khiến cho một số binh sỹ nghĩ rằng “đây là một điềm gở”. Chắc năm mới sẽ có nhiều biến đổi. Nhưng với tướng Hinh và Bộ Tham mưu, kinh nghiệm tết Mậu Thân vẫn còn đó, một ngày im lặng để tiếp nối bằng những ngày khói lửa.

12 giờ đêm Giao thừa, Bộ Tham mưu do đại tá H Tham mưu trưởng hướng dẫn lên “Biệt thự trên đồi” để chúc Tết Tư lệnh… chai rượu mừng Xuân nổ tung từ tay Tư lệnh trong nụ cười không tươi tắn như nụ cười Xuân 1973, 1974, nhưng Tư lệnh “bình dân” hơn mọi năm, rót từng ly rượu mời các cộng sự viên, đưa đĩa bánh mời từng người…

Đầu năm kiêng cữ nói chuyện chiến tranh, Tư lệnh hỏi chuyện gia đình, đại tá H có dịp trổ tài về sự lịch lãm của ông cũng như sự hiểu biết của ông về “tình dân, thế nước”.

Tướng Hinh lắng nghe, cuối cùng ông nói :

- “Dù thế nào thì cũng không nên chểnh mảng… chúc mọi người vui Tết, năm mới ta đón một cái Tết vui hơn năm nay!”

Pháo giao thừa từ xa vọng lại, một vài đơn vị tự động bắn súng thay pháo. Sỹ quan tùy viên gọi điện khiển trách nhưng Tư lệnh cản lại :

- “Đầu năm không nên la, rồi để Tân niên rồi khiển trách cũng không vội”

Trung tâm hành quân ứng chiến 100%, quân sỹ ứng chiến 100%, các Trưởng phòng Tham mưu có mặt tại phòng 100%, đó là lệnh của Tư lệnh. Nhưng nếu Tư lệnh bất thần điểm danh thì chỉ có khoảng 30% có mặt trong đêm giao thừa này…

Tư lệnh gọi máy hữu tuyến chúc Tết các Trung đoàn trưởng, các đơn vị trưởng biệt lập ở xa, nhưng không quên nhắc kéo : “cẩn thận”.

Cả một phòng tuyến dài hơn 60 cây số. Yên lặng, không một tiếng súng, các máy truyền liên lạc không còn xôn xao như những ngày giáp năm…

Đêm Giao thừa cuối cùng nào ai có hay?


+ Những đòn bánh chưng gửi về phía bên kia


Cũng đêm này, tại những xóm làng Cận Sơn, dân chúng đi ngủ sớm, nhưng có ai biết đâu tại một số nhà cơ sở, dưới những căn hầm bí mật, dân và Mặt trận đang đón giao thừa.

Phòng 2 ước đoán trước sẽ có những cuộc hội ngộ dưới hầm sâu. Biết nhưng đành chịu, vì những ngôi nhà cơ sở, dân chúng cũng dự đoán trước tình huống có thể xảy ra nên họ đã ngụy trang rất khéo, hơn nữa vào giờ đó, các mật báo viên Phòng 2, các toán trinh sát đang liên hoan đêm trừ tịch. Sự kiện này được ghi nhận qua lời khai của một tù binh sau Tết : “Chúng tôi được đồng bào dấu kín dưới hầm và cho ăn Tết đầy đủ”.

Tại thành phố Đà Nẵng, tuy không có truyền đơn rải, không có những tiếng nổ ở các khu biệt thự của Mỹ và các nhân vật cao cấp… Hình như, Biệt động thành Đà Nẵng yên lặng trong đêm giao thừa… Điều đó không ai giải thích được nhưng miệng truyền miệng, người này nói với người kia : “Sau Tết, các ông Việt Cộng thế nào cũng đánh lớn như mùa hè 1972…”

Dân Đà Nẵng ăn Tết như mọi năm, riêng đối với thương gia, công chức quân nhân, không dấu nổi lo âu trước những biến động trên toàn quốc. Nixon rớt đài, chỗ dựa vững chắc của Tổng thống Thiệu đã bị sụp đổ, Mỹ giảm viện trợ và có thể cắt luôn, Mỹ sẽ thay ngựa…?

Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu băn khoăn, những nét buồn thoáng hiện trên khuôn mặt của những cán bộ, sỹ quan trung cấp và cao cấp, những thương gia cỡ bự…

“Những tháng ngày êm ả” còn hay mất sau mùa xuân này?


+ Có một mùa Xuân sau?


Một số thương gia tìm cách chuyển vào Sài Gòn buôn bán. Họ tin rằng Sài Gòn không thể mất. Nhưng có một số khác nhận định : “Nếu Đà Nẵng mất thì trước sau Sài Gòn cũng mất, cứ ở lại sinh sống Đà Nẵng, cái gì đến thì cứ đến”.

Trong hàng ngũ sỹ quan tại Quân khu 1 cũng như riêng tại Sư đoàn 3, một số sỹ quan tìm cách xin giải ngũ. Nhân có lệnh của Bộ Quốc phòng cho giải ngũ các nhân viên đủ niên hạn 7 năm không thăng cấp đối với cấp tá, đây là dịp để gác kiếm về vườn tìm cách chuồn khỏi nơi bom đạn.

Nếu trong năm 1973, 1974, các chức vụ Tiểu đoàn trưởng là những món hàng giá cao, thì từ tháng 1-1975 sau khi Bình Long thất thủ, có nhiều sỹ quan vận động với cấp trên để khỏi bị Tư lệnh gọi lên cho làm Tiểu đoàn trưởng.

Không khí bi quan, ngán đánh nhau như một chất rượu nấm dần vào cơ thể của nhiều sỹ quan chỉ huy.


+ Lời chúc Tết cuối cùng của Tổng thống

Buổi chiều mồng một tết, khối Chiến tranh Chính trị, Phòng 2, Phòng 3 chuẩn bị bản thuyết trình đầu năm âm lịch, dự định họp vào 8 giờ sáng 12-2 (tứ mồng 2 Tết). Phòng 2, Phòng 3 không có nhiều sự kiện, nhưng khối Chiến tranh Chính trị thì ngán nhất là phải phát thanh lại “Lời chúc tết của Tổng thống trong đêm Giao thừa” vào 7 giờ sáng mồng 2 Tết nhân buổi chào cờ đầu năm.

Cái lo của đại tá B là trục trặc kỹ thuật. Tư lệnh sẽ quạt không thương tiếc, dù là đầu năm.

Và điều lo ngại đã đến. Giữa 3 quân, có Tư lệnh, có Tham mưu trưởng, đông đủ các tham mưu phó, Trưởng phòng, đơn vị trưởng, lời “chúc Tết của Tổng thống” chỉ phát đến 1/3 cuộn băng thì bị hỏng… Cả toán kỹ thuật mặt mày tái mét. Đại tá B không dám nhìn Tư lệnh. Tham mưu lo lắng không phải vì cơn thịnh nộ Tư lệnh sắp giáng xuống. Họ lo lắng vì đó là điềm không lành.

“Chắc là Tổng thống ra đi… Chắc Cộng Hòa đến thời mạt vận".


+ Những giông bão lại trở về


8 giờ Bộ Tham mưu họp (sau buổi lễ chào cờ đầy bi kịch). Không có nhiều sự kiện để báo cáo. Phòng họp chờ đợi Tư lệnh thịnh nộ… Nhưng không, tướng Hinh chỉ buồn, bằng giọng chậm rãi, ông nói với đại tá B :

- “Phạt 15 ngày trọng cấm chuyên viên kỹ thuật. Dù sao cũng không thể bỏ qua”

Rồi sau đó Tư lệnh bắt đầu nói về những lo lắng của mình sau khi nhìn kỹ tình hình địch trên bản đồ :

-“Các anh đừng thấy ngày mồng 1 Tết im tiếng súng, như thế là có dấu hiệu tốt đẹp! Không đâu! Tình hình không sáng sủa như ta nghĩ. Chúng ta sắp đón những giông bão xô ngã chúng ta…

Sự nghiệp 20 năm chống Cộng sẽ là mây khói nếu chúng ta bi quan và dừng lại, chấp nhận thua cuộc”

Nét mặt của Tư lệnh buồn hơn sau câu nói đó, không biết vì giận hay vì lo sợ… Chỉ biết rằng ông về phòng riêng sớm hơn mọi lần, và dặn tùy viên “Tư lệnh không tiếp khách”. Mình ông với văn phòng làm việc bề thế dành cho Tư lệnh. Tấm bản đồ sau lưng ông, sau bàn làm việc có gắn “Tướng Kỳ 2 sao”, những chấm đỏ nhiều hơn năm qua, dấu hiệu của áp lực địch gia tăng…

Tư lệnh chờ trận đánh quyết định trong những ngày sắp đến… xảy ra vào lúc nào… kéo dài bao lâu… và cuộc đời binh nghiệp của ông cũng gắn liền với kết quả trận đánh quyết định cuối cùng vào tuần lễ cuối cùng…

Tuần lễ dài nhất bao giờ sẽ đến?

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #13 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:41:31 am »

CHƯƠNG III

THÁNG 3 : NHỮNG NGÀY HẤP HỐI


13 – trận địa pháo phía nam đèo Hải Vân


+ Lời phán truyền của Tư lệnh : “Phải dập tắt pháo địch khi bị tấn công”

… Với 54 khẩu pháo 105 ly, 18 khẩu pháo 155 ly, 4 tiểu đoàn pháo binh cơ hữu, lực lượng pháo binh của tướng Hinh không kém dàn pháo của De Castries Điện Biên Phủ năm 1954. Tướng Hinh xuất thân là sỹ quan thiết giáp, ông không thạo về pháo nhưng đã có trung tá C, chỉ huy trưởng pháo Sư đoàn, người tự ví mình là “Nguyễn Đức Thắng thứ 2” của VN (Nguyễn Đức Thắng là 1 sỹ quan cấp tướng được cố vấn Mỹ đánh giá là giỏi pháo binh).

Dàn pháo của Sư đoàn 3 giăng từ phía Nam đỉnh đèo Hải Vân đến gần Thăng Bình. Tại mỗi cứ điểm có từ 6 đến 12 khẩu pháo… Tuy là dân “xe tăng” nhưng tướng Hinh không mấy tin tưởng ở 70 xe tăng của Thiết đoàn 11 kỵ binh. Mọi ưu ái của Tư lệnh đều dành cho pháo.

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, chiến trường sôi động trở lại khi các đại pháo của giải phóng quân Quân khu 5 bắt đầu tham chiến bằng những trận tấn kích vào căn cứ Chi Lăng, Đa Tịnh, Đại Lộc, Dục Đức. Hàng ngày các căn cứ trọng yếu của Sư đoàn đều lãnh không dưới 10 quả pháo của đối phương.

“Phản pháo ngay khi bị tấn công!”. Tướng Hinh nhắc trung tá C nhiều lần mỗi khi nhận được tin các căn cứ bị pháo kích.

Nhưng điều lo lắng của tướng Hinh không phải là Sư đoàn 3 bị pháo nhiều hay ít, với Tư lệnh, câu hỏi mà Phòng 2 vẫn chưa giải đáp được :

- Pháo của địch bắn trong thời gian qua là thuộc Quân khu 5 hay thuộc Sư đoàn pháo chính quy? Nếu là pháo của Quân khu 5 thì không đáng lo ngại. Còn nếu là pháo binh chính quy thì coi chừng, một Quảng Trị thứ hai sẽ sảy ra…

Dù Tư lệnh lo lắng, nhưng pháo của Sư đoàn 3 vẫn phản pháo chậm khi bí tấn kích, do đó không chế ngự được chiến trường.


+ Các trung đoàn Quảng Đà trở lại chiến trường


Tuần lễ cuối tháng 2 và đầu tháng 3 sôi động với những trận giao tranh cấp tiểu đoàn. Các tiểu đoàn chủ lực Mặt trận Quảng Đà giao chiến với các tiểu đoàn bộ binh Sư đoàn 3, không còn đánh ban đêm, đánh ban ngày, đánh cường tập, thế là mặt đối mặt, các K của Mặt trận ra quân sau một thời gian nghỉ ngơi… Từ khi chiến trường Thượng Đức sôi động trong mùa đông 1974, từ khi những quả C.B.U theo lệnh tướng Trưởng thả xuống các cao điểm Cận Sơn để kết thúc trận đấu giữa lữ đoàn Dù và 1 trung đoàn chính quy Giải phóng quân.

3 tháng sau, chiến trường Quảng Đà lên cơn sốt sau nhữngày tháng đợi chờ… Trong 1 báo cáo của Phòng 2 đã ghi :

“Nhiều trục lộ giao thông từ Cận Sơn về đồng bằng bị đối phương phá hủy. các trận đánh cấp tiểu đoàn diễn ra liện tục. Những trận đụng độ đáng ghi nhận giữa các tiểu đoàn của Trung đoàn 2, rung đoàn 57 với các tiểu đoàn chính quy của Quân khu 5, mang dấu hiệu sắp có những trận đánh từ cấp trung đoàn đến Sư đoàn”.

Đại đội vận tải Sư đoàn 3 không đủ số lượng xe để thỏa mãn nhu cầu chuyển quân. Hàng ngày Quân đoàn 1 tăng viện 2 đại đội vận tải Liện đoàn 1 quân vận Đại Lộc, một Đông Hà thứ 2 của Quảng nam, thị trấn, đồng thời là quận lỵ đầy lính Sư đoàn 3 qua lại… Các đại đội quân y Sư đoàn hoạt động vất vả vì số thương vong ngày càng tăng. Mỗi ngày Tổng y viện Duy Tân tiếp nhận nhiều thương binh từ nmặt trận của Sư đoàn 3 gởi về. Bóng dáng các tuyên úy, các nữ trợ tá xã hội lại xuất hiện thường xuyên, nhưng không tạo được niềm tin cho những người từ phòng tuyến trở về…


+ Khi Tư lệnh giải thế cờ “bí”


Trong tuần lễ đầu tháng 3, ít khi Tư lệnh có mặt ở văn phòng, dù “Tướng Kỳ 2 sao” vẫn phất phới trước Bộ Tư lệnh… Với chiếc trực thăng chỉ huy ông bay thị sát chiến trường suốt ngày… Tại mỗi phòng tuyến, Tư lệnh đôn đốc, đặc biệt là pháo binh, vì đây chính là những đứa con cưng của chiến trường. Trong những trận đánh sắp đến, pháo binh quyết định hơn 50% kết quả…

Ông chỉ thị các pháo đội trưởng nghiên cứu kế hoạch bắn trực xạ (bắn thẳng) khi bị tấn công cường tập… Ở đâu ông cũng nhắc lại trường hợp Tống Lê Chân, và xa hơn nữa, các trận đánh của mùa hè 1972 tại căn cứ Tân Cảnh và cả bi kịch Quảng Trị của Trung đoàn 56 (đứa con 2 lần chết của Sư đoàn Trừng giới)

Riêng hệ thống phòng thủ, ông lo ngại những trận đánh đặc công mà trường hợp Tiểu đoàn 3/56 và Tiểu đoàn Biệt động quân bịên phòng là 2 điển hình thảm khốc… Chính hình ảnh thiếu tá Nam, Tiểu đoàn trưởng chết không toàn thây ám ảnh Tư lệnh… Không biết Tư lệnh thương người chiến hữu bạc phận hay ray rứt. Cứ mỗi lần nhắc đến cái chết của thiếu tá Nam, giọng ông trầm xuống và đôi mắt buồn xa vắng

Ông thạo đánh cờ tướng, hay nghiên cứu các thế cờ, và ở chiến trường phá để đánh “chốt tấn, pháo tập” của đối phương. Ông cho công binh kiểm tra lại hệ thống mìn, các đài quan sát kịp thời phát hiện các vị trí xuất phát pháo (départ) để pháo binh 105 của Sư đoàn 3 có nhiệm vụ “dập” tắt như pháo triệt pháo trong bàn cờ


+ Mây “khói pháo” trên đèo Hải Vân.


Phòng thủ đèo hải vân là một tiểu đoàn Địa phương quân tăng cường một pháo đội và một chi đội chiến xa… Con đèo dài hơn 10 cây số là con đèo chiến lược của mặt trận Quân khu 1. Hàng ngày từ đỉnh đèo nơi đặt vị trí pháo – hàng đợt pháo gầm thét, khói đạn hòa lẫn với khói mây, đỉnh đèo Hải vân như một vùng “Sương khói pháo”, hành khách qua đèo không còn ngắm cảnh, nhìn mây bay, mà luôn luôn nơm nớp lo sợ. Không khí chiến tranh bao trùm từ chân đèo phía bắc (Lăng Cô) đến chân đèo phía Nam (Nam Ô).

Cứ vài ngày Tư lệnh Sư đoàn 3 hoặc Tư lệnh Quân đoàn 1 hạ trực thăng chỉ huy trên đỉnh đèo để quan sát thế trận, tướng Hinh không tin tưởng ở khả năng tác chiến của Tiểu đoàn Địa phương quân. Ông có ý định điều 1 tiểu đoàn Dù tăng phái lên tăng cường khi có những tín hiệu “Đèo Hải Vân có thể bị tấn công”. Cái thơ mộng của 1 giờ qua đèo ngắm cảnh không còn nữa. Trong khi căn cứ Gia Lê (Sư đoàn 1), căn cứ Chu Lai (Sư đoàn 2) thường bị pháo kích, thì căn cứ Hòa Khánh chưa nếm khói đạn của pháo binh Giải phóng. Có lẽ do địa thế…

Tuy nhiên, tướng Hinh vẫn lo ngại. Từ ngày về nắm quyền Tư lệnh Sư đoàn 3, tướng Hinh ra lệnh cho tất cả các đơn vị phải tranh bị cho mỗi binh sỹ “xẻng cá nhân” để đào “hố cá nhân” khi dùng quân. Mỗi người lính Sư đoàn 3 khi rời khỏi vị trí đều phải đội nón sắt 2 lớp và mang “bao đựng xẻng cá nhân”, ngoài vũ khí.

Tư lệnh nói :

- Điều lo ngại nhất là bị thương vong pháo kích, để làm giảm tối đa mức tổn thất. Nón sắt 2 lớp che chở, xẻng cá nhân để đào hố tránh pháo kích là 2 điều kiện cần khi bị tấn công bằng pháo.

Ông ra lệnh cho Đại đội Quân cảnh bắt giữ tất cả quân nhân (kể cả sỹ quan) không đội nón sắt, không mang xẻng cá nhân khi di chuyển đến vùng hành quân cũng như ở hậu cứ. Chính ông cũng được trang bị như mọi sỹ quan khác. Tư lệnh cao không quá 1 m 60,… chiếc xắc đựng xẻng cá nhân mang bên hông tạo cho Tư lệnh dáng dấp một hiệp sỹ lùn…


+ Đồng bằng không còn yên lặng


Từ quốc lộ 1 xuôi về phía đông, các xóm làng thuộc các quận Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hiếu Nhơn cũng không còn yên lặng, hình ảnh đồng quê mang bóng dáng chiến tranh. Những cuộc chạm súng giữa các đại đội địa phương quân, trung đội nghĩa quân với các B, các C của Huyện đội, Tỉnh đội Quảng nam… Có nhiều xã ở gần quốc lộ 1 cũng bị tấn công. Ban đêm xã trưởng, xã phó về quận lỵ nghỉ ngơi, giao cơ quan cho Trung đội nghĩa quân bảo vệ… và sáng hôm sau, xã trưởng trở lại chốn cũ, quê xưa…

Tại đồng bằng, hoạt động tuyên truyền của mặt trận gia tăng. Nhiều nơi truyền đơn rải ngay ban ngày, các buổi phóng thanh từ bên này sông Thu Bồn gởi qua bên kia sông Thu Bồn, nội dung kêu gọi “Nhân dân nổi dậy, giành lấy chính quyền”.

Những ngày thượng tuần tháng 3, số thanh niên ở thành phố Đà Nẵng trốn lính về tạm trú ở quê nhà ngày càng tăng. Nhưng khác với thành phố, thị xã, người dân ở nông thôn không hoảng hốt, họ bình thản với luống cày, đồng ruộng, lũy tre thân thương…


+ Khi người “Bạn lớn” thăm chiến trường


Cũng vào thời gian này phái đoàn D.A.O (Tùy viên quân sự đại sứ quán Mỹ) thường xuyên đến kiểm tra các hoạt động Sư đoàn. Sau hiệp định Paris 27-1-1973, hệ thống cố vấn Mỹ (MACV) tại các đơn vị VN bị giải tán, thay vào đó là hệ thống D.A.O (Defense Attache Office) được tổ chức trong khuôn khổ các lãnh sự quán tại Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Pleiku, Nha Trang, Cần Thơ. Riêng tại Sài Gòn, phái bộ D.A.O hoạt động cạnh sứ quán do tướng Smith chỉ huy. Các nhân viên phái bộ D.A.O mặc thường phục, và đa số đều nói tiếng Việt khá thạo, không cần thông dịch viên.

Vào thượng tuần tháng 3, tướng Smith từ Sài Gòn ra gặp tướng Trưởng để thảo luận về tình hình chiến sự tại Quân khu 1, sau đó tướng Smith cùng với tướng Trưởng ghé thăm (không chính thức) tướng Hinh. Tại phòng họp riêng, tướng Hinh đã trình bày cho tướng Smith về thực trạng Sư đoàn 3. Sau hơn 1 giờ hội kín, tướng Hinh tiễn tướng Smith và tướng Trưởng ra về. Trước khi lên trực thăng tướng Smith vỗ vai tướng Trưởng như muốn gởi cho Tư lệnh một niềm “Người Mỹ không bỏ rơi các bạn đâu”.

Người “Bạn lớn” mang đến cho Tư lệnh một hy vọng… từ trong tâm thâm, Tư lệnh vẫn mong “Đừng có gì xảy ra như năm 1972…Một giải pháp chính trị tốt đẹp sẽ xảy ra… Với Quân lực VNCH ở thế mạnh… Đà Nẵng, Quảng nam đương lên cơn sốt… nhưng những gì tướng Smith nói với Tư lệnh… là những liều thuốc hồi sinh”

Khác với mọi lần… buổi chiều sau khi Smith đến thăm… Tư lệnh nở nụ cười tươi tắn khi sỹ quan chánh văn phòng vào báo tin : “Kính thiếu tướng Tư lệnh, 5 giờ chiều nay, thiếu tướng dùng cơm tại lãnh sự quán Hoa Kỳ”.

Khi chiếc xe quân cảnh hộ tống Tư lệnh về thành phố Đà Nẵng… cũng ngay giây phút đó… một tiểu đoàn của Trung đoàn 2 ở Đại Lộc bị tấn công… và khi Tư lệnh đương nâng cốc thì trận chiến đã đi vào đêm tối. Một đại đội bỏ phòng tuyến rút về phía sau, đợi chờ.


Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #14 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:43:59 am »


14- Đà Nẵng không phải là Buôn Mê Thuột


+ Buôn Mê Thuột : Mục tiêu đầu tiên của trận chiến


02 giờ ngày 10-03-1974, Buôn Mê Thuột, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 và là tỉnh lỵ của tỉnh Daklak bị tấn công.

05 giờ sáng cùng ngày tướng Hinh bị đánh thức để nghe thông báo về “tin dữ” này.

06 giờ sáng, Bộ Tư lệnh Sư đoàn được Bộ Tổng tham mưu thông báo đầy đủ chi tiết về cuộc tấn công thị xã Buôn Mê Thuột :

-“3 sư đoàn đối phương tấn công thị xã Buôn Mê Thuột trong khi lực lượng phòng thủ chỉ có 2 tiểu đoàn tại thị xã và 2 tiểu đoàn ở phía bắc thị xã, 1 trung đoàn ứng chiến gần thị xã bị chặn lại, không giải vây cho các lực lượng bên trong được”.

Buổi họp thường lệ của Bộ tham mưu Sư đoàn bị hủy bỏ. “Lệnh báo động đỏ” phổ biến khẩn cho tất cả các đơn vị thuộc khu vực Quảng Đà… Tướng Hinh và Bộ Tham mưu ra soát lạ kế hoạch phòng thủ, sỹ quan báo chí và Trung tâm hành quân theo dõi tin tức của trung ương.

11 giờ ngày 11-3, tướng Hinh nhận bản thông báo cuối cùng :

- “Việt Cộng chiếm trọn vẹn thị xã Buôn Mê Thuột, bắt sống đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn và đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng tỉnh Daklak”

(Trong khi lực lượng giải phóng quân đánh Buôn Mê Thuột, chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 đương chỉ huy mặt trận Pleiku – Kontum với 2 trung đoàn trực thuộc)

Buổi trưa 11-3, tướng Hinh bỏ bữa cơm thường lệ tại “Hội quán sỹ quan”. Một mình ông với đại tá Tham mưu trưởng cùng 2 Trưởng Phòng 2, Phòng 3 họp riêng tại phòng tư lệnh.

Tướng Hinh hỏi trung tá Q, Trưởng Phòng 2 :

- Liệu địch có thể tấn công chúng ta như ở Buôn Mê Thuột?

- Thưa thiếu tướng, vị trí của Buôn Mê Thuột và Đà Nẵng khác nhau, tình hình chiến trường cũng khác nhau. Đà Nẵng có thể bị tấn công nhưng không thể mất dễ dàng như ở Buôn Mê Thuột.

Đại tá H thêm vào :

- Địch nghi binh, tạo áp lực quanh Kontum, Pleiku để tướng Phú phải điều Sư đoàn 23 lên khu vực này, chỉ để lại 1/3 quân số. Địch nắm được những yếu tố này nên đã tấn công bất ngờ.

Qua lời trình bày của đại tá H, tướng Hinh không đồng ý, theo ông “lực lượng địch đã chọn Buôn Mê Thuột làm mục tiêu chính, đã chuẩn bị kỹ để tấn công. Còn kế hoạch nghi binh giam chân Sư đoàn 23 tại Pleiku – Kontum cũng nằm trong toàn bộ kế hoạch chung tấn công Buôn Mê Thuột”. Tướng Hinh đánh giá cao chiến lược của Giải phóng quân.

Trong giờ phút căng thẳng này, kiến thức của người tốt nghiệp “Trường Cao đẳng Quốc phòng” được tận dụng cho chính bản thân ông.

Tướng Hinh kết luận :

- Có thể địch sẽ gây áp lực ở Hội An, ở tam Kỳ, ở các quận Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng ình để cầm chân ta, rồi xuất kỳ bất ý đánh thẳng vào Đà Nẵng. Phải điều ngay một trung đoàn bộ binh về ứng chiến Hoà Cầm. kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng còn tùy thuộc tướng Trưởng và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, cả Hải quân và Không quân cũng nằm trong khu vực Đà Nẵng. Nhưng tôi tin rằng Đà Nẵng không phải là Buôn Mê Thuột…

Khi tướng Hinh lên xe trở về tư dinh để nghỉ ngơi sau 1 ngày căng thẳng, nỗi lo âu thoáng qua đôi mắt Tư lệnh như nỗi lo âu của đêm giao thừa đầu năm.

Một sỹ quan thân tín nói đùa :

- Tư lệnh sinh ra để suốt đời lo âu.

+ Đà Nẵng 2 ngày sau biến cố Buôn Mê Thuột - Một đoạn phim hâm nóng niềm tin


Tối 13-3-1975, giữa một Đà Nẵng ngột thở vì không khí chiến tranh, Đài truyền hình phát đi một đoạn phim “Giải tỏa Buôn Mê Thuột”, qua màn ảnh nhỏ, khán giả thấy tướng Phú ra tận điểm xuất phát để động viên quân sỹ. Phóng viên Đài truyền hình phỏng vấn một số quân nhân sắp trở lại “thị trấn Buôn Mê Thuột muôn thuở” ngay tại trực thăng trở quân… Những người được phỏng vấn không che dấu được nỗi lo sợ một cái chết đương chờ họ.

Họ trả lời với một giọng trầm buồn :

“Tôi mong gặp lại vợ con tôi bị kẹt ở đó”.

Đoạn phim 15 phút muốn hâm nóng lại niềm tin “Buôn Mê Thuột sẽ được giải tỏa, tình hình miền Nam sẽ sáng sủa”

Nhưng với sỹ quan tham mưu, những người dân có tầm nhìn xa thì thất vọng :

“Tình hình bi đát rồi, 2 trung đoàn làm sao giải vây nổi một thị xã bị 3 sư đoàn chiếm giữ, chỉ là công dã tràng”

Đúng như thế, chỉ sáng hôm sau, các đài ngoại quốc loan tin Pleiku di tản

Và tới 14-3-1975, nguồn tin chính thức ghi nhận :

“Tổng thống cho lệnh Quân đoàn 2 di tản chiến thuật về Duyên Hải”.

Suốt ngày 14 và ngày 15, dân chúng theo dõi tình hình chiến sự những tin “nóng hổi” được phát đi qua đài BBC, VOA…:

“Bộ Tư lệnh tướng Phú chuyển về Nha Trang – Địch quân đánh tan cuộc di tản bằng đường bộ của tướng Tất, chỉ huy biệt động Quân khu 2”.

Ngày 17-3-1975, trung tá Lê Trung Hiển, phát ngôn viên “Quân lực VNCH” buồn bã loan báo :

“Cuộc di tản chiến thuật đã hoàn tất”.


+ Từ đồi Hòa Khánh đến Sơn Trà


Sáng 17-3-1975 tại Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, tướng Trưởng họp với các tướng Lĩnh Quân khu 1. Tham dự có :

Tướng Hinh (Tư lệnh Sư đoàn 3),
Tướng Điềm (Sư đoàn 1),
Tướng Nhựt (Sư đoàn 2),
Tướng Khánh (Sư đoàn 1 không quân),
Phó đề đốc Thoại (Hải quân),
Tướng Thi (Tư lệnh tiền phương),
Tướng Lạc (Tư lệnh phó Quân khu 1),
Và các tỉnh tưởng thuộc Quân khu 1.

Buổi họp đầu tuần… Đây là buổi họp cuối cùng của Tư lệnh Quân đoàn 1 với các tướng lĩnh, tỉnh trưởng tại Quân khu 1. Tại buổi họp, tướng Trưởng cho lệnh các Tiểu khu trưởng tùy nghi bố phòng. Trọng điểm là tỉnh lỵ, nếu cần bỏ các quận miền núi không cần phòng thủ.

(Trước cuộc họp vài ngày, quận Tiên Phước bị tấn công, Quân giải phóng làm chủ chiếm chọn vẹn quận lỵ sau 2 giờ giao tranh).

Riêng tại Đà Nẵng, tướng Hinh có trách nhiệm bảo vệ vòng đai ngoài,
Sân bay Đà Nẵng do tướng Khánh chịu trách nhiệm
Cảng Đà Nẵng và khu Sơn Trà do Phó đô đốc Thoại đảm trách.
1 phi đoàn trực thăng chiến đấu trong tư thế sẵn sàng yểm trợ Sư đoàn 3 khi Đà Nẵng bị tấn công…

Buổi họp cuối cùng của Quân khu 1 kết thúc bằng khẩu lệnh ngắn gọn :

“Sẵn sàng để đối phó với tình thế”.

Chia tay nhau, tướng Điềm trở lại Trị Thiên, ở đó 5 sư đoàn của Giải phóng quân đương chờ ông và Sư đoàn 1.

Tướng Hinh trở về với Hoà Khánh…

Người bạn đáng tin cậy của tướng Hinh và tướng Điềm là tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư đoàn Dù đã từ giã Quân khu 1 để cùng 3 lữ đoàn dù về Sài Gòn theo lệnh của Tổng thống Thiệu. Dù tướng Trưởng phản đối quyết định này, nhưng ý Tổng thống là ý trời.

2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến sẽ đến tiếp tay với Sư đoàn 3 trong những ngày quyết định… Khi những cánh quân của 1 lữ đoàn Thủy quân lục chiến đến Đà Nẵng thì một số chốt tiền tiêu bị mất… Đây là chốt “điểm” để bảo vệ “Diện”, các chốt quan sát và báo động.

Nhưng sự có mặt của các đơn vị Thủy quân lục chiến khôbng làm giảm bớt sự căng thẳng của tình hình. Hàng ngày, những chấm đỏ (hoạt động địch) càng nhiều hơn trên bản đồ… Các chấm xanh giảm bớt (vì thất thủ). 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến án ngữ mặt trận phía tây nam Đà Nẵng … cũng lo ngại cho số phận của mình.


+ “Quảng Trị 1972” trong “Đà Nẵng 1975”


Không khí Đà Nẵng vào những ngày thượng tuần tháng 3-1975 không khác gì Quảng Trị 1972. Ở các trục lộ giao thông, xe GMS chở lính nhiều hơn hàng chở dân… Một số gia đình công chức và sỹ quan, hạ sỹ quan địa phương quân ở các huyện di chuyển về Đà Nẵng, các cơ quan chuyên môn tại các quân đóng cửa…

Trưởng chi, nhân viên bỏ về Đà Nẵng… Có người bỏ nhiệm sở vào Sài Gòn… Tại thành phố, học sinh đến trường trong nỗi hoang mang, không biết có phải “chạy” trước mùa thi hay không? Một số cửa hàng lớn, xuất nhập cảng đóng cửa, chủ nhân và gia đình vào Sài Gòn bằng đường hàng không… Trụ sở Việt nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Đảng Dân chủ, Phong trào Quốc gia cấp tiến đóng cửa. Các thủ lĩnh của các đảng này tại Đà Nẵng đã chạy vào Sài Gòn.

Hàng ngày trụ sở Chi nhánh hàng không Air Việt Nam đông nghẹt người. Công xa, quân xa của các cấp lớn đậu dọc lề đường, thân nhân của họ đương tìm cách chạy vé máy bay, giã từ Đà Nẵng càng sớm càng hay… Sài Gòn chờ họ…

2 ngày trước khi Buôn Mê Thuột bị tấn công, 1 đơn vị Sư đoàn 3 bắt được 1 tù binh. Qua lời khai, Phòng 2 ghi nhận vòng đai Đà Nẵng đã bị khép kín, các lực lượng chính quy của Quân khu 5 đã tiến sát về Đại Lộc, Dục Đức. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, Sư đoàn 3, căn cứ không quân, hải quân Đà Nẵng nằm trong tầm pháo…

Cũng từ ngày đó cho đến ngày ra đi… Buổi tối, Tư lệnh không còn hóng mát quanh biệt thự trên ngọn đồi Hòa Khánh, không còn ngủ ở phòng riêng mà ngủ ở hầm chống pháo với đầy đủ phương tiện liên lạc…

Tư lệnh đang chờ một tuần lễ dài nhất …
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #15 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:46:27 am »


15- Vĩ tuyến 16 lửa đạn


+ Khu phi chiến không còn nữa


Ngày 19-3-1975, các chi khu Mai Lĩnh, Triệu Phong, Hải Lăng hoàn toàn nằm trong tay quân giải phóng. Đại tá Đỗ Kỳ, tỉnh trưởng Quảng Trị và Bộ Tham mưu chạy thoát về Huế bị tướng Lâm Quang Thui xỉ vả thậm tệ. Trong hàng tướng lĩnh, tướng Thi hay chưởi thề và hay dùng lời cộc cằn nhất… Thi chê Kỳ và các chi khu trưởng là “đám ăn hại, phá hoại chế độ Cộng Hòa…”.

Thi nói với Đỗ Kỳ :

“Các anh không xứng đáng mang lon đại tá… tôi đề nghị lột lon anh”

Tướng Hinh và Bộ Tham mưu Sư đoàn 3 không ngạc nhiên về tin dữ này. Tướng Hinh đã đoán trước Quảng Trị sẽ chạy làng như đã chạy năm 1972. Có điều khác là tướng Hinh không cùng số phận như tướng G. Quảng Trị thất thủ, dân Quảng Trị chạy vào Huế, dân Huế chuẩn bị vượt đèo Hải Vân về Đà Nẵng…

Quảng Trị, khu phi chiến của 30 năm trước đó, bây giờ thuộc về Mặt trận giải phóng…

Và đèo Hải Vân, vĩ tuyến 16 chuẩn bị chờ chiến tranh lớn, những trận đánh cuối cùng…


+ Trận đánh vào bình minh.


05 giờ sáng ngày 20-03-1975, Bộ chỉ huy Trung đoàn 56 bị tấn kích bằng pháo … các đơn vị của Trung đoàn ở phía tâ và bắc của căn cứ Đức Dục cũng lãnh những đợt pháo “hỏa tiễn 122 ly”…

Riêng phòng tuyến của 1 đại đội án ngữ gần Đức Dục bị tấn công ngay cùng lúc với đợt tấn kích pháo… Trung úy đại đội trưởng, 1 sỹ quan độc thân bị thương sau 15 phút giao tranh… Viên thiếu úy đại đội phó cho lệnh rút về tuyến sau… Phòng tuyến Đại đội bị tràn ngập… Gần nửa quân số thương vong và bị bắt… Số còn lại chạy thẳng về Đại Lộc…

Thiếu úy đại đội phó lãnh 15 ngày trọng cấm của tướng Hinh, nếu gặp lúc bình yên thì có lẽ 1 phiên tòa quân sự đặc biệt sẽ được mở để xét tội viên sỹ quan này. Nhưng tướng Phú không bị ra tòa, huống hồ đây chỉ là một sỹ quan cấp thấp… Lệnh phạt chỉ có tính cách răn đe…

Phía tây bắc Đại Lộc cách quân lỵ không quá 5 km, 1 tiểu đoàn bộ binh bị pháo kích suốt 1 giờ liền…

Ngày 20-03-1975 toàn Sư đoàn báo động đỏ… Trong văn phòng Tư lệnh, tướng Hinh điện thoại gặp lần lượt trung tá T (trung đoàn trưởng Trung đoàn 2), đại tá V (trung đoàn trưởng 57), để kiểm tra tình hình. Tư lệnh chưa bay thị sát vì các vị trí đóng quân đương lãnh những quả rốckét từ các đơn vị pháo của giải phóng quân bắn hỏa tập… Các tiểu đoàn pháo binh của Sư đoàn 3 vào các vị trí nghi ngờ. Trận pháo chiến giữa 2 bên căng thẳng từ bình minh kéo dài đến gần 10 giờ sáng…


02 giờ chiều cùng ngày, Tư lệnh thị sát chiến trường. Tại căn cứ chỉ huy Trung đoàn 56, Trung đoàn 57, Tư lệnh chỉ biết chia xẻ với các trung đoàn trưởng về những âu lo.

Đại tá V nói :

“Nếu tấn công lớn, chúng tôi có khả năng giữ được 24 giờ. Sau đó, hoặc là rút lui, hoặc là phải có tăng viện. Các tiểu đoàn trưởng và đại đội trưởng tương đối vững vàng, nhiều kinh nghiệm, nhưng binh sỹ thì không tin tưởng, nhiều cậu nhát quá, chưa đánh đã muốn bỏ chạy…”

Riêng tại căn cứ Trung đoàn 2 có biệt danh là Trung đoàn Hà Mã, đại tá H mới thăng cấp chưa đầy 1 tháng nên rất hăng. Ông muốn làm 1 đại tá Langlais của Điện Biên Phủ.

Đại tá H bốc phét với Tư lệnh :

“Thiếu tướng yên tâm, Trung đoàn 2 chưa bao giờ đầu hàng. Thằng H này không ngán… Có đánh lớn thì H này mới có dịp lập công với thiếu tướng”.

Buổi chiếu 20-03-1975, buổi chiều đáng nhớ của Tư lệnh. Khuôn mặt buồn bã lo âu của 2 Trung đoàn trưởng 56, 57, lời cam hứa của đại tá H không làm cho Tư lệnh yên tâm… Tư lệnh cho phi cơ lượn quanh đèo Hải vân.

“Quốc lộ 1 bây giờ mang hình ảnh của quốc lộ 13 hai tuần trước”


+ Đoàn người vượt đèo Hải Vân tìm nơi tạm trú


Từ đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống chân đèo ở phía nam, cả đoàn người và đoàn xe dài hơn 5 cây số nối đuôi nhau vượt đèo…

Những chiếc xe tải chở đầy người, lên đèo với tốc độc chậm hơn đi bộ, xe Honda, cả xe đạp… Họ từ Quảng Trị chạy vào, từ Huế đi ra trong nỗi bàng hoàng và hoảng hốt. Hình ảnh quốc lộ 13 với đoàn người từ Pleiku – Kontum qua Cheo Reo xuôi về Tuy Hòa 3 ngày trước, được báo chí, truyền thanh, truyền hình thuật lại như 1 cuộc di tản đầy bi thảm, chiều nay gặp lại ở đây… Họ ra đi để tránh bom đạn.

Tác giả viết bài này gặp lại 1 người bạn vượt đèo bằng xe Honda : Anh ta là 1 giáo viên toán ở 1 trường trung học tại Huế… Anh cho biết từ chân đèo Lăng Cô lên đến đỉnh đèo phải mất 2 giờ. Hỏi vì sao anh bỏ Huế ra đi, anh cười buồn đáp :

“Không sợ Việt Cộng, nhưng sợ bom đạn của cuộc giao tranh, không chừng bị chết oan…”

Không có 1 thống kê nào ghi rõ, trên đèo Hải Vân hàng vạn người dân di tản vì lo sợ chiến tranh.

Họ vượt vĩ tuyến 16 để tìm “Sinh lộ” trong “Tử lộ”…


+ Buổi họp “cuối tuấn” cuối cùng


Sáng 22-3-1975, giữa tình hình sôi động, như thường lệ tại phòng họp Tư lệnh Sư đoàn có cuộc họp hàng tuần thường lệ. Khác với lần trước, ngoài Bộ Tham mưu và cá tiểu đoàn trưởng yểm trợ, các chỉ huy hậu cứ trung đoàn, trong buổi họp này có cả các trung đoàn trưởng yểm trợ.

Buổi họp rút ngắn, sau phần trình bày tình hình “địch” của phòng 2 là chỉ thị Tư lệnh… Sáng nay, Tư lệnh ít nói. Sau vài lời dặn dò, Tư lệnh giao quyền điều khiển cho Tham mưu trưởng, sau đó cùng 3 trung đoàn trưởng, 2 trưởng phòng 2, trưởng phòng 3 vào phòng riêng họp kín.

Tư lệnh buồn bã nói với trung tá P :

“Anh phải có mặt 100%, cần tôi gọi… Tình hình nguy kịch, Sư đoàn 1 rất khó đứng vững từ khi Sư đoàn Dù rút khỏi Quân khu 1. Thuỷ quân lục chiến không đỡ nổi cho tướng Điềm đâu! Có thể đèo Hải Vân là vĩ tuyến 16 trong khi chờ đợi 1 giải pháp chính trị. Sư đoàn 3 chúng ta sẽ là nỗ lực chính của Quân đoàn, chứ không phải Sư đoàn 1. Tướng Tư lệnh Quân đoàn chỉ còn tin cậy vào Sư đoàn 3 dù trước đây Sư đoàn mang tiếng là Sư đoàn Trừng giới, Sư đoàn kém của quân đội…”

Chiều hôm đó, Khối Chiến tranh Chính trị của đại tá B, theo khẩu lệnh của tướng Hinh, tập trung nỗ lực để lập kế hoạch di tản gia đình binh sỹ khi có đánh lớn…

Vĩ tuyến 16 không là nơi cư ngụ cuối cùng…

Đèo Hải Vân không chận được những cơn gió “lo âu”,

và phòng tuyến thép Sư đoàn 3 không đủ mạnh để cho gia đình quân sỹ 1 niềm tin, dù là mong manh...




Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #16 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:48:52 am »


16- Thứ Bảy cuối cùng tại “thị trấn nhà binh” Hòa Khánh


+ Người con gái về đây trong đêm


Hội quán sỹ quan Sư đoàn tối thứ Bảy không có những chương trình văn nghệ bỏ túi như thường lệ. Từ khi Buôn Mê Thuột thất thủ, mọi cuộc vui “tốp” tại… Người con gái duy nhất phục vụ giải khát cho sỹ quan đã “chuồn” về Đà Nẵng”… Trung úy Ch, quản lý Hội quán “lặn” từ 2 ngày nay…

Chiều nay, B.H cô học trò trường nữ trung học Đà Nẵng, ca sỹ thường trực của Hội quán, tiếng hát được Tư lệnh ưa thích đã từ Đà Nẵng chạy lên Hòa Khánh năn nỉ Trưởng phòng 5 can thiệp xin cho ông anh rể ở Trung đoàn 57 về phép với lý do “mẹ đau nặng”.

- “Anh rán xin giúp em, can thiệp cho anh em về, mẹ em đau nặng, vợ anh ấy cũng bị sốt…

- “Thôi đi cô ơi! Tìm cách cho ông anh “chuồn” thì cứ nói thẳng… để anh tìm cách giúp”.

- “Chịu thua anh. Ba em nói lên đây nhờ anh “rút” anh ấy về gấp… ở lại hành quân ngày nào gia đình lo sốt vó ngày đó…”

- “Nói vậy thôi, chứ anh đâu có quyền gì… Em được Tư lệnh thích… Em cứ lên thẳng gặp ông… Chỉ có ông mới giúp được em… Tư lệnh ra lệnh thì trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng mới nghe!”

- “Em lên rủi gặp bà Tư lệnh thì chết, nghe nói bà ghen lắm”

- “Bà ở Sài Gòn đâu có ở đây mà em sợ. Vả lại ông tướng năm nay 46 tuổi, còn em mới 17 tuổi. Ông khoái em là khoái tiếng hát… chứ chuyện khác thì em khỏi lo… em bằng tuổi con ông…”

Nghe nói thế, B.H bỏ ra về, không thèm chào từ biệt.

+ Những người khách cô độc trong Hội quán


3 sỹ quan độc thân của khối CTCT cùng với 2 sỹ quan Phòng 3 ngồi đấu hót ở góc hội quán… Họ đang tranh cãi về tình hình. Các ông trung úy, thiếu úy chưa quá 25 tuổi giải đoán tình hình như đoán nước cờ trong bàn cờ tướng.

- Thế nào cũng có giải pháp

- Mỹ không bỏ rơi ông Thiệu đâu!

- Ban Mê Thuột tan hàng, ông Phú về Nha Trang tắm biển.

Viên trưởng Phòng 5 nói chuyện với 1 đại úy ở Phòng 1, quay sang “top” chương trình “bình luận thời sự” của sỹ quan trẻ :

- Anh xin can mấy chú… hãy để tâm trí mà nghĩ đến chuyện bây giờ gia đình như thế nào? Bồ mấy chú liệu có nóng ruột chờ mấy chú không? Đại loại là như vậy, còn chuyện đại sự để cho Tư lệnh, Tham mưu trưởng…

- Để cho thẩm quyền chứ…

- Anh mà quyền hạn gì, một thứ để cho Tư lệnh sai vặt. rưởng phòng cũng chẳng quyết định được gì…

Câu chuyện ngưng vì điện thoại của ham mưu trưởng gọi trưởng phòng 5 lên gặp ông

… Tối nay, đại tá H không có ở tư dinh vui đùa với 2 quý tử. Ông chỉ ghé nhà cách văn phòng không quá 100 mét để dùng cơm, rồi trở lại văn phòng… Sáng mai, bà đại ta và 2 con sẽ vào Sài Gòn… một mình ông rảnh rang… đối phó với bao nhiêu việc chờ ông và chờ “Sư đoàn trừng giới”

Vừa thấy người cộng sự đã từng chia sẻ với ông những buồn vui khi còn ở Trị Thiên, đại tá H nói ngay :

- Cậu qua trại gia binh chuẩn bị kế hoạch để ngày mai đón khoảng hơn một nghìn người gia đình binh sỹ của Sư đoàn 1 đi tàu hải quân vào đây… Đại tá L ở Huế gọi điện thoại nhờ mình cho họ tá túc.

- Chỗ đâu ở, đại tá?

- Cậu tối dạ quá! Mỗi gia đình Sư đoàn 3 nhận gia đình Sư đoàn 1… 3 hay 1 gì cũng là anh em cả… Không cần hỏi ý kiến gì… Cậu chuyển lệnh tôi cho đại úy trưởng trại gia binh phải thi hành… Cứ thế mà làm!


+ Trận đánh hôm sau :


Thiếu tá N là sỹ quan tổng trực căn cứ Hòa Khánh đêm nay… ông cùng với sỹ quan trực đi tuần tra các chốt phòng thủ gần tư dinh Tư lệnh…

Tại mỗi vọng gác, ông dăn viên hạ sỹ quan trưởng toán :

- Tụi bây cẩn thận… cho gác đôi… tao sẽ cho tăng cường đại đội trinh sát… lơ mơ sẽ bị lãnh đủ …

Trở lại phòng trực, ông điện thoại cho sỹ quan trực của các tiểu đoàn yểm trợ, dặn dò cùng 1 điệp khúc :

- Cẩn thận nghe các cha! Cứ 2 giờ mấy cha chịu khó đi tuần cho tôi với… Tôi nhắc lại cho gác đôi… cái gì, thiếu quân số… trình đơn vị trưởng tăng cường… tình hình này không thể tà tà như trước…

Dặn dò kỹ lưỡng, viên thiếu tá tổng trực tạt sang Câu lạc bộ Đại đội Tổng hành dinh uống bia… Mấy tuần trước vào những buổi tối cuối tuần như tối nay, câu lạc bộ không còn chỗ ngồi… Còn bây giờ thì vắng hoe… Ở góc bàn gần quầy, 1 thiếu úy ngồi uống bia… Cô gái, con người thầu câu lạc bộ than vãn :

- Cả tuần nay, bán ế quá thiếu tá… Chắc đầu tháng xin đại đội giảm tiền… chứ tiền lời không đủ sở hụi.

Viên thiếu úy hỏi nhỏ :

- Liệu có yên đến 1 tuần không? Biết đâu tuần sau mình cũng chạy như Ban Mê Thuột, như Pleiku?

- Thôi đi cha, nói bậy An ninh quân đội nó mời vô khám bây giờ…

- Thiếu ta nhậu với em út một tí đi… Cách đây 1 giờ gặp thằng bạn ở căn cứ Chi Lăng chồn về, đã nhậu với nó mấy chai rồi! Nghe thằng bạn nói, ớn quá.

- Nó nói cái gì?

- Nó kể tình hình ở đơn vị nó… lính hoang mang dữ lắm từ khi Quân đoàn 2 vỡ tuyến

- Quân đoàn 2 khác, Quân đoàn 1 khác.

- Khác cái gì thẩm quyền?

- Cậu không biết khác cái gì à! Ở Quân đoàn 1 có ông tướng Trưởng ngon lành

Nhìn thiếu tá N, viên thiếu úy cười tinh quái :

- Thiếu ta chưa làm lính tướng Trưởng, còn tôi trước khi là sỹ quan, đã từng là trung sỹ của lính Sư đoàn 1… Tụi nó bố ông Trưởng quá.

- Thế cậu cho ông ta không giỏi à?

- Tôi không dám nói điều đó, nhưng ai từng là lính của ông đều cói chung 1 nhận xét : “Ông gặp hên và được các tướng Mỹ đỡ đầu… Nếu ông không rời Sư đoàn 1 sớm, ở lại Huế chio đến mùa hè 1972, biết đâu ông cũng thân bại danh liệt như tướng G nhà mình!”


Sau này, trong 1 lần hàn huyên chuyện cũ, viên thiếu úy kể lại với bạn bè :

“Cái ông thiếu tá N khờ bỏ cha… cứ tưởng ông Trưởng ngon lắm! rút cuộc cũng di tản chiến thuật…”

Trong đám thính giả lần đó, có cả viên sỹ quan trực đêm cuối tuần với thiếu tá N… anh nhái giọng và diễn lại điệu bộ của viên sỹ quan tổng trực… tất cả đều cười ồ… nhưng rồi sau đó… lặng yên… hình ảnh căn cứ Hòa Khánh hẳn trở lại trong trí tưởng như 1ám ảnh nặng nề…

Trưởng phòng 5 từ trại gia binh trở về… ngày mai, trại gia binh Sư đoàn sẽ là 1 phiên chợ… hơn 1 nghìn người từ Huế vào bằng đường biển… điều đó không phải là nỗi lo của anh… nỗi lo chính là tình hình “đối phương” mà anh nhận được qua báo cáo của các toán chiến tranh chính trị… Các xã thuộc các quận Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện bàn có nhiều dấu hiệu ghi nhận sự xâm nhập từ “rừng” về đồng bằng…

Trung tá Q, Trưởng phòng 2 đã có lần nói với anh :

- Chúng ta ở thế bị động… địch thì chủ động… Chúng ta như những con bệnh ngồi chờ chết… Còn cái sư đoàn này… đã tan 1 lần… Hiện giờ quanh ta lực lượng địch “gác” ta về quân số… chúng ta cứ ở trong tình trạng “Chờ trận đánh hôm sau”.



Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:50:12 am »


17 – Đêm cuối cùng của người lính truyền tin tiền đồn


Chúng tôi bị đánh thức vào nửa đêm… Trực thăng chờ sẵn, chở chúng tôi đến ngay căn cứ ĐT để thực hiện chỉ thị của đại tá H…

“Tư lịnh muốn các cậu lên ngay đó để thực hiện kế hoạch P2… cần bàn kỹ với đại tá Trung đoàn trưởng… Trực thăng sẽ ghé ngang Chi Lăng để bốc ông V… Thật thận trọng và kỹ lưỡng”

Đáp xuống 1 tiền cứ vào ban đêm bằng trực thăng là 1 điều tối kỵ… Chỉ trong trường hợp khẩn cấp mới thực hiện phi vụ đêm… Theo tín hiệu hướng dẫn, trực thăng hạ cánh xuống bãi đáp dã chiến gần ngọn đồi của ban chỉ huy tiểu đoàn… Đại tá V và đoàn chúng tôi lao nhanh khỏi cửa trực thăng khi còn mặt đất khoảng 1 mét. Những quả pháo của đối phương có thể đón chào chúng tôi không hẹn trước… Khi chúng tôi bò lên đồi, trực thăng đã lên cao… trở về căn cứ Hòa Khánh.

Trong hầm chỉ huy, toán công tác đặc biệt của Sư đoàn cùng đại tá V và viên thiếu ta Tiểu đoàn trưởng thảo luận kế hoạch phá hủy căn cứ trong trường hợp Tiểu đoàn phòng thủ rút về tuyến sau…

Do đã chuẩn bị trước, nên buổi họp kín diễn ra trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, chừng 15 phút… trong khi đại ta V và các sỹ quan khác ngả mình trên những chiếc võng dã chiến… Chúng tôi tạt qua căn hầm T.O.T tiểu đoàn để liên lạc với T.O.T của sư đoàn. Bấy giờ trong T.O.T chỉ có 3 người : 1 sỹ quan Ban 3, 2 binh sỹ trực máy, 1 máy liên lạc với trung đoàn, 1 máy liên lạc với đại đội…

Thiếu úy P mừng rỡ khi thấy chúng tôi bước vào hầm :

- Trời! Thẩm quyền! Mấy lần về Sư đoàn ghé thăm thẩm quyền nhưng không gặp… Tình hình Huế mình ra sao thẩm quyền?

Nhìn viên sỹ quan trẻ, tuổi đời chưa quá 25, còn độc thân, tôi hiểu được anh ta không hay biết tình hình bên ngoài… “Huế” đã chạy vào “Đà Nẵng”… Cả gia đình anh cùng di chuyển xe với mẹ và 2 đứa em chúng tôi… Có nên nói cho anh ta biết hay không?...

- Thẩm quyền yên lặng như vậy… Chắc là “Huế” mất rồi phải không?

Không đợi trả lời, P đứng dậy, 2 tay giữ lấy vai chúng tôi, giọng thảng thốt :

- Thẩm quyền cho tôi biết : “Huế” chạy rồi phải không? Sao thẩm quyền yên lặng…?

Chúng tôi nhìn P, nhìn 2 người lính ngồi ở góc hầm bên cạnh những chiếc máy bay PRC 25… có lẽ tất cả ba chờ “xác nhận” để họ chuẩn bị cho ngày mai của chính mình…


Ngồi xuống bên P… Chúng tôi tóm tắt tình hình chiến sự cho họ nghe – dĩ nhiên là dấu bớt đi rất nhiều – và câu cuối hình như không là lời nói của chính mình… mà là lời nói dối trong đêm chờ sáng :

“Tình hình không đến nỗi nào đâu, dân hoảng thì dân chạy, còn tại Quân khú, tình hình quân sự không có gì căng thẳng, pháo kích lai rai”

Dù sao thì những lời nói dối đó cũng trấn an được P và 2 người lính…

- Ở Quảng Trị ra sao, thẩm quyền? - Người lính trẻ đương giữ máy liên lạc với các đại đội quay sang hỏi chúng tôi.

- Cậu người Quảng Trị… Quảng Trị dân chạy, chứ lính vẫn còn…

- Sài Gòn ra sao, thẩm quyền?

Anh lính truyền tin miền Nam cũng nôn nóng không kém gì bạn mình…

- Sài Gòn của cậu vẫn tà tà… cứ yên tâm đi.

Bấy giờ đã hơn 1 giờ sáng… Anh lính người Nam gởi máy cho người bạn trở về phòng riêng… Chỉ mấy phút sau trở lại với bi đông nước nóng… Như để giải thích cho sự vắng mặt của mình, anh nói :

- Tối nay em trực thay cho đứa bạn, nhưng bù lại nó phải nấu cho em 1 loong gô nước nóng, bỏ trà… uống để khỏi buồn ngủ… em mờ 2 thẩm quyền uống cho ấm bụng… ra ngoài hầm lạnh quá…

Nói xong, anh lính rót vào 3 cái cốc dã chiến, còn P lục 2 túi quần, lấy ra 1 gói thuốc và loong bánh quy mặn (thuộc khẩu phần lương khô).

Chúng tôi chia sẻ nhau từng chiếc bánh, điếu thuốc, và kể chuyện nhà… P nhắc lại cô bạn gái học Văn khoa Huế đã làm khổ sở P những lần về phép. Hình như bóng dáng người con gái đã làm cho P quân mất hiện tại, quên mất chiến trường. P say sửa kể… qua lời P… Chúng tôi hiểu trong tận cùng lòng anh, vẫn sáng ngời khuôn mặt của người bạn gái… và lời kết vẫn buồn vời vợi :

“Chắc là cô đó không chờ em đâu, ra trường thế nào cũng có 1 cha nội nào đó cùng lớp cuỗm mất…”

Còn người lính Quảng Trị, tên D, anh đã có gia đình, đứa con gần tròn 1 tuổi. Ước mong của anh là được nghỉ phép 4 ngày để dự ngày 1 năm của con… Nếu vào dịp khác, chúng tôi sẽ can thiệp cho anh được đi… Nhưng trong đêm đó… nghe và yên lặng. Gia đình anh đã phiêu bạt nơi nào khi Quảng Trị đạ “chạy” từ 3 ngày nay…?

Chỉ có N, anh lính người Nam vẫn còn 1 chút lạc quan. Bạn gái N bán chè ở gần chợ Bàn Cờ, rất thương N dù N là “lính chiến”… Trong 1 phút cao hứng, N rút bóp, lấy ra tấm ảnh người bạn gái rồi đưa cho chúng tôi xem :

- Thẩm quyền xem, bồ em đó…! “mát” không? Hoa khôi Bàn Cờ đó, thẩm quyền!

- Cậu ở xa vậy, không sợ “xa mặt cách lòng”?

- Em biết chứ. Những lần về phép cách đây mấy tháng, bồ em dám bỏ hàng chè 1 ngày đi chơi với em… Khi em ra phi trường tân Sơn Nhất về đơn vị, cô cũng đi tiễn em, khóc quá xa! Em nhận được thư đều đều… Cô xúi em đào ngũ…

- Thế cậu dám đào ngũ không?

- Cũng có lúc nghĩ đến… nhưng 1 phần sợ trốn không xong, bị quân cảnh bắt… lại lao động đào binh, thôi đành quay lại đơn vị… dù sao tụi em ở trong toán truyền tin cũng đỡ…!

- Cậu nói vậy không sợ tôi nhốt cậu vì dám nói ý nghĩ đào ngũ cho sỹ quan nghe?

- Thẩm quyền nói chơi, chứ tụi em cũng biết quá, bất đắc dĩ thẩm quyền, thiếu úy P, thằng D, tụi em mới phải vào lính…

Không hiểu đây có phải là sự gặp gỡ tình cờ khi trong 4 chúng tôi ngồi bên nhau đêm đó thuộc 3 miền : P gốc người Bắc, tôi và D người Trung, còn N người Nam… Và cũng không ngờ được rằng đó là lần đấu tôi gặp D, gặp N, và cũng là lần cuối cùng…

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:53:35 am »


18- Chờ sáng trên chiến hào


Khoảng 3 giờ sáng, thiếu tá Th… tiểu đoàn trưởng cầm đèn bấm đi tìm chúng tôi… Th và chúng tôi quen nhau từ những ngày còn ở Sư đoàn 1… Theo Th trở về hầm riêng của tiểu đoàn trưởng, chúng tôi không quên để lại tất cả khẩu phần mang theo cho P và 2 người lính :

“Mai tôi về lại Sư đoàn… Chúc các cậu khỏe… Có dịp về Bộ Tư lịnh, nhớ ghé qua tôi”…

Lặng lẽ nhìn nhau, rồi thôi là chia tay…

Th cho “ta-lọoc" đốt lửa để chống rét, căn hầm chữ S nên ánh sáng không thể lọt ra ngoài…

Th nhường cho tôi chiếc võng, còn anh ngồi tựa lưng vào góc hầm…

- Ông thấy đấy… tụi này đã sống như thế này hằng tháng!

- Thế đại tá V và mấy ông kia còn thức hay đã ngủ rồi?

- Ngủ ở hầm “thuyết trình”,… Họ ngủ say rồi! Tôi mời ông vào đây là để hỏi thật ông vài chuyện…!

- Chắc ông muốn biết tình hình?

- Tình hình tôi rất rõ… chỉ có đám lính, sợ chúng hoang mang, tôi cấm không cho ai mang radio theo, để ở hậu cứ hết… nghe đài tụi nó nhụt chí… Chỉ có nước thua mà thôi…

- Thế thì ông còn hỏi tôi làm gì?

- Ông là người thân cận của tướng Hinh, tôi muốn biết xa hơn… Liệu Quân khu 1 có cùng cảnh ngộ như Quân khu 2

- Tôi cũng như ông và kể cả thiếu tướng Hinh chắc cũng không biết được… Cái đó chỉ có ông đại tướng Viên, trung tướng Trưởng may ra mới trả lời được…

- Chán cả, suốt ngày cứ thủ ở đây, chỉ có hứng pháo kích… Khi nãy tôi báo cáo cho ông đại tá V là quân số còn hơn 400, thật sự còn chưa đến 200… Ông ở tham mưu thì ông biết, 1 tiểu đoàn phải trên 700, tệ lắm cũng được 500 thì mới đánh đấm được, còn chưa đến 200… Chỉ bằng quân số 1 đại đội theo lý thuyết Lính chỉ chờ dịp là chuồn, là đào ngũ… Kể ra cũng tội nghiệp…

Chúng tôi an ủi Th… động viên anh… dù biết rằng những lời nói của chúng tôi không đem lại th 1 chút lạc quan nào


Như chợt nhớ ra điều gì, Th hỏi chúng tôi :

- Hình như quân khu 2 có binh biến, lính quay súng bắn cấp chỉ huy rồi bỏ đơn vị theo Việt Cộng?

- Tôi không rõ… nhưng ở Sư đoàn 3 này… tướng Hinh đã chỉ thị cho an ninh quân đội theo dõi k4… ngăn ngừa! Còn tiểu đoàn ông?

- Cũng có ngày lính nó chịu không nổi, tôi là thằng bị chúng nó “phơ” trước tiên… nhưng hy vọng… trong thời gian chỉ huy tiểu đoàn này… tôi không làm gì ác với lính… Chắc không có tình trạng đó …

- Ông lại mâu thuẫn rồi đấy, vừa nghĩ là có, vừa bảo là không?

Không hiểu sao chúng tôi lại muốn thăm 1 vọng gác trong đêm nay tại tiền đồn… Khi nói ý nghĩ đó cho Th nghe… Th cười :

- Không, tôi không lãng mạn đâu, tôi muốn nhờ ông hướng dẫn tiếp xúc với họ… tôi cần muốn biết giờ phút này họ nghĩ gì?...

- Trong lúc chúng nó gác, làm sao ông nói chuyện được… nhưng ông muốn đi kiểm tra thì tôi dẫn ông đi… Chỉ hỏi vài câu thôi, và hỏi thật nhỏ… để “bảo mật”… Chớ tôi để ông đứng nói chuyện trong khi chúng nó gác là tôi xui tụi nó vi phạm điều lệnh lính gác… Ông rõ điều đó qua!

Chúng tôi rời hầm, theo thiếu ta tiểu đoàn trưởng đi kiểm tra tuyến phòng thủ do Đại đội chỉ huy phụ trách… có tất cả 5 vọng gác… Mỗi vọng gác đôi “2 người”… Dù lính biết là cấp chỉ huy đi tuần nhưng họ vẫn dùng mật lệnh để hỏi đáp… Tại vọng gác cuối là 1 lô cốt… 2 người lính vừa đổi phiên gác trở về hầm ngủ… 2 người lính “thượng phiên” nét mặt còn ngái ngủ…

Chúng tôi gọi 2 người lính “hạ phiên” trở lại hầm của Th để hỏi chuyện… Họ không giấu được ngạc nhiên trước hành động này… Th đã kéo họ đi sang căn hầm của chỉ huy… Chỉ còn lại chúng tôi và 2 người lính…

- Gia đình 2 anh ở đâu?

- Dạ em gia đình ở Quy Nhơn

- Còn em gia đình ở Tam Kỳ

- Anh bạn người Quy Nhơn đã có vợ con gì chưa?

- Dạ em còn độc thân

- Còn anh bạn Quảng Ngãi?

- Dạ, có vợ 2 con rồi thẩm quyền! Vợ em thợ may.

- Đã bao lâu rồi chưa nghỉ phép?

- Dạ, gần 1 năm rồi - Người lính Quảng Ngãi trả lời

- Còn em thì đã hơn 1 năm!

- Hai anh đào ngũ lần nào chưa?

- Em thì chưa, còn thằng này đào ngũ mấy lần rồi… trước nó ở Dù… đào ngũ… rồi Biệt động quân… đào ngũ, rồi về Sư đoàn này.

- Anh còn trẻ sao có vợ sớm vậy…

- Dạ, em lấy vợ khi 19 tuổi, năm nay 25 rồi… em thì không đào ngũ… nhưng trốn lính… bị bắt đưa ra Đống Đa… rồi về Sư đoàn 3…

- Sao không xin về Sư đoàn 2 cho gần nhà!

- Khi mãn khóa tân binh, em xin cũng được, nhưng nghe nói Sư đoàn 2 đánh ác liệt hơn ở Sư đoàn 3… nên cắt đâu em về đó, không xin xỏ…

- Thẩm quyền ở Sư đoàn về công tác?

- Về thăm các anh!

- Nửa đêm nghe trực thăng bay qua, em đoán thế nào cũng có các thẩm quyền Sư đoàn về… chắc tụi em thay quân… tiểu đoàn khác lên thế có phải không, thẩm quyền?

- Điều đó tôi không biết được… chỉ biết là lên đây, thăm các anh, tìm hiểu nguyện vọng… và đời sống các anh.

- Nguyện vọng của tụi em là giải ngũ, nhưng chắc còn lâu…

Nghe 2 người lính nói, chúng tôi cảm thấy ray rứt… Ngay chính chúng tôi cũng muốn giải ngũ, cũng muốn trả súng đạn, nón sắt, ba lô lại cho quân đội, để trở về với gia đình, nhưng cũng như 2 người lính nói :

- “Chắc còn lâu”.


Khi đưa 2 người lính ra khỏi hầm, chúng tôi hứa với họ sẽ can thiệp với tiểu đoàn trưởng để họ được đi phép khi đơn vị trở về hậu cứ… Chúng tôi cảm thấy ngượng khi chính mình đã nói dối… đã nói những điều không bao giờ có được vì theo kế hoạch có thể 1 ngày rất gần đây, khi áp lực đối phương gia tăng… để tránh bị bao vây… Tiểu đoàn có thể rút đi… căn cứ sẽ bị phá hủy như Quân khu 2 đã phá hủy Pleiku, Kontum và 1chiến trường khốc liệt khác chờ đón tất cả… và có ai sẽ không bao giờ trở lại với gia đình?...

Bình minh về trên chiến hào Đ.T… Cả phòng tuyến đón chào 1 ngày mới. Những người lính “hạ phiên” cuối cùng trở về chốt của tiểu đội, trung đội… Bạn bè họ đã thức dậy khi trời hừng sáng… Những loong gô nước sôi… Những bao gạo sấy… điểm tâm của người lính ngoài chiến trường quanh năm chỉ có thế!

Nhìn họ ăn, chúng tôi chạnh nhớ những bữa ăn sáng tại Hội quán Sư đoàn, cà phê sữa… phở mì… hủ tiếu… Trong khi đại ta V và toán công tác ăn sáng tại hầm chỉ huy, những món ăn do đầu bếp tiểu đoàn trưởng nấu từ khuya… Còn chúng tôi ăn sáng với 1 tổ đại liên của Trung đội vũ khí nặng thuộc Đại đội chỉ huy…

Viên trung sỹ khẩu đội trưởng mời chúng tôi ăn cơm gạo sấy đổ nước sôi với xì dầu… Giọng phân bua :

- Ngày mai mới tiếp tế, thịt ba lát tụi tôi ăn hết trơn… Suốt này nay chỉ ăn cơm với xì dầu

Khi nghe chúng tôi trách họ không biết lo xa, viên trung sỹ cười :

- Thẩm quyền thông cảm, chuyến tiếp tế vừa rồi, tôi đi phép lên, mang theo mấy xị rượu thuốc, dấu mấy cấp trên… gần tối… lai rai một chút cho đỡ buồn!

- Vợ con anh ở đâu? Trại gia binh Sư đoàn hay nơi khác?

- Trại gia binh, cách đây khgông lâu vợ tôi nó bỏ 2 đứa con cho bà nội… đi theo thằng khác… chuyến đi phép vừa rồi là đem 2 đứa con về cho ngoại… chứ bà già tôi khó tính… bà ngoại giận con nhưng thương cháu.

- Anh có làm gì để chị buồn?

- Một năm mới đi phép được một hai lần, còn những khi về hậu cứ, thì chỉ chuồn về nhà được vài đêm!... thiếu bổn phận với nó thì nó bỏ mình… Khi nào hết chiến tranh thì mới hết cái cảnh vợ lính bỏ chồng theo người khác…

Chúng tôi yên lặng nhìn nhau… Cả 2 người lính cùng tổ như hiểu được nỗi đau của viên trung sỹ… họ lặng lẽ dọn cơm lên tấm poncho và mời chúng tôi :

- Thôi, trung sỹ quên chuyện ở nhà, sẵn có thẩm quyền ở Sư đoàn về… lại ghé thăm tụi mình… Trung sỹ mời thẩm quyền… Không có gì cả… mong thẩm quyền bỏ qua


Trong những năm ở đơn vị chiến đấu, chúng tôi cũng đã nhiều lần ăn sáng như thế này, nhưng lần này, tại nơi đây, trước 3 người lính, trước viên hạ sỹ quan đương dằn vặt với nỗi đau riêng, chúng tôi có cảm tưởng như hôm đó xì dầu mặn hơn, và những hạt cơm khô hơn, dù cơm sấy vừa ráo nước. Chỉ có chúng tôi biết rằng… đây là bữa điểm tâm cuối cùng của người lính “Sư đoàn trừng giới” tại ngọn đồi Đ.T…

Trực thăng trở lại Đ.T đón chúng tôi về… Ngang qua căn cứ Chi Lăng, đại tá V xuống… còn chúng tôi ghé lên Đại Lộc trước khi trở về lại Hoà Khánh. Tại căn cứ này… chúng tôi được thông báo về tình hình tổng quát… trên các bản đồ tại Trung tâm hành quân của các căn cứ… Những chấm xanh co cụm, những chấm đỏ nhiều hơn… dấu hiệu đối phương gia tăng áp lực… Khi ghé ngang Đại Lộc, chúng tôi gặp lại Q, người bạn cùng khóa, còn lận đận với cái lon đại úy pháo đội trưởng 195 ly… Q cho chúng tôi biết nếu chiến trận kéo dài khoảng 3 ngày, pháo đội của anh sẽ hết đạn.

- Bây giờ chỉ trông cậy vào pháo binh, ở xa thì rót, ở gần thì bắn trực xạ… nhưng vấn đề là phải tiếp tế đạn kịp thời… Tiểu đoàn cũng đã trình bày tình trạng đạn dược với trung tá chỉ huy trưởng pháo binh Sư đoàn, chỉ sợ khi đánh lớn… Không tiếp tế được!

- Lính của cậu có rét vì bị pháo kích nhiều?

- Rét thì không rét nhưng chán lắm… Cứ thụ động như thế này, chỉ có nước thua… Cậu ở Sư đoàn, cậu có thấy chán không?

Chúng tôi cũng muốn nói với Q nỗi chán chường đương gặm nhấm chúng tôi từng tháng từng ngày… nhưng hình như trong cương vị 1 sỹ quan tham mưu chính của Tư Lịnh, chúng tôi chỉ biết nói dối…

Tạm biệt Đ.T, tạm biệt Đại Lộc, tạm biệt bạn bè đã gặp trong 1 đêm, trong 1 buổi sáng… để trở về Hòa Khánh… Những buổi họp đương chờ… Viên Tư lịnh Sư đoàn giờ này có lẽ đã tạm quên những ngày Chủ nhật picnic ở Nam Ô… trước mặt ông là những tấm bản đồ… những dấu xanh… dấu đỏ… Đêm qua, tại phòng tuyến Đ.T… bóng dáng của 1 cuộc chiến lụi tàn như chập chờn trong từng khoảnh khắc của giấc ngủ từng người lính ngoài mặt trận… Còn thiếu tướng Hinh, 1 tuần lễ căng thẳng đã đi qua! Cái gì chờ đón ông trong Chủ nhật này… Biết đâu là Chủ nhật dài nhất của một tư lịnh chiến trường!



Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #19 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 10:57:20 am »


19 – Tuần lễ dài nhất
.


+ Chủ nhật dài nhất của Tư lệnh chiến trường


23-3-1975 – Chủ nhật.

Tướng Hinh thức dậy từ 4 giờ sáng. Ông chỉ chợp mắt được 3 tiếng đồng hồ sau 1 ngày thứ Bảy quá mệt nhọc…

Ông lo âu nhưng vẫn tin vào số tử vi :

“Có bùa hộ mạng, khó khăn nào rồi cũng vượt qua, tiền hung hậu kiết”.

Năm Mậu Thân 1968, bấy giờ ông là đại tá Tư lệnh phó Vùng 1 chiến thuật (sau này là Quân khu 1) kiêm chỉ huy trưởng địa phương quân, nghĩa quân… Đêm giao thừa, ông trực ở Bộ tư lệnh thay tướng Lãm. 3 giờ sáng 30-1-1968 (mồng 1 Tết), Tổng hành dinh Quân đoàn bị 1 đơn vị quân giải phóng tấn công… Đại tá Hinh trình báo cho trung tướng Lãm, nhưng tướng Lãm không tin và nói “Chuyện vô lý thật”.

Đã 7 năm qua rồi, cái vô lý của tướng Lãm đối với ông luôn có lý, do đó ông không chủ quan… Đêm qua ông mất ngủ, sáng nay dậy thật sớm, hy vọng bên chén trà trong sương sớm giúp ông sáng suốt trong nhận định, để đưa Sư đoàn 3 ra khỏi sự khốn quẫn chờ đợi…

Ngày Chủ nhật, bộ Tư lệnh Sư đoàn nghỉ việc, nhưng ông chỉ thị các Phòng 2, Phòng 3, Phòng 4, Khối Chiến tranh chính trị phải ứng chiến…

Chỉ có trung tá Q, trung tá P, thiếu ta K ở lại với Tư lệnh, tất cả chuồn về Đà Nẵng, tìm cách đưa gia đình chuồn vào Sài Gòn…

Suốt buổi sáng ông ở phòng riêng với tấm bản đồ trước mắt, tư lự.

Từng giờ một, sỹ quan viên báo cho ông biết tình hình chiến sự…

May mắn cho ông, trong ngày Chủ nhật chỉ có những đợt tập kích bằng pháo… nhưng một ngày ngưng tiếng súng đối với Tư lệnh là 1 ngày chờ đợi cho 1 trận đánh lớn hôm sau….

Buổi chiều hôm đó, sỹ quan báo chí trình cho Tư lệnh những nguồn tin nước ngoài :

Tướng Weyand sẽ có mặt ở sài Gòn để hứa với tổng thống Thiệu, Mỹ sẽ không bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, 700 triệu USD viện trợ quân sự vẫn còn tiếp tục

Những chiếc máy bay khổng lồ chở các khẩu pháo và chiến xa hạ cánh phi trường Tân Sơn Nhất…Truyền hình phát lại những hình ảnh này trong phóng sự cuối tuần

Tướng Phú tiếp phái đoàn “hậu phương yểm trợ chiến trường” từ Sài Gòn

Thủ tướng Khiêm có thể từ chức

Tướng Minh có thể thay thế phó đô đốc Cang nắm tư lệnh Quân khu thủ đô…

Những bản tin không làm cho Tư lệnh nở nụ cười.


Thứ Hai : màn mở đầu của “Khúc ca bi tráng” – Tam Kỳ tan vỡ


12 giờ trưa ngày 24-3-1975 (thứ Hai) giữa cái ngột ngạt bao trùm lên cả chiến trường Quảng Đà… giữa khi Tư lệnh đương ngả mình trong chiếc ghế bành, thiếu tá Chánh văn phòng hốt hoảng báo tin :

- Việt cộng chiếm Tam Kỳ, tỉnh trưởng Quảng Tín bỏ chạy.

Tư lệnh kinh hoàng hỏi lại :

- Từ bao giờ? Tại sao trước đây 1 giờ ghi nhận là vô sự? Tại sao? Tại sao?

Viên Chánh văn phòng đứng lặng yên. Lần đầu tiên Tư lệnh thịnh nộ.

Câu hỏi của Tư lệnh đã được giải đáp 2 giờ sau.

Tại căn cứ Chi Lăng, cách Đà Nẵng khoảng 30 cây số, Tư lệnh gặp đại tá Long, tư lệnh phó Sư đoàn, đại tá Xuân, tỉnh trưởng Quảng Tín, đại ta trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 Sư đoàn 2… tất cả từ Tam Kỳ leo lên chiến xa M113 chạy thẳng ra Hương An (can cứ Chi Lăng).

Một viên sỹ quan Phòng 3 tham mưu của đại tá Long thay mặt 3 đại tá trình bày tóm tắt :

“Gần 12 giờ trưa, chúng tôi chuẩn bị nghỉ ngơi thì 1 chiếc PT 76 có cắm cờ Việt Cộng chạy thẳng vào hậu cứ Trung đoàn 5…

Lính gác hốt hoảng la lớn : “Việt Cộng! Việt Cộng!”

Cả Trung đoàn và Bộ tham mưu nhẹ của Sư đoàn vọt lên xe tháo chạy…


Tại quốc lộ 1 đi ngang qua thị xã, cũng 1 xe PT 76 chạy nghênh ngang trên đường phố

Lính địa phương quân la lên : “Việt Cộng chiếm thị xã…”

Thế là Bộ chỉ huy Tiểu khu cũng bỏ chạy.

Riêng đại tá tư lệnh phó và đại tá tỉnh trưởng ra đây bằng M113”


Tướng Hinh lặng lẽ không nói… Ông hiểu ngay sự việc…

Có thể 2 chiếc PT 76 chỉ là đợt tấn công thăm dò, nhưng quá khiếp sợ nên từ tư lệnh phó, tỉnh trưởng, trung đoàn trưởng, tá, úy, lính đạp nhau mà chạy…

Nhớ lại mỗi lần thăm các đơn vị, ông hay căn dặn các tiểu đoàn trưởng : “Phải huấn luyện cho binh sỹ tập thuần thục súng M72 để chống tăng Việt Cộng, chỉ cần bắn trúng đích, 1 phát M72 đủ khả năng đốt cháy 1 xe tăng…”

Trước khi ra về, ông quay lại bắt tay các đại tá Long, Xuân và nói :

- Chỉ cần 2 tay súng M72 đủ ngăn chặn đợt tấn công 2 chiếc PT 76… Ấy thế mà các anh không làm nổi!...


Lại báo động từ khi Tam Kỳ thất thủ.

Chiều hôm đó, tại bến xe Đà Nẵng, hàng chục xe tải từ Tam Kỳ chạy ra, chở theo hàng nghìn người hốt hoảng di tản…Tin Tam Kỳ thất thủ loan truyền rất nhanh.

Chiều hôm đó, tại chợ Cồn hàng hóa tăng vọt, từ đoàn người từ Huế vào, Từ Tam Kỳ đổ về chợ để mua thực phẩm dự trữ cho những ngày sắp đến… Trường học bị dân di tản xông vào chiếm nghụ. Các phòng học trở thành phòng ở, và sân trường ngổn ngang đồ đạc…

+ Ngày 25… “Những người bạn của Sư đoàn Trừng giới không còn nữa”


Buổi họp hàng ngày bị hủy bỏ, tướng Hinh và đại tá H không còn giữ nổi bình tĩnh… Giải phóng quân đã chiếm được Huế, Quảng Ngãi, bao vây cứ điểm cuối cùng của Sư đoàn 1 tại Thừa Thiên và của Sư đoàn 2 tại Quảng Ngãi.

Riêng tại Quảng nam, tướng Hinh điều 1 trung đoàn vào giữ phòng tuyến phía nam Thăng Bình để ngăn chặn các đợt tấn công của giải phóng quân từ Tam Kỳ đánh ra… Một số quân miền núi Quảng Nam được lệnh di tản… Trung đoàn 56, Trung đoàn 2 chuẩn bị rút về tuyến sau bảo vệ vòng đai Đà Nẵng… Trung đoàn 5 Sư đoàn 2 tạm thời thuộc quyền điều động của tướng Hinh…

Giao cho đại tá H điều động Bộ tham mưu, tướng Hinh vào căn cứ Chi Lăng để điều động Trung đoàn 57 giữ phòng tuyến Thăng Bình, phòng tuyến cực nam của Sư đoàn 3 và của Quân đoàn 1.

Trước đây, khi còn đại tá Ch, tư lệnh phó – tướng Hinh giao cho viên đại tá thâm niên này mọi công tác liên quan đến hành quân, nhưng bây giờ Tư lệnh đảm trách lấy. Tiểu đoàn của đại tá Th được đánh giá là thiện chiến nhất. Trong suốt 25 ngày giao tranh lớn với 1 đơn vị chính quy của Quân khu 5… Tướng Hinh chỉ hy vọng ở Trung đoàn 57 và Trung đoàn 2. Sư đoàn 1 tan rã, Sư đoàn 2 cùng chung số phận…

Cùng ngày 25-3, thiếu tướng Nguyễn Xuân Trang ra Đà Nẵng để kiểm tra lại tổng kho tiếp vận ở đây… mà Sư đoàn 3 giờ phút đó trở nên nỗ lực chính của Quân đoàn và của quân lực Việt Nam Cộng Hòa…

Ở tuyến đại Lộc, đại tá H hết bốc phét. Ông lo sợ, số phận Trung đoàn 2 biết đâu cũng như số phận của Trung đoàn 56 ba năm về trước tại chiến trường Trị Thiên…

Tinh thần lính suy sụp, ngoại trừ tân binh người Nam còn trụ lại với đơn vị, một số đông binh lính gốc người Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam chuồn về nhà để lo di tản gia đình.

Sáng ngày 25-3, tướng Smith và tướng Lâm Ngươn Tánh gửi ra Đà Nẵng hơn 10 chiếc tàu vận tải để lập cầu hải vận Đà Nẵng – Sài Gòn. Các phi đoàn vận tải của Sư đoàn 3, Sư đoàn 5 không quân được gửi ra Đà Nẵng để thếit lập c6àu hàng không di tản…

Nhiều đơn vị địa phương quân bỏ tuyến phòng thủ, tự động rút về Đà Nẵng, rồi sau đó tan hàng, mỗi người một ngả...


+ 26-3… Tuyến phòng thủ cuối cùng hấp hối


Lại 1 buổi họp thường lệ bị hủy bỏ. Tướng Hinh về Quân đoàn để họp khẩn. Tại đây, ông gặp lại tướng Điềm, tướng Nhựt… và cả tướng Lân, Tư lệnh Thủy quân lục chiến… Theo kế hoạch của tướng Trưởng, phòng tuyến cuối cùng của Sư đoàn Trừng giới đồng thời là phòng tuyến của cả Quân đoàn 1 sẽ thu hẹp từ nam đèo Hải Vân đến cầu Vĩnh Điện (Điện Bàn). Quân của Sư đoàn 1 sẽ tập trung tại Hòa Cầm án ngữ phía tây, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 57 giữ phòng tuyến từ Điện Bàn đến Hòa Vang, Trung đoàn 56 ứng chiến, 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến bảo vệ vòng đai Đà Nẵng…

Trong khi tướng Trưởng đương rối đầu vì sự co rúm của Quân đoàn, đài phát thanh Sài Gòn loan tin :

“Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa chỉ thị cho chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư lệnh Sư đoàn 1 và đại ta Nguyễn Hưu Duệ, Tỉnh trưởng Thừa Thiên trở lại Huế để chỉ huy phản công”…

Nhưng quân lính còn đâu nữa?

Chiều 26, Bộ tham mưu Sư đoàn đến làm việc với Ban chỉ huy Trung đoàn 5 vừa ở Tam Kỳ chạy về hôm 24-3. Đại tá H muốn hồi sinh Trung đoàn này, may ra có thêm lực lược tăng cường phòng thủ… Nhưng lấy đâu lính để bổ sung? Đại tá H không tìm được câu trả lời…

Chiều 26, các xe phóng thanh của Tiểu đoàn 10 chiến tranh chính trị chạy khắp thành phố đọc quân lệnh của tướng Điềm :

“Các quân nhân Sư đoàn 1 về tập trung tại Nam Ô để nhận công tác…”

Một số sỹ quan cao cấp của Sư đoàn 1 đã đến Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 để mượn xe tìm cách đưa gia đình ra phi trường hay ra cảng Tiên Sa… Những chiếc Jeep của họ đã gửi lại tại cửa Thuận An…

Trên đường tháo chạy, lính Sư đoàn 1 không còn tuân lệnh sỹ quan. “Tại Sư đoàn Trừng giới, tướng Hinh còn, kỷ cương vẫn còn, dù là không được như xưa.” Văn phòng đại tá Tham mưu trưởng đông khách. Sỹ quan chánh văn phòng phải vất vả tiếp họ thay đại tá Tham mưu trưởng, đó là khách từ Huế vào gặp đại ta để mượn phương tiện hay xin nhà tạm trú…

Cũng vào những giờ phút đó, trên các tuyến phòng thủ cuối cùng ụ pháo súng vẫn nổ rền… dù cuộc chiến chưa đến cao điểm… pháo binh phản pháo vào những mục tiêu mà trước đây là các căn cứ của Sư đoàn 3…

6 giờ chiều, tướng Hinh được báo cáo :

“Trung đoàn 57 rút toàn bộ về phòng thủ Điện Bàn… Các trung đoàn còn lại bố trí theo kế hoạch… Tướng Điềm được cử làm quân trấn trưởng Đà Nẵng, phụ giúp tướng Hinh ổn định tình hình…”

Tối 26-3, tướng Hinh mời tướng Điềm dùng cơm và sau đó vị Tư lệnh Sư đoàn 1 ngủ lại ở phòng riêng tướng Hinh bù cho những đêm mất ngủ ở căn cứ Giạ Lê…

Logged
Trang: « 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM