Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:30:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tuần lễ dài nhất của Sư đoàn Trừng Giới  (Đọc 42376 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 11:00:03 am »


20- Ngày N-1

.


+ 27-3 Buổi họp cuối cùng… Nhật lệnh cuối cùng
.


… “Buổi tối hôm qua, tướng Điềm tâm sự với tôi : Bảo vệ được đèo hải Vân là bảo vệ được Đà Nẵng”

Tư lệnh đã mở đầu cuộc họp tham mưu bằng lời tâm tình trên…

Hôm nay, trên bản đồ thuyết trình của Phòng 2 và Phòng 3 chỉ còn lại những chấm xanh từ Hải vân đến Điện Bàn, và những chấm đỏ chiếm cả vùng rộng lớn từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi. Trưởng phòng 2 lặng lẽ chỉ những điểm đóng quân của đối phương cho Tư lệnh và Bộ tham mưu xem rồi sau đó rời bục thuyết trình. Trung tá P, Trưởng phòng 3 cũng không nói gì. Tấm bản đồ không còn nhiều chấm xanh đã thay bài thuyết trình thường lệ…

Tướng Hinh quay lại nhìn từng sỹ quan tham mưu… rồi chậm rãi nói :

“Chúng ta đã buớc vào tuần lễ cuối cùng của tháng 3, tuần lễ dài nhất của tháng, và chắc là của cả năm 1975 : Phòng tuyến thu hẹp nhưng chúng ta có đến 6 chục ngàn quân từ các nơi com lại, tất cả đều thuộc quyền chỉ huy của Tư lệnh Sư đoàn 3. Tướng Trưởng đã giao cho tôi toàn quyền chỉ huy phòng tuyến cuối cùng của Quân đoàn. Giờ phút này Sư đoàn 3 đảm trách nhiệm vụ người con trưởng”.

Cùng buổi sáng đó tại chi khu Điện Bàn, 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 57 ra sức đào hố chiến đấu để bảo vệ tuyến đầu của mặt trận.

Thị xã Hội An, thành phố cổ và cũng là thành phố chết… Một số dân chạy về Đà Nẵng hoặc về quê – Họ ra đi để tránh những cuộc giao tranh sắp sảy ra…

Tại thành phố Đà Nẵng, xe phóng thanh của Ty Thông tin loan báo :

“Đồng bào di tản chuẩn bị túi xắc, sẽ có tàu chở về Nam, không được mang theo đồ đạc cồng kềnh”

Tin đó càng làm nản lòng những người lính Sư đoàn Trừng giới, những cột xương sống của cả Quân đoàn 1 trong những ngày hấp hối.

.

Buổi chiều 27, trên chuyến bay trực thăng thị sát Đà Nẵng, tướng Hinh chứng kiến cảnh đau lòng :

Hàng vạn người đổ xô ra cảng Tiên Sa và phi trường Đà Nẵng đợi tàu hoặc máy bay, và nếu dùng viễn kính, ông sẽ thấy có cả một số sỹ quan thân yêu của Bộ tư lệnh Sư đoàn 3, nhưng người đã được ông ưu ái, ban ơn. Họ bỏ đi không chia xẻ với ông trong những giờ phút nguy kịch này…


+ Khi Tư lệnh tâm tình với chiến hữu Sư đoàn Trừng giới.

.
19 giờ ngày 27-3, tại phòng làm việc của Tư lệnh, tướng Hinh gọi Trưởng phòng 5 lên…

Ông hỏi han tin tức gia đình của người cộng sự trẻ tuổi… hỏi tình hình Đà Nẵng…

Viên Trưởng phòng buồn bã nói :

“Thưa thiếu tướng, Đà Nẵng quá rối loạn. Toà thị chính ước đoán hiện nay có 500.000 người từ các nơi đổ về Đà Nẵng, giá sinh hoạt tăng vọt, ngoài đường lính nhiều hơn dân, cướp bóc đã xảy ra… Dù quân cảnh đã cố gắng ngăn chận, nhưng vô ích… Tình trạng quá bi đát”

Tướng Hinh yên lặng… Cả ông và viên Trưởng phòng nhìn nhau…

Một lát sau, Tư lệnh nói :

“Tôi đã thị sát tình hình Đà Nẵng qua trực thăng… quá rối loạn. Tôi đã yêu cầu tướng Trưởng lên đài phát thanh trấn an dân chúng… nhưng tướng Trưởng lặc đầu trả lời : “Tổng thống nói dân chúng cũng không tin, huống hồ là Tư lệnh Quân đoàn”… Bay giờ thì chúng tôi lên tiếng… Tôi đọc cho cậu chép nhật lệnh của tôi… cho in gấp gởi đến từng quân sỹ, may ra lấy lại niềm tin chủa anh em…”

Bản nhật lệnh ngắn, khoảng 20 dòng, đoạn kết ông nhấn mạnh :

“Sự nghiệp chống cộng sẽ tiêu ta nếu chúng ta nản lòng… trong giờ phút nghiêm trọng của lịch sử, tôi kêu gọi các chiến hữu hãy giữ vững niềm tin để tiếp tục chiến đấu… Quân đội không bao giờ quên công lao của các chiến hữu”.


Viên trưởng phòng 5 đứng dậy… trong tư thế nghiêm, anh nói với tướng Hinh

- Giờ phút này xin phép thiếu tướng cho tôi được trình bày ý kiến riêng… Đúng ra điều này tôi phải nói trong phiên họp tham mưu buổi sáng, nhưng thấy thiếu tướng quá mệt mỏi nên tôi muốn trình bày riêng…

- Cậu cứ nói, kể cả những điều không tốt đẹp!

- Kính thiếu tướng, theo tôi chúng ta không giữ nổi Đà Nẵng không phải vì đại quân của tướng Chu Huy Mân, mà còn vì sự nổi dậy của quân chúng…

Tướng Hinh kinh ngạc trước lời trình bày của người cộng sự :

- Cậu nói sao, dựa vào đâu cậu có nhận định như thế?

- Thưa thiếu tướng, tin tình báo chiến tranh chính trị ghi nhận, Ban Binh vận và Thị ủy Đà Nẵng, Tỉnh Ủy Quảng nam đã có những bộ phận xâm nhập vào Đà Nẵng. Họ đương chỉ đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền… Thêm vào đó, nạn cướp bóc mà thủ phạm không ai khác là lính từ các nơi chạy về, Sư đoàn 3 thì ít thôi… Dân chúng than oán chế độ, không tin những gì tổng thống nói… Về phía quân sỹ, như thiếu tướng đã biết, gần nửa quân số rã ngũ về với gia đình. Chỉ có Trung đoàn 57 là có quân số hơn 2/3 tại hàng… Tình hình nguy mất…

Nét mặt Tư lệnh như tái đi, sau lời trình bày của viên trưởng phòng tâm lý chiến…Gian phòng yên lặng… Tư lệnh đứng dậy đến bên viên trưởng phòng mà Tư lệnh thương nhất… Đặt tay lên vai người sỹ quan thân tín, Tư lệnh nói:

- Có lúc tôi cũng đã nghĩ đến tình huống như cậu trình bày… Nhưng làm thế nào được, tình hình đã quá nguy kịch… chỉ còn mong Mỹ nhảy vào, gỡ thế bí cho chúng ta!

- Kính thiếu tướng, những quả bom B52 không giải quyết được tình thế… vận nước đã đến lúc đổi thay!...

- Thôi, cậu về, cố gắng cho in gấp nhật lệnh của tôi… Còn nước còn tát

Đứng nghiêm chao Tư lệnh, ra khỏi phòng, viên trưởng phòng nói với sỹ quan tùy viên Tư lệnh:

- Thiếu tướng ra nhật lệnh, yêu cầu quân sỹ giữ vững niềm tin, nhưng thiếu tướng quên mất họ đã mất lòng tin…



Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 11:02:57 am »


21- Ngày cuối cùng của một cuộc chiến


Sáng 28-3, Tư lệnh gặp riêng các trung đoàn trưởng. .. Tất cả đều khuyên Tư lệnh nên hủy bỏ bản nhật lệnh mà phòng tâm lý chiến định phổ biến…

Đại tá V nói thẳng với Tư lệnh :

- Kính thưa thiếu tướng, giờ phút này chúng ta nên im lặng là tốt nhất, tổng thống kêu gọi binh lính cũng không nghe… niềm tin đã mất… Tout est perdu… Đúng ra chúng tôi cũng muốn bỏ đơn vị về lo gia đình… Nhưng vì danh dự của 1 cấp chỉ huy… chúng tôi ở lại… Các đơn vị Sư đoàn 3 giờ này chưa bỏ chạy chỉ vì họ còn thương thiếu tướng… chớ tổng thống Thiệu thì khỏi nói… ở lại không phải vì “chính nghĩa quốc gia”… mà vì tình người… không nỡ bỏ nhau vào lúc này…

Nếu 1 dịp khác, đại tá V sẽ bị ra tòa vì xúc phạm đến tổng thống, nhưng giờ phút này, sự bất mãn của các sỹ quan cao cấp đối với tổng thống đã biểu lộ rõ rệt…

Trung tá T mới nắm quyền trung đoàn trưởng chưa đầy 3 tháng, yên lặng và tiếc nuối cái lon đại tá mà ông mong chờ, có lẽ sẽ không đến với ông. Còn đại tá H, không còn hùng hổ… mặt ông ta tím lại… không hiểu vì giận hay vì lo sợ…


+ Những giờ phút cuối cùng tại Trung tâm hành quân

Ngày thường tại Trung tâm hành quân nhộn nhịp vì cường độ hoạt động… nhưng sáng nay, ngoài viên hạ sỹ quan quân cảnh kiểm soát cửa ra vào, chỉ còn lại 3 sỹ quan và 5 hạ sỹ quan. Nhân viên trung tâm hành quân đã chạy về Đà Nẵng, ra phi trường hoặc về Tiên Sa để chạy chọt 1 vé tàu cho gia đình di tản…

Từng tin tức ở mặt trận gởi về báo tin các phòng tuyến bị pháo kích dữ dội… yêu cầu tải thương… Viên thiếu tá trung tâm trưởng đứng ngồi không yên, anh đương tìm cách chuồn để về lo gia đình… Qua máy liên lạc, anh nhận được những “hung tin” từ các trung đoàn gởi về… Quân sỹ đào ngũ… Một số đại đội trưởng, trung đội trưởng bỏ đơn vị… có nhiều đại đội không còn sỹ quan, chỉ có viên thượng sỹ già, ở thường vụ đại đội…

Viên thiếu tá nói với 1 trung úy sỹ quan ứng trực :

“Chắc Sư đoàn không thọ nổi quá 1 ngày… Ở Đà Nẵng, đủ các thứ lính cùng với gia đình ra bến Bạch Đằng… phi trường… cảng Tiên Sa để chuẩn bị chạy… Cậu chưa vợ, gia đình ở xa thế mà yên thân…”


+ Bữa cơm cuối cùng tại hội quán


12 giờ trưa ngày 28-3, hội quán sỹ quan Sư đoàn chỉ còn lại không quá 10 sỹ quan…

Tướng Hinh, đại tá H dùng cơm tại phòng riêng không đến hội quán như thường lệ, đại tá B đã xin phép Tư lệnh “nghỉ phép” trước hạn định thay vì nghỉ từ 1-4-1975… Ông xin Tư lệnh cho ông "gác kiếm" từ ngày 27-3… Giờ này ông ở Đà Nẵng chạy vé máy bay chuồn gấp vào Sài Gòn.

Trong bữa cơm buồn tẻ, thiếu úy A thuộc khối CTCT tường thuật lại cảnh tượng ở Đà Nẵng mà anh đã chứng kiến sáng nay …

“Theo lệnh tướng Điềm, quân trấn cử 1 đoàn tuần tra gồm có 1 “command car” do quân cảnh mở đường, 2 chiếc GMC chở 2 đội tuần tiễu ngang qua Chợ Cồn. Người quân cảnh vẫy tay gọi 3 người lính đang đi lang thang trên đường Hùng Vương, nhưng họ không đứng lại… bỏ chạy. Một hạ sỹ quan quân cảnh dùng súng M16 bắn theo làm chết 1 binh sỹ… Cả Chợ Cồn hỗn loạn sau tiếng súng… Tướng Điềm cho lệnh bắn bỏ những quân nhân đi hôi của ở các đường phố…”

Cùng ngồi bàn ăn với A có 2 sỹ quan trẻ của Trung đoàn 2 và Trung đoàn 56 từ mặt trận chuồn về để tìm cách dọt về Sài Gòn.

Có người hỏi họ:

- “Thế các cậu không sợ đại úy T, đại đội trưởng quân cảnh dẫn độ các cậu ra tòa vì tội bỏ ngũ trong đơn vị hành quân?”

- “Thẩm quyền nói vậy, chứ giờ này đại uý T đang ở phi trường Đà Nẵng, còn các trung đoàn cũng làm lơ cho tụi em dọt… Đứa nào ở thì ở, đứa nào lặn thì lặn… Thẩm quyền biết không… Giờ đây ở Trung đoàn 56 của em, cao lắm là còn lại chừng 1/3 quân số. Sỹ quan thì lặn đến 2/3. Còn lại rất ít…”


+ Tờ trình quân số cuối cùng của trung tá trưởng Phòng 1


2 giờ chiều, trung tá Ch, trưởng Phòng 1 và chúng tôi đi kiểm tra quân số phòng thủ quanh vòng đai Hòa Khánh. Tại mỗi nơi, thay vì tập hợp điểm danh theo chỉ thị của Tư lệnh, trung tá Ch gặp sỹ quan quân số đơn vị, ghi nhận theo báo cao miệng. Riêng quân số các trung đoàn được ghi nhận qua điện thoại…

Tại các đơn vị yểm trợ: pháo binh, thiết giáp, truyền tin, công binh, quân y… doanh trại vắng hoe, nếu cho lệnh tập họp điểm danh theo đầu người, chắc quân số tại hàng không quá 1/5, nhưng sỹ quan nâng quân số lên 4/5 để khỏi bị khiển trách.

5 giờ chiều, trung tá Ch và chúng tôi trình với Tư lệnh :

“Quân số tại hàng có hơn 12.000 đủ khả năng để bảo vệ phòng tuyến khi bị tấn công…”

Nghe xong, Tư lệnh nói:

“Thế là 48.000 quân đương chiến đấu tại phi trường, cảng và bến Bạch Đằng”.

Sau câu nói đó là tiếng thở dài của Tư lệnh, vị tướng duy nhất còn nắm quân trong tay… Nhưng 12.000 quân đó, chỉ là con số qua báo cáo…

- Trung tá C, chỉ huy trưởng pháo binh không có mặt, cả bộ cỉ huy pháo binh chỉ còn lại 2 sỹ quan, 1 đại úy và 1 trung úy.

- Trung tá L, thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 11 có mặt, người có cấp bậc cao nhất tại thiết đoàn là 1 thiếu úy.

- Đại tá H… trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 không có mặt, bộ chỉ huy trung đoàn chỉ còn lại 1 sỹ quan trực…

Tư lệnh không ngạc nhiên trước “báo cáo” này… Ông chỉ than :

“Tất cả chuồn ra cảng và phi trường rồi…”

Tư lệnh cho gọi các trưởng phòng chỉ còn lại trung tá Q, trung tá P, thiếu tá K và đại tá H, tham mưu trưởng…

Tất cả đã đi rồi…


+ Nửa giờ cuối cùng với tướng Trưởng

18 giờ 15 (chiều 28-3), tùy viên báo trung tướng Trưởng ghé thăm bộ tư lệnh…

Tướng Hinh đón tướng Trưởng tại sân bay trực thăng. Chiếc xe quân cảnh mở đường đưa vị tư lệnh Quân đoàn về văn phòng tư lệnh không còn hụ còi như thường lệ… Đoàn xe buồn bã đi qua căn cứ… Sau xe quân cảnh, xe chở tướng, tướng Trưởng và 1 xe chở 2 sỹ quan cấp tá của Quân đoàn…

Tại sân cờ, hàng rào sỹ quan danh dự không đủ mặt như những ngày trước, chỉ có đại ta H tham mưu trưởng và 3 sỹ quan dàn chào Tư lệnh.Tướng Trưởng bắt tay vội vã từng người rồi cùng tướng Hinh vào phòng riêng. Chúng tôi có mặt trong những giây phút im lặng đáng nhớ này. Ly cà phê đậm rót mời tướng Trưởng, yên lặng bên bao thuốc lá còn nguyên, 2 tư lệnh nói chuyện với nhau :

- Tôi đã báo cho tổng thống tình hình Đà Nẵng… có lẽ rồi cũng đến như Quân đoàn 2…

- Thưa trung tướng, chúng ta rút về đâu?

Tướng Trưởng nói nhỏ với tướng Hinh. 2 người thầm thì… Sau đó tướng Trưởng gọi trung tá Trưởng phòng 3 ra lệnh chẩn bị bay… Không còn vẻ mặt lạnh lùng, tướng Trưởng bắt tay thật chặt từng sỹ quan…

Vài phút sau trực thăng mất hút…

Mãi đến hôm tôi mới biết đó là cái bắt tay vĩnh biệt của tướng Trưởng dành cho chúng tôi…


+ Ngọn lửa thiêu đốt lý lịch một sư đoàn


10 giờ tối, Tư lệnh trở về… gọi chúng tôi lên, ra lệnh :

“Các phòng đốt toàn bộ hồ sơ, gọi thiếu tá Đào Thương cho lệnh phá hủy tổng đài… Báo cho các đơn vị ngừng liên lạc với Sư đoàn… Mật hiệu về hướng Đông, nói thế là các trung đoàn hiểu… Chúng ta di tản vào Nam…”

Dù đã biết trước “cái gì đến phải đến” nhưng cả bộ tham mưu còn lại bên Tư lệnh giờ cuối, tất cả đều bàng hoàng.

Những ngọn lửa đốt vội vàng, bập bùng trong đêm tối, thiêu hủy lý lịch 1 sư đoàn chỉ vỏn vẹn có 3 tuổi chiến trường đầy gian nan và thử thách. Tiếng súng nổ chát chúa từ tổng đài truyền tin vọng lại… Không đủ thức tỉnh cả ngọn đồi Hòa Khánh ngủ say trong đêm…

Khi trực thăng chở Tư lệnh, tham mưu trưởng và các sỹ quan thân tín cất cánh, số quân nhân còn lại ở Bộ tư lệnh không quá 100 người, vội vã dùng mọi phương tiện phóng nhanh về Đà Nẵng để tìm gia đình.

Trực thăng bay cao… Hòa Khánh chìm trong đêm… Cũng vào giây phút đó, phi trường Đà Nẵng bốc lửa vì đạn 122 ly từ Nam Ô rót vào… Đà Nẵng “ngày trong đêm”, từng đoàn người, đoàn xe nối đuôi nhau vượt cầu Trịnh Minh Thế qua Tiên Sa. Con đường hàng không quân sự bị tắc nghẽn, chỉ còn con đường biển của hải quân là niềm hy vọng cuối cùng của những người di tản. Giữa những người ra đi, hàng ngàn quân nhân đủ các loại binh chủng, từ trung tá, thiếu tá cho đến anh binh nhì chen lấn, giành nhau tìm đường ra quân cảng…

Riêng Tư lệnh và Bộ tham mưu chính dùng tiểu đĩnh tra tàu lớn…

Từ 12 giờ đêm đến 12 giờ sáng hôm sau, các phòng tuyến của các trung đoàn 2, 56, 57 tự động tan rã… Đạp về hướng Đông có nghĩa là chạy về biển cả… Gần trưa, các phượng hoàng (trung đoàn trưởng) hớt hải trên bờ biển Đà Nẵng tìm đường vào Nam.

Đà Nẵng rợp cờ giải phóng vào lúc 11 giờ 30 ngày 28-3-1975, quần chúng nội thành đã nổi dậy cùng với cơ sở hạ tầng…


Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #22 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2008, 11:03:51 am »

22- Thay lời kết “gởi người tư lệnh”

.

…Không biết những dòng chũ này có đến tay Tư lệnh hay không. Từ giây phút chúng tôi đứng nghiêm chào “vĩnh biệt” Tư lệnh tại quân cảng Tiên Sa, quay về với gia đình… ấy thế mà đạ 15 năm, thảm kịch về các tiểu đoàn của 3 trung đoàn chắc Tư lệnh đã rõ… 7 trong 9 tiểu đoàn ở lại Đà Nẵng vì không tìm được hướng đi… 1/3 số trưởng phòng và đơn vị trưởng yểm trợ ở lại gia đình… Chúng tôi không ở bên Tư lệnh trong những ngày tháng lưu lạc ở Vạn Kiếp, rồi ở Guam trong tháng 4-1975.

Như Tư lệnh đã nói “Sư đoàn Trừng giới” sẽ trải qua những tuần lễ dài nhất, và tuần lễ dài nhất cuối cùng đã đến trong mồ hôi, trong âu lo, trong sợ hãi… và trong máu thịet của những người ngã xuống vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh…

Gợi lại chuyện cũ, chúng tôi muốn quên đi những dấu vết chiến trường… quên đi tất cả… còn nhớ lại chăng là hình ảnh ngọn đồi Hòa Khánh đầy trong sương mùa đông, đẹp và quyến rũ… là con đường xuôi về Đại Lộc, Thượng Đức, ngược về Quế Sơn, Tiên Phước với lúa trổ bông 2 bên đường trong mùa gặt… là cơn lạnh giá buốt miền Trung những ngày tháng Chạp, là gió Tây Nam vào những ngày hè – thu.

Xin giữ lại trong nhau tình người và tình tự quê hương. Xin gửi lại cho Tư lệnh và bạn bè ở Mỹ những dấu vết chiến tranh, những tháng ngày bom đạn, những phòng tuyến máu lửa của 2 mùa hè 72, 75…

15 năm trôi qua kể từ ngày Tư lệnh ra đi… Với chúng tôi, ở lại đất nước này chỉ vì yêu thương quê hương. Quê hương rất nghèo nhưng giàu tình thương đã che chở chúng tôi trong những ngày tháng gian khó, để hôm nay, gởi đến Tư lệnh những dòng thư của người cộng sự mà 15 năm trước được Tư lệnh yêu thương và nâng đỡ.

Gởi đến Tư lệnh và bạn bè tia nắng ấm của quê hương vào những ngày đầu hè

TPHCM cuối tháng 3-1990

Lê Hiếu Ánh
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM