Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:23:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại  (Đọc 53856 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #60 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:09:13 am »



BIÊT PHÁI VÀO TRƯỜNG SƠN


NGUYỄN VĨNH
(Nguyên Đội trưởng Đội Khảo sát
Công binh Đoàn 559
Nguyên Đại tá Binh đoàn Trường Sơn)





         Tôi đang khẩn trương tham gia khảo sát thiết kế đoạn đường sắt Vinh đi Sa Lung thì có giấy triệu tập về Viện Thiết kế Giao thông.

         Vừa về đến Viện, đồng chí Nguyễn Nam Hải, Phó Viện trưởng gọi lên thông báo cho tôi biết rằng, tôi sẽ vào công tác ở Trường Sơn. Tháng 4 năm 1965, tôi cùng một số cán bộ kỹ thuật Viện Thiết kế nhận quyết định của Bộ Giao thông vận tải biệt phái vào Bộ Tư lệnh 559, tham gia mở đường Trường Sơn.

Ông Phan Trọng Tuệ đang tắm tại một khe nước của núi rừng Trường Sơn năm 1965.

         Tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn dẫn cán bộ, công nhân Viện Thiết kế và một số cán bộ các cơ quan khác vào nhận nhiệm vụ. Đoàn chúng tôi được giao áp tải 12 xe gaz 63 chở hàng hậu cần vào giao cho công trường. Tôi chỉ định các trưởng xe, phổ biến nội quy hành quân lên đường, quy định địa điểm trú quân cho mỗi ngày. Được phổ biến, địch đã mở rộng đánh phá ra toàn miền Bắc, nhiều cầu phà trên đường số 1 đã bị đánh sập, đoàn xe chúng tôi phải lắp đèn gầm chạy ban đêm. Ngày nghỉ đêm đi, lấn sáng lấn chiều mà cũng phải mất 7 đêm mới đến "R" tại Khe Ve đầu đường 12, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

         Vào căn cứ, chúng tôi được Tư lệnh Đoàn 559, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ trực tiếp giao nhiệm vụ. Ông nói ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của tuyến đường, động viên chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, đồng sức đồng lòng "vì miền Nam ruột thịt". Ông chân tình căn dặn chúng tôi: nhân dân nước bạn còn nghèo nhưng tinh thần chống Mỹ cao, Việt và Lào phải đoàn kết trong nhiệm vụ chung, phải tôn trọng giúp đỡ nhân dân nước bạn để cùng chung tay đánh Mỹ. Tư lệnh còn dặn dò, chỉ bảo cho chúng tôi các chặng đường đi tới công trường bộ, nhắc nhở qua địa phận Seng Phan phải gắng tranh thủ đi thật nhanh tránh nước lũ, đường ngập sẽ không đi được. Tư lệnh dặn dò thật tỉ mỉ, chúng tôi như cảm nhận được rằng ông vừa đi kiểm tra thực tế về. Gần gũi thân tình như vậy, cấp trên và anh em như không còn khoảng cách. Tôi thay mặt anh em trong chuyến đi hứa với Tư lệnh sẽ phấn đấu làm tròn nhiệm vụ cấp trên đã giao.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #61 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:12:16 am »



         Hôm sau, theo đường 12 đến Cha Lo trời đã có mưa. Vượt đèo Mụ Giạ qua đất Lào mưa to hơn, đường đã trơn trợt, đến Xóm Péng thì đường lầy lội xe không thể đi được. Chúng tôi phải hành quân bộ hơn hai chục kilômét nữa mới đến được Tha Pa Chôn, nơi công trường bộ đóng quân, bàn giao xe hàng cho hậu cần và nhận nhiệm vụ công trường giao.

         Tôi nhận nhiệm vụ cùng anh em ở Viện Thiết kế cùng đi chuyến xe, thành lập một tổ mới, khảo sát đoạn từ Xóm Péng đi Tha Pa Chôn, tiếp nối với tổ khảo sát anh Trần Văn Cư và tổ anh Nguyễn Tiến Duy đang ở phía ngoài. Đã vào chính mùa mưa. Mưa ở Lào thật khó tả, mưa không giống nơi nào trên đất Việt. Mưa liên tục suốt ngày đêm, vừa mưa to vừa gió lớn. Cành cây khô ải mục, nhiều cành cây tươi vẫn gãy đổ xuống rừng, đã có tai nạn do cây đổ như vậy. Đường sá lầy lội đi lại khó khăn vất vả, nhưng nhớ lời động viên của Tư lệnh Thiếu tướng Phan Thanh Xuân (mật danh của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ ở chiến trường), anh em chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, sớm giao được đồ án cho đơn vị thi công.

         Khi công trường mở thông đến Lùm Bùm, đạt hai phần ba chiều dài đoạn đường công trường 128 đảm nhận, tôi được gọi lên Phòng Công binh thuộc Bộ Tham mưu Công binh Đoàn 559 nhận nhiệm vụ mới. Thượng tá Tham mưu Phó Nguyễn Văn Nhạn, phụ trách công binh, giao cho đồng chí Nguyễn Xuân Tiểu, nguyên là Chỉ huy Phó Công trường 113, Trưởng phòng Kỹ thuật Công trường 128 và tôi có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và trực tiếp giúp đỡ kỹ thuật cho các tổ kháo sát ở Công trường 128 và Công trường 20, lúc này gồm 6 tổ rải quân từ Phong Nha (Việt Nam) đến Lùm Bùm (Lào). Đồng chí Nhạn cho chúng tôi biết tuyến đường 20 là tuyến đường khó về mặt kỹ thuật, địa hình phức tạp, nhiều đèo dốc cao, suối sâu, khối lượng đá lớn, nhiều cầu cống. Tư lệnh chỉ thị cho cơ quan Tham mưu Công binh phải chọn cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm đảm nhiệm việc này. Một lần nữa tôi lại thấy Tư lệnh quan tâm đến cả những vấn đề kỹ thuật cụ thể như vậy.

         Chúng tôi ra Phong Nha, kiểm tra kỹ thuật khảo sát, duyệt thiết kế từ đông sang tây tuyến đường 20. Các tổ khảo sát phía đông đường 20 làm việc rất khẩn trương, không kể mưa gió, dốc đèo. Địa hình cả 4 tổ khảo sát đều phức tạp, nhưng phức tạp nhất vẫn là đoạn giữa từ Ba Thang đến Cà Roòng.

         Hai tổ phía tây, khó khăn nhất là đoạn cua chữ A, đường lên xuống ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích. Nhờ có cán bộ kỹ thuật được lựa chọn từ ban đầu có chất lượng chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, công trình khó khăn phức tạp đến mấy cũng có thể hoàn thành.

         Hai công trường 20 và 128 đã hoàn thành nhiệm vụ thi công tuyến đường 20, tuyến cửa khẩu thứ hai từ hậu phương sang chiến trường, tránh túi nước Seng Phan ngập lụt trong nhiều tháng. Những năm sau đó, suốt cả thời gian vận chuyển hậu cần, binh khí kỹ thuật phục vụ cho các chiến trường, đường 128 và đường 20 đã phát huy tác dụng là hai tuyến đường quan trọng nhất trong hệ thống đường Trường Sơn.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #62 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:16:31 am »



         Ngày 25-11-1965, sau khi hoàn thành khảo sát hai tuyến đường này, Đội Khảo sát Công binh trực thuộc Cục Tham mưu Công binh Bộ Tư lệnh 559 được thành lập, tập hợp các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật làm công tác khảo sát thiết kế từ Bộ Giao thông vận tải biệt phái vào Đoàn 559.

         Sau đó, khi thành lập Cục Tham mưu Công binh, Phó Viện trưởng Viện Thiết kế Giao thông Nguyễn Nam Hải chuyển sang làm Phó Cục trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác khảo sát thiết kế và mở đường mới trên khắp chiến trường. Đến năm 1975, mạng đường cơ giới Trường Sơn đã có 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 20.000 kilômét.

         Như mong ước của Đảng, Chính phủ và Quân đội phải mở tiếp, mở nhiều đường cơ giới thông tuyến vào tận chiến trường mà Tư lệnh Phan Trọng Tuệ được giao trọng trách cùng Bộ Tư lệnh Đoàn 559 thực hiện từ đầu năm 1965. Từ những chiến tích ban đầu đó, những năm sau Bộ đội Công binh Trường Sơn, với nhiều trung đoàn, sư đoàn thiện chiến có tay nghề cao, đã mở được một hệ thống đường ngang dọc, thông suốt để xe vận chuyển vật chất, binh khí kỹ thuật vào chiến trường đánh to thắng lớn.

         Đặc biệt, mùa Xuân năm 1975, đại quân ta, xe tăng, pháo binh từ miền Bắc thần tốc rầm rộ theo con đường Trường Sơn vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ông Phan Trọng Tuệ chụp ảnh với cháu gái ruột Phan Vi Dân, thanh niên xung phong làm đường Trường Sơn năm 1966.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #63 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:20:32 am »


LÍNH KHẢO SÁT THIẾT KẾ 559

NGUYỄN CÔNG NGHÊ
(Nguyên chuyên viên UBND thành phố Hà Nội )








         Tôi nhận quyết định của Bộ Giao thông vận tải "đi công tác đặc biệt". Chỉ có gia đình được biết, không được mang theo các giấy tờ có chữ Việt. Thời ấy, tôi là trung cấp cầu đường, chuyên đi nghiên cứu khảo sát thiết kế các tuyến đường Tây Bắc, Việt Bắc.

         Lệnh đi công tác chỉ báo trước hai ngày, tối 17-4-1965 phải có mặt tại 80 Trần Hưng Đạo để nghe đồng chí Bộ trưởng dặn dò trước khi lên đường. Đoàn chúng tôi gồm 21 anh em, tôi là Nghệ, đồng chí Dần, đồng chí Nhâm và đồng chí Miết cùng cơ quan Viện Kỹ thuật giao thông, số còn lại đa phần ở Viện Thiết kế giao thông. Đoàn được bố trí chiếc xe mô nô của Liên Xô do đồng chí Đẩu lái. Cứ xem cung cách chuẩn bị tư trang, máy móc thiết bị khảo sát thiết kế, mỗi ngươi một khẩu K44 chưa bóc tem, hẳn chúng tôi biết là đi mặt trận khảo sát rồi.

         10h đêm ngày 17-4-1965, xe xuất phát tại 80 Trần Hưng Đạo - Hà Nội trụ sở Bộ Giao thông vận tải theo hướng Nam tiến, ngày nghỉ đêm đi để tránh máy bay địch phát hiện. Đến đêm thứ bảy thì xe rẽ phải theo hướng tây qua Cha Lo; 8h sáng 24-4-1965, tại một địa điểm thuộc bản Tha Pha Chon (huyện Bu Ra Pha - tỉnh Khăm Muộn, Lào) cả đoàn an toàn khoẻ mạnh có mặt tại địa đầu của tuyến đường. Nhớ lại, ngay từ khi đặt chân đến bản Tha Pha Chon, buổi tiếp xúc đầu tiên giữa đoàn quân đi trước, lính khảo sát 559 với nhân dân và chính quyền địa phương như có một lực hấp dẫn kỳ lạ về tình quân dân Việt - Lào. Trưởng bản, các ông bố, bà mẹ và các em nhỏ đến chào đón, họ mang theo xôi để trong "típ", thịt thú rừng, các loại hoa quả như xoài, chuối, dừa để chung vui cùng bộ đội. Thấy tôi nói tiếng Lào thành thạo, họ bắt chuyện rất đỗi thân mật. Nhiều anh em hỏi tôi vốn tiếng Lào có tự bao giờ - Tuổi thơ của tôi gắn liền với thành phố bên sông Mê Kông, thành phố Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn, đối diện bên kia sông là thành phố Na Khon của Thái Lan. Năm 1946, ngày 21-3, giặc Pháp gồm bộ binh từ ngoài và máy bay ồ ạt ném bom đánh chiếm thành phố. Trận ấy, Việt kiều ta có trên 2.000 ngươi ngã xuống, máu loang đỏ cả khúc sông, xác ngươi trôi lềnh bềnh. Số còn lại vượt sông lánh nạn sang Thái Lan, tôi theo cha mẹ vượt sông thoát chết, năm ấy tôi lên 11 tuổi. Với lòng căm thù giặc khôn nguôi, tuy nhỏ tuổi nhưng tôi đã theo cha anh hoạt động bí mật một lòng hướng về Bác Hồ, mong đợi ngày trở về trả thù giặc và tôi đã tình nguyện vượt sông tham gia bộ đội giải phóng Thà Khẹc, giải phóng Trung Lào 1953 - 1954.

         Cái duyên tiếng Lào đã theo tôi suốt những năm tháng cuộc đời kể từ độ ấy. Và chính tại Công trường 128, Đoàn 559 này, tôi là phiên dịch duy nhất của Ban Chỉ huy.

         Năm tháng trôi đi, anh lính khảo sát kiêm phiên dịch ngày ấy còn lăn lộn với đoàn khảo sát thiết kế của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam giúp Lào khảo sát thiết kế tuyến đường sắt thông ra biển chạy dọc quốc lộ số 9, nối liền cảng Đà Nẵng Việt Nam và thành phố Sa Văn Na khệt - cũng là thành phố bên sông Mê Kông - sự việc xảy ra cách đây đã 30 năm.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #64 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:23:09 am »



         Sau buổi tiếp xúc giữa anh em khảo sát và nhân dân địa phương, đồng chí Hồ Sĩ Dậu Trưởng đoàn nhận bàn giao với Bộ Tư lệnh 559 đã phân công anh em tiến hành ngay công việc. Hướng tuyến đã được trên duyệt, từ rừng Trường Sơn đại ngàn nay biến thành đường cho xe cơ giới chạy.

         Các đơn vị thi công cơ giới và công nhân các công trường thuộc Bộ Giao thông vận tải từ ngoài Bắc vào, các đơn vị thanh niên xung phong biên chế cấp tiểu đoàn lần lượt tập kết quân sẵn sàng chờ lệnh.

         Trước tình hình khẩn trương, đội khảo sát thiết kế phải phân đoạn, chia nhau làm để có tài liệu bàn giao cho bên thi công. Việc đi tuyến, cắm mốc, phát tuyến thật vất vả, phải chọn địa hình địa vật thích hợp vừa rút ngắn cự ly, vừa giảm được khối lượng đào đắp, ít cầu cống. Nhiều lý trình phải làm đi làm lại cây rừng nào phải chặt, cây nào giữ lại để che chắn máy bay khó phát hiện. Trèo đèo, lội suối, luồn rừng, lên dốc lại xuống dốc. Mưa như trút, quần áo ướt sũng, ướt rồi lại khô, giày dép rách bươm, tất chống vắt thiếu, anh em phải cắt ống quần ra tự khâu mà dùng. Vắt nhiều đến nỗi không kịp phát hiện khi thấy máu thấm đỏ áo quần thì chúng đã hút máu mình căng tròn và tự rơi. Nạn ong đốt khi giẫm đạp phải tổ là chúng bổ vào đốt cho bươu đầu phát sốt. Ngày làm vất vả, tối phải căng võng ngủ rừng thì vắt và muỗi cũng không tha. Những đoạn tuyến đi gần bản có thể mượn nhà sàn để anh em ngả lưng khi mệt mỏi nhưng cũng là mối nguy hiểm nếu không phòng trành máy bay như nấu ăn, phơi phóng để lộ màu sắc khác thường hoặc đi lại thành đoàn đông người là máy bay đến bắn phá tan tành cả bản. Tuyến dài trên 100km nhưng anh em phải đi đi lại lại cả ngàn km mới quyết định được.

         Lính khảo sát thiết kế chúng tôi thường đi trước, đến trước và biết trước nhưng chưa ai hiểu sự "trước" ấy mà anh em phải tự lực cánh sinh mọi mặt sinh hoạt giữa nơi rừng thiêng nước độc chưa có dấu chân người. Cũng may mà cứ đến mỗi bản, chính quyền địa phương lại chọn cử một người am hiểu địa hình địa vật đi theo anh khảo sát, cũng chui rừng lội suối, cũng chịu vắt bâu bám khắp người, máu thấm đẫm áo quần mà vẫn lặn lội cùng khảo sát kể cả dìu bước anh em dọc đường bị lên cơn sốt, khênh cáng thương binh. Cũng vì sự "trước" ấy mà nhiều ngày anh em phải nhịn cơm ăn cháo, thiếu thuốc men, quân trang, quân dụng vì tác nghiệp cuối tuyến mà kho cấp phát đầu tuyến, vì trời mưa úng ngập cả khu rừng...

         Tình hình khẩn trương nên Bộ Tư lệnh, cán bộ lãnh đạo phải theo sát từng lý trình, xuống tận nơi thị sát thực tế để chỉ đạo, động viên kịp thời. Những tưởng sau khi bàn giao xong tài liệu toàn tuyến, anh em được xả hơi. Nhưng không, họ phải chia nhau bám sát các trọng điểm địch đánh phá tắc đường. Ở đâu cần lại có khảo sát, họ lại luồn rừng băng qua bom đạn để tìm tuyến tránh. Khi bên thi công thiếu cán bộ, trên lại điều anh em làm cán bộ kỹ thuật. Lính khảo sát 559 như thế đó...




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #65 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:24:58 am »



         Tháng 5 nắng nhạt, báo hiệu mùa mưa bắt đầu, mưa Trường Sơn thật khủng khiếp, mưa như trút nước, không có ánh nắng 5, 6 tháng liền. Tiếng sét đánh, tiếng máy bay nhào lộn thả bom bắn phá suốt ngày đêm, toàn bộ cây rừng trước xanh tới nay chất độc đã làm rụng hết lá, bom phạt đổ ngổn ngang. Chúng thả cả những cành cây giả thu phát xe máy của ta. Thả cả mìn nom như cục đá dăm để sát thương bộ đội. Cứ 6h tối, loại máy bay C130 đi thả pháo sáng, sáng đến mức đọc được báo; pháo sáng soi bước tiến của Bộ đội Trường Sơn đang ngày đêm đào núi mở đường. Tiếng máy thi công, tiếng mìn phá đá chặt cây át cả tiếng bom đạn của kẻ thù. Không khí một đại công trường thật hối hả, náo nức tất cả vì tuyến đường Quyết thắng làm cho tâm hồn mọi người cũng cảm thấy phấn chấn, quên cả lo âu gian khổ, dám xả thân vì  sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Từng ngày, từng ngày, con đường cho xe cơ giới cứ tiến dài lên phía trước hướng vào miền Nam.

         Tôi nhớ cuối mùa mưa 1965, khi tôi đang là Đội phó Kỹ thuật D4 thanh niên xung phong Thanh Hóa (đồng chí Hoàng Đạc là Đội trưởng), Bộ Tư lệnh điều về Phòng Tham mưu Công binh của đồng chí Nam Hải để chuẩn bị đón Tư lệnh 559 Phan Trọng Tuệ sang thăm công trường 128.

         Tin bay đi toàn công trường, anh em chờ đón để báo cáo với Tư lệnh những thành quả phi thường về tiến độ hoàn thành công việc trước sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù, đồng thời để Tư lệnh biết đến khó khăn thiếu thốn và những cực nhọc của anh em kể cả hy sinh tính mạng khi đang tác nghiệp. Suốt dọc đường ở đâu có anh chị em đang làm việc, Tư lệnh dừng xe động viên họ, thăm nơi ăn nghỉ, dặn dò việc phơi phóng, nhất là chị em nữ, không để máy bay phát hiện, thăm bếp ăn không khói. Đến thăm một đoạn đường "rông đanh" thấy anh em dùng dây rừng neo buộc, đồng chí giao cho quân nhu cấp dây thép, gợi ý cách nêm cài sao cho khi xe đi qua không bong bật. Đến đoạn đường trống trải, đồng chí yêu cầu trồng cây, cỏ ngụy trang để hạn chế máy bay đánh phá. Đến thăm bệnh xá, đồng chí biết rằng sau mùa mưa tỉ lệ sốt rét, ốm đau lên đến 50-60%.

         Chuyến thăm của Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đến Trường Sơn đã để lại ấn tượng trong anh em về một người thủ trưởng có tác phong nhanh nhẹn hoạt bát, thoăn thoắt như ẩn hiện, sâu sát tình hình.

         Sau chuyến thăm của Tư lệnh Phan Trọng Tuệ, công trường 128 phát động thi đua nước rút, tranh thủ mùa khô đẩy nhanh tiến độ thi công. Và thật bất ngờ, tháng 5-l966, công trường đã hoàn thành tuyến đường 128 dài 176km. Để đánh giá thành quả đạt được, các đơn vị đều được cử đại biểu về dự tổng kết trong 2 ngày 24 và 25-5-1966 tại bản Na Cha Ling. Trên đỉnh Trường Sơn từ nay ghi dấu ấn một con đường vì miền Nam ruột thịt, đường Trường Sơn quyết thắng. Trong cái vui của công trường, tôi cũng thật vui vì được
kết nạp Đảng, được công trường tặng giấy khen hai lần. Và đặc biệt được Chính ủy 559 Vũ Xuân Chiêm tặng bằng khen. Lễ kết nạp Đảng của tôi đã được tổ chức tại công trương bộ, rừng Na Cha Ling, dưới ảnh Bác Hồ, Đảng kỳ là nhiều hoa lan rừng rực rỡ do anh em khảo sát đem về. Niềm vui chung và vui riêng thật ấn tượng, sâu sắc nhất đời của tôi, anh lính khảo sát thiết kế 559.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #66 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:30:04 am »



TRÁNH TÚI NƯỚC XIÊNG PHAN -
GIẢI PHÁP TÁO BẠO HỮU HIÊU

HOÀNG NGỌC CHÂU
(Nguyên Phó phòng Kỹ thuật Công trường 128 - Nguyên Đại tá Binh đoàn Trường Sơn)








         Tháng 4 năm 1965, hàng trăm cán bộ kỹ thuật cùng hàng ngàn công nhân xây dựng cầu đường nhận lệnh biệt phái cho Đoàn 559. Bộ Giao thông vận tải tổ chức từ A đến Z công trường mang tên gọi 128 mở đoạn đường cùng tên từ đèo Mụ Giạ, biên giới Lào - Việt xuyên qua tỉnh Khăm Muộn Trung Lào đến Na Bo trên đường số 9 thuộc huyện Mường Phìn tinh Xavannakhét, Hạ Lào.

         Trừ những đoàn cán bộ kỹ thuật nhận nhiệm vụ khảo sát thiết kế đi trước sang đến đất Lào vào cuối mùa khô, còn số đông lực lượng thi công, nhân lực và xe máy đều đã gặp những trận mưa đầu mùa.

         Đã gần một năm nay, kể từ những vụ oanh tạc ngày 5-8-1964, ở thị xã Vinh, và Hòn Gai, đế quốc Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh phá hoại trên cả hai nước Việt và Lào. Chúng đã đánh phá đường số 1, đường 15, phá hoại những cầu lớn Đò Lèn, Hàm Rồng... thả pháo sáng cầm canh trên các bến như Bến Thuỷ, Sông Gianh... ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

         Các đoàn công trình phải hành quân đêm. Gian nan, vất vả nhất là đội thi công cơ giới Công trường 6 do đồng chí Nguyễn Trí Tuệ chỉ huy, hơn ba chục xe máy thi công gồm máy húc, xe ben, máy khoan đá ... và hàng ngàn quân cả nam lẫn nữ. Đây là đội thi công cơ giới mạnh nhất thời đó của Bộ Giao thông vận tải được điều động sang cho Đoàn 559.

         Cuối tháng 5, đã vào mùa mưa ở Lào. Theo dân địa phương năm nay mưa đến sớm hơn mọi năm. Mưa ở tây Trường Sơn không giống một nơi nào trên đất nước Việt Nam kể cả vùng miền núi phía đông Trường Sơn. Mưa kéo dài cả ngày lẫn đêm, suốt ngày này sang ngày khác từ cuối tháng 5 đến tháng 10. Mưa xối xả, mưa liên tục... Tại đây không còn có khái niệm quy luật "mưa không qua ngọ, gió chẳng đến mùi" như bên đất Việt.

         Lúc này ta đã có con đường 129, nối đường 12 đến đường số 9 một con đường dã chiến do Bộ đội Công binh Quân khu 4 thi công từ sau chiến dịch Trung Lào giải phóng hành lang phía đông tỉnh Bôlikhămxay.

Ông Phan Trọng Tuệ (đứng giữa) đi kiểm tra đoạn đường làm "rông đanh" chống lầy đường 128 (bên Lào) năm 1965.

         Từ tháng 5, do mưa sớm không thể chạy trên đường này được nên đội xe hơn 100 chiếc của quân đội do đồng chí Sắm chỉ huy án binh bất động, phải tranh thủ co kéo nhau lên vị trí cao hơn để tránh ngập, che đậy bạt bảo vệ hàng hoá trên xe lúc đó là vũ khí, và thuốc quân y. Với tinh thần "Vì miền Nam ruột thịt" để tranh thủ yếu tố bất ngờ, Công trường 128 đội mưa thi công ban ngày. Mưa đã làm đổi ngược thế cờ: lực lượng thủ công là chính, còn xe máy làm ở những nơi có thể, không thể lấy cơ giới làm chủ lực như dự kiến ban đầu. Khó khăn chồng chất khó khăn: không có đường vận tải không tiếp tế được lương thực, hậu cần, phải tính toán phân chia khẩu phần từng lạng gạo hàng ngày cho hết mùa mưa, xăng dầu cũng phải có dự trữ đề phòng những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.





Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #67 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:32:33 am »



         Seng Phan, vị trí trọng yếu đầu đường 128, cách Mụ Giạ 29 kilômét là cửa ngõ của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Tuy nhiên vùng Seng Phan lại là một lòng chảo, xung quanh là những dãy núi cao. Giữa lòng chảo có sông Sê Băng Phai, một con sông lớn chảy về sông Mê Kông. Tại đây có đến 4 dòng sông nhánh hội tụ, đó là các sông Nậm In, Nậm Ngo ở phía bắc và sông Nhà Vẹt, sông Pắc Pha Năng ở phía nam chảy về. Chiều dài lòng chảo khoảng 20 kilômét, chiều rộng trung bình 10 kilômét. Sông Sê Băng Phai chảy len lỏi ngoằn ngoèo giữa các ngọn núi ngọn đồi về phía tây của khu vực này. Địa hình thiên nhiên như vậy, nước lũ thoát chậm ứ đọng lại ở lòng chảo lâu hơn các vùng xung quanh.

         Đường 128 do công trường 128 tổ chức thi công, đầu tháng 10 vào mùa khô năm 1965 đã thông từ Mụ Giạ xuống Na Bo trên đường số 9. Phía Nam từ Bản Đông vào Bạc do Trung đoàn 98 thi công đã thông xe trước mùa mưa năm 1965 và đoạn từ Bạc vào Tà Xẻng ngã ba biên giới ba nước Đông Dương do Trung đoàn 279 thi công từ tháng 5 năm 1965 cũng sẽ hoàn thành vào đầu năm 1966. Nhưng từ Xeng Phan (Km29/128) đến nam Xóm Péng (Km60/128) đang bị ngập lụt cho đến tháng 11, nên tuy đã vào mùa khô nhưng đoạn phía trong không phát huy được tác dụng.

         Bộ Tư lệnh 559 đã có nhiều giải pháp khắc phục trở ngại thiên nhiên này không những để hoàn thành công trình mà còn để cứu đói cho các lực lượng phía trong. Từ đầu mùa mưa Bộ Tư lệnh đã cho thi công đường tránh 050 tránh đèo Mụ Giạ, vận chuyển đường sông, lợi dụng nước lũ kéo phuy xăng, dầu vào phía trong nhưng các biện pháp đó cũng chỉ cấp cứu tạm thời. Gần cuối mùa mưa, nước đã bắt đầu rút. Những nơi cao đã lộ nền đường, nhưng đường thi công trong khu vực rừng già nhiều đất mùn, lắng đọng lại lâu đời gặp nước lũ thành một vệt bùn nhão. Sử dụng máy húc đẩy bùn đi nơi khác thì mùn hai bên đường lại chảy xuống tiếp tục phủ kín mặt đường. Biện pháp dùng "rông đanh" lúc đó thành phổ biến cho các đội thuộc Công trường 128, lúc này được phân công bao đảm giao thông tải địa đoạn mình đã thi công. Anh chị em công nhân, thanh niên xung phong, có ngày huy động cả cơ quan công trường chặt những đoạn cây có đường kính 10 đến 15 centimét, ghép sít nhau theo chiều ngang đường, hai bên chọn các cây gỗ dài thẳng làm bó vỉa giữ chặt mảng rôngđanh sao cho bằng phẳng. Liên kết bó vỉa và cây rông đanh bằng giây thép 0,3 đến 0,5 centimét. Hết nguồn dây thép thì dùng dây mây, song, thậm chí dây rừng buộc chặt. Toàn công trường thực hiện tích cực biện pháp này. Có đoạn, chiều dài rông đanh liên tục đến 40 ki lô mét. Xe của Tổng cục Hậu cần tranh thủ di chuyển từng chiếc một vào phía trong.

         Rồi tháng 11 cũng đã đến! Nắng phủ khắp rừng Lào. Cây rừng nhanh chóng hồi phục. Hết mưa, nắng lại liên tục từ ngày này sang ngày khác. Nắng, gió đã làm nền đường khô ráo dần dần. Công trường lại phải gỡ rông đanh để xe vận tải gia tăng tốc độ.

         Chứng kiến cây rừng đã mấy tháng chịu đựng mưa bão xác xơ nay đã xanh tươi, cán bộ công nhân, thanh niên xung phong Công trường 128 phấn khói sung sướng vẫy chào đoàn xe gaz 63 lăn bánh trên con đường được thi công trong gian khổ khó nhọc cả một mùa mưa. Lương thực, thuốc chữa bệnh, các nhu yếu phẩm cũng được bổ sung, sức khoẻ được hồi phục nhanh chóng, toàn công trường hăng hái bước vào nhiệm vụ mới.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #68 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:36:47 am »


         Bộ Tư lệnh 559 đã hiểu rất rõ mùa mưa của Lào nói chung và tình hình cụ thể vùng Sang Phan nói riêng. Từ tháng 4 năm 1965, Tư lệnh 559 đã cùng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng nghiên cứu tìm biện pháp khắc phục.

         Thời điểm này vận chuyển cơ giới từ hậu phương sang tây Trường Sơn để vào chiến trường miền Nam chỉ qua con đường độc đạo, đường số 12 từ Khe Ve đến Mụ Giạ dài 45 kilômét để sang đường 128. Đường 16 từ Thạch Bàn mới mở được 40 kilômét đến Cầu Khỉ, nam Quảng Bình muốn hoàn thành đến Bản Đông trên đường 9 còn phải thi công 80 kilômét nữa. Nếu đường 12 bị tập trung đánh phá thì cửa khẩu Mụ Giạ hoàn toàn tê liệt, không thể vận tải cơ giới được. Vì vậy phải tìm một con đường khác thuận lợi hơn, phải mở thêm một cửa khẩu nữa, phân tán sự đánh phá của địch về phía Nam.

         Tham khảo ý kiến tỉnh Quảng Bình và các chuyên gia giao thông, công binh thời đó, sau khi thống nhất với Bộ Tư lệnh 559, Thiếu tướng - Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Nam Hải, Phó Viện trưởng Viện Thiết kế Giao thông, tổ chức khảo sát tuyến đường từ Phong Nha đến biên giới Lào - Việt.

         Do tầm quan trọng của con đường, nhiệm vụ đòi hỏi khẩn trương nên một đoàn khảo sát đặc biệt được thành lập. Quyền Viện trưởng Viện Thiết kế Giao thông làm trưởng đoàn, Thiếu tá Mai Sơn, Phó đoàn, đồng chí Nguyễn Đình Tuấn tổ trưởng kỹ thuật, 10 cán bộ kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và một tổ điện đài 15w là thành viên.

         Đoàn khảo sát xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn vì tài liệu còn lưu giữ tại ngành Giao thông cho biết "các chuyên gia tầm cỡ thời Pháp thuộc khẳng định với địa hình địa thế Quảng Bình, ngoài đường 12 không còn nơi nào có thể làm đường ôtô vượt Trường Sơn sang đất Lào được nữa".

         Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559, Đại tá Vũ Xuân Chiêm, trực tiếp động viên và giao nhiệm vụ cho các đồng chí phụ trách đoàn khảo sát, nêu rõ yêu cầu phải khẩn trương, giữ bí mật, và phải thiết kế nhanh kịp cho các đơn vị thi công. Phó Chính uỷ cho biết thời gian này đang khẩn trương tuyển quân tại các địa phương.

         Chủ nhật 27-6-1965 đoàn khảo sát lên đường. Xe Gaz 63 được Liên Xô trang bị mới tinh chở đoàn hành quân. Anh em hạ ghế cạnh thành xe ngồi thoải mái. Giữa thùng xe chất đầy ba lô cá nhân, trang thiết bị khảo sát, điện đài, xoong nồi. Gạo và thực phẩm, chuẩn bị đủ cho hai tháng làm việc tại hiện trường.

         Sau khi nghe báo cáo, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh 559 tán thành phương án kiến nghị. Tư lệnh chỉ thị khẩn trương triển khai ngay bước thiết kế kỹ thuật, đồng thời Bộ Tư lệnh cũng có nhiều quyết định cụ thể tạo điều kiện cho Công trường 20 thi công, trong đó có phương án điều động đủ quân số theo yêu cầu, cấp đủ bộc phá đánh đá, huy động bổ sung đủ phương tiện xe máy thi công...

         Lực lượng khảo sát thiết kế phía đông Trường Sơn chia thành 4 tổ, phân chia địa đoạn khảo sát định tuyến đáp ứng yêu cầu vừa thiết kế vừa thi công:


         - Đội trưởng khảo sát công trường 20 Hà Đình Huỳnh phụ trách từ Phong Nha đến đầu bản Tân Trạch, phục vụ đơn vị thi công lúc này đã tập kết tại cửa rừng. Đồng chí Tường Duy Hùng đảm nhiệm công tác định tuyến.

         - Đội Khảo sát của Ty Giao thông Quảng Bình do Đội trưởng Đinh Nho Nhiên, một cán, bộ kỹ thuật lâu năm đã công tác từ thời chống Pháp, đảm nhận từ biên giới đến U Bò.

         - Đoạn giữa khó khăn nhất chia cho 2 tổ: tổ Phi Đình Tuấn đảm nhiệm từ Đồng Tiền lên Khe Ró và tổ Hoàng Tường từ Khe Ró lên U Bò. Dốc Đồng Tiền và đèo Ba Thang, trong đoạn này là hai điểm phức tạp về địa hình nhất trong toàn tuyến đường.




« Sửa lần cuối: 18 Tháng Giêng, 2010, 11:18:31 pm gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #69 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2010, 05:39:21 am »




         Do yêu cầu bố trí lực lượng thi công, tổ Hoàng Tường lại chia thành hai tổ, Cao Trung phụ trách làm từ Khe Diêm lên U Bò, Hoàng Tường từ Khe Ró lên Khe Diêm.

         Ngoài cán bộ kỹ thuật và công nhân khảo sát các tổ được bổ sung một số dân công xã Thượng Trạch đảm nhiệm việc phát tuyến. Lúc này, mưa đã chuyển dần từ tây Trường Sơn qua đông Trường Sơn. Các đơn vị khảo sát không những phải giải quyết những phức tạp về địa hình, địa thế mà còn phải khắc phục về thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ. Có hôm, buổi sáng sớm lên tuyến còn lội bộ qua suối, chiều về trời mưa nước suối lên cao, chảy xiết, anh em phải chọn cây rừng cạnh bờ suối đủ độ dài, chặt cho đổ đúng hướng qua suối làm cầu mới về lán được. Là tuyến đường đi qua địa hình phức tạp, mũi nào cũng có khó khăn, nhưng khó khăn nhất là đoạn từ dốc Đồng Tiến đến Ba Thang lên Khe Ró toàn vách đá dựng đứng. Anh em khảo sát đã đi lại nghiên cứu nhiều phương án, nhưng chưa tìm được phương án nào đạt mong muốn. Nhờ một người dân tộc A Rem dẫn đường, anh em đã tìm được lối lên đèo Ba Thang. Các cán bộ kỹ thuật khảo sát đã tính toán rất kỹ lưỡng: muốn vượt đèo Ba Thang với độ dốc 12% thì phải nâng chân dốc lên 4 mét và hạ đỉnh đèo xuống 5 mét. Giải pháp đó sẽ tránh được vách đá dựng đứng trên tuyến mà trước đó Phi Đình Tuấn đã dự kiến sử dụng phương án khoét đào hàm ếch đoạn đường đá này như đã làm ở Tây Bắc.

         Phía Tây Trường Sơn, vào tháng 8 năm 1965, sau khi đã có hướng tuyến thị sát, hai tổ khảo sát của Công trường 128, tổ Trần Văn Cư và tổ Nguyễn Tiến Duy chia nhau khảo sát bước thiết kế kỹ thuật đoạn đường từ Lùm Bùm sang phía đông để hợp điểm với tổ khảo sát của đồng chí Đinh Nho Nhiên.

         Mặc dầu cùng trong một địa bàn huyện Bua La Pha tỉnh Khăm Muộn, nhưng 15 kilômét từ Lùm Bùm đến Ka Tốc, địa hình tương đối dễ chịu, nhưng về phía đông lại rất khó khăn.

         Dãy núi Phu La Nhích chạy theo hướng đông bắc – tây nam, chân phía tây là Nậm Chà Là, chân phía đông là Nậm Ta Lê. Chà Là và Ta Lê là hai nhánh sông đầu nguồn của sông Sê Băng Phai, một con sông tương đối lớn cắt huyện Bua La Pha sang huyện Nhôm Ma Rát, chảy về hướng tây bắc.

         Từ Lùm Bùm đến phía tây Phu La Nhích, đường chim bay chỉ có 22 km phải vượt độ cao 400m nên phải hai yên ngựa phù hợp, triển tuyến đổ xuống hai bên sườn núi, chiều dài phải đủ 40 kilômét mới đảm bảo độ dốc cho phép 12%.

         Tương tự như vậy phía đông sông Ta Lê, tổ Trần Văn Cư phải thả dốc từ hợp điểm đã xác định với tổ khảo sát đường 20 Đinh Nho Nhiên nhiều lần mới tìm được đúng vị trí ngầm Ta Lê. Vị trí ngầm lý tưởng này do hai cán bộ kỹ thuật Dương Chấn Vượng và Nguyễn Bá Thanh đã rất chịu khó, thả dốc nhiều lần từ phía tây sang mới tìm được. Vị trí ngầm là một thác nông về phía đông tương đối bằng phẳng nửa phía tây chỉ có một đoạn sâu hơn dài 6 mét, dùng giải pháp làm ngầm rọ đá thi công nhanh, đơn giản. Ưu điểm cơ bản của ngầm này là máy bay khó đánh trúng ngầm, nếu đánh vào đoạn thác thì không có hiệu quả, nếu đánh trúng đoạn ngầm bằng rọ đá thì cũng dễ khắc phục.

         Sau 45 ngày khảo sát trong mùa mưa, đầu tháng 10-1965, hai tổ khảo sát của Công trường 128 đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát thiết kế kỹ thuật đoạn phía tây Đường 20.

         Đồng chí Nguyện Xuân Tiểu khi đã lặn lội duyệt xong hướng tuyến cho 4 tổ đoạn phía đông, sang duyệt tuyến phía tây, kết thúc nhiệm vụ duyệt tuyến thực địa đường 20.




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM