Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:52:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại  (Đọc 53857 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #50 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:31:37 am »



         Đúng lúc đó, đồng chí Phan Trầm (Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản) được quyết định là Trưởng ban chỉ huy công trường 20 Quyết thắng, đến gặp chúng tôi để nắm tình hình khảo sát thiết kế sau đợt thị sát để bố trí các đơn vị thi công. Sau đó sẽ về Hà Nội báo cáo Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Đoàn 559.

         Chúng tôi báo cáo tình hình, đang nghiên cứu khảo sát thiết kế theo phương án 1 (tuyến Đoòng) và phản ảnh chân thành cuộc họp tối 17-7-1965 tại cửa rừng Phong Nha, với hai ý kiến khác nhau. Trong đó ý kiến của chúng tôi (gồm: Đồng chí Tuấn, đồng chí Tường và một số đồng chí khác) là lấy phương án 2 (tuyến đá) hướng đi từ khe Nét theo dãy núi đá đi thẳng lên U Bò - khe Tum đến bản CaRoòng đến biên giới Việt - Lào.

         Hướng này có ưu điểm: Đường ngắn hơn khoảng 30km, đi dưới chân núi, ít khe suối, cầu cống trên đường chỉ bằng 10% tuyến đi qua Đoòng (chủ yếu là cống ngầm) khối lượng đào đắp bằng 1/4 tuyến Đoòng, đường thi công xong kín đáo (ta luy thấp), mặt đường đi trên nền đá tự nhiên, việc vận chuyển hàng hoá và bộ đội hành quân, địch khó phát hiện, phù hợp với mục tiêu của đường quân sự, vào mặt trận an toàn cao.

         Nhược điểm: Toàn đá, khó thiết kế và rất khó thi công, trên 40 km không có nước phải đi lấy nước rất xa (chúng tôi phải gạn lấy nước ở các núi đá khi mưa còn lại để ăn). Nơi ở của đơn vị thi công cũng cách xa nơi làm việc, việc đi lại hàng ngày khó khăn, vất vả.

         Sau khi đi nghiên cứu lại thực địa, và nghe chúng tôi báo cáo về quan điểm kỹ thuật của hướng tuyến đá (qua bản Tân Trạch- lên U Bò) đồng chí Phan Trầm về Hà Nội báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh 559, đã xem xét và quyết định chọn tuyến đi theo phương án 2 (tuyến đá).

         Vào khoảng giữa tháng 10-1965 chúng tôi nhận được được điện từ Hà Nội vào là: bỏ hướng đang khảo sát thiết kế đường ô tô qua Đoòng, mà trở ra khảo sát tuyến đá, phía tay phải, (tuyến mà chúng tôi đề xuất ngày 17-7-1965 tại cuộc họp cửa rừng Phong Nha) và phải hoàn thành hồ sơ trong một tháng (thiết kế đến đâu thi công ngay đến đó).

         Nhận được lệnh, chúng tôi đã chuyển quân ngay trong lúc trời đang mưa to, các suối đều lũ lớn. Chúng tôi phải chặt cây làm cầu tạm để vượt suối đến địa điểm mới; tôi tổ chức làm 3 mũi: một mũi làm từ đầu tuyến A - Choóc làm vào; một mũi làm từ đèo biên giới làm về và một mũi làm từ giữa làm ra hai đầu. Sau khoảng 45 ngày, chúng tôi đã nối tuyến với nhau. Như vậy, chúng tôi đã khảo sát thiết kế xong phần tuyến phía Đông của đường 20 vượt dãy Trường Sơn nguyên sinh huyền bí. Đến đây tôi thấy cần nêu một số khó khăn đặc biệt về kỹ thuật, cụ thể:

         Theo tài liệu còn lưu trữ của ngành Giao thông vận tải cho biết: "Các chuyên gia tầm cỡ thời Pháp thuộc đã khẳng định: với địa hình địa thế Quảng Bình, ngoài đường 12 không còn nơi nào có thể làm đường ô tô vượt Trường Sơn sang đất Lào được nữa". Thực tế chúng tôi thấy: Với đặc điểm tự nhiên của núi rừng Trường Sơn, việc khảo sát tuyến đường mới vượt Trương Sơn khó khăn thật.

         Riêng với đoạn A - Choóc đi vào gần dốc đá Ba Thang việc khảo sát thiết kế và thi công rất khó khăn. Đây là một đèo vách đá thẳng đứng không thể trèo lên được. Tôi, Phi Đinh Tuấn (xã Thượng Nông - Tam Nông - Phú Thọ), đồng chí Hoàng Xuân Doãn (Hà Nội) và đồng chí Đặng Xuân Thọ (xã Tam Sơn - Cẩm Khê - Phú Thọ) phải đi nghiên cứu thực địa ba lần, vẫn không giải quyết được việc vượt dốc Ba Thang. Sau nhờ được một người dân (sống hoang dã ở hang động bản Tân Trạch) đưa đường, chúng tôi mới tìm được lối lên đèo Ba Thang (người đưa đường là ông xã đội trưởng).



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #51 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:35:49 am »



         Từ đây chúng tôi phải thiết kế nâng chân dốc lên 15m và thiết kế hạ đèo Ba Thang xuống 7m - trải dài trên một đoạn đường 500m, với độ dốc 12%, cứ 200m lại có một đoạn nghỉ dài 50m (0%).

         Thế là đến đây, việc định tuyến và khảo sát thiết kế con đường 20 đông Trường Sơn đã được khẳng định. Phía trên đoạn Cù Mẹ, đồng chí Hoàng Tường phải xử lý đến 4 cua tay áo trên cùng một sườn núi, để lên đèo biên giới; vừa đi vừa phải nổ mìn phá đá để lấy lối đi nghiên cứu tìm tuyến. May nhờ có người dân bản xứ nơi đây giúp đỡ, chúng tôi mới qua được khó khăn, nhanh chóng chọn được con đường đi tốt nhất.

         Chúng tôi đã làm việc hết mình, không kể ngày đêm để có đường vận tải hàng hoá và đưa quân vào giải phóng miền Nam. Chúng tôi đã giải quyết được 3 chỉ tiêu quan trọng của khảo sát thiết kế là: bình đồ tuyến, trắc dọc và bán kính đường cong của một đường ô tô trong thời chiến.

         Cũng phải nói thêm rằng chúng tôi đã khảo sát thiết kế nhiều tuyến đường ô tô của miền Bắc nước ta (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Nghĩa Lộ, Hoà Bình, Lào Cai) và cả Khu 4, nhưng chưa bao giờ gặp những vách đá thẳng đứng chặn đường đi thăm dò như ở đây; chúng tôi phải dùng thuốc nổ để phá mới có đường đi. Ông Nguyễn Xuân Tiểu, Đổng lý Văn phòng Đoàn 559, nhiều năm làm Trưởng phòng Thiết kế đường ô tô, Viện Thiết kế GTVT, khi xét duyệt hồ sơ thiết kế đường 20 nói rằng: Các cậu làm được đường này, sau về miền Bắc không còn đường nào mà không làm được.

         Chúng tôi đã đi khảo sát thiết kế mở đường nhiều nơi, nhưng chưa thấy khu rừng nào lắm hổ và cá suối như tuyến 20 này. Trên đỉnh động hang Đoòng cao hơn mặt nước độ 10m, có rất nhiều loài chim có thể bắt vài trăm con một lúc dễ dàng.

         Một cây gạo, người dân tộc (Tân Trạch) lấy được gần một trăm lít mật ong rừng mỗi mùa. Cá, chim, mật ong là nguồn thực phẩm nuôi sống 30 người dân tộc Arem này. Đây là khu rừng nguyên sinh lâu đời, chưa có dấu chân người. Hổ ở đây đã bắt và ăn thịt hai người phụ nữ Tân Trạch vì đi kiếm ăn về hang quá muộn (gần tối).

         Khi chúng tôi thiết kế, thì có ba trung đoàn bộ đội E4, E5 và Trung đoàn 10 hành quân vào Nam chiến đấu, được lệnh dừng lại để làm đường cùng với hơn mười đại đội TNXP.

         Lệnh của Bộ chỉ huy Đoàn 559 là phải khảo sát thiết kế khẩn trương, để có hồ sơ thi công và thông xe vào đầu năm 1966. Ngày mồng một Tết Bính ngọ 1966, đồng chí Nguyễn Tường Lân Thứ trưởng, Phó Tư lệnh Đoàn 559, đã phát lệnh, nổ loạt bộc phá đầu Xuân, hưởng ứng chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi". Hưởng ứng phong trào này tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong trên toàn công trường rất sôi nổi, tiến độ thi công rất nhanh. Giữa tháng 4-1966 công trường 20 phía đông và công trường phía tây 128 đã thông tuyến. Con đường 20 đã thông xe và cũng là ngày tôi nhận được bức thư từ ngoài Bắc gửi vào, gia đình cho biết: người em trai tôi đã hy sinh ngày 30-10-1965 khi đang làm nhiệm vụ tại sân bay Phú Thọ. Bức thư đưa đến giữa lúc đang ăn cơm, anh em chia buồn với tôi, cả đơn vị không ăn được nữa!



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #52 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:39:10 am »



         Cũng thời điểm này, chúng tôi lại được lệnh lên đường đi tiếp xuống phía nam (vùng Xavannakhét Hạ Lào) - khảo sát thiết kế đường ô tô tại khu vực Mường Nòng (Xavannakhet) nối đường Nava về đường 9 để tạo ra một mạng lưới đường Trường Sơn. Sau khi làm xong nhiệm vụ, đơn vị chúng tôi lại hành quân về trụ sở Đoàn (gần Lùm Bùm). Trên đường hành quân qua Nậm Ta Lê và vượt đèo Phula Nhích, chiều ngày 17-4-1966, đơn vị dừng chân, nghỉ lại một bản của người dân Lào bị bom Mỹ bắn phá và dân đã đi sơ tán để bản "vườn không, nhà trống".

         Chúng tôi dừng chân hạ ba lô, tìm đến ở một nhà sàn lớn nhất bản; phân công nhau: người đi lấy củi, người đi vác nước ... Hôm nay chiều có đôi hạt mưa bụi, bên hông tôi vẫn đeo một túi da (xắc cốt) màu vàng đựng tài liệu. Tôi đi ra sàn nhà, để quan sát tự nhiên xuất hiện hai người khoác áo mưa đi ra từ hai phía nhà sàn hét to: "Đứng im! Các anh là ai? ở đâu đến?" Tôi giật mình và bàng hoàng tự hỏi biệt kích à? Ngay sau đó tôi tự trấn tĩnh trả lời và tìm cách ứng phó (tôi biết trong vùng này rất nhiều biệt kích Mỹ - ngụy hoạt động để chống phá đường vận chuyển của ta từ miền Bắc vào Nam).

         Tôi nói to: "Chúng tôi là khảo sát thiết kế đường ô tô của Đoàn 559". Hai người kia hỏi tiếp có giấy tờ gì không? Hai người đó bước lên cầu thang và lên sàn nhà, tiến đến gần tôi, thì lúc đó hai khẩu súng AK từ trong áo mưa lôi ra. Lúc này tất cả đoàn hành quân của chúng tôi ai ở đâu, đứng yên ở đó "bất động" và tôi đưa giấy của Đoàn 559 cấp cho họ xem. Xem xong họ bảo là: "Có tin báo các anh là biệt kích, có cả điện đài và vũ khí", nếu lúc ấy các anh mà cử động thì chúng tôi đã nổ súng. Chúng tôi là đơn vị bảo vệ đường vận tải Trường Sơn! Anh ta vỗ tay ba cái thì có 5 người cầm súng AK (loại tiểu liên cá nhân) phục sẵn từ 5 vị trí quanh nhà sàn xuất hiện, thật là hú vía. Chỉ một cử chỉ nhỏ, thiếu bình tĩnh thì "quân ta bắn quân mình" và cả số cán bộ kỹ thuật chúng tôi đã ở lại đây yên giấc ngàn thu, vợ con, cha mẹ sau này chẳng biết đâu mà tìm.

         Mạng lưới đường vận chuyển của Đoàn 559 (đường Trường Sơn), phần lớn nằm trên đất bạn Lào. Khi chiến tranh xảy ra, nhân dân các bản người Lào đã đi sơ tán xa, tránh sự đánh phá của giặc Mỹ, để lại cho bộ đội Việt Nam được quản lý và sử dụng bản làng của họ, để chiến đấu chống kẻ thù chung.

         Khi chúng tôi xuống đến các bản làng vùng rừng núi huyện Mường Nòng thuộc tỉnh Xanavakhét, trên đường đi gặp đầu thuốc lá và vỏ đồ hộp của biệt kích Mỹ - ngụy mới dùng và vừa di chuyển. Trên đường đi đến trạm giao liên 5 nơi chúng tôi nghỉ lại, được ăn cơm để hôm sau lại hành quân tiếp. Được các đồng chí trạm giao liên cho biết: Đêm hôm trước, máy bay Mỹ thả dù xuống đây 6 tên biệt kích, gồm có 4 tên ngụy, một tên Mỹ và một tên nói tiếng Tàu. Các lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ đã tập trung chiến đấu suốt đêm, đến gần sáng bắt sống hai tên và giết chết bốn tên.

         Đêm hôm ấy, tôi nằm nhớ lại chiều ngày 10-4-1966, chúng tôi nhận được lệnh xuống Hạ Lào làm việc. Đồng chí Đào Thanh, Phó ban chỉ huy công trường Đường 20 gọi anh em cán bộ kỹ thuật đến nơi làm việc, mời mỗi người một chén cà phê, rồi tặng cả tập thể một hộp để đi đường uống cho tỉnh táo. Đồng chí Đào Thanh (sau đó được đề bạt Cục phó và kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Công trình 1) nói: "Các cậu đi sâu vào chiến trường, có nhiều gian khổ lắm, không biết khi nào gặp lại được các cậu! Nhớ giữ gìn sức khoẻ, nêu cao cảnh giác với kẻ thù trong quá trình làm nhiệm vụ". Thật cảm động, nhiều anh em chúng tôi rơm rớm nước mắt, vì tình cảm sâu nặng, thấu hiểu giữa cán bộ lãnh đạo và chiến sỹ trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù chung đế quốc Mỹ. Hai tuần qua, chúng tôi đã gặp và đã chứng kiến những điều đúng như lời đồng chí Đào Thanh đã nói.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #53 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:41:03 am »



         Ngày 1-5-1966 chúng tôi về căn cứ địa của Đoàn 559 nhận quà ngày 1-5 rồi đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi bồi hồi nhớ lại: Mới cách đây gần một năm, chúng tôi mới đi phát lối tìm đường, mở đường 20 (đông Trường Sơn); với tấm lòng "tất cả vì miền Nam ruột thịt", hàng vạn con người đã lao động quên mình, không sợ gian khổ hy sinh, chăm chỉ đục phá núi, tạo ra con đường cho xe cơ giới vận chuyển. Một công trình làm vô cùng khó khăn gian khổ, phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn, nhưng hiệu quả vô cùng to lớn. Mở thành công con đường 20 là một chiến công kỳ diệu, tạo ra con đường mới vượt Trường Sơn từ đông sang tây, xe cơ giới hoạt động cả mùa khô và mùa mưa, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Đó là nguyện vọng khát khao của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã mơ ước từ lâu, đến nay đã thành sự thật.

         Con đường 20 là kết tinh trí tuệ, hội tụ tri thức khoa học của ngành đường bộ Việt Nam; Nó còn nói lên tinh thần hăng say lao động, không sợ gian khổ hy sinh, quyết tâm làm nên kỳ tích lịch sử này.

         Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, nhớ lại những ngày chúng tôi được trực tiếp tham gia mở đường, đến nay chúng tôi đã vào lứa tuổi 70, 80, người mất, người còn, mỗi người một vẻ. Tôi hồi nhớ và cố gắng viết lại những kỷ niệm sâu sắc khi đi khảo sát thiết kế đường Trường Sơn, đường 20 Quyết thắng, để thế hệ con cháu mai sau hiểu được các cha, ông đã góp phần vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

Mùa xuân 2009









Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #54 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:50:30 am »




Ông Đào Thanh
Nguyên Phó BCH Công trường 20 -
Quyết Thắng
Nguyên Phó Cục trưởng kiêm Bí thư
Đảng ủy Cục Công trình I




NHỚ MÃI NHỮNG NGÀY
MỞ ĐƯỜNG 20 - QUYẾT THẮNG
ĐÀO THANH





         Tôi còn nhớ vào cuối năm 1965, tôi cùng gần một vạn TNXP, công nhân quốc phòng đang hớn hở vui mừng mở đường từ chợ Chu qua đèo Xo đi chợ Đồn, Bắc Kạn vào khu A.T.K.

         Trưa ngày 2-12-1965, tôi nhận được điện về Bộ gặp Bộ trưởng gấp. Tôi liền hội ý Ban chỉ huy công trường 114 những việc cần làm, trong lúc tôi đi vắng. Công việc ở nhà giao cho anh Hoàng Đình Vy - Phó ban chỉ huy điều hành công việc. Sáng hôm sau, tôi lên Văn phòng Bộ (80 Trần Hưng Đạo - Hà Nội) để gặp Bộ trưởng. Thư ký của Bộ trưởng dẫn tôi vào phòng khách. Bộ trưởng trong bộ quần áo quân phục cấp tướng bước ra niềm nở bắt tay tôi, qua mấy lời chào hỏi thân mật, hỏi han mọi công việc ở công trường. Tôi báo cáo ngắn gọn mọi công việc trên công trường- Bộ trưởng tỏ lời khen ngợi thành tích toàn công trường rồi hỏi thăm thái độ của địa phương đối với công trường. Tôi báo cáo: "Đồng bào khu căn cứ địa, coi cán bộ, công nhân công trường như người thân đi xa về, nhường nhà cho ở, giúp nguyên vật liệu làm lán trại, cho vay gạo, thực phẩm ăn khi công trường chưa kịp cấp phát...".

         Bộ trưởng nói tiếp: "Nơi đó Trung ương Đảng, Chính phủ đã từng đóng đô để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, nên đồng bào rất tốt. Nay ta lại làm đường ô tô chạy qua bản làng thì họ càng phấn khởi, mừng rỡ, chẳng tiếc gì, công trường cần gì thì họ giúp nấy. Song phải giáo dục cán bộ, công nhân, TNXP, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách dân tộc, đoàn kết, không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của đồng bào".

         Tôi cũng chưa đoán được sự kiện gì sắp tới đây. Bộ trưởng mở bao thuốc lá Điện Biên mời tôi, tôi nhận điếu thuốc coi như một phần thưởng về những thành tích của gần vạn con người trên công trường đã đạt được trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ nói: "Bây giờ theo chỉ thị của Bác Hồ và của Bộ Chính trị, sắp tới ta phải chuẩn bị chi viện lớn cho miền Nam, để thực hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà".

Đơn vị nữ thanh niên xung phong đang làm đường 20 Trường Sơn chụp ảnh với Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ (năm 1965)

         Bộ đội đã sẵn sàng, song cái quyết định là ở chỗ phải bảo đảm hậu cần cho đại quân có đủ súng đạn, lương thực, quân trang, quân dụng và thuốc men... Nuôi một đạo quân lớn ở xa như vậy, việc tiếp tế cần phải có những con đường để vận tải bằng cơ giới mới đáp ứng được khối lượng lớn cho chiến trường xa, sâu vào lòng địch. Cuộc đối đầu này có thắng lợi hay không ở khâu cuối là: "Cần có một con đường, con đường vượt Trường Sơn, đưa hậu cần vào sâu và kịp thời".

         Đoàn 559 đã được thành lập, lo khâu mở đường và vận tải cho chiến trường, đã có hàng vạn công binh, thanh niên xung phong đang được điều động vào làm con đường mới này, con đường vượt Trường Sơn, phá thế độc tuyến: con đường này phải đi qua dãy núi đá vách đứng khó làm, nhưng khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, việc bảo vệ, bảo đảm giao thông và bố trí kho tàng có nhiều thuận lợi. Bộ trưởng nói tiếp: Đoàn 559 thiếu người chỉ huy có kinh nghiệm thi công mở đường qua núi đá. Anh là người chỉ huy có kinh nghiệm thi công đường qua núi đá. Anh đã thành công mở tuyến đường 1B qua dãy núi Bắc Sơn- đèo Tam Canh - Bình Gia và vừa qua anh lại tiếp tục mở tuyến đường đá Mường Khương - Lào Cai thành công.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #55 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:55:48 am »



         Bộ cũng biết công trình anh đang phụ trách là một công trình trọng điểm của Trung ương, anh đi công trường có thế gặp một số khó khăn ban đầu.

         Tôi đã báo cáo với các anh ở Văn phòng Trung ương Đảng (vì công trình A.T.K trực thuộc Văn phòng Trung ương chỉ đạo, nhận kinh phí riêng. Bộ Giao thông vận tải không chỉ đạo). vì yêu cầu cấp thiết của chiến trường miền Nam, các anh ở Văn phòng Trung ương Đảng cũng đồng ý cho rút anh đi, để tăng cường cho chiến trường, "tất cả vì miền Nam ruột thịt". Bộ trưởng hỏi tôi: "Ýkiến anh thế nào? Anh đi có khó khăn gì không?". Tôi báo cáo Bộ trưởng: "Tôi sẵn sàng lên đường đi bất cứ lúc nào khi Đảng cần đến". Thế là Bộ trưởng quay sang dặn thư ký: "Nói với Vụ Cán bộ làm quyết định biệt phái anh Đào Thanh sang Đoàn 559". Anh Phan Trọng Tuệ tươi cười bắt tay tôi, dặn dò thêm: " Thôi về trên công trường bàn giao, và về thăm nhà, thu xếp, nghỉ ngơi vài ngày rồi vào, chiến trường đang chờ, Tôi tin ở anh và chờ những chiến công mới".

         Sau mấy ngày về công trường A.T.K bàn giao cho Hoàng Đình Vy, Phó Ban chỉ huy, quyền Trưởng Ban chỉ huy thay tôi, rồi đi chào hỏi các cơ quan, và bà con nơi đóng quân, Cuộc chia tay mà lòng xao xuyến, đầu óc nghĩ miên man, vừa lo sắp tới công việc thì nặng nhọc, mà tác phong làm việc và chỉ huy bộ đội cũng không quen. Sau đó tôi về thăm, nói chuyện với mẹ ở quê, để mẹ yên lòng, trước khi tôi vào chiến trường xa.

         Quay ra Hà nội, tôi làm công tác tư tưởng với vợ con, và mang vợ con đi chụp ảnh lưu niệm, để lỡ có sự cố gì thì lũ nhỏ cũng được giữ lại hình ảnh của bố, và vào quán bánh tôm bên hồ Trúc Bạch liên hoan một bữa (lúc bấy giờ bánh tôm hồ Trúc Bạch giá cũng phải chăng không đắt như bây giờ).

         Cuộc chiến sang trang! Ngày 10-12-1965 bộ phận thường trực của Đoàn 559 ở Hà Nội bố trí xe comangca cho tôi đi vào trụ sở của Đoàn 559 (cạnh đường 15 Quảng Bình) đi từ Hà Nội vào Thanh Hoá xe đi ban ngày, tới Hà tĩnh, Quảng Bình máy bay địch đánh phá, phải đi ban đêm.

         Sau mấy ngày đi vất vả, xe đưa tôi tới Đoàn 559 gọi là R (ở Khe Ve) tôi được đồng chí Võ Bẩm, Đại tá Phó Tư lệnh Đoàn 559, anh Nguyễn Tường Lân - Thứ trưởng Bộ GTVT, tăng cường vào làm Phó Tư lệnh tiếp. Anh Võ Bẩm nói với tôi: "Chúng tôi đang mong và chờ anh Thanh vào tăng cường cho Đoàn, chúng tôi có thêm sức mạnh, có them thuận lợi. Sau khi nghỉ ngơi vài ngày cho lại sức, anh Nguyễn Tường Lân Phó Tư lệnh Đoàn 559, trao đổi với tôi về hướng chọn tuyến phương án 2 (tuyến đá), mở đường đi

Ông Phan Trọng Tuệ nói chuyện động viên bộ đội, thanh niên xung phong làm đường 20 vượt đường Trường Sơn năm 1965.

qua dãy núi đá trên đỉnh Trường Sơn. Tôi đề nghị tổ chức một đoàn cán bộ kỹ thuật đi thực địa trên tuyến, căn cứ vào tài liệu khảo sát thiết kế, để dự kiến bố trí lực lượng thi công luôn. Đường 20 phía đông Trường Sơn, xuất phát từ Xuân Sơn qua đỉnh dốc Ba Thang đến biên giới Việt - Lào dài gần 80 cây số. Cái khó của tuyến này là phải vượt dốc Ba Thang, núi vách đá thẳng đứng án ngữ, có trên 40 cây số núi đá, vách đứng tai mèo ở độ cao có chỗ gần 1.000m. Khối lượng ước tính trên 1.000.000 m3 là đá.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #56 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:59:32 am »



         Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường 20- Quyết thắng gồm: anh Phan Trầm - Kỹ sư (Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản) làm trưởng ban chỉ huy công trường. Tôi (Đào Thanh) làm Phó BCH phụ trách kỹ thuật thi công. Anh Nguyễn Khắc Phùng làm Phó BCH công trường phụ trách hậu cần. Anh Trần Hiếu - Bộ đội, Phó BCH và anh Võ Quang Bình - Thiếu tá Chính uỷ Trung đoàn E4 làm Bí thư Đảng uỷ công trường phụ trách công tác chính trị.

         Anh Phan Trầm, Trưởng BCH, thường trực tại chỉ huy sở nắm tình hình chung, điều độ phối hợp hoạt động công trường nhịp nhàng. Trụ sở công trường được đặt nơi trung tâm của công trường - Hang U Bò cạnh sông Caroòng.

         Do thời gian thi công gấp, 3 tháng, khối lượng đất đá và công trình rất lớn. Công trường 20 đông Trường Sơn, được Bộ Tư lệnh 559 huy động tới trên 8.000 người, trong đó có 4 đội TNXP của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hoá, hơn 100 cán bộ tinh nhuệ và công nhân lành nghề của Bộ GTVT và ba trung đoàn bộ đội (gồm Trung đoàn 10 Công binh và Trung đoàn 4 và Trung đoàn 5 Bộ binh).

         Trung đoàn 10 Công binh và Trung đoàn 4 Bộ binh đang hành quân ra chiến trường, thì được lệnh dừng ở lại làm đường, nảy sinh thắc mắc tư tưởng, nhất là anh em quê ở miền Nam. Bộ Tư lệnh 559 đã cử anh Nguyễn Tường Lân, Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Tư lệnh Đoàn 559 xuống nói chuyện làm công tác tư tưởng với anh em. Anh Nguyễn Tường Lân nói chuyện ngắn gọn với anh em chiến sỹ, mang tính chất thuyết phục cao, đã động viên được tinh thần cách mạng, anh em đã yên tâm ở lại làm đường. Với sự hiểu biết của mình, tôi cũng tiếp tục nói chuyện với cán bộ của các đơn vị TNXP, làm thông tư tưởng, anh em yên tâm khắc phục khó khăn để làm tốt nhiệm vụ.

         Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng loại binh chủng, bố trí các trung đoàn bộ đội vào các trọng điểm thi công, đồng thời có khả năng đối phó, khi địch đánh phá.

         - Trung đoàn 10 là đơn vị công binh, mạnh về khả năng bộc phá, bố trí phá đá đoạn dốc Ba Thang trọng điểm, phải phá gần 1vạn m3 đá.

         - Trung đoàn 4 và Trung đoàn 5 (làm công trường phía tây sang tăng cường) bố trí mở đoạn đường đá lẫn đất từ Càroòng lên biên giới.

         - Các đội TNXP bố trí như sau:

         + Đội 4 Ninh Bình mở đường từ cửa rừng (Km4) đến Chà Ang.

         + Đội 25 Nam Hà từ Chà Ang lên dốc Ba Thang

         + Đội 3 từ Cù Mẹ lên U Bò

         + Đội 23 từ Khe Tum lên Cà roòng.

         Để tránh máy bay địch phát hiện đánh phá, công trường quyết định các đơn vị thi công phải tuân thủ triệt để nguyên tắc, mở đường đến đâu ngụy trang đến đó. Bằng cách làm dàn khung cao, phía trên rải lá cây che kín xe đi ở dưới, 3-4 ngày khi lá cây khô lại thay cây mới. Riêng 4 cây số đầu tuyến từ Phong Nha vào, vì trống trải và để giữ bí mật, nên chỉ lát "rông đanh" đi tạm, khi mở đường trong tuyến xong, mới quay lại làm nốt đoạn này. Do đó suốt trong thời gian mở đường trong tuyến, địch không phát hiện được, đây là
một bất ngờ đối với kẻ thù.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #57 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 07:02:04 am »



         Vấn đề hậu cần tiếp tế lương thực, cung cấp vật tư thi công là khâu quan trọng của công trường. Vì vậy công trường đã bố trí điều động 2 đại đội TNXP chuyên làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần đến các kho dọc tuyến.

         Sau khi công trường nhận đủ quân, xác định bố trí quân từng đoạn trên tuyến, việc cấp bách bây giờ là mở lớp đào tạo cho cán bộ, chiến sỹ công binh, thanh niên xung phong biết cách đánh mìn phá đá. Công trường đã xác định được các trọng điểm cho từng đơn vị. Trọng điểm của toàn công trường là dốc Ba Thang, quả núi lớn, án ngữ toàn tuyến; đó quả là khó khăn lớn nhất. Tôi nhớ lại hôm Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ giao nhiệm vụ, có nói: "Anh là người có kinh nghiệm thi công mở đường qua núi đá". Tôi nghĩ mình phải làm sao xứng đáng với lòng tin của Bộ trưởng. Tôi đề nghị với anh Phan Trầm, Trưởng BCH công trường tập trung các cán bộ kỹ thuật và cán bộ chủ chốt của các đơn vị về học thao tác, cầm búa đánh mìn phá đá và an toàn lao động. Với kinh nghiệm đã có, tôi đã cùng với một số công nhân giỏi về phá đá nổ mìn, đã được Bộ GTVT điều động từ các công trường phía Bắc vào đây, dạy cách cầm choòng, quai búa, nổ mình phá đá, thực tập ngay trên tuyến. Sau một tuần, anh em thuần thục việc phá nổ, về tiếp tục dạy lại cho anh em ở các đơn vị. Sau mấy tuần các đơn vị đã thành thạo các thao tác, tác nghiệp đục lỗ đánh mìn phá đá.

         Trung đoàn 10 Công binh là quân chủ lực do đồng chí Thiếu tá Đinh Hào làm Trung đoàn trưởng mới thành lập tháng 9-1965. Đầu tháng 12-1965 Trung đoàn 10 được lệnh vào bổ sung cho công trường, là đơn vị đang còn sung sức, nên chúng tôi giao nhiệm vụ thi công đoạn đường khó khăn nhất; vượt qua dốc Ba Thang hiểm trở án ngữ, được coi là cái chốt khống chế tiến độ thi công toàn tuyến.

         Nếu hạ từ đỉnh núi xuống đường đỏ (mặt đường) phải phá gần vạn m3 đá thì mấy năm mới xong? Làm thế nào để bám vào vách núi mà thao tác được? Tôi áp dụng kinh nghiệm của việc mở tuyến đá đèo Tam Canh, quốc lộ 1B. Đó là: chặt cây ghép thành mảng như chiếc giường cá nhân, có chiều dài 1,8m- 2m, có bề ngang 0,6m, trên mặt lấy nứa, tre lát cho phẳng, đủ đỡ cho người ngồi cầm choòng, một người đứng quai búa và bên cạnh còn có chỗ để những ống đựng nước đổ lỗ choòng. Muốn đưa mảng đó lên vị trí có hai cách: dùng dây thừng to chắc làm thành quang, rồi có thể kéo từ dưới lên, hoặc thông thường đưa từ đỉnh núi hạ dần xuống tới vị trí, hai đầu dây cột chặt lại trên đỉnh núi rồi người cứ lần theo dây xuống đúng vị trí thao tác, giống như người leo núi vậy. Cái khó khăn nữa là việc tiếp tế nước cho thi công đục lỗ mìn, tuyến đi trên cao lại phải xuống sâu lấy nước ở suối và sông Chà Ang. Mỗi chuyến đi xuống, đi lên mang nặng vất vả nguy hiểm mất hơn 1 giờ. Phải dùng ống tre bương vác nước lên, cứ mỗi một cặp choòng mất một nhân công tiếp tế nước. Ở những nơi này, thiếu nước, phải đi lấy từ xa, anh em có sáng kiến chặt cây chuối rừng để lấy nước rửa cho sạch đất cát, tay chân. Việc sinh hoạt ở rừng già, núi đá ở độ cao hiếm nước này quả là vô cùng khó khăn
gian khổ.

         Trên vách đá cheo leo, anh em đi lên, đi xuống phải hết sức cẩn thận; nếu trượt chân, dễ bị tai nạn chết người, nên các cấp chỉ huy phải đặt biệt quan tâm đến an toàn lao động, thường xuyên quan sát nhắc nhở anh em khi thao tác cheo leo trên vách đá. Sau một tuần đục choòng đánh mìn sâu vào vách núi, tạo thành đường vành đai, sâu trong thân núi từ 0,3m - 0,5m thành đường đi bộ được, rồi đánh mở rộng thành mặt đường cho xe đi.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #58 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 07:05:50 am »



         Cái khó ở đây là thời gian quá gấp, chỉ có 3 tháng mà đường phải thông xe trước mùa mưa ập tới.

         Việc tổ chức đánh mìn, đục choòng đánh nhỏ, kết hợp đánh bộc phá định hướng, phá đá có khối lượng lớn, phải bảo đảm nguyên tắc không được đánh mìn quá lớn, làm lộ tuyến, máy bay địch có thể phát hiện, đánh phá. Cho nên suốt trong thời gian làm đường mở tuyến, địch không phát hiện ra ở dưới rừng nguyên sinh rậm rạp này, lại có hàng vạn con người đang cần mẫn, lao động quên mình đục choòng đánh mìn, phá núi, tạo ra con đường cho xe cơ giới đi qua.

         Có những trọng điểm khối lượng đá lớn, làm không kịp với tiến độ chung, chúng tôi đã có sáng kiến: mỗi đơn vị cử một cặp choòng có tay nghề cao có năng suất cao nhất đơn vị, tới trọng điểm này để dự thi; với số người như nhau thi một buổi sáng, đơn vị nào có sáng kiến hay, đục được nhiều lỗ mìn và phá được nhiều đá nhất, sẽ được thưởng một đài Orion ton. Việc tổ chức thi này, có hai cái lợi: rút được kinh nghiệm hay để phổ biến toàn công trường áp dụng nâng cao được năng suất lao động và góp phần giải quyết phá đá được một khối lượng lớn, giúp đơn vị đảm bảo tiến độ chung.

         Sáng ngày mồng 1 Tết Bính Ngọ (1966), tại chân dốc Đồng Tiền công trường 20, thay mặt Bộ Tư lệnh 559, đồng chí Nguyễn Tường Lân, Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Tư lệnh, đã phát lệnh: Nổ loạt bộc phá đầu xuân hưởng ứng chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi".

         Hưởng ứng phong trào, toàn công trường làm việc khí thế hừng hực như ngày hội làm đường. Ngay từ đầu năm mới năng suất phá đá được nâng cao, đẩy nhanh tốc độ mở đường. Tiến độ mở đường luôn luôn được giữ vững, thông đường từ 15 đến 20 cây số mỗi tháng, một tốc độ chưa từng có, với thi công mở đường đá bằng thủ công như ở đây.

         Công trường đường 20 phía tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, do đồng chí Nguyễn Lang làm Trưởng ban, đồng chí Hoàng Ngọc Phiên Phó ban; đồng chí Nguyễn Chí Tuệ (Lam Chi) phụ trách đội cơ giới mạnh cùng lực lượng TNXP đã nối thông tuyến với đường phía đông Trường Sơn của công trường 20 Quyết thắng. Với gần 100 ngày đêm miệt mài thi công không nghỉ, giữa tháng 4-1966 con đường 20 đã thong xe, phá thế độc tuyến từ đông sang tây Trường Sơn tránh được "túi nước Xiêng Phan", mà Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã mong ước từ lâu. Sau những ngày đó, các lực lượng trên toàn công trường vẫn tiếp tục làm những việc phải làm cho con đường được hoàn chỉnh, đảm bảo đường êm thuận, đưa vào sử dụng trước mùa mưa 1966.

         Khi tuyến đã thông, anh Nguyễn Tường Lân, Phó Tư lệnh 559, anh Phan Trầm, Trưởng ban, và tôi đã đi kiểm tra tuyến đường, sau đó cùng về báo cáo Bộ Tư lệnh 559. Tôi ở R (Bộ Tư lệnh) nghỉ ngơi vài ngày cho lại sức, đồng chí Vũ Xuân Chiêm, Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 gặp tôi, cho biết anh Phan Trọng Tuệ Bộ trưởng, nhận được điện báo cáo công trường 20 đã thông tuyến, Bộ trưởng rất phấn khởi và Bộ trưởng có điện cho Bộ Tư lệnh 559, cho anh Đào Thanh về Bộ nhận nhiệm vụ mới.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #59 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 07:07:25 am »



         Đồng chí Vũ Xuân Chiêm còn nói với tôi: Anh Đào Thanh vào biệt phái cho Đoàn 559, anh đã góp phần rất xứng đáng vào việc mở thông tuyến đường đá - Đường 20 - Quyết thắng, nếu anh ở đến lúc tổng kết công trình, có thể đề nghị Nhà nước khen thưởng cao hơn, nay anh về Bộ nhận nhiệm vụ mới, Bộ Tư lệnh tặng bằng khen để ghi nhận công lao của anh, đã góp phần xứng đáng vào việc mở đường 20 Quyết thắng.

         Vào cuối tháng 5-1966, tôi bàn giao mọi công việc cho anh Phan Trầm, Trưởng ban, và chia tay với đường Trường sơn, một công trình vô cùng sáng tạo, một kỳ tích. Nghỉ ngơi ít ngày, tôi lên Văn phòng Bộ gặp Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, vào một buổi cuối giờ làm việc sáng 8-7-1966. Bộ trưởng tiếp tôi tại phòng khách của Bộ ở ngôi nhà 3 tầng ở 80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Trước hết, anh khen ngợi và động viên tôi nhiều về thành tích mở đường 20- Quyết thắng, hỏi thăm tinh thần làm việc đời sống của TNXP, bộ đội, cán bộ công nhân trên công trường. Tôi báo cáo với thái độ chân tình: Việc quyết định mở con đường 20 vượt Trường Sơn là rất đúng đắn, nhưng thực hiện được thật vô cùng khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động khá lớn nhân lực, vật lực cho công trình. Đồng thời đã động viên được tinh thần cách mạng, thông minh sáng tạo, lao động quên mình, không sợ gian khó hy sinh của cán bộ, công nhân, bộ đội, TNXP, đã thực hiện được mục tiêu thông xe tuyến đường 20 trước ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5-1966.

         Bộ trưởng vui vẻ nói: Khi sang Bộ Tư lệnh 559, tôi quyết định phải làm nhanh con đường vượt Trường Sơn phá thế độc tuyến. Trước đây chỉ có con đường 12, bây giờ ta có thêm con đường 20, ta có thể vận chuyển cơ giới chi viện lớn cho chiến trường miền Nam ruột thịt cả mùa khô và mùa mưa, tôi phấn khởi lắm... Bộ trưởng gặp tôi rất vui, đã dành thời gian tiếp nói chuyện nhiều với tôi. Tôi ấn tượng nhớ mãi Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, rất tâm huyết với ngành Giao thông vận tải, rất sáng suốt, đức độ tài năng. Anh là tấm gương sáng để chúng ta, mọi người mãi mãi học tập noi theo.

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2009


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM