Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:17:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại  (Đọc 53858 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 03:18:50 am »



         Sau đó anh Phan Trọng Tuệ đã tâm sự: "Tôi đã thu xếp gia đình, gửi cháu Vi Linh vào quân đội, gửi cháu Gia Liên vào công an, còn cô Xuân (vợ anh Tuệ) đi sơ tán làm việc cùng cơ quan, nên tôi rất yên tâm vào Đoàn 559 công tác". Anh Tuệ thân tình hỏi tôi: "Tình hình con cái thế nào?". Tôi trả lời chân tình: "Vợ chồng tôi lấy nhau đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có gì?". Anh khuyên tôi: "Nên nuôi một đứa con nuôi cho gia đình vui vẻ" . Tôi nói: "Vâng, tôi sẽ làm theo lời khuyên của anh".

         Hôm đó, anh Phan Trọng Tuệ làm việc với tôi ở dưới hầm và nghỉ lại ở B4, nói chuyện nhiều với tôi, anh Tuệ cho tôi biết: Từ khi nhận nhiệm vụ mới, đã cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh 559, chuẩn bị tích cực các điều kiện để vào núi rừng Trường Sơn. Anh Tuệ thể hiện rất quyết tâm làm một con đường phá thế độc tuyến vượt Trường Sơn, cho xe cơ giới vận chuyển cả mùa khô và mùa mưa, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

         Sáng hôm sau, anh Phan Trọng Tuệ bảo tôi lên đồi chụp ảnh kỷ niệm, vừa lúc đó máy bay Mỹ ném bom ngã ba Đồng Lộc. Anh Phan Trọng Tuệ mang máy quay phim ra định quay, thì anh Trần Quang Đạt Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đến đón chúng tôi đi kiểm tra tình hình đường 21. Khi đi đến Đồng Lộc thấy máy bay Mỹ ném bom, anh Phan Trọng Tuệ lấy máy quay phim ra quay và nói: "Thằng Mỹ có máy bay, chúng tao có cao xạ pháo sẽ đánh cho mày lăn quay". Đúng lúc đó một quả tên lửa vụt lên từ phía thành phố Vinh đã bắn trúng một máy bay Mỹ. Máy bay rơi bốc cháy thành một đống khói đen phía trước. Anh Tuệ nói với tôi và anh Đạt: "Mình nói thế mà hóa thật, chỉ tiếc là không kịp quay phim cảnh máy bay rơi".

         Sau này, có dịp tôi được anh Phan Trọng Tuệ kể lại, tôi đã biết được cụ thể những việc làm tích cực, khẩn trương của Bộ Tư lệnh 559, trước khi vào núi rừng Trường sơn và những việc anh Phan Trọng Tuệ đã làm ở Trường Sơn "mùa mưa Trường Sơn 1965".

         Ngay từ khi mới thành lập Bộ Tư lệnh 559 ở Hà nội, anh Phan Trọng Tuệ đã cùng đồng chí Võ Bẩm, Phó Tư lệnh, đồng chí Vũ Xuân Chiêm Phó Chính ủy khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh 559 đã báo cáo với Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, được các đồng chí chấp thuận: Trước mắt phải có thêm một con đường, thay thế đường 129 cũ và cả đường 12, phá thế độc tuyến vượt Trường Sơn.

         Tranh thủ thời cơ trước mùa mưa, anh Phan Trọng Tuệ đã điều ngay lực lượng cơ giới mạnh nhất của Bộ Giao thông vận tải, đang làm đường Tây Bắc, sang Bộ Tư lệnh 559. Bộ giao cho đồng chí Nguyễn Chí Tuệ (Lam Chi) làm chỉ huy, hành quân gấp vào Trường Sơn, phải có mặt vào cuối tháng 4, nếu chậm "túi nước Xiêng Phan" dâng lên ngập đường hàng chục cây số, xe máy không vào tuyến thi công được.

         Với cương vị Bộ trưởng, anh Phan Trọng Tuệ đã điều ngay một số cán bộ chủ chốt, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao cho Bộ Tư lệnh 559. Bộ giao cho đồng chí Phan Trầm, Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản, tuyển chọn đưa sang Lào, làm đường phía tây Trường Sơn, với tinh thần vừa thiết kế vừa thi công. Đồng chí Nam Hải quyền Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông, dẫn một đoàn cán bộ, công nhân vào đông Trường Sơn, làm nhiệm vụ khảo sát thiết kế tuyến đường mới.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 03:24:28 am »



         Sau khi chuẩn bị mọi việc, anh Phan Trọng Tuệ Tư lệnh kiêm Chính ủy, xin phép Trung ương đưa Bộ Tư lệnh vào núi rừng Trường Sơn. Anh Phan Trọng Tuệ có vinh dự được gặp Bác Hồ. Bác đã căn dặn anh Phan Trọng Tuệ rất cụ thể nhiệm vụ trước khi đi. Sau đó anh Phan Trọng Tuệ lên báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng những việc đã làm, để mở con đường mới, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Sau khi Thủ tướng đánh giá tình hình và nêu những nhiệm vụ mới, Thủ tướng đã khẳng định: Phải thắng địch trên mặt trận Giao thông vận tải và chi viện cho chiến trường miền Nam.

         Anh Phan Trọng Tuệ nhận nhiệm vụ vào Trường Sơn đúng lúc mùa mưa 1965; mùa mưa ở Trường Sơn có lượng mưa lớn kéo dài. Mưa lũ Trường Sơn, thường tạo ra những cơn lũ khủng khiếp, bất ngờ, có thể cuốn trôi cả những đoạn đường, cây cầu, làm đình trệ việc vận chuyển và đi lại trên tuyến. Mưa Trường Sơn giội xuống làm cho đường sình lầy,
sạt lở cắt đứt đường. Đặc biệt "túi nước Xiêng Phan" mùa mưa nước dâng lên chiều dài 30 km, đường bị ngập làm ách tắc giao thông, hàng bị ứ đọng lại không vận chuyển được. Đây là khó khăn cơ bản, đòi hỏi anh Phan Trọng Tuệ phải mưu trí sáng tạo, có những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả trước mắt và lâu dài.

         Trước mắt về vận tải, để đạt được mức phấn đấu vận chuyển hàng hóa và đưa nhiều khách ra vào trong mùa mưa; Bộ Tư lệnh 559 phải lo xây dựng đường mới, sửa chữa đường cũ, mở rộng đường gùi thồ, chống lầy, hạ thấp độ dốc. Tận dụng các đoạn đường có thể vận chuyển bằng cơ giới, kết hợp vận chuyển bằng thô sơ gùi thồ; phải tận dụng các dòng sông suối, đặc biệt là "túi nước Xiêng Phan" để dùng thuyền gỗ, thuyền nan và cả thuyền xương tre bọc vải bạt để vận tải. Đồng thời phải lo tiếp tế hậu cần, lo đảm bảo an toàn cho hai vạn người làm nhiệm vụ vận tải và làm đường trên toàn tuyến đường trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đó là một thử thách rất lớn đòi hỏi Bộ Tư lệnh 559, phải có chủ trương và biện pháp thích hợp.

         Với tầm nhìn chiến lược, sau khi tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, Ty Giao thông Quảng Bình và các chuyên gia giao thông, anh Phan Trọng Tuệ đã quyết định phải làm con đường mới vượt Trường Sơn, từ đông sang tây, trệch về phía Nam cho gần đường 9 - Nam Lào.

Ông Phan Trọng Tuệ (bên trái) trao đổi công việc với ông Nguyễn Tường Lân ở dãy đồi gần ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) trên đường ông Tuệ vào Trường Sơn giữa năm 1965.

         Thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng chí Nam Hải, quyền Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông làm trưởng đoàn, cùng Thiếu tá công binh Mai Sơn, Phó đoàn, đồng chí kỹ sư Phi Đình Tuấn, tổ trưởng kỹ thuật, đi khảo sát tuyến đông Trường Sơn. Đoàn khảo sát thiết kế đã làm việc hết sức nhiệt tình, khẩn trương và trong thời gian ngắn, đã đề xuất hai phương án chọn tuyến.

         Phương án 1: (Tuyến Đoòng) Chiều dài tuyến khoảng 100 km, nhiều đoạn đi theo đường phân thuỷ, ít đá, dễ thi công nhưng phải làm hơn 100 cầu cống, thi công trên đỉnh núi cao, tuyến lộ, địch dễ phát hiện đánh phá.

         Phương án 2: (Tuyến đá) Ngắn hơn 30 km, ít cầu cống, nhưng phải đi qua vách núi đá cao, vượt dốc Ba Thang, thi công vô cùng khó khăn, phải phá nổ trên 1 triệu m3 đá. Khi thi công, công trình tiến hành làm dưới rừng cây rậm rạp, máy bay địch khó phát hiện, đánh phá.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 03:29:51 am »


        Sau khi nghe báo cáo cụ thể việc khảo sát tuyến, anh Phan Trọng Tuệ với tư cách Bộ trưởng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 đã quyết định chọn phương án 2 (Tuyến đá): Hướng tuyến đi từ Phong Nha - dốc Đồng Tiền - dốc Ba Thang -U Bò - Khe Tum - Caroòng lên biên giới Việt Lào. Đồng thời yêu cầu cho khảo sát thiết kế kỹ thuật ngay, để kịp thời có hồ sơ thiết kế, để thi công.

         Khi chọn tuyến, anh Phan Trọng Tuệ đã thấy rất rõ những khó khăn trong việc thi công. Với cương vị của mình, đã điều một lực lượng mạnh cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giỏi nổ mìn phá đá vào công trường, gần một vạn người. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ kịp thời yêu cầu vật tư, máy móc thiết bị, hậu cần để thi công con đường hoàn thành sớm trước mùa mưa tới.

         Đầu năm 1966 máy bay địch đánh phá miền Bắc, đánh phá giao thông rất ác liệt, Trung ương quyết định anh Phan Trọng Tuệ, trở về Bộ Giao thông vận tải, để ứng phó với tình hình nhiệm vụ mới, trên mặt trận đảm bảo giao thông và chi viện cho chiến trường miền Nam.

         Trước khi rời Trường Sơn ra Hà Nội, anh Phan Trọng Tuệ đã làm việc với Bộ tư lệnh 559, thống nhất nội dung báo cáo xin ý kiến Quân uỷ Trung ương. Trên đường ra, anh Phan Trọng Tuệ đã kiểm tra đường phía tây Trường Sơn (đất Lào) do công trường 128 đang thi công, yêu cầu làm nhanh những đoạn dở dang để thông đường sớm. anh Phan Trọng Tuệ đã làm việc với đồng chí Nam Hải, Quyền Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông, đồng chí Phan Trầm, Trưởng ban chỉ huy công trường 20 Quyết thắng làm phía đông Trường Sơn, đã giải quyết những yêu cầu cụ thể cho công trường để thi công. Bấy giờ lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong đang làm những đoạn dễ và làm đường công vụ.

         Anh Phan Trọng Tuệ đã kiểm tra suốt dọc tuyến về đảm bảo giao thông từ Vĩnh Linh ra Hà Nội. Bộ trưởng làm việc với các Tỉnh ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đề nghị phối hợp làm tốt công tác đảm bảo giao thông, vận chuyển hàng vào phía trong an toàn, kịp thời. Vào một ngày tháng 12-1965, tôi nhận được điện của anh Phan Trọng Tuệ nội dung là: Quân ủy Trung ương đã thống nhất với đề nghị của Tổng cục Hậu cần và Bộ GTVT, biệt phái tôi (Nguyễn Tường Lân) sang làm Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559. Tôi đã khẩn trưởng về Bộ, nhận quyết định điều động. Sau đó tôi vào đại diện Bộ ở khu 4, bàn giao công việc cho anh Dương Bạch Liên, Thứ trưởng thường trực của Bộ thay tôi.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 03:33:35 am »



         Hai ngày trước khi vào Trường Sơn nhận nhiệm vụ, tôi được lên gặp Bác Hồ, tôi vô cùng phấn khởi. Đúng ngày giờ hẹn, tôi tới Phủ Chủ tịch. Đồng chí bảo vệ đã chờ sẵn, dẫn tôi vào gặp Bác. Bác ngồi chờ trên ghế bê tông, dưới hàng cây lối vào nhà Bác, thấy tôi đến, Bác vẫy tay, tôi đến gần chào Bác! Bác đứng dậy bắt tay tôi, rồi Bác chỉ tôi ngồi xuống ghế. Bác ngồi cạnh tôi, Bác nói: Bác biết chú sắp vào Trường Sơn, nhiệm vụ của chú, chắc đồng chí Phan Trọng Tuệ đã nói hết rồi, Bác chỉ dặn thêm: "Thanh niên là những người chủ tương lai của đất nước. Hiện nay trên Trường sơn có nhiều thanh niên xung phong được điều lên cùng bộ đội, cán bộ, công nhân các ngành nghề khác. Ở nhà các cháu có cha mẹ, anh chị chăm sóc. Trên Trường Sơn các Lãnh đạo Đoàn phải thay cha mẹ chăm sóc các cháu, phải chăm sóc các cháu thật tỷ mỷ. Các cháu nữ phải có quả bồ kết để gội đầu, chiếc lược bí để chải tóc. Các cháu nam phải có quả bóng, cây đàn để vui chơi, giải trí khi rảnh rỗi. Phải tổ chức tốt việc học tập văn hoá cho các cháu, để mỗi năm các cháu có thể lên được một lớp". Ngừng một lát, Bác hỏi: "Bác nói như vậy, chú có đồng ý không?". Tôi vội vàng thưa với Bác: "Cháu rất đồng ý ạ". Bác cười vui vẻ và nói: "Chúc chú lên đường mạnh khoẻ, hoàn thành nhiệm vụ". Bác còn dặn

Ông Phan Trọng Tuệ đang quay phim máy bay Mỹ ném bom ngã ba Đồng Lộc giữa năm 1965 - Nơi đây là "túi đựng bom Mỹ" của Hà Tĩnh.

thêm, khi vào Trường Sơn, tôi báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đoàn, ý kiến của Bác. Sau đó vào Trường Sơn, tôi đã truyền đạt những lời dạy của Bác tới các đồng chí lãnh đạo và tới anh chị em. Tôi nhớ lại, trước khi anh Phan Trọng Tuệ, đưa Bộ Tư lệnh 559 vào sâu trong núi rừng Trường Sơn, anh đã báo cáo và được Bác Hồ nhất trí, phải cấp bách làm thêm một con đường vượt Trường Sơn, để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Bác còn căn dặn, làm việc ở Trường Sơn vô cùng khó khăn, phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh chị em, đặc biệt là thanh niên xung phong.

         Trước ngày vào Trường Sơn, tôi cũng được Bác Hồ gọi lên căn dặn thêm khá cụ thể: Phải quan tâm tới giáo dục, chăm lo đời sống tinh thần, vui chơi giải trí và học tập văn hóa cho thanh niên xung phong, chiến sỹ thế hệ trẻ tương lai.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #44 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2010, 03:00:23 am »



         Anh Phan Trọng Tuệ với chức trách nhiệm vụ được giao, đã làm việc hết khả năng của mình để thực hiện được lời Bác dạy. Anh Phan Trọng Tuệ còn nhắc nhở tôi, vào Trường Sơn phải quan tâm, thực hiện tốt những lời Bác căn dặn. Khi vào Trường Sơn, tôi thấy điều kiện sinh hoạt, làm việc vô cùng khó khăn gian khổ, anh chị em thanh niên xung phong, chiến sỹ hăng say lao động hết mình, không sợ gian khổ hy sinh. Tôi càng thấm thía những lời Bác căn dặn; càng thấy sự quan tâm, tình thương yêu của Bác đối với thanh niên xung phong, thế hệ trẻ, những người làm chủ tương lai của đất nước.

         Tôi vào Bộ Tư lệnh 559 nhận nhiệm vụ, đi từ Hà Nội vào đi ban ngày, tới Hà Tĩnh, Quảng Bình địch đánh phá phải đi ban đêm. Qua mấy ngày vất vả, tôi tới Binh trạm 12, rồi vào Bộ Tư lệnh 559, đóng dưới chân đèo Mụ Giạ (Quảng Bình). Tới Bộ Tư lệnh 559, tôi được biết, sau khi Quân ủy Trung ương quyết định anh Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng trở về Bộ GTVT để ứng phó với tình hình nhiệm vụ mới, trên mặt trận đảm bảo giao thông và chi viện cho chiến trường miền Nam. Quân ủy Trung ương đã giao cho Tổng cục Hậu cần, mà trực tiếp là Thiếu tướng Đinh Đức Thiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần vào chỉ đạo Đoàn 559. Sự lãnh đạo của Bộ Tư lệnh 559 bây giờ có thay đổi, nhiệm vụ chủ yếu là vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, bước đầu vận chuyển bằng cơ giới đã được phát huy. Anh Hoàng Văn Thái được cử làm Tư lệnh, anh Vũ Xuân Chiêm làm Chính uỷ, anh
Hồng Kỳ Chủ nhiệm chính trị Đoàn 559 là Phó Chỉnh ủy, còn tôi Nguyễn Tường Lân được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo mở đường 20 Quyết Thắng và những con đường mới vào chiến trường.

         Con đường 20 làm mới, sẽ phá thế độc tuyến vượt Trường Sơn, được thi công từ hai phía: Phía tây Trường Sơn từ Lùm Bùm (giữa đường 128 đất Lào) đến biên giới Lào - Việt (ngầm Ta Lê) và phía đông Trường Sơn từ Phong Nha đến biên giới Việt Lào, con đường này dài hơn 150 cây số. Việc khảo sát thiết kế và thi công vô cùng khó khăn, lực lượng làm con đường này còn trẻ, tuổi bình quân 20, nên gọi là đường 20. Sau này còn gọi là đường Quyết thắng để ghi nhận chiến công của tuổi trẻ, thời gian chống Mỹ, cứu nước. Đường 20 do hai công trường thi công: Công trường 128 làm phía tây Trường Sơn (bên Lào) và công trường 20 Quyết Thắng làm phía đông Trường Sơn.

         Công trường phía tây Trường Sơn, trên đất bạn Lào, do đồng chí Nguyễn Lang làm Trưởng ban, đồng chí Hoàng Đình Phiên làm Phó ban, đồng chí Nguyễn Chí Tuệ (Lam Chi) phụ trách đội cơ giới mạnh. Công trình vừa thiết kế vừa thi công từ giữa năm 1965, đến cuối năm nhiều đoạn làm xong, bước đầu đã phát huy tác dụng.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #45 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2010, 03:06:47 am »


Công trường phía đông Trường Sơn, con đường 20 do đồng chí Phan Trầm làm Trưởng ban, đồng chí Đào Thanh làm Phó ban. Việc khảo sát thiết kế tuyến vô cùng khó khăn. Vì vậy cuối năm 1965, mới tập trung lực lượng thi công mở đường.

Ông Nguyễn Tường Lân trao đổi với ông Đặng Văn Cán (bên trái) viết hồi ký về "Mở đường Trường Sơn phá thế độc tuyến", tháng 4 năm 2009.

         Do yêu cầu cấp bách phải thông đường sớm, Bộ Tư lệnh 559 đã phải huy động hơn một vạn thanh niên xung phong, bộ đội, cán bộ công nhân vào làm con đường 20 Quyết thắng này. Trung đoàn 10 công binh và hai trung đoàn bộ binh Trung đoàn 4 và Trung đoàn 5 đang hành quân vào chiến trường miền Nam, thì có lệnh ở lại làm đường, nảy sinh tư tưởng thắc mắc, nhất là một số anh em quê ở miền Nam.

         Đồng chí Chính ủy trung đoàn, đã đề nghị Bộ Tư lệnh 559 xuống làm công tác tư tưởng. Thay mặt Bộ Tư lệnh, tôi đã nói chuyện với chiến sỹ bộ đội. Trước khi nói chuyện, tôi tự giới thiệu với anh em: Tôi là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, tôi chưa qua bộ đội, mà lại làm Phó Tư lệnh, nên anh Đinh Đức Thiện thiếu tướng, gọi đùa tôi là "binh ba". Sau đó, tôi nói chuyện ngắn gọn, nội dung là: Tôi là Thứ trưởng Bộ GTVT, được biệt phái sang làm Phó Tư lệnh Đoàn 559 cũng như các đồng chí có nguyện vọng chung là vào nhanh chiến trường để chiến đấu với kẻ thù. Nhưng hiện giờ việc vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam rất khó khăn, chỉ vận chuyển bằng gùi, thồ, mùa mưa đến càng khó khăn hơn. Các đồng chí chúng ta vào chiến trường không có súng, đạn, không có lương thực để ăn, lại trở thành gánh nặng thêm.

         Quân ủy Trung ương đã khẳng định: Không thể chi viện cho chiến trường miền Nam bằng gùi, thồ; mà phải chi viện bằng vận chuyển cơ giới. Muốn vậy chúng ta phải có con đường vượt Trường Sơn phá thế độc tuyến. Con đường này dài hơn 150 km, phải làm hoàn thành trong thời gian ngắn trước mùa mưa năm 1966. Khó khăn nhất hiện nay, đoạn phía đông mở đường qua dốc Ba Thang, dãy núi đá vôi dựng đứng án ngữ, đây là cái chốt khống chế tiến độ thi công của toàn tuyến.

         Các đồng chí là công binh, sức trẻ tuổi 20, chúng ta không chịu khuất phục, phải mở thông đường nhanh nhất, để xe pháo ầm ầm kéo vào chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ rồi cùng vào luôn. Một trong những nguyên nhân đưa Cách mạng tới thành công cũng có khi quyết định bởi một con đường, ở đây đúng là như vậy. Các đồng chí tham gia làm con đường 20 Quyết thắng này vinh dự lắm, đúng vậy không?”. Tôi nói xong anh em tán thành vỗ tay rào rào. Tôi hỏi lại: "Các đồng chí có đồng ý không?". Anh em đồng thanh hô vang 3 lần "đồng ý!".

         Sau đó, tôi đi thăm chỗ ăn ở của anh em đơn vị, có chiến sỹ nói với tôi: Phó tư lệnh tự nhận là "binh ba" sao mà nói hay thế! Đồng chí Võ Quang Bình, Thiếu tá Chính uỷ trung đoàn rất hoan nghênh và tôi đã đề nghị các đồng chí phải quán triệt đến các chiến sỹ, để anh em yên tâm làm tốt nhiệm vụ.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #46 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2010, 03:10:03 am »


         Khi tôi vào nhận nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh 559, việc khảo sát thiết kế tuyến đường 20 phía đông Trường sơn đã xong. Chiều 30 tết năm Bính ngọ, thay mặt Bộ Tư lệnh, tôi đã duyệt kế hoạch thực hiện mở đường 20 Quyết thắng. Anh em tham mưu báo cáo, căn cứ khối lượng hồ sơ thiết kế, có tính đến khó khăn trong thi công, nếu tập trung lực lượng, có sự chỉ đạo sát sao, cũng phải làm ít nhất một năm. Tôi nói: Bộ Tư lệnh chỉ thị, chỉ làm trong 3 tháng, hoàn thành trước ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5, phải thông đường trước mùa mưa (tránh túi nước Xiêng Phan) để vận chuyển chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Anh em đã tính toán lại tiến độ, yêu cầu nhân lực, vật tư, thiết bị... mãi đến 2 giờ sáng mới duyệt xong.

         Sáng ngày 21-1-1966, mồng một Tết Bính Ngọ, tại công trường 20, đại diện các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ công nhân đã có mặt chỉnh tề tại chân đốc Đồng Tiền. Thay mặt Bộ Tư lệnh 559, tôi phát lệnh: Nổ loạt bộc phá đầu xuân, hưởng ứng chiến dịch: "Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi". Tiếp đó hàng loạt trái bộc phá nổ vang trời, hoà chung tiếng vỗ tay hoan hô của anh chị em, làm rung động cả một khu rừng. Lễ khởi công được tổ chức sớm, ngắn gọn, đã tạo được khí thế sôi nổi, hăng hái làm đường trên toàn tuyến, ngay từ những ngày đầu xuân năm mới.

         Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của từng binh chủng, Ban chỉ huy công trường 20 Quyết thắng đã bố trí quân trên từng đoạn đường hợp lý, phù hợp với khả năng của từng đơn vị. Đoạn dốc Ba Thang khó khăn nhất, bố trí Trung đoàn Công binh mạnh E10, tiếp đó là Trung đoàn E4 và E5 (làm xong đường phía tây sang tăng cường), những đơn vị thanh niên xung phong, bố trí ở những đoạn dễ hơn.

         Công trường đã tổ chức những lớp học cho cán bộ chiến sĩ, công nhân, thanh niên xung phong chủ chốt về an toàn lao động, học thao tác đục lỗ đánh mìn để đạt được năng suất cao. Sau đó về phổ biến hướng dẫn lại cho anh em khác. Công trường đã tổ chức "thi tạo lỗ nổ mìn, phá đá", đơn vị nào làm tốt phá được nhiều đá được thưởng 1 đài Orionton. Việc làm này đã góp phần đưa năng suất nổ mìn phá đá ngày càng cao hơn và đẩy nhanh tiến độ thi công chung toàn công trường.

         Để giữ bí mật, tránh máy bay địch phát hiện, đường làm xong phải ngụy trang ngay, không để lộ tuyến. Việc tổ chức đánh mìn nhỏ, kết hợp với đánh bộc phá định hướng, phải đảm bảo nguyên tắc, không được đánh quá lớn để máy bay địch khó phát hiện đánh phá.

         Tôi thường xuyên làm việc ở tại công trường, thường cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy công trường đi kiểm tra đôn đốc công việc ở cả bên đông và tây Trường Sơn. Nhiều khi ăn ở cùng anh em, hiểu được những tâm tư nguyện vọng của anh em và đã có biện pháp giải quyết kịp thời để anh chị em làm tốt nhiệm vụ.

         Hưởng ứng chiến dịch: "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi" của Bộ Tư lệnh phát động, khí thế làm việc của toàn công trường như ngày hội làm đường. Năng suất mỗi ngày một tăng, tiến độ thi công nhanh vượt bậc. Đến giữa tháng 4-1966 đoạn đường qua đỉnh dốc Ba Thang đã thông. Thế là con đường 20, "Con đường Quyết thắng" sau một thời gian miệt mài thi công không nghỉ, đã thông tuyến. Con đường 20 vượt Trường Sơn thông xe là món quà vô cùng quý giá dâng lên Bác Hồ, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #47 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2010, 03:14:21 am »



         Đầu tháng 5-1966, được tin đường 20 thông xe, anh Đinh Đức Thiện thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần trực tiếp chỉ đạo vận chuyển trên đường Trường Sơn, kiểm tra tuyến đường. Tôi đã chủ động đi kiểm tra trước mấy ngày, cho sửa những đoạn còn gồ ghề lởm chởm. Những chỗ đường xung yếu bố trí anh em trực, để xe thủ trưởng đi, có thế kéo đẩy cho xe đi nhanh.

         Hôm đó, anh Đinh Đức Thiện đi kiểm tra từ phía bên Lào về, tôi ra đón anh tại ngầm Ta Lê (biên giới Việt - Lào). Đường mới làm, xe đi chưa êm thuận, có chỗ khó đi anh em phải hỗ trợ vừa đẩy, vừa kéo xe đi. Thú thực thấy xe anh Đinh Đức Thiện đi vất vả, tôi ái ngại quá. Đi kiểm tra xong tuyến anh Thiện nói: " Đù ch... ! Thông xe thông đường gì mà xe thủ trưởng đi có chỗ vừa kéo vừa đẩy". Tôi nói đùa lại: "Xe của thủ trưởng phải vừa kéo vừa đẩy cho nhanh, không có máy bay địch phát hiện". Ngừng một lát đồng chí Đinh Đức Thiện nghiêm túc nhận xét: "Trong thời gian ngắn, nhiệm vụ rất khó khăn mà các anh làm được tài thật! rất đáng khen". Rồi anh nói thêm: "Nhưng chẳng biết khen thưởng thế nào đây?". Tôi thở phào, nghĩ rằng phần thưởng lớn nhất là đã thực hiện được ước vọng của anh Phan Trọng Tuệ Bộ trưởng, phá được thế độc tuyến vượt Trường Sơn, khắc phục được "túi nước Xiêng Phan", tạo nên yếu tố bất ngờ đối với kẻ thù.

         Sau khi con đường 20 đã hoàn thành thông xe, Thiếu tướng Đinh Đức Thiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, trực tiếp chỉ đạo Đoàn 559 đã giao nhiệm vụ cho tôi: Làm xong con đường 20, bố trí lực lượng làm tiếp con đường vào A Lưới, A Sầu. Con đường này, lâu nay quân và dân ta vẫn phải vận chuyển cho chiến trường bằng việc gùi, thồ, xe cơ giới chưa đi được.

         Nhớ lại những kỷ niệm đi mở đường 20 Quyết thắng, tôi có dịp hiểu sâu sắc hơn về những gì anh Phan Trọng Tuệ đã làm "mùa mưa Trường Sơn 1965". Trong một thời gian ngắn với trí tuệ, tài năng, và tấm lòng "tất cả vì miền Nam ruột thịt", anh Phan Trọng Tuệ đã quyết định làm con đường 20 phá thế độc tuyến từ đông sang tây Trường Sơn ở vị trí thi công khó nhất, nhưng sử dụng lại hiệu quả nhất; chi viện kịp thời cả mùa khô và mùa mưa cho chiến trường miền Nam ruột thịt, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.

         Tôi nay đã vào tuổi 90, nhưng vẫn minh mẫn, nhớ lại những ngày sống và làm việc với anh Phan Trọng Tuệ, tôi thấy anh là người rất sáng suốt tài ba, có bản lĩnh, rất tận tụy với chức trách nhiệm vụ được giao, rất gần gũi cán bộ, chiến sỹ, hết lòng vì nước vì dân, đã để lại gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.

Hà Nội, ngày 5 tháng 4 năm 2009

Đặng Văn Cán (nguyên Bí thư riêng
của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ)
Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Tường Lân









Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #48 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:22:51 am »



Ông Phi Đình Tuấn
Nguyên Vụ phó Vụ TCCB Bộ GTVT






NHỮNG KỶ NIÊM SÂU SẮC
KHẢO SÁT THIẾT KẾ
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG
PHI ĐÌNH TUẤN






         Tháng 4-1965 Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ được Bộ Chính trị quyết định tham gia Quân uỷ Trung ương, giữ nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính uỷ Bộ Tư lệnh 559. Sau khi đề xuất ý kiến và được Quân uỷ Trung ương nhất trí, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã chủ trương làm thêm ngay một con đường mới vượt Trường Sơn, phá thế độc tuyến, để vận chuyển cơ giới chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam cả mùa khô và mùa mưa. Với cương vị mới, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã quyết định biệt phái chúng tôi từ Viện Thiết kế giao thông và một số đơn vị trong ngành sang Bộ Tư lệnh 559, thành lập một Đoàn khảo sát thiết kế đặc biệt, có nhiệm vụ khảo sát thiết kế tuyến mới đông Trường Sơn. Đồng chí Nam Hải quyền Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông làm trưởng đoàn, Thiếu tá công binh Mai Sơn làm Phó đoàn, tôi (Phi Đình Tuấn) kỹ sư cầu đường làm tổ trưởng kỹ thuật và 10 cán bộ công nhân kỹ thuật cùng một tổ điện đài, trang bị máy móc thiết bị cần thiết cho việc khảo sát thiết kế tại hiện trường, là thành viên.

         Trước khi vào Trường Sơn, Đại tá Vũ Xuân Chiêm, Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh 559, đã gặp giao nhiệm vụ cho Đoàn chúng tôi tại nhà 63 Lý Nam Đế - Hà Nội. Đồng chí Vũ Xuân Chiêm, đã xác định rõ nhiệm vụ của đoàn chúng tôi vinh dự được tham gia mở con đường chiến lược phía đông Trường Sơn. Cụ thể là khảo sát thiết kế làm thêm một con đường mới vượt Trường Sơn, từ đông sang tây cho xe cơ giới hoạt động. Yêu cầu phải làm khẩn trương, giữ bí mật và phải khảo sát thiết kế nhanh, để có hồ sơ thiết kế kịp thời cho các đơn vị thi công. Đồng chí Phó Chính uỷ cho biết: "Việc khảo sát thiết kế con đường mới này vô cùng khó khăn, nên Bộ Giao thông vận tải đã chọn Đoàn Khảo sát thiết kế mạnh, có tay nghề giỏi, để tìm con đường này. Phó Chính uỷ còn cho biết thời gian này, chúng ta đang khẩn trương tuyển quân ở các địa phương.

         Sau mấy ngày chuẩn bị, ngày 26-6-1965 anh Hoà lái chiếc xe ôtô tải của Liên Xô còn mới, đưa Đoàn chúng tôi hành quân vào núi rừng Trường Sơn. Đồng chí Nam Hải và đồng

Ông Phan Trọng Tuệ (giữa) đang làm việc tại Bộ Tư lệnh 559, có ông Phan Trầm - Trưởng ban chỉ huy công trường đường 20 Quyết thắng cùng dự (cuối năm 1965)

chí Mai Sơn ngồi ở ca bin cùng lái xe. Trên xe có 2 chiếc ghế gỗ dài suốt hai bên thành xe. Thùng xe chất ba lô cá nhân, trang thiết bị khảo sát, điện đài, xoong nồi, lương thực và thực phẩm xếp bằng mặt ghế. Anh em chúng tôi trải bạt nằm ngồi trên đó.

         Trên đường đi, dọc đường máy bay Mỹ bắn phá hư hỏng nhiều cầu lớn. Đến cầu Hàm Rồng máy bay địch bắn phá ác liệt và pháo sáng thả cầm canh nhưng chúng tôi rồi cũng lên phà sang bờ Nam được.

         Ban ngày, xe lẩn vào trong dân, tối đến mới đi, đến Khe Tang xe từ đỉnh dốc cao lao xuống ngầm. Tự nhiên thân mọi người nâng khỏi sàn xe và nghe có tiếng "rầm", thì ra anh Hoà đã cho xe lao theo kiểu rơi tự do xuống ngầm Khe Tang, thế là xe chết máy. Trên đầu thì máy bay Mỹ lượn, pháo sáng làm hoa cả mắt. Anh Hoà loay hoay, rồi cũng làm cho chiếc ôtô nổ máy, có hai anh trong Đoàn xuống hỗ trợ, yêu cầu cho xe lùi một đoạn thì mới lên được. Anh Hoà nói là "xe không có số lùi". Quả thật anh Hoà mới nhập ngũ và được đào tạo lái xe cấp tốc 2 tháng, nên kiến thức, tay lái còn nhiều hạn chế. Vì cần lên đường gấp, anh Hoà cũng không có tư trang gì đem theo, đến cả thức ăn cá nhân cũng không có.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #49 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:28:00 am »



         Ngày 5-7-1965 Đoàn khảo sát phía đông Trường Sơn chúng tôi qua phà Xuân Sơn, nghỉ tại ở một bản người dân tộc Arem cửa rừng Phong Nha (Quảng Bình). Hai ngày sau,
đoàn chia làm hai mũi, đi thị sát theo hai theo hướng tuyến, để có phương án so sánh:

         1. Một mũi từ Khe Nét đi theo hướng Đoòng, phía tay trái, ra Khe Tum lên biên giới Việt - Lào, hướng này do đồng chí Nam Hải phụ trách, cùng một số đồng chí cán bộ, công nhân kỹ thuật.

         2. Một mũi từ Khe Nét, phía tay phải, qua Tân Trạch – Cù Mẹ - U Bò - đến bản Càroòng thì gặp mũi thứ nhất. Mũi thị sát thứ hai này gồm có: tôi (Phi Đình Tuấn) và hai đồng chí cán bộ kỹ thuật nữa, do đồng chí Mai Sơn phụ trách.

         Sau khi thị sát xong hai hướng, hai mũi thị sát trở lại gặp nhau tại khu rừng Phong Nha. Tối 17-7-1965, Đoàn khảo sát phía đông Trường Sơn chúng tôi họp tại cửa rừng Phong Nha. Sau khi thảo luận và phân tích sôi nổi có hai loại ý kiến khác nhau. Đồng chí Nam Hải trưởng đoàn, quyết định lấy tuyến Trường Sơn từ cửa rừng A - Choóc qua Nậm Trà Ang về Đoòng lên biên giới Việt - Lào. Hướng đường đi theo đường phân thuỷ, đường đất, không có đá, dễ thi công. Họp xong hôm sau đồng chí Nam Hải, đồng chí Mai Sơn về Hà Nội báo cáo. Còn việc khảo sát thiết kế kỹ thuật, giao lại cho tôi (Phi Đình Tuấn) phụ trách, phải hoàn thành trong một thời gian ngắn nhất, để có tài liệu phục vụ kịp thời cho thi công (đơn vị thi công đặt tên là công trường 20 Quyết thắng).

         Ngày 20-7-1965 chúng tôi tổ chức hai mũi khảo sát thiết kế kỹ thuật tuyến đường theo hướng đã chọn.

         Mũi 1 từ khe Nét đi vào Đoòng - lên khe Tum, do tôi (Phi Đình Tuấn) phụ trách. Mũi 2 từ biên giới về Đoòng - gặp mũi ngược lại ở khe Tum, do đồng chí Hoàng Tường phụ trách.

         Hướng tuyến này, đường đi trên cao của dãy đông Trường sơn, nhiều đoạn đi theo đường phân thuỷ, cao độ vùng này có chỗ lên đến 1.000m (so với mặt nước biển), đường đồng mức không thể hiện. Việc nghiên cứu rất khó khăn (nhiều dãy núi không thể hiện ở thực địa). Vì cứ 50m mới có một đường đồng mức, nếu thiếu 10cm thì lại mất một đường đồng mức và đến cao độ 100m lại mới thể hiện ...

         Tìm tuyến đến đâu, đo đạc khảo sát thiết kế ngay tại chỗ, có trên 100 cầu cống lớn nhỏ, khối lượng đào đắp bình quân 36-40 nghìn m3/km; ta luy cao có đoạn lên đến 20 - 30m. Khi thi công xong tuyến đường ở trên cao rất lộ, dễ bị máy bay địch phát hiện và đánh phá ác liệt, thương vong lớn, giao thông ách tắc, đường phục vụ quân sự như thế là không hợp lý.

         Hơn hai tháng, anh em làm việc khá vất vả, đến đầu tháng 10-1965 hai mũi vẫn không gặp được nhau. Trường Sơn đã bắt đầu mưa, các con suối lũ to, việc hành quân vận chuyển thiết bị đồ dùng qua sông suối nhiều hôm không đi được, vật lộn với núi rừng nguyên sinh Trường Sơn trên bốn tháng gian khó, sức khoẻ anh em đã giảm sút, tóc của nhiều đồng chí đã dài chấm gáy. Tôi nhớ khi nhận nhiệm vụ vào chiến trường, tôi đến chào thầy giáo dạy tôi ở Trường Đại học Giao thông vận tải, thầy Lê Đình Hoè, một lão tướng của ngành khảo sát thiết kế, có nói: "Bản đồ của Pháp có thể sai, cần phải thận trọng". Thực tế ở đây đúng như lời thầy đã nói, từ đó đã gợi mở cho tôi những tư duy tìm tòi mới.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM