Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:40:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại  (Đọc 53860 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 03:57:20 am »



       Nhưng để thi hành chủ trương quyết tâm vận chuyển khẩn cấp của Trung ương, của hậu phương cho miền Nam thì bằng mọi cách, Bộ Tư lệnh 559 phải khắc phục và triển khai vận chuyển gùi thồ ngay trong mùa mưa. Đồng thời mở đường tiêu chuẩn cho xe cơ giới tới đâu chống lầy tới đó để hành quân và vận chuyển. Theo những lính cũ của Truờng Sơn thì mọi năm cứ mùa mưa đến, ta thường nghỉ để chấn chỉnh tổ chức và thay quân... Nhưng năm nay, yêu cầu của chiến trường ngày một lớn. Nếu những năm trước vận chuyển để chi viện cho sự phát triển trước và sau đồng khởi, nhằm đánh bại chiến tranh đặc biệt thì từ năm nay trở đi vận chuyển đế phá cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ đổ quân vào. Do vậy hàng hóa vận chuyển vào sẽ thay đổi rất lớn, cả chất lượng lẫn số lượng, hành khách đi B cũng với nhịp độ khẩn trương hơn, số lượng đông hơn. Một con đường cơ giới đầu tiên của hệ thống đường mòn được thiết kế và làm mới theo tiêu chuẩn tuy dã chiến nhưng đòi hỏi đảm bảo xe pháo đi và xuyên suốt Trường Sơn. Phải thi công ngay trong mùa mưa và hoàn thành trong thời hạn hơn một trăm ngày con đường dài hơn một trăm ki-lô-mét là có khó khăn, đồng thời phải bằng mọi cách vận dụng túi nước.

        Bộ Tư lệnh mau chóng tổ chức lại lực lượng trên toàn tuyến. Toàn hệ thống đường xuyên Trường Sơn theo kế hoạch, sẽ trải rộng hai bên sườn đông và tây Trường Sơn, xuyên rừng rậm, dài hàng ngàn ki-lô-mét. Chúng tôi phải vừa lo củng cố đường giao liên đường gùi thồ, tận dụng từng đoạn đường sông suối ít thác ghềnh, vừa từng bước nhanh chóng mở hệ thống đường vận tải cơ giới, bắc cầu, làm bến phà, bạt núi mở đường. Mặt khác, lo tổ chức vận tải cơ giới thô sơ; lo kho bãi giữ và bảo vệ hàng; lo đánh địch trên không, biệt kích dưới đất; chống chiến tranh điện tử đã bắt đầu xuất hiện vì địch đã đánh hơi thấy ta vận chuyển mùa mưa, nhưng mây âm u, mưa tầm tã cả ngày nên chúng phải dùng điện tử để trinh sát; lo tổ chức hệ thống đường giao liên, đường dây giao liên, bãi khách để bảo đảm sức khoẻ chiến đấu cho cán bộ chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam và thương binh ra Bắc điều trị. Đường của Đoàn 559 mở bắt đầu từ R bên đường 12, từ đông Trường Sơn qua tây Trường Sơn, vượt qua đèo Mụ Giạ tới Làng Khăng, kéo thẳng tới đường 9 vươn tới S9 Tây Nguyên, một nhánh tới bờ sông Sê Công, dùng đường thủy nối với các trạm của B2 để tiếp tế vào các chiến trường Nam Bộ và cho cách mạng K; một nhánh từ Tà Sẻng tới sông Nam Kông hạ Lào giáp với đông Campuchia, để tiếp tế cho cách mạng K và vào B2.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:02:39 am »


         Đoạn đằng này là một nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh. Đường phía tây Trường Sơn nhiều đoạn đi trên đất bạn Lào. Ta được Đảng và nhân dân bạn giúp đỡ hết sức nhiệt tình, vì khi đồng ý ủng hộ ta, bạn coi đây là con đường chiến đấu chung của cả ba nước Đông Dương đánh Mỹ. Con đường là tượng trưng cho tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương. Các chiến sĩ của Đoàn 559 đã làm tốt công tác dân vận trên đất bạn. Về công tác này chúng tôi phối hợp với các đồng chí chuyên gia cố vấn của ta lúc đó phục vụ cách mạng của nước bạn. Các chuyên gia Việt Nam sang giúp bạn đã đến làm việc với Bộ Tư lệnh 559 về công tác dân vận và bảo vệ sườn phía tây của hệ thống đường mòn.

         Như trên đã nói, toàn bộ hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh chia làm ba tuyến. Tuyến I từ R trên đường 12 rẽ xuống đường 9, có chiều dài bảo đảm giao thông là 24km. Đoạn này khi hoàn chỉnh xong đường 128, mở rộng đường 129 và tận dụng đường thủy sông Noọng-cà-đeng thì có ba đường chuyển hàng vào tuyến trong. Thế độc tuyến đã bắt đầu bị phá. Trên tuyến này lực lượng mở đường có Trung đoàn 98 Công binh, lực lượng này sẽ chuyển sang tuyến III khi hoàn thành nhiệm vụ. Một đơn vị cơ giới của Bộ Giao thông vận tải trên 1.000 cán bộ công nhân với gần 30 xe và máy thi công cơ giới, 1.500 thanh niên xung phong làm đường. Theo kế hoạch thì các lực lượng này quyết tâm thông xe con đường mới 128 vào cuối tháng 7. Để hỗ trợ và đẩy mạnh vận chuyển cho tuyến I, nhất là đẩy mạnh việc nâng cao lực lượng hành khách trên hành lang trong mùa mưa, con đường 16 Ho Vít -Thù Lù từ phía đông Trường Sơn, dưới chân núi Tróc A, tây nam Quảng Bình, xuyên sang tây Trường Sơn nối với đường 9 - Nam Lào đã có trước đây và chỉ đi được vào mùa khô, được khởi công mở rộng vào tháng 7 và kiên quyết thông đường vào tháng 9. Lực lượng thi công và chống lầy là gần 2.000 thanh niên xung phong và gần 300 công binh. Đường mở rộng trước hết để gùi thồ và đồng thời nâng cấp cho xe vận tải có thể đi được bằng phương pháp "rông-đanh", chống lầy bằng những thân cây nhỏ. Với thi công hai mũi từ hai đầu đường lực lượng vận chuyển là gần 2.000 thanh niên xung phong lấy từ Hà Tĩnh (số nữ chiếm đến 40%) vừa tham gia mở đường, vừa chống lầy, vừa tổ chức vận chuyển hàng gùi thồ và xe vận tải nhẹ. Ta còn nghiên cứu mở một đường vượt Trường Sơn nữa, làm cho hệ thống đường cơ giới trở nên cơ động, nhiều tuyến nhằm phân tán sức phá hoại của địch; anh em coi đó là chiến thuật căng địch ra mà đánh trên mặt trận giao thông vận tải. Ở tuyến I lực lượng vận chuyển chủ yếu là ôtô. Tại đây tập trung một trung đoàn vận tải tăng cường gồm 245 xe, cộng thêm một đại đội vận tải độc lập có 95 xe. Tổng cộng có 340 xe hoạt động. Toàn tuyến chia thành 3 binh trạm, lấy ký hiệu là Rb, R1b và R2. Bộ đội có gần 800 cán bộ chiến sĩ dân quân kể cả dân công hỏa tuyến có trên 1.000 người gùi thồ, và một tiểu đoàn cao xạ 37 ly.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:06:48 am »



         Tuyến II từ S1 gần Sêpôn đến S5 bao gồm cả nhánh B45 đi Quảng Trị - Huế, cung đường dài 170 km... Trong thời gian này, tuyến II chỉ có phương tiện vận tải chủ yếu là gùi thồ, còn xe cơ giới không hoạt động được vì những đoạn đường cơ giới mùa khô đi được thì nay lầy lội, nước suối dâng cao, cầu phà thiếu. Cán bộ kỹ sư thiết kế và công binh vào nghiên cứu mở tuyến làm một hệ thống đường vận tải cơ giới toàn tuyến đã có mặt và một tiểu đoàn công binh thuộc Trung đoàn 279, hai đại đội cơ giới khai hoang của Bộ Nông trường gần 300 người. Hiện tại đã có Trung đoàn vận tải Trung đoàn 265 với gần 200 đầu xe. Hai binh trạm vận chuyển bốc vác có gần 800 cán bộ chiến sĩ. Một tiểu đoàn bảo vệ và một đại đội độc lập phối thuộc. Một tiểu đoàn cao xạ pháo 37 ly. Một đội giao liên, một tiểu đoàn bảo vệ làm thêm nhiệm vụ chống lầy. Bộ Tư lệnh sẽ điều thêm lực lượng thanh niên xung phong làm đường.

         Tuyến III từ S5 Bản Bạc trên thượng lưu sông Sê Công đến S9 Tây Nguyên có nhánh đường B46 đi đến địa phận Quảng Ngãi, Khu 5, dài 256 km, chia làm bốn binh trạm. Trong đó có ba binh trạm thồ gồm gần 3.000 cán bộ chiến sĩ với 1.500 xe đạp. Một binh trạm thuyền với 140 thuyền các loại. Hai trung đoàn công binh chuẩn bị mở rộng đường. Một đại đội bảo vệ. Một đại đội giao liên.

         Quân số của Đoàn 559 đã lên tới gần 20 ngàn người gồm nhiều lực lượng hỗn hợp quân dân, công nhân, thanh niên xung phong rải trên gần 2.000 km ở trên nhiều tuyến ngang dọc, hoạt động trên những địa hình hết sức phức tạp, rừng, suối chằng chịt. Trong đó lực lượng quân đội là chủ yếu. Ngành Giao thông hậu phương đóng góp gần 8.000 người, gồm gần 5.000 thanh niên xung phong và hơn 1.500 kỹ sư cán bộ kỹ thuật, một số đông công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến và dân quân. Phân bố lực lượng cho các tuyến như sau: Ở tuyến I gần 10.500 người kể cả công trường 16; tuyến II hơn 3.000 người; tuyến III gần 6.000 người, vì tuyến này gùi thồ và vận tải thuyền là chủ yếu. Lực lượng làm đường là chủ yếu chiếm hơn 11.000 người. Phương tiện vận tải cơ giới có tổng cộng trên 600 đầu xe cơ giới. Xe đạp thồ có trên 4.000 chiếc. Phương tiện vận tải phát triển quá nhanh, nên có tình trạng thiếu lái xe trầm trọng. Thiếu cả những tay điều khiển xe thồ thành thạo.

         Xe tô vận tải được các nước anh em viện trợ cho đã về nhưng thiếu lái xe. Lúc bấy giờ cả bên kinh tế lẫn bên quân sự lái xe ôtô chỉ được đào tạo cấp tốc có ba tháng. Vì thế mới có chuyện lái xe Trường Sơn chỉ biết tiến chứ không biết lùi. Anh em vào số tiến thì thành thạo, nhưng cài số lùi thì còn vụng về. Nhưng anh em nói vui, lính lái xe Trường Sơn chỉ tiến chứ đâu cần học lùi. Quả thật vì đường quá gấp và vòng gấp cua hẹp nên lính lái xe mới ngại lùi, sợ tuột dốc, rơi xuống vực. Còn lực lượng xe đạp thồ phát triển quá nhanh, lại lấy từ anh chị em thanh niên xung phong vốn gốc nông dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Khi nhập ngũ không phải anh chị em ai cũng biết đi xe đạp cả. Vì thế khi phát xe thồ, phải ra lệnh cấm tập đi xe đạp.



Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:11:53 am »



         Vì đường xe thồ, có nhiều dốc dựng đứng, biết đi xe đạp cũng đã nguy hiểm mà tập đi xe đạp có khi xảy ra tai nạn chết người. Sau này có người kể lại rằng, có những anh em phục viên đã hàng năm đánh bạn với cái xe đạp, là kiện tướng gùi thồ thế mà về làng lại phải tập đi xe đạp từ đầu...

         Vào cuối tháng 9 phải thay quân, vì quá hạn nhiều, chủ yếu là thay thế số dân quân và dân công hỏa tuyến hết hạn phục vụ và quân số ốm đau. Bộ Tư lệnh 559 nhận thêm từ Ninh Bình trên 1.000 và từ Nghệ An 1.000 thanh niên xung phong.

         Đoàn 559 còn sử dụng một lực lượng thuyền đáng kể để tận dụng nhiều suối về phía tây nam và đông nam làm đường vận chuyển ra chiến trường. Ở tuyến I có 48 tấn phương tiện vận tải thủy gồm gần 100 chiếc thuyền gỗ trọng tải dưới 1 tấn, và thuyền gỗ trọng tải dưới 400 kg. Tuyến II có 20 tấn phương tiện vận tải thủy với 20 thuyền gỗ. Tuyến III, lợi dụng được dòng sông Sê Băng Hiên, sông Sê Công, nên ta có 120 tấn phương tiện vận tải với 140 thuyền gỗ... Như vậy, ta có toàn bộ 180 tấn phương tiện vận tải thủy trên đường Trường Sơn lúc đó.

         Bộ Tư lệnh 559 phân công như sau: Tôi Tư lệnh, kiêm Chính ủy, chịu trách nhiệm chung trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường 128 và chiến dịch vượt túi nước Xiêng Phan ở tuyến I. Anh Võ Bẩm, Phó tư lệnh, đi kiểm tra và tổ chức lại tuyến III, Hạ Lào tuyến tận cùng của đường Trường Sơn, chỉ đạo làm đường C4 và giải quyết số xe sa lầy vùng Khăm Muộn. Anh Vũ Xuân Chiêm chịu trách nhiệm tuyến II lo việc tổ chức và thành lập các Đảng ủy của các tuyến chấn chỉnh và tổ chức các tham mưu vận tải công binh và tác chiến.

         Lực lượng đã đông đến gần 2 vạn người và số phương tiện vận tải từ thô sơ đến cơ giới được tăng cường. Như vậy đã nhanh chóng triển khai được trên toàn tuyến và toàn hệ thống đường xuyên Trường Sơn dài gần 2.000 km. Ngày 19- 5-1959 đồng chí Võ Bẩm được vinh dự nhận nhiệm vụ mở đường chi viện 7.000 cây súng cho chiến trường miền Nam để thành lập những đơn vị vũ trang đầu tiên cấp trung đội độc lập, hỗ trợ cho phong trào đồng khởi của nhân dân miền Trung, thi hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Từ ngày ấy đến năm 1965 đã sáu mùa nước trôi qua. Trong sáu năm các anh đã làm được biết bao công việc. Và điều quan trọng nhất là các anh đã xây dựng một lực lượng giao thông vận tải Trường Sơn với một hệ thống đường có tính chiến lược (tuy bé nhỏ và chủ yếu gùi thồ về mùa khô) và lực lượng cán bộ chiến sĩ trung kiên có tổ chức chặt chẽ, có kinh nghiệm hoạt động ở núi rừng. Với quân số tới ngày thành lập Bộ Tư lệnh mới đã xây dựng được trên 5.000 người. Tổ chức Đảng toàn tuyến đã có 67 chi bộ, với gần 2.000 đảng viên. Phương tiện vận tải đã có 140 ôtô, 1.400 xe đạp thồ, 100 chiếc thuyền. Đã có lúc lực lượng vận tải tới S1 là 16 tấn mỗi ngày, tới B46 là 2 tấn mỗi ngày. Nếu không có lực lượng trung kiên đó bám trụ và làm chủ trên toàn tuyến đường thì lực lượng mới tăng cường ồ ạt của Bộ Tư lệnh 559 khó có thể vừa xây dựng, vừa bổ sung quân, vừa nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa mở đường cơ giới, đi đôi với việc nâng nhanh khối lượng vận chuyển ngay trong mùa mưa 1965 trên đường Trường Sơn.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:18:00 am »



         Tiền tuyến yêu cầu bắt đầu từ tháng 6-1965, có nghĩa là ngay trong cao điểm của mùa mưa lũ, phải vận chuyển đến tận S8 số lượng hàng là 1.200 tấn, đến B46 là 390 tấn, đến B45 là 600 tấn, đến T634 (tức C3) là 150 tấn, đến Ho là 650 tấn. Tổng cộng hàng chi viện miền Nam là gần 3.000 tấn. Ngoài ra còn phải vận chuyển một khối lượng hàng rất lớn để xây dựng lực lượng và nuôi quân của mình, đảm bảo bám trụ trên ba tuyến. Khối lượng hàng này phải rải từ Sl đến S3 là 700 tấn, đưa vào S4 là 500 tấn, rải từ S5 đến S8 địa phận Quảng Ngãi là gần 2.000 tấn... Tổng cộng khối lượng hàng của riêng 559 cũng lên đến gần 4.000 tấn...

         Muốn thực hiện được yêu cầu thì trọng tâm là tuyến I phải vượt được túi nước, thông được lòng đường mới 128, đường l6 Ho, thì chân hàng mới tới các tuyến phục vụ cho xe cơ giới. Lúc này số lượng khách qua các binh trạm chưa phải là cao điểm. Theo yêu cầu của trên, Bộ Tư lệnh 559 đang chấn chỉnh lại hệ thống trạm giao liên để có thể đón một khối lượng khách lớn hơn, đông hơn, đón các đoàn quân cỡ trung đoàn, sư đoàn đi vào mặt trận. Hệ thống trạm giao liên toàn tuyến có 24 trạm. Tuyến I có 8 trạm, tuyến II có 7 trạm, tuyến III có 9 trạm...

         Phải chấn chỉnh kế hoạch giao liên đưa đón khách, lo đủ lương ăn, thuốc men cho khách, để có thể đi từ trạm đầu của tuyến từ Ho, tây Quảng Bình tới đầu mút của B45 Quảng Trị, Huế, mất 17 ngày từ Ho đến đầu mút của B46 Khu 5 hết 30 ngày; từ Ho tới tận S9 Tây Nguyên mất 45 ngày... kể cả nghỉ ngơi.

         Việc đưa đón khách vào Nam ra Bắc, cán bộ chiến sĩ đi B chiến đấu, thương bệnh binh ở B ra điều trị được tổ chức chu đáo, với các trạm giao liên các bãi khách, có nơi nghỉ ngơi an toàn, có y tế chăm sóc sức khỏe, có kho bãi tiếp tế lương thực, thực phẩm, lại còn tổ chức đội cáng vai và cáng trên xe đạp để cáng thương binh và những đồng chí già yếu, cần giữ gìn sức khoẻ... Nhớ lại những ngày kháng chiến chống Pháp cũng đi xuyên rừng Trường Sơn, do chưa được tổ chức như ngày nay, các cán bộ vào Nam ra Bắc phải vượt đèo, lội suối, băng rừng ròng rã 250 ngày, tính ra đến hơn 8 tháng trời.

         Để đạt được mức phấn đấu vận chuyển và đưa nhiều khách lần đầu tiên vào mùa mưa như thế, công việc của Bộ Tư lệnh 559 hết sức nặng nề. Phải lo mở đường mới, sửa đường cũ, mở rộng đường gùi thồ, chống lầy, hạ thấp đèo dốc. Tận dụng tất cả các đoạn có thể vận chuyển cơ giới để tung lực lượng cơ giới vào hoạt động. Tận dụng các dòng sông, suối để tung thuyền ra vận chuyển như sông Noọng-càđeng, sông Sê Băng Hiêng, sông Sê Công... Trời mưa, nước lớn cũng có lợi cho thả trôi vận chuyển, nhưng nước chảy xiết, thác ghềnh nhiều nên cũng tốn sức người và khá nguy hiểm. Tăng công sức vận chuyển của lực lượng gùi thồ. Khi tập trung hơn hai vạn con người trên tuyến đường thì vấn đề tiếp tế lương thực cho chính lực lượng vận tải làm đường này trở nên một vấn đề cốt tử, còn phải bảo đảm an toàn cho lực lượng của mình nữa. Biệt kích, thám báo máy bay địch đã bắt đầu phát hiện những chuyển biến mới trong chiến lược vận tải chi viện của ta. Chúng tung máy bay do thám trinh sát suốt ngày đêm và đã bắt đầu bắn phá tọa độ và bắn thăm dò. Chúng chụp ảnh từng đoạn đường mới mở bằng loài máy bay trinh sát điện tử đặc biệt. Nhưng nhờ trời mưa, mây thấp, núi cao, và ta biết lợi dụng các quãng đường có cây bao che nên sự đánh phá của địch gây thiệt hại rất ít. Lo chống địch không bằng lo chống đói; lo chống đói lại không bằng lo chống bệnh tật, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho anh em. Nhất là cho các anh chị em thanh niên xung phong, mới lớn lên chưa quen đời sống gian khổ trong rừng rậm. Bệnh sốt rét rừng hoành hành dữ dội. Mới vào Trường Sơn quân số trên công trường 128 đã bị sốt rét đến hơn 20%. Có đơn vị sốt rét đến 80%... có lúc phải lệnh cho cả một đơn vị rút ra điều trị, thay thế quân mới. Các đơn vị thanh niên xung phong, số nữ rất đông; có đơn vị, nữ chiếm đến hơn 40%, có những tiểu đội toàn là nữ. Vấn đề vệ sinh phụ nữ giữa mùa mưa rừng tầm tã, ướt át ẩm mốc, thật là một vấn đề hết sức phức tạp. Đầu tóc, quần áo không bao giờ khô, chấy rận hành hạ, mưa liên miên không dứt, không lúc nào tạnh để phơi phóng. Quần áo, đồ vệ sinh được cấp phát đều ẩm ướt hết. Nhưng cũng may là trước khi vào tuyến, chúng tôi đã cho một xe commanca lên chợ Đồng Xuân các phố Hàng Ngang, Hàng Đào mua một số lớn vải màn, đồ lót, lược bí để làm quà cho các cháu, thì nay đã đến lúc những món quà của Bộ Tư lệnh 559 gửi tặng các cháu nữ thanh niên xung phong đến kịp thời. Các cháu mừng hơn là được bánh kẹo. Các đồng chí trong Bộ Tư lệnh gọi đùa tôi là tướng của "lính quần thâm" có khác, đã đoán trước được tình hình... Tôi chỉ cười và không trả lời. Vì đây là một việc làm để thực hiện lời Bác căn dặn khi được Bác gọi lên gặp, trước ngày tôi vào tuyến là phải chăm sóc các cháu thanh niên xung phong, nhất là nữ; hơn nữa lực lượng trong Bộ Giao thông vận tải nằm ở trên tuyến có tới 40% là nữ, thì cũng dễ thông cảm thôi.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:21:17 am »



         Do ẩm ướt, thiếu vệ sinh và ở tuổi dậy thì lại sống tập thể cho nên đã phát sinh một bệnh gọi là bệnh lây cười - theo y tế nhận xét. Bệnh cười lây lan rất nhanh trong các đơn vị nữ thanh niên xung phong. Cả tiểu đội cùng cười, cười rũ rượi, cười như điên như dại, cười phát ho phát hen, cười chảy cả nước mắt. Nhưng, khi ra mặt đường làm việc thì lại cần cù, dũng cảm hơn ai hết. Bộ phận y tế đã tăng cường cho tiền tuyến rất nhiều y sĩ, bác sĩ của quân y, của dân sự và nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa. Viện Sốt rét đã cử từng đoàn bác sĩ vào chiến trường đường Trường Son. Tiếp những năm sau đó giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã vào tận tuyến đường này để nghiên cứu tìm ra thứ kháng sinh trị bệnh sốt rét. Thời gian sau nhà khoa học Đặng Văn Ngữ đã hy sinh trên tuyến đường mòn. Rồi những năm sau này Anh hùng lao động giáo sư bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch cũng vượt Trường Sơn... và cũng hy sinh khi làm nhiệm vụ nghiên cứu chống mọi thứ bệnh tật bảo vệ sức khỏe cho chiến sĩ nói chung, trong đó có các chiến sĩ của Đoàn 559. Đường Trường Sơn và các chiến sĩ Trường Sơn không bao giờ quên tấm gương hy sinh cao cả của hai nhà khoa học trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước trên tuyến đường này...

         Công tác hậu cần rất căng thẳng. Ưu tiên cho tiền tuyến nhiều khi các đơn vị của Đoàn 559 phải ăn thiếu để chuyển lương thực ra phía trước. Anh em ta thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm. Trong khi đó những làng bản của đồng bào nước bạn, đồng bào dân tộc lại có rất nhiều lợn, gà, trâu bò... Phải giáo dục cán bộ chiến sĩ và quản lý nghiêm ngặt việc mua bán đổi chác... Bộ máy chỉ huy các tuyến nhanh chóng kiện toàn ngay từ đầu, từ tuyến đến từng binh trạm, do đó đã kịp thời lãnh đạo chặt chẽ. Tuyến I do Trung tá Vũ Toàn làm Tư lệnh, Trung tá Nguyễn Lang làm Tư lệnh, Trung tá Hồ Thăng làm Chính ủy. Tuyến II do Trung tá Đặng Ba làm Chính ủy. Tuyến III do Trung tá Nguyễn An làm Tư lệnh và Thiếu tá Phạm Hương làm Chính ủy... Các đồng chí này đều đã từng nhiều năm chiến đấu trên đường mòn Hồ Chí Minh và cả chiến trường bạn, nên có rất nhiều kinh nghiệm. Việc kiện toàn tổ chức các tuyến, các binh trạm các đơn vị ngay từ đầu đã thực sự tăng thêm sức mạnh chiến đấu, bám trụ của Bộ Tư lệnh 559 và cán bộ chiến sĩ trên hệ thống đường Trường Sơn.

         Tình hình túi nước Xiêng Phan trên tuyến I trọng tâm trọng điểm càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mưa kéo dài, nước lũ từ các sườn núi dốc như mái nhà mỗi ngày một dồn nhiều hơn vào khu vực thung lũng làm túi nước cứ phình to mãi ra. Con đường giao thông 129 hoàn toàn bị tê liệt, không còn cách gì đi lại được nữa. Đường 128 trọng điểm thì đang thi công. Đường 16 mở rộng qua Ho nối đường 9 chủ yếu cho hành khách đi, không thể hỗ trợ được, nhưng cũng còn trong giai đoạn đang thi công. Túi nước dài hơn 80 cây số nước cứ mỗi ngày một dâng cao thành một hồ rộng mênh mông không dòng chảy. Đường 050 của Ty Giao thông Quảng Bình do đồng chí Vọng chỉ huy đã làm xong, nhưng phải đi vòng quá dài mà cũng chỉ là đường gùi thồ, lại phải vượt những dốc đá tai mèo cheo leo nguy hiểm. Hàng hóa qua đèo Mụ Giạ, chất đống ở bờ bắc túi nước. Sông Sê Băng Phai nhiều thác, đá, vận chuyển không được bao nhiêu. Hàng đi bằng đường gùi thồ 050 không đủ nuôi quân ở tuyến phía Nam. Phải bằng mọi cách khắc phục túi nước này. Tôi đã cùng đồng chí Đôn đến bờ bắc túi nước. Phải tận dụng tối đa túi nước để chở hàng. Thuyền bè của toàn tuyến I đã được anh em thực hiện bầng mọi cách và đưa ngay đến nơi tập kết. Có thuyền phải vác vượt đèo vượt núi băng rừng mới tới đây được. Thuyền đến nơi được tung ngay vào chiến dịch vận chuyển hàng qua 30 cây số túi nước xuống phía Nam. Hơn 80 chiếc thuyền đặc biệt vận chuyển ngày đêm mà mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của tuyến phía Nam. Anh em tìm mọi cách để đẩy mạnh việc vận chuyển trên túi nước quái ác này. Biện pháp thả trôi đã được mang ra áp dụng. Nhưng nước ở túi nước lình bình không chảy thành dòng cố định như các dòng sông Sê Băng Hiên, Sê Công ở tuyến dưới, nên phải tốn người và thuyền đẩy các túi ni lông đóng lương thực, thuốc men... Cách thả trôi ở đây cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ yêu cầu vận chuyển.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #26 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:27:19 am »



         Cần phải đóng thêm thuyền. Số thợ từ Nam Hà do đồng chí Nguyễn Văn Thuần Bộ Giao thông vận tải đưa vào cũng đã triển khai hạ cây xẻ gỗ đóng thuyền nhưng tiến độ chậm. Chúng tôi đã cho lập một "xí nghiệp" đóng loại thuyền độc đáo mà trong từ điển vận tải thế giới cũng chưa có tên.

         Hồi ở Hà Nội khi nghiên cứu khắc phục túi nước, tôi đã giao cho đồng chí Đặng Văn Thông Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỹ thuật của Bộ nghiên cứu và áp dụng các mũ nan bọc vải của lính Cụ Hồ để làm thuyền chở và đã thử ở sông Hồng thành công (chở được 3 tạ); sau đó giao cho hậu cần sản xuất hàng loạt nhưng chưa đưa vào kịp. Thế là vải bạt có dự trữ trong kho đã được đưa ra khâu. Tre bạt ngàn của núi rừng đã được hạ xuống. Một số thuyền nan bọc vải đã được hạ thủy. Đúng lúc đó thì xe chở vỏ thuyền từ Hà Nội cũng vừa vào. Thế là "xí nghiệp" ngày đêm ra sức lắp ráp hàng trăm thuyền, kịp thời đưa xuống nước một lực lượng vận tải đáng kể cùng với một số thuyền gỗ, thuyền nan để gỡ thế bí lúc bấy giờ.

         Hàng nườm nượp vượt túi nước Xiêng Phan tạo chân hàng cho phía Nam vận chuyển tiếp vào chiến trường. Thuyền chở hàng xong, anh em thủy thủ tháo dây, gỡ lấy áo thuyền, đeo lên vai như cái ba lô, còn xương thuyền thì vứt lại ven rừng. Anh em đeo áo thuyền đi bộ theo đường gùi thồ 050 về bờ bắc túi nước: Ở đây đã có sẵn cốt xương do xí nghiệp sản xuất hàng loạt. Lại căng vải, bọc cốt thả xuống nước và chất hàng lên, chở xuôi... Cứ thế mà vận chuyển, vừa gọn nhẹ, vừa nhanh chóng, đơn giản... Thuyền vải, thuyền gỗ, thuyền nan thả trôi, đường tránh 050... Tất cả sức lực, trí tuệ thông minh, kiên quyết đã tập trung và tận dụng được túi nước ác liệt nhất trên tuyến giao thông lúc bây giờ: túi nước Xiêng Phan.

         Trong chiến dịch khắc phục túi nước Xiêng Phan đảm bảo giữ vững và đẩy mạnh vận chuyển trong mùa mưa, ngoài công lao của anh em bộ đội, công binh, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công nhân làm thuyền Nam Hà, phải kể đến sự đóng góp từ đầu của anh chị em công nhân giao thông dân công hỏa tuyến Quảng Bình lên mở đường 050 vòng túi nước. Đoàn này do anh Vọng nguyên Trưởng Ty Giao thông phụ trách.

         Vượt túi nước chỉ là một biện pháp khắc phục tạm thời trong mùa mưa năm 1965, dù con đường 128 hoàn thành, mùa mưa đến vẫn bị túi nước ấy cắt đứt. Chân hàng dù có dự trữ bao nhiêu cũng không thể đẩy vào các tuyến II để đưa đi sâu được. Vì thế, phải tập trung giải quyết cơ bản tuyến trọng tâm là tuyến I. Điều mà chúng tôi quan tâm nhất (khi còn ở Hà Nội tôi đã nêu lên) là làm thế nào phá thế độc đạo ở hậu phương, ở tuyến lửa, ở khắp các tuyến đông và tây Trường Sơn để chống chiến tranh phá hoại của kẻ địch. Theo chiến thuật lấy yếu đánh mạnh, giành chủ động trong bị động. Bản thân đường 12 từ phía bắc Quảng Bình, từ bến phà Xuân Sơn vượt qua đèo Mụ Giạ tới nước bạn Lào đã trở thành đường độc đạo. Mất nó coi như bị tê liệt vì nó là một cửa khẩu; đầu mối duy nhất để tiếp nhận hàng từ hậu phương đến và từ đó tiếp tục gùi thồ hay cho xe cơ giới vận chuyển tới tuyến sau. Điều đặt ra là phải có một con đường vượt từ đông sang tây Trường Sơn ở một cửa khẩu khác thuận lợi hơn. Đường này phải nối thẳng đến đường 9 với cung độ ngắn nhất bằng đường 128 đang làm mới. Khi kiểm tra tìm đường trên bàn đồ, ta gặp toàn những cao điểm khó vượt, chưa biết tìm điểm vượt ở đâu. Lần này gặp đồng chí Vọng kỹ sư công chính "thổ công" vùng này thật là một dịp may. Anh Vọng rất tâm đắc với tôi về việc phá thế độc tuyến và mở con đường mới vượt Trường Sơn, tạo nên hệ thống đường cơ giới ngay từ tuyến I. Thời gian rất cấp bách, bản đồ chi tiết địa chất không có, tung quân đi thị sát thì cũng mất vài tháng. Tôi hỏi anh Vọng: muốn phá thế độc đạo, tránh túi nước Xiêng Phan phải mở một con đường mới nối từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn thì chọn điểm vượt là tọa độ nào thuận lợi nhất, nhưng phải chệch về phía nam cho gần.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #27 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:29:42 am »



         Thực ra đây là một bài toán kỹ thuật hóc búa, nhưng là người thông thạo địa hình miền núi Bình Trị Thiên và vùng núi Hạ Lào, nên anh Vọng chỉ cần nghiên cứu những ghi chép. Anh mạnh dạn đề xuất mở tuyến đường từ động Phong Nha đông Trường Sơn vượt qua Trường Sơn thọc sâu vào cánh đồng Lùm Bùm phía tây Trường Sơn nằm trên tả ngạn sông Noọng-cà-đeng, nối với quãng giữa 128 đang làm, kéo xuống đường 9, là gần nhất nhưng phải qua dốc Ba Thang. Khó khăn nhất là dốc Ba Thang. Đó là một ngọn dốc đá dựng đứng, cheo leo nguy hiểm. Ngày xưa đi chân không, tay chống gậy mà trèo đốc Ba Thang còn sợ. Nay ta tính mở đường ôtô, chắc hẳn khó khăn rất nhiều. Nhưng xét cho cùng tuyến đường này mở là thuận tiện hơn cả.

         Bộ Tư lệnh điện mời đồng chí Võ Bẩm đang ở tuyến III Hạ Lào về bàn gấp. Đồng chí Võ Bẩm cũng nhất trí và đóng góp nhiều ý kiến. Cái khó ở dốc Ba Thang thời Pháp đã không làm được không khắc phục được, chứ đánh Mỹ với tài phá đá của công binh và giao thông thì việc bạt núi không phải là trở ngại chính. Ngày 21-6-1965 họp Bộ Tư lệnh quyết định làm đường xuyên Trường Sơn dịch về phía nam. Đường mới ước dài trên 150 km. Chúng tôi giao cho đồng chí Bẩm cùng các đồng chí công binh và giao thông chỉ đạo kháo sát thiết kế đường này, tổ chức làm hai mũi. Một mũi từ phía đông sang tây do đồng chí Nam Hải phụ trách cùng với đồng chí Sơn công binh và một điện đài. Mũi phía tây sang đông do đồng chí Trầm phụ trách, cùng đồng chí Tiêu công binh và một điện đài. Hai mũi gặp nhau ở dốc Ba Thang.

         Con đường được nhanh chóng hình thành trên kế hoạch thiết kế. Nguyên đoạn dốc Ba Thang, theo tính toán của anh em, nếu không sử dụng sức mạnh tập trung của bộc phá định hướng thì thi công ít nhất mất hai năm, chưa chắc đã thông đường. Mà con đường này chúng ta kiên quyết phải thông trước mùa mưa năm 1966, để tranh thủ vận chuyển ồ ạt mùa khô, chớp thời gian với địch.

         Như thế là thời gian thi công cũng chỉ còn có khoảng bốn, năm tháng mà thôi nên chúng tôi chú trọng vừa khảo sát, vừa thiết kế vừa thi công cho nhanh. Vì con đường được mở với ý chí quyết tâm cao nên anh em gọi con đường nhiều tên khác nhau: đường Thắng lợi, đường Quyết thắng, đường Thắng Mỹ... Nhiều tên khác nhau nhưng biểu lộ một ý chí chung. Ngay khi anh em công binh và kỹ sư thiết kế còn vạch tuyến trên bản đồ, Bộ Tư lệnh 559 đã rút dần quân của giao thông và thanh niên xung phong vừa hoàn thành nhiệm vụ ở đường 128 chuyển sang làm đường công vụ trước. đồng chí Lam Chi và Lang mang theo một bộ phận cơ giới chiếm lĩnh trận địa để đánh thông đường từ phía tây sang phía đông: bắt đầu từ khoảng giữa đường 128 trệch về phía nam trên cánh đồng Lùm Bùm, đánh lên dốc Ba Thang một mũi ở phía đông Trường Sơn tiến lên. Lực lượng để mở con đường vượt núi rừng Trường Sơn này đòi hỏi rất lớn. Phải lấy thêm thanh niên xung phong từ các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tuổi trung bình của anh em là 20, vì lẽ ấy chúng tôi đặt tên đường là đường 20, để kỷ niệm tuổi trẻ đánh Mỹ và thắng Mỹ.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #28 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:34:51 am »



         Sau đường 20, những năm sau, ngành Giao thông mở những đường tạo chân hàng cho Đoàn 559, như đường 22 tránh đèo Ngang, đường 21 từ Thạch Hà lên Tân Ấp nối vào các cửa khẩu của Trường Sơn. Tên 21, 22, giống như tên đường 20 cũng là lấy tuổi trung bình của anh chị em thanh niên xung phong mà đặt, để kỷ liệm chiến công của anh chị em...

         Đó là những ngày khẩn trương sôi nổi và không kém phần căng thẳng... May mắn, tôi còn giữ được những cuốn nhật ký chiến trường của những ngày tháng ấy. Tôi xin trích ra đây một đoạn ghi chép về buổi giao ban trong một ngày bình thường, để chúng ta dễ dàng nhận thấy nhịp sống hàng ngày của Trường Sơn trên hệ thống đường mòn trong những năm tháng ấy:

         Giao ban ngày 8-9-1965:

         Trinh sát từ đường 9 báo cho biết đã có 300 lính Mỹ đổ bộ lên Đông Hà. Có hiện tượng chuẩn bị doanh trại ở Quảng Trị. Đề phòng khả năng Mỹ trực tiếp tăng quân nhanh chóng lên đóng ở thung lũng A Sầu, A Lưới, đánh vào đường 9 của ta. Trinh sát cũng đã phát hiện 5 toán biệt kích hoạt động xung quanh đường 9, cả phía đông lẫn phía tây. Phải chỉ thị cho tuyến I lo đề phòng địch quấy phá, đánh nống ra trên dọc đường 9.

         Tình hình vận chuyển như sau: Hàng đến R5 Cha Lo 104 tấn, đến R1a là 11,4 tấn, đến Rlb là 83 tấn, đến Làng Khăng là 14 tấn, đến R2 là 109 tấn. Tổng cộng hàng đã đến tuyến I là 3.616 tấn.

          Tuyến II và tuyến III hàng vào tổng cộng 808 tấn, phân ra như sau: Hàng đến S1 là 307 tấn, hàng đến 9D là 121 tấn. Hàng đến S4 là 259 tấn. Hàng đến T3 là 121 tấn. Gồm: gạo, muối, vũ khí và các mặt hàng khác.

         Mưa liên tục và kéo dài.

         T3 mưa rất dữ. Phà bị trôi, đường lầy lội. Mức độ vận tải xuống tuyến là 8 tấn mỗi ngày, chỉ đủ ăn cho khách và nuôi được hai tiểu đoàn. Đội quân gùi thồ và gánh bộ có trên 1.000 người, lương thực ăn mất 5 tấn chỉ còn lại 3 tấn giao cho tuyến sau.

         Lực lượng dự trữ lương thực tại các binh trạm: Binh trạm 5 ở S8 còn 169 tấn. Binh trạm đầu mối và tuyến B46 chỉ còn l5 tấn; Kho dự trữ cho các binh trạm còn 205 tấn. Trong khi đó số khách hiện đi trên các tuyến đường là 552 tiểu đội (trên dưới 5 ngàn người). Số gạo cung cấp cho khách mỗi ngày hết hơn 2 tấn. Không tính khách còn tiếp tục bổ sung. Với số khách hiện có, trong một tháng hành quân qua hệ thống đường mòn này các binh trạm phải cung cấp 75 tấn gạo...

         Địch bỏ bom tọa độ và bắn phá liên tục để thăm dò hành khách đi ban ngày ở vùng Tà Ôi, bị thương 2 người.

         Nước lũ, thuyền đắm, 2 chiến sĩ hy sinh.

         Lực lương gùi thồ đi đường vòng 050 mới mở tránh túi nước Xiêng Phan chỉ đảm bao được 4 tấn ngày. Đoạn đường gùi thồ và gánh 19 ki-lô-mét, xuất phát từ Ho chỉ bảo đảm vận chuyển được 3,2 tấn mỗi ngày... Vượt túi nước Xiêng Phan bằng các loại thuyền là mũi tiến công chính trong mùa mưa trên mặt trận vận tải.

         Đó là một ngày giao ban bình thường trên hệ thống đường Trường Sơn giữa mùa mưa 1965.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #29 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:38:04 am »



         Sau khi tập trung giải quyết cơ bản vấn đề vượt túi nước Xiêng Phan, thông xe đường 128, hàng từ phía bắc túi nước đã được vận chuyển xuống tuyến II qua đường 128, một phần tiếp chuyển bằng sông Noọng-cà-đeng thông đường 16. Hàng hóa nhẹ và hành khách đã đi lại tấp nập. Đường 20 đã được rải quân làm từng đoạn vừa thiết kế, vừa thi công, đường này làm xong sẽ phá thế độc đạo của đường 12 và bỏ hẳn túi nước ác hệt. Về căn bản, tuyến I đã được giải quyết, và tận dụng được đường thủy. Các tuyến khác tiếp tục mở rộng và nối liền các đoạn đường cơ giới...

         Ta đã khắc phục được một bước trong mùa mưa năm ấy, xây dựng được nền móng cho con đường cơ giới chạy cả hai mùa. Mùa khô vẫn là mùa làm ăn có năng suất cao của Bộ đội Trường Sơn và nhất là mùa khô cuối năm 1965 đầu năm 1966.

         Lúc này chiến trường ở miền Nam đang thắng lớn. Trận Vạn Tường, Plây-me ngày 14-10-1965 giặc Mỹ thiệt hại 1.700 tên. Ngày 12-11-1965, Quân giải phóng miền Nam tập trung đánh lớn trong trận Bầu Bàng, Thủ Dầu Một tiêu diệt 2.400 tên Mỹ, trong đó diệt hoàn toàn 2 đại đội bộ binh, 2 đại đội thiết giáp và 1 trung đội pháo 105 ly; mặc dù quân Mỹ đã đổ vào miền Nam mới từng tháng 6 năm 1965 là 125.000 tên. Đây lại là một bước ngoặt nữa của lịch sử chống Mỹ của nhân dân ta, quyết đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

         Tôi và đồng chí Võ Bẩm ra Hà Nội để làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Hậu cần. Tổng cục có trách nhiệm rất lớn với tuyến đường Hồ Chí Minh là lo chân hàng cho mùa khô 1966 để vận chuyển, và báo cáo với Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ để xin thêm tiền, thêm quân cho đường 20 đang thi công.

         Chia tay các đồng chí, đồng đội ở Bộ Tư lệnh 559 tôi biết công việc ở hậu phương bề bộn, khó lòng vào ngay được lúc bấy giờ Bộ Tư lệnh còn thiếu những cán bộ lãnh đạo giao thông có kinh nghiệm. Theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh, tôi cử anh Nam Hải chuyển hẳn công tác vào Ban tham mưu công binh, thôi giữ chức vụ Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông ở hậu phương. Tôi điện ra Ban đảm bảo giao thông Khu 4, điều Thứ trướng Nguyễn Tường Lân vào tham gia vào Bộ Tư lệnh 559. Đồng chí Dương Bạch Liên đang làm Thứ trưởng trực chiến ở Bộ, được điều động vào nhận bàn giao của anh Nguyễn Tường Lân. Tôi làm tất cả những lệnh điều động ấy, khi thì với tư cách Tư lệnh kiêm Chính uỷ Đoàn 559, khi thì với tư cách của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Mục đích chủ yếu là tăng cường cho đường Trường Sơn. Đồng chí Nguyễn Tường Lân được giao nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc công trường mở đường 20 cùng với đồng chí Võ Bẩm.

         Đồng chí Võ Bẩm ra trước, tôi ra sau. Trước khi ra, tôi và đồng chí Đôn tham mưu vận tải đi kiểm tra túi nước. Tới bắc túi nước, chúng tôi làm việc với các đồng chí Toàn và Thắng, lãnh đạo tuyến I làm việc với các binh trạm và công trường của đồng chí Thuần. Các đồng chí đó đang say sưa với công tác vượt túi nước. Nước vẫn lên to tuy đã cuối mùa mưa. Thuyền gỗ, thuyền nan, thuyền vải xen lẫn nhau; những tay thuyền mới tập chưa được một con nước nên tay chèo vẫn còn lúng túng. Anh em vừa chèo vừa hò, thỉnh thoảng gặp thuyền không chèo ngược lại. Nhiều câu chuyện rôm rả của lính trẻ làm không khí rất vui nhộn. Đến cuối bờ nam một cảnh tượng làm mọi người đều liên tưởng đến một nghĩa địa của một loài vật thời tiền sử: các sườn của thuyền nan màu trắng tháo vỏ, bỏ rải rác đó đây, có chỗ chất đống lên nhau như những bộ xương của loài khủng long cổ đại.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM