Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:39:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại  (Đọc 53931 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 04:30:31 am »

         Tôi vô cùng phấn khởi, lo ngay việc thực hiện. Tôi mời anh Năm lên bàn bạc và giao nhiệm vụ. Tôi hỏi anh Năm xem nên giao cho xí nghiệp nào. Anh Năm cho biết trong tất cả các xí nghiệp đóng tàu của ngành Giao thông, nên chọn xí nghiệp 3 ở Hải Phòng do anh Đoàn Kim Quang làm Giám đốc. Vì ở đây tay thợ của anh em cao, có khả năng đóng tốt và đảm bảo. Đợt thiết kế đầu tiến hành làm loại gỗ tốt, mớn nước thấp, giống tàu đánh cá, đạt tốc độ trên 10 hải lý/giờ, chịu đựng được bão và mức độ gió cấp 7 và trọng tải gần 30 tấn. Nếu chất lưới lên tàu, thì hoàn toàn giống một tàu đánh cá loại lớn mà người ta thường gặp ở vùng biển Nam Hải.

         Chuyến đầu tiên, tôi được vinh dự tiễn anh em tại Lý Nam Đế có thuyền trưởng là đồng chí Bông Văn Dĩa, quê ở Rạch Gốc (Bạc Liêu), Minh Hải, sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, (đồng chí Dĩa mới mất năm l981). Có chuyến chỉ huy là đồng chí Nguyên Văn Khương, tức Khương Kèn, người Cần Thơ, Hậu Giang cũng là cán bộ cũ của Chiến khu 9 (đồng chí Khương đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường Nam Bộ).

         Sau thắng lợi của những chuyến tàu gỗ đầu tiên, cấp trên yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thiết kế và đóng tàu sắt trọng tài lớn hơn, có sức chịu đựng gió bão cao hơn, và sức ngựa mạnh hơn, với số lượng tàu nhiều hơn. Chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, mà công đầu thuộc về Anh hùng Ngô Văn Năm và anh em cán bộ, kỹ sư, công nhân xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng... Một lần anh Phạm Hùng gửi cho tôi một quả dừa. Anh cho biết đấy là quả dừa từ Cà Mau. Anh em chở ra để ngụy trang trên boong tàu và làm quà. Cầm quả dừa trên tay, tôi vô cùng xúc động. Tôi không dám ăn mà đem ươm cho nảy mầm. Tôi muốn đem trồng ở sân Bộ Giao thông vận tải, hoặc ở trước xưởng đóng tàu 3 làm kỷ niệm. Vì đây là một phần thưởng thầm lặng nhưng vô giá. Sau khi suy tính, sợ làm như thế sẽ bị lộ bí mật, nên tôi đem về trồng ở bờ ao xóm Thượng ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, dưới chân núi chùa Thầy, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Sơn Bình). Đó là quê của tôi. Đến nay cây dừa Cà Mau thắm tình nghĩa Bắc Nam vẫn rủ bóng xanh mát rượi và hàng năm đơm hoa kết trái. Mãi cho đến ngày đại thắng bà con quê tôi mới biết lai lịch đặc biệt của cây dừa thắm tình nghĩa Bắc Nam đó.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:47:05 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 04:32:52 am »

         Khi được tham gia một phần vào kế hoạch mở đường trên biển, tôi vẫn hướng về phía Trường Sơn, còn gì vinh dự hơn là sau khi tham gia mở đường biển với khả năng của mình, tôi lại được giao trực tiếp mở rộng đường xuyên Trường Sơn (đường biển, sức vận chuyển sẽ bị hạn chế bởi hạm đội 7 của giặc Mỹ đã bao vây bờ biển). Việc mở đường Trường Sơn thành đường ôtô chạy suốt Bắc - Nam là rất cần thiết, đã trở thành một yêu cầu chiến lược để phục vụ kịp thời cho chiến trường miền Nam đang phát triển và để hỗ trợ nhau giữa đường biển và đường bộ. Thời cơ đã đến, lòng tôi rộn rã vì ước mơ đã đạt.

         Nhớ lại, vào những năm 1946 đến 1947 khi là Chính ủy Bộ Tư lệnh Chiến khu 9 tôi đã được gặp các cán bộ từ Trung ương và tăng cường cho Khu 9 kể cho nghe con đường Trường Sơn, con đường thống nhất, con đường kỳ diệu nối liền Trung ương với miền Nam. Tôi luôn mơ ước có một dịp may nào đó được đặt chân lên con đường Trường Sơn ấy để ra Trung ương công tác, gặp Bác Hồ, gặp các đồng chí, đồng bào miền Bắc và thăm lại quê hương, gặp lại người mẹ hiền kính yêu vừa là đồng chí vừa cùng bị tù và bị trục xuất từ Lào về nước. Giữa năm 1949 khi ở Chiến khu Đ, Quân khu 7 miền Đông Nam Bộ, tôi thường được tiếp đón các đoàn vào ra trên con đường ấy và tôi được biết con đường xuyên Trường Sơn có qua một phần vùng tự do Khu 5; đó là con đường mà đồng chí Lê Đức Thọ, Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa đi vào để tăng cường cho lãnh đạo kháng chiến miền Nam. Năm 1950, tôi được tham gia đoàn đại biểu Nam Bộ ra dự Đại hội Đảng lần thứ 2 ở Chiến khu Việt Bắc. Tôi đã hy vọng được đặt chân đi xuyên rừng núi Trường Sơn trùng điệp, nhưng cũng không thành vì thời gian tại Việt Bắc gấp quá, nên phải đi đường khác. Thế là con đường Trường Sơn vẫn chỉ nằm trong mơ ước của tôi.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:49:26 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 04:36:04 am »

        Cho đến năm 1955, tôi được vinh dự bảo vệ con đường giao liên ấy. Khi đó tôi là Trưởng đoàn Quân đội ta trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Trung ương thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ ở khu vực Vĩnh Linh. Tôi được lệnh phải bảo vệ các cửa khẩu của tuyến đường giao liên bí mật ở phía tây dãy núi Trường Sơn và góp phần đưa tin tức và nhân chứng những vụ vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ do Mỹ - Diệm gây nên, ra miền Bắc, để tố cáo trước dư luận tiến bộ trong nước và quốc tế. Và cũng qua các cửa khẩu bí mật đó, đưa cán bộ tập kết trở về, chủ yếu là Khu 5 và Trị Thiên, để củng cố lại các cơ sở cách mạng, củng cố lại phong trào đang bị Mỹ - Diệm phá hoại sau hiệp định Giơ-ne-vơ.

        Tôi đã cùng tổ Liên hiệp đình chiến khu vực Vĩnh Linh, do các đồng chí Trần Chí Hiển, Hồ Sĩ Thản phụ trách, và cùng bộ phận cấp ủy Trị Thiên đóng ở Vĩnh Linh cố gắng tìm cách ngăn chặn những con mắt tò mò thiếu thiện chí của các thành viên có ác cảm với cách mạng trong Ủy ban giám sát quốc tế. Có lần vì bảo vệ con đường, tôi đã buộc lòng phải ra lệnh giật bộc phá làm hỏng một chiếc cầu đi lên phía Trường Sơn, để không cho xe của Đoàn xâm phạm vào khu vực có con đường mòn đang vận chuyển, trong đường dây giao liên bí mật lúc đó.

         Đầu năm 1959, tôi được chuyển sang Bộ Công an, làm Thứ trưởng, kiêm Tư lệnh, Chính ủy lực lượng Công an vũ trang, phụ trách tổ chức, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang vừa mới được thành lập. Một lần nữa, tôi lại được trực tiếp đến với đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng mới và củng cố lại những đồn biên phòng, bảo vệ biên giới đất nước. Theo chỉ thị của trên, chúng tôi chỉ đạo các đồn biên phòng đóng dọc Trường Sơn, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vừa giúp đỡ cách mạng của nước bạn, vừa lo xây dựng cơ sở quần chúng, giúp đỡ bảo vệ các đoàn cán bộ vào Nam và ra Bắc, theo các tuyến đường dây giao liên. Nhất là các đồn mới đóng ở phía Cù Bai, Cù Bạt tây Vĩnh Linh. Cũng trong năm 1959, hai tháng sau khi Bộ đội Biên phòng được tổ chức lại và lực lượng Công an vũ trang ra đời, thì đơn vị tiền thân của Binh đoàn Trường Sơn cũng ra đời.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:50:31 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 04:38:51 am »

         Nói như thế để thấy từ nhiều năm con đường Hồ Chí Minh, con đường Trường Sơn vẫn dường như ở phía trước mắt tôi, gắn bó thân thiết với tôi, nhưng tôi chưa được đặt chân tới. Đến khi nhiệm vụ mới được giao, tôi được vinh dự tham gia trực tiếp phục vụ xây dựng và mở rộng hệ thống đường, chủ yếu là gùi thồ, thành đường chiến lược cơ giới, để chi viện lớn cho cách mạng miền Nam. Hiện lúc này cách mạng miền Nam vừa chiến thắng huy hoàng, chiến lược chiến tranh đặc biệt bị phá sản kết thúc trong trận Bình Giã tháng 12-1964, đánh tan quân chủ lực ngụy Sài Gòn, nội bộ ngụy đang đảo chánh lẫn nhau. Tôi rất phấn khởi, song cũng rất lo lắng vì nhiệm vụ và trách nhiệm. Sau hội nghị Quân ủy, tôi khẩn trương bắt tay ngay vào công việc. Tôi dành một nửa ngày để lo giải quyết công việc ở Bộ Giao thông vận tải, phân công lại các Thứ trưởng, ra các chỉ thị mệnh lệnh cần thiết, để điều động lực lượng cơ giới mạnh trong ngành và cán bộ kỹ thuật cho Đoàn 559 để có thể vào tuyến sớm. Nửa ngày còn lại, tôi làm việc với Bộ Tư lệnh 559, lúc bấy giờ tạm đóng ở Lý Nam Đế. Tôi cùng đồng chí Võ Bẩm, đồng chí Vũ Xuân Chiêm làm việc tỷ mỷ với các bộ phận công binh, vận tải, hậu cần, vạch phương án tổ chức mới. Các trạm giao liên gùi thồ được chấn chỉnh tổ chức thành binh trạm. Chia toàn bộ hệ thống đường Trường Sơn thành ba tuyến. Từng bước mở đường cơ giới vận tải bằng xe ôtô quân sự, phá thế độc đạo, bắt đầu từ tuyến I. Mỗi tuyến tổ chức một Bộ Tư lệnh, có lực lượng tương đương sư đoàn với các lực lượng làm đường, công binh, vận tải, giao liên, kho, bộ đội chiến đấu bảo vệ, bộ đội phòng không đánh địch...
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:51:08 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 06:47:25 pm »

         Trên đường phía tây Trường Sơn, để tiếp tục vận chuyển trong mùa mưa lũ, chúng tôi nhất trí việc đầu tiên có tính quyết định là phải thông được xe trên tuyến I từ R đến  đường 9 (từ phà Xuân Sơn, phá Tân Ấp bắc Quảng Bình đến đường 9 - Nam Lào). Đó là nhiệm vụ trọng tâm số một của đường Hồ Chí Minh, vì đầu tuyến là nơi tập kết chân hàng, chở từ hậu phương chi viện cho miền Nam qua tuyến II và III, là các tuyến đường 9 - Nam Lào tới giáp Tây Nguyên và các đầu đường cái B2. Nếu tuyến I thông thì các tuyến sau mới có hàng. Còn hành khách thì tuyến I có hai cửa khẩu phía bắc và phía cực nam của tuyến nên không đáng lo mấy. Trọng điểm khó khăn của tuyến I là phải tránh túi nước Xiêng Phan, trên đường 12 bắc Trung Lào và tận dụng nó, đồng thời phải thi công một con đường cho xe cơ giới chạy, coi như nhiệm vụ cấp bách số một để thay thế cho đường 129 từ bắc Trung Lào tới đường 9 nhỏ hẹp, sụt lở nặng, thậm chí mặt đường lại phải qua nhiều suối lớn. Đường 129 này nối từ đường 12 chạy qua đất bạn tới đường 9, do công binh Khu 4 làm dã chiến, khi giúp bạn tấn công Sêpôn Nam Lào. Túi nước Xiêng Phan dài hơn30 km, cắt đứt đầu con đường 129. Trước mắt, để tránh túi nước này, tôi điện ngay cho Ty Giao thông Quảng Bình đưa cán bộ, công nhân và dân công hỏa tuyến lên làm con đường gùi thồ, gọi là đường 050. Đồng chí Nựu, Phó ty, đi trước vượt Trường Sơn, dân quân đi mở con đường xế này. Ở Bộ Giao thông vận tải, tôi phân công lại nhiệm vụ điều hành và trực chiến. Anh Nguyễn Tường Lân là Thứ trưởng vốn làm đại diện của Bộ tại Khu 4, được giao việc tổ chức tăng cường cho Ban bảo đảm giao thông Khu 4, gọi tắt là B4. Lúc đầu nhiều việc chưa vào nền nếp chúng tôi gọi đùa là "bê bối". Nhiệm vụ B4 đảm bảo giao thông vận tải ở tuyến lửa trong mọi tình huống, phải giành chủ động quyết thắng địch trong âm mưu chiến lược đánh phá giao thông, để ngăn chặn ta chi viện cho miền Nam. Trước mắt chúng ta phải đảm bảo phân hàng cho Đoàn 559, là hậu phương trực tiếp của Đoàn 559 trung tuyến Trường Sơn. Ở Bộ, đồng chí Nguyện Hữu Mai, nguyên là Thứ trưởng từ Ban Công nghiệp trở về lo việc phụ trách chung và trực ở Bộ khi tôi đi vào 559. Đồng chí Dương Bạch Liên phụ trách vận tải, đồng chí Hồng Xích Tâm đảm bảo giao thông, đồng thời lo việc huy động sức người sức của để bổ sung xây dựng cho tuyến trước.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:51:58 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 06:51:44 pm »

         Sau một thời gian tích cực và khẩn trương chuẩn bị, chúng tôi đã lên được kế hoạch và báo cáo với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xin và tăng cường cho lực lượng. Các anh đồng ý với những ý kiến của chúng tôi là phải coi tuyến I là trọng tâm, tận dụng túi nước Xiêng Phan đi được chừng nào hay chừng ấy. Nhưng trước mắt phải có đường khác thay thế đường 129 cũ và sau đó cả đường 12 phải phá thế độc đạo, phải mở rộng ngay con đường mòn 16 nối với đường 9 và nối các đường cơ giới chạy từng đoạn với nhau thành các tuyến dài tuyến II, tuyến III và tận dụng đường thủy.

         Để mở con đường mới thay cho đường 129 ở tuyến I, bộ đội tăng cường công binh, giao thông vận tải huy động công nhân và các lực lượng làm đường cơ giới. Tôi phải điều lực lượng cơ giới mạnh nhất của Bộ đang thi công trên công trường Tây Bắc, cộng với một số xe máy tốt của các công trường khác, giao cho đồng chí Nguyễn Trí Tuệ (tức Lam Chi, cán bộ Nam Bộ tập kết, vốn chỉ huy công trường 6 Tây Bắc, làm chỉ huy cùng với đồng chí Nguyễn Lang làm Bí thư Chi bộ kiêm Chính trị viên. Các đồng chí đó có nhiệm vụ tập trung xe máy, lực lượng công nhân cán bộ và hành quân cấp tốc, hạn có mặt cuối tháng 4 tại ngã ba Làng Khăng, đầu đường 129. Vì nếu trễ thì túi nước dâng, xe máy không vào được tuyến thi công.

        Tôi qua Bộ Nông trường bàn với đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Trí, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu 7, Nam Bộ, hỗ trợ cho 2 đại đội cơ giới khai hoang. Đồng chí Trí sẵn sàng điều động ngay.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:52:34 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 06:54:17 pm »

         Để huy động thêm lực lượng cán bộ kỹ thuật cho Đoàn 559, tôi huy động số đông các lực lượng kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, các kỹ sư, cán bộ trung cấp và công nhân có tay nghề cao, giao cho đồng chí Phan Trầm, Cục phó Cục Kiến thiết cơ bản tổ chức nhập tuyển. Lúc bấy giờ Viện Thiết kế giao thông là đơn vị có nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật nhất, có thể nói là trung tâm của kỹ thuật khảo sát thiết kế của cả nước. Đồng chí Nguyễn Nam Hải vừa nhận nhiệm vụ quyền Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông, đã lập tức mặc quân phục, khoác ba 1ô cùng lực lượng xung kích của Viện hành quân vào chiến trường. Các anh Hải và Trầm phải đi lo việc phát tuyến mở đường, dự kiến thi công, dự kiến khối lượng đất đá, cầu phà, ngầm tránh... để công binh, thanh niên xung phong, công nhân cầu phà đến nhận khối lượng thi công... Anh em cán bộ và công nhân giao thông vận tải đã trải qua mấy tháng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đã xây dựng cho mình được một nếp sống quân sự hóa, nên có lệnh là đi, sẵn sàng lên đường, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chẳng khác nào những chiến sĩ công binh trong quân đội.

         Được phép của Hội đồng Chính phủ, ngành Giao thông đã sử dụng một lực lượng thanh niên xung phong rất lớn, hình thành một số Tổng đội do Trung ương Đoàn tổ chức làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên các tuyến đường. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ bên Trung ương Đoàn được biệt phái sang Bộ Giao thông vận tải để phụ trách. Lực lượng này tuy chưa có tay nghề kỹ thuật cao, nhưng rất dũng cảm, có trình độ văn hóa khá và nhiệt tình, hăng hái. Có lệnh xuống là lên đường ngay, xứng đáng với danh hiệu thanh niên "Ba sẵn sàng". Bộ đội cũng tăng cường cho Đoàn 559 một số đơn vị cao xạ phòng không để bảo vệ cầu đường và các công trường làm đường. Lực lượng ôtô vận tải cũng được tăng cường. Sau này được đồng chí Đinh Đức Thiện phụ trách xây dựng khu gang thép Thái Nguyên vừa về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần chỉ thị cho chọn các xe đảm bảo chất lượng tốt nhất.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:53:19 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #17 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 06:57:52 pm »

         Để giữ bí mật mọi lệnh điều động, tôi đều ký với bí danh là Thiếu tướng Phan Thanh Xuân. Lệnh điều động cấp bách và không khí lên đường của anh em kỹ sư, công nhân, thanh niên xung phong... hết sức hào hứng, sôi nổi. Lúc bấy giờ anh em giao thông thường nói đùa: Tướng Phan Thanh Xuân đang vét quân của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ...

         Tôi xin phép đưa cả Bộ Tư lệnh mới được hình thành đi sâu vào trong núi rừng Trường Sơn. Trước khi đi, Bác Hồ đã gọi tôi lên gặp. Sau khi nghe tôi báo cáo về kế hoạch xây dựng lực lượng vận tải và mở hệ thống đường cơ giới xuyên Trường Sơn, Bác ôn tồn căn dặn: "Việc mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam là nhiệm vụ cấp bách và có nhiều khó khăn. Nhưng vì miền Nam ruột thịt đang chờ đợi hậu phương tiếp tế, do đó phải hết lòng, hết sức, khắc phục khó khăn để phục vụ cho tiền tuyến. Đoàn kết một lòng, mưu trí sáng tạo thì khắc phục được. Phải chăm lo cho các cháu thanh niên xung phong. Tiêu chuẩn chế độ của các cháu thanh niên xung phong phải lo như của quân đội. Phải chăm sóc và cải thiện sinh hoạt văn hóa, giải trí cho các cháu. Phải hết lòng giúp đỡ nhân dân bạn. Bạn đang gặp nhiều khó khăn, không được làm mất lòng dân. Bác gửi lời thăm các chiến sĩ, công nhân, thanh niên xung phong và dân quân ở các tuyến đường". Sau này mỗi lần đến các đơn vị tôi đều truyền đạt lại lời Bác tới các anh chị em.

         Tôi lên báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về các việc đã làm, đã chuẩn bị cho đường mòn Hồ Chí Minh, cũng như ở Bộ về kế hoạch đảm bảo giao thông địa phương và sự phân công lại trong lãnh đạo Bộ khi tôi đi vào chiến trường. Đồng chí Thủ tướng, sau khi nêu lên những chiến thắng lớn của tiền tuyến miền Nam, nhiệm vụ của hậu phương lớn miền Bắc, đã khẳng định trách nhiệm nặng nề của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh nói riêng và toàn ngành Giao thông vận tải nói chung. Địch đánh phá đã ác liệt, nhưng chưa phải là ác liệt nhất. Giao thông vận tải và chi viện tiền tuyến của ta đã cố gắng nhưng còn phải cố gắng hơn nữa. Phải kết hợp chặt chẽ giữa hậu phương và Đoàn 559, hỗ trợ cho nhau, hướng về phía trước chi viện cho cách mạng miền Nam. Mùa mưa tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa, phải thắng địch trên mặt trận giao thông vận tải, chi viện cho chiến trường...
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:54:17 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #18 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:01:07 pm »

         Bộ Tư lệnh hành quân gấp rút vào Trường Sơn. Lần này vào chiến trường chắc chắn sẽ đi lâu; trước khi đi, tôi nhất trí cho hai cháu gái vừa tốt nghiệp lớp 10 và lớp 8 đi làm nghĩa vụ quân sự và công an. Gửi vào hai lực lượng chuyên chính cho yên tâm. Tôi gặp các đồng chí Văn Tiến Dũng và Trần Quốc Hoàn, hai đồng chí đồng ý chấp nhận. Còn nhà tôi sẽ sơ tán theo xí nghiệp, thế là ổn.

         Từ giữa tháng 4, chúng tôi đã có hai bộ phận đi trước để kiểm tra tình hình tổ chức và triển khai lực lượng cụ thể.

         Tới Binh trạm 12 đóng trong hang dưới chân đèo Mụ Giạ, nơi Bộ Tư lệnh tạm thời đóng quân, đã thấy các đoàn về báo cáo. Các lựclượng giao thông, công binh, thanh niên xung phong đã rải quân và triển khai công tác trên toàn bộ tuyến đường mới như vùng Ho phía tây nam Quảng Bình. Túi nước Xiêng Phan đã dâng sớm hơn mọi năm. Ở công trường mở đường mới thay thế cho đường 129, chúng tôi đặt tên là đường 128 đã có Trung đoàn Công binh 98. Lực lượng cơ giới của Bộ Giao thông vận tải từ Tây Bắc đến do các đồng chí Lam Chi và Lang phụ trách đã hành quân với đầy đủ xe máy đến chiếm lĩnh trận địa trên tuyến đường. Đoàn thi công cơ giới này đã tháo tất cả xe máy cho lên xe vận tải, hành quân cấp tốc vào trước khi túi nước dâng. Tới nơi, phần lắp ráp bằng cần cẩu, phần bằng các cây trong rừng buộc dây pa-lăng để treo từng xe lên lắp ráp. Anh em làm bất kể ngày đêm và cuối tháng 4 đã có đủ máy móc thi công. Đây là lực lượng cơ giới rất hiếm hoi của ngành Giao thông vận tải nước ta lúc đó. Lực lượng này gồm có 21 máy húc, 2 máy khoan, 2 máy ép hơi, 2 công trình xa và 1 cần cẩu. Những phương tiện máy móc cơ giới làm đường này lần đầu tiên xuất hiện trên đường mòn và đã phát huy được tác dụng rất lớn. Sau này có nhiều ngày trong tháng 5 làm được 5-6 km/ngày, một kỷ lục từ trước đến nay. Đội cầu 4 của đơn vị bạn cùng 156 công nhân đã chiếm lĩnh các trọng điểm vượt sông trên tuyền đường tương lai. Trước mắt, chủ yếu làm phà, cầu nhỏ cho đường 050 và 12 vì do trời mưa, phát triển thêm ngoài dự kiến. Anh em báo cáo cho biết đã có đơn vị bộ đội cơ giới vừa vào túc trực sẵn ở đầu đường 128 chờ thông xe. Tin ấy càng động viên nhắc nhở chúng tôi nỗ lực để sớm hoàn thành trọng điểm 128.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:55:17 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2010, 07:07:35 pm »

         Để có lực lượng phát huy được sức mạnh hợp đồng giữa Quân đội và Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh 559 tăng cường 700 thanh niên xung phong lấy ở Hà Tĩnh, 800 thanh niên xung phong lấy ở Ninh Bình, cùng với công nhân và cán bộ giao thông vận tải hình thành một công trường bộ. Tất cả các lực lượng trên với khí thế ra quân vì miền Nam thân yêu, đạp lên bom đạn địch ở tuyến lửa Khu 4 đến với Trường Sơn đúng kế hoạch.

        Anh em lính cũ Trường Sơn hồ hởi phấn khởi đón lực lượng tăng cường từ hậu phương, cùng kề vai sát cánh nhanh chóng hòa hợp thành một khối thống nhất với ý chí mở đường mới quyết thắng.

        Mùa mưa năm ấy đến sớm. Mùa mưa ở phía tây Trường Sơn có lượng nước rất lớn, và kéo dài, thường làm đình trệ mọi hoạt động vận chuyển và đi lại trên toàn tuyến. Mưa lũ Trường Sơn thường tạo ra những cơn lũ khủng khiếp, có thể bất ngờ cuốn trôi đi cả những đoạn đường, những cây cầu, những phương tiện vận chuyển, cả người và cả những kho hàng, nếu không được tính toán bảo vệ chu đáo. Mưa Trường Sơn thường dồn nước xuống thung lũng tạo nên những túi nước phá các con đường làm cho đường sụt lở, sình lầy trong một thời gian dài, có khi suốt cả mùa mưa; cắt đứt toàn bộ hoạt động vận chuyển đi lại, sông suối nước dâng cao, chảy xiết gây khó khăn cho vận chuyển. Như chúng tôi dự đoán, khó khăn nhất vẫn là túi nước Xiêng Phan ở đầu tuyến I, tuyến trọng tâm. Nước dâng lên ở hai bờ sông Xê Băng Phai gần phía thượng nguồn. Đạn dược, vũ khí, lương thực, thuốc men bị ứ đọng lại ở bờ bắc túi nước. Trong khi đó thì phía bờ nam túi nước, giao liên và lính vận tải còn thiếu lương thực chứ chưa nói những tuyến sâu ở phía trong có hàng tới được đâu mà chờ.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 02:55:59 pm gửi bởi macbupda » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM