Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:47:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phan Trọng Tuệ - Vị Tư lệnh đầu tiên của Đường Trường Sơn huyền thoại  (Đọc 53949 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #30 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2010, 04:41:30 am »


         Khối lượng hàng vượt túi nước đã khá nhiều, các kho chứa đã có hàng, nhiều xe tải đã chở hàng đi vào phía trong. Địch đưa tin ngày 30-l0-1965: "Lần đầu tiên bộ đội cơ giới của Quân đội nhân dân Việt Nam đã theo đường Hồ Chí Minh đi vào Nam" (chúng không gọi là đường mòn nữa).

         Từ biệt đồng chí Đôn (đồng chí phụ trách vận tải vì còn làm việc với trạm về kế hoạch xây dựng thêm kho) tôi lên xe tải đi kiểm tra dọc tuyến 128, tuyến đường này ngắn, ít dốc nên đường đảm bảo kỹ thuật. Trên đường còn nhiều đoạn thiếu đá rải, vì thuốc nổ vào không đủ, phải phá đá bằng tay, không được bao nhiêu. Ngồi trên xe tải toàn thân luôn luôn bị rung động, thần kinh luôn luôn bị căng thẳng bởi các tiếng rung bần bật của các lốp xe lăn trên rông-đanh. Tuy tôi chỉ ngồi gần 150 km và một phần chạy trên rôngđanh nhưng người cũng mệt rã rời, càng thấy thông cảm với các chiến sĩ lái xe chạy suốt ngày và nhiều đoạn trên rôngđanh vẫn đảm bảo lái xe an toàn. Tới Lùm Bùm, tôi gặp đồng chí Lang báo cáo cho biết: thi hành lệnh, đã cho lực lượng lên thi công đường 20 do đồng chí Lam Chi đưa đi. Làm việc xong với đồng chí Lang, tôi lên dốc Đồng Tiến. Tại đây tôi gặp các đơn vị công nhân thanh niên xung phong vừa hoàn thành xuất sắc đường 128, gặp đồng chí công nhân lái máy xúc Vũ Tiến Đề, vốn là công nhân lái máy cày của nông trường, được điều sang đội cơ giới của giao thông khi vào tuyến Trường Sơn. (Sau này anh chuyển sang quân đội và trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với đôi tay lái máy ủi nổi tiếng Trường Sơn). Tôi đã gặp bao nhiêu anh chị em dũng cảm khác: đồng chí Nguyễn Thị Liệu (sau này hy sinh, đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2001), đồng chí Nguyễn Thị Kim Huế (sau này trở thành Anh hùng lao động).

         Trời vẫn mưa, leo tới đèo cao mới nhìn thấy một cảnh quan nên thơ hiện ra trước mắt, mây trắng bay lơ lửng dưới chân đèo. Trên những cành cây ở đèo cao, các cháu nữ thanh niên xung phong tranh thủ phơi quần áo cho gió thổi mau khô để có đồ thay, thỉnh thoảng có làn mây qua làm khi ẩn khi hiện như những chùm hoa rừng xanh vàng hồng trên các sườn núi. Các cháu vừa hát hò, vừa phá đá, chặt cây, cuốc đường, không khí thật là sôi nổi khẩn trương. Tôi rất tiếc là không phải nhà thơ nhưng trước cảnh nên thơ và hùng vĩ ấy tôi cũng xúc động làm một bài để tặng các cháu, nhịp điệu còn lủng củng nhưng nội dung mình cảm là chính, tôi còn nhớ và xin ghi ra đây:

Yếm đào tạm vắt trên mây
Gót son đạp khắp Trường Sơn núi rừng
Lời ca xuyên cả đèo cao
Miền Nam ruột thịt quyết thông xe vào
Hiên ngang non cháu Hai Bà.


         Đường 20 lúc bấy giờ chưa thông xe và đang mở đường công vụ để thi công, giải quyết từng đoạn dễ. Sau khi làm việc với đồng chí Nam Hải, Lam Chi và Đại tá Diêu về những yêu cầu cụ thể của công trường và Bộ Tư lệnh để giải quyết ngay kể cả những việc phải ra xin Trung ương, tôi trở lại phía nam đường 9 - Nam Lào làm việc với đồng chí Nguyễn Lang, thăm đơn vị nông trường của đồng chí Trí, tuyến II đang làm con đường nối giữa tuyến I và tuyến II. Đồng chí phụ trách là cán bộ miền Nam tập kết báo cáo tình hình và nêu lên ý muốn làm nếu được cử theo đường tiến thẳng về Nam đi tới đâu làm tới đó thì hay quá. Đây là tâm trạng không phải một đồng chí này mà có thể nói là hầu hết anh em miền Nam tập kết đều như vậy. Ai cũng muốn có cơ hội được trở về Nam chiến đấu, nhất là những năm đầu mới tập kết, l957 - 1958 miền Nam bị Mỹ- Diệm khủng bố. Tạm biệt các anh em sôi sục vì miền Nam, rất tiếc là tôi không có thì giờ đi tới tuyến III, tôi theo đường Ho ra Quảng Bình. Trên đường đi, chúng tôi kiểm tra các trạm giao liên đưa khách, xem làm ăn ra sao, vì khách đã tấp nập hành quân mặc dầu trời vẫn mưa, đường chưa tốt lắm. Dọc đường gặp hàng đoàn khách đi B với những chiếc ba lô trên vai, chiếc gậy Trường Sơn trong tay, dầm mưa, leo núi, lội sình, mỗi người khoác một tấm ny-lông che mưa hối hả ra đi. Những tiếng hỏi thăm quê hương, làng mạc của khách đi đường và chị em thanh niên xung phong cũng khá rôm rả. Thỉnh thoảng gặp cáng thương binh đi cùng chiều. Vài chiếc xe vận tải nhẹ ngược chiều lắc lư vượt qua ổ gà và đường rôngđanh; trên xe có nhiều đồng chí đứng tuổi trùm vải mưa tay vẫy chào người làm đường. Không khí thật là tấp nập. Anh em so sánh với thời kỳ "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" thì thấy khác nhau quá xa.

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2010, 01:17:55 am »



         Làm việc với các trạm, nghe báo cáo, chúng tôi phát hiện ra một vấn đề nghiêm trọng là: sự ô nhiễm môi trường trên dọc tuyến đường do khách đi vào và trở ra. Khách phải đi vệ sinh và hố vệ sinh lại ít, khách phải vào rừng quanh trại độ vài trăm thước. Rừng quanh trại là nơi thường mắc võng của khách, nên quả thật là mất vệ sinh quá. Tôi tự trách là Bộ Tư lệnh chúng tôi chỉ lo quan tâm đến những cái lớn, còn những cái nhỏ và thiết thực lại coi thường và ít chú ý.

         Rút kinh nghiệm hồi ở chiến khu 7 miền Đông Nam Bộ tôi bàn với các trạm làm các hố vệ sinh hình dài như hào và nhiều cái, khách đi đầy cái nào thì lấy đất lấp cái đó. Một vấn đề nữa là việc giải trí cho khách. Thêm nữa là làm sao có tin tức miền Nam chiến đấu lấy qua đài, viết lên bảng, vừa thông tin vừa động viên anh em. Tôi điện cho Bộ Tư lệnh những việc cần làm và yêu cầu phải đáp ứng ngay, kể cả việc phổ biến cho các tuyến khác gửi cho thuốc chống ỉa chảy. Mặt khác, ra tới Quảng Bình, chúng tôi cho anh em mua hạt rau các loại và giao bộ phận hậu cần của Đoàn 559 có đại diện ở tỉnh để gửi vào gấp cho tuyến Ho.

         Tuy nằm sâu trong Trường Sơn, trực tiếp lãnh đạo Bộ Tư lệnh 559 nhưng bên tôi vẫn có đồng chí Đặng Xuân Song là bí thư chuyên theo dõi về công việc của Bộ Giao thông vận tải và vài anh em giúp việc với một điện đài. Do đó tôi đã được thông tin từng ngày và có ý kiến chỉ đạo kịp thời lực lượng giao thông vận tải hậu phương phối hợp và hợp đồng với tiền tuyến. Tôi được biết ở hậu phương mức độ chiến tranh leo thang tội ác của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Ngày 23-6-1965, địch đã leo thang cho máy bay ra đánh phá Hà Nội và mấy tháng sau đó hầu hết các cầu lớn nhỏ trên các trục đường quan trọng của miền Bắc đều bị đánh phá. Đặc biệt các trục từ phía đông vào thủ đô và từ thủ đô đi phía nam, trục phía bắc cũng bị đánh phá; chủ yếu các cầu lớn. Chúng phong tỏa Cảng Hải Phòng hòng cắt đứt đường chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho ta.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2010, 01:26:47 am »



         Trên đường trở về hậu phương, với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tôi lại kiểm tra suốt dọc tuyến bảo đảm giao thông từ bắc Vĩnh Linh ra đến Hà Nội; làm việc với các Tỉnh ủy, với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, với Ban đảm bảo giao thông Khu 4 (B4) và các đơn vị công nhân thanh niên xung phong của Bộ và của địa phương trên dọc tuyến; làm việc với các bến phà quan trọng như sông Gianh, Bến Thủy, Ghép và các đơn vị vận tải ôtô, sông biển, cảng Cửa Hội, đường goòng, đường sắt. Về giao thông vận tải chống Mỹ chi viện miền Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết ngay và có vấn đề cần đề xuất và xin ý kiến của Trung ương... Đi tới đâu cũng thấy không khí khẩn trương công tác, lạc quan cách mạng, tin tưởng chiến thắng về ta. Nhiều gương chiến đấu điển hình trên các mặt công tác của ngành Giao thông vận tải Trung ương và địa phương. Nhiều câu chuyện ly kỳ về hạ máy bay địch của các lực lượng vũ trang. Tuy lúc bấy giờ trên mặt trận đảm bảo giao thông vận tải chưa có kinh nghiệm phong phú như năm 1968 và về sau nhưng cũng đã thấy chúng ta đối phó với địch bằng sự chiến đấu và lao động dũng cảm tập thể và cả nhân dân tham gia bằng cả trí óc thông minh, sáng tạo. Lúc bấy giờ càng thấy cái giá trị và tác dụng to lớn của các hệ thống đường đi qua Khu 4 tuyến lửa, chi viện cho miền Nam với nhiệm vụ dồn chân hàng cho 559. Đó là đoạn đầu của tuyến đường Trường Sơn, không rừng núi bao che, mục tiêu quá nhiều và lộ liễu. Phòng không của ta giăng ra có hạn, kẻ địch lợi dụng nhược điểm này ra sức ngày đêm đánh phá, hòng làm tê liệt các tuyến giao thông vận tải của ta. Nhưng chúng ta đã có hang chục vạn người con của Khu 4 anh hùng trong các lực lượng của Trung ương và địa phương đang căng địch ra mà đánh, cả triệu nhân dân hỗ trợ Bộ đội Phòng không anh dũng tuyệt vời hạ hàng trăm máy bay địch ở các trọng điểm. Dân quân, công an bình tĩnh gan dạ, công nhân, thanh niên xung phong giao thông vận tải dũng cảm thông minh. Lại có các cán bộ đã được rèn luyện thử thách qua cuộc chiến tranh chống Pháp, ngày đêm sát cánh cùng anh chị em như đồng chí Nguyễn Tường Lân bám trụ Khu 4; các đồng chí Trưởng Ty Giao thông ở tuyến lửa như đồng chí Thiêm ( Vĩnh Linh), Ly (Quảng Bình), Đạt (Hà Tĩnh), Hòa (Nghệ An)... Và các đồng chí Hồ Trí Tân (Cục Kiến thiết cơ bản), Nguyễn Chấn (Cục Quản lý đường bộ); Đường sắt có đồng chí Hà Đăng Ấn, liệt sĩ Trần Quang Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh... Đường goòng có đồng chí Tộ, Thới... Đường biển có đồng chí Lê Văn Kỳ, Lê Hữu Liêm. Vận tải ôtô có đồng chí Vũ Quang... Các trạm vận tải có đồng chí Võ Thành Huy, đồng chí Nguyễn Bá. Đoàn xe 8 có đồng chí Bùi Thái, đường sông có đồng chí Bình Tâm, đồng chí Nguyễn Văn Định... Các đồng chí đó đã ngày đêm lăn lộn ở các tuyến đường, nhà ga, bến cảng... ở các trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc vận chuyển

Sơ đồ đường 128 và đường 20 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

hàng cho miền Nam. Nhân dân trên tuyến lửa Khu 4, kể cả các dân tộc ít người ở sát giới tuyến, với khẩu hiệu: "Xe chưa qua, nhà không tiếc", "Hàng Bác Hồ chưa qua là ta không nghỉ" vừa tham gia đảm bảo giao thông vận tải, vừa đảm bảo sản xuất lương thực để nuôi quân và cho con cháu đi B. Thật đẹp đẽ làm sao, tình nghĩa làm sao! Với tình đồng chí, đồng bào, đồng đội, với tinh thần Trung ương với địa phương, hậu phương với tiền tuyến, tuyến lửa với Trường Sơn, đoàn kết trên dưới, quân dân không so bì tị nạnh, không mặc cả thiệt hơn, lo cho nhau từng hố tránh bom, nhường cho nhau từng góc hầm chữ A, từng nắm cơm. Đã có nhiều anh chị em ngã xuống trên hai tuyến lửa. Tôi nhớ lại, có một lần khi tôi tới cầu Cấm, xe vượt qua ngầm, máy bay địch chợt đến, đèn gầm ôtô không kịp tắt, địch thả bom xung quanh tôi nhưng rất may là không trúng đạn, tôi chỉ kịp chạy lên nấp vào thành ta-luy đường. Tôi vừa nằm xuống thì một khối thịt đè lên, mỗi ngày một nặng thêm, làm tôi nghẹt thở. Thì ra các đồng chí bác sĩ Nguyên Văn Lan, đồng chí bí thư Đặng Xuân Song, đồng chí Thể... đã lấy thân mình để bảo vệ, che chở cho thủ trường. Nằm ở dưới tuy thấy nặng và vô cùng nghẹt thở, nhưng tôi cảm động biết bao... bởi tình đồng chí, đồng đội, bởi tình người và tinh thần trách nhiệm cao cả trong những giây phút nguy nan. Tôi đã được sống trong sự tràn ngập không khí cách mạng và yêu thương ấy ở cả hai tuyến đường. Tuy mỗi nơi một vẻ, vì hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng một hành động thống nhất là: tất cả vì miền Nam ruột thịt. Bất giác tôi nhớ lại 9 năm kháng chiến chống Pháp, cũng tình cảm cách mạng, tình đồng chí, tình người như vậy và cũng nhờ có thế mà ta đã chiến thắng được kẻ địch. Ước sao dù bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ được như vậy. Về tới Hà Nội do tình hình mới ở hậu phương và phần nào ở tuyến Trường Sơn đã hoạt động được ít nhiều ngay trong mùa mưa, tuy chỉ là bước đầu, tôi được chỉ thị ở lại lo phía sau để phục vụ cho phía trước.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #33 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2010, 01:29:35 am »


         Khoảng đầu năm 1966, tôi bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh cho đồng chí Bẩm và công tác Chính ủy cho đồng chí Chiêm. Thế là phải chia tay thật sự với những chiến sĩ mở đường Trường Sơn anh hùng, con đường được vinh dự mang tên Bác mà tôi rất tự hào vì cũng góp mặt phần rất nhỏ, sát cánh chiến đấu với các đồng chí trong Đoàn 559 qua một mùa mưa.

         Năm 1966, mùa khô, mùa vận chuyển của Đoàn 559 đã đến. Sự lãnh đạo Đoàn 559 có thay đổi vì tuyến Trường Sơn chủ yếu vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam đã từng bước chuyển sang vận chuyển cơ giới và nhất là mùa khô này phải được khẩn trương vận chuyển. Quân ủy Trung ương giao cho Tổng cục Hậu cần trực tiếp lãnh đạo. Vì đồng chí Đinh Đức Thiện Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần vào tuyến để lãnh đạo, đồng chí Đại tá Hoàng Văn Thái phụ trách Đoàn 559. Đồng chí Thiện và tôi biết nhau từ lâu và cũng dễ thông cảm nhau trong nghề vận tải nên rất thuận lợi trong sự phối hợp giữa kinh tế với quốc phòng, làm nhiệm vụ chung là chi viện.

         Ở lại tuyến sau, chúng tôi dồn mọi khả năng của Bộ Giao thông vận tải với Bộ Quốc phòng vào thi công khẩn trương đường 20 cho mau chóng thông xe. Đồng thời để phá thế độc tuyến ở tuyến lửa, hỗ trợ cho Đoàn 559, Bộ Giao thông vận tải cho làm thêm một số đường như đường 22 tránh đèo Ngang từ địa phận Kỳ Anh tới phà sông Gianh, đường 21 từ Thạch Hà tới Tân Ấp, và một số đường vòng quan trọng đi qua Bến Thủy và tránh đường số 1 qua Hà Tĩnh, đi thẳng vào ngã ba Đồng Lộc. Đầu năm 1966 khi đường 20 đã thông xe, một lần nữa tôi trở lại kiểm tra. Qua cua chữ A mới thấy được sự nỗ lực của anh chị em thi công dũng cảm bên vách đá cheo leo; của anh em lái xe đường vòng vèo, bị địch đánh phá ác liệt, lái sơ sảy là lao xuống vực.

         Lúc này, địch đang tìm đường để phá, nhiều đoạn vòng anh chị em phải làm giàn để treo phong lan ngụy trang, xe chạy dưới hoa thơm mát. Trong những căn hầm và lán trại của các cháu thanh niên xung phong tạm trú cũng treo hoa phong lan. Tôi đã vào thăm một căn hầm của các cháu ở gần ngầm Ta Lê, nơi trọng điểm địch đánh ác liệt suốt ngày đêm, cũng thấy có hoa, và trên vách hầm còn dán hai câu thơ:

Đường em như một bó hoa
Hầm em như thể cánh hoa sáng ngời...


         Tới dốc Ba Thang ai nấy chẳng thán phục anh em công binh đã bưng từng tảng đá lớn quăng xuống vực sâu để mở đường. Tới ngầm Ta Lê, tôi đã gặp đội cầu treo đo đồng chí Trương Kim Thống chỉ huy, vừa mới vào chuẩn bị bắc cầu. Đội thanh niên xung phong 25, của Trung đoàn bộ binh 10 Hải Dương và Trung đoàn 4 của Kiến An đi B, cũng dừng lại đây để làm đường. Các đơn vị công binh chính cống, các Trung đoàn công binh mới, các đơn vị công nhân, thanh niên xung phong giao thông... là những đơn vị có công xuất sắc góp phần xây dựng thành công tuyến này.


« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2010, 04:10:49 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #34 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2010, 01:32:54 am »


         Vào năm 1967, khi Bộ Tư lệnh 559 mở thêm các đường cơ giới trên tuyến II, tuyến III, ở phía tây Trường Sơn thì Bộ Giao thông vận tải thành lập Ban 67 ở phía đông Trường Sơn, do đồng chí Cục phó Phan Trầm (trước đây ở đường 20) phụ trách cùng với đồng chí Nguyễn Như Cảnh phối hợp chặt chẽ với Tổng cục tiền phương của quân đội để đảm bảo giao thông trên hệ thống đường 1 và đường 15. (Sau này phát triển thêm đường 15b, đường 15c) và một số tuyến đường vượt để rút ngắn và nhanh cho vận chuyển của tuyến phía tây Trường Sơn. Đội Cầu treo của Bộ Giao thông vận tải và Viện Nghiên cứu Kỹ thuật được điều vào xây dựng một số cầu treo và các dây thiên tuyến chở hàng để vượt các suối và các đèo thấp.

         Ở miền Bắc giặc Mỹ thất bại trong cuộc ném bom leo thang. Tính đến năm 1967 ta đã bắn rơi hơn 2.000 máy bay các loại của Mỹ thì ở miền Nam chúng lại bị một đòn choáng váng bất ngờ vào dịp Tết Mậu Thân, mặc dù tính đến tháng 2 năm 1968, lính Mỹ và chư hầu đã vào miền Nam tới 500.000 tên, ý chí xâm lược của Mỹ đã bắt đầu lung lay.

         Tháng 3-1968 chúng dùng thủ đoạn "thiện chí" đơn phương xuống thang, ném bom hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào; thực chất là chúng dồn máy bay và bom đạn có hạn nhưng tinh xảo hơn (như bom định giờ nổ chậm thả bằng tia la-de, v.v...) tập trung đánh phá hủy diệt các tuyến đường từ Thanh Hóa trở vào, hòng cắt đứt mọi sự vận chuyển của ta từ hậu phương vào phía Nam, cắt đứt chân hàng của Đoàn 559.

         Tôi lại được trên giao thành lập Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông Khu 4 để hợp đồng với các binh chủng, huy động mọi tiềm năng và sức mạnh tổng hợp để đập tan âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ. Các đồng chí chỉ huy hậu cần, Quân khu 4, Tư lệnh Pháo binh, Tên lửa, Công binh, các bí thư Tỉnh ủy đều được huy động phối hợp.

         Đồng chí Đinh Đức Thiện, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần là Tham mưu trưởng kiêm Phó tư lệnh, đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Hòa, Chính ủy Khu 4 làm Phó Tư lệnh; các đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Thiếu tướng Nguyễn Đôn ở Bộ Tư lệnh 500 cũng đã tham gia phối hợp. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Khu 4 là Phó Tư lệnh.

         Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm lập Văn phòng Bộ Tư lệnh. Đồng chí Nguyễn Tường Lân được điều từ Đoàn 559 ra làm Phó Tư lệnh trực chiến. Tôi làm Tư lệnh chỉ huy chung và cũng lại với nhiệm vụ Ủy viên Trung ương Đảng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để kết hợp chặt chẽ giữa Trung ương, địa phương, kinh tế và quốc phòng.

         Bộ Tư lệnh đảm bảo giao thông Khu 4 đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình. Huy động được sức mạnh tổng hợp để thắng Mỹ trên toàn tuyến lửa Khu 4 mà điển hình là ngã ba Đồng Lộc và những trọng điểm là các bến phà Bến Thủy, Sông Gianh, Xuân Sơn, Long Đại, cầu Hàm Rồng... Bom đạn địch giội xuống tính bình quân đầu người chiến sĩ phòng không, dân quân tự vệ và công nhân sửa chữa cầu phà... phải kế tới cả tấn. Chúng quyết dồn lượng bom đạn và dùng chiến thuật kết hợp với mùa lũ để đánh chặn đầu, khóa đuôi từng đoạn đường dài trên tuyến lửa, khống chế các cửa khẩu của Đoàn 559 nối với hậu phương. Chúng dùng các loại bom tọa độ B-52 rải thảm, bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm, mìn lá, v.v... Chúng dùng cả tia la-de để cắt bom khi phát hiện mục tiêu của ta, đánh các phương tiện vận tải trên đường sắt, đường goòng, đường bộ, đường thủy. Nhưng, chúng đã vấp phải sự quyết tâm chiến lược của cả nước ta là bằng bất kỳ giá nào cũng phải đảm bảo giao thông vận tải, đưa hàng ra tiền tuyến, trước hết là xây dựng chân hàng cho Đoàn 559, quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của địch vào giao thông vận tải, niềm hy vọng cuối cùng của chúng là ngăn chặn chi viện cho miền Nam, hòng cứu vãn tình hình đang có nguy cơ sụp đổ ở miền Nam. Và, lấy thế để mặc cả với ta đi vào thương lượng. Còn ta, quyết tâm đánh bại ý chí xâm lược của địch, phối hợp với ngoại giao bắt chúng phải ngồi vào bàn thương lượng.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 02:19:46 am »



         Chúng ta đã dùng chiến thuật căng địch ra, dàn mỏng lực lượng địch, để kéo cổ địch xuống cho phòng không ta tiêu diệt. Có đoạn đường ta đã xây dựng sáu tuyến đường chạy song song, để tiến về miền Nam bằng đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển... rồi nối lại thành hình thang, di chuyển theo lối dích dắc. Vượt các trọng điểm cầu phà, có ít nhất là ba cách vượt sông, có nơi đã có tới bảy biện pháp vượt sông, chỗ nọ cách chỗ kia vài ba ki-lô-mét, có cái giả, có cái thật. Các khu vực có đồi và đồng bằng như ngã ba Đồng Lộc thì làm đường vòng, đường tránh chằng chịt. Có đêm làm hơn chục ki-lô-mét để thông xe ngay trong đêm. Tại ga Thanh Hóa, ga Vinh ban ngày không ray, ban đêm mới lắp ray. Thực hiện khẩu hiệu "qua sông không cầu, chạy tàu không ga", kẻ địch không biết ta đi tuyến nào, và qua sông điểm nào. Muốn biết, máy bay của chúng phải hạ thấp xuống và làm mồi cho phòng không ta tiêu diệt, vì thế chúng thường bay cao và thả bom bừa bãi, trúng vào đâu thì trúng.

         Ta đã thực hiện từ khẩu hiệu "địch đánh ta sửa ta đi", sang khẩu hiệu "địch đánh ta cứ đi", giành thế chủ động để đối phó với địch một cách thắng lợi ngay trên mảnh đất hẹp, mà địch gọi là vùng cán soong ở vùng Khu 4 tuyến lửa.

         Cả nước đều hướng về miền Nam ruột thịt, hướng vào tuyến lửa Khu 4. Với những con đường huyết mạch nối dài với đường trung tuyến Hồ Chí Minh, tiếp chuyển vào các đường tiền tuyến của các chiến trường miền Nam, ra sức dồn sức người và vũ khí vào, để đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

         Đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn là con đường mà nhân dân cả nước đã đóng góp xây dựng nên. Những lực lượng tham gia trực tiếp xây dựng đường Hồ Chí Minh là cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân; là những cán bộ công nhân và nam nữ thanh niên xung phong của ngành Giao thông vận tải; là dân quân và đồng bào các dân tộc ở một số địa phương; có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng và nhân dân địa phương các nước bạn.

         Đường Hồ Chí Minh đã làm được nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vinh quang của mình, trong các bước ngoặt lịch sử chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Từ hệ thống đường giao liên nhỏ hẹp, luồn qua rừng núi, đến đường gùi, thồ, phục vụ cho công cuộc chống Mỹ - Diệm vi phạm Hiệp định Giơne-vơ, củng cố phong trào cách mạng chống chiến lược
chiến tranh đặc biệt của địch; tiến lên xây dựng đường cho xe cơ giới, phục vụ cho công cuộc chống chiến lược chiến tranh cục bộ của địch. Và, thành hệ thống đường rộng lớn sau này, phục vụ cho chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Đường Hồ Chí Minh đã luôn luôn hoàn thành được nhiệm vụ trung tuyến đặc biệt của mình là nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

         Con đường chiến lược mang tên Bác không những là niềm tự hào của các lực lượng Đoàn 559 trước kia và sau này, mà còn là niềm tự hào của các nhánh đường nối tiếp. Vì con đường không dừng lại ở dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, mà còn được phát huy rất to lớn bởi các con đường tiếp nối tới các chiến trường nóng bỏng ở Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và B2 Nam Bộ - những con đường ở tiền tuyến lớn. Nó còn là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân các địa phương vùng tuyến lửa Khu 4, hậu phương trực tiếp của Đoàn 559. Đường Hồ Chí Minh không chỉ là mạch máu nối liền Thủ đô, trái tim Tổ quốc với miền Nam ruột thịt mà còn nối liền các nước xã hội chủ nghĩa anh em, chi viện cho ta tới những vùng tận cùng của đất nước.


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 02:24:43 am »


         Đường Hồ Chí Minh gắn liền với tên tuổi các liệt sĩ gái và trai đã ngã xuống ở núi rừng Trường Sơn, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta quyết giữ vững truyền thống của đường Hồ Chí Minh là: Đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau, cùng nhau lo làm tròn trách nhiệm; quân và dân đoàn kết, kinh tế phối hợp với quốc phòng, dũng cảm, thông minh sáng tạo, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vừa xây đựng vừa chiến đấu... Cần phát huy truyền thống này trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như trong các lĩnh vực khác để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
 
         Tôi đã được vinh dự trực tiếp cùng đồng đội Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn mở đường chiến lược Hồ Chí Minh, chủ yếu là gùi thồ, giữa một mùa mưa của núi rừng Trường Sơn thành một hệ thống đường cho xe cơ giới chạy suốt toàn tuyến. Đường tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã thành hình, xe đã chạy nhưng còn có đoạn phải chống lầy, và vận chuyển tuy không được nhiều nhưng nó cũng đã đóng góp một phần không nhỏ phục vụ cho công cuộc chiến đấu của đồng bào đồng chí miền Nam ruột thịt, vào một thời điểm đáng ghi nhớ là đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ và cho tương lai con đường.

         Dù chỉ là một Tư lệnh kiêm Chính ủy của Bộ Tư lệnh 559 đường Hồ Chí Minh (Trường Sơn) có thâm niên ngắn ngủi, song tôi cũng có những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là mùa mưa 1965.

         Trước tôi, anh Võ Bẩm, Đoàn trưởng Đoàn 559, tiền thân của Bộ Tư lệnh 559 sau này, là người đầu tiên mở đường từ đường giao liên đưa khách, có từ kháng chiến chống Pháp thành đường gùi thồ đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn chiến lược, có đoạn đã cho xe cơ giới nhẹ chạy. Con đường xuyên suốt Trường Sơn đã góp phần chi viện quan trọng của Trung ương cho các chiến trường miền Nam, thực hiện Nghị quyết 15 tháng 1 năm 1959 của Trung ương Đảng là dùng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng, phát huy chiến thắng của Đồng khởi và đánh bại chiến tranh đặc biệt (một phía) của địch; mở đầu cho sự thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tấn công.

        Anh Võ Bẩm, anh Đinh Đức Thiện, anh Đồng Sĩ Nguyên và các anh khác sau này có nhiều kỷ niệm về đường Trường Sơn, con đường mang tên Bác, nhiều hơn tôi.

         Tôi chỉ có những kỷ niệm về một mùa mưa năm ấy.

         Một mùa mưa lịch sử.

(Nghiêm Đa Văn và Đức Ngọc,
hai cán bộ của Nhà xuất bản Giáo thông Vận tải
đã chấp bút đầy đủ theo nội dung lời kể của
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ)

Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #37 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 02:35:11 am »

MÙA MƯA TRƯỜNG SƠN 1965 -
NHỮNG TRANG SỬ ĐẦU TIÊN
MỞ ĐƯỜNG CƠ GIỚI TRÊN
ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH CỦA
CỐ BỘ TRƯỞNG PHAN TRỌNG TUÊ
BÌNH TÂM
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải)








         Năm đó (1965) là cán bộ dưới quyền của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ tôi được biết Bộ trưởng đang chuẩn bị một chuyến đi công tác dài ngày vào phía Nam. Hoàn cảnh lúc đó đế quốc Mỹ đang mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta. Phần lớn cán bộ chúng tôi ai nấy đều lo vào phần việc của mình. Công tác của người khác thì phải giữ bí mật, không được tò mò và tiết lộ bí mật những phần việc

Tập thể trao đổi viết hồi ký về những ngày làm đường 20 vượt Trường Sơn. Từ trái sang: Ông Phi Đình Tuấn, ông Nguyễn Bình Tâm, ông Đào Thanh, ông Đặng Văn Cán (tháng 4 năm 2009)

được giao. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Mai trước đã làm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt, sau ông được điều lên công tác ở Ban Công nghiệp Trung ương với cương vị là Phó ban. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, đồng chí Nguyễn Hữu Mai được bầu là Ủy viên BCHTW. Đầu năm 1965, đồng chí được cử về Bộ GTVT làm Thứ trưởng thứ nhất của Bộ. Mọi việc lãnh đạo ở Bộ, đồng chí Nguyễn Hữu Mai thay mặt Bộ trưởng chủ trì giải quyết. Lúc đó tôi đã nhận thấy sự sắp xếp của Bộ Chính trị cử đồng chí Nguyễn Hữu Mai thay mặt đồng chí Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ vắng mặt nhiều ngày ở Hà Nội. Chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng vào sự sắp xếp của Trung ương Đảng và Chính phủ. Chúng tôi đã thi hành, cố gắng đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong các bức điện của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ gửi về. Tôi là Cục trưởng Cục Đường sông đã cử nhiều cán bộ vào các đoàn đi khảo sát đường sông và làm nhiệm vụ thả trôi các bao hàng trên các sông suối và đã cử những công nhân có tay nghề của các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá vào đóng thuyền nan, thuyền gỗ ở Trường Sơn. Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ thường có tính hài hước. Trong các cuộc hội nghị khi có gay cấn thì ông thường tìm đôi lời để phá tan những phút căng thẳng. Trong cuốn hồi ký này ông có đoạn hài hước như sau: "Thiếu tướng Phan Thanh Xuân vét quân của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ". (Phan Thanh Xuân là tên mật trong điện của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Thanh Xuân cũng là tên vợ của đồng chí Phan Trọng Tuệ). Nó thể hiện ở xa trong Trường Sơn nhận được phương tiện, thiết bị, nhân lực, cán bộ đầy đủ nên ông mới có tinh thần lạc quan, hài hước như vậy. Sự thật thì Phan Thanh Xuân cũng là Phan Trọng Tuệ giấu tên mình ở Trường Sơn.

         Trong hồi ký có nói đến Thiếu tướng Võ Bẩm đã nhận nhiệm vụ với Bác Hồ và Trung ương Đảng đi mở đường 559 nhưng là đường mòn. Con đường này để đưa cán bộ vào Nam ra Bắc và tiếp tế lương thực, quân nhu cho bộ đội bằng đi bộ, gùi thồ từ năm 1959 cho đến đầu năm 1965. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ đầu tiên của Binh đoàn 559. Ông và Bộ Tư lệnh 559 đã có nhiều chủ trương sáng tạo mở đường cho xe cơ giới vượt Trường Sơn. Chính thời điểm ông đến Trường Sơn nơi đây đang là mùa mưa. Mấy năm gần đây, chúng ta đã từng biết đến những cơn mưa ở miền Trung, miền Nam, cuối năm 2008 ở Hà Nội và gần đây đầu năm 2009 ở thành phố Hồ Chí Minh. "Mưa lũ Trường Sơn thường tạo ra những cơn lũ khủng khiếp, có thể bất ngờ cuốn trôi đi cả những đoạn đường, những cây cầu, những phương tiện vận chuyển, cả người và cả những kho hàng... Mưa Trường Sơn thường dồn nước xuống thung lũng tạo nên những túi nước phá các con đường làm cho đường sụt lở, sình lầy trong một thời gian dài, có khi suốt cả mùa mưa...".



« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2010, 03:15:03 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #38 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 02:44:13 am »



         Người Tư lệnh 559 Phan Trọng Tuệ gặp khó khăn ngay ở túi nước Xiêng Phan. Các yêu cầu của chiến trường miền Nam ngày càng lớn nên không thể chỉ vận chuyển một mùa khô, còn mùa mưa thì ngừng vận chuyển. Nên ông đã quyết tâm phá quy luật này, phải vận chuyển liên tục, phải thắng cả sức trời. Từ đó, ông đã có nhiều sáng kiến vận chuyển qua túi nước Xiêng Phan dài 30km. Một xí nghiệp đóng thuyền gỗ đã hình thành ở phía Bắc túi nước nhưng tốc độ thì không thể nhanh được nên phải đưa cả thuyền gỗ ở Quảng Bình vào. Nhưng thuyền gỗ phải qua nhiều chặng đường bị bom Mỹ đánh phá nên tiến độ cung cấp cho chiến trường miền Nam vẫn không đạt yêu cầu. Ông Phan Trọng Tuệ đã nghĩ ra một loại thuyền mà theo ông thì từ điển quốc tế cũng chưa có tên. Đó là loại thuyền chỉ có xương và vành bằng tre, còn bọc bằng vải bạt. Ông còn cho mang cả máy đẩy vào kéo thuyền gỗ ở túi nước.

         Người Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn không chịu dừng kế hoạch vận chuyển ở túi nước Xiêng Phan mà còn cho thả trôi hàng hoá ở nhiều sông suối khác. Kinh nghiệm này đã được đem ra phát huy ở các con sông ngoài Bắc trong thời

Cùng ôn lại kỷ niệm một thời Trường Sơn. Từ trái sang: Ông Hoàng Ngọc Châu, ông Nguyễn Bình Tâm, ông Nguyễn Vĩnh, ông Nguyễn Công Nghệ (tháng 4 năm 2009).

gian năm 1966 và 1972 là những năm chiến tranh phá hoại ác liệt nhất.

         Muốn tránh túi nước Xiêng Phan thì phải mở một con đường vô cùng khó khăn. Công trình này được ông đặt tên là đường 20. Công trình đường 20 đã lôi cuốn cả Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân đang công tác bảo đảm giao thông ở Khu 4; cả đồng chí Nam Hải, đang là quyền Viện trưởng Viện Thiết kế GTVT, cùng đoàn khảo sát đi tiên phong tìm đường đi ít tốn kém sức người, sức của để có thể thi công nhanh được. Đồng chí Nam Hải được điều động hẳn vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn và sau này đã trở thành Thứ trưởng Bộ GTVT. Nhiều đồng chí có kinh nghiệm lãnh đạo các công trường làm đường ở Tây Bắc như Phan Trầm, Nguyễn Lang, Đào Thanh, Lam Chi... đã được Bộ trưởng tăng cường vào Ban chỉ huy công trường đường 20. Ông Phan Trọng Tuệ cũng không bỏ qua những kỹ sư công chính thời Pháp như ông Vọng đang là Trưởng ty GTVT Quảng Bình được bổ sung vào đội ngũ Trường Sơn. Ông Tuệ đã nhiều lần tham khảo ý kiến ông Vọng về các tuyến đường vượt Trường Sơn.

         Do tình hình địch đánh phá ngành GTVT ngày càng ác liệt, diện đánh phá đã mở rộng đến các cảng lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh. Sau này chúng đã bao vây các cửa biển và dùng cả máy bay ném bom chiến lược B52 để đánh phá. Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã được gọi trở lại Hà Nội. Sự nghiệp mở đường Trường Sơn đã được giao cho các đồng chí khác. Trong hồi ký đã ghi lại đến thời kỳ ông vào Trường Sơn thì: "Quân số đã xây dựng được trên 5.000 người. Tổ chức Đảng toàn tuyến có 67 chi bộ với gần 2.000 đảng viên. Phương tiện vận tải có 140 ôtô, 1.400 xe đạp thồ, 100 chiếc thuyền..." (Khi ông rời Trường Sơn, thì quân số làm đường và vận tải trên toàn tuyến đường đã tăng lên gần 2 vạn người). Điều đó nói lên cả miền Bắc XHCN đã quyết tâm chi viện cho miền Nam mà cụ thể là mở đường Trường Sơn đi cứu nước; đã dành những con người ưu tú, những đảng viên gương mẫu. Nhiều thanh niên xung phong phơi phới tuổi thanh xuân đã đến Trường Sơn. Riêng ngành GTVT đã có nhiều cán bộ ưu tú, kỹ sư, trung cấp, công nhân cầu đường, lái xe theo chân Bộ trưởng vào Trường Sơn. Chính những con người này đã tô đậm truyền thống của ngành GTVT là: Thông minh - sáng tạo - kiên cường - bất khuất...





Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #39 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 03:14:27 am »



Ông Nguyễn Tường Lân
Nguyên Thứ trưởng
Bộ Giao thông Vận tải
Nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559


MỞ ĐƯỜNG VƯỢT TRƯỜNG SƠN
PHÁ THẾ ĐỘC TUYẾN
NGUYỄN TƯỜNG LÂN











         Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã cho máy bay ra miền Bắc đánh phá các thành phố, các khu công nghiệp, các đầu mối giao thông. Hệ thống cầu, cống trên đường quốc lộ 1, từ Vĩnh Linh ra nam Thanh Hoá là mục tiêu đánh phá ác liệt của chúng. Để ứng phó với tình hình nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã phân công tôi, Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân vào tăng cường cho Ban đảm bảo giao thông Khu 4, với tư cách là đại diện Bộ ở Khu 4, gọi tắt là B4.

Ông Phan Trọng Tuệ (bên phải) trên đường chuyển Bộ Tư lệnh 559 vào núi rừng Trường Sơn giữa năm 1965, làm việc với ông Nguyễn Tường Lân dưới hầm tại đại diện Bộ, tuyến lửa khu 4.

         Vào một ngày, giữa năm 1965, trên đường vào chiến trường, anh Phan Trọng Tuệ Bộ trưởng, vào Binh trạm 12, dưới chân đèo Mụ Giạ, gặp tôi ở B4, anh Phan Trọng Tuệ thông tin cho tôi biết: " Tháng 4-1965, tôi được Bộ Chính trị quyết định tham gia Quân ủy Trung ương, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh 559. Đồng chí Nguyễn Hữu Mai ở Ban Công nghiệp Trung ương trở về Bộ, phụ trách chung thay tôi". Với tôi, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ nói rõ: " Đồng chí được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải ở tuyến lửa Khu 4. Trong mọi tình huống phải giành thế chủ động, quyết thắng âm mưu địch ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam". Bộ trưởng còn nói thêm: "Khu 4 phải lo chân hàng cho 559, là hậu phương trực tiếp của Bộ Tư lệnh 559- Nơi trung chuyển, vận chuyển tiếp hàng vào phía trong, rồi vào các chiến trường. Đồng chí cố gắng làm tốt nhiệm vụ, đừng để bê bối như lúc đầu, có lúc có người gọi đùa B4 là "bê bối".




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM