Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:02:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vỏ bọc nhiệm màu  (Đọc 48981 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:03:04 pm »


Hôm Triệu Quốc Mạnh đến gặp tướng Dương Văn Minh dể nhận lời là 28 tháng 4. Và anh đã chính thức nhận chức Chỉ huy trường Cảnh sát Đô thành Sài Gòn-Gia Định ngày 28 tháng 4 sau khi Dương Văn Minh đã được lưỡng viện bỏ phiếu tán thành bầu làm Tổng thống ngụy quyền.

Đấy là ngày mà 5 cánh quân của đại quân ta đã áp sát Sài Gòn. Tiếng đại bác của Quân giải phóng đã rền vang ở tất cả các cửa ngõ của thủ đô Việt Nam Cộng hòa. Cảnh hỗn loạn, hoang mang đang diễn ra trong khắp các công sở, đường phố nội thành. Quân ngụy đang tập trung lực lượng cố thủ, nhưng nhiều tướng tá kể cả đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên đã đào tẩu. Riêng Cảnh sát Đô thành trừ Trang Sỹ Tấn đã cao chạy xa bay, lực lượng kiên trung một trong những bảo kiếm bảo vệ Đô thành này vẫn còn khá nguyên vẹn.

Với dáng người cao lớn, đĩnh đạc, phong độ, diện mạo vừa toát lên vẻ lịch thiệp, uyên thông của một trí thức lại vừa có cái oai nghiêm, kiên quyết tự tin của một quan tòa, luật sư Triệu Quốc Mạnh đã tới bản doanh Bộ chỉ huy Cảnh sát Đô thành bằng chiếc xe hơi mang cờ chuẩn tướng đúng vào thời điểm nóng bỏng đó.

Tuy rằng anh mặc thường phục, nhưng đã từng biết tên tuổi, chức vụ, tiếng tăm và tướng mạo của vị Đệ nhất phó Biện lý này như thế, hơn nữa lại có trung tướng Mai Hữu Xuân, Sự vụ của Tổng thống Dương Văn Minh cùng đi giới thiệu nên các sĩ quan Cảnh sát Đô thành đều nhìn anh với ánh mắt nể sợ. Đại tá Lâm Chính Nghĩa, Phó chỉ huy, khi Trang Sỹ Tấn đào tẩu đã nhấp nhổm hy vọng được lên thay Tấn, lúc này đã chạy ra tận nơi xe hơi đậu đón Triệu Quốc Mạnh.

Anh vui vẻ làm thân ngay với Nghĩa để có thêm thuận lợi tạo uy thế và quan trọng là trước hết buộc Nghĩa sẽ phải thực hiện các mệnh lệnh của mình. Anh nhìn hết một lượt bản doanh, đặc biệt là Sở chỉ huy. Việc trước tiên là lệnh cho Nghĩa tập hợp tất cả các sĩ quan cao cấp của Đô thành lại để anh hiệu triệu và thông báo tình hình.

Trong nội dung thông báo, anh đã đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình lúc này là vô cùng nghiêm trọng và hiệu triệu các sĩ quan phải làm hết phận sự của mình, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và kỷ luật thời chiến sẽ được thực thi ngay đối với bất cứ ai trái lệnh.

Cũng trước cử tọa này, anh đã qua mặt Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố: Anh đã được Tổng thống giao cho vai trò thương thuyết với phe Cách mạng và bịa ra việc thương thuyết của Tổng thống hiện giờ đã đạt tới 60%, yêu cầu các sĩ quan ở đây không được làm gì ảnh hưởng đến việc thương thuyết.

Cùng với cú đòn cân não ấy, Triệu Quốc Mạnh lại tỏ ra cảm thông với hoàn cảnh gia đình, vợ con của các sĩ quan đang bối rối, lo sợ và hứa sẽ tạo điều kiện họ có thể giúp đỡ gia đình trong lúc lâm nguy hiện tại để tác động thêm lòng tin của cấp dưới với mình.

Trước lời hiệu triệu vừa cứng rắn vừa có tình đó, những tên sĩ quan cảnh sát vốn khét tiếng ác ôn lúc này đều răm rắp lắng nghe và rồi cùng đều phải răm rắp thi hành. Còn anh, ngay sau đó đã yêu cầu Lâm Chính Nghĩa nộp cho anh bản danh sách tù chính trị và gọi một sĩ quan thông tin giữ về điện tử vào Sở chỉ huy.

Ở đây bằng các mật mã thông tin riêng của ngành Cảnh sát, dựa vào việc không để ảnh hưởng đến việc thương thuyết của Tổng thống, việc đầu tiên Chỉ huy trưởng Triệu Quốc Mạnh làm là ra lệnh giải tán F5 - một lực lượng cảnh sát đặc biệt được trang bị mạnh cả về vũ khí và phương tiện. Thứ hai, là lệnh cho toàn lực lượng an ninh bất động, không được nổ súng khi chưa có lệnh của Chỉ huy trưởng.

Xong các việc hệ trọng đó, Triệu Quốc Mạnh mới ra hiệu gọi Lâm Chính Nghĩa tới bên mình rỉ tai:

- Như moa đã hứa với anh em sĩ quan của ta, Đại tá đi xem những ai đang khẩn thiết về chuyện lo thu xếp cho gia đình vợ con lúc này thì cho phép anh em lần lượt thay nhau về giải quyết. Còn Đại tá, chiều nay khi nhiệm vụ được Tổng thống giao cho chúng ta tạm ổn định, Đại tá cũng nên qua nhà một chút. Mọi việc ở đây moa sẽ lo liệu.

- Dạ, cám ơn sếp. Tôi sẽ đi thực thi ngay công việc tình nghĩa này.

Nghĩa hẳn cũng đang mừng, vì chiều nay sẽ được qua nhà nên hối hả ra ngay khỏi phòng.

Mạnh nhìn theo mừng thầm: “Thế là một việc hệ trọng nhất làm tan rã ngay lực lượng Cảnh sát Đô thành mà cấp trên giao cho, mình đã làm xong”. Anh tin những mệnh lệnh của anh ban ra từ sáng tới giờ cấp dưới đều đã phải nhất nhất thi hành, bởi kỷ luật sắt vốn có của luật lệ cảnh sát và cả vì tình hình thực tế đang nguy ngập.

Bây giờ anh bắt đầu triển khai sang nhiệm vụ hệ trọng thứ hai. Lướt qua một bản danh sách dài tù chính trị, Mạnh thấy anh em ta đang bị giam rải rác ở tất cả các quận, nhiều nhất là ở Bộ chỉ huy Cảnh sát Đô thành ở Thủ Đức và Tổng nha Cảnh sát.

Tất cả các nơi đó trừ Tổng nha Cảnh sát, còn lại đều thuộc quyền của Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đô thành. Ban nãy, khi yêu cầu Lâm Chính Nghĩa đưa cho anh bản danh sách này, anh đã mượn oai Tổng thống hù Nghĩa:

- Việc đầu tiên của Tổng thống để tỏ thiện chí mà dễ dàng thương thuyết với phía Cách mạng là Tổng thống cùng ông Huyền, ông Mẫu đã nhất trí phải thả hết tù chính trị, đuổi Mỹ ra khỏi ngay Việt Nam trong vòng 24 giờ.

Thực tế có chuyện này, nhưng hôm sau ông Minh mới tuyên bố, song lúc đó Nghĩa đã không có biểu hiện gì phản ứng về điều đó. Thế nên bây giờ, anh càng rảnh tay điện ngay xuống cho tất cả trại trưởng các trại giam thuộc quyền của mình, ra lệnh thả ngay hết tù chính trị với lý do như anh đã dọa Lâm Chính Nghĩa. Qua giọng nói khi nhận lệnh, anh biết chúng sẽ phải thi hành ngay. Xong lãnh địa của mình, Triệu Quốc Mạnh quay máy gọi sang Tổng nha Cảnh sát.

Ở đầu dây bên kia chỉ có đại tá Quy, cấp phó của Nguyễn Khắc Bình trả lời. Mạnh cũng không cần hỏi lý do vắng mặt của Bình mà thông báo luôn ý định của Tổng thống. Quy bối rối không dám quyết ngay, bởi việc này với Quy quá lớn. Ba mươi phút sau khi Quy gọi điện lại cho Mạnh, anh đã chủ động tấn công ngay:

- Thưa Đại tá, Tổng thống đang có những phương sách khẩn cấp để tháo gỡ tình hình nguy ngập. Cụ bắt tôi phải thả hết tù chính trị, để tiện cho cụ thương thuyết. Tôi đã phải tuân lệnh làm việc đó ở các trại giam thuộc quyền. Cụ nhắc tôi phải thông báo cho cả Tổng nha. Đại tá có thể gọi điện lên hỏi lại Tổng thống ngay đi. Nếu chậm trễ sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề đó.

Quy hoảng hốt:

- Khỏi cần phải hỏi lại nữa. Tổng thống đã có lệnh như thế, bên Đô thành đã làm, tôi phải làm theo thôi.

Mạnh buông ống nói. Anh tin các đồng chí của ta đang bị giam ở các trại giam Nguyễn Trãi và Chí Hòa cũng sẽ được thả ra hết ngay sau đó. Anh bước ra khỏi Sở chỉ huy thấy lòng bỗng nhẹ hẳn đi và bầu trời Sài Gòn như cao rộng hẳn ra.

Nhưng Mạnh chưa thấy yên tâm, anh liền lên xe đi kiểm tra hết một lượt các đơn vị cảnh sát, trại giam khắp các quận nội thành. Khi ấy toàn bộ hệ thống cảnh sát ở Đô thành đã hoàn toàn tê liệt, tan rã và các anh em tù chính trị đã được thả ra hết, anh mới thở phào sung sướng. Lúc ấy Triệu Quốc Mạnh mới thật sự hạnh phúc và “Hòn ngọc Viễn Đông” của mình - một phần máu thịt của mẹ Việt Nam trở nên đẹp tuyệt vời.

Chiếc xe hơi của anh đã không trở về Bộ chỉ huy Cảnh sát Đô thành nửa. Nó đã đưa anh về nhà một người bạn tri kỷ cùng chí hướng với anh trong lực lượng thứ ba để niềm vui của anh được thả sức trào lên với bạn. Lúc ấy, anh nghĩ ngay đến anh Tám Cần, anh Châu Long và các đồng chí khác. Hẳn giờ này các anh cũng đang hết sức vui mừng bởi sự mẫn cán với Tổng thống Dương Văn Minh của Mạnh. Còn những sĩ quan cảnh sát đã tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của anh rồi vui mừng được anh cho về nhà lo cho vợ con lánh nạn để cho toàn bộ lực lượng cảnh sát ở Đô thành tê liệt, tan rã chính là vì để cho Tổng thống dễ dàng thương lượng đâu có biết anh làm thế chính là vì trách nhiệm thiêng liêng của một trí thức, chiến sĩ cách mạng.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 1996
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:09:46 pm »


CUỘC CHIA LY

Cô sinh viên Sài Gòn hồn nhiên, xinh đẹp ấy có cái tên cũng rất đẹp: Trần Thị Bạch Hồng. Chính vì mê người và mê cái tên đó mà chàng trai Hoàng Vinh, bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn khi đứng trên ban công nhà mình, nơi có những bông hồng trắng đang nở và nhìn xuống đám cưới dưới đường thấy trên ngực áo cô dâu cũng đang cài một bông hồng trắng nên đã liên tưởng, tức cảnh thành thơ:

“Đã Hồng lại Bạch mới hay
Khen ai khéo đặt tên này cho em
Để gái trai buổi se duyên
Sắc em tinh khiết nở trên tim hồng
Nói rằng, đời vẫn trắng trong
Tơ vàng chờ nắng sang hong vườn trầu
Chỉ hồng, lá thắm, hương cau
Mượn em trao gởi cho nhau ngàn lời
…”


Ngay chiều hôm đó, Hoàng Vinh đi đến nhà Bạch Hồng cùng mấy vần thơ vừa sáng tác. Khác với mọi lần, lần này, vừa ngồi với nhau, Hoàng Vinh đã sôi nổi kể lại cảm xúc của mình ban sáng và đưa trang giấy hồng ra nói với Bạch Hồng:

- Anh nghĩ đây mới chỉ là phần mở đầu của bài thơ mà anh đã lấy tựa đề là “Hồng Bạch”. Đề nghị em làm tiếp các đoạn sau, nhưng kết bài xin được để hai câu thế này: “Ơn trời em đã đẹp tên, Thau vàng, tin vẫn vẹn nguyên Bạch Hồng”. Anh tin là cô sinh viên Văn khoa của anh sẽ có tứ thơ rất sâu sắc bay bổng nữa trong phần tiếp nối này.

Nghe Hoàng Vinh nói, rồi đọc kỹ lại những câu thơ còn nóng hổi cảm xúc của Vinh, ánh mắt của Bạch Hồng qua cặp kính trắng sáng lên long lanh cùng nụ cười rất duyên hướng thẳng vào đôi mắt như đang mơ màng chờ đợi của Vinh, sôi nổi nói liền một hồi:

- Anh đã có một sĩ là bác sĩ, không ngờ giờ lại thêm một sĩ nữa là thi sĩ. Với giọng ca hay, tài đàn giỏi, em chắc anh sẽ thêm một sĩ nữa là nhạc sĩ, nếu sáng tác được mấy bản nhạc thì trở thành chàng “tam sĩ” đấy.

- Em lại giễu anh rồi. Nếu thế thì phải là chàng “tứ sĩ” chứ? Vì em còn cho anh là “chàng sĩ” nữa cơ mà. Nhưng giễu bao nhiêu cũng được, miễn là đừng quên đề nghị của anh. Mà phần tiếp sau, anh nghĩ mới là cốt lõi của bài thơ, bởi đến đây mới là lúc Bạch Hồng thổ lộ hết ý tưởng, nỗi lòng của mình.

- Anh ranh mãnh lắm. Từ tức cảnh của mình, bác sĩ đã sinh tình định “giải phẫu” trái tim em bằng thơ. Ôi em sợ mổ xẻ lắm. Nhưng Tứ sĩ của em ơi, đề thi này khó hơn tất cả mọi đề thi em đã nhận ở trường đó. Nếu khi trả bài mà lạc đề thì “giáo sư” đừng buồn, đừng phạt em đấy nhé.

Gặp gỡ rồi yêu nhau từ mấy năm trước đây khi cùng xuống đường trong phong trào đấu tranh chống Mỹ - ngụy của học sinh, sinh viên Sài Gòn, bây giờ tình duyên đã mặn nồng, sâu sắc lại cùng hoạt động trong Thành đoàn, mỗi lần gặp nhau Bạch Hồng và Hoàng Vinh vẫn trêu đùa nhau hồn nhiên như thế. Trước đó Bạch Hồng - một nữ sinh duyên dáng, xinh đẹp con nhà gia giáo, chỉ biết tu chí học hành, đã có không ít chàng trai hào hoa, danh giá ước ao, theo đuổi, nhưng chưa một ai nhận được ánh mắt tỏ tình của Hồng. Còn Hoàng Vinh cũng có không ít các tiểu thư yêu kiều say mê muốn “chết” với chàng bác sĩ trẻ tài hoa, lịch lãm lại khá điển trai có tướng mạo rất nam nhi. Tuy vậy, Bạch Hồng và Hoàng Vinh, đôi trai tài, gái sắc yêu nhau say đắm, nguyện cùng “kết tóc xe tơ” mà hai gia đình đã làm lễ “dạm ngõ” không chỉ riêng vì thế. Họ gặp nhau và hợp nhau còn vì cả hai cùng chung lý tưởng quyết không chịu sống quỳ trước quân cướp nước và bán nước Mỹ - ngụy. Cha mẹ của Bạch Hồng là trí thức yêu nước đã qua đời. Hồng chỉ còn có hai anh trai. Cả hai anh đang bí mật hoạt động cho Cách mạng và đều có cảm tình, yêu quí Hoàng Vinh, dù hai anh biết rõ trong gia đình Vinh có người đang làm việc cho chế độ Sài Gòn. Với cuộc tình duyên trong ngoài đều quá êm đẹp ấy, Bạch Hồng càng xinh tươi rực rỡ như bông hồng mới nở, càng như được “chắp cánh” trong học đường và trong công tác cách mạng. Nhiều đêm trong những giấc mơ, Bạch Hồng thấy mình rất kiều diễm, thướt tha trong bộ đồ cưới lộng lẫy trắng tinh đi bên Hoàng Vinh. Chỉ một năm nữa, sau khi Hồng tốt nghiệp đại học, mộng đẹp đó sẽ là hiển nhiên, bởi cả Bạch Hồng và Hoàng Vinh cùng gia đình đã thống nhất ngày tháng làm lễ tơ hồng.

Cùng giấc mơ đó là bao ước vọng và viễn cảnh rực rỡ nữa mà Bạch Hồng thấy nó đang bay bổng như những vần thơ mình đang tiếp nối phần Hoàng Vinh đã viết. Nhưng lúc sắp hoàn thành thì Hồng đã bàng hoàng không còn tâm trí nào để tiếp được nữa khi Hoàng Vinh đến nhà mình lần này. Lần này Bạch Hồng sửng sốt không tin viên trung úy với bộ quần áo mang sắc phục lính thủy quân lục chiến Sài Gòn đang đứng trước mặt mình đây là Hoàng Vinh. Mặt cô biến sắc mãi mới nói được một câu: “Hoàng Vinh! Anh là thế này ư?”, rồi ôm mặt khóc nức nở. Trong cuộc chiến hiện tại, Hồng đã biết rằng Vinh không thể yên bình hành nghề bác sĩ ở thành phố và trước sau Vinh cũng phải xa mình, nhưng là xa để đi vào chiến khu. Cô không ngờ, không nghĩ tới Vinh lại xa và đến chia tay mình với bộ đồ của sĩ quan ngụy thế này. Phải một hồi lâu, Bạch Hồng mới định thần nói tiếp được với Vinh trong nước mắt: “Anh Vinh ơi! Nếu anh đã thực lòng và còn yêu thương em thì hãy trút bỏ bộ đồ này tại đây và trốn ngay vào chiến khu làm bác sĩ cho Quân giải phóng đi. Chỉ có thế thì cả cuộc đời mình, anh và em mới dám ngẩng mặt lên nhìn bạn bè và mọi người. Có thế đôi mắt em mới sáng lên, không bị là kẻ đui mù bởi đã nhìn lầm anh. Bài thơ chúng ta đang viết cũng thế. Nó chỉ nên thơ và hoàn chỉnh khi anh đúng là Hoàng Vinh như trái tim em đã mách bảo”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:10:16 pm »


Hoàng Vinh đã lường trước phút chia tay phải nén chặt nỗi đau và đầy nước mắt này. Nhưng anh không thể nào đảo ngược, thực hiện được mong muốn và lời khuyên của Hồng. Và anh cũng chỉ nói được rất ngắn với cô : “Em phải hiểu cho cái khó của anh lúc này. Hẳn em cũng biết rõ, tất cả các sinh viên đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam Cộng hòa nếu không muốn làm lính theo chế độ quân dịch đều phải vô làm sĩ quan trong quân đội. Nhưng dù thế, anh tin và mong rằng chúng ta sẽ sống xứng đáng và chung thủy với nhau suốt đời”. Biết rằng nói thế, Bạch Hồng vẫn không thể nào thông suốt, yên lòng. Nhưng Vinh không còn biết làm gì hơn để Bạch Hồng bình tâm, không thất vọng và mất niềm tin với mình lúc này. Sẽ rất dễ dàng giải tỏa và còn làm cho Hồng sung sướng, tự hào sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách, âm thầm chờ đợi, để cùng anh đi đến mọi bến bờ, nếu như Vinh nói thật hết lý do vì sao anh phải xung vào đội ngũ của ngụy quân Sài Gòn. Nhất là vì sao mới một tuần chưa gặp nhau anh đã mang lon, khoác áo sĩ quan. Nhưng anh không thể nào nói được điều đó với Bạch Hồng, dù Hồng sẽ là bạn đời, là người đồng chí rất yêu quý tin cậy. Bởi đây là nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động tình báo mà anh đã được huấn luyện, thử thách ngay từ anh đang còn là sinh viên trường Đại Học Y khoa Sài Gòn. Việc anh vô làm sĩ quan quân y của quân lực Việt Nam Cộng hòa, về mặt sau của nó chỉ có hai đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) và Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc) - trưởng phó Ban An ninh T4 trực tiếp chỉ đạo phương án tung anh vào mai phục lâu dài trong lòng địch được biết.

Do biết rõ ý định, quan điểm, tư cách của Vinh và lai lịch gia đình anh mà lãnh đạo T4 đã “ươm mầm” ngay từ khi, Hoàng Vinh còn là sinh viên. Về lai lịch gia đình anh quả đúng là một “điểm tựa” hiếm có để anh dễ tiến thân cho chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đấy là anh trai của Vinh đang lành Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ nội các Nguyễn Văn Thiệu, chị gái anh là trợ lý đặc biệt cho Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Sài Gòn. Cha anh trước khi qua đời là Thứ trưởng Bộ Giáo dục thời Ngô Đình Diệm, những người thân đó của Vinh đều là người của cách mạng đã ẩn tích từ lâu khá yên ổn được tín nhiệm trong chính quyền Sài Còn.

Dựa vào lợi thế đó và nhằm đúng cơ hội Hoàng Vinh vừa tốt nghiệp bác sĩ, hai đồng chí Mười Hương và Sáu Ngọc đã tung Vinh vào nằm vùng mai phục lâu dài trong lòng địch với vỏ bọc là một sĩ quan quân y của sư đoàn thủy quân lục chiến. Chính vì bị lừa bởi “tấm áo khoác” ngoài khá quyền quý, trong sạch này của Hoàng Vinh, tướng Bùi Thế Lân đã không cần phải thẩm tra, đắn đo gì về lý lịch của Vinh mà còn tìm cách tiếp nhận Hoàng Vinh một cách hợp lý và nhanh nhất. Với Vinh, tấm bằng bác sĩ ngoại khoa lúc này cũng thêm lợi thế để tướng Lân dễ dàng nhận anh. Có thêm anh, nhiều binh sĩ bị thương mà họ đang nằm đầy ứ ngoài các phòng phẫu thuật sẽ mau được mổ xẻ, cứu chữa. Nghĩ tới lợi thế này, bây giờ Hoàng Vinh mới cảm phục, hiểu rõ vì sao khi mình thi đậu vào Đại học Y khoa, đồng chí Sáu Ngọc đã đặt rõ yêu cầu là phải học ngoại khoa. Không những thế phải học giỏi, nhất là giỏi về môn giải phẫu. Với trí thông minh và cả quyết tâm phải học giỏi bởi trách nhiệm trước tổ chức, anh đã được tướng Lân bổ nhiệm làm bác sĩ trưởng ở Lữ đoàn 38 ngay khi mới vô sư đoàn thủy quân lục chiến.

Từ một bác sĩ mới ra trường và đang cùng với Bạch Hồng sát cánh trong các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, Hoàng Vinh đã ngoặt bước trở hành bác sĩ quân y ở một đơn vị đặc biệt trong quân ngụy Sài Gòn diễn ra rất nghiễm nhiên bằng sự nhìn xa “ươm mầm” và sắp xếp của Cách mạng, cụ thể là của lãnh đạo An ninh T4 như vậy làm sao Hoàng Vinh có thể nói được với Hồng. Và khi nhìn thấy “tấm áo khoác ngoài” này của anh, làm sao Hồng không buồn giận, thất vọng, không dằn vặt suy nghĩ, đặt ra bao câu hỏi về anh. Trong các câu hỏi không tự giải đáp được đó, có lúc Bạch Hồng đã nghi hoặc: “Khoác bộ đồ sĩ quan ngụy này, phải chăng Hoàng Vinh đang làm một việc gì đó bí ẩn?”. Nhưng vừa chợt nghĩ tới giả thiết đó cô lại phủ định: “Nếu thế anh phải cho mình biết, vì mình đã là của anh...”.

Trong lúc Bạch Hồng đang đau khổ, thất vọng, chưa lý giải được nguyên do vì đâu thì bao lời chê trách, mỉa mai về hành động phản bội của Hoàng Vinh trong các bạn cùng hoạt động lại liên tiếp bay tới tai Hồng: “Thằng giả nhân, phản bội. Bây giờ Tư Vinh mới lộ mặt công khai theo giặc. Lâu nay chúng ta, nhất là em có mắt mà như đui. Em yêu nó là tiếp tay cho nó phá hoại cách mạng, tổ chức sẽ bị lộ. Sau này em có hối hận cũng không kịp”. Những lời nói căm giận đó đã như những ngọn roi tới tấp quất vào mặt, vào trái tim của Hồng. Và Hồng càng đau lòng hơn khi các bạn cùng phẫn nộ biết tin Vinh đã tự nguyện ra tuyến lửa Quảng Trị, nhất là khi Vinh được tướng Bùi Thế Lân tuyên dương, ban cho ân thưởng đặc biệt, tận tay gắn huy chương cho Vinh tại mặt trận.

Trước những sự tác động liên tiếp đó, đã đau khổ, Bạch Hồng lại càng tủi hổ, xót xa. Cô như đang một mình trên con thuyền xoay tròn giữa biển khơi đầy sóng gió. Không còn cách nào hơn để tự giải tỏa cho mình, Hồng đã bí mật rời Sài Gòn tìm vô chiến khu, mong qua tổ chức sẽ biết được nguồn gốc về hành động hiện tại của Vinh, vì cô vẫn không tin Vinh lại có thể đi theo địch. Vô đây Hồng coi như vô nhà mình, bởi việc hoạt động cách mạng của cả gia đình cô, nhiều đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành đoàn đều biết. Thế nên chẳng những Hồng đã thông thuộc cách vô đây mà còn tin rằng mình sẽ đạt được ý định. Nhưng bằng cả phương cách này, Bạch Hồng cũng vô vọng. Tất cả các đồng chí gặp Hồng ở đây đều không biết hoặc có biết thực chất về Hoàng Vinh cũng không ai được phép nói rõ với Hồng. Ngược lại, lòng tự trọng của Hồng càng bị xúc phạm nặng nề, bởi cô lại nhận thêm những lời chê trách và phẫn nộ đối với Vinh của một số bạn quen biết cả hai người. Hồng càng buồn giận Hoàng Vinh. Tuy vậy, Hồng không lúc nào quên được Vinh. Hình bóng anh vẫn cứ luôn ngự trị trong trái tim cô. Nhưng lạ thay, trái tim Hồng đã như hóa đá với tất cả bọn họ. Trong lòng cô vẫn không một ai thay thế được Vinh. Nếu Vinh là một người khác thì cô đâu phải để cho trái tim bị ràng buộc, vò xé, đau khổ không dứt ra như vậy. “Sẽ dứt bỏ ngay không nuối tiếc kẻ phản bội để chỉ đau một lần rồi cho tâm hồn thanh thản”. Nhưng khổ tâm, khó xử và trong lòng không dứt giằng xé đối với cô, kẻ ấy lại là Hoàng Vinh, một người tốt, người đàng hoàng mà trong mắt cô anh đã là thần tượng về mọi mặt.

Qua nhiều nguồn tin và tự lòng mình suy ra, Hoàng Vinh hiểu rất rõ tâm trạng đó của Hồng. Đây cũng là nỗi đau luôn canh cánh, bức xúc trong lòng Vinh, bởi anh rất thương Hồng phải một mình đương đầu với “đòn sét đánh” quá sức chịu đựng. Và cũng luôn phấp phỏng lo rằng, với sự thất vọng lớn lại liên tiếp bị tác động từ nhiều phía, kể cả gia đình Hồng về “tấm áo khoác ngoài” này của anh, anh sẽ mất Hồng. Nhìn thấy rõ hậu quả có thể phải nhận đó, nhưng lúc này anh cũng đành chịu bó tay. Ngay cả thư từ bình thường để chứng tỏ anh vẫn luôn thương nhớ Hồng cũng không được phép viết. Có lúc vì quá thương Hồng tâm hồn luôn bị vò xé và cũng sợ bị mất cô, anh định giấu cấp trên bí mật tiết lộ về “vỏ bọc” của mình với Hồng, nhưng ý thức kỷ luật của một chiến sĩ tình báo đã chặn liền ý nghĩ này lại. Mọi việc đành phải để nó diễn ra đúng như hiện tại và chỉ còn biết chờ đợi, tin vào một thời điểm nào đó trước mắt Hồng sẽ ướt đẫm ngực áo anh vì sung sướng bởi đã hiểu rõ được sứ mạng và sự hy sinh của anh. Chỉ có điều, anh được an ủi là từ những lời chê trách, miệt thị của các bạn và nỗi đau đó của Hồng đã làm cho cái “vỏ bọc” của anh thêm dày, thêm chắc; đôi mắt, đôi tai tình báo của anh càng tăng dần, rộng hướng. Rõ ràng từ sau khi tấm huy chương được tướng Lân trực tiếp gắn cho anh giữa trận tiền và tờ báo Chính Luận có bài viết ca ngợi, tuyên dương anh là “một bác sĩ quân y anh hùng” không chỉ đã làm cho các sĩ quan binh sĩ lữ đoàn nhìn Vinh bằng con mắt nể trọng, mà anh còn tiếp cận, quen thân được với nhiều sĩ quan có vị thế trong sư đoàn. Với một bác sĩ trẻ lãng mạn, tài hoa, lại là “con ông cháu cha”, nhưng dễ hòa mình như anh, họ đều mau gần gũi, thân tình. Qua họ, anh đã có trong bộ nhớ của mình nhiều tin hệ trọng trong sư đoàn, trong đó có tin còn mang tầm lớn góp phần thêm vào công tác tình báo của anh. Từ đó Hoàng Vinh đã chọn lọc, cung cấp cho An ninh T4 nhiều tin tình báo quan trọng. Từ nguồn tin báo này, ngay tại Quảng Trị nhiều trận quân ta đã chủ động tấn công địch thắng lớn hoặc tránh được tổn thất cho ta. Có khá nhiều chiến công thầm lặng như thế, nhưng đây vẫn không phải là nhiệm vụ thường nhật đối với Vinh. Tiếp tục củng cố cho cái “vỏ bọc” thật dày, thật chắc với hướng trường kỳ ẩn tích trong lòng địch vẫn là nhiệm vụ chủ yếu của anh. Bằng chí kiên định, trí thông minh, phong cách Nam bộ và công việc bác sĩ của mình, Vinh đã thực hiện xuất sắc các yêu cầu của T4 với nhiệm vụ chủ yếu này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:10:45 pm »


Tuy vậy trong tình huống cấp thiết để tránh được tổn thất lớn cho ta, Vinh vẫn tìm cách thông tin tình báo kịp thời như hôm anh giả vờ say rượu. Hôm ấy anh được gọi đến chăm sóc sức khỏe cho một tên phản bội chiêu hồi. Ở đây Vinh được chứng kiến y đã khai nhiều điều bí mật của quân Giải phóng bên bờ Bắc sông Thạch Hãn cho những tên tình báo Sài Gòn. Thấy rõ là quân ta sẽ bị thương vong lớn nếu không biết những điều bí mật này đã bị lộ, nhưng anh lại không thể liên lạc được với lực lượng cách mạng ở địa phương nên ngay sau khi ở đây ra, anh đã kéo một số lính ra quán nhậu như mọi lần. Có điều lần này, anh đã uống nhiều rượu rồi giả vờ say nói huyên thuyên về cả lời khai của tên chiêu hồi với ý nghĩ là tai mắt tình báo nhân dân của ta sẽ biết ngay nguồn tin lợi hại này mà kịp thời báo cho phía ta ở bên kia bờ sông. Quả nhiên, lần say rượu này, Vinh đã đạt được ý định từ cái đầu tỉnh táo, thông minh không say của mình.

Hoàng Vinh phải khoác áo sĩ quan chế độ Sài Gòn và những chiến công thầm lặng như thế làm sao Bạch Hồng có thể biết được? Cũng như thế trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, khi bọn ngụy quân Sài Gòn bị Quân giải phóng đánh cho tan tác, lũ tướng tá chỉ huy của chúng đã bỏ lính cao chạy thoát thân, cô làm sao biết được Hoàng Vinh đã bằng uy tín của mình và nhân danh sự tồn tại của người lính Cộng hòa, anh đã ngầm làm công tác binh vận rất hợp tình, đúng lúc, phá rã được một tiểu đoàn trong sư đoàn thủy quân lục chiến. Tiếp đó, khi bọn ngụy ở đây trong tình thế hoảng loạn cao độ, Hoàng Vinh đã nâng tài nghệ binh vận của mình ở mức cao hơn để hơn một trăm binh sĩ trong sư đoàn đã theo anh về đầu hàng Cách mạng.

Thời điểm này, Hoàng Vinh vứt bỏ bộ đồ sĩ quan ngụy. Nhưng anh đã không thể về được với Bạch Hồng ở Sài Gòn mà lại mang ngay bộ áo trắng của thầy thuốc vào làm việc cho một bệnh viện ở Đà Nẵng theo yêu cầu của Ủy ban quân quản thành phố này. Do vậy, Sài Gòn và cả miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng gần 2 tháng, khi lãnh đạo An ninh T4 đã điện đi khắp nơi tìm anh, Hoàng Vinh mới được về với “Mẹ”. Khỏi nói Hoàng Vinh đã vui sướng biết nhường nào khi anh được ghì chặt trong vòng tay các đồng chí của mình ở giữa Sài Gòn thân yêu - nơi anh đã phải giấu mình xót xa khi chia tay với Hồng và các bạn cùng hoạt động trong phong trào xuống đường ra đi trước ánh mắt khinh thường của họ. Tới lúc này, trong niềm vui lớn Sài Gòn và cả miền Nam đã rợp bóng cờ hồng, Hoàng Vinh rất khấp khởi, hy vọng chắc chắn sẽ được tổ chức cho anh nói hết được sứ mệnh của anh vừa qua với Bạch Hồng. Anh đã hình dung ra cảnh tượng tột cùng vui sướng trong giờ phút đầu tiên tái ngộ và Hồng sẽ ướt đầm nước mắt vui mừng rồi đẹp rực rỡ hẳn lên khi cô đã hiểu rõ về anh. Nhưng cũng vừa lúc về lại Sài Gòn, do yêu cầu của tổ chức, anh đã phải khăn gói vô trại học tập cải tạo bình thường như những sĩ quan khác của quân ngụy Sài Gòn, vì tổ chức vẫn cần anh trong hoạt động tình báo lâu dài. Rất thương Hồng và thương mình, nhưng đây lại là một thử thách tiếp tục về ý chí và lần nữa anh đã sẵn sàng chấp nhận với tinh thần suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của một đảng viên Cộng sản, một chiến sĩ tình báo Việt Nam.

Việc Hoàng Vinh phải tiếp tục ẩn tích bằng việc phải vô trại học tập, cải tạo này, tất nhiên chỉ có các đồng chí lãnh đạo An ninh T4 và anh biết. Nhưng sự hiện diện của Vinh ở Sài Gòn và anh đang phải đi học trong trại cải tạo các sĩ quan của quân đội Sài Gòn thì đương nhiên Bạch Hồng và các bạn bè của cô ở khắp thành phố đều biết.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không phải Bạch Hồng không chờ đợi Hoàng Vinh, bởi cô vẫn hy vọng mong manh trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến Vinh sẽ đới tội lập công như một số sĩ quan khác để được Cách mạng khoan hồng. Nhưng từ lúc biết tin anh phải đi cải tạo, nhất là nghe thấy những ý kiến của bạn bè: “Thấy chưa, Vinh là đại úy ngụy thứ thiệt chứ đâu có gì bí ẩn ở cha đó. Nếu hắn là cơ sở của Cách mạng thì đâu phải đi cải tạo, hoặc có đi cũng chỉ đi học mấy ngày...” thì Hồng đã hoàn toàn tuyệt vọng, và đau đớn, tủi hổ trước bạn bè. Lúc này Bạch Hồng càng dằn vặt, đau đớn hơn với một bên là tình, một bên là trách nhiệm với tổ chức. Sài Gòn trong không khí mới đổi đời tràn đầy niềm vui hân hoan, tưng bừng như hội. Các bạn cô đổ ra đường tìm gặp lại nhau và hòa vào guồng máy sôi động của thành phố đang tắm mình trong chiến công lịch sử. Nhưng Hồng lại như một cái bóng không hồn, chẳng muốn gặp ai. Trách nhiệm bắt buộc cô phải lao vào công việc, nhưng luôn luôn mang trong lòng nỗi day dứt, đau khổ và cảm thấy bế tắc, không lối thoát.

Ở trong trại cải tạo, Hoàng Vinh đã thầm hiểu được sự vò xé nhức nhối đó trong tim Hồng. Chỉ riêng việc suốt 6 tháng anh ở đây do nguyên tắc công tác anh cũng lại không thể viết thư cho Hồng càng gây nên sự nghi ngờ đối với bạn bè, nhất là đối với Hồng. Biết thế, nhưng anh và cũng không một ai được phép nói cho Hồng hiểu về sự mai danh của anh. Anh chỉ còn chờ đợi sắp tới đây khi anh ra trại cải tạo, Hồng sẽ được giải tỏa tư tưởng bởi đến dịp này anh đã được tổ chức cho phép. Từ hôm nhận được thông báo này lòng Vinh càng rạo rực với biết bao hình ảnh hạnh phúc, tủi mừng trong những phút giây đầu tiên khi gặp lại Bạch Hồng. Nhưng khi Hoàng Vinh đang lâng lâng như thế và chỉ còn ba ngày nữa là anh được ra trại cải tạo thì cô em gái với gương mặt thất thần và hai hàng nước mắt ròng ròng đã mang đến tới anh một tin như sét đánh: “Bạch Hồng đã quyên sinh đêm qua rồi!”. Vinh choáng váng, trời đất như quay cuồng, sụp đổ trước đôi mắt tối sầm của anh. “Trời ơi! Bạch Hồng em ơi! Đây là sự thật ư?”. Hoàng Vinh nấc lên không nói thành lời rồi gục xuống chết lặng hồi lâu, một biểu hiện chưa từng có bao giờ ở một con người cứng rắn, giàu nghị lực như anh. Trái tim anh như có hàng trăm mũi kim đâm vào khi nghe cô em nói tiếp: “Chị Bạch Hồng đã kết liễu đời mình bằng giấc ngủ dài vĩnh viễn. Chỉ khác giấc ngủ bình thường là trên đầu giường có một bó hoa hồng trắng và bài thơ anh và chị đang làm dở. Không một lời nào để lại ngoài hai di vật đó”.

“Ôi đau đớn, oan nghiệt quá Bạch Hồng ơi!”. Vinh nghẹn ngào thốt lên và anh hiểu ngay, chỉ với hai di vật đó, nó đã là tất cả những lời Bạch Hồng cần nói lại với anh, với đời. Đúng lúc Hoàng Vinh đang đau xót cao độ và tâm trạng như tơ vò đang định đi xin được ra trại sớm mấy ngày để về tiễn đưa Bạch Hồng thì đồng chí trưởng trại cùng ba người nữa mà Vinh chưa quen biết xuất hiện trước mặt anh. Tất cả đều nhìn anh bằng ánh mắt đầy cảm thông, quý trọng. Chỉ ít phút sau, anh đã hiểu ra: “Thành ủy đã chỉ thị cho An ninh T4 và Thành đoàn phải cử cán bộ xuống ngay trại cải tạo đón anh về để làm tang lễ cho Bạch Hồng”. Rời trại - nơi suốt nửa năm nay anh đã hoàn toàn bị cách biệt với cuộc sống bên ngoài - Hoàng Vinh bước lên xe theo những bàn tay đón đỡ của các đồng chí mình mà như bước trong mây. Suốt mấy năm liền, anh chỉ gặp Hồng trong những giấc mơ và trong tưởng tượng, với những day dứt, nhớ thương khôn xiết, bây giờ về đến nhà em, Hoàng Vinh đã xô mọi người lao tới ôm chầm lấy em mà gào khóc gọi tên em. Nhưng Bạch Hồng đâu còn nói, còn cười, còn âu yếm ngắm nhìn và nghe được tiếng anh gọi nữa. Em chỉ còn là một thi thể lạnh giá, bất động trong vòng tay của anh. Chỉ còn có linh hồn em thấu hiểu và nghe được tiếng khóc thống thiết của những người thân bỗng rộ lên lúc này. Nhìn cảnh thương tâm ấy, nhất là lúc Hoàng Vinh trong bộ đồ tang, hai tay ôm di ảnh của Bạch Hồng lặng lẽ đơn côi đi trước linh cữu em, tất cả những người có mặt đã không ai cầm được nước mắt.

Cho đến lúc buộc Hoàng Vinh phải lộ diện để linh hồn Bạch Hồng được thanh thản này, gia đình Hồng và bạn bè mới biết rõ đích thực Hoàng Vinh là ai, biết được sứ mệnh cao cả của Vinh với đất nước mà anh đã phải chịu mọi hy sinh, trong đó hy sinh lớn nhất, đau đớn nhất là đã mất Hồng. Anh đã vì sứ mệnh thiêng liêng này mà đã không bộc lộ được với Hồng để cô - một “bông hoa” trong trắng, ngát hương phải tức tưởi lìa đời. Từ thầm biết như vậy nên đã thương xót cho cuộc đời bất hạnh của cô, lúc này mọi người càng xót xa, thương cảm cho cả Bạch Hồng và Hoàng Vinh. Càng tiếc đau cho mối tình cao đẹp của hai bạn trẻ, hai chiến sĩ cách mạng đã tắt lửa giữa chừng trong cảnh bi ai đầy nước mắt. Cũng qua những dòng nước mắt ấy, bây giờ các bạn bè thân thiết của anh và Hồng không chỉ thương cảm mà đã nhìn anh bằng ánh mắt đầy cảm phục, quý trọng. Nhưng Hoàng Vinh không hề để ý đến những chuyện đó, tâm trí anh chỉ còn hình bóng của Hồng và nỗi đau xé lòng đang cồn lên không ngớt. Nỗi đau này chỉ nhẹ vơi đôi chút khi một mình anh lẳng lặng ra mộ Hồng với bó hoa hồng trắng và nắm hương trên tay ngay chiều tối hôm ấy. Lúc này đã tắt hẳn hoàng hôn. Không riêng nghĩa trang vắng lặng mà cả đất trời cũng như chỉ còn có anh và Bạch Hồng đang hiện lên từ tấm hình Hồng anh đem theo đã đặt trên mộ ngay trước mặt mình. Bây giờ hai mắt anh mới nhòa đi để nói hết những điều bí ẩn xuất phát từ sứ mệnh thiêng liêng của anh với Tổ quốc và sự vò xé nỗi nhớ thương Hồng mà suốt mấy năm xa em anh đã phải nuốt kín không nói được với Hồng. Tiếng rì rầm của anh đã quyện vào khói hương tỏa lên trọn vẹn trên tấm di ảnh mà anh thấy cả đôi mắt của Bạch Hồng như đang nhòa lệ. Và lạ chưa, khi anh rạp người, hai tay bấu chặt xuống mộ Hồng và nấc lên trong nỗi đau mất em thì từ nắm hương của anh cắm giữa đám chân hương ban sáng ở trước di ảnh Bạch Hồng bỗng bốc lửa sáng bừng. Từ trong ánh lửa soi rõ cả hai gương mặt ấy, anh thấy như Bạch Hồng đang mỉm cười với anh, như Bạch Hồng đã nghe rõ hết cả lời mình đang nói với em: “Ôi, thế là từ lúc này lòng em đã thanh thản. Chỉ còn nỗi đau mãi mãi không tan là em đã bạc mệnh để anh phải vĩnh viễn mất em. Là chúng ta phải chia lìa, xa nhau để bài thơ Hồng Bạch mãi mãi dở dang và anh phải mang trái tim đau buốt suốt đời, Bạch Hồng, em ơi!”.

Buổi trò chuyện với Bạch Hồng đêm ấy đã trôi qua gần 30 năm. Nhưng đến nay chiến sĩ tình báo Hoàng Vinh vẫn không quên nấm mồ phủ kín màu hoa trắng và ánh lửa soi rõ gương mặt Bạch Hồng và cả nỗi lòng mình đêm đó.

T.p Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2002
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:28:30 pm »


CÁNH ÉN MÙA XUÂN

Chiếc xe Ford màu xanh cánh trả - màu sơn dành riêng cho các loại xe của Không quân Sài Gòn - êm ả lượn một vòng quanh dinh Độc Lập.

Giữa dòng xe và người, nét mặt người lái xe mỗi lúc một tươi hơn trước, xung quanh là những nụ cười và những bàn tay vẫy vẫy. Giữa những bàn tay vẫy ấy có cả tiếng reo:

- A, không quân giải phóng!

- Hoan hô không quân giải phóng!

Lúc ấy, đôi mắt anh lại càng lấp lánh. Bữa nay trong bộ quân phục giải phóng bằng loại vải mịn mỏng còn mới tinh, trông anh khỏe khoắn hơn. Tuy vậy, qua diện mạo bên ngoài, người ta vẫn thấy ở anh còn nhiều nét mang dáng dấp của một thanh niên Sài Gòn. Anh có nét mặt thanh tú, nụ cười trẻ trung, đôi mắt trong sáng và giọng nói từ tốn, nhỏ nhẹ rất dễ thương. Chính anh cũng vừa đưa tay lái cho xe đi qua Trường Đại học Khoa học, nơi cách đây 7 năm anh là sinh viên năm thứ hai.

Người lái xe ấy là Nguyễn Thành Trung - phi công đã ném bom xuống dinh Độc Lập.

Bằng chiếc xe này, chỉ có hai anh em, mấy hôm nay tôi đã được Trung đưa về Bến Tre, Mỹ Tho, Cần Thơ thăm quê hương nội ngoại, gia đình, vợ con anh. Thú vị nhất là được Trung cho tiếp cận cái kho báu như được gặp chú Nguyễn Hữu Chí, tức Tư Chí - một cán bộ chỉ đạo của Binh vận Miền đã dìu dắt Trung từ ngày đầu hoạt động cách mạng, hiện giờ đang là Bí thư quận ủy Tân Bình nên tôi càng như đã sống bên Trung từ lâu.


* Nước mắt trong “Phủ đầu rồng”

Sáng nay, Trung vừa về lại và đưa cho tôi tấm bản đồ trận đánh. Nơi hai trái bom Trung đáp xuống đó, anh vẽ thành hai vòng tròn nhỏ rất đúng với vị trí địa hình. Lúc ấy, Trung cứ xuýt xoa: “Giá hai trái bom ấy trúng Nguyễn Văn Thiệu cả thì hay biết mấy!”.

Giờ đây, khi đang đi bên những hố bom ấy, tôi lại càng nhớ tới buổi gặp chú Tư. Bao chuyện lý thú, có chuyện tưởng như thần thoại về sự tài tình của cách mạng. Chú biết khá nhiều điều bí mật ở “Phủ đầu rồng”. Thứ nhất, chú Tư tả nỗi khiếp sợ kinh hoàng của Nguyễn Văn Thiệu khi Trung giáng bom xuống dinh hắn sớm ngày mồng 8 tháng 4 năm 1975.

Tối hôm ấy, từ Phan Rang, Phan Thiết, đại quân ta đang tiến vào, toàn bộ miền Trung với cả một vùng đất đai rộng lớn đã được giải phóng.

Thiệu hoang mang nao núng lắm. Nhưng hắn vẫn tin còn có Sài Gòn và cả một vùng Đồng bằng sông Cửu Long giàu có, còn tới gần một triệu quân và nhất là vẫn còn tới gần 5 sư đoàn không quân - loại con cưng thân cận nhất của hắn. Vì thế, tối tối Thiệu vẫn về biệt thự riêng ở gần Bộ Tổng tham mưu. Tuy nhiên, mỗi sáng tới dinh Độc Lập hắn lại đi theo một lối riêng không theo quy định nào.

Bữa ấy gần 8 giờ Thiệu mới tới, vào dinh qua lối cổng bên. Hắn không đi lên phòng ngủ ở lầu ba như thường lệ. Nơi đó ngoài mụ Sáu - vợ hắn - chỉ có một hạ sĩ, người nhà của mụ được lui tới hầu hạ. Hắn vào ngay bàn giấy. Vũ Quang Chiêm chánh võ phòng đã có mặt từ lâu đợi Thiệu. Thấy Chiêm mặt mày ủ rũ, tay cầm một tập công văn, giấy tờ, Thiệu đã nghĩ ngay tới những chuyện chẳng lành như đã diễn ra gần một tháng nay. Đấy là những bản báo cáo từ bên Bộ Tổng tham mưu về một tỉnh hoặc những quận lỵ, chi khu mới bị mất thêm. Hoặc đấy là sự trả lời mới nhất về khoản chi viện trợ khẩn cấp quá ít ỏi mà bên tòa đại sứ Mỹ vừa báo sang.

Thiệu ra vẻ thản nhiên hỏi Chiêm:

- Có chuyện chi mà coi bộ không vui vậy ông đại tá?

- Thưa Tổng thống, không ạ. Chiêm vội vàng trấn tĩnh rồi nói tiếp về tin chiến sự mới ở Phan Rang, Phan Thiết, về hai mũi tiến quân lớn nữa của Cộng quân ở phía Đông Sài Gòn.

- Còn gì nữa? - Thiệu hỏi.

- Dạ, còn có bản ghi lại lời mấy ông đại tá thất thủ ở Đà Nẵng kêu gọi sĩ quan binh lính chúng ta, xin trình Tổng thống tường.

- Lũ chó má! - Thiệu ném tập giấy xuống bàn. Hai má Thiệu rung rung rồi phun ra thành lời - Chúng ta đã phí cơm nuôi những tên sĩ quan hèn hạ ấy. Thật là họa vô đơn chí! Đã mất thêm mấy tỉnh nữa lại còn...

Thật vậy, Chiêm chỉ còn biết đứng nghiêm cứng người.

Cơn thịnh nộ vừa nguôi thì bỗng nhiên có tiếng máy bay phản lực gầm rít trên đầu. Bầu trời như bị xé ra. Thiệu vừa mới kịp chột dạ thì hai tiếng nổ như sét đánh giáng xuống tòa nhà. Cả tòa nhà rung lên. Khói bụi mù mịt. Những tấm cửa kính bị giật vỡ tung ra.

Mặt Thiệu xanh xám rồi vàng bệch ra. Chân hắn tự nhiên bị xiêu vẹo, miệng lắp bắp nói không ra lời: “Đảo chính! Đảo chính!”. Và hắn lúng túng như gà mắc tóc, không biết chui vào đâu. Xung quanh Thiệu, tất cả nhốn nháo. Pháo phòng không trên nóc nhà quanh dinh Độc Lập bấy giờ mới cập rập nổ được mấy tràng. Giữa lúc đang bàng hoàng cực độ ấy, tiếng gầm rít ghê sợ của chiếc phóng pháo lại tới. Và rồi, một tiếng nổ rất kinh khủng, tòa nhà như rung lên bần bật. Mắt Thiệu hoa lên. Thiệu sợ cả tên sĩ quan cận vệ vào cứu hắn. Nhưng bây giờ hắn chỉ còn biết để mặc cái xác nặng nề theo tay viên trung tá...

Đấy là lúc hai trái bom đợt sau của Nguyễn Thành Trung đã ném trúng tòa nhà Thiệu làm việc. Chỉ có một trái nổ, nó xuyên sâu xuống tầng hai.

Đã náo động cả thành phố Sài Gòn lúc này càng náo động hơn trước cột khói đen cuồn cuộn bốc lên cao giữa dinh lũy của Thiệu. Xe cứu hỏa, xe cảnh sát, xe quân cảnh rú còi phóng như điên loạn.

Trông lúc ấy Thiệu thật sự tiều tụy. Bộ đồ trắng hắn mặc lọ lem. Hết tiếng máy bay lâu rồi, Thiệu vẫn còn nguyên trong xó hầm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:30:33 pm »


Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội ngụy hốt hoảng phóng xe tới. Nhưng Viên chờ đợi rất lâu, Thiệu vẫn chưa dám lên phòng khách Tổng thống.

Viên gọi điện rồi đưa thư xuống. Thư, điện, chờ đợi đều uổng công. Thiệu không trả lời. Lòng Thiệu rối bời, chẳng còn biết tin ai. Hình ảnh Ngô Đình Diệm bị giết ngày 1.11.1963, sau đó là cuộc đảo chính hiện ra rất rùng rợn trước mắt Thiệu... Mãi hơn một giờ sau, lúc dứt tiếng bom và những lời lẽ rất thống thiết của Viên chuyền xuống, Thiệu mới dò bước lên. Đi bên Thiệu là hai viên sĩ quan cận vệ, tay sẵn vào cò súng. Vừa thấy Viên, nước mắt Thiệu đã rơi lã chã:

- Ông Viên! Tôi đối với quân đội các ông có đến nỗi nào mà các ông định giết tôi?

- Thưa Tổng thống! Tổng thống hiểu cho đó chỉ là hành động riêng lẻ. Còn chúng tôi, quân đội của Tổng thống vẫn một mực trung thành với ngài.

Viên nói xong cả hai cùng lau nước mắt.

Bây giờ Thiệu mới tạm hoàn hồn. Hắn ngước nhìn lên. Lá cờ vàng “Tổng thống” vẽ diều hâu chân quắp kiếm với sáu chữ “Danh dự, Trách nhiệm, Tổ quốc” lúc này bị sức chấn động mạnh đã bật lên rũ xuống quá nửa.

Rồi chẳng kịp ăn trưa, hắn vội vã ra trấn an dư luận. Đấy là lúc bà con ta thấy Thiệu xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình với bộ mặt và lời lẽ cố giấu sự sầu bi.

Nhiều người tưởng Thiệu hết đời bán nước đã mừng hụt, nhưng trông bộ mặt bi thảm của Thiệu cũng tạm hả lòng, nhất là lúc nghe cái giọng ấp úng của hắn:

- Thư...a đồng bào! Hôm nay lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa chúng ta đã xảy ra một chuyện không hay và đáng tiếc. Một hoa tiêu1 với hành động riêng lẻ cá nhân đã ném bom xuống dinh Độc Lập định giết hại tôi. Nhưng ơn bề trên, tôi và gia đình tôi vẫn bình an. Vậy tôi xin...

Sau Thiệu lại đến Cao Văn Viên. Viên ra bộ chững chạc hơn trong bộ quân phục màu xám, có bốn ngôi sao đen trên ve áo. Như trên sân khấu, người ra trò sau thường đỡ ngượng hơn kẻ ra trước, và cũng để gỡ lại cái vẻ mặt còn quá hốt hoảng lúc trước của Thiệu, Viên thong thả rút bài nói trong túi áo ra. Nhưng trên màn ảnh tivi, Viên chỉ đặt bài ra cho oai, chứ y chẳng đọc, mà lại lải nhải nhắc lại những ý như Thiệu đã nói. Có điều khác hơn, sau khi thanh minh cho quân lực Việt Nam Cộng hòa, y lên mặt răn đe những kẻ nào có hành động chống đối lại Tổng thống. Viên muốn công khai trước dư luận về tấm lòng trung thành của hắn với Thiệu.

Bà con miền Nam tưởng thấy mặt hai tên đầu sỏ ngụy quyền, ngụy quân hoảng hốt sau tiếng bom của Nguyễn Thành Trung trên tivi thế cũng đủ. Không dè sau Viên, tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh không quân lại xuất đầu lộ diện. Bộ mặt lưỡi cày với hàng ria con kiến của hắn lúc này càng đầy vẻ hài hước nhưng không giấu nổi sự hoang mang tột độ - không phải vì chết hụt như Thiệu mà vì sợ cái chức Tư lệnh không quân của mình rồi sẽ ra sao. Lo cho số phận mình, hắn đã phải trổ hết tài ba hoa để điều trần trước dư luận về lòng trung thành của không quân với Tổng thống...

Một ngày sau khi bọn Thiệu thi nhau làm cho hãng truyền hình ở Sài Gòn thêm đắt khách đó, chúng liền họp Hội đồng An ninh quốc gia cũng là vì chuyện tiếng bom của Nguyễn Thành Trung. Bởi thế, tướng Minh không có chân trong Hội đồng cũng được mời về dự. Tờ báo Trắng Đen ở Sài Gòn đăng tấm ảnh bọn chúng họp đã vạch một gạch đậm dưới gáy tướng Minh. Trước lúc chúng họp bàn chuyện an ninh quốc gia đó, Thiệu đã lệnh cho Cao Văn Viên điều một đơn vị công binh tinh nhuệ về dinh Độc Lập cấp tốc hàn lấp lại những nơi vừa bị bom phá hủy và cũng là để hàn lấp dư luận. Hắn cấm ngặt các nhà báo không ai được tới.

Cùng trong ngày, Trần Văn Minh được “đặc ân” mời về dinh Độc Lập họp Hội đồng An ninh quốc gia, hắn đã phải vội vã xuống Sư đoàn 3 không quân ở Biên Hòa trấn an tinh thần binh sĩ.

Ở đây, chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Tư lệnh Sư đoàn vừa bị triệu về Bộ Tổng tham mưu và cơ quan An ninh quốc gia thẩm vấn. Còn đại tá Nguyễn Văn Lê, Tham mưu phó hành quân và Võ Văn Sĩ, Không đoàn trưởng Không đoàn 450 (đơn vị có Nguyễn Thành Trung) cũng đã được “mời” lên trình diện tại Bộ Tư lệnh Không quân. Trong khi ấy, phi tuần trưởng Ngô Hoàng và hoa tiêu Nguyễn Văn Lượm đã được Minh cho đi “nghỉ” ở nhà đá.

Mọi lần đến Biên Hòa, Minh thường dừng lại ở nơi hai chiếc máy bay triển lãm truyền thống Moran và T28 ở trước cửa nhà Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3. Đấy là biểu tượng sự kế thừa của không quân ngụy đã từng là lũ đánh thuê cho thực dân Pháp rồi sang đế quốc Mỹ mà chính Minh đã xuất thân từ một tên lái máy bay trinh sát chỉ điểm cho Pháp từ xưa. Tên tay sai mẫn cán của hai chủ Pháp, Mỹ ấy tới đây thường ngắm nghía hoặc chỉ vào nhưng chiếc máy bay đó mà khoa trương chiến tích với bọn đàn em.

Lần này, vừa được cơ quan An ninh Quốc gia thẩm vấn, Minh đã quên hẳn chuyện đó. Hắn không lên phòng khách ở ngôi nhà hai tầng của Sư đoàn 3 mà xuống câu lạc bộ Trần Thế Vinh2 ở phía cổng số 2. Hơn 600 tên sĩ quan, kể cả lũ hoa tiêu của Sư đoàn 3 đã có mặt chỗ y tới. Huỳnh Bá Tính và mấy viên Phó Tư lệnh Sư đoàn 3 - một sư đoàn thường vỗ ngực là con cưng của không quân vì được trao loại F.5E vẫn ngồi trên hàng ghế đầu như mọi khi. Nhưng lần này bọn Tính mặt mày đều tiu nghỉu...

Trần Văn Minh cũng không tươi tỉnh gì hơn nhưng nhìn những bộ mặt bi thảm ấy, hắn cũng gắng lên gân:

- Đây chỉ là hành động riêng lẻ, cá nhân. Việc hoa tiêu Trung ném bom dinh Tổng thống không thể làm mất được danh dự và ảnh hưởng gì xấu đến không quân ta. Các chiến hữu đừng vì thế mà lo ngại...

Y nói thế, nhưng chính lúc ấy bọn an ninh đang dùng kính hiển vi để rà kỹ lại lý lịch ba ngàn hoa tiêu theo lệnh của y. Và song song đó là một loạt qui định mới được ban hành như từ nay mỗi hoa tiêu trước khi lên máy bay đều phải xuất trình phiếu bay...

Nói tới đây, chú Tư chuyển sang kể lại với tôi quá trình chỉ đạo những hoạt động của Trung, khen Trung đã kiên định, mưu trí, giữ vững được tinh thần cách mạng trong nhiều tình huống gay go, trong đó nhiều lúc còn khá nhanh nhạy lấy được những tin tức quan trọng của địch báo được kịp thời về cho ta.
_____________________________________
1. Trong không quân ngụy thường gọi các phi công là hoa tiêu lúc không dùng tiếng Pháp: Pilot.
2. Trần Thế Vinh là một tên lính ngụy có nhiều chiến tích giết hại đồng bào ta và đã bị trừng trị.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:32:01 pm »


Khi nói tới thời cơ và phút giây hành động của Trung mà chính chú cùng các đồng chí lãnh đạo khác trong cơ quan binh vận đã theo sát từng ngày, từng giờ, chú cười tươi hỏi tôi:

- Đồng chí hiểu rõ về Trung rồi chứ?

- Dạ, qua chú càng biết thêm nhiều hơn.

Chú Tư cười:

- Thằng nhỏ đó đâu phải họ Nguyễn.


* Nguyễn Thành Trung là ai?

Đúng như chú Tư nói, Trung họ Đinh, Đinh Khắc Chung - cái tên họ được cha mẹ đặt cho từ khi cất tiếng khóc chào đời nhưng đã phải giấu kín bởi từ một sự kiện mở đầu. Mở đầu từ ngày mồng 2 tháng 3 năm 1963.

Khi ấy Trung đang cùng anh ruột là Đinh Khắc Nhàn trọ học ở bên Mỹ Tho. Hai anh em được ba má cho lánh sang bà cô bên đó học ở trường phổ thông cấp ba Nguyễn Đình Chiểu.

Từ Mỹ Tho về nhà Trung, xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre chừng 5 km, nhưng phải qua vựng, một trong những đoạn rộng nhất của sông Cửu Long. Bình thường sóng yên, gió lặng, đi bắc (phà) qua vựng cũng phải mất 30 phút. Chiều chiều, những lúc nhớ nhà, hai anh em Trung vẫn dẫn nhau tha thẩn ra bến bắc bên này nhìn sang bến Rạch Miễu bên kia, phóng tầm mắt qua đảo Dừa theo màu xanh của rừng dừa bát ngát ở tận xa xa, phía đó là xã An Khánh nhà Trung. Nơi ấy, cô Ba Định đã quá quen thuộc và là nơi diễn ra cuộc Đồng Khởi năm 1960. “Tổ ấm” của gia đình Trung ở đó, cạnh bờ sông. Cùng những rặng dừa là những lùm cây xoài, mận phủ kín lên mấy gian nhà nhỏ. Ở đó bây giờ chỉ còn có má và Út Xinh. Anh Hai Cần đã đi tập kết, anh Ba Trí thoát ly. Trung và anh Tư Nhàn đi lánh. Còn ba thì năm thì mười họa mới về nhà một lần, mà toàn về trong đêm. Từ khi biết nhận mặt ba đến bây giờ đã 16 tuổi, Trung mới được gặp ba có 3 lần vào ban ngày. Lần gần đây nhất là sau ngày Đồng Khởi năm 1960. Lần ấy, Trung càng thấy má và các cô các chú nói đúng. Trung rất giống ba. Giống từ vầng trán, khuôn mặt, nụ cười đôi mắt. Ba dắt Trung và Út Xinh đi thăm từng gốc cây trong vườn. Ba thương má một mình ở nhà nuôi con, lại còn phải tiếp tế cho ba. Vì thế đêm nào về nhà ba cũng xoay trần ra hì hục làm vườn, vun gốc xoài, tỉa cành mận. Cũng lần đầu tiên được nhìn ba dưới ánh nắng chan hòa và gió mát từ sông Cửu Long làm mái tóc ba lất phất bay, Trung muốn ba cứ ở bên anh em Trung mãi thế này. Ba bồng Út Xinh lên cười nói với má: “Má Xinh gắng nữa lên. Chúng ta sẽ cố cho bé Trung và Út Xinh được học hành đến nơi đến chốn. Lớn lên chắc chúng sẽ hết khổ và làm được nhiều việc cho Cách mạng. Các con ta không còn phải biệt tăm suốt năm suốt tháng như ba nó, mà sẽ sống đàng hoàng tự do...”.

Buổi sáng cuối cùng được gặp ba vào ban ngày hôm ấy, ba đã để lại trong trí nhớ của Trung những hình ảnh đẹp nhất.

Sáng nay, đột nhiên Trung nhớ ba vô cùng. Được nghỉ học, Trung rủ anh Nhàn ra bến bắc. Từ màu xanh của rừng dừa phía bên kia, hai anh em Trung đều bỗng sững người. Những làn khói đen đang cuồn cuộn bốc lên cao. Giặc đốt nhà ở xã An Khánh của Trung rồi. Chuyện đó lâu nay đã như cơm bữa đối với xã anh. Nhưng lần này linh tính báo cho anh em Trung thấy mình đang có điều gì bất hạnh lớn lắm. Trung nghĩ ngay đến đám khói đen kia chính là nhà mình. Và tự nhiên Trung lo sợ, nghĩ đến ba. Lâu nay không thấy ba về, rất có thể lần này nghe tin anh Ba Trí bị bệnh nặng phải bí mật đưa đi từ khu du kích về trị bệnh ở nhà thương tư, ba sẽ về thăm chăng?

Nghĩ tới đó, chẳng còn sợ gì nữa, hai anh em Trung chạy luôn xuống bắc sang sông. Đứng dưới bắc nhìn ngọn lửa mỗi lúc một gần, lòng Trung càng nóng hơn lửa cháy. Tới bến Rạch Miễu, hai anh em Trung chạy như bay sang bến đò ngang để về An Khánh. Nhưng mấy cô chú trong làng đã chạy tới ngăn anh em Trung lại:

- Các cháu quay lại ngay. Thằng ách Thao dẫn quân về bố nhà. Chúng đã bắn chết ba các cháu, đốt nhà và bắt cả má và Út Xinh đi rồi. Hiện giờ chúng đang đi lùng hai cháu.

Như sét đánh bên tai, anh em Trung đứng lặng người. Rồi bỗng nhiên cả hai cùng xô mọi người chạy xuống đò. Mấy cô bác thương hai đứa nhỏ nhưng cũng phải nạt nộ dắt hai anh em xuống bắc, bắt quay trở lại Mỹ Tho.

Đêm đó, bầu trời như đầy u ám. Hai anh em Trung không về nhà trọ mà đi lang thang suốt đêm.

Ba ngày sau, bà con huyện Châu Thành mới tìm được xác cha Trung - đồng chí Đinh Văn Dậu, Phó Bí thư nhưng đang quyền Bí thư Huyện ủy, rất tận tụy của mình - trên dòng Cửu Long mênh mông. Khi anh em Trung được cơ sở bố trí cho về nhà, cha anh đã được bà con lo cho yên nghỉ ở ngay mảnh vườn nhà. Tới lúc này, hai anh em Trung mới tường tận về cái giây phút trước lúc hy sinh của ba mình.

Từ sau ngày Đồng Khởi tới nay, phong trào nổi dậy của Bến Tre tuy bị Mỹ - ngụy ra sức khủng bố, nhưng cơ sở thuộc huyện Châu Thành vẫn giữ vững. Lò than hồng được tôi luyện trong đấu tranh, nhân dân huyện Châu Thành càng vững vàng. Bằng ba mũi giáp công, các đảng viên huyện Châu Thành vẫn bám sát dân, chỉ đạo quần chúng liên tục tiến công quân thù. Bọn giặc đưa quân về cào nhà, bắt dân vào khu trù mật, thực hiện tát nước bắt cá. Bà con biểu tình đấu tranh hợp pháp với giặc. Chúng càn quét khủng bố, hàng trăm tên địch đã bỏ xác tại đây. Bọn ngụy ở Châu Thành lồng lộng, tức tối. Chúng biết rằng người chủ yếu chỉ đạo phong trào đó là Tư Dậu. Vì thế, từ lâu tên ách Thao - một tên phản bội Cách mạng - đã cố công dò la tìm cách giết hại cha Trung. Hắn thuộc đường ngang ngõ tắt trong xã An Khánh như thuộc lòng bàn tay. Mãi tới dịp này Thao mới đánh hơi thấy người Phó Bí thư Huyện ủy. Ông về họp với cán bộ cơ sở ở xã. Họp xong, ông vừa rẽ về nhà để biết tin đau yếu của con thì chúng ập tới. Ách Thao đã cho quân phục sẵn quanh nhà. Biết lộ, ông vừa rút súng ra thì bọn ách Thao đã xả liền mấy loạt đạn vào cha Trung ngay trước mặt má và Út Xinh. Má không khóc. Má chồm tới ôm chặt lấy ba, chửi rủa chúng không cho chúng mang xác ba đi. Bọn ách Thao xúm vào giằng ra, má lại lăn vào. Nhưng sức má sao đọ nổi với lũ ác ôn. Chúng trói má lại, kéo xác cha ra liệng xuống sông, rồi châm lửa đốt nhà. Khi bà con kéo tới, ngọn lửa đã bùng bùng bốc cháy...

Đấy là những ngày mà tuổi thiếu niên của Trung và gia đình anh đã ghi một món nợ máu, một cái tang thương đau nhất đời.

Cũng từ ấy theo lời đề nghị thiết tha của Trung, chú Bảy Dự, bạn cùng hoạt động với ba Trung đồng ý, anh đã chuyển từ họ Đinh sang họ Nguyễn với một lý lịch mới.

Hôm đó Trung đã nằn nì xin chú Bảy mãi để được thoát ly đi giải phóng, trực tiếp chiến đấu với quân thù. Chú nghiêm trang bảo Trung:

- Cháu còn nhỏ, chiến đấu làm sao được?

Trung xịu mặt, nhưng rồi lý sự:

- Cháu nhỏ, nhưng thằng ách Thao có từ cháu đâu. Nó chẳng đã cho quân đi lùng bắt anh em cháu sau khi đã bắn ba và bắt má cháu là gì đó chú?

Chú Bảy phải nín cười:

- Chú thử cháu đó thôi. Nhưng cháu có sợ chết, nhất là có kiên trì và giữ được bí mật không?

Trung mừng rỡ:

- Được chứ chú Bảy! Nếu sợ chết cháu đã không tìm đến chú. Cháu sẽ kiên trì như ba cháu.

Trung nói xong, ngước nhìn chăm chăm chú Bảy, mong chú nói ra điều gì đó thỏa mãn yêu cầu của mình. Nhưng chú Bảy ngồi im. Trong đêm mênh mông, chú nhìn Trung rồi lại nhìn ra xa phía những rặng dừa nước mới trồng bên dòng Cửu Long. Mãi sau chú mới bảo Trung:

- Ngày còn ba cháu, các chú và ba cháu đã bàn tới đường đi của từng anh em cháu. Riêng về cháu, các chú và ba cháu đã có ý định khác hơn. Bởi ba cháu và các chú nghĩ rằng cháu có điều kiện làm được. Nhưng đấy là chuyện dài lâu mà yêu cầu của cách mạng cần phải có những chiến sĩ trong lĩnh vực đó. Tới hôm nay các chú thấy có thể trao được nhiệm vụ ấy cho cháu. Đường đi của cháu bắt đầu từ hôm nay. Nhưng nhiệm vụ trước mắt của cháu bây giờ vẫn là tiếp tục đi học.

Nghe chú Bảy nói đến tiếp tục đi học, Trung giãy nảy:

- Ôi chao chú Bảy! Cháu đến gặp chú có phải để xin tiếp tục đi học đâu.

- Thằng nhỏ này sốt tính vậy không làm được việc mấy chú trao đâu.

Như cậu học trò có lỗi, Trung hối hận với câu nói của mình, ngồi lặng yên. Một lúc sau, chú Bảy mới giảng giải:

- Không phải cháu tiếp tục đi học chỉ để có cái bằng tú tài, bằng cử nhân đâu. Cách mạng miền Nam ta còn lâu dài. Đời cha chưa hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam đời con sẽ tiếp tục. Cháu sẽ tiếp tục sự nghiệp của ba cháu. Nhưng tiếp tục thế nào, có nhiều con đường đi đến đích. Trước mắt bây giờ, cháu sẽ kế tục sự nghiệp bằng việc đi học. Ở đấy cháu sẽ tôi luyện mình trong phong trào đấu tranh với Mỹ-Diệm của thanh niên sinh viên. Cháu phải tập luyện nâng cao thể lực. Việc cách mạng sẽ giao cho cháu, ngoài tinh thần, ý chí còn rất cần có sức khỏe. Đấy là một sự tập dượt để đi tới nguyện vọng của cháu. Muốn làm được việc lớn cần phải công phu và có thời gian chuẩn bị, như hạt thóc trở thành cây lúa phải trải qua quá trình tự nảy mầm. Việc đó là của cháu, còn tìm mảnh đất nào gieo xuống, chăm bón sao cho tốt tươi, sai bông trĩu hạt là việc của các chú, của cách mạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:33:28 pm »


Tới lúc này, giọng nói của chú Bảy càng ân cần thủ thỉ. Khi chú nói đến cụ thể hướng đi, mắt Trung càng sáng lên. Dưới bóng cây dương, hai chú cháu như hai người bạn tri kỷ ngồi mãi hồi lâu. Chú chỉ lên dải Ngân Hà trên bầu trời đầy sao, nói với Trung:

- Thiên nhiên có dải Ngân Hà kia là do hàng ngàn triệu ngôi sao hợp lại. Nhưng không phải sao nào cũng xuất hiện cho ta thấy. Cách mạng ta cũng thế. Mỗi người là một ngôi sao...

Chú Bảy ngừng lại hỏi Trung:

- Cháu hiểu lời chú nói chứ?

- Dạ, cháu hiểu.

- Thế thì bắt đầu từ ngày mai cháu không phải là Đinh Khắc Chung nữa. Cháu mang họ mới và tự quen với mình là Nguyễn Thành Trung, con ông...

Trung bồi hồi cảm động về sự chăm lo, tin cậy của chú Bảy. Mãi mãi sau này Trung vẫn nhớ như in đêm mở đầu cuộc đời hôm ấy và nhớ nhất là lời căn dặn cuối cùng của chú trong đêm đó: “Trăm con sông rồi cũng đổ ra biển cả. Cháu sẽ đi theo một dòng sông. Dòng sông ấy càng tới lúc gần biển cả càng lắm thác ghềnh. Nhưng cháu đừng lo rằng mình đơn độc. Trước hết và chủ yếu cháu phải kiên trì, khôn khéo vượt qua để ra được biển cả gặp dòng sông mà cha cháu đã đi...”.


* Bước ngoặt trong cuộc đời

Sáng mồng 8 tháng 4 năm 1975. Trời cao lồng lộng. Mấy hôm nay các không đoàn F.5 ngụy ở căn cứ liên hợp Biên Hòa có thêm nhiều phi tuần được lệnh bay đột xuất đi cứu nguy cho quân bạn. Các lực lượng vũ trang nhân dân đã đánh chiếm, làm chủ những phần đất cuối cùng của miền Trung. Chiến sự đang diễn ra ở Phan Rang, Phan Thiết. Những phi đoàn máy bay A.37 đi oanh kích không xuể. Vì thế từ hai hôm nay, không đoàn F.5E trong sư đoàn đã được lệnh tháo bỏ tên lửa không đối không trên máy bay để lắp bom vào đi oanh kích.

Sự thay đổi hiếm có đó làm Nguyễn Thành Trung thấy lòng nóng bừng. Anh thầm hy vọng: “Đây sẽ là lúc được sổ lồng tung cánh bay xa...”. Hôm nay, phi tuần của Trung cũng có phi vụ. Nhưng ác thay, phòng tham mưu hành quân lại xếp anh vào hoa tiêu dự bị của phi tuần.

Trung ở phi tuần 1. Phi tuần trưởng là Ngô Hoàng. Hoàng là người có chiều cao nhất sư đoàn, và hay cười. Có lần Trung đi chợ Bến Thành với Hoàng, hai người lạc nhau, nhưng chẳng cần phải tìm lâu. Anh đứng cao hơn một chút đã thấy ngay đầu Hoàng trồi lên giữa đám đông chen chúc. Đối với Trung, Hoàng tỏ ra thân thiết vì nể, bởi Trung là một trong số 5 hoa tiêu bay giỏi nhất của không đoàn 540. Nhưng Trung biết đó là bộ mặt bên ngoài của một tên ác ôn. Nó chửi những tên cảnh sát đánh giết người dã man, nó cười tối ngày nhưng lại rất say và lao vào bay không biết mệt trong những chuyến bay đi oanh kích giết hại đồng bào mình.

Thấy Trung đi ra đi vô nhìn trời ngó đất, Hoàng hỏi:

- Trung úy Trung! Coi bộ ông nóng lòng muốn được bay phải không?

- Trời đẹp thế này, không nóng lòng sao được Đại úy! Việt cộng đã chiếm gần hết miền Trung rồi, thế mà hôm nay tôi lại là hoa tiêu dự bị, chán thấy mẹ.

Trung trả lời phi tuần trưởng. Anh vẫn thản nhiên cười với Hoàng.

Đã sáu năm nay Trung phải trả lời, phải nói những tiếng nói ngược với lòng mình. Sáu năm, từng giây, từng phút lúc nào cũng phải bên ngoài giá lạnh bên trong nóng hồng.

Bây giờ, tuy nói chujện với Hoàng, nhưng Trung đang nghĩ lung lắm: “Thời cơ đến rồi đó! Máy bay F.5E của phi tuần mình đã lắp bom. Liệu dịp này và ngay hôm nay có cách nào để sổ lồng tung cánh hay chưa? Đây là điểm nút của bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời mình đây...”.

Bước ngoặt thứ nhất của Trung, anh đã ghi vào ký ức mình trong buổi tối đầy xúc động, đó là ngày 31 tháng 5 năm 1969.

Qua bao lần khám tuyển thẩm tra xét duyệt, khám sức khỏe, Bộ Tư lệnh Không quân của tướng Trần Văn Minh đã chấp nhận đơn của Nguyễn Thành Trung, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Khoa học Sài Gòn vào trường Sĩ quan không quân, đào tạo phi công. Sớm mai, ngày mồng 1 tháng 6 năm 1969, Trung sẽ lên đường, chính thức là một học viên trường Sĩ quan không quân ở Nha Trang.

Trung đang băn khoăn có nên về nhà chào tạm biệt má hay không thì đồng chí liên lạc tìm bảo:

- Tối nay đúng 19 giờ, anh đến địa điểm X. có người gặp.

Địa điểm X. là nhà chú Sáu Phát - ông chú họ của Trung ở thị xã Mỹ Tho. Người gặp mình là ai? Có phải chú Bảy không hay là một người nào khác của tổ chức đến chỉ thị nhiệm vụ cho mình?

Trung quyết định sau này có điều kiện sẽ về chào má. Trong khi chờ đợi tới giờ đến nhà chú Sáu, Trung đặt ra bao câu hỏi về cuộc gặp mặt tối nay. Giá người đó là chú Bảy? Được gặp chú anh sẽ như được thấy lại ba mình. Trên đường dạo phố cho hết giờ, anh đi qua trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là một ngôi trường lớn, cổ nhất ở miền Nam, có từ thời Pháp thuộc, nơi Trung đã học hết lớp 12 và đã yêu Cẩm, người vợ mới cưới của Trung bây giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:34:40 pm »


Đúng giờ hẹn, Trung đến nhà chú Sáu Phát. Anh thấy ngoài chú ra có một người trạc ngoài 50 tuổi, tóc đã hoa râm. Người của tổ chức đến gặp mình đây chăng? Trung đang thầm nghĩ thì chú Sáu chỉ chỗ cho Trung ngồi rồi nói.

- Chú Ba đến đây gặp cháu đó.

Chú Sáu nói xong, bỏ ra ngoài. Từ trong nhà nhìn ra ngoài đường cái, Trung thấy chú Sáu đang ung dung tỉa lại những nhành cây phủ xuống hàng rào.

- Cháu Trung chưa gặp chú lần nào phải không?

Cuộc gặp gỡ mở đầu bằng một câu nói dịu dàng đó, nhưng Trung vẫn cảm thấy có điều gì đó rất thiêng liêng được gặp qua đôi mắt người của tổ chức mà Trung mới được gặp lần đầu này. Bỗng nhiên chú chuyển sang gọi Trung là đồng chí. Sau khi giới thiệu họ tên và cấp bộ Đảng của mình, chú Ba Hóa nói:

- Đồng chí Đinh Khắc Chung! - Trung bừng bừng sung sướng khi lần đầu được nghe tiếng gọi ấy. Rồi anh nghe như nuốt lấy từng lời - Tổ chức đã nghiên cứu lý lịch, theo dõi quá trình hoạt động của đồng chí trong phong trào thanh niên sinh viên chống Mỹ - ngụy. Hôm nay thay mặt tổ chức, tôi đến truyền đạt lại quyết định kết nạp đồng chí vào Đảng Lao động Việt Nam và trao nhiệm vụ mới cho đồng chí.

Trung bồi hồi xúc động nghe tiếp:

- Ngày mai đồng chí sẽ lên dường đi làm nhiệm vụ trong trường Sĩ quan không quân của địch. Vì sao không đưa đồng chí vào các sắc lính khác, chắc đồng chí hiểu. Đó là mục đích to lớn của cách mạng tới đây. Rất thuận lợi trong dịp này, không quân của Thiệu đang trưng đầy những bảng quảng cáo hãy ghi tên vào trường Sĩ quan không quân. Mặt khác, tổ chức cũng chuẩn bị chu đáo để bịt mắt chúng về lý lịch của đồng chí. Vào được trường Sĩ quan không quân, nhất định chúng sẽ đưa đồng chí sang Mỹ học. Tổ chức chỉ yêu cầu đồng chí phải học thật giỏi. Học giỏi để được xếp thứ nhất hoặc cùng lắm đến thứ năm trong khóa học. Vì sao đồng chí hiểu không? Vì theo lệ ở Mỹ, nếu học giỏi được xếp từ thứ nhất đến thứ năm, tốt nghiệp sơ cấp xong sẽ được tự chọn học lái tiếp loại máy bay nào tùy thích. Đảng yêu cầu đồng chí phải được chúng trao cho lái máy bay phản lực chiến đấu. Đây là một mặt trận, trong mặt trận ấy càng đòi hỏi người chiến sĩ cách mạng phải hết sức giữ vững vàng, tuyệt đối trung thành, dám hy sinh, giữ tấm lòng son sắt với Đảng. Đảng tin tưởng và luôn luôn theo sát, chỉ đạo mọi hoạt động của đồng chí. Tuy vậy, trong lĩnh vực này, người chiến sĩ phải hoàn toàn chủ động và tự mình luôn giữ linh hồn của Đảng trong trái tim mình. Chúc đồng chí luôn hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận mới, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, xứng đáng với bà con và cha anh mình.

Hết phần trang nghiêm trao nhiệm vụ mới và căn dặn Trung với cương vị là một cấp bộ Đảng, chú Ba chuyển sang nói chuyện thân tình với Trung. Chú kể tóm tắt tình thế mới của cách mạng cả nước từ sau ngày Giôn-xơn phải chấp nhận sự thất bại, chịu đơn phương xuống thang ném bom bắn phá miền Bắc và lại phải ngồi vào bàn Hiệp định Paris. Chú nói tới nhiệm vụ hiện tại của cách mạng miền Nam rồi chuyển sang kể chuyện về Bác Hồ và các anh hùng dũng sĩ miền Nam vừa được ra thăm Bác. Lúc này, giọng chú sao đầm ấm thiết tha quá. Những mẩu chuyện, những lời nói của Bác với đồng bào chiến sĩ miền Nam, qua lời kể của chú, Trung tưởng như chính Trung vừa có vinh dự được gặp Bác. Trung hình dung thấy Bác qua tấm ảnh Bác ngày xưa má đã cho Trung coi với một tình cảm xúc động. Trung càng bồi hồi và rất đỗi sung sướng khi chú Ba bảo Trung:

- Bác Hồ rất yêu thương bộ đội. Đối với các chiến sĩ không quân, Bác thường dành cho những tình cảm đặc biệt. Từ mai cháu đã là một chiến sĩ, chỉ khác là một chiến sĩ không quân ở ngay trong lòng địch. Cháu hãy cố gắng, kiên trì phấn đấu làm tròn nhiệm vụ để đi tới đích. Khi ấy cách mạng và các chú chắc chắn sẽ dành cho cháu một vinh dự đặc biệt được cùng với các đồng chí không quân ta ở miền Bắc lái máy bay đưa Bác Hồ và Bác Tôn vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam ta...

Nghe tới đó lòng Trung càng rạo rực tưởng như được chắp cánh bay lên. Mãi mãi Trung không quên được giờ phút đã ghi bước ngoặt thứ nhất trong cuộc đời đó.

Bước ngoặt thứ nhất ấy đến nay đã sáu năm. Sáu năm qua đối với Trung tưởng đã dài chừng thế kỷ, nhất là ba năm anh học ở Mỹ.

Những năm ở trong nước còn có sự chỉ đạo ở trên, và bằng cái “ê-cút”, Trung còn có thể theo dõi được tình hình qua chiếc máy thu thanh bán dẫn, hai năm ở thành phố In-gơ-lăng bên Mỹ, ngoài những bức thư của chị Chín Vân gửi sang chỉ thăm hỏi bình thường để giữ đều liên lạc, Trung hoàn toàn bị cách biệt. Anh chỉ sống với mình và biết tin tức trong nước qua một phần nào ở báo chí bọn chúng gửi sang. Xung quanh là một cuộc sống rất hoa lệ. Nhiều đứa bạn cùng học với Trung đã choáng ngợp, nhất là các buổi chiều nghỉ, bọn Mỹ cho xe đến đón đi chơi thỏa thích. Chúng muốn bọn Trung sẽ phải suốt đời khâm phục, mang ơn nước Mỹ và làm tay sai rất mực trung thành cho chúng, cho nên chúng làm mọi điều tỏ ra rất quí các hoa tiêu Việt Nam. Trung là học viên bay giỏi, khi tốt nghiệp, Trung đứng thứ hai trong hơn 500 học viên (cả Mỹ và các nước chư hầu), nên chúng càng quí hơn. Có lần tên đại tá chủ nhiệm lớp bay đã vỗ vai Trung bảo: Tôi rất hy vọng và tin tưởng rằng sau này ông sẽ là một vị chỉ huy có tài của không quân Việt Nam Cộng hòa. Hắn còn hết lời tán dương và nhắc lại lời Ken-nét-sam, một tên tướng không quân Mỹ: Hoa tiêu Việt Nam, thành phần ưu tú nhất của Việt Nam Cộng hòa đã được các tướng lĩnh không quân Hoa Kỳ đánh giá là thuộc vào những phi hành viên xuất sắc thế giới.

Những lúc ấy, trước mặt chúng, Trung vẫn phải tỏ ra hớn hở. Nhưng đêm về anh lại suy nghĩ mông lung: Thực tế tình hình đất nước bây giờ ra sao? Liệu lúc mình về nước còn kịp làm gì để đáp lại công ơn cách mạng đã bao năm ươm giống, gây mầm hay không?

Biết bao nỗi day dứt trong lòng, Trung phải vui cười và tỏ ra thân thiết với những kẻ mà chính chúng hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đã đem bom đi giết hại đồng bào ruột thịt, tàn phá quê hương mình. Anh phải tỏ ra đồng tình và say sưa nghe bọn chúng nói xấu Cách mạng. Cách mạng đâu phải ai xa lạ, mà chính là ba, là chú Tư Chí, chú Bảy Dự, chú Ba Hóa, chú Bảy Lương, là anh Cần, anh Nhàn, anh Trí... và là chính mình. Những lúc ấy, Trung muốn xé tung bộ quần áo ngụy ra, đứng lên dùng lý lẽ của Cách mạng, của chính nghĩa đập thẳng vào mặt chúng. Nhưng lý trí lại không cho phép Trung được bộc lộ tình cảm của mình.

Cũng còn may mắn, sau khi học lái loại máy bay ném bom A.37, về nước một thời gian, Trung được chọn sang học lái loại tiêm kích F.5E. Loại này phần lớn làm nhiệm vụ yểm trợ trên không, cho nên Trung chỉ có ít lần đi ném bom. Những lần ấy Trung khôn khéo tìm cách ném vào những nơi ít gây thiệt hại nhất đối với tính mạng nhân dân. Tất nhiên, khi về bọn chúng vẫn thấy anh hoàn thành xuất sắc phi vụ. Trong những phi vụ xuất sắc như thế, có nhiều trái bom của anh đã rơi vào khoảng trống, có trái trúng vào quân ngụy trong những trận đánh giáp nhau. Sau những phi vụ như thế, Trung phóng honda rời căn cứ về nhà thấy mát mẻ, ngủ ngon. Còn các phi vụ khác, tuy biết rằng bom của mình chỉ trúng vài cái cầu hoặc nơi đó không có dân, Trung cũng thấy lòng đau như cắt. Chính mắt anh thấy những trái bom của những tên mà anh vẫn gọi là chiến hữu đã gây nên những tội ác ghê tởm với đồng bào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:35:05 pm »


Một hôm Trung đi bay về, anh phóng xe về đến trước cửa, mặt mày vẫn tươi tỉnh như mọi khi. Nhưng lúc cởi bỏ bộ đồ lính ra, Trung chỉ uống qua quít cốc nước ngọt rồi đi nằm. Cẩm thấy vậy cho là chồng bị mệt nên không ép nài Trung phải ăn cơm, để yên cho anh nghỉ. Thật ra Trung đâu có mệt về thể xác. Hôm ấy Trung vừa bay qua xã An Khánh của anh, từ trên máy bay, anh càng thấy nguồn tin em Thiện con ông chú ruột - một chiến sĩ biệt động nội thành - báo cáo cho anh là hoàn toàn chính xác. Sau những trận càn quét đốt phá của bọn giặc dưới mặt đất như tên ách Thao, lũ máy bay của Sư đoàn 4 ở Trà Nóc lại đến rải bom tiếp làm xã anh không còn một nóc nhà nào. Chúng đã bắt và giết tới tám mươi phần trăm thanh niên trong xã. Má anh và Út Xinh cũng phải bỏ xã đi lánh ở một túp lều bên đảo Dừa. Bọn chúng đã bắt má anh đến lần thứ năm khi má đang chèo đò qua sông mang gạo tiếp tế cho anh Tư. May mà chúng vẫn chưa biết con má đang làm hoa tiêu ở đây...

Lúc này, Trung càng suy nghĩ triền miên. Anh thấy nhớ da diết tới những cảnh đẹp của làng mình khi xưa. Những rặng dừa, những hàng dương rợp bóng tỏa xuống những dòng kênh. Trên những con đường mát xanh rất Nam Bộ ấy, vào mùa xuân, cả xã đều hoan hỉ kéo đến ngôi đền lớn trong ngày hội rước thần. Ở đó có những cây dương cao vút đã tồn tại qua bao đời trùm lên khu đền thờ và những miếu mạo uy nghi. Nơi ấy đã ghi biết bao kỷ niệm của Trung với các bạn nhỏ những ngày thơ ấu, nhất là những ngày hòa bình lập lại sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Những cảnh đẹp, những di tích lịch sử, nơi đã ghi bao kỷ niệm thời thơ ấu cùng với căn nhà nhỏ ấm cúng của Trung này đâu còn nữa.

Đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, Trung lại thấy tên ách Thao với bộ mặt bên ngoài rất thư sinh nhưng tim hắn đã đen bầm, đã từng ăn gan biết bao người, hắn đang giương súng bắn chết ba anh ngay trước mặt má và Út Xinh, rồi tự tay nó châm lửa đốt nhà mình.

Sáu năm trời với cuộc sống của một phi công - loại lính con cưng được chiều chuộng nhất của chế độ Thiệu - với Trung đã là hơn hai ngàn ngày phải đóng kịch với nỗi lòng luôn day dứt.

Từ mấy tháng nay, Trung rất khấp khởi. Anh đã được chỉ thị của lãnh đạo Ban Binh vận Miền chọn thời cơ ném bom vào dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mỹ rồi bay ra vùng giải phóng. Lòng Trung luôn rộn rã với tâm tình của đứa con xa đã bao ngày giấu mặt được trở về với Mẹ. Anh hiểu rất rõ ý nghĩa tiếng bom của mình trong những ngày chuyển biến rất nhanh của cách mạng. Nhưng mấy lần sau khi anh vừa báo cho cơ sở ngày giờ hành động thì không đoàn 540 của anh lại được lệnh chuyển sân bay. Lần trước, chuyển ra Đà Nẵng nằm lỳ hơn một tháng phơi nắng miền Trung để chờ không chiến với máy bay MIC trên vùng trời Quân khu I. Vừa về đến Biên Hòa được ít ngày, phi tuần của Trung lại được lệnh bay đến sân bay Phù Cát. Hết Nha Trang lại chuyển sang sân bay Phù Cát. Những lần ấy, theo sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Lê Quốc Lương tức Bảy Lương, em Huỳnh Tấn Phong lại bỏ dạy học, từ Sài Gòn đi du lịch hoặc thăm cô cậu để đến với Trung, chuyển tiếp chỉ thị của cấp trên cho anh. Nếu Phong kẹt thì Nguyễn Trọng Hạnh cũng là bà con với Trung lại thay thế để không một ngày nào sự chỉ đạo của Ban Binh vận gián cách với anh. Và anh biết việc các đồng chí lãnh đạo ở miền đã bí mật tác động để kẻ địch điều phi đoàn của anh về Biên Hòa, tạo được thời cơ cho anh là việc làm vô cùng công phu, tài tình. Ở trong quân chủng không quân của kẻ địch, làm một ngọn đèn phải tỏa sáng được hai nhà (hoàn thành nhiệm vụ Cách mạng giao cho và che mắt được địch, không bị lộ) với bản thân Trung đã là rất khó. Nhưng chỉ đạo cho Trung làm được việc đó quả là cả một sự mưu lược tài ba của các bác, các chú lãnh đạo mũi giáp công thứ ba.

Bao nhiêu ngày chờ đợi thời cơ, cho đến hôm nay trên sân bay Biên Hòa máy bay của phi tuần Trung đã lắp bom. Nhưng trớ trêu thay, anh lại là hoa tiêu dự bị.

Phải bay đi sớm nay. Đây là thời cơ tốt nhất. Quân ta đang thắng như chẻ tre. Có thêm tiếng bom phản chiến của mình sẽ làm cho ngụy quân, ngụy quyền càng hoang mang hơn, anh em bà con ta thêm phấn khởi hơn.

Trung nghĩ thế, nhất là lúc thấy Huỳnh Duy Anh đang lắp bắp phàn nàn với phi tuần trưởng Ngô Hoàng về việc Nguyễn Văn Lượm đến trễ.

Trung úy Lượm hôm nay là hoa tiêu số hai chính thức trong phi tuần bay ba chiếc.

Nhà riêng của Lượm ở Sài Gòn nên đôi khi vẫn phóng xe đến muộn. Còn Huỳnh Duy Anh là thiếu tá, nhưng vì cái tật nói lắp nên chỉ được bay số 3 trong phi tuần.

Thấy Duy Anh lắp bắp phàn nàn với Hoàng và cũng lại sắp đến giờ bay nên Trung chớp thời cơ luôn:

- Đại úy à Lượm đến trễ, để tôi tình nguyện bay thế cho kịp giờ phi tuần cất cánh.

Huỳnh Duy Anh nói ngay:

- Ha... y, ha... y lắm!

Ngô Hoàng cũng thấy Trung đã gỡ nút cho mình nên hoan nghênh và đồng ý ngay. Từ trước tới nay, Trung vẫn là hoa tiêu bay giỏi và được tin cậy. Lời nói của Trung thường rất có trọng lượng trong không đoàn. Vì thế, không riêng phi tuần trưởng mà cả Tham mưu phó hành quân cũng đồng ý việc thay thế của Trung.

Trung sung sướng quá. Anh xách mũ bay cùng Ngô Hoàng và Duy Anh ra ngay máy bay. Anh mong cho Lượm trễ lâu hơn nữa, đừng tới trước lúc anh cất cánh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM