Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:01:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu tự nguyện  (Đọc 56979 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 08:16:17 pm »


Đêm 28-4, trung đoàn bộ binh 12, do trung đoàn trưởng Đới Ngọc Cầu và chính ủy Trần Hữu Biền chỉ huy, đã vượt qua eo biển Long Hải được bí mật, an toàn, tiến vào nội ô thành phố Vũng Tàu. Tiểu đoàn 6 được tăng cường 2 khẩu ĐKZ82, tiến công quặt ra hướng đường 51, sau cầu Cỏ May, bắn cháy 2 xe thiết giáp M113 của địch, làm chủ ấp Thắng Nhất, Thắng Nhì, tạo điều kiện cho trung đoàn bộ binh 2 tiến công cụm quân địch ở cầu Cỏ May.

Trên hướng tiến công của trung đoàn bộ binh 2, lúc 21 giờ 30 ngày 28-4. Sở chỉ huy trung đoàn đặt trên sân thượng của tòa nhà ba tầng, ngay ngã ba đầu đường số 51 rẽ xuống Vũng Tàu. Đứng ở đây, ban ngày có thể nhìn thấy toàn cảnh phía đông nam thị xã Bà Rịa và trục đường 51. Nhưng bây giờ trời tối, chỉ thấy những ánh chớp kèm theo tiếng nổ của đạn pháo trên các hướng tiến công của quân ta. Xung quanh chúng tôi có mấy chiếc xe GMC, địch tháo chạy không kịp tắt máy, vẫn nổ xình xịch...

Sau khi đánh chiếm thị xã Phan Rang, trên đường tiến công vào phía Nam, đồng chí Đoàn Mai Ngữ bị tai nạn, phải đi viện. Tại sở chỉ huy lúc này có anh Nguyễn Văn Chước chính ủy, anh Lê Văn Quýt và anh Lưu Quang Đông, phó chính ủy và tôi. Anh Chước ở lại sở chỉ huy để theo dõi tình hình trên các mũi tiến công của trung đoàn, tôi trực tiếp đi xuống cầu Cỏ May. Khi chúng tôi bàn cách tổ chức cho bộ đội vượt cầu Cỏ May, anh Chước lo lắng, nhắc tôi:

- Cậu hãy thận trọng, nắm thật chắc tình hình địch bên kia cầu và cho trinh sát bí mật sang trước!

- Anh yên tâm? Có tình hình gì tôi sẽ điện về ngay! - Tôi trả lời rồi điều đồng chí chủ nhiệm công binh cùng đi xuống cầu Cỏ May. Tại cầu Cỏ May tiểu đoàn 3 đang tập trung mọi cố gắng đập tan mọi sự kháng cự của địch để vượt qua. Tôi bò vào sát mố cầu phía Bắc để quan sát.

Cầu bị đánh sập một nhịp. Nước sông sâu, chảy xiết. Bên kia cầu dưới ánh sáng lờ mờ trong đêm tối, thấp thoáng có một số tên địch đi lại, canh gác. Chúng tôi điều ngay một khẩu ĐKZ75, một khẩu cối 120mm và một khẩu súng máy 12,7 mm triển khai bên này cầu để bảo đảm cho bộ đội vượt sông. Ở đây, do địa hình hai bên đường chật hẹp, nên không thể triển khai được nhiều hơn. Suốt từ chiều đến 20 giờ ngày 28-4 tiểu đoàn trưởng Như và chính trị viên Hùng tổ chức đột phá liên tục, không vượt qua được. Địch dựa vào sông Cỏ May chống trả quyết liệt. Có nhiều đồng chí bị thương tại đây.

Trong khi một tổ trinh sát đang bí mật bơi qua sông để nắm tình hình bên kia cầu Cỏ May, đồng chí chủ nhiệm công binh trung đoàn lên phía trên, cách cầu khoảng 500 mét để tìm phương tiện vượt sông. Chúng tôi được bà con ngư dân ở đây giúp đỡ. Mờ sáng ngày 29-4 một phân đội vượt sông, đánh chiếm đầu cầu. Lúc tiểu đoàn 6 trung đoàn 12 tiến ra đường 51, phía sau cầu Cỏ May, bọn địch ở đây chống trả một cách tuyệt vọng và tháo chạy. Tranh thủ thời cơ, đội hình trung đoàn bộ binh 2 ào ạt vượt qua sông Cỏ May tiến thẳng xuống Vũng Tàu.

Sở chỉ huy trung đoàn bộ binh 2 di chuyển liên tục, bám sát đội hình để chỉ huy bộ đội, và xử trí các tình huống kịp thời. Lúc này mũi tiến công phía đông, trung đoàn bộ binh 12 đã đổ bộ vào Bãi Sau tiến vào thành phố Vũng Tàu. Chúng tôi được thông báo liên tục về tình hình diễn biến trên các hướng chiến dịch.

Sáng ngày 30 tháng 4 thắng lợi đã nắm chắc trong tầm tay. Nhưng cuộc chiến đấu vẫn diễn ra quyết liệt tại trung tâm thành phố. Trên các hướng chiến dịch, máu của chiến sĩ ta vẫn phải đổ xuống trên đường tiến quân vào Sài Gòn - Gia Định.

Rạng sáng ngày 30-4, sở chỉ huy trung đoàn bộ binh 2 đã triển khai tại căn cứ Hải quân Vũng Tàu. Các lực lượng bộ binh đã áp sát dưới chân Núi Lớn.

Trung đoàn bộ binh 12 đã tiến đến khu vực Thùy Dương và đang tiến lên Núi Nhỏ. Một mũi khoe của trung đoàn tiến công vào trung tâm thành phố. Dưới sự lãnh đạo và tổ chức của địa phương, nhân dân ở đây đã chuẩn bị từ trước, nên bộ đội ta tiến đến đâu, cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng mọc lên tới đó. Chúng tôi như hành tiến dưới rừng cờ với bao cảm xúc sung sướng và tự hào. Thế mớí biết, mấy chục năm qua, sống dưới ách kìm kẹp của đế quốc Mỹ và tay sai, đại bộ phận nhân dân miền Nam vẫn luôn hướng về cách mạng. Các mẹ, các chị chạy ra, tiếp tế cho chúng tôi nước uống, kẹo, bánh và trái cây.

Vào lúc 09 giờ 30 phút, lực lượng đầu tiên của Trung đoàn bộ binh 2 đến khu vực ngã ba đường, dưới chân Núi Lớn. Nơi đây trông có vẻ như một trường học. Trên đỉnh Núi Lớn có đài vô tuyến viễn thông. Những chiếc “rổ sắt” khổng lồ được bao bọc bởi một lớp hàng rào bằng lưới sắt chống đạn B40 cao 2 - 3 mét trong một khu vực rộng gần chục héc ta.

Chúng tôi tiến vào khu nhà hai tầng sát chân núi thì bỗng nhiên súng từ trên sườn Núi Lớn bắn xuống, trong nhà bắn ra. Đạn bay chíu chíu trên đầu. Cùng anh em nép vào các căn nhà hai bên đường để tránh đạn, tôi ra lệnh cho cối 120 mm bắn lên sườn đồi đối diện để uy hiếp, nhưng yêu cầu không được bắn lên đỉnh đồi, nơi có đài vô tuyến viễn thông. Vì máy móc thiết bị trên đó nay như đã thuộc về ta rồi. Khi im tiếng súng, chúng tôi tiến vào sân trường. Tại đây có một nhóm học sinh khoảng 14, 15 tuổi đứng trước cổng trường. Trên sân trường có 4 - 5 khối học sinh, đội ngũ chỉnh tề, nhưng không thấy thầy, cô giáo. Khi chúng tôi hỏi: “Những loạt súng vừa rồi ở đâu bắn ra?”. Các em trả lời: “Không biết!”.

Suy nghĩ, đây chỉ là học sinh của một trường phổ thông, chúng tôi cho các em ra về, chỉ giữ lại một số người lớn tuổi.

Khi các em đã rời sân trường, chúng tôi lên kiểm tra trên các tầng lầu của căn nhà thì thấy toàn bộ các phòng đều bỏ trống, chăn, màn, quần áo vứt ngổn ngang. Tại các cửa sổ đều có bao cát, xếp thành những lô cốt, có lỗ châu mai hướng ra ngoài. Mỗi cửa đều có 1 - 2 khẩu súng AR15. Thì ra, đây là những ổ chiến đấu mà chủ nhân những khẩu súng kia chính là những học sinh lúc nãy, và có thể chính nơi đây là trường “thiếu sinh quân” của quân đội Sài Gòn.

Tôi dẫn theo một tổ ba đồng chí, trèo qua lớp hàng rào lưới sắt, lên đỉnh đồi, kiểm tra toàn bộ khu vô tuyến viễn thông. Một quả đạn cối 120 mm của ta đã bắn sập một góc nhà kho, các thiết bị trên Núi Lớn vẫn còn nguyên vẹn. Số địch đóng chốt ở đây đã chạy xuống bờ biển. Các lực lượng của Trung đoàn bộ binh 2 phối hợp từ trên Núi Lớn thọc xuống, từ phía Bắc và phía Nam tiến theo con đường dọc bờ biển tại khu vực Bãi Trước. Trên con đường này ngổn ngang xe vận tải, xe thiết giáp M113. Có nhiều chiếc đâm đầu xuống biển, có những chiếc đang nổ máy xình xịch... Một đám lính địch rất đông, đang tập trung tại đây, đủ các đơn vị: lính dù, lính xe tăng, lính vận tải, lính biệt động... Khi thị xã Bà Rịa bị thất thủ, số lính sống sót chạy về đây trong bước đường cùng, tuyệt vọng.

Trước những bãi xe ngổn ngang, làm thế nào để thu dọn và đưa về đơn vị. Tôi tập trung đám tàn quân lại một nơi, hỏi: “Ai là người biết lái xe?”. Cả bọn có vẻ sợ sệt, không dám trả lời.

- Trong tất cả các anh, ai biết lái xe? - Tôi nhắc lại lần thứ hai.

Một người trong bọn, khoảng 50 tuổi, vừa giơ tay lên, thì rất nhiều người trong toán lính này giơ tay. Sau này tôi mới được biết, tay đứng tuổi là Tiểu đoàn trưởng, còn đám tàn binh kia là lính lái xe của tiểu đoàn tiếp vận từ thị xã Bà Rịa chạy về đây. Sau khi tuyên truyền cho chúng hiểu về chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tôi ra lệnh mỗi người lên một chiếc xe, kiểm tra lại xăng dầu và tình trạng về kỹ thuật, cho nổ máy thử và khi có lệnh, lái xe về căn cứ của quân giải phóng. Chúng nó chấp hành răm rắp. Thế là chúng tôi đưa được 22 xe vận tải về sở chỉ huy sư đoàn. Số địch còn lại, gồm nhiều sắc lính khác nhau, chúng tôi giao lại cho lực lượng phụ trách tù binh giải quyết.

Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4, hai cánh quân trực tiếp tiến công giải phóng thành phố Vũng Tàu là trung đoàn bộ binh số 2 và 12 sau khi dập tắt sự kháng cự cuối cùng của một lực lượng địch ở khách sạn Palas, đã gặp nhau tại đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 08:17:44 pm »


SAU GIẢI PHÓNG

Trải qua bao nhiêu năm gian khổ, hy sinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự ủng hộ to lớn của các nước XHCN anh em và cả loài người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ đã thắng lợi một cách vẻ vang. Đây là thắng lợi của cả dân tộc.

Riêng người lính chúng tôi, sau những năm tháng chiến đấu vô cùng khốc liệt trên chiến trường, đến lúc này mới tin là mình còn sống.

Chúng tôi tổ chức ngay cuộc diễu binh tại thành phố Vũng Tàu trong ngày Quốc tế Lao động mùng 1 tháng 5, để biểu dương lực lượng của người chiến thắng.

Sư đoàn bộ binh 3 đứng lại đây một thời gian cùng với chính quyền địa phương, ổn định mọi mặt cuộc sống của nhân dân. Trung đoàn bộ binh 2 được giao nhiệm vụ quân quản thành phố, từ trung tâm kéo về phía tây, bao gồm Núi Lớn, dọc con đường ven biển đến khách sạn Palas và khu vực trường “thiếu sinh quân”. Trung đoàn bộ binh 12 phụ trách khu vực bãi Thùy Dương đến ngọn Hải Đăng. Tiểu đoàn 6 cùng với lực lượng Hải quân vượt biển ra tiếp quản Côn Đảo.

Trung đoàn bộ binh 2, phối hợp cùng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương tiếp thu, quản lý các cơ sở của chính quyền Sài Gòn tại Vũng Tàu. Bao gồm những khu biệt thự sang trọng của quan chức ngụy quân, ngụy quyền dọc bờ biển, trong đó có tòa “Bạch dinh” khách sạn Palas; những nơi mà các đời tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, các cố vấn ngoại bang và bọn sĩ quan cao cấp của quân đội thường đến nghỉ mát, ăn chơi trác táng trong mấy chục năm chúng cầm quyền. Nhà nào cũng có “quản gia” 1. Khi bộ đội vào tiếp quản họ giao lại nhà và chìa khóa, sẵn sàng làm mọi việc khi được yêu cầu. Trước mắt, chúng ta vẫn giao lại cho họ quản lý.

Việc cần tập trung giải quyết trước mắt là bảo đảm cho thành phố hoạt động một cách bình thường, chống sự phá hoại của các phần tử phản động, chống đối, trộm cắp và các loại tội phạm khác. Vận động quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động bảo đảm trật tự trong thành phố, tổ chức cho binh lính, sĩ quan, nhân viên, chế độ cũ ra trình diện chính quyền cách mạng...

Đêm đêm, bộ đội kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức tuần tra trên các trục đường dọc bờ biển, trong thành phố. Tôi sung sướng ưỡn ngực hít thở không khí trong lành mà qua mấy chục năm chiến đấu, đánh đổi biết bao xương máu của các thế hệ mới có được. Sóng biển vỗ rì rào, tung bọt trắng xóa. Dưới ánh đèn điện lung linh, mờ ảo, các cô gái “đi ăn sương” cứ bám theo các tổ tuần tra dọc bờ biển mời mọc:

- Các anh bộ đội có biết “xài” không?

Một vài anh lính trẻ cứ ngơ ngác, không biết trả lời sao. Về sau, anh em mới biết, đó là những cô gái làng chơi. Các cô tưởng rằng bộ đội cách mạng cũng “ham vui” như “lính quốc gia”, nên cứ đeo bám suốt.

Trong suốt những năm chiến tranh ác liệt, bộ đội chúng ta chỉ tập trung hết tâm trí vào nhiệm vụ chiến đấu. Những đơn vị chủ lực, cơ động thường biên chế rất ít quân nhân nữ. Phụ nữ thường được tập trung ở các đơn vị phục vụ chiến đấu như ngành quân y, hậu cần, vận tải và một số lực lượng phục vụ phía sau. Tuy nhiên, ở sư đoàn 3 Sao Vàng và một số đơn vị khác thuộc Quân khu 5 lúc bấy giờ đã tổ chức các đại đội, tiểu đoàn vận tải nữ, các đơn vị trợ chiến bộ đội địa phương. Song đối với các đơn vị chủ lực, bộ đội ta ít khi được tiếp xúc với phụ nữ. Nay về sống ở nơi trung tâm thành phố, tiếp xúc với nữ giới, anh em còn e lệ, rụt rè. Kể cả các anh em đã lớn tuổi. Điều đó thật dễ hiểu, bởi không có dịp nào để suy nghĩ đến chuyện riêng tư. Nhiều lúc cảm thấy mình chai lì, khô khan, ngớ ngẩn trong các mối quan hệ. Nhất là quan hệ với người khác giới. Đó cũng là một trong những lý do mà mãi đến gần cuối năm 1979, tôi mới lập gia đình ở tuổi ba mươi lăm.

Chế độ Sài Gòn thân Mỹ sụp đổ, quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam một cách trọn vẹn. Các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ v.v... hầu hết đều nguyên vẹn. Điều đó khác với luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ thù. Chúng cho rằng Sài Gòn sẽ có “tắm máu” khi Việt cộng tấn công vào.

Trung tuần tháng 5 năm 1975, chúng tôi bàn giao viện quân quản thành phố Vũng Tàu cho địa phương và cơ động về lại Quân khu 5. Chiến trường quen thuộc mà sư đoàn 3 Sao Vàng đã được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong suốt 10 năm chiến tranh ác liệt, chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Sư đoàn 3 triển khai tại tỉnh Khánh Hòa - thành phố Nha Trang đến huyện Cam Ranh. Bộ tư lệnh sư đoàn cùng với các cơ quan, đóng tại căn cứ Đồng Đế, dưới chân đèo Rù Rì. Mặc dù bộn bề công việc, nhưng sư đoàn vẫn quyết tâm chỉ đạo huấn luyện điều lệnh, tổ chức lễ kỷ niệm ngày quốc Quốc khánh 2-9 tại Thành phố Nha Trang, hỗ trợ chính quyền trong các hoạt động tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhất là chính sách đối với các cá nhân và những gia đình trước đây ít nhiều có dính dáng đến chế độ cũ để họ yên tâm khai báo, đi học tập cải tạo và làm việc trở lại.
_____________________________________
1. Quản gia: Ở các thành phố, những nhà giàu có thường thuê người quản lý tài sản, nhà cửa. Thường là những người thân của gia đình - có khi gắn bó cả cuộc đời với chủ nhà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 08:18:19 pm »


Sau một thời gian, đội hình sư đoàn 3, được triển khai như sau:

Bộ tư lệnh và các cơ quan sư đoàn cùng với trung đoàn pháo binh đứng chân tại thị trấn Dục Mỹ thuộc huyện Ninh Hòa. Là căn cứ pháo binh của sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn. Nơi đây trong thời điểm này còn trưng bày khẩu pháo 175 mm (vua chiến trường) của địch, ta chiếm được trong cuộc tổng tiến công vừa qua.

Trung đoàn bộ binh 12 triển khai tại huyện Cam Ranh - Trung đoàn bộ binh 141 tại huyện Diên Khánh.

Trung đoàn bộ binh 2, triển khai trên trục đường 21, nơi có trường đào tạo hạ sĩ quan thuộc sư đoàn 23 địch trước đây, có sân bay dã chiến với hàng trăm héc ta thao trường chạy vào sát chân đèo Phượng Hoàng. Nhiệm vụ mới lại đến với những người lính chúng tôi.

Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khi quân địch tháo chạy, chúng vứt súng, đạn khắp nơi. Nhân dịp này bọn Fulrô tích cực thu nhặt, vận chuyển vào rừng cất giấu. Dưới sự chỉ đạo của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, chúng lợi dụng vấn đề dân tộc dưới các triều đại từ trước đến nay chưa giải quyết được, kích động nhân dân, chống đối ta lâu dài. Vì vậy trung đoàn bộ binh 2 được giao nhiệm vụ cơ động về đây để vừa giải quyết các chế độ, chính sách cho bộ đội sau chiến tranh, vừa chuẩn bị dẹp tổ chức Fulrô ở vùng cao nguyên.

Dẹp Fulrô là một chủ trương rất kịp thời, rất nhạy bén, có liên quan đến chính sách đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, sự ổn định chính trị trên địa bàn Tây Nguyên, và toàn vẹn lãnh thổ vùng biên giới với các nước trong khu vực.

Cho đến bây giờ, vấn đề Tây Nguyên vẫn đang là vấn đề rất nhạy cảm.

Dẹp Fulrô là một cuộc chiến hoàn toàn khác trước. Vì lực lượng Fulrô là đồng bào các dân tộc thiểu số của mình ở Tây Nguyên, bị địch kích động, lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam, với chiêu bài là giành lại quyền tự trị cho vùng Tây Nguyên. Do vậy, chủ trương của ta là kêu gọi lực lượng Fulrô về trình diện, vận động các gia đình có người đi theo bọn Fulrô quay về với cách mạng, chứ không chủ trương dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Fulrô.

Trước khi trung đoàn 2 triển khai nhiệm vụ mới, tháng 11 năm 1975 tôi được hưởng kỳ nghỉ phép đầu tiên của đời lính, sau 11 năm xa quê hương. Lúc đó, tôi đang là thiếu tá, Phó trung đoàn trưởng, trung đoàn bộ binh số 2.

Trên đường về quê, tôi đã có dịp hồi tưởng lại những chặng đường chiến đấu đã qua trên mảnh đất nóng bỏng của chiến trường Khu 5, trong những năm dài đánh Mỹ. Đã có biết bao đồng chí, đồng đội của tôi đã ngã xuống, không được hưởng ngày vui trọn vẹn như tôi hôm nay. Qua chiếc Radio cassete tôi nghe đi nghe lại bài hát “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh” mà rạo rực trong lòng...

Mười năm qua, quê hương tôi có biết bao thay đổi, nhưng con người vẫn một nắng hai sương, vết thương chiến tranh còn in hằn đây đó. Tôi đi cùng anh Lê Ba (Phó Chính ủy Sư đoàn) về Quảng Trị quê anh để tìm lại người thân. Sau cuộc chiến tranh, Quảng Trị quê anh đã bị bom đạn cày xới, tan hoang, xơ xác. Đi đâu, đến đâu cũng gặp người ta đi tìm thân nhân. Cha đi tìm con, vợ đi tìm chồng, anh đi tìm em trong cảnh hoang tàn đổ nát...

Không riêng gì Quảng Trị, dọc hai bên đường trên quê hương tôi, trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cầu cống bị phá hủy, làng mạc, nhà cửa bị cháy đen, những hố bom sâu hoắm khắp nơi; những nấm mồ vừa mới xanh cỏ, khói nhang đang bốc lên dưới ánh chiều tà...

Sau bao nhiêu năm chiến tranh, về đến quê hương mới được tận mắt nhìn thấy, người dân miền Bắc khổ sở như thế nào. Sau mấy chục năm thắt lưng buộc bụng, chi viện cho cuộc chiến tranh ở miền Nam, đến nay vẫn hoang tàn. Hà Tĩnh quê tôi vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn. Nghèo đến nỗi không thể nghèo hơn được nữa. Nhìn cuộc sống của đồng bào mình, mắt tôi cứ rưng rưng...

Ngày ấy, nhân dân miền Bắc nói chung, người Hà Tĩnh chúng tôi nói riêng sống trong chế độ bao cấp, đời sống rất khó khăn. Người lính chúng ta khi về thăm nhà cũng chỉ là hai bàn tay trắng. Trong ba lô chỉ có mấy bộ quân phục đã bạc màu, chưa rũ sạch bụi chiến trường.

Sau khi miền Nam ta được hoàn toàn giải phóng, trên đất nước ta có biết bao nhiêu gia đình, kẻ cười, người khóc. Cùng với thắng lợi trọn vẹn là những mất mát, đau thương không gì có thể bù đắp được. Trong khi những gia đình như tôi được hưởng niềm vui sum họp, sau bao nhiêu năm xa cách thì còn biết bao nhiêu gia đình có chồng, con, anh em hy sinh, nằm lại trên các chiến trường, để lại cho gia đình, người thân nỗi đau, và một khoảng trống vời vợi giữa tâm hồn. Chúng ta xót xa, chia sẻ nỗi đa u này...

Trong những ngày nghỉ phép, tôi được sống trong tình cảm yêu thương vô bờ bến của mẹ, các anh, các chị, và bà con lối xóm. Nhà tôi lúc nào cũng tấp nập khách khứa ra vào. Mẹ tôi bị bệnh nằm một chỗ đã nhiều năm, vậy mà khi thấy tôi trở về bỗng nhiên bà ngồi  dậy, hoạt bát hẳn lên và đi thăm viếng nơi này, nơi khác, cứ như có phép lạ. Hẳn trong những năm qua mẹ tôi đã đổ hết nước mắt và trông đợi mỏi mòn ngày hôm nay...

Cuộc chiến tranh nào mà chẳng phải trả giá. Song nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi. Cả nước lại bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, không thể nào khác được. Trong hoàn cảnh miền Nam vừa mới được giải phóng, kinh tế nhà nước bị kiệt quệ, các thế lực thù địch đang manh nha, tìm cách quay trở lại trên đống đổ nát của cuộc chiến tranh vừa qua... Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lúc này là nỗ lực khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh và bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được. Sau một tháng trời nghỉ phép, tôi lên đường về đơn vị nhận nhiệm vụ mới.

Gia đình, bạn bè có vẻ thất vọng khi tôi không đề cập gì đến chuyện vợ con, trong khi bạn bè cùng trang lứa có nhiều người đã lên “chức ông”, “chức bà”. Trong làng cũng có vài cô gái mà gia đình tôi hy vọng sẽ có cô trở thành con dâu trong nhà. Hoặc có người, ngày xưa cùng tôi nhìn trộm, nhớ thầm thì nay lại có phần e ngại. Ai cũng hiểu rằng chuyện nhân duyên đâu phải ngày một, ngày hai mà nên được.

Ngày tôi trở lại đơn vị, bà con lại “rồng rắn” đưa tiễn tôi tận cuối làng, y hệt như mười năm trở về trước.Tôi bùi ngùi từ giã những người thân yêu, lòng tràn đầy lưu luyến.

Trung đoàn bộ binh 2 đang làm nhiệm vụ truy quét Fulrô ở Đắc Lắc. Nhiệm vụ trung đoàn lúc này là triển khai lực lượng dọc theo trục đường 21, chủ yếu từ đèo Khánh Dương đến huyện MaĐ’Rắc. Ban ngày thâm nhập vào các bản làng, vận động đồng bào các dân tộc vào rừng kêu gọi con em họ rời bỏ hàng ngũ Fulrô, trở về nhà, ra trình diện chính quyền cách mạng, hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng. Phương châm chỉ đạo trong nhiệm vụ truy quét Fulrô là kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, kết hợp các biện pháp cắt nguồn tiếp tế, buộc chúng phải về đầu hàng, giao nộp vũ khí cho chính quyền địa phương. Vì vậy, sau một thời gian ngắn, lính Fulrô ra hàng, mang theo vũ khí ngày càng đông. Chỉ chưa đầy một tháng hoạt động, trung đoàn bộ binh 2 kết hợp cùng các lực lượng vũ trang địa phương gọi hàng, bắt trên 500 lính Fulrô ở hai huyện MaĐ’rắc và K’rôngpách. Nhưng bọn sĩ quan ngoan cố vẫn chưa chịu đầu hàng, vẫn lẩn sâu vào rừng, cấu kết với bọn phản động quốc tế để chống phá ta lâu dài. Điều đó đặt ra cho các lực lượng vũ trang và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên phải tiếp tục giải quyết trong những năm sau này. Thực tế cho thấy, đến nay các thế lực thù địch vẫn lợi dụng bọn chỉ huy Fulrô để dựng lên cái gọi là Nhà nước Đềga ở Tây Nguyên hòng làm mất ổn định chính trị đối với nước ta, nhất là các tỉnh Tây Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 08:22:02 pm »


* * *


Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta được thống nhất. Nhân dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Lịch sử Việt Nam nói riêng, trên bán đảo Đông Dương nói chung đã sang trang mới. Tình hình trong khu vực đã có những biến động mới...

Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương rất sáng suốt. Trước mắt, tuy miền Nam vừa mới giải phóng, đang bộn bề công việc phải làm ngay, song với quan điểm là tiến hành thống nhất giữa hai miền Nam - Bắc càng sớm càng tốt và bắt tay ngay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định tình hình mọi mặt để khôi phục lại kinh tế đã bị kiệt quệ. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng, phù hợp với nguyện vọng của toàn quân và toàn dân ta trong mấy chục năm chiến tranh. Song song là một cuộc điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược trên phạm vi cả nước...

Giữa năm 1976, sư đoàn bộ binh 3 Sao Vàng được lệnh chuyển quân ra miền Bắc. Tôi được điều động về trường Quân chính Quân khu 5, làm cán bộ khung của nhà trường, đào tạo và bổ túc cán bộ phân đội. Đây là lý do vì sao, một quân nhân được sinh ra và trưởng thành ở sư đoàn 3 Sao Vàng để rồi sau đó, năm 1982 lại trở thành một cán bộ sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 309 trong mười năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia mà tôi đã đề cập trong cuốn hồi ký “Cuộc chiến tranh bắt buộc”1.

Sư đoàn bộ binh 3 cơ động ra Bắc. Tuy không nói ra nhưng chúng tôi đã cảm nhận được có điều gì đó bất ổn đối với nền an ninh nước nhà... Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước quá lớn, dễ làm cho người ta nhìn nhận tình hình đang diễn ra trong khu vực một cách chủ quan. Trong thời điểm này, những gì sẽ xảy ra ở hai đầu đất nước trong những năm sau này chỉ có các cơ quan chỉ đạo chiến lược mới có thể tiên liệu được.

Năm 1976, để giúp chính quyền các cấp nắm lại tài sản, thực lực, để có kế hoạch khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh, đề ra kế hoạch phát triển kinh tế, trường Quân chính Quân khu 5 được giao nhiệm vụ tổ chức một bộ phận cán bộ về thành phố Đà Nẵng phối hợp với các tổ chức quần chúng hướng dẫn nhân dân kê khai tài sản. Thời kỳ này nhiều người thường gọi là “đánh tư sản”, một công việc mới mẻ và có nhiều phức tạp đối với chúng tôi ngày đó. Nhất là trong các mối quan hệ đối với nhân dân sau ngày giải phóng.

Những năm tháng giữa hai cuộc chiến tranh (cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã qua và cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc sau này) thật ngắn ngủi so với chiều dài lịch sử của đất nước. Trong thời điểm này không ai hiểu được những gì sẽ xảy ra sau vài năm nữa... Chỉ biết rằng những người lính chúng tôi trải qua cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt nay được sống trong hòa bình thật sung sướng, thoải mái biết bao. Những lớp người như thế thường hay thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Thật vậy, khi tôi được điều về trường Quân chính Quân khu 5, được phái xuống thành phố Đà Nẵng công tác, tôi đã sống hết mình, hăng hái trong công việc và yêu đời với lứa tuổi “ngoài xuân” của mình.

Những ngày công tác tại thành phố Đà Nẵng, lần đầu tiên trong đời tôi biết đến một thứ tình cảm ngọt ngào, êm ái. Đó là tình cảm nam - nữ, mà trong những năm dài chiến tranh khốc liệt chưa có điều kiện để nghĩ đến.

Lúc bấy giờ, bộ đội chúng tôi mới có thời gian để tìm cho mình một người yêu, mong có một mái ấm sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, nay là thời điểm thích hợp nhất, là thời cơ tốt nhất.

Trong các cô gái tình cờ tôi được gặp, tôi chú ý chiều nhất đến Thanh, cô gái mười chín tuổi, đang còn đi học, con một gia đình cách mạng. Lúc này giữa hai chúng tôi có nhiều điểm trái ngược (nếu như không nói là đối nghịch nhau). Trước hết là về tuổi tác, tôi hơn Thanh những “một giáp”. Nhà Thanh không giàu, nhưng cuộc sống, sinh hoạt của người dân đô thị so với người lính thì chúng tôi, nằm mơ cũng không có được. Ngày ấy hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng luôn đậm nét trong lòng người dân thành phố.

Ngay từ đầu, tôi cũng đã được đón nhận những tín hiệu từ đôi mắt, nụ cười kín đáo của Thanh. Tình yêu đến với tôi không sớm, nhưng bất ngờ, mãnh liệt, làm cho tôi “mất ăn, mất ngủ”. Tuy vậy, tôi không định hướng được cuộc sống gia đình của mình sẽ thế nào? Rồi đây tôi sẽ đi đâu, về đâu? Chỉ biết rằng sau thời gian công tác, tôi tìm mọi điều kiện, viện ra mọi lý do để được đến với Thanh, gần Thanh, đi bên nhau trên những con đường bên bờ sông Hàn thơ mộng, đến khuya mới trở về đơn vị trong niềm vui rạo rực...

Say sưa với cuộc sống hiện tại, thời gian như trôi nhanh, đường đi như ngắn lại, mới đó đã hết đợt công tác, tôi lại phải trở về với vị trí của mình ở trường Quân chính Quân khu. Thế là tôi với Thanh đành chia tay nhau, không một lời hẹn ước, chưa một kỷ niệm riêng tư...

Có lẽ “mối tình đầu” của chúng tôi sẽ đơm hoa, kết trái, nếu như không có một cuộc chiến tranh khác đang manh nha xuất hiện ở hai đầu đất nước ta...

Trường Quân chính Quân khu 5 đóng ở chân núi Phước Tường, xã Hòa Cầm, một căn cứ huấn luyện của quân đội Sài Gòn trước đây. Trường lúc này do đồng chí Phan Viên làm hiệu trưởng, Nguyễn Hải, chính ủy, Lê Minh Châu hiệu phó, trưởng phòng huấn luyện.

Tôi được điều về đây, có lẽ cũng trên cơ sở trong những năm 1972 - 1973 sau khi dự lớp bổ túc cán bộ tiểu đoàn, lúc trường còn ở trên sông Xà Lò thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tôi được nhà trường giữ lại làm giáo viên khoa công binh. Giờ đây tôi được phân công làm phân khoa trưởng lớp bổ túc cán bộ tiểu đoàn. Anh Phan Văn Dần làm chính trị viên. Cả anh Dần và tôi đều mang quân hàm thiếu tá.

Chiến tranh vừa mới kết thúc, nhà trường còn bộn bề công việc. Điều cốt lõi đối với nhà trường là “Nội dung huấn luyện”, vẫn như cũ, chưa có bổ sung, phát triển gì mới so với trước đây, lúc tôi còn là học viên của trường. Một mặt do chưa có thời gian để tổng kết cuộc chiến tranh vừa qua bổ sung vào tài liệu giảng dạy, mặt khác ta cũng chưa định hình được một cuộc chiến tranh tương lai? Chủ yếu vẫn cứ loay hoay giải quyết vấn đề đời sống vật chất, tinh thần và cơ sở hạ tầng của nhà trường. Những ai đã từng công tác ở đây hẳn còn nhớ: cứ mỗi buổi chiều hàng trăm cán bộ nhân viên, học viên phải đi bộ 2 -3 cây số, lên sông Túy Loan mới có nước để tắm giặt. Cán bộ nhà trường thường phải đứng ra phân phối nước hàng ngày cho bộ đội.
_______________________________________
1. Nhà xuất bản Trẻ, xuất bản 10/2004.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 08:22:35 pm »


Tháng 6 năm 1977, Quân khu điều động tôi về làm phó hiệu trưởng trường Hạ Sỹ quan Quân khu, đóng quân tại xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cạnh đường quốc lộ số 1. Đây là trường đào tạo tiểu đội trưởng bộ binh, khẩu đội trưởng trợ chiến và chuyên môn các ngành công binh, thông tin, trinh sát... Hiệu trưởng của trường lúc này là đồng chí Phan Thanh Dư, sau đó là Phạm Xưởng; chính ủy là đồng chí Nguyễn Văn Chước, người đã cùng với tôi đi suốt chặng đường dài từ chiến dịch Xuân - Hè năm 1975 cắt đường quốc lộ số 19 đến kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong Ban giám hiệu còn có anh Phạm Tấn Bá, thiếu tá, hiệu phó.

Thế là tôi xa trường Quân chính Quân khu 5, xa thành phố Đà Nẵng, cùng với “mối tình đầu” vừa chớm nở. Trong “tình trường” người ta thường nói: “Mối tình đầu” có mấy ai thành công. Sau này tôi và Thanh nằm trong trường hợp đó...

Về nhận công tác ở trường Hạ Sỹ quan quân khu, được làm việc cùng các đồng chí trong Ban giám hiệu là những người đã cùng sống và chiến đấu bên nhau trên chiến trường Quân khu 5, tôi rất vui. Ban giám hiệu có 5 đồng chí, thì ba người đang là “lính trơn” chưa có gia đình riêng. Tôi với đồng chí Phạm Tấn Bá là người ít tuổi nhất.

Thời gian giữa hai cuộc chiến tranh quá ngắn ngủi. Nhiều người trong chúng tôi chưa có đủ điều kiện để lo việc riêng. Trước tình hình đó, nhà trường đã bắt đầu quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội. Trong cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, mọi người đều dồn hết tâm trí vào nhiệm vụ. Có nhiều người suốt chiều dài cuộc chiến tranh mười năm, 20 năm cha chưa gặp được con, vợ chưa gặp được chồng, nay dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng đây là nguyện vọng, là nhu cầu chính đáng, nên chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để anh em đoàn tụ với gia đình ngay trong khu vực doanh trại. Các đơn vị đều tổ chức nhà “chiêu đãi sở”, đón khách gia đình quân nhân. Khu nhà khách gia đình lúc nào cũng nhộn nhịp, đông vui.

Ngoài giờ làm việc tôi không biết đi đâu, làm gì. Nhiều lúc cảm thấy thời gian như dài thêm.

Đang lúc ước ao có một “niềm vui nho nhỏ” để cho các ngày nghỉ, giờ nghỉ, có ý nghĩa hơn, tôi đã gặp cô giáo Lê Thị Minh Luân - người mà sau này là vợ tôi. Luân kém tôi 8 tuổi, là giáo viên của trường công nhân khảo sát thủy lợi, thuộc Bộ thủy lợi. Hai trường chúng tôi chỉ cách nhau 3 km. Tình yêu đến với chúng tôi không sớm, đã hội đủ những điều kiện để thành vợ,  thành chồng. Nhưng cuộc chiến mới lại ập đến, bắt buộc chúng tôi phải tạm gác tình cảm lại. Sau năm tháng phục vụ ở trường Hạ Sỹ quan, vào tháng 11 năm 1977, Quân khu ra quyết định điều động tôi về làm trung đoàn trưởng, trung đoàn bộ binh 31 thuộc sư đoàn 2. Như vậy, tôi phải trở lại Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi trung đoàn bộ binh 31 đang đóng quân tại huyện Thăng Bình.

Những ngày đầu tiên ở trường Hạ Sỹ quan quân khu, khi chưa có gì để mà đốt cháy thời gian rảnh rỗi, nhưng từ ngày tôi và Luân gặp nhau, tình cảm ngày một đằm thắm thì thời gian như ngắn lại. Mới đó mà đã qua 5 tháng, tôi lại phải xa trường Hạ Sỹ quan quân khu về trung đoàn bộ binh 31. Tâm trạng tôi lúc này như có cái gì níu kéo: một bên là tổ chức phân công, không thể thoái thác; một bên là tình yêu vừa chớm nở cũng không kém phần “quyết liệt”. Những năm tháng chiến đấu, được Đảng và quân đội giáo dục, rèn luyện, tôi đã quyết định sự lựa chọn là chiến trường, nơi đang cần đến những người lính chúng tôi. Thương thay cho những người phụ nữ đã không được quyền quyết định số phận của những người lính trong lúc này. Hai chúng tôi đành tạm chia tay nhau, hy vọng thời gian sẽ không xoá đi những gì mà chúng tôi đã xây dựng được và nhất định rồi đây sẽ nên vợ, nên chồng.

Cuộc tình lãng mạn của chúng tôi phải kéo dài đến năm 1979 mới trở thành hiện thực. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn hiện tại, tôi tổ chức đoàn cán bộ của trung đoàn bộ binh 31 đi lên tỉnh Dăklăk để chuẩn bị cho nhiệm vụ sắp đến. Lúc này, trung đoàn bộ binh 31 vẫn đang tập trung huấn luyện tại căn cứ của sư đoàn bộ binh số 2 ở Tuần Dưỡng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Chưa biết tính chất, nhiệm vụ sắp đến như thế nào, nhất là đối tượng tác chiến và địa hình trên chiến trường; do đó, nội dung huấn luyện hiện tại chưa có gì mới. Trung đoàn vẫn huấn luyện theo chương trình đã được sư đoàn phê chuẩn. Trong đó các nội dung về chiến thuật vẫn theo lối đánh truyền thống của quân đội ta trong các cuộc chiến tranh, như chiến thuật “vận động tiến công kết hợp chốt”, “tập kích hiệp đồng binh chủng” tiến công địch trong công sự vững chắc... Về kỹ thuật vẫn “đánh bộc phá liên tục”, “khắc phục vật cản qua các lớp rào thép gai”... Thực tế sau này cho thấy, khi cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trên tuyến Biên giới Tây Nam nổ ra, các nội dung trên chưa thật phù hợp với đối tượng tác chiến và địa hình nơi trung đoàn hoạt động.

Tháng 12 -1977, đoàn cán bộ trung đoàn bộ binh 31 xuất phát từ căn cứ đóng quân ở huyện Thăng Bình, theo quốc lộ số 1 vào tỉnh Bình Định, rồi theo trục đường 19 lên tỉnh Gia Lai, Đăklăk. Mối tình vừa chớm nở, những kỷ niệm đẹp đẽ với bao hy vọng về một cuộc sống tương lại, hạnh phúc... lùi dần về phía sau. Đoàn xe đưa chúng tôi lao nhanh về phía trước, nơi sắp bắt đầu một cuộc chiến tranh mới...

Lúc đi qua ấp Bình Tường, thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, tôi vẫy tay cho đồng chí lái xe dừng lại. Cùng với mấy anh em trong cơ quan tham mưu trung đoàn xuống xe, đứng lại bên vệ đường.

Nơi đây đã ghi vào ký ức tôi một kỷ niệm đau buồn, không bao giờ quên được! (Tôi nghẹn ngào nói với anh em). Cuối năm 1969 tiểu đoàn công binh số 19 của chúng tôi, trong một lần vượt đường qua đây đã bị tổn thất nặng nề (như trong phần đầu tôi nói đến).

Chúng tôi dành mấy phút tưởng nhớ các đồng chí đã hy sinh rồi tiếp tục lên xe hướng về đèo Thượng Giang (tức là đèo An Khê về phía đông, thuộc địa giới tỉnh Bình Định).

- Đây là xã Phú Phong!

Vừa đi, tôi vừa chỉ cho anh em những địa danh, kèm theo những sự kiện mà tôi được trực tiếp tham gia - Ở cái cầu này đây! Chúng tôi đã tổ chức dập tắt ổ đề kháng của địch, đồng chí chính trị viên tiểu đoàn Ninh Văn Xá hy sinh. Kia là trận địa pháo của địch chi viện cho các đồn bốt trên đường đèo; chúng bắn như điên, như dại mỗi khi các đoàn xe đi lên đường đèo bị tiến công!

Khi Tây Nguyên bị thất thủ, trên các trục đường bị chặn cắt, chúng bỏ cả xe pháo lại đây, cắt rừng tháo chạy!

Đến chân đèo, chúng tôi dừng lại hơi lâu một chút. Trải qua những năm chiến đấu ở đây, tuy đã có nhiều lần đi chuẩn bị chiến trường, bò ra mặt đường để quan sát, phục kích, diệt xe cơ giới địch, làm chủ mặt đường diễn ra thường xuyên, song không được tự do đi lại trên đường như bây giờ. Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi cũng chưa có dịp nào được đi qua đây. Đến thời điểm này thì cũng đã hai năm. Những sự kiện diễn ra trên chiến trường này vẫn còn nóng hổi. Dấu vết của cuộc chiến tranh ở đây chưa bị xóa mờ.

- Đây là cống Hang Dơi! Tôi giới thiệu với anh em cùng đi. Thực ra Hang Dơi là cái tên của bộ đội ta đặt ra. Vì trong cống này có rất nhiều Dơi.

Cống được đúc bằng bê tông, lòng cống là những tấm tôn vòm chắc chắn. Độ dày từ nóc cống lên đến mặt đường phải đến hai mét. Trong cống có thể chứa được đến cả một trung đội, có nước suối trong xanh chảy qua. Phía bắc cống Hang Dơi là sườn của dãy núi Ông Bình. Phía nam là con suối Dầu, bên kia suối Dầu là núi Chóp Vung và núi Hòn Kiềng, là những điểm chốt trước đây từ một trung đội đến một đại đội địch trấn giữ.

Tại cống Hang Dơi này đầu năm 1972, đại đội 63 tiểu đoàn 6 chiến đấu ở đây, đánh bại nhiều đợt phản kích giải tỏa của địch, bắt sống được hai tên lính Nam Triều Tiên, một tên đã tự sát trong chiến dịch cắt đường 19 kéo dài hơn hai tuần, phối hợp với mặt trận B3 - Tây Nguyên. Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, trung đoàn bộ binh 12 đã đánh chiếm một loạt chốt địch từ đỉnh đèo An Khê xuống đến cống này. Trung đoàn bộ binh 141 đánh chiếm các mục tiêu từ cống Hang Dơi xuống cầu Vườn Xoài, cao điểm 105. Đường quốc lộ số 19 vĩnh viễn sạch bóng quân thù từ đó.

Tôi muốn giới thiệu cụ thể với anh em cán bộ cùng đi, một mặt vì trung đoàn bộ binh 31 thuộc sư đoàn 2 trong chiến tranh chống Mỹ hoạt động ở tỉnh Quảng Nam. Mặt khác, tôi cũng muốn, trong dịp này có điều kiện ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, mà đã có biết bao đồng chí, đồng đội ngã xuống trên đoạn đường đèo “máu lửa” này. Tôi muốn đứng lại lâu trên đỉnh đèo để một lần nữa, ngắm lại toàn bộ đèo An Khê, con đường quốc lộ 19 chạy ngoằn ngoèo giữa một vùng rừng núi hiểm trở, đã chôn vùi biết bao xác giặc ngoại xâm trong các cuộc chiến tranh của thế hệ cha anh trước đây và trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược đối với thế hệ chúng ta ngày nay.

Chúng tôi tiếp tục hành quân hướng về chiến trường biên giới Tây Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 08:24:55 pm »


THAY LỜI KẾT


Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã trôi qua được trên 30 năm. Trên 30 năm ấy, đất nước thân yêu của chúng ta đã trải qua nhiều biến động, thay đổi. Màu xanh đã giành lại quyền sống trên những cánh đồng. Dấu vết của những hố bom đã phai mờ trên cơ thể của quê hương. Tuy vậy, hình bóng của chiến tranh vẫn còn lẩn khuất ở đâu đó trên cõi đời này. Nó vẫn tồn tại một cách dai dẳng trong sâu thẳm tâm hồn và trong lòng người chiến sĩ. Mỗi lần nhớ về chiến tranh, tôi luôn tự hỏi thầm rằng: vì sao, vì lẽ gì mà dân tộc Việt Nam lại dám đương đầu với đế quốc Mỹ và đã đánh thắng chúng - gã sen đầm hùng mạnh nhất trong thế giới thực dân - kẻ chưa từng biết đến mùi vị thất bại? Rằng: vì sao, trong những tháng năm tàn khốc ấy, nhất là sau tổng công kích, tổng khởi nghĩa tết Mậu Thân, chúng ta kiệt sức, bị địch càn quét, rượt đuổi, phong tỏa, nhiều đơn vị phải ăn rau rừng, nhiều chiến sĩ phải chết đói, vậy mà, chúng ta vẫn tìm được cách để tồn tại và tồn tại một cách kiêu hãnh. Nhiều lúc, tôi không thể hiểu được, lý giải được là vì sao, trong cơn đói hành hạ dai dẳng, người lính lấy đâu ra sức lực để có thể đánh bại được kẻ thù?...

Thế nhưng, chính những người lính bình thường đang run rẩy vì đói rách kia vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu, cắn răng mà chiến đấu cho tới thắng lợi hoàn toàn. Trong những trận đánh công kiên vào đồn địch, nhiều chiến sĩ trong đơn vị tôi đã hy sinh ngoài cửa mở. Những người khác phải băng qua cái chết của đồng đội, tiếp tục ôm bộc phá xông lên phá tan hàng rào cuối cùng cho bộ binh đánh chiếm đồn địch. Những người chiến sĩ ấy, chẳng lẽ không biết sợ ư? Họ đã được giáo dục như thế nào để có thể làm được một công việc khó khăn như thế? Tôi cũng đã từng chứng kiến những người mẹ, người chị, người anh trên mảnh đất miền Trung tham gia cách mạng, bị địch bắt, bị tra tấn, hành hạ đến thân tàn ma dại, nhưng vẫn không khuất phục quân thù? Vậy thì, tại sao, vì lẽ gì mà người ta lại có thể chịu đựng được như vậy? Có người nói đó là lòng tin. Nhưng cao hơn lòng tin là cái gì? - Phẩm hạnh chăng? Vâng, có thể chính phẩm hạnh mới giúp cho con người vượt qua tất cả. Bởi phẩm hạnh chỉ có thể có khi con người bị chà đạp, đọa đày. Càng nghĩ tôi càng cảm thấy có một điều gì đó vừa vĩ đại, vừa thần bí trong lòng dân tộc ta. Sự vĩ đại, thần bí ấy luôn được nuôi dưỡng và gìn giữ một cách cẩn trọng trong lòng mỗi người dân và bùng phát khi hữu sự. Làm sao ta có thể hiểu được một bà mẹ miền Bắc có thể ngồi chửi cả tuần lễ chỉ vì bị mất cắp một con gà, nhưng bà mẹ ấy lại sẵn sàng chấp nhận cho các con của mình lần lượt lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc? Cũng chính bà mẹ ấy ở nhà tham gia lao động sản xuất, ăn đói mặc rách dành từng bát gạo, thước vải, gởi ra chiến trường. Và, cũng lại những bà mẹ ấy, khi cần, dỡ cả ngôi nhà - tổ ấm của mình - làm đường cho xe qua, làm hầm cho người chiến sĩ... Rõ ràng, phẩm chất ấy chỉ có thể có được ở con người Việt Nam và làm nên tố chất Việt Nam. Tố chất ấy đã tạo ra trí tuệ, khí phách, sức chịu đựng dẻo dai của người dân Việt. Chính cái tố chất thần bí ấy đã làm nên những chiến công vang dội trong lịch sử dân tộc như: Bạch Đằng, Xương Giang, Chi Lăng, Rạch Gầm, Đống Đa, Tây Kết, Vạn Kiếp, Điện Biên Phủ, Vạn Tường, Bàu Bàng, Đồng Rùm, Khe Sanh, đường 9 - Nam Lào, Buôn Ma Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh. Chính tố chất Việt Nam đã hun đúc nên Đảng ta mà chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta là tinh hoa, tổng hòa của các tố chất đó. Nếu không có tố chất Việt Nam, chúng ta khó có thể trụ vững được trước 10.000 ngày đạn bom và sự tàn bạo của quân thù.

Để giải thích sự chiến thắng của dân tộc ta, có người cho rằng cuộc chiến tranh của chúng ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Chúng ta chiến thắng vì chúng ta có chính nghĩa. Sự lý giải đó, dĩ nhiên không ai phủ nhận, nhưng trên thực tế, có nhiều dân tộc cũng cầm súng chống lại đế quốc, họ có chính nghĩa đấy, song có giành được thắng lợi trọn vẹn đâu? Chính nghĩa là một trong những yếu tố quan trọng để giành thắng lợi, nhưng chính nghĩa không phải là tất cả. Tự đề cao mình là một điều không nên có trong lòng người cách mạng, nhưng trong trường hợp duy nhất này, chúng ta có đánh giá nào khác hơn khi nói về Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ, nhà văn hóa vĩ đại, của dân tộc ta, quân đội ta. Chính Người đã giáo dục, đào tạo, bồi đắp, làm cho trí tuệ Việt Nam, tố chất Việt Nam trong lòng chúng ta trở nên mạnh mẽ. Dân tộc ta giành được chiến thắng là do có một nền tảng bền vững như thế.

Trong những năm qua, phía Mỹ cũng đã có nhiều cuộc hội thảo nhằm mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại trong chiến tranh Việt Nam. Một trong những nguyên nhân lớn nhất, theo họ, là cuộc chiến không được lòng nhân dân Mỹ. Chính nhân dân Mỹ đã không cho nước Mỹ chiến thắng(?). Phải thừa nhận rằng: cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ cũng đã góp một phần quan trọng trong chiến thắng của dân tộc ta. Nhưng nếu chúng ta không đánh bại được các lực lượng tinh nhuệ, sừng sỏ nhất của Mỹ trên chiến trường làm thất bại lần lượt từng âm mưu chiến lược của chúng; nếu hiệu suất của các trận đánh không cao, binh lính Mỹ không bị thương vong nhiều thì chưa chắc các cuộc biểu tình phản đối, đòi rút quân Mỹ về nước đã xảy ra. Sự giàu có và tiềm năng quân sự hùng hậu luôn tạo cho quân Mỹ thói ngạo ngược, coi thường tất cả. Họ tôn sùng sức mạnh và luôn dùng sức mạnh để giải quyết xung đột, giành chiến thắng. Ở nhiều nơi trên thế giới, họ đã làm được điều đó. Nhưng ở Việt Nam thì không, mãi mãi không. Người Việt Nam đã tìm được tập thể lãnh đạo và lãnh tụ cho mình. Người Việt Nam luôn đoàn kết dưới ngọn cờ đó. Người Việt Nam luôn đem sức mạnh của lòng tin để đánh bại kẻ thù có lòng tin sức mạnh. Tôi nghĩ: người Mỹ khó có thể hình dung ra sự thất bại qua ý nghĩa này. Tôi cho rằng: việc các chính khách Mỹ phải làm trước tiên sau chiến tranh Việt Nam chưa phải là việc tìm ra nguyên nhân thất bại, mà là việc phải nghiên cứu lại lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu để biết, để rút ra các bài học là không bao giờ có thể dùng sức mạnh áp đặt được lối sống lên dân tộc Việt Nam, áp đặt được ý muốn lên dân tộc Việt Nam.

Cũng trong thời gian gần đây, theo đề xuất của các nhà khoa học trên thế giới, một bộ môn khoa học mới xuất hiện là “Việt Nam học”. Rõ ràng, việc xuất hiện bộ môn khoa học này chứng tỏ Việt Nam là một hiện tượng mang ý nghĩa toàn cầu. Hiện tượng đó đã được giới khoa học quan tâm. Giới khoa học mong muốn qua việc nghiên cứu về Việt Nam có thể tìm ra những kinh nghiệm quý báu, trước tiên là vì Việt Nam và cũng vì nhân loại. Chúng ta không thể không tự hào về dân tộc mình - một dân tộc lấy nhân nghĩa làm đầu, lấy nhân nghĩa để tồn tại và lấy nhân nghĩa mà chiến thắng.


***


Trong quá trình sưu tầm các tư liệu và hoàn thiện bản thảo của cuốn sách, tôi đã được sự cổ vũ, động viên và giúp đỡ nhiệt tình của nhiều đồng chí, đồng đội và bạn bè gần xa. Có nhiều đồng chí là bạn chiến đấu, là “người trong cuộc”, đã gắn bó với nhau trong suốt những năm ác liệt chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ ở chiến trường miền Nam nói chung và Liên khu 5 nói riêng, đã cung cấp, bổ sung nhiều tư liệu xác thực.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, tôi xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản đã tạo điều kiện thuận lợi để cuốn sách được đến tay bạn đọc trong dịp kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của nước ta nói chung; ngày truyền thống của sư đoàn Sao Vàng nói riêng. Cũng nhân dịp này, một lần nữa tôi xin cảm ơn nhà văn Văn Lê, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, thiếu tướng Nguyễn Duy Thương, nguyên phó tư lệnh - tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh 3 thuộc Quân khu 5 trong chiến tranh chống Mỹ, nguyên phó tư lệnh - tham mưu trưởng Quân đoàn 14, nguyên trưởng khoa chiến dịch, chiến thuật Học viện Quốc phòng; đại tá Nguyễn Văn Tích - nguyên cán bộ thuộc phòng chính trị sư đoàn bộ binh số 3, đã chiến đấu và công tác suốt 10 năm tại chiến trường Liên khu 5, nguyên cán bộ phòng bảo tàng quân đội; đại tá Mai Tiến Mỹ - nguyên sư đoàn trường sư đoàn bộ binh số 2 Quân khu 5; đại tá Lưu Quang Đông nguyên phó chính ủy trung đoàn bộ binh số 2 thuộc sư đoàn 3, người đã cùng với chúng tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu - nguyên phó tư lệnh về chính trị Quân đoàn số 26; Đồng chí Nguyễn Kiên Cường, người chiến sĩ thông tin liên lạc thuộc tiểu đoàn 6, trung đoàn bộ binh 12 đã cùng đại đội 63 chiến đấu dũng cảm trong 18 ngày đêm tại cống Hang Dơi - đường 19, đèo An Khê năm 1972, bắt sống tù binh Đại Hàn; cùng nhiều đồng chí khác.

Ngoài sự giúp đo bổ sung của các đồng chí nói trên, tác giả có sử dụng một số tư liệu từ cuốn lịch sử Sư đoàn 2, Sư đoàn Sao Vàng thuộc Quân khu 5 và các tác phẩm viết về nữ anh hùng liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.

Tuy nhiên vì thời gian các sự kiện đã quá xa, cuốn sách sẽ còn có thiếu sót, kính mong các đồng chí và các bạn tiếp tục góp ý kiến, bổ sung để cuốn sách được hoàn thiện hơn.

TP. HCM, ngày 30 tháng 04 năm 2007
Đại tá NGUYỄN VĂN HỒNG




Hết

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM