Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:32:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu tự nguyện  (Đọc 56978 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:52:15 pm »


TẬP KÍCH CỤM XE TĂNG MỸ Ở DỐC SỎI


Sau khi cầu Châu Ổ bị đánh sập, sự chi viện, tiếp tế giữa vùng I và vùng II chiến thuật của địch gặp nhiều khó khăn. Đường số 1 ở tỉnh Quảng Ngãi và một số nơi khác bị băm nát, bị cắt thành nhiều khúc. Những nơi không đánh sập được cầu cống, nhân dân ta dựng các chướng ngại vật. Lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích phục kích, chặn đánh địch khắp nơi. Các căn cứ, thị trấn, thị xã bị uy hiếp. Nhiều nơi địch bị bức hàng, bức rút, hoặc thỏa hiệp với địa phương cho chúng án binh bất động. Đồn Núi Lá ở chân núi Dốc Dài, thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bị vô hiệu hóa. Đồn Cộng Hòa, đồn số 7 ở Quảng Ngãi, ta không tiến công mà địch đã tháo chạy, v.v...

Trước tình hình đó, lực lượng liên quân Mỹ - Sài Gòn bằng mọi cách muốn tồn tại, phải giải tỏa bằng được những vùng trọng điểm.

Ngày 25-2-1968, một đại đội xe tăng, xe bọc thép, thuộc Sư đoàn American Mỹ tiến hành càn quét giải tỏa dọc trục đường đất đỏ từ thị trấn Châu Ổ, lên hướng huyện lỵ Trà Bồng, một huyện miền núi đang bị ta uy hiếp.

Sau khi đánh sập cầu Châu Ổ, cắt đứt đường quốc lộ số 1 đại đội tôi được lệnh di chuyển về thôn Trà Bình để phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đánh địch càn quét.

Con đường đất đỏ, bắt nguồn từ đường quốc lộ số 1, tại thị trấn Châu Ổ, chạy dọc phía Nam sông Trà Bồng, lên huyện lỵ Trà Bồng, đã được nâng cấp. Dốc Sỏi không cao lắm, gần như bằng phẳng so với địa hình xung quanh và cách thị trấn Châu Ổ khoảng 3 km. Hai bên đường là vườn tược đã bỏ hoang. Nhân dân ở đây đã bị địch dồn vào các ấp chiến lược. Những vườn cây ăn trái như cam, chuối, dừa bị đốt cháy, khô héo. Dừa chỉ còn lại gốc; có gốc còn đang cháy âm ỉ, ban đêm ánh lửa lập lòe như ma trơi. Từ đường ra đến bờ sông, có nơi chỉ cách 200 - 300 mét. Có đoạn phải vượt qua hào ấp chiến lược, rộng khoảng 2 - 3 mét, sâu khoảng 1,5 mét, cây cối mọc um tùm. Được các đồng chí du kích dẫn đường, tôi đã hình dung được phần nào về địa hình ở đây khá thuận lợi cho việc tiếp cận, tập kích địch.

Càn quét dọc trục đường đất đỏ, bị bộ đội địa phương và dân quân du kích chặn đánh, đại đội xe tăng, xe bọc thép, chủ yếu là xe thiết giáp M113, và xe tăng M41, thuộc một Lữ đoàn của Sư đoàn American Mỹ, co cụm tại Dốc Sỏi vào buổi tối, để sáng hôm sau tiếp tục càn quét lên hướng huyện lỵ Trà Bồng. Chúng tôi được lệnh tập kích cụm xe tăng này ngay đêm đó.

Vừa đánh cầu Châu Ổ hai ngày và vừa di chuyển đến vị trí mới, nhưng theo yêu cầu nhiệm vụ, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Phải nói rằng: nếu không được sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang địa phương ở đây, chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trên địa hình mới lạ này.

Tôi tổ chức một trung đội, chia làm hai tổ. Tổ thứ nhất, do một đồng chí tiểu đội trưởng chỉ huy, có du kích dẫn đường, tiếp cận từ hướng Tây tiến công dọc theo đường đất đỏ xuống cụm xe tăng địch. Tổ thứ hai do tôi trực tiếp chỉ huy, tiếp cận từ hướng bờ sông Trà Bồng đánh vào. Lực lượng phối hợp là du kích địa phương. Trên chiến trường miền Trung nói chung và tại tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, bộ đội địa phương và dân quân du kích là những người kiên cường, dũng cảm, ngày đêm bám sát địch. Trình độ tác chiến của anh chị em không thua kém bộ đội chủ lực bao nhiêu. Khác chăng chỉ là không được trang bị vũ khí mạnh hơn và lực lượng không được tập trung hơn. Lực lượng du kích ở đây không phân biệt già, trẻ, con trai hay con gái, đàn ông hay đàn bà, tất cả cùng sát cánh bên nhau chiến đấu để bảo vệ quê hương với khẩu hiệu: Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc! Chúng tôi rất khâm phục và học tập được rất nhiều điều trong những ngày cùng chiến đấu bên cạnh bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ở đây họ là hai lực lượng chiến đấu tại chỗ trên địa bàn huyện, xã, rất thông thạo địa hình và thường xuyên nắm rõ tình hình địch. Không có lực lượng này thì bộ đội chủ lực gặp rất nhiều khó khăn nếu như không nói là có lúc không hoàn thành được nhiệm vụ. Bộ đội chủ lực, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích, cùng với đội quân tóc dài mãi mãi là sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam, toàn dân, toàn diện, đánh đuổi ngoại xâm từ xưa đến nay, cũng như trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau này.

Trong trận này, chúng tôi được các đồng chí du kích thôn Trà Bình, bám sát địch từ chiều dẫn đường vào tận nơi, cách địch từ 15 đến 20m, chỉ cho chúng tôi từng chiếc xe tăng đang giấu mình trong các lùm cây hoặc sau các gò đất. Các đồng chí còn đề xuất với tôi cách đánh rất táo bạo.

Tôi bố trí tổ hoả lực chống tăng B41 dưới một gốc dừa đã bị cháy, nhô lên như một mô đất, cách xe tăng từ 15-20 m. Nằm ở vị trí này có thể quan sát hầu hết các mục tiêu, nhưng địch lại khó phát hiện được ta. Dưới ánh trăng cuối tháng lờ mờ, hơi nước từ dưới sông bốc lên mát lạnh. Có tiếng lách cách từ đâu vọng lại y nhu tiếng lên quy lát súng. Trong khu vực, mục tiêu vẫn yên tĩnh. Sau nhiều lần bị ta tập kích lúc đi càn quét ngoài căn cứ, địch rất sợ ban đêm.

Tôi chọn các mục tiêu cần tiêu diệt trước, giao nhiệm vụ cho đồng chí Bình, xạ thủ súng B41, rồi cùng đồng chí du kích lùi lại phía sau, lợi dụng bờ ấp chiến lược để quan sát. Lúc này đúng 22 giờ 45 phút.

Đồng chí Bình, người dân tộc Mường, quê Thanh Hoá, là một chiến sĩ vừa to,vừa khỏe, nặng phải đến 70 - 75 kg, rất bình tĩnh và có tinh thần dũng cảm tuyệt vời. Với trình độ “thiện xạ” của đồng chí, trong nhiều trận phục kích giao thông, diệt các đoàn xe địch, đồng chí thường được giao nhiệm vụ chặn đầu bằng súng B41. Giao nhiệm vụ cho đồng chí, lần nào tôi cũng tin tưởng và an tâm.

Tiếc thay, trong một trận chiến đấu trên đường số 1 tại Cống Đôi thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi tháng 12/1968, đồng chí đã anh dũng hy sinh cùng với đồng chí Đức và một du kích, tên là Huỳnh Văn Bình. Trận đánh này, cũng cho tôi một bài học về việc đánh giá tình hình địch, việc ta áp dụng hình thức chiến thuật trong điều kiện cụ thể trên chiến trường. Trong chiến đấu, có tinh thần, ý chí cao vẫn chưa đủ, người chỉ huy, dù ở cấp nào cũng phải có kiến thức cần thiết trên cương vị của mình. Yêu cầu cao nhất trong từng trận chiến đấu là tiêu diệt được địch, làm chủ được trận địa, tổn thất của ta phải thấp nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:52:43 pm »


Trận đánh giao thông trước đó tại Cống Đôi, địch có khoảng một trung đội, chốt giữ trên 2 cái cống, cống đường số 1 và cống đường sắt, cách nhau khoảng 10 - 15m, cho nên ở đây nhân dân thường gọi là Cống Đôi. Địch tập trung ở Cống đường sắt. Chúng có công sự và hầm kiên cố xếp bằng bao cát. Bên ngoài có một lớp rào kẽm gai lò xo, xen kẽ mìn sát thương bộ binh. Mục tiêu Cống Đôi thuộc loại “Địch trong công sự”. Với mục tiêu này theo nguyên tắc chiến thuật và trong thực tế chiến đấu trên chiến trường lúc bấy giờ, để đánh chiếm, lực lượng ta cần phải có một đại đội và tổ chức hỏa lực chặt chẽ mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Ở đây, chúng tôi chỉ tổ chức một tổ 3 đồng chí, trong đó có một du kích, bí mật chui qua lớp rào, đột nhập từ hướng Bắc vào mục tiêu. Tổ này đã vào được sát lô cốt. Hỏa lực chỉ có 2 khẩu B41, bố trí ở cống đường số 1, phía Đông. Thông tin liên lạc chỉ theo hiệp đồng ban đầu. Mãi đến 4 giờ sáng mới nổ súng. Tổ chiến đấu do đồng chí Bình chỉ huy bị “tà” ngay sau những quả đạn B41 đầu tiên...

Bị đánh bất ngờ, bọn lính kêu la. Có mấy tên bị rơi xuống ruộng. Trong lúc đội hình lộn xộn, một tên Mỹ giơ hai tay đầu hàng... Trong lúc tranh tối, tranh sáng, thằng Mỹ “nhìn gà hóa cuốc”, tưởng rằng Việt cộng đã tràn ngập mục tiêu. Thấy vậy mấy tên lính bảo an trao súng cho hắn.

Hôm sau du kích phái cơ sở mật đi nắm tình hình. Mấy tên lính địch ở đó nói rằng:

- Rất may, ba ông Việt cộng bị chết, nếu không, họ chiếm được lô cốt ở phía Bắc Cống thì bọn tôi đã “tiêu” hết cả rồi!

Ngay sáng hôm đó, địch đổ quân lên khu vực phía tây căn cứ Nước Mặn, đồng thời chúng cho quân càn vào thôn Trị Bình (phía Tây Cống Đôi) đốt phá nhà dân. Chúng đã bắn chết đồng chí Bia, một cán bộ xã ngay ở đầu làng, lúc đồng chí chưa kịp sơ tán lên núi. Sau đó đồng chí Mau, xã đội trưởng và một số du kích, cũng hy sinh tại đây.

Đầu năm 2004, tôi có dịp đi qua xã Bình Nguyên tìm viếng mộ đồng chí Bình và đồng chí Đức, tại nghĩa trang toạ lạc trên sườn đồi, cạnh đường quốc lộ số 1 thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Bên cạnh mộ của đồng chí du kích Huỳnh Văn Bình, đồng chí xã đội trưởng Nguyễn Văn Mau, có rất nhiều nấm mộ “Chiến sĩ vô danh”... Chắc chắn hai đồng chí của chúng ta đang nằm trong số “Chiến sĩ vô danh” đó. Cô cháu gái của đồng chí Bia, nay là một cán bộ xã làm việc tại ủy ban nhân dân xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn.

Xin trở lại với trận đánh đêm nay tại Dốc Sỏi.

Trời đã về khuya. Cảnh vật đang im lìm như trong giấc ngủ. Khí hậu từ chỗ mát dịu chuyển sang lạnh lẽo. Sương đêm đã ướt áo. Trăng lặn từ hồi nào không hay, nhưng nền trời vẫn đầy sao lấp lánh. Ngày mai trời sẽ nắng to. Tôi đưa tay xem đồng hồ. Đã 0 giờ 30 phút. Tức là 12 giờ rưỡi đêm. Đã qua giờ G theo hợp đồng mà tôi vẫn chưa liên lạc được với tổ thứ nhất, mặc dù hai tổ không cách xa bao nhiêu và đã có du kích dẫn đường. Lúc vào tiếp cận, từ vị trí chỉ huy, tại bờ hào ấp chiến lược, trước khi hai tổ tách ra theo hai hướng tôi đã bổ sung hiệp đồng với hai đồng chí tiểu đội trưởng. Sau này mới biết, ở hướng đó, địch sợ bị ta tập kích, nên đã bí mật di chuyển vị trí, dồn về hướng tiến công của tổ chúng tôi. Chúng dựa vào bờ sông, đề phòng trên trục đường phía Tây, nhưng hướng bờ sông lại là nơi chúng không ngờ. Thế mới biết, ý kiến đề xuất của anh em du kích, chọn hướng từ bờ sông đánh vào là rất chính xác. Trong chiến đấu, mọi tình huống đều có thể diễn ra. Có khi đúng theo dự kiến, nhưng có lúc lại hoàn toàn khác. Trên chiến trường, đã có vài đơn vị, do nắm địch không chắc, không liên tục nên bị mất mục tiêu, đánh vào đất trống hoặc bắn vào đụn rơm, ụ mối, vì tưởng đó là xe tăng địch...

Không thể chờ đợi thêm được nữa. Tôi ra lệnh cho đồng chí Bình nổ súng. Quả đạn B41 đầu tiên, Bình tiêu diệt ngay một xe tăng cách đó khoảng 15 mét. Địch dựa vào các xe tăng, xe bọc thép bắn ra như mưa. Đạn bay vèo vèo trên đầu. Những luồng đạn lửa của súng trung liên, đại liên, từ các tháp pháo xe tăng, phóng ra xung quanh tua tủa. Có những luồng đạn lửa chạm vào đá sỏi, gốc cây bay vút lên không trung như những chùm pháo “thăng thiên”. Ánh chớp đầu các nòng pháo thỉnh thoảng lại loé lên như những cái máy chụp ảnh có dùng đèn flash... Nhưng mọi loại hỏa lực đều bắn vút ra phía sau. Vì chúng tôi đã lọt vào góc tử giác (cự ly an toàn). Lúc này, chúng tôi mới thấy hết tác dụng của lối đánh gần (bám thắt lưng địch mà đánh), nhất là mục tiêu xe tăng.

Trong lúc giặc điên cuồng bắn ra xung quanh, anh em nằm sát vào gốc dừa “giải lao” quan sát từng luồng đạn lửa của chúng đang phun ra từ các họng súng trên xe tăng để xác định vị trí cụ thể của từng mục tiêu. Sau hơn 10 phút sôi động, trận địa lại im ắng, chỉ còn lại các trận địa pháo, cối từ các căn cứ bắn xung quanh. Nhưng chúng tôi vẫn an toàn, vì đang “nằm chung” với xe tăng địch trong một cự ly rất gần. Xa xa về hướng Nam, tiếng súng lại rộ lên, pháo sáng địch bắn lên từng chùm, treo lơ lửng trên không trung, toả sáng cả một vùng. Chắc giờ này, một số căn cứ địch ở hướng Đức Phổ, Mộ Đức hay thị xã Quảng Ngãi... cũng đang bị ta tiến công. Quan sát một lúc khá chính xác, đồng chí Bình lại giương súng lên bắn phát thứ hai. Thêm một chiếc xe tăng bốc cháy. Qua ngọn lửa và ánh chớp, chúng tôi phát hiện thêm các mục tiêu khác. Sau phát đạn thứ hai này, bọn địch không phản ứng đồng loạt, vì sợ lộ mục tiêu. Chỉ có chỗ nào bị đánh, chỗ đó phản ứng. Pháo cối từ chi khu Châu Ổ và các căn cứ gần đó bắn liên tục ra xung quanh, nhất là hai bên trục đường phía Tây mục tiêu đang bị chúng tôi tiến công. Lần này, chúng sử dụng cả “pháo chụp”, đạn nổ trên không trung chụp xuống, hòng sát thương ta. Chúng tuyệt nhiên không bắn pháo sáng, sợ lộ các mục tiêu còn lại.

Trong thực tế chiến đấu, có những trận không theo một nguyên tắc, bài bản nào cả. Chúng tôi bám vào mô đất, gốc dừa, trụ lại một chỗ, bắn cháy lần lượt từ xe này đến xe khác, cho đến lúc hết một cơ số đạn B41 mà vẫn không bị địch phát hiện. Cuối cùng địch chỉ còn lại một xe, trong khi chúng tôi đã hết đạn, phải rút lui. Lại thêm một lần ân hận. Lúc xuất phát anh Quang và anh Biền nhắc chúng tôi mang thêm mấy trái lựu đạn chống tăng để dự bị. Chúng tôi đã không thực hiện.

Sáng hôm sau địch cho một tiểu đoàn hỗn hợp dưới sự yểm trợ của máy bay trực thăng chiến đấu, có kết hợp với pháo binh, từ thị trấn Châu Ổ lên càn quét hai bên trục đường đất đỏ. Chúng cho xe tăng lên kéo 6 chiếc xe tăng, xe thiết giáp bị chúng tôi bắn cháy, bắn hỏng về căn cứ.

Cuộc hành quân càn quét giải tỏa của địch lên huyện lỵ Trà Bồng bị bẻ gãy, không thực hiện được.

Sau trận này, đại đội chúng tôi được tăng cường thêm hoả lực B40 - B41 - ĐKZ để có thể độc lập chiến đấu, tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp địch ở vùng đồng bằng và vùng giáp ranh Quân khu 5. Điều này chứng tỏ trình độ kỹ thuật, chiến thuật, tinh thần dám đánh quyết đánh Mỹ của bộ đội ta và kinh nghiệm tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp, qua chiến đấu có bước trưởng thành về nhiều mặt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:53:52 pm »


ĐÁNH ĐỊCH CÀN QUÉT TẠI THÔN TRÀ BÌNH


Năm 1968, tôi đã trở thành một cán bộ đại đội, phụ trách về quân sự. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến là chính trị viên. Hai anh em ngang nhau về tuổi đời, tuổi quân và cấp hàm. Cả hai đều hát hay so với anh em trong đại đội và biết ngâm thơ. Tiến hát hay hơn tôi, nên thường được anh em cổ vũ nhiệt liệt trong các buổi sinh hoạt đại đội. Anh hay hát bài “Tình đồng chí”, còn tôi lại thích bài “Tình ca Tây Bắc”. Trong công việc, hai chúng tôi rất tâm đầu ý hợp, cùng chia ngọt xẻ bùi trong những năm tháng chiến đấu gian khổ trên chiến trường. Điều này có tác dụng tích cực trong tập thể lãnh đạo, đảm bảo cho đơn vị luôn đoàn kết, nhất trí cao.

Đại đội công binh chúng tôi, từ khi cơ động ra Quảng Ngãi, thường chiến đấu độc lập, sát cánh với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Lúc này, anh Nguyễn Hữu Quang được bổ nhiệm Tiểu đoàn trường, anh Trần Hữu Biền, chính trị viên Tiểu đoàn.

Trận đánh địch càn quét vào thôn Trà Bình thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã ghi thêm một chiến công mới trong thành tích diệt Mỹ của đại đội tôi. Đặc biệt trong trận này, đại đội bắn cháy hai xe tăng, bắt sống một tên chỉ huy thuộc Sư đoàn America Mỹ, góp phần cùng các đơn vị bạn đẩy địch vào thế bị động, đối phó lúng túng trên chiến trường tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong chiến dịch Xuân - Hè Mậu Thân năm 1968.

Một buổi sáng cuối tháng 3 năm 1968, mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng tre đầu làng, toả ánh sáng lấp lánh xuống ruộng đồng làng mạc. Bỗng máy bay trực thăng bay đến, quần lượn trên đầu. Pháo từ các nơi dồn dập bắn vào thôn xóm. Ngoài đồng ruộng, bộ binh, xe tăng địch dàn hàng ngang tấn công vào làng. Có lẽ, chúng đã biết được lực lượng của ta, sau trận tập kích cụm xe tăng ở Dốc Sỏi rút về đây, nên cho quân đến càn quét.

Dưới làn đạn pháo địch, bộ đội và du kích kịp thời cơ động lực lượng ra triển khai dọc tuyến chiến hào ở bìa làng. Ngày ấy, làng mạc của ta cũng là làng chiến đấu. Nhân dân đã đào tuyến chiến hào ở bìa làng, có công sự chiến đấu, hầm tránh pháo, nối liền từ phía sau ra phía trước, tạo nên thế trận vững chắc từ làng nọ đến làng kia. Đây là chỗ dựa rất tốt cho lực lượng vũ trang địa phương, ngày đêm bám trụ, chiến đấu bảo vệ quê hương.

Xe tăng địch từ ngoài đồng, cách 200 mét, dùng hỏa lực bắn dọc bìa làng. Các trận địa pháo và máy bay oanh tạc sâu vào trong làng. Mảnh bom, đạn bay vèo vèo, cây cối đổ ngổn ngang, nhà dân bốc cháy dữ dội. Lính bộ binh Mỹ, dưới sự yểm trợ của xe tăng, lò dò từng bước tiến vào. Toàn bộ đại đội tôi đã triển khai dọc tuyến chiến hào ngoài cùng, sẵn sàng chiến đấu.

Một tốp lính bộ binh Mỹ, súng lăm lăm trong tay, theo sau là tên chỉ huy và tên lính mang máy bộ đàm. Chúng tiến theo con đường mòn, từ ngoài đồng ruộng vào thẳng chính diện, nơi có một trung đội ta được bố trí, bí mật “đón” chúng. Đợi cho bộ binh địch vào thật gần, hai mươi mét, rồi mười mét... toàn trung đội mới đồng loạt nổ súng. Chính diện là một tiểu đội, trang bị súng B40 và tiểu liên AK. Hai bên sườn là súng đại liên và súng máy 12 ly 7, bắn chéo vào đội hình tấn công của địch. Ngay phút chiến đấu đầu tiên, ta đã diệt gọn toán lính Mỹ. Đồng thời, các tổ săn xe tăng, trang bị súng B40, lợi dụng địa hình làng mạc, vận động theo các chiến hào, vòng ra phía sau tiến công vào sườn địch bắn cháy 2 xe tăng.

Bị đánh bất ngờ, địch không phản ứng kịp. Tên lính thông tin bị chết, máy bộ đàm bị hư hỏng, tên chỉ huy bị thương nằm ở bờ ruộng. Nhìn thấy khẩu súng col45 trơ nòng trắng toát, tôi biết hắn đã hết đạn.

Quyết tâm từ lâu của chúng tôi là phải bắt sống bằng được tù binh Mỹ khi có thời cơ. Đây là thời cơ tốt nhất. Từ tuyến chiến hào ở rìa làng ra đến bờ ruộng, nơi tên chỉ huy Mỹ đang nằm khoảng hơn hai mươi mét. Xung quanh nó, các thuộc hạ đã bị chết. Súng của nó đã hết đạn. Sau khi bị bắn cháy hai chiếc xe tăng, đội hình của chúng nó còn đang ở ngoài đồng.

Tôi ra lệnh cho đồng chí Châu, trung đội trưởng:

- Không được bắn! Phải bắt sống bằng được tên chỉ huy Mỹ!

Đồng chí Châu rời chiến hào xung phong ra bờ ruộng. Hai bên có hai chiến sĩ, xách súng AK. Đồng chí Châu ném một quả lựu đạn trước mặt tên Mỹ khoảng gần chục mét để uy hiếp. Lựu đạn nổ, hai chiến sĩ xung phong vào bắt sống. Nó đã bị thương vào cánh tay phải. Ta thu trên chục khẩu súng và một máy bộ đàm PRC25.

Tên chỉ huy bị bắt, máy thông tin bị ta thu, bọn địch ở phía sau không nắm được tình hình của bọn phía trước. Máy bay quần lượn trên trời, không dám bắn vào làng, vì sợ bắn vào quân của chúng. Kinh nghiệm chiến đấu ở vùng đồng bằng mách bảo, chúng tôi không lùi sâu trong làng dễ bị phi pháo mà toàn bộ đại đội triển khai ra rìa làng, bám vào các chiến hào để tiếp tục đánh những đợt tấn công tiếp của địch.

Trời đã về chiều, sau khi mở đợt tấn công cuối cùng vào lấy xác, địch rút lui về căn cứ của chúng. Sau khi tên chỉ huy bị bắt, máy bay trực thăng vẫn tiếp tục quần lượn nhiều vòng như thể tìm kiếm.

Chúng tôi dẫn tên tù binh về phía sau. Đi đến đâu, cũng gặp cảnh tượng nhân dân căm phẫn vác gậy, giáo mác đến để đánh chết “thằng giặc Mỹ xâm lược!”. Vất vả lắm, chúng tôi mới giữ được mạng hắn đem về căn cứ giao cho Sư đoàn.

Tại Sở chỉ huy Sư đoàn, mọi người rất phấn khởi. Có người còn nói khích đồng chí chủ nhiệm công binh và cán bộ của tiểu đoàn tôi lên họp rằng: “Lính các anh chỉ bắt sống được tù binh Mỹ khi nó bị thương thôi”!

Với chính sách nhân đạo đối với tù binh chiến tranh, mặc dù sư đoàn đang trong điều kiện khó khăn về lương thực, nhưng đã tập trung mọi khả năng có được, trước mắt là cứu chữa vết thương cho tên Mỹ và bảo đảm hàng ngày cho nó ăn uống hợp khẩu vị. Nó rất thích món khoai sắn nướng. Món này đối với ta, không thiếu.

Sau hai mùa khô năm 1966 - 1967, đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ có nguy cơ bị phá sản. Trên chiến trường, binh lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên bị chết ngày càng nhiều. Phong trào phản chiến ngay tại nước Mỹ lên cao chưa từng thấy. Bọn đế quốc hiếu chiến không những bị chết, bị sa lầy ở Việt Nam, mà còn phải lo đối phó với tình hình phản chiến ngay trong nước, ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Nhưng Mỹ là nước đế quốc giàu mạnh nhất trên thế giới, chưa dễ gì chúng đã chịu thất bại hoàn toàn.

Cả thế giới lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Bị sa lầy và ngày càng bị tổn thất nặng nề trên chiến trường, đế quốc Mỹ đưa ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, mà thực chất chỉ là “thay màu da của xác chết”, trốn tránh sự thất bại trong chiến tranh Việt Nam, chịu “thua trong danh dự”. Buộc phải rút quân trong “vũng lầy” của chiến tranh Việt Nam. Nhưng Mỹ vẫn rất ngoan cố, muốn tiếp tục duy trì chính quyền phản động ở Sài Gòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:58:19 pm »


PHỤC KÍCH GIAO THÔNG TIÊU DIỆT ĐOÀN XE CƠ GIỚI ĐỊCH


Cuối năm 1969, Tiểu đoàn Công binh số 19 chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động đánh phá giao thông trên đường quốc lộ số 1, thuộc địa bàn tỉnh Quảug Ngãi. Đại đội 1 độc lập tác chiến tại tỉnh Bình Định ở các khu vực Bồng Sơn, Thiết Đính, Đệ Đức huyện Hoài Nhơn.

Sư đoàn 3 (thiếu trung đoàn bộ binh 12) cơ động về lại địa bàn tỉnh Bình Định, mở một đợt hoạt động mới, nhằm kìm chân các Sư đoàn chủ lực Sài Gòn, các Liên đoàn biệt động và quân Mỹ, tiêu hao tiêu diệt một bộ phận quan trọng về sinh lực của chúng để phối hợp với mặt trận Đường 9.

Đại đội công binh số 2 chúng tôi cùng với Ban chỉ huy Tiểu đoàn và các phân đội trực thuộc, di chuyển vào huyện Đức Phổ, giáp Sa Huỳnh. Vừa đến nơi, được tin Bác Hồ mất... Chúng tôi bàng hoàng đau đớn. Một không khí ảm đạm như đám mây đen bao phủ bầu trời... Chúng tôi đau trong cái đau của cả nước, như cảm thấy bị hẫng hụt. Cuộc chiến tranh ở miền Nam đang đi đến điểm cao, đang chuẩn bị bước sang một trang mới... thì Bác lại ra đi... Quân và dân miền Nam chưa được đón Bác vào thăm. Chúng tôi như cảm thấy chưa hết phần trách nhiệm trong cuộc chiến tranh này...

Tất cả các đơn vị, phát động phong trào “Biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm xốc tới, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, rút ngắn sự chia cắt hai miền, thực hiện trọn vẹn di chúc của Bác Hồ”.

Toàn đơn vị cơ động về khu vực giáp giới giữa hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, triển khai trên trục đường số 2. Đây là một địa bàn hết sức hiểm yếu. Nơi tiếp giáp giữa hai đơn vị hành chính thường có những sơ hở. Phía Bắc là huyện Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, có cảng Sa Huỳnh. Phía Nam là huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Phía Đông là biển và đầm An Khê. Phía Tây là đồi núi liên hoàn. Đường sắt và đường quốc lộ số 1, chạy song song từ thị trấn Tam Quan, theo sườn núi ven biển ra Quảng Ngãi, tạo nên những lợi thế rất lý tưởng cho ta tổ chức những trận địa phục kích, như khu vực Sa Huỳnh, núi Sắn, chợ Chiều và nhiều nơi khác. Đường số 2 xuất phát từ quốc lộ số 1, đoạn núi Sắn, đầm An Khê, chạy song song với quốc lộ số 1, qua khu vực giáp giới hai tỉnh và thẳng vào phía Nam. Con đường rải đá này đã bỏ từ lâu, hai bên cây cối mọc um tùm.

Đối tượng tác chiến trên địa bàn phía Nam tỉnh Quảng Ngãi, ngoài lực lượng địa phương quân và sư đoàn bộ binh số 2 của quân đội Sài Gòn, trong những năm 1965 đến 1970 có sư đoàn “Thanh Long” Nam Triều Tiên, Lữ đoàn 11 thuộc sư đoàn America Mỹ. Mục tiêu của đơn vị chúng tôi là các đoàn xe vận tải của địch chạy trên đường quốc lộ số 1. Dù là xe của Mỹ, của binh lính Đại Hàn, của quân đội Sài Gòn; dù là xe chở nhiên liệu, xe vận tải chở hàng, xe tăng thiết giáp, hoặc lính bộ binh, trên đoạn đường xảy ra chiến sự, đều nằm trong tầm ngắm của quân ta và sẽ phải “thanh toán” trong thời gian ngắn nhất.

Để phối hợp với chiến dịch Thu - Đông năm 1969, trên chiến trường Khu 5, đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh giao thông cắt vận chuyển tiếp tế của địch trên đường quốc lộ số 1, từ cảng Sa Huỳnh hoặc từ cảng biển Quy Nhơn ra Quảng Ngãi và Chu Lai (Quảng Nam).

Căn cứ đặc điểm địa hình và nhiệm vụ cấp trên giao, Tiểu đoàn quyết định chọn khu vực bắc Sa Huỳnh khoảng 2 - 3 km, đèo Phổ Trang, để tổ chức trận phục kích, diệt đoàn xe vận chuyển của địch, chủ yếu từ hướng Nam ra.

Trên một đoạn đường dài khoảng một cây số rưỡi, từ cầu Chui (phía Bắc Sa Huỳnh) đến Núi Sắn, thuộc địa phận huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, chúng tôi bố trí hai tổ hỏa lực ở hai đầu, được trang bị súng chống tăng B41 và đại bác không giật ĐKZ75 làm nhiệm vụ chặn đầu và khóa đuôi. Đây là hai thành phần trong đội hình của một trận phục kích, vô cùng quan trọng, không thể thiếu được. Để bảo đảm chặn đứng một đoàn xe đang cơ động với một vận tốc cao, có khi phải tổ chức “chặn đầu kép”, hoặc tập trung 2 - 3 khẩu hỏa lực tiêu diệt một mục tiêu đầu tiên. Bằng bất kỳ giá nào cũng buộc đoàn xe địch phải dừng lại. Ở đoạn giữa, dựa vào sườn đồi phía tây, bố trí lực lượng chủ yếu của trận đánh, lực lượng quyết định tiêu diệt bộ binh và xe cơ giới địch hất chúng xuống đầm An Khê.

Một buổi sáng, tháng 10 năm 1969, lúc 6 giờ 30 phút, máy bay trinh sát L19, xuất hiện từ hướng Sa Huỳnh, bay dọc quốc lộ số 1 bay ra tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó là xe tăng đi trước, mở đường. Bọn bộ binh địch được rải ra, chốt lại ở những nơi hiểm yếu.

Bộ đội ta ẩn mình trong các bụi cây, khe đá, có nơi cách mép đường 10 - 15 mét, có nơi do địa hình trống trải phải xa hơn, 50 - 100 mét. Có những chỗ sườn đồi hiểm trở, địch không bò lên được, nhưng đối với ta, đây là nơi bất ngờ nhất, bí mật nhất, dù khó khăn nhưng bộ đội ta vẫn khắc phục để giấu quân. Giờ này, nhân dân đang bị “nhốt” trong các ấp chiến lược, chưa đi làm, nên chúng tôi an tâm, không sợ bị phát hiện.

09 giờ, đoàn xe vận tải 20 chiếc từ hướng cảng Sa Huỳnh chạy ra. Đài quan sát của ta báo cáo: “Có xe thiết giáp đi hộ tống. Đi đến đâu, những chỗ nghi ngờ có ta phục kích, chúng bắn như vãi đạn.”.

Khi đoàn xe đến khu vực Núi Sắn, tổ chặn đầu, trang bị một khẩu ĐKZ75, một khẩu súng chống tăng B41 đồng loạt nổ súng. Chiếc xe vận tải GMC đi đầu bốc cháy, quay ngang, làm cho toàn bộ đội hình phía sau phải dừng lại. Đây là thời cơ tốt nhất, lực lượng chủ yếu của ta từ trên sườn đồi, xung phong ra mặt đường tiêu diệt bộ binh địch, bắn cháy và phá hủy các xe quân sự của chúng. Biết bị lọt vào trận địa phục kích ở thế bất lợi, bọn lính chốt đường lợi dụng một đoạn đường sắt, chống trả, một số bí mật luồn ra phía sau đánh tạt sườn vào đội hình ta...

Một tổ, do đồng chí Xuyên, trung đội trưởng chỉ huy, bố trí trên sườn đồi trong phạm vi diệt địch chủ yếu, sử dụng hỏa lực B40 và lựu đạn chống tăng tung xuống đường, bắn cháy, phá hỏng một lúc 5 chiếc xe cơ giới, có một xe thiết giáp M113. Một tổ “khóa đuôi” bố trí ở cầu chui, tiêu diệt một toán lính chốt đường, bắn cháy 3 chiếc xe vận tải. Toàn bộ đội hình của đại đội ta đồng loạt xung phong ra mặt đường, tảo trừ bọn lính chốt đường, bắn cháy và phá hủy các xe vận tải quân sự và xe thiết giáp M113. Ở khu vực núi Sắn, sau khi bắn cháy chiếc xe vận tải GMC, tổ chặn đầu đoàn xe địch cũng phối hợp, xông ra mặt đường bắn cháy một số xe cơ giới. Ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Đoàn xe địch bị bắn cháy và phá hủy gần hết.

Máy bay phản lực ném bom dọc theo trục đường số 2, nhưng toàn bộ lực lượng của ta đã bám trên mặt đường, kết thúc nhanh chóng trận đánh. Đáng tiếc, trên đường rút về phía sau, đồng chí Trần Văn Hồng, Tiểu đoàn trưởng và đồng chí Tổng, liên lạc, bị lọt vào ổ phục kích của địch, hy sinh. Trận này ta đã bắn cháy và phá hủy mười lăm xe quân sự của địch. Những chiếc xe chở xăng dầu, xe vận tải chở lương thực, quân trang quân dụng và đạn dược ra tiếp tế cho các căn cứ quân sự ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, đã bị bắn cháy ngùn ngụt trên một đoạn đường dài hơn 1 km. Nhân dân tập trung bên kia đầm An Khê đứng xem, hả lòng, hả dạ... Đường số 1 từ cảng Sa Huỳnh ra Quảng Ngãi bị cắt đứt ở khu vực núi Sắn, chợ Chiều; gây khó khăn cho địch trong việc vận chuyển tiếp tế từ phía Nam ra thị xã Quảng Ngãi, buộc chúng phải điều lực lượng vào giải tỏa.

Một sự trùng hợp kỳ lạ và hy hữu khi Lê Thành Giai, cựu thông dịch viên cho đại đội tình báo quân sự 635 Military Intelligence Detachiment (MID) thuộc lữ đoàn 11 (hiện đang định cư tại Mỹ), trong cuốn “Bảy ngày và ba mươi lăm năm” có đoạn viết: “Đại tá OK'Ral K. Henderson, chỉ huy trưởng lữ đoàn 11 có lần chỉ tay lên bản đồ trận liệt treo trên tường của trung tâm hành quân lữ đoàn, nói: “Tai hoạ đến từ khu vực này1!”. Lúc đó (tức 1969) một trung đoàn của sư đoàn Sao Vàng, di chuyển xuống đối diện với các căn cứ hỏa lục của Mỹ. Quân Bắc - Việt phục kích các đoàn tiếp vận từ Quy Nhơn ra Đức Phổ và Chu Lai, cắt mạch giao thông trên quốc lộ số 1, hoặc pháo kích các căn cứ hỏa lực phụ, tấn công các tiền đồn quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam (tức quân đội Sài Gòn cũ!)...”.
 
Trong một tác phẩm khác (Đặng Thuỳ Trân - NXB Phụ Nữ - 2006) trang 110, Lê Thành Giai viết từ Kali (Mỹ) nói về trận đánh phục kích giao thông tháng 10 năm 1969 như sau: “Tôi nhớ đến cuộc phục kích do quân chính quy Bắc Việt thực hiện tại đèo Phổ Trang đã xác định giá trị tin tức tình báo thu được. Trận đánh ấy chỉ cách vành đai phòng thủ của căn cứ Bronko khoảng 4 km. Tôi đọc báo cáo tình hình trong ngày của phòng 2 (tức phòng quân báo - TG): Hai đại đội chính quy Bắc Việt chặn đánh đoàn quân xa chở nhiên liệu tiếp vận: Bốn chiếc xe bồn và hai xe hai tấn rưỡi bị phá hủy hoàn toàn. Trung đội hộ tống bị thiệt hại: 16 KIA (tử thương), 12 WIA (bị thương).

Thực tế trên một trận địa có chiều dài khoảng 1 km, một số xe lam chở khách Đức Phổ và Sa Huỳnh, xe vận tải tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi - Đà Nẵng theo đuôi đoàn hộ tống Mỹ cũng chịu chung số phận... Nhiều người sống sót cho biết, sau tiếng nổ đầu tiên, các xe bồn nhiên liệu bốc cháy. Quân chính quy Bắc - Việt thanh toán chiến trưởng trong 20 phút. Quân Mỹ phản ứng khá nhanh... Một số chiến binh chính quy Bắc - Việt bị trực thăng và pháo binh cầm chân chống tra rất mãnh liệt. Trận chiến kết thúc vào khoảng 5h chiều... Đơn vị chính quy Bắc - Việt đánh trận đèo Phổ Trang được huyện uỷ Đức Phổ cung cấp nhiều dân công tải đạn tải thương.


Nghe Hiếu Nguyễn2 nhận định, tôi chợt nghĩ ra trong số dân công kỹ thuật ngày đó, chắc có cả nhóm quân y của bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm!
________________________________________
1. Theo Lê Thành Giai: đó là khu vực tam giác Kontum - Pleiku - Quảng Ngãi.
2. Nguyễn Trung Hiếu, thông dịch viên cho Lữ Đoàn 11, Sư đoàn America Mỹ, người đã khuyên Frederic giữ lại cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 04:05:05 pm »


CHIẾN TRƯỜNG ĐƯỜNG SỐ 19


Cuối năm 1969, toàn bộ đội hình Sư đoàn Bộ binh 3 rời địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trở lại Bình Định, nơi đã sinh ra và lớn lên của sư đoàn. Hơn một năm qua, Trung đoàn bộ binh 12 “ở nhà” trụ lại trên địa bàn phía Nam tỉnh Bình Định và phía Đông tỉnh Gia Lai, phối hợp hoạt động cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích, nay như được tiếp thêm sức mạnh, được Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy và cùng hợp đồng chiến đấu trong đội hình sư đoàn sức chiến đấu của các lực lượng trên địa bàn tỉnh Bình Định được nhân lên gấp bội.

Nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bình Định hết sức vui mừng như gặp lại những đứa con đi xa lâu ngày trở về.

Song, trong lòng những người lính chúng tôi không khỏi bồi hồi, lưu luyến khi phải xa địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, xa những con người đã ngày đêm gắn bó, chiến đấu bên nhau, đã làm nên chiến công “Cầu Châu Ổ”, “Dốc Sỏi”, “Ba Tơ”, “Minh Long”, Gia Vụt”, “Đức Phổ” và biết bao trận đánh thắng lợi khác. Chia tay với quân và dân Quảng Ngãi mà không hẹn ngày gặp lại...

Trở lại tỉnh Bình Định, đơn vị chúng tôi không hành quân theo đội hình của sư đoàn mà vừa tổ chức những trận đánh nhỏ, lẻ dọc đường số 1 và vùng ven vừa di chuyển vào phía Nam. Đi đến đâu, chúng tôi cũng dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh địch nống lấn, càn quét ra vùng giải phóng. Tại huyện Tư Nghĩa, chúng tôi đã cùng với du kích các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận hoạt động, xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Dựa vào địa đạo thôn An Tráng, chúng tôi đã cùng với anh chị em du kích ở đây, đánh địch ở khu vực Gò Su, xung quanh sân bay Gò Huỳnh, tiêu hao, tiêu diệt một số sinh lực địch, làm cho chúng mỗi lần nống ra càn quét không dám liều lĩnh đi sâu vào vùng giải phóng của ta. Phong trào cách mạng ở đây luôn được giữ vững và phát triển. Những ngày được sống và chiến đấu cùng lực lượng vũ trang địa phương bên bờ sông Trà Khúc đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp đẽ, những dấu ấn khó quên về những con người ở đây. Trong chiến đấu gian khổ, ác liệt, họ vẫn yêu đời, tin tưởng mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Tôi còn nhớ, những ngày tháng lưu lại ở huyện Tư Nghĩa, địch càn quét vào thôn An Tráng, giữa cuộc chiến đấu ác liệt, chúng tôi được anh chị em du kích dẫn xuống địa đạo để đánh vu hồi vào bên sườn quân địch. Địa đạo đào sâu dưới lòng đất, những đường hầm ngang dọc vừa đủ một lối đi. Dẫn đường là cô du kích Huỳnh Thị Yến, khoác trên vai khẩu Cabin. Khi đến một lối hẹp, không biết vô tình hay cố ý, Yến quay người lại, áp sát vào người tôi. Bất ngờ, cô ôm lấy tôi, nói trong hơi thở: “Em yêu anh! Sau ngày giải phóng, anh về quê em nhé !”. Cô run rẩy đặt lên môi tôi một nụ hôn nóng hổi... Hạnh phúc đến quá bất ngờ, tôi đứng ngây như một pho tượng mà quên mất xung quanh mình, trên mặt đất cuộc chiến đấu với địch đang diễn ra... Trước những cử chỉ vừa mộc mạc, vừa bạo dạn lòng tôi cảm thấy xốn xang. Từ đó trở đi, trong những lần tổ chức hợp đồng tác chiến, hoặc những buổi sinh hoạt chung giữa bộ đội và du kích xã, tôi thường bắt gặp ánh mắt và nụ cười của Yến hướng về phía tôi.

Cuộc chiến đấu nơi đây diễn ra ngày càng ác liệt. Trong một trận đánh địch càn quét ở phía Tây thôn An Tráng, đồng chí Lê Văn Phác trợ lý công binh sư đoàn hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Đơn vị tôi hoạt động độc lập, xa sự chỉ viện của sư đoàn, thuốc quân y thiếu nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, Huỳnh Thị Yến và anh chị em du kích đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Các cô cải trang vào vùng địch, luồn lách qua các trạm kiểm soát của chúng để mua thuốc men đem về cứu chữa thương binh. Những tình cảm ấy chúng tôi ghi nhớ mãi.

Trong chiến đấu gian khổ và ác liệt, chúng tôi luôn luôn được nhân dân trong các vùng tạm chiếm và những vùng giáp ranh thương yêu, đùm bọc, che chở. Bên cạnh tình cảm quân dân, tình bạn, tình đồng chí, nhiều người trong chúng tôi còn nhận được cả những tình yêu lứa đôi nồng nàn, say đắm của các cô gái vùng địch hậu. Do vậy chúng tôi càng thêm yêu đời, lực lượng 3 thứ quân luôn luôn sát cánh bên nhau, chiến đấu trên một chiến hào.

Câu thơ hóm hỉnh sau đây vừa nói lên vai trò của bộ đội chủ lực trong việc tiêu diệt địch trên địa bàn, vừa nói lên tình cảm của nhân dân dành cho bộ đội:

Ba năm du kích nằm kề
Không bằng chủ lực đi về một đêm.


Tại Gò Huỳnh, có một tiểu đoàn lính Sài Gòn bảo vệ sân bay. Chúng tôi đã theo dõi quy luật hoạt động của chúng. Tiểu đoàn này thường nống ra càn quét các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận thuộc huyện Tư Nghĩa. Mỗi lần nống ra càn quét vào vùng giải phóng của ta, chúng đều cho máy bay, pháo binh bắn vào thôn xóm để dọn đường. Sau đó xe tăng, xe thiết giáp chở quân lên lùng sục.

Cứ mỗi buổi sáng từ 05h30 đến 06h bọn lính bảo vệ sân bay Gò Huỳnh thường tập trung để tập thể dục. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ quy luật đó của chúng, với ý định sẽ tập kích bằng hỏa lực, ngay lúc chúng đang tập thể dục buổi sáng.

Đêm ngày 15-08-1969, được một tổ du kích dẫn đường, chúng tôi sử dụng 06 lượng nổ TNT, mỗi lượng 20kg được đúc bằng thuốc nổ lấy từ những quả bom lép của Mỹ, để phóng vào trại lính.

Từ xã Nghĩa Thắng, chúng tôi băng qua cánh đồng lúa nước rộng khoảng 300m. Sau khi “tác nghiệp” sáu khối thuốc nổ, cách mục tiêu trại lính khoảng 250 - 300m, anh em kéo dây điện qua cánh đồng và ngồi chờ ở tư thế chuẩn bị điểm hỏa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 04:05:53 pm »


Đúng 05h 30 phút, đại đội địch tập trung tập thể dục. Anh em hồi hộp, chờ lệnh, 05 giờ 35 phút, tôi ra lệnh điểm hỏa... Đồng chí Xuyên, trung đội trưởng chập mạch điện, nhưng các khối thuốc phóng không nổ... Điện yếu chăng? Không phải! Chúng tôi đã tính toán rất kỹ. Mỗi một viên pin dùng cho máy bộ đàm PRC25 với điện áp 1,5 vol, một lốc có 10 viên không thể có chuyện yếu điện được. Trong khi đó, chỉ cần 1 viên là có thể bảo đảm cho 1 kíp nổ điện. Trước đó anh em đã thử 2 - 3 lần, với đường dây điện 300m, thông suốt và nổ tốt.

Trước tình huống đó, tổ điểm hỏa đã tỏ ra lúng túng, không rút dây điện về. Dây điện chôn qua đường bị trồi lên. Sau giờ tập thể dục, bọn lính tuần tra phát hiện được. Chúng cho bọn công binh ra thu về 6 khối thuốc nổ kèm theo 6 liều phóng của chúng tôi.

Sau này, tìm ra nguyên nhân là do anh em kéo dây điểm hỏa qua cánh đồng, chỗ nối dây điện bị hở chùng xuống ruộng nước, nên dòng điện bị thất thoát không đủ để kích thích kíp nổ. Thật tiếc và uổng công. Đây cũng là một bài học về chuyên môn mà chúng tôi thấy rất thấm thía, chỉ một sơ xuất về kỹ thuật, bỏ lỡ cho cơ hội trận đánh. Ở Nghĩa Thắng được một thời gian, chúng tôi cơ động vào tỉnh Bình Định, chiến đấu tại mặt trận đường 19.

Từ ngày ấy cho đến nay chúng tôi chưa có dịp nào để về lại nơi ấy và không biết sau đó, Huỳnh Thị Yến và đội du kích thôn An Tráng như thế nào, ai còn, ai mất. Đã trên 35 năm rồi, hình ảnh cô du kích Quảng Ngãi và những ngày chiến đấu bên họ còn đọng mãi trong tôi. Mong sao mọi người đều được bình an và hạnh phúc!


* * *

Chiến trường khu 5 chia thành hai mặt trận chính: vùng đồng bằng và giáp ranh, thuộc mặt trận B1; Tây Nguyên là mặt trận B3. Hai mặt trận này lúc nào cũng sôi động. Đứng vào thế chiến dịch, chiến lược quân sự, chiến trường B3 có tính quyết định sống còn của vùng đồng bằng khu 5 và cả chiến trường miền Nam. Đường Quốc lộ số 19 và 21 (nay là đường số 26) là đường huyết mạch chính của địch nối liền vùng đồng bằng ven biển với Tây Nguyên.

Để chuẩn bị phối hợp tác chiến giữa hai mặt trận trong chiến dịch Đông - Xuân năm 1969 - 1970, cũng như các chiến dịch mở ra sau này, ý định của Quân khu 5 lúc bấy giờ là cần phải có một lực lượng chuyên trách đánh phá giao thông trên hai trục đường quốc lộ 19 và 21. Trong thực tế, trên hai trục đường này, cũng đã có một số đơn vị được triển khai và hoạt động mấy năm trước đó. Nhiệm vụ trên giao cho chúng tôi là thường xuyên đánh phá giao thông tiếp tế của địch, gây khó khăn cho chúng trong công tác vận chuyển. Vừa tác chiến, vừa chuẩn bị mọi mặt để khi chiến dịch mở ra ở Tây Nguyên thì tập trung cắt đứt tiếp tế của địch dài ngày theo yêu cầu của mặt trận.

Tiểu đoàn chúng tôi (gồm Tiểu đoàn bộ và Đại đội 2) được lệnh sáp nhập với tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn bộ binh 12, đã có mặt ở đây từ trước, chuyển sang hoạt động ở phía Nam đường số 19, phía đông đèo An Khê.

Cuộc vượt đường quốc lộ 19 của chúng tôi sang phía Nam vào cuối năm 1971, là một đêm tang tóc... Cho đến nay, tôi không bao giờ quên được, chúng tôi đã phải chịu tổn thất nặng nề như thế. Trong chỉ đạo chiến lược, chiến tranh, mỗi quan điểm, mỗi đường lối đúng, sai đều liên quan đến vận mệnh sống còn của đất nước. Trong chiến dịch, chiến thuật và chiến đấu, mỗi động tác, mỗi hành động cẩu thả, đơn giản, chủ quan của chỉ huy sẽ phải trả giá bằng máu của đồng chí, đồng bào...

Đêm 4 rạng 5, tháng 11 năm 1971, Tiểu đoàn 6 được giao nhiệm vụ tổ chức hành lang, bám địch và bảo đảm cho tiểu đoàn chúng tôi vượt sông Côn, vượt đường 19 sang phía Nam được an toàn.

Sông Côn rộng khoảng 200 mét, nhiều đoạn nước sâu, chảy xiết. Sau khi vượt sông sang bờ phía Nam, đội hình tiểu đoàn tiếp tục vượt đường số 19. Khi qua ấp Bình Tường, thuộc huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, những người chịu trách nhiệm bảo đảm ở đây nắm tình hình không chắc, tổ chức không chặt chẽ, chu đáo; không có kế hoạch xử trí những tình huống có thể xảy ra, tổ liên lạc dẫn đường đi vào đúng trận địa phục kích của địch ở rìa ấp. Từ các chiến hào trong ấp chiến lược, địch dùng tất cả các loại hỏa lực bắn ra, trong khi đội hình của tiểu đoàn chúng tôi đang đi trên cánh đồng, không có một vật gì che đỡ và che khuất. Phần lớn lực lượng nòng cốt của tiểu đoàn, gần ba mươi đồng chí bị thương vong. Tôi thuộc nhóm đi đầu, vừa qua khỏi một khoảnh ruộng thì địch nổ súng. Tôi và anh Biền, chính trị viên tiểu đoàn, kịp lợi dụng một mô đất nên thoát được. Địch bắn pháo sáng lên, sáng như ban ngày. Một số đồng chí bị thương cũng không thoát được dưới làn đạn dày đặc của địch từ trong rìa ấp bắn ra. Đồng chí phó trung đoàn trưởng Phạm Bảy bị bắt. Năm 1973, đồng chí được trao trả, trở về với đồng đội. Đồng chí đã kể lại với chúng tôi rằng: “Khoảng hai giờ sáng ngày 5-11-1971, toàn bộ đội hình đã vượt qua sông Côn và đường quốc lộ số 19 được an toàn. Nhưng khi qua ấp Bình Tường, huyện Tây Sơn, để vào chân núi thì bị địch phục kích, nổ súng. Đồng chí Bảy đi trước đội hình và bị thương ngay từ loạt đạn đầu. Ở phía sau đồng chí có nhiều người hy sinh và bị thương. Do vết thương quá nặng, mất máu nhiều, nên bò được một đoạn thì đồng chí lại mê man. Khi tỉnh dậy, biết mình đã bị sa vào tay giặc. Liên tiếp những ngày sau đó, bọn tình báo của sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn, cùng với bọn Mỹ và Đại Hàn thay nhau thẩm vấn. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn tàn bạo nhất. Được sự giúp đỡ chỉ vẽ, chở che của anh chị em bị bắt trước đó, nên anh đã giấu được tung tích của mình. Bọn chúng chỉ nắm được qua lời khai của anh:

Họ tên: Nguyễn Văn Hiền

Quê quán: Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi

Năm 1954 vào Bình Định sinh sống tại Bình Khê. Khi quân đội giải phóng về họ bảo làm liên lạc cho họ. Vì là dân dưới quyền của họ thì phải làm theo nhiệm vụ: theo họ sang nam đường 19 để nhận tài liệu...


Song chúng vẫn nghi ngờ anh là một cán bộ chỉ huy, thấp nhất cũng là cấp tiểu đoàn, hoặc là một cán bộ huyện. Vì lẽ đó, anh đã nếm đủ các đòn tra tấn dã man. Chúng đưa anh đi qua các nhà tù: Quy Nhơn, Phú Tài, Cần Thơ và cuối cùng đưa ra đảo Phú Quốc, cho đến ngày được trao trả theo hiệp định Paris năm 1973...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 04:06:18 pm »


Trong số anh em bị thương tối hôm vượt đường 19, có đồng chí Lộc, y tá đại đội, bị thương nặng. Sau này một cán bộ kể lại rằng, giữa tiếng súng nổ chát chúa xung quanh, đồng chí Lộc nói trong hơi thở gấp gáp: “Thủ trưởng ơi! Em chết mất thôi! Em ân hận quá, vì phấn đấu mãi mà vẫn chưa được kết nạp Đảng... Mong các thủ trường hãy bỏ qua những khuyết điểm của em!...”

Thật cảm động biết bao, trước mũi súng quân thù cái chết gần kề, chiến sĩ ta vẫn luôn nhớ đến Đảng, vẫn trung thành với Đảng đến hơi thở cuối cùng. Vậy mà xung quanh có biết bao nhiêu đảng viên, cán bộ đã thiếu sự quan tâm đến công tác bồi dưỡng quần chúng để họ được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Lực lượng còn lại của tiểu đoàn, sau đó sáp nhập vào tiểu đoàn 6, do đồng chí Chu Đức Liên làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Hữu Biền, chính trị viên, các anh đã đề nghị lên trung đoàn và sư đoàn, điều động những cán bộ, chiến sĩ thuộc tiểu đoàn trước đây, đã bổ sung cho các đơn vị, nay trở về để xây dựng lại tiểu đoàn sau biến cố này. Trung đoàn 12 và sư đoàn bộ binh 3 đã chấp thuận đề nghị đó.

Được một thời gian, đồng chí Liên đi học, Ban chỉ huy tiểu đoàn lúc này gồm có: Đồng chí Lê Hoài, tiểu đoàn trưởng; Trần Hữu Biên, chính trị viên; đồng chí Đề (rất tiếc tôi quên họ của đồng chí), chính trị phó và Nguyễn Khánh Hạt, tiểu đoàn phó. Tôi giữ chức tham mưu trưởng tiểu đoàn. Lúc này, cấp tiểu đoàn còn có chức danh “Tham mưu trưởng”.

Trong những năm làm nhiệm vụ đánh giao thông trên đường 19, tiểu đoàn 6 nói riêng, trung đoàn bộ binh 12 nói chung thường phối hợp, hiệp đồng với trung đoàn bộ binh 95 Quân khu 5 đánh cắt giao thông trên hai đoạn đường đèo hiểm trở. Trung đoàn bộ binh 95 hoạt động tại đèo Mang Giang, trung đoàn bộ binh 12, thường xuyên là tiểu đoàn 6, đảm nhiệm tại đèo Thượng Giang (nay là đèo An Khê), đã tiêu diệt, phá hủy nhiều đoàn xe, tốp xe của địch tiếp tế từ đồng bằng lên Tây Nguyên, gây cho địch nhiều khó khăn.

Đường 19 và đường 21 có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với lực lượng quân đội và chính quyền của địch ở Tây Nguyên. Đường 19 và đường 21 được ví như cái cuống họng, chiến trường Tây Nguyên như cái dạ dày. Ngoài hai trục đường này còn có thêm đường số 7 nối liền quốc lộ 1 ở tỉnh Phú Yên với quốc lộ 14 tỉnh Đắc Lắc. Tuy nhiên đường số 7 đã hư hỏng, từ lâu không sử dụng được. Đường 19 và 21 trở thành 2 trục đường huyết mạch, nối liền các tỉnh đồng bằng miền Trung với Tây Nguyên, và có tính quyết định sống còn đối với quân đội và chính quyền của địch ở đây.

Nếu bạn có dịp đi từ thành phố Quy Nhơn, theo đường Quốc lộ số 1 ra hướng Bắc, đến ngã ba đường số 1 và đường số 19, đi tiếp khoảng 60km theo đường số 19 là đến đèo An Khê. Đèo An Khê dài trên 10 km, rất hiểm trở có nhiều đoạn cua, gấp khúc, xe cơ giới không sao chạy nhanh được. Hai bên đường đèo là đồi núi liên hoàn. Do chất độc hóa học của Mỹ rải xuống, dãy núi Ông Bình phía Bắc đường, trước kia là rừng già, nay trở thành những quả đồi cỏ tranh. Địa hình phía Nam đường 19 thấp, tất cả các khe suối từ sườn Nam dãy núi Ông Bình đều chảy xuống suối Đồng Xoài. Tuy nhiên, toàn bộ phía Nam đường 19 là rừng già liên hoàn, kín đáo, rất thuận lợi cho ta trong việc giấu quân và cơ động lực lượng. Cuối xã Bình Tường về phía Tây huyện Bình Khê, nơi có lăng Mai Xuân Thưởng, đi tiếp khoảng 20km qua huyện Phú Phong, đèo An Khê hiện ra với con đường ngoằn nghèo chạy theo sườn phía Nam dãy núi Ông Bình. Từ cống Hang Dơi, chân đèo thuộc phần đất của tỉnh Bình Định, lên núi Cây Rui dài khoảng 10 km, là đoạn đường hiểm trở nhất. Núi Cây Rui là ranh giới giữa hai tỉnh: Bình Định và Gia Lai. Chạy gần như song song với đường 19 về phía Đông - Đông Nam là sông Côn và một nhánh của sông Côn là sông Cái. Sông Côn rộng có nơi khoảng 200m, cách đường 19 trung bình 1km. Có nơi gần sát đường 19. Sông Côn là một trong những con sông lớn của tỉnh Bình Định. Mùa khô có thể lội qua được, nhưng mùa mưa, nước sâu, chảy xiết, có ảnh hưởng không nhỏ, là điều bất lợi đối với ta. Vì vậy trong những năm làm nhiệm vụ ở đây, tiểu đoàn 6, trung đoàn 12 gặp rất nhiều khó khăn. Bù lại, địa hình phía Nam đường 19 thật lý tưởng đối với ta. Núi rừng liên hoàn kéo dài về phía Nam 20 - 30km, nối liền các huyện Phú Phong, Bình Khê, Vân Canh của tỉnh Bình Định với các huyện An Khê, Công – Ch’Ro phía đông tỉnh Gia Lai. Từ căn cứ đóng quân của tiểu đoàn 6, trung đoàn 12 đi bộ khoảng 2 giờ đồng hồ là đến dãy cao điểm Hòn Giác, nam đường 19, cao trên 300m so với mực nước biển. Đứng trên Hòn Giác ta có thể thấy rất rõ toàn bộ đèo An Khê, từ núi Cây Rui Cao điểm 638 xuống cống Hang Dơi. Phía Nam Hòn Giác là suối Đồng Tre, có nước quanh năm - phía Bắc Hòn Giác đến suối Đồng Xoài, địa hình thoai thoải và kín đáo. Khu vực này khá an toàn, nên mỗi lần đi chuẩn bị trận địa trên trục đường 19 xong, chúng tôi lui về đây, có khi ở phía Bắc Hòn Giác, có khi ở phía Nam Hòn Giác, nghỉ lại qua đêm, hôm sau mới về căn cứ.

Cứ mỗi lần đi chuẩn bị chiến trường, tôi thường phái một tổ thông tin, một tổ trinh sát cùng với các đồng chí đại đội trưởng trực tiếp tham gia trận đánh. Tất cả khoảng trên 10 người. Sau khi chuẩn bị xong, thống nhất phương án tại thực địa, chúng tôi về căn cứ, báo cáo Đảng ủy và chỉ huy tiểu đoàn. Khi xuất quân đi đánh, tiểu đoàn thường triển khai Sở chỉ huy (SCH) tại sườn phía Bắc Hòn Giác. Với cương vị là tham mưu trưởng tiểu đoàn lúc còn là đơn vị cơ sở, và sau này là tham mưu trưởng quân đoàn; những người làm công tác tham mưu thường xuyên gắn bó với các lực lượng thuộc cấp như thông tin, trinh sát... tôi không bao giờ quên những khuôn mặt thân thương, quen thuộc đã cùng nhau chia ngọt, xẻ bùi, trong những năm tháng gian khổ, ác liệt trên chiến trường, như các anh Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Văn Chạy, Nguyễn Đình Cổn, Nguyễn Văn Trung, Phạm Lê Hoa, Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Văn Cọng, Lê Anh Kiên, Nguyễn Văn Thảo, Lê Văn Phược, Hồ Huy Liễu, Vũ Văn Thủy, Hoàng Chuân, Nguyễn Thanh Nhàn, Nông Văn Mạnh... và còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ khác, không thể nào kể ra đây hết được. Trong những anh em đã gắn bó với tôi, đã có nhiều đồng chí nằm lại vĩnh viễn trên các chiến trường, như đồng chí Thảo, đồng chí Cổn, đồng chí Hoa, đồng chí Chạy, đồng chí Liễu, đồng chí Trung, đồng chí Dân, v.v... Qua những dòng hồi ký này, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình các đồng chí đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 04:09:49 pm »


Xin trở lại với nhiệm vụ của trung đoàn 12 tại khu vực đường 19.

Đối lượng tác chiến của trung đoàn bộ binh 12 1úc này và những năm tiếp theo sau trên đường 19 chủ yếu là sư đoàn “Mãnh Hổ” - Nam Triều Tiên.

Lực lượng Nam Triều Tiên, đồng minh của Mỹ, trên chiến trường thuộc Liên khu 5, có 3 sư đoàn: Tại tỉnh Quảng Ngãi có sư đoàn “Rồng xanh” (Thanh Long); sư đoàn “Bạch Mã” ở Phú Yên. Sư đoàn “Mãnh Hổ” ở tỉnh Bình Định, chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ đường 19. Tại đèo An Khê, chúng thiết lập hệ thống các điểm chốt hai bên đường. Chỉ chưa đầy 10 km đường chim bay có đến 12 - 15 điểm chốt, được bố trí liên hoàn trên các điểm cao, khống chế mặt đường. Trên đỉnh đèo, mỏm núi Cây Rui, chúng đóng chốt một đại đội. Kế tiếp là các chốt Mâm Xôi, Hòn Kiềng1, Chóp Vung, cao điểm 105 (Nam đường 19), và các mỏm đồi gần mặt đường của dãy núi Ông Bình (Bắc đường 19). Mỗi nơi có từ một trung đội đến một đại đội. Phía Tây đèo An Khê, thuộc tỉnh Gia Lai, cũng có hệ thống chốt bảo vệ đường, như điểm chốt ở núi Bìm Bìm, ở suối Vối, cao điểm 602 và núi Nhọn (cao 674m). Hỏa lực bắn thẳng, hỏa lực cầu vồng trên các chốt, kết hợp với các trận địa pháo ở Đồn Phó (huyện Phú Phong), Lai Nghí (huyện An Nhơn) cao điểm 105, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định và các trận địa pháo ở huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, tạo nên lưới lửa trực tiếp chi víện cho đèo An Khê.

Lực lượng cơ động của sư đoàn “Mãnh Hổ” thường xuyên càn quét, sục sạo trên các địa hình, làng mạc hai bên trục đường 19 từ xã Bình Nghi lên xã Bình Tường và phía Bắc, Đông Bắc sông Côn.

Để ngăn chặn quân ta tiến ra mặt đường địch rải các loại mìn sát thương hai bên trong phạm vi 200 - 300 mét. Ngoài 300 mét là bom vướng nổ được máy bay thả xuống. Một “bom mẹ” khi rơi xuống bung ra hàng trăm “bom con”, như quả cam, có màu xanh lá cây, rất khó phát hiện. Loại bom này khi chạm đất sẽ bung dây ra bốn góc, như những sợi chỉ dù, cũng màu xanh như lá cây. Một con thú rừng đi qua, thậm chí một luồng gió thổi mạnh bom cũng nổ. Vì vậy, nơi đây nghe tiếng bom nổ suốt ngày đêm.

Nhưng đối với chúng tôi, đây là khu vực khá an toàn. Bởi vì chỗ nào đã gài mìn, thả bom vướng thì bọn thám báo, biệt kích, không bao giờ bén mảng đến. Địch ở trong chốt không dám thoát ra khỏi công sự, không nắm được tình hình diễn ra xung quanh. Chúng tôi triển khai đội hình tiểu đoàn cách mép đường 200 - 300 mét ban ngày, địch vẫn không hay.

Ngày cũng như đêm, lính Nam Triều Tiên đều ở dưới hầm, rất ít khi xuất hiện trên mặt đất. Từ trên các điểm cao xung quanh nhìn xuống, các đồn bốt của chúng im phăng phắc như chỗ không người. Tinh thần binh lính địch ở đây rất căng thẳng, luôn phải đề phòng hỏa lực của ta dội xuống đầu bất cứ lúc nào.

Nguy hiểm nhất đối với ta là các bãi mìn địch rải xuống hai bên vệ đường, chủ yếu là mìn Zíp. Mìn này có độ chống ẩm cao, cỏ mọc phủ lên rất khó phát hiện. Sau năm, mười năm chúng vẫn còn tác dụng. Tôi còn nhớ, một lần, từ suối Dầu (suối Đồng Xoài) phía Nam đường, đoàn cán bộ chúng tôi tiếp cận lên đường để chuẩn bị phương án tác chiến, ba đồng chí đi trước, tôi là người đi thứ tư, không việc gì. Nhưng cũng trên lối mòn đó, đồng chí Trần Nựu, trợ lý tác huấn là người thứ năm đạp phải quả mìn Zíp. Đồng chí chỉ bị mất một bàn chân. Nhưng do đường về căn cứ xa, núi non hiểm trở, vết thương bị hoại tử, khi đến được trạm xá, phải cắt chân lên trên đầu gối. Còn nhiều trường hợp, khi xung phong ra mặt đường, hoặc lúc lui quân, bộ đội ta bị các bãi mìn gây sát thương.

Tiểu đoàn 6 đánh giao thông liên tục trên đoạn đường đèo này, các đoàn xe địch bị bắn cháy, bị phá hủy, đều lăn xuống con suối phía Nam đường, xăng dầu chảy thành suối. Vì vậy trong bản đồ của khu vực này có con suối lúc thì in suối Dầu lúc gọi là suối Đồng Xoài. Dòng nước tuy trong, nhưng không dùng được. Đất ở đây cũng bị thấm dầu, ô nhiễm cả một vùng. Vận chuyển tiếp tế của địch bằng cơ giới luôn bị chặn đánh, chúng đã thiết lập hệ thống cung cấp bằng đường ống, chôn sâu dưới đất, nhưng cũng bị ta phá liên tục. Địch ở Tây Nguyên không được tiếp tế, có lúc vô cùng khốn đốn.

Khi mặt trận B3 chưa mở chiến dịch, hoặc đã kết thúc, chúng tôi lại liến hành những trận phục kích nhỏ lẻ, diệt từng chiếc xe, tốp xe, luôn luôn gây tâm lý bất an cho địch khi đi qua đoạn đường này. Tất cả các loại xe vận tải khi bắt đầu lên đèo, lính lái xe cứ mở sẵn cửa ca bin, hễ nghe phía trước có tiếng súng, lập tức dừng lại nhảy xuống xe, tìm đường trốn thoát, “bỏ của chạy lấy người”. Địch vẫn gọi nơi đây là “đoạn đường máu lửa”. Lợi dụng ưu thế về địa hình, công tác chuẩn bị chu đáo, hầu hết các trận đánh giao thông trên đường 19 của Tiểu đoàn 6 nói riêng, trung đoàn 12 nói chung đều đạt hiệu suất chiến đấu cao. Bộ đội ở đây đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, chủ động, khắc phục khó khăn trong công tác bảo đảm, sáng tạo trong cách đánh trên một địa bàn xa xôi, cách trở nguồn cung cấp của sư đoàn. Hiện tại và mãi mãi về sau, Tiểu đoàn 6 vẫn là ngọn cờ đầu của Trung đoàn bộ binh 12 và của Sư đoàn 3 Sao Vàng.

Để chuẩn bị cho đợt hoạt động, phối hợp với mặt trận Quảng Trị, đường 9 - Nam Lào đầu năm 1971, sau tổn thất nặng nề khi vượt đường 19 sang phía Nam, được sự giúp đỡ của trung đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn 6 đã nhanh chóng ổn định tình hình, ra quân cùng với trung đoàn bộ binh 95, đánh cắt giao thông trên đường 19. Đây là đợt hoạt động phối hợp đầu tiên từ sau ngày hai tiểu đoàn: tiểu đoàn 6 trung đoàn 12 (đã có ở đây từ trước) sáp nhập với tiểu đoàn 19 công binh, vẫn giữ nguyên phiên hiệu là tiểu đoàn 6 thuộc trung đoàn bộ binh 12.

Thời gian này đại bộ phận lực lượng trung đoàn 12 cùng đội hình của sư đoàn đang hoạt động ở phía Bắc tỉnh Bình Định. Tiểu đoàn 6 tác chiến ở phía Nam đường 19 mang tính độc lập, các trận đánh của tiểu đoàn, chủ yếu cấp đại đội, bằng hình thức phục kích, tiêu diệt các tốp xe vận tải của địch, có khi tiêu diệt cả những đoàn xe trên 10 chiếc tại đèo An Khê. Tuy nhiên, trong các trận đánh, dù quy mô nào, tiểu đoàn đều sử dụng hầu hết các phân đội hỏa lực trong biên chế, bảo đảm cho bộ đội làm chủ mặt đường, thu chiến lợi phẩm, phá hủy các phương tiện vận tải của địch, giải quyết thương binh, tử sĩ và lui quân được an toàn.

Tổng hợp đợt hoạt động đánh cắt giao thông phối hợp với mặt trận đường 9 - Nam Lào năm 1971, tiểu đoàn 6 đã tiêu diệt và phá hủy 25 xe vận tải quân sự của địch, cùng với trung đoàn bộ binh 95, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế hậu cần từ đồng bằng lên Tây Nguyên.

Kết quả đợt hoạt động này còn nhiều hạn chế. Trước hết, chất lượng chiến đấu của bộ đội có ảnh hưởng sau “biến cố” xảy ra và công tác bảo đảm chiến đấu có nhiều khó khăn. Song, đây là những kinh nghiệm làm cơ sở cho những năm sau này, ta tập trung lực lượng cắt đường dài ngày và triệt để hơn trong những chiến dịch lớn có tính chiến lược được mở ra ở Tây Nguyên.
_________________________________________
1. Địa danh do bộ đội ta đặt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 04:11:47 pm »


Bước sang năm 1972, trên chiến trường khu 5, ta tiến đánh hàng loạt căn cứ địch hỗ trợ phong trào nổi dậy, diệt ác phá kềm ở các địa phương vùng đồng bằng và giáp ranh 3 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên. Ở Tây Nguyên sư đoàn bộ binh 2 tiến công trung đoàn 47 và 42 quân chủ lực Sài Gòn ở Đắc Tô, Tân Cảnh, uy hiếp căn cứ chỉ huy tiền phương của sư đoàn 22, từ đồng bằng vừa chuyển lên1.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, nơi sư đoàn bộ binh số 3 đảm nhiệm, đối tượng tác chiến là sư đoàn bộ binh số 22 quân lực Việt Nam Cộng hòa và sư đoàn “Mãnh Hổ”- Nam Triều Tiên. Sư đoàn 22 Cộng hòa có các căn cứ ở tỉnh Bình Định, là lực lượng chủ lực cơ động trên chiến trường khu 5, kể cả Tây Nguyên.

Căn cứ Đệ Đức (huyện Hoài Nhơn), là trung đoàn 40; Căn cứ Trà Quang - Bình Dương (huyện Phù Mỹ), trung đoàn 41; Căn cứ Lai Nghi (huyện An Nhơn), trung đoàn 42 và căn cứ An Sơn (huyện Vân Canh) là Sở chỉ huy sư đoàn và các đơn vị trực thuộc khác.

Sư đoàn bộ binh số 3 của ta, sau khi cơ động từ tỉnh Quảng Ngãi vào chỉ còn lại hai trung đoàn là trung đoàn bộ binh số 2 và 12. Sau tết Mậu Thân 1968, địch đã phục hồi lại và phản kích quyết liệt. Quân ta bị tổn thất nặng nề, nhất là lực lượng vũ trang và cơ sở cách mạng ở các địa phương. Theo lệnh của Quân khu, tháng 2 năm 1970, sư đoàn bộ binh 3 giải thể trung đoàn 22, đưa lực lượng xuống các tỉnh để hoạt động: Tiểu đoàn 7 về tỉnh Quảng Ngãi; Tiểu đoàn 8 về Bình Định; Tiểu đoàn 9 về Phú Yên. Trung đoàn bộ binh 21 từ miền Bắc vào, do đồng chí Việt Sơn làm trung đoàn trưởng, được điều về thay cho trung đoàn bộ binh 22 và sau đó, năm 1972, quân khu 5 quyết định giải thể sư đoàn 711 và trung đoàn bộ binh 21. Trung đoàn bộ binh 2 và các đơn vị trực thuộc sư đoàn 3, hoạt động tại các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát. Trung đoàn bộ binh 12 chuyển vào phía Nam tỉnh Bình Định, tập trung chủ yếu đường 19.

Trên chiến trường đã hình thành thế “cài răng lược” giữa ta và địch, đan xen nhau như “vết da báo”. Nhờ những hoạt động tích cực, đều khắp, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, vùng địch tạm chiến, một số thị trấn, thị xã có nguy cơ bị ta đánh chiếm. Có nhiều vùng, ban đêm nằm trong sự quản lý của chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng. Bộ đội, du kích và nhân dân đi lại tự do như sống trong không khí hòa bình thực sự. Có nơi, như có sự “phân chia” ngày địch, đêm ta. Tuy bị địch khống chế trong các vùng chúng kiểm soát, nhưng lòng dân đã thuộc về các mạng.

Mùa xuân năm 1972, mặt trận B3 mở chiến dịch Tây Nguyên nhằm: “Tiêu diệt địch, giải phóng Daktô, Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kontum, và phát triển xuống Plâyku, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ

Xác định vị trí tầm quan trọng con đường chiến lược số 19 đối với chiến trường Tây Nguyên, trung đoàn bộ binh 12 bắt tay vào công tác chuẩn bị phối hợp với mặt trận B3.

Trung đoàn bộ binh 12 (thiếu tiểu đoàn 6) ở Bắc đường 19 có thuận lợi hơn. Tiểu đoàn 6 ở phía Nam đường 19. Công tác chuẩn bị của tiểu đoàn 6, chủ yếu là cơ sở vật chất. Ở đây công tác bảo đảm về lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc quân y đều phải vận chuyển từ căn cứ hậu cần sư đoàn ở phía Bắc đường 19 và phía Bắc sông Côn. Mỗi chuyến hàng đưa được sang Nam đường 19 phải mất cả tuần lễ. Nhiều khi gặp phải những nguy hiểm trên đường. Trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn, chúng tôi thường thay phiên nhau đi chỉ huy các đoàn vận tải. Khi đi ra theo đường từ căn cứ xuống xã Bình Tường, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, khi quay về thường đi theo đường rừng qua Công Hà Nừng, tỉnh Gia Lai, vượt đường 19 đoạn Suối Vối, phía đông thị trấn An Khê (nay là thị xã An Khê) tỉnh Gia Lai. Đường đi vô cùng gian truân vất vả. Những đồng chí đã lớn tuổi như anh Trần Hữu Biền (chính trị viên), anh Lê Hoài - Tiểu đoàn trưởng (trước đó là anh Chu Đức Liên), anh Đỗ Cung - quân y sĩ, vẫn phải gò lưng, cùng với bộ đội cõng hàng vượt gần trăm km đường rừng, qua những vùng nguy hiểm.

Việc lấy hàng ở Bắc đường 19, chủ yếu là đạn dược (nhất là đạn hỏa lực), thuốc quân y, nguồn pin cho máy thông tin... Vì những trang bị này chúng tôi không làm ra được, không sản xuất được. Còn lương thực, thực phẩm, đơn vị tự túc (chăn nuôi, sản xuất) và xuống các xã: Bình Tường, Bình Nghi thuộc huyện Bình Khê, hoặc xuống huyện Văn Canh thu mua của dân... Nhưng đường đi cũng khá xa. Mỗi một chuyến phải mất 3 ngày 2 đêm. Để rút ngắn thời gian, một hôm anh Biền và anh Hoài gợi ý với tôi nghiên cứu xuyên một con đường khác từ căn cứ xuống cửa khẩu thuộc xã Bình Nghi, cố gắng rút được một ngày thì tốt, thay vì con đường hiện tại phải mất 3 ngày và phải đi qua những đồi tranh, trống trải, dễ bị máy bay phát hiện và dễ bị lính Nam Triều Tiên phục kích.

Tôi trải tấm bản đồ, tỷ lệ 1/100.000 để nghiên cứu xuyên một con đường từ căn cứ của Tiểu đoàn, qua sườn của một loạt cao điểm có in màu xanh lá cây (thể hiện đó là rừng già) tránh các điểm cao có in màu trắng (thể hiện đó là đồi tranh, bãi trống). Lấy điểm đến là suối Ông Già, một con suối rộng chừng 15 - 20m, phía tây xã Bình Nghi - nơi đây gọi là cửa khẩu, có các lực lượng hậu cần của ta túc trực, hàng đêm bám đường xuống đồng bằng thu mua lương thực và các nhu yếu phẩm, cho bộ đội xuống nhận, vận chuyển về đơn vị.

Tưởng đi xuyên con đường mới này là dễ dàng. Trên bản đồ đo được từ 20 - 25 km đường chim bay. Tôi mang theo tấm bản đồ, địa bàn và một cái võng cùng đồng chí Hoàng Chuẩn, chiến sĩ thông tin xách súng, hăng-gô và một ít gạo, lương khô, xuất phát ra đi.

Buổi sáng hôm đó, đường đi thuận lợi, vì địa hình tương đối bằng phẳng, có các con suối lớn, dễ xác định được địa hình trên bản đồ và ngoài thực địa.

Đến chiều gặp toàn núi cao, rừng rậm rất khó đi. Hai anh em luôn luôn bắt gặp heo rừng, nai và hàng đàn Dọc (Voọc) 2 nhảy nhót trên cây. Đây là khu rừng già, nguyên sinh, rất ít dấu vết của con người vào đây. Tôi đang say sưa ngắm cảnh núi rừng mát mẻ, yên tĩnh dưới ánh nắng xế chiều xuyên qua các tán lá cây, thì phát hiện bên kia con suối rộng khoảng 15 mét, nước chảy trong xanh, hai con chó sói đang quần nhau với một con heo rừng.
_______________________________________
1. Lịch sử sư đoàn 2 - Nxb. Đà Nẵng.
2. Một loài vượn màu đen rất nhiều ở phía Nam đường 19.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 04:13:14 pm »


Hồi còn ở nhà, lúc nhỏ, nghe những người thường hay đi rừng ở quê tôi nói rằng: chó sói bắt được cả trâu, bò để ăn thịt. Khi phát hiện con mồi như con bò hoặc con heo, chúng chạy vòng quanh con mồi, đái lên những cành cây lúp xúp rồi lùa con mồi tới đó. Nước đái của chúng sẽ quệt vào mắt con mồi, làm cho con mồi bị mù. Chó sói liền nhảy lên, cắn vào đít con mồi, moi ruột ra để ăn. Ngày ấy, miền núi vùng Hương Sơn quê tôi có rất nhiều chó sói, và cọp (hổ) thường vào làng bắt heo, bò kéo vào rừng ăn thịt. Ban đêm gia đình tôi thường phải ngủ trên chạn (trên gác) và đánh mõ xua đuổi.

Bây giờ trước mắt tôi, bên kia bờ suối khoảng 20 mét, hai con chó sói đang quyết định sự sống của một con heo khoảng 50 kg.

Tôi vẫy tay cho đồng chí Chuẩn ngồi xuống, giương khẩu súng AK lên ngắm vào con heo điểm xạ hai phát đạn. Hai con chó sói chạy biến vào rừng, để lại con heo đang giãy dụa. Tôi và Chuẩn kéo con heo xuống suối khoảng vài trăm mét, định bụng dừng lại xẻ thịt để luộc ăn và nghỉ qua đêm thì nghe có tiếng người và tiếng xoong nồi khua loảng xoảng dưới đó một đoạn. Tôi liền phái đồng chí Chuẩn xuống đó xem sao, thì phát hiện... bếp nuôi quân của Tiểu đoàn đang nấu cơm chiều. Thì ra từ sáng tới giờ, hai anh em tôi chưa ra khỏi khu vực đóng quân của đơn vị, đi loanh quanh thế nào mà cuối cùng lại về nơi xuất phát. Quả là đi theo góc phương vị trên địa hình rừng núi rậm rạp không dễ chút nào. Song, tôi vẫn chưa chịu bó tay, dặn đồng chí Chuẩn về nghỉ, ngày mai đi lại.

Sáng hôm sau chúng tôi đi tiếp. Lần này có thêm 1 đồng chí liên lạc nữa, đồng chí Nông Văn Mạnh và đồng chí trợ lý tác huấn - Bốn anh em xuyên qua dãy rừng già. Đi được mấy trăm mét lại dừng để lấy góc phương vị chính xác rồi mới đi tiếp. Đến trưa, chúng tôi đang chuẩn bị vượt qua một con suối thì thấy phía bên kia, một con nai đang hốt hoảng từ trên bờ nhảy xuống và lội qua suối sang chỗ chúng tôi. Có thể con nai này cũng đang bị chó sói rượt đuổi. Đồng chí liên lạc quỳ xuống, giương súng lên. Con nai vừa lên bờ thì trúng 1 viên đạn gục xuống...

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại, có lúc tôi vẫn còn ân hận và tự hỏi: “Vì sao lúc đó, mình không bắn con chó sói để cứu con heo và con nai tội nghiệp? Trong lúc hai con vật bị chó sói tấn công, mình lại đứng về phía chó sói để hạ sát con heo và con nai, khi chúng đang hốt hoảng trước cái chết gần kề?”. Nhưng rồi tự an ủi: “Hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa cho phép mình nghĩ đến việc bảo vệ động vật hoang dã. Điều cần thiết lúc đó là sự sống của người lính. Người lính thiếu thốn đến mức phải mò cua, bắt ốc, thiếu thực phẩm phải hái rau rừng bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Nhiều khi phải hy sinh mạng sống vì những chuyến hàng thực phẩm từ dưới đồng bằng lên căn cứ. Không thể oán trách việc bắn thú rừng lấy thịt!”.

Kết quả lần đi này là chúng tôi đã xuyên đường xuống được cửa khẩu Bình Nghi. Tuy có kín đáo hơn nhưng con đường này không thể sử dụng được - vì qua nhiều ghềnh thác, núi non hiểm trở. Hôm sau, chúng tôi đi chọn địa điểm đặt kho tàng, để nếu sau này sử dụng thì đưa lực lượng xuống phát đường, làm kho, trạm.

Chúng tôi, theo một con suối nhỏ vào chân núi thì đi đúng vào ổ phục kích của lính Đại Hàn. Tất cả các loại súng bắn dồn dập theo con suối. Đồng chí Nông Văn Mạnh đi trước bị thương vào bàn tay trái. Tất cả lợi dụng vào bờ suối lùi lại, xuyên đường vòng tránh trận địa phục kích của địch. Đồng chí Mạnh bị thương, được đưa về phía sau sang phía Bắc đường 19. Và cũng từ đó đến nay, từ năm 1971, tôi chưa có lần nào gặp lại đồng chí.

Những năm kháng chiến đấu trên đường 19, mỗi một viên đạn, mỗi hạt gạo ở đây đều nhuốm máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao cán bộ, chiến sĩ. Mỗi một trận đánh phải tính toán chi li từng viên đạn, từng kg thuốc nổ. Trong điều kiện khó khăn về vũ khí, đạn dược, chúng tôi tổ chức một bộ phận gọi là “tổ kỹ thuật”. Tuy trong biên chế không có, đây là sự sáng tạo trong công tác tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tổ này có nhiệm vụ tìm kiếm “pháo lép”, “bom câm” đem về tháo ngòi nổ, cưa lấy thuốc để sử dụng trong nhiệm vụ đánh giao thông. Tổ này do đồng chí Mai Văn Minh phụ trách. Trong những năm ấy, “Tổ kỹ thuật” đã “khai thác” được hàng chục tấn thuốc nổ, đáp ứng được một phần quan trọng đối với nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất. Tuy rất nguy hiểm, nhưng mọi việc đều tốt đẹp.

Nhiệm vụ của trung đoàn bộ binh 12 (thiếu tiểu đoàn 4) 1 trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 là cắt đứt giao thông tiếp tế của địch trên đường 19 từ đồng bằng miền Trung lên cao nguyên kìm giữ sư đoàn “Mãnh Hổ” - Nam Triều Tiên và một bộ phận quân chủ lực Sài Gòn, tạo thuận lợi cho mặt trận B3 ở Tây Nguyên và đồng thời cho sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Bắc - Bình Định.

Ý định tác chiến của trung đoàn bộ binh 12 như sau:

Tập trung lực lượng, xây dựng cụm chốt cắt giao thông tại đèo An Khê, chủ yếu từ Cống Hang Dơi phía Đông đèo đến núi Cây Rui, đỉnh đèo có chiều dài từ 15 đến 20 km, với quyết tâm là đánh bại mọi cuộc phản kích giải tỏa của địch, cắt đứt mọi sự vận chuyển tiếp tế của chúng từ đồng bằng lên Tây Nguyên, trong thời gian quy định của cấp trên.
_________________________________________
1. Trong chiến dịch Xuân-Hè 1972, Tiểu đoàn 4 hoạt động cùng với các lực lượng sư đoàn 3 ở vùng Hoài Ân - Phù Mỹ - Phù Cát.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM