Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:07:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu tự nguyện  (Đọc 56974 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:38:41 pm »


Trời càng về trưa, càng nóng như đổ lửa. Máy bay trực thăng, hết tốp này đến tốp khác tiếp tục phóng rocket, ném lựu đạn xuống hang đá. Chúng như bầy quạ đen đang giành ăn. Mùi thuốc súng, mùi bom xăng tràn vào các cửa hang, ngợp thở. Bỗng trước cửa hang đá hướng Tây (hướng Hòn Chè) tiếng súng rộ lên từng tràng. Nghe như có cả tiếng súng AK của bộ đội ta.

Tiếng máy bay trực thăng, máy bay phản lực cùng với tiếng bom, pháo ầm ầm mãi cho đến chiều. Khoảng 16 giờ, địch cho trực thăng đáp xuống một đồi sim gần khu vực hang đá, bốc quân đi.

Tất cả chúng tôi mặt mũi lấm lem, bơ phờ, mệt mỏi. Cảnh vật nơi đây như vừa trải qua trận bão khủng khiếp. Những cây gỗ to đường kính 2-3 tấc, bị đạn pháo tiện đứt, đổ ngổn ngang. Xung quanh bốn bề yên tĩnh lạ. Mọi người túa ra các hướng kiểm tra lại quân số. Tất cả bàng hoàng khi phát hiện Hồ Huy Liễu - một chiến sĩ trinh sát - hy sinh ngay trước cửa hang, xung quanh vương vãi mấy vỏ đạn AK, song súng không còn, địch đã lấy đi mất. Rất có thể Liễu đã chiến đấu với toán lính Mỹ từ trên Hòn Chè xuống sục sạo, sau những loạt đạn AK, anh đã hy sinh. Cả đại đội 2 chúng tôi vô cùng thương tiếc.

Đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ về anh. Quê anh ở xã Sơn Hàm, cùng huyện với tôi, cùng nhập ngũ một ngày, cùng biên chế vào đại đội 2 công binh và cùng ở tiểu đội trinh sát với tôi. Anh có dáng người cao, thanh thoát. Tóc hai bên thái dương chảy dài xuống má thành hình râu quai nón. Vậy là trong đợt nhập ngũ với tôi, đến thời điểm này, trong đại đội đã bị “mất” 3 người: Nguyễn Minh Hiển, Hồ Huy Liễu và sau đó ít ngày là Trần Sỹ Mỹ. Quân số tiểu đội trinh sát nói riêng, đại đội nói chung, cứ thế vơi dần...

Với sức mạnh về binh khí kỹ thuật và sức cơ động cao, chúng có lợi thế hơn ta gấp nhiều lần. Những chiến dịch “tìm diệt” với chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “Phượng hoàng tung cánh”, “Phượng hoàng vồ mồi”, “Bủa lưới phóng lao”, v.v... được thực hiện khắp nơi trên cả ba vùng chiến lược.

Trước sức mạnh và tương quan lực lượng trên chiến trường nghiêng về phía địch, quân ta đã nhanh chóng chuyển phương thức tác chiến cho phù hợp với tình hình trên chiến trường. Vừa đánh nhỏ, lẻ tiêu hao địch, vừa xây dựng lực lượng tạo thời cơ để tổ chức những trận đánh quy mô vừa, tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng. Giai đoạn này chúng tôi thường áp dụng theo lối đánh của đặc công (đặc công hóa bộ binh), phát huy sở trường đánh đêm, tập kích vào các cụm quân dã ngoại của lính Mỹ khi vừa đổ quân xuống. Đã có những gương chiến đấu dũng cảm xuất hiện trong những ngày đầu đánh Mỹ. Tôi còn nhớ, trong một lần đi bám địch để tập kích tại thung lũng An Lão, tổ trinh sát chúng tôi do Nguyễn Hữu Quang chỉ huy, đột nhập vào một toán lính Mỹ vừa mới đổ xuống và co cụm lại trên một gò đất gần chân núi. Anh Quang đi trước. Do trời tối và do địa hình cây cối lúp xúp, chúng tôi vào sát khẩu đại liên 30 của địch mà không biết. Khi phát hiện được tên xạ thủ Mỹ nằm bên khẩu súng thì cũng là lúc nó phát hiện được Quang. Thằng Mỹ cao, to ôm lấy Quang vật xuống đất. Anh Quang bình tĩnh, gí khẩu súng Col 45 vào nách thằng Mỹ, bóp cò. Nó ngã vật xuống không kêu lên được một tiếng. Anh Quang vác khẩu đại liên về đơn vị. Hoặc như anh Phan Hành Sơn, một mình đã quần lộn với địch tại núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) diệt hàng chục lính Mỹ. Sau này các anh được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng quân đội”.

Việc nhanh chóng chuyển phương thức tác chiến, vận dụng sáng tạo trong cách đánh... là những vấn đề rất mới và rất phù hợp trong thời kỳ đầu, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam.

Trước một đối tượng lợi thế hơn ta về nhiều mặt, chúng ta chưa có đủ điều kiện cần thiết để chiến đấu giữ đất, giành dân. Hơn lúc nào hết, vấn đề được đặt ra lúc này là tiêu hao, tiêu hao ngày càng nhiều sinh lực địch, chủ yếu là lính Mỹ, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Vừa chiến đấu, vừa rút kinh nghiệm thành những “bài học đánh Mỹ”, tìm và khoét sâu những điểm yếu cơ bản không thể khắc phục được của chúng.

Phong trào thi đua diệt Mỹ được phát động, nổi lên rầm rộ trên khắp các chiến trường. Đánh nhỏ kết hợp với đánh vừa bằng mọi hình thức tác chiến, với mọi vũ khí trong tay nhằm tiêu hao, tiêu diệt địch khắp nơi.

Với đặc điểm địa hình giáp ranh, cho phép chúng ta không những áp dụng lối đánh tập kích ban đêm, mà ngay trong điều kiện ban ngày, ta cũng có thể chuyển sang đánh phục kích tại chỗ, hoặc phục kích vận động.

Một ngày gần cuối mùa khô năm 1966, đại đội 1 công binh chúng tôi đang trú quân ven sườn đồi, dưới chân dãy núi Yến Luyện thuộc xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thì trực thăng đổ một đại đội lính Mỹ xuống một trảng trống, trên con đường từ thung lũng Cát Sơn xuống cửa khẩu của ta ở Dốc Dài (đường đi xuống xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ). Theo phán đoán lính bộ binh Mỹ sẽ theo con đường mòn này đi ngược lên khu vực trú quân của đơn vị để lùng sục, tìm diệt quân ta. Con đường mòn đi qua một thửa ruộng rộng khoảng 50m, trèo lên cái dốc ngắn, cao khoảng 2m, lên tiếp phía trên dốc là đường bằng. Hai bên đường là rừng cây lúp xúp và cao hơn mặt đường một bình độ, rất thuận lợi để bố trí đội hình phục kích. Chúng tôi đã có dịp đi nghiên cứu trước đoạn đường này. Do địa hình không cho phép, bắt buộc các đơn vị qua đây phải đi thành hàng dọc. Khi đến đầu dốc này, bộ phận lên trước, tiếp tục tiến theo trục đường, lực lượng đi sau sẽ ùn lại dưới chân dốc để chờ nhau leo lên. Như vậy lực lượng chủ yếu của chúng sẽ tập trung từ chân dốc ra phía sau.

Chúng tôi bố trí một tiểu đội phục kích đón đầu ở đoạn đường trên dốc; đại bộ phận lực lượng của đại đội được bố trí phục kích trên đoạn đường từ chân dốc về phía sau khoảng hơn 100 mét, cách đường khoảng 40 - 50 mét. Súng cối 82 và 60 mm bố trí phía sau, bắn chặn không cho địch rút chạy. Với phạm vi như vậy ta có thể diệt gọn được một trung đội lính Mỹ, hoặc đánh thiệt hại nặng một đại đội của chúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:39:12 pm »


Đúng như dự kiến, sau khi đổ quân, binh lính Mỹ, dưới sự yểm trợ của máy bay trực thăng và pháo cối, bắt đầu tiến theo con đường mòn đi ngược lên, đội hình rất dày.

Trong khi máy bay quần lượn, đổ quân, đơn vị tôi đã kịp thời cơ động ra bố trí đội hình phục kích. Tại chân dốc, có con mương nước nhỏ chảy qua, nơi phán đoán đội hình phía sau của địch sẽ ùn lại, chờ vượt dốc, tôi bố trí một quả mìn định hướng 10 kg (ĐH10) và giao cho một chiến sĩ trực tiếp quan sát, điểm hỏa.

Khoảng 10 giờ trưa, một tiểu đội 10 tên Mỹ leo lên khỏi dốc, tiếp tục theo con đường mòn đi tiếp. Ở phía sau đội hình đã ùn lại dưới chân dốc, chờ nhau leo lên. Một số tên rải rác theo sau đang ở ngoài ruộng. Đây là thời cơ tốt nhất để nổ súng.

Tôi ra lệnh điểm hỏa quả mìn ĐH10. Tiểu đội chặn đầu diệt tại chỗ 7 tên lính Mỹ trên đầu dốc. Ở phía sau từ chân dốc trở ra, lực lượng chủ yếu của ta nổ súng, tiến công vào ngay bên sườn đội hình địch. Cối 82 – 60 mm tập trung bắn chặn phía sau. Bị tiến công bất ngờ trên địa hình bất lợi, cự ly giữa ta và địch chỉ 20 - 30m, chúng không kịp phản ứng. Pháo cối của địch mất hiệu lực.

Bộ đội ta xung phong ra thu được trên chục khẩu AR15 và trung liên. Tại chân dốc, địch chết chồng lên nhau vì bị quả mìn định hướng sát thương, đứa mất đầu, đứa gãy chân, gãy tay, thịt, xương văng ra khắp nơi. Nhìn cảnh tượng mà thấy khiếp đảm. Chúng tôi đã diệt gọn một trung đội Mỹ, trong thời gian rất ngắn, quân ta an toàn.

Những trận đánh nhỏ lẻ, đạt hiệu suất cao như trên đã diễn ra khắp nơi, nhất là vùng đồi núi và vùng giáp ranh miền Trung. Trong việc chuyển phương thức tác chiến, tùy theo từng điều kiện cụ thể trên từng chiến trường mà phát huy tối đa những lợi thế của từng đơn vị, không nhất thiết phải theo thứ tự từ đánh nhỏ, lẻ rồi mới đánh vừa, đánh lớn. Xác định rõ mục tiêu lúc này là tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

Cùng một thời điểm quân Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam năm 1966, trong khi chiến trường B3 đánh những trận phủ đầu quân Mỹ với quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn, diệt gọn từng đại đội, đánh thiệt hại nặng từng tiểu đoàn Mỹ, thì ở vùng đồng bằng, vùng giáp ranh quân khu 5, lúc đầu với điều kiện không cho phép, chúng ta đã chuyển sang phương thức tác chiến phân tán, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch bằng lối đánh tập kích, phục kích, vận động tiến công, phổ biến là tập kích ban đêm theo lối đánh của Đặc công. Trong quá trình phân tán đánh nhỏ, lẻ, ta đã tổ chức những trận đánh quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn và trung đoàn tăng cường (như đã nói ở trên)...

Một đặc điểm “cố hữu” của binh lính Mỹ lúc mới sang chiến trường Việt Nam là chúng thường ỷ lại vào quân đông, trang bị tối tân, hiện đại, dựa vào máy bay, đại bác, xe tăng nên thường hung hăng. Chúng như những con thiêu thân, lớp này chết, lớp khác tiến lên, dàn hàng ngang tiến vào làng, trước mũi súng của quân ta. Đây là thời cơ để ta tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng trong những lần chúng đi càn quét.

Quán triệt tư tường “lấy ít đánh nhiều”, ngay từ đầu, trên chiến trường, chúng ta đã có cách đánh phù hợp với đối tượng tác chiến, khoét sâu những điểm yếu cơ bản, loại dần những yếu tố tạo nên sức mạnh của chúng.

Sự sáng tạo trong cách đánh đã đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam lên đỉnh cao, đánh bại từng âm mưu chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của địch. Chỉ cần một tiểu đội, một trung đội, thậm chí một tổ, chiếm lĩnh địa thế có lợi, dựa vào công sự vững chắc, ta có thể kéo cả một tiểu đoàn, một trung đoàn địch ra khỏi công sự, điều chúng đến những nơi bất lợi để tiêu diệt chúng...

Lịch sử đã chứng minh: Thắng lợi của cuộc chiến tranh dựa trên cơ sở thắng lợi quyết định về quân sự trên chiến trường. Trong từng trận chiến đấu cũng vậy, lấy việc tiêu diệt sinh lực của đối phương, làm chủ trận địa là yếu tố quyết định cho việc hoàn thành nhiệm vụ của trận đánh, để đạt được mục tiêu của chiến dịch.

Lính Mỹ bị toại khỏi vòng chiến đấu ngày càng nhiều sẽ góp phần quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Binh lính Mỹ trên chiến trường thương vong ngày càng nhiều, nhân dân trong nước Mỹ sẽ càng đấu danh kịch liệt, buộc nhà cầm quyền phải đối phó cùng một lúc trên hai mặt trận là ở Việt Nam và ngay trong lòng nước Mỹ. Hậu phương rắc rối, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tư tưởng binh sĩ ở chiến trường.

Từ khi Mỹ đổ quân xuống chiến trường khu 5, dải đất miền Trung thực sự là lò lửa thiêu đốt các đơn vị thiện chiến Mỹ và các nước đồng minh trong những năm 1966 - 1967 và các năm sau đó.

Những tên núi, tên sông với những con người ở đây kiên cường, dũng cảm đã in sâu vào ký ức của những người lính chúng tôi. Những năm tháng chiến đấu ở đây đã trở thành kỷ niệm, một phần cuộc đời cũng như sự nghiệp cách mạng của tôi. Những địa danh: An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, với những Đèo Nhông, Đèo Ngụy, Đèo Cây Sung, Đèo Phú Cũ, Dốc Bà Bơi, Dốc Lết, Dốc Dài, Dốc An Toàn, An Đỗ thuộc tỉnh Bình Định; Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Gia Vụt, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Sa Huỳnh... thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành vùng đất sinh tử của người lính chúng tôi. Chúng tôi làm sao có thể quên được những người dân ngày đêm bám trụ, phá banh ấp chiến lược, về với cách mạng, đấu tranh trực diện trước mũi súng quân thù, sát cánh chiến đấu cùng với bộ đội, đào hầm, đắp lũy, tiếp tế, tải thương. Nếu không được sự giúp đỡ của nhân dân, sự sát cánh chiến đấu của nhân dân, chúng tôi khó có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình. “Một tấc không đi, một ly không rời!”. Đó là khẩu hiệu hành động của quân và dân miền Trung lúc đó. Nó không chỉ là quyết tâm mà là thực tế có thật trên chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:40:04 pm »


TẬP KÍCH ĐẠI ĐỘI MỸ Ở DỐC LẾT


Cái địa danh “Dốc Lết” không biết có tự bao giờ. Có lẽ do độ cao của dốc quá lớn mà ai đi qua đấy, cũng phải bò, phải lết chăng? Hay là do quá trình càn quét của địch dai dẳng, có những trung đội, đại đội địch không chịu rút đi mà thường di chuyển ngắn, lết đi, lết lại hòng ngăn chặn lực lượng ta từ trên núi xuống đồng bằng? Ở đây người ta thường gọi những lực lượng này là “Mỹ lết”. Nhưng địa danh “Dốc Lết” không hẳn nói về quân Mỹ, mà có thể nói về một kỷ niệm của chính những người đặt ra nó.

Dốc Lết thuộc khu vực đồi núi huyện Hoài Ân. Từ thung lũng An Lão ở phía Đông, nếu ta đi qua khu vực “32 đồi tranh” xuống đến Hội Văn, lội qua con suối đá rộng khoảng 50 mét, nước trong xanh, đi lên hướng Tây chừng một tiếng rưỡi đồng hồ thì sẽ đến Dốc Lết. Đây là con đường mòn, nhân dân địa phương thường đi qua để khai thác song, mây, gỗ. Các đơn vị bộ đội cũng thường hành quân cơ động lực lượng qua đây để về các căn cứ trên dốc Bà Bơi, Kim Sơn, Nghĩa Điền là những xã thuộc miền núi, rồi tỏa đi các nơi khác.

Đồi núi ở đây, phần lớn thuộc rừng tái sinh xen kẽ những đồi sim và các trảng trống, rất thuận tiện cho việc giấu quân, cơ động lực lượng để tiếp cận địch; nhất là buổi chiều tối và tờ mờ sáng.

Vào một buổi chiều mùa khô năm 1966, khi tổ trinh sát chúng tôi dẫn đoàn cán bộ của Sư đoàn 3 đi khảo sát địa hình, nơi đây vẫn còn yên tĩnh. Vài tiếng đồng hồ sau, bỗng nhiên hàng đàn máy bay trực thăng ồ ạt đổ một đại đội bộ binh Mỹ thuộc Sư đoàn không vận số 1 xuống một trảng trống phía Đông Nam Dốc Lết khoảng 500 mét. Theo sau các tốp trực thăng đổ quân là máy bay CH47 (chúng tôi thường gọi là Sâu Cà, vì nó giống như con sâu cà) thả xuống những loại súng hỏa lực và đồ hộp, thức ăn hàng ngày của lính Mỹ.

Mùa khô, trời nóng nực. Sáu giờ chiều mà trời vẫn sáng rõ, khí nóng bốc lên hầm hập. Bọn địch bắt đầu co cụm lại, trên khoảng đất trống. Trên trời không ngớt tiếng máy bay trực thăng, máy bay phản lực. Cạnh bãi đất trống về phía Tây là rừng cây lúp xúp, tiếp đến là rừng già, giáp với con đường đi xuống Dốc Lết, về thôn Hội Văn, Hội Phú. Phía dưới, hướng Đông Nam là những thửa ruộng đã bỏ hoang từ lâu.

Đại đội công binh được giao nhiệm vụ tổ chức tập kích và tiêu diệt bọn địch ngay trong đêm, khi chúng vừa đổ quân xuống. Đây là thời cơ thuận lợi, chúng đang tập trung, chân ướt chân ráo chưa có công sự, đội hình chưa kịp phân tán. Thời kỳ đầu, lính Mỹ mới sang Việt Nam, chỉ quen dựa vào máy bay, pháo binh, xe tăng và tác chiến theo lối chính quy; lại không thông thuộc địa hình, không quen với khí hậu thời tiết, chưa hiểu được cách đánh của ta. Qua thực tế được rút ra từ các trận đánh của các đơn vị, tạm thời ta có kết luận là trình độ tác chiến của lính bộ binh Mỹ trên chiến trường khu 5 kém xa so với bộ đội ta. Tuy nhiên, càng về sau, chúng càng tích lũy được kinh nghiệm và trở nên lọc lõi, ranh mãnh.

Là tổ trưởng tổ trinh sát, tôi dẫn theo hai đồng chí đi trước đội hình, phía sau là hai trung đội, hình thành hai mũi, gần như song song với nhau tiếp cận mục tiêu. Bộ đội lúc này đã ở sâu trong đội hình địch. Lợi dụng tối đa địa hình đồi núi và đêm tối, chúng tôi mặc quần đùi, bôi nhọ nồi lên người, cầm thủ pháo, lựu đạn, mỗi tổ chỉ sử dụng vài khẩu súng AK, nên rất gọn, nhẹ. Chúng tôi im lặng, mò mẫm trong đêm tối, theo hai bên trục đường mà lúc chiều đoàn cán bộ của Sư đoàn 3 vừa đi qua.

Mệt mỏi với cái nắng nóng của mùa khô khắc nghiệt ở miền Trung, lại vừa đổ bộ bằng trực thăng xuống một khu vực hoang vắng, bọn lính Mỹ nằm lăn ra ngủ như những đống xác chết.

22 giờ, trong khi đang lần từng bước, tổ trinh sát chúng tôi dẫm đạp lên mấy tên Mỹ đang ngủ say. Tôi giật lùi một bước, đánh tín hiệu về phía sau cho đồng đội. Hai trung đội nhanh chóng triển khai đội hình và đồng loạt tiến công. Trên khu đất trống chỉ nghe tiếng thủ pháo, lựu đạn nổ, và từng loạt súng tiểu liên. Bọn địch rối loạn, không phát hiện được quân ta ở chỗ nào. Bị tiến công bất ngờ ngay trong đội hình, địch không phản ứng kịp. Trận địa cối của chúng ở phía Nam bãi đất trống bắn lên khu rừng già, trên đường đi về Dốc Lết.

Sau ít phút chiến đấu, máy bay trực thăng lên quần đảo, rọi đèn pha, các trận địa cối 81 mm cũng bắn đèn lên, chói sáng cả một vùng.

Trên trận địa, thủ pháo, lựu đạn, súng AK vẫn tiếp tục nổ vang. Tổ trinh sát chúng tôi vẫn theo sát đội hình các trung đội, tiến sâu vào trong đội hình địch. Bộ đội tỏa ra trên các hướng, từng tổ, từng tổ, vừa nổ súng, vừa ném lựu đạn và lùi dần vào cánh rừng phía Đông.

Sau hơn hai mươi phút chiến đấu, đơn vị thu quân rút về căn cứ Hội Văn, cách đó khoảng hai giờ đi bộ.

Riêng tôi, khi tiến sâu vào đội hình địch, xung quanh súng nổ loạn xạ, bị mất phương hướng không tìm được lối ra, cũng không liên lạc được với đồng đội. Tôi nép mình vào một bờ ruộng. Phía sau bờ ruộng mấy mét, lính Mỹ đào công sự, hất đất cả lên đầu tôi. Theo bờ ruộng và cây cỏ lúp xúp, tôi bò ra xa. Trong khoảnh khắc im tiếng súng, nhưng tiếng máy bay vẫn gầm rít trên trời, lợi dụng ánh đèn dù của địch, tôi quan sát thật nhanh xung quanh. Khi ánh đèn vừa tắt, tôi “nhảy cóc” di chuyển từ bụi cây này sang bụi cây khác, theo hướng dãy rừng già trước mặt khoảng 200 mét, là nơi lui quân của đơn vị.

Bỗng một tên Mỹ, không mang súng, cao lêu khêu, ở đâu xuất hiện, tiến thẳng đến bụi cây tôi đang ngồi. Dưới ánh đèn dù lờ mờ, tôi thấy rõ thằng Mỹ. Khi nó chỉ còn cách tôi khoảng 5 mét, không chần chừ, tôi giương khẩu súng CKC, bóp cò. Thằng Mỹ đổ vật xuống kêu rống lên...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:41:27 pm »


Đèn vừa tắt, tôi nhanh chóng nhảy sang một bụi cây khác. Một tốp lính khoảng 5 - 6 tên, từ những vạt ruộng khô ở phía Nam, rập rập chạy tới, khiêng tên bị thương. Bên lưng tôi còn một trái lựu đạn chày1 duy nhất, chớp thời cơ, tôi tung luôn vào tốp địch. Sau tiếng nổ đanh là những giây phút im lặng. Rồi tiếng pháo, cối, tiếng động cơ ầm ầm của máy bay trực thăng làm rung chuyển cả một vùng rừng núi. Lợi dụng đèn pháo sáng của địch và địa hình đồi núi, với kinh nghiệm của người lính trinh sát, cuối cùng tôi cũng thoát ra khỏi khu chiến, về đến vị trí tập kết tối qua.

Trước mỗi trận đánh, bộ đội được tập trung tại một địa điểm kín đáo, có địa hình che đỡ và che khuất (thường được gọi là địa điểm tập kết), để lại tất cả quần áo, tư trang, kiểm tra các trang bị trước lúc xuất phát đến vị trí chiếm lĩnh, và cử người ở lại trông coi. Sau trận đánh, các hướng các mũi rút về.đây, kiểm tra lại quân số, vũ khí, rồi theo những con đường đã được chuẩn bị để rút về căn cứ.

Khi tôi ra đến đây thì đại đội đã lui quân, không để lại dấu vết gì. Có thể anh em cho rằng tôi đã bị mất tích, hoặc đi lạc. Tôi lần theo đường mòn để về nơi trú quân ở Hội Văn. Tụt xuống dốc Lết đã là 7-8 giờ sáng. Mệt quá tôi chui vào một cái hầm ếch của du kích địa phương, hoặc của dân làm ruộng, để tránh pháo địch. Phía trên hầm ếch là sườn đồi, người ta bạt taluy để làm đường, tạo thành vách đứng cao khoảng gần 2m. Trước mắt là những thửa ruộng đã bị bỏ hoang. Cơn buồn ngủ ập đến, không sao cưỡng nổi, tôi ngủ thiếp đi một lúc. Tiếng pháo, cối nổ trên sườn đồi, tiếng máy bay phản lực xé không khí, nhào xuống trút bom, tiếng máy bay, trực thăng phóng rocket... làm tôi tỉnh giấc. Vừa mở mắt nhìn ra trên những khoảng ruộng trước mắt, trong cự ly từ 30-50 m, lính Mỹ dàn hàng ngang, tiến vào nơi tôi đang ẩn nấp...

Không còn đủ thời gian để sợ sệt và suy tính, với sự phản xạ tự nhiên, lợi dụng lúc mấy tên Mỹ chính diện trước mặt đang ngoái cổ nhìn về phía sau, nói với nhau điều gì đó, tôi quàng vội khẩu súng CKC lên cổ, đu người trườn lên dốc. Ở phía Nam sườn đồi khoảng 100 m, máy bay trực thăng phóng rocket và ném lựu đạn xuống một ngôi nhà tranh ẩn mình dưới những rặng tre. Ngôi nhà bốc cháy dữ dội, nổ lốp bốp. Lợi dụng những đám khói đang cuồn cuộn bốc lên, che khuất, tôi đứng thẳng người vùng chạy, chạy mãi trong những vườn cây lúp xúp ven sườn đồi về hướng thôn Hội Văn, nơi đóng quân của đại đội. Bình thường, nếu đi trong địa hình như thế, dễ đạp phải gai hoặc dây leo quấn vào chân. Nhưng sao hôm đó, tôi vượt tất cả mọi chướng ngại vật trên sườn đồi và còn lội qua con suối rộng khoảng 30 m, đá lởm chởm mà không hề sứt da, chảy máu hoặc té ngã... quả là như có một phép lạ. Nếu hôm đó, ngoại cảnh không làm tôi tỉnh giấc thì rất có thể đã bị lính Mỹ bắn chết hoặc bắt sống trong lúc tôi đang ngủ trong cái hầm ếch đó. Khi đến được Hội Văn thì căn cứ đã bị địch càn quét, đốt phá tan hoang, và đơn vị cũng đã di chuyển. Mới rời xa đồng đội có một đêm và một buổi sáng, tôi cảm thấy cô đơn vô cùng. Tôi tin là đơn vị đã kịp di chuyển trước khi địch càn vào đây. Trong chiến đấu đã tạo cho con người kinh nghiệm hơn, nhạy bén hơn. Quả đúng như vậy, đại đội đã rút về khu vực “32 đồi tranh” và sau đó về huyện An Lão. Tôi lại lần theo đường mòn đi suốt ngày hôm đó. Vừa đói, vừa mệt, vừa khát. Tối đến tôi chui vào bụi rậm ven đường ngủ, hy vọng ban đêm đơn vị sẽ hành quân qua đây. Tờ mờ sáng, tôi nhìn lên khu vực “32 đồi tranh”, thấy máy bay trực thăng hạ cánh. Bọn lính Mỹ khuân vác hàng từ trên máy bay xuống. Một số đi đi lại lại, trên các điểm cao. Chúng đã đổ quân xuống khu vực này, hòng chặn đường rút của ta về thung lũng An Lão. Tôi vẫn men theo đường mòn về hướng đó, vì nghĩ rằng: địch vừa đổ quân sáng nay, chưa triển khai lùng sục trên các đường mòn. Đúng lúc đó, tôi gặp được đồng đội, do đồng chí tiểu đội trưởng Võ Tùng dẫn đầu, cũng đang đi tìm tôi đã hai ngày nay... Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, cảm động, không nói nên lời, nước mắt lăn trên gò má sạm đen... Đây là một trong những kỷ niệm sâu sắc của đời lính chúng tôi về tình đồng chí, đồng đội trên chiến trường. Sau trận này, tôi được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Trận tập kích đại đội lính Mỹ ở Dốc Lết, theo tin tức của “đài kỹ thuật”, Sư đoàn thông báo, ta đã tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch.

Mấy ngày sau, chúng tôi về lại thung lũng An Lão, đóng quân tại Châu Sơn - một làng sát chân núi. Từ khi Sư đoàn không vận số 1 Mỹ đổ quân xuống vùng này, nhân dân ở đây bị chúng dồn vào các ấp chiến lược ở thị trấn Bồng Sơn. Nhà cửa, ruộng vườn không có người trông coi. Tại đây có những hang đá lớn, chứa được cả tiểu đoàn, tránh được cả bom, pháo Mỹ. Trên các nương rẫy, nhân dân trồng các loại cây ăn trái như: chuối, đu đủ, xoài, mít, cam, quýt... Ở đây còn có rừng chuối bạt ngàn, đi cả ngày không hết. Từ bìa rừng ra đến bờ sông An Lão là làng mạc. Trước đây thung lũng An Lão là một miền quê trù phú. Dọc theo hai bên bờ sông là những vườn dâu xanh tốt. Trên các bãi phù sa, nhân dân trồng hoa màu như bắp, đậu phộng (lạc) và những đồng lúa phì nhiêu, những vườn dừa trĩu quả, chạy từ Xuân Phong - Bình Hòa, Thánh Giá (phía đông sông) sang tận Châu Sơn, Tân Sơn, Vạn Tín, Vạn Trung (phía tây sông). Dưới sông thuyền bè lên xuống tấp nập; hai bên đường, phố xá đông vui.

Thế mà, bây giờ làng xóm tiêu điều, xơ xác. Đồng ruộng, vườn tược chỉ còn một màu vàng úa, khô héo. Sông An Lão, mùa này nước cạn, nhô lên những cồn cát. Những đám ruộng lúa chín non, vì chất độc hóa học của Mỹ đã khô héo; những vườn đậu phụng rụng lá, trơ gốc không người thu hoạch. Ban đêm, bộ đội xuống núi, vừa để nắm tình hình địch, tổ chức những trận tập kích, vừa thu hoạch lúa và hoa màu để có nguồn dự trữ cho cuộc chiến đấu ở nơi đây. Khi cần, có thể chi viện cho Sư đoàn trên căn cứ đang gặp khó khăn về lương thực. Bộ Tư lệnh và cơ quan Sư đoàn đóng ở dốc Bà Bơi, thường xuyên bị máy bay B52 oanh tạc. Phải ra tận tỉnh Quảng Ngãi mới nhận được lương thực. Nhưng thời gian đi về phải mất 10 - 15 ngày.

Lương thực thu hoạch xong, được vận chuyển lên núi. Một số dân không chịu vào các ấp chiến lược, lên đây sống cùng bộ đội tổ chức xay lúa, giã gạo, chế biến dầu dừa, dầu lạc... làm các kho dã chiến để dự trữ, phục vụ cho cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ ở nơi đây.
___________________________________________
1. Lựu đạn chày: Cán bằng gỗ, thân đúc bằng gang, thường dùng trong chiến đấu phòng ngự. Thời gian nổ chậm hơn lựu đạn tiến công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:44:22 pm »


Cuộc sống cứ trôi đi theo ngày tháng. Ban ngày địch đánh phá ác liệt. Máy bay trực thăng bốc quân đổ xuống nơi này, nơi khác, nhằm “tìm diệt” lực lượng ta. Máy bay B52, máy bay phản lực ném bom, đánh phá tất cả những nơi chúng nghi ngờ có căn cứ của bộ đội chủ lực. Máy bay vận tải rải chất độc hóa học xuống làng mạc, ruộng đồng, nhằm hủy diệt sự sống của mọi loại động vật, cây cỏ... Ở đồng bằng, chính quyền Sài Gòn ráo riết thực hiện kế hoạch bình định nông thôn, tạo nên những vành đai trắng. Nhưng, khi màn đêm buông xuống, sự sống ở đây lại trỗi dậy, sôi động. Bộ đội từ các căn cứ, hang động lại tỏa ra trên các hướng. Bộ phận này đi tìm địch để tập kích, lực lượng kia ra đồng để thu hoạch hoa màu; lại có cả những đơn vị vượt sông An Lão, lên Xuân Phong, xuống Phước Bình, Thánh Giá1… Vì vậy có thơ rằng:

Khách đến Tân Sơn, gọi đò Vạn Tín,
Cô gái Vạn Trung bồi hồi xao xuyến,
Nẩu
2  về đâu không ghé bến ghe mình!

Những đêm trăng sáng vằng vặc, gió từ bờ sông thổi vào mát rượi. Xong công việc, chúng tôi nằm giữa cánh đồng khô ngắm trăng, thì thầm tâm sự với nhau; mọi chuyện trên đời đều bung ra, kể cho nhau nghe hết. Pháo địch cứ bắn vu vơ, cầm canh vào bìa rừng. Tờ mờ sáng, chúng tôi lại lên núi.

Ngoài số lương thực của dân để lại trên cánh đồng, làng mạc, chúng tôi còn có nguồn “cung cấp” khác cũng đã được tận dụng để bồi dưỡng lực lượng ta. Đó là thực phẩm thu được của địch.

Trên chiến trường Khu 5, tại các vùng giáp ranh, miền núi, khi đổ quân xuống, Sư đoàn Không vận số 1 Mỹ thường đổ luôn xuống các loại đồ ăn, thức uống cho binh lính trong một ngày, có khi cả một tuần lễ. Tại nơi đóng quân của Mỹ ngoài súng đạn, còn có các loại nhu yếu phẩm và thực phẩm như bánh mỳ, đồ hộp, đường, sữa, thuốc lá, v.v... chất hàng đống. Không quen với khí hậu thời tiết mùa khô, binh lính Mỹ không sử dụng hết, hoặc sử dụng rất ít. Khi rút đi, chúng để lại gần như nguyên vẹn số nhu yếu phẩm trên những bãi đổ quân. Bộ đội ta thu về, làm kho bảo quản để sử dụng dần. Vì vậy, trong các bữa ăn hàng ngày của nhiều đơn vị ở đây đã có thịt hộp, cá hộp, đường sữa cho thương bệnh binh. Sau bữa ăn còn được uống cà phê Mỹ, hút thuốc lá Salem, Palman, Camen và nhiều thứ mới lạ khác.

Về sau, có thể do bọn Việt gian đi theo “bày đặt”, “mách nước”, nên trước khi rút quân, bình lính Mỹ chọc thủng các loại đồ hộp, vi khuẩn xâm nhập vào, không dùng được. Còn các nhu yếu phẩm khác, chúng chất thành đống, tưới xăng, đốt.

Về nguồn lương thực, thực phẩm trên cấp, chúng tôi tổ chức nhận ở các địa phương. Mỗi đơn vị có một bộ phận hậu cần, túc trực tại các cửa khẩu. Ban đêm, xuống đồng bằng bám vào trong các ấp chiến lược mua lương thực, thực phẩm. Được nhân dân giúp đỡ, cơ quan “kinh tài” 3 địa phương cũng thu mua được nhiều lương thực cung cấp cho các đơn vị theo yêu cầu. Nhiều khi còn thua được một số trang bị của quân đội địch do gia đình và binh lính tuồn ra ngoài bán, như quân trang, quân dụng, thuốc quân y hay thuốc lá “Quân tiếp vụ”... Nhiều đồng chí cán bộ địa phương bị hy sinh, hoặc bị bắt trong khi luồn lách đưa bộ đội đi thu mua lương thực trong vùng địch hậu. Nhiều đồng chí thoát ly gia đình lên núi bám vào các cửa khẩu, ngày đêm lo “chạy” gạo, “chạy” thực phẩm cấp cho bộ đội, như ở cửa khẩu Dốc Dài xuống xã Mỹ Hiệp huyện Phù Mỹ; cửa khẩu Hưng Nhượng xuống Hoài Nhơn, cửa khẩu ở Nam đường 19 xuống xã Bình Nghi, Bình Tường huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ở tỉnh Quảng Ngãi có cửa khẩu Sa Lung xuống Đức Phổ qua Đèo Ải xã Phổ Cường, hay cửa khẩu Cảng Sa Huỳnh, v.v...

Sự liên hệ máu thịt giữa nhân dân vùng địch tạm chiếm với các đơn vị chủ lực ta ở đâu cũng có. Âm mưu chiến lược của kẻ thù dồn dân, lập ấp để “tát nước, bắt cá” không bao giờ thực hiện được. Mối tình “cá nước” quân dân đã có từ bao đời nay, không kẻ thù nào có thể chia cắt được. Trên một chiến trường gian khổ, ác liệt, sư đoàn Sao Vàng đã tạo được chỗ đứng trong lòng dân, xen kẽ với địch ở vùng đồng bằng thuộc hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi trong những năm đánh Mỹ, là một trong những nguyên nhân thắng lợi của quân đội ta nói chung, của bộ đội sư đoàn Sao Vàng thuộc Quân khu 5 nói riêng.

Tuy nhiên, để đưa được một kg gạo, một hộp sữa, một cân đường, một gói thuốc... từ đồng bằng lên căn cứ là cả một vấn đề, không dễ dàng chút nào.

Thực túc, binh cường, non lương, yếu gối.

Có thời kỳ do địch tập trung đánh phá ác liệt, lực lượng ta không cân sức, bộ đội gặp rất nhiều khó khăn về lương thực, bị đánh bật khỏi vùng đồng bằng, không làm chủ được địa bàn, không nắm được dân; nhiều trận chiến đấu, nhiều chiến dịch mở ra, hiệu suất chiến đấu bị hạn chế hoặc không thực hiện được. Bộ Tư lệnh sư đoàn đã phải hạ quyết tâm, đưa nhiều tiểu đoàn xuống vùng sâu, vùng xa, bám dân, phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương để hoạt động.
______________________________________
1. Những địa danh, làng mạc ở phía Đông sông An Lão.
2. Nẩu: họ
3. Mỗi địa phương huyện, hoặc xã có một tổ chức chuyên lo thu mua lương thực, thực phẩm để cung cấp cho các đơn vị, gọi là cơ quan kinh tài (Kinh tế, tài chính).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:45:53 pm »


Từ ngày vào miền Nam, tôi cũng như bao anh em khác, chiến đấu liên tục. Hàng ngày chỉ tập trung lo làm sao để diệt được nhiều địch, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên giao. Ngoài ra, không có một suy nghĩ nào khác. Vào một ngày đầu năm I966, đồng chí chính trị viên đại đội, gọi tôi lên, gặp và nói: “Đồng chí làm đơn để chi bộ xét kết nạp Đảng!”. Có lẽ, tổ chức đã quan tâm, theo dõi tôi từ lâu, mà tôi không biết. Đồng chí Võ Tùng, tiểu đội trưởng cũng được làm đơn xin kết nạp Đảng cùng lúc với tôi.

Ngày 17-01-1966, tôi và đồng chí Tùng được kết nạp vào Đảng - Đồng chí Trần Hữu Biền, chính trị viên, bí thư chi bộ là người giới thiệu thứ nhất, đồng chí Phan Xuân Đực, quản lý của đại đội là người giới thiệu thứ hai cho tôi. Ngày đó, điều lệ Đảng quy định: thời gian dự bị đối với những đồng chí có thành phần bần nông là 9 tháng và 12 tháng đối với những đồng chí có thành phần trung nông. Tôi thuộc diện dự bị 12 tháng. Ngày 17-01-1967 tôi chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây là một vinh dự lớn, một sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời tôi. Từ đây, tôi sẽ có điều kiện phấn đấu nhiều hơn, đảm nhiệm những trọng trách lớn hơn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cuối năm 1967 và cả năm 1968, Trung đoàn bộ binh 12 vẫn tiếp tục hoạt động ở địa bàn tỉnh Bình Định. Đại bộ phận lực lượng của Sư đoàn Bộ binh 3, theo lệnh của Quân khu, cơ động ra Quảng Ngãi, phối hợp với Sư đoàn 2, mở đợt hoạt động quân sự gọi là chiến dịch X2, do Quân khu 5 tổ chức. Đây là đợt phối hợp hoạt động trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong chiến dịch này, nhiều đơn vị chủ lực của ta cùng với lực lượng vũ trang địa phương đã tiến công mãnh liệt trên toàn chiến trường. Có nơi ta đã làm chủ một số thị trấn, thị xã và những vùng chủ yếu. Một số đơn vị thuộc sư đoàn 3 hoạt động ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang tính chất phối hợp, nhằm căng kéo các lực lượng địch ở đây tạo điều kiện cho các đơn vị giải quyết những mục tiêu then chốt của địch. Đối tượng tác chiến là Sư đoàn American Mỹ, Sư đoàn “Thanh Long” Đại Hàn và Sư đoàn Bộ binh 2 quân đội Sài Gòn tại các vùng thuộc huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh và huyện lỵ Sơn Hà...

Tại mặt trận Nam Bình Định, trung đoàn bộ binh 12 một mình một hướng, hoạt động trên hai huyện Phú Mỹ và Phù Cát. Đối tượng tác chiến, ngoài lực lượng sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn, có sư đoàn “Mãnh Hổ” Nam Triều Tiên, đồng minh của Mỹ. Nắm được phần lớn sư đoàn 3 ra Quảng Ngãi, sư đoàn “Mãnh Hổ” dưới sự yểm trợ của không quân, pháo binh Mỹ, mở cuộc hành quân quy mô vào núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nơi sở chỉ huy và một số lực lượng thuộc trung đoàn bộ binh 12 đang đứng chân và hoạt động tại đó. Trong điều kiện bất lợi về nhiều mặt, cuộc chiếu đấu trong vòng vây của quân thù diễn ra rất ác liệt. Trung đoàn 12 đã phải chịu tổn thất nặng nề tại khu vực núi Bà. Song cũng vì thế mà phần lớn lực lượng cơ động của sư đoàn “Mãnh Hổ” bị thu hút vào đấy, tạo thuận lợi cho các đơn vị của ta tiêu diệt nhiều địch ở phía Tây huyện Phù Mỹ1.

Lực lượng công binh Sư đoàn Bộ binh 3, lúc này tổ chức thành Tiểu đoàn công binh, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn số 19. Đồng chí Trần Văn Hồng là tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Hữu Biền, là chính trị viên và đồng chí Nguyễn Hữu Quang, tiểu đoàn phó. Đại đội Một, tiếp tục hoạt động ở tỉnh Bình Định suốt mùa khô năm 1967.

Đại đội Hai, cơ động cùng đội hình Sư đoàn 3 ra hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Lúc này đồng chí Tôn Mười làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Minh Tiến chính trị viên.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, có thể nói, không có một huyện nào không có dấu chân của chúng tôi để lại. Tại các huyện miền núi, chúng tôi tham gia các trận chiến đấu ở Ba Tơ, Gia Vụt; trận tập kích chi khu quân sự Minh Long; ở các huyện giáp ranh và đồng bằng như: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Nam, chúng tôi tập kích mục tiêu Cống Đôi, thuộc xã Bình Nguyên, gần căn cứ Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Phía Nam, giáp với xã Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định, có trận phục kích trên đường giao thông số 1, tiêu diệt đoàn xe cơ giới của địch tại đèo Phổ Trang, phía Bắc Sa Huỳnh, thuộc huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi.

Bước sang năm 1968 - chiến dịch Mậu Thân, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với cương vị là trung đội bậc trưởng, rồi đại đội bậc phó (thời kỳ này quân giải phóng chưa có quân hàm, chỉ có cấp bậc, mà chỉ được gọi là đại đội bậc trưởng, tiểu đoàn bậc phó,v.v… ), tôi đã tham gia chỉ huy nhiều trận đánh xuất sắc, cấp phân đội, như: Trận đánh sập cầu ở Châu Ổ đêm 22 rạng 23-2-1968, trận tập kích cụm xe tăng Mỹ ở Dốc Sỏi trên đường từ thị trấn Châu Ổ lên huyện Trà Bồng đêm 25-2, bắn cháy 7 xe tăng và xe bọc thép của địch; trận đánh địch càn quét vào thôn Trà Bình, bắn cháy xe tăng, bắt sống một tên chỉ huy Mỹ thuộc Sư đoàn American và một số trận đánh khác mà tôi xin được đề cập ở những trang sau.

Đại đội hai chúng tôi là một đơn vị công binh, nhiệm vụ chính được xác định lúc đầu như đã nói ở trên là xây dựng và sửa chữa hầm hào, thi công công trình Sở chỉ huy cho Bộ tư lệnh và Cơ quan Sư đoàn. Khi tác chiến yêu cầu thì được giao nhiệm vụ làm đường cho xe, pháo cơ động vào triển khai chiến đấu, mở đường qua bãi vật cản cho bộ binh bước vào chiến đấu bên trong đồn bót địch; hoặc bố trí mìn tiêu diệt xe cơ giới, đánh quân địch đổ bộ đường không, v.v... Cuộc chiến đấu trên chiến trường đòi hỏi lực lượng ta phải càng đánh, càng mạnh, càng phải trưởng thành nhiều mặt. Vì vậy, tuy là một đơn vị binh chủng, mang tính phục vụ chiến đấu, nhưng nhiều lúc, đã làm được mọi nhiệm vụ như một đơn vị bộ binh, hoặc chiến đấu theo kiểu của đặc công. Chúng tôi thường được giao nhiệm vụ chiến đấu độc lập, nhưng khi chiến dịch được mở, hay trong những đợt hoạt động tập trung, đại đội tôi luôn chấp hành nghiêm theo mệnh lệnh hiệp đồng tác chiến.
______________________________________
1. Lịch sử Sư đoàn Sao Vàng. Trang 143 - Nxb. QĐND - 1984.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:46:43 pm »


TRẬN ĐÁNH CẦU CHÂU Ổ


Trong các chiến dịch được mở ra, lực lượng công binh, ngoài các nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu, thường được giao một nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu của chiến dịch đề ra. Đó là nhiệm vụ đánh phá giao thông, cắt nguồn tiếp tế của địch. Trên chiến trường, tùy theo tính chất và tầm quan trọng ở các khu vực và mục tiêu cụ thể, địch rất chú ý đến hệ thống đường sá, cầu cống. Vì đây là sự sống còn đối với các đồn bót, các căn cứ quân sự và cả sự tồn tại chính quyền của chúng ở địa phương.

Đặc điểm chiến trường Liên khu 5 có nhiều sông, suối, hầu hết đều cắt ngang qua quốc lộ số 1 nên có rất nhiều cầu cống. Ngoài đường ô tô, còn có đường tàu hỏa. Do vậy, để đảm bảo giao thông liên tục thông suốt, địch đã thiết lập được hệ thống bảo vệ khá nghiêm ngặt. Các cầu đều có lô cốt, rào thép gai, mìn sát thương bao bọc và có lực lượng bảo vệ. Đánh cầu có địch canh giữ là nhiệm vụ hết sức phức tạp. Bởi thế, có nhiều trận không thành công.

Đánh cắt giao thông thắng lợi, sẽ hạn chế rất nhiều sự di chuyển lực lượng tiếp tế của địch từ vùng này sang vùng khác; quân ta tạo được thế bao vây, cô lập về mặt chiến dịch và chiến thuật, góp phần giành thắng lợi trên từng khu vực, có khi trên một chiến trường rộng lớn. Trong chiến tranh, vũ khí, phương tiện càng hiện đại, công tác bảo đảm chiến đấu càng phải được coi trọng. Việc cơ giới hoá bộ binh, tăng cường được sức cơ động phải song song với việc bảo đảm đường sá mới phát huy được tác dụng của binh khí kỹ thuật. Đặc điểm chiến trường Việt Nam là một bất lợi không dễ gì khắc phục đối với địch, cả trong kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây và trong chiến tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ vừa qua.

Đầu năm 1968, đại đội tôi được giao nhiệm vụ đánh sập cầu Châu Ổ, trên đường quốc lộ số 1, nằm kế gần một bên thị trấn cùng tên, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cắt đứt giao thông tiếp tế của địch, không cho chúng chi viện từ căn cứ hậu cần ở Đà Nẵng, Nước Mặn, Chu Lai vào, hoặc từ thị xã Quảng Ngãi, Sa Huỳnh ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị bạn đánh dứt điểm một số mục tiêu trong chiến dịch Xuân - Hè, 1968.

Ở tỉnh Bình Định, Trung đoàn bộ binh 12 sau những tổn thất nặng nề tại khu vực núi Bà, đang gặp rất nhiều khó khăn về lương thực, đạn dược. Tại tỉnh Quảng Ngãi, trung đoàn bộ binh số 2 và 22 cũng không mấy thuận lợi, nhưng nhờ sự chi viện của Quân khu và sự phối hợp tác chiến với Sư đoàn bộ binh số 2 ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nên bớt khó khăn hơn. Giữa tháng 2-1968, hai trung đoàn đã mạnh dạn, thọc thẳng xuống vừng sâu. Để chuẩn bị trước cho đợt ra quân lần này, cuối tháng 11 năm 1967, chúng tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu mục tiêu cầu Châu Ổ. Từ một vị trí đóng quân ở phía tây huyện Bình Sơn, đoàn cán bộ do đồng chí Tiểu đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, Nguyễn Hữu Quang phụ trách, tiến hành đi trinh sát. Đoàn cán bộ có hai tổ, gồm 7 người. Do trên đường tiếp cận mục tiêu phải luồn lách qua hệ thống ấp chiến lược, với nhiều tuyến bố phòng của địch; phải vượt qua sông Trà Bồng, sang phía bờ bắc cầu Châu Ổ để điều tra, nên lực lượng đi trinh sát phải thật gọn, mới giữ được bí mật. Cũng như nhiều nơi khác, ở đây ta đã xây dựng được “đường dây” cơ sở cách mạng khá vững chắc. Đây là “tai mắt”, là lực lượng trinh sát “ngầm” vô cùng quý giá. Các cơ sở cách mạng đã cung cấp cho chúng tôi những tin tức rất có giá trị, và là một chỗ dựa vững chắc của chúng tôi tại vùng địch hậu.

Đây là trận đánh cầu có địch canh giữ, có hệ thống bảo vệ phức tạp, nên phải có bước chuẩn bị thật tốt, làm cơ sở cho niềm tin tất thắng đối với đơn vị và cơ sở cách mạng ở đây. Cần phải nói thêm rằng, trước đây, đã có đơn vị đánh cầu Châu Ổ bị “phơi áo ngoài rào”, không hoàn thành nhiệm vụ, thương vong cao...

Cầu Châu Ổ xây bằng bê tông cốt thép, chân hình trụ, dài khoảng 200 mét bắc qua sông Trà Bồng, nước sâu, chảy xiết.

Đại đội lính bảo an chốt giữ cầu, có hai phần ba lực lượng bố trí ở bờ Bắc, một phần ba ở bờ Nam. Trên các trụ cầu đều có lính thường trực canh giữ. Thỉnh thoảng, hoặc những lúc nghi ngờ, chúng thường ném lựu đạn xuống chân cầu. Dưới mố cầu cả hai phía Bắc và Nam, đều có lô cốt hình lục giác, được đúc bằng bê tông cốt thép, có lỗ châu mai bắn được mọi hướng, có hàng rào kẽm gai bao quanh lô cốt, bao quanh chân cầu và dọc theo bờ sông, dưới nước, đề phòng quân ta đột nhập từ dưới sông lên. Hai đầu cầu là trại lính. Bên bờ Nam cầu là chi khu quân sự đóng tại thị trấn Châu Ổ. Từ trại lính ở đầu cầu phía Bắc, có con đường đất đỏ rộng khoảng 6 mét, chạy dọc theo bờ sông, qua khu gia binh lên hướng Tây. Cầu đường sắt cách cầu Châu Ổ khoảng 1 km về phía Tây.

Đây là mục tiêu khá hóc búa về địa thế và sự bố phòng của địch. Nhưng cũng có thể vì vậy mà địch lại sinh ra chủ quan. Đêm đi điều nghiên là một thời khắc tôi không thể nào quên được. Dưới cái lạnh thấu xương cuối năm 1967, lực lượng trinh sát được du kích dẫn đường, tập trung tại một gia đình cơ sở cách mạng cách mục tiêu 500 mét về phía tây. Chúng tôi tổ chức thành ba tổ, với ba nhiệm vụ khác nhau. Tổ thứ nhất do đồng chí Ngô Đức Trân, tiểu đội trưởng, tiềm nhập theo bờ sông, đi dưới nước từ phía thượng lưu xuống, có nhiệm vụ đo chân cầu để về tính toán lượng thuốc nổ, xác định điểm đặt thuốc nổ và vị trí bố trí hỏa lực để tiêu diệt lô cốt dưới chân cầu.

Lúc này, tôi là đại đội phó, cùng đồng chí Bùi Văn Tôn, trung đội trưởng, đi trinh sát khu trại lính ở bờ Bắc, để làm kế hoạch tiến công trại lính, bảo đảm cho lực lượng đánh cầu; dù tình huống nào cũng hoàn thành được nhiệm vụ.

Bên bờ phía Nam, một tổ, do đồng chí Nguyễn Sương, trợ lý tác huấn chỉ huy, cùng với du kích nghiên cứu kế hoạch chế áp lực lượng ở chi khu Châu Ổ, không cho chúng chi viện sang bờ Bắc.

Sau khi đo được kích thước trụ cầu và tìm được vị trí đặt hỏa lực để tiêu diệt lô cốt đầu cầu, đồng chí Ngô Đức Trân lên gặp tôi ở lớp rào kẽm gai bùng nhùng, cách lô cốt khoảng 10 mét, để báo cáo kết quả điều tra. Nghe xong, tôi khoát tay, ra hiệu cho đồng chí Trân ra trước, vì nằm lại lâu trong bót địch không tiện, dễ bị nguy hiểm. Tôi và đồng chí Tôn nằm lại dưới chân hàng rào kẽm gai tiếp tục quan sát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:47:31 pm »


Do chủ quan, lúc đi ra, qua khu gia binh dọc bờ sông, đồng chí Trân không thận trọng như lúc tiếp cận, nên bị hai tên địch phát hiện. Chúng ném lựu đạn vào đồng chí Trân. Nhưng lựu đạn không nổ. Đồng chí Trân tưởng tôi ném đá làm tín hiệu gì đó, đang định quay lại, thì cũng là lúc bọn địch ném quả lựu đạn thứ hai. Biết đã bị địch phát hiện, đồng chí Trân vọt qua lớp rào đơn, ra ngoài. Tôi và đồng chí Tôn kẹt lại ở bên trong. Lúc đó là 23 giờ 30 phút ngày 25- 11-1967. Lập tức bọn địch từ trên cầu, trong các lô cốt và trại lính bắn ra bờ sông như vãi đạn. Đạn trung liên, đại liên bay chíu chíu trên đầu. Súng phóng lựu M79 của địch bắn theo hướng đồng chí Trân nổ như bắp rang. Các trận địa cối ở đầu cầu và trong chi khu Châu Ổ bắn đèn lên sáng rực cả một vùng. Chúng tôi nằm sát lớp rào kẽm gai mà lòng bồn chồn lo lắng. Rơi vào tình thế ấy đồng chí Trân khó có thể thoát khỏi lựu đạn và lưới lửa dày đặc của địch.

Đồng chí Ngô Đức Trân, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là một người to, khoẻ, nặng phải đến 70 kg, vui tính hay kể chuyện “tiếu lâm”. Ở đâu có Trân, ở đó sôi nổi hẳn lên. Trong chiến đấu đồng chí rất chai lỳ. Giao cho đồng chí chỉ huy tiểu đội đánh cầu, đại đội Hai rất tin tưởng. Đây là lực lượng chủ yếu để làm nhiệm vụ chủ yếu của trận đánh, là đánh sập cầu, nhằm đạt mục đích chính là chia cắt giữa bờ Nam với bờ Bắc cầu, gây khó khăn cho việc di chuyển lực lượng và tiếp tế của địch trên trục đường số 1 ở Quảng Ngãi. Lực lượng đánh cầu tuy ít, nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Tôi và đồng chí Tôn che chung một tấm vải dù hoa ngụy trang, nằm bên cống thoát nước đầy những rác rưởi. Hai anh em cầm hai khẩu súng ngắn K54 chĩa nòng về hai hướng và thống nhất với nhau rằng: Nếu bị địch phát hiện thì cứ nổ súng, rồi nhảy xuống sông bơi về hướng hạ lưu, thoát ra ngoài, tìm đường về đơn vị... Tuy là trong vùng địch kiểm soát, nhưng đại bộ phận nhân dân ta luôn hướng về cách mạng, chúng tôi sẽ được dân che chở.

Pháo sáng bắn lên, mỗi lúc một nhiều. Một toán năm tên địch, từ trong lô cốt dưới mố cầu, súng lăm lăm trong tay tiến ra và bắt đầu lùng sục dọc bờ sông. Chúng đi qua, cách chỗ hai chúng tôi nằm khoảng hơn ba mét. Chúng quay mặt ra hướng bờ sông, nên không phát hiện được chúng tôi đang nằm sau lưng chúng. Lúc này trời bắt đầu mưa, mỗi lúc càng nặng hạt. Tôi nhắm mắt cầu trời mưa thật to. Lùng sục một lúc theo hướng đồng chí Trân, không phát hiện được gì, trời đổ mưa xối xả. Bọn địch kéo vào một ngôi nhà trong khu gia binh, sát bờ sông. Hai chúng tôi bắt đầu bò ra bờ sông, đang tính lặn xuống nước bơi ra khỏi khu vực nguy hiểm, thì một con mèo hoang ở đâu đó chạy băng qua chỗ chúng tôi kêu “meo, meo”. Một con chó từ trong trại lính chạy ra sủa ăng ẳng. “Lạy chúng mày để cho chúng tao yên” - tôi lẩm bẩm. Nhưng con chó vẫn cứ sủa mãi, sủa mãi... Nó phát hiện được chúng tôi chăng? Tôi nghĩ vậy mà lạnh xương sống... Có lẽ bọn địch cho rằng, con chó đang sủa vì con mèo, nên chúng không lùng sục về phía chúng tôi.

Thời gian này, tôi là một chi ủy viên, phụ trách công tác thủ quỹ của chi bộ, có giữ một ít tiền và một ít giấy tờ cá nhân, vì chủ quan, nghĩ là không phải tiếp cận dưới nước, nên mang theo trong người. Tôi cho hết tiền bạc, giấy tờ vào một bọc ni lông, đưa cho đồng chí Tôn, ngậm vào miệng bảo đồng chí ra trước. Đồng chí Tôn quê ở huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An, là một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai nhất nhì trong đại đội, ở nhà làm nghề đi biển, đánh cá, bơi lội rất giỏi. Đồng chí trườn xuống sông, lặn một hơi, bơi ngầm dưới nước, rồi men theo bờ sông, thoát ra ngoài.

Đồng chí Tôn vào nhà cơ sở, trao bọc giấy tờ, tiền bạc của tôi cho đồng chí tiểu đoàn phó Nguyễn Hữu Quang. Vì mệt quá nên chưa có một lời giải thích, anh em tưởng tôi đã hy sinh trong đó. Tất cả ngồi lặng người, buồn bã...

Một lúc lâu sau, đoán biết đồng chí Tôn đã thoát được ra ngoài, tôi bò xuống sông. Tôi không lặn được như đồng chí Tôn mà đi ngầm dưới nước, ngửa mặt lên trời. Lúc qua dãy nhà bên bờ sông, tôi dựng cả tóc gáy, khi nghĩ đến việc địch sẽ phát hiện được mình. Nhưng rồi mọi việc đều trôi qua một cách tốt đẹp. Gặp lại đồng đội, mọi người vui mừng khôn xiết...

Qua thực tế nhận biết từ đợt đi chuẩn bị này và qua nhiều nguồn tin cơ sở cung cấp, đại đội tôi đã nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi và khá gay gắt, xoay quanh vấn đề: “Chọn hướng nào để tiến công đánh sập cầu”. Có hai ý kiến:

- Ý kiến thứ nhất: Nên tiến công trại lính và đánh sập một nhịp cầu ở mố phía Nam. Vì cho rằng, hướng này lực lượng bảo vệ cầu chỉ bằng một phần ba bờ Bắc. Bọn địch dựa vào chi khu quân sự và sát thị trấn Châu Ổ, nên rất chủ quan. Hướng này từ trước tới giờ chưa có đơn vị nào của ta tiến công, đường hành quân tiếp cận gần được một nửa, do không phải vượt sông Trà Bồng, không phải luồn lách qua hệ thống ấp chiến lược và những khu vực dễ bị địch phục kích bên ngoài, nhất là đoạn đường sắt. Xem ra ý kiến này rất có lý, nhất là sau lần đi chuẩn bị này đã xảy ra “sự cố” như đã nói ở trên.

- Ý kiến thứ hai: hoàn toàn ngược lại với ý kiến thứ nhất. Tức là, chọn hướng tiến công chủ yếu, đánh sập một nhịp cầu bên bờ Bắc. Lập luận cho rằng, tuy mục tiêu được bao bọc bởi hệ thống ấp chiến lược và lực lượng địch hoạt động bên ngoài, nhưng ở bên trong, bản thân mục tiêu vẫn có nhiều điểm yếu. Ngoài cùng là một lớp hàng rào đơn bằng kẽm gai, cách cầu khoảng 100 mét, có thể cắt được dễ dàng, có địa hình để triển khai Sở chỉ huy (vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn), vị trí cứu thương, trận địa hỏa lực và các lực lượng phía sau. Trong chiến đấu, có địa hình thuận lợi để triển khai binh hỏa lực là yếu tố rất quan trọng. Lực lượng chi viện trực tiếp của địch là chi khu quân sự Châu Ổ ở bên bờ Nam, dễ bị ta chia cắt và ngăn chặn chúng ngay giữa cầu bằng hỏa lực bắn thẳng, không dễ gì chúng vượt cầu sang được bên bờ Bắc. Hướng này tuy đường hành quân xa, nhưng ta có thể lợi dụng những ruộng mía dọc bờ sông, địa hình kín đáo để đảm bảo bí mật và nâng tốc độ hành quân chiếm lĩnh. Nếu nắm chắc được khu vực hoạt động từ xa của địch thì lại càng thuận lợi trong việc luồn lách. Trước đây, đã có đơn vị bị thất bại khi đánh cầu này, thời gian đã khá lâu, đủ để xóa đi những “ám ảnh” của địch trong việc đề phòng ta tiến công. Ta tiến công địch lần này nằm trong thế tiến công của chiến dịch, sự phối hợp giữa các lực lượng trên một phạm vi rộng lớn. Địch đang hoang mang, dao động.

Sau “sự cố” vừa qua, lúc mưa to đã xóa đi dấu vết của chúng tôi để lại. Theo tin cơ sở của ta, lần đó địch cho rằng chúng “nhìn gà hóa cuốc”. Một điểm vô cùng thuận lợi cho ta là các gia đình cơ sở cách mạng rất vững tin. Họ sẽ theo dõi mọi diễn biến về tình hình địch và cung cấp cho ta kịp thời. Sau cùng, chúng tôi hạ quyết tâm là tiến công vào mục tiêu từ phía Bắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:49:11 pm »


Nghị quyết chi bộ xác định: “lấy mục tiêu chủ yếu của trận đánh là “đánh sập một nhịp cầu cắt đứt giao thông huyết mạch của địch, tạo thuận lợi cho các đơn vị bạn đánh chiếm một số mục tiêu của chiến dịch”. Từ đó, yêu cầu công tác chuẩn bị phải chư đáo, trong mọi tình huống, phải hoàn thành được mục tiêu đề ra. Muốn vậy, công tác Đảng, công tác chính trị, phải xây dựng ý chí chiến đấu cao, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật chiến trường.

Về công tác tổ chức chỉ huy, phải tiếp tục theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến của địch ở bên trong và bên ngoài mục tiêu, thông qua mạng lưới cơ sở và sự phối hợp với du kích địa phương. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến là: tận dụng yếu tố bí mật bật ngờ, đưa các lượng nổ vào trụ cầu, đồng thời sẵn sàng đánh chiếm trại lính, tiêu diệt bọn lính bảo vệ cầu, bảo đảm cho lực lượng đánh cầu hoàn thành nhiệm vụ. Mọi ưu tiên phải dành cho lục lượng đánh cầu. Tiêu diệt lực lượng bảo vệ cầu của địch, làm chủ trận địa, được coi là biện pháp hàng đầu.

Quyết tâm và kế hoạch chiến đấu của đại đội và Tiểu đoàn được Sư đoàn chuẩn y.

Hơn một tháng sau, ăn tết Nguyên đán xong, chúng tôi triển khai trận đánh phối hợp với các đơn vị hoạt động trong chiến dịch Xuân - Hè.

Hôm xuất quân, đêm 22 tháng 2 năm 1968, các mẹ, các chị trong hội phụ nữ đến động viên, gắn huy hiệu “cảm tử” cho tiểu đội làm nhiệm vụ đánh cầu. Địa phương huy động 50 dân công đi phục vụ trận chiến đấu, trước mắt giúp đơn vị mang vác các trang bị để bộ đội được nhẹ bớt trên đường hành quân tiếp cận; sau đó, làm nhiệm vụ tải thương.

Tiểu đội làm nhiệm vụ đánh trụ cầu gồm 6 đồng chí, mang theo 6 khối thuốc nổ, mỗi khối 20 kg. Tất cả 120 kg, chưa kể lượng nổ dự bị.

Sau khi vượt sông Trà Bồng sang bờ Bắc, chúng tôi men theo bờ sông, đi trong những vườn ngô, ruộng mía, tiến vào mục tiêu. Khi gần đến cầu đường sắt, bất ngờ gặp một lực lượng quân Mỹ phục kích. Một số đồng chí bị thương. Trong đó có đồng chí Tiểu đoàn trưởng Trần Văn Hồng. Lúc đó khoảng 21 giờ. Đội hình tạm thời dừng lại triển khai bên bờ sông. Lực lượng dân công mang theo bộc phá và một số trang bị giúp bộ đội, bị thất lạc. Một lúc lâu sau, đồng chí Nguyễn Duy Chinh, trợ lý chính trị tiểu đoàn đã cùng vời tổ trinh sát và du kích đi tìm và thu gom lại được. Chúng tôi rất lo lắng. Gặp lính Mỹ phục kích cách mục tiêu tiến công (cầu Châu Ổ) chỉ chưa đến một cây số, bọn lính bảo vệ cầu chắc chắn sẽ đề phòng. Lo nhất lúc này là chúng sẽ phái lực lượng ra ngăn chặn ta từ bên ngoài. Nếu vậy, tình huống sẽ phức tạp, khó lường...

Do ta không đánh trả, bọn Mỹ phục kích sau đó cũng im tiếng súng. Số anh em bị thương được băng bó và tiếp tục đi theo đội hình. Hơn một tiếng đồng hồ sau, đại đội đến được vị trí triển khai. Mặc dù bị địch phục kích trên dọc đường, nhưng tình hình trong mục tiêu vẫn im ắng, không có hiện tượng đối phó nào. Có lẽ chúng cho rằng đã có lực lượng ngăn chặn vòng ngoài, nên chủ quan chăng?

Hôm đi điều nghiên, ít người, cảm thấy lạnh lưng. Hôm nay cả một đại đội, có đầy đủ trang bị vào tiếp cận, ai cũng tự tin và rất yên tâm, không thấy sợ.

Vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn triển khai trong khu vườn của gia đình cơ sở cách mạng mà lần trước đã giúp đỡ chúng tôi trong công tác chuẩn bị. Tại đây có đầy đủ cán bộ Tiểu đoàn: đồng chí Trần Văn Hồng, Tiểu đoàn trưởng (bị thương nhẹ); Trần Hữu Biền, Chính trị viên; Nguyễn Hữu Quang, Tiểu đoàn phó. Trận địa cối 82 bố trí gần bờ sông. Phía sau vị trí chỉ huy Tiểu đoàn là trạm sơ phẫu và lực lượng dân công. Các anh đã cho đào một số huyệt để nếu có hy sinh thì giải quyết chôn cất. Trong chiến đấu, mọi tình huống đều có thể xảy ra. Nhiều khi buổi tối lúc ăn cơm, mỗi mâm còn đủ 6 người. Sau trận đánh, có thể sẽ mất đi một, hai người là chuyện thường xảy ra đối với người lính chiến. Không có thắng lợi nào mà không phải trả giá. Đêm nay, ai cũng suy nghĩ và đặt cho mình tình huống cao nhất, có thể hy sinh và chôn cất trong những cái huyệt vừa mới đào kia tại trạm sơ phẫu của tiểu đoàn. Song, một trăm phần trăm cán bộ, chiến sĩ ở đại đội Hai này không có ai tháo lui, và bây giờ sắp bắt đầu nổ súng tiến công địch. Trên các hướng, các mũi tiến công có anh chị em du kích dẫn đường và cũng tham gia chiến đấu với bộ đội. Một lần nữa, nhân dân Bình Sơn, Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi lại thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên cường, không ngại hy sinh, gian khổ, sát cánh cùng bộ đội chủ lực chiến đấu để giải phóng quê hương.

Chúng tôi áp dụng phương án: tập trung lực lượng tiến công địch ở đầu cầu phía Bắc; sử dụng một lực lượng nhỏ, cùng với du kích địa phương, chế áp địch ở đầu cầu phía Nam và chi khu quân sự Châu Ổ bằng cách phóng 6 khối thuốc nổ, mỗi khối 20 kg thuốc TNT, chi viện cho lực lượng chủ yếu của ta ở bờ Bắc.

Lúc 23 giờ 45 phút, toàn đại đội đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. Tổ hỏa lực B40, do đồng chí Tuất chỉ huy, đã kê súng lên hàng rào, chuẩn bị tiêu diệt lô cốt gần trụ cầu. Lực lượng chiến đấu trên bộ, cải trang như những chiến sĩ đặc công, đã áp sát khu nhà lính. Mọi người cầm lựu đạn trong tay, sẵn sàng ném vào nhà, nơi bọn lính đang ngủ. Tiểu đội đánh cầu đã đặt xong thuốc nổ xung quanh trụ cầu, địch ngồi gác trên cầu, trong lô cốt gần đó không hề hay biết. Bên bờ Nam, bộ đội và du kích đã liên kết xong 6 khối thuốc nổ, sẵn sàng, có lệnh là phóng vào chi khu quân sự và trại lính, bằng kỹ thuật “bộc phá phóng 320” ().

Đúng lúc này, đồng chí Trân, Tiểu đội trưởng kiểm tra lại đồ dùng gây nổ, phát hiện số kíp hẹn giờ đã bị tuột khỏi các khối thuốc nổ và rơi xuống sông. Thật là tai hại! Một tình huống tuy đã có dự kiến, có phương án xử trí, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng, vì không thể ra ngoài để lấy kíp hẹn giờ khác.

Những người đã trải qua chiến đấu, sẽ hiểu được tác hại của những sơ xuất có tính xương máu này. Tôi ngồi ở vị trí chỉ huy, cách cầu khoảng 30 mét, đưa tay nhìn đồng hồ mà hết sức lo lắng. Chiếc đồng hồ dạ quang chỉ đúng 23 giờ 50 phút. Ra ngoài lấy kíp hẹn giờ khác? Không được! Trễ mất rồi! Cho điểm hỏa nụ xùy? Còn sớm hơn theo hiệp đồng 10 phút! Chờ đến giờ G của chiến dịch? Nhỡ ra... mất thời cơ!... Tôi cho liên lạc chạy ra báo cáo Tiểu đoàn. Trong giây phút lúng túng đó, đồng chí Trân đã quyết định điểm hỏa bằng cách giật nụ xùy; sớm hơn giờ G gần 10 phút.

Lập tức bọn địch trên cầu la hét, bắn và ném lựu đạn xuống sông. Chúng đã báo động chiến đấu.

Quả đạn B40 của đồng chí Tuất bắn sập ngay lô cốt bảo vệ cầu, tiêu diệt luôn số địch ở trong đó. Ở trên bộ quân ta nhanh chóng đánh chiếm trại lính, hất chúng xuống phía Đông đường số 1. Một tiếng nổ long trời lở đất của 120 kg thuốc nổ TNT làm sập hai nhịp cầu xuống lòng sông đang chảy xiết, hất tung cả tổ hỏa lực B40 của đồng chí Tuất ra xa mấy mét.
_______________________________________
1. Bộc phá phóng 320: Là kỹ thuật phóng các khối thuốc nổ bằng các liều phóng chôn sâu dưới đất. Khi liều phóng nổ sẽ đẩy các lượng nổ 20 kg có tra kíp, nụ xùy, dây cháy chậm đi xa được 300m.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:49:39 pm »


Tại vị trí chỉ huy, tôi ngẩng đầu lên quan sát. Vui mừng không thể tả xiết, khi tận mắt nhìn thấy hai nhịp cầu hoàn toàn đổ xuống dòng sông. Chiếc trụ cầu bê tông với bề ngang bằng một sải tay và thêm bốn gang tay, đã bị bay mất, chỉ để lại một dòng nước chảy xiết. Tôi hân hoan nghĩ thầm: “Thế là đơn vị mình đã hoàn thành nhiệm vụ!”.

Bên bờ phía Nam, tổ bộc phá cũng phóng vào chi khu quân sự Chân Ổ, sáu khối thuốc nổ, mỗi khối 20 kg thuốc nổ TNT, làm cho bọn chúng ở bờ phía Nam không phản ứng, chi viện được.

Chưa đầy 30 phút đồng hồ, lực lượng đánh địch trên bộ ở bờ Bắc cũng hoàn toàn làm chủ trận địa. Các dãy nhà lính của địch dọc đường quốc lộ 1, bốc cháy dữ dội. Tôi và đồng chí Tôn vượt qua một khoảng sân, theo sau đội hình bộ binh, lợi dụng một lô cốt bằng bao cát đã bị bắn sập để theo dõi diễn biến trận đánh, tiếp tục chỉ huy bộ đội. Bỗng nghe ở đâu đây có tiếng rên khe khẽ. Tôi vỗ vai đồng chí Tôn để cùng lắng nghe. Đúng rồi, có ai đó bị thương đang nằm rên bên một góc sân. Qua ánh sáng của những đám cháy tôi nhận ra ngay đồng chí Thanh, tiểu đội trưởng, chỉ huy mũi chính diện, tiến côngvào khu trại lính. Trong một trận đánh trước đó, đồng chí Thanh được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất, vì có thành tích xuất sắc, ôm bộc phá lên phá rào trong trận đánh công kiên, vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao; vừa làm nốt nhiệm vụ của đồng chí bên cạnh khi đồng chí đó bị hy sinh. Trận này, đồng chí bị thương khá nặng. Trong hơi thở gấp gáp, đồng chí hỏi chúng tôi:

- Cầu đã bị đánh sập chưa và anh em mình đã đánh đến đâu rồi?

Ngước mắt nhìn tôi, Thanh nói khẽ:

- Em sẽ không qua khỏi đâu! Thủ trưởng cứ để em lại đây tiếp tục chỉ huy đại đội cho hoàn thành nhiệm vụ!

Nuốt cảm xúc vào bụng, tôi động viên Thanh:

- Thanh cố gắng chịu đựng, chúng tôi sẽ đưa đồng chí ra ngay. Cầu đã bị sập hai nhịp, đại đội ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa!

Tiếc thương thay, sau khi đưa Thanh ra đến trạm phẫu, do vết thương quá nặng, anh đã hy sinh... để lại trong chúng tôi niềm đau xót và cảm phục vô hạn.

Trận đánh thắng lợi, đại đội chúng tôi được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng nhất thay vì huân chương Quân công, do nổ súng trước giờ quy định của chiến dịch, đã gây khó khăn cho một số đơn vị gần đó. Đây là bài học đắt giá về ý thức chấp hành mệnh lệnh hiệp đồng chiến đấu, mà những người chỉ huy như chúng tôi thấy thấm thía.

Chiến dịch mở ra, quân địch bị tiến công khắp nơi. Trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đồng loạt tiến công, đẩy địch vào thế bị động, đối phó lúng túng. Đường giao thông huyết mạch bị cắt nhiều khúc. Sự chi viện giữa vùng này sang vùng khác của địch rất khó khăn. Thị xã Quảng Ngãi bị uy hiếp. Viên tư lệnh Sư đoàn 2 quân đội Sài Gòn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn vô cùng bối rối, phải cầu cứu đến bộ binh, xe tăng của Sư đoàn American Mỹ chi viện, giải tỏa. Nhưng chính các đơn vị bộ binh, xe tăng Mỹ cũng đang bị ta cầm chân trong các căn cứ, không thoát ra được.

Trong thế chiến lược mới của cách mạng Việt Nam, các lực lượng vũ trang ta, gồm ba thứ quân đã phát triển đều khắp trên chiến trường. Phong trào đấu tranh của quần chúng đã trở thành cao trào ở cả ba vùng chiến lược áp dụng phương châm kết hợp “hai chân, ba mũi” ở mọi nơi, mọi lúc, làm cho hàng ngũ địch mau tan rã. Nếu không có sự chi viện trực tiếp của quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên, chính quyền phản động Sài Gòn sẽ không thể tồn tại được đến mùa xuân năm 1975.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM