Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:32:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu tự nguyện  (Đọc 56980 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:26:31 pm »


Để chuẩn bị cho mùa khô 1965 - 1966, đế quốc Mỹ và tay sai cũng đã tập trung nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh, hòng giành thắng lợi quyết định trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Máy bay vận tải hiện diện trên bầu trời miền Nam suốt ngày đêm. Các kho dự trữ chiến lược đầy ắp phương tiện chiến tranh và lương thực. Không lúc nào chiến trường miền Nam lại sôi động như lúc này.

Trên đường chuyển quân từ Tây Nguyên xuống vùng giáp ranh của chiến trường Khu 5, chúng tôi đến huyện Vĩnh Thạnh, thuộc tỉnh Bình Định. Những đoàn quân đi lên, đi xuống, im lặng mà hối hả. Một lần, trên đường hành quân, bất ngờ tôi nhác thấy một bóng người quen. Tôi dừng lại, ngoảnh mặt về phía sau, thì đồng thời người ấy cũng nhận ra tôi:

- Có phải Hồng, con bà Ôn đó không?

Tôi sững sờ, không kịp trả lời thì anh nói nhanh qua hơi thở:

- Ở nhà, bà vẫn khỏe. Mọi người ai cũng nhắc đến em! - Nói dứt câu, anh khóc. Tôi cũng nước mắt lưng tròng.

Đó là anh Khoái - Nguyễn Khoái, một người hàng xóm cùng trang lứa với anh cả tôi. Cuộc đời của anh và gia đình anh cũng nhiều cơ cực. Trong cải cách ruộng đất, anh bị oan sai, bị bắt đi cải tạo, chỉ vì tính tình hơi nóng nảy, không được lòng cán bộ Đội cải cách. Họ ghép cho anh cái tội ngang tàng, phản động. Vậy mà giờ đây, anh đã là một chiến sĩ giải phóng quân xông pha trận mạc. Hai đứa em trai của anh thì một người bị bom Mỹ sát hại ở quê nhà, một người bị bệnh điên mà chết. Cô em gái út đã có con, có cháu và cũng đã qua đời. Bà mẹ già của anh cũng đã mất ở tuổi gần 100. Tôi không ngờ lại được gặp anh tại chiến trường và đó cũng là lần gặp nhau cuối cùng giữa tôi với anh... Anh hành quân từ miền Bắc vào tỉnh Đắc Lắc, còn tôi chuyển quân từ Đắc Lắc xuống vùng giáp ranh đồng bằng. Giây phút gặp nhau giữa đường quá ngắn ngủi, để lại trong tôi bao nhiêu cảm xúc.

- Có một ít, anh cầm lấy mà đi đường! Em mong gặp lại anh! Cầu chúc anh mạnh khỏe!

Tôi móc trong túi áo, đưa anh mấy chục đồng bạc (tiền miền Nam được cấp lúc đó) để anh uống nước. Chúng tôi vội vàng chia tay nhau...

Lần đầu tiên xuống đồng bằng, chúng tôi đóng quân tại huyện Vĩnh Thạnh, và huyện Bình Khê là những huyện miền núi vùng giáp ranh thuộc tỉnh Bình Định. Một trong những đặc sản của vùng này là “đường bát”1.

Muốn ăn lá giang thì về Phù Cát2
Muốn ăn đường bát thì về Bình Khê.

Phía Tây - Nam huyện Phú Phong (nay là huyện Tây Sơn) là con sông Côn - một trong những con sông lớn của tỉnh Bình Định. Phía Nam có đường quốc lộ số 19 chạy từ thành phố Quy Nhơn lên các tỉnh Tây Nguyên qua đèo An Khê. Nơi đây là quê hương cách mạng, là căn cứ địa của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Đây là một địa phương có truyền thống chống giặc ngoại xâm trong kháng chiến chống thực dân Pháp và nay chống đế quốc Mỹ. Vì vậy mà ngay những ngày đầu xuống đây, chúng tôi đã được sự giúp đỡ, chở che của chính quyền, nhân dân địa phương và sự phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Quan điểm bạo lực cách mạng, phù hợp với quy luật phát triển của cuộc chiến tranh lúc này là: Muốn thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta, trên chiến trường phải vừa đẩy mạnh tác chiến quy mô thấp, để tiêu hao sinh lực địch rộng khắp bằng cuộc chiến tranh du kích toàn diện; đồng thời phải nỗ lực mọi mặt để xúc tiến thành lập các đơn vị cơ động tập trung, tác chiến với quy mô ngày càng lớn, tiêu diệt lớn sinh lực địch, tạo chuyển biến về cục diện trên chiến trường.

Theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị cùng với các chiến trường, các quân khu, vào ngày 2-9-1965, tại dốc Bà Bơi, thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Quân khu 5 đã thành lập Sư đoàn bộ binh số 3. Lấy tên là Sư đoàn Sao Vàng, đảm nhiệm chủ yếu 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Khi cần mở rộng đến Bắc Phú Yên và Đông Gia Lai. Mật danh Sư đoàn gọi là Nông trường, các Trung đoàn gọi là Công trường. Người Sư đoàn trưởng đầu tiên là anh Giáp Văn Cương, chính ủy sư đoàn là anh Đặng Hòa. Đơn vị chúng tôi lúc đó vẫn là đại đội công binh, trực thuộc Sư đoàn bộ binh số 3.

Sư đoàn 3 lúc mới thành lập, đã có đủ ba trung đoàn bộ binh là trung đoàn 2, 12, 22, và một số đơn vị binh chủng, như pháo binh, công binh, thông tin, trinh sát, nhưng chưa thật hoàn chỉnh. Về sau, được bổ sung quân số, vũ khí, nên về tổ chức, từ các cơ quan Sư đoàn đến các đơn vị trực thuộc ngày càng được hoàn chỉnh. Đội ngũ cán bộ cũng theo năm tháng mà lớn lên, trưởng thành qua nhiều thế hệ kế tiếp nhau, từ anh Giáp Văn Cương, anh Đặng Hòa, Nguyễn Nam Khánh; đến anh Mai Tân, anh Huỳnh Hữu Anh, anh Trần Bá Khuê, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Duy Thương, Lê Ba và nhiều đồng chí khác... Cùng thời gian đó, ngày 20-10-1965 sư đoàn bộ binh số 2 được thành lập, đảm nhiệm tác chiến địa bàn tỉnh Quảng Nam - Bắc Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum3. Hai Sư đoàn Bộ binh của Quân khu 5 ra đời, thực sự là hai quả đấm thép, có tính quyết định thắng lợi trong các chiến dịch lớn của Quân khu ở vùng đồng bằng miền Trung và chiến trường Tây Nguyên. Sư đoàn bộ binh số 2 và 3 đã cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương, làm thất bại hết âm mưu chiến lược này đến âm mưu chiến lược khác của địch, từ cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mùa xuân năm 1975 sau này.

Từ khi ra đời, Sư đoàn Bộ binh 3 đã chiến đấu liên tục, tham gia nhiều chiến dịch của Quân khu 5, mở nhiều đợt hoạt động trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng và đô thị. Lực lượng “ba thứ quân” phát triển một cách nhanh chóng.
________________________________________
1. Đường bát: đường làm từ mía được cô đặc trong cái bát (chén) ăn cơm. Khi lấy ra có hình cái bát.
2. Lá giang: Một loại cây leo, mọc nhiều ở bờ rào, đồi tranh. Nhân dân (và cả bộ đội) thường lấy để nấu canh chua.
3. Lịch sử sư đoàn bộ binh 2 - Tập 1 - NXB Đà Nẵng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:27:43 pm »


TRƯỚC KHI ĐẾ QUỐC MỸ Ồ ẠT ĐỔ QUÂN VÀO MIỀN NAM


Trước khi bước vào mùa khô năm 1965 - 1966 chủ trương của đảng ủy và bộ tư lệnh Quân Khu 5 là mở chiến dịch tiến công các căn cứ vùng đồng bằng và vùng giáp ranh miền trung, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận quan trọng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, buộc chúng phải đưa những đơn vị chủ lực ra phản kích, tạo điều kiện cho quân chủ lực của ta đánh những trận vận động tiêu diệt lớn, góp phần cùng với các chiến trường làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và tay sai ở miền Nam Việt Nam.

Trận đầu tiên tôi được tham gia trên địa bàn đồng bằng miền Trung là trận tập kích tiêu diệt đại đội lính bảo an đóng tại đèo Phú Cũ, trên trục đường quốc lộ số 1, thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định vào ngày 23-9-1965. Đây là trận đánh điểm, diệt viện, là trận đánh đầu tiên của sư đoàn bộ binh 3 từ sau ngày thành lập.

Đánh tốt trận này sẽ khẳng định được một tiền đề là địch không chỉ bị tiêu hao trong khi đi hành quân càn quét, bởi phong trào du kích chiến tranh, mà ngay cả khi chúng ở trong căn cứ, có công sự vững chắc, có nhiều lớp hàng rào kẽm gai và mìn sát thương bao bọc, cũng bị tiêu diệt.

Đồn Phú Cũ, đóng trên một quả đồi thấp, khống chế đường Quốc lộ số 1 tại đèo Phú Cũ. Phía Tây, đối diện với đồn địch là một ngọn đồi khác cao hơn và “chiếu” xuống đồn địch, đồng thời nối dài với các dãy núi chạy về phía tây, ra đến vùng giải phóng. Về mặt địa hình, rất thuận lợi cho ta triển khai lực lượng và binh khí kỹ thuật, các trận địa hỏa lực bắn thẳng cũng như bắn cầu vồng. Đứng trên điểm cao đối diện có thể nhìn thấy rất rõ các mục tiêu tiền duyên phía tây và trung tâm của đồn địch. Phía đông căn cứ là những ngọn đồi nhỏ, thấp, tiếp đến là đồng bằng thuộc huyện Phù Mỹ. Đường số 1 chạy theo hướng Bắc - Nam cặp với đường xe lửa, chui qua đèo bằng một đoạn đường hầm. Hai bên đường, cả phía Nam và Bắc đèo là làng mạc trù phú, xen kẽ những cánh đồng tươi tốt, phì nhiêu.

Đồn Phú Cũ thuộc vào loại mục tiêu “công sự vững chắc” thời đó. Chúng bố trí đội hình phòng ngự có chính diện và chiều sâu. Bên ngoài có 4 lớp rào kẽm gai xen kẽ với mìn sát thương bộ binh. Bên trong là hệ thống chiến hào từ trong trung tâm ra đến tiền duyên, nối với các công sự chiến đấu, ụ súng và lô cốt xếp bằng bao cát. Hướng Tây, địch bố trí các lô cốt bê tông và công sự vững chắc hơn. Điều này cũng dễ hiểu, vì hướng này, địa hình bất lợi cho chúng. Ngoài những hỏa lực bộ binh thông thường, ở đây còn có trận địa cối 106,7mm. Hướng đề phòng ta tiến công là hướng Tây - nơi có các dãy đồi cao hơn và liên hoàn ra đến vùng giải phóng của ta. Vì vậy, chúng rất coi trọng việc tung thám báo, biệt kích, theo dõi, nắm tình hình ta từ xa.

Chi viện trực tiếp cho chúng về bộ binh, chủ yếu là Sư đoàn bộ binh 22, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Về hỏa lực, có các trận địa pháo ở Đệ Đức, Thiết Đính, Bồng Sơn thuộc huyện Hoài Nhơn; trận địa pháo tại nhà thờ Dốc, xã Mỹ Hiệp, quận lỵ Phù Mỹ và một số trận địa pháo khác, thuộc huyện Hoài Ân. Điều đó, chứng tỏ địch rất coi trọng sức mạnh của hỏa lực pháo binh.

Mục tiêu mở màn chiến dịch là đánh tiêu diệt đại đội bảo an đóng tại đèo Phú Cũ, cắt đứt đường quốc lộ số 1, huyết mạch giao thông quan trọng của địch. Nhiệm vụ và mục tiêu tiếp theo là vận động tiêu diệt lực lượng của Sư đoàn 22 từ căn cứ Bình Dương ra phản kích, và trung đoàn 40 từ căn cứ Đệ Đức vào giải tỏa.

Đầu tháng 9 năm 1965 đoàn cán bộ của cơ quan Sư đoàn 3 và hai Trung đoàn bộ bình tiến hành đi nghiên cứu chiến trường. Trước hết, tập trung chuẩn bị mục tiêu đèo Phú Cũ. Đây là “ngòi nổ”, là “phát pháo hiệu” đầu tiên của chiến dịch.

Trong trận này, đại đội công binh sư đoàn làm nhiệm vụ “mở cửa”. Tôi vừa là trinh sát viên, vừa là chiến sĩ công binh thuộc phân đội mở đường qua bãi mìn và lớp rào kẽm gai để cho bộ binh công kích vào bên trong đồn địch, tiêu diệt chúng.

Những ngày đi chuẩn bị chiến trường, đồng chí Trần Văn Hồng, trợ lý công binh Sư đoàn, đưa tiểu đội trinh sát chúng tôi vượt qua đỉnh núi Chóp Chài, xuống vùng biển Hà Ra - Phú Thứ, rồi từ đó, vượt đường trở lại điều nghiên hướng Tây đồn Phú Cũ. Ban ngày, chúng tôi  trà trộn trong dân. Các anh chỉ huy dặn tôi: “Không được nói chuyện với nhân dân địa phương!” vì giọng nói “trọ trẹ” của tôi rất dễ bị phát hiện là người từ ngoài Bắc vào. Sự xuất hiện người miền Bắc lúc này chỉ có thể là quân chủ lực mà thôi. Nếu địch nắm được, chúng sẽ tích cực đề phòng, làm mất yếu tố bất ngờ của quân ta và còn nhiều tác hại khác nữa.

Đây là lần đầu tiên, tôi được xuống vùng đồng bằng, hơn nữa lại là đồng bằng ven biển. Ban ngày, nằm trong gia đình cơ sở cách mạng, sát chân núi Chóp Chài, nhà bà Hùng, phòng khi nếu địch càn quét, chúng tôi sẽ nhanh chóng sơ tán vào núi. Ban đêm, chúng tôi được các anh chỉ huy và cơ sở của ta dẫn ra cửa biển Hà Ra - Phú Thứ hóng mát. Tôi đã được tận hưởng, những cơn gió mát rượi nồng nàn muối mặn và được nghe tiếng sóng biển ầm ầm suốt đêm. Tôi có thể nhìn thấy ánh đèn hắt ra từ trên thuyền bè của dân đánh cá, câu mực. Biển về đêm trông giống như bầu trời đầy sao lấp lánh.

Bằng sự quan sát tinh tế, các mẹ, các chị đều biết tôi là bộ đội miền Bắc mới vào, nên ai cũng quý mến. Bà Hùng là cơ sở cách mạng. Chồng bà tập kết ra Bắc, và đã vào miền Nam, nhưng chưa liên lạc được. Bà có hai cô con gái xinh đẹp, có tên rất con trai là Hùng và Huy. Cô chị kém tôi khoảng 6 - 7 tuổi. Sau mỗi đêm đi trinh sát về, chúng tôi lại vào nhà bà để nghỉ. Đêm đi, ngày ngủ là sở trường của lính trinh sát chúng tôi. Bà thường dặn tôi: “Con cố gắng công tác, sau này khi nước nhà thống nhất, về đây tao gả cho một đứa!”. Tôi cứ ngơ ngác, ậm ờ, không biết nói gì... Năm 1974, tôi có dịp đi qua đây, ghé thăm bà. Bà đã già yếu, nhưng vẫn còn nhận ra tôi. Cô Hùng đã thoát ly lên căn cứ làm dược tá, còn Huy đang là một cô giáo xinh đẹp, sắp lấy chồng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:29:40 pm »


Sau khi chuẩn bị chiến trường xong, chúng tôi lại vượt núi, vượt đường quốc lộ số 1 về lại căn cứ để làm kế hoạch và tổ chức hiệp đồng tác chiến. Hồi đó, tôi là một chiến sĩ của một đơn vị cơ sở, nên chưa biết được nhiều, chưa hiểu được rộng như các cấp chỉ huy Trung đoàn, Sư đoàn hoặc cao hơn. Tôi chỉ có thể biết được nhiệm vụ của mình trong phạm vi nhất định. Sau này, tôi mới biết, hướng nghiên cứu của chúng tôi là hướng chủ yếu - có nhiệm vụ cùng với tiểu đội dò gỡ sạch mìn và đánh bộc phá liên tục, mở cửa qua các lớp rào kẽm gai, dẫn dắt bộ binh vào bên trong tiêu diệt địch. Và cũng sau này, tôi mới được biết rằng đây là trận mở màn chiến dịch, đánh chiếm một số đồn bót địch, vừa để mở rộng vùng giải phóng, vừa để kéo quân chủ lực địch từ các căn cứ ra ngoài công sự để tiêu diệt. Lực lượng bộ binh tiến công đánh chiếm mục tiêu này là tiểu đoàn 4 (tăng cường) thuộc trung đoàn bộ binh 12. Trung đoàn bộ binh số 2 phục kích phía Nam đèo Phú Cũ và tiến công đèo Nhông. Trung đoàn bộ binh 12 (thiếu tiểu đoàn 4) phục kích đánh viện ở khu vực Lại Khánh. Ý định của đợt tác chiến này là “đánh điểm diệt viện”. Trung đoàn bộ binh số 22 làm nhiệm vụ kìm chế pháo địch ở Thiết Đính, tập kích sân bay địch ở An Khê.

Đêm 22-9, quân ta bắt đầu triển khai đội hình chiến đấu tiến công. Trên các sườn đồi phía Tây đèo Phú Cũ, các trận địa hỏa lực như cối 120 mm, cối 82 mm, ĐKZ75 và súng máy 12,7 mm đã triển khai xong lúc 22 giờ. Phía sau là trạm sơ phẫu, có rất nhiều anh chị em dân công sẵn sàng tiếp đạn, tải thương. Phía trước trên hướng chủ yếu, bộ binh được triển khai sau trung đội công binh mở đường của chúng tôi. Trong nghệ thuật quân sự, mọi ưu tiên đều hướng về bộ binh, dành cho bộ binh. Vai trò của bộ binh là lực lượng chủ yếu làm chủ chiến trường, là lực lượng trực tiếp tiêu diệt bộ binh địch. Mọi lực lượng, mọi binh chủng đều bảo đảm những yếu tố cần thiết để bộ binh hoàn thành được nhiệm vụ của một chiến dịch hoặc một trận chiến đấu. Vì vậy, trước khi bộ binh vào chiếm lĩnh thì các trận địa hỏa lực phải trong tư thế sẵn sàng nhả đạn vào các mục tiêu được phân công. Trước khi bộ binh xung phong vào đồn địch cửa mở phải được thông suốt, các mục tiêu “đầu cầu” phải được tiêu diệt hoặc chế áp mãnh liệt, dập tắt mọi sự kháng cự của địch. Giai đoạn mở cửa, đánh chiếm “đầu cầu” trong chiến đấu tấn công địch trong căn cứ bao giờ cũng mang tính quyết định thắng lợi của trận đánh. Đây là giai đoạn chiến đấu vô cùng quyết liệt, một mất, một còn. Hiệu suất chiến đấu cao hay thấp cũng thể hiện ở giai đoạn này. Anh hùng Phan Đình Giót đã xả thân vì đồng đội và để tăng tốc độ đột phá trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng diễn ra ở trong giai đoạn này.

Đêm ấy, trời không trăng nhưng nhiều sao. Ánh sáng của những ngọn hỏa châu do địch bắn lên cũng đủ để soi sáng cho các lực lượng trên các hướng vào tiếp cận mục tiêu. Tôi cùng với tiểu đội đánh bộc phá cũng đã triển khai đội hình xong trước cửa mở, sát với hàng rào đầu tiên. Từ vị trí này đến lô cốt “đầu cầu” 1 khoảng 120m - 150m. Từ trong đêm tối khó có thể nhìn thấy lô cốt một cách tường tận. Nhưng nếu nằm xuống mà nhìn lên sườn đồi phía địch, nơi tiếp giáp với khoảng trống của bầu trời thì thấy được khá rõ hình dáng những lô cốt, ụ súng lô nhô trước mặt. Tại căn cứ của địch, thỉnh thoảng có ánh lửa lập lòe, lóa lên rồi tắt ngấm. Có lẽ bọn lính canh gác hút thuốc lá. Trong bóng đêm tĩnh mịch, ánh đèn pha của địch chợt lóe lên quét ngang, dọc theo các lớp rào. Chúng tôi nằm im, nín thở. Có anh lính, mới ngày đầu ra trận, căng thẳng đến nỗi “tè” ra ướt cả quần lúc nào không hay. Lúc này, có lẽ không có người lính nào nghĩ đến chuyện vợ, con, gia đình, quê hương, bạn bè, tiền bạc, giàu nghèo; chỉ có hồi hộp chờ lệnh và sẵn sàng xông lên...

Theo hợp đồng, tiến công vào đồn Phú Cũ sẽ diễn ra trên hai hướng. Hướng chính, từ sườn đồi phía Tây. Hướng này, mục tiêu “cứng” hơn lực lượng địch tập trung cao hơn, trong đó phải nói đến mật độ hỏa lực pháo binh được chuẩn bị trước, kết hợp với bọn biệt kích, thám báo lùng sục từ xa. Song, địa hình ở đây cao hơn, rất thuận lợi cho ta bố trí lực lượng, triển khai đội hình. Nếu khắc phục được những khó khăn do địch tạo nên, thì đây là hướng tiến công lý tưởng. Theo nguyên tắc chiến thuật, nếu ta tập trung lực lượng tiến công vào chỗ mạnh, chỗ hiểm yếu của địch, làm mất chỗ dựa của chúng thì trận đánh sẽ được giải quyết nhanh. Sau khi cân nhắc, Sư đoàn và Trung đoàn quyết định chọn hướng này làm hướng tiến công chính. Chỉ còn lại một vấn đề cần giải quyết thật tốt là bám sát bọn biệt kích, thám báo để vô hiệu hóa các hoạt động của chúng, hợp đồng với các đơn vị kể cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích kìm chế các trận địa pháo binh của địch, tạo điều kiện cho Trung đoàn bộ binh 12 tiến công. Hướng thứ hai là từ Đông Nam đánh lên, chiếm mục tiêu ở mỏm đồi phía Đông.

Hiệu lệnh nổ súng tiến công là tiếng nổ dầu tiên của ống bộc phá do chúng tôi thực hiện tại lớp rào kẽm gai thứ nhất trên hướng tiến công chủ yếu.

Hồi đó, lực lượng mở cửa không được trang bị máy thông tin, nhưng để chỉ huy được kịp thời, đồng chí Trần Văn Hồng - trợ lý công binh Sư đoàn ngồi ở vị trí chỉ huy, phía sau chúng tôi 20 m để nhận lệnh cấp trên và ra lệnh cho chúng tôi nổ bộc phá.

23 giờ 45 phút, lực lượng mở cửa đã đưa được ống bộc phá, cố định vào hàng rào thứ nhất và chờ lệnh trong tư thế điểm hỏa.

Lúc 0 giờ (giờ G) lệnh nổ súng bắt đầu. Đồng chí tiểu đội trưởng điểm hỏa quả bộc phá đầu tiên. Tiếng nổ của ống bộc phá đã đánh thức tất cả mọi lực lượng ta và địch trên một vùng rộng lớn. Tiếp đó là âm thanh hỗn độn của bộc phá, của pháo cối, của các loại vũ khí tham gia trận đánh... Tiếng nổ dồn dập, đinh tai, nhức óc, đến nỗi ghé vào sát mang tai hét mà vẫn không nghe được; nhất là ở tiểu đội đánh bộc phá và trận địa ĐKZ75, súng máy 12,7 mm.

Giữa tiếng súng vang rền, là tiếng la hét của các cấp chỉ huy. Người nào, việc nấy, khẩn trương, hoạt bát, theo một “kịch bản” đã được chuẩn bị. Dưới làn đạn của hai bên, tiểu đội bộc phá chúng tôi, người lên, người xuống nhịp nhàng, vào ra như những con ong. Các trận địa hỏa lực, rót đạn vào mục tiêu, lúc thì rỉ rả, lúc thì cấp tập. Súng máy 12,7 mm bố trí hai bên cửa mở bắn từng loạt, từng loạt. Đạn vạch đường như những mũi tên từ sườn đồi găm xuống, trúng vào lô cốt, ụ súng, gốc cây; có những viên đạn vọt lên không trung vạch thành vệt sáng như ánh sao băng.

Lực lượng xung kích, nhích dần từng bước, lên sát cửa mở, sẵn sàng xung phong vào đồn giặc.

Sau năm phút, công binh mở xong cửa. Bộ binh từ các hướng ào ạt xông lên, đánh chiếm lô cốt đầu cầu, mở rộng sang hai bên và phía trước. Các trận địa pháo cầu vồng chuyển làn, bắn tập trung vào trung tâm đồn địch. Đội hình thọc sâu như một mũi tên, lao lên đánh chiếm sở chỉ huy, khu thông tin và các mục tiêu quan trọng trong đội hình đóng quân của địch.

Đã có một số đồng chí hy sinh và bị thương được đưa ra hướng cửa mở của chúng tôi. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một quyết liệt. Nhiều đồng chí của ta tiếp tục bị hy sinh, bị thương.

Bây giờ đã là phút thứ 25, tính từ lúc bắt đầu nổ súng. Lực lượng thọc sâu của ta bị địch chống trả quyết liệt và bị chặn lại ở tuyến giữa.

Tại Sở chỉ huy, Trung đoàn nhận định: Địch có hầm ngầm chăng?
_________________________________________
1. Lô cốt đầu cầu: Là mục tiêu trên tiền duyên mà các hỏa lực của ta phải tiêu diệt, lực lượng mở cứa phải đánh chiếm để làm bàn đạp cho bộ binh tiến công vào bên trong đồn địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:30:21 pm »


Trên hướng thứ yếu, phía đông đường số 1, địch có sơ hở, chủ quan, nên từ đầu đã tạo được lợi thế cho ta. Trên hướng này, ta đã chiếm được mỏm đồi phía đông đèo Phú Cũ.

Sau khi xốc lại đội hình, hai hướng hiệp đồng với nhau cùng tiến công lên mục tiêu chính: Mỏm đồi phía tây đường số 1.

Pháo địch trên các hướng tập trung bắn vào sườn đồi đối diện ở phía tây trên hướng tiến công chủ yếu của quân ta. Sau hơn một giờ đồng hồ công kích ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt và bắt sống trên 150 tên, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng.

Trước cửa mở còn một khối thuốc nổ 20 kg nằm chỏng chơ. Khối bộc phá này là khối bộc phá dự bị, đề phòng địch dựa vào lô cốt, hầm ngầm cố thủ thì sẽ đem vào cho nổ tung. Với tính năng của khối thuốc nổ và nhất là khối thuốc nổ đã tra kíp nổ, nụ xòe và dây cháy chậm, chỉ cần một quả đạn cối, hoặc quả lựu đạn nổ gần cũng có thể bị kích nổ, giữa một đội hình chiến đấu của quân ta, tai họa sẽ khó lường. Thấy rõ sự nguy hiểm của khối thuốc nổ, tôi đã phải bò lên, kéo khối thuốc nổ ra xa đội hình và vô hiệu hóa khi không dùng đến nó nữa.

Trận tiến công đồn Phú Cũ thắng lợi. Nhưng ta thương vong lại khá cao, gần 100 đồng chí.

Những ngày sau đó, địch điên cuồng phản kích để giải tỏa đường quốc lộ số 1 đã bị ta cắt đứt tại đèo Phú Cũ và nhiều nơi khác. Các lực lượng chủ lực của ta kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch khi chúng đi càn quét trên địa bàn các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ... Bọn địch trong các căn cứ, đồn bót chưa bị tiến công hết sức hoang mang, lo sợ.

Trong chiến dịch Thu - Đông, nhất là sau trận tiến công đồn Phú Cũ thắng lợi, cùng với chiến trường toàn miền, tại Quân khu 5, trên địa bàn ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, các đơn vị chủ lực của Quân khu, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đã tiến công một loạt các căn cứ, các chi khu quân sự và cơ quan chính quyền của địch, gồm chi khu quân sự Minh  Long, căn cứ Gia Vực, Quảng Ngãi, chi khu quân sự và Quận lỵ Thượng Đức, vùng B Đại Lộc và nhiều nơi khác, bức rút hàng loạt đồn bót địch như đồn Cộng Hòa, đồn số 7 ở Quảng Ngãi, v.v... Vùng giải phóng được mở rộng ở các huyện miền núi như Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Ba Tơ (Quảng Ngãi), An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh (Bình Định). Vùng địch kiểm soát bị thu hẹp.

Hầu hết, các huyện miền núi thuộc các tỉnh đồng bằng ven biển Khu 5 ta có nhiều lợi thế về địa hình, một trong ba yếu tố (Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa) của cuộc chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Trong các chiến dịch tiến công và cả trong từng trận chiến đấu của ta, địch đều bị ta bao vây, chia cắt cô lập từng khu vực, từng mục tiêu và bị hạn chế rất nhiều về sức mạnh của binh khí kỹ thuật. Đây là điểm bất lợi, không dễ gì khắc phục được của chúng.

Trận tiến công chi khu quân sự Minh Long và căn cứ Gia Vục của trung đoàn bộ binh số 22 và lữ đoàn 52 Quân khu 5 tại tỉnh Quảng Ngãi là một ví dụ.

Chi khu quận lỵ Minh Long là một căn cứ tầm cỡ của địch ở tỉnh Quảng Ngãi, xa các căn cứ của lực lượng có thể chi viện cho chúng; lại nằm trong một lòng chảo, xung quanh có các điểm cao, đối phương có lợi thế hơn về nhiều mặt, nhất là về địa hình; cho nên bọn địch đóng ở đây có hệ thống công sự, vật cản tương đối chắc chắn. Ngoài hai tiền đồn ở trên hai hướng Đông Bắc và Tây Nam là Gò Quang và Gò Găng, mỗi nơi một đại đội lính bảo an, chúng còn bố trí nhiều điểm chốt và hệ thống ấp chiến lược. Binh lính ở đây phần lớn là người dân lộc H’re, khét tiếng gian ác.

Đánh chiếm quận lỵ Minh Long, để bảo đảm chắc thắng, sư đoàn 3 đã sử dụng cả 3 trung đoàn bộ binh: Trung đoàn 22 và 12 tiến công các căn cứ đồn trú; quận lỵ. Trung đoàn 2 làm nhiệm vụ đánh viện.

Các trận địa cối 106,7 và 120mm bố trí trên các điểm cao 500 - 600 cùng với các trận địa phòng không, hiệp đồng với hỏa lực đi cùng các trung đoàn, chi viện cho bộ binh đánh chiếm lần lượt các mục tiêu.

Quyết tâm của sư đoàn là: lực lượng chặn viện phải loại trừ cho được bọn địch tăng viện từ bên ngoài, khống chế cho được sân bay dã chiến. Lực lượng tiến công quận lỵ, đánh đêm chưa dứt điểm, chuyển sang đánh ngày; bao vây, chia cắt tiêu diệt từng mục tiêu đến tiêu diệt toàn bộ. Làm chủ hoàn toàn quận lỵ Minh Long.

Tháng 12 năm 1965, trước khi đánh chiếm chi khu Minh Long, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ các cao điểm xung quanh chi khu, thiết bị các trận địa hỏa lực. Trên các ngả đường từ đồng bằng lên quận lỵ đều bị ta phục kích, ngăn chặn. Chi khu quân sự Minh Long coi như bị cô lập.

Đại đội công binh chúng tôi được giao nhiệm vụ làm đường cơ động cho pháo vào triển khai, bố trí mìn tự động và mìn điều khiển để đánh quân đổ bộ xuống khu vực sân bay, và xây dựng sở chỉ huy cho Sư đoàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:30:57 pm »


Đêm N - (29-12-1965 trước Tết nguyên đán) quân ta tiếp cận các mục tiêu trong khi nhân dân và binh lính đang xem chiếu phim. Do hệ thống phòng thủ của địch trong căn cứ bố phòng phức tạp, ngay từ đầu bộ đội ta có thương vong do vướng phải mìn địch.

23 giờ 30 phút, buổi chiếu phim kết thúc. Bọn lính vừa về đến căn cứ thì cũng là lúc bộ đội ta nổ súng tấn công các mục tiêu. Dưới sự chi viện của các trận địa súng cối bố trí ở dãy cao điểm 500 và ĐKZ 75 đi cùng, các hướng, các mũi thực hành tiến công các mục tiêu. Các trận địa pháo có thể chi viện được của địch thì ít, lại xa và đã bị ta kiềm chế. Do địa hình rừng núi và đêm tối nên lực lượng bộ binh của địch từ đồn Cộng Hòa - đồn số 7 không thể nào chi viện được. Các chốt tại chi khu Minh Long dựa vào công sự và hệ thống ấp chiến lược chống cự quyết liệt. Một số tên đầu sỏ, ngoan cố dựa vào những đường hầm bí mật tháo chạy.

Sau hơn 5 giờ đồng hồ chiến đấu, ta đã đánh chiếm được toàn bộ quận lỵ Minh Long, tiêu diệt nhiều sinh lực gồm một chi khu, hai căn cứ đồn trú, một sân bay và cơ quan hành chánh cấp quận của địch. Thu toàn bộ vũ khí, kho tàng.

Ngày hôm sau, địch cho 2 tốp máy bay lên ném bom, bị các trận địa phòng không của ta bố trí trên các điểm cao 500 - 600 bắn trả. Chúng phải bay ở độ cao ném bom, nên không trúng mục tiêu.

Đánh chiếm được căn cứ Minh Long, trước mắt đã giúp cho quân ta giải quyết được khó khăn về lương thực. Bộ đội ta thu được hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, bao gồm gạo thơm, đường, sữa, dầu ăn,... Đại đội công binh chúng tôi được một thời gian ăn uống thoải mái, sung túc.

Một phần trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và một phần công tác Đảng - công tác chính trị chưa thấm sâu vào mọi người, trong trận này một số đơn vị, bộ đội thu được tiền của địch (chúng chuẩn bị phát lương cho lính ăn tết) không chịu giao nộp. Suốt mấy ngày liền các phố xá dọc sông Trường Giang, Trường Lệ, bộ đội hành quân qua đây đã mua hết hàng hóa như kẹo bánh, đường sữa, thuốc lá và nhiều thứ khác. Sư đoàn phải thi hành kỷ luật một số cán bộ chỉ huy.

Phối hợp với trung đoàn bộ binh số 22, trung đoàn bộ binh số 2 bao vây đồn số 7 trên trục đường từ Thạch Trụ, huyện Mộ Đức lên huyện Nghĩa Hành và phục kích chặn viện ở phía Đông núi Lớn, tạo điều kiện cho trung đoàn bộ binh 22 giải quyết mục tiêu quận lỵ Minh Long. Nhưng địch không ra phản kích, đồn số 7 bí mật rút chạy  và bỏ luôn chi khu quận lỵ Minh Long.

Thừa thắng ở quận lỵ Minh Long, trung đoàn bộ binh 22 được lệnh tiến công đồn Thạch Trụ, núi Xương Rồng. Đêm chiếm lĩnh, trời mưa to, nước lũ tràn về, cho  nên trung đoàn 22 không thực hiện được ý định của sư đoàn. Chiến dịch Thu - Đông năm 1965 kết thúc.

Tại chiến trường khu V, lữ đoàn 52 của quân khu, do lữ đoàn trưởng Lê Chí Thuận chỉ huy cũng đã đánh chiếm căn cứ Gia Vực trong một đêm bằng chiến thuật tập kích hiệp đồng binh chủng.

Cũng như quận lỵ Minh Long, Gia Vực thuộc địa bàn rừng núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Là một trong những căn cứ vững chắc nhất của địch ở miền Trung, do một tiểu đoàn đồn trú lính người dân tộc Re đóng giữ. Do phòng thủ trong một địa thế bất lợi, xa sự chi viện của các lực lượng bên ngoài, nên mục tiêu này, địch cấu trúc khá hoàn chỉnh. Bên trong có lô cốt bê tông và lô cốt bằng bao cát xếp dày, nối liền với chiến hào từ tiền duyên vào tung thâm. Trung tâm chỉ huy có hầm ngầm kiên cố. Toàn bộ căn cứ được bao bọc bởi 9 lớp rào kẽm gai đủ loại, xen kẽ mìn sát thương bộ binh và mìn chống xe tăng. Có thể nói, căn cứ Gia Vực thuộc vào loại mục tiêu công sự vững chắc, hệ thống vật cản phức tạp. Lữ đoàn 52 đã triệt để lợi dụng địa hình rừng núi, đưa pháo vào gần, lên cao. Toàn bộ căn cứ địch nằm dưới tầm hỏa lực của ta. Các loại hỏa lực ngắm bắn trực tiếp, xác suất trúng mục tiêu rất cao. Nhờ vậy đã chi viện đắc lực cho bộ binh đột phá, tiến công đánh chiếm toàn bộ căn cứ, diệt gọn tiểu đoàn đồn trú của địch, thu toàn bộ vũ khí. Do có ưu thế về địa hình, vận dụng cách đánh sáng tạo, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, bộ đội ta đã loại trừ được sự chi viện bằng bộ binh, pháo binh và không quân của địch.

Qua những trận đánh điển hình của Lữ 52, của sư đoàn bộ binh 2 và 3 trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã nói lên những vấn đề sau đây:

1. Thiên nhiên đã tạo cho chiến trường khu 5 có được một địa thế lý tưởng, có điều kiện phát huy tốt cách đánh truyền thống của quân đội ta, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam được nhân lên; khơi thêm những điểm yếu, những bất lợi không dễ gì khắc phục được đối với kẻ thù; nhất là kẻ thù xâm lược.

2. Lực lượng ba thứ quân của ta trên chiến trường, nhất là quân chủ lực đã có bước phát triển nhanh chóng toàn diện về nghệ thuật chỉ huy chiến dịch và chiến đấu.

3. Thắng lợi này là tiền đề mở ra khả năng đánh tập trung với quy mô cao hơn, lớn hơn; có thể mở các chiến dịch tổng hợp và tiến công địch trong căn cứ, có công sự vững chắc; đồng thời vận động tiêu diệt địch bung ra phản kích trong một không gian rộng, thời gian dài ngày ở vùng rừng núi và đồng bằng. Nhờ vậy mà sau một loạt các trận đánh tiếp theo trên địa bàn các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Tín và Đà Nẵng, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, vùng bị địch tạm chiếm ngày càng thu hẹp. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn tiến hành trên chiến trường miền Nam nói chung, trên địa bàn Liên khu 5 nói riêng, sẽ bị phá sản.

Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam và cho máy bay, tàu chiến ra khiêu khích, đánh phá miền Bắc nước ta. Vai trò của quân Mỹ, từ chỗ làm cố vấn cho quân đội và chính quyền Sài Gòn, đến chỗ trực tiếp tham chiến để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chính quyền tay sai. Trên chiến trường Liên khu 5 lúc bước vào mùa khô lần thứ nhất (1965) có 120000 lính 1 Mỹ, bằng 2/3 tổng số lực lượng Mỹ tại miền Nam..
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:32:53 pm »


Tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín, Đà Nẵng và Phú Bài có hai Sư đoàn thủy quân lục chiến, Sư đoàn bộ binh American, Lữ đoàn dù 196, Lữ đoàn xe tăng (thiết xa vận) Mỹ, Sư đoàn Thanh Long (Rồng Xanh) lính Nam Triều Tiên, Sư đoàn bộ binh 2 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và các liên đoàn biệt động.

Tại tỉnh Bình Định có 20000 lính Mỹ, 500 máy bay, hàng chục tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, pháo binh. Sang mùa khô thứ 2 (1966) số binh lính Mỹ, cả bộ binh và Binh khí kỹ thuật tăng lên gấp đôi, chủ yếu tập trung ở chiến trường Bắc Bình Định - Nam Quảng Ngãi, có Sư đoàn không vận số 1 (Sư đoàn kỵ binh bay) Mỹ, Lữ đoàn dù 101 và Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên cùng với Sư đoàn bộ binh 22 và các Liên đoàn biệt động của quân đội Sài Gòn. Tại tỉnh Phú Yên có sư đoàn Bạch Mã (Đại Hàn), Lữ đoàn dù 173 (sau này được trang bị xe tăng, trở thành Lữ đoàn Kỵ binh Thiết giáp).

Chiến trường Tây Nguyên (mặt trận B3) có 2 Sư đoàn bộ binh đánh rừng núi là sư đoàn bộ binh số 25 và sư đoàn bộ binh số 4 của Mỹ, sư đoàn 23 lính Sài Gòn và các Liên đoàn biệt động. Ngoài ra còn có một đội quân đông đảo bao gồm các đơn vị bảo an, dân vệ, các lực lượng cảnh sát đô thị với hệ thống đồn bốt, ấp chiến lược dày đặc. Các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu của các quốc gia đồng minh của Mỹ như Thái Lan, Úc, Phi Luật Tân và một số nước khác cũng đã hiện diện trên chiến trường miền Nam nói chung và Liên khu 5 nói riêng.

Trên biển Đông, Hạm đội 7 của Mỹ thường xuyên túc trực, với các loại pháo tầm xa có thể bắt sâu vào nội địa miền Trung. Lính thủy đánh bộ Mỹ có thể đổ bộ từ Hạm đội 7 vào đất liền bất cứ lúc nào... Ở mặt trận Quảng Trị có Sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, sư đoàn bộ binh số 1 quân lực Việt Nam Cộng hòa và nhiều Sư đoàn, Lữ đoàn thiện chiến khác...

Lúc bấy giờ, trên chiến trường Liên khu 5 mạnh nhất là Sư đoàn không vận số 1 Mỹ. Chúng tập trung trọng điểm đánh phá trên một địa bàn không lớn so với chiến trường Khu 5, là Bắc Bình Định, Nam Quảng Ngãi, bao gồm các huyện như An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Vân Canh, Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước thuộc tỉnh Bình Định; Sơn Tịnh, Bình Sơn, Đức Phổ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với lính Nam Triều Tiên và các lực lượng thuộc ngụy quyền Sài Gòn, nên có thể nói mật độ của các sắc lính ở đây rất cao.

Cả miền Nam tràn ngập lính Mỹ, và quân Đồng minh với Mỹ. Riêng lính Mỹ, đã có lúc lên đến nửa triệu tên.

Sư đoàn Bộ binh 3 Sao Vàng tác chiến trên chiến trường Khu 5, chủ yếu là hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Trong hai mùa khô đỏ lửa (1966 - 1967) chúng tôi đã phải giáp mặt với Sư đoàn không vận số 1 và Sư đoàn Mãnh Hổ lính Đại Hàn, là những lực lượng ngoại bang, mạnh nhất, thiện chiến nhất, hung bạo nhất lúc bấy giờ. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt và không cân sức Cả hai bên đều thương vong cao. Chiến thắng của sư đoàn 3 ở Bồng Sơn, Thuận Ninh, chợ Cát, chợ Gồm, đồi Mười, Quy Thuận, An Lão, Hoài Ân, suối Đá Tượng, Long Giang, Lộc Giang, Xuân Sơn và nhiều nơi khác đã ghi vào lịch sử của sư đoàn 3 nói riêng, của quân đội ta nói chung1.

Cùng với việc máy bay B52 rải bom xuống các vùng rừng núi, nông thôn, làng mạc của miền Trung, địch còn dùng máy bay phun chất độc hóa học làm trụi lá cây, hoa màu, hủy diệt sự sống. Song song với các hoạt động về quân sự, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn ráo riết thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược, với âm mưu “tát nước, bắt cá”, đẩy lực lượng ta ra khỏi đồng bằng để dễ dàng tiêu diệt bằng chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”. Các lực lượng liên quân Mỹ - Ngụy - chư hầu càn quét liên tục, chà đi xát lại khắp nơi... Cái danh từ “Mỹ Lết”, hay địa danh “Dốc Lết”, có thể cũng được sinh ra từ âm mưu thủ đoạn của giặc Mỹ lúc này.

Ngoài các thủ đoạn đánh phá ta về quân sự, đế quốc Mỹ và chính cjuyền tay sai còn tiến công ta bằng một thủ đoạn hết sức nham hiểm là đánh vào tinh thần tư tưởng. Chúng mở những trung tâm “chiêu hồi” và cái gọi là các “lớp cải huấn” hòng làm lung lạc ý chí chiến đấu của quân ta. Trong khi trên chiến trường cuộc chiến đấu giữa ta và địch rất gian khổ ác liệt; và trong khi địch đẩy mạnh chiến dịch dồn dân, hàng ngày chúng dùng máy bay L19, máy bay trực thăng phát đi những băng ghi âm kêu gọi bộ đội ta đầu hàng, chạy về với “chính nghĩa quốc gia”, vào các trung tâm “chiêu hồi”. Trong thực tế cũng đã có một số ít bộ đội, du kích ta, không chịu nổi ác liệt, đã buông súng, đầu hàng giặc. Tôi còn nhớ, sau khi đi điều tra căn cứ Gò Loi, một căn cứ vững chắc nhất ở huyện Hoài Ân, một trinh sát do sợ quá đã chạy theo giặc... Hoặc ở nơi này, nơi khác, có một số giảm sút ý chí chiến đấu, nằm im chờ thời cơ thuận lợi với tư tưởng cầu an.

Có những tình huống bất ngờ, mà lúc đầu bộ đội ta cũng phải trả giá bằng xương máu do những thủ đoạn vô cùng nham hiểm của kẻ địch: Có một lần, tại một cửa khẩu (nơi giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng, là nơi các lực lượng vận tải hậu cần của các đơn vị thường qua lại để vận chuyển lương thực, thực phẩm từ đồng bằng lên căn cứ) thuộc một vùng kiểm soát của Sư đoàn Mãnh Hổ, Đại Hàn, khi đài quan sát của ta phát hiện một toán lính “mang ba lô” quàng áo mưa, băng qua cánh đồng trống vào chân núi. Khi tạnh mưa, cũng toán lính đó đi ra khỏi khu vực chân núi. Anh em ta cứ đinh ninh cho rằng địch đã rút, đường xuống núi đã an toàn, liền cho bộ đội xuất phát một cách rất chủ quan. Khi ra khỏi bìa rừng thì đội hình lọt ngay vào ổ phục kích của địch. Tất nhiên là ta bị tổn thất nặng nề, vì phần lớn lực lượng này là lực lượng phục vụ chiến đấu, trang bị vũ khí ít, lại bị bất ngờ do chủ quan, mất cảnh giác, trong khi kẻ địch đã có sự theo dõi quy luật của ta và chuẩn bị một cách chu đáo và nham hiểm.

Sau khi bị cú bất ngờ đó, chúng tôi được biết, lợi dụng trời mưa, toán địch đó, cứ mỗi tên cõng theo một tên, trùm áo mưa lên để cho đài quan sát của ta tưởng là chúng mang ba lô hoặc vũ khí. Sau khi vào đến chân núi, chúng để lại những tên đã được cõng vào, phục kích, còn lại công khai đi ra.

Lính Mỹ cũng nham hiểm không kém lính Đại Hàn. Chúng phục kích trên các đường mòn. Khi anh em ta bị hy sinh, chúng cho trực thăng chở các toán lính khác đến, chở toán này về căn cứ. Bộ đội ta cứ tưởng là trực thăng xuống bốc quân rút đi. Khi ta quay lại để đưa tử sĩ về chôn cất thì bọn địch đã được máy bay trực thăng đổ xuống, cài lại nổ súng, và anh em ta lại bị thương vong tiếp.
___________________________________________
1. Sư đoàn Sao Vàng - Nxb.QĐND - 1984.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:33:18 pm »


Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, ở Liên khu 5, mỗi tỉnh đều có một đặc sản riêng, thế mạnh về kinh tế riêng: Quế ở Quảng Nam, đường ở Quảng Ngãi (đường phèn), lúa Phú Yên, cà phê Đắc Lắc... Tỉnh Bình Định nổi tiếng về dừa là thế, “Tam Quan bóng mát, xanh tươi rừng dừa”. Rừng dừa bạt ngàn trải dài từ Tam Quan, đến các xã Hoài Châu, Hoài Sơn, Hoài Hảo, Hoài Ân, phía tây quốc lộ số 1 - xuống đến tận Hoài Thanh, Hoài Hương, Phù Mỹ, Phù Cát, phía đông đường số 1, v.v... đâu đâu cũng thấy dừa và dừa. Từ trên máy bay nhìn xuống, bạn sẽ thấy những rừng dừa xanh tươi bát ngát, xen lẫn với những cánh đồng ruộng lúa chín vàng và những dòng sông, lũy tre bao quanh những khu nhà ngói mới... tạo nên bức tranh tuyệt đẹp của vùng đồng bằng Khu 5. Dừa ở đây được sử dụng hầu như không bỏ đi một cái gì. Nước dừa dùng để uống, cùi dừa ép dầu, chế biến thành thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, làm xà phòng, kẹo bánh; sọ dừa làm gáo, làm than hoạt tính trong công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao; lá dừa lợp nhà, cây dừa làm khung nhà không thua loại gỗ tốt, xơ dừa làm dây thừng, làm võng... Trong chiến tranh cây dừa làm công sự, tránh bom, đạn của địch và các công trình chiến đấu của bộ đội.

Thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, do chất độc hóa học của Mỹ, màu xanh của rừng dừa bị biến mất, chỉ còn lại thân cây. Hàng triệu cây dừa đã bị giết chết, cụt ngủn, chọc lên trời.

Vùng giáp ranh các huyện An Lão, Hoài Ân, Nghĩa Điền, Dốc Lết, Kim Sơn, Xuân Phong, An Đỗ thuộc tỉnh Bình Định; Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ... thuộc tỉnh Quảng Ngãi, là trọng điểm của chiến dịch phát quang, dồn dân của địch. Đồng ruộng, hoa màu, cỏ cây, nương rẫy khô héo. Còn chút hoa màu nào sót lại cũng không có người thu hoạch. Chất độc hóa học tan trong nước, thấm vào đất đai, vào các lớp tế bào của cây cỏ, củ đậu, hạt lúa, quả dừa, từ đó len lỏi vào cơ thể con người để lại di chứng qua bao thế hệ không dễ gì xóa đi được. Đó là những hậu quả của cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai gây ra cho nhân dân ta nói riêng và loài người nói chung phải gánh chịu...

Nhân dân bị dồn vào các ấp chiến lược, bộ đội ta gặp rất nhiều khó khăn về lương thực.

Chúng tôi phải thay đổi phương thức tác chiến trong từng trận chiến đấu, từng đợt hoạt động, từ tác chiến tập trung, đến phân tán, linh hoạt. Đội hình Sư đoàn Bộ binh số 3 phải cơ động liên tục. Khi thì ở tỉnh Quảng Ngãi, lúc thoắt xuống Bình Định. Có những lúc Sở chỉ huy Sư đoàn vừa chuyển đến buổi chiều thì buổi tối máy bay B52 đến “rải thảm”... Tháng 3 năm 1967, Sở chỉ huy Sư đoàn đóng tại Dốc Lá Lốt, khu vực Sông Re, bị máy bay B52 đến ném bom, phải di chuyển đến Vực Lim (đông nam Ba Tơ 10 km). Đài kỹ thuật báo tin địch sẽ cho máy bay B52 đến ném bom. Sở chỉ huy phải di chuyển gấp về Sa Lung, huyện An Lão (phía Bắc tỉnh Bình Định). Vừa đến Sa Lung hôm trước, hôm sau máy bay B52 đến “rải thảm”. Hồi đó có tin địch đã cài được gián điệp vào nội bộ ta...

Pháo đài bay B52 là loại máy bay chiến lược, bay ở độ cao trên 10000 m. Song, trên chiến trường Khu 5, B52 đã như loại máy bay chiến thuật, có thể ném bom chính xác trong mọi điều kiện, địa hình, thời tiết... phục vụ trực tiếp các chiến dịch “tìm diệt” của liên quân Mỹ và đồng minh trên chiến trường.

Phương châm chiến lược của ta lúc bấy giờ là kết hợp “Hai chân, ba mũi”, bao gồm: Quân sự - Chính trị - Binh vận. Phương châm này đã được quán triệt ở mọi đơn vị, từ Quân khu đến tận cơ sở. Đây là sợi chỉ đỏ, xuyên suốt quá trình đấu tranh vũ trang trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, trên khắp các chiến trường. Nổi bật nhất là trong hai mùa khô 1966 - 1967, rồi đến cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam sau này.

Tại các vùng nông thôn, bộ đội chủ lực sát cánh với bộ đội địa phương và dân quân du kích cùng với “đội quân tóc dài” tiến công địch khắp nơi, bằng quân sự kết hợp với binh vận, vận động binh lính địch đầu hàng, phản chiến, chạy về với đội ngũ cách mạng. Tại các đô thị, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, của học sinh, sinh viên liên tục nổ ra, gây cho địch nhiều lúng túng. Các đơn vị biệt động đã đánh nhiều trận ngay trong sào huyệt của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Chưa có thời kỳ nào phương thức tác chiến lại phong phú như thế, phong trào đấu tranh, chống Mỹ lên cao như thế...

Từ kinh nghiệm đánh Mỹ của quân và dân Quảng Nam (ngọn cờ đi đầu diệt Mỹ của cả nước), tư tưởng chỉ đạo tác chiến lúc này là “Bám thắt lưng địch mà đánh”. Lợi dụng ưu thế về địa hình rừng núi, bộ đội ta phát huy sở trường đánh đêm để tập kích tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch phá huỷ phương tiện chiến tranh của chúng. Kết hợp đánh vừa và đánh nhỏ, tiến công mọi nơi, mọi lúc, tiến công liên tục, đều khắp cả ba vùng chiến lược và tận hang ổ của chúng. Ta đã tạo được thế bố trí, xen kẽ với địch, nên đã hạn chế được sức mạnh của pháo binh, máy bay trên phạm vi từng khu vực, từng trận chiến đấu cụ thể. Muốn tiêu diệt được xe tăng, ta ít thương vong, phải đánh gần, khoét sâu điểm yếu cơ bản của xe tăng, tiếp cận “góc chết”, góc an toàn dùng thủ pháo, lựu đạn và súng phóng hỏa tiễn mà tiêu diệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:34:57 pm »


TRẬN ĐẦU ĐÁNH MỸ


Tháng 3 năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Chiến trường Khu 5 là một trọng điểm. Mở đầu phong trào đánh Mỹ là địa bàn tỉnh Quảng Nam, sau đó là Bình Định và Phú Yên. Tại tỉnh Bình Định, những trận đánh đẫm máu giữa lực lượng của sư đoàn 3 với quân Mỹ ở thung lũng Thuận Ninh huyện Bình Khê, tiếp đến trên cánh đồng Long Giang, Lộc Giang huyện Hoài Ân, chợ Gồm, Núi Một huyện Phú Cát và một số nơi khác, đã mở đầu giai đoạn đánh Mỹ quyết liệt đầu mùa khô lần thứ nhất1. Đâu đâu cũng dấy lên phong trào thi đua diệt Mỹ, với khẩu hiệu nổi tiếng lúc bấy giờ là “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Ngụy là diệt!”. Đối với tôi, trận chiến đấu đánh Mỹ dưới đây là trận đầu tiên tôi và nhiều đồng chí khác được tham gia.

Đêm Noel 1966, Sư đoàn bộ binh 3 Quân khu 5 trực tiếp là trung đoàn bộ binh 22, đánh trận tập kích Tiểu đoàn pháo binh và 1 tiểu đoàn thiếu bộ binh thuộc Sư đoàn không vận số 1 Mỹ,. đóng tại Gò Xuân Sơn, huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định. Tiểu đoàn pháo này trang bị các loại lựu pháo 105 - 155 mm và pháo tự hành 175mm, chi viện cho các lực lượng bộ binh Mỹ trong phạm vi bán kính từ 10 - 15 km. Đây là trận đánh tập kích hợp đồng binh chủng, quy mô cấp Trung đoàn tăng cường, đối tượng là lính Mỹ, công sự vật cản sơ sài, ở địa hình giáp ranh miền núi. Chủ yếu địch dựa vào sức mạnh của pháo binh và máy bay trực thăng. Trận đánh đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ, không bao giờ quên.

Gò Xuân Sơn so với địa hình xung quanh cao hơn một đường bình độ, nơi mà trước đó không lâu, Sư đoàu 3 đã làm thao trường để luyện tập. Chiều dài Gò Xuân Sơn khoảng 350 m, rộng trên 200m, xung quanh có các thửa ruộng nhỏ, có nước và đã bỏ hoang từ lâu. Phía tây có con sông Kim Sơn, mùa khô lội qua được. Con sông ôm lấy một phần ba quả đồi về hướng Tây Nam. Phía Đông và Đông Nam là những gò đất trống, xen kẽ các khoảnh ruộng, lau lách mọc um tùm. Về phía Tây Bắc gần một cây số là những dãy rừng già, rừng tái sinh liên hoàn. Xa xa về hướng Đông Bắc là làng mạc thuộc cách xã Ân Tín, Ân Tường, Ân Hảo huyện Hoài Ân. Nơi đây, làng mạc, đồng ruộng bị đạn, bom cày xới bỏ hoang, không một bóng người. Nhân dân bị dồn vào các ấp chiến lược, chỉ còn lại lực lượng du kích và những người chí cốt với cách mạng mới dám ở lại cùng với bộ đội chủ lực, ngày đêm bám trụ, chiến đấu với địch.

Đúng vào đêm Noel, trời rét như cắt da thịt, Trung đoàn bộ binh 22, do đồng chí Sơn Diệp, Trung đoàn trưởng chỉ huy thực hành tiến công căn cứ pháo binh địch. Hướng tiến công chủ yếu là Đông Bắc. Hướng này, ta có nhiều thuận lợi về địa hình. Hướng phối hợp là hướng Đông Nam. Hai hướng này đều nằm về phía đông sông Kim Sơn. Sư đoàn còn tổ chức thêm hướng “dương công” về phía Tây căn cứ địch, và cũng diễn ra ở phía bờ Tây sông Kim Sơn.

Đêm cuối tháng, trời tối đen như mực. Khí hậu về đêm lạnh buốt. Tôi còn nhớ, cách đây mấy hôm, tôi dẫn đoàn cán bộ đi trinh sát, điều nghiên; do trời lạnh và tinh thần căng thẳng mà cổ họng tôi ngứa rát. Tôi cố nín nhịn để khỏi phát ra tiếng ho, khi đang gần địch có mấy chục mét. Nhưng càng nhịn lại càng như tắt thở. Không sao chịu được. Ruột gan cuộn lên như sắp trồi ra nơi cuống họng. Tôi phải nằm úp xuống đất, đào bới một lỗ nhỏ, cho miệng vào đó, để nếu bị cơn ho ập đến thì đỡ bớt được tiếng động. Hai tay tôi cào cấu xung quanh, vớ được lá gì, cây cỏ gì đều cho vào miệng, nước mắt, nước mũi trào ra. Nhưng rồi tiếng ho vẫn cứ phụt ra ục ục... Mọi người lạnh cả xương sống... May sao, địch vẫn không phát hiện được.

Còn đêm nay, giờ “G” sắp đến. Vào giờ này, nhân dân Mỹ nói chung, binh lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam nói riêng có lẽ đang cầu nguyện, mong Chúa đem lại phước lành cho họ trong cuộc chiến tranh này. Bọn diều hâu, hiếu chiến, đâu có biết rằng, chỉ ít phút nữa thôi, cái Tiểu đoàn pháo binh đầy tội lỗi kia, sẽ phải đền tội trước Chúa...

Nhiệm vụ của tôi trong trận này là một trinh sát viên, dò gỡ mìn địch, đưa đội hình bộ binh vào chiếm lĩnh trên hướng tiến công chủ yếu của Trung đoàn. Sau khi bộ binh phát triển chiến đấu trong trung tâm trận địa địch thì tôi cùng với tiểu đội công binh phá hủy các khẩu pháo của chúng.

Trước giờ “G” mười lăm phút, tôi đã ở bên này bờ ruộng hai mươi mét. Bên kia là tiền duyên địch. Nhìn qua màn đêm lờ mờ, tôi thấy một dãy công sự được xếp bằng bao cát nằm trên sườn gò thoai thoải, cách bờ ruộng chừng 10 mét. Phía sau, trên cao là những ngôi nhà vải bạt được căng trên các hầm thùng (chúng tôi gọi là hầm bò). Phía sau tôi là những cán bộ chỉ huy trên hướng này, cúi lom khom, bổ sung nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quyền và hiệp đồng lần cuốn tại thực địa trước khi nổ súng.

Tôi men theo bờ ruộng để tiếp cận sườn gò bên kia. Khát nước quá, tôi vục miệng xuống ruộng tợp một ngụm nước. Một con đỉa dài gần bằng gang tay bám ngay vào môi dưới của tôi. Sợ quá, tôi kéo mãi mới bứt được con đỉa ra khỏi miệng. Đỉa ở đây rất nhiều, cổ chân tôi đỉa bám đầy. Mặc kệ, tôi vẫn bí mật trườn lên và gỡ được một trái lựu đạn “mỏ vịt”, một quả mìn chiếu sáng. Lúc này cũng sắp đến giờ nổ súng, đội hình trên các hướng cũng đã triển khai xong. Đồng chí Thiếu tá Trần Khánh Tường chủ nhiệm công binh Sư đoàn, lệnh cho tôi lui về sở chỉ huy Trung đoàn 22, đặt ở một gò đất cách mục tiêu địch khoảng 250 mét, trên hướng tiến công chủ yếu. Bên cạnh là khẩu pháo bắn thẳng ĐKZ75 mm. Sát phía trước là một tiểu đoàn bộ binh tiến công trên hướng chủ yếu.

Vì sao tôi lại được điều ra đây, và vì sao đồng chí Trần Khánh Tường, chủ nhiệm công binh Sư đoàn lại ở đây, trực tiếp ra lệnh cho khẩu ĐKZ75 bắn hết quả đạn này, tiếp đến quả đạn khác vào mục tiêu? Sau này tôi mới được biết là chủ nhiệm công binh điều tôi ra đây, có nghĩa là tôi đã làm xong nhiệm vụ được giao. Còn việc đồng chí có mặt trên hướng tiến công chủ yếu và trực tiếp chỉ huy hỏa lực, là do cương vị và vị trí của một chỉ huy Trung đoàn. Sau trận này có thể đồng chí sẽ được bổ nhiệm lên làm Trung đoàn trưởng. Khi lùi ra tôi mang theo luôn những quả mìn, quả lựu đạn gỡ được của địch và đã vô hiệu hóa chúng.

0 giờ, lệnh nổ súng bắt đầu.

Cả một khu vực đang im lặng, bỗng rung chuyển bởi tiếng pháo, cối, tiếng mìn, tiếng bộc phá nổ, vang trời, dậy đất. Rồi đến tiếng gầm rú của máy bay trực thăng, máy bay phản lực, xé nát không trung. Mắt tôi hoa lên, tai bị điếc đặc bởi tiếng nổ đầu nòng của khẩu súng ĐKZ bên cạnh.

Đã quen với những trận đánh trước, tôi không còn run nữa, mà chỉ cảm thấy nỗi bức xúc dồn nén từ tối đến giờ đã được giải thoát. Lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, lâng lâng, sau khi đã hoàn thành phần việc của mình.

Tất cả các loại hỏa lực của ta, từ các hướng rót vào trận địa địch. Cả một Tiểu đoàn pháo binh Mỹ đóng trên Gò Xuân Sơn hoàn toàn bị tê liệt. Không kịp phản ứng.
______________________________________
1. Lịch sử sư đoàn Sao Vàng - Nxb. QĐND - 1984.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:35:48 pm »


Dưới ánh trăng muộn màng của đêm cuối tháng, cùng với ánh đèn dù vàng vọt từ chiếc máy bay Dacota thả ra, của các trận địa pháo xung quanh bắn lên bộ binh ta ào ạt, dũng mãnh, xông lên diệt địch. Anh Trần Khánh Tường và tôi lao theo sau đội hình bộ binh, vượt qua cửa mở, đến “lô cốt đầu cầu”. Lô cốt đầu cầu ở đây, thực chất là một ụ súng, được đắp nổi, được xếp bao cát thành một vành bán nguyệt, cao khoảng 60 - 80 cm. Hỏa điểm là một khẩu đại liên 30. Phía sau hỏa điểm này là cái hầm bò, chiều rộng khoảng 2 mét, chiều dài khoảng hai mét rưỡi, phía trên phủ bạt.

Tôi và anh Tường vừa bước lên, thì phát hiện một nòng súng thò ra. Anh Tường la lên:

- Hồng đâu?

Tôi lia ngay vào đó mấy loạt đạn. Hai anh em nhảy xuống hầm thì thấy ba tên Mỹ và khẩu đại liên đã cháy đen, khét lẹt. Đây là mục tiêu đầu tiên trước tiền duyên của địch, bị ĐKZ của ta xóa sổ.

Tiểu đội công binh, do anh Được, tiểu đội trưởng chỉ huy, mang theo bộc phá, bám sát sau đội hình bộ binh. Anh em leo lên những khẩu pháo vừa mới chiếm được, cho thuốc nổ vào nòng, vào hộp tiếp đạn để phá hủy chúng. Anh Được leo lên một khẩu pháo 155 mm. Toàn thân anh nằm dài trên nòng pháo để đưa thuốc nổ vào, thì bị trúng đạn, rơi xuống đất. Anh đã hy sinh...

Mặc cho máy bay trực thăng quần lượn trên đầu, đạn pháo địch rơi xung quanh trận địa, máy bay phản lực gầm rú, xé nát bầu trời, tiểu đội công binh vẫn tiến hành phá hủy hết khẩu pháo này đến khẩu pháo khác. Cho đến khi bộ binh ta hoàn toàn làm chủ trận địa, cũng là lúc công binh chúng tôi phá hủy được toàn bộ 11 khẩu pháo. Ta bắt sống được một tên tù binh Mỹ. Tiểu đoàn pháo binh địch đóng trên Gò Xuân Sơn bị xóa sổ.

Mất một Tiểu đoàn pháo binh là mất một chỗ dựa quan trọng của lính bộ binh Mỹ, địch điên cuồng cho máy bay và các trận địa pháo ở những khu vực lân cận bắn phá khắp nơi. Từng đàn máy bay trực thăng đổ quân chặn đường rút lui của quân ta và càn quét suốt một tuần lễ từ huyện Hoài Ân đến huyện An Lão tỉnh Bình Định.

Sau trận tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn pháo binh Mỹ ở Xuân Sơn và nhiều trận đánh khác, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học bổ ích, nhiều kinh nghiệm đánh Mỹ quý báu. Những bài học đầu tiên đánh Mỹ có tính nguyên tắc đó là việc đánh giá về khả năng chiến đấu, sức mạnh của pháo binh, máy bay Mỹ trên chiến trường Việt Nam; về khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực của Quân khu với lính bộ binh Mỹ.

Từ trận tiến công, tiêu diệt đồn Phú Cũ, với đối tượng tác chiến là quân đội Sài Gòn, có công sự, vật cản phức tạp, đến trận tập kích tiêu diệt căn cứ pháo binh ở Xuân Sơn, đối tượng là lính Mỹ thuộc Sư đoàn không vận số thiện chiến, được trang bị tối tân, hiện đại, là một khoảng thời gian không dài nhưng sư đoàn đã giành được thắng lợi một cách tốt đẹp, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Điều đó nói lên trình độ tác chiến tập trung, hợp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực ta trên địa bàn Quân khu 5 đã có bước tiến bộ vượt bậc trên nhiều mặt.

Lúc bấy giờ, Quảng Nam - Đà Nẵng là ngọn cờ đi đầu diệt Mỹ của cả nước, bằng những trận đánh với lực lượng ít, mà đã tiêu diệt được nhiều sinh lực bộ binh, bắn cháy được nhiều máy bay, xe tăng Mỹ. Ở tỉnh Bình Định cũng có nhiều trận đánh Mỹ liên tiếp nổ ra. Trận đánh Mỹ của Trung đoàn bộ binh số 2 ở suối Đá Tượng, ở thung lũng Thuận Ninh, trận đánh quân Mỹ của trung đoàn bộ binh 12 ở Long Giang, Lộc Giang xã Mỹ Lộc... là những trận điển hình của chủ lực ta ở Khu 5.

Những thắng lợi bước đầu trong giai đoạn trực tiếp chiến đấu với binh lính Mỹ trên chiến trường, đã chứng minh cho quan điểm lấy ít thắng nhiều, lấy yếu tố tinh thần dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, đánh thắng một đối tượng quân đông, vũ khí trang bị hiện đại, nhưng lại có nhiều yếu điểm không thể khắc phục được. Ý chí, quyết tâm đánh Mỹ và khả năng giành thắng lợi đã được khẳng định trên chiến trường. Điều đó đã có tác động lớn lao đối với quân và dân ta. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để giành thắng lợi trong những trận đánh tiếp theo; giải quyết được một cách cơ bản về tư tưởng và hành động: Dám đánh và biết đánh thắng Mỹ, góp phần cùng với toàn quân và toàn dân ta đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam, trước mắt giành thắng lợi trong 2 cuộc phản công chiến lược của Mỹ, mùa khô 1966 - 1967 trên chiến trường.

Sư đoàn bộ binh 3 Quân khu 5, lúc mới thành lập, có hai đại đội công binh. Mỗi đại đội, lúc đầu có những sở trường riêng và đảm nhiệm các nhiệm vụ riêng, do đồng chí Trần Khánh Tường, chủ nhiệm công binh Sư đoàn trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí là một cán bộ nhanh nhẹn, sâu sát và có năng lực. Trong cuộc chiến tranh này, nhiệm vụ của binh chủng công binh nói chung và công binh của Sư đoàn nói riêng rất nặng nề và phức tạp. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, và sự tận tình, tận tâm của hàng ngũ trợ lý, đã tạo nhiều thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sau trận tập kích Tiểu đoàn pháo binh Mỹ ở Xuân Sơn, đồng chí được phong hàm Trung tá. Tiếc thay chưa nhận được quyết định, đồng chí đã bị hy sinh trong trận bố ráp bằng máy bay trực thăng của Mỹ mùa khô 1967 tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Là những chiến sĩ dưới quyền, chúng tôi rất thương tiếc đồng chí. Đó là một cán bộ mẫu mực, một đảng viên kiên cường, một người con xuất sắc của quê hương Quảng Trị...

Tôi được biên chế vào đại đội 2 - đại đội trưởng là đồng chí Ngô Quỳ, thay đồng chí Lê Xuân Chi đã hy sinh, chính trị viên vẫn là đồng chí Trần Hữu Biền. Đại đội tôi đóng quân tại Xóm Mít, Vạn Tín, Vạn Trung thuộc huyện An Lão, nay thuộc huyện Hoài Ân. Còn đại đội 1 - đại đội trưởng là đồng chí Trương, chính trị viên là đồng chí Tương; đóng quân ở xóm Tranh, xóm Ghềnh, xã Châu Sơn trước đây cũng thuộc huyện An Lão. Đại đội 1 đã có từ trước, phần lớn cán bộ, chiến sĩ là người miền Nam - còn đại đội 2 của chúng tôi mới vào, hầu hết đều là anh em các tỉnh miền Bắc. Đại đội 1 thường được giao nhiệm vụ: đánh cầu có địch canh giữ, cắt giao thông, mở đường qua các bãi vật cản trong đánh công kiên và một số nhiệm vụ chiến đấu khác. Đại đội 2 chủ yếu làm nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu, như làm đường, bắc cầu, vượt sông, thi công các Sở chỉ huy và tham gia đánh giao thông, chặn đường vận chuyển tiếp tế của địch, đánh quân đổ bộ đường không bằng các vật liệu nổ...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:37:39 pm »


Theo yêu cầu chiến đấu, sau này, hai đại đội công binh còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, tác chiến được mọi loại địa hình như một đơn vị “đa năng”. Sau trận đánh tại Xuân Sơn, hai đại đội công binh được sát nhập thành Tiểu đoàn công binh số 19 của Sư đoàn bộ binh 3. Trước mắt, các đơn vị vẫn hoạt động mang tính độc lập dưới sự chỉ đạo của chủ nhiệm công binh Sư đoàn.

Thời gian đầu, trước khi bước vào mùa khô 1965 - 1966, các địa phương thuộc huyện An Lão vẫn còn là một vùng quê yên tĩnh. Chúng tôi đóng quân trong nhà dân. Trước mặt phía Đông là sông An Lão, phía Tây dựa lưng vào dãy núi liên hoàn. Các phong trào cách mạng của nhân dân từ khi bộ đội về đóng quân, phát triển rất mạnh. Bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích thường xuyên luyện tập đánh địch càn quét diệt ác phá kềm, tuần tra canh gác bảo vệ cuộc sống yên lành cho nhân dân.

Từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, cuộc sống của người dân vùng này đã bắt đầu bị đe dọa. Trên vùng trời An Lão đã xuất hiện các loại máy bay ném bom, máy bay trinh sát thường xuyên hoạt động. Những người đã từng sống ở nơi đây hẳn còn nhớ, ban đêm, dọc theo hai bên thung lũng An Lão, máy bay Bồ Hok của Úc chụp ảnh liên tục trong một thời gian dài. Dấu hiệu đó cho thấy đây là một trong những mục tiêu hủy diệt của Sư đoàn không vận số 1 Mỹ trong hai mùa khô 1966 - 1967 tại chiến trường Bắc Bình Định - Nam Quảng Ngãi.

Trước những diễn biến không bình thường trên khu vực này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị để đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra, như chuẩn bị đường cơ động từ vị trí đóng quân là xóm Tranh, xóm Mít, Vạn Tín, Vạn Trung lên dãy núi Hòn Chè, phía Tây thung lũng An Lão, cơ động lên hướng Bắc - Dốc An Toàn. Mặt khác chúng tôi xây dựng kế hoạch đánh địch, nếu chúng đổ quân xuống đây. Máy bay Bồ-Hok hàng ngày vẫn cứ bay dọc theo hai bên thung lũng An Lão. Mỗi ngày 2 lần: Sáng khoảng từ 8 - 9 giờ; chiều tối khoảng 17 - 18 giờ. Chúng bay rất thấp, súng AK hay CKC có thể bắn được.

Chúng tôi đã tổ chức các trận địa phục kích bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh. Phía dưới xóm Ghềnh là đại đội Một, phía trên, trước xóm Mít là đại đội Hai, sử dụng súng máy 12 1y 7 để đón lõng. Hồi đó nghe người ta nói rằng: “Loại máy bay này súng phòng không từ 14 ly 5 trở xuống không bắn được. Vì dưới bụng chúng có một lớp cao su chống đạn rất dày, không thể xuyên được”. Điều này chưa hẳn là như vậy, bởi trên địa bàn, trong thời điểm đó chúng chưa bị bắn rơi và chưa được kiểm chứng.

Một ngày đầu của mùa khô tháng năm 1967, trong lúc tôi đang huấn luyện cho một phân đội về khoa mục “Bộc phá liên tục...” trên sườn đồi phía Tây xóm Tranh, thì một chiếc “đầm già” (máy bay trinh sát L19) bay từ hướng thị trấn Bồng Sơn lên. Sau khi qua khỏi xóm Mít, chiếc “đầm già” đột ngột bay vòng trở lại. Tôi đã nghe thấy tiếng máy bay phản lực rít từ xa. Chiếc “đầm già” phóng 1 quả rốc két xuống ngay thao trường, nơi chúng tôi đang tập luyện. Linh tính báo cho biết đã gặp sự nguy hiểm. Tất cả đội hình được lệnh giãn ra. Cả tiểu đội nằm bẹp gí giữa các luống khoai lang. Đồng chí Nguyễn Minh Hiển, chiến sĩ đánh bộc phá, vừa chạy vào một hang đá gần đó thì cũng là lúc một quả bom Napan rơi xuống trùm lên cửa hang. Đồng chí bị chết cháy. Liên tiếp những ngày sau đó, kết hợp với máy bay B52 “rải thảm” dọc theo sườn núi phía Tây thung lũng An Lão, các trận địa pháo ở Bồng Sơn, Thiết Đính, Nhà Thờ1 Bình Hòa, Thánh Giá và cả pháo biển ở hạm đội 7... bắn phá dữ dội vào các làng mạc dọc bờ sông. Từ xóm Ghềnh, xóm Tranh (xã Châu Sơn) lên xóm Mít, An Tín, Vạn Tín, Vạn Trung bị tàn phá nặng nề. Hàng đoàn máy bay trực thăng đổ quân, càn quét, xúc dân đưa vào các ấp chiến lược xung quanh thị trấn Bồng Sơn và dọc trục đường số 1.

Sau khi dùng bom pháo triệt hạ, một chiến dịch phát quang được bắt đầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, đế quốc Mỹ và tay sai đã biến một vùng đất trù phú, làng mạc đông vui, nhộn nhịp thành vùng đất chết. Cả thung lũng An Lão không một bóng người. Làng mạc, cây cối, hoa màu khô héo. Trên trời, máy bay trực thăng, máy bay phản lực ngày đêm túc trực. Dưới đất là lính Mỹ tràn ngập... Mục tiêu của Mỹ trong mùa khô thứ nhất này là tiêu diệt quân chủ lực của ta. Trên chiến trường Bình Định - Quảng Ngãi, lực lượng Mỹ và liên quân mở các chiến dịch “tìm diệt” ở vùng giáp ranh và miền núi. Tại các vùng nông thôn, đồng bằng chúng ráo riết thực hiện kế hoạch “bình định”, dồn dân, lập ấp, cùng với mục đích là đẩy bật quân chủ lực của ta khỏi đồng bằng để tiêu diệt bằng chiến thuật “trực thăng vận”.

Chúng tôi bắt đầu phân tán. Đại đội Một xuống vùng giáp ranh Hoài Nhơn - Phù Mỹ. Đại đội Hai bám vào sườn núi phía Tây thung lũng An Lão. Từ đây, chúng tôi quần lộn với địch khắp nơi trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi suốt gần 10 năm trời, với quy mô tác chiến ngày càng lớn. Có thể nói thời gian cao điểm đánh phá ác liệt nhất của Mỹ ở chiến trường Khu 5 tập trung vào hai mùa khô: 1966 - 1967, kéo dài đến năm 1969.

Một buổi sáng mùa khô năm 1967, sau những đợt ném bom, bắn pháo dữ dội lên cao điểm Hòn Chè, phía Tây thung lũng An Lão, hàng đàn máy bay trực thăng từ hướng thị trấn Bồng Sơn, thuộc huyện Hoài Nhơn, Bình Định bay tới đổ quân xuống Hòn Chè. Lúc này đại đội 2 chúng tôi đã sơ tán lên sườn đồi, dựa vào các hang đá để tránh pháo và sẵn sàng chiến đấu. Mấy chiếc HU1A quần đảo nhiều vòng rồi hạ độ cao. Cây cối trên các hang đá ngả nghiêng, tơi tả. Chiếc HU1A như dừng hẳn, cánh quạt vẫn quay tít. Tôi ngồi dưới hang đá nhìn lên, thấy rõ thằng Mỹ, mặt đỏ như gà chọi, tay lăm lăm khẩu đại liên, ngón tay để trong vòng cò như sẵn sàng nhả đạn.

“Lộ rồi!” - tôi nghĩ thầm. Bỗng từng tràng súng liên thanh và lựu đạn từ trên máy bay tung xuống. Khói lửa mù mịt, khét lẹt. Tất cả đại đội 2, dựa vào hang đá, sẵn sàng chiến đấu.

Một toán lính Mỹ từ trên Hòn Chè tiến xuống, sục sạo khu vực hang đá. Tiểu đội trinh sát được phân công cảnh giới trước các cửa hang. Mỗi người một hướng.
___________________________________________
1. Nhà thờ: Ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, có một đoạn đường số 1 dốc khoảng 150. Bên cạnh có Nhà thờ. Địch đã bố trí ở đây một trận địa pháo. Vì vậy nhà thờ Dốc là địa danh do nhân dân đặt ra.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM