Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:53:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến đấu tự nguyện  (Đọc 57135 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 10:53:58 pm »



Tên sách: Cuộc chiến đấu tự nguyện
Tác giả: Nguyễn Văn Hồng
Nhà xuất bản: Hội Nhà văn
Năm xuất bản: 2007
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



ĐIỂM XUẤT PHÁT


Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khổ, có tên là Hương Sơn - huyện miền núi thuộc phía Tây tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là vùng cằn cỗi, đất hẹp, người thưa. Người thưa vì phần lớn người dân chịu không nổi cảnh nghèo khó, phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực nơi đất khách quê người. Cái nghèo đã tác động, tạo cho con người nơi đây một đức tính chịu khó, thật thà, chất phác; tằn tiện là một nếp sống mang đậm nét đặc trưng của người dân quê tôi.

Hà Tĩnh có truyền thống là đất hiếu học. Người ta xem việc học hành là cứu cánh tốt nhất. Bởi thế mà khi ra đường gặp nhau, người ta thường chào hỏi: trước hết là về sức khỏe, sau đó là việc học hành của con cháu? Ai cũng cảm thấy tự hào khi con cháu mình học hành thành đạt. Thanh niên nam nữ quê tôi lớn lên đều có xu hướng tìm nơi khác để lập nghiệp cho tương lai được sáng sủa hơn.

Vì vậy mà đi từ Nam ra Bắc, từ tận đất Mũi lên đến biên giới phía Bắc; từ vùng quê đến thành thị, từ vùng đồng bằng ven biển đến hải đảo... các bạn thường gặp và nghe giọng nói “trọ trẹ” của người dân quê tôi. Chúng tôi cũng cảm thấy được an ủi và có phần tự hào, vì dân mình đã đóng góp một phần công sức xây dựng quê hương mới, làm giàu, đẹp thêm cho Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Đất đai vùng Hương Sơn phần lớn là đồi núi. Ruộng ít, lại là ruộng bậc thang, nên việc cày cấy gặp nhiều khó khăn. Ngàn Phố là con sông duy nhất chảy qua huyện của tôi. Có thể nói, đây là con sông đẹp, nước trong leo lẻo. Bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, sông Ngàn Phố chảy qua huyện Hương Sơn, xuống huyện Đức Thọ, nhập vào sông La. Cũng nhờ có phù sa do con sông bồi đắp mà những làng mạc hai bên bờ trở thành những làng quê trù phú.

Ngoài nghề làm nông, phát rẫy, người dân nơi đây có thêm nghề làm vườn truyền thống. Mùa nào, thức nấy: chè xanh, cam, dứa, mít là những đặc sản mà hương vị của nó ít có nơi nào sánh được.

Một nghề truyền thống khác được cả nước biết, đến: Đó là nghề nuôi hươu để lấy nhung. Lộc nhung hươu giàu chất đạm, là loại bổ nhất trong các loại thuốc bổ Đông, Tây y. Bổ đến mức người ta phải ấn định ở lứa tuổi nào mới được dùng nhung hươu. Thanh niên từ 30 tuổi trở xuống, nếu không có bệnh tật gì, uống vào cơ thể sẽ béo phì, nứt da, nứt thịt. Từ 40 tuổi trở lên, nhất là các cụ già, những người gầy yếu, suy nhược, uống nhung hươu cơ thể sẽ khỏe mạnh cường tráng trở lại. Đây là nghề có thu nhập khá cao, chi phí thấp, chủ yếu chi phí ban đầu mua con giống. Hươu ăn các loại cỏ và lá cây, như lá mít, lá núc nác, cây đậu phộng (lạc) sau khi thu hoạch...

Nhà tôi ở trên đồi cao, đến mùa mưa lụt, nhiều gia đình nuôi hươu thường chèo thuyền đến nhà tôi xin lá mít, lá núc nác... về cho hươu.

Các xã dọc quốc lộ số 8 và những xã vùng sâu như Sơn Mai, Sơn Thuỷ, Sơn Phúc, bên Tây sông Ngàn Phố, Sơn Giang, Sơn Lệ, Sơn Tiến... phía Đông sông, có nhiều gia đình nuôi hươu. Đây là những địa phương miền núi, thức ăn cho hươu phong phú. Tuy nhiên, từ bao đời nay, nghề chăn nuôi hươu mang tính tự phát, manh mún... Những năm gần đây, trên đà phát triển kinh tế của cả nước, ở huyện Hương Sơn quê tôi, người ta đã đầu tư đáng kể cho nghề truyền thống này. Nhiều nông trại với hàng trăm hươu sao đã được tổ chức tập trung trên những diện tích hàng chục héc ta.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, trăm hoa đua nở, cây cối đâm chồi nảy lộc cũng là mùa cắt nhung hươu. Cắt nhung hươu ở quê tôi như một ngày hội. Đến mùa cắt nhung hươu, khách tứ phương toả ra các xã, đến tận chuồng thỏa thuận giá cả rồi cắt luôn tại chỗ. Khi nhung hươu đang mềm, vừa nhú nhánh bóng lộn, người ta vào chuồng trói hươu lại (cũng cần nói thêm hươu là loại động vật hoang dã, rất khó thuần hoá, tuy sống gần với con người, song nếu ra khỏi chuồng là chúng chạy biến vào rừng, rất khó bắt trở lại). Thuần hoá được một con hươu phải có thời gian và rất công phu, lấy cưa cắt giữa phần xương với phần sụn. Trong khi đó, có người đã chuẩn bị rượu trong những cái bình, hoặc chậu, sau khi lấy nhung ra, hứng huyết hươu vào những bình rượu rồi chia đều mỗi người một ly uống cạn.

Nhung hươu lấy ra khỏi đầu, chỗ cắt người ta lấy bột than băng bó lại để cầm máu và sát trùng. Từ nhát cắt này, dần dần nhung hươu lại nhú lên, đến mùa xuân năm sau lại cắt. Bởi vậy sau khi cắt nhung, hươu phải được bồi dưỡng theo một chế độ đặc biệt, ăn uống phải đủ chất.

Để bán cho người tiêu thụ hoặc xuất khẩu, nhung hươu được ướp lạnh hoặc sấy khô, cắt thành lát. Những lát nhung nhìn trong suốt, như một chất keo, cô đặc. Tất cả chất bổ dưỡng tập trung ở đấy. Nếu ta không cắt, lâu ngày chất keo này sẽ thành sụn, thành xương. Đó là sừng hươu. Trong rừng, con nai cũng cho những cặp nhung. Song vì ta không bắt được, lâu ngày sẽ thành sừng nai. Và đến một lúc nào đó, chúng sẽ rụng xuống. Nhiều người đi rừng, có khi nhặt được những cặp sừng nai (còn gọi là gạc nai) mang về đính vào tường, mắc áo, trang trí, hoặc nấu cao làm thuốc bổ (gọi là cao gạc nai).

Trong y học phương Đông (như ở Hàn Quốc) người ta dùng nhung hươu, sâm cao ly và nấm linh chi để sản xuất các loại thuốc bổ (như viên nang Sâm-Nhung-Linh chi). Những gia đình nuôi hươu, trong nhà lúc nào cũng có mấy lạng nhung hươu sấy khô, dự trữ, hoặc ngâm rượu để dùng lúc ốm đau, mỏi mệt.

Chuyện nuôi hươu lấy nhung ở quê tôi lắm điều thú vị. Mời bạn hãy đến quê tôi thưởng thức món thuốc bổ quý có một không hai này.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười, 2020, 09:43:26 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 10:56:29 pm »


Xin trở lại với con sông Ngàn Phố thơ mộng.

Mùa hè, nước sông Ngàn Phố trong vắt, thuyền bè xuôi ngược tấp nập. Lúc còn là học sinh, sau mỗi lần tan học, chúng tôi thường lên sườn rú1. Nằm ngồi hóng mát. Nhìn qua bên kia sông là các xã Sơn Ninh, Sơn Hoà và xa hơn nữa là các xã Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Lệ, Sơn Tiến, rồi thẳng xuống hướng Đông là Sơn Châu, Sơn Bình, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Mỹ v.v...

Chúng tôi có thể ngồi yên hàng giờ, lắng nghe tiếng sáo diều, hoặc nghe tiếng rên rỉ của rừng thông khi trời trở gió. Đã có lần chúng tôi ngủ thiếp đi trong tiếng ve ngân.

Con gái Hương Sơn đẹp nổi tiếng! Có thể một phần là do được sống trong không khí trong lành của vùng quê và được tắm nước dòng sông Ngàn Phố trong vắt, ngọt ngào.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình miền Trung du, xung quanh là đồi núi, ôm lấy bản làng và những cánh ruộng bậc thang, mà tất cả các khe suối đều đổ dồn vào con sông Ngàn Phố. Ruộng đồng chưa đến mùa nắng đã hạn. Nhưng mới đầu mùa mưa đã bị lụt lội. Sau những trận mưa, nước từ trên nguồn đổ về, thoát không kịp, tràn ra các cánh đồng, làng mạc. Hàng năm, nơi đây không thể thoát được cảnh lụt lội triền miên. Trận lũ lịch sử đầu mùa mưa năm 2002 đã xoá đi hầu như tất cả những thành quả đã đạt được sau 10 năm đổi mới. Suy cho cùng thì đó cũng là hệ quả của những gì do con người thiếu ý thức gây nên. Cuộc sống của người dân quê tôi luôn bị thiên tai chi phối.

Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng như mở mang các ngành nghề chưa có. Mãi đến gần đây, được nhà nước quan tâm đầu tư, mới cải thiện được phần nào cuộc sống về vật chất cũng như tinh thần của người dân. Nhưng xem ra còn rất chậm, tuy không phải là nơi không có những tiềm năng về kinh tế. Tại đây có suối nước khoáng thiên nhiên (Nước Sốt), mỏ sắt (Sơn Trường), có nguồn lâm sản phong phú, có đường quốc lộ số 8 nối liền với nước bạn Lào và còn nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được đánh thức. Nhân dân ở đây cần cù chịu khó, trí thức dồi dào. Bởi vậy, mà có câu “Lắm tiền Thịnh - Xá, văn hoá Sơn Bằng” 2 đó sao...?! Cái chính là về vấn đề cơ chế của thời bao cấp, đã kéo dài nhiều năm, không được chỉnh sửa kịp thời nên đã không phát huy được tối đa nguồn nhân lực và tiềm năng của thiên nhiên. Đây là một vấn đề nhức nhối, không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều.

Tôi là con út trong một gia đình có 5 anh chị em. Tuy sinh năm 1944 (năm Giáp Thân) nhưng trong giấy khai sinh của tôi lại ghi năm 1945. Có thể do các cụ ngày xưa nghĩ rằng: ghi ít tuổi thì con cái sẽ được học lâu hơn? Bố tôi là một nông dân chất phác. Thời phong kiến, ông là một chức sắc nhỏ trong làng. Ông sống tử tế, hay giúp đỡ những gia đình khó khăn, nên được mọi người kính trọng. Năm tôi được 1 - 2 tuổi thì bố tôi mất. Mẹ tôi đau buồn vô hạn. Có thể do thương ông mà bà đã dành trọn tình yêu cho chúng tôi, một mình bươn chải cố gắng nuôi dạy chúng tôi trưởng thành cho đến giờ. Tôi còn nhớ câu chuyện được bà con truyền lại. Chuyện kể rằng: Đến mùa cày cấy, các anh chị em tôi còn nhỏ, một mình mẹ thức khuya, dậy sớm lo việc ăn uống cho chúng tôi. Nhà không có gạo, chỉ ăn khoai, sắn. Sau khi ăn tối xong, mẹ thường để lại củ khoai to bằng nắm tay, để sáng hôm sau dậy sớm đem theo đi làm đồng. Ruộng nhà tôi ở tận trong núi thuộc xã Sơn Mai, cách làng những 6 - 7 cây số. Bốn, năm giờ sáng, mẹ tôi cập rập dắt bò, vác cày bừa vào ruộng. Có hôm vội quá, bà chỉ kịp vớ lấy củ khoai để ở đầu dàn bếp, gói lại treo ở đầu cái bừa rồi đi. Vào đến ruộng lấy khoai lang ra ăn thì không phải củ khoai mà là cái chày giã ớt... Mẹ tôi đành phải nhịn đói đến chiều mới về. Nhiều hôm, trước khi đi cày mẹ thường thắp đèn để đó, rồi đóng cửa đi làm trong lúc anh, chị em chúng tôi đang còn ngủ. Đi được một lúc, nghe tiếng chó sủa râm ran, nghĩ là ở nhà có trộm, mẹ tôi phải quay lại xem chừng, sau đó mới yên tâm đi tiếp. Và còn nhiều câu chuyện huyền thoại, cảm động về mẹ của chúng tôi.

Hà Tĩnh quê tôi là vùng đất cổ nghèo, nhưng là nơi có truyền thống văn hoá cách mạng. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng được sinh ra ở đây. Đó là đại thi hào Nguyễn Du, thi hào Binh bộ thượng thư Nguyễn Công Trứ, nhà địa lý huyền thoại Tả Ao, nhà chính trị Nguyễn Thiếp, nhà cách mạng Phan Đình Phùng v.v... Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vừa qua, đã có biết bao người con ưu tú, biết bao bà mẹ Việt Nam đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng; đã có nhiều vị cán bộ giữ những trọng trách to lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chúng tôi rất tự hào về truyền thống đó và cũng không thể không tự hào về truyền thống đó!

Cuộc đời niên thiếu của tôi trải nhiều cơ cực, nhưng cũng khoảng đời ấy đã cho tôi có được nhiều kinh nghiệm sống bổ ích.

Những năm sống dưới mái trường làng đã rèn luyện tôi có một phong cách, một bản lĩnh, một lối sống phù hợp với hoàn cảnh của địa phương và gia đình. Bởi vậy mà mỗi người chúng tôi dù đi đâu, ở đâu cũng mang theo trong mình dáng dấp truyền thống của quê hương, xứ sở.

Những năm học trường phổ thông, thiếu thốn đủ thứ. Gia đình thường xuyên thiếu gạo, nhiều lúc khoai sắn cũng không đủ ăn. Đi học, sách vở, bút mực thiếu thốn, thậm chí không có. Chúng tôi thường hái quả tắc (giống như quả chanh) vắt lấy nước, trộn với nước quả mua chín là được một thứ “mực” màu đỏ, hoặc màu tím; lấy que tre vót nhọn làm bút rồi viết lên những trang giấy bổi được làm từ bột trấu, có màu nâu (hồi đó gọi là giấy nâu). Đến lúc có giấy, bút, mực hẳn hoi lại không có tiền mua. Cả xã tôi lúc đó chỉ có 1 - 2 chiếc xe đạp cọc cạch, nhưng cũng thuộc diện nhà giàu mới có. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khốn khó ấy, lại cho tôi có nghị lực siêng năng, học giỏi.
_____________________________________
1. Rú: Tiếng địa phương nghĩa là núi.
2. Thịnh xá: Xã Sơn Thịnh là một trong những nơi buôn bán tấp nập. Ý nói buôn bán nên nhiều tiền bạc. Sơn Bằng: xã Sơn Bằng. Nơi phát triển về văn hoá - nhiều giáo viên.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 10:58:58 pm »


Có hai sự kiện lúc bấy giờ, chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ. Đó là thời điểm trước và sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc nước ta và cuộc cải cách ruộng đất, đánh đổ giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho dân nghèo.

Những ngày này, quê hương tôi đã thực sự đổi đời, người nông dân được chia ruộng đất, trâu bò, nông cụ. Chúng tôi được ca hát, nhảy múa, sinh hoạt đội. Ban ngày được cắp sách đến trường, ban đêm đi cổ động, liên hoan văn nghệ, tham gia phong trào Trần Quốc Toản và các phong trào khác ở địa phương.

Ngày ấy, ở xã tôi có một đơn vị công binh xưởng, sơ tán về đây, lập các nhà máy sản xuất vũ khí, bom, mìn, lựu đạn. Tôi theo mấy chú vào xưởng máy, được xem những loại vũ khí do đơn vị sản xuất để cung cấp cho mặt trận. Tôi cũng đã biết được một số trang bị như nụ xòe, dây cháy chậm, kíp nổ, cách làm và nguyên lý nổ của những trái mìn, trái lựu đạn. Cũng do tính tò mò đã có những lần suýt chết, do điện giật, do nổ kíp. Sau này, khi nhập ngũ, tôi lại được biên chế vào đơn vị công binh, điều đó đã giúp tôi có được một số hiểu biết ban đầu về chất nổ và dụng cụ chế tạo bom, mìn phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường.

Trước khi ký hiệp định Giơnevơ, thực dân Pháp cho máy bay ném bom khắp nơi. Đơn vị công binh xưởng ở quê tôi là một mục tiêu oanh tạc của máy bay địch. Nhiều phân xưởng bị bom đạn phá hủy, lửa cháy ngút trời. Các phân xưởng còn lại phải di chuyển liên tục từ xóm này sang xóm khác, hoặc phải nằm sâu dưới hầm để tránh bom. Lúc nhỏ, còn khờ dại, nên mỗi lần có tiếng máy bay gầm rú, mẹ đi vắng, anh chị em tôi kéo nhau trốn vào góc nhà, hoặc dưới gầm giường. Máy bay ném bom càng ngày càng ác liệt. Nhà nào cũng phải đào công sự để tránh bom. Trên các con đường làng đều có công sự, có nắp ngụy trang để cho người đi đường nhảy xuống ẩn nấp khi máy bay bất ngờ ập đến. Sợ quá, gia đình chúng tôi và một số gia đình khác phải sơ tán vào tận mãi trong xã Sơn Mai, cách nhà 6 - 7 cây số. Mẹ tôi thường phải đi đi, về về. Việc đồng áng, cày bừa đều do một tay mẹ tôi phải gánh vác.

Khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, chúng tôi được sống tự do, không còn sợ máy bay oanh tạc nữa. Anh chị em tôi theo mẹ về nhà. Song, trong niềm vui chung của một nửa đất nước được hòa bình, ở quê tôi còn nhiều gia đình có chồng, con, anh, em hy sinh ở Điện Biên Phủ, hoặc có người chết vì bị máy bay đánh phá!

Những năm học cấp 1 - cấp 2 ở trường càng là những năm tháng sôi nổi nhất, hồn nhiên, trong sáng nhất của đời tôi. Tuy nhà nghèo nhưng tôi học rất chăm chỉ, điều này đã giúp tôi có được hành trang tốt đẹp lúc bước vào đời quân ngũ.

Hồi ở quê, tôi biết yêu hơi sớm. Có lẽ, một phần do tôi xem nhiều tiểu thuyết lãng mạn. Đó là những cuốn “Mùa hoa dẻ”, “Đồi thông hai mộ”, “Cô gái màu hoàng yến” rồi “Tố Tâm”, “Biển động”... và cả những loại sách kiếm hiệp, trinh thám và sách cách mạng như “Một người chân chính”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hòa bình”, cả những sách của các tác giả Trung Quốc như: “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Rừng thẳm tuyết dày”, “Đội du kích đường sắt”... tôi xem không biết chán. Mê sách đến nỗi tôi chép lại nguyên văn hai quyển tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh và “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách... là những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng hồi đó. Văn hóa làng xã, nếp sống có đạo lý ở vùng quê đã in sâu trong tâm tưởng tôi.

Sau mỗi tác phẩm đọc xong, bao giờ tôi cũng tóm lược, hệ thống lại nội dung ghi vào một quyển tập. Điều này đã giúp tôi nhớ lâu và rút ra cho mình được nhiều điều bổ ích. Và, cũng từ đó mà trong tác phong sinh hoạt của tôi có pha chút lãng mạn và dí dỏm.

Đời học sinh, tôi có nhiều bạn bè, nam có, nữ cũng có. Đó cũng là điều tất nhiên của tuổi học trò.

Cái nghèo nó cay đắng làm sao! Năm tôi học đến cấp 3 rồi mà đôi dép cũng không có mà đi, không có một bộ quần áo cho tươm tất. Tôi thường phải cuốc bộ 6-7 km từ nhà đến trường. Hai bàn chân đã trở nên chai sạn. Mùa hè, đầu đội trời, chân đạp đất, mùa mưa phải mang tơi1 hoặc đội lá cọ đi học. Bạn bè thường trêu chọc gọi tôi là “con nhím” và viết lên mảnh giấy hai chữ “chống lả” 2 to tướng treo sau chiếc áo tơi. Bởi vậy mà bao giờ tôi cũng giữ một khoảng cách với các cô gái, bạn học mà lúc nào tôi cũng khát khao muốn được gần họ. Cái khoảng cách ấy tôi vẫn duy trì mãi cho đến ngày nhập ngũ, xa quê hương. Nói cho cùng thì đó cũng là cái cực, cái khổ của thế hệ chúng tôi lúc đó.
_____________________________________
1. Chiếc tơi làm bằng lá nón, dùng để che mưa, trông bề ngoài giống con nhím.
2. Lả: tiếng địa phương (tức là lửa) ý nói chống cháy.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 11:00:20 pm »


Tôi học vào loại khá. Do đọc sách nhiều mà tôi có được một ít vốn liếng văn chương. Còn các môn tự nhiên thì đã là một năng khiếu đối với tôi. Ngày ấy để nhớ và nhớ lâu các công thức về lượng giác, về hóa học và các hằng đẳng thức môn đại số..., tôi thường viết lên những chỗ hàng ngày thường đập vào mắt mình nhất, để có thể ngồi đâu cũng thấy. Thậm chí, tôi viết luôn vào nhà xí, để khi đi vệ sinh cũng nhìn thấy được. Sau ba mươi năm đi chiến đấu, trở về quê nhà, tôi vẫn còn nhìn thấy các công thức toán học ghi trên xà nhà, trong chuồng heo, chuồng bò.

Tôi cùng bạn bè còn sáng tác ra những đoạn thơ ngắn để dễ học, dễ nhớ. Ví dụ: thứ tự thực hiện các phép tính đại số như:

Con chim nó hót líu lo,
Nhắc cậu học trò, năm bước tỷ ti:
Mẫu số ta phải “khử” đi,
Khai triển “dấu ngoặc” ta thì làm nhanh.
Nhắn nhủ các chị các anh:
“Chuyển vế” các số “dấu” đành đổi thay,
“Số hạng đồng dạng” ra tay,
“Ước lược” cho gọn lúc này mới chia.
Muốn cho tránh tiếng cười chê:
Hệ số là phảimột bề “khác không” (≠ 0)

Hoặc:
 
“Tang” mình cộng với “tang” ta,
Xin (sin) trên đôi lứa, “cốt” ta, “cốt” mình.

Với những kiến thức cơ bản đó, mà trong thực tế chiến đấu sau này đã giúp tôi làm được rất nhiều việc. Nó không những giúp cho tôi tiếp thu những kiến thức quân sự nhanh, mà việc áp dụng trong thực tế chiến đấu cũng rất phong phú. Trong việc tính toán lượng thuốc nổ để đánh cầu, cắt đứt giao thông trong chiến tranh chống Mỹ, hoặc phá hoại các công trình quân sự của địch, chúng tôi thường áp dụng công thức tính lượng nổ: P = 20F.

Bê tông cột thép dù dày,
Hai mươi lần ép (20F), biến mày thành than!

Rồi những môn học như địa lý, bản đồ, đo đạc... đã giúp tôi những kiến thức cần thiết trong khi đi trinh sát mục tiêu của địch ở trên chiến trường. Chỉ cần một mảnh bản đồ, một la bàn (địa bàn) là chúng tôi có thể đi cùng trời cuối đất, theo yêu cầu của người chỉ huy.

Tôi không bao giờ quên các thầy cô, như thầy Nguyễn Đình Côn, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Mộng Đào, thầy hiệu trưởng Trần Đình Tiêu, thầy chủ nhiệm Lê Bá Đô, thầy Tống Trần Trinh, Nguyễn Hữu Cầu, thầy Trần Trọng Chấm, thầy Đoàn Dánh, thầy Nguyễn Xuân Mạnh, thầy Vũ Hồng Phi, Trần Tường, cô Phạm Thị Nga, cô Đào Thanh An và nhiều thầy cô khác đã dạy dỗ tôi lúc còn là học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 huyện Hương Sơn. Các thầy cô đã “theo” tôi sát tận chiến trường, tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong từng trận chiến đấu. Cho đến hôm nay, tôi vẫn hằng mong có ngày gặp lại các thầy cô kính mến.

Xin cảm ơn các thầy, các cô đã trang bị cho tôi kiến thức, nhân cách sống và đưa tôi vào trận cùng với dân tộc đánh thắng kẻ thù.

Nhận thức được cương vị và đức tính của người giáo viên nhân dân, tốt nghiệp cấp 2 (nay là trung học cơ sở), khi chọn ngành nghề để thi vào các trường, tôi đã chọn ngành sư phạm, nhưng vì chưa đủ tuổi, nên tôi đành phải thi chuyển cấp lên cấp 3, hệ 10 năm (nay là phổ thông trung học). Tôi thi đậu ngay vào lớp tám. Đời học sinh của tôi lại được tiếp tục thêm 3 năm nữa. Nếu không có cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở miền Nam, chắc chắn mẹ tôi vẫn cho tôi theo học đến nơi đến chốn.

Năm 1964, kết thúc chương trình lớp 9 phổ thông, tôi được lên lớp 10. Đây cũng là thời điểm tôi đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Sức khỏe của tôi thuộc diện A3, nên được trúng tuyển. Thời gian này phong trào đi bộ đội đang nổi lên rầm rộ. Thậm chí lúc bấy giờ những người muốn được đi bộ đội phải làm đơn, phải hội đủ các tiêu chuẩn mới được chấp nhận chứ không phải muốn đi là được.

Nhập ngũ cùng đợt với tôi, trong xã duy nhất chỉ có hai người. Tôi và Uông Văn Sâm. Các xã khác có nhiều, song tôi chỉ nhớ xã Sơn Hàm có Hồ Huy Liễu, Sơn Mai có Trần Sỹ Mỹ, Sơn Thịnh có Trần Siêu, Sơn Tân có Báu, và một người nữa tôi không nhớ quê là Nguyễn Minh Hiển. Những người bạn cùng trang lứa với tôi, sau này lần lượt hy sinh tại chiến trường Khu 5. Duy nhất có lẽ chỉ mình tôi, hầu như còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.

Thừa hưởng truyền thống của quê hương, khi lớn lên tôi theo gót cha anh đi chiến đấu trên các chiến trường suốt 30 năm không nghỉ. Cho đến nay, nhìn lại quãng đường đời đã qua, tôi không có gì phải băn khoăn, ân hận vì đã hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.

Cuộc đời chiến đấu của tôi đầy ắp những kỷ niệm vui, buồn. Có những kỷ niệm phải trả giá bằng xương máu. Mỗi kỷ niệm là một sự kiện trong chiến đấu, một thành quả trong công tác, học tập và lao động. Tôi thấy mình sống được đến ngày hôm nay là điều may mắn, hạnh phúc so với biết bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên khắp các chiến trường.

Thời ấy chúng tôi không hề có tư tưởng đi bộ đội là để được làm ông này bà nọ, tất cả đều nhận thức là đi đánh giặc để cứu nước. Hơn nữa đó cũng là truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông chúng ta từ xưa đến nay. Mặc dù chưa hình dung hết được sự ác liệt của chiến tranh, nhưng chúng tôi đều biết rằng vào bộ đội là phải chịu đựng mọi gian khổ, kể cả phải hy sinh xương máu, chúng tôi bước vào cuộc chiến một cách tự nguyện. Tự nguyện hiến dâng cho tổ quốc cả cuộc sống và tuổi trẻ của mình.

Trong những ngày chuẩn bị lên đường, nhà trường tổ chức liên hoan; địa phương tổ chức liên hoan; bạn bè xa gần đến chúc mừng và chia tay. Những dòng lưu niệm ghi kín cả quyển sổ tay... Thế mới biết, đời học sinh tuy gian lao, vất vả, nhưng tình cảm biết bao.

Năm tôi nhập ngũ, khí thế tham gia vào quân đội càng lúc càng sôi nổi khắp miền Bắc nước ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 11:01:10 pm »


***

Quê tôi cũng như nhiều nơi trên miền Bắc thời bấy giờ, gia đình nào cũng tự hào khi có người thân đi bộ đội, hay thoát ly đi hoạt động cách mạng. Tôi chính thức tham gia cách mạng từ ngày 10 tháng 8 năm 1964. Trước đó, tôi chưa bao giờ đi xa khỏi huyện nhà.

Ngày nhập ngũ ghi dấu ấn sâu đậm không thể nào quên được trong đời tôi. Tôi là con út, lại có được một ít chữ nghĩa, thuộc loại có trình độ trong làng. Lúc bấy giờ, số thanh niên cùng trang lứa, học đến cấp III còn rất hiếm, do đó tôi được gia đình và bà con lối xóm đến đưa tiễn rất đông. Mọi người “rồng rắn” đưa tôi lên phố huyện. Ai cũng nói những lời tốt đẹp; ai cũng chúc cho tôi đi “chân cứng, đá mềm”, cố gắng cho bằng anh bằng em, hoàn thành nhiệm vụ, mau trở về với bà con làng xóm. Cô gái làng mà tôi đã được quen biết, đã đem lòng thương trộm, nhớ thầm, cứ e lệ, rụt rè, mắt đỏ hoe, chớp chớp nhìn tôi rồi quay mặt đi chỗ khác... Tôi còn nhớ, khi chia tay, cô bạn gái học dưới tôi một lớp, ghé sát tôi nói nhỏ:

- Anh cứ đi mạnh khỏe, ở nhà em chờ!

Nói xong cô đỏ mặt, vùng chạy, hân hoan như đã làm xong một công việc hệ trọng... Tôi chưa kịp nói một lời cảm ơn, thì cô đã mất hút trong dòng người đến đưa tiễn. Tôi hiểu tất cả nỗi lòng của mọi người trong phút chia tay. Dường như cây cỏ, hóa lá xung quanh cũng như đang chia sẻ với tôi giây phút lưu luyến ấy. Tôi chỉ biết gạt nước mắt, cảm ơn tất cả mọi người. Ngày ra đi, tôi cũng không ngờ phải đến 11 năm sau, cuối năm 1975 tôi mới được trở về quê nhà lần đầu tiên trong đời lính.

Sau cuộc tiễn đưa lưu luyến ấy, từ huyện Hương Sơn, chúng tôi hành quân bộ suốt một tuần lễ, dưới nắng hè gay gắt mới đến được nơi đóng quân ở thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Từ Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị ra đến các huyện Tuyên Hóa, Minh Cầm, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch... thuộc tỉnh Quảng Bình là địa bàn mà đơn vị chúng tôi đi ra, đi vào thường xuyên để huấn luyện quân sự, rèn luyện nâng cao thể lực. Đây cũng là những nơi đơn vị tôi thường có giúp dân chống hạn, chống lụt, thu hoạch mùa màng.

Tuy việc học tập mệt nhọc, hành quân đường dài, leo núi, leo dốc, nhưng tuổi trẻ chúng tôi lúc đó rất vui, rất yêu đời và vô tư. Phía tây tỉnh Quảng Bình có con dốc cao, dân địa phương gọi là dốc Cao Mãi. Tuần nào đơn vị chúng tôi cũng leo qua đấy để tập hành quân chiến đấu, và nâng cao thể lực. Anh em làm mấy câu thơ:

Em trông chi đó,
Em ngó chi đây.
Chồng em đang leo dốc Cao Mãi
Ở miền tây Quảng Bình.


Cuối năm 1964, tôi được biên chế vào đại đội công binh, trực thuộc Sư đoàn 325, chuẩn bị đi B (vào miền Nam).

Là một trong những đơn vị sẽ vào miền Nam ở giai đoạn đầu, nên chúng tôi được ưu tiên tối đa về các chế độ tiêu chuẩn, nhất là cung cấp về vật chất.

Ăn cơm trung táo,
Mặc áo Blu dông,
Lương tháng năm đồng
Ba năm không phép.


Thời kỳ này theo quy định về tiêu chuẩn thì có ba chế độ: Ăn theo tiêu chuẩn đại táo là thấp nhất, dành cho các lực lượng ở lại hậu phương; tiếp đến là chế độ trung táo và tiểu táo, dành cho các đơn vị đi B. Chúng tôi được hưởng chế độ “trung táo” là rất ưu tiên. Vì lúc ấy, nhân dân miền Bắc phải thắt lưng, buộc bụng để chi viện cho chiến đấu và cho đồng bào ở vùng giải phóng miền Nam, nên thực phẩm đã bắt đầu khan hiếm.

Trong hơn 6 tháng huấn luyện trên mảnh đất khô cằn của tỉnh Quảng Bình, mỗi tuần chúng tôi tập hành quân 3 ngày, mang vác trên vai bất cứ vật gì từ 25 - 30 kg, có khi là gạo, thực phẩm và nếu chưa đủ trọng lượng thì phải bỏ thêm gạch, đá vào ba lô.

Chúng tôi tập hành quân đường dài, leo núi, leo dốc, tập dã ngoại, tập vượt sông, tập các động tác quân sự và chuyên môn của binh chủng công binh, rồi lên rừng đẵn cây về xây dựng doanh trại...

Công tác chính trị lúc bấy giờ rất phong phú và được đặt lên hàng đầu, nên đã tạo được không khí hào hứng thi đua sôi nổi giữa các phân đội, mặc dù chưa ai hình dung được cuộc chiến đấu sắp tới sẽ ra sao. Trước mắt, chúng tôi chỉ biết rằng: công tác chính trị đã giúp những người lính trẻ đỡ bớt nhớ nhà, nhớ người yêu, bạn bè... Thời gian này, theo quy định, không một ai được gặp người thân, cũng không được viết thư về nhà nói đến những công việc của đơn vị. Anh em nào được cử ra ngoài đi công tác mà lén gửi thư về nhà thì thư cũng không đến được tay người nhận! Các trạm bưu điện kiểm duyệt rất chặt chẽ. Hầu hết chúng tôi đều tuân thủ các quy định một cách tự giác, vì lợi ích quốc gia.

Tình hình trên miền Bắc ngày một căng thẳng. Sau “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã cho máy bay ném bom ở một số nơi trên miền Bắc nước ta. Đơn vị chúng tôi nằm trong trạng thái báo động liên tục. Lúc báo động thật, lúc báo động giả. Nhiều anh lính trẻ ban đêm nằm ngủ không dám cởi giày, lúc nào cũng nơm nớp lo báo động. Một hôm, vào khoảng 8 - 9 giờ tối cuối năm 1964, địch bắn pháo dữ dội vào làng Cảnh Dương, một làng gần sát bờ biển tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi được lệnh sơ tán vào núi. Tiếng còi báo động hú lên từng hồi. Chúng tôi chỉ kịp xách súng, khoác ba lô chạy, mãi đến gần sáng, mới được lệnh dừng chân trong một khu rừng kín đáo. Đây được coi như một thử thách đầu tiên sau một thời gian tập luyện.

Ngày 16-3-1965, thời điểm mong đợi bao ngày đã đến. Chúng tôi bắt đầu hành quân vào chiến trường miền Nam. Toàn bộ những vết tích của miền Bắc, như tiền bạc, quần áo tư trang, tranh ảnh... được lệnh không mang theo. Một kỷ niệm duy nhất là tấm hình của người bạn gái quê nhà, tôi cũng phải để lại, mà trong lòng cảm thấy nuối tiếc vì phía sau tấm ảnh có ghi địa chỉ, ngày tháng kỷ niệm của cô gái.

Tôi được trang bị một khẩu súng trường CKC dài gần bằng chiều cao của mình. Còn quân tư trang thì được trang bị một “mô đen” hoàn toàn mới. Đó là một bộ bà ba đen, hai bộ quân phục lính Pha Thét Lào (vì có những đoạn đường phải đi qua nước bạn Lào) và trang phục may theo kiểu người miền Nam thường mặc và các trang bị khác như áo mưa, tăng, võng, lương khô, giày, dép, v v… Mỗi người được nhận 7 ngày gạo, lương khô, đường, sữa và tất cả những vật dụng cần thiết, như bấm móng tay, bật lửa, kim chỉ khâu, cây rút quai dép, dao cạo râu, dụng cụ và thuốc quân y như cao con hổ, thuốc lọc nước, thuốc bổ Pôlivitamin, bông băng cá nhân và nhiều thứ khác... Tổng trọng lượng từ 25 - 30 kg.

Nhận tất cả những trang bị trên, chúng tôi thầm cảm ơn ngành hậu cần quân đội, đã quan tâm đến người lính chúng tôi thật chu đáo.

Điểm xuất phát của các đơn vị vào Nam là làng Ho, một ngồi làng ẩn trong khu rừng già phía Tây Quảng Bình, địa danh mà tất cả các đơn vị đi B vào thời kỳ ấy đều không thể nào quên được. Ở đây tất cả chúng tôi đều hô vang lời thề thiêng liêng, sẵn sàng dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong buổi lễ xuất quân long trọng. Và đây chính là nơi chúng tôi từ giã đất Bắc, bước vào cuộc trường chinh khốc liệt của mình. Thiết nghĩ, ngày nay, sau khi đất nước ta được thống nhất, có lẽ cũng nên xây dựng một công trình văn hóa, lịch sử tại đây để các thế hệ mai sau, biết đến một địa danh đã từng là chứng tích lịch sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 11:02:34 pm »


VƯỢT TRƯỜNG SƠN


Đại đội công binh chúng tôi được biên chế ba trung đội. Đồng chí Trần Hữu Biền là chính trị viên, Bí thư chi bộ; đồng chí Lê Xuân Chi là đại đội trưởng. Cả hai đồng chí đều quê Nghệ An. Đó là những cán bộ có ý chí, có kỷ luật và đầy trách nhiệm. Các anh là tấm gương sáng cho chiến sĩ chúng tôi noi theo.

Trước đó một tháng, đồng chí Thái Hiền Vỹ, trung đội trưởng, một cán bộ quê tỉnh Bến Tre, tập kết ra Bắc, đã đưa một trung đội đi trước cùng với một số đơn vị làm nhiệm vụ mở đường. Những năm sau đó, trung đội này chuyển đi đâu, chiến đấu như thế nào, ai còn, ai mất tôi không được rõ. Chỉ biết là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi về thăm quê nhà lần đầu tiên vào tháng 11-1975, tôi được tin đồng chí Uông Văn Sâm - bạn chiến đấu cùng nhập ngũ một lúc với tôi năm 1964, đã hy sinh, cùng với một số anh em trong trung đội của đồng chí Thái Hiền Vỹ...

Đêm 16-3-1965, chúng tôi rời đất Quảng Bình, lên đường vào Nam mà lòng tràn đầy lưu luyến. Núi rừng miền tây Quảng Bình im lìm như đang trong giấc ngủ. Bầu trời không một gợn mây, đầy sao lấp lánh. Ánh trăng xuyên qua các kẽ lá, soi rõ bước chân đoàn quân đang lặng lẽ tiến về phía trước. Mọi người im lặng, không nói một câu. Chúng tôi bước đi mà trong lòng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Nhìn những gốc cây, tảng đá, những con đường mòn dẫn vào chân núi, những con suối chảy róc rách, lòng tôi cảm thấy bồi hồi. Chúng tôi cố ghi lại trong ký ức những cảnh vật đã gắn bó với mình trong những tháng ngày luyện tập vất vả. Không ai trong chúng tôi có thể biết được là mình sẽ sống, sẽ có dịp trở lại nơi này...?

Tuyến đường ngày ấy chưa hình thành một cách rõ nét. Lúc đầu chỉ là những lối mòn từ các bản làng xuyên vào núi. Càng đi sâu vào phía Nam, đường càng khó đi. Đoàn quân bị hút dần vào đại ngàn Trường Sơn. Dọc đường, chúng tôi đi theo lối mòn của đoàn quân đi trước đã được đánh dấu. Con đường dần dần được phát rộng ra, làm thành bậc để vượt đèo. Đèo ngàn lẻ một (1001) là thử thách đầu tiên đối với tất cả các đơn vị đi B hồi đó. Sáng ăn cơm ở chân đèo phía Bắc; trưa ăn cơm nắm ở đỉnh đèo; chiều tối mới tới được chân đèo phía Nam. Sau nhiều năm, đường sá phát triển và đã sử dụng đến binh khí kỹ thuật, phương tiện vận tải cơ giới. Do đó địch đã chú ý và đánh phá ngày càng ác liệt, hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam. Thế nhưng, ta cũng “Kiên quyết xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Và, con đường ấy, đã trở thành huyền thoại, thể hiện ý chí của toàn quân, toàn dân ta, quyết tâm giải phóng miền Nam. Ai đã một lần viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mới thấy được sự hy sinh to lớn của cả một dân tộc, ý chí quật cường của các thế hệ vừa qua. Cho đến nay vẫn chưa có sách vở, tài liệu nào nói lên hết được những gian khổ, vất vả, ác liệt trên đường Trường Sơn của những người lính ngày ấy. Cũng chưa có một cuốn sách nào viết lên hết được về sự đóng góp, hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số của chúng ta. Ngày nay, nhà nước chủ trương làm con đường Trường Sơn mang tên Bác, tạo điều kiện cho khu vực Tây Nguyên phát triển, cũng là một cách bù đắp lại một phần công lao của đồng bào trước đây.

Trên đường vào Nam chiến đấu có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động và những tấm gương đáng khâm phục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những người con kiên cường anh dũng bám trụ trên trục đường và hết lòng ủng hộ bộ đội Cụ Hồ. Đó là những nam, nữ chiến sĩ giao liên, lặng lẽ, cần mẫn đưa các đoàn quân ra trận. Trên lưng họ mang gùi, bên trong là nắm cơm gạo mục, có khi chỉ là củ sắn. Họ đi suốt ngày này sang ngày khác, suốt năm này sang năm khác, bất kể gió mưa, bệnh tật, và bom đạn quân thù.

Trước đoàn quân chúng tôi là một anh giao liên, người dân tộc thiểu số, vai mang gùi, chân đi đôi dép cao su đã vẹt gót, tay cầm con dao đi rừng. Nước da ngăm đen, tóc chấm ngang vành tai, nhưng đôi mắt trong sáng và đặc biệt là dáng đi thoăn thoắt. Anh lội qua con suối, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác như con sóc nhảy nhót trên cành cây. Mỗi lần đi lâu quá, chưa đến chỗ dừng chân, chúng tôi hỏi anh:

- Đã gần đến nơi chưa?

Anh trả lời:

- Còn một con dao quăng nữa!

Anh không giải thích độ dài “con dao quăng” là bao nhiêu, nhưng chúng tôi đi thêm một tiếng đồng hồ nữa, cũng vẫn chưa thấy đến. Chúng tôi thắc mắc. Có người vì mệt quá, cằn nhằn:

- Nói một “con dao quăng” mà sao lâu thế?

Anh đáp:

- Một giờ nữa mới đến!

Thì ra, người dân tộc ở đây khi đi rừng, đốn cây thường cầm dao một tay, một tay cầm thuốc hoặc cái tẩu đến khi mỏi thì đổi sang tay khác, mà thường phải hơn một giờ mới đổi tay. Có những anh lính, vì mệt nhọc quá, không kiên nhẫn được nữa, cứ hỏi liên tục. Anh giao liên tỉnh bơ và trả lời một câu, vừa gọn, vừa triết lý:

- Có đi, có đến, không đi không đến!

Thế là chúng tôi đành im lặng rảo bước một cách nặng nhọc. Cuối ngày, rồi cũng đến trạm dừng chân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 11:05:31 pm »


Thời gian đầu gần hậu phương miền Bắc, lương thực, thực phẩm còn dồi dào, sức khỏe mọi người còn tốt. Nhưng càng đi sâu vào miền Nam, càng xa hậu phương miền Bắc, càng thiếu thốn, sức khỏe càng giảm sút. Chúng tôi bắt đầu ăn sắn thay cơm, hái rau tàu bay, môn dóc, lá bứa1… làm thức ăn. Nhiều anh em do thiếu chất dinh dưỡng, nên đã sưng phù tay chân, mình mẩy. Những ngày nghỉ, giờ nghỉ, bộ đội lại vào rừng hái rau, hái măng, hoặc những thứ có thể cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày của đơn vị. Đôi khi đã xảy ra tử vong do ăn phải nấm độc. Vì vậy, mà có câu thơ rằng:

Hải Dương ăn nấm từ trần
Hà Tây suýt chết một lần với Hải Dương.
Nhìn về xứ Nghệ mà thương
Chuối rừng ba nải, bụng trương phì phì...

Chả là có một số anh em quê tỉnh Hải Dương, chết vì ăn phải nấm độc trong rừng. Mấy anh em Hà Tây cũng suýt chết vì ăn theo. Còn số anh em quê Nghệ An thì ăn quả chuối rừng bị chứng khó tiêu, bụng căng phồng, nằm thở phì phò, trào cả nước mũi, nước miếng... Kinh nghiệm đường rừng dần dần được bộ đội Trường Sơn đúc kết, soạn thảo ra một cuốn sách nói về những vị thuốc Nam chữa bệnh, những loại rau ăn được hoặc những loại nấm độc, lá độc không nên đụng vào. Từ đó mà các đoàn quân sau này đã tránh được những trường hợp thương tâm.

Hàng ngày, sinh hoạt của chúng tôi theo một công thức lặp đi, lặp lại trên suốt chặng đường hành quân vào chiến trường: Sáng đi, tối đến trạm. Buổi sáng (có lúc 5 hay 6 giờ tuỳ theo đặc điểm, tính chất và tình hình của cung đường) thức dậy. Hành quân đến 11 - 12 giờ vừa được nửa cung đường, dừng lại ăn cơm nắm, sau một tiếng đồng hồ, lại tiếp tục hành quân. Chiều tối đến trạm giao liên. Trạm giao liên thường được tổ chức ở những nơi kín đáo có các khe, suối có cây để mắc võng ngủ qua đêm. Trạm này cách trạm khác một cung đường, đủ thời gian đi bộ trong một ngày. Thường thì tốc độ hành quân từ 2,5 đến 3 km trong một giờ, trong điều kiện mang vác nặng, lại phải trèo đèo, lội suối. Tùy đoạn đường xa hoặc gần địch mà có sự thay đổi về thời gian và tốc độ hành quân, cũng như đi đêm hoặc đi ban ngày. Trung bình các cung đường dài từ 25 - 30 km hoặc hơn.

Tại các trạm, thường có một số y tá, bác sĩ, một số giường bệnh và thuốc men để tiếp nhận, cấp cứu hoặc nuôi dưỡng tại chỗ cho một số thương bệnh binh trên dọc đường. Ngành Hậu Cần còn bố trí cả một số kho lương thực, thực phẩm chuyển từ hậu phương miền Bắc vào hoặc từ dưới vùng đồng bằng, địch hậu chuyển lên dự trữ và cung cấp cho các đoàn quân đi vào, đi ra khi hết lương thực. Mỗi trạm đều có một số anh chị em giao liên, người dân tộc thiểu số, hoặc anh chị em người Kinh ở dưới vùng đồng bằng lên. Tất cả đều vui vẻ, yêu đời và đầy tinh thần trách nhiệm. Có những cô gái người dân tộc mang trên vai cả bộ đàn T’rưng, đến những chỗ dừng chân nghỉ trưa, trên bờ suối nước chảy róc rách, các cô đánh đàn cho chúng tôi nghe để xua tan những mệt nhọc trên đường hành quân. Họ đã hy sinh cả những tình cảm lứa đôi từ lúc tuổi trăng tròn, ngày đêm gắn bó từng cung đường đã được phân công. Không phân biệt người Kinh hay người Thượng, họ đều gắn bó bên nhau như anh chị em trong một gia đình. Hàng ngày, họ chỉ biết lo sao cho hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn quân đi đến nới, về đến chốn được bí mật, an toàn.

Khi đến trạm giao liên, tiểu đội trưởng phân công các chiến sĩ, mỗi người một việc. Người chặt cây, người đi hái rau rừng, kiếm củi khô, người thì lau chùi vũ khí, che bếp, không cho ánh sáng ban đêm lọt ra ngoài, với nguyên tắc “Ban đêm cấm lửa, ban ngày cấm khói” để đề phòng máy bay địch phát hiện, oanh tạc. Ở những nơi gần địch, một số người được phân công nhiệm vụ đào công sự. Tôi thường được phân công đi tập trung các bi đông của tiểu đội, chế nước sôi vào cho ngày mai hành quân. Đôi khi trung đội trưởng điều tôi lên để ghi chép sổ sách. Đặc biệt, tiểu đội trưởng Võ Tùng, quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh rất “cưng” tôi. Đồng chí là người anh cả của tiểu đội, mẫu mực về trách nhiệm và tình cảm, luôn gần gũi, giúp đỡ động viên mọi người trong suốt chặng đường hành quân. Chúng tôi rất cảm phục đồng chí.

Có hôm, tiểu đội che xong bếp, vừa nhóm lửa lên nấu cơm thì máy bay địch xuất hiện. Lệnh báo động, phải tắt lửa ngay. Khi máy bay bay qua, vừa nhóm lửa trở lại, thì cơn mưa đầu nguồn ập đến làm tắt ngấm, khiến gần nửa đêm mọi người mới có cơm ăn.

Đêm nằm ngủ cũng không được ngon giấc, vì vắt ở Trường Sơn nổi tiếng độc địa. Những vết vắt cắn rất khó cầm máu. Có những loại vắt (gọi là vắt lá) màu xanh như lá cây, rất khó phát hiện. Thân tuy nhỏ như que tăm, nhưng chúng cắn đau nhói. Chúng thường bám vào các lá cây ven đường, ngóc đầu lên, hễ người đi qua là bám ngay vào quần áo, chui vào nách, vào bụng và những chỗ hiểm, da mỏng trong người mà cắn, mà hút máu. Khi đã no tròn chúng tự nhả ra, rơi xuống đất, máu thấm ướt quần áo suốt cả ngày cũng không cầm được. Về sau, anh em bày cho nhau lấy lá rau má, hoặc lá chua me đất đắp lên vết cắn, cầm máu ngay. Đây là một kinh nghiệm mang tính khoa học được áp dụng với bộ đội Trường Sơn ngày ấy. Trên đường hành quân cũng có lúc gặp phải nơi vắt vàng quá nhiều (một loại vắt lớn hơn vắt lá, có màu vàng sẫm, sống dưới mặt đất) thì chúng tôi lại có sáng kiến lấy một nhúm muối hạt, bọc trong một miếng vải và cột vào đầu chiếc đũa hoặc một que tre, nhúng cho ướt nước, vắt bám vào chỗ nào chỉ việc chấm gói muối lên đó là “rụng” hết.

Cũng như bếp “Hoàng Cầm” của anh nuôi, có ai đó đã thiết kế cách mắc võng rất khoa học. Những sáng kiến này đáng được tặng huân chương lắm chứ! Khi mắc võng trên rừng Trường Sơn, nhất thiết hai đầu võng phải có hai cọc phụ. Hai cọc phụ này cao khoảng 1,20m – 1,50m được buộc vào hai cây rừng tự nhiên với khoảng cách lớn hơn hoặc bằng chiều dài chiếc võng (2.50m). Từ hai đầu của hai cọc phụ, buộc hai đầu võng lại với nhau. Bên trên căng sợi dây và lợp một tấm ni lông theo hình mái nhà. Như vậy nếu trời mưa nước sẽ theo hai cây rừng tự nhiên chảy xuống đất, không bao giờ bị ướt võng. Ở bốn góc của tấm ni lông, thường được buộc với các cây tự nhiên xung quanh bởi bốn dây thun (dây cao su) có độ co dãn, để khi trời mưa có kèm theo gió thì ni lông không bị giật rách. Buộc dây võng, làm giá để ba lô cũng như “một môn khoa học” mà mọi người từ chỉ huy đến chiến sĩ đều phải thành thạo. Buộc sao cho khi báo động hành quân, hoặc sáng hôm sau thức dậy, chỉ cần rút nhẹ đầu dây là lấy được võng ra khỏi cọc phụ để xếp vào ba lô được dễ dàng và nhanh chóng. Với các thế hệ ngày nay, dù trang bị có tối tân, hiện đại đến mấy, thiết nghĩ cũng nên cho bộ đội “đi” lại những nội dung động tác cơ bản mà các thế hệ đi trước đã từng làm, như đào bếp Hoàng Cầm, động tác mắc võng, làm giá để ba lô, giá để súng, đóng quân dã ngoại trong rừng, v.v...

Mọi công việc, sau khi hành quân đến trạm giao liên phải xong trước 21 giờ (càng sớm càng tốt) để giành thời gian cho bộ đội ngủ, nghỉ. Ấy thế mà nhiều lúc nằm xuống võng chưa được bao lâu thì trời đã sáng. Lại bắt đầu một ngày trèo đèo, lội suối tiếp tục hành quân. Cứ thế, chúng tôi đi mãi, đi mãi; ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Bao nhiêu kỷ niệm về người thân, quê hương, bạn bè, đều lùi vào quên lãng. Chúng tôi luôn hướng về phía trước.
_______________________________________
1. Các loại rau rừng bộ đội thường dùng trên đường Trường Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2009, 11:06:47 pm »


Bộ đội chúng ta phải chịu đựng biết bao vất vả, gian nan trên đường Trường Sơn ngày ấy. Anh em hy sinh trên con đường này, có người do sốt rét ác tính mà thuốc men thì đã cạn; có người bị chết đuối do mưa lũ, vượt sông, có đêm đang ngủ trên võng bị cây đổ đè lên; hoặc có người chết vì bị rắn cắn, hổ vồ, hay chết vì ăn phải nấm độc... Không sao kể xiết những trường hợp thương tâm. Chưa nói đến những lúc hy sinh do đạn pháo, máy bay hay bị địch phục kích dọc đường. Nhân đọc cuốn nhật ký của anh hùng, liệt sỹ - bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, tôi thật sự cảm phục trước tinh thần vượt khó khăn, gian khổ của chị. Những người đã trải qua những tháng ngày vượt Trường Sơn và chiến đấu trên chiến trường ác liệt - như chị viết “Cái chết ở đây còn dễ hơn ăn một bữa cơm!...”. Chị rất xứng đáng là người anh hùng. Chúng tôi, những người lính của sư đoàn Sao Vàng, đã từng chiến đấu bên cạnh chị trong những năm tháng cực kỳ gian khổ, ác liệt trên chiến trường Khu 5 nói chung, mặt trận Bắc Bình Định - Nam Quảng Ngãi nói riêng, nên rất thấm thía những điều chị viết.

Xin được trở lại theo bước chân của những người lính vượt Trường Sơn năm xưa.

Về lương thực, do được giáo dục kỹ, nên dù bị đói, nhưng chúng tôi không hề động đến nương rẫy, hoa màu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Câu thơ sau đây nói lên tâm trạng một vài anh lính khi không vượt qua được sự thiếu thốn:

Tà tà chân bước vào nương,
Tay ôm quả bí, lòng thương đồng bào!

Câu thơ đọc lên thoáng nghe thấy thật buồn cười, nhưng ngẫm lại thì cũng thật cảm động.

Đồng bào các dân tộc của chúng ta thiếu thốn đủ thứ, nhất là thiếu muối. Còn bộ đội chúng tôi thì lại thiếu thực phẩm. Do đó đã nảy sinh ra việc trao đổi qua lại giữa bộ đội và đồng bào các dân tộc trên dọc đường hành quân. Chúng tôi đổi muối hoặc một số tư trang lấy thực phẩm như heo, gà, bầu, bí... những thứ mà đồng bào nuôi được, trồng được. Vì vậy mà có bài thơ “Đi đổi” - có đoạn viết:

... Ngang lưng thì thắt bi đông
Đầu đội mũ cối, tay cầm gậy tre.
Vội vàng chân bước, tai nghe,
Ở đâu gà gáy te te thì vào.

Đi đường vất vả, mệt mỏi là thế, nhưng ai cũng vui vẻ, yêu đời. Đi đến đâu cũng có thể, tức cảnh, sinh tình, xuất khẩu thành thơ. Vui buồn cũng làm thơ, gian khổ vất vả cũng làm thơ. Với khí thế của đoàn quân ra trận, tuổi trẻ chúng tôi hồi đó, xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”.

Thỉnh thoảng trong đơn vị có anh em đau yếu, người trong trung đội, tiểu đội liền san sẻ, chia nhau mang giúp các trang bị. Hoặc có ai đó đi không nổi, chúng tôi thay nhau khiêng, cáng đến trạm giao liên gửi lại dưỡng sức và tổ chức thu dung theo sau. Tình cảm thương yêu, tương trợ nhau như anh em ruột thịt. Đó cũng là hình ảnh đẹp đẽ của tình đồng chí, đồng đội để lại ấn tượng sâu đậm đối với những ai đã từng vượt Trường Sơn.

Nhưng ngoài việc chịu đựng gian khổ, mưa dầm gió bấc, lội suối trèo đèo, ấn tượng để lại trong chúng tôi là cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn. Gió thổi ù ù, lá cây bay xào xạc. Nước từ trên thác cao đổ xuống ầm ầm cộng với tiếng chim kêu, vượn hú... tạo nên một âm thanh sống động từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, không bao giờ dứt. Khí thế của đoàn quân, cùng với vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên khiến cho những người lính trẻ lúc bấy giờ có những nỗi niềm khó tả... Những đêm trăng sáng, mắc võng ở suối đá, trên sườn núi cheo leo, chúng tôi say sưa ngắm ánh trăng xuyên qua những kẽ lá. Mùi hương hoa lan tỏa khắp núi rừng, dưới ánh trăng lấp lánh. Có lẽ không một nét bút của họa sĩ hay nhà văn nào có thể nói hết được.

Trăng treo trên đầu võng
Suối thì thầm dưới lưng.

Những bản nhạc của núi rừng thiên nhiên đã đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Trên đường đi, kỷ luật hành quân là yếu tố được chú trọng nhất. Chẳng hạn như khi đang đi, nếu hết nước phải chịu nhịn khát, cố gắng đến trạm uống nước đun sôi, chứ không được uống nước suối dọc đường, đề phòng bị đau bụng, tiêu chảy. Có anh khát quá, chịu không nổi giả bộ té (ngã) xuống suối để hớp ngụm nước lạnh thì tối hôm đó bị đưa ra cuộc họp kiểm điểm. Đến chỗ dừng chân, nghỉ giải lao, tiểu đội trường, hoặc trung đội trưởng cho phép uống bao nhiêu lượng nước - chẳng hạn 2 nắp bi đông - mọi người tự giác uống theo quy định, mặc dù là nước của riêng mình. Vì vậy, đi suốt ngày như thế, khi đến trạm nghỉ, mọi người vẫn còn nước trong bi đông, sức khỏe vẫn giữ vững. Đại đội chúng tôi có 150 người. Ngoại trừ trung đội 30 người của đồng chí Thái Hiền Vỹ đi trước, còn lại 120 người vượt Trường Sơn đến điểm tập kết được an toàn và khỏe mạnh. Đó là kết quả của công tác Đảng - công tác chính trị trong hành quân được cán bộ các cấp quan tâm đúng mức.

Cuộc hành quân cứ thế tiếp diễn. Khoảng cách đến các mặt trận ngày càng được rút ngắn. Hậu phương miền Bắc càng ngày càng lùi xa. Đâu đây đã nghe tiếng rì rầm của máy bay, đại bác của địch vọng lại. Chúng tôi vẫn cứ âm thầm, bí mật tiến lên phía trước.

Khi vào tới các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, cuộc sống của chúng tôi càng thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt. Nhiều đơn vị vào sâu trong các tỉnh Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ, giáp với biên giới Campuchia, cuộc sống còn khó khăn bội phần. Địch tăng cường đánh phá ác liệt. Chúng tung lực lượng vào các vùng giải phóng càn quét, dồn dân, lập các ấp chiến lược, tạo nên những vành đai trắng giữa vùng đồng bằng với rừng núi và xung quanh các đô thị để cắt đứt nguồn tiếp tế của quân ta. Ở trên rừng, máy bay B52 ném bom “rải thảm”, máy bay C130 rải chất độc hóa học và bắn phá những nơi nghi có bộ đội chủ lực của ta tập kết. Ban ngày, khi vượt qua những bãi trống, bộ đội phải lấy lá rừng cắm vào ba lô để ngụy trang, che mắt máy bay địch. Ở những cung đường gần bót địch hoặc có thám báo, biệt kích hoạt động, chúng tôi phải đi đêm. Nguyên tắc hành quân ban đêm là người đi sau phải bám sát người đi trước. Khi truyền lệnh thường thì từ trước ra sau. Trường hợp đang đi mà phía trước có sự cố thì đội hình phải dừng lại. Người đi sau nắm lấy ba lô hoặc cành ngụy trang cắm trên ba lô của người đi trước, để khi người phía trước đi tiếp, người đi sau biết mà bước theo. Do vậy mà có khi đã xảy ra trường hợp nhầm lẫn. Thay vì cầm lấy cành cây ngụy trang trên ba lô của người đi trước thì người đi sau lại cầm nhầm cành cây bên đường. Đến khi phát hiện ra thì đội hình đã đi xa từ lâu. Lực lượng phía sau phải ngồi tại chỗ để chờ giao liên quay lại đưa lên, nếu không sẽ bị lạc đường. Đó là những tình huống trớ trêu thường gặp và cười ra nước mắt. Cũng do những tình huống như thế này mà có lúc phải trả giá đắt - sau này tôi sẽ có dịp đề cập đến.

Sau hai tháng hành quân, đầu tháng 5-1965, đơn vị chúng tôi đã vào đến địa phận tỉnh Đắc Lắc thuộc cao nguyên trung phần, chiến trường Liên khu 5. Đây là thắng lợi bước đầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong cuộc trường chinh đi đánh Mỹ của đơn vị chúng tôi. Đơn giản là chúng tôi đã vượt qua được chặng đường dài đầy chông gai, ghềnh thác, đến đích an toàn, đầy đủ về người và vũ khí. Những năm đầu cuộc chiến tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam đầy khó khăn gian khổ, đưa được một khẩu súng, một viên đạn vào được chiến trường đã là quý; đưa được một con người, một đơn vị vào chiến đấu lại càng quý biết bao. Có thể nói, đây là một kỳ công trong chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Cho đến nay, nghĩ lại cuộc hành quân vượt Trường Sơn ngày ấy, tôi vẫn cảm thấy niềm tự hào với chính mình.

Trước khi bổ sung cho các chiến trường, các mặt trận, chúng tôi được nghe đại diện của Liên khu 5 và tỉnh Đắc Lắc phổ biến, quán triệt tình hình mọi mặt của địa phương, như tình hình địch, tình hình về kinh tế, chính trị của ta, tình hình phát triển lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đồng chí đại diện cho quân khu 5 nói đại thể: “Quân và dân Liên khu 5 mong chờ các đồng chí đã lâu. Các đồng chí đã vào thật đúng lúc. Lực lượng bộ đội địa phương và anh chị em dân quân du kích chúng tôi sẽ sát cánh cùng các đồng chí chiến đấu, cùng với toàn quân, toàn dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ Quốc!”.

Chúng tôi là quân chủ lực, từ miền Bắc mới vào, mọi cái ở đây đều hoàn toàn xa lạ. Do đó, đồng chí đại diện của địa phương nói nhiều về những phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc Tây nguyên và vùng đồng bằng Liên khu 5. Ngoài ra các đồng chí còn nói những thuận lợi về kinh tế - chính trị, về phong trào đấu tranh của nhân dân trong các vùng địch tạm chiếm và sự lớn mạnh không ngừng của hai lực lượng là bộ đội địa phương và dân quân du kích Liên khu 5 nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng. Các đồng chí còn cho biết về những âm mưu, thủ đoạn của địch trong chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược, hệ thống các đồn bót, kìm kẹp của địch và chủ trương các hoạt động phối hợp giữa ba thứ quân trong quá trình tác chiến trên địa bàn quân khu. Có lúc đồng chí nói những câu hài hước, dí dỏm: “Chị em ở đây rất thương mến các anh bộ đội miền Bắc xa nhà. Có cô cũng đã nói một cách “mạnh bạo” rằng: “Anh hãy đổ nước” vô đây cho em!”.

Tất cả chúng tôi đều cười và có phần mắc cỡ...

Đại đội chúng tôi vẫn được giữ nguyên là một đại đội công binh. Khi Sư đoàn bộ binh số 3 còn gọi là sư đoàn Sao Vàng được thành lập, đại đội chính thức nằm trong biên chế của Sư đoàn 3 Quân khu 5. Đại đội trưởng và chính trị viên của đại đội vẫn chiến đấu bên cạnh chúng tôi cho đến những năm sau đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:20:28 pm »


TRẬN ĐẦU ĐÁNH THẮNG


Nhân dân ta thường có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”. Trong lĩnh vực này cũng vậy, kết quả ban đầu có một ý nghĩa rất quan trọng đối với những thành quả tiếp theo. Nó không chỉ tạo ra sự yên tâm về mặt tâm lý, mà còn tạo ra cú hích cho những thành công kế tiếp. Chẳng thế mà trong các văn kiện thường ghi rằng “chúng ta đánh thắng trận này để tạo đà cho việc xây dựng đơn vị...” đó sao! Trong thực tế chiến đấu, trận đánh mở đầu có tác động nhiều mặt đối với từng con người cụ thể cho đến một đơn vị, một chiến dịch sau đó. Vì vậy những trận đánh mở đầu thường được chuẩn bị chu đáo, được ưu tiên về số lượng, chất lượng được tập trung lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp. Đối với tôi, trận đầu tiên được tham gia cũng mang ý nghĩa đầy đủ như vậy.

Tôi là một chiến sĩ trinh sát. Tiểu đội tôi có 12 người, cả anh em miền Bắc và anh em miền Nam. Tiểu đội do đồng chí Nguyễn Hữu Quang chỉ huy. Đồng chí Nguyễn Hữu Quang quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nhập ngũ vào một đơn vị địa phương trước khi chúng tôi được bổ sung vào chiến trường khu 5. Đồng chí Quang, sau này là đại tá, Anh hùng quân đội và đã từ trần tại Quân khu 5 sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Giữa năm 1965, mặt trận Tây Nguyên mở một đợt hoạt động tập trung nhằm đánh chiếm một số đồn bót địch, mở rộng vùng giải phóng, phát động nhân dân nổi dậy phá banh các ấp chiến lược dọc đường số 7, khu vực Cheo Reo, Thuận Mẫn và một số khu vực giáp tỉnh Gia Lai, buộc chúng phải co vào trong các căn cứ lớn, hoặc các thị xã: Buôn Ma Thuột, Plâyku, Công Tum... để ta có điều kiện phát triển thực lực cách mạng ở các địa phương.

Trận đầu tiên tôi được tham gia trong đời chiến binh là trận đánh cầu Enu, bắc qua sông Ba, trên đường số 7 đi Cheo Reo, thuộc tỉnh Đắc Lắc. Ở đây do một đại đội lính bảo an, người dân tộc thiểu số chốt giữ.

Đại đội Công binh được Mặt trận giao nhiệm vụ đánh sập cầu này, cắt đứt giao thông, tiếp tế của địch từ Phú Yên lên, hoặc ngăn quân tăng viện từ hướng Plâyku, Gia Lai xuống, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn đánh chiếm một số đồn bót địch, mở rộng vùng giải phóng trong tam giác Phú Yên - Đắc Lắc - Gia Lai thuộc cao nguyên trung phần. Trận này nằm trong tổng thể chiến dịch do Mặt trận B3 thực hiện. Theo hợp đồng, các đơn vị bộ binh tiến công tiêu diệt bộ binh địch canh giữ cầu; còn công binh chúng tôi có nhiệm vụ đánh sập cầu tại mố cầu phía đông bằng bộc phá và các phương tiện của binh chủng.

Chúng tôi khẩn trương bắt tay vào công tác chuẩn bị. Đơn vị tôi đóng quân trong một cánh rừng khoọc. Mùa khô ở Tây Nguyên nắng như đổ lửa, bụi đất Bazan bay đỏ cả một vùng trời. Lá rừng khô rang như những chiếc bánh đa nướng. Nếu sơ ý, chỉ cần một tàn thuốc rơi xuống là có thể thiêu rụi cả một cánh rừng trong chốc lát. Trên thực tế, đã có nhiều đám cháy nổi lên. Từng bầy chim tan tác, bay vút lên không trung cùng với tro tàn. Khí hậu về đêm, nơi đây lại trở nên lạnh giá, rét run người. Sự nóng lạnh luôn trở mặt đột ngột, có khi đang từ 34 – 35oc tụt xuống còn 11 – 12oc. Thời tiết khô, hanh khiến cho con người luôn cảm thấy khó chịu. Ở tỉnh Đắc Lắc, mùa khô trong một ngày khí hậu có thể mang dấu ấn của cả bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông). Đặc biệt nước uống ở đây quý hơn vàng. Vàng thì còn có thể mua được, nhưng nước thì không. Nước về mùa khô hầu như đã biến thành mây khói bay lên không trung hết. Các khe suối chỉ còn trơ lại đá. Còn được giọt nước nào ở những chỗ trũng thì chim chóc, hươu, nai và cả những con người ở đây giành giật nhau, uống cạn. Nước đã chi phối đến mọi hoạt động của vùng Tây Nguyên này hàng bao thế kỷ. Ngày nay, để phát triển kinh tế, dân sinh cho vùng Tây Nguyên, đầu tiên phải suy nghĩ đến là vấn đề nước, phải tiến hành một cuộc cách mạng nước.

Toán trinh sát chúng tôi, do đồng chí Nguyễn Hữu Quang chỉ huy đã luồn qua hệ thống ấp chiến lược của địch, vượt qua các nương rẫy, buôn làng để tiếp cận mục tiêu. Chúng tôi men theo sông K’rông Năng đi xuống. Ban đêm, trời rét như cắt da thịt. Dưới ánh sáng lờ mờ, trên mố cầu, chúng tôi đã nhìn thấy những đống lửa, do địch đốt để sưởi ấm. Còn bót địch nằm ở mố cầu phía Tây thì im phăng phắc. Có lẽ chúng sợ bị lộ mục tiêu, đề phòng ta pháo kích ban đêm. Hoặc cũng có thể chúng đang ngủ say với vợ con trong chăn nệm. Chúng tôi chiếu theo ánh lửa lập lòe ở mố cầu phía Đông mà tiếp cận. Cách 10 mét, rồi 5 mét địch vẫn không phát hiện được chúng tôi. Thông thường, người ngồi bên đống lửa nhìn ra thì rất khó thấy, nhưng chúng tôi ngồi trong bóng tối nhìn vào lại thấy rất rõ. Tôi cũng ngửi thấy mùi khói thuốc khét lẹt - sản phẩm bản địa mà người dân tộc thường hút! Mùi của loài thuốc lá này vừa khét, vừa nặng làm cho tôi suýt bị sặc sụa. Sông Ba rộng khoảng gần 200 mét. Hai bên bờ mọc đầy những cây hương nhu. Một loài thảo dược chữa được bệnh nhức đầu. Đây cũng là một loài cây có mùi hương thơm phức, được chị em nấu nước để gội đầu! Dưới sông, thỉnh thoảng có những lá cây khô lặng lờ trôi theo dòng nước. Những đàn cá đi ăn đêm nhảy lên đớp mồi kêu lép chép. Không gian xung quanh vẫn im lìm trong giấc ngủ.

Sau khi quan sát kỹ nhịp cầu và địa hình, địa vật xung quanh, chúng tôi đã xác định được điểm đặt thuốc nổ... rồi im lặng rời khỏi mục tiêu.

Vào đêm N, các lực lượng bộ binh tiếp cận, sẽ tiến công đại đội lính bảo an bảo vệ cầu. Đại đội công binh chúng tôi (thiếu một trung đội) dùng 100 kg thuốc nổ TNT đánh cầu.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, sau lần đi trinh sát, điều nghiên về, chúng tôi được huấn luyện rất kỹ về kỹ thuật đánh bộc phá, bao gồm các nội dung rất cơ bản. Song, khi bước vào chiến đấu thực sự lại đòi hỏi người chiến sĩ phải toàn diện. Chiến đấu là một sự kết hợp giữa tinh thần tư tưởng, chiến thuật, kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật cao; là nơi quyết định giữa cái sống và cái chết. Do đó, trên thao trường luyện tập bao nhiêu cũng vẫn cảm thấy chưa đủ theo yêu cầu chiến đấu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2009, 03:25:03 pm »


So với hôm đi chuẩn bị, mục tiêu vẫn không có gì thay đổi. Trên mố cầu vẫn một toán binh lính địch canh gác. Dưới sự chỉ huy của tiểu đội trường Nguyễn Hữu Quang, chúng tôi bí mật đưa từng lượng nổ vào cố định tại điểm tiếp giáp giữa mặt cầu với trụ cầu. Đây là tử huyệt, là nơi hiểm yếu nhất của một cây cầu. Bởi thế mà càng về sau, trong chiến tranh, các kỹ sư cầu đường đã thiết kế ra các loại cầu khắc phục được những điểm yếu này. Có nghĩa là cố định các lượng nổ vào vị trí hiểm yếu của cầu rất khó.

Sau gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đặt xong tất cả các khối thuốc nổ. Tiểu đội trưởng là người trực tiếp liên kết các lượng nổ với nhau bởi dây nổ và kíp nổ. Đây là một công việc đặc biệt quan trọng về công tác kỹ thuật, mang tính quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của trận đánh. Chỉ cần một sai sót nhỏ, không những không hoàn thành được nhiệm vụ mà có khi phải chịu những hậu quả khôn lường... Vì vậy, người làm việc này phải là người chỉ huy trực tiếp.

23 giờ 45 phút, chúng tôi đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị. Chỉ ít phút nữa thôi, toán lính địch kia, hoặc là bị quân ta tiêu diệt bằng các loại hỏa lực bắn thẳng, hoặc là theo một nhịp cầu đổ xuống dòng sông...

Sóng nước dưới sông vỗ vào bờ ào ạt. Đêm càng về khuya càng lạnh cộng với tinh thần căng thẳng, hai hàm răng của tôi va vào nhau lập cập. Đúng là trận đầu mọi cái đều chưa quen, chưa có kinh nghiệm.

Lệnh nổ súng bắt đầu.

Một ánh chớp sáng lòa vỡ ra kèm theo tiếng nổ long trời lở đất, làm vạn vật nơi đây, dạt ra trên một vùng rộng lớn.

Mặc dù đồn bót địch bên bờ phía tây có hệ thống hàng rào dây thép gai, xen kẽ các loại mìn bao bọc xung quanh; bên trong có công sự, hầm hào, nhưng sau tiếng nổ của khối bộc phá, chúng đã hoảng hồn tháo chạy. Đây là một đặc điểm của binh lính người dân tộc thiểu số, bị ép buộc, bắt bớ và lừa phỉnh của bọn chỉ huy ngoan cố. Do đó tinh thần chiến đấu kém. Các đơn vị bộ binh ta không cần phải nổ súng, chỉ vào tiếp quản đồn địch.

Kết quả ta đã đánh sập một nhịp cầu, tiêu diệt toán lính gác cầu, cắt đứt hoàn toàn con đường số 7, gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp tế, chi viện của địch đối với các mục tiêu trong vùng. Trận này chúng tôi được Bộ chỉ huy Mặt trận đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ, đơn vị không có thương vong.

Sau khi đánh chiếm và cắt đứt được đường số 7 tại cầu Enu; các đơn vị bạn đánh chiếm một loạt đồn bót địch, phát động hàng ngàn dân, cùng lực lượng dân quân, du kích phá banh các ấp chiến lược, thoát khỏi ách kìm kẹp của địch, trở về quê cũ làm ăn, hoặc chạy về vùng giải phóng.

Không chịu mất các căn cứ, địch đưa lực lượng lên giải tỏa đường số 7, hòng chiếm lại cầu Enu và những cứ điểm đang bị ta chiếm giữ. Các đơn vị bộ binh của ta, từ trong các cánh rừng hai bên trục đường số 7 vận động, tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực của chúng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh cầu, chúng tôi vượt qua đường số 7 vẫn còn nhìn thấy xác giặc ngổn ngang.

Tại các khu vực như buôn Ma Rốc, buôn Ma Lá, Cà Lúi... ngày ấy có rất nhiều cọp (hổ). Cứ sau mỗi trận đánh, cọp thường mò ra ăn thịt các xác chết. Nhiều lần như thế đã trở thành phản xạ tự nhiên đối với loài cọp ở đây. Cho nên trên vùng này, ở đâu có tiếng súng là ở đó, đi đêm sẽ gặp cọp. Còn cá ở sông Ba nhiều vô kể. Chỉ cần cho nổ 100 giam thuốc nổ TNT dưới sông thì bắt cả buổi không hết cá. Vì vậy mà có câu nói cửa miệng: “Cọp Ma Lá, cá sông Ba”.

Cho đến bây giờ, ở bất cứ đâu, khi đi dọc các bờ sông có mùi thơm thoang thoảng của cây hương nhu xen lẫn những rẫy bắp xanh tốt trổ cờ, hoặc những túp lều tranh bên sườn đồi... tôi lại bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hoạt động ở vùng sông Ba - Đắc Lắc...

Sau đợt hoạt động, tình hình chung trên chiến trường có những chuyển biến mới. Quân đội Sài Gòn liên tiếp bị tiến công. Vùng giải phóng được mở rộng đáng kể; vùng địch tạm chiếm bị thu hẹp dần.

Để chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động mùa khô năm 1966, với đối tượng tác chiến chủ yếu là Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ (Sư đoàn không vận số 1) ở vùng đồng bằng miền Trung, thuộc Liên khu 5; đơn vị chúng tôi được lệnh cơ động xuống vùng núi giáp ranh đồng bằng khu 5.

Song song với việc phát triển lực lượng vũ trang địa phương, các đơn vị chủ lực có sự điều chỉnh trên các mặt trận B1, B2, B31 và mặt trận Thừa Thiên Huế. Hậu phương miền Bắc tiếp tục chi việc sức người, sức của, bổ sung cho các mặt trận. Từ những năm 1966 - 1967 trở đi, trên chiến trường miền Nam chúng ta đã thành lập nhiều đơn vị chủ lực. Đường Trường Sơn ngày càng được mở rộng và tỏa đi khắp các vùng, từ rừng núi xuống đến đồng bằng ven biển; từ biên giới Việt - Lào xuống tận các tỉnh miền Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Suốt đêm ngày trên các ngả đường Trường Sơn, các tiểu đoàn bộ binh nườm nượp vào Nam. Đường giao liên bị địch đánh phá ngày càng ác liệt. Chúng tập trung mọi cố gắng hòng ngăn chặn nguồn tiếp tế của ta từ miền Bắc đang “chảy” vào các chiến trường.
________________________________________
1. Toàn miền được chia thành 4 chiến trường gồm:
    - B1: Thuộc các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
    - B2: Từ Ninh Thuận - Lâm Đồng trở vào vùng đồng bằng Nam Bộ.
    - B3: Các tỉnh Tây Nguyên (Đaklak, Gia Lai, Kontum).
    - B4: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM