Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:00:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi đồng minh tháo chạy  (Đọc 64925 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #10 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:43:21 am »

Lên chức Cố vấn Tổng thống.

Ngày 27 tháng 11, 1968, sau khi Nixon thắng cử, ông John Mitchell mời Kissinger tới căn phòng của Nixon ở lầu 39 khách sạn Pierre, New York để gặp Tổng thống tân cử. Nơi đây Nixon mời Kissinger làm Phụ tá an ninh quốc gia. Vui vẻ quá sức nhưng ông vẫn tỏ vẻ ngần ngại, nói là cần có thời gian để suy nghĩ.

"Được rồi, một tuần", Nixon trả lời. Kissinger về hỏi ý kiến Rockefeller. Ông này đồng ý để tiến cử đệ tử mình. Ngày 20 tháng Giêng 1969, Nixon đăng quang, dọn vào Bạch Ốc. Kissinger dọn vào theo (17).

***

Tổng thống Nixon là người muốn thành công ở lãnh vực ngoại giao nên muốn tập trung chính sách ngoại giao của Hoa kỳ vào toà Bạch Ốc, chứ không giao cho Ngoại trưởng như Tổng thống Eisenhower đã giao cho ông John Foster Dulles. Và như vậy cũng rất khôn ngoan. Quyền lực và danh vọng của một Tổng thống Mỹ thực ra chỉ được biểu lộ trong lãnh vực đối ngoại. Truman thả bom nguyên tử ở Hiroshima, Kennedy cho chiến hạm trực chỉ Cuba ép Krutschev gỡ hoả tiễn về. Và ngày nay, ông Bush Cha thả bom Baghdad, bắt Iraq rút khỏi Kuwait; ông Bush Con, đánh đuổi Taliban và Al Qaeda khỏi Kabul. Rồi chiếm Iraq, lại bắt được Saddam Hussein trốn trong hầm. Ngay chính bản thân Nixon, khi làm Phó cho Tổng thống Eisenhower cũng đã chỉ nổi tiếng về vụ "Kitchen Debate", đốp chát với Krutschev ở trong một khu trưng bày đồ gia dụng nhà bếp tại hội chợ quốc tế ở Moscow.

Bây giờ lên dài, Nixon phải sáng chói. Cũng chỉ trong lãnh vực ngoại giao thôi. Vì trong thời hiện đại, có Tổng thống Mỹ nào nổi tiếng về vấn đề nội trị đâu? Nền kinh tế Mỹ như cái máy tự động, khổng lồ, chỉ làm sao đừng bị lạm phát (dưới 4%), giữ thất nghiệp cho thấp (khoảng 5%) là tốt rồi, đâu có làm phép lạ được. Xã hội thì đã có nền nếp; luật pháp thì đã thành khuôn, chắc như đanh đóng cột. Khó mà làm được gì nổi bật trong địa hạt chính sách đối nội. Ngược lại chỉ thấy nhức đầu: tăng thuế cũng bị chửi, giảm thuế cũng bị la. Tổng thống Johnson đã hái được nhiều thành quả trong nước, đặc biệt là đã để ý tới vấn đề xoá đói giảm nghèo, công bình xã hội, nhưng lại thất bại về mặt ngoại giao là chiến tranh Việt nam, nên rồi cũng chẳng đi đến đâu. Hiện giờ (2005) Tổng thống George Bush vừa thắng nhiệm kỳ hai, ông đặt ưu tiên cho chính sách đối nội là sửa đổi lại hệ thống "an ninh xã hội" (so- cial security system), nhưng rồi cũng sẽ gặp nhiều chống đối, và dù đa số ở Quốc hội là Cộng hoà, ông cũng sẽ phải đi đến thoả hiệp nếu muốn thành công. Và sau cùng thì kết quả về chiến tranh Iraq cũng vẫn là yếu tố quan trọng xác định địa vị của ông trong lịch sử.

Công cụ của quyền hành

Hiểu rõ nhu cầu của Nixon cần có thành quả ngoại giao, Kissinger lại có trong tay một cơ hội bằng vàng: đó là quyền điều khiển toàn bộ nhân viên làm việc cho "Hội đồng an ninh quốc gia" (National Security Council - NSC). Ông liền đưa ra một đề nghị để Nixon cho phép ông sửa đổi nó lại theo ý ông (18). NSC được thành lập từ 1947 để giúp Tổng thống điều hợp các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Về thực chất nó rất lỏng lẻo. Tôi còn nhớ từ khi du học ở Mỹ, dù là dưới thời Eisenhower, Kennedy hay Johnson, mỗi khi truyền hình chiếu những biến cố ngoại giao quan trọng vào phần tin buổi chiều thì đều thấy Ngoại trưởng hoặc Tổng trưởng quốc phòng lên trình bày. Bây giờ được Nixon ủng hộ, Kissinger sắp xếp lại để nó trở thành một công cụ tập trung quyền hành.

Guồng máy NSC được sửa lại thì giống như cái máy sàng lọc, mọi hồ sơ phải qua đây thì mới tới được bàn giấy Tổng thống. Ba cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng, CIA có trách nhiệm phải nộp cho NSC các đề nghị về những giải pháp được cân nhắc kỹ lưỡng. Dựa theo đó, nhân viên làm việc tại NSC phải trình bày cho Tổng thống những lựa chọn và hậu quả về mỗi giải pháp và cho từng vấn đề.

Sự sắp xếp lại NSC cho phép Kissinger đóng hai vai trò: một là người điều hợp, tập trung các phân tích, đề nghị của các bộ về lãnh vực an ninh; hai là làm cố vấn cho Tổng thống về ngoại giao. Là người điều hợp, ông có quyền sàng lọc, thâu tóm các đề nghị. Quyền sàng lọc là quyền vô cùng quan trọng. Những điểm gì mình không thích hay không đồng ý thì có thể làm nhẹ đi, giảm tầm quan trọng của nó xuống, hay chỉ nói phớt qua thôi.

Ảnh hưởng của cố vấn cũng lợi hại. Có nửa ly rượu: nói đầy nửa ly cũng đúng hay vơi nửa ly cũng đúng, kiểu nào cũng được. Miễn là gần kề Tổng thống. Bộ Ngoại giao đã hết sức bất mãn, cho rằng Kissinger đã độc quyền hoá lãnh vực ngoại giao, nắm trọn vẹn quyền hạn đến nỗi một bộ lớn với 12 ngàn nhân viên, mà chỉ còn vai trò sắp xếp giấy tờ, hồ sơ. Nghị sĩ Stuart Symington còn bàn thêm rằng "Kissinger đã thực sự là Ngoại trưởng, trừ cái tên đó thôi" (18).

Tài nghệ ông Phụ tá

Ngoài tài ba về chính trị, ông Kissinger lại có tài hùng biện, rất khéo chơi chữ để nói quanh co. Chúng tôi còn nhớ có đọc một bài báo (mà không nhớ xuất xứ từ đâu) nói về điểm này và cho là Kissinger có nghệ thuật "làm sao không nói sự thực mà lại không là nói dối" ("how not to tell the truth with- but really lying"). Ông H. R. Haldeman, Đổng lý Văn phòng cho Tổng thống Nixon kể lại một câu chuyện khôi hài về tài của Kissinger. Hồi tháng 12, 1972, chính Kissinger là người đề nghị Nixon cho ném bom Bắc Việt vì ông đã tuyên bố "hoà mình đang trong tầm tay" (peace is at hand) hai tháng trước đấy mà bây giờ theo như ông nói, Hà Nội đã bội ước. Thế mà làm sao nhà báo James Reston lại viết trên tờ New York Times trái ngược lại. "Không thấy Kissinger nói gì công khai về vụ thả bom Bắc Việt cả, một hành động mà không hồ nghi gì là chính ông ta đã phản đối". Nixon phẫn nộ, chỉ thị Haldeman tìm hiểu xem "Henry làm cái trò gì vậy" (find out what the hell Henry's doing").

Khi Haldeman hỏi, Kissinger đã chối phắt là ông đã chẳng nói với "bất cứ ai" về vụ thả bom. Ông quả quyết: "Tôi không cho ông Reston cuộc phỏng vấn nào cả. Sau đó Haldeman cho điều tra kỹ lưỡng và thấy rõ ràng là Kissinger đã nói chuyện với Reston. Quay lại cật vấn ông ta, Haldeman hỏi: "Ông nói với chúng tôi là ông đã không cho Reston cuộc phỏng vấn nào cả thế mà thực sự ông đã nói hết với ông này!"

"Đúng, nhưng đó chỉ là qua điện thoại", - Kissinger trả lời.

Haldeman bình luận:

"Vâng, chỉ qua điện thoại thôi (chứ đâu có gặp mà phỏng vấn).

"Bất cứ học giả nào muốn xem nhà ngoại giao Henry giỏi đến thế nào thì nên phỏng vấn tất cả những người đã làm việc với ông ta tại Toà Bạch Ôc" (19).

Cứ xem cách ông chơi chữ trong các văn bản, cách đối đáp, biện luận, từ những cuộc thương thuyết tới hồi ký hay họp báo, ta cũng thấy rõ cái tài năng này. Sau đây là vài thí dụ. Như sẽ thuật lại trong Chương 11, về cuộc họp báo của Kissinger sau Hiệp định Paris:

Hỏi: Có nghị định thư nào (protocols) đã được thoả thuận (với Miền Nam) không?

Đáp: Không có sự thông cảm (understanding) bí mật nào hết.

Đúng, Kissinger chỉ chối đi là không có sự thông cảm, hiểu ngầm nào chứ đâu có chối là không có nghị định thư?

Câu chuyện khác. Có lần Tổng trưởng quốc phòng Melvin Laird (người điều khiển chương trình "Việt nam hoá" thời Nixon) khi được chúng tôi hỏi về chuyện ông không biết gì đến những mật thư của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu, ông Laird trả lời: "Có lần tôi hỏi ông Kissinger tại sao không đưa cho tôi xem mấy lá thư đó, thì ông ta trả lời "Ồ, đó chỉ là một vụ qua lại giữa Tướng Haig và Tổng thống Thiệu". Tướng Haig có lui tới Dinh Độc lập để trao đổi qua lại với ông Thiệu, nhưng thực ra ông chỉ là người đưa những bức thư do Kissinger thảo cho Nixon mà thôi.

Rồi đây tôi nhớ tới câu chuyện tiếu lâm mà ta đều đã nghe lúc còn nhỏ, về cậu bé láu lỉnh. Có cậu học trò đánh rắm trong lớp học. Thày đồ hỏi:

- Chi kêu đó bay?

- Lạy thày cóc kêu.

- Cóc kêu sao thối?

- Lạy thày cóc chết,

- Cóc chết sao kêu?

- Lạy thày hai con".

Một biệt tài khác của Kissinger có tính cách quyến rũ: đó là luôn luôn nói với đối tác của mình trong các cuộc thương lượng rằng chỉ mình ông mới là người đứng về phía họ. Tổng thống Thiệu cũng như Ngoại trưởng Trần văn Lắm thường hay nói chuyện về điểm này. Ở Paris, theo Đại sứ Phạm Đăng Lâm, Kissinger lúc nào cũng muốn chứng tỏ ông là người ủng hộ VNCH mạnh nhất trong Chính phủ Nixon. Ký giả Matti Golan trong cuốn "The Secret Conversations of Henry Kissinger" (Những đối thoại bí mật của Henry Kissinger) còn nhớ như in rất rõ về đặc tính quyến rũ này của Kissinger trong một lần cuộc thương thuyết với Do Thái và các nước trong khối Ả Rập. Ông luôn nói với lãnh đạo Do Thái rằng chỉ có ông mới là Đồng minh, là bạn của họ ở Washington (20).
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #11 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:43:56 am »

Đơn thương độc mã

Khi ra tranh cử, Nixon hứa là sẽ giải quyết chiến tranh Việt nam trong danh dự. Kissinger biết bản tính của ông Nixon cũng rất là thực tế "realpolitik", đặt nặng quyền lợi chứ không phải là luân lý, ý thức hệ, hay đạo đức. Bởi vậy ông bám chặt vào đó để thuyết phục Nixon cho ông làm sao thì làm, miễn có kết quả là được. Nixon đồng ý. Và trên thực tế đã trao toàn quyền giải quyết chiến tranh Việt nam cho ông.

Trong cuốn sách nổi tiếng "A World Restored" (Một thế giới được phục hồi), một tập nghiên cứu về Metternich lúc còn ở Harvard, Kissinger có viết: "Chính khách phải hành động như thể là trực giác của mình đã là kinh nghiệm, như thể là khát vọng của mình đã là chân lý rồi" (21). Metternich là một Hoàng tử người Áo, đã cùng với Lord Castlereagh (Ngoại trưởng Anh) giúp sắp xếp lại trật tự ở Âu châu (Hội nghị Vienna (1814-1815) sau khi Napoleon bại trận ở Nga vào mùa đông 1812. Hai người này, đã không ngần ngại dùng mọi đòn phép và làm mọi việc trong vòng bí mật để tới được mục đích. Tôi nghĩ lập luận như thế này thì không ổn. Trong thời hiện đại, nếu những chính trị gia của các cường quốc, nắm quyền hành trong tay, mà lại quá tự kiêu, làm mọi việc trong vòng bí mật, và nghĩ rằng "những khát vọng của mình đã là chân lý rồi" thì thật là nguy hiểm cho thế giới!

Đơn thương độc mã là bản tính của Kissinger và ông rất tự hào về điểm đó. Trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả người Ý, bà Oriana Fallaci, ông giải thích rằng sở dĩ ông có sức mạnh là nhờ ở lối hành động một mình: "Điểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, đi đầu, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã; chỉ mình với ngựa thôi, không có gì khác. Có thể là không có cả súng nữa, là vì gã ta không cần bắn. Gã chỉ hành động bằng cách là ở đúng chỗ, vào đúng lúc, thế thôi. Nói gọn hơn, gã là một cao bồi (Westem)"(22).

Chắc ông muốn nói tới cuốn phim "High Noon", có chú cao bồi cỡi ngựa, lững thững đi một mình vào giữa phố mà ai cũng hãi sợ. Giờ đây, ông muốn một mình một ngựa để đưa Hoa kỳ ra khỏi Việt nam. Chướng ngại vật đối với ông là bộ Ngoại giao. Vì vậy, không biết ông thuyết phục thế nào mà Nixon đã gạt phắt Ngoại trưởng William Rogers ra ngoài. Trong cuốn hồi ký "Những năm biến động" (Years of Upheaval), Kissinger viết: "Tổng thống Nixon đòi hỏi là tất cả những sáng kiến ngoại giao quan trọng đều phải phát xuất từ Bạch Ốc; ông ta đã loại trừ bộ Ngoại giao và Ngoại trưởng, ông William P. Rogers ra khỏi những quyết định chủ chốt một cách liên tục và đôi khi còn có lính cách hạ nhục" (23).

Đẩy được bộ Ngoại giao ra là hết bị vướng víu về bàn cãi, bất đồng ý kiến, thủ tục rườm rà, quan liêu. Từ đó, Kissinger lại có thể sắp xếp mọi chuyện. Đây là một cung cách thật lạ lùng! Nó rất "un-american", không Mỹ chút nào. Ở trong một nền dân chủ, tính chất "minh bạch" (transparency) là điều cẩn thiết. Cái gì không trong sáng thì không thể kéo dài được lâu. không có tính cách bền vững (sustainabihty). Ngoài ra, chính sách hay lập trường đều đòi hỏi phải có "consensus", sự đồng thuận của số đông. Muốn vậy, phải ngồi lại bàn bạc. Ba cái đầu phải to hơn một cái. Từ quản trị một công ty tới một hội, một nhà thờ, một trường tiểu học, bao giờ cũng có những buổi mít tinh để bàn cãi, bỏ phiếu, lấy quyết định. Làm sao một chuyện đại sự quốc gia, có tới bốn Tổng thống Mỹ dính vào mà Kissinger lại đòi giải quyết một mình? Ấy thế mà Nixon đã khoán trắng Miền Nam cho ông. Ông Jun Tsunoda, Cố vấn cho bộ Ngoại giao Nhật cũng đã phải phàn nàn: "Công tác ngoại giao trong một thế giới phức tạp như ngày nay là một công việc quá lớn lao để giao cho một người tự mình hành động" (24).

Ba tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Nixon cho Kissinger sang Moscow tranh thủ sự giúp đỡ của Nga Sô để lập thêm một ngả thương thuyết riêng biệt, tách rời khỏi Hoà đàm Paris. Kissinger gặp Ngoại trưởng Nga Gromyko và trao cho ông ta một thông điệp (25):

"Tổng thống (Nixon) sẵn sàng thăm dò những con đường khác ngoài khung cảnh đàm phán hiện tại. Điều đáng mong muốn là những người thương thuyết phía Hoa kỳ và Bắc Việt có thể gặp nhau tách biệt ra khỏi khuôn khổ hoà đàm Paris để bàn về những nguyên tắc tổng quát cho một giải pháp.

"Nếu những người thương thuyết đặc biệt của hai bên Hoa kỳ và Việt nam dân chủ cộng hoà có thể đi tới một Hiệp định trên nguyên tắc, thì vấn đề đàm phán cuối cùng về kỹ thuật sẽ được trao lại cho hoà đàm Paris". Ký tắt RN (Richard Nixon).

Dĩ nhiên là Gromyko vui lòng giúp, và Kissinger đã thành công trong việc lập ra một hoà đàm sau hậu trường, do chính ông điều khiển.

Ngày 23 tháng Bảy 1969, nhân dịp phi thuyền Apollo của Mỹ vừa thành công lên cung trăng và sắp đáp xuống Thái Bình Dương, Tổng thống Nixon bay sang Guam để mừng và bắt đầu chuyến công du Á châu gồm Phillippines, Indonesia, Thái Lan, Nam Việt nam, India, Pakistan, Romania, và Anh Quốc. Nixon thuật lại: "Chuyến đi đã cho một cơ hội hoàn toàn nguỵ trang cho Kissinger gặp gỡ với phía Bắc Việt. Kissinger được sắp xếp cho đi Paris bề ngoài là để trình bày cho quan chức Pháp kết quả chuyến đi của tôi, nhưng đang khi đó ông ta sẽ gặp ông Xuân Thuỷ" (26). Ông Xuân Thuỷ là đại diện của Bắc Việt tại Hoà đàm Paris.

Được biết về chuyến đi này, Tổng thống Thiệu có mời Nixon ghé thăm Sài gòn để làm một cử chỉ ủng hộ Việt nam cộng hoà. Dường như để đền đáp công ơn của ông Thiệu trong kỳ bầu cử, Tổng thống Nixon đã quyết định vào giờ chót là sẽ viếng thăm dinh Độc Lập với Kissinger tháp tùng. Trong phiên họp làm việc, "Ông Nixon chỉ nói tới những khó khăn trong nước mà ông đang gặp phải", ông Thiệu kể lại. "Ông yêu cầu tôi tiếp tay và nói: "Hãy giúp chúng tôi để chúng tôi giúp các ông" và tôi đáp: "Chúng tôi sẽ giúp ông để ông giúp chúng tôi". Tuy nhiên, Nixon vẫn khẳng định lại lập trường rút quân trên căn bản song phương: cả quân đội Hoa kỳ lẫn quân đội Bắc Việt đều rút, và lịch trình rút quân còn tuỳ vào khả năng tự vệ cũng như mức độ viện trợ quân sự và kinh tế cho Miền Nam.

Sau khi nâng ly sâm banh chúc tụng cho Việt nam cộng hoà, các động cơ trực thăng bắt đầu nổ, cánh quạt quay ầm ầm mỗi lúc một nhanh, như để khẳng định lại một lần nữa sức mạnh và sự hiện diện của Hoa kỳ tại Miền Nam. Ông Thiệu tới đưa Tổng thống Nixon và ông Kissinger ra bãi phi cơ đậu trên cỏ trước dinh Độc Lập. Mỉm một nụ cười, ông giơ tay vẫy chào tạm biệt lúc chiếc trực thăng của Tổng thống Hoa kỳ bốc thẳng bay nhanh về hướng Bắc, lướt qua những mái nhà đỏ của thành phố. Ngày hôm đó, 30 tháng Bảy 1969, Nixon đã không hề tiết lộ cho ông Thiệu biết rằng ngay sau khi từ biệt, Kissinger đã trực chỉ qua Paris gặp gỡ phái đoàn Bắc Việt.

Và từ giờ phút đó cho tới 10 giờ sáng ngày 30-4 tức là trong gần hai phần ba thời gian của Đệ nhị Cộng hoà, Kissinger đã một mình thao túng chính sách Hoa kỳ về Việt nam. Trong cương vị đó, ông đã có những hành động gian dối với Đồng minh, dấu giếm Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ, như được chứng minh trong cuốn sách này.

Gần đây (năm 2001), một nhà báo, ông Christopher Hitchens, đã viết cuốn sách tựa đề "Xét xử Henry Kissinger (The Trial of Henry Kissinger) đem ra đầy đủ bằng chứng dựa trên những tài liệu mới được giải mật, về những sự lạm dụng quyền hành, và những hành động thiếu lương tâm mà Kissinger đã hành xử đối với các nước Đồng minh, ngoài các nước Đông Dương, còn có Chile, Bangladesh, Santiago, Nicosia và East Timor (27).

Đối với Miền Nam, có thể là ông đã hối hận phần nào, nên năm năm sau ngày Miền Nam sụp đổ, vào đầu năm 1980, ông có viết một thư riêng cho Tổng thống Thiệu (xem cuối chương II và Phụ lục E): "Tôi không trông đợi sẽ thuyết phục được Ngài. Ít nhất tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận và kính trọng vẫn còn của tôi".

Chú thích

(1) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 42.

(2) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 42-46.

(3) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 49.

(4) Richard Nixon, Memoiry, trang 340; về cuốn Nuclear Weapons and Foreign Policy, nên đọc thêm: Warren G. Nutter, Kissinger' Grand Design, trang 43-48.

(5) Anna Chennault, do Seymour Hersh trích dẫn trong The price of power, trang 22.

(6) Richard Nixon, Memoiry, trang 324.

(7) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 20.

(Cool Seymor Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 13.

(9) Richard Nixon, Memoiry, xem Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 24.

(10) Henry Kissinger, The White House years, trang 437.

(11) Marvin Kalb and Bernard Kalb, trang 86.

(12) Marvin Kalb and Bernard Kalb, trang 29. 25-26

(13) Richard Nixon, Memoiry, trang 340.

(14) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 29.

(15) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 21

(16) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 14.

(17) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 35.

(18). Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 481.

(19) H.R. Haldeman, The End of power, trang 143.

(20) Matti Golan, The Secret Conversations of Henry Kissinger

(21) Henry Kissinger, A World Restored, trang 329.

(22) Oriana Fallaci, Interview With History, trang 40-41.

(23) Henry Kissinger, A World Restored, trang 414.

(24) TIME (Magazine), "The Dilfìculty of being Henry Kissinger" (The Nation), 21 tháng 4, 1975.

(25) Richard Nixon, Memoiry, trang 391.

(26) Richard Nixon, Memoiry, trang 394.

(27) Bạn đọc có thể vào Internet/google để tìm đọc về cuốn này.
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:44:33 am »

P1 - Chương 3
Củ cà rốt và cái gậy

Một chiếc máy bay hao hao giống loại Jetstar của Lockheed cất cánh từ phi trường Rhein-Main gần Frankfurt bên Đức. Chỉ vài phút sau, nó đã biến mất. Trên thật cao, anh phi công hướng về phía sông Seine, với tốc độ tối đa. Chẳng mấy lúc đã thấy Paris nằm ngay dưới. Máy bay giảm cao độ, đáp xuống Villacoublay, một phi trường nằm thoai thoải khoảng chín dậm phía tây nam. Hạ cánh rồi, phi công không lái thẳng vào ga, lại từ từ tiến về một địa điểm thật xa, ở mãi góc phi trường. Tới chỗ đậu, một chiếc Citroen DS-21 màu đen áp vào, vội bốc khách, rồi phóng đi thật nhanh. Trên đường, máy phát sóng từ trong xe gửi mật mã cho "Quarterback". Điệp viên 007 đi công tác?

Không, Kissinger đi mật đàm. Tới nơi, ông đã báo cáo thẳng về cho Tổng thống Nixon, mật hiệu "Người tiền vệ". Sáng sớm chủ nhật, lúc mọi người ở thủ đô Hoa kỳ còn an giấc, Kissinger đã tới phi trường quân sự Andrews cách đó không xa. Ông bước nhanh lên một chiếc C-135 không mang số, không bảng hiệu, rồi ngả lưng nghỉ ngơi. Chỉ sáu giờ sau là đã tới Rhein-main rồi. Đây là một phi trường quân sự, được canh gác cẩn mật, cũng giống như Villacoublay. Chiếc Citroen chở ông về Choisy-le-Roi, một khu trung lưu ngoại thành Paris. Lần vào một biệt thự nhỏ màu trắng, kín cổng, cao tường, hoàn toàn yên lặng. Sau vài giờ, ông lại đi xe khác tới một biệt thự rộng lớn hơn. Đó là nhà của phái đoàn Bắc Việt, cùng khu Choisy-le-Roi.

Họp xong, Kissinger bay ngược lại theo đúng tuyến cũ. Và từ lúc ông rời Washington tới khi trở về, chỉ khoảng 27 giờ. Người tài xế thân tín chở ông thẳng tới văn phòng làm việc. Nhân viên toà Bạch Ốc hay toà đại sứ Mỹ ở Paris chẳng ai hay biết gì (1).

Gần hai năm rưỡi sau, mọi người mới chưng hửng: từ tháng Tám 1969, Kissinger đã họp kín với phía Bắc Việt tại Paris mười hai lần rồi! Lại một chuyện bất ngờ thứ hai về ngoại giao. Bất ngờ đầu tiên được tiết lộ (vào tháng Bảy 1971) là Kissinger đã bí mật đi Bắc Kinh nhiều lần, dàn xếp mọi chuyện, dẫn đến chuyến viếng thăm của Nixon sang Trung Quốc. Chuyến đi được ấn định vào ngày 21 tới 28, tháng Hai. Báo chí liền gọi Kissinger là James Bong, và ông rất thích. Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm, ngày 25 tháng Giêng 1972, Tổng thống Nixon đã lên truyền hình tiết lộ những cuộc họp của Kissinger ở Paris, và đồng thời đọc bài diễn văn quan trọng, công bố một giải pháp hoà bình toàn diện về Việt nam. Trước hôm đó, Đại sứ Bunker đã đến dinh Độc Lập trao cho Tổng thống Thiệu một bản sao bài diễn văn của Tổng thống Nixon, yêu cầu ông tán thành và bình luận. Theo ông Hoàng Đức Nhã, bí thư Tổng thống Thiệu, đây là lần đầu tiên phía Việt nam cộng hoà được biết chi tiết những buổi họp kín giữa Kissinger với Bắc Việt, và biết được các kế hoạch của Nixon (2).

Làm thế nào để tháo gỡ?

Để giải quyết chiến tranh Việt nam, Mỹ muốn áp dụng giải pháp song hành" (two track approach). Một mặt thì đàm phán với Bắc Việt về giải pháp quân sự (chủ đề chính là rút quân), và mặt kia, để cho hai bên Sài gòn và Hà Nội thương thuyết với nhau một giải pháp chính trị. Về đàm phán: cứ cho Hoà đàm Paris múa may bên ngoài, bên trong đã có Kissinger dàn xếp bí mật. Đến khi nào có kết quả mới công bố. Như vậy, nó sẽ huy hoàng, rực rỡ biết bao.

Từ khi hay tin ông Nixon đi Bắc Kinh, ông Thiệu hết sức e ngại. Ông biết rằng Mỹ vào Miền Nam Việt nam là để ngăn chặn làn sóng đó từ Trung Cộng lan tràn tới các nước khác". Đó là theo học thuyết "Domino" từ thời Eisenhower: "Nếu để Miền Nam sụp đổ thì những quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đổ theo như những con bài domino" (3). Bây giờ Nixon sắp đi Bắc Kinh bắt tay với Mao Trạch Đông thì liệu Miền Nam có còn là "tiền đồn của Thế giới Tự Do" nữa không? Ông Thiệu thông báo sự lo ngại của Việt nam cộng hoà cho phía Mỹ. Và Tổng thống Nixon đã trấn an ngay.

White House

Ngày 31 tháng 12, 1971

Thưa Tổng thống,

"Vào lúc tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi Bắc Kinh để gặp và nói chuyện với lãnh đạo nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Quốc, tôi muốn chia sẻ với Ngài những tư tướng của tôi về các cuộc đàm đạo tại đó.

"Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó phương hại tời các quốc gia khác, hoặc về những vấn đề có liên hệ tới các nước khác…

"Ngài có thể tiếp tục tin cậy vào sự yểm trợ của Hoa kỳ trong những nỗ lực của Ngài hầu đem lạ hoà bình cho Việt nam và xây dựng nền thịnh vượng mới cho nhân dân Việt nam.

Trân trọng.

(ký) Richard Nixon

Để độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ biết xem trong văn bản gốc bằng tiếng Anh, Tổng thống Hoa kỳ đã viết như thế nào, tôi trích đăng nguyên văn một số phần đoạn quan trọng trong những thư chọn lọc sau dây (toàn bộ 35 văn bản được in trong Phụ Lục A).

Muốn cho cho chắc chắn hơn, ông Thiệu lại gửi ông Nixon một bức thư nữa bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Hoa kỳ để tìm giải pháp cho hoà bình, kể cả việc ông bằng lòng từ chức, nhưng kêu gọi Hoa kỳ đừng nhượng bộ gì nữa (ở Bắc Kinh) về vấn đề "rút quân".

The White House

Washington

December 31 1971

Dear Mr. Preddent

As I prepare for my forthcoming trip to Peking to meet and talk with the leaders of the Peoplele's Republìc of China.

I would like to share with you some thoughts concerning the conversations I expect to have there.



You may be absolutely certain that I will make no agreements in Peking at the expense of other countries or on matters which concern other countries. You should also know that the treaty commitments which the United States has eestablished with other counries will noi be aaffected by my visit to Peking



Please accept my best wishes for the continued succeee of your economic and military programs as you embark on your second term in office. You can continue to rely on the assistance of the United States effort to bring peace to Vietnam and to build a new prosperity for the Vietnamese people

Sincerely,

Richard Nixon

Rút quân: từ song phương đổi sang đơn phương.

Vấn đề rút quân song phương ra khỏi Miền Nam: cả quân đội Hoa kỳ lẫn Bắc Việt, là vấn đề quan trọng nhất đối với Việt nam cộng hoà và là vấn đề chính yếu tại Hoà đàm Paris, như đã được phân tích trong cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập (4). Sau đây là tóm tắt những bước chính của tiến trình thương thuyết về điểm này (5).

Thời Tổng thống Johnson, điều kiện rút quân mà Mỹ mang ra rất cứng rắn: cả hai bên (Mỹ và Bắc Việt) đều rút; và quân đội Bắc Việt rút sáu tháng trước khi Hoa kỳ bắt đầu rút;

Từ lập trường đó, khi Nixon mới lên Tổng thống, Mỹ xuống thang chút đỉnh: hai bên đều cùng rút đi một lúc; dành quyền tự quyết cho nhân dân Miền Nam.

Sau cùng, khi mật đàm kết thúc:

- Quân đội Mỹ rút đi hết;

- Và rút đi trong vòng 60 ngày;

- Quân đội Bắc Việt tiếp tục ở lại Miền Nam.

Đó là kết quả mật đàm của Henry Kissinger trên ba năm trời với cái giá phải trả là thêm 15.000 mạng người Mỹ, 62 tỷ đô la, và hàng trăm ngàn mạng sống người Việt nam, cùng với bao nhiêu tàn phá.

Lập trường vững chắc của Hoa kỳ và Việt nam cộng hoà khởi thuỷ được Nixon tuyên bố lúc Hoà đàm Paris chính thức bắt đầu. Ngày 14 tháng Năm 1969, Nixon lên truyền hình giải thích:

"Chúng tôi đã gạt bỏ ra ngoài hoặc là việc rút lui khỏi Việt nam một cách đơn phương, hoặc việc chấp nhận tại (Hoà đàm) Paris bất cứ một giải pháp. nào có tính cách như một thất bại nguỵ trang…"

"Và đó là phác hoạ về một giải pháp mà chúng tôi muốn đàm phán ở Paris. Nguyên tắc căn bản của nó rất là đơn giản: triệt thoái song phương bất cứ quân đội nào không phải là quân đội Miền Nam ra khỏi

Miền Nam Việt nam và dành quyền tự quyết cho nhân dân Miền Nam"(6).

Rồi ông còn đưa ra một thời biểu rút quân. Giai đoạn đầu là 12 tháng, tới giai đoạn cuối cùng thì "Quân đội Hoa kỳ và Đồng minh (Đại Hàn, Úc) sẽ đi tới kết thúc việc rút quân khi số quân đội Bắc Việt còn lại được rút đi và trở về Miền Bắc" (7).

Lập trường là như vậy, và trước khi đi Bắc Kinh, Nixon còn hứa hẹn như trong thư trích dẫn trên đây: "Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó có phương hại tới các quốc gia khác? Thế nhưng, theo chính Nixon viết lại, trong những ngày viếng thăm Trung Quốc từ 21 tới 28 tháng 2, 1972, ông đã nói với Chu Ân Lai: "Giả sử như tôi có thể ngồi đối diện với bất cứ ai là người lãnh đạo Bắc Việt, và giá như hai bên có thể thương thuyết một cuộc ngưng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi, thì tất cả quân đội Mỹ sẽ được triệt thoái khỏi Việt nam trong vòng sáu tháng kể từ ngày đó (Cool.

Như vậy, Nixon đã tiết lộ rõ ràng là Hoa kỳ muốn rút quân khỏi Việt nam để chỉ đổi lấy việc thả tù binh và một cuộc ngưng bắn.

Theo các tài liệu thương thuyết mới được giải mật thì ngay từ 1971, trước cả khi Nixon đi Trung Quốc, trong cuộc họp với Chu Ân Lai ngày 9 tháng 7, Kissinger cũng đã tiết lộ với ông Chu rằng Hoa kỳ sẽ đơn phương rút khỏi Miền Nam (9).

Đi sau lưng thì như vậy mà vừa từ Bắc Kinh trở về Washington, ông Nixon lại tiếp tục trấn an ông Thiệu:

White House

Ngày năm tháng Ba, 1972

Thưa Tổng thống,

"Xin Ngài yên tâm rằng tôi sẽ làm mọi việc

trong quyền hạn của tôi để cho những hy sinh to lớn của hai dân tộc Việt và Mỹ sẽ không thành vô ích… "

"Chúng tôi đã không thương lượng điều gì đàng sau lưng những người bạn của Hoa kỳ; và đã không có sự đổi chác bí mật nào hết"

Trân trọng.

(ký) Richard Nixon

Thế nhưng, tại mật đàm Paris, từng bước một, Hoa kỳ đã đi tới chỗ nhượng bộ hoàn toàn: chỉ có Mỹ phải rút hết quân, và rút trong 60 ngày. Bình luận về điểm này, ông Thiệu nói với ký giả của một tạp chí Đức Der Spiegel vào cuối năm 1979:

Điều mà Kissinger và Chính phủ Hoa kỳ hồi đó thực sự muốn là rút lui càng mau càng tốt và mang được tù binh của Mỹ về. Họ chỉ muốn phủi tay cho xong mọi chuyện rồi ù té chạy. Tuy nhiên, trong lúc phủi tay như thế, họ lại không muốn bị nhân dân Việt nam và thế giới buộc tội là đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là tình trạng khó xử của họ"(10).

Vào thời điểm đó, Bắc Việt đã mang thêm được một số quân lớn vào Miền Nam (từ cuộc tấn công mùa Xuân năm 1972). Cho nên tới khi kết thúc đàm phán, sự có mặt của quân đội Bắc Việt tại Miền Nam rất là hùng hậu. Tướng Charles Timmes, tư lệnh đầu tiên của "Bộ tư lệnh viện trợ quân sự cho Việt nam" (Military Assistance Command, Vietnam hay MACV), và là người theo rõi tình hình cả quân sự lẫn chính trị tại Miền Nam cho tới giờ phút chót, đã ước tính cán cân lực lượng hai bên vào lúc ký kết Hiệp định Paris. Ông cho biết: số quân đội chủ lực của Bắc Việt tại Miền Nam đã lên tới 176.000, chưa kể các đơn vị phòng không. Số này được đồn trú như sau(11):

Quân Khu (QK) I: có bốn Sư đoàn: 304, 324-B, 2, 711; và khoảng 6 Trung đoàn biệt lập;

QK II: ba Sư đoàn: F-10, 320, 3, và ba Trung đoàn biệt lập;

QK III: ba Sư đoàn: 5, 7, 9 và khoảng sáu Trung đoàn biệt lập;~

QK IV: Sư đoàn 1, và chín trung đoàn của MTGPMN.

Đối diện với số này, quân lực Việt nam cộng hoà tuy rất đông, những 1 triệu 200 ngàn, nhưng số quân tác chiến lại thực sự chỉ có khoảng 200.000, tức là một phần sáu của tổng số. Còn lại chỉ là địa phương quân, nghĩa quân, và những đơn vị tiếp vận, yểm trợ. Quân đội chiến đấu được rải ra như sau:

QK I: Sư đoàn Dù, Thuỷ quân lục chiến, các Sư đoàn 1 2, 3, Lữ đoàn Thiết Giáp 1, và 6 Tiểu đoàn Biệt Động Quân;

QK II: các Sư đoàn 22, 23, Lữ đoàn Thiết Giáp 2, và 18 Tiểu đoàn Biệt Động Quân;

QK III: các Sư đoàn 5, 18, 25, Lữ đoàn Thiết Giáp 3, và chín Tiểu đoàn Biệt Động Quân;

QK IV: các Sư đoàn 7, 9, 21, Lữ đoàn Thiết Giáp 4, và 12 Tiểu đoàn Biệt Động Quân.

Về số quân chủ lực thì coi như ngang nhau nhưng quân đội Bắc Việt có hai cái lợi: thứ nhất là đóng rải rác khắp nơi như những đốm da beo, đòi hỏi quân lực Việt nam cộng hoà phải dàn mỏng ra khắp lãnh thổ có một biên giới gần 700 dậm (1100 cây số) để tự vệ ; thứ hai là họ có thể chủ động trong việc chọn địa điểm và thời điểm để tập trung tấn công.

Và như vậy, khả năng tồn tại của Việt nam cộng hoà là rất mong manh…
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Ba, 2008, 08:46:49 am gửi bởi M79 » Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:49:12 am »

Phải có một Hiệp định

Nhiều người đặt câu hỏi: nếu Mỹ quyết định rút quân thì cứ từ từ mà rút, lại sao lại nhất định phải có một Hiệp định? Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nếu Mỹ cứ công khai, đơn phương mà rút thì Miền Nam còn có cơ may hơn. Đó là vì hai điểm. Thứ nhất, nếu không ký một Hiệp định thì có nghĩa là Mỹ không chính thức công nhận sự tiếp tục đóng quân của Bắc Việt tại Miền Nam (còn với Hiệp định thì chính Mỹ đã công nhận rồi); và nếu không công nhận thì khi xung đột xảy ra, Miền Nam cũng không bị Quốc hội Mỹ cho là "hiếu chiến" (12); thứ hai, khi quân đội Mỹ đơn phương rút (mà không có Hiệp định) thì nhân dân Hoa kỳ ít nhất cũng sẽ nhận thức rằng Mỹ đã tự mình cuốn gói ra đi. Và vì vậy, để đền bù lại, có thể là Quốc hội vẫn còn tiếp tục viện trợ, tuy chỉ là trong một thời gian nhất định (13). Sau bao nhiêu cuộc chiến, khi kết thúc, Mỹ đã tiếp tục giúp các nước khác xây dựng lại những đổ vỡ như ở Âu châu, Nhật Bản, Nam Triều Tiên. Với khả năng này, Việt nam cộng hoà có thể có những dữ kiện chắc chắn cho kế hoạch tái thiết kinh tế cũng như quốc phòng, và đã không phải chờ đợi trong cái thế viện trợ bất ổn, nhỏ giọt như đã xảy ra (xem Chương 9).

Thế nhưng Mỹ muốn phải có một Hiệp định đình chiến, và do cả bốn bên (Bắc Việt, Nam Việt, Mặt trận giải phóng, và Mỹ) đều cùng ký vào. Có ba cái lợi: thứ nhất, Hiệp định giúp cho việc Mỹ rút quân khỏi Miền Nam được danh chính ngôn thuận trước công luận quốc tế: chính Việt nam Cộng Hoà ký vào Hiệp định, như vậy là đồng ý cho Mỹ rút đi, chứ không phải là Mỹ tự ý rút và bỏ rơi Đồng minh; thứ hai:Nixon-Kissinger có thể tuyên bố đã giữ lời hứa là mang lại cho Miền Nam cả hoà bình lẫn danh dự (chiến tranh đã ngưng rồi và Chính phủ VNCH vẫn còn nguyên, không bị truất phế); và thứ ba, Hiệp định giúp Mỹ mang được tù binh về. Trước đó, có lần Nixon đã cho trực thăng đổ bộ vào tận trại giam ở Sơn Tây để cứu tù binh mà cũng hoàn toàn thất bại.

Tại sao không có một Hiệp định Geneve thứ hai?

Câu hỏi thứ hai nhiều người đặt ra là vì sao, thay vì chấp nhận cho quân đội Bắc Việt ở lại, Mỹ không ký một Hiệp định chia đôi Miền Nam như Hiệp định Genève hồi 1954? Ít nhất, Miền Nam còn có một biên giới rõ ràng, vẫn hơn là "giải pháp da beo" (gọi như vậy vì quân đội Bắc Việt đóng rải rắc khắp nơi như những đốm khoang trên da beo). Nếu chia đôi một lần nữa, biên giới Miền Nam sẽ nhỏ hẹp hơn nhiều, một phần lớn đã có bờ biển bao bọc nên vấn đề biên phòng tương đối dễ dàng hơn là giữ một biên giới dài gần 700 dậm (1.100 cây số)

Trả lời câu này cũng dễ. Có lần chúng tôi hỏi một tướng lãnh Hoa kỳ (nay đã về hưu) tại sao như vậy? Không cần suy nghĩ, ông ta trả lời ngay: "Ấy chết, Mỹ vào thì có bốn Quân Khu, chiến đấu 10 năm với trên nửa triệu quân, lúc ra đi lại chỉ còn có hai Quân Khu hay sao?" Chẳng lẽ giống như Pháp hồi 1954, sau khi bại trận ở Điện Biên Phủ? Ông cho rằng Mỹ sẽ mất mặt nếu phải đi tới giải pháp chia đôi lãnh thổ Miền Nam một lần nữa.

Để có một Hiệp định: Điều đình trong gian dối.

Thời gian qua nhanh, chẳng mấy lúc lại đã tới bầu cử Tổng thống tại Hoa kỳ. Khi ra ứng cử lần đầu (1968), ông Nixon đã hứa là sẽ giải quyết chiến tranh Việt nam một cách tốt đẹp và với danh dự (giống như lập trường ông John Kerry về chiến tranh Iraq trong kỳ bầu cử năm 2004). Nếu đến lúc vận động tái cử mà chiến tranh vẫn chưa chấm dứt thì làm sao ăn nói với nhân dân cho được?

Vì không thành công trong việc điều đình với Bắc Việt, Nixon-Kissinger quay sang điều đình với Miền Nam, nhưng là điều đình trong gian dối.

Ngày 17 tháng Tám, 1972, vào lúc sắp có Đại hội đảng Cộng hoà ở Miami (22 tháng Tám) để đề cử ứng viên Tổng thống, phái đoàn Kissinger tới Sài gòn thảo luận. Màn bi kịch 1968 lại tái diễn. Nhưng lần này thủ lãnh không phải là Johnson mà là Nixon; đạo diễn không phải Bunker mà là Kissinger. Đặc biệt là áp lực từ phía Nixon lại đảo ngược 180 độ: không phải khuyên ông Thiệu chống dối đàm phán mà là nên chấp nhận ngay kết quả của đàm phán. Không phải đừng di Paris mà phải đi Paris ngay để ký kết. Kissinger bắt đầu thuyết phục ông Thiệu với luận điệu rằng Hiệp định này rất tốt cho Miền Nam vì nó sẽ xoa dịu những chống đối chiến tranh, giúp Chính phủ Mỹ tiếp tục yểm trợ Miền Nam.

Thế nhưng, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gian dối của Kissinger, nên ông Thiệu chống đối mạnh mẽ. Đặc biệt là về việc Hoa kỳ đã thay đổi hẳn lập trường về vấn đề rút quân.

Lại theo đường cũ, ông không chịu chấp nhận bản dự thảo Hiệp định.

Vài ngày sau khi Đại hội Cộng hoà tái đề cử Nixon ra nhiệm kỳ hai, Nixon đã ở vào thế mạnh hơn. Ông thuyết phục ông Thiệu một cách lâm ly thống thiết:

The White House

Ngày 31 tháng Tám, 1972.

Thưa Tổng thống,

"Bước vào giai đoạn tế nhị hiện nay của cuộc thương thuyết, tôi muốn quả quyết với Ngài một lần nữa, nhân danh bản thân tôi và một cách dứt khoát về nền tảng sắt đá của lập trường Hoa kỳ: Hoa kỳ đã không kiên trì từ bao lâu nay, với sự hy sinh của bao nhiêu mạng sống người Mỹ, để thay đổi lập trường vào mấy tháng chót của năm 1972. Lúc này đây chúng tôi sẽ không làm điều gì mà ba năm rưỡi trước đây, chúng tôi đã từ chối không làm. Nhân dân Mỹ biết rằng Hoa kỳ không thể mua được hoà bình hay danh dự, hoặc chuộc lại được những hy sinh của mình với cái giá phải trả là bỏ rơi một Đồng minh dũng cảm. Điều này tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm…

"Nhưng nếu ta muốn thành công trong chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình lâu dài này, ta phải hoàn toàn tin nhiệm lẫn nhau… "

Trân trọng

Richard Nixon

Tất cả những thư từ ông Nixon viết cho ông Thiệu là do Kissinger soạn thảo.

Trong thư này, lời lẽ có vẻ tâm huyết: bỏ rơi một Đồng minh là điều mà "tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm". Tuy nhiên, ông Thiệu vẫn tin rằng Nixon-Kissinger chỉ muốn có chữ ký của Việt nam cộng hoà vào bản Hiệp định để Mỹ tháo lui cho đẹp. Nhằm làm sáng tỏ vấn đề, ngày 26 tháng Chín 1972, ông còn cho phía Mỹ biết rằng ông "sẽ công khai minh xác trước công luận để biện hộ quan điểm của Việt nam cộng hoà"(14).

Không được! Ông Nixon đang ra tranh cử nhiệm kỳ hai và ngày bầu cử Tổng thống đã gần kề. Nếu có gì trục trặc về hoà bình là nguy to. Hồi 1968, chính Nixon đã xúi Sài gòn gây ra trục trặc đó để đánh bại Humphrey. Bây giờ Nixon đã có kinh nghiệm bản thân, đâu để xảy ra như vậy được. Thuyết phục mãi không thành công, cuối cùng Nixon lại dùng đến áp lực. Nhưng để cho áp lực có hiệu quả, trước hết là phải áp đảo tinh thần ông Thiệu: đảo chánh.

White House

Ngày sáu tháng 10, 1972

Thưa Tổng thống,

"Tôi yêu cầu Ngài áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968… ".

Trân trọng

Richard Nixon

Biến cố năm 1963 là đảo chánh và ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm. Còn biến cố 1968? Nixon đã nhắc khéo tới sự việc xảy ra sau cuộc bầu cử năm 1968 (ông Thiệu tháu cáy giúp Nixon thắng cử) làm Chính phủ Johnson phẫn nộ, định lật đổ ông trước khi Nixon nhậm chức vào tháng Giêng 1969 (xem Chương I). Hồi đó, Nixon và Kissinger nghe biết, đã cực lực phản đối và cứu được ông Thiệu. Bây giờ lại đến chính họ theo con đường này (15). Về việc cứu ông Thiệu năm 1969, sau này Kissinger còn tế nhị nhắc tới trong một bức thư ông gửi cho ông Thiệu vào đầu năm 1980: "Giá như ý định của Tổng thống Nixon và của tôi là phản bội Ngài, thì chúng tôi đã có thể làm như thế hồi đầu năm 1969 rồi" (16).

Trở lại áp lực để ký Hiệp định Paris, ngày 21 tháng 10, 1972, hai chuyên viên trong Hội đồng an ninh quốc gia là Roger Morris và Tony La ke viết cho Kissinger một phúc trình, trong đó có nói tới các phương cách lật đổ ông Thiệu. Sau này Morris xác nhận: "Tôi bảo Tony rằng hai đứa mình phải cho Henry (Kissinger) hiểu rõ là ta sẵn sàng thanh toán Thiệu" (17).

Đòn phép từ Toà Bạch Ốc tới Đinh Độc Lập Chiến lược của Nixon-Kissinger đối với Việt nam cộng hoà để đòi hỏi phải chấp nhận Hiệp định được gọi là "cái gậy và củ cà rốt". Như người cái trên lưng con lừa, một tay cầm cái gậy và tay kia, củ cà rốt. Nếu lừa không chịu đi, đã có cái roi; nếu ngoan ngoãn đi thẳng thì có củ cà rốt lủng lẳng trực mắt:

White House

Ngày 16 tháng 10, 1972

Thưa Tổng thống,

"Riêng đối với tôi thì điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định, ngoài những khía cạnh quân sự của nó, là Chính phủ ngài, quân lực và những định chế chính trị của VNCH sẽ còn nguyên vẹn sau khi cuộc ngưng bắn được tôn trọng. Trong thời kỳ tiếp theo sau đình chiến, Ngài có thể hoàn toàn an tâm là chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Chính phủ của Ngài sự yểm trợ đầy đủ nhất, kể cả viện trợ kinh tế và bất cứ viện trợ quân sự nào phù hợp với những điều khoản đình chiến của Hiệp định này.

"Ý định của chúng tôi là quyết tâm tôn trọng những điều khoản trong Hiệp định và những thoả thuận ký kết với Hà Nội, và tôi biết đó cũng là thái độ của Chính phủ Ngài. Chúng tôi đòi phải có đi có lại, và đã cảnh giác cho cả họ lẫn các Đồng minh chủ chốt của họ biết rõ như thế. Tôi xin cam kết với Ngài rằng bất cứ một sự bội tín nào về phía họ cũng sẽ bị chúng tôi lên án khắt khe nhất và nó sẽ có những hậu quả trầm trọng nhất.

Trân trọng

Richard Nixon

Ký thư xong, Nixon lại còn viết tay thêm:

"Tiến sĩ Kissinger, Tướng Haig và tôi đã bàn bạc rất kỹ về đề nghị (hoà bình) này. Tôi tin chắc ràng đó là giải pháp tốt nhất chúng ta có thể đạt được, và cũng là giải pháp đáp ứng được điều kiện tuyệt đối của tôi, là Việt nam cộng hoà phải được tồn tại là một quốc gia tự do…" (ký tắt) RN.

Độc giả lưu ý là ở đoạn này, chính Tổng thống Nixon đã gạch chân dưới chữ tuyệt đối.

Đó là củ cà rốt trong thông điệp do chính Kissinger mang sang Sài gòn đưa cho ông Thiệu. Những cuộc tranh luận giữa hai bên tại dinh Độc Lập lúc đó đã diễn ra trong bầu không khí hết sức căng thẳng (18). Phía Việt nam cộng hoà nhất định không chấp nhận bản dự thảo Hiệp định.

Tuy bên trong là vậy, nhưng ngày 26 tháng 10, khi về tới Washington, Kissinger vẫn họp báo và tuyên bố câu lịch sử "Hoà bình đang trong tầm tay" (peace is at hand). Washington và Sài gòn chấn động. Đây là bất ngờ về ngoại giao thứ ba của Kissinger.

Vì khi ánh sáng của hoà bình chiếu rọi, hào quang của Nixon-Kissinger chiếu sáng theo. Không tới hai tuần sau, ngày bảy tháng 11, 1972, Nixon đã thắng cử nhiệm kỳ hai. Sự thành công của ông được người Mỹ gọi là "long trời lở đất" llld~lide). Đại đa số nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ông: 60.7% so với 37.5% cho Mcgovern. Đây là số phiếu cử tri cao thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, và là số phiếu cao nhất mà một ứng cử viên Cộng hoà đã được. Từ Âu sang Á, tiếng tăm ông lừng lẫy.

Té ra viễn tượng hoà bình Việt nam lại một lần nữa đóng góp cho sự thành công của Nixon, và đưa đồ đệ của ông lên đài danh vọng. Nhưng chiêu bài "hoà bình" đã dược vận dụng một cách trái ngược nhau trong hai lần tranh cử. Lần thứ nhất (1968) thì hoà bình ngoài tầm tay; lần thứ hai (1972): hoà bình đang trong tầm tay.

Dù rằng Tổng thống Nixon chưa bắt đầu nhiệm kỳ hai, nhưng bầu cử xong là mọi việc cũng xong. Ngay từ lúc dọn vào toà Bạch Ốc, cả Nixon lẫn Kissinger đều muốn giải quyết vấn đề Việt nam cho dứt điểm. Muộn lắm là nội trong nhiệm kỳ đầu. Làm thế nào để còn hái được nhiều thành quả ngoại giao khác vào nhiệm kỳ hai. Nixon muốn chú trọng vào việc bang giao với Trung Cộng và Liên Xô. Kissinger thì muốn hướng về Âu châu và Trung Đông nên ông gọi 1973 là "Năm của Âu châu".

Bầu cử ở Mỹ xong rồi, và nhiệm kỳ thứ hai của Nixon sắp bắt đầu mà tại sao ông Thiệu vẫn chưa chịu chấp nhận ký vào Hiệp định? Lý do chính là vì ông còn lo ngại về việc quân đội Bắc Việt tiếp tục ở lại. Để ông Thiệu yên tâm, ông Nixon an ủi rằng đừng có lo nữa, vì chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách là, thứ nhất, cố lồng vào bản Hiệp định một câu nói tới việc tôn trọng vùng phi quân sự (DMZ) và thứ hai, sẽ đề nghị thêm một khoản nói tới việc giải ngũ trên căn bản "bên này giải ngũ một, bên kia giải ngũ một", rồi cho "những người giải ngũ trở về với gia đình họ". Nghe đơn sơ là như vậy.

White House

Ngày 14 tháng 11, 1972

Thưa Tổng thống,

"Còn quan trọng hơn rất nhiều những gì chúng tôi nói trong Hiệp định về vấn đề này là những gì chúng tôi sẽ làm trong trường hợp quân địch tái diễn xâm lăng. Tôi tuyệt đối cam đoan với Ngài rằng: nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp định này, thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt

Trân trọng

(ký) Richard Nixon

Thư đi, thư lại, cũng vẫn chưa xong. Mà năm 1973 lại tới, Nixon doạ nặng hơn, rằng nếu ông Thiệu cứ tiếp tục chống đối và "tách rời" khỏi lập trường của Mỹ thì có thể đi tới thảm hoạ là làm mất đi tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau tranh đấu trong cả một thập niên qua". Và ngược lại:

White House

Ngày 5 tháng 1, 1973

Thưa Tổng thống,

Nếu Ngài quyết định, và tôi tin tưởng Ngài sẽ quyết định, tiếp tay với chúng tôi, tôi xin bảo đảm vời Ngài rằng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ Ngài trong giai đoạn hậu chiến, và chúng tôi sẽ trả đũa bằng toàn thể sức mạnh của Hoa kỳ nếu như Bắc Việt vi phạm Hiệp định. Cho nên, một lần nữa, tôi xin kết thúc thư này bằng lời kêu gọi Ngài hãy sát cánh với chúng tôi".

Trân trọng

(ký) Richard Nixon

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:49:40 am »

Khi ngày đăng quang nhiệm kỳ đã gần kề, chỉ còn một tuần lễ nữa, Nixon giơ cái gậy thật to (19):

White House

Ngày 14-1-1973

Thưa Tổng thống,

"Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23 tháng 1, và sẽ ký vào ngày 27 tháng 1, 1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình, trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trờ cho công cuộc vãn hồi hoà bình tại Việt nam.

"Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong Chính phủ của Ngài cũng không thể cứu vãn được…"

Hồi tuyển cử 1968, Johnson sau cùng cũng quyết định là sẽ đơn phương đàm phán với Bắc Việt, nhưng ít nhất là ông còn mở cửa ngỏ, không khoá chặt lại. Johnson tuyên bố là nếu Miền Nam muốn tham gia thì vẫn dược tham gia. Bây giờ Nixon đe là sẽ "công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trở cho công cuộc vãn hồi hoà bình ở Việt nam" rồi sẽ "cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức", và sau đó, "dù có sự thay đổi về nhân sự…cũng không thể cứu vãn được?".

Trong "tự điển chính trị" về mối bang giao Hoa KỲ-VNCH, "thay đổi nhân sự" là câu nói nhẹ, đồng nghĩa với việc đảo chánh. Năm 1963, khi việc chuẩn bị lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đang tiến hành ráo riết, Tổng thống Kennedy, trong buổi phỏng vấn với Waller Cronkite trên đài CBS, đã nhắc tới nhu cầu "thay đổi nhân sự" (20).

Tuy nhiên, khi nào Nixon giơ cái gậy ra, thì ông cũng có đem theo củ cà rốt. Trong cùng một văn thư, Nixon quả quyết:

"Chúng tôi sẽ phản ứng mãnh liệt trong trường hợp bản Hiệp định bị vi phạm:

"Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh tới những cam kết tiếp tục của Chính phủ Hoa kỳ đối với tự do và tiến bộ của VNCH.

"Tôi quyết định sẽ tiếp tục viện trợ đầy đủ kinh tế và quân sự cho VNCH…"

Và rõ ràng hơn nữa:

White House

Ngày 17 tháng 1, 1973.

Thưa Tổng thống,

"Tự do độc lập của nước VNCH vẫn luôn luôn là mục tiêu trọng đại trong chính sách ngoại giao của Hoa kỳ. Tôi đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt cuộc đời chính trị của tôi…

Tôi cả quyết rằng việc từ chối ký bản Hiệp định này sẽ đưa đến việc cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH…

Nếu ngài khước từ ký vào bản Hiệp định, tôi sẽ không còn cách nào giúp đỡ Chính phủ VNCH nữa.

Quốc hội và Dư luận Hoa kỳ sẽ trói chặt tay tôi…

"Tôi đang chuẩn bị gửi Phó Tổng thống Agnew qua Sài gòn để thảo luận với Ngài về mối quan hệ của chúng ta trong thời hậu chiến... Phó Tổng thống Agnew sẽ công khai tái xác nhận những bảo đám tôi đã hứa với Ngài. Tôi xin nhắc lại những cam kết đó như sau:

Thứ nhất, Hoa kỳ công nhận Chính phủ của Ngài là Chính phủ duy nhất hợp pháp ở Miền Nam Việt nam;

Thứ hai, HK không công nhận quyền có mặt của quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ Miền Nam; và

Thứ ba, HK sẽ phản ứng mãnh liệt nếu bản Hiệp định bị vi phạm...

Tôi đang chuẩn bị để họp riêng với Ngài tại San Clemente, Califomia, và lúc dó chúng ta có thể xác nhận lại một lần nữa sự hợp tác giữa chúng ta và những bảo đám của Hoa kỳ...

Tôi cho rằng Ngài có hai lựa chọn chính yếu: một là tiếp tục cản trớ việc ký kết. Đó là hành động có vẻ lẫm liệt nhưng thiển cận; hai là dùng bản Hiệp định như một phương tiện để xây dựng một căn bản mới cho nền bang giao HK-VNCH. Tôi không cần phải nói Ngài cũng biết rõ đây là con đường duy nhất để bảo vệ mục tiêu chung của chúng ta.

Trân trọng,

(ký) Richard M. Nixon

Những lựa chọn được kê ra rõ ràng là như vậy. Dường như ông Thiệu chỉ còn một cách là bám víu: ông gạch dưới và đánh dấu * bên chữ "guarantees" (bảo đảm) ở đoạn trên lá thư, và gạch dưới - hai lần - chữ "U.S.guarantees" (bảo đảm của Hoa kỳ) ở đoạn cuối.

Tuy không phải là một chuyên gia về ngoại giao, nhưng tôi nghĩ trong lịch sử của Hoa kỳ đã chưa có trường hợp nào lại có những áp lực trực tiếp, rõ ràng, cạn tàu ráo máng từ một vị Tổng thống gửi tới một Đồng minh như thế này. Cũng chưa bao giờ có những cam kết mạnh mẽ, dứt khoát, được lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy…

Tới đây thì VNCH nhượng bộ.

Mật đàm đã giúp Hoa kỳ thành công trong việc giải quyết chiến tranh Việt nam nội trong nhiệm kỳ đầu của Nixon. Chỉ chậm có hai ngày:

Ngày 20 tháng 1 năm 1973 là ngày Nixon đăng quang nhiệm kỳ hai.

Ngày 21 tháng 1, Tổng thống Thiệu họp với Đại sứ Bunker để trao văn thư gửi Tổng thống Nixon, thông báo VNCH sẽ ký bản Hiệp định;

Ngày hôm sau Nixon hồi âm:

White House

Ngày 22 tháng Giêng 1973

Thưa Tổng thống,

"Với lòng can đảm và kiên trì, Ngài đã bảo vệ được quyền lợi của dân tộc Việt nam trong công cuộc theo đuổi mục tiêu duy trì tự do và độc lập".

Trân trọng,

Richard M. Nixon.

Trong bầu không khí xám ngắt lạnh lẽo và mưa sụt sùi buổi xế trưa ngày Thứ Ba, 23 tháng Giêng hồi 12 giờ 45, hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã phê chuẩn Hiệp định Paris tại "Trung tâm hội nghị quốc tế", khách sạn Majestic, Đại lộ Kléber. Hai bên giằng co về số trang và so sánh bản chữ "HK" (Henry Kissinger) và ông Lê Đức Thọ ký vỏn vẹn một họ". Kissinger dùng một số bút mực và tặng cho bộ tham mưu của ông mỗi người một cái. Lê Đức Thọ thì đưa bút của mình cho Kissinger "để nhắc Hoa kỳ về việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định này" (20). Vừa ký xong, Kissinger vội bay về Washington.

Ngày 27 tháng Giêng, Ngoại trưởng Mỹ William Rogers, Ngoại trưởng Việt nam cộng hoà Trần Văn Lắm đồng ký.

Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực.

Khi mọi việc đã êm đẹp, có phóng viên UPI là bà Helen Thomas muốn tò mò hỏi xem Kissinger làm gì vào chính lúc ông Rogers đặt bút xuống ký. Vì múi giờ khác nhau, 11 giờ sáng bên Paris là năm giờ sáng tại Washington. Văn phòng báo chí của Kissinger trả lời: "Hãy làm tình, dừng đánh nhau" (Make love not war).

Chú thích

(1) Xem "Nixon's Secret Agent", TIME (Magazine), 7 tháng 2, 1972.

(2) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 24-5-1985.

(3) Về việc Tổng thống Eisenhower nói tới thuyết Domino: xem Public Paler of The Presidents: Dwight D. Eisenhower, 1954 (Government Printing Office, 1960), trang 383.

(4) Xem Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, chương 3, 5 và 6, 9.

(5) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 148, 158; Hưng và Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập.

(6) Diễn văn của Nixon ngày 14-5-1969: Department of State Bulletin (Washington, 2 tháng 6, 1969); xem thêm: George M. Kahin và John W Lewis, The United States in Vietnam, trang517-524.

(7) Marvin Kalb and Bemard Kalb, Kissinger, trang 158.

(Cool Richard Nixon, Memoiry trang 568-569.

(9) Xem bài của Elaine Sciolino "Tài liệu (vừa có) đã đối chọi với Kissinger về chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông năm 1971". New York Times, ngày 28 tháng 2, 2002. Trong buổi họp, chính Kissinger đã cho ông Chu biết: "Dù có thương thuyết hay không thương thuyết với Bắc Việt đi nữa, rồi chúng tôi cũng sẽ rút quân ra - một cách đơn phương".

(10) Der Spiegel, Phỏng vấn Tổng thống Thiệu, 1 tháng 12, 1979.

(11) Charles J. Timmes, "Vietnam Summary: Military Operation… ", Military Review, tháng 8, 1976, trang 63-66.

(12) Năm 1974, nhiều nghị sĩ, đặc biệt là ông Kennedy, đã cho rằng, càng có nhiều viện trợ, Miền Nam càng kéo dài chiến tranh. Xem chương 8.

(13) Ý kiến của Đại sứ Graham Martin về khả năng này: xem House of Representatives, Vietnam Evacuation: Testimony of ambassador Graham Martin, trang 539.

(14) VNCH, Giác thư gửi Chính phủ Hoa kỳ, ngày tháng 9, 1972 (Xem Nguyễn Tiến Hưng và Jenold Schecter, The Palace File, Phụ lục B).

(15) Xem Chương 2.

(16) Thư của Henry Kissinger gửi Tổng thống Thiệu, đầu năm 1980.

(17) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 128.

(18) Xem thêm: Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, Chương 5.

(19) United States-Vietnam Relations, Tài liệu do Bộ Quốc phòng Hoa kỳ soạn thảo, Quyển 3/12, trang 23.

(20) Trích trong bài của Hồng Hà, Đài Phát Thanh Hà Nội, ngày 27 tháng 1, 1974, JPRS 61277, ngày 20-1-1985.
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:50:07 am »

P1 - Chương 4
Lui vào bóng tối

"Ngày Quân Lực" năm đó được tổ chức hết sức linh đình. Xe tăng, đại pháo, mọi quân, binh chủng với quân phục mới tinh, oai hùng diễn hành trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Trên bầu trời, máy bay phản lực F-5 tung cánh sắt, lướt trên ngàn mây gió. Rõ ràng là hình ảnh của một Chính phủ, một quân đội đầy tự tín trên con đường xây dựng hoà bình, thịnh vượng.

Trước đấy, Tổng thống Nixon đã gửi đại diện sang Việt nam để gây ấn tượng cho tình đoàn kết giữa hai nước. Chỉ ba ngày sau Hiệp định, đài truyền hình Việt nam có phóng sự đặc biệt: Phó Tổng thống Spiro Agnew thăm viếng Sài gòn. Hôm đó là ngày 30 tháng Ba, 1973. Khi tới phi trường Tân Sơn Nhứt, vị quốc khách được đón tiếp linh đình. Hết sức ca ngợi Tổng thống Thiệu, ông Agnew nhắc tới lập trường Hoa kỳ là tiếp tục ủng hộ một Đồng minh trung thành của mình.

Dân chúng miền Nam thấy lên tinh thần. Sao mà nhanh thế? Vừa có đình chiến xong là đã có Phó Tổng thống Mỹ sang ủng hộ. Buổi chiều, phần tin tức hấp dẫn trong ngày được chiếu đi chiếu lại.

Bên ngoài thì rầm rộ lạc quan như thế, nhưng thực ra, bên trong hậu trường lại khác. Chuyến viếng thăm của ông Agnew đã báo hiệu một điềm dữ. Có cái gì đây chẳng được lành. Không phải là ông Phó Tổng thống đã tuyên bố hay mật đàm chuyện gì có phương hại cho hoà bình, nhưng cái nguy hiểm là những điều gì ông không nói.

Tổng thống Nixon đã hứa trong thư ngày 17 tháng Giêng, 1973 là khi tới Sà gòn, "Phó Tổng thống Agnew sẽ công khai cam kết những gì tôi đã hứa với Ngài…" Thế mà có thấy gì đâu: ngoài phi trường cũng như trong Dinh Độc Lập, chỉ thấy ông Agnew nói một cách chung chung quyết tâm ủng hộ Việt nam cộng hoà của Hoa kỳ. Người ta cho rằng ông chỉ lập lại những điểm gì đã được ông Kissinger soạn thảo sẵn từ Washington trước chuyến đi.

Và rồi chỉ có thế. Nhưng để an ủi Việt nam cộng hoà phần nào. John Negroponte, cố vấn của Kissinger về vấn đề Việt nam, người tháp tùng ông Agnew trong chuyến đi, đã kéo ông Hoàng Đức Nhã ra ngoài hiên sau một buổi họp và nói nhỏ:

- Tôi lấy làm tiếc vì những điều xảy ra mấy tháng trước đây. Chúng tôi biết không thể gây áp lực đối với các ông được, và bây giờ phải làm tất cả những gì có thể làm được để giữ lời hứa" (1).

Thật là khôn: bên ngoài và chính thức thì Phó Tổng thống không nói đến những cam kết nữa, ông Nhã là người đã đứng cạnh Tổng thống Thiệu trong những giờ phút căng thẳng trước Hiệp định Paris. Ông Negroponte sau này được cử làm đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Iraq thời hậu Saddam Hussein. Ông Thiệu kể lại là khi thấy Phó Tổng thống Agnew lờ đi về những cam kết của Tổng thống Nixon: "Tôi đã bắt đầu nghi ngờ Hoa kỳ từ lúc đó…"

Lại tìm củ cà rốt

Càng nghi ngờ, ông Thiệu lại càng sốt ruột. Trước khi ký kết Hiệp định, ông Nixon có hứa mời ông sang Mỹ để "chúng ta có dịp công khai nhắc lại mối hợp tác giữa hai nước và sự cam kết của Hoa kỳ". Sau chuyến viếng thăm của ông Agnew, cuộc họp mặt với Tổng thống Nixon trở nên cấp thiết hơn nữa. Rồi lại nghe tin không hay từ Washington về vụ Watergate. Dinh Độc Lập bối rối, hoang mang. Bây giờ mà không gặp được Nixon ngay là nguy to. Biết đâu vì chính trị nội bộ, cuộc họp lại bị hoãn chăng? Ông Thiệu tìm mọi cách để chuyến đi Mỹ sớm được thực hiện.

Tổng thống Nixon chính thức mời ông Thiệu sang Mỹ họp với ông vào ngày 3-4-1973. Tuy trong thư trước, Nixon đã nói tới San Clemente là nơi họp, nhưng ông Thiệu lại ngỏ ý muốn thăm viếng Hoa kỳ tại thủ đô Washington. Là một nguyên thủ quốc gia, ông muốn được tiếp đón với đầy đủ nghi lễ. Sau cùng, Đại sứ Trần Kim Phượng đã điều đình để ông Thiệu được đón tiếp như một quốc khách ở San Clemente. Việt nam gửi một phái đoàn tiền phong sang Washington để cùng phía Mỹ hoạch định chương trình cho cuộc họp. Hàng không Việt nam thuê một phi cơ 707 của Pan American, sơn cờ Việt nam, chở Tổng thống để tăng phần trang trọng và chủ quyền quốc gia.

Ngoài hồ sơ về viện trợ quân sự, ông Thiệu mang theo hồ sơ kinh tế. Tuy nhu cầu vừa tái thiết vừa phát triển đòi tới cả tỷ đô một năm, nhưng phải thực tế mà đề nghị. Ban Kinh tế Tài chánh (với các ông Phạm Kim Ngọc, Hà Xuân Trừng) đem ra những con số khiêm nhượng. Theo "Chương trình phát triển 1973-1980", Việt nam cộng hoà chỉ yêu cầu Mỹ tiếp tục viện trợ kinh tế 650 triệu đô la (1973) và 780 triệu (1974), rồi giảm dần xuống tới mức không đáng kể vào năm 1980 (95 triệu). Hy vọng là từ năm 1981 trở đi thì Việt nam cộng hoà có thể tự túc tự cường, khỏi phải đi xin xỏ nữa.

Không may là chỉ vài ngày trước khi ông Thiệu lên đường, vụ Watergatc lại vỡ lở lớn. Toà Bạch Ốc lo âu, bối rối vì báo chí đã phát giác: có "nhiều nhân vật cao cấp" trong chính quyền nhúng tay vào việc che chở cho vụ ăn cắp tài liệu của đáng Dân chủ ở toà nhà Watergate..

Ngày 29-3-1975, Tổng thống Nixon buộc phải bãi bỏ đặc quyền hành pháp để xúc tiến vụ điều tra này. Trong tình trạng đó, chuyến công du của Tổng thống Thiệu có thể được ví như một đoạn phim ngừng lại giây lát trước khi những biến cố chính xảy ra. Lúc này đầu óc ông Nixon đã rối bời, còn tâm trí nào mà tiếp đón ông Thiệu!

Tuy nhiên, lễ đón tiếp được cử hành khá trang trọng. Một hàng lính danh dự đứng dàn chào khi ông Thiệu tới San Clemente. Ông Nixon tiếp ông Thiệu trong khuôn viên biệt lập của Casa Pacifica. An ninh được bảo đảm chu toàn vì tư dinh này cách ngăn xa lộ chính, chỉ có một ngả đi vào thì đã được canh phòng cẩn mật. Nếu lái xe từ Orange County xuống San Diego, ta nhìn thấy San Clemente nằm kề bãi cát thoai thoải bên bờ Thái Bình Dương. Trời xanh, mây trắng, khí hậu mát mẻ của miền ôn đới sánh với cái nóng hừng hực ở Sài gòn lúc vào hè. ông Thiệu tuy mệt sau chuyến bay dài, nhưng cũng thấy thoải mái và có hy vọng.

Ông hy vọng Nixon sẽ "công khai tái xác nhận những bảo đảm của Hoa kỳ" như đã hứa ngày 17 tháng 1, 1973. Nhưng ngược lại, chỉ hai giờ đồng hồ sau khi đáp xuống San Clemente, hai phụ tá Tổng thống là Ron Ziegler và Bob Haldeman đã nói ngay với ông Nhã là "sẽ không có bản thông cáo chung giữa hai Tổng thống" sau cuộc họp. Ông Thiệu bàng hoàng, "Họ đối xử với Đồng minh như vậy đấy ư? Nói với họ tôi sẵn sàng trở về Sài gòn, và hãy chuẩn bị phi cơ đi!". Ông Kissinger được thông báo về vụ đổ bể này, vội gặp Nhã và quả quyết: "Đó chỉ là sự hiểu lầm, sẽ có bản tuyên cáo chung" (2).

Bữa tiệc ở dinh Casa Pacifica được coi là quốc yến. Tuy nhiên chưa thấy bao giờ quốc yến để khoản đãi vị nguyên thủ một quốc gia Đồng minh mà lại chỉ vỏn vẹn có mười hai người tham dự, kể cả chủ và khách. Lý do phía Mỹ đưa ra là "không đủ chỗ ngồi". Trong bữa cơm, ông Thiệu cố nhá miếng bít tết dày cộm khó tiêu để khỏi phụ lòng chủ nhân. Về sau ông nghe chuyện báo chí chỉ trích ông Nixon là đã đãi ông Thiệu bít-tết trong khi giá thịt bò đang leo thang, ông phàn nàn "tôi đâu có muốn ăn thịt bò". Phái đoàn tiền phong của Việt nam đã không được hỏi ý kiến trước về thực đơn.

Sau bữa ăn tại tư dinh ông Nixon, phái đoàn Việt nam có muốn đáp lễ bằng một bữa tiệc ở khách sạn Century Plaza ở Los Angeles. Nhưng phía Mỹ từ chối vì lý do an ninh. Ông Kissinger sau này viết lại trong hồi ký của ông là trên thực tế, ông ta sợ "biểu tình và không đủ số người dự tiệc" (3).

Đối với ông Thiệu, điểm đặc biệt của chuyến công du là lối tiếp tân thân mật của ông Ronald Reagan, thống đốc Calilornia tại khách sạn Beverly Wilshire. Trước đây, ông Thiệu đã tiếp đón ông Reagan nồng hậu khi ông viếng thăm Sài gòn. Hồi đó, ông có tặng ông Reagan một cái ngà voi và nói đùa với ông ta: "Một ngày nào đó, Ngài sẽ lên voi".

Không ngờ mà lại thành sự thật. Tổng thống Reagan thành công vẻ vang trong cả hai nhiệm kỳ.

Trong buổi tiếp tân hôm ấy có mặt hai tài tử nổi tiếng là Zsa Zsa Gabor và John Wayne. John Wayne có cảm tình ngay với ông Thiệu và cố làm cho ông vui, mặc dù có biểu tình phản chiến ngay trước khách sạn. John Wayne vừa nói đùa với ông Thiệu vừa lấy tay làm cử chỉ như người nắm lấy hai thanh niên biểu lình, giơ cao lên và đập đầu vào nhau: "Ông có biết tôi sẽ làm gì không? Tôi sẽ tóm cổ tụi nó và xách đi như trong phim xi-nê vậy" (4).

Khi cuộc họp chấm dứt là tới lúc công bố bản thông cáo chung của hai bên. John Holdridge thuộc Hội đồng Cố vấn an ninh và phụ tá H. R. Haldeman lại giở giọng: không muốn nói rõ ràng chi tiết về viện trợ kinh tế. Phía Việt nam muốn ông Nixon hứa hẹn cho rõ. Ông Nhã hồi tưởng lại: "Chúng tôi phải tranh đấu từng gang tấc cho bản thông cáo này". Cuối cùng còn vài phút trước khi họp báo, phía Hoa kỳ nhượng bộ.

Ông Thiệu kể lại là lúc Tổng thống Nixon tạm biệt để tiễn ông lên trực thăng ra phi trường, hồn vía ông ta như ở đâu đâu. Trực thăng vừa cất cánh, ông đã quay gót trở lại, vội vã đi vào nhà. Ông Thiệu nhớ lại những lần trước gặp Nixon ở Sài gòn hoặc ở đảo Midway năm 1969, lễ nghi tiễn biệt đã kéo dài, ông ta vui vẻ giơ tay vẫy thật lâu (5). Tuy linh cảm là có chuyện khó khăn, ông Thiệu cũng đã có được sự tái xác nhận về những cam kết yểm trợ Việt nam cộng hoà. Một tháng sau khi trở về, vào ngày 20 tháng Năm 1973, ông ra Quốc hội công bố những biện pháp "Tái thiết kinh tế hậu chiến". Mục tiêu đề ra là tới năm 1980 thì Việt nam cộng hoà sẽ phát triển tới mức tự túc, tự cường. Ông nói là trong vòng bảy năm tới, với viện trợ Hoa kỳ đầy đủ, Miền Nam sẽ dốc toàn lực vào lãnh vực kinh tế và phát triển xã hội. Nghe phấn khởi quá, các nghị sĩ, dân biểu đứng lên vỗ tay rần rần, nồng nhiệt hưởng ứng.
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:50:55 am »

Viện trợ lại thành con tin

Ngày 29 tháng Ba, 1973, nhóm tù binh Mỹ cuối cùng rời Hà Nội. Tưởng rằng vậy là xong xuôi, ngờ đâu lại có tin Kissinger sắp đi Paris để "đàm phán" thêm. Ông Thiệu càng nghi ngờ chắc lại sắp có chuyện gì đây. Y như năm 1968, Nixon vừa lên ngôi lần thứ hai là lại trở mặt. Kissinger sắp đàm phán với phái đoàn Bắc Việt một "Thông cáo" (Commumqué) về việc thực thi Hiệp định đình chiến. Một lần nữa, mối giây liên lạc Mỹ-Việt rơi vào khủng hoảng. Hiệp định Paris ký rồi, bây giờ Mỹ lại bắt nhượng bộ thêm? Theo như "thông cáo", một sự kiện ít ai để ý tới, là Bắc Việt lại có quyền di chuyển quân dụng qua vùng Phi quân sự (DMZ).

Ông Thiệu cho rằng trong suốt thời gian tranh đấu tại hoà đàm, Bắc Việt chỉ nhượng bộ một điểm là không chuyển quân qua vùng Phi Quân Sự. Giờ đây, chỉ bốn tháng sau, Kissinger lại qua Paris và nhường thêm điểm chót. Ông Thiệu chua chát hỏi lại: làm sao quân dụng như xe tăng, tàu bò có thể đi qua vùng DMZ mà không có "tài xế" và "nhân viên" bảo trì đi coi?" Và khi nhượng điểm chót này, vĩ tuyến thứ 17 không còn là ranh giới rõ rệt của miền Nam nữa.

Thế là viện trợ lại trở thành con tin. Lời đi tiếng lại giữa hai ông Nixon và Thiệu vào giai đoạn này còn gay gắt hơn lúc Tuyển cử xong rồi, Washington đã rảnh tay, hết lo Sài gòn chống đối. Ngày 21 tháng Năm 1973 (tức ngày 22/5 giờ Sài gòn), Tổng thống Nixon gửi Phụ tá Ngoại trưởng William Sullivan sang Sài gòn mang theo một mật thư.

Sao mà quá bén nhậy: vừa đúng hai ngày sau khi ông Thiệu đưa chương trình tái thiết ra Quốc hội, Nixon đã đem ngay "kế hoạch kinh tế dài hạn Ngài vừa công bố" ra mặc cả.

Ông viết:

White House

Ngày 21 tháng Năm 1973

Thưa Tổng thống,

"Khi ở San Clemente, tôi đã nói với Ngài về việc xin Quốc hội Hoa kỳ viện trợ đầy đủ nó khó khăn như thế nào. Tuy nhiên tôi cũng đã nói với Ngài là chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực để không những xin đầy đủ viện trợ cho nhu cầu hiện tại của Việt nam cộng hoà, mà còn yểm trợ cho nhũng kế hoạch kinh tế dài hạn mà Ngài vừa công bố. Nỗ lực này đang tiến hành tốt đẹp và được đặt vào ưu tiên hàng đầu….

Nhưng tôi thẳng thắn khuyên cáo Ngài rằng chỉ có mối bất đồng nhỏ nhoi giữa chúng ta trong tình thế này cũng đủ làm tiêu tan nỗ lực trên. Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ cân nhắc kỹ lưỡng điều trên khi đọc lá thư này.

Trân trọng

(ký) Richard Nixon

Khi ông Thiệu vẫn không đồng ý ký vào bán thông cáo, Nixon đi đến chỗ quyết liệt:

White House

Ngày 6 tháng 6, 1973

Thưa Tổng thống,

"Quyết định mà Ngài phải làm là chỉ thị cho đại diện của Ngài đi Paris để cùng với Tiến sĩ Kissiger ký vào Thông cáo như hiện trạng…, hoặc ngược lại, Ngài không chịu ký, huỷ bỏ Hiệp định, và chịu hậu quả thảm khốc không thể tránh được….

Đó là sự nhận định tình hình trung thực của tôi, sự lựa chọn thật rõ ràng…

Tôi tin tưởng ở sự hiểu biết bao quát của Ngài về những quyền lợi chung của chúng ta và sẵn sàng trả lời thuận trước 12 giờ trưa ngày 7 tháng 6, giờ Sài gòn".

Trân trọng,

(kí) Richard M. Nixon

Ông Thiệu viết thư trả lời Nixon, giải thích tại sao phía VNCH không chấp nhận được. Trong khi đó, ông cho báo chí ở Sài gòn bình luận rộng rãi về bản Thông cáo là rất bất lợi cho VNCH.

Vừa nhận được thư, Nixon hồi âm cùng một ngày :

White House

Ngày 7 tháng 6, 1973

Thưa Tổng thống,

Tôi không thể lường đoán nổi hậu quả quyết định của Ngài trước Quốc hội và công luận Hoa kỳ. Hậu quả đó chắc chắn sẽ bất lợi cho Ngài và có thể gây tai hoạ. Tôi rất tiếc và buồn phiền khi thấy công cuộc mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ rất nhiều nay bị sụp đổ như thế này.

Xin Ngài trả lời cho chúng tôi trước 8 giờ sáng ngày 8 tháng 6, giờ Paris để tiện tiến hành".

Trân trọng

(kí) Richard M. Nixon

Đọc tới chữ "tai hoạ", ông Thiệu phê ở ngoài lề bức thư: "Chúng ta phải chuẩn bị cẩn thận cho biến cố này".

Thế rồi trong văn thư đề ngày 8 tháng 6, 1973 trả lời ông Nixon, ông Thiệu vẫn nói là phía VNCH đồng ý để Hoa kỳ và Bắc Việt ký kết với nhau trên nguyên tắc, rồi sau đó hai bên sẽ kêu gọi (appeal) cả Chính phủ VNCH và Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời (CMLT) chấp hành những điều khoản của bản Thông cáo.

Không được, Tổng thống Nixon đã phản ứng ngay. Ông Thiệu đang ngủ khi Văn phòng đánh thức ông dậy: có thông báo khẩn cấp. Lúc 2 giờ đêm, Ngoại trưởng Trần Văn Lắm chuyển cho ông một phiếu trình, kèm theo một thư mới của Tổng thống Nixon gửi cùng ngày (8 tháng 6, 1973): Việc gì gấp rút đến nỗi chính Phó Đại sứ đã đến tận nhà để đánh thức ông Ngoại trưởng dậy! Ông Lắm phải chuyển ngay giữa đêm để còn kịp đối phó, vì trong thư, ông Nixon tỏ ra hết sức cứng rắn. Cùng một ngày, mồng 8 tháng 6, (9 tháng 6, giờ Sài gòn) Nixon lại gửi một thông điệp nữa:

White House

Ngày 8 tháng 6, 1973

Thưa Tổng thống,

Nếu cuộc thương thuyết này thất bại thì sẽ có sự đối chất giữa hai bên. Tôi sẽ bác bỏ lý do không chịu ký kết của Ngài và tôi sẽ công khai tố cáo Ngài đã cản trí việc đi tìm một giải pháp cho hoà bình….

Rất có thể Quốc hội sẽ ngưng viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế cho đến khi Ngài chịu ký…

Tôi cần sự chấp thuật của Ngài để kịp chỉ thị cho phái đoàn Hoa kỳ ở Paris trước 7 giờ sáng ngày 9 tháng 6, giờ Paris…"

Trân trọng,

(kt) Richard M. Nixon

Ông Thiệu đọc lá thư cẩn thận. Ông phê nhiều điểm loằng ngoằng, bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, Pháp vào phiếu chuyển thư của Đại sứ Whitehouse để Hội đồng an ninh quốc gia làm việc: "Unbalanced and Unjust" (không quân bình và bất công). Ông còn viết thêm bằng nét bút chì đậm: … Hoa kỳ để VNCH với "no choice" (không có lựa chọn nào tốt hơn)… để tỏ ra xây dựng và thiện chí, nhận những tối đa, chứ không nói "không" một cách thẳng thừng" (ông viết tắt lên văn bản: "chữ O nói NON Flatly", chữ O hay "phi" có nghĩa là "không".

Và cứ như vậy, thư đi, thư lại trong bốn ngày từ mồng 8 tới 11 tháng 6, lời lẽ mỗi lúc một căng thẳng hơn. Tới ngày 13 tháng 6 thì thời hạn chót đã tới. Một tối hậu thư được tống đạt:

White House

Ngày 13 tháng 6, 1973

Thưa Tổng thống,

Lá thư của Ngài đề ngày 12 tháng 6, là một đòn giáng mạch vào tình bằng hữu, sự tương kính và quyền lợi chung của chúng ta.

"Nếu Ngài lựa chọn đường lối này, thì chính là Ngài đã vạch ra chính sách trong tương lai của Hoa kỳ đối với Việt nam rồi. Tôi sẽ bắt buộc chịu ý Quốc hội và công luận Hoa kỳ chỉ yểm trợ chút ít những nhu cầu có tính cách nhân đạo cho nhân dân miền Nam và, trên căn bản công bình đi nữa, tôi sẽ bỏ qua những quyết định và nhiệm vụ khó khăn để yểm trợ quân sự và kinh tế (cho VNCH) như chúng ta đã thảo luận ở San Clemente.

"Đây không còn phải là vấn đề của người đi thương thuyết, hay của một luật gia, hay chuyên gia nữa. Đây là vấn đề trước tiên giữa tôi và Ngài. Sự lựa chọn là do Ngài.

"Xin Ngài hiểu cho rằng, tôi sẽ nói tất cả những sự dè dặt, những điều cần sửa đổi thêm, trì hoãn, hay những hành động đính lạc hướng ra ngoài (chỉ) một việc là đồng ý ưng, thuận, (tôi sẽ coi đó) là một quyết định trực tiếp và cố tình của Ngài để chấm dứt mối tình giao hiện hữu giữa hai Chính phủ Hoa kỳ và VNCH "

Trân trọng,

(kt) Richard M. Nixon

Ông Nixon đã khoá chặt lại cái tủ của ông Thiệu. Câu giờ, lánh né, mưu lược, xoay xở đã tới lúc vô hiệu. Lời lẽ hăm doạ cay đắng lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Chẳng bù cho những thông điệp nhẹ nhàng, ve vãn lúc tuần trăng mật do bà mối Anne Chennault chuyển vào mùa thu 1968. Nó đầy sức quyến rũ, thuyết phục.

Ông Thiệu phê vào bên lề câu cuối cùng:

"Quá đáng! Ông nói chứ tôi hoặc ND VNCH (Nhân dân Việt nam cộng hoà), hay ND USA (nhân dân Hoa kỳ) nào có quan niệm như vậy"(6).

Đây là bức thư cuối cùng của Tổng thống Nixon. Câu ông Thiệu phê như trên cũng là cảm nghĩ cuối cùng của ông về hành động của Nixon-Kissinger.

Bản Thông cáo được ký kết vào lúc 4 giờ chiều ngày 13 tháng 6 tại Paris. Về phương diện lãnh thổ, biên giới của Miền Nam đã trở nên lu mờ. Trên thực tế, nó không còn nữa.

Lùi vào bóng tối

Mọi chuyện sắp xếp cho hoà bình Việt nam như vậy là xong. Kissinger vội vã bay về Washington để còn theo đuổi những tham vọng khác.

Ngày 22 tháng 8, 1973 Kissinger lên chức Bộ trưởng ngoại giao thay ông Rogers;

Gần hai tháng sau đó, Hiệp định Paris lại mang tới cho ông vinh dự của giải thưởng Nobel về Hoà Bình (Việt nam); và như vậy, thay vì nói "Hoà bình đang trong tầm tay" (Peace is at hand) nhẽ ra ông phải nói "Hoà bình đang trong tầm tay của tôi"; và thay vì tuyên bố đã có "Hoà bình và danh dự", ông nên tuyên bố: "Hoà bình và danh dự cho tôi" thì mới đúng.

Về phía VNCH, từ giờ phút này đã trở nên cô thân cô thế, chỉ còn hy vọng rằng đã chịu đấm thì được ăn xôi, rằng những cam kết tại San Clemente sẽ được tôn trọng.

Thế nhưng, San Clemente chỉ là trạm dừng chân của Tổng thống Thiệu trước khi ông rời khỏi trọng tâm chú ý của Hoa kỳ.

Kể từ khi ký xong Bản Thông Cáo, hai ông Nixon và Kissinger hầu như đã chôn vùi Miền Nam vào dĩ vãng. Trước đó, khi có nhu cầu thì chỉ trong thời gian từ 31 tháng 1, 1971 tới 13 tháng 6, 1973, ông Nixon đã viết cho ông Thiệu tới 27 bức thư. Từ lúc đó cho tới khi ông từ chức (ngày 8 tháng 8, 1974) thì tuyệt nhiên không còn thư từ, thăm viếng, trao đổi gì nữa. Lời ông Winiam Sullivan, Phụ tá Thứ Trưởng ngoại giao tóm tắt về quan điểm của Hoa kỳ lúc ấy: "Chúng tôi hy vọng rằng Dông Dương sẽ lui vào chỗ của nó trong bóng tối, và nó xứng đáng như vậy(7)".

Chú thích:

(1) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 13-5-1985.

(2) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 23-7-1985.

(3) Henry Kissinger, Years of Upheaval, trang 310.

(4) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 23-7-1985.

(5) Phỏng vấn Tổng thống Thiệu, ngày 4-4-1978.

(6) Phỏng vấn Tổng thống Thiệu, ngày 4-4-1978

(7) N.T. Hưng and Jerrold Schecter, The Palace File, p.170.

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2008, 06:42:50 pm »

P2 - Chương 5
THÂN PHẬN TIỂU QUỐC
 Tự túc tự cường

Vào lúc tám giờ sáng ngày 28 tháng Giêng 1973, từng đợt rồi lại từng đợt, tiếng còi tàu Hải Quân Việt nam dọc cảng Sài gòn rú lên, xé tan màn sương buổi ban mai. Khi còi ngưng, chuông nhà thờ lại tiếp theo, ngân vang khắp đó đây, làm tăng thêm bầu không khí náo nhiệt của đô thành ngày hôm ấy.

Dù chẳng biết thực hư ra sao, ta cứ ăn mừng đi đã. Hiệp định Paris ký rồi, chiến tranh chấm dứt. Từ góc đường Phan Đình Phùng khu Đa Kao, đài phát thanh phóng ra bài ca oai hùng "Việt nam, Việt nam nghe từ vào đời". Nhiều nhà mở loa cho lớn, dường như muốn át đi tiếng ca ai oán vẳng lên từ radiô nhà bên cạnh: "Anh trở về trên đôi nạng gỗ… anh trở về dang dở đời em…" Hy vọng rằng từ nay, những chiếc băng ca không còn phải chở về trên trực thăng sơn mầu tang trắng.

Dân chúng đô thành tạm gác mọi nỗi lo âu sang một bên. Không khí ở những quán cà phê trở nên nhộn nhịp. Lệnh giới nghiêm nửa đêm chỉ được thi hành một cách lỏng lẻo và phòng trà đã bắt đầu mở cửa lại. Nha Du Lịch sửa chữa khách sạn Majestic, làm thêm một quán ngoài vỉa hè quay ra bờ sông, hết sức thơ mộng. Chiều chiều, giới phong lưu cũng như ái nữ của các nhân viên ngoại giao và du khách ngả mình trên những ghế võng mây mới mắc, uống chanh soda và nước dừa còn tươi, trông như một cảnh ở Hawaii. Bên kia đường, sông Sài gòn lặng lẽ trôi. Tiếng đại bác không còn vọng lại nữa, và hoả châu cũng thôi loé sáng trong đêm tối. Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh sầm uất, tiếng nói ồn ào của thực khách xen lẫn với những tiếng cười ròn rã, tiếng chuông rung từ những chiếc xe bán đồ rong trên bến; mùi khô mực nướng và mùi nước mía vừa mới cứ quyện lẫn vào nhau, làm cho không khí thêm mời mọc, hấp dẫn.

Lại một lần nữa viễn ảnh hoà bình ló rạng. Và cứ thế, Hiệp định Paris được các cơ quan truyền thông của Chính phủ mô tả như một thắng lợi cho Việt nam cộng hoà. Khác với Hiệp định Genève Pháp ký năm 1954 sau thất bại Điện Biên Phủ; đàng này Việt nam cộng hoà đâu có thất bại? Ban Tâm Lý Chiến trận đài đồng ca: "Cờ bay cờ bay trên thành phố thân yêu". Tại Mỹ, các báo chí đăng hàng tít lớn "Hoà bình với danh dự" Đài VOA cứ vậy mà phát sóng. Biết đâu, biết đâu đấy một trang sử mới đã được mở ra rồi.

Thế là đã tới thời hậu chiến?

Bây giờ nhiệm vụ chính yếu là củng cố xã hội và tái thiết kinh tế. Về xã hội, việc bức xúc là hiệu năng của nền hành chính. Để hỗ trợ công tác này chương trình "Cải tổ hành chánh" được đề ra. Ông Quách Huỳnh Hà, người được giao trách nhiệm, đã cùng với sự tham gia tích cực của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đôn đốc việc cải tổ. Công chức mọi cấp mọi ngành thay nhau đi tham dự các lớp học tập được tổ chức tại trung tâm huấn luyện Vũng Tàu. Trung tâm nằm cạnh bờ biển Long Hải thơ mộng. Các vấn đề được đem ra thảo luận: tản quyền về địa phương, phát triển nông thôn, tay súng tay cày, bài trừ tham nhũng. Toàn là những chủ đề thực tế, hết sức hấp dẫn.

Khối Kinh tế - Tài chính được đốc thúc để đẩy được nền kinh tế đi tới tự túc tự cường. Càng sớm càng tốt. Lúc này cần nhìn thẳng vào thực trạng, xem mặt tốt, mặt xấu, tranh thủ thời gian để uốn nắn lại những bất quân bình của kinh tế vĩ mô. Muốn vậy, cần phải duyệt xét toàn bộ quá trình nền kinh tế để chỉ ra cho đúng những nhu cầu và ưu tiên. Nhìn lại con đường mà nền kinh tế Việt nam đã trải qua trong hai thập niên, tuy nó trắc trở, thăng trầm, nhưng cũng đã có thời điểm khá sáng sủa. Và bên cạnh những tàn phá lại có những xây dựng, phát triển đáng kể, cả về vật chất lẫn con người. Mục tiêu tiến đến tự túc, tự cường, chậm lắm là vào năm 1980 đã không phải là một ảo tưởng.

Thăng trầm của nền kinh tế thời chiến

Thập niên 1960: từ xuất sang nhập.

Thập niên này được Liên Hiệp Quốc tuyên dương là "Thập Niên Của Phát Triển." Nắm lấy cơ hội, các nước Á châu như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Singapore và kể cả Nhật Bản, đã nhảy vọt một bước dài trên đường mở mang kinh tế, xã hội. Họ đã vận dụng nhân lực, lấy đất cảng làm động lực thúc đẩy mở mang kinh tế, thu hút đầu tư và kỹ thuật tiên tiến để cải tiến công nghiệp. Việt nam đã mất cơ hội quý báu đó. Tuy nhiên trong những năm đầu thập niên, tình hình kinh tế còn khá triển vọng. Miền Nam vẫn còn xuất cảng được gạo. Với tổng xuất là 340.000 tấn, năm 1960 đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử kinh tế Việt nam cộng hoà. Từ năm đó, nông thôn bắt đầu thiếu an ninh, xuất cảng gạo xuống dần, và tới năm 1962, còn 85 ngàn tấn. Sau đó, không đáng kể, nhưng vẫn còn là xuất. Từ 1965 trở đi thì xuất đã biến sang nhập, có năm lên tới 760 ngàn tấn. Một trời một vực so với thời tiền chiến. Năm cao điểm là 1939: xuất cảng gạo của riêng Nam Bộ lên tới gần hai triệu tấn. Tới năm 1954 cũng vẫn còn 520.000 tấn (1).

1969-1971: ba năm vàng son.

Khoáng thời gian 1969-1971, tình hình an ninh miền đồng bằng Cửu Long tương đối tốt, cho phép nhiều người nghĩ tới triển vọng kinh tế lâu dài. Đây là khoảng thời gian cao độ của nền đệ nhị Cộng hoà: chương trình "Người Cày Có Ruộng" ra mắt ngày 26 tháng Ba, 1970 đã thành công với dự đoán: gần một triệu mẫu ruộng được phân chia cho nông dân (2). Đúng là cho vì nông dân đâu có trả tiền.

Chính phủ bán công khố phiếu lấy tiền mua lại ruộng đất của điền chú rồi chia cho nông dân. Điền chủ nào có quá 15 mẫu phải bán đất còn lại. Bầu không khí nông thôn náo nhiệt. Mặc dù chiến tranh vẫn còn, nhưng quyền sở hữu ruộng đất có tác động hết sức mạnh mẽ. Đang từ tá điền, bốn triệu nông dân trở thành gia chủ. Nhưng làm tá điền là ăn chắc, còn địa chủ lại phái lo. Việc sở hữu nó có hai mặt: được hưởng trọn vẹn kết quả mình làm ra. nhưng ngược lại, cũng phải gánh vác rủi ro của mùa màng, thời tiết. Người "tân điền chủ" vất vả, lam lũ:

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm…

Người nông dân chăm chỉ làm ăn như vậy nên kết quả trông thấy. Khi chương trình Người cày có ruộng kết thúc vào tháng Ba, 1973, bộ mặt nông thôn đã trở nên sinh động.

Có ông giáo sư Mỹ nói với chúng tôi: "Người nông dân Việt nam toàn là con cháu Adam Smith". Nhà kinh tế người Anh nổi tiếng Adam Smith (thế kỷ 18), được coi như cha đẻ của kinh tế thị trường. Ông đặt động lực cạnh tranh của nền mậu dịch tự do dựa trên quyền tư hữu, là yếu tố căn bản nhất của phát triển kinh tế (3).

Thêm vào đó tà liến bộ kỹ thuật: loại lúa giống IR-3 phát xuất ở Phillippines được đem vào đồng bằng Cửu Long. Ở một số nước hậu tiến khác mà chúng tôi có dịp quan sát tại chỗ khi còn làm việc cho Quỹ tiền Tệ Quốc tế, thật là rất khó nhọc cho nông dân chấp nhận những kỹ thuật mới. Họ không muốn thay đổi cung cách làm việc, bám chặt lấy những phương pháp sản xuất mà họ quen thuộc. Đằng này, dù đã trồng lúa cổ truyền cả vài ba ngàn năm, đến lúc thấy có giống mới, nhân dân miền Nam vội vàng hưởng ứng. Và hưởng ứng rất nhiệt liệt, đặt ngay tên lúa là "thần công". Cứ cho đủ phân bón, lượng nước cho đúng mức là nó lên đầy đồng. Cây lúa không cao như lúa cổ truyền, nhưng bụ bẫm, dẻo dai. Khi có bão tố nó nằm rạp xuống, chờ khi bão qua, lại đứng thẳng lên. Tới mùa gặt mà người ta về Cần Thơ, An Giang xem thì thật là sướng mắt: "Cánh đồng mênh mông, cánh đồng bát ngát, ôi cánh đồng dào dạt lúa thơm nồng".

Đến năm 1971 thì lúa thần nông đã phủ được trên 2,6 triệu mẫu ruộng, bằng 42% diện tích canh tác rồi. Hai động lực này đẩy mạnh sản xuất thóc lên trên bảy triệu tấn, cao hơn năm 1966 là 63%. Nhập cảng gạo lập lức xuống chỉ còn 160.000 tấn. Với đà này thì chẳng mấy lúc nữa là đã đủ gạo ăn và có khi còn dư để xuất cảng (4).

Nhiều quan sát viên quốc tế đã cho chương trình "Người cày Có ruộng" là một trong những chương trình cải cách điền địa thành công nhất ở các nước hậu tiến (5). Nó là điểm vàng son của nền Đệ nhị Cộng hoà. Bao nhiêu hy vọng! Biết đâu chẳng mấy lúc nữa, ánh bình minh lại chẳng chiếu rọi khắp thôn quê? Cuối năm đó, một chương trình phát triển kinh tế hậu chiến do nhóm nghiên cứu Lilienthal - Vũ Quốc Thúc được cơ quan viện trợ Hoa kỳ USAID tài trợ đã ra mắt. Người ta bắt đầu nghĩ tới phát triển lâu dài.
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2008, 06:43:33 pm »

Mùa hè đỏ lửa 1972

Dân chúng Việt nam ăn cái tết năm Nhâm Tý khá vui vẻ. Pháo nổ rộn rã. Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ, không có gì là thiếu. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, mãi tới tháng hai mới đi trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. Đậu phộng mọc nhanh nên tháng ba là đậu đã già và "ta đi ta hái về nhà phơi khô".

Nhưng rồi nào có đi hái đậu. Tháng ba năm đó đại bác lại nổ rền trời trên vùng vĩ tuyến. Chiến tranh bỗng leo thang, bắt đầu từ cuộc "Tấn công mùa Xuân" của quân đội Bắc Việt tại Quảng Trị. Lúc này, thay vì thế công, Việt nam cộng hoà lại chuyển sang thế thủ. Đà tiến triển kinh tế bỗng khựng lại giữa "mùa hè đỏ lửa". Trên 200 cầu bị hư hại, bao nhiêu cây số đường xá bị phá huỷ, 40% sản xuất cao su bị mất vì rừng cao su đã trở nên bãi chiến trường. Thêm mấy trăm ngàn người nữa từ miền vĩ tuyến chạy vào phía nam, làm cho số người di cư tăng vọt lên 1,2 triệu. Áp lực nhu cầu tiếp tế càng thêm nặng nề: lương thực, nước uống, thuốc men, vệ sinh, lều trại.

Năm ấy lại là năm mất mùa vì hạn hán! Nhập cảng gạo nhảy lên 284.000 tấn (6).

Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm 1972, tình hình lại trở nên tốt đẹp hơn, và nền kinh tế bắt đầu có nhiều dấu hiệu phục hồi. Thần khí của đất nước linh thiêng, sức mạnh của nhân dân dồi dào. Cứ mỗi lần ngã xuống lại tìm cách hồi sinh. sức chịu đựng, ý chí kiên trì được quốc tế thán phục.

Nền kinh tế giao thời: 1973

Nói chung, nhìn vào kinh tế miền Nam lúc giao thời từ chiến tranh sang "hậu chiến", từ có Mỹ tới không có Mỹ, ta thấy có sáu đặc tính rõ ràng(7):

Thứ nhất là cơ cấu chênh lệch: nghiêng hẳn về cung cấp dịch vụ, tương đương bằng 55% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Đặc biệt là dịch vụ quốc phòng, hành chánh, quân đội Đồng minh. Sản xuất hàng hoá, vật dụng chẳng có là bao;

Thứ hai là mức lệ thuộc vào nhập cảng: ngoài gạo còn xăng nhớt, phân bón, xi măng, hàng tiêu thụ, vật liệu sản xuất. Tất cả tương đương với hơn một nửa tổng số cung hàng hoá. Trung bình là phải nhập 750 triệu đô la một năm, khoảng 40 đô la đổ đồng trên đầu người (nên nhớ đây là đồng đô la với mãi lực thời ấy). Đang khi đó xuất cảng (cao xu, trà, hải sản, lông vịt) chỉ vào khoảng 4%-5% nhập cảng;

Thứ ba là mức tiết kiệm sụt xuống số âm: trung bình bằng -5% tổng sản lượng gộp nội địa GDP. Lúc còn hoà bình, nó là số dương. Có năm đã lên tới +6% GDP (1960). Khi không còn tiết kiệm nội địa thì đầu tư cho phát triển phải tuỳ thuộc vào tiền bạc từ bên ngoài;

Thứ tư là gánh nặng kinh tế của nạn nhân chiến cuộc: đoàn người di tản từ những vùng thiếu an ninh, đặc biệt là miền Trung, đã lên tới vài triệu. Một số đông di tản về thành thị, làm số người ở đây lên tới 40% tổng dân số (năm 1960 chỉ có 22%). Kết quả là thất nghiệp cao ở thành thị (14%) cùng với những tệ đoan xã hội đi kèm. Đang khi đó nông thôn lại thiếu người canh tác;

Thứ năm là gánh nặng quốc phòng: tình trạng an ninh "thời hậu chiến" còn đòi hỏi một nhu cầu quốc phòng quá lớn, cần chi tiêu tới 50% ngân sách (242 tỷ đồng).

Tài trợ cho phát triển chỉ còn 9% (66 tỷ đồng). Rồi vấn đề nhân lực: 1,2 triệu thanh niên còn phải vác súng, chưa kể 310.000 công, tư chức. Ngoài ra còn số người di tán kể trên, tất cả cũng vượt 30% nhân lực lao động.

Thêm vào năm điểm này phải kể tới một điểm quan trọng khác:

Thứ sáu, tâm lý dựa vào viện trợ: nhìn lại giữa thập niên 1960, ta thấy cái tâm lý này nó đã mau bén rễ. Nền kinh tế Việt nam bé nhó, hậu tiến, sản xuất căn bản là nông nghiệp. Khi quân đội Mỹ ào ạt kéo sang, nhu cầu quốc phòng, tiêu dùng, xây dựng hạ tầng cơ sở nhảy vọt. Mà sản xuất nội địa còn yếu kém, căn bản chỉ là gạo thóc. Để tránh tình trạng khan hiếm, lạm phát phi mã thì chỉ còn cách nhập hàng hoá từ ngoài vào. Nhưng lại nhập quá nhiều và quá nhanh. Tài trợ nhập hàng hoá gồm bốn nguồn: viện trợ nhập cảng (CIP)(Capital Improvement Projects có nghĩa là những dự án chính) + viện trợ thực phẩm phụng sự hoà bình + viện trợ dự án + số đô la phía Mỹ mua tiền Việt nam. Tổng số này đang từ 162 triệu năm 1964 tăng lên tới 830 triệu năm 1966, cao hơn năm lần. Tiền bạc dồi dào, cứ thế mà xài. Chi tiêu công cũng như tư có bề thả lỏng.

Cả Sài gòn chẳng thấy thiếu thứ gì: radio, TV, tủ lạnh, máy điều hoà không khí. Báo chí ngoại quốc gọi Sài gòn là Hondaville. Ngoài nhập cảng, lại còn một nguồn khác: thuốc lá, rượu mạnh, đồ gia dụng từ hệ thống tiếp liệu PX lọt ra thị trường. Cứ đứng trước cổng căn cứ Long Bình mà xem thì rõ.

Chính sách kinh tế thường hay được tính toán dựa theo dự phóng xem số tiền đô la sẽ bơm vào nền kinh tế là bao nhiêu.

Sự kiện này làm tăng lên cường độ của tâm lý lệ thuộc kinh tế VN tai hại hơn, nó lại mang tới nhiều cơ hội tham nhũng cho nhiều người, ở mọi tầng lớp, trở thành ung nhọt xã hội.

Triển vọng tái thiết

Thế nhưng, đằng sau những vấn đề khó khăn, những yếu kém, lại có những yếu tố thuận lợi cho công cuộc phát triển.

Với một dân số 20 triệu, thị trường miền Nam lớn hơn các nước Afghanistan, Australia, Hồng Kông, Mã Lai, Nepal, New Zealand, Singapore, Sri Lanka, và Đài Loan. Lợi tức đổ đồng cho một người của miền Nam (tương đương khoảng 150 đô la một năm) còn cao hơn ở các nước Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan hồi đó (Cool.

Nông nghiệp

Về nông nghiệp, cải tiến kỹ thuật và lúa thần nông đã nâng sản xuất lên tới bảy triệu tấn thóc vào năm 1973, tương đương bằng 4,6 triệu tấn gạo, gần tới mức đủ ăn. Dự phóng là chỉ tới 1976 đã có thể xuất cảng. Triển vọng này là niềm hy vọng không nhỏ trong lúc khó khăn. Chương trình đa dạng hoá nông nghiệp cũng bắt đầu có kết quả. Các loại cây ăn trái, bắp, đậu phụng, đậu nành, khoai tây, rau cỏ phát triển hết sức nhanh.

Cây công nghiệp được đẩy mạnh để thay thế nhập cảng: sản xuất thuốc lá đã tới trên 18.000 tấn so với 9.000 tấn năm 1971 ; mía đường lên trên 900.000 tấn, gần gấp ba mức 1970. Dự phóng cho 1975 là sẽ tăng gấp đôi, tức 1,8 triệu tấn. Ngô bắp thì từ 31.000 tấn (1970), tăng lên trên 50.000 tấn (1974).

Lại có khả năng phục hồi sản xuất 70.000 tấn cao xu mức tiền chiến(9). Ngành ngư nghiệp được canh tân, ngư thuyền với máy đuôi tôm lượn đi lượn lại khắp sông rạch. Xuất cảng tôm và hải sản từ vỏn vẹn 500.000 lên gần 11 triệu đô la. Dự phóng cho 1975 là 30 triệu. Tổng số xuất cảng năm 1973 lên tới 53 triệu, tuy khiêm nhượng nhưng cũng là tăng gấp ba lần năm 1972.

Phát triển con người

Xét đến cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế lâu dài. Tỷ như nước Nhật, tài nguyên rất ít, không có một giọt dầu, thế mà thành quốc gia tiền tiến vào hạng nhất. Còn như những nước dầu lửa Kuwait, Saudi, tiền bạc nhiều biết mấy mà đâu có mức phát triển kinh tế, xã hội cao.

Với 80% dân số là người Kinh, đa số theo Phật Giáo, miền Nam không có vấn đề thù nghịch sắc tộc hay tôn giáo quá đáng như miền Trung Đông chẳng hạn. Ngôn ngữ lại đồng nhất, khác nhau chỉ là về cách phát âm. Việt nam là nước duy nhất ở Á châu dùng mẫu tự La mã a, b, c, rất tiện cho việc tiếp thu kỹ thuật, văn hoá ngoại quốc.

Gần 20 năm hoạt động, cơ quan Viện Trợ Hoa kỳ USAID đã giúp Chính phủ Việt nam phương tiện và kỹ thuật để phát triển giáo dục và đào tạo. Năm 1973, tỷ lệ biết đọc, biết viết là 70% rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó.

Trước năm 1954, miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà nội. Tới 1973, Đại học Sài gòn đã đứng vào hàng quốc tế. Vài thí dụ: bác sĩ xuất thân từ Đại học Y khoa đủ sức phục vụ cho đoàn quân 1,2 triệu mà không cần đến bác sĩ nước ngoài. Sau này họ di tản sang Mỹ, chỉ cần một hai năm đào tạo lại và học thêm tiếng Anh là hành nghề được ngay. Luật gia tốt nghiệp từ khuôn viên "cây dài bóng mát, con đường Duy Tân", đã làm việc cho các hãng Mỹ ngay ở Sài gòn, và được thán phục. Khi họ đi du học thì thấy luật pháp Mỹ quá rõ ràng, học lại còn dễ nữa.

Ngoài đại học Sài gòn còn sáu đại học khác: Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Hoà Hảo, Cao Đài, Cần Thơ. Năm 1973, tổng số sinh viên đại học lên tới 98.832 so với chỉ vỏn vẹn có 2.900 vào năm 1955. Số học sinh trung học trong cùng năm ấy là trên một triệu so với 43.000; và học sinh tiểu học, trên ba triệu so với 401.000. Ngoài ra còn các trường cộng đồng, trường huấn nghiệp, các chương trình công nghệ mọc lên như nấm.

Chiến tranh lại cũng đào tạo được bao tay nghề đang chờ mong được đóng góp vào sản xuất cho nền kinh tế thời bình. Việc chuyển nhượng kỹ thuật trong thời chiến đã thể hiện rõ ràng ở Nhật. Quân đội Mỹ đóng ở Nhật sau đại chiến và chiến tranh Bắc Hàn đã giúp cho nhân công Nhật Bản tiếp thu được kỹ thuật lắp ráp xe tải, xe tăng. Đội ngũ này sau chuyển sang làm xe hơi, bây giờ cạnh tranh với xe Mỹ, Đức. Ở Miền Nam, mười năm chiến tranh đã giúp có biết bao nhiêu tay nghề: xây dựng, máy móc, lắp ráp, sửa chữa, truyền tin, kiến trúc sư. Đội ngũ thợ xây dựng Đà Nẵng được các nhà thầu ngoại quốc khen ngợi. Khối Công Binh tiếp nhận được ngành nghề cao về xây cất đường xá, cầu cống, nhà cửa. Rồi đoàn phi công bay trực thăng, máy bay vận tải, khu trục cơ, phản lực F5, ra chiến trường thì can đảm, đến khi lái máy bay dân sự có chiêu đãi viên lo cà phê, cơm nước thì lại càng vi vút hơn.

Hạ tầng cơ sở

Một kết quả tốt của chiến tranh là mang tới cho Miền Nam một hạ tầng cơ sở khá tốt, giúp phát triển kinh tế lâu dài. Xây dựng hạ tầng là rất tốn phí và mất thời gian. Tỷ như quá trình xây một cái cầu: từ lúc làm dự án tiền khả thi, tới lúc đánh giá, rồi làm dự án khả thi, tìm nguồn tài trợ, thương thuyết, đi vay, tới xây cất, lúc xong trung bình cũng phải mất năm năm. Đó là một lý do tại sao lại hay có "kế hoạch ngũ niên".

Nhu cầu quân sự trong thời chiến đòi hỏi xây cất nhiều phi trường. Ngoài những phi trường lớn như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cần Thơ có thể tiếp nhận phản lực đủ loại còn có những phi trường nhỏ ở Đà Lạt, Huế, Kontum, Phú Quốc. Pleiku, Rạnh Giá, và Qui Nhơn. Cộng thêm vào là khoảng 100 sân bay tý hon, rải rác khắp nơi, rất tiện cho việc liên lạc giữa các địa phương (10).

Về vận chuyển đường thuỷ thì miền Nam có tới 4.780 cây số sông, rạch (3.000 dậm Anh). Khoảng một nửa là sông ngòi, nửa kia là kinh, rạch. Đó là phương tiện giao thông rẻ tiền nhất và thuận lợi cho nông, ngư dân. Hải cảng lớn gồm Sài Gòn, Cam Ranh, Đà Nẵng, Nha Trang, Rạch Giá. Những địa điểm rất tiện cho tàu bè cập bến, tiếp vận cho mọi miền dọc theo gần 1.000 cây số bờ biển và duyên hải. Nguồn lợi trông thấy là những cảng này lại có thể đáp ứng hết nhu cầu hàng hải của Lào, bị khoá chặt trong đất liền, miền Đông Kampuchia, và có thể cả miền đông bắc Thái Lan.

Còn đường xá, các nước hậu tiến trông thấy đường xá miền Nam mà thèm. Tất cả có tới 21.000 cây số đường (khoảng 13.000 dậm), trong đó gần 9.500 cây số đường nhựa, đi được quanh năm. Cầu các loại to, nhỏ bắc qua sông tới gần 4.000 cây rất nhiều cầu đã bị hư hỏng, nhưng sửa chữa lại thì cũng nhanh. Tính ra cũng có tới gần 170.000 xe tải và trên 51.000 xe hành khách lưu thông trên hệ thống đó.
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2008, 06:44:34 pm »

Viễn thông của một nền kinh tế phồn thịnh

Vì tài nguyên và con người như vậy, nên Miền Nam thực sự đã có triển vọng phát triển một nền kinh tế phồn thịnh, hết bị lệ thuộc.

Về hạ tầng cơ sở, không phải là ông Trời không ưu đãi. Có điều là tiềm năng nằm đó mà chưa khai thác ra được. Trên con đường tiến tới tự túc tự cường, có hai của quý Trời phú: túi dầu nằm ở thềm lục địa và Vịnh Cam Ranh.

Kho tàng dầu lửa: tài nguyên Trời cho

Cho dù không bằng túi dầu của Indonesia, một nước trong khối OPEC, tiềm năng dầu lửa, dầu khí trong một vùng rộng 500.000 cây số vuông của thềm lục địa Miền Nam không phải nhỏ. Năm 1973, vừa hô lên đã có bao nhiêu hãng dầu quốc tế nhảy vào, bất chấp là tình hình an ninh chưa ổn định. Hai vòng đấu thầu năm đó cũng đã mang lại được 17 triệu đô la. Vào lúc liền đang cạn, giá trị tâm lý của số tiền này còn lớn hơn mấy lần. Đấu thầu năm 1974, số tiền lên tới 30 triệu.

Chính phủ cấp giấy phép cho sáu tổ hợp công ty dầu lửa được khai thác 13 địa điểm trong một khu vực 82.000 cây số vuông.

Đây mới chỉ là 16% của thềm lục địa.

Đến cuối 1974, tất cả các công ty đều hoàn thành nghiên cứu chi tiết về địa chất. Theo hợp đồng, các công ty khoan thầu phải bắt đầu khoan dầu thử nghiệm trong vòng 24 tháng kể từ lúc hợp đồng có hiệu lực. Thế mà hai công ty trúng thầu đợt một đã bắt đầu khoan một năm trước hạn chót: Pecten vào tháng Tám, và Mobil, tháng 10.

Chỉ hơn hai tuần, vào ngày 17 tháng Tám 1974, Pecten đào trúng ngay dầu ở lô 08-TLD, đặt tên là HÔNG-X. Kết quả cho thấy có dầu dưới độ sâu 1.374 mét. Rồi giếng thứ hai, DỪA l-X, trong cùng một diện tích lại tìm được khả năng dầu thô và dầu khí cao hơn. Thử nghiệm cho thấy tất cả có hai nguồn: mỗi nguồn có thể khai thác ngay 1.514 thùng dầu thô một ngày và 5,8 triệu thước khối Anh (cubic feet) dầu khí một ngày. Sau đó, lô DƯA l-x được chính thức tuyên bố chính xác là "mỏ dầu". Hãng Pecten rất vui mừng, nên tiến hành khai thác ngay lô 06-LTD, và đã tìm thấy có dấu hiệu còn khả quan hơn.

Tới tháng 10, 1974 hãng Mobil khoan giàn BẠCH HỔ 1, tại lô 04-TLD, tìm được "lượng dầu quan trọng" dưới độ sâu trên 2,7 cây số (9.000 feet). Tin mừng cứ thế đến liên tục. Hãng Marathon và Union Texas quyết định khoan giếng đầu vào cuối 1974. Hai hãng Esso và Sunningdale có kế hoạch khoan dầu vào tháng 4-1975! Ước tính là vào cuối 1975, sẽ có ít nhất 20 dàn khoan. Sản xuất một lượng dầu khả quan sắp được bắt đầu muộn lắm là vào cuối năm 1977.

Có lần chúng tôi được một hãng khoan dầu mời ra xem dàn khoan ngoài khơi. Trên chuyến trực thăng, tôi hỏi anh phi công Pháp: "Anh nghĩ Việt nam có nhiều dầu không?" Anh vui vẻ trả lời tôi không biết rõ, nhưng theo kinh nghiệm làm việc cho các hãng dầu lửa nhiều năm, tôi thấy ở nơi nào có nhiều tôm là có dầu lửa". Nghe thật mát ruột. Anh ta còn thêm: "Tôi nghĩ rằng quý ông có cả dầu lửa ở Đồng Bằng Cửu Long nữa". Thực hư không biết, nhưng đầu năm 1975, có người giới thiệu một công ty ngoại quốc (mà hiện tôi không nhớ là hãng nào) tới văn phòng để bàn về chuyện này. Họ nói "chúng tôi nghiên cứu sơ khởi và tin rằng có dầu lửa, dầu khí ở vùng Cửu Long".

"Ở đâu?" tôi vội vàng hỏi. "Chúng tôi không thể trả lời ông được, vì phải chi phí tốn kém mới có những thông tin này". Họ đề nghị Chính phủ hai điểm: thứ nhất, cho công ty đào ngay mà không phải qua thủ tục đấu thầu, hành chánh rườm rà; thứ hai, khi khai thác được dầu sẽ chia đôi, một nửa cho công ty, một nửa cho Chính phủ. Tôi nói ngay với Tổng thống Thiệu về việc này. Ông tỏ vẻ vui mừng nói "trong lúc này, ai làm được gì giúp ích là phải cho ngay."

Tin tức về dầu lửa luôn được báo chí đăng lên trang đầu. Truyền hình chiếu những cảnh dàn khoan bận rộn ngoài khơi, những ngọn đuốc đốt bằng dầu khí chiếu sáng vòm trời vào đêm khuya. Trong khung cảnh tối tăm cuối năm 1974, những ngọn đuốc này cũng mang tới một tia sáng loé lên trong tâm trạng dân quân Miền Nam.

Vịnh Cam Ranh

Vịnh Cam Ranh được coi là vịnh có nước sâu, đẹp và tốt nhất ở Đông Nam Á. Người ta còn so sánh Cam Ranh với Vịnh San Francisco ở Mỹ. Thời Pháp thuộc, ngân sách các nước thuộc địa eo hẹp, tuy biết triển vọng của vùng này, nhưng họ vẫn để nằm ụ ở đó, chỉ dùng một cảng nhỏ cho vài chiếc tàu hải quân Pháp. Cách Sài Gòn 400 cây số, Vịnh nằm vào vĩ tuyến 12, gần ngay trục giao thông hàng hải quốc tế Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Yokohama. Cam Ranh chỉ xa trục này chừng một giờ tầu biển, trong khi Vũng Tàu cách ba giờ, Hải Phòng cách tám giờ. Vịnh có chiều sâu trung bình từ 18 tới 20 mét. Chỗ sâu nhất là 30 mét. Hải sản nơi đây phong phú, nổi tiếng là tôm hùm Bình Ba và sò Trà Long. Ngoài ra còn nguồn cát trắng với chất lượng cao rất là phong phú. Dọc theo bờ biển năm sáu cây số, mỏ cát Thuỷ Triều nằm ở phía Bắc bán đảo Cam Ranh. Nơi đây có cát trắng với độ sạch tới 99%, là nguyên liệu dùng sản xuất pha lê loại thượng hạng và thuỷ tinh quang học. Ngoài ra còn có khoáng chất thạch anh (quazt) quý giá, dùng làm đồng hồ chạy thật chính xác. Tôi còn nhớ mỗi khi gặp ông Đại sứ Nhật, thấy ông chỉ hay hỏi han về tiến trình phát triển "Vùng Vịnh". Sau này tôi mới được biết là vừa có Hiệp định đình chiến là đã có một công ty Nhật vào làm nghiên cứu khả thi cho một dự án hoá dầu (petrochemical).

Vịnh Cam Ranh là một bình phong chắn gió an toàn cho tàu bè trú ẩn khi bão tố. Cửa biển vào vịnh rộng ba cây số, sâu 20 mét, không có phù sa bồi. Vào thời "Nhật Nga Chiến kỷ", năm 1905 hạm đội Nga do Đô đốc Z.P. Rozhestvensky chỉ huy trên đường đi đánh trận hải chiến Tsushima, đã vào Cam Ranh trú ẩn. Năm 1941 Nhật chiếm đóng Cam Ranh rồi rút năm 1945.

Nga tiếp tục nhòm ngó. Mùa xuân 1975, vào lúc tình hình căng thẳng nhất, ngày 23 tháng Ba, giữa một buổi họp trong văn phòng Tổng thống Thiệu, Đại tá Võ Văn Cầm, Chánh Văn phòng gõ cửa vào đưa một báo cáo từ miền Trung cho ông Thiệu: hải quân ta vừa phát hiện có máy bay trực thăng Nga bay thám thính trên không phận Vịnh Cam Ranh".

Ông Thiệu nổi sùng, "Để nó bay đi rồi còn báo cáo gì nữa!"
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM