Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:37:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi đồng minh tháo chạy  (Đọc 64928 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« vào lúc: 12 Tháng Tám, 2007, 01:26:44 pm »

Xem tại Việt Nam Thư Quán :

http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n1nvn4n31n343tq83a3q3m3237nvn
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười, 2020, 07:32:03 am gửi bởi ptlinh » Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2007, 07:02:20 pm »

Tôi đưa thêm loạt bài điểm sách vế tác phẩm này của Nguyễn Kỳ Phong đăng trên BBC.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050801_ky_phong_review.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050801_ky_phong_review_2.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050801_ky_phong_chapter2.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050802_ky_phong_chapter3.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050803_ky_phong_postch3_thieu.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050803_ky_phong_last.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050803_ky_phong_overall_last.shtml
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2007, 07:14:51 pm »

Cùng với "phản pháo" của tác giả.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050817_nguyen_tien_hung_1.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050817_nguyen_tien_hung_2.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/08/050817_nguyen_tien_hung_3.shtml
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:38:23 am »

Lời nói đầu
Sao lẹ thế

Ngày 10 tháng ba, 1975 Quân đội Bắc Việt đánh chiếm Ban Mê Thuộc. Đến ngày 30-4 đã tiến vào Sài gon. Tốc độ như vũ bão, vỏn vẹn chỉ có 52 ngày? Không lẽ một cuộc chiến kéo dài tới hai mươi năm, đến khi kết thúc lại nhanh như vậy?

Rồi cuộc di tản tiếp theo. Trước hết lạ thời gian di tản, sao nó quá ngắn ngủi? Tuy hai cuộc chiến năm 1954 và 1975 kết thúc trong những hoàn cảnh khác hẳn nhau, ta vẫn có thể hỏi tại sao khi Pháp rút khỏi Miền Bắc, thời gian được quy định là 300 ngày. Bây giờ đến lúc Mỹ rút hết khỏi Miền Nam thì không có quy định gì hết, cuộc di tản chỉ kéo dài được vỏn vẹn năm ngày!

Nói tới cung cách ra đi, sao lại quá thê thảm? Năm 1954, dù chỉ là di tản từ Bắc vào Nam và năm 1975 thì di tản sang Mỹ nên hai biến cố khác nhau, nhưng phần nào ta cũng so sánh được việc đoàn người ra đi có trật tự, rất ít nguy hiểm ở lần đầu, với cuộc di tản nháo nhào, đầy rủi ro, hãi hùng vào lần thứ hai. Rốt cuộc, tại sao số người được cứu vớt lại quá ít ỏi? Hồi 1954, Mỹ chưa trực tiếp dính líu vào Việt nam mà đã giúp chuyên chở, rồi định cư cho một triệu người, tức là 7% dân số Miền Bắc. Sau hai mươi năm can thiệp với hơn một nửa triệu quân, sống chết với 20 triệu dân quân Miền Nam, giờ đây lại chỉ định cứu có 50.000 người. Tới phút cuối cùng mới vớt thêm. Tất cả không tới 130.000 người, nghĩa là có 0,6% dân số.

Phóng viên: "Thưa ông, cứ cho là Hoa kỳ đã bội ước, nhưng còn lý do gì khác khiến chúng tôi phải đưa người Việt vào Mỹ không?"

Tác giả: "Tượng Nữ thần Tự do đang nhắc nhở cho chúng ta rằng nước Mỹ là đất của những kẻ bị truy nã, của di dân".

Phóng viên: "Tôi xin nhắc nhở cho ông là Nữ thần Tự do quay mặt về phía Đại Tây Dương".

Ý nói là bà quay lưng về phía Á châu, phía Việt nam chúng ta.

Đây là một giai thoại trong phiên họp báo của chúng tôi ngày 30-4-1975 (ngày 1 tháng 5 giờ Sài gòn) tại khách sạn May Flower trên đường Connecticut, Washington, D.C.

Mục đích của cuộc họp nhằm kêu gọi Hoa kỳ cứu vớt những con thuyền đang lênh đênh như lá tre ngoài bờ biển Vũng Tàu.

Vô cùng xúc động, chúng tôi không cầm được nước mắt. Câu mỉa mai này đã ám ảnh chúng tôi từ giây phút đó, và chắc sẽ không bao giờ phai nhoà đi được trong ký ức.

Sau 30 năm rồi mà ta chưa tìm được câu trả lời thoả đáng cho những thắc mắc trên. Biến cố lịch sử năm 1975 đã để lại những ấn tượng sâu đậm trung tâm trí của tất cả chúng ta, những con người Việt nam, dù ở trong hay ngoài nước. Mỗi người một hoàn cảnh, một cảm xúc, một số phận. Một số quý vị đang cầm cuốn sách này trong tay là những người thuộc thành phần may mắn, không nhiều thì ít, đã thoát được bao nhiêu rủi ro. Thành phần khác đã chịu số phận nghiệt ngã, giờ đây chỉ còn là những oan hồn vất vưởng trong lòng Thái Bình Dương.

Và sau này, những thế hệ mai sau, con cháu chúng ta sẽ tiếp tục thắc mắc: tại sao cha mẹ, ông bà mình lại bỏ quê cha. đất tổ chạy sang Mỹ? Sang bao giờ? Trong hoàn cảnh chính trị xã hội, kinh tế ra sao? Sang bằng cách nào? May mắn? Lúc đầu như thế nào? Làm sao mà sinh sống? Không bà con, không tiền, không nghề nghiệp thích hợp, không cùng ngôn ngữ, làm thế nào mà nuôi được con cháu ăn học thành tài như ngày nay?

Gần 20 năm trước, năm 1986, tôi đã cùng Jerold Schecter, nguyên chủ bút tuần báo TIME xuất bản cuốn "The Palace File" (Hồ sơ mật Dinh Độc Lập - Hồ sơ mật Dinh Độc Lập). Cuốn sách đề cập nhiều tới Hiệp định Paris và ảnh hưởng bất lợi của nó.

Đối tượng chủ yếu là độc giả Mỹ, đặc biệt là các nhà làm chính sách Hoa kỳ. Tổng trưởng ngoại giao thời đó là ông George Schultz (trong chính quyền Reagan) có viết cho chúng tôi là ông đã đưa cuốn này vào thư viện nhỏ của Văn phòng Tổng trưởng ngoại giao ở Foggy Bottom. Các vị kế nghiệp ông sẽ được đọc. Năm 1988, tờ New York Times đã chọn cuốn "The Palace File" dể vào số những sách mà các ứng cử viên Tổng thống cần phải đọc, với tựa đề: "Vừa đọc vừa vận động: Một lớp cấp tốc cho chức vị Tổng thống" (Read and Run: A Ram Course for the Presidency).

Khi Đồng minh tháo chạy, được viết căn bản là cho độc giả Việt nam.

Sách gồm năm phần chính:

Phần I: bàn về thời điểm và cách thức Mỹ tháo khỏi chiến trường Việt nam;.

Phần II: nói đến thân phận một tiểu quốc muốn cố gắng vượt ra khỏi sự lệ thuộc;

Phần III: kể lại những gì đã xảy ra tại Washington và Sài gòn sau khi quân đội Mỹ rút hết cho tới khi Miền Nam sụp đổ

Phần IV: trình bày diễn tiến vào giờ hấp hối, việc một số chính trị gia Mỹ đã không muốn cứu vớt người Việt nam, đặc biệt là về cơ nguy Mỹ- Việt suýt bắn nhau; phần này cũng thuật lại một cố gắng cuối cùng của tác giả đặt trách nhiệm tinh thần cho Hoa kỳ đòi hỏi phải giúp cho ít nhất một triệu người ty nạn;

Phần V: nhìn lại lịch sử để ghi nhận cho con cháu những khó khăn, chống đối lớn lao cha ông chúng đã gặp lúc ban đầu; phần này thâu tóm một nguyên nhân chính làm sụp đổ Miền Nam, cũng như những bài học rút ra từ cuộc chiến cho những thế hệ tương lai của Việt nam và các Đồng minh của Hoa kỳ hiện đại.

"Thay lời kết", chúng tôi đề cập tới thiện tâm của nhân dân Hoa kỳ, vì sau cùng, cánh tay của đại đa số đã rộng mở, tiếp nhận đoàn người tỵ nạn trong một thời gian trên hai thập niên.

Sách này dựa vào một phần cuốn Hồ sơ mật Dinh Độc Lập và vào những nghiên cứu thêm của tác giả trong mười năm qua. Trong cả hai cuốn, ngoài phần tài liệu, chúng tôi đã bổ sung bằng những phỏng vấn với các viên chức hữu trách cả hai phía Việt nam cộng hoà và Hoa kỳ; đặc biệt là Tổng thống Nguyễn văn Thiệu (tại London và Boston), Tổng thống Gerald Ford, Ngoại trưởng Henry Kissinger, tướng Alexander Hai, tướng John Murray, các Tổng trưởng quốc phòng liên hệ như James Schlesinger, Melvin Laird, Elliot Richardson và các viên chức cao cấp Cơ quan Tình báo CIA. Tổng thống Richard Nixon khi còn sống đã từ chối cuộc phỏng vấn vì lý do sức khoẻ.

Điều mà cuốn Khi Đồng minh tháo chạy muốn nhấn mạnh, nhất là cho người Việt nam chúng ta rõ, là cung cách mà một số chính khách Hoa kỳ, đặc biệt là ông Kissinger, và phần nào, hai ông Nixon, Ford cũng như một số nghị sĩ, dân biểu với con mắt thiển cận, đã hành xử đối với nhân dân Miền Nam. Nó phản bội nguyên tắc "minh bạch" (transparency) của thể chế dân chủ, và đi ngược lại tinh thần công bình của đại đa số nhân dân Hoa kỳ. Trong bóng tối, trước hết hai ông Kissinger - Nixon đã dùng thủ đoạn ép buộc Miền Nam đi theo đường lối của mình, mục đích chính chỉ là để cho quân đội Mỹ rút đi, và tù binh được thả về. Khi Chính phủ Miền Nam phản kháng thì đe doạ với "cái gậy" (đảo chánh và cắt viện trợ), và hứa hẹn với "củ cà rốt" (bảo đảm hoà bình và viện trợ đầy đủ).

Hứa hẹn xong thì lờ đi, giấu cho thật kỹ. Quốc hội không biết gì hết nên đã cắt giảm viện trợ một cách quá nhanh và quá thẳng tay. Hoá ra, củ cà rốt chỉ là một công cụ che giấu một kế hoạch gọi là "khoảng thời gian coi cho được". Kế hoạch này chỉ nhằm ban phát cho Miền Nam Việt nam một thời gian ngắn ngủi, một khoảng cách từ khi Mỹ rút hết cho tới khi sụp đổ. Trước khi cuốn sách này lên khuôn, một nhân chứng về những hành động hắc ám của ông Kissinger, ông John Negroponte vừa được Tổng thống George Bush trao phó chức vụ Điều khiển toàn bộ tình báo Hoa kỳ. Ông là liên lạc viên giữa Kissinger và phái đoàn Bắc Việt tại mật đàm Paris. Ngày 19 tháng Hai, 2005, tờ Boston Globe có bài viết về ông này và bình luận: "tuy hồi đó Negroponte chỉ là nhân viên cấp dưới, ông đã có tinh thần rất độc lập và đã phản đối Kissinger về việc chấp nhận để quân đội Bắc Việt đóng lại Miền Nam, cho rằng như vậy là đưa Miền Nam tới chỗ sụp đổ và hành động này có nghĩa là đã bỏ rơi Đồng minh của Hoa kỳ. Ông Richard Holbrooke (Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc thời Tổng thống Clinton, và là bạn đồng liêu với Negroponte lúc còn ở Hội đồng an ninh quốc gia) có nói rằng chính vì Negroponte đã chống lại Kissinger mà bị hạ tầng công tác trong gần suốt thập niên 1970".

Đối với Miền Nam, ngay trước lúc sụp đổ hoàn toàn, ông Kissinger còn thốt lên: "Sao chúng không chết phứt cho rồi?". Sau đó, kế hoạch tháo chạy dược thiết kế lúc đầu căn bản chỉ là để di tản 6.000 người Mỹ và một số rất ít người Việt. Cho dù nhiều người có thể biện luận rằng việc giải kết khỏi Miền Nam là điều có lợi cho nước Mỹ đi nữa, nó cũng chỉ là ích lợi đoản kỳ, ở vào thời điểm đó thôi. Trong trường kỳ, việc bỏ rơi, nhất là cung cách tháo chạy đã làm tổn hại rất nhiều tới "mức độ tin cậy" (credibility) của chính sách ngoại giao cũng như uy tín Hoa kỳ. Bạn thì bớt tin tưởng, thù thì hết kính nể. Sau Việt nam, vào tháng 10, 1979, Iran đã táo tợn đến độ bắt ngay cả nhân viên Toà đại sứ Mỹ ở Teheran làm con tin hơn một năm. Rồi từ đó, bao nhiêu vụ tấn công vào người và tài sản của Mỹ. Liệu những hành động của Saddam Hussein, Al-qaeda, biến cố gây nổ tàu Cole ở Qatar, hay sự cố 11-9 có phải là những hậu quả của việc coi thường Hoa kỳ hay không? Bởi vậy, về lâu về dài, cái giá phải trả chắc chắn đã không phải là thấp.

Tất cả những sự việc ở hậu trường bang giao Việt - Mỹ trong giai đoạn từ khi Mỹ tháo gỡ cho tới lúc bỏ chạy được rất ít người biết tới. Lý do là vì: về phía Mỹ, hồ sơ mật về Việt nam trong giai đoạn này đã được giấu kín trong văn phòng Cố vấn Kissinger tại Toà Bạch Ốc; và về phía Việt nam cộng hoà, nó được hoàn toàn bảo mật trong văn phòng riêng của Tổng thống Thiệu tại Dinh Độc Lập.

Nhiều tác giả nổi tiếng của Mỹ về vấn đề Việt nam cũng đã phải bình luận về việc này. Trong cuốn Uncertain Greatness, chính ông Roger Morris, nhân vật quan trọng trong Hội đồng an ninh quốc gia (National Security Council (NSC) do ông Kissinger điều khiển, đã phàn nàn: "Dù rằng nó là một vấn đề được viết và bàn luận nhiều nhất trong chính sách ngoại giao, nhưng hồ sơ của Nixon - Kissinger về Đông Dương trong nhiều phương diện đã ít được hiểu biết nhất… Sự việc mà dưới thời Johnson là một mạng rối rắm giữa các động lực hành chính ở Sài gòn và Washington… bây giờ hầu như đã trở nên một sự khống chế của chỉ hai bộ óc trong Toà Bạch Ốc (Kissinger và Nixon).

Một tác giả nổi tiếng khác, ông Leslie Gelb trong cuốn The Irony of Vietnam: The System Worked, đã viết: "Câu chuyện về chính sách Việt nam dưới thời Richard Nixon và Gerald Ford là một chủ đề quan trọng…, nói về việc Hoa kỳ đã rút ra chứ không phải đã nhảy vào Việt nam như thế nào… (thế nhưng) những nguồn tài liệu cần thiết để phân tích giai đoạn từ sau 1968 chắc sẽ không có được trong một thời gian nữa".

Hy vọng rằng cuốn Khi Đồng minh tháo chạy sẽ lấp được phần nào cái lỗ hổng này của lịch sử. Âu cũng do định mệnh mà người viết được chứng kiến một số sự việc xảy ra tại dinh Độc Lập cũng như tại Bộ Quốc phòng và Quốc hội Hoa kỳ trong những ngày tháng đầy tuyệt vọng. Trước hết với tư cách là một Phụ tá Tổng thống, rồi Tổng trưởng Kế hoạch trong nội các. Là người điều hợp viện trợ trên bình diện kinh tế toàn quốc người viết làm việc trực tiếp với Tổng thống Thiệu trong những ngày tháng cuối cùng. Trong cương vị này, hồi 1974-1975 nhiều lúc chúng tôi đã phải dẹp bỏ tự ái, lui tới Quốc hội Hoa kỳ như một người đi cầu xin.

Vì đã quen với lề lối làm việc ở Mỹ trong nhiều năm trước khi trở về nước giúp tái thiết nền kinh tế, chúng tôi đã luôn luôn mang theo cuốn sổ tay nho nhỏ màu vàng mỗi khi đi họp để ghi chú diễn tiến buổi họp. Kèm theo là những nhận xét hay cảm nghĩ của riêng mình vào ngay lúc đó, viết trong ngoặc. Ở Sài gòn, những cuộc họp gồm có các buổi giữa cấp lãnh đạo tối cao, các buổi họp giữa Tổng thống Thiệu và giới chức Hoa kỳ. Tại Washington là các buổi họp với một số viên chức cao cấp tại bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng, và một số Nghị sĩ, Dân biểu tại Quốc hội Hoa kỳ.

Ngoài ra, tôi có ghi lại những cuộc đàm thoại, những chỉ thị cũng như tâm tư, cảm xúc của Tổng thống Thiệu trong nhiều bữa ăn một mình với ông, hay trong những lúc thư giãn nhấm nháp ly rượu vào buổi chiều tối.

Một phần của những ghi chép đó được dùng trong cuốn sách này. Nhằm bổ sung phần ghi chép, chúng tôi đã cố nghiên cứu thêm trong thời gian qua để tìm hiểu sâu rộng hơn về những diễn tiến đưa tới sự sụp đổ mau lẹ của Miền Nam và cuộc di tản tiếp theo.

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:38:49 am »

Trong phần nghiên cứu và trích dẫn thêm, ngoài những tài liệu nội bộ, chúng tôi còn dựa vào hồi ký đã được xuất bản của các nhân vật chính yếu tham gia vào lịch sử của thời gian này (như các Tổng thống Nixon, Ford, ngoại trưởng Kissinger, Phụ tá Ehrlichman, Haldeman, Phụ tá báo chí Nessen), và sách của một số tác giả uy tín (như các ông Butler, Hersh và hai anh em ông Kalb). Chúng tôi ghi nhận và cám ơn các tác giả và các nhà xuất bản (xem phần "Sách tham khảo").

Về những tài liệu nội bộ, quý nhất là tập hồ sơ tối mật về bang giao Việt - Mỹ dưới thời hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford. Đầu tháng Ba, 1975, Tổng thống Thiệu có cho chúng tôi xem một vài lá thư, rồi một tháng sau, ông đã trao phó toàn bộ văn kiện. Thật là một may mắn mà hồ sơ đó đã được cứu vãn cho lịch sử. Mang nó theo khi bước chân lên chiếc máy bay Pan Am đi Washington ngày 15-4 trong công tác cuối cùng cho Việt nam cộng hoà, chúng tôi hết sức lo âu. Lo là vì về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao đang chối đi là không có cam kết gì bí mật hết. Tài liệu này đã được giấu kín, kín đến độ chính Tổng thống Ford cũng như ở trong bóng tối. Mãi tới sau khi Huế bị bỏ ngỏ và Đà Nẵng đã di tản, ông mới được đọc vài bức thư trong số những văn kiện tối mật của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu. Và việc ông Ford đọc được là do chính chúng tôi khởi xướng.

Cái trớ trêu là vào những ngày giờ cuối cùng, giữa Dinh Độc lập và Toà Bạch Ốc đã chẳng còn có đường dây nào để liên lạc, trao đổi?

Nguyên thuỷ, tôi chỉ là một giáo sư kinh tế học, rồi làm Tổng trưởng kế hoạch, có ngờ đâu lịch sử lại đưa đẩy vào cái thế phải chạy loanh quanh để đi tìm "người đưa thư" (là tướng Fred Weyand) cho Tổng thống Việt nam cộng hoà. Cái khó vào lúc đó là làm sao chuyển được thư của một Tổng thống Mỹ này tới tay một Tổng thống Mỹ khác mà không qua Bộ Ngoại giao? Sau này, nghị sĩ Henry "Scoop" Jackson (Dân chủ, tiểu bang Washington) đã phải phàn nàn rằng: "Thật là lố bịch và nguy hiểm khi Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ phải nhờ vào quan chức ngoại quốc (ông Hưng) mới biết được những văn kiện tối quan trọng này" (xem Chương 17).

Rồi tới những bức thư cầu cứu cuối cùng của Quốc hội Việt nam gửi Quốc hội Hoa kỳ: chắc đã bị "thất lạc" rồi? Cho tới nay, không có một dấu vết gì là chúng đã đến tay Quốc hội. Làm sao có thể hiểu được là guồng máy ngoại giao của một đại cường quốc như Hoa kỳ lại trở nên lạ lùng như vậy?

Khi đọc được ba trong số những bức thư của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu, Tổng thống Ford đã xúc động, sau đó ông ra phi trường đón tiếp lớp trẻ mồ côi Việt nam vừa được chở tới San Francisco. Tay bồng một em bé, ông bước xuống máy bay, có chiều âu yếm. Và từ giây phút này có lẽ ông đã thay đổi thái độ về vấn đề tỵ nạn. Ông còn xin thêm quân viện cho Việt nam cộng hoà, dù biết rằng đã quá muộn. Trước đấy, sau cuộc rút lui cam go của Quân đoàn II và cuộc di tản kinh hoàng từ Đà Nẵng, ông Ford vẫn bình chân như vại, đi Palm Springs đánh gôn. Năm 1985 khi chúng tôi phỏng vấn và đưa ông Ford đọc lại mấy bức thư của Tổng thống Nixon, ông vẫn còn tỏ vẻ ngậm ngùi: "Không còn một nghi ngờ nào hết, đây là những lời cam kết hết sức quyết liệt" (Well, there is no doubt these were very categoncal commitments). Tổng thống Ford nhận xét như vậy là chính xác.Tuy nhiên, nghe như đãi bôi vì kể cả sau khi ông được biết như trên, ông vẫn để cho Ngoại trưởng kiêm Cố vấn của ông che dấu Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ. Vào ngày cuối cùng, trong một cuộc họp báo, chúng tôi quyết tâm phơi bầy cho công luận những cam kết vô cùng quyết liệt ấy với mục đích yêu cầu cho một triệu người Việt được tỵ nạn. Cấp lãnh đạo hành pháp cũng như lập pháp Hoa kỳ đã rất ngạc nhiên về những tiết lộ này. Sau đó, rõ ràng có sự thay đổi thái độ về vấn đề chấp nhận đoàn người tỵ nạn. Và chúng tôi đã có dịp được đóng góp thêm cho việc sắp xếp các trại cũng như việc xuất trại, tìm công ăn việc làm cho đoàn người tỵ nạn đợt đầu.

Ngoài những tài liệu mật về bang giao Việt - Mỹ, tác giả đã đàm đạo với Đại sứ Martin, sau khi ông về hưu. Ông là Đại sứ Mỹ cuối cùng ở Miền Nam và là người đã bị bắt buộc phải thi hành mệnh lệnh tháo chạy. Bản thân chúng tôi đã gặp ông nhiều lần để tìm hiểu những gì đã xảy ra bên trong Toà đại sứ trước khi chiếc trực thăng Lady Ace 09 mang lệnh Tổng thống đến bốc ông đi. Ông cho biết một số những diễn tiến quan trọng lúc con thuyền Miền Nam nghiêng ngửa sắp chìm đắm. Ông còn cung cấp một số tài liệu quý giá cho lịch sử. Trong những tài liệu này, phải kể tới bức thư Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt nam. Ngoài ra, còn một số mật điện trao đổi hết sức quan trọng giữa ông và Kissinger vào lúc những ngày giờ cuối.

Đại sứ Martin cho hay là ông muốn chờ một thời điểm thuận tiện để sẽ "nói lên lời cuối cùng" về những mánh lới, những thủ đoạn đâm sau lưng của một vài chính trị gia tại Washington. Ông rất muốn bình luận thêm về một nguy cơ thực sự có mà chính ông đã giúp tránh né được. Đó là suýt nữa có đụng độ lớn giữa mấy sư đoàn Thuỷ quân lục chiến Mỹ với quân lực Việt nam cộng hoà vào giờ chót. Nó có thể đưa tới chỗ đổ vỡ hoàn toàn. Và trong tình huống ấy, sau hai mươi năm kề vai sát cánh, Việt nam cộng hoà lại trở thành kẻ thù của Hoa kỳ? Nếu như vậy thì số phận của mỗi người trong chúng ta đã ra sao?

Về phương diện cá nhân, ông Martin còn muốn viết về chuyến ra đi nhục nhã của chính bản thân ông. Ông cho rằng việc này đã làm tiêu hao biết bao nhiêu uy tín của nước Mỹ. Bộ Ngoại giao dường như không để ý nhiều tới những khổ tâm của ông, lại còn trừng phạt, cho ông ngồi chơi xơi nước tại Bộ trước khi về hưu. Và ông đã về hưu sớm hơn là đến kỳ hạn.

Theo chúng tôi được biết, Tổng thống Thiệu cũng đã có ý định viết hồi ký. Thế nhưng cả hai người đều đã không đủ thời giờ để viết. Cả hai đều đã đi về nơi chín suối, mang theo bao nhiêu ngậm ngùi, chua xót. Một người thì ngậm ngùi, hổ thẹn cho tư cách của một đại quốc, một người thì ân hận, chua xót cho thân phận của một tiểu quốc.

Nhân ngày đánh dấu mười năm sụp đổ Miền Nam (30 tháng 4, 1985), tờ New York Times đăng câu phê phán cuối cùng của Đại sứ Martin: "Rút cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy. Ý chí dân tộc của Hoa kỳ đã sụp đổ" (In the end, we simply cut and ran. The American national will have collapsed). Tôi xin mượn một phần câu ông nói làm đầu đề cho cuốn sách này.

Tác giả hoàn toàn không ở địa vị đủ cao cấp để nói lên lời cuối, nhưng nhờ một cơ duyên của lịch sử đã may mắn được gặp lại cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhiều lần ở London và Boston để nghe và ghi lại những lời cuối cùng của ông về cuộc chiến. Ngoài ra, còn được nghe những lời thổ lộ từ tâm huyết của vị Đại sứ Mỹ cuối cùng tại Miền Nam, Graham Martin, trước khi ông qua đời. Ông còn căn dặn là chúng tôi nên viết lại những gì được nghe và được chứng kiến để đóng góp cho lịch sử.. Cuốn sách này không đề cập tới toàn bộ những lý do đã dẫn tới sự sụp đổ của Việt nam cộng hoà. Dĩ nhiên là trước thất bại, ta phải tự trách mình trước: "tiên trách ký hậu trách nhân", hay "mea culpa "(lỗi tại tôi). Về khía cạnh chính trị nội bộ của Miền Nam chẳng hạn, tác giả không đề cập tới những nguyên nhân mà các tác giả khác đã phân tích rất nhiều: như sự chia rẽ nội bộ, tư cách và khả năng cấp lãnh đạo, tham nhũng, độc tài; hay những thái độ chống đối, thờ ơ, tránh né từ phía một vài thành phần nhân dân. Cũng không bình luận là lãnh vực quân sự, cả về chiến lược lẫn chiến thuật. Về những địa hạt này, tuy chúng tôi có được nghe nhiều điều đáng buồn về các cấp lãnh đạo chính yếu, nhưng không đủ khả năng, hiểu biết, và kinh nghiệm để nhận xét cho thấu đáo. Về phía Hoa kỳ, tác giả cũng không đề cập nhiều tới những yếu tố khác như phong trào phản chiến, vai trò báo chí Mỹ, hay chiến thuật quân sự, những đề tài dã được phân tích khá rộng rãi.

Hy vọng rằng cuốn Khi Đồng minh tháo chạy sẽ giúp độc giả có thêm được những dữ kiện mới và chính xác để tìm ra câu trả lời cho nhiều thắc mắc, nhiều uẩn khúc còn đeo đẳng, và qua dòng thời gian, vẫn chưa được sáng tỏ. Đây chỉ là một cố gắng thuật lại cho trung thực những gì mình đã mắt thấy tai nghe, và những gì đã tìm hiểu dược để chia sẻ với người đồng hương về một chương lịch sử quan trọng của đất nước, đồng thời đúc kết lại những bài học cho các thế hệ mai sau. Ngoài ra, nó cũng có thể cung cấp một số dữ kiện cho các nhà làm chính sách về bang giao với Mỹ của các Đồng minh khác. Nhờ đó, họ có thể hiểu rõ hơn về thể chế dân chủ cũng như về cơ cấu và khung cảnh chính trị tại Hoa kỳ, chứ đừng nhìn vào Hoa kỳ với cặp kính cận riêng của mình.

Chúng tôi đã chờ một thời gian khá dài mới bắt đầu viết cuốn sách này vì ba lý do: thứ nhất, để hầu hết người Việt nam chúng ta có thể nhìn lại giai đoạn lịch sử cuối cùng của VNCH một cách khách quan hơn, không bị quá nhiều tâm tình, hoàn cảnh cá nhân chi phối; thứ hai, để chúng tôi có đầy đủ thời giờ nghiên cứu, phỏng vấn, suy gẫm cho thật sâu, thật kỹ; và thứ ba, để cho chính tác giả bớt được cường độ xúc động trước khi viết, giúp cho tác phẩm được trung thực. Về điểm này, chúng tôi đã dẫn chứng tất cả những sự việc, hành động, lời nói bằng văn bản hoặc bằng những ghi chú về nguồn gốc sự kiện (footnotes).

Tuy nhiên, dù đã cố gắng hết sức, chúng tôi vẫn không thể tránh khỏi một số suy nghĩ hay ngôn từ có tính cách chủ quan. Về nhược điểm này, cũng như những sơ sót, lầm lẫn trong cuốn sách, tác giả tin vào sự thông cảm của độc giả.

                                            * * *

Chúng tôi xin chân thành cảm tạ tất cả những bạn bè xa gần đã khích lệ và hỗ trợ tác giả trong việc sưu tầm và soạn thảo cuốn sách này. Đặc biệt là: Hứa Chấn Minh, Chủ tịch công ty Phụng hoàng, người dã theo đuổi công việc của chúng tôi trong nhiều năm, và đã xuất bản cuốn sách này. Anh Chu Xuân Viên, người đã giúp nhuận sắc cuốn HSMDDL, lại giúp sửa chữa thêm cuốn Khi Đồng minh tháo chạy. Bạn Tạ Văn Tài đã tận tâm đóng góp cho tôi nhiều ý kiến xây dựng, nhờ đó cuốn sách được xúc tích hơn. Các anh Trần Khánh Liễm, Thuần Trương, và Vũ Huy Hoàng đã chịu khó đọc bản thảo, thêm ý kiến và giúp nhuận sắc. Các bạn Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Liêm, Đỗ Ngọc Hiển, Vũ Chính Trực, Lê Ái sẵn sàng tiếp tay, cho tôi những nhận xét, và gợi ý rất hữu ích. Bạn Nguyễn Xuân Nghĩa đã dành thì giờ đọc bản thảo cuối cùng, giúp sửa chữa, trình bày thêm phần khởi sắc. Bạn Nguyễn Thiện Cơ giúp sắp xếp về kỹ thuật, và phần danh mục (index). Bác sĩ Phó Ngọc Văn, người luôn thúc đảy tôi kiên tâm, và dù lúc còn nằm trên giường bệnh, cũng vẫn gọi điện thoại dể khích lệ, đóng góp thiều ý kiến. Các bạn Lê Văn và Virginia Lê, Đăng Khánh và Hương Hoa cũng như Vũ Văn Hoa, đã không ngơi cổ võ, làm tôi thêm hăng say trong việc sưu tầm và biên soạn.

Tôi xin thành thật cám ơn Jenold L. Schecter, nguyên chủ bút ngoại giao của tạp chí Time, cựu Phụ tá giám đốc báo chí Toà Bạch Ốc, và Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia, đã cùng tôi viết cuốn The Palace File (1986), và đã giúp đỡ khích lệ tôi viết cuốn sách này.

Sau cùng tôi không thể không nhắc đến sự giúp biên soạn, sửa chữa, hy sinh của nhà tôi Therese N. Hưng; và các anh, chị, em, con, và cháu, thuộc đại gia đình cụ ông cụ bà Cố Chánh Nguyễn Xuân Phi, luôn luôn nâng đỡ tinh thần tôi trong những giai đoạn thăng trầm của cuộc đời.
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:40:12 am »

Phần I - Chương 1
LÀM SAO THOÁT KHỎI VŨNG LẦY
Việt nam bầu Nixon

"Tôi tin chắc rằng sự việc đó (hành động của ông Thiệu) đã khiến ông Humphrey thất cử"
Lyndon B. Johnson
Hồi ký The Vantage Point (1971)

Chiếc xe limousine đậu sẵn ngoài sân cỏ. Khách bắt tay Tạm biệt chủ, thong thả bước xuống bậc thềm. Đùng một cái, một trái pháo rơi nổ ngay phía trước mặt. Khách vội vã bước vào xe, tài xế đóng sập cửa. Chiếc xe mầu đen có còi hú phóng đi vun vút. Đoàn tuỳ tùng theo sau. Chắc là một điềm gở? Ông Nguyễn Văn Thiệu vừa thắng cử, Tổng thống Lyndon Johnson phái Phó Tổng thống Hubert Humphrey sang Sài gòn dự lễ tấn phong. Sau phần nghi lễ ông Humphrey vào gặp ông Thiệu ở Dinh Độc Lập, có Đại sứ Bunker và Ted Van Dyk tháp tùng. Trong giây phút huy hoàng của ngày đăng quang, ông Thiệu vui vẻ tiếp vị quốc khách. Chắc rằng Phó Tổng thống Hoa kỳ sẽ có những lời chúc tụng, an ủi, làm yên lòng vị Tổng thống đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng hoà.

Thế nhưng, vừa uống xong ly là, Humphrey đã chậm rãi: "Ngài cần biết về tình hình chính trị ở Hoa kỳ, hiện nay đã đến lúc cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp để Miền Nam có thể tự lực, tự cường". "Vâng tôi hiểu," ông Thiệu đáp, "nhưng chúng tôi còn cần phải có sự hiện diện của Hoa kỳ với mức độ hiện tại". "Thêm vài năm nữa với cùng một mức độ viện trợ quân sự và kinh tế như hiện nay thì chắc không thể có !" Humphrey nói tiếp ông Thiệu lắng nghe, tàn than điếu thuốc lá Gauloise ông đang hút dở rớt ngay xuống tấm thảm dầy. Nói xong, phái đoàn ông Humphrey tạm biệt. Ông Thiệu tiễn đưa khách quý ra thềm Dinh Độc Lập. Vừa bước xuống thềm, chính ông Humphrcy đã mục kích cảnh pháo kích.

Từ mùa hè 1967, lúc dư luận bắt đầu nói về cuộc bầu cử Tổng thống Hoa kỳ, nhiều người bạn Mỹ đã nói với tôi là phải hết sức thận trọng. Bây giờ nghe ông Humphrey nói như lúc này, tôi biết ngay là sắp tới lúc chính sách Hoa kỳ thay đổi như ông Thiệu kể lại. Và từ sau cuộc gặp gỡ ông Thiệu đã có một ấn tượng rất rõ rệt về ông Humphrey: ông này mà làm Tổng thống thì Mỹ sẽ rút hết, để Miền Nam "tự lực, tự cường".

Chiến tranh Việt nam đã chấm dứt 30 năm qua mà dư âm cuộc chiến VN vẫn còn như phảng phất đâu đây. Người ta luôn nhắc đến nó trong các cuộc tranh luận, gần nhất là chiến tranh Iraq.

Chỉ nói về hai ứng cử viên Dân chủ, Cộng hoà trong cuộc tranh cử năm 2004 (John Kerry và George Bush) là đã có vấn đề tranh cãi kéo dài cả mấy tháng. Rồi đến chuyện bài học về chiến tranh Việt nam: nếu Hoa kỳ có tham chiến ở đâu thì phải đánh nhanh, đánh mạnh rồi rút ngay (như ông Bush "Cha" đã làm). Chớ có đóng quân lại mà bị sa lầy. Vì thế, nghị sĩ Edward Kennedy, một nhân vật có ảnh hưởng của đảng Dân chủ, đã gọi Iraq là "Việt nam của ông Bush (con)" bài học cho Hoa kỳ thì nhiều người đã rút tỉa. Nhưng về những bài học cho Đồng minh của Mỹ trong thời chiến thì ít ai nói tới. Một trong những bài học đó là mỗi khi có bầu cử Tổng thống, Hoa kỳ sẽ có biện pháp mạnh để chứng tỏ thiện chí xây dựng hoà bình. Sớm là vào trước năm tuyển cử. Muộn là vào cuối hè năm tuyển cử, lúc hai Đảng họp chọn ứng cử viên Tổng thống. Hiện tượng này cũng đã tái diễn trong cuộc bầu cử 2004. Mùa thu năm 2003, Chính phủ Bush đã tuyên bố là sẽ trao trả quyền hành cho Iraq vào cuối tháng 6, 2004, làm cho những người lãnh đạo mới của Iraq (được Mỹ ủng hộ) rất lo ngại, nhưng cũng phải đồng ý. Ảnh hưởng của bước đi này là làm giảm sự lo sợ của nhân dân Hoa kỳ về chuyện sa lầy. Rồi lúc chuyển giao quyền hành lại cũng đã được thực hiện vào thời điểm bất ngờ: hai ngày trước ngày đã ấn định. Báo chí đăng tin rầm rộ. Gần đến ngày bầu cử, Toà Bạch Ốc lại tuyên bố sẽ rút một số quân từ các địa điểm ngoại quốc về Mỹ. Washington còn công bố lịch trình bầu cử tại Iraq, ấn định vào cuối tháng Giêng 2005, dù có những phe phái của Iraq còn cho rằng điều kiện an ninh và xã hội của họ chưa cho phép bầu cử. Người được bầu làm Tổng thống chắc cũng biết được khi bầu cử xong là Mỹ sẽ nói tới việc rút quân. Và rồi tân Tổng thống của Iraq cũng sẽ nói "chúng tôi còn cần sự có sự hiện diện của quân đội Hoa kỳ trong một thời gian nữa".

Cứ bốn năm, mỗi khi có bầu cử Tổng thống Hoa kỳ là có áp lực vào Đồng minh. Đó là một trong những kinh nghiệm của Miền Nam Việt nam trong suốt cuộc chiến. Thời Đệ nhất cộng hoà, trước khi Tổng thống Kennedy ra tranh cử nhiệm kỳ hai vào năm 1964, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị nhiều áp lực từ mùa Hè 1963, sau đó bị sát hại vào ngày 1-11 thời Đệ nhị Cộng hoà, trước cuộc bầu cử tháng 11, 1972, Tổng thống Nixon áp lực Việt nam cộng hoà ký Hiệp định Paris. Và vào năm trước kỳ tuyển cử 1976, Tổng thống Ford đã làm ngơ, để Miền Nam lui vào dĩ vãng cho yên ổn.

Trở lại thời Đệ nhất cộng hoà, sau Tổng thống Kennedy tới phiên Tổng thống Johnson.

Bắt đầu muốn tháo gỡ.

Tết Mậu Thân (31-1-1968) là cái mốc lịch sử quan trọng. Sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ, về mặt quân sự, Mỹ coi đó như một thành công, nhưng về mặt tâm lý, nó đã là một thất bại lớn. Lần đầu tiên các cuộc thăm dò dân ý cho biết số người chống đối chiến tranh (50%) đã vượt lên cao hơn số ủng hộ (42%) (1). Báo chí đặt nhiều vấn đề về độ đáng tin cậy của lập trường Chính phủ Mỹ. Ngày mồng 10 tháng 3, khi tờ New York Times tiết lộ rằng tướng William Westmoreland vừa xin thêm 206.000 quân, một bầu không khí nặng nề hiện ra rất rõ từ loà Bạch Ốc (2). Lúc đó có mặt tại Washington, chúng tôi còn nhớ những buổi chiều khi ba hệ thống truyền hình Mỹ phát sóng báo cáo tin tức từ Việt nam, kèm theo là những câu hỏi hóc búa, những bình luận bi quan, ôi sao nó ê chề đến thế! Bộ Ngoại giao cũng như toà Bạch Ốc, khi trả lời báo chí rõ ràng là đã đứng vào thế thủ, chỉ chống đỡ. Vừa mới ba tháng trước, ông Westmoreland lên truyền hình trấn an nhân dân Mỹ là mọi việc đều tốt đẹp và sắp tới lúc nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Bây giờ, đùng một cái, Việt Cộng vào tới tận Toà đại sứ.

Câu hỏi hóc búa là nếu đang thắng, tại sao lại phải xin tăng thêm tới 40% quân số? (3).

Nhiều nhà bình luận cho rằng biến cố Mậu Thân là Điện Biên Phủ đối với Tổng thống Johnson (4). Ông bị bại trận về tâm lý. Khi Tổng trưởng quốc phòng Robert Mcnamara xuống tinh thần, ông Johnson hết chỗ tựa. Năm 1984 ông Mcnamara mới thú nhận là ngay từ khi Mỹ mang quân vào (1965-1966), ông cũng đã có những hoài nghi về cuộc chiến. Như vậy tại sao ông lại hăng hái chủ trương mang quân vào Miền Nam? Người ta cho rằng ông chỉ muốn chiều ý Johnson lúc đó vì nhắm chức chủ tịch Ngân hàng thế giới (5). Tết Mậu Thân là thời điểm tốt cho ông tính đến việc tháo lui. Bị chống đối dữ dội, lại thấy "diều hâu" Mcnamara bắt đầu tránh né, Tổng thống Johnson mệt mỏi, chán chường.

Ngày 31 tháng Ba, đúng hai tháng sau Mậu Thân, ông tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ hai nữa. Đồng thời ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20 để kêu gọi đình chiến. Đình chiến xong là rút quân về.


Bầu cử, bầu cử: Hãy đi Paris?

Tổng thống Johnson lại đề cử ngay Phó Tổng thống Hubert Humphrey thay ông ra tranh cử vào tháng 11, 1968.

Tuyên bố ý định không ra ứng cử từ cuối tháng Ba, Johnson đã cho Humprey đủ thời giờ để tổ chức, vận động. Humphrey tranh cử với lập trường chấm dứt chiến tranh, đem lại hoà bình. Nhưng nếu chấm dứt bằng cách đơn phương bỏ cuộc thì Hoa kỳ sẽ bị thế giới coi thường. Như vậy là thua rồi! Phải có một Hiệp định đình chiến do chính Việt nam cộng hoà ký thì mới danh chính ngôn thuận. Sau này, ông Thiệu kể lại ngay sau cuộc thăm viếng của ông Humphrey, nhân một chuyến đi quan sát chiến trường Miền Nam, Tổng trưởng quốc phòng Mcnamara cũng đã nhấn mạnh: "Chúng tôi cần có một cuộc bầu cử (ở Miền Nam) để điều đình với Bắc Việt. Đại sứ Bunker thì luôn nói tới "Cần có hoà đàm để chứng tỏ với Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ là chúng ta – Hoa kỳ và Việt nam cộng hoà - đều muốn hoà bình" (6).
Kế hoạch của ứng cử viên Humphrey được thành hình vào tháng Năm 1968, khi ông Cyrus Vance đại diện cho Hoa kỳ và ông Hà Văn Lâu đại diện cho Bắc Việt đến họp tại Paris để thảo luận về chi tiết những cuộc hoà đàm chấm dứt chiến tranh. Lúc đó, Chính phủ Việt nam cộng hoà chưa chịu tham gia vì Sài gòn muốn trực tiếp đàm phán với Hà Nội, Mặt trận giải phóng miền Nam (MTGPMN) chỉ tham gia như một phần của phái bộ Bắc Việt mà thôi. Nhưng nếu Chính phủ Miền Nam không tham gia thì làm thế nào để có được một Hiệp định cho sớm?

Ông Humphrey không thể thắng cử nếu viễn tượng hoà bình chưa sáng tỏ vào ngày bầu cử mồng năm tháng 11, 1968.

Càng gần ngày bầu cử, áp lực từ Washington đến càng mạnh. Đại sứ Ellsworth Bunker tìm mọi cách thuyết phục ông Thiệu gửi phái đoàn sang Paris dự hoà đàm, càng sớm càng hay.

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:40:31 am »

Bầu cử, bầu cử: Đừng đi Paris?

Cùng lúc ấy, ông Thiệu lại nhận được những lời ve vãn từ phía đối thủ của ông Hubert Humphrey, đó là ông Richard Nixon. Thông điệp phía Nixon lại trái ngược hẳn: "Chớ tham gia hoà đàm Paris, cố trì hoãn càng lâu càng tốt để đợi ông Nixon lên Tổng thống, mọi chuyện sẽ tốt đẹp"(7).

Những người làm trung gian lúc đó là bà Anna Chennault và Đại sứ Bùi Diễm. Bà Chennault rất được ông Thiệu tin cậy. Bà là người gốc Trung Hoa, quả phụ của tướng Claire Chennault, chỉ huy đoàn Phi Hổ (Flying Tigers), một nhóm tình nguyện của Mỹ chiến đấu chống Nhật hồi Đệ nhị thế chiến. Sau khi chồng chết năm 1958, bà thay thế ông làm quản trị viên của hãng hàng không Phi Hổ. Trong những chuyến bay qua Đông Nam Á, bà thường ghé Sài gòn và đến thăm ông Thiệu. Có lần bà còn được mời ra nghỉ ở villa Bảo Đại Vũng Tàu. Bà đóng một vai trò chủ yếu trong nhóm "Vận động cho Trung Hoa" (China Lobby) và gây quỹ tranh cử cho đảng Cộng hoà. Bà Chennault ra vào tự do trong chính giới ở Washington và rất hãnh diện về những quen biết của mình ở đó. Bà gặp Nixon lần đầu tiên vào năm 1954, khi ông sang thăm Đài Loan với tư cách Phó Tổng thống. Năm 1960, bà cổ động cho nhóm vận động của Nixon chống Kennedy.

Anna Chennault thăm viếng Sài gòn thường xuyên vào năm 1968, để thông tin cho ông Thiệu về sự tranh cử của Nixon và những quan điểm của ông đối với Việt nam. Bà nói với ông Thiệu rằng Nixon sẽ là một người ủng hộ Việt nam mạnh mẽ hơn Humphrey nhiều. Sau này, bà kể lại cho chúng tôi: "Ông Thiệu bị phe Dân chủ làm áp lực nặng. Công việc của tôi hồi ấy là cố giữ cho ông ta đừng thay đổi ý kiến". Đại sứ Bùi Diễm, qua sự giới thiệu của bà, còn được ông Nixon tiếp kiến và dặn là nếu có tin tức gì thì cứ đưa cho bà Chennault. Bà sẽ phúc trình thẳng cho John Mitchell, người phụ trách vận động tranh cử cho Nixon. Trong buổi gặp gỡ, Nixon hứa hẹn là nếu thắng cử, sẽ coi vấn đề Việt nam là ưu tiên số 1, và "bảo đảm sẽ dành cho Việt nam một sự đối xử thuận lợi hơn phe Dân chủ". (9).

Mưu lược của ông Thiệu

Ông Thiệu biết quá rõ về lập trường của ông Humphrey. Nếu ông ta thắng cử thì có nghĩa là sẽ có một Chính phủ liên hợp (với Cộng sản) trong sáu tháng; còn nếu Nixon thắng thì ông cũng còn có hy vọng, ông kể lại cho chúng tôi nghe vào một buổi chiều mùa xuân năm 1985 tại London. Ông cho rằng sau khi có một Chính phủ liên hiệp thì Mỹ sẽ rút đi hết, mặc Việt nam cộng hoà cho số phận quyết định. Bởi vậy, ông đánh một ván bài liều.

Kế hoạch của ông Thiệu là cố gắng trì hoãn quyết định của Tổng thống Johnson về việc ngưng oanh tạc Bắc Việt và về việc Việt nam cộng hoà tham dự Hoà đàm Paris.

Lửng lơ con cá vàng, ông không hề nói "không" với ông Bunker, mà luôn nói "có, với điều kiện". Cứ cù nhày để mua thời giờ cho ứng cử viên Cộng hoà Richard Nixon. Có lúc ông còn dùng ngay những "thể chế dân chủ" do chính người Mỹ giúp Miền Nam dựng nên để tránh né: ông viện cớ là vì lề lối làm việc dân chủ, ông còn phải tham khảo ý kiến Quốc hội và Hội đồng an ninh quốc gia. Ông Thiệu biết là nếu găng quá thì Johnson có thể lấy quyết định đơn phương, cho nên ông không công khai phản đối đề nghị của Johnson, mà chỉ phản đối những chi tiết, đòi thêm điều nọ, điều kia. Đúng là cung cách xoay xở để tồn tại của một người mưu lược.

Trong tuần lễ chót trước ngày bầu cử, John Mitchell "hầu như mỗi ngày" liên lạc với bà Chennault để thuyết phục ông Thiệu đừng tham dự hoà đàm Paris. Cả hai đều biết là Cơ quan điều tra Liên bang (FBI) lén nghe điện thoại, và bà nói đùa với Mitchell: "Ai đang nghe đầu dây bên kia?" Mitchell thì không cho câu rỡn đó là hài hước và nói: "Bà nên dùng điện thoại công cộng, đừng nói chuyện ở sở?". Lời nhắn nhủ mà Mitchell chuyển cho bà lúc nào cũng giống như nhau: "Đừng để cho ông Thiệu gửi phái đoàn sang Paris"(10).

Một vài ngày trước bầu cử, Mitchell điện thoại cho bà Chennault, nhờ chuyển một thông điệp khác cho ông Thiệu. "Anna, tôi nói đây là theo lệnh của Nixon. Điều quan trọng là những người bạn Việt của chúng ta cần phải hiểu rõ quan điểm của Đảng Cộng hoà, và tôi mong bà giải thích cho họ như thế"(11).

Dù nhận được đầy đủ phúc trình của CIA và FBI về những cuộc điện đàm giữa bà Chennault và Sài gòn, ông Johnson quyết định không công bố việc ấy ra vì sẽ bị mang tiếng là "nghe lén" và cứ tiến hành sáng kiến hoà bình của mình để giúp cho ông Humphrey(12).

Ông Thiệu "án binh bất động", tiếp tục không nhúc nhích, nhưng cho phía Mỹ cảm tưởng mập mờ là trước sau rồi ông cũng sẽ nghe theo để dự hoà đàm. Đại sứ Bunker mắc mưu, phúc trình với Washington là nếu chờ thêm ít hôm nữa, Chính phủ Sài gòn có thể sẽ ngồi vào bàn hội nghị. Dùng chiến thuật đánh lạc hướng, ông Thiệu lại còn gửi một "phái đoàn tiền phong" sang Paris để "thu xếp chỗ ở và chuẩn bị cho sự tham dự của phái đoàn Việt nam cộng hoà. Và cứ đong đưa như thế; khi thì đưa ra những phản đối mới, khi thì rút lại những chướng ngại chiến thuật, và lần nào cũng mất hai ba ngày mới giải quyết xong.


Leo thang hoà bình

Càng gần ngày bầu cử, Johnson lại càng phải xuống thang chiến tranh cho nhanh để còn leo thang hoà bình. Muốn tranh thủ được sự ủng hộ của phía quân đội, ông triệu vị tư lệnh quân sự lại Việt nam, Đại tướng Creighton Abrams, về Washington để tham khảo. Abrams đáp xuống căn cứ không quân Andrews lúc nửa đêm ngày 29 tháng 10, 1968, và đi ngay tới toà Bạch Ốc. Vào hai giờ 30 sáng, Tổng thống Johnson chủ toạ một phiên họp giữa các cố vấn cao cấp của mình trong phòng Họp Nội Các. Sau khi duyệt lại tình hình quân sự lừng chi tiết, Johnson ngó thẳng mặt Abrams trong giây lát, rồi hỏi:

- Đây là giờ phút nghiêm trọng. Theo những gì Đại tướng được biết, Đại tướng có ngần ngại hay dè dặt gì không về việc ngưng ném bom Bắc Việt?

- Dạ không, - Abrams đáp.

- Nếu là Tổng thống, Đại tướng có sẽ làm như thế không?

- Tôi không ngần ngại gì hết. Tôi biết làm thế sẽ gây nhiều phê phán trong dư luận. Nhưng tôi nghĩ làm như thế là phải. Làm như thế là đúng.

Giữa lúc đang họp thì có người cho biết rằng Đại sứ Bunker vẫn chưa gặp được ông Thiệu để buộc ông thoả thuận dứt khoát như Tổng thống Johnson mong muốn. Bunker cho hay rằng phía Việt nam cộng hoà đòi có thêm thời giờ: "họ chưa tổ chức được phái đoàn để gửi sang Paris cho kịp ngày mồng hai tháng 11", như Johnson trông đợi (13).

Buổi họp chấm dứt trước năm giờ sáng. Abrams về nhà ngủ, trong khi Dan Rusk trở lại Bộ Ngoại giao gọi dây nói cho Bunker ở Sài gòn. Bởi lẽ hai thủ đô cách nhau 12 tiếng đồng hồ và Sài gòn đã về chiều, nên Bunker có thể cho ông Rusk biết những gì đã xảy ra trong ngày. Lúc 6 giờ 15' sáng, Johnson lại triệu tập một buổi họp khác trong phòng họp nội các cùng thảo luận với các cố vấn về những hoạt động hậu trường của bà Chennault. Hiện diện trong buổi họp có Ngoại trưởng Dan Rusk và Tổng trưởng quốc phòng Clark Clifford. Clifford nổi giận. Với cung cách đàng hoàng nhất của một luật sư ông phàn nàn rằng sự trì hoãn vào phút chót của Việt nam cộng hoà là một hành động "đáng trách cứ và hoàn toàn không có lý do chính đáng"(14).

Johnson thời chỉ thị cho Rusk nói với Bunker là "Hoa kỳ đã sẵn sàng tiến hành phiên họp ngày 2-11-1968 với Bắc Việt tại Paris mà không cần có Thiệu?" Nhưng Bunker cố thúc giục Johnson hoãn việc loan báo ngưng dội bom lại chừng 24 giờ nữa và hoãn hoà đàm Paris đến mồng 4-11-1968 để Sài gòn có thêm thời giờ tổ chức phái đoàn tham dự hội nghị. Johnson nói với các cố vấn: "Tôi bằng lòng hoãn lại vụ này một, hay hai hôm, nhưng sau đó là hết Đồng minh". Rồi Johnson gửi cho ông Thiệu một thông điệp riêng khẩn khoản giục ông gửi đại diện dự hoà đàm với Hoa kỳ ở Paris.

Vào buổi trưa 30-10-1968, tức là chỉ còn năm ngày trước bầu cử, Tổng thống Johnson nhận được hồi âm của ông Thiệu nói sẽ chấp nhận nếu các điều kiện của ông được thoả mãn(15).

Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:41:34 am »

Đâm lao phải theo lao

Như vậy là ông Thiệu chưa dứt khoát. Tới đây thì Johnson không còn chờ đợi được nữa, nên đã thông báo ngay cho ông Thiệu về việc quyết định hành động một mình. Johnson ấn định ngày giờ loan báo trên TV việc ngưng oanh tạc là tám giờ tối 31-10-1968 và quyết định sẽ có hiệu lực 12 giờ sau đó. Buổi họp ở Paris đầu tiên được ấn định vào mùng 6-11-1968, một ngày sau bầu cử. Với áp lực như vậy, ông Johnson hy vọng suốt ngày hôm đó là thế nào ông Thiệu cũng đồng ý đưa ra một thông cáo chung về việc ngưng oanh tạc và hoà đàm. Đại sứ Bunker họp liên miên với Tổng thống Thiệu, Phó Tổng thống Kỳ và Ngoại trưởng Trần Chánh Thành "để cố san bằng những dị biệt".
Thế nhưng, chỉ còn một giờ trước khi Johnson lên truyền hình ông được Đại sứ Bunker thông báo rằng ông Thiệu vẫn còn đòi duyệt xét lại.

Quá muộn rồi, cần phải có ảnh hưởng ngay với cử tri. Ngày 1-11-1968, Johnson bèn công bố quyết định ngưng oanh tạc Bấc Việt và khai mạc Hoà đàm Paris nới rộng. Để che đậy tình hình căng thẳng với ông Thiệu, ông Johnson nói thêm rằng "Đại diện Chính phủ Việt nam cộng hoà nếu muốn tham dự thì cứ tự do".

Đã đâm lao, phải theo lao. Tại Sài gòn, ông Thiệu phản ứng bàng cách tự tách khỏi quyết định ngưng oanh tạc. Ông tuyên bố đó là một quyết định "đơn phương" của Hoa kỳ. Phản ứng này giảm bớt tác dụng chính trị của nước cờ Johnson đối với cử tri Mỹ và khiến hy vọng hoà bình cũng mờ nhạt. Tuy nhiên dù tuyên bố như vậy, ông Thiệu vẫn nói riêng với Bunker rằng ông sẽ không làm gì để đảo lộn sáng kiến hoà bình của ông Johnson và sẽ tham gia hội nghị nếu Sài gòn thương thuyết thẳng với Hà Nội chứ không phải với Mặt trận giải phóng miền Nam. Khi Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc Bắc Việt, Humphrey vô cùng phấn khởi, cho rằng đó là sự hỗ trợ cho lập trường chấm dứt chiến tranh mà ông cổ võ trong mấy tháng vận động tranh cử. Giờ đây, vào những ngày chót, Johnson lại đi được một nước cờ tuyệt diệu, vừa chấm dứt chiến tranh, vừa bầu lên được người kế vị thuộc đảng Dân chủ. Hôm sau ngày Johnson tuyên bố, tờ Washington Post (số ra ngày 1-1 l-1968) tường thuật là "phản ứng sơ khởi của cấp lãnh đạo chính trị thuộc cả hai đảng là lời tuyên bố ngưng oanh tạc của Tổng thống Johnson đêm qua sẽ có thể làm tăng hy vọng cho đảng Dân chủ để giữ lại được toà Bạch Ốc và duy trì giữ được đa số tại Quốc hội trong cuộc bầu cử vào thứ Ba tới". Humphrey thì được báo chí mô tả là "nghiêm nghị và nhẹ nhõm, hy vọng hành động của Johnson sẽ mang lại "hoà bình trong danh dự".


Cạm bẫy của Nixon

Cứ để Humphrey biểu diễn, Nixon đã giăng sẵn một cái bẫy cho ông ta. Qua những thông tin bí mật về hoà đàm Paris, Nixon biết được hết đường đi nước bước của Johnson. Ông này nắm được sáng kiến hoà bình để giúp Humphrey, lại có đầy đủ quyền hành trong tay, muốn ngưng oanh tạc bất cứ lúc nào cũng được. Sau đó đi tới thoả hiệp với Bắc Việt. Ngày 22-10-1968, Nixon nhận được một tờ trình của Bryce Harlow, một tuỳ viên chính trị của mình, rằng: "Tổng thống Johnson đang cố tìm mọi cách để có được một đổi chác với Bắc Việt… ông trở nên háo hức một cách dường như bệnh hoạn, đi tìm một cái cớ nào đó để có thể vin vào mà ra lệnh ngưng oanh tạc và sẽ chấp nhận bất cứ một cuộc dàn xếp nào…"(16). Đọc tờ trình nhiều lần, Nixon hết sức bực bội. Ông đề phòng cẩn mật. Ngày 26-10-1968, Nixon quyết định công bố một nhận định về hoà đàm như sau: "Trong ba mươi sáu giờ qua, tôi nghe nói có rất nhiều cuộc hội họp ở toà Bạch Cung và ở các nói khác về vấn đề Việt nam. Tôi nghe nói rằng các viên chức cao cấp trong chính quyền đang rất bận rộn để đạt tới thoả hiệp ngưng oanh tạc và tiếp theo là đình chiến. Trong những ngày gần đây, những việc đó được coi như là đúng. Tôi còn… nghe rằng hoạt động bận rộn ấy là một mưu toan đáng khinh bỉ vào phút chót của Tổng thống Johnson để cứu vãn ứng cử viên Humphrey. Điều này thì tôi không tin là đúng" (17). Rất khôn, cứ nói toạc ra, lên án, rồi lại phủ nhận. Ngày 31-10-1968 (giờ Washington), Johnson tuyên bố Hoa kỳ sẽ "ngưng mọi phi vụ oanh tạc, mọi vụ oanh kích từ ngoài khơi, và pháo kích trên lãnh thổ Bắc Việt kể từ ngày 1 tháng 11". Ông Humphrey hết sức phấn khởi vì việc ngưng oanh tạc đã mang lại kết quả mau lẹ. Trước khi Johnson tuyên bố, ứng cử viên Nixon với lập trường mang lại hoà bình đã được dân chúng Mỹ ủng hộ hơn hẳn ứng cử viên Humphrey, người bị coi là kế vị "con diều hâu Johnson". Trước đó mười ngày, Tổ chức thăm dò dân ý Gallup cho biết kết quả là Nixon sẽ dẫn đầu Humphrey tám điểm: 44% và 36% (ngày 21 tháng 10). Nhưng chiều mồng 1-11-1968, tức là chỉ hai ngày sau khi công bố ngưng oanh tạc, thì "sóng gió nổi lên, và Nixon chỉ còn dẫn đầu Humphrey có hai điểm: 42% và 40%"(18).

Như vậy, chắc là Nixon phải lo lắng lắm. Thế nhưng không, vì ông biết được ông Thiệu đang toan tính cái gì ở Sài gòn. Nixon rất mừng khi thấy phe Dân chủ đang sa vào cái bẫy của mình. Ông biết là ông Thiệu sẽ không chịu đi Paris, vậy mà phe Dân chủ lại phóng mạnh lên viễn ảnh hoà bình bằng cách gắn liền việc ngưng oanh tạc với Hoà đàm Paris, được ấn định vào ngày 6-11-1968.

Từ thế thủ chuyển sang thế công, ông Nixon lại đi một nước cờ cao hơn: đó là cứ đổ dầu thêm vào lửa. Ông thổi phồng ngay cái hy vọng hoà bình cho lớn hơn, vì biết rằng chính ông Thiệu sẽ làm nó xẹp. Chắc chắn ông sẽ có lợi khi cử tri Mỹ vỡ mộng, hoài nghi lá bài hoà bình của Johnson. Trong một cuộc mít-tinh lớn tại Madison Square Garden, New York, đúng vào ngày ngưng oanh tạc, Nixon tuyên bố rằng ông sẽ "không nói bất cứ điều gì có thể phá vỡ cơ hội đưa đến hoà bình, và ông tin rằng rằng việc ông Johnson ngưng dội bom sẽ "mang lại một vài tiến bộ" tại Hoà đàm Paris nhóm họp vào ngày sáu tháng 11 sắp tới. Thực ra, Nixon thừa biết là ông Thiệu sẽ không tham gia, nên ông giăng lưới cho Humphrey và Johnson rơi vào.


Lá bài tẩy.

Ba ngày trước cuộc bầu cử, áp lực của Johnson gia tăng. ông gửi một thông điệp riêng cho ông Thiệu thúc giục "Chúng ta không nên bỏ nhau trong giờ phút nghiêm trọng này".

Lá bài chót của ông Thiệu là bài diễn văn ông dự định đọc vào ngày Lễ Quốc Khánh, mồng một tháng 11, ngày lật đố Chính phủ Ngô Đình Diệm (31 tháng 10, giờ Washington). ông Thiệu dự định đọc diễn văn trong một phiên họp Lưỡng Viện Quốc hội Việt nam cộng hoà vào mồng một tháng 11. Buổi chiều hôm trước, nhân dịp lễ Quốc khánh, ông mở một tiệc tiếp tân khoản đãi ngoại giao đoàn tại dinh Độc Lập. Nhớ lại buổi đó, ông kể chúng tôi nghe hồi 1977: "Không thấy ông già Bunker nói chuyện với ai hết, mà cứ đến chỗ tôi nói về bài diễn văn tôi sắp đọc ngày mai. Bunker hỏi nhiều lần là "mọi việc êm xuôi cả chứ, thưa Tổng thống?". Tôi trả lời "Cố nhiên, cố nhiên, mọi việc đều êm xuôi".

Bunker lấy làm hài lòng và nâng ly chúc tụng tự do cho Việt nam cộng hoà. Ông báo cáo về Washington là ông Thiệu sẽ tuyên bố trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội (vào hôm sau, mồng 1-11) là Việt nam cộng hoà sẽ tham gia các cuộc Hoà dàm Paris. Riêng ông Thiệu thì đã dùng mọi cách để giấu cho kín nội dung bài diễn văn: ông tự viết lấy bản thảo, rồi cho ba người thư ký khác nhau đánh máy, mỗi người đánh một số trang chẳng theo thứ tự nào để không người nào có thể đọc được tất cả bài diễn văn. Họ lại phải ở luôn trong dinh hôm đó, không được đi đâu (19).

Sáng thứ Bảy, 1-11-1968, một buổi sáng êm ả ở Sài gòn, khí trời khô ráo và dễ chịu vì mùa mưa vừa hết. Ông Thiệu kể lại là trên đường từ Dinh Độc Lập tới Quốc hội, ông hết sức lo ngại, có thể ông sẽ bị CIA ám sát nếu Johnson và Humphrey biết trước được là ông sắp sửa phản phé và bác bỏ kế hoạch hoà bình của Hoa kỳ, ngầm phá hoại cơ hội thắng cử của Humphrey. "Và nếu họ muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ đổ cho Việt Cộng hoặc là do "âm mưu đảo chính" là xong", ông Thiệu kể lại. Nếu tình hình ở Miền Nam trở nên rối ren thì lại càng dễ bề biện minh cho việc ngưng oanh tạc và khởi sự đàm phán với Bắc Việt. Ông Thiệu cũng biết rằng một khi ông đã tới được toà nhà Quốc hội và đọc diễn văn công khai loan báo quyết định của mình rồi thì hết phải lo. Ông sẽ tránh được những thảm hoạ có thể xảy ra nếu như người Mỹ quyết định lật đổ ông.

Ngồi sừng sững ngay hàng ghế đầu trong Quốc hội, Đại sứ Bunker có vẻ thoải mái và luôn tủm tỉm cười, sau cả tháng giằng co với phía Việt nam cộng hoà. Khi ông Thiệu tới, máy quay phim của ba hệ thống truyền hình Mỹ đều hướng vào ông và cử toạ đồng loạt đứng dậy vỗ tay. "Này công dân ơi, Quốc gia đến ngày giải phóng…". Mọi người nghiêm chỉnh chào quốc kỳ.

Khi bắt đầu nói, ông Thiệu tỏ vẻ xúc động rõ rệt, nhưng cương quyết. Sau phần mở đầu ngắn ngủi, ông cất cao tiếng nói. Bằng một giọng đanh và sắc, ông đòi Bắc Việt trực tiếp đàm phán với Việt nam cộng hoà. Việt Cộng sẽ chỉ tham gia như một phần của phái bộ Bắc Việt mà thôi. Nhấn mạnh từng chữ, ông nói: "Chính phủ Việt nam cộng hoà rất tiếc là không thể tham dự những cuộc hoà đàm sơ bộ hiện nay tại Paris".

Cả Quốc hội nghe đến đó đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay thật lâu. Đèn chiếu và máy quay phim bỗng đổ dồn về phía Bunker. Sau này, ông Thiệu kể lại: "Tôi còn nhìn thấy rõ là Bunker lúc ấy cố làm ra vẻ bình tĩnh mà không được. Ông toát cả mồ hôi ra. Nhìn gương mặt ông, tôi không khỏi ái ngại, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn được. Tôi không thể chấp nhận tình trạng có thể đưa mình tới chỗ liên hiệp với Cộng sản" (20). Bài diễn văn của ông Thiệu kéo dài 27 phút và bị những tràng pháo tay làm gián đoạn mười tám lần. Quyết định này của ông đã là một tin quan trọng (21). Bài diễn văn ngày Quốc Khánh năm 1968 của ông Thiệu là một nước cờ then chốt từ một mưu lược do chính Nixon thúc đẩy

Tờ Washington Post đăng tít hàng đầu: "NAM VIỆT NAM TẨY CHAY HOÀ ĐÀM NGÀY 6 THÁNG 11", và phần tin tức của bài báo ghi rằng: "Hậu quả hành động của Thiệu là làm người ta nghi ngờ về những nước cờ của Mỹ nhằm mở cuộc thương thuyết với Cộng sản để chấm dứt chiến tranh". Ngày bầu cử Tổng thống là thứ Ba, mùng 5-11-1968. Như sử gia nổi tiếng Theodore White đã nhận định trong cuốn "Việc tạo dựng nên ngôi vị Tổng thống" (The making of the Presidency, 1968):

"Giả như hoà bình đã hiển nhiên như một sự thực trong ba ngày chót của cuộc bầu cử năm 1968, thì Hubert Humphrey có thể đã đắc cử; có thể ông ta đã là một Tổng thống thiểu số, nhưng dù sao cũng là Tổng thống. Thế nhưng, qua những xáo trộn của ba ngày chót đó, người ta thấy rằng vụ ngưng ném bom bắt đầu sáng Thứ Sáu, chắc không thể nào làm ngưng được máu người Mỹ vẫn đổ ở Á Châu; và dư luận quần chúng đang thuận lợi cho Humphrey, bỗng nhiên lại ngả về phía Nixon (22).

Nixon thắng cử chỉ có 43.4% tổng số phiếu toàn quốc, so với 42.7% cho Humphrey, hơn nhau chỉ nửa triệu phiếu. Nếu tính cho tròn theo phương pháp thống kê thì mỗi người được bằng nhau là 43%. Dư luận cho rằng "nếu như ngày bầu cử nhằm vào Thứ Bảy hay Chủ nhật (tức là ngay sau ngày ngưng oanh tạc), thì có thể Nixon đã thua. Nhưng giá như ngày bầu cử được tổ chức một tuần lễ muộn hơn nữa, thì Nixon có thể còn thắng từ một triệu đến hơn năm triệu lá phiếu" (23). Sau này, chính Tổng thống Johnson đã xác định trong cuốn hồi ký của ông "The Vantage Point" rằng: "Ngày 1-11-1968, sau khi cho hay là sẽ đi dự Hoà đàm Paris, nhà lãnh đạo Việt nam cộng hoà lại quyết định không tham dự. Tôi tin chắc rằng sự việc đó đã làm cho ông Humphrey thất cử" (24).
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:42:06 am »

Vắt chanh bỏ vỏ.

Nếu như tin ông Nixon thắng cử có làm ông Thiệu hài lòng đôi chút thì nó cũng chỉ là trong chốc lát. Đại sứ Bunker và cả Bộ Ngoại giao Hoa kỳ vô cùng bực tức về ông. Ông Thiệu cũng cảm thấy rằng mình đã hơi quá tay. Ngày 12-11-1968, Tổng trưởng quốc phòng Clark Clifford công khai cảnh cáo ông Thiệu rằng nếu ông không tham dự hoà đàm Paris, Hoa kỳ sẽ hành động một mình và không cần đến ông. Tờ New York Times thuật lại việc ông Clifford đã không đè nén được sự nổi giận của ông về việc ông Thiệu đã chống lại cuộc đàm phán vào giây phút chót.

Ở Sài gòn, lởi cảnh cáo của Clifford lại được giải thích là Johnson đang nổi sùng với ông Thiệu và có thể quyết định lật đổ ông. Ông Thiệu kể lại: "Nếu Johnson lật đổ tôi trước khi Nixon nhậm chức, thì cái đó hẳn là một giải pháp êm đẹp nhất cho Nixon: ông ta sẽ khỏi phải đích thân lật đổ tôi. Tôi đâu có căn cứ chính sách của tôi vào một cá nhân duy nhất, mà vào chính sách của Hoa kỳ. Tôi biết chính sách của Hoa kỳ là thương lượng để đạt được một Chính phủ liên hiệp ở miền Nam, chứ không phải thắng lợi quân sự. Tôi không bao giở có ảo tưởng là chính sách Nixon nhằm giúp Miền Nam thắng Miền Bắc về mặt quân sự".

Sau này, khi lên truyền hình đọc bài diễn văn từ chức vào ngày 22-4-1975, ông Thiệu còn nhắc lại rằng: "Vào những ngày vô cùng khó khăn năm 1968, áp lực của Mỹ đè lên chúng ta không phải là nhỏ?

Việc ông Thiệu lo ngại về đảo chính sau khi Nixon đắc cử cũng không hẳn là không có lý do. Tác giả Seymour Hersh trong cuốn "The Price of power", sau khi đúc kết các tài liệu về vụ này cho hay rằng sau cuộc bầu cử 1968, chính ông Kissinger đã báo động cho phía Nixon về mưu đồ của Clark Clifford và cảnh cáo: "Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ chắc chắn là chết" (25).

Một tuần lễ sau khi bầu cử, ngày 11-11-1968, Nixon tuy đã thắng nhưng chưa chính thức nhậm chức (ngày 20-1-1969 mới đăng quang) đã tới thăm Johnson tại Bạch Cung và được hướng dẫn về chính sách đối ngoại. Cuối phiên họp, khi bàn về Việt nam, Nixon tuyên bố: "Chính phủ Johnson không những có thể hành động nhân danh chính quyền hiện nay mà còn nhân danh cả toàn quốc, và như thế có nghĩa là nhân danh cả chính quyền (của Nixon) sắp tới nữa". Khi tin này được công bố, báo chí lập tức giải thích câu phát biểu của Nixon là chính Tổng thống tân cử cũng đã bắt đầu "làm áp lực" đối với ông Thiệu (26).

Và đúng như vậy, chỉ vài ngày sau khi Nixon thắng cử, cố vấn của Nixon là Mitchell đã điện thoại yêu cầu bà Chennault nói với ông Thiệu là "nên tham dự ngay các cuộc hoà đàm ở Paris". Bà vô cùng tức giận, cho rằng Nixon đã phản bội. Bà còn nhớ trước ngày bầu cử, Mitchell đã gọi các cuộc hoà đàm ở Paris là "giả mạo", xúi ông Thiệu đừng tham dự, lúc nào cũng giục "hãy cố thử" (please hold on!) mà bây giờ lại trở mặt, cho việc gửi đại diện tham dự là quan trọng.

Thế nhưng, Nixon đã lên lưng ngựa rồi, bây giờ đâu còn cần ai nữa! "Đường ta, ta cứ đi", Nixon trực chỉ phóng tới đích (27).

Chú thích:

(1) Leslie Gelb and Richard Betts, The Irony of Vietnam, trang 160-161.

(2) Leslie H. Gelb and Richard K. Betts, The Irony of Vietnam, trang 170.

(3) Harry G. Summers, "Turning point of the war" in David Zabecki, Vietnam, A Reader, trang 240.

(4) Leslie H. Gelb and Richard K.Betts, Irony of Vietnam, trang 171; và Harry Summers, "Turning point of the war", trang 231.

(5) Harry Summers. "Turning point of the war", trang 235.

(6) Phỏng vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, 3-5-1985.

(7) Phỏng vấn bà Anna Chennault, 5-5-1985.

(Cool Về điểm này, nên đọc thêm: Bùi Diễm, The Jaws of history, trang 235-246

(9) Phỏng vấn bà Anna Chennault, 23-2-1986.

(10) Phỏng vấn bà Anna Chennault, 5-5-1985.

(11) Anna Chennault, The Education of Anna Chennault, do Seymour Hersh trích dẫn trong The price of power, trang 21; cũng nên đọc Stanley Karnow, Vietnam: a history, trang 585-586.

(12) Stanley Karnow, Vietnam: a history, trang 586.

(13) Lyndon B. Johnson, The vantage point, trang 520-521.

(14) Lyndon B. Johnson, The vantage point.

(15) Lyndon B. Jonhson, The vantage point, trang 524.

(16) Richard Nixon, Memoiry trang 326.

(17) Richard Nixon, Memoiry, trang 327.

(18) Theodore H. White, The making of the President 1968, trang 446.

(19) Nói chuyện với Tổng thống Thiệu, 25-11-1976.

(20) Nói chuyện với Tổng thống Thiệu, 25-11-1976.

(21) Tổng thống Johnson đã điện đàm với Đại sứ Bunker: Bunker cam đoan rằng Sài gòn sẽ gửi phái đoàn tham dự hoà đàm Paris mặc dù John Negroponte, một chuyên viên chính trị nói sõi tiếng Việt, đã tiên đoán ngược lại. Phỏng vấn Richard Holbrooke, 26-4-1985. (Holbrooke thời đó là một chuyên viên cấp thấp, làm việc cho Averell Harrimam tại Hoà đàm Paris).

(22) Theodore White, The making of the President 1968, trang 447.

(23) Theodore White, The making of the President 1968.

(24) Lyndon B. Johnson, The vantage point, trang 548-549.

(25) Seymour Hersh, The vantage point, trang 22-23.

(26) Washington Post, 12-11-1968.(27) Phỏng vấn Anna Chennault, 2-3-1986.
Logged
M79
Thành viên
*
Bài viết: 88


« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2008, 08:42:43 am »

P1 - Chương 2
 Kissinger, ông là ai?

New York là thành phố "không bao giờ ngủ". Từng dẫy cao ốc chọc trời. Đường phố rộng thênh thang, xe cộ chạy như mắc cửi. Mỗi khi phải đi băng qua phố ở những chỗ không đèn báo hiệu là cả một vấn đề khó khăn. Nếu vì lý do gì lại phải đợi có ai đi qua để cùng theo thì lại càng mất thời giờ. Uy thế mà cậu bé Heinz luôn luôn làm như vậy. Mới lớn lên mà đã rất cẩn thận. Mỗi khi phải qua phố, cậu luôn chờ xem có đám trẻ nào đi qua thì mới theo sau.

Cậu bé di cư từ làng Bavaria.

Đầu Thế chiến thứ hai nhiều người gốc Do Thái từ nước Đức sang tìm tự do tại Hoa kỳ, trong đó có gia đình cậu Henry Kissinger. Tên thật của cậu là Heinz Alfred Kissinger. Heinz đổi ra Henry từ khi sang Mỹ. Sinh trưởng ở làng Bavaria, thuộc vùng Furth ngày 27 tháng Năm, 1923. Lên bảy, làng cậu đã bị đám thanh niên theo Hitler quấy nhiễu. Heinz và các bạn trẻ Do Thái bị trẻ con trong làng đánh đập thường xuyên (1). Cậu sợ đến nỗi là dù đã tới đất của Nữ thần Tự do rồi mà vẫn luôn luôn nhút nhát, lúc nào cũng giữ thế thủ.

Gia đình cậu được di cư sang Mỹ vào tháng Tám, 1933.

Thoát chết, vì chỉ ba tháng sau đó, trong một đêm gọi là "Đêm pha lê" (Crystal Night), đoàn "Thanh niên Hitler" cùng quân đội đã ào ạt tấn công một cách man rợ vào cư dân Do Thái khắp nước Đức. Trong số 3.000 dân Do Thái ở vùng Furth, chỉ còn đếm được có 70 người lúc chiến tranh kết thúc năm 1945.(2)

Tới Mỹ, gia đình cậu Henry cư ngụ tại New York, sinh hoạt bình thường như những gia đình di cư khác. Ngay từ lúc còn học trung học, Henry đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc.

Tiến sĩ Kissinger

Trưởng thành, Kissinger đi quân dịch và nhập trại huấn luyện ở tiểu bang North Carolina vào tháng Hai, năm 1943. Tới tháng Sáu cùng năm ông được nhập tịch, trở thành công dân Hoa kỳ. Sau khi giải ngũ, Kissinger được nhận vào đại học Harvard. Và đỗ tiến sĩ với điểm ưu hạng. Vừa học giỏi, Kissinger lại được một giáo sư nổi tiếng là William Elliott đỡ đầu. Ông Elliott cho Kissinger đảm nhiệm chương trình "Hội thảo chuyên đề quốc tế Harvard" (Harvard International Seminar). Chương trình này được tổ chức vào mỗi mùa hè để các chính khách, học giả từ các nước tới trao đổi về các vấn đề quan trọng. Đây là cơ hội quý giá cho Kissinger gặp nhiều yếu nhân từ khắp nơi. Và ông bắt đầu được biết đến từ lúc đó (3).

Năm 1957, ông cho xuất bản cuốn sách "Vũ khí nguyên tử và chính sách ngoại giao" (Nuclear Weapons and Foreign Policy), một cuốn sách được liệt vào hàng bán chạy nhất năm đó. Cuốn này phản ảnh tư tưởng của ông về sự xung đột liên tục trên thế giới giữa phe bảo thủ và phe cách mạng. Nhưng làm sao tránh được một cuộc chiến tranh nguyên tử toàn diện giữa Hoa kỳ và Nga Xô? Ông đề nghị một chính sách "chiến tranh nguyên tử giới hạn" để theo đuổi một mục đích cũng giới hạn. Đọc cuốn sách này, Nixon và đồ đệ của ông đã rất khâm phục (4).

Cơ hội tiến thân

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968, ai là người đã cho phía Nixon biết hết những bí mật về kế hoạch của Tổng thống Johnson tại Hoà đàm Paris? Người đó chính là Kissinger (5).

Ông có nhiều mối liên lạc với những chuyên gia về ngoại giao trong Chính phủ Johnson vì chính ông đã làm tư vấn bán thời gian cho họ về vấn đề Việt nam. Biết vậy nên ông Richard Allen, trong ban tham mưu về ngoại giao của ứng cử viên Nixon, đã liên lạc với Kissinger để dò xét xem phía Dân chủ đang mưu tính những chuyện gì về kế hoạch hoà bình. Kissinger liền xác định với Allen là mình có nhiều bạn bè và đồng liêu hiện đang làm việc ngay tại Hoà đàm Paris (bắt đầu từ tháng Năm, 1968). "Tôi có cách liên lạc với họ", Kissinger quả quyết. Và ông đã làm như vậy.

Phía Nixon được ông khuyến nghị là phải đề phòng vì: "Johnson đang chuẩn bị ngưng dội bom, và sẽ tung con bài bất ngờ ra trước ngày bầu cử". Trong tập hồi ký, chính Nixon cũng xác nhận việc này và tiết lộ một văn thư của phụ tá Haldeman thuật lại báo cáo của Kissinger gửi ông Mitchell (người điều hợp ban tham mưu của Nixon rồi Tổng trưởng Tư Pháp) nói trước mưu lược của Johnson: "Nguồn tin của chúng tôi cho việc chống đối ngưng ném bom là không thực tế, nhưng khuyên ta phải để tâm tới sự kiện là việc đó có thể xảy ra - nghĩa là ta nên tiên liệu trước việc đó - và nhất định là ta phải chuẩn bị cho cái lúc mà việc đó xảy ra. Nguồn tin của chúng tôi vô cùng quan ngại về những nước cờ sắp tới của Johnson, và tiên đoán rằng Johnson sẽ có một hành động nào đó trước ngày bầu cử" (6).

Bà Anna Chennault kể lại là vào thời điểm đó, bà đã không biết rõ "nguồn tin của chúng tôi" là ai. Mãi về sau này, ông Mitchell mới tiết lộ cho bà tông tích của "nguồn tin": đó là Henry Kissinger. Khoảng 12 giờ trước khi Johnson ngưng ném bom, Kissinger đã gọi cho Allen để thông báo một tin sốt dẻo: tại Paris, hai ông Harriman và Vance, lãnh đạo phái đoàn Hoa kỳ tại hoà đàm, đã mở rượu xâm banh ăn mừng rồi! Mọi vấn đề liên hệ đã điều đình xong, và việc ngưng ném bom sẽ được tuyên bố sớm (7).

Về hành động này của Kissinger, ký giả Seymour Hersh (người nổi tiếng về tiết lộ vụ Mỹ Lai) bình luận: khi đem những thông tin từ Paris cho phía Nixon, không những Kissinger đã lạm dụng tình đồng liêu nhưng còn phản bội những người mà ông đã từng cộng tác về những cố gắng đàm phán bí mật" (Cool.

Sau khi đăng quang, Tổng thống Nixon đã lựa chọn ông vào chức Cố vấn an ninh Quốc gia. Nixon viết thẳng ra trong hồi ký của ông rằng "Trong những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử, khi Kissinger cung ứng cho chúng tôi những tin tức về việc ngưng ném bom, tôi đã thấy được rõ hơn nữa, về sự hiểu biết sâu rộng và ảnh hưởng của ông ta… tôi có một trực giác mạnh về Henry Kissinger"(9).

Trong cương vị Cố vấn của Tổng thống, Kissinger chẳng mấy lúc đã nắm được trọn quyền hành về ngoại giao, qua mặt cả Ngoại trưởng William Rogers. Và sau cùng, ngày 22 tháng Tám 1973, Tổng thống Nixon còn chọn ông làm Ngoại trưởng thay ông Rogers (từ chức ngày 16 tháng Tám). Và Kissinger đã trở thành người di cư đầu tiên lên tới chức vị này. Quan trọng hơn nữa, ông cũng là Ngoại trưởng đầu tiên kiêm cả chức Cố vấn Tổng thống về An ninh. Sau khi Nixon từ chức, ông Ford lên kế vị (ngày chín tháng Tám 1974), lại cũng tiếp tục bổ nhiệm Kissinger kiêm luôn hai chức như cũ. Tới tháng 11, 1975 (bảy tháng sau khi Miền Nam sụp đổ) ông Ford mới rút lại chức Cố vấn. Như Kissinger đã tự thuật sau này là: ông đã kịch liệt phản đối việc ấy vì làm cho người ta nghi ngờ về địa vị của ông. "Và trong mấy tuần, tôi còn có ý định từ chức nữa" (10).

Trong tám năm trời và dưới hai thời Tổng thống, ông Kissinger đã nắm toàn quyền về ngoại giao Hoa kỳ. Chắc chắn lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng trong một thời gian là sáu năm ba tháng (lừ 20 tháng Giêng 1969 tới 30-4-1975), tức là gần một phần ba thời gian tồn tại của Việt nam cộng hoà, Kissinger đã đóng vai trò then chốt trong cả việc Mỹ tháo gỡ và việc Mỹ bỏ chạy ra khỏi Miền Nam.

Chuyên gia tư vấn: từ Dân chủ sang Cộng hoà

Tư vấn cho Đảng Dân chủ. Đầu thập niên 1960, Kissinger theo đảng Dân chủ và được làm tư vấn bán thời gian cho bộ Ngoại giao về vấn đề Âu châu thời Tổng thống Kennedy. Tới thời Tổng thống Johnson, ông còn tư vấn thêm cả về vấn đề Việt nam, đặc biệt là trong một công tác được gán hiệu là "Pennsylvania". Trong khi tham dự nhiều hội nghị quốc tế tại Paris, Kissinger có gặp một nhà vi trùng học người Pháp tên Herbert Marcovich. Marcovich cho biết ông có người bạn, một kỹ sư tên Raymond Aubrac, là chỗ quen biết với ông Hồ Chí Minh. Rất bén nhạy, Kissinger về Washington thuyết phục các cấp trên của ông dùng Aubrac làm đường dây với Hà Nội để điều đình. Chính phủ Johnson đồng ý và ngày 21 tháng Bảy 1967, hai người Pháp cùng với Kissinger bay ra Hà Nội gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng (11). Và đó là "Pennsylvania", nguồn gốc của hoà đàm. Tháng Năm 1968, Cyrus Vance, đại diện Hoa kỳ và Hà Văn Lâu, đại diện Hà Nội đến họp tại Paris để thảo luận về chi tiết những cuộc hoà đàm về chiến tranh Việt nam.

Tư vấn cho Đảng Cộng hoà. Khoảng năm 1964, Kissinger đổi sang Đảng Cộng hoà.

Trước hết là tư vấn cho Nelson Rockefeller, đối thủ của Richard Nixon. Nhà triệu phú Rockefeller, thống đốc tiểu bang New York, đã tuyển ông làm tư vấn về ngoại giao khi ra cạnh tranh với Nixon trong chức ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà. Thời đó, Kissinger rất khinh miệt Nixon, cho ông này là người "nông cạn, tham quyền, chống cộng quá khích và có thể đưa Mỹ tới đụng độ nguyên tử với Nga Xô và Trung Cộng". Ông còn nói với phe chống Nixon trước ngày họp Đảng "Con người Nixon đó không thích hợp để làm Tổng thống". Để thuyết phục, ông thêm: "Trong ngần ấy những người ra tranh cử, Richard Nixon là con người nguy hiểm nhất nếu trở thành Tổng thống". Thế nhưng, tại Đại hội đảng Cộng hoà, ngày 8-8-1968, ông Nixon được Đảng lựa chọn.

Khi thấy Rockefeller thất bại ngay lần bỏ phiếu đầu với số phiếu 277 so với 692 cho Nixon, Kissinger vô cùng buồn bã. Người ta kể lại rằng ông đã khóc. Ông còn nói: "Cái ông đó hả, ông ta không có quyền để cai trị"(12).

Nhảy sang tư vấn cho Richard Nixon. Khinh miệt Nixon như vậy, mà khi ông này vừa được đảng Cộng hoà tuyển chọn, Kissinger xoay chiều ngay. Dù biết rằng Kissinger coi thường cấp trên của mình, ban tham mưu của Nixon cũng nhận ra tài năng của ông ta. Chính ông Nixon cũng biết về thái độ thù nghịch của Kissinger, nhưng ông cho rằng đó chỉ là chuyện chính trị trước bầu cử (13). Phía Cộng hoà liền đề nghị Kissinger cộng tác để làm việc cho đảng trong kỳ tuyển cử tới. Kissinger vui vẻ quá sức. Người ta cho đây là "cơ hội chủ nghĩa" ở đỉnh cao nhất của nó (14). Lúc đó, Nixon đang cần có một nhà tư tưởng, nhà quân sư như Mcgeorge Bundy, Arthur Schlesinger của Kennedy hay Walter Rostow của Johnson. Là một luật sư, tuy có nhiều kinh nghiệm thực tế về chính sách vì đã làm Phó Tổng thống thời Eisenhower, nhưng ông Nixon thiếu cách diễn tả lưu loát về ngoại giao và những quan niệm về cơ cấu quy mô của chính trị toàn cầu.

Về điểm này, chúng tôi cũng có nhận thức được phần nào, khi nghe ông Nixon tranh luận với ông Kennedy vào lúc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11, năm 1960. Ngồi trong gian phòng giải trí dành cho sinh viên tại đại học Virginia, tôi được xem cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tại nước Mỹ trên truyền hình, tuy là TV đen trắng và nhỏ xíu. Chắc là ông Kennedy có những cố vấn ở đại học Harvard luyện cho trước cuộc tranh cãi, nên ăn nói lưu loát và bình luận về ngoại giao ở tầm lý thuyết cao. Còn ông Nixon thì mắt cứ chớp chớp, chỉ chống chế cho thành tích ngoại giao dưới thời Eisenhower. Sau cùng Nixon đã thất cử năm đó.

Tư vấn cho hai Đảng một lúc

Trong kỳ bầu cử 1968, khi Henry Kissinger ngấm ngầm làm việc với phía Cộng hoà qua Richard Allen, ông lại tiếp tục cộng tác với phía Dân chủ qua Zbigniew Brzezinski, người điều hợp về ngoại giao cho Humphrey. Tác giả Seymour Hersh trong cuốn The Price of power có dẫn chứng là Ted van Dyke, viên phụ tá thân cận của Humphrey có xác nhận chính ông đã là người tiếp nhận bức thư Kissinger viết cho. Humphrey vừa chỉ trích Nixon vừa xin tình nguyện làm việc với Chính phủ Humphrey. Trong một cuộc điện đàm với Brzezinski, Kissinger cho biết là ông có thể đưa cho xem cả hồ sơ riêng của Rockefeller về Nixon. Theo như lời Kissinger, đó là những "hồ sơ nhơ bẩn" (shitfiles) của Nixon (15).

Và ông cứ đi hàng hai như vậy cho tới giữa tháng Chín khi những cuộc thăm dò dân ý cho biết Nixon đã bỏ xa Humphrey, lúc đó ông mới tỏ rõ thái độ, nghiêng hẳn về Nixon. Khi Brzezinski gọi điện thoại tới văn phòng Kissinger để hỏi xin hồ sơ này, cô thư ký trả lời: "Như ông đã biết, tiến sĩ Kissinger bây giờ đang làm việc cho ông Nixon rồi". Và từ đó phía Humprey không nghe thấy gì về "shitfiles" của Nixon nữa (16).

Vào đầu thập niên 1990, khi tôi có dịp quen biết với Richard Allen (trước đó là Cố vấn an ninh cho Tổng thống Reagan), trong cương vị là thành viên của Hội đồng quản trị Trung tâm nghiên cứu Á Châu (Asian Studies Center tại Heritage Foundation) do Allen làm Giám đốc, tôi tò mò hỏi xem ông nghĩ sao về việc đã giới thiệu Kissinger cho Nixon, Allen nhún vai, lắc đầu, như hối tiếc đã giúp cho tham vọng của ông này.

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM