Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:57:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 132897 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #120 vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2010, 12:58:04 pm »

2. Quá cảnh không qua cảng Sihanoukville

Nói nguồn hàng này bị cắt đứt không có nghĩa là tuyến đường vận tải tối quan trọng này đã ngừng lại. Điều khác trước chỉ là thay đổi nguồn hàng: Thay vì vận chuyển vũ khí bằng đường biển tới cảng Sihanoukville rồi chuyển về biên giới, thì từ nay phải lấy nguồn hàng trên tuyến đường Trường Sơn của Đoàn 559.

Như trên đã nói, đây là tuyến vận tải quan trọng nhất và có ý nghĩa chiến lược quyết định. Từ những năm trước, tuyến này đã mở rộng sang phía Trung và Nam Lào rồi từ đó đưa hàng vào Tây Nguyên. Còn Nam Bộ thì dựa vào tuyến đường vận tải quá cảnh từ cảng Sihanoukville, bây giờ cảng Sihanoukville bị khóa chặt, nguồn hàng được nối với Nam Lào, xuyên qua vùng Đông Bắc Campuchia để vào các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Để mở được tuyến đường này, vấn đề là phải tạo ra một vùng đất ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Lonnol. Quân đội Giải phóng đã khéo léo liên minh và phối hợp với những lực lượng chống đối chính quyền Lonnol ở Campuchia, tiến hành những chiến dịch để giải phóng các tỉnh ở miền Đông sông Mê Kông trên đất Campuchia, chủ yếu gồm các tỉnh Stung-treng và Xiêm Riệt. Đó là các tỉnh tiếp giáp với Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp phía Việt Nam. Sau khi giải phóng tuyến đường này, thì con đường vận tải của Đoàn 559 từ Nam Lào bắt đầu đưa vũ khí vào đất Campuchia và về biên giới.

Để mở con đường này, tháng 07/1970, tức là chỉ bốn tháng sau cuộc đảo chính của Lonnol, Bộ chỉ huy miền đã quyết định thành lập Đoàn 770 chuyên trách việc tiếp nhận và vận chuyển hàng từ Đông Bắc Campuchia về Nam Bộ. Vì đây là nguồn hàng rất lớn, nên Đoàn 770 đã có quân số tới 3.377 người, chia thành 5 cánh, sử dụng phương tiện cơ giới vận tải khối lượng lớn.

Sang năm 1971, cầu tiếp nhận này đã kéo dài tới bờ sông Mê Kông trên đất Campuchia, đoàn này do Đoàn 340 phụ trách.

Đoàn 340 là đoàn hậu cần lớn nhất trong các đoàn hậu cần của Trung ương Cục, quân số vào thời điểm cao nhất lên tới 4.189 người, gồm 4 cánh quân nhu, 3 tiểu đoàn vận tải, 5 liên trạm đường dây nối liền từ Stung-treng xuống tới Bắc Kratie. Để phục vụ cho số quân rất lớn kể trên, ngoài lực lượng vận tải, đoàn 340 còn có 4 bệnh viện lớn, một tiểu đoàn công binh để làm đường, bắc cầu...

Riêng trong các năm từ 1970-1972, trên tuyến đường này, 26.147 tấn vũ khí các loại đã được vận chuyển. Cùng với vũ khí, tuyến đường này đã đưa hàng nghìn cán bộ và chiến sĩ từ miền Bắc vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ. (Nguyễn Văn Quyền và Lê Quang Lại. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Công tác bảo đảm chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Nam Bộ... Trích trong Bảo đảm... , sđd, tr. 152-154.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #121 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:43:11 am »

3. Quá cảnh trên đường hàng không

Đoàn 919

Miền Bắc thời kỳ này rất tiết kiệm trong việc sử dụng đường hàng không đối với lĩnh vực dân dụng. Hầu hết cán bộ và học sinh, sinh viên đi các nước Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu... đều phải theo đường sắt liên vận. Nhưng để chi viện cho miền Nam, thì ngành hàng không của miền Bắc dường như không tiếc sức người sức của.

Con đường chi viện cho miền Nam bằng hàng không có ý nghiã rất quan trọng, vừa tương đối an toàn, vừa đạt tốc độ nhanh, nhất là đối với những trường hợp hệ trọng. 

Có hai con đường vận chuyền hàng không: Con đường quân sự và con đường dân sự

Về con đường quân sự, để việc vận tải khẩn cấp những hàng hóa nặng, không quân Việt Nam đã thành lập riêng một đoàn vận tải đặc biệt mang tên Đoàn 919. Từ năm 1960, Đoàn 919 đã đảm đương vận chuyển một phần của tuyến đường Trường Sơn, nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển và cũng đỡ được một đoạn đường bộ dài hàng nghìn kilomet từ miền Bắc vào miền Nam. 

Giải pháp này được đề xuất và thực thi như sau: Cuối tháng 02/1960, Đại tướng Vô Nguyên Giáp vào Đồng Hới làm việc với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đặc khu Vĩnh Linh, Sư đoàn 325, Lữ đoàn 341. Đại tướng ngồi máy bay trực thăng quan sát khu vực Làng Ho, Vitthulu thuộc phía Đông Trường Sơn. Sau chuyến khảo sát đó, Đại tướng gợi ý khả năng sử dụng máy bay để tạo "chân hàng" cho các tuyến vận tải, nhằm phục vụ cấp bách tình hình đang sôi động của chiến trường... 

Ba ngày sau, ông Võ Văn Ấp, Trưởng ty Giao thông Quảng Bình cùng một số cán bộ thuộc E70, F325 ngồi máy bay xác định tọa độ thả dù để lập “chân hàng" tại các địa điểm Làng Ho, Vitthulu.

Sau đó những máy bay của Trung đoàn 919 đảm nhận công việc này Trước đó, trung đoàn này đã được thành lập từ ngày 01/05/1959 với các máy bay do Liên Xô viện trợ kiểu IL-14, Li-2, AN-2. Ban đầu Trung đoàn 919 chỉ phục vụ các chuyến bay dân sự của Chính phủ. Từ năm 1960, những máy bay của Trung đoàn 919 bắt đầu tham gia vận chuyển cho tuyến đường Trường Sơn.

Điểm xuất phát của những máy bay này là sân bay Cát Bi ở Hải Phòng, sân bay Vinh, sân bay Đồng Hới. Từ đó, các máy bay chuyển hàng vào Làng Ho, Vitthulu. Một thời gian sau, khi đã mở con đường Trường Sơn Tây, thì máy bay của Trung đoàn 919 bay thẳng sang Hạ Lào. Ban đầu do chưa bố trí được sân bay thích hợp nên phải dùng phương pháp thả dù hàng hóa xuống một số địa điểm quy định như Mường Phin, Mường Phalan... Thậm chí, có những lúc không có dù để thả hàng thì các phi công phải dùng phương pháp hạ thật thấp độ cao rồi thả thẳng hàng xuống mặt đất.

Sau đó, do đã bố trí được sân bay Tà Khống thuộc tỉnh Xê-pôn, Nam Lào nên các máy bay có thể hạ cánh để đưa hàng và đưa quân tập kết ở đây Từ sân bay này, bộ đội hành quân vào Nam. Còn hàng hóa thì Đoàn 559 vận tải tiếp vào các tuyến phía trong, tới các trạm Tăng Noọng thuộc Quảng Nam, Đắc Lan thuộc Kontum...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #122 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:43:46 am »

Thiếu tướng Võ Bẩm kể về những bước đầu tiên của vận chuyển hàng không:

"Sau khi làm công tác hợp đồng với đại biểu của các Cục Tác chiến, Cục Hàng không, Cục Quân y, tôi đã gấp rút đi sang cánh đồng Lùm Bùm thuộc tỉnh Sa-va-na-khét. Qua một tuần lễ leo đèo, lội suối, tôi đã chuyển từ vai trò Tư lệnh Đoàn 559 sang làm tổ trưởng Tổ thông báo khí tượng của địa phương cho Cục Hàng không.

Hằng ngày nhìn trời mây và cứ sau hai giờ lại báo cho Cục Hàng không một lần. Khi nào có máy bay đến thì chỉ huy anh em đốt khói làm hiệu. Chúng tôi có 10 người. Anh em đã dựng được một cái lán ở núi đá. Từ lán có thể nhìn ra cánh đồng Lùm Bùm.

Lần đầu tiên, chiếc máy bay IL2 xuất hiện trên bầu trời, lượn một vòng rồi thả ra một loạt dù như những cành hoa nhiều màu bay lơ lửng trên không. Những chiến sĩ trẻ vừa reo vừa nhảy tâng tâng...

Không đầy một tuần lễ với sự giúp sức của hàng không, chúng tôi đã lập được một kho hàng ở đây gồm toàn gạo và đạn. Sau đó chúng tôi chuyển lên nhận hàng ở sân bay Tà Khổng. Về sau Tà Khổng trở thành kho S1..."

Trong 3 năm từ 1960 đến 1962, trên chiến trường Lào, các máy bay của Trung đoàn 919 phối hợp với các phi công Liên Xô đã thực hiện 3.821 chuyến bay, vận chuyển 9.419 lượt bộ đội và 743 tấn hàng hóa, thả 3.227 dù hàng và kiện hàng xuống 20 địa điểm khác nhau trên đất Lào. 

Tuy nhiên tuyến vận tải máy bay quá cảnh sang Lào chỉ tồn tại đến trước thời điểm Chính phủ Liên hiệp 3 phái ở Lào bị xóa bỏ (1963). Những năm sau đó, do phái cực hữu gây sức ép nên việc đưa máy bay sang đất Lào phải đình chỉ. Còn phần trong nước, thì từ năm 1965 không quân Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc nên không thể sử dụng máy bay chở hàng vào Quảng Bình hoặc vượt lên Tây Trường Sơn được nữa.

Chỉ từ đầu năm 1973, sau khi ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, nhiều vùng giải phóng hợp pháp đã hình thành ở miền Nam, thì hình thức vận chuyển hàng không quân sự mới lại được sử dụng rộng rãi .

Tính từ 1960 cho đến kết thúc chiến tranh tháng 04/1975, Đoàn 919 đã vận chuyển vào miền Nam và xuống Nam Lào 60.000 lượt bộ đội, 31.000 tấn vũ khí đạn dược, khí tài, lương thực, thuốc men và các hàng hóa quân sự...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #123 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:44:55 am »

2. Dùng Air Cambodia và Air France

Hình thức vận tải hàng không dân sự là hình thức vận chuyển "công khai nhưng lại tuyệt mật". Đó là con đường vận tải Bắc - Nam dành cho những cấp đặc biệt quan trọng (cấp tướng, cấp ủy viên Trung ương.) hoặc lớp người được ưu tiên (thương binh nặng, phụ nữ, trẻ em...). Đó chính là tuyến vận tải hàng không dân dụng bình thường của Vương quốc Campuchia (Air Cambodia) bay từ Phnom Penh đi Hà Nội, hoặc từ Phnom Penh đi Quảng Châu, Hong Kong rồi theo đường sắt hoặc đường hàng không về Hà Nội.

Sở dĩ công khai vì nó sử dụng một loại đường bay thương mại bình thường như mọi đường bay khác. Nhưng nó cũng là tuyệt mật vì nó gài vào trong đường bay bình thường những "hành khách" không bình thường. Tất cả đều phải mang tên giả, có căn cước giả, mua vé theo một đường dây được tổ chức rất chu đáo, do một bộ phận đặc biệt của "Ban Cán sự K" lo liệu.

Máy bay của Air Cambodia được quyền bay ngang lãnh thổ miền Nam Việt Nam, đó cũng là việc bình thường trong thông lệ hàng không quốc tế, cũng như máy bay của Nam Việt Nam được phép bay từ Sài Gòn qua không phận Campuchia để đi Bangkok, Tây Âu. Con đường này rất an toàn, vì nó là sự mạo hiểm được bọc lót dưới một hình thức công khai hợp pháp.

Tất nhiên đó là sự mạo hiểm có cân nhắc rất kỹ: Một là, đối với máy bay của Vương quốc Campuchia, cả chính quyền Sài Gòn lẫn Mỹ đều không ngờ rằng nó lại là tuyến vận tải tối quan trọng như thế. Hai là, vì cả Mỹ và chính quyền Sài Gòn đều rất sợ những liên đới quốc tế nếu đụng chạm đến chủ quyền của Vương quốc Campuchia. Chính Thái tử Sihanouk đã từng tuyên bố nếu Mỹ đụng chạm đến chủ quyền của đất nước ông, ông sẽ lập tức yêu cầu các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là Trung Quốc, can thiệp để bảo vệ Campuchia.

Hơn nữa đây cũng là sự mạo hiểm được tổ chức rất chu đáo: Từ căn cước giả, tên giả, đến lai lịch giả đều có một bộ phận chuyên trách thu xếp sử dụng đến những phương tiện hiện đại bậc nhất lúc đó. Khi đã có đủ những giấy tờ hợp pháp đó, lại phải bọc lót suốt từ khâu soát vé đến khâu kiểm tra hành lý. Tại đây đều có những người của "Ban Cán sự K". Loại nhân viên này thường không phải là cán bộ cách mạng mà là những nhân viên có lý lịch rõ ràng, không có chút gì khả nghi. Thường đó là người Hoa, người Ấn kiều, người Lào, người Khmer... có cảm tình với cách mang Việt Nam.

Đã có hàng ngàn cán bộ cao cấp đi ra đi vào miền Nam bằng con đường này, tức là bay qua không phận của miền Nam Việt Nam, mà chưa xảy ra một vụ nào rắc rối. Con đường này cũng đã đảm nhiệm vận chuyển những tài liệu, khí tài quan trọng như máy móc, điện đài, hàng triệu đô la để chi viện cho miền Nam.

Những gia đình và con em cán bộ miền Nam cũng đi ra Bắc bằng con đường này. Đặc biệt là việc di chuyển cả hàng ngàn học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi ra Bắc, cũng theo tuyến hàng không này. Những bệnh binh, thương binh, những người ốm nặng... thường cũng được đưa theo con đường này để kịp thời ra Bắc chạy chữa, an dưỡng ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #124 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:45:40 am »

Một nhà văn bỗng thành triệu phú đô la (nhưng chỉ trên không và trong khoảnh khắc):

Ông Trần Đình Vân, nhà văn, nhà báo, tác giả của cuốn Sống như anh kể :

"Vào đầu thập kỷ 60, tôi đi B bằng máy bay, từ Hà Nội sang Phnom Penh. Khi đến sân bay Gia Lâm, chỉ vài phút trước khi ra máy bay thì tôi được thông báo mình phải nhận trách nhiệm áp tải một chuyến hàng đặc biệt của Trung ương gửi sang Phnom Penh.

Tôi nhìn thấy đó là khoảng 20 đến 30 bó hàng vuông vắn giống như những lô hàng rau quả hộp xuất khẩu. Đương nhiên, tôi không biết đó là hàng gì, và tôi cũng thừa hiểu rằng tôi không có quyền được biết.

Nhưng tôi vẫn cứ áp tải theo máy bay sang đến Phnom Penh. Khi đến sơn bay, tôi là người nhận hành lý ký gửi. Ngay sau đó có xe đưa cả tôi và số hàng đó về một ngôi nhà dành riêng ở Phnom Penh, tức một cơ sở của ta ở bên đó. Sau đó xe chở ngay những "đồ hộp xuất khẩu" đó đi theo đường bộ bí mật vào vùng giải phóng.

Còn tôi cũng vào vùng giải phóng làm nhiệm vụ chuẩn bị ra tờ báo Giải phóng. Nhiều năm sau, sống ở trong vùng giải phóng, tôi mới biết hóa ra chính mình đã từng là người chủ một kiện hàng mấy triệu đô la. Kể ra trong đời có được 2-3 tiếng đồng hồ làm chủ một tài sản mấy triệu đô la đối với tôi là một điều kỳ thú, dù chỉ là lúc ở trên trời thôi... Như vậy, ngoài việc làm văn nghệ, tôi cũng đã đóng góp một phần nào đó cho công lác kinh tế tài chính của miền Nam."

Tổ chức tuyến đường này cũng là một kỳ công của những cán bộ hoạt động tại Campuchia và những Việt kiều bên đó. Trong đó phải kể đến những bàn tay tổ chức tinh vi của ông Nguyễn Gia Đằng (Tư Canh), nguyên Trưởng ban Cán sự K, và một số cán bộ người Hoa và người Ấn, (trước hết là ông Lục Tác Huyền người phụ trách khâu lữ hành của Air France ở Phnom Penh, ông Check Nguyễn Cang (người lai Ấn Độ), phụ trách khâu lữ hành ở sân bay Pochentong...)

Ông Tư Cam kể:

"Để mở đường này, chúng tôi phải giải quyết rất nhiều việc hóc búa. Giấy tờ lên máy bay tất nhiên không thể mang tên thật, để tránh mọi rủi ro. Tất cả đều là giấy tờ do chúng tôi làm, tên giả, nhưng dấu và chữ ký của cảnh sát thì thật. Rồi phải bố trí người vào các đường dây của hàng không. Chúng tôi còn phân công một bộ phận chuyên trách những hành khách VIP, một bộ phận cho hành khách thông thường. Hai bộ phận này không biết công việc của nhau."

Một trong những nhân viên lữ hành (người làm khâu quan trọng và nguy hiểm nhất như kiểm tra vé, căn cước, via, nhận diện, cân hành lý) ở sân bay Pochentong là ông Check Nguyễn Cang, một người Ấn Độ lai Việt Nam, ông có bố là một thương gia lớn người Ấn Độ tại Sài Gòn từ lâu đời, lấy vợ Việt Nam và có nhiều con.

Ông Cang đã bí mật hoạt động cho Việt Minh từ thời kháng chiến chống Pháp, dưới cái vỏ là một viên chức làm cho Air France ở Sài Gòn. Sau Hiệp đỉnh Genève, đến năm 1955, ông sang Phnom Penh làm cho Air Cambodia với cái tên hoàn toàn Ấn Độ là Check Kesath. Với một lý lịch như thế, ông không bị ai để ý. Nhưng chính ông là một trong những đầu mối chính lo các giấy tờ, đồng thời ông cũng là nhân viên cửa ga. Ông hoạt động ở đó suốt trong những năm chiến tranh, cho đến tháng 03/1975 thì không may ông bị chính quyền Polpot phát hiện và đem đi thủ tiêu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #125 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:47:10 am »

Em ruột của ông Nguyễn Cang là Kamal Nguyễn, bác sĩ tại bệnh viện thành phố Lille (Pháp), cũng là Chủ tịch Hội Việt kiều tại đây, kể lại trong dịp đón tiếp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm Pháp:

"Anh tôi đã hoạt động cho Việt Minh ngay trong những năm 50. Lúc đó tôi đi Pháp du học và ở lại Pháp luôn cho tới nay. Còn anh ti thì đi Phnom Penh hoạt động cho Mặt trận Giải phóng, chuyên lo việc đưa người của Mặt trận lọt qua hệ thống kiếm soát của sân bay để bay về Hà Nội và từ Hà Nội bay sang Phnom Penh, rồi từ đó bí mật đi vào vùng giải phóng.

Hồi đó tôi ở Pháp nên không tường tận chuyện này, chỉ nghe gia đình và bạn bè kể lại. Nhưng có một người Ấn Độ hiện đang sống ở Paris, hồi đó sống ở Phnom Penh, là bạn của anh tôi, biết rõ công việc của anh tôi, và cũng biết cả việc anh tôi bị Khmer Đỏ bắt và giết hại..." (Bác sĩ Kamal Nguyễn kể lại chuyện gia đình mình nhân dịp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm)

Sau câu chuyện của bác sĩ Kamal, tác giả đã nhờ ông giới thiệu đến gặp một người Ấn Độ có quốc tịch Pháp tên là Emanuel Marius Leprince, nhân chứng của vụ việc đang sống tại ngoại ô Paris và được nghe ông Leprince kể lại:

“Cộng đồng Ấn Độ chúng tôi ở Phnom Penh rất lớn và đã định cư ở đó mấy đời rồi. Ông Cang là người có uy tín, được cả cộng đồng rất quý mến. Chúng tôi biết ông ấy làm việc cho phía Cộng sản, nhưng không ai trong cộng đồng tố cáo ông ấy, vì cả cộng đồng này cũng không ưa gì chế độ ở miền Nam.

Chúng tôi thỉnh thoảng còn giúp ông một số việc như lưu giữ chuyển giao thư từ cùng những giấy tờ căn cước, hộ chiếu, mà chúng tôi đoán là giấy tờ giả. Ông ấy rất kín đáo, việc gì thấy cần nhờ chúng tôi giúp đến đâu thì ông ấy nói đến đấy, cái gì chúng tôi không cần biết thì không được hỏi, có hỏi cũng không được trả lời.

Thế rồi vào khoảng cuối tháng 3 năm 1975, khi đó miền Nam đã sắp thua rồi, bên này bọn Khmer Đỏ bắt đầu trở mặt, bài xích trắng trợn người Việt Nam. Người Ấn kiều cũng bị kỳ thị, phải bỏ sang Thái, rồi về Ấn Độ hoặc như chúng tôi thì đi Pháp.

Vào trước khi tôi ra đi, một buổi chiều tôi đến tìm ông Cang để nhờ mua vé Air France, thì thấy lính Khmer Đỏ đã bắt ông ấy, khóa tay và đưa lên một chiếc xe quân cảnh, có mấy người lính mang súng lên xe và đưa ông ấy ra khỏi sân bay, về phía một khu rừng gần đó, nơi họ thường dùng để xử bắn..." (Phỏng vấn ông Leprince tại nhà riêng ở ngoại ô Paris, tháng 7 năm 2005. [Đ.P thực hiện]. )

Nếu như tình báo Mỹ biết khá rõ về con đường vận chuyển quá cảnh đường biển qua cảng Sihanoukville, thì hình như về những con đường hàng không này, các cơ quan tình báo và nghiên cứu của Mỹ chưa hề biết tới, hoặc chỉ sau khi chiến tranh kết thúc mới biết một cách rất lờ mờ, vì cho đến nay vẫn không thấy sách báo nào nói về nó một cách cụ thể cả.

Hình như phần lớn những gì được biết đến đều là qua những chuyện kể của chính những nhân vật đã từng đi trên tuyến đường đó thời chiến tranh... (Tác giả cũng tham khảo ông Nguyễn Kỳ Phong xem phía Mỹ có biết gì về con đường này không, và được trả lời: "Sách Mỹ không nói nhiều về đường Hàng không Cambodia, nếu không muốn nói là không có cuốn nào viết một cách có hệ thống về con đường này”. (Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kỳ Phong về những chỉ dẫn kể trên)

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #126 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:47:18 am »

Trong hệ thống vận chuyển quá cảnh bằng đường hàng không, không chỉ có những tuyến vân chuyển "hành khách" và hàng hóa Bắc - Nam, mà còn có cả những tuyến vận chuyển hàng không quốc tế, bằng cargo (máy bay vận tải), chở hàng hóa từ nhiều nơi trên thế giới về Phnom Penh và được chuyển tiếp về vùng giải phóng bằng đường ô tô. Tuyến đường này đã được bố trí để cung cấp nhiều thứ nhu yếu phẩm cho kháng chiến như thuốc men, dụng cụ y tế, máy móc, điện đài...

Một trong những người đảm đương việc này là ông A Huấn, một thương nhân Hoa kiều đã nhiều năm sống ở Phnom Penh, chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu giữa Pháp và Campuchia. Ông đã nhận những "com mang" của vùng giải phóng để mua các loại hàng kể trên tại Pháp, có khi tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ rồi chở theo cargo của Air France về Phnom Penh.

Là một ông chủ kinh doanh lớn về xuất nhập khẩu, việc ông mua hàng từ Pháp hay bất cứ nước nào đưa về Phnom Penh là chuyện hoàn toàn bình thường: thuốc men, máy móc, điện đài, dụng cụ y tế... đều là hàng dân dụng. Việc đó không có gì lạ đối với hệ thống hải quan cũng như hệ thống an ninh của Pháp, Campuchia.

Điều bí mật là khâu tiếp theo; Từ Phnom Penh, những hàng đó đã được bí mật chuyển về biên giới.

Ông A Huấn kể lại:

"Tôi phải dùng 4-5 chiếc xe hơi cá nhân, mỗi thứ một kiểu. Mỗi lần đi ra vùng giải phóng tôi dùng một loại xe khác nhau, nhằm không tạo ra sự "quen biết" đối với các trạm gác dọc đường. Đối với những món hàng đặc biệt, thường không nặng lắm, thì tôi trực tiếp chở bằng các xe này. Hàng phổ biến nhất là các loại thuốc chống sốt rét, chống ghẻ lở, lại có loại thuốc trợ lực đặc chủng dành cho người phải ngồi trong hầm bí mật lâu khỏi bị ngất do ngạt thở...

Đặc biệt là tôi được đặt mua rất nhiều thuốc tăng lực cho các chiến sĩ, mà tiếng Pháp gọi là Pharmaton Forle. Loại thuốc này thời đó được sử dụng bình thường ở Pháp, rất có công hiệu đối với những người cần phải làm những việc cực kỳ nặng nhọc, vượt quá sức người bình thường. Theo tôi biết thì loại thuốc này có thể sử dụg cho các chiến sĩ trước mỗi đợt chiến đấu, khi cần xung phong, khi phải chạy nhanh trên một đoạn đường dài, khi leo núi cao... Nó cũng có thể dùng cho những chiến sĩ biệt động đặc công khi cần ngâm mình dưới nước nhiều ngày.

Phương thức thanh toán của tôi với vùng căn cứ rất đơn giản. Khi tôi tới nơi, theo thỏa thuận trước, tôi chỉ báo có bao nhiêu thứ hàng, tên là gì, số lượng bao nhiêu, giá bao nhiêu... Phía bên kia không bao giờ phải mở ra, cân, đong, đo, đếm. Chúng tôi tin nhau. Còn bản thân tôi thì chỉ nhận được một tờ giấy có ghi mật hiệu. Tờ giấy đó tôi cũng chẳng dùng làm gì, vì chỉ vài hôm sau số liền thanh toán đã được đưa vào tài khoản của tôi”
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #127 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:48:00 am »

Chương 5
BINH CHỦNG TIỀN VÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG CHUYỂN NGÂN

Để tất cả các binh chủng và các mặt trận kể trên có thể triển khai và hoạt động được, cần có một thứ mà ở bất cứ đâu và lúc nào cũng không thể thiếu: Tiền.

Tiền để lo ăn, lo mặc cho bộ đội, cho chiến sĩ, cho các cơ quan, đoàn thể.

Tiền để lo mua sắm hàng hóa, phục vụ mọi nhu cầu vật chất và tinh thần cho bộ máy kháng chiến - từ cục pin cho các điện đài tới những viên thuốc của các bệnh xá, giấy cho việc ấn loát, từ chiếc xe honda của anh giao liên tới những chiếc máy in báo, in giấy tờ và cả những giấy "căn cước" cho những chiến sĩ hoạt động nội thành...

Tiền để xây dựng các cơ sở bí mật khắp thành thị và nông thôn miền Nam...

Tiền còn để mua những con đường an toàn và bí mật, để vận chuyển vũ khí đến các chiến trường. Nhiều khi, tiền còn dùng để thuê cả những mảnh đất an toàn cho anh em cán bộ làm nhà tạm lánh bên nước bạn để tránh những trận càn quét, những trận mưa bom.

Như vậy, luôn luôn phải có một "binh chủng" rất quan trọng: Binh chủng tiền. Đó là một mặt trận vô cùng quan trọng và ác liệt không kém gì mặt trận quân sự. Đó cũng là nơi thể hiện xuất sắc ý chí Việt Nam, sự thông minh và sáng tạo và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. trong "binh chủng tiền" ấy, đã có nhiều chiến sĩ hoạt động thầm lặng cả ở ngoài Bắc và trong Nam, cả trong và ngoài nước, hoàn toàn như "một đơn vị đặc nhiệm". Mục này dành riêng để nói về binh chủng đó.

Trước khi đi sâu vào trình bày về nội dung .công việc này, tác giả xin nhân đây bày tỏ sự tri ân đối với những người đã tận tình giúp tác giả hiểu vấn đề và cung cấp những tư liệu rất quý hiếm về lĩnh vực khá hiểm hóc này. Đó là các ông Phạm Văn Xô, Trần Dương, Lữ Minh Châu, Nguyễn Nhật Hồng và đặc biệt là ông Nguyễn Văn Phi, tức Mười Phi.

Ông Mười Phi là nhân vật trung tâm của hệ thống này suốt trong thời kỳ chiến tranh. Cho đến cuối đời, ông vẫn có nguyện vọng tha thiết là làm sao dựng lại một cách đầy đủ và chính xác sự nghiệp của những người đồng đội ông trong Binh chủng Tiền. Tác giả có may mắn được ông tin yêu và gửi gắm nguyện ước đó.

Biết rằng trọng bệnh không cho mình còn nhiều thời gian, ông đã dành gần hết tâm lực để giải thích cho tác giả tất cả những tình tiết của những công việc ông làm, ông biết. Ngay cả khi đã khó khăn trong cử động trên giường bệnh, ông vẫn nằm viết hàng trăm lá thư cho tác giả để giải thích, căn dặn, hy vọng giúp tác giả dựng lại bức tranh trung thực mà ông mong muốn.

Chương này là một phần nội dung trong cuốn sách, nhưng cũng là nghĩa tình mà tác giả kính mong được gửi tới ông nơi cõi ngàn thu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #128 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:50:22 am »

1. Thời kỳ trước khi ra đời "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt"

Ngay từ năm 1955, sau khi bàn giao những khu vực kháng chiến cho đối phương và tổ chức tập kết phần lớn lực lượng ra Bắc, những cơ sở còn lại ở miền Nam vẫn có hàng loạt nhu cầu về tài chính. Một phần những nhu cầu đó được giải quyết tại chỗ bằng nhiều cách khác nhau:

Biên niên sử Tài chính Đảng:

"Sau Hiệp định Genève năm 1954, nguồn tài chính gồm số tiền Đông Dương đổi cho dân còn dư, số vàng, tiền để lại trước khi đi tập kết, được Trung ương Đảng, Chính phủ tiếp tục gửi vào. Trung ương Cục miền Nam đã cấp một phần cho Đảng bộ Đặc biệt Tây Nam, một phần cho các tỉnh (mỗi tỉnh khoảng 1 triệu đồng) để hoạt động, một phần giao cho các đồng chí hoạt động bí mật vào các đô thị làm kinh tế, kết hợp hoạt động cách mạng. Cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam, phần đông tự lao động nuôi mình để hoạt động cách mạng, sống hợp pháp, ăn ở trong dân, được dân nuôi nấng, đùm bọc, che chở. ..

Khi Xứ ủy Nam Bộ từ căn cứ ở Bạc Liêu, Rạch Giá về hoạt động bí  mật trong Sài Gòn, Ban Tài chính Xứ ủy mang theo một số vàng, bán lấy tiền chi dùng vào việc mua nhà cửa, sắm xe hơi, mở xưởng cưa Dân Sanh ở khu vực ngoại ô Sài Gòn để làm bình phong cho cơ quan Thường vụ Xứ ủy làm việc.

Ban Tài chính Xứ ủy lập ra một số cơ sở kinh doanh hợp pháp như: cơ sở vận tải đường sông và đường bộ: một đoàn xe tải 40 chiếc chở hàng, kết hợp chở tiền cho Khu VI, hai tàu buôn làm đại lý chở hàng cho hãng bia BGI, kết họp chở tiền cho Khu V, hai tàu vận chuyển hàng tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng - Huế, đóng ghe xuồng bán cho dân; lập nhà máy xay xát lúa, mở tiệm vàng ở chợ Phú Nhuận..."  (Biên niên sử hoạt động Tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000. tr 204-205)

Hồi ức của Mười Phi:
"Ban Tài chính Xứ ủy Nam Bộ chỉ định một số đảng viên xây dựng cơ sở công khai làm tài chính cho đảng.  

Anh Tư Lầu (Phạm Hữu Lầu, Phó ban Xứ ủy kiêm Trưởng ban Tài chính Xứ uỷ) giao nhiệm vụ riêng cho từng người. Tôi được giữ lại không đi tập kết. Anh Tư Lầu phổ biến cho tôi kinh nghiệm thay đổi tên. Mỗi khi bị lộ phải đổi địa bàn đứng chân...  

Bình phong đầu tiên của tôi là một cửa hàng mua bán tạp phẩm tại đường Huỳnh Quang Tiên (nay là Hồ Hảo Hớn, Q1) để che giấu điểm liên lạc nội bộ. Bình phong thứ hai của tôi là hùn vốn với trại cưa máy Dân Sanh mà chủ nhân là Lâm Đông Sơn, chủ vựa than tại chợ Mỹ Tho bên bờ sông, đồng thời là chủ nhân một xe lô (location) chạy đường Sài Gòn - Mỹ Tho.  

Tôi báo anh Tư Lầu để xin chỉ thị. Anh Tư Lầu chỉ thị cho tôi:

- Bàn giao trại cưa máy Dân Sanh lại cho Nguyễn Thanh Quang quê Sa Đéc, cùng quê với anh Tư Lầu. Từ đó Quang trở thành Dân Sanh.

Tôi tự lực chuyển vùng lên Phnom Penh, không quan hệ với người kháng chiến cũ, không được dựa vào cơ sở Campuchia, nằm trong ngành ngoại thương, nối liên lạc với Hà Nội.

Sau đó, Dân Sanh đã biến trại cưa Dân Sanh thành trạm liên lạc của Ban Tài chinh Xứ uỷ. Anh trở thành cốt cán của anh Tư Lầu." (Mười Phi. Bản Góp ý cho Lịch sử Kinh tế miền Nam. Di cảo gửi Đ.P.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #129 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 10:50:55 am »

Ngoài phần tự lo như trên, theo yêu cầu của Xứ ủy Nam Bộ, của Khu ủy V và Trị Thiên, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã bắt đầu phải lo chuyện tiền bạc cho miền Nam. Tiền bạc đó đương nhiên phải là tiền Sài Gòn. Sở Quản lý Ngoại hối, và sau đó là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Trung ương được giao đảm nhiệm việc này.

Trong mấy năm đầu, Trung ương chưa có nguồn viện trợ quốc tế bằng ngoại tệ, mà chỉ có những nguồn viện trợ trực tiếp bằng hàng hóa, vật tư của các nước xã hội chủ nghĩa, cho nên biện pháp đầu tiên là dùng ngân sách Nhà nước để mua tiền Sài Gòn tại thị trường nước ngoài, chủ yếu là tại Hong Kong. Ngoài ra, ở chi nhánh Vĩnh Linh cũng đã thực hiện dịch vụ hối đoái giữa tiền miền Bắc và tiền Sài Gòn. Số tiền lo cho miền Nam lúc đó nếu so với các giai đoạn về sau thì không phải là lớn, nhưng so với khả năng của miền Bắc đương thời thì thấy đây cũng là một cố gắng vượt bậc.

Một báo cáo năm 1956 của Sở Quản lý Ngoại hối;

"Trong năm ta đã đổi tiền miền Nam:

- Mua 32.734.439 đồng (tiền Sài gòn - kể cả số 20.000.000 mua ở Hong Kong, tỷ giá tính ra là 1 đồng MN = 46,02 đồng MB).

- Bán 29.665.723 đồng, phần lớn để phục vụ nhu cầu của Ban Quan hệ Bắc - Nam, nhưng do ta đổi vào được rất ít nên gần suốt năm không thỏa mãn được nhu cầu này, trừ lúc cuối năm mua ở Hong Kong. Số mua bán nói trên gồm cả hoạt động của Vĩnh Linh là.

+ Mua 236.302 đồng

+ Bán 229.273 đồng

Số tồn quỹ đến ngày 31/12/1956 là 3.058.840 đồng ở Trung ương và 7.029 đồng ở Vĩnh Linh.” (Sở Quản lý Ngoại hối. Báo cáo quyết toán năm 1956, ngày 23/01/1957. Lưu trữ Ngân hàng nhà nước)

Qua bản báo cáo quyết toán kể trên, có thể thấy được rằng vào thời kỳ này, hằng năm số tiền lo toan cho miền Nam không lớn lắm, khoảng hơn 30 triệu đồng tiền Sài Gòn, chỉ tương đương nửa triệu đô la Mỹ. Tình hình miền Nam lúc đó chưa đặt ra những nhu cầu lớn về tài chính. Phong trào cách mạng lúc này còn đang trong thời kỳ âm ỉ, thậm chí có những vùng và có những bộ phận tê liệt.

Trong hoàn cảnh đó, ngoài nguồn kinh phí của Trung ương cấp còn một giải pháp quan trọng nữa là dựa vào dân. Hầu hết cán bộ nằm vùng đều ở trong tình thế "điều” hoặc "lắng". Những cán bộ này sống với nhân dân. Trong khá nhiều trường hợp, những nhân sĩ, những trí thức, những nhà tư sản có lòng yêu nước đã cưu mang cán bộ và tổ chức cách mạng.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM