Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:03:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 132918 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #100 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 02:54:01 pm »

Từ nhận định trên, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định cho Đoàn 125 chuẩn bị một đợt vận chuyển mới, bắt đầu với tàu 154.

Tàu 154 cũng do Đỗ Văn Bé làm Thuyền trưởng, Lê Văn Viễn làm Chính trị viên. Tàu xuất phát ngày 17/09/1969 để kịp có con nước vào dịp rằm (khoảng 24-25/10). Tàu nhổ neo đúng ngày 17/09 chở 58,6 tấn, đi theo đúng hành trình của tàu 42 đã đi trước đó. Chuyến đi trót lọt. Ngày 29/09 tàu đã cập bến Bạc Liêu an toàn. Mùng 8 tháng 10, tàu 154 đã trở về Đoàn 125.

Phát huy thắng lợi này, ngay sau đó Đoàn 125 tổ chức một chuyến đi nữa với tàu 54, nhưng không thành công. Tàu này lên đường ngày 08/11, nhưng luôn luôn vướng phải hệ thống kiểm soát quá chặt chẽ của đối phương nên sau 20 ngày vòng vo ngoài khơi, lại phải quay trở lại.

Sang năm 1970, Đoàn 125 đã tổ chức tất cả 15 chuyến đi, nhưng cũng chỉ có năm chuyến vào được bến, chín chuyến gặp hệ thống kiểm soát của đối phương phải quay về để đảm bảo an toàn, một chuyến buộc phải phá tàu.

Những chuyến đi thành công là tàu 41 , tàu 56, tàu 154, tàu 121 và tàu 54:

Tàu 41 xuất phát ngày 01/05/1970, do Thuyền trưởng Nguyễn Hồng Lý và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy, sau nhiều ngày lòng vòng trên biển đã lừa được tàu đối phương vào được bến Cà Mau an toàn, chuyến tàu này đặc biệt có ý nghĩa vì hầu như toàn bộ "hàng hóa" là những vũ khí tối quan trọng như DKZ, B40, trung liên và đại liên 12 ly 7 cung cấp cho Khu IX đang rất đói vũ khí.

Tàu 56 do Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch và Chính trị viên Đỗ Văn Sạn chỉ huy. Tàu rời bến ngày 26/05/1970, chở 50 tấn vũ khí đã vào được bến Bạc Liêu.

Tàu 154 do Thuyền trưởng La Văn Tốt và Chính trị viên Phạm Văn Bát chỉ huy, đi lần thứ nhất ngày 15/05 bị tàu đối phương bám, phải quay lại, mãi đến ngày 24/08 tàu mới xuất phát lần thứ hai, chuyến này thành công, chở được 58 tấn vũ khí vào Bạc Liêu.

Tàu 54 do Thuyền trưởng Phùng Văn Đặng và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy xuất phát lần thứ nhất ngày 15/04 không thành đến 29/04 phải trở lại hậu cứ. Đến 11/10, tàu xuất phát lần thứ hai thành công, chở được 56 tấn vũ khí vào Bạc Liêu.

Tàu 121 do Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch và Chính trị viên Nguyễn Kim Danh chỉ huy, lên đường ngày 29/09/1970, chở 31 tấn vũ khí vào bến Cồn Lợi, cho Bến Tre. Ngày 10/10 tàu hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn.

Trong 10 chuyến tàu không tới nơi, có 9 chuyến tàu phải quay về.

Riêng tàu 176 đã đi hai chuyến đều phải quay về (chuyến 28/05 và chuyến 25/07/1970). Đến chuyến đi thứ ba có 18 thủy thủ, do Thuyền trưởng Lê Xuân Ngọc và Chính trị viên Huỳnh Trung chỉ huy. Tàu lên đường ngày 11/11 vào hướng Cồn Lợi, Bến Tre. Đêm 21/11/1970, đụng tàu đối phương, tàu quyết định đâm thẳng vào tàu của Mỹ, đồng thời tất cả các cây súng đều nhả đạn, làm tàu Mỹ bị thương.

Tàu 176 lao nhanh vào bờ và đã lẻn được vào một con kênh. Nhưng tàu đối phương nã pháo tới tấp Thuyền trưởng quyết định cho thủy thủ lên bờ và hủy tàu. Phía thủy thủ tàu 176, 10 người hy sinh, thuyền trưởng Ngọc cụt một chân, số còn lại lẩn vào rừng và gặp được quân Giải phóng... Từ đó nhân dân ở đây đặt tên địa điểm này là Cồn Tàu ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #101 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 02:54:36 pm »

Về tình hình năm 1970, báo cáo của đối phương cũng gần khớp với diễn biến thực tế:

"Năm 1970 phát hiện 12 vụ (thực tế là 15 vụ), nhưng chỉ đánh chìm được một vụ vào rạng ngày 22 tháng 11 năm 1970 (tức là tàu 176) ở Thạnh Phú, Bến Tre, còn các vụ khác họ đã thoát. Có vụ ta kèm được 9- 10 ngày. Có vụ ta chỉ kèm được một ngày thì đã mất mục tiêu..."

Sang năm 1 971 tình hình càng khó khăn hơn. Những tin tình báo cho biết đối phương đã tăng cường hơn nữa hệ thống tuần dương. Hải quân Chính quyền Sài Gòn lúc này đã có quân số tới 40.000 với 1.600 chiếc tàu, 16 trạm ra da cảnh giới, 16 căn cứ yểm trợ. Hải quân Mỹ tự cho mình quyền theo dõi bất cứ tàu nào lạ, kể cả trên hải phận quốc tế. Thời gian theo dõi từ 9 đến 10 ngày liền trên đoạn đường dài 300 hải lý.

Nhưng tình hình chiến trường lúc này đòi hỏi cấp bách, không thể ngừng chi viện cho miền Nam. Đoàn 125 lại cử tàu đi trinh sát một lần nữa. Ngày 20 tháng 1 năm 1971 tàu 525 do Thuyền trưởng Trần Phấn và Chính trị viên Trần Ngọc Ẩn chỉ huy đã lên đường. Sau một chuyến đi dài trên hải phận quốc tế để thám sát tình hình, ngày 10/02 tàu đã trở về và báo cáo tình hình.

Trên cơ sở tin tình báo và những kết quả thám sát của tàu 525, đầu năm 1971, Đoàn 125 đã tổ chức 4 chuyến tàu lên đường, đó là các tàu 69 (đóng mới, còn tàu cũ đã để lại Cà Mau từ năm 1966), tàu 56, tàu 49 và tàu 54. Nhưng tất cả đều bị theo dõi chặt chẽ, buộc phải quay về.

Đến ngày 04/04/1971 tàu 69 lại lên đường lần thứ hai với nhiệm vụ chở 200,20 tấn vũ khí cho Bạc Liêu. Nhưng khi tàu còn cách bờ 9 hải lý thì bị bao vây. Toàn bộ thủy thủ trên tàu đã nổ súng phá vòng vây nhưng không lọt. Cuối cùng đành phải phá tàu. Rất tiếc, vì đây là chuyến chở nặng nhất của Đoàn 125. Trong vụ này, đã có sáu chiến sĩ hy sính.

Sau đó, từ tháng 10/1971 đến tháng 04/1972, Đoàn 125 đã tổ chức liên tục 20 chuyến đi nữa, nhưng chỉ có một chuyến tới đích đó là tàu 656 do Thuyền trưởng Nguyễn Sơn và Chính trị viên Đỗ Văn Sạn chỉ huy. Tàu xuất phát ngày 18 tháng Giêng năm 1972, phải thả hàng xuống ven đảo Xa Nứt thuộc Campuchia rồi trở về căn cứ, không cập được bến.

Sang năm 1972, phương án vận chuyển trực tiếp bằng tàu không số phải ngừng với vụ thất bại lớn của tàu 645. Tàu 645 do Thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy. Tháng 04/1972 vào Cà Mau, khi còn cách Phú Quốc 200 dặm bị máy bay của hải quân Hoa Kỳ phát hiện và báo cho các tàu tuần tiễu tới vây bắt. Tàu đối phương bắc loa yêu cầu đầu hàng thì sẽ đảm bảo được an toàn, không trừng trị. Nhiều anh em trả lời: "Tiên sư chúng mày, đừng hòng!"

Thế là cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra. Tất cả B.40, B.41 và 12 ly 8 đều nhả đạn. Tàu đối phương từ bốn phía cùng với máy bay trên trời tấn công liên tục. Khi tàu bị hỏng nặng không chạy được nữa, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ra lệnh cho tất cả anh em phải rời vị trí để xuống biển bơi vào bờ. 15 phút sau thấy anh em đã bơi tới một khoảng cách an toàn, Nguyễn Văn Hiệu điểm hỏa. Anh cùng với con tàu đã mất tích trong biển xanh.

Như vây, nếu tính từ chuyến đi đầu tiên của tàu không số Phương đông 1 của Lê Văn Một năm 1962 đến chuyến cuối cùng của Nguyễn Văn Hiệu năm 1972, đã có 168 chuyến tàu lên đường. Phần lớn vào được bến. Một số buộc phải quay lại. Có chín chuyến phải phá tàu, ba chuyến bị đối phương bắt giữ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #102 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 02:56:32 pm »

12. Chuyển sang phương thức hoạt động công khai

Do phương thức vận chuyển bằng tàu không số thời kỳ 1971 - 1972 gặp khó khăn, xác suất thành công rất thấp, nên đã có sáng kiến tìm giải pháp tạo một bất ngờ mới . Giải pháp được lựa chọn là dùng phương thức đi công khai.

Sáng kiến này đầu tiên xuất hiện ở Quân khu IX. Ngay từ năm 1970, trước những yêu cầu cấp bách của chiến trường, tại nhiều đơn vị Tây Nam Bộ đã nảy sinh sáng kiến "tương kế tựu kế". Sử dụng ngay những người dân "thật", cho hoạt động công khai ngay trước mắt đối phương, theo phương châm "công khai hóa, quần chúng hóa, địa phương hóa ".

Sang năm 1971, lãnh đạo Quân khu IX đã đề nghị với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho áp dụng một phương thức vận chuyển vũ khí trên những con tàu đánh cá hoặc tàu buôn hợp pháp, có giấy tờ nhưng có những đáy bí mật để cất giấu vũ khí.

Tháng 03/1971, một đội tàu của Khu IX vượt biển ra Bắc để báo cáo phương án đi công khai này. Chỉ huy đoàn tàu này không phải ai khác mà chính là Tư Mau.

Tháng 4 năm 1971, Thường vụ Quân ủy Trung ương triệu tập một cuộc họp bí mật gồm đại diện Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tác chiến, Bộ Tư lệnh, Chính ủy Quân chủng Hải quân và đại diện Quân khu IX để bàn về phương thức vận chuyển mới này. Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì cuộc họp. Hội nghị đã quyết định chấp nhận đề nghị của Quân khu IX và cho triển khai :

1/ Cho đóng 10 chiếc tàu mới theo dạng tàu đánh cá của miền Nam, lấy mẫu là chiếc tàu của Tư Mau đã đưa ra. Tàu có 2 đáy, phía dưới cất giấu vũ khí, phía trên ngụy trang bằng dụng cụ đánh bắt cá, hàng hóa...

2/ Bổ sung cho đội tàu này những cán bộ quê ở miền Nam có kinh nghiệm đi biển làm nòng cốt, biết kỹ thuật đánh cá.

3/ Hải quân có nhiệm vụ tổ chức bến bãi đặc biệt để nuôi dưỡng và chăm sóc anh em của đội tàu công khai. Bộ Tư lệnh cho phép Đoàn 125 thành lập một tiểu đoàn đặc biệt để đảm đương công việc này, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 5, do Võ Đỗ và Đặng Văn Thanh phụ trách. Căn cứ của Tiểu đoàn 5 được đặt ở khu vực Vạn Hoa (Đồ Sơn).

4/ Trên hành trình của tàu thuyền "đánh cá”, tàu của hải quân có nhiệm vụ dẫn dắt hộ tống trên hải phận miền Bắc và hải phận quốc tế.

Sau khi có các quyết định trên, việc đóng tàu được thực hiện khẩn trương. Cục 2 Bộ Quốc phòng khẩn trương làm các giấy tờ hợp pháp cho các con tàu và từng thành viên trên các tàu "đánh cá".

Cùng với việc chuẩn bị phương tiện và giấy tờ, tất cả những anh em trong các đội tàu đều phải luyện tập công phu: Trước hết phải ngồi phơi nắng suốt ngày để da đen sạm, cho đến khi nào giống với da ngư dân miền Nam. Ngoài ra ai cũng phải học cách đánh cá, cách thả lưới, kéo lưới .

Sau khi chuẩn bị xong, chuyến đi thí điểm đầu tiên do chính Tư Mau phụ trách với con tàu 605. Khi Tư Mau về tới Khu IX, Quân khu quyết định thành lập một đoàn vận tải bí mật có mật hiệu S.950 mà đến 1972 thì đổi tên là Đoàn 371, do Tư Mau làm Đoàn trưởng, Nguyễn Văn Cứng làm Đoàn phó. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #103 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 02:56:42 pm »

Theo phương án này, những chiến sĩ ưu tú của hai đoàn 125 và 962 đã được điều động để thành lập Đoàn S.950

Đoàn S950 đã tổ chức những đoàn đánh cá công khai, có đăng ký rõ ràng. Thủy thủ có căn cước. Giải pháp khi qua mặt các trạm gác là công thức Tình, Lý, Tiền. Các tàu nhỏ này vừa đánh cá ven bờ, vừa nhận chở hàng thuê, nhưng khi có thời cơ thì kết hợp vận chuyển vũ khí theo những cung đoạn ngắn trên tuyến Cà Mau - Rạch Giá - Sài Gòn - Vũng Tàu - Phan Rang... đến tận Đà Nẵng. Khi có cơ hội thì phóng thẳng ra vịnh Bắc Bộ, nhận vũ khí đưa về. Tính từ đầu năm 1972 đến tháng 11/1973, Đoàn S.950 đã ra Bắc được 31 chuyến, hầu hết trót lọt, đưa được 520 tấn vũ khí về tới Cà Mau và Trà Vinh an toàn.

Đoàn 371 hoạt động liên tục và có hiệu quả cho đến tận ngày giải phóng miền Nam.

Để có thể hoạt động hợp pháp một cách an toàn, phải giải quyết vô vàn vấn đề hoàn toàn mới và khác với phương thức vận tải bí mật: Nào giấy tờ, nào nghi trang, nào hệ thống ám hiệu và đặc biệt là hợp pháp hóa con người, tức dân sự hóa các chiến sĩ.

Có thể kể đến một điển hình là trường hợp của Thuyền trưởng Tư Mau: Từ Bắc theo Trường Sơn vào, mang căn cước hợp lệ, tới Sài Gòn, xuống Rạch Giá để đăng ký nghề đánh cá mà thực chất là Đoàn vận tải 371. Tại đây ông đã làm giấy tờ chính thức cho tàu, cho thủy thủ. Những thủy thủ này đều đã từng phải ngồi tuốt dây chão hàng tháng trời ở Đồ Sơn để chai tay nổi lên. Họ còn phải phơi nắng trên bãi cát Quảng Bình hàng mấy tháng hè để trông đúng như những ngư phủ lành nghề. Rồi lại phải học cách quăng lưới, vá lưới, lại phải luyện cách nói cho đúng ngôn từ của dân chài, nhất là luyện không được dùng những ngôn từ đã quen trong quân ngũ ở miền Bắc như "đề nghị", "thông cảm", "tích cực", "thỉnh thị”. Sau đó họ cũng vượt Trường Sơn, vào đến tận Rạch Giá, làm căn cước rồi tổ chức đi đánh cá công khai. Khi ra đến khơi thì phóng thẳng ra tận Đồ Sơn, Hải Phòng, nhận hàng trăm tấn "cá”: AK, B.40, B.41 đưa về các bến bãi. Giao xong lại ung dung trở về bến cá. Khi bị lộ, Tư Mau còn ra Hà Nội đề nghị Trung ương cho đưa ông vào Quân Y viện, giải phẫu mặt, đầu, tóc, thay hình đổi dạng để trở lại tiếp tục làm ông chủ đánh cá lớn hơn, không phải ở Rạch Giá, mà đặt trụ sở ngay tại Sài Gòn...

Hồi ức của Tư Mau:

"Mổ xong, tôi về Bộ Tổng Tham mưu gặp lại anh Sáu Nam (tức Lê Đức Anh), khi đó là Tư lệnh Khu IX cũng đang ở Hà Nội.

Tôi hỏi: "Xong rồi đó anh, coi tôi có khác không? "

Anh Sáu Nam lắc đầu: "Xong gì mà xong, mình nhận ra ngay mà. Chưa được đâu! "

Lại vào 108. Và lại mổ nữa. Cắt sườn non độn cho mũi cao lên. Bưng hết cả da đầu, xoay ngược mái tóc từ trước ra sau. Đốt khắp má cho đầy tàn nhang. Còn dấu vân tay thì sao? Phải đốt cả các đầu ngón tay. .

Vội lên đường về Nam, theo dọc Trường Sơn. Xe con đưa đến Vĩnh Linh. Đi tiếp xe tải đến Đakpet Kontum. Rồi đi bộ sang đất Campuchia, xuôi thuyền sông Mê Kông, xuống tới Krachiê, về Lộc Ninh. Anh Sáu Nam đã về trước gặp nhau ở đấy...

Ít lâu sau, giữa Sài Gòn xuất hiện một nhà tư sản, chủ vựa cá mới, tên là Sáu Thuận".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #104 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2010, 02:50:09 pm »

Chuyến đi vào Nam của Võ Văn Kiệt:

Võ Văn Kiệt đã từng đi theo đường biển trên tuyến Thái Lan - Trung Quốc vào năm 1951 để kịp dự Đại đội Đảng lần thứ II tại Việt Bắc. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ở cương vị Bí thư Khu ủy miền Tây, sau khi ký Hiệp định Paris, một vấn đề có tính chất chiến lược đặt ra là "ghìm cương vỗ béo", tức là giữ nguyên tình trạng da báo hay là đánh trả mọi cuộc lấn chiếm, tràn ngập lãnh thổ của quân đội Sài Gòn.

Dưới sự lãnh đạo của Võ Văn Kiệt, Quân khu miền Tây quyết định đánh trả cuộc lấn chiếm của đối phương, do đó giữ vững trận địa. Trong khi đó, nhiều quân khu và cả các tướng tá ở Trung ương vẫn muốn chủ trương "ghìm cương vỗ béo".

Bộ Chính trị đã triệu tập Vô Văn Kiệt ra gấp để trao đổi. Khi ra, ông đi đường bộ, vào tới miền Trung thì đi máy bay ra Hà Nội. Khi về, Bộ Chính trị quyết định ông phải về gấp bằng đường thủy, là con đường chỉ cần 4, 5 ngày là tới nơi. Chuyến đi này ông mang theo một niềm vui đặc biệt: tư tưởng tích cực của ông, chống lấn chiếm, đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp nhận, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bí thư Quân ủy Trung ương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng tình với bản trình bày của ông và quyết định trên toàn miền Nam sẽ chuyển từ thế "ghìm cương vỗ béo" sang thế tiến công tích cực. Đó là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, tạo ra những chuyển biến từ năm 1973, để đi tới đại thắng Mùa xuân 1975.

Để đưa một vị lãnh đạo cao cấp vào Nam với sứ mệnh hệ trọng như vậy, chuyến đi phải được bố trí rất cẩn thận. Một trong những thuyền trưởng dày dạn nhất trên đường biển là thuyền trưởng Tư Mau. Chính Tư Mau được giao nhiệm vụ tổ chức chuyến đi này. Ba chiếc thuyền không số đã được lựa chọn. Hai chiếc chở vũ khí, một chiếc chở riêng Võ Văn Kiệt và một số tài liệu đặc biệt. Ngoài ra, còn có 3 triệu đô la tiền mặt để chi viện cho miền Nam.

Khi Tư Mau từ Hải Phòng lên đón Võ Văn Kiệt thì thấy ngoài số tài liệu và đô la có thể cất giấu an toàn trong mũi tàu hai lớp, thì còn một món quà của Ban Thống nhất Trung ương nhờ Võ Văn Kiệt mang vào cho các chiến sĩ miền Nam: một số chai rượu Lúa mới. Tư Mau nói: "Thứ này thì không thể đem qua giới tuyến được vì có nhãn hiệu Lúa mới, chai rượu cũng là chai rượu miền Bắc, mà chúng ta đi công khai, xin anh cho anh em uống trước khi vượt giới tuyến. Vô đó chúng tôi đền bằng rượu nếp..."

Con tàu chở Vô Văn Kiệt là con tàu mang số 159TT. TT nghĩa là thương thuyền, tức là đi công khai, mang giấy tờ giả. Võ Văn Kiệt đóng vai một thương nhân sang trọng của Công ty Ngư Long, chuyên kinh doanh muối, có đầy đủ giấy tờ (giả). Con tàu này chở muối trên tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn.

Trên đường đi, sau khi vượt qua giới tuyến, tàu đàng hoàng dừng lại Cà Ná để nấu cơm ăn, sửa chữa tàu, mua thêm muối. Thấy dáng vẻ "ông chủ muối" rất đàng hoàng, không ai hỏi han khám xét gì cả. Sau đó tàu đi tiếp đến Vũng Tàu, Tư Mau đến trạm quan thuế Bà Đá để ký xác nhận việc chở muối... Sau 4 ngày, tính từ lúc rời Hải Phòng, tàu đã tới vùng căn cứ Cà Mau.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #105 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2010, 02:50:58 pm »

Chuyến đi ra Bắc của Lê Đức Anh:

Đoàn tàu của Tư Mau đưa Võ Văn Kiệt về Nam chưa được bao lâu thì lại nhận nhiệm vụ đưa Tư lệnh Quân khu miền Tây Lê Đức Anh ra Bắc. Chuyến đi này cũng do Tư Mau tổ chức và trực tiếp lái tàu. Bốn con tàu đã được lựa chọn trong đó có con tàu Sài Gòn 159TT mới đưa Võ Văn Kiệt từ Bắc vào Nam. Tư Mau trực tiếp lái con tàu này chở Lê Đức Anh.

Tàu mang giấy tờ của một đoàn tàu đánh cá. Tư Mau lần này đóng vai ông chủ của cả đoàn tàu đánh cá. Lê Đức Anh đóng vai bồi bếp trên tàu, cũng có đủ giấy tờ (giả). Đoàn tàu xuất phát từ Cà Mau ngày 27/11/1973.

Chuyến đi này gặp nhiều điều không may. Con tàu Sài Gòn 159TT đi giữa đường bị rò rỉ nước vì chuyến trước gặp quá nhiều sóng, rạn nứt nhiều, giữa biển không có cách nào chữa được, toàn đoàn đành chuyển sang tàu 158TT. Người cuối cùng điều khiển tàu 159TT là Tư Mau, thấy con tàu chìm dần đến giờ chót cũng đành phải chuyển sang tàu 158TT. Tàu 158TT tiếp tục chạy, con tàu 159TT không người lái nhưng máy vẫn nổ, nổ cho đến lúc con tàu chìm dần và mất tích dưới sóng biển.

Tai họa chưa hết, đến gần phía đảo Hải Nam thì đoàn tàu gặp bão lớn, Tư Mau lại trực tiếp lái con tàu này, vì theo mọi người nói chỉ có tay lái của ông mới vượt qua được cảnh gió to sóng cả giữa biển khơi, sơ suất một chút là con tàu có thể bị sóng đánh chìm. Đã gần tới đảo Hải Nam, và vì chạy ngược sóng nên mãi không tới. Một người cùng đi trong chuyến này kể lại:

“Trời biển mù hết. Trên đường đi thì nhiều tàu nước ngoài bị chìm, xuồng cao su trôi bập bềnh, có cả người chết nữa. Tàu ta lúc này vô nước nhiều hơn. Chạy một tiếng đồng hồ lại phải bơm nước một lần... "

Cuối cùng thì 2 giờ đêm, có ánh đèn chớp ở phía chân trời, đó là đảo Hải Nam, chiếc đèn đó chính là điểm H, tức cảng bí mật Hậu Thủy...

Những chuyến đi như thế đúng như bản thân Tư Mau nhận xét:

"Chở các anh chỉ có mấy chục ký nhưng nặng hơn nhiều so với hàng trăm tấn trên những con tàu chở vũ khí mà chúng tôi vẫn thường đi." (Đại tá Nguyễn Đắc Thắng. Đưa đồng chí Sáu Nam ra Bắc. Trích trong "35 năm đoàn 962 anh hùng"..., sđd, tr.225-233.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #106 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2010, 02:59:46 pm »

13. Kết quả, ý nghĩa

Theo con số trong báo cáo của Đại tá Trương Thái Ất, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 125, thì số lượng vận chuyển vào như sau:

(Phỏng vấn ông Trương Thái Ất, ngày 30/07/2004. Đại tá Trương Thái Ất là Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 125. Ở cương vị đó, ông hiểu biết rất nhiều về lĩnh vực này, ông đã tận tình giúp tác giả tiếp cận rất nhiều tư liệu về lịch sử của của Lữ đoàn để viết chương sách này. Nhưng tiếc thay, khi bản thảo vừa hoàn thành thì ông đã ra đi! Tác giả đã đến thắp hương trước bàn thờ ông tại An Giang. Và hôm nay xin kính trình ông cuốn sách này với tất cả tri ân)

1/ Thời kỳ 10 năm (1961 - 1971)

Tổng số tàu vào bến là 155 chuyến, chở 6.638 tấn vũ khí trang bị, đi 3.758.000 hải lý, đưa hàng ngàn cán bộ vào Nam - không kể 19 chuyến tàu vào tới bến phải quay ra và 6 chuyến đi trinh sát. 

Cụ thể

Vào 4 bến ở Nam Bộ: 142 chuyến, chở 6.346 tấn.

- Bến Cà Mau: 105 chuyến, chở 4.196 tấn.

- Bến Bến Tre: 25 chuyến, chở 1.490 tấn.

- Bến Trà Vinh: 9 chuyến, chở 540 tấn.

- Bến Bà Ria: 3 chuyến, chở 120 tấn.

Vào 5 bến ở Khu V. 13 chuyến, chở 292 tấn.

- Bến Phú Yên (Vũng Rô): 4 chuyến, chở 195 tấn.

- Bến Bình Định: 3 chuyến, chở 89 tấn. .

- Bến Bình Thuận: 1 chuyến, chở 18 tấn.

- Bến Quảng Ngãi: 4 chuyến, vào được 3 chuyến nhưng phải phá tàu, 1 chuyến địch lấy được tàu.

- Bến Khánh Hòa: 1 chuyến vào được bến, địch vây phải phá tàu.

Có 30 lần đụng địch, ta đều chiến đấu quyết liệt để bảo vệ tàu và hàng hóa. Bị mất 11 tàu, trong đó có 3 tàu bị địch lấy, phần lớn là mê tàu, do ta chỉ phá được ca bin, tỷ lệ là 7%.

So với nhiệm vụ được giao, thì đoàn hoàn thành xuất sắc, đạt 93% (giao 50%).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #107 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2010, 03:00:00 pm »

2/ Thời kỳ 4 năm (1971 - 1975)

Đoàn gặp nhiều khó khăn, chuyển sang làm nhiệm vụ vận chuyển gần:

Đi 411 chuyến, chở 30.137 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng hóa và chở 2.042 lượt người đi B, hàng trăm xe cơ giới các loại, đi 158.292 hải lý trong chiến dịch VT5 vận chuyển cho chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên và Quân khu V.

- Từ 14/04/197 5 đến 29/04/1975 chở đặc công Quân khu V đánh chiếm đảo Trường Sa và Cù Lao Thu.

- Đoàn 371 dùng tàu gỗ vận chuyển hợp pháp theo ven biển từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam đi được 31 chuyến, chở 520 tấn cho Quân khu IX.

Con số của Bộ Giao thông Vận tải trong cuốn “Lịch sử Giao thông Vận tải” mà chúng tôi cộng lại từng thời kỳ là:

1962: 810 tấn.

1963: 1.318 tấn.

Từ 1964-1965: 4.000 tấn.

1965-1968: 410 tấn.

1972: 3.000 tấn.

1973: 12.000 tấn.

1974: 15.000 tấn.

Đầu năm 1975: 7.786 tấn.

Tổng cộng: 44.324 tấn.

Nếu tính theo địa chỉ giao nhận thì:

Cà Mau - 76 chuyến: 4.249 tấn; Bến Tre - 28 chuyến: 1.3 86 tấn; Trà Vinh - 17 chuyến: 824 tấn. Bà Rịa - 3 chuyến: 109 tấn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #108 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2010, 03:00:41 pm »

Con số vài chục ngàn tấn đi theo đường biển nếu so với con số vận tải của đường Trường Sơn trên bộ thì ít hơn nhiều. Nhưng ý nghĩa của nó thì rất lớn.

Thứ nhất, Con đường Trường Sơn trên đất liền chủ yếu vận tải cho các chiến khu miền núi, miền rừng, miền Đông Nam Bộ. Những vùng ven biển miền Trung và nhất là miền Tây Nam Bộ thì rất khó vận chuyển vũ khí đạn dược qua hệ thống đường bộ, ở đây chỉ có thể dùng đường biển. Chính con đường này đã tạo ra sức mạnh chiến đấu trên tất cả mọi vùng: Duyên Hải miền Trung, đồng bằng Nam Bộ.

Như một báo cáo thời đó đã xác định cứ 100 tấn vũ khí đưa vào đến nơi có thẻ đủ trang bị cho 1 sư đoàn sử dụng trong nhiều tháng. Như vậy con số mấy chục ngàn tấn kể trên đã có một ý nghĩa sống còn với hàng sư đoàn ở những căn cứ vùng ven biển miền Nam. Đặc biệt, sự kịp thời chi viện những loại vũ khí mới hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh, thay đổi tương quan lực lượng.

Đầu những năm 1960, mỗi khẩu súng trường chỉ có 15-20 viên đạn, không có hỏa lực đánh xe, đánh tàu. Đến nỗi có chiếc tàu đi qua các căn cứ, thấy lính trên tàu còn vỗ mông thách đố ai bắn trúng. Thời đó đã từng có những bức điện gửi ra Trung ương với giọng đầy bức xúc như: "Để chúng tôi đánh trận bằng cùi chỏ à?", "Chúng tôi sắp phải lấy cây để đánh giặc!", "Đoàn 125 giải tán rồi sao?"

Từ khi có súng mới (súng trường CKC và súng chống tăng B.40 (từ 1962), tiểu liên AK, kính ngắm để bắn tỉa, súng chống tăng B.41, DKZ.75, DKZ. 57, cối 81, cối 120, đại liên Korinov, đại liên 12,8 mm... (từ 1965) thì việc hạ máy bay, đánh các loại tàu chiến, các loại xe, nhổ các đồn (trong Nam anh em gọi là "móc đồn") là việc thường xuyên, làm cho đối phương từ chỗ hung hăng sục sạo không biết sợ đến chỗ khiếp hãi, né tránh, chùn bước.

Về ý nghĩa này có thể nêu một vài thí dụ tiêu biểu:

Vũ khí mới đương đầu với chiến dịch "Sóng tình thương": Chiến dịch “Sóng tình thương” do quân đội Sài Gòn tiến hành từ đầu tháng Giêng năm 1963 nhằm càn quét các khu rừng ở Nam Bộ, đánh phá kho tàng, các cơ sở của khu ủy, quân khu... nhưng đến lúc này thì quân dân Nam Bộ đã được chi viện nhiều loại vũ khí mới nhờ 4-5 con tàu không số liên tục đưa vào trong đó đặc biệt có công lao của bốn con tàu Phương Đông.

Trong số các vũ khí mới, đã xuất hiện súng trường CKC, K.44, súng chống tăng B.40 và mortier, là những thứ lần đầu tiên Nam Bộ được trang bị. Với loại vũ khí này, Quân khu IX đã thành lập thêm 1 Trung đoàn bộ binh và 1 Trung đoàn pháo binh. Quân giải phóng có thể đương đầu với xe lội nước, những chiếm hạm nhỏ trên sông của đối phương.

Trước đó, những đoàn thuộc Hạm đội nhỏ trên sông đi lùng sục khắp nơi, dùng súng trường không có tác dụng. Đã có lần anh em kể lại rằng, một lính Sài Gòn đi ngang một căn cứ còn vỗ mông nói rằng: "Đạn tụi bay bắn không lủng đâu, thôi đừng bắn, trầy sơn tàu của tụi tao." Nhưng từ đầu 1963 thì tình hình đã khác, mà đối phương không ngờ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #109 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2010, 03:01:23 pm »

Dịp đó thuyền trưởng Lê Văn Một có mặt ở các bến thuộc Khu IX và chứng kiến những trận càn. Anh tham gia vào việc bảo vệ tàu và khi cần thiết thì cho nổ. Anh viết trong nhật ký:

"Khoảng cuối tháng 11/1962, hai chiếc số 3 và 4 cùng kiểu với mình nhưng máy khác tốt hơn chở hai chuyến hàng vô đậu gần mình. Nói chung Khu IX hàng về đầy đủ nhất. Lúc này, nhân dân càng phấn khởi.

Khoảng năm 1963, địch càn với chiến dịch "sóng tình thương" mình cùng ông Sao ở lại tàu để phá hoại nếu chúng vào. Còn anh em bố trí chống càn. Cũng may trong chiến dịch này, nhờ số đạn chống tăng của tàu mình chở về nên anh em du kích kiếm ăn bội. Cứ việc một trái làm một tàu, nhưng phải ăn. Nằm gần bờ, nhưng tàu chạy ngang khoảng 20 bước cho nó một trái thì tắt máy là bọn địch chết lăn cù, không trở tay kịp.

Vì thế trong chiến dịch này, chúng bỏ lại vùng Cà Mau gần 20 tàu lớn nhỏ, kéo xác tàu về nằm ở Cà Mau đầy hai bên bờ... mình tưởng nó kéo dài chiến dịch "sóng tình thương". Nhưng khoảng cuối tháng Chạp ta thì kết thúc, chỉ cho máy bay phản lực bay thật sát ngọn đước, kêu thật to để khủng bố tinh thần nhân dân và rút lui luôn..." (Thuyền trưởng tàu không số đầu tiên..., sđd, tr.54-55.)

Trận Ấp Bắc: Theo báo cáo của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Tham Mưu trưởng Quân khu VII thì riêng trong năm 1963, Đoàn 759 đã tổ chức được 28 chuyến tàu, chở 1.318 tấn vũ khí vào chiến trường Nam Bộ. Số vũ khí này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo ra những chiến thắng có ý nghĩa bước ngoặt ở miền Nam, trong đó có trận thắng vang dội là trận Ấp Bắc ngày 02/01/1963, phá tan 1.891 đồn bốt, phá rã 623 đồn bốt khác ở miền Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Trận thắng này đã mở ra khả năng đánh bại chiến thuật "Trực thăng vận", "Thiết xa vận" của Mỹ.  (Trần Ngọc Thổ. Đường Hồ Chí Minh trên biển - một kỳ tích về đức hy sinh... trích trong Bảo đảm..., sđd, tr. 170.)

Tờ báo The Washington Post, ngày 07/01/1963 viết:

"... Những người Cộng sản coi đầy là chiến thắng lớn đầu tiên... Quan trọng hơn, họ đã phát triển thành công những kỹ thuật đương đầu được với những công nghệ của Mỹ cung cấp cho miền Nam Việt Nam...".
 
Nhờ có DKZ, cối 81, đại liên 12,7 mm, tháng 09/1963, Cà Mau đã nhổ được 2 cái "đinh" nguy hiểm là căn cứ Cái Nước và Đầm Dơi, diệt hàng trăm quân, có cả Quận trưởng.

Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau) là Nguyễn Thành Hoàng báo cáo về Phủ Tổng thống:

" Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Việt cộng đã dùng Cối 81, Đại liên 12,7 mm, DKZ 75... là những thứ mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được." (Báo cáo số 1803/NA3/M ngày 15/09/1963 của thiếu tá Tỉnh trưởng tỉnh An Xuyên)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM