Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:18:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 132899 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #80 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2010, 06:12:01 pm »

6. Phân phối - một đội quân khổng lồ nhưng "vô hình"

Tiếp đó là cả một hệ thống những tuyến vận chuyển từ các kho về các chiến khu rải rác khắp Nam Bộ.

- Phân phối giữa các bến: Trước hết là việc phân phối lại giữa các bến ở miền Nam. Vì các bến của tỉnh Cà Mau có nhiều thuận lợi cho việc đưa hàng từ miền Bắc vào, nên Cà Mau cũng là nơi có nhiều chuyến tàu vào nhất. Sau khi Cà Mau nhận được hàng, phải phân phối lại cho các tỉnh thuộc Quân khu VIII và Quân khu VII. Chính Đoàn 962 lại phải tổ chức những đoàn vận tải cỡ nhỏ đi sát bờ, để chuyển vũ khí từ các kho Cà Mau về Trà Vinh, từ Trà Vinh về Bến Tre, từ Bến Tre lên Bà Rịa để phục vụ các chiến trường ở miền Trung và miền Đông Nam Bộ.

Để vận chuyển giữa các bến, phải đi lén ven biển. Những đội tàu vận tải này thường dùng những loại ghe nhỏ, mỗi chiếc có trọng tải khoảng 3 tấn, đi theo những con đường bán hợp pháp ven biển: Giả dạng làm các tàu đánh cá tàu chuyên chở hàng hóa... Loại tàu này thường có hai đáy, bên dưới để vũ khí, bên trên để các loại hàng hóa thông thường: dưa hấu, lúa gạo, mía... Cũng có tàu thì trang bị ngư cụ, có khi phải mua cá của ngư dân để chở đi bán. Tất cả mọi người trên tàu đều mang giấy tờ hợp pháp (như đã nói ở mục trên). Cách đi này thì giáp mặt với đối phương là chuyện thường tình. Có trường hợp thì qua được. Có trường hợp bị lộ thì phải chiến đấu. Như trên đã nói, đã một lần đoàn trưởng Đoàn 962 Nguyễn Văn Phối hy sinh trong khi chiến đấu trên tuyến đường này.

- Phân phối từ bến vào nội địa: Ngoài việc phân phối giữa các bến với nhau, thì mỗi bến sau khi nhận được hàng, phải tổ chức đưa về kho. Theo chỉ thị của Trung ương Cục hoặc của Quân khu, các kho có nhiệm vụ phân phối hàng vào các chiến trường do mình phụ trách. Để thực hiện nhiệm vụ đó lại phải có một lực lượng đông đảo các đội quân vận tải nội địa. Mỗi Quân khu tổ chức một đơn vị vận tải, có trách nhiệm vận chuyển để phân phối vũ khí cho các đơn vị chiến đấu rải rác trên khắp miền Nam.

Hệ thống đường vận tải nội địa này ở Nam Bộ được đặt tên là "Đường 1-C". Đường 1-C chằng chịt khắp Nam Bộ.

Trong mùa nước thì hầu hết các chuyến vận chuyển nội địa này đều dùng đường thủy, vì toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi cho việc vận chuyển này: Có 179 con sông, kênh, rạch lớn nhỏ mà tàu thuyền, sà lan cỡ 100 tấn có thể hoạt động được, với tổng chiều dài 5.000 km. Trong đó có ba con sông lớn với tổng chiều dài 1.200 km, 132 con kênh tổng chiều dài 350 km, 34 con rạch với tổng chiều dài 500 km.

Hệ thống sông ngòi ở đây liên kết với nhau thành một mạng lưới hết sức thuận tiện cho việc vận tải đường thủy từ các tỉnh tới các tỉnh, các huyện, làng, xã... Đối phương chủ yếu kiểm soát các tuyến sông lớn, các ngã ba và ngã tư để dựng hệ thống đồn bốt. Kết hợp với hệ thống đó có các đoàn giang thuyền và tàu chiến liên tục trong vòng từ 15 đến 20 phút, có đèn pha chiếu sáng ban đêm.

Mùa khô thì buộc phải đi bằng đường mòn, lúc đi thuyền, lúc dùng trâu chở hàng, lúc dùng xe thồ, lúc khuân vác, gồng gánh...

Đó chính là môi trường hoạt động của hệ thống vận tải nội địa.

Đường 1-C sử dụng cả ba phương thức bí mật, bán công khai và công khai.

Trong vận tải bí mật, hoạt động như du kích. Vũ khí được vận chuyển qua rừng rậm, bãi lầy... là những nơi không có kiểm soát. Những đoạn nguy hiểm thì có cảnh giới, phải đi đêm, có vũ trang tự vệ, khi gặp nguy hiểm thì chiến đấu chống trả. Trong hoạt động này, lực lượng thanh niên xung phong đảm nhiệm là chủ yếu. Đội quân này gồm hơn 800 người, phần lớn là thanh nữ, tuổi từ 17 đến 20, trang bị hơn 600 khẩu súng cá nhân để sẵn sàng chiến đấu. Đó cũng là một trong những đội quân anh hùng đã góp phần làm nên kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #81 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2010, 06:12:17 pm »

Để thực hiện nhiệm vụ này, Quân khu IX, tức miền Tây Nam Bộ có Đoàn 950 (về sau đổi tên là đoàn 371). Quân khu VIII thành lập đoàn M5, về sau đổi phiên hiệu là C.100.

Vận tải bán công khai lấy danh nghiã công khai là chở hàng hóa. Những người vận tải đều có giấy tờ. Phần bí mật chính là vũ khí giấu trong hàng hóa. Vận chuyển bán công khai thì phải dùng loại ghe hai đáy có trọng tải 3-4 tấn, trong đó có thể chứa được 1 tấn vũ khí, có chuyến chở được cả đại bác 105 mm. Nhiều ghe có hai mui, mỗi mui có thể chở thêm 100 kg. Người đi trên các ghe vận tải này thường là các nữ chiến sĩ, nam giới thì phải là những người lớn tuổi, mang theo cả vợ con, cha mẹ, y hệt như một gia đình sống bằng nghề vận tải ...

Thượng tá Trương Thị Mỹ, một trong những nữ chiến sĩ đưa cả mẹ già em dại theo ghe, kể lại :

"Mẹ già, em dại, nếu có chuyện gì xảy ra thì cả gia đình đều phải hy sinh. Những suy nghĩ đó đã làm tôi trăn trở, nhưng những đồng chí, đồng đội, những lãnh đạo của tôi là những người đã động viên tôi nhiều nhất.

Hơn 5 năm hoạt động vận tải "công khai, hợp pháp”, tôi đã vận chuyển hơn 70 chuyến, bằng nhiều phương tiện khác nhau, chở được 200 tấn vũ khí, hàng chục ngàn cán bộ trung cao cấp của Quân khu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian nan vất vả, qua mọi bốt đồn, mọi sự phong tỏa của địch, chuyển hàng, đưa cán bộ đến nơi an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không để xảy ra mất mát hàng hóa hay gây thiệt hai về con người, phương tiện.

Một điều quan trọng nữa là bài học về nhân dân. Nhân dân không giúp đỡ, không hỗ trợ, thì không thể nào thành công. Nhân dân giúp hàng hóa để ngụy trang, nhân dân báo tin trên từng tuyến đường vận chuyển, nhân dân giải vây trong những lần bị bắt, bị tra xét, nhân dân góp ý đế khả năng hoạt động công khai trong lòng địch ngày càng hoàn thiện hơn." 

Hình thức này tồn tại suốt từ giữa những năm 1960, cho đến tháng 06/1968 thì có sự cố: Một chiếc ghe của C.100 bị bắt do bị chỉ điểm. Ghe bị kéo lên bờ, bổ làm đôi, lộ hết mọi chuyện. Người bị bắt (chủ ghe là chiến sĩ Chín Mập bị tra tấn đến cùng, không khai và bị thủ tiêu, vợ bị bỏ tù cho đến ngày giải phóng mới được ra). Tuy không ai khai báo nhưng toàn bộ phương thức hoạt động này đã bị lộ. Sau đó nhiều chiếc ghe khác bị khám xét, tổn thất rất lớn. Toàn bộ các tuyến bán công khai phải ngừng hoạt động để tìm phương thức khác.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #82 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2010, 06:12:24 pm »

Phương thức mới cũng là sáng kiến của C.100: Hoàn toàn công khai và do nhân dân thực hiện.

Sáng kiến này thực ra đã ra đời tại Bến Tre từ sau Đồng khởi, với Đội vận tải đặc biệt mang bí số T.30. T.30 được thành lập năm 1962, từ 4 gia đình cán bộ cách mạng cũ thuộc các huyện Thạnh Phú và Bình Đại, mà nòng cốt là các chiến sĩ lão thành cách mạng từ thời Tiền khởi nghĩa (các ông Nguyễn Văn Ngãi và Trần Văn Đinh). Các ông đưa cả vợ con, dâu, rể, cháu nội ngoại theo thuyền để đóng vai một gia đình chuyên làm nghề sông nước.

Đến giai đoạn sau 1968, do vận tải bán công khai đã bị lộ và bị kiểm soát gắt gao, nên lại phải trở về với phương thức công khai của T.30: Không sử dụng ghe hai đáy nữa, mà sử dụng loại phương tiện vận tải lớn gọi là ghe đục. Mỗi chiếc ghe đục có trọng tải khoảng 30 tấn, có thể chở kèm 10 tấn vũ khí. Những chiếc ghe này lấy danh nghĩa đi buôn cá, có đủ giấy tờ thật. Ghe buôn cá là chuyện thường tình ở Nam Bộ, ngày đêm, ngang dọc khắp đồng bằng sông Cửu Long.

Những người vận chuyển trên những chiếc ghe đó cũng đã đi lại trên sông nước hàng chục năm, quen mặt tất cả các đồn bốt, các trạm gác. Do đó không cần dùng đến ghe hai đáy. Thay cho hai đáy là hai mặt của chính những người dân, là là thường dân "thật", chứ không phải là thường dân "giả." Những người này đi qua những đồn bốt thì lính gác không hề để ý vì không ngờ rằng họ đang vận chuyển vũ khí.

Thượng tá Nguyễn Trung Trực, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho kể lại:

"Cai Lậy là trọng điểm của Quân khu VIII, xã nào cũng có năm mười cơ sở nhận vận chuyển và cất giấu vũ khí. Có hàng chục đầu mối quan hệ mật thiết với lực lượng vũ trang để mua sắm, vận chuyển mọi nhu cầu cần thiết cho sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội. Ở huyện này Quân khu còn mạnh dạn sử dụng nhân dân vào công tác kho tàng. Nhiều đầu mối vừa làm nhiệm vụ vận chuyển, vừa làm nhiệm vụ chôn giấu hàng. Mỗi nhà giữ giúp độ 2 tấn hàng..." (Nguyễn Trung Trực. Công tác tiếp nhận, vận chuyển vũ khí... Trong Đảm bảo..., sđd, tr.372-373.)

Chế độ thanh toán là: Mỗi ghe chở 10 tấn vũ khí về đến điểm giao nhận trả công 1 triệu đồng tiền Sài Gòn, nếu toàn bộ cả ghe và công vận chuyển là do chủ ghe chịu trách nhiệm. Nếu là ghe của C.100, chỉ thuê những người buôn cá vận chuyển, thì mỗi chuyến trả 30.000 đồng. Mọi việc đi lại đối phó trên dọc đường là do người vận chuyển tự lo liệu. (Vào năm 1973 thì tỷ giá giữa đồng tiền Sài Gòn và đồng đô la là khoảng 1/500 (500 đồng tiền Sài Gòn ăn 1 đô la). Như vậy mỗi chuyến chở khoán gọn cả tàu lẫn hàng tương đương 2.000 USD. Về tỷ giá này, xem Đặng Phong, trong Kinh tế miền Nam Việt Nam thời kỳ 1955-1975. Nxb Khoa học Xã hội, 2004, tr.393.)

Trong hoạt động vận tải công khai, một nguyên tắc bất di bất địch là hoạt động đơn tuyến. Chỉ nhận lệnh từ một người giao nhiệm vụ trực tiếp Đơn vị nào, người nào chỉ biết việc của mình, đến nơi giao nhận cũng chỉ tiếp xúc với một người. Nguyên tắc đó là biện pháp đảm bảo an toàn nếu bị lộ chuyến nào thì chỉ mất chuyến đó, thiệt hại được khoanh vùng ở bản thân những người trực tiếp tham gia.

Theo đánh giá của Đại tá Trần Văn Lan, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang, thì từ thời kỳ 1973 trở đi, vận tải nhân dân đóng vai trò rất lớn, chiếm khoảng 75% toàn bộ vận tải nội địa.

Để đảm bảo an toàn cho việc vận tải, các công đoạn được tính toán và sắp xếp hợp lý, làm thế nào một chuyến đi chỉ kéo dài trọn gói trong một đêm, như thế dễ tránh đối phương, giảm bớt mức thiệt hại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #83 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2010, 06:14:30 pm »

7. Những hàng rào của đối phương

Về việc vận tải theo đường biển, tuy tác giả đã có dụng ý mô tả thật trung thực với các sự kiện, những con người, những giải pháp, những gian nguy, những tổn thất và những thành quả... nhưng nếu chỉ nói về những phương pháp và thành tích thì có thể vẫn có một sự ngộ nhận: làm được như vậy có nghiã là đối phương kém quá? Nếu để người đọc có cảm giác rằng đối phương quá kém thì đồng thời cũng hạ thấp giá trị của sự nghiệp Đoàn 759. 

Để công bằng hơn, phải nói rõ hai sự lệch pha ngược chiều nhau: Sự lẹch pha về sức và sự lệch pha về trí

Nếu nói tới sức mạnh quân sự trên biển, thì lực lượng của đối phương mạnh gấp không phải hàng chục lần mà hàng trăm lần lực lượng Đoàn 759. Dưới đây xin dành một ít dòng để mô tả về lực lượng hải quân của Mỹ trên bờ biển Việt Nam tròng thời kỳ chiến tranh:

Như đã nói trong phần đường bộ, hải quân Mỹ trên bờ biển Việt Nam thời đó là một lực lượng hải quân hùng mạnh bậc nhất trên thế giới. Tất cả đều thuộc Hạm đội 7 (Seventh Fleet). Lực lượng này có nhiệm vụ không chỉ đánh phá miền Bắc, mà đánh phá cả Trường Sơn, đánh phá hỗ trợ các chiến trường ở miền Nam và đặc biệt là ngăn chặn con đường tiếp tế trên biển (40% lực lượng của Hạm đội 7 được huy động vào việc ngăn chặn này) .

Trực thuộc Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương có một loạt Lực lượng đặc nhiệm (Task Force) trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Đô đốc Elmo R. Zumwalt lúc đó là Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Việt Nam (Commander, Naval Force, Vietnam) sau này được thăng lên cấp cao nhất trong hải quân là Tư lệnh Hải quân Mỹ, đã viết một cuốn sách tên là On Watch xuất bản năm 1976. Trong đó ông kể về những lực lượng hải quân Mỹ ở Việt Nam gồm các đơn vị sau đây:

- Lực lượng đặc nhiệm 115 được thành lập vào tháng 03/1965, tức là ba tuần sau khi xảy ra vụ Vũng Rô vào ngày 16/02/1965. Lực lượng đặc nhiệm này trực tiếp phụ trách toàn bộ duyên hải Bắc Bộ và miền Trung, theo chương trình tuần duyên, mang mật danh Market Time.

- Lực lượng đặc nhiệm 116 trực tiếp phụ trách duyên hải Nam Bộ và các cửa sông thuộc đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động theo chương trình tuần giang, mang mật danh Game Warden.

- Lực lượng đặc nhiệm 117 là những giang đoàn (Commander, Naval Forces, Vietnam) phối hợp vời lục quân thuộc sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ để đánh phá các khu căn cứ, các kho tàng nhận vũ khí và lương thực từ miền Bắc đưa vào. Riêng Đội đặc nhiệm này có hai căn cứ đóng ở hai địa đầu của Nam Bộ: căn cứ Đồng Tâm thuộc Mỹ Tho và căn cứ Năm Căn thuộc Cà Mau. Lực lượng đặc nhiệm này hoạt động theo chương trình có mật danh Giant Slingshot.

- Lực lượng đặc nhiệm 73 vận chuyển vũ khí và công cụ cho quân đội Mỹ.

- Lực lượng đặc nhiệm 76 phụ trách các cuộc hành lang và đổ bộ, yểm trợ đổ bộ.

- Lực lượng đặc nhiệm 77 phụ trách oanh tạc miền Bắc.

- Lực lượng đặc nhiệm 78 phụ trách đánh phá các căn cứ và các kho tàng ven biển, đồng thời tổ chức các toán biệt kích từ miền Nam xâm nhập ra miền Bắc.

Tất cả các Lực lượng đặc nhiệm này đều có sự hỗ trợ của hơn 30 hàng không không mẫu hạm đóng rải rác ngoài hải phận Việt Nam. Cả hai loại lực lượng hải quân này đều trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam (Naval Forces Vietnam). Bộ Tư lệnh hải quân này trực thuộc MACV, do một Phó Đô đốc có hàm Trung tướng chỉ huy. Tổng số quân của Naval Forces Vietnam năm cao nhất lên tới 36.500 người.

Như vậy, trong thực tế Đoàn 759 đối diện trực tiếp với ba Lực lương đặc nhiệm 115, 116 và 117, gồm hàng trăm tàu chiến, máy bay yểm trợ và thám sát suốt ngày đêm trên dọc bờ biển.

Phía Mỹ đã vạch ra cả một hàng rào ngăn chặn ở ven biển, cũng giống như hàng rào Mcnamara trên đường bộ. Họ tính toán rằng với lực lượng phòng duyên cùng tuần tra dày đặc và hiện đại như vậy, gần như không thể có một chuyến tàu nào từ miền Bắc lọt được vào miền Nam.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #84 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2010, 06:14:39 pm »

Sau khi phát hiện và đánh phá chiếc tàu ở Vũng Rô đầu năm 1965, toàn bộ hải quân Mỹ ở Việt Nam đã giật mình về khả năng vận chuyển Bắc - Nam. Từ đó các đơn vị hải quân Mỹ càng ra sức tăng cường lực lượng, tăng cường tuần tra, theo dõi và đánh phá suốt từ vịnh Bắc Bộ cho tới vịnh Thái Lan (Elmo R. Zumwalt, On Watch, N.Y. Quadrangle, 1976, p.p.40-42. Xem thêm: Robert F. Futrell, The U.S Air Force in Southeast Asia: The Advisory Years to 1965, Washington D.C. 1981, p.266. William Westmoreland. A Soldier Reports. N.Y. Doubleday & Company, 1976, p p 223-225.)

Để phân biệt nhiệm vụ hoạt động của các đội đặc nhiệm kể trên, Mỹ thường dùng mật danh là Lực lượng đặc nhiệm nước xanh (Blue water Navy) tức hoạt động tuần tra trên biển, gồm Lực lượng đặc nhiệm 115, 116 và Lực lượng đặc nhiệm nước đục (Brown water Navy), tức Lực lượng đặc nhiệm 117, hoạt động ở các cửa sông và trong các dòng sông, còn gọi là Hạm đội nhỏ trên sông. (Thomas J. Cutler, Brown water, Black Berets: Coastal and Riverme Warfare in Vietnam. Anapolis, Naval lnstitute Press, 1988, p.p.76-77. Victoria Croissat, The Brown water Navy: The River and Coastal war in Vietnam. Croissat là đại tá, cố vấn đầu tiên của Thuỷ quân lục chiến)
Cùng với hệ thống tuần tiễu ngoài biển và trên các kênh rạch là một hệ thống đồn bốt dày đặc, trên các con sông lớn, ngã ba sông, các ngã tư giữa sông, kênh rạch với đường bộ...

Ngoài những khu vực có đồn bốt, đối với những khu vực có rừng rậm mà quân đội khó vào thì quân đội Mỹ - Sài Gòn sử dụng hệ thống không quân để rải bom (những nơi trọng yếu thì rải thảm bằng B.52), bắn đại bác từ tàu chiến vào. Đặc biệt đối với những nơi được coi là tuyến đường huyết mạch, đối phương đã dùng biện pháp rải chất độc hóa học. Riêng trong hai năm 1965- 1966, rừng tràm Cà Mau đã bị rải chất độc hóa học 22 lần, với 15 triệu lít, chiếm 1/5 số chất độc hóa học mà Mỹ đã sử dụng ở miền Nam Việt Nam.(Đại tá Nguyên Văn Thép, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cả Mau. Lực lượng vũ trang Cà Mau với nhiệm vụ bảo vệ bến bãi, kho tàng... Trích trong Đảm bảo… sđd, )

Biện pháp trực tiếp nhất là tổ chức các đợt hành quân vào các khu rừng bị nghi ngờ là có kho tàng và bến bãi, đặc biệt là khu rừng đước và rừng tràm U Minh. Tháng 10/1962, đối phương tổ chức chiến dịch "Sóng tình thương”, "Phượng hoàng TG1" đánh vào rừng U Minh. Sau đó đến năm 1964 là chiến dịch "Bình tây”, năm 1968 là chiến dịch "Nguyễn Huệ 1 Nguyễn Huệ 2".

Đặc biệt sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, đối phương mở chiến dịch lớn mang tên "Nhổ cỏ U Minh", sử dụng tới cấp sư đoàn, đó là sư đoàn 21 gồm cả hải, lục, không quân và máy bay B52. Trong chiến dịch này, riêng khu vực Năm Căn đối phương đã mở trận càn "Sóng thần", được sự hỗ trợ của Hạm đội nhỏ trên sông của căn cứ hải quân Mỹ tại Năm Căn.

Tại căn cứ này thường xuyên có khoảng 500 quân Mỹ với hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ, có tiểu pháo hạm hoạt động thường xuyên trên tuyến sông Tam Giang, cắt ngang khu vực tổng kho rừng đước với các tỉnh miền Tây.

Như vậy, về sức mạnh của các phương tiện, có một sự lệch pha rất to lớn. Đối diện với những lực lượng như thế không phải là chuyện đơn giản.

Nhưng ngược lại, cũng có một sự lệch pha rất lớn nữa giữa những tính toán của đối phương so với những giải pháp của Đoàn 759 mà hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của đối phương. Như bản đồ 6, 7 và 8, phụ bản cho thấy, hải quân Mỹ cùng không quân dự kiến một phòng tuyến gần như khép kín suốt từ vịnh Bắc Bộ tới vịnh Thái Lan. Bên ngoài là máy bay tuần tiễu. Bên trong là hải quân Việt Nam và Thủy quân lục chiến canh gác các bờ biển, cửa ngõ của các con sông. Tuyến giữa được coi là phòng tuyến do hải quân Mỹ trực tiếp phụ trách.

Đó là tính toán trong các phòng nghiên cứu chiến lược và chiến thuật của quân đội Mỹ. Theo những tính toán đó thì không thể có một con tàu nào lọt lưới. Nhưng Đoàn 759 thì lại tìm những giải pháp hoàn toàn khác mà đối phương hoàn toàn bất ngờ. Đường đi có đoạn gần sát bờ, có đoạn lại vượt ra hải phận quốc tế, đến tận Philippines, Singapore, Malaysia... Chỉ trừ một, hai con tàu bị phát hiện, với tỷ lệ hao hụt 7-8%, còn hầu hết đều đã lọt lưới.

Đại tá Trương Thái Ất, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 125 cho biết, sau ngày giải phóng miền Nam, Lữ đoàn tiếp quản các cơ sở hải quân của đối phương và khai thác những tài liệu còn lại. Qua những tài liệu đó, ông đánh giá rằng phía đối phương, cả quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn hiểu rất lờ mờ và sai lệch về hoạt động của Đoàn 125. Điều đó một lần nữa chứng tỏ rằng phía đối phương rất mạnh về mọi phương diện, nhưng lại yếu về thông tin.

Đây chính là sự lệch pha góp phần dẫn tới chiến thắng của Đoàn 759.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #85 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2010, 12:17:39 pm »

8. Giai đoạn đầu suôn sẻ (1962-1965)

Gọi là suôn sẻ không phải có nghĩa là dễ dàng và tự do mà chỉ có nghiã là chưa xảy ra vụ thất bại nào. Để được như vậy, phải có trăm phương ngàn kế, phải khổ công chịu đựng, phải bền gan, bình tĩnh nhiều khi tới mức lì lợm.

Con đường Hồ Chí Minh trên biển cũng "muôn hình vạn trạng" như con đường Hồ Chí Minh trên bộ. Đoàn 125 đã sáng tạo rất nhiều phương thức khác nhau mà có lẽ cũng khó tìm thấy một tiền lệ trong lịch sử vận tải đường biển của loài người :

Có những Phương tiện thông thường như tàu biển, vận chuyển đột xuất những khối lượng hàng lớn, đi ra ngoài khơi xa, ban đêm tìm cơ hội thuận lợi, đột nhập vào một bến bãi nào đó đã hẹn trước.

Lại có những chiếc thuyền đánh cá với những chiến sĩ đã trút bỏ áo lính để làm ngư dân, với thuyền hai đáy, sử dụng cho những cự ly gần, xuất phát từ những bến phía bắc vĩ tuyến 17, thuộc Quảng Bình, rồi đi gấp trong đêm vào các tỉnh miền Trung.

Cũng có những chặng phải đi 2 hoặc 3 đêm, cứ đến gần sáng những chiếc thuyền "đánh cá" này phải tạm vào bờ lẩn tránh tại những cơ sở cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Trời tối lại lên đường.

Một cơ hội rất tốt nữa là các dịp Tết. Rất nhiều chuyến đi đã bắt đầu từ 30 Tết hay mùng 1 Tết.

Nhưng Tết chỉ là một thời điểm ngắn ngủi trong năm. Phần lớn thời điểm vận chuyển ngoài Tết là thời điểm có gió bão, tàu tuần tiễu của đối phương không đi được, máy bay trinh sát không nhìn thấy. Đó là cơ hội để lên đường.

Tất cả những giải pháp kể trên đều có chung một tính chất là tạo bất ngờ, theo triết lý "vào hang hùm thì không sợ cọp". Nhưng muốn như thế thì vấn đề con người có ý nghĩa quyết định. Những người tham gia, nhất là người chỉ huy phải là những con người không những trung thành, gan dạ, mà phải "có máu lạnh", tức là rất bình tĩnh, không được bối rối hoặc manh động trước mọi nguy cơ.

Kỷ luật, nguyên tắc và lời thề của các chiến sĩ là: "Quyết không để lọt vào tay địch. " Với lời thề đó, nếu gặp tàu tuần tiễu của đối phương thì chỉ có hai cách: một là chiến đấu sống mái với tàu địch, hoặc khi không đủ sức chiến đấu nữa, thì phá tàu thuyền, hy sinh để bảo vệ bí mật.

Tuy nhiên trong ba năm đầu, do còn lợi dụng được yếu tố bất ngờ, mất cảnh giác của đối phương, nên hầu hết các con tàu đi đều trót lọt. Nếu tính từ chuyến đầu tiên của tàu Phương Đông 1, cập bến Vàm Lũng ngày 16/9/1962 đến con tàu số 148 vào bến Vũng Rô ngày 15/02/1965, đã có 87 chuyến tàu ra đi. Trong đó chỉ có một chuyến tàu số 6 đi ngày 10/10/1963 là phải quay về, còn tất cả đều tới đích

Trong thời gian này chỉ có hai sự cố: đó là chuyện "hú vía" xảy ra với tàu 41, nhưng cũng qua được, và cuối cùng là chuyện đáng tiếc, xảy ra với tàu 143 trong "Vụ Vũng Rô", cũng là sự cố kết thúc giai đoạn suôn sẻ này
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #86 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2010, 12:18:40 pm »

Chuyện "gặp cạn" của con tàu 41

Trong ngàn cuộc thi gan với đối phương, có thể kể đến một chuyện tiêu biểu đó là chuyện "gặp cạn" của con tàu số 41, có nhiệm vụ đi mở tuyến đầu tiên vào Bà Rịa. Con tàu này cũng do Lê Văn Một làm thuyền trưởng. Chính ủy là Đặng Văn Thanh.

Đặng Văn Thanh vốn quê ở Phan Thiết, con nhà ngư dân nghèo, từ bé đã quen nghề chài lưới, quen sóng biển, quen địa hình miền Nam Trung Bộ. Suốt trong chín năm kháng chiến, anh ngang dọc khắp ven biển Nam Trung Bộ để vận chuyển vũ khí cho kháng chiến. Sau Hiệp định Genève, anh ở lại nằm vùng.

Đến năm 1961, sau Đồng Khởi, Nam Trung Bộ rất bức bách về vấn đề vũ khí. Khu ủy Khu V giao cho Đặng Văn Thanh đi đường Trường Sơn ra miền Bắc, trực tiếp trao tận tay một báo cáo gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tám tháng trời đi trên đường Trường Sơn mới tới Hà Nội, anh được đưa tới gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo tình hình.

Đại tướng đang sốt ruột muốn nghe anh giải trình về tình hình các bờ biển phía Nam Trung Bộ, ông chỉ vào tấm bản đồ và yêu cầu anh báo cáo. Đến lúc này xảy ra một chuyện bất ngờ: Anh lắp bắp mãi mới lễ phép thưa: Báo cáo Đại tướng, tôi không biết chữ... Đại tướng bình tĩnh đọc từng chữ trên bản đồ và yêu cầu anh giải thích. Việc đó thì anh giải thích được. Sau đó anh được đi an dưỡng và kết hợp học chữ.

Ngày 26/09, tàu 41 chở 35 tấn vũ khí do Đặng Văn Thanh là chính ủy Lê Văn Một là thuyền trưởng rời bến, lên đường. Các anh chọn đúng lúc có bão để đi, hy vọng tránh được hệ thống kiểm soát của đối phương. Mọi gian nan trên đường các anh đều vượt qua. Nhiệm vụ là phải tới được bến Rạch Chanh thuộc Lộc An, Bà Rịa.

Vì gió bão dọc đường, các anh tới điểm hẹn chậm mấy ngày, phía trong ra đón mấy đêm không thấy, đến đêm thứ tư ngủ quên, 2 giờ sáng mới gặp nhau. Ở khu vực này mức thủy triều cao nhất là 3 giờ chiều, mức thấp nhất là 3 giờ sáng. Thuyền cách bến khoảng 200 m thì mắc cạn. Lúc này nước rút rất nhanh. Không có cách nào khác ngoài việc để tàu đó và huy động toàn bộ lực lượng trong bến ra bốc vác vũ khí lên bờ.

Cho tới khi trời hửng sáng, bốc dỡ được khoảng 2/3 số vũ khí, trưởng  bến là Tư Phúc quyết định cho phá hủy tàu để phi tang. Bến này ở ngay dưới chân một ngọn đồi mà trên đỉnh đồi là đồn Phước Hải, theo đường chim bay chỉ cách con tàu 300m. Trong ánh nắng ban mai, ngồi trên tàu thấy rõ những người lính trên đồn đang lau súng...

Chính ủy Đặng Văn Thanh quyết định không phá tàu vì tàu mắc cạn ngay trước đồn địch, có dáng vẻ như tàu đánh cá, lính trên đồn chắc chắn không nghi ngờ, vì không thể tưởng tượng được rằng một chiếc tàu của miền Bắc lại dám đỗ ngay trước cửa đồn. Quả nhiên, mọi hoạt động trên đồn vẫn bình thường trong khi con tàu đứng chơ vơ trên một bãi cát đã cạn.

Đặng Văn Thanh quyết định một mình ở lại, cho tất cả thủy thủ rút lên bờ. Chỉ khi nào tình thế nguy ngập một mình anh có thể cho nổ tàu, còn bây giờ thì cứ bình tĩnh chờ đợi xem sao. Máy trưởng Huỳnh Văn Sao xin ở lại cùng với Chính ủy. Giữa nắng ban mai, hai người giăng lưới ra để vá, cởi trần, uống rượu lúa mới đã bóc hết nhãn. Khoảng 10 giờ, một máy bay trinh sát bay qua, nghiêng cánh để ngó nhìn rồi lại bay thẳng. 

Trước tình hình đó, Trưởng bến lại cử hai người ra yêu cầu cho nổ tàu. Chính ủy Đặng Văn Thanh dứt khoát không nghe. Đồng ý phá tàu nhưng chỉ khi nào đối phương tấn công. Giữa trưa lại có hai chiếc máy bay tuần tiễu lướt qua, lượn vòng, tỏ ý nghi ngờ. Đặng Văn Thanh quyết định tiếp tục ngồi vá lưới và uống rượu. Sau đó họ gài tất cả kíp nổ vào khối thuốc nổ 1 tấn, để sẵn 1 can xăng và phủ vải màn lên đó, bên cạnh là một bao diêm. Khi cần thiết, thì chỉ trong một vài giây là giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Sau này Đặng Văn Thanh kể lại :

"Tôi đoán chúng chỉ nghi ngờ. Nếu tôi mất bình tĩnh, bỏ chạy hay đối phó thì chúng sẽ đánh bom. Đây là lúc thi gan. Tôi nghĩ rằng nếu có bom trúng thì cả tấn bộc phá sẽ nổ, tàu sẽ tan cùng chúng tôi chẳng còn dấu vết gì. Như vậy tức là chúng tôi vẫn thắng."

Nhưng cuối cùng, trước sự bình tĩnh của hai ngư dân đang vá lưới và uống rượu, hai chiếc khu trực đã lẳng lặng bay đi. Trong bến lại cho người mang lệnh của bến trưởng yêu cầu phá tàu ngay. Đặng Văn Thanh quát đuổi hai người đó trở lại. Sự căng thẳng lên mức tột độ vào 1 2 giờ trưa. Sau đó, nước bắt đầu lên. Đến 2 giờ chiều con tàu bắt đầu nổi, máy trường cho nổ máy, con tàu chạy lại bình thường tìm bến

Cũng về chuyện này, thuyền trưởng Lê Văn Một kể lại trong nhật ký:

"Từ sáng cho tới trưa, nhiều lần máy bay lượn qua. Đồng chí Tư Phúc ba lần ra lệnh phá hủy làu. Nhưng hai đồng chí Thanh và Sao ở lại trên tàu vẫn bình tĩnh, sáng suốt, dũng cảm giải quyết. Cùng bình tĩnh thì cả lính trên đồn và máy bay đều càng không nghi ngờ và do đó mọi việc đều yên ổn."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #87 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2010, 12:21:14 pm »

Vụ Vũng Rô và tàu 143

Đây là thất bại đầu tiên và có ý nghĩa như sự chấm dứt một giai đoạn giai đoạn đối phương mất cảnh giác.

Vũng Rô là một vũng nước sâu ở ngay dưới chân Đèo Cả, ranh giới của hai tỉnh Phú Yên và Nha Trang. Đây là một bến có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi. Nước rất sâu, tàu 100 tấn có thể vào dễ dàng. Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã chỉ thị cho địa phương huy động dân công làm hẳn một cầu tàu dài 20 m, có thể tháo lắp nhanh.

Về mức an toàn, thì ngay trên đỉnh Đèo Cả có một đồn quân lính Sài Gòn, tức là có thể triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ. Trong thực tế quả là Đoàn 125 đã lợi dụng được những yếu tố thuận lợi đó. Chỉ trong vòng hơn hai tháng đã chở trót lọt vào bến ba chuyến tàu sắt:

- Tàu 41 đi chuyến đầu ngày 16/11/1964, cập bến ngày 05/12, chở được 43,920 tấn vũ khí.

- Tàu 41 đi tiếp chuyến thứ hai ngày 21/12, cập bến ngày 31/12, chở được 46,729 tấn vũ khí.

- Tàu 41 đi chuyến thứ ba ngày 28/01/1965, cập bến ngày 09/02/1965, chở được 45,951 tấn vũ khí. (Thuyền trưởng tàu Không số đầu tiên trên biển Đông, sđd, tr. 109.)

Thấy tình hình thuận lợi trong khi Nam Trung Bộ đang mở liên tiếp nhiều trận đánh lớn, Đoàn 125 quyết định lợi dụng ngày Tết âm lịch cho chở tiếp một chuyến thứ tư với trọng tải lớn vào Vũng Rô. Đúng ngày mùng 1 Tết năm Ất Tỵ, tức ngày 02/02/1965, tàu sắt số 143, với 18 thủy thủ, Thuyền trưởng là Lê Văn Thêm, Chính ủy là Phan Văn Bảng, chở 63,114 tấn vũ khí, khởi hành. Đến 11 giờ đêm 15/02 tàu vào được đến bến Vũng Rô an toàn. Vì khối lượng hàng quá lớn, bốc dỡ gần hết hàng thì trời đã sáng, neo tàu lại hỏng, phải cho tàu ở lại trong ngày và ngụy trang kỹ bằng cây lá.

Ngày hôm đó có điều không may: với số vũ khí mới được chi viện trong các chuyến trước, Quân Giải phóng Khu V quyết định đánh vận động chiến diệt xe tăng đối phương ngay tại Đèo Nhông, trên đường số 1, cách Vũng Rô không xa. Đây là trận đầu tiên quân đội Nam Trung Bộ có những vũ khí hoàn toàn mới mà đối phương không ngờ: B.40, B.41, súng tiểu liên AK.

Vì bị bất ngờ nên chỉ trong hai ngày 7-8/02/1965, Trung đoàn 2 của Quân khu V đã đánh tan hai tiểu đoàn bộ binh và một chi đoàn thiết giáp M113. Kết quả là đối phương thiệt hại rất nặng: chết hơn 600 người, 10 xe M113 bị diệt. Do hậu quả đó, suốt trong tuần lễ tiếp theo, máy bay tải thương của Mỹ liên tục bay để chở thương binh về Nha Trang. Còn toàn bộ hệ thống an ninh và quân đội của Vùng II chiến thuật được đặt trong tình trạng báo động.

Theo tài liệu lịch sử của Mỹ thì 10 giờ sáng ngày 16/02, một máy bay tải thương UH-1B của Mỹ bay ngang qua Vũng Rô, bỗng phát hiện một "mỏm đá” nhô ra rất khác thường. Đem so với những ảnh thám không mà máy bay của quân đội Mỹ thường chụp hằng ngày các vùng ven biển Nam Trung Bộ, thấy không khớp? Viên phi công J. S. Bowra liền thông báo cho viên Thiếu tá Mỹ P. Rodgers, Cố vấn trưởng của Mỹ tại Vùng II chiến thuật.

Rodgers liền báo ngay cho Thiếu tá, Tư lệnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ là Hồ Văn Kỳ Thoại. Kỳ Thoại lệnh cho một tốp máy bay khu trục A-1 Skyraiders đến kiểm định. Thấy chuyện lạ, các máy bay này bắn tên lửa (tài liệu của Đoàn 125 nói là thả bom xăng) vào chỗ nghi ngờ. Mọi thứ ngụy trang đã cháy trụi và toàn thân con tàu lộ ra. (Edward J. Marolda and G. Wesley Pryce, 111, A Short History of the United States Navy and the Southeasl Asian Conflicl 1950-1975. 1984)

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #88 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2010, 12:21:22 pm »

Binh lính trên đồn Đèo Cả liền tràn xuống. Các thủy thủ cùng với các đội du kích Hòa Hiệp buộc phải chiến đấu, đồng thời cho điểm hỏa để phá tàu. Nhưng vì tàu 143 rất lớn, thuốc nổ chỉ có 500 kg nên khi cho điểm hỏa, tàu không tan xác, mà chỉ xẻ làm đôi. Thủy thủ đoàn cùng quân du kích chiến đấu phá vòng vây rồi rút về Trường Sơn, theo đường 559 trở lại miền Bắc.

Mấy hôm sau, đối phương cho trục vớt xác tàu lên, rồi đưa về Sài Gòn triển lãm, công bố trên báo chí... Theo công bố trên báo chí của chính quyền Sài Gòn và của Mỹ lúc đó, thì họ đã bắt được quả tang một con tàu của Bắc Việt chở 100 tấn vũ khí của Nga Xô và Trung Cộng, gồm từ 3.500 đến 4.000 khẩu súng trường và tiểu liên, khoảng 1 triệu viên đạn các loại, 1.500 quả lựu đạn, 2.000 quả đạn súng cối (mortier), 500 pound thuốc nổ...

Trên tờ Naval Institute Press, Đại tá Mỹ R. Schrosbay nhận định khá đúng sự thật: 

“Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62 mm của địch ở những khu vực ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển."

Vụ Vũng Rô không chỉ là một tổn thất về vật chất, mà cái mất mát lớn hơn là yếu tố bất ngờ, là sự thức tỉnh của đối phương. Nó cũng còn là một cái cớ để đẩy mạnh chiến dịch đánh phá miền Bắc mang tên "Desoto Mission ". Đồng thời, sau đó 20 ngày, ngày 08/03/1965 Mỹ cho những toán quân đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng. Tính chất và quy mô của cuộc chiến tranh Việt Nam đã thay đồi.

Riêng về việc canh phòng bờ biển miền Nam, từ sau sự kiện "Vũng Rô", hải quân Mỹ mở chiến dịch Market Time theo dõi suốt 24/24 giờ mọi ngả trên bờ biền phía Nam. Lực lượng tuần tra dày đặc cả trong và ngoài khơi: hải quân của quân đội Sài Gòn tuần tiễu ven bờ biển từ bờ ra tới 12 hải lý. Hải quân Mỹ thuộc Hạm đội 7 ngăn chặn ngoài khơi từ 12 hải lý đến 40 hải lý. Lực lượng đặc nhiệm 115 gồm 7 khu trục hạm hộ vệ, 2 tàu vét mìn, 2 tàu vận tải cỡ lớn, 5 máy bay trinh sát cơ động ứng phó ở bất cứ địa điểm nào phát hiện có vấn đề. Hải quân Mỹ đưa vào chiến dịch này 54 tàu tuần tiễu hiện đại. 

Đến tháng 09/1965, Phó Đô đốc Hạm đội 7 của Mỹ là P. Paul cùng tướng Westmoreland tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, trong đó khẳng định rằng Bắc Việt đã viện trợ vũ khí ồ ạt cho Việt cộng, nên phía Mỹ và Liên quân phải có biện pháp khẩn cấp để đối phó. Ngay sau đó Mỹ quyết định tăng thêm 5 tàu tuần tiễu ngoài khơi, 30 tàu tuần tiễu trên sông, 9 tàu tuần tiễu ven bờ. Những máy bay thuộc Hạm đội 7 phụ trách việc cảnh giới ngoài khơi bằng hệ thống phát hiện điện từ suốt ngày đêm và suốt từ vĩ tuyến 17 đến vịnh Thái Lan. Các căn cứ không quân ở vịnh Cam Ranh và Vũng Tàu chịu trách nhiệm giám sát tất cả các cửa sông thuộc Nam Bộ và Nam Trung Bộ. (Edward J. Marolda and G. Wesley Pryce, 111, A Short History of the United States navy and the Southeast Asian Conflict 1950-1975. 1984)

Hệ thống giám sát dày đặc đến như thế, nhưng Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn là Đỗ Hữu Chí vẫn hoài nghi và đặt câu hỏi :

"Chiến hạm của Mỹ nhập cuộc rất đông, xem như vây kín duyên hải miền Nam Cộng hòa. Thế nhưng, cộng sản Bắc Việt có chịu chùn bước xâm nhập không?"

Sự nghi vấn đó có lý. Vì quả là mọi việc vẫn không dừng lại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #89 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2010, 12:22:38 pm »

9. Giai đoạn "lừa miếng” - đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn (1965-1968)

Ngay sau khi được tin xảy ra vụ Vũng Rô, Đại tá Phan Hàm, Cục phó Cục Tác chiến đã báo cáo gấp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng chỉ thị ngừng ngay việc vận chuyển đường biển, rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn. Lãnh đạo Đoàn 125 đã họp khẩn cấp để kiểm điểm và tự đánh giá những thiếu sót: 

- Nắm tình hình địch không vững.

- Sau 3 chuyến thắng lợi đã nảy sinh tư tưởng chủ quan.

- Ngụy trang chưa tốt.

Từ những nhận xét kể trên, lãnh đạo Đoàn 125 chủ trương chấp hành lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh, tạm ngừng các hoạt động trên biển để nghiên cứu lại, tìm những giải pháp mới.

Trước hết, cơ quan tham mưu của Đoàn đã nhanh chóng triển khai việc nắm tình hình đối phương, những diễn biến mới, những biện pháp mới ở cả ven bờ và ngoài khơi. Trên cơ sở đó, xác định những con đường đi mới, tiếp tục đảm bảo bí mật, bất ngờ.

Sau đó, cơ quan tham mưu đề xuất một phương thức vận chuyển mới là đi rất xa bờ, xác định vị trí tàu bằng phương pháp hàng hải thiên văn. Để thực hiện phương án này, đoàn phải mở các lớp bổ túc về ngành hàng hải thiên văn cho các thuyền trưởng. Với phương pháp "thiên văn", có tàu phải đi sang tận Trung Quốc để đánh lạc hướng đối phương. Nhiều khi còn phải đi vòng ra hải phận quốc tế, có tàu còn phải vòng ra phía Ma Cao, sang sát Philippines, xuống Indonesia, có khi còn sang tới đảo Palawan, qua Singapore, Malacca, sang vịnh Thái Lan... đợi ban đêm đối phương mất cảnh giác đột ngột lao nhanh vào bờ...

Cùng với việc thay đổi phương thức đi, phải nghiên cứu lại hình dáng và cấu trúc con tàu. Đi theo phương thức hàng hải thiên văn không thể dùng những con tàu quá lớn. Đoàn 125 thiết kế loại tàu nhỏ có tốc độ cao, trọng tải khoảng 15 tấn, tối đa là 30 tấn. Tuy nhiên từ đây đối phương đã canh phòng quá chặt, các con tàu của Đoàn dù đã đổi phương thức hoạt động vẫn rất khó "lọt lưới", vì hầu như mọi "thủ thuật" đều bị đối phương tính trước và đề phòng, do đó phải mất rất nhiều thời gian để "lừa miếng" đối phương mới có thể lọt lưới.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM