Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:47:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 133182 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 09:11:47 am »

Một cán bộ chuyên quản công trình B.12 là ông Nguyễn Xuân Vượng kể:

"Công trình xăng dầu cung cấp cho tiền tuyến được lấy mật danh là Công trình thủy lợi B.12. Tuyến ống bắt đầu từ Quảng Ninh (cảng B.12) và Lạng Sơn, qua các tỉnh Hà Bắc, Hải Hưng, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Nguyên đến tận miền Nam.

Trực tiếp cấp phát vốn xây dựng tuyến xăng dầu B.12 là Phòng cấp phát B.12 đặt tại Hội sở Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam ở Hà Nội. Phòng do ông Thơ làm Trưởng phòng, các ông Tú, ông Hòa làm Phó Trưởng phòng và hai nhân viên. Các chi nhánh Quảng Ninh, Lạng Sơn... trực tiếp quản lý các xí nghiệp xây lắp nhận thầu thi công tuyến ống và phối hợp với Phòng cấp phát B.12 ở Trung ương trong việc giám sát chất lượng, tiến độ, khối lượng, nghiệm thu." (Ông Nguyễn Xuân Vượng kể với tác giả tại trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.)

Đến mùa xuân năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, vấn đề đặt ra là phải triển khai gấp lực lượng ở phía Nam để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Đường ống xăng dầu từ cả Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn đã được kéo dài và gặp nhau tại ngã ba biên giới ở Plây Khốc. Từ đó đường ống được lắp đặt qua những đỉnh núi cao hàng nghìn mét, vượt qua A Lưới, qua Đá Bàn, tới Bù Lạt, thuộc Tây Thừa Thiên rồi đi vào Bến Giàng, Tây Quảng Nam, vào đến tận Khâm Đức. Đến Kontum đường ống đi tiếp vào tới Đông Nam Bộ, mà trạm cuối cùng là trạm Bù Gia Mập.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn kể:

"Từ đây nhiên liệu đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân và binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch." (Đồng Sĩ Nguyên. Đường Hồ Chí Minh - Một sáng lạo chiến lược của Đảng ta. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1999, sđd, tr.55.)

Đến lúc này, toàn bộ hệ thống vận tải đã có 16.455 xe cơ giới hoạt động. Do đó nhu cầu về nhiên liệu rất lớn, không thể tổ chức cung ứng theo hệ thống cũ. Đoàn 559 đã tổ chức cả một hệ thống các kho trạm cung ứng xăng, đặt mật hiệu là "Ô". Có hàng chục "Ô" được đặt rải rác trên hệ thống đường Hồ Chí Minh. Có 4 trung đoàn chuyên trách hệ thống ống và kho xăng dầu cung cấp cho các tuyến đường. Tổng số hệ thống kho là 50 kho dã chiến liên hoàn, có trữ lượng 27.050 m3 nhiên liệu, với 114 trạm bơm đẩy với công suất bơm 600-800 m3/ngày. (Con số của Đại tá Mai Trọng Phước, Cục trưởng Cục Xăng dầu, trong “Hồi ký Trường Sơn" . sđd, tr.333.)

Hệ thống đó được phân làm 4 phân đoạn :

1/ Trung đoàn 671 tuyến phía Đông đảm nhận tiếp dầu diesel tại Đông Hà, gọi là Ô 22, vận hành qua các trạm A Sầu, A Lưới, bơm tiếp vào trạm Ô 14. Trung đoàn này cũng có trách nhiệm tiếp nhận xăng dầu  từ Bến Quang, đi qua Ô 11, Ô 15, Ô 16 cho tới Ô 19 của Khâm Đức thuộc Kontum. Trung đoàn có 10 kho dự trữ với trữ lượng 6.800 m3, gồm 36 trạm bơm và cấp phát.

2/ Trung đoàn 592 thuộc tuyến phía Tây Trường Sơn tiếp nhận xăng dầu tại Ô 1 thuộc Quảng Bình, vận hành lên Bản Đông thuộc đường 9, Nam Lào, gọi là Ô 2, đi tới sát vùng 3 biên giới Đông Dương. Trung đoàn này có 13 kho với trữ lượng 6.900 m3, có 28 trạm bơm và cấp phát.

3/ Trung đoàn 532 tiếp nhận xăng từ Plây Khốc, Ô 10, đẩy theo đường ống tới Dakrông, vào tới Pô Cô. Trung đoàn này có 12 kho, trữ lượng 7.600 m3, Có 26 trạm bơm và cấp phát.

4/ Trung đoàn 537 tiếp nhận xăng từ Bắc Pô Cô, Ô 23 đẩy xăng vào Chưprông, Dakdam, Đức Lệ, vào tới Bù Gia Mập, tức là tới tận miền Đông Nam Bộ, gọi là Ô 30. Trung đoàn này có 11 kho, trữ lượng 5.750 m3, có 23 trạm bơm và cấp phát.

Với hệ thống phân bổ các trạm cấp phát và hệ thống đường ống liên hoàn như trên, Đoàn 559 đã đảm bảo cấp phát xăng cho 1 tiểu đoàn ô tô chỉ trong 1 giờ 30 phút. Trung bình mỗi ngày mỗi binh trạm trên hệ thống ống này đã cấp phát nhiên liệu cho 800 xe. Trên toàn tuyến, mỗi ngày cấp phát cho 15.800 xe, không còn có tình trạng ùn tắc xe, chờ đợi nguyên liệu...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 09:13:18 am »

3. Kết quả

Tính đến mùa xuân năm 1975, trải qua 7 năm xây dựng và phát triển, hệ thống đường ống xăng dầu đã có tổng chiều dài của ống dẫn là hơn 5.000 km, bắt đầu từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển của miền Bắc kéo dài qua miền Trung đến tận Nam Bộ. Nhiều đoạn có tới 4 đường ống chạy song song, đảm bảo có thể cùng một lúc chuyển nhiều loại xăng dầu (xem bản đồ 4, 5, phụ bản).

Hầu hết các ống thép dẫn xăng dầu đều do các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam, trong đó: Liên Xô 56 bộ, Trung Quốc 11 bộ, các nước khác 45 bộ (tất cả đều là ống thép dã chiến phi 100 mm). Nếu chỉ xét về chiều dài, thì có lẽ đây là hệ thống đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới.

(Cho đến nay, có mấy hệ thống dẫn dầu được coi là dài nhất thế giới là: Canada - Mỹ, từ giàn dầu Alberta (Canada) đến thành phổ Buffalo (Mỹ) dài 2.850 km; Transiberien của Nga đi từ Tnimaji đến Irkoutsk dài 3.700 km. Hệ thống Trans - African Pipeline đi từ Arab Saudi tới Cameroun dài 3.560 km. Hệ thống Alaska đi từ vịnh Prudnoe đến cảng Valdeg dài 1.280 km.

Về chiều dài của Hệ thống ống xăng dầu trên Đường Hồ Chí Minh có nhiều con số khác nhau. Nếu tính từ điểm xuất phát của cả 2 nhánh Đông và Tây Trường Sơn tại Bến Quang (Quảng Bình) vào tới Bù Gia Mập, thì tổng chiều dài là 1.445 km. Nếu tính cả hệ thống ống dẫn từ các ngả Lạng Sơn, Móng Cái vào Nhân Mục rồi từ đây vào Quảng Bình, với nhiều nhánh hợp lưu, nhiều nhánh phân chia, nhiều đoạn song song, nhiều đoạn nối ngang... thì tổng số chiều dài của đường ống lên tới trên 5.000 km.)

Trên toàn bộ hệ thống này, đã có tới 114 trạm bơm đẩy, có hơn 100 kho xăng dầu, có sức chứa trên 300.000 m3. Bộ đội xăng dầu đã phát triển thành 9 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn công trình, 1 trung đoàn thông tin, 2 nhà máy cơ khí, 3 tiểu đoàn xe vận tải. Sự nghiệp này cũng là một huyền thoại. Nó góp phần quyết định cho sự nghiệp vận chuyển chi viện cho miền Nam . (Mai Trọng Phước. Tuyến đường ống xăng dầu... Trong Đường Hồ Chí Minh một sáng tạo chiến lược, sđd, tr.333.)

Theo Tổng kết Chiến tranh Cách mạng Việt Nam 1945- 1975 thì trong 7 năm 1968-1975, đã chi viện cho miền Nam 5,5 triệu m3 xăng dầu.
(Chiến tranh Cách mạng Việt Nam, sđd, tr.571. Ông Nguyễn Kỳ Phong đã lưu ý thấy sự khác biệt quá lớn giữa con số này với con số của Nguyễn Việt Phương trong Dường Hồ Chí Minh huyền thoại, sđd, tập 2, tr.29S là 118.332 tấn trong 10 năm.

Ngay trong cuốn Chiến tranh Cách mạng Việt Nam, tr.601 thống kê tổng số trọng lượng viện trợ về lương thực thực phẩm, quân trang, xăng dầu... của các nước cho Việt Nam chỉ là 1.101.346 tấn.  Vậy theo Nguyễn Kỳ Phong thì con số 5,5 triệu m3 ở tr.571 là vô nghĩa" (NKP, trong Dòng sử Việt, sđd. tr.23).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 09:13:26 am »

Tác giả chưa thể kiểm chứng con số này. Nhưng xin lưu ý mấy khía cạnh:

1. Trong thời kỳ chiến tranh, mức viện trợ xăng dầu của Liên Xô và Trung Quốc cho Việt Nam là vào khoảng gần 2 triệu tấn/năm, lương thực khoảng 0,5 triệu tấn/năm. Vậy con số 1,1 triệu tấn viện trợ các loại trừ vũ khí trong suốt 20 năm có lẽ là không hợp lý.

2. Riêng về xăng dầu thì ngoài các nước XHCN, Việt Nam còn được viện trợ vay nợ của nhiều nước khác: Algerie, lndonesia, lraq...

Do đó, theo các chuyên gia kỳ cựu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, nơi trực tiếp cấp vốn cho hệ thống đường ống xăng dầu này, thì con số trên 5 triệu tấn cho miền Nam là gần sát (tác giả trực tiếp hỏi chuyện các ông Nguyễn Văn Doãn, Trinh Ngọc Hồ, nguyên Tổng Giám đốc, bà Vân Anh, nguyên Kế toán trưởng của ngân hàng này thời chiến tranh).)

Ngày 17/02/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện khen ngợi bộ đội xăng dầu:

"Sau một thời gian lao động khẩn trương, vượt qua nhiều khó khăn trong công tác, các đồng chí đã hoàn thành thắng lợi việc xây dựng một tuyến xăng dầu rất dài từ hậu phương ra tiền tuyến. Thành tích đó có ý nghĩa to lớn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ chiến đấu của quân và dân ta trên khắp chiến trường.

Thường vụ Quân ủy Trung ương rất vui mừng và khen ngợi công lao đó của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên ngành xăng dầu quân đội”.

Sự khâm phục của Thủ tướng Chu Ân Lai được Đại tá Phan Tử Quang kể lại: Trong thời kỳ chiến tranh, một lần tôi được làm việc với Thủ tướng Chu Ân Lai, ông nói:

“Tôi không ngờ là Việt Nam lại làm được đường ống xăng dầu dài đến 5.000 km” và ông đã cử một phái đoàn gần 20 kỹ sư và tiến sĩ về đường ống xăng dầu đi tham quan từ Hà Nội theo đường ống đến Mụ Giạ.”

Còn phía Mỹ? Người viết đã trực tiếp hỏi một chuyên gia về lịch sử chiến tranh Việt - Mỹ là ông Nguyễn Kỳ Phong ở Washington xem phía Mỹ đã biết gì về những hệ thống đường ống dẫn dầu trên đường Hồ Chí Minh, và được ông trả lời :

"Mỹ biết rõ hệ thống đường ống và những tiến trình xây dựng con đường đó. Tuy nhiên, Mỹ quan sát hệ thống đó một cách gián tiếp bằng nhiều cách:

1/ Cho những đơn biệt kích theo dõi các đoàn xe di chuyển trên các con đường và đã gián tiếp thấy những hoạt động xây cất những ống dẫn dầu này. Nhưng quân lệnh không cho phép các toán biệt kích này đánh phá. Phần lớn họ chi có nhiệm vụ đếm bao nhiêu chuyến xe lên  xuống, nghe lén đường điện thoại của các binh trạm, thẩm định lại các tọa độ quan trọng (tọa độ của những sensor, tọa độ của những kho chứa hàng và binh trạm). Vì vậy, họ chỉ báo cáo lại cho cấp trên về hệ thống đường ống mà không hành động gì.

2/ Còn kế hoạch đánh phá đường ống thì nằm trong kế hoạch chung nhằm ngăn chặn ở các tuyến xâm nhập để ít tốn kém hơn về bom đạn.”
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:05:18 pm »

Chương 3
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN

Như trên đã nói, ngay trong thời kháng chiến chống Pháp, đã có nhiều chuyến tàu và thuyền buồm chuyên chở vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam, từ miền Trung vào miền Nam, từ Thái Lan về Nam Bộ. Từ khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng từ năm 1959, một đơn vị đặc nhiệm nữa được giao nhiệm vụ mở một con đường trên biển để tiếp tế cho miền Nam.

Đơn vị được giao nhiệm vụ này thuộc Tổng cục Hậu cần, thành lập vào tháng 07/1959. Do đó, đơn vị này có biệt danh là Đoàn 759. Ban đầu chỉ là một đơn vị nhỏ cỡ tiểu đoàn - Tiểu đoàn 603, do Thượng úy Lưu Đức chỉ huy. Tiểu đoàn này đặt tại cửa sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, được tổ chức dưới hình thức "Tập đoàn đánh cá sông Gianh".

(Theo Đại tướng Lê Đức Anh kể lại thì ý tưởng tổ chức vận tải đường biển chi viện cho miền Nam đã có từ trước năm 1959. Đó là vào khoảng cuối năm 1957, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã trao đổi với Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất Trung ương về việc sử dụng đường biển để bí mật vận chuyển cán bộ và vũ khí chi viện cho miền Nam. Sau đó, ông Phạm Hùng đã giới thiệu với Đại tướng Văn Tiến Dũng một người thành thạo về việc đóng tàu tên là Ngô Năm, trước đây là công nhân kỹ thuật ở xưởng đóng tàu Ba Son, có khả năng thiết kế, sửa chữa các tàu đi biển. Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tuyển Ngô Năm vào trong quân đội và giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát tổ chức việc đóng tàu (Bộ Tư lệnh quân khu IX Bảo đảm giao thông vận tải... Trích trong Bảo đảm..., sđd. Tr 31-32).)

Tập đoàn đánh cá này không dùng tàu thuyền của vùng sông Gianh, mà lại bí mật ra tận Nghệ An đặt làm những loại thuyền gỗ hai đáy, theo mẫu mã do một cán bộ của Ban Thống nhất Trung ương đưa, khác hẳn các thuyền ngoài Bắc.

Nơi được giao đóng 10 con thuyền đầu tiên vào cuối năm 1959 là làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đến nay, hai trong số những người tham gia đóng những con tàu đó là các ông Võ Văn Nhậm và Phan Anh Phúc vẫn còn sống. Ông Nhậm kể lại:

"Hồi đó có ai nói đến tàu không số với đường Hồ Chí Minh trên biển đâu. Bí mật mà! Chúng tôi chỉ được thông báo là đóng tàu đánh cá, tàu được đóng hai đáy để cất vật dụng tránh cướp biển. Nói thế chứ chúng tôi đều biết, mình đang làm nhiệm vụ đặc biệt. Anh em thì thầm với nhau, tàu phục vụ miền Nam đấy." (Theo báo Lao động. số 99. ngày 03/05/2007.)

Đến ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ do Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký, về việc thành lập Đoàn 759 trực thuộc Bộ Quốc phòng, cử Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng, Võ Huy Phúc làm Chính ủy. Thượng tá Võ Bẩm được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Đoàn 759, vì chính ông cũng là người đã từng đi biển vận chuyển vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và ông cũng là người đưa ra kiến nghị với Bộ Quốc phòng tổ chức lại tuyến đường này.

Lúc mới thành lập, Đoàn 759 chỉ có 38 cán bộ, trong đó có 20 người vừa từ chiến trường Nam Bộ ra. 

Tháng 08/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân và đến ngày 29 tháng 1 năm 1964 thì đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Lữ đoàn 125 Hải quân, do Tư lệnh và Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân trực tiếp chỉ đạo.

Sau đó ít lâu Lữ đoàn 125 Hải quân chuyển trụ sở từ số 83 Lý Nam Đế Hà Nội xuống số 106 đường Hồng Bàng, Hải Phòng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:06:22 pm »

Cuộc thử thách đầu tiên là vào Tết âm lịch năm 1960, tức ngày 27 tháng Giêng năm đó. Chiếc tàu đầu tiên xuất phát chở theo 5 tấn súng và đạn 500 kg vải, 400 kg nylon đi mưa, một số lớn thuốc men, đặc biệt là thuốc chống sốt rét. 

Một bức điện đã được đánh đi từ Trung ương:

"Gửi Tỉnh ủy Quảng Nam,

Trung ương gửi cho các đồng chí Quảng Nam một số súng bằng đường biển. Thuyền sẽ vào bến Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân. Hãy cử người đón từ đêm mùng 1 Tết âm lịch. Nhận được, báo cáo..." (Nguyên Ngọc. Có một con đường mòn trên biển Đông. Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2000, tr. 22.)

Người đi đón là Trưởng ban Quân sự Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Chơn. Chờ đợi cả tháng trời không thấy tàu đến. Con tàu đó đã bị địch bắt ngay khi mới tới chân đèo Hải Vân. Toàn bộ số hàng mang theo phải thả xuống biển để phi tang. Năm người đi trên tàu đều bị bắt, bốn người hy sinh, một người bị đày ra Côn Đảo và bị địch tra tấn nhiều năm nhưng không khai báo, mãi đến 1974 sau Hiệp định Paris mới được trả về...

Rút kinh nghiệm chuyến tàu đầu tiên thất bại, Đoàn 759 phải tính toán một hình thức tổ chức chặt chẽ và thông minh hơn. Để thực hiện được vận tải trên biển:

1/ Phải thăm dò đường đi nước bước, phải tổ chức những chuyến đi trinh sát để biết quy luật hoạt động của đối phương, phải chọn những tuyến đường và những thời điểm tốt nhất...

2/ Phải có những loại tàu vận tải thích hợp, vừa giống thuyền đánh cá của từng vùng, vừa che giấu được vũ khí, vừa phải có những thiết bị cần thiết để tự vệ, vừa có cách để thủ tiêu tàu nếu cần.   

3/ Phải tổ chức thủy thủ đoàn giàu kinh nghiệm, hiểu địa phương, hiểu luật đi biển, những thủy thủ đó vừa rất can trường, vừa tuyệt đối trung thành, như một đội quân cảm tử.

4/ Quan trọng nhất là tổ chức các bến bãi tiếp nhận. Chuẩn bị tốt việc tiếp đón và bốc dỡ nhanh để tàu kịp ra khơi.

1. Thăm dò và xác định phương án

Đầu năm 1961, Quân ủy Trung ương quyết định phải dùng những cán bộ và chiến sĩ vốn là dân sở tại mới thông thạo đường đi nước bước và mới tránh được hệ thống tuần tra của đối phương. Quân ủy Trung ương điện vào các tỉnh ven biển phía Nam yêu cầu mỗi tỉnh cử một thuyền ra Bắc.

Nội dung bức điện mật gửi từ Trung ương:

"Gửi Trung ương Cục và tất cả các tỉnh ven biển miền Nam, các tỉnh tổ chức bí mật cho thuyền vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễn trên mặt biển. Rồi trực tiếp dẫn tàu vào ..." 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:07:04 pm »

Bí thư Khu ủy miền Tây, Nguyễn Thành Thơ nhớ lại:

"Tôi nhớ đầu năm 1961 có điện từ Trung ương vào. Chỉ được nhận chứ không được đánh đi, nội dung bức điện là báo Thường vụ Khu ủy chúng tôi phải tổ chức cho người đi đường biển ra Hải Phòng, ngoài đó sẽ đón để bàn việc đưa vũ khí đi vô. Chúng tôi thấy việc này quan trọng vô cùng, nên bàn kế hoạch để ba tỉnh ủy chọn ba đồng chí trung kiên đi biển giỏi. Vĩnh Bình giới thiệu đồng chí Nguyễn Thanh Lồng, Bạc Liêu giới thiệu đồng chí Bông Văn Dĩa; Rạch Giá giới thiệu ông Tư Mau. Chúng tôi làm việc với từng đồng chí giải quyết yêu cầu để lên đường”. (Bông Văn Dĩa chính là người mà ngay từ năm 1947 đã điều khiển thuyền buồm đi Thái Lan để mua vũ khí rồi chở về cho Nam Bộ.)

Vào khoảng giữa năm 1961, những "con cá kình" của sông biển Nam Bộ đã mở đường đột phá ra Bắc:

- Hai con tàu của Bến Tre do Đặng Bá Tiên và Lê Công Cẩn lên đường. Ngày 09/06 năm đó, một chiếc đã cập vào Hà Tĩnh, ngày 28/08 một chiếc đã cập vào Thanh Hóa.

- Tàu của Cà Mau do Bông Văn Dĩa phụ trách xuất phát từ Cà Mau, đến ngày 07/08 đã vào cửa sông Nhật Lệ.

- Tàu của Trà Vinh do Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Lồng và Thuyền trưởng Hồ Văn In dẫn đầu, bị dạt sang Ma Cao, cuối cùng được đưa về Quảng Châu và theo đường bộ về Hà Nội.

- Tàu của Bà Rịa do Nguyễn Văn Phe dẫn đầu, dạt sang Hải Nam và đến giữa năm 1962 mới về tới miền Bắc...

Những chuyến đi mở đường kể trên đã giúp cho bản thân các thủy thủ hiểu được tình hình trên biển, quan trọng hơn nữa là giúp cho Trung ương kiểm nghiệm được các tình huống để tìm ra giải pháp. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã trực tiếp gặp các đoàn thủy thủ và trao đổi để nắm bắt tình hình. Các tướng Nguyễn Văn Vịnh, Trần Văn Trà đã cùng các đoàn bàn định kế hoạch cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành thì giờ tiếp các thủy thủ và căn dặn: "Mỹ có thể đưa quân vào, phải chuẩn bị lâu dài để đánh thắng quân đội có trang bị hiện đại của Mỹ nữa..." (Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001. tr.28-30.)

Sau khi trao đổi kỹ với các đoàn, Quân ủy Trung ương quyết định: Về phương tiện, miền Bắc sẽ đóng tàu để đảm bảo về mặt kỹ thuật đi biển, đảm bảo ngụy trang tối đa để tránh sự kiểm soát của địch. Đội hình do Đoàn 759 phụ trách. Điều quan trọng là thăm dò bến bãi và cách thức đưa vũ khí lên bờ. Quân ủy Trung ương quyết định cử một tàu trở lại miền Nam, do Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa phụ trách để thẩm định một trong ba phương án sau đây:

1/ Lấy các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Nam Du, Hòn Ông, Hòn Bà làm căn cứ để xây dựng hầm cất giấu vũ khí. Tàu từ ngoài Bắc đưa "hàng" về đó rồi các tàu thuyền trong đất liền ra chở dần về.

2/ Chọn một số điểm thuộc khu vực Hòn Chuối hay các cửa sông để thả hàng xuống biển. Sau đó sẽ dùng thuyền đánh cá để vớt hàng lên đưa vào bờ.

3/ Nếu hai phương án trên không thuận lợi thì chọn phương án dự phòng: Tìm một số cửa sông thuộc khu vực Cà Mau để đưa thẳng hàng vào.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:08:02 pm »

Tháng 04/1962, Bông Văn Dĩa trở vào Nhật Lệ và sử dụng chính chiếc tàu mà năm trước anh đã đi ra để trở vào Nam. Trong chuyến trở về Nam lần này, thuyền chưa mang vũ khí. Riêng Bông Văn Dĩa đã mang về một khẩu súng ngắn do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng anh trước lúc khởi hành. Sau 10 ngày; ngày 18/04, anh đã vào cửa Bồ Đề thuộc Cà Mau. Tới nơi, Bông Văn Dĩa báo cáo với Khu ủy để tổ chức thăm dò ba phương án kể trên.

"Sau khi nghe báo cáo tình hình và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy Khu IX quyết định thành lập một đơn vị chuyên trách "chỉ đạo công tác vận tải chiến lược đường biển”, lấy phiên hiệu là HN75. HN75 có nhiệm vụ khảo sát toàn bộ vùng biển khu vực Cà Mau, xác định bến bãi tiếp nhận hàng, báo cáo kết quả cho Khu ủy."

Qua thăm dò thì thấy phương án 1 và 2 không thể thực hiện được. Vì tàu tuẫn tiễu của đối phương dày đặc, nếu đưa vũ khí lên đảo rồi mới đưa vào đất liền thì thời gian có mặt ở ven biển dài hơn và xác suất chạm trán với địch rất cao. Vì lẽ đó, HN75 đề nghị cho chọn phương án 3. Lý do là: có thể lợi dụng thời cơ tàu phóng thẳng vào bến bãi trên đất liền, rút ngắn thời gian bị địch phát hiện, sau đó lại dễ cất giấu cả tàu thuyền lẫn vũ khí.

“Theo đề xuất của Tổ trinh sát HN75, Khu ủy đồng ý chọn các điểm ven biển Cà Mau làm bến tiếp nhận, với điều kiện phải di dân ra khỏi các cửa sông, rạch từ biển vào 5 đến 10 km, ổn định vành đai bên ngoài căn cứ. Lấy sông Vàm Lũng và Kiến Vàng làm 2 bến tiếp nhận chính. Sông Rạch Gốc, sông Bồ Đề cùng với rạch Cái Bần và Rạch Già làm bến dự bị."

Tháng 07/1962. Trung ương có lệnh gọi Bông Văn Dĩa trở ra để báo cáo.

Để đề phòng rủi ro, Khu ủy Khu IX đã cử 2 tàu ra Bắc để báo cáo, đề phòng có tàu bị trục trặc ngang đường. Quả nhiên, chiếc tàu do Phan Văn Nhờ, tức Tư Mau phụ trách, xuất phát ngày 24/07/1962 ra đến Đà Nẵng ngày 30/07 thì bị địch bắt giữ. Chiếc tàu thứ hai do Bông Văn Dĩa phụ trách đi sau (ngày 26/07/1962) thì đã thoát, cập bờ biển Nam Định ngày 1 tháng 8 và ngay sau đó được đưa lên Hà Nội. Ngày 2/08 anh làm việc với lãnh đạo Quân ủy Trung ương và trực tiếp trao đổi với Tổng Bí thư Lê Duẩn

Phương án đưa tàu vào cửa sông đã được lựa chọn. Về tàu, sẽ dùng tàu do xưởng đóng tàu Hải Phòng đặc chế cho công việc này. Tàu sẽ vào các cửa sông Nam Bộ và tổ chức bến bãi ở đó để tiếp nhận vũ khí. Quân ủy Trung ương và đích thân Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lựa chọn Bông Văn Dĩa phụ trách chiếc tàu đầu tiên chở vũ khí vào Nam. Tổng Bí thư nói:

"Sẽ giao cho đồng chí dẫn đường đi chuyến đầu tiên. Đồng chí sang Bộ Tổng Tham mưu kết hợp kẻ đường cho con tàu sẽ vào Cà Mau.”
Chiếc tàu đầu tiên này mang tên "Phương Đông 1", do Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, Lê Văn Một làm Thuyền trưởng và 10 thủy thủ

Lê Văn Một là ai? Ở trên đã nói về Bông Văn Dĩa, một thuyền trưởng tài ba đầy kinh nghiệm. Vậy tại sao chuyến đi đầu tiên quan trọng nhất này, thuyền trưởng lại là Lê Văn Một? 

Thực ra Bông Văn Dĩa và Lê Văn Một đã từng là một cặp bài trùng khăng khít, tuyệt vời từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1946 - 1947 hai người đã từng "cùng hội cùng thuyền" trong việc vận chuyển vũ khí bí mật từ Thái Lan về Nam Bộ trong đơn vị Bộ đội hải ngoại Cửu Long nổi tiếng thời đó. Sự phân công giữa hai người ngay từ thời đó đã là: Lê Văn Một - Thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa - Chính trị viên.

Nhưng xuất thân của hai người thì rất khác nhau. Bông Văn Dĩa xuất thân từ một gia đình nông dân, chuyên về sông biển, chài lưới. Còn Lê Văn Một thì xuất thân từ một gia đình quyền quý, dân Tây (vào làng Tây). Cha của Lê Văn Một chính là ông Lê Văn Giỏi, Đốc học của tỉnh Mỹ Tho. Vào làng Tây, lại làm đốc học, hẳn là giàu có: Có một biệt thự sang trọng ở tỉnh Mỹ Tho.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:08:35 pm »

Lê Văn Một mang tên Tây là Abel Rene và theo học trường Tây. Đến tuổi vị thành niên, anh theo học trường Thủy quân của Pháp. Khi tốt nghiệp anh được biên chế trong đội lính thủy Pháp trên chiếc tuần dương hạm lớn nhất của Pháp ở Đông Dương thời đó là chiếc Lamottet Picquet.

Nhưng con đường của Abel Rene cũng giống như con đường của biết bao trí thức, điền chủ và quan chức ở Nam Bộ: Do Pháp đào tạo, làm cho Pháp, hưởng bao nhiêu bổng lộc của Pháp, nhưng không chịu được ách thống trị Pháp. Đi trên chiếc tuần dương hạm khắp đó đây, Abel Rene vẫn chưa tìm được đường đi cho đời mình. Khi cách mạng bừng nổ, anh đã thấy con đường đó: Anh cùng bạn bè trên chiếm hạm quyết định đánh chìm con tàu rồi đi theo kháng chiến.

Tìm đến kháng chiến, anh gặp nhà lão thành cách mạng Dương Quang Đông, người đang tổ chức những chuyến đi biển phía Tây để tiếp tế cho cách mạng. Anh gặp Bông Văn Dĩa trong công việc này và hai người bắt đầu gắn bó với nhau trên con tàu Chiến Thắng, mà anh là Thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa là Chính trị viên. Sang Thái Lan, anh gặp một gia đình người Thái rất có cảm tình với cách mạng Việt Nam, không những đã nuôi nấng anh mà còn dùng nhà mình làm cơ sở như một trạm trung chuyển để đưa vũ khí từ đó về miền Nam.

Tình cảm đối với một nước Việt Nam đang vùng lên chiến đấu cho độc lập tự do, lại do phong cách của Lê Văn Một, một thủy thủ có học vấn, nghĩa khí... đã đưa gia đình người Thái tới một quyết định: gả con gái cho Lê Văn Một... Sau đó đôi bạn Việt - Thái trở về Việt Nam tham gia kháng chiến. Cô gái Thái trở thành bộ đội cụ Hồ. Hai con trai sinh đôi của anh sau đó cũng đi bộ đội.

Tới ngày tập kết, Lê Văn Một ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, để lại vợ và hai con nhỏ ở miền Nam.

Ngoài Bắc, Lê Văn Một được phân công phụ trách trưởng bến của cảng Cẩm Phả. Đến khi có chủ trương đưa cán bộ miền Nam tập kết về phục vụ chiến trường B, thì đương nhiên Lê Văn Một đứng số 1 trong danh sách mà Đoàn 759 tính đến, vì anh là một thuyền trưởng được đào tạo căn bản, lại từng kinh qua chiến đấu 9 năm ở miền Nam. Lần ra Bắc thứ nhất, Bông Văn Dĩa đã tìm gặp anh ở Cẩm Phả. Lần này, "cặp bài" đó lại bắt tay cùng nhau thực hiện một chuyến đi mở đường...

Trong nhật ký của Lê Văn Một, anh kể rằng mình từ giã đơn vị lại bến cảng Cẩm Phả, trở về căn cứ bí mật của Đoàn 759 tại Hải Phòng, có mật danh là Z10. Tại đây, anh bắt đầu một cuộc sống mới: về công việc, anh được đưa đi tham gia những lớp huấn luyện bắn súng các loại: súng ngắn, súng trường, trung liên và cả đại liên. Chế độ ăn uống được ưu đãi để bồi dưỡng trước khi đi một chặng đường gian nan. Mức ăn của giám đốc bến cảng Cẩm Phả lúc đó là 0,6 đ/ngày thì bây giờ được ăn 1,8 đ/ngày, trước khi đi thì 3,5 đ/ngày. Trong giờ nghỉ được đọc các loại sách báo nói về những người anh hùng hy sinh cho Tổ quốc như: Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovsky, Viết dưới giá treo cổ của J. Fucík...

Tàu "Phương Đông 1" rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) ngày 11/10. Ra bến tiễn thủy thủ đoàn có Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung tướng Trần Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Giao thông Phan Trọng Tuệ và Ban lãnh đạo Đoàn 759. Riêng với Lê Văn Một thì những người như Ung Văn Khiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Giao thông Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp... đều là những người mà anh đã từng chở trên thuyền của mình thời kỳ 1948-1949 từ Thái Lan về Nam Bộ ..
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:10:05 pm »

Chỉ 5 ngày sau, sáng sớm ngày 16/10 đoàn đã vào tới cửa Vàm Lũng, Cà Mau. Đây là chiếc tàu đầu tiên chở vũ khí vào Nam an toàn.
Thuyền trưởng Lê Văn Một viết trong Nhật ký về lúc tàu nhổ neo:

“22 giờ 30 đêm 11 tháng 10 năm 1962. Tàu nổ máy rời miền Bắc chờ hơn 30 tấn vũ khí về Nam sau hơn 7 năm ở miền Bắc. Tàu tiến từ từ, chạy máy nhỏ rẽ sóng lướt ra khơi, xa dần chiếc thuyền anh em ở lại đang vẫy tay chào tiễn biệt..." (Nhật ký Lê Văn Một. Thuyền trưởng tàu không số đầu tiên trên biển Đông. Nxb Trẻ)

Hồi ký Bông Văn Dĩa:

“Đoàn 125 giao cho chúng tôi một tàu trọng tải 30 tấn. Đêm 09/10/1962 chúng tôi cho hàng và vũ khí xuống tàu lại bến Đồ Sơn. 8 giờ đêm ngày 11/10 chúng tôi rời bến Đồ Sơn... Đến 6 giờ sáng 16/10/1962 tàu chúng tôi vào cửa Vàm Lũng, xã Tân An... Khi tàu lọt vô cửa Vàm Lũng thì tôi lập tức báo tin vui cho đoàn 125 và Trung ương biết. Chúng tôi dưa tàu tới nơi quy định là Chùm Gọng, lập tức cho ghe thuyền bốc sang hàng, vũ khí rời đi nơi khác, xa tàu đậu.

Kế đó Trung ương báo tin cho biết, phải liên tiếp đón 3 tàu đi theo con đường đồng chí Dĩa đã đi... Việc đón 3 tàu sau cũng được chu đáo và an toàn tốt đẹp ..." (Lưu trữ gia đình Bông Văn Dĩa. )

Đó là tâm trạng của người đi. Còn những người ở lại? Vì không trực tiếp nếm trải những sự kiện trên hành trình, nên thay cho vất vả là những nỗi lo lắng giày vò ruột gan. Trong Hồi ký Bông Văn Dĩa nói là đã báo tin ngay cho Trung ương. Nhưng do phải qua nhiều khâu của Cơ yếu, nên phải 3 hôm sau, tức ngày 19/10, Khu IX mới báo tin này ra Trung ương.

Tướng Đồng Văn Cống nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, kiêm Trưởng phòng B Quân ủy Trung ương, lúc đó là người được giao trực tiếp theo dõi diễn biến của con tàu Không số đầu tiên. Ông kể lại:

"Người đi rất lo lắng. Người ở lại còn lo lắng hơn. Theo dự kiến, đi 5 ngày thì đến. Nhưng sáng nào cứ đến giờ giao ban thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi thế nào rồi? Mới đi 1 ngày, đến ngày thứ 2 ông đã hỏi. Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5, sáng nào ông cũng hỏi. Tôi sốt ruột nhưng chỉ biết lắc đầu. Sau đó cả những ngày thứ 6, thứ 7, thứ 8 cũng không có tin lức gì. Tôi là người trực tiếp theo dõi hàng ngày, càng bồn chồn lo lắng. Điện đánh đi không có trả lời. Không biết họ sống hay chết!

Mãi sáng ngày 19/10/1962, tức 9 ngày sau, mới có tin tức. Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban ở nhà khách 28 Cửa Đông. Tôi bước vào, Đại tướng ngẩng đầu nhìn tôi đăm đăm. Lần này thì tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh, Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi, ông khóc. Đại tướng liền cho tạm nghỉ cuộc họp, kéo tôi qua phòng bên để nghe rõ tình tiết. Tôi đưa bức điện của Bí thư Khu IX, tức anh Phạm Thới Bường.

“Tàu Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa đã về đến nơi!

An toàn, đầy đủ!

Các đồng chí trên tàu đều khỏe mạnh."

Một tay vuốt ngực, một tay vỗ vai tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói “ Thôi, cho nghỉ họp để ăn mừng thắng lợi đầu tiên..."

Sau chuyến đi của Bông Văn Dĩa và Lê Văn Một vào Cà Mau ngày 16/10/1962, các chuyến tàu mang tên Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4 cũng lần lượt lên đường và vào tới Cà Mau an toàn.

Cùng trong thời điểm đó, các bến khác cũng đã nhận được tàu vào: Trà Vinh đón chiếc tàu sắt đầu tiên vào bến an toàn ngày 24/03/1963. Bến Tre cũng đón chuyến tàu sắt đầu tiên vào bến 28/06/1963 (có tài liệu nói ngày 26/06). Bà Rịa đón chuyến tàu đầu tiên cập bến đêm 03/10/1963.

Như thế là cả bốn cụm bến đều đã khai thông thành công.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:10:51 pm »

2. Đóng tàu và tổ chức đoàn đi

Về phương tiện vận chuyển không thể sử dụng những chiếc thuyền đánh cá đơn sơ, mà phải thiết kế những tàu chuyên dụng cho loại vận tải này, trang bị máy và các thiết bị đảm bảo tối ưu, lại phải tạo dáng giống như loại thuyền đánh cá của ngư phủ phía Nam, nhưng hai đáy, trên là ngư cụ, dưới là kho bí mật. Mỗi vùng có một loại thuyền đánh cá khác nhau, thuyền chở vũ khí đến vùng nào phải có dáng giống thuyền đánh cá của vùng đó.

Lại phải chọn những máy có mác của phương Tây để nhỡ bị khám xét không bị lộ tung tích. Tuy nhiên, đi tìm khắp miền Bắc chỉ kiến được một chiếc máy hiệu Grey Marin của Mỹ, 220 CV. Còn lại phải dùng loại máy Skoda của Tiệp, gần giống loại máy của Mỹ, Nhật. Các tàu nhất thiết phải trang bị bộc phá đặt ở mũi, ở máy và đuôi tàu, tổng cộng khoảng trên dưới 1 tấn. Khi bị vây bắt, tùy tình huống phải cho nổ theo phương pháp hẹn giờ 15-30 phút để phá tan hoàn toàn chiếc tàu, không để lại một dấu tích nào.

Từ 1960, việc đóng tàu được giao cho Xí nghiệp đóng tàu số 1 Hải Phòng. Đó là một đơn vị tuyệt mật, người ngoài không biết, cán bộ và công nhân đóng tàu cùng không biết công dụng của con tàu là gì, chỉ làm theo thiết kế.

Tháng 08/1962, tại đây đã ra đời những con tàu gỗ đầu tiên loại 30-50 tấn được chế tạo dành riêng cho Đoàn 759. Đến tháng 03/1963 cùng tại đây đã hạ thủy những con tàu đầu tiên bằng sắt. Ngay sau đó, ngày 17/03/1963 chuyến tàu sắt đầu tiên chở 44 tấn vũ khí rời Đồ Sơn và đêm 24/03 đã cập bến Trà Vinh an toàn. (Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ. Đường Hồ chí Minh trên biển, một kỳ tích...)

Những năm sau, do yêu cầu vận chuyển lớn, trọng tải cả trăm tấn, thì Trung Quốc đã giúp Việt Nam trang bị những loại tàu này... Về sau, theo yêu cầu đặc biệt của Việt Nam, các nước bạn đã trang bị cho Việt Nam những tàu sắt có trọng tải cỡ 100 tấn, được lắp những bộ phận giảm thanh hiện đại, đảm bảo trong vòng ngoài 200 mét không nghe thấy tiếng máy chạy. Tính đến năm 1975, tổng số tàu vận tải hài quân được nước bạn viện trợ là: Trung Quốc - 127 chiếc, Liên Xô - 21 chiếc. (Đại tá Trần Tiết Hoạt. Nguồn chi viện lo lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN, Nguyệt san Sự kiện và nhân chứng. Số 4-2005)

Về thủy thủ đoàn, nhất là các thuyền trưởng đã được tuyển chọn rất kỹ từ các đơn vị miền Nam tập kết đang công tác trong các đơn vị quân đội nông trường, ngư trường... Đó phải là những người sinh ra và lớn lên ở địa phương, hầu hết đã có kinh nghiệm trong nghề đi biển tại các tỉnh miền Nam. Họ phải thuộc từng con nước, từng lòng lạch, từng rặng núi để ngay cả trong đêm dù nhìn từ xa bờ vẫn có thể đoán biết được bến ở đâu bãi ở đâu ...

Trong số các thuyền trưởng, có một số đã từng tham gia vận chuyển vù khí trong thời kháng chiến chống Pháp.

Đó là Bông Văn Dĩa ở Cà Mau và Lê Văn Một ở Mỹ Tho. Hai người đã từng nổi tiếng dày dạn trong thời kháng chiến chống Pháp, năm 1947 đã từng dùng thuyền buồn sang tận Thái Lan mua vũ khí về, rồi đã từng đưa Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Lê Duẩn cùng nhiều cán bộ lãnh đạo ngang dọc khắp Cà Mau, Bạc Liêu, U Minh, Đồng Tháp, có lần đâm ra tận Côn Đảo.

Đó là Đặng Văn Thanh, cậu bé đã từng làm nghề lặn ở mũi Cà Ná từ năm 8 tuổi, lớn lên đi bộ đội đảm nhận chuyên chở vũ khí bằng những chiếc thuyền con suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngang dọc khắp Phú Yên, Khánh Hòa, Mũi Né...

Đó là Tư Mau, con cá kình của biển Rạch Giá, dám cả gan tổ chức công khai những thuyền đánh cá ngay trên bến cá Rạch Giá để chở vũ khí từ Bắc vào ...
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM