Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:40:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 132913 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:35:37 pm »

5.3. Chống và phá bom, mìn:

Một biện pháp tích cực nữa là phải tìm cách phá bom, mìn và các phương tiện thám báo. Dần dần công binh đã có cách phá được tất cả các loại :

Muốn phá bom mìn, việc trước hết là phải theo dõi được bom mìn rơi và xác định được địa điểm. Mỗi cung đường 15-20 km được phân công cho một đại đội công binh hoặc thanh niên xung phong phụ trách quản lý. Các đại đội này đều phải bố trí đài quan sát cảnh giới (chủ yếu với địch trên không) bảo đảm 24/24 giờ không vắng mặt.

Do kinh nghiệm quan sát, đài quan sát chỉ nghe tiếng máy bay vọt qua, lao xuống đã biết đó là loại máy bay gì, có thả thứ gì xuống hay không, thả cái gì, bao nhiêu, hướng nào... Tất cả các câu hỏi đó đều phải được báo cáo kịp thời, chính xác.

Nhận được điện báo cáo, chỉ huy đại đội cử ngay 2-3 tổ trinh sát, đem theo công cụ khẩn cấp để phá, gỡ. Cách phá thì ban đầu rất khó, và cũng đã phải trả giá bằng nhiều máu. Dần dần, các cán bộ kỹ thuật đã khám phá ra các quy luật bí ẩn của mỗi loại bom, mìn, dụng cụ thám báo, rồi với kinh nghiệm dày dạn của các chiến sĩ công binh, hầu như không có thứ kỹ thuật nào của Mỹ thả xuống là không phá được. Khi phát hiện ra cách phá, công binh hướng dẫn ngay cho các đơn vị. Đối với các loại bom, mìn khác nhau, họ phải tìm ra những giải pháp khác nhau để phá.

- Chống bom bi: Để chống lại bom bi, từ năm 1966-1967, sau những tổn thất khá nặng nề về xe và về người, Cục trưởng Cục Quản lý xe Vũ Văn Đôn đã kiến nghị một giải pháp: Mặc áo giáp cho xe và cho người. Biện pháp này đã được Bộ Tư lệnh phê chuẩn:

Trên nóc xe đặt một "giàn mướp", gồm có phên tre lát trên một tấm tôn dày. Qua thử nghiệm thấy bom bi không xuyên thủng được chiếc áo giáp này. Những két đựng xăng cũng được mặc áo giáp bằng tôn dày 5 mm hàn vào khung sắt ốp sát thùng bên dưới sàn xe. Hai cánh cửa ca bin cũng ốp phên tre và tôn để bảo vệ tính mạng cho người lái. Bản thân người lái được trang bị mũ sắt và áo giáp chống bom bi. Kết quả là đã giảm trên dưới 50% mức tổn thất. Cụ thể năm 1965, số xe bị hỏng và phá hủy chiếm 35%, số lái xe thương vong là 21%. Từ 1968, 1969 mức độ đánh phá của không quân Mỹ tăng gấp 2,5 lần trước nhưng mức hư hỏng chỉ là 12,5%.

CÓ điều "giáp" của xe bằng phên tre, "đả trượt..".

- Phá bom từ tính chờ nổ là việc khó khăn nhất, nhưng cuối cùng cũng trở thành đơn giản và rất an toàn:

Nếu tổ quan sát thấy ban đêm mà có máy bay nhào xuống, bom rơi nhẹ không có tiếng nổ, thì chắc chắn đó là loại bom từ tính (còn gọi là bom "N"). Lập tức trinh sát phải lần theo hướng, tuyệt đối không mang theo vật gì bằng sắt thép. Khi tìm được thì đánh dấu. Sáng rõ, thấy phía đuôi có cánh xòe ra. Tổ tiếp cận bom mang theo xẻng bằng đồng, dây thừng chắc, đòn xeo, bộc phá để tiến hành phá bom. Cách phá bom phải tùy từng tình huống cụ thể:

Nếu bom ở vị trí không xung yếu thì dùng bộc phá cho nổ.

Nếu bom ở bên vực thì đánh bật xuống vực.

Nếu ở nơi mà bom nổ có thể nguy hiểm cho kho tàng, đường sá thì phải tháo bằng cách cắt đuôi để hủy bộ phận kích nổ, tức là khống chế bom ở trạng thái "tĩnh". Khi di tản hết kho vũ khí rồi mới cho bom nổ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:36:20 pm »

Trường hợp bom rơi vào chỗ đất tơi xốp thì bom chui rất sâu, không thể đào moi được, thì áp dụng phương pháp kích thích sự cảm ứng từ trường bằng các cách:

1/ Buộc dây vào một thanh sắt hoặc một cục nam châm làm vật kích thích, nằm ở xa, có chỗ ẩn nấp để tránh mảnh bom, cầm dây kéo qua kéo lại vật kích thích sát quả bom, lúc nhanh lúc chậm, khi đúng tần số thì sẽ kích nổ được bom.

2/ Thả một khung dây vào lỗ hút bom, dùng điện ắc quy tạo tần số dao động đột biến liên tục, sẽ kích thích bom nổ.

Đối với những bãi bom từ trường quá rộng (như trường hợp ở đèo Phunanhích - đường 20 ở nam đường 9...) thì phải dùng máy phóng từ đặt trên xe bọc thép rồi phát sóng từ đột ngột có thể phá hàng loạt bom.

Điều rất phức tạp về kỹ thuật là tần số kích nổ của các "mô-đen" trên các quả bom từ là một ẩn số: Dòng điện từ phát ra phải hợp tần số thì mới có khả năng kích thích bom nổ. Nếu dòng điện quá lớn hay quá nhỏ đều không làm bom nổ. Đã có không ít trường hợp, kích nổ mãi mà bom không nổ, nhưng đến khi có một tốp 3 xe tải đi qua thì bom liền gầm lên. Phải qua nhiều "bài học máu” mới dần dần biết được cách phá loại bom này.

Đối với những loại bom từ trường thả xuống sông, nếu lặn xuống phá thì không được. Trước đây cũng có phương án cho người lặn xuống kéo bom lên bờ rồi phá. Nhưng như vậy thời gian gặp rủi ro rất lớn và thời gian để thực hiện chương trình không thể kết thúc trước khi trời sáng. Cuối cùng một sáng kiến đã được đề xuất:

Dùng canô tốc độ cao chở theo sắt thép. phóng nhanh qua khu vực có bom từ trường. Những bom đó thường nổ sau 30-40 giây khi bị kích nổ. Nếu những chiếc xe tải đi qua đó thì không thể nào thoát khỏi tổn thương. Nhưng canô lướt rất nhanh trên mặt sóng thì khi bom nổ, canô đã vượt xa được hàng trăm mét.

Với phương án này chỉ một chiến sĩ lái canô, có thể làm nổ hàng trăm quả bom trong một lúc. Sau đó xe tiếp tục đi qua... Đó là điều hình như cũng chưa có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Chuyện xảy ra ở bến sông Son:

" Từ đèo Đá Đẽo trên đường 15 đi Phú Quý, ắt phải qua con sông Trúc nước xanh ngắt chảy xiết dưới chân dãy núi Xuân Sơn. Từ cuối năm 1967, không quân Mỹ chọn chỗ hiểm yếu này để giội bom Tnt xuống sông. Bom sẽ nổ khi có phà chở xe lướt ngang. Bến phà Xuân Sơn bị cắt liền 5 ngày rồi. Xe các tuyến hậu phương bị chặn lại ở chân đèo Đá Đẽo. Nếu bị tắc thêm dăm ngày nữa thì khối lượng hàng chi viện sẽ tụt xuống nghiêm trọng.

Đã thử dùng biện pháp phá bom dưới nước không thành công. Có ý kiến dùng dây buộc từng quả để kéo lên bờ. Nhưng bom nhiều lắm kéo sao cho xuể. Cuối cùng binh trạm phó Nguyễn Đình Cầu cho áp dụng phương pháp "dao động kích nổ từ tính dây chuyền..."

Tất cả các chiến sĩ đều giơ tay xung phong lái canô. Cuối cùng Nguyễn Chơn được chọn là người lái đầu tiên. Đỗ Lịch chuẩn bị là người lái tiếp theo nếu Nguyễn Chơn gặp tai nạn...

Trăng bắt đầu lên cao. Mặt sông chập chờn mờ ảo. chiếc canô phóng về phía Eo Chẹt, nơi tập trung gần 20 trái TNT. Nguyễn Chơn lướt nhanh, cắt một đường nước vào giữa vùng bom... Cả đại đội 16 đứng dọc bến phà quan sát con thuyền máy vùng vẫy dưới ánh trăng. Ánh đèn tín hiệu của chiếc canô vẫn loang loáng ẩn hiện. Tiếng máy rồ lên át cà tiếng sóng vỗ.

Đột nhiên, mọi người cảm nhận thấy mặt đất dưới chân mình rung chuyển. Những cột nước như những chiếc tháp bạc chen nhau vọt lên sừng sững. Tiếng nổ từng đợt liên tiếp rền vang vách đá. Trong ánh trăng vằng vặc, muôn vàn hạt nước li ti bung cao mờ mịt. Bỗng nhiên 5 sắc cầu vồng thoắt hiện lên rực rỡ.

Tiếng hò reo dậy núi: Dũng sĩ canô Trường Sơn muôn năm. Đại đội 16 muôn năm. Đài chỉ huy nhộn nhịp. Binh trạm phó Cầu chỉ thị cho các trạm điều chỉnh xe vào vị trí, thông tin gấp cho các đoàn cơ giới chuẩn bị vượt sông... Bên đó, những đoàn xe tải, xe tăng, pháo từ hậu phương lên đã “im lìm" chờ cả tuần, lúc này rùng rùng lăn bánh.."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:37:13 pm »

- Phá "bom vướng" - CBU-49:

Kinh nghiệm cho biết: Máy bay lao xuống, không thấy bom rơi, chỉ nghe tiếng rào rào trên nóc rừng, kèm theo hàng loạt tiếng rơi bục bịch xuống đất, thì các tổ trinh sát nhận ra ngay đó là bom vướng CBU-49. Với loại bom này, công binh đã tìm ra mấy cách phá hữu hiệu:

Dùng "công sự di động" là nửa chiếc vỏ phuy 200 lít xẻ dọc, ngoài bện rơm hoặc cỏ, bên trong có thanh gỗ ngang để nhấc theo người. Một cây sào dài để kích nổ.

Chiến sĩ phá bom, đội mũ sắt, mặc giáp, cầm sào vừa đi vừa nhấc theo "công sự, tiến dần vào khu vực có bom vướng, dùng sào lay nhẹ sợi dây, khiến cho bom nổ. Sau đó núp kín trong công sự, chờ hết tiếng nổ, lại đi đến khu vực khác phá tiếp.

Tiến vào hiện trường với công sự di động, ném gói bộc phá vào vùng có bom vướng, kích nổ hàng loạt (gói bộc phá khoảng 50 g).

Rải sẵn những bó cây nhỏ trên nhiều hướng, mỗi bó đều có buộc dây, đầu kia của dây kéo xuống công sự. Sau khi máy bay Mỹ thả bom vướng, tổ phá bom thận trọng luồn vào công sự rồi kéo dây, rung cây để kích thích bom nổ hết.

- Phá bom "răng rồng", mìn "sỏi”, mìn "túi":

Dựa vào phát hiện của đài quan sát và các tổ trinh sát, công binh mặc áo giáp, đi giày có bảo vệ, nhặt bom vứt xuống hố nước. Có thể dùng vồ đập phá, hoặc dùng xe tải lốp mới chạy đè lên cho nổ hết.

- Vô hiệu hóa bom "điện quang", bom "thông minh":

Mỹ không thể sử dụng bom điện quang ban đêm, vì đêm tối làm mất tác dụng của các thiết bị vô tuyến trên đầu bom. Công binh dần dần hiểu rõ chức năng, tác dụng và nhược điểm của nó, nên tìm nhiều cách chống lại: Hoặc làm biến dạng mục tiêu, hoặc tạo ra màn khói che mờ, hoặc dựng lên những mục tiêu giả...

Nghệ thuật ngụy trang mục tiêu thật và ngụy tạo mục tiêu giả như xe tải, đại bác... thì chiến sĩ Trường Sơn đã kế thừa nhiều kinh nghiệm từ thời đánh Pháp. Quả bom điện quang không tìm thấy mục tiêu đã định, cũng không quay trở lại được, đành “rơi bậy". Còn gặp mục tiêu giả thì bom rơi vào và nổ vô ích.

Bom thông minh nhất thiết phải được dẫn tới đích bằng "máng" tia lade. Mỗi quả bom đều có bộ phận điện tử cảm ứng tia lade dẫn đường. Khi phóng bom, trên không phận mục tiêu oanh kích phải có phi cơ tốc độ chậm, bay lượn vòng và phóng cái "máng" lade để đưa những trái bom tới đích.

Nhưng cao xạ Trường Sơn rất mạnh, không cho máy bay hướng dẫn được tự do lượn vòng. Đợi đúng vào lúc máy bay này thu hẹp đường vòng, các khẩu cao xạ đồng loạt "khạc lửa”. Chiếc phi cơ phóng tia lade phải vội vàng đổi hướng làm bom mất mục tiêu. Kinh nghiệm thực tế hàng trăm trận cho thấy hầu như không có viên phi công Mỹ nào dám liều lĩnh vào lưới đạn cao xạ. Do vậy, bom lade thực tế đã không có hiệu quả gì ở Trường Sơn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:38:09 pm »

5.4. Dùng các loại mồi để lừa đối phương

Arthur Dom men, phóng viên báo Los Angeles Times:

"Bắc Việt dùng mồi giả, đồng thời họ đặt ở đó tên lửa phòng không dày đặc, thế là hàng loạt máy bay sa vào bẫy."

Mồi giả có rất nhiều loại:

Có khi đó là những hình nộm chiến sĩ đang cầm súng thấp thoáng dưới các gốc cây, vừa đủ để máy bay thám báo "phát hiện". Thế là hàng loạt oanh tạc cơ được điều tới đánh phá. Pháo cao xạ đã chờ sẵn ở dưới rồi!

Có khi là một xe cảm tử bật đèn pha và phóng nhanh một đoạn để thu hút máy bay Mỹ lao vào săn đuổi. Trong khi đó cả đoàn xe lẳng lặng lăn bánh an toàn, còn chiếc xe cảm tử thì đột ngột lao vào nơi ẩn nấp đã chuẩn bị sẵn.

Có khi là những máy phát tín hiệu giả của xe tải tung tín hiệu vào không trung, chẳng mấy chốc máy bay Mỹ lao tới đánh phá. Tại đó không có chiếc xe tải nào, mà chỉ có các đơn vị phòng không nghênh tiếp và các đội thanh niên xung phong chuẩn bị dây thừng đi trói phi công Mỹ nhảy dù.

Những máy phát hiện nhiệt năng của động vật cũng đã nhiều lần bị đánh lừa: Thay cho những đoàn quân đi, là những đàn súc vật, lập tức máy gọi hàng đoàn máy bay đến oanh tạc

Những máy phát hiện mùi mồ hôi cũng bị đánh lừa bằng những lọ nước tiểu của cả người và gia súc được treo khắp trong một tuyến rừng "không trọng điểm", làm cho không quân Mỹ liên tiếp bị báo động rằng đang có hàng sư đoàn Việt cộng đi qua... Khi máy bay tới thả bom bi dày đặc thì cũng là lúc những đoàn quân đã vượt qua nguy hiểm theo những con đường khác rồi!

5. 5. Xử lý các dụng cụ thám báo

Những biện pháp chống đỡ.

+ Các máy cảm ứng thường có cấu tạo thêm một bộ phận tự hủy để chống tháo gỡ. Vậy trước tiên là phải làm liệt chi tiết này. Thao tác được nghiên cứu, học tập và phổ biến ngay.

+ Với loại có dù treo trên cây, nếu cao quá thì bắn hủy, nếu thấp thì hạ xuống, cũng làm như với loại trên.

+ Với loại cây nhiệt đới (ASID, ACOUSID): Cắt ngay cần ăng ten.

+ Đối với những thứ khó tháo gỡ thì đơn giản nhất là áp 200 g thuốc nổ vào (gói theo kiểu bộc phá) cho nổ cắt đôi khí tài là xong.

Những biện pháp lợi dụng để đánh trả:

Tiến thêm một bước nữa, những kỹ sư, công binh kỹ thuật giỏi còn có thể tận dụng được những linh kiện của các thiết bị điện tử Mỹ. Có trường hợp các chiến sĩ còn dùng chính phương tiện của Mỹ để lừa máy bay và sở chỉ huy Mỹ, làm chúng lạc đích, thậm chí đánh vào nhau.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:38:56 pm »

Dưới đây là vài ví dụ: 

Hàng ngàn tấn bom đổi một chiếc cassette cũ: Từ năm 1968, Mỹ bắt đầu rải những vật thám báo (sensor) xuống tuyến đường vận tải Tây Bình Trị Thiên và Nam Lào. Ban đầu các đoàn vận tải không biết vì lý do gì mà cứ xe nổ máy, chiến sĩ gọi nhau lên đường là có ngay máy bay tới bắn phá, ẩn nấp xong, lên đường, thì máy bay lại tới.

Ban đầu, ban chỉ huy nghi rằng có thám báo. Cho ngừng hành quân để lùng sục khắp vùng. Vẫn tuyệt nhiên không bắt được một tên biệt kích nào. Nhưng những chiến sĩ đi lùng sục trong rừng lại tìm thấy rất nhiều vật lạ. Giới kỹ thuật nhạy bén "ngửi" ngay thấy chuyện gì đó: Có thể đó là những tên “thám báo” điện tử? Nghiên cứu kỹ, thấy quả đúng như vậy. 

Ngay sau đó, một binh trạm trưởng thuộc Binh trạm 34 tên là Nguyễn Khang đã này ra sáng kiến:

Dùng nó để lừa nó. Một kế hoạch đã được thực hiện gấp rút. "Vặt râu” tất cả các sensor để nó ngừng hoạt động. Sau đó mở bản đồ, chọn những hẻm núi không có người, không có đường sá, cho những sensor hoạt động. Binh trạm xin một chiếc đài cũ của ban chỉ huy, ghi tiếng xe chạy, máy nổ... và đưa tới một địa điểm hoang vắng gọi là hang Chó Sói ở phía Tây Trường Sơn.

Sau khi các sensor được cắm lại "râu” như cũ thì bật đài. Quả nhiên chỉ mươi, mười lăm phút sau, toàn bộ Tư Lệnh binh đoàn ngạc nhiên nghe thấy tiếng ù ù như tiếng xay lúa, đó là âm thanh quen thuộc khi có B.52 đến. Đúng là hàng đoàn B.52 tới rải bom liên tục ở hang Chó Sói?

Từ thành công đó, Nguyễn Khang lại đề nghị xin một chiếc đài nữa, ghi âm một xưởng máy đang hoạt động. Cũng làm như trên, và một địa điểm khác không người, gọi là Hẻm Cù Là, trên đỉnh núi Pagơnham, thuộc Tây Trường Sơn. B.52 lại tới. Sau đó bên Tình báo quân đội cho biết: Mỹ đã đưa tin: “Hôm trước đã đánh phá tan nát một đoàn xe lớn của Việt cộng. Hôm sau đã phát hiện một xưởng máy giũa Trường Sơn và đã biến nó thành cát bụi.”

Suốt 15 ngày sau đó, Trạm 34 lại dùng đài phối hợp với những sensor, hôm thì tiếng nói cười của các chiến sĩ Sư đoàn 35, hôm thì tiếng vận chuyển đại bác qua đèo ... Tổng cộng suốt 15 ngày, B.52 đều đến đánh phá vào khu vực không người. Mỗi lần đã có hàng ngàn tấn bom rải xuống, tiêu diệt được một chiếc cassette cũ kỹ...

Gậy ông đập lưng ông: Với những kết quả rất hiệu nghiệm kể trên, hình như các chiến sĩ Đoàn 559 còn đi xa hơn nữa: Dùng Mỹ đánh Mỹ. Cũng theo phương pháp trên, những chiếc cassette được đặt bí mật vào sát các khu căn cứ của Mỹ. Và thật bất ngờ: cũng bị giội bom.

Việc này làm cho Bộ Chỉ huy Mỹ kinh hoàng, bối rối. Nhiều giả thiết được đặt ra. Mà theo logic rất Mỹ thì cái giả thiết được lưu ý nhất là: Tình báo Bắc Việt Nam đã có cách gì đó lọt được vào hệ thống mạng chỉ huy tối mật của quân đội Mỹ.

Họ đã đánh giá quá cao trình độ tin học của đối phương lúc đó. Họ không ngờ rằng thực ra đó chỉ là một sáng kiến rất Việt Nam của một anh tiểu đội trưởng tên là Nguyễn Khang, chỉ chuyên nghề binh trạm thôi, chứ không phải là chuyên gia xuất sắc gì về kỹ thuật informatic trong chỉ huy chiến trường..
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:39:31 pm »

Điều thú vị nữa là cho đến tận bây giờ hình như cái logic rất Mỹ đó vẫn còn tiếp diễn trong đầu óc nhiều người Mỹ, trước hết là các cơ quan tình báo của Mỹ. Mới tháng 1 năm 2008 vừa qua, dư luận Mỹ lại một lần nữa xôn xao về việc CIA cho công bố những tài liệu đã được "giải mật", cho biết rằng phía Việt Nam đã lọt được vào hệ thống thông tin của Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ để ra lệnh cho máy bay Mỹ ném bom vào các căn cứ Mỹ!

Cuốn Lịch sử Cơ quan tình báo tín hiệu Mỹ SIGINT (American Signals Inteligence) trong chiến tranh Việt Nam viết:

"Cơ quan An ninh Quốc gia vùa mới công bố những tài liệu cho thấy rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, có một số lần những đơn vị tình báo của Bắc Việt Nam đã thành công trong việc thâm nhập các hệ thống thông tin của Liên quân, và từ phía bên trong hệ thống này họ đã kiểm soát được kênh chuyển tin. Nhưng đôi khi họ còn làm được nhiều hơn thế.

Đã có một vài lần những người cộng sản, bằng cách thông tin qua các mạng lưới sóng radio của Liên quân, đã có thể kêu gọi pháo binh và không quân của Liên quân tấn công vào những đơn vị của Hoa Kỳ."

Chuyện này vẫn đang làm cho dư luận Mỹ sửng sốt. Steven Aftergood, Giám đốc Cơ quan Khoa học Liên bang Mỹ FAS (Federation of American Scientists), nói với hãng tin AFP rằng: "Đó là điều mà tôi chưa bao giờ được nghe tới từ trước đến nay." (Washington (AFP). NSA Release Hislory of America SIGINT and the Vietnam War.)

5. 6. Bằng mọi giá thông đường

Một yếu tố rất quan trọng nữa của tư tưởng tác chiến tích cực là phải “mở ra rất nhiều ngả đường khác nhau để phân tán hỏa lực của đối phương”: Đường chính, đường vòng, đường dự bị, đường ngụy trang... Từ đó hỏa lực của đối phương không thể tập trung đánh vào những điểm trọng yếu, vì cũng không còn biết đâu là điểm trọng yếu nữa. Trên nhiều tuyến đường trọng yếu, đã được đặt nhiều loại "mồi giả" khác nhau để thu hút và phân tán hỏa lực của đối phương. Trong khi đó lại mở đường đi an toàn trên những tuyến đường mòn, đường có ngụy trang.

Ở những đoạn đi men những vách núi hiểm trở mà bị bom đánh phá đứt đường, không có mìn để phá núi làm đường thì công binh và thanh niên xung phong đã dùng gỗ, dùng cây để bắc tạm những chiếc cầu nhỏ, chỉ có một hàng ván cho một bên bánh xe. Còn bánh xe bên kia thì tì vào vách núi mà đi! Những chiếc cầu "khỉ" vắt vẻo trên vách đá như thế là cực kỳ nguy hiểm. Để giảm trọng tải của xe, nhiều khi phải bốc dỡ hàng xuống, cho những xe lần lượt đi qua rồi lại bốc hàng lên.

Vượt qua những cầu khỉ vào ban đêm, ngoài sự nguy hiểm về sức chịu đựng của ván gỗ và cọc gỗ, còn có vấn đề: Không có cọc tiêu dẫn đường. Chỉ trệch một vài centimet là xe có thể lao xuống vực. Máy bay lượn trên đầu, không được có một chút ánh sáng nào. Cọc tiêu thì không có, vì đường còn chưa làm nổi thì lấy đâu ra cọc tiêu để cắm! Những chiến sĩ thanh niên xung phong đã khoác nylon trắng (lấy từ đèn dù do C130 thả) đứng ven những tấm ván để làm cọc tiêu. Ban đêm, nhìn thấy những vệt trắng lờ mờ thì lái xe biết rằng đó là giới hạn giữa cái sống và cái chết, giũa thoát hiểm và lao xuống vực. Từ đó đã xuất hiện một danh từ chưa từng có trong lịch sử giao thông thế giới là "cọc tiêu sống".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:40:15 pm »

"Luật lái xe Trường Sơn: Cho đến nay toàn thế giới chỉ biết có hai thứ luật đi đường là luật đi bên trái của Anh và các nước theo luật Anh và của Pháp, Mỹ và các nước theo hệ thống này. Riêng xe tải trên đường Trường Sơn có luật riêng, xe lúc thì đi bên trái, lúc thì đi bên phải, tránh nhau rất lạ.

Vì trên những dốc của Trường Sơn, đường vừa hẹp, vừa dễ sụt lở nên "luật" là ưu tiên cho xe đi vào, vì xe đi vào chở nặng, xe đi ra chở nhẹ. Theo luật này bất cứ xe nào từ Bắc vào đều được ưu tiên đi sát bên vách núi. Những xe đi ra phải tránh ra phía mép đường, bất kể là bên trái hay bên phải. Đó là thứ luật bất thành văn trên đường Trường Sơn mà có lẽ không ở đâu trên thế giới có một thứ luật kỳ cục như vậy."

Vì không quân Mỹ biết rất rõ có những đoàn xe lớn chỉ di chuyển vào ban đêm nên tập trung lực lượng đánh phá vào ban đêm. Ban ngày phi công ngủ. Tương kế tựu kế, đoàn 559 chọn những khu rừng chưa bị trụi lá, kết các cành lá lại thành những tuyến đường "ngầm", không phải ngầm trong lòng đất mà ngầm dưới tán lá rừng (bí danh là Đường K).

Cho đến mùa khô 1971 - 1972, độ dài của những con đường ngầm này ở phía Tây Trường Sơn lên tới 778 km. Trên những tuyến đường này, lợi dụng lúc các phi công Mỹ ngủ ngày, xe có thể chạy suốt ban ngày và lại nghỉ ban đêm ... Trong suốt mùa khô 1971- 1972 , có tới 71% số xe tải phục vụ cho cuộc tiến công lớn 1972 là đi theo hệ thống Đường K này. Đó hẳn là điều mà có lẽ Bộ Tư lệnh Không quân của Mỹ không ngờ tới.

Không thể nào kể hết những biện pháp đầy mưu trí và sáng tạo của quân và dân trên đường Trường Sơn. Rõ ràng đây không chỉ là sự đọ sức, đọ kỹ thuật, đọ tiền bạc, mà còn là sự đấu trí. Trong cuộc đọ sức đó, cuối cùng người Việt Nam đã thắng.

Chính theo ý nghĩa đó, một ký giả Mỹ đã viết:

"Người Việt Nam đã cho thế giới thấy có một khoảng cách ghê gớm giữa khoa học kỹ thuật với sức mạnh thuần túy của con người. Hãy tưởng tượng xem, nếu người Việt Nam bị đánh bại thì thế giới sẽ ra sao? Chúng ta sẽ không còn biết làm gì nữa ngoài việc quỳ gối trước những thần tượng của kỹ thuật."

6. Nhiều hệ thống trong một hệ thống

Cho đến nay, người nước ngoài và cả khá nhiều người Việt Nam khi nói đến đường Trường Sơn thường chỉ hình dung ra đó là một con đường hoặc là những con đường hoặc là cả một hệ thống đường, với những đoàn quân, những đoàn xe chở vũ khí và hàng hóa vào Nam...

Thực ra hệ thống đường Trường Sơn không chỉ có những thứ đó. Để cho hệ thống đó và hàng trăm nghìn con người có thể tồn tại, để cho hàng chục ngàn cỗ xe được kịp thời sửa chữa cần phải có hàng loạt những đơn vị đi kèm với hệ thống đường sá này:

Đó là những hệ thống các trạm cơ khí sửa chữa, các trạm cứu thương, bệnh xá, bệnh viện. Đó là hệ thống thông tin rất nhạy bén thông suốt Bắc Nam tới từng trạm, tới từng tuyến để điều vận cả người lẫn xe. Đó là hệ thống những dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí… 

Vì thế Trường Sơn tuy gian khổ, khó khăn.. nhưng về mặt đời sống của con người thì vẫn được lo toan và đảm bảo tới mức tối đa trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Đó chính là khía cạnh nhân bản của cuộc chiến tranh, đó cũng là một trong những nhân tố dẫn đến thắng lợi.

Dưới đây có thể kể một vài hệ thống liên hoàn gắn liền với sự sống còn của đường Trường Sơn: '
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 12:41:03 pm »

6.1. Hệ thống thông tin liên lạc

Như trên đã nói, từ 1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt, bộ đội Trường Sơn lúng túng, các tuyến vân tải trên Trường Sơn đã có lúc bị rối loan. Đến 1966. Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đã đi thị sát hiện trường và phát hiện: Một trong những lý do của khó khăn là hệ thống thông tin quá yếu, không đủ sức đối phó với tình thế mới.

Quân ủy Trung ương đã quyết định gấp rút tăng cường hệ thống thông tin đa thức gồm vô tuyến, hữu tuyến, tải ba, tiếp sức ... Khẩn cấp nhất là việc lắp đặt hệ thống thông tin hữu tuyến từ Trung ương đến tất cả các trạm, dài 1.500km. Bộ Tổng Tham mưu cũng điều những sĩ quan thông tin có năng lực nhất để vào xây dựng và quản lý hệ thống này.

Đến 1967, tình hình đã được cải thiện về căn bản: Toàn tuyến có tới 125 tổng đài cỡ 10, 20 cửa, 1.205 máy điện thoại, 264 máy vô tuyến điện thoại... Với hệ thống này thì từ Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh có thể trực tiếp nghe báo cáo và ra chỉ thị tới những đơn vị chủ chốt trên Trường Sơn: từng trận địa cao xạ pháo, từng đài quan sát, từng trạm điều khiển giao thông, từng đội cơ động theo dõi và phá bom...

Như đại tá Nguyễn Việt Phương một trong những sĩ quan chỉ đạo hệ thống này nhận định:

"Hệ thống thông tin mới đủ sức báo đảm bất cứ tình huống chiến sự dữ dội đến đâu cũng không để mất liên lạc. Các đơn vị dù nhỏ nhất, các chốt độc lập xa mấy cũng được chỉ huy. Nhờ thế, mùa vận tải 1967 đã xử trí kịp mọi sự cố phức tạp, bất ngờ trên các cung đường..."

Vào thập kỷ 70, lực lượng thông tin trên đường Trường Sơn có một bước phát triển vượt bậc nữa: Với lực lượng 8 tiểu đoàn phụ trách hệ thống thông tin hữu tuyến 14.700 km, có thể giúp Bộ Tư lệnh Đoàn 559 liên lạc trực tiếp với Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội với Bộ Tư lệnh Quân khu ở miền Nam, với các đơn vị phòng không, các trạm cứu thương, các đội công binh phá bom, làm đường, làm cầu, các trạm xăng dầu... Hệ thống này đã vượt khỏi biên giới Việt Nam tỏa sang cả Lào và Campuchia, hoạt động suốt 24/24 giờ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 08:45:37 am »

6. 2. Hệ thống y tế Trường Sơn

Để phục vụ cho bộ đội và các lực lượng hoạt động trên Trường Sơn, năm 1962, Cục Quân y tổ chức được một bệnh xá với 40 giường bệnh ở Tây Quảng Bình.

Đến năm 1963, Cục Quân y đã phát triển một tuyến quân y chiến trường vào đến tận Tây Nguyên với 5 bệnh viện trên toàn tuyến, nhiều trạm quân y cấp sư đoàn, trạm quân y hỏa tuyến...

Từ 1965, vì không quân Mỹ đánh phá ác liệt cho nên yêu cầu đặt ra cao hơn nhiều lần so với những năm trước:

- Đủ sức điều trị bảo đảm quân khỏe, cấp cứu kịp thời nhiều thương binh tại trận, xử lý hiệu quả những "ca" thương phối hợp.

- Điều trị dự phòng không để bùng dịch bệnh, đặc biệt chú trọng ngăn ngừa dịch sốt rét, chống biến chứng ác tính.

Để thực hiện hai yêu cầu lớn này, hệ thống quân y Trường Sơn được tổ chức theo hình bậc thang:

- Tuyến quân y cơ sở: Phòng bệnh, sơ cứu, đội tải thương chuyển về sau.

- Tuyến quân y trung đoàn, lữ đoàn: Cấp cứu, xử lý phân loại, điều trị thương bệnh binh.

Tuyến quân y Đoàn: tổ chức bệnh viện đa khoa, đội điều trị cơ động, đội phòng dịch, ban dược. Có chức trách điều trị cơ bản, phẫu thuật lớn (có máy y học chuyên dụng), cơ động hỗ trợ cho các tuyến cấp cứu, điều dưỡng phục hồi và phân loại trả quân số về đơn vị, bào chế dược phẩm và cấp phát thuốc...

Các tuyến kể trên không chỉ có nhiệm vụ điều trị nội bộ mà còn đảm nhiệm điều trị cả những thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam đưa ra và chuyển về tuyến hậu phương miền Bắc...

Để có thể hình dung được những cố gắng, những gian nan, và cả những hy sinh trong công tác y tế Trường Sơn cùng những tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ quân y, xin trích vài dòng trong Nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, thuộc bệnh xá Đức Phổ, Quảng Ngãi những năm 1968-1970:

"31.5.68: Một cuộc chạy càn quy mô nơi căn cứ, toàn bệnh xá di chuyển, vất vả vô cùng. Lòng mình nao nao thương xót khi nhìn thấy thương binh mồ hồi lấm lấm trên gương mặt còn xanh mướt, ráng sức bước từng bước một qua hết đèo lại dốc.

8.2.69: Kết thúc một chặng đường gian khổ. Mười bốn ngày vất vả lội núi, trèo noi, dầu dãi với nắng sương. Trong gian khổ ấy lúc nào mình cũng thấy sung sướng vì ở đâu cũng là biển cả của tình thương. Từ một đồng chí cán bộ chưa hề quen biết đến một người khách qua đường và tất cả những người quen mình đều nhiệt tình giúp đỡ đoàn Đức Phổ nói chung và mình.

Vui biết bao khi những người trên mảnh đất Đức Phổ coi mình như người cùng quê hương họ, chung với họ cả niềm vui, cả niềm tự hào của mảnh đất anh hùng ấy.

Tất cả bệnh nhân trong bệnh xá này trong những lúc đau ốm nặng mình đều đến với họ bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tình thương thắm thiết đó, cho nên dù xa lạ bao nhiêu rồi cũng thấy có một cái gì gắn bó với người thầy thuốc mà họ thấy rất gần với họ ấy. Họ gọi mình bằng hai tiếng "Chị Hai”, họ xưng em mặc dù lớn tuổi hơn mình và họ vui đùa, làm nũng với mình nữa. Giữa những ngày gian khó ác liệt này, mình đã tìm thấy niềm vui, sự an ủi nơi họ.

26.2.69. Giữa trận càn, bom pháo tới tấp xung quanh, ngồi giữa kẽ đá mình cũng vẫn ghi nhật ký và viết thư.

2.6.70: Một loạt bom đã rơi đúng ngay một phòng bệnh nhân, giết chết một lúc năm người. Cả cơ đồ sự nghiệp sau một phút đã tan thành khói lửa. Bom nổ xong, mình nghe im lặng. một thứ im lặng đến dễ sợ, chắc là chết

20.6.70: Hôm nay gạo chỉ còn đủ một bữa chiều nữa là hết. Không thể ngồi nhìn thương binh đói được..." (Theo đồng đội và nhân dân địa phương cho biết, hai ngày sau đó Đặng Thùy Trâm đã hy sinh trên đường đi tiếp tế cho thương bệnh binh...)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 08:46:46 am »

6.3. Hệ thống tài vụ, lương, tiền và chế độ sinh hoạt

Về chế độ sinh hoạt và chi tiêu, các thứ "nhu yếu phẩm" của cá nhân, ban đầu còn theo chế độ cấp phát trực tiếp: Mỗi người mỗi tháng được cấp hiện vật theo tiêu chuẩn. Cán bộ có lương chỉ trích tiền ăn hằng tháng, còn tất cả lưu quỹ hậu phương, hoặc vợ con đến nhận tại cơ quan tài vụ Đoàn (trạm phát ở nhà 63 Lý Nam Đế, Hà Nội). Như vậy thì đối với những cán bộ chiến sĩ hoạt động suốt năm trên Trường Sơn khi cần mua nhu yếu phẩm gì đó lại không có tiền, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống vật chất và tâm lý.

Để khắc phục khó khăn đó, có lần Trưởng phòng Hậu cần báo cáo Bộ Tư lệnh 559 đề nghị Ngân hàng Trung ương cho phép "làm tiền giấy nội bộ", chỉ tiêu dùng ở Trường Sơn. Ngân hàng đã đồng ý và đã thiết kế mẫu rồi cho phát hành vào tháng 06/1965. Từ đây tài vụ cấp sinh hoạt phí bằng tiền giấy Trường Sơn, phát hành dưới cái tên khiêm tốn là "Phiếu Bách hóa".

Đại tá Nguyễn Văn Thái, nguyên Trưởng phòng Tài vụ của Đoàn 559 kể lại: .

"Công tác tài chính của bộ đội Trường Sơn không giống công tác tài chính ở một đơn vị nào trong chiến tranh.

Bộ đội Trường Sơn hoạt động ở 3 chiến trường B, C, K, hưởng chế độ như bộ đội ở miền Bắc, nhưng không được lĩnh liền miền Bắc ở sông Bến Hải!

Muốn hoàn thành nhiệm vụ, ngành tài chính cũng phải "nghĩ ra" loại tiền dành riêng cho Trường Sơn. Nhưng bất cứ ai, cơ quan nào đứng ra in tiền ngoài Ngân hàng Nhà nước đều phạm pháp. Vì vậy tiền Trường Sơn thực chất là loại "Phiếu Bách hóa”, được ra đời là như vậy.

Phiếu Bách hóa có 4 loại với mệnh giá 1, 2, 5, 10 tương tương 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng và 10 đồng. Với loại "tiền " này, ngành Tài chính ở Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho cán bộ chiến sĩ và thanh quyết toán được chặt chẽ. Nó được phát hành từ năm 1965 và hoàn thành sứ mạng lịch sử vào ngày 30/04/1975.

Sau chiến tranh, nhiều cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 và khách vãng lai đều giữ lại một vài tờ tiền Trường Sơn xem như một vật kỷ niệm khó quên trong những năm tháng sống, chiến đấu ngoài mặt trận."

Nhưng sau đó đã xảy ra một sự cố bất ngờ: Có một số chiến sĩ đưa xe ra Hà Nội đại tu và chờ nhận xe bổ sung, khi đi ăn uống ở cửa hàng mậu dịch đã đưa tiền Trường Sơn ra để thanh toán, vì họ làm gì có thứ tiền nào khác! Nhưng ngoài Bắc có ai biết đến tiền này! Mà trong chiến tranh thì phải cảnh giác cao độ đối với những gì khả nghi. Họ lập tức bị nhân viên cửa hàng giữ lại giao sang công an để "điều tra", vì bị nghi là những kẻ gian làm phiếu giả. Tài vụ Tổng Cục thông báo tới Đoàn 559. Đại diện Đoàn 559 là Nguyễn Xuân Hoa phải ra giải quyết. Việc cũng êm thấm, nhưng thế là có nguy cơ không đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối bí mật. Từ chuyện rắc rối này, Bộ tư lệnh Đoàn chỉ thị hạn chế bớt việc lưu hành tiền giấy Trường Sơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM