Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:55:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 132905 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:12:20 am »

Chương trình huấn luyện đơn vị:

- Hành quân ban đêm đường núi, gùi nặng theo các cung đoạn thích hợp địa hình: Cung đoạn dài khoảng 20 km, gùi 30 kg. Cung đoạn ngắn 15 km, gùi 40 kg.

- Tìm phương hướng ban đêm trong rừng, tìm đường vòng tránh qua các vùng đồn bốt hoặc khi bất ngờ đụng độ quân địch.

- Khảo sát cắm tuyến mở đường bí mật xuyên rừng núi.

- Chọn chỗ tạm dừng, sắp xếp nơi ngủ, nghỉ thật nhanh.

- Kỹ thuật bảo mật: Đi không để lại dấu trên đường, nấu ăn không có khói, nói không thành tiếng, nơi đến không cố định.

- Kỹ thuật trinh sát bám địch, bám dân, nắm bắt tình hình địa vật, bối cảnh... mà điều kiện bắt buộc là không ghi chép.

- Kỹ thuật thông tin liên lạc, mật báo ban ngày và ban đêm ở vùng có địch...

- Võ thuật chiến đấu cá nhân tay không hoặc có gậy khi phải chống lại kẻ địch đông.

- Các biện pháp bảo vệ "hàng", không để rơi vào tay địch khi bị vây hãm.

- Kỹ thuật tìm kiếm thức ăn, nước uống, dược liệu Trường Sơn.

- Kỹ thuật tự cấp cứu khi bị rắn, rết, bọ cạp cắn, muỗi độc đốt và chống ngộ độc ăn uống.

Để triển khai việc mở đường, trước hết Võ Bẩm đã vào Vĩnh Linh làm việc với Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Quảng Trị để bàn kế hoạch. Nguyên tắc tối cao của việc mở đường vào Nam đã được Trung ương căn dặn:

" Việc mở đường không ai được biết... không để lọt vào tay địch một người. một hiện vật. Mỗi mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng...” (Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam. sđd, tr.474.)

Từ giữa năm 1959, đường Hồ Chí Minh chính thức được triển khai. "Hàng" và người đi “B"' xuất phát từ nhiều địa điểm khác nhau trên miền Bắc. Việc chuẩn bị cho "hàng" và cho người đi vào được phân công và quy định cụ thể như sau:

"Hàng" chủ yếu là vũ khí, mà tiêu chuẩn số 1 là không có dấu vết chế tạo tại Liên Xô hay Trung Quốc, phải là súng cũ của Pháp và các nước không phải là xã hội chủ nghĩa.

Cục Quân giới có trách nhiệm thu hồi tất cả vũ khí và những phương tiện kỹ thuật là chiến lợi phẩm từ thời kháng chiến chống Pháp ở các đơn vị tập trung về tổng kho, với danh nghĩa "thu hồi để đúc lại", nhưng trong thực tế là để chuyển giao dần cho Đoàn 559.

Đoàn 559 được “mượn" của địa phương ngoại thành Hà Nội một khu đất hoang thuộc thôn Kim Lũ, thường gọi là "Bốt Lũ”, nay thuộc Kim Giang (nguyên là khu vực thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi Hà Nội của quân đội Pháp, có hầm bê tông kề sông Tô Lịch, nay vẫn còn) làm nơi tiếp nhận vũ khí chiến lợi phẩm thu hồi. Tại đây tổ thợ Đoàn 559 lập xưởng, kiểm tra, phân loại, sửa chữa, bao gói chống ẩm để đủ tiêu chuẩn chịu đựng được khí hậu và thời tiết Trường Sơn.

Thời đó, chữ B là danh từ bí mật để gọi miền Nam Việt Nam. Đi B có nghĩa là xuất phát từ miền Bắc để đi miền Nam, 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:13:03 am »

Có một vài loại khí tài tối cần thiết, mà ở kho chiến lợi phẩm không có thì phải sử dụng loại “hàng" của nước xã hội chủ nghĩa, nhưng phải "tẩy sạch" mọi ký hiệu rồi mới bao gói chuyển đi.

Việc bao gói vũ khí - khí tài phải làm sao thích hợp hoàn cảnh vận chuyển, cất giấu trong điều kiện mưa lũ Trường Sơn. Phải dự tính cả trường hợp phải chôn “hàng" xuống đất, vùi "hàng" xuống bùn, ngâm hàng trong nước mà vẫn không bị gỉ sét. Tổ kỹ thuật áp dụng cách bôi ngập mỡ bảo quản, dùng vải nhúng paraphin cuốn 3 lớp, rồi dùng bao nylon bọc chặt. Đem dìm xuống tận đáy sông Tô Lịch, mười lăm ngày sau vớt lên, kiểm tra hàng bên trong vẫn khô ráo là đạt yêu cầu...

Thiếu tướng Võ Bẩm:

“... Chúng tôi lấy một cái bốt cũ của Pháp ở Kim Lũ làm kho vũ khí và nơi làm việc của bộ phận quân y. Tôi nghĩ đến trường hợp đã đưa súng vào ở trong kia rồi, chưa kịp phân phối mà bị địch càn thì sao nếu không bao gói bảo quản tốt? Vừa định thí nghiệm việc bao gói bảo quản thì rất may tôi nhận được điện bên Bộ Công an vùa khai quật được một hầm súng của Pháp chôn giấu lại để giao cho bọn gián điệp hoạt động.

Tôi đến gặp anh Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bổ Công an, Tư lệnh Công ơn vũ trang, xin được một bộ súng, một hòm đạn. Tôi và đồng chí Linh mở ra xem cách thức bao gói. Chúng tôi đã lấy hai khấu súng trường của mình, và một hộp đạn, cũng bôi mỡ, bọc gói làm theo đúng như vậy rồi đem tới một chỗ kín đáo ở sông Tô Lịch thả xuống. Một tháng sau chúng tôi vớt bó súng đó lên xem, không có hoen gỉ. Từ đó các bao vũ khí gửi vào Nam chúng tôi đều làm như vậy. " (Võ Bẩm. Mở đường Hồ Chí Minh, sđd, tr.55-56.)

Cục Quân nhu cử một Phó Cục trưởng trực tiếp tổ chức nghiên cứu chế biến lương khô, thực phẩm đi B. Thời gian đầu, Cục đặt cơ sở chế biến ở một xóm thưa dân kề hốc núi thuộc xã Thạch Vĩnh gần nông trường Thạch Ngọc (Hà Tĩnh). Cục còn tổ chức một bộ phận chuyên may trang phục các dân tộc Trường Sơn để cấp cho Đoàn 559...

Cục Quân y cử Phó Cục trưởng đặc trách tổ chức sản xuất, đóng gói các cơ số thuốc điều trị chiến thương, sốt rét, trúng độc, lở loét... gửi đi B và cấp cho Đoàn 559.

Cục Tài vụ cử Phó Cục trưởng chuyên lo kinh phí "mật" cho Đoàn 559. Việc thanh toán thời kỳ này không phải qua các cơ quan chức năng, mà trực tiếp làm việc với bộ phận cán bộ của Thường trực Quân ủy và Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất Trung ương (có quy định các tiêu chuẩn và phương thức thanh toán).

Về mặt tài chính có một bộ phận chuyên trách việc tính toán các định mức chi phí và thẩm định các khoản chi. Chẳng hạn: Lấp một hố bom sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu thì cần bao nhiêu mét khối đất, đá, cần bao nhiêu công. San một đoạn đường, xẻ một đoạn đèo... cần bao nhiêu mìn, bao nhiêu máy ủi, bao nhiêu nhân công, bao nhiêu nhiên liệu, lương thực...

Loại công việc này do một đơn vị đặc biệt gồm những cán bộ chuyên môn của Ngân hàng Kiến thiết trực tiếp phụ trách. Mỗi đơn vị, mỗi công trường của Đoàn 559 đều có một bộ phận của Ngân hàng Kiến thiết trực tiếp quản lý về mặt hạch toán. Bộ phận này hoạt động như một đơn vị trực chiến. Có thể hình dung một phần công việc của bộ phận này qua những đoạn hồi ký sau đây:

Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Nguyễn Văn Doãn kể:

"Từ đầu thập kỷ 70, ta đã triển khai tiếp một số công trình, có mật danh là công trình 70/1 và 70/2 để làm đường mòn Hồ Chí Minh. Ngân hàng Kiến thiết đã thành lập chi nhánh cấp phát cho công trình 70/1 - 70/2, Giám đốc chi nhánh này là Ngọc Thanh Quang, quê Thanh Hóa... Nguồn vốn là từ ngân sách Nhà nước. Chế độ quyết toán vẫn như cũ, nhưng khẩn trương đơn giản và vẫn phải làm tốt công tác thẩm định. kiểm tra, bám sát hiện trường..." (Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Doãn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam tại trụ sở Ngân hàng Đầu tư Và Phát triến Việt Nam, ngày 15/402006)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:13:56 am »

Ông Phạm Xuân Tiến, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng Bình viết:

“Chúng tôi nhận kế hoạch của phòng Chuyên quản công trình 70/1 trực thuộc Trung ương, thực hiện một chuyến công tác ở đường 10 (Quảng Bình), là tuyến đường chính được Trung ương tập trung chỉ đạo bảo đảm giao thông cho việc chuyển vận vũ khí, hàng hóa vào chiến trường.

Anh Trịnh Lương Tá - Trưởng phòng Chuyên quản 70/2 nói: "Lần này các đồng chí được cử vào đường 10 là nơi ác liệt, ở đó anh chị em dân công, anh chị em thanh niên xung phong đang từng giờ đội bom sẵn sàng thông tuyến. Chúng ta cũng đến đó nhưng đến với trách nhiệm của người cán bộ cấp phát cho công trường. Mặc dù công trường đó phải đổi bằng máu xương nhưng không vì thế mà chúng ta buông lỏng quản lý kinh phí đầu tư, coi thường trách nhiệm giám sát."

“Chúng tôi làm việc trong một cơn hầm. Khi làm việc với ban chỉ huy công trường và bộ phận tài vụ thì gặp nhiều điều không lường trước: Đã sơ tán hết chứng từ vào rừng sâu. Bây giờ khó lục lại. Chúng tôi chia làm hai tổ xuống hiện trường thị sát.

Mặc dù chứng từ không có trong tay, nhưng những trang nhật ký nơi các tổ canh bom là những chứng từ "sống" giúp cho công việc đối chiếu mở ra hướng mới: Vừa ghi chép lại nhật ký, vừa thị sát các loại hố bom và hình thành một ba-rem tính toán nhanh nhất từng ngày.
Chỉ mới qua một ngày thị sát, đã thấy con số chênh lệch lộ ra quá lớn, càng làm cho chúng tôi tự tin hơn, có trách nhiệm hơn và càng thấy việc làm của mình là đúng." (Tài liệu phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.)

Người thì xuất phát từ nhiều địa điểm khác nhau. Có đơn vị đi tàu thẳng từ Phú Thọ vào Thanh Hóa rồi đi xe ô tô vào Vĩnh Linh. Có đơn vị thì đi thẳng bằng ô tô từ một cơ sở tại Phủ Lý vào đến giới tuyến. Tất cả đều bí mật, ngay cả trên đất Bắc.

Đại tá Nguyễn Danh:

"Cuối tháng 05/1959, đơn vị lên tàu ở ga Tiên Kiên, mọt ga nhỏ trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai. Không có ai tiễn đưa, cảnh ra đi đơn giản như một cuộc chuyển quân bình thường ở hậu phương. Về Hà Nội, cũng không ra phố, chỉ đứng lại ở ga Hàng Cỏ mấy tiếng đế đợi tàu rồi đi luôn vào Thanh Hóa. Từ Thanh Hóa trở vào phải đi xe ô tô. Đến Đồng Hới phải dừng lại một đêm ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325. Sáng sớm hôm sau đi thẳng vào khe Hò, một khu rừng đại ngàn ở phía tây Vĩnh Linh.

Chỉ trong có mấy hôm, Vĩnh Linh đã cấp cho chúng tôi mỗi người một bộ quần áo bà ba đen, một đôi dép cao su, một tấm vải nylon che mưa. Chưa có mũ tai bèo, thôi thì để đầu trần. Đèn pin thì đem gò lại làm cho mất hai chữ Rạng Đông và dấu hiệu mặt trời mọc. Thuốc lá Điện Biên và Tam Đảo phải cắt bỏ đầu có chữ, bọc vào túi nylon. Chúng tôi phải bó lại tất cả mọi thứ giấy tờ, cấm ghi chép. Việc viết thư về gia đình chỉ được nói chung chung rằng mình bây giờ ở Quảng Bình. Tha hồ nói chuyện yêu thương mong nhớ, chỉ cấm mỗi chuyện là không được tả cảnh nơi mình ở..."

Xe cộ chở "hàng" thì xuất phát từ Xuân Mai, Hòa Bình... từ các địa điểm này, xe chở hàng và người đi vào tận khe Hò (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Khe Hò là điểm bắt đầu con đường mòn Hồ Chí Minh, chạy dọc theo dãy Trường Sơn, đến các chiến trường ở miền Nam.

Ở vùng Tây Nam Quảng Bình, Đoàn 559 đưa cán bộ vào chuẩn bị lập căn cứ tiếp nhận các loại hàng chi viện chiến trường. Để giữ bí mật, Đoàn lấy danh nghiã "các đội khai khẩn lâm trường."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:14:53 am »

Đến tháng 10 năm đó, căn cứ xuất phát được dời ra phía Nam Quảng Bình, đặt tại làng Ho để tiện phối hợp cả phía Đông với phía Tây Trường Sơn

Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn là những đường chưa có lối, rẽ núi, băng rừng. Phương châm mở đường là "xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà xoi, không được trùng với các lối mòn cũ ". Lời của một câu hát trong bài ca Trường Sơn: "Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người..." là hoàn toàn đúng với sự thật của thời kỳ này.

Kỷ luật tối cao lúc đó là không để lại dấu vết, theo nguyên tắc "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", nhằm tuyệt đối giữ bí mật cho con đường có ý nghĩa sống còn với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Phương tiện vận chuyển lúc đó hoàn toàn là đi bộ, mang vác trên vai, theo phương pháp gùi thô sơ. Mỗi chuyến đi gồm 25 - 30 người, mang theo 25, 30 chiếc gùi.

Đường Trường Sơn tuy thô sơ nhưng cũng đã được tổ chức thành nhiều trạm. Mỗi trạm cách nhau một ngày đường. Các trạm không biết địa điểm của nhau. Khi tới nơi chỉ gặp một người liên lạc để giao hàng và giao người, rồi trở ra. Sau đó hàng và người đi đâu, theo đường nào là việc của trạm tiếp theo. Tuyến đường cũng không cố định, nhằm không tạo ra các lối mòn...

Giai đoạn đầu, tuyến đường gồm tất cả chín binh trạm, hai trạm ở phía Bắc sông Bến Hải, bảy trạm ở phía Nam sông đó:

Trạm 1: Khe Chu Kế (gần suối nước nóng) cách khe Hò khoảng 1km, hằng ngày nhận "hàng” rồi gùi theo đường động Nóc vào làng Một.

Trạm 2: Làng Mít qua Bôhôsu đi Làng Cát.

Trạm 3: Làng Cát - Bắc Chăng Hin (ở bắc động Voi Mẹp), còn gọi là động Hàm Nghi, vì đây là nơi vua Hàm Nghi đặt căn cứ kháng Pháp, hạ chiếu Cần Vương.

Trạm 4: Chăng Hin - đỉnh động Voi Mẹp. Đoan này đường rất dốc. Điểm đặt trạm 4 ở ngay trên đỉnh 1.600 (núi Chăng Hin). (Đỉnh 1.600 là quy ước trên bản đồ của Đoàn 559, vì có độ cao 1.600 m so với mực nước biển.)

Trạm 5: Nam đỉnh Voi Mẹp - làng Cát Sứ, bắc đường 9.

Trạm 6: Qua động Cà Lư, men suối Cà Lư (Ta Lư) vượt đường 9 đến làng Rào Kề, sông Ba Lòng.

Trạm 7: Ba Lòng - Aso.

Trạm 8: Aso - Tà Rụt (bản đồ ghi Tà Riệt), hậu cứ Trị Thiên và Khu V. Điểm giao nhận ở Ly Tông.

Trạm 9: Tà Riệt - Palinh (bản đồ ghi Palin) - bắc A Lưới (cao điểm 946), nơi giao hàng nhập kho của Khu V.

Ngày 20/07/1959 rải xong 9 trạm: Bắc đường 9 có năm trạm, vượt đường 9 đặt một trạm, nam đường 9 có ba trạm.

Đại tá Nguyễn Danh nói về các trạm lúc đó:

"Gọi là trạm thực ra chi là một góc rừng quy ước với nhau để đến đó giao hàng, chứ có lều lán gì đâu! Mùa khô ráo, anh em gom lá cây lại, lót tạm mỗi người một cái ổ, hệt như ổ lợn rừng, lúc nào ngủ thì rúc vào đó. Vài ba ngày sau rời trạm sang góc rừng khác, lại phải tãi ổ ra, trả lại lá rừng như cũ để xóa dấu vết. Khổ cực nhất là những tháng mùa mưa, có đêm phải trùm kín nylon ngồi dựa lưng vào gốc cây mà ngủ vạ ngủ vật. Chúng tôi sống như vậy không phải một tháng, một năm mà những ba năm liền...”
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:15:41 am »

Những quy chế phải tuyệt đối tuân thủ là:

- Từ trạm 1 vào trạm 3 gùi ban ngày dưới rừng già. Tuyệt đối không để lộ khói, không đi ra chỗ trống, rừng thưa.

- Từ trạm 4 vào đi ban đêm, cài gỗ mục phát sáng vào gùi người đi trước để khỏi bị lạc. Đặc biệt đối với hai trạm 5 và 6, nằm hai bên Nam Bắc đường 9, đội tải phải chờ tín hiệu cảnh giới cho phép vượt qua. Cách vượt đường là: mỗi người có hai miếng gỗ mỏng lót dưới bàn chân, khi qua đường phải đi "ngồi", vừa ngồi vừa lết qua đường để không có vết chân ngang đường.

Trường hợp dẫn "khách" đi đông, giao liên phải trải 1 tấm nylon ngang đường. Toàn bộ qua hết, tốp giao liên sau cùng sẽ thu nylon lại, xóa sạch dấu vết. Gặp khi quân địch liên tục qua lại trên đường 9, để tránh bất ngờ đụng địch, hai trạm 5, 6 đã tìm sẵn đường chui cống khe cạn để vượt đường.

- Khi vượt sông, trạm giao liên đã kết sẵn những thân cây chuối làm bè chở “hàng" Người thì lần dây, người thì đẩy bè qua sông. Vượt xong phải dỡ bè, cất ở một nơi bí mật.

- Trên đường đi không được bẻ cây, vặt lá, không để lộ bất cứ một dấu vết gì. Người đi sau cùng phải khoả cây lấp lối. Không được hút thuốc, nói chuyện. Khi cần thiết trao đổi phải rỉ tai, hoặc ra hiệu, kết hợp với cách nói không thành tiếng.

Trong việc giao nhận "hàng" giữa các trạm, dù ban ngày cũng phải dùng tín hiệu, mật khẩu. Dù đã quen biết nhau rồi thì khi làm việc cũng vẫn phải theo quy định (mật khẩu, tín hiệu luôn thay đổi). Hai trạm 5, 6 (nam, bắc đường 9) nhất thiết chỉ giao nhận "hàng" vào ban đêm, nếu gặp sự cố lỡ cung độ, thì phải tìm chỗ ém để giao nhận hàng vào đêm sau.

Chỗ ở của từng đội không cố định. Ngủ, nghỉ không tập trung quá ba người. Nấu ăn ban ngày vào lúc chạng vạng, không được để bốc khói. Đêm tối không được có ánh lửa .

Chuyến hàng đầu tiên xuất phát từ Kim Lũ ngày 20 tháng 7 năm 1959, với 15 xe tải bịt kín, đi theo quốc lộ số 1 vào phía Nam, rẽ theo đường 15 tới khe Hò. Từ đây hàng được giao cho tiểu đoàn đặc nhiệm 301 phụ trách gùi dần từng đợt qua đường bộ. Số hàng đó được gùi thồ từng đợt tới trạm số 9 ở Palin, phía Bắc A Sầu, giao cho Khu ủy Khu V, gồm vũ khí, thuốc chữa bệnh, công văn, thư tín. Đến ngày 20 tháng 8 năm 1959 chuyến hàng gùi thồ đầu tiên gồm 32 gùi, mang được 20 khẩu súng tiểu liên, 20 khẩu súng trường, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường, 10 gùi công văn, tài liệu...

Võ Bẩm :

“Đặt trạm xong, chúng tôi bồi hồi theo dõi việc vận chuyển vũ khí. Hằng ngày tôi đọc những bức điện của đồng chí Chữ gửi về. Những tờ điện màu hồng nhạt thường đem đến cho tôi niềm vui. Hôm ấy là ngày anh em vận chuyển đến trạm cuối cùng, chúng tôi chờ điện như chờ báo tin kết thúc trận đánh. Đồng chí liên lạc đưa cho tôi một bức điện có mấy dòng chữ ngắn ngủi: "20-8-59 chúng tôi đã giao hàng ở Palin an toàn. Tô Đăng Chữ." Tôi muốn reo ầm lên vì vui mừng..."

Tính đến hết năm 1959, Tiểu đoàn 301 hoạt động được 4 tháng rưỡi (13/08 - 31/12/1959), đi được 8 chuyến trót lọt. Tổng số hàng gồm 1.667 súng trường, 712 tiểu liên, 72 trung liên, 21súng giảm thanh, 850 súng ngắn với 250.000 viên đạn các loại, 180 kg thuốc TNT kèm ngòi nổ, 750 dao găm, 340 kìm cắt dây thép gai, 40 ống nhòm, 65 địa bàn, 26 bản đồ Khu V Tây Nguyên. Lào, Đông Bắc Campuchia. Số hàng đó được Khu ủy Khu V tiếp nhận và vận chuyển tiếp vào Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ.

Cũng trong năm 1959, trên tuyến này, Đoàn 559 đã đưa được 542 cán bộ và chiến sĩ từ miền Bắc vào Nam đề nhận nhiệm vụ trên các chiến trường miền Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:16:36 am »

3. Từ một tuyến thành một hệ thống, từ gùi thồ đến cơ giới

Qua hai năm vận chuyển, đến 1961, sau thời kỳ Đồng khởi, nhu cầu chi viện cho miền Nam tăng lên vượt bậc. Đối phương cũng đã đánh hơi thấy tuyến đường này nên tổ chức lùng sục, càn quét ráo riết.

Về người hy sinh đầu tiên của Đoàn 559, Đại tá Nguyễn Danh kể:

“Đầu năm 1950, trạm 6 bị bọn thám báo bám đuôi, về gần đến trạm, anh em phát hiện địch, không thể tránh vào đâu nữa, đành phải nổ súng. Hai đồng chí chạy thoát. Đồng chí Trường đi sau bắn yểm hộ, bị trúng đạn và sa vào tay giặc. Trường đã chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Anh đã bị chúng thủ tiêu sau khi đã dùng đủ cực hình tra tấn mà không khai thác được một chút tài liệu nào. Nếu tôi không nhầm thì đó chính là người chiến sĩ đầu tiên ngã xuống trên tuyến đường vận tải vượt Trường Sơn...”

Vì thế trên tuyến đường này, tuy đã giữ bí mật tuyệt đối, hạn chế cường độ vận chuyển ở mức mỗi đợt không quá 25 gùi, số người đi không quá một tiểu đội một lần..., nhưng cũng vẫn bị ách tắc nhiều tháng. Do tình hình đó, Ban Cán sự Đảng Đoàn 559 đã tính đến việc mở một tuyến khác, tạt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, theo quốc lộ số 9, vượt qua đèo Lao Bảo sang đến Mường Phin trên đất Lào.

Võ Bẩm:

“Đầu năm 1960, địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, vì anh em vận tải trong khi giao nhận hàng đã bỏ quên một bó súng ở gần Khe Sanh. Địch đã mở một trận càn cấp trung đoàn. Tuy địch không phát hiện thêm được gì nhưng công việc vận chuyển cũng phải dừng lại một thời gian.

Một lần, tôi được lên báo cáo trực tiếp với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đồng chí gợi ý: "Thử nghĩ xem có con đường khác nào có thể tránh được sự tuần tra rình mò của địch không?"

Gợi ý đó đã bật ra một tia sáng trong ý nghĩ của tôi: Nếu như mở một con đường sang phía Tây Trường Sơn đi nhờ đất bạn thì chắc bọn ngụy miền Nam khó bề nhòm ngó. Nghĩ vây tôi tổ chức một bộ phận cùng tôi luồn rừng tìm đường sang phía Tây Trường Sơn.
Khoảng tháng 1 năm 1961, tôi trở về Hà Nội, tạt vào thăm anh Trần Lương, nhân thể hỏi ý kiến anh về việc chuyển con đường chiến lược sang phía Tây Trường Sơn. Anh Lương nói: "Việc này tôi đã được giao liên hệ với Đảng bạn. Tôi đã đến gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng bạn và được các đồng chí đồng ý..."

Tháng 5 năm 1961, tuyến đường này đã được khai thông, dài khoảng gần 100 km từ đường 9 đến Mường Phalan, nối Trung Lào và Hạ Lào. Trên tuyến đường này, việc vận chuyển đã bắt đầu sử dụng được ngựa thồ, voi thồ, xe thồ và một số xe cơ giới.

Trong năm 1962 trên những tuyến vận tải này, Đoàn 559 đã đưa vào tới các chiến trường 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đón và đưa gần một vạn cán bộ vào và ra. Cũng từ năm 1962, phần lớn các thương binh nặng đã được chuyển từ chiến trường miền Nam ra Bắc để điều trị bằng tuyến đường này.

Đến cuối năm 1963, công binh đã mở thêm tuyến đường 129 trên đất Lào, nối quốc lộ 12 từ Hà Tĩnh sang với quốc lộ số 9 từ Quảng Trị sang. Từ đó, việc vận chuyển được sử dụng chủ yếu bằng xe cơ giới.

Năm 1960, Bộ Chính trị cử ông Trần Văn Quang, ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Cục trưởng Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu vào Nam Bộ, phụ trách quân sự toàn Miền. Cùng đi với ông có gần 600 cán bộ khung cơ quan Miền (khung hai trung đoàn chủ lực và khung tăng cường các tỉnh, các cơ sở...) Đó cũng là lúc Liên Xô phóng con tàu Phương Đông đầu tiên vào vũ trụ (12/04/1961). Các cán bộ trong đoàn kiến nghị đặt tên đoàn là "Đoàn Phương Đông."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:17:18 am »

Đến năm 1961, Đoàn 559 đã phát triển từ một đơn vị nhỏ cấp tiểu đoàn lên thành một đơn vị tương đương cấp sư đoàn, gồm hai trung đoàn, một đại đội ô tô vận tải (trung đoàn 70 gồm 2.563 người, trung đoàn 71 gồm 1.308 người). Hàng ngàn thanh niên của các tỉnh miền Bắc đã được động viên vào nhiệm vụ này. Có tỉnh như Hà Tĩnh, riêng năm 1964 đã động viên tới 1.000 thanh niên tham gia Đoàn 559.

Về trang bị, Đoàn 559 có 24 ô tô, 650 xe đạp thồ, 1.733 súng trường, 1.100 súng tiểu liên, 15 trung liên, 313 súng ngắn, 3.222 lựu đạn, 40 lựu chống tăng, 380 mìn. Số vũ khí này chủ yếu trang bị cho đơn vị trinh sát, bảo vệ, còn lực lượng vận tải chỉ có 50% súng, mọi người đều đủ lựu đạn.

Phương tiện thông tin rất yếu, chưa có điện thoại đến các đơn vị vận tải chiến đấu. Chỉ huy toàn bằng VTĐ 15 w, máy bộ đàm (có 5 chiếc) và liên lạc chạy chân.

Tiếp theo bộ khung của Đoàn Phương Đông, đến năm 1963, ngoài một số lượng rất lớn vũ khí, đạn dược, quân nhu phục vụ cho các chiến trường, thì tuyến Trường Sơn lần đầu tiên đã mở đường cho "đại quân" từ miền Bắc vào Nam. Số cán bộ và chiến sĩ được huấn luyện chính quy từ miền Bắc đưa vào là 40 nghìn người. Quân số này chiếm tới 50% tổng số bộ đội tập trung ở toàn miền Nam và chiếm tới 80% số cán bộ ở các cơ quan chỉ đạo thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đây là một lực lượng cực kỳ quan trọng, tạo ra sực mạnh mới ở miền Nam.

Cũng trong năm 1963, trên tuyến đường này, Đoàn 559 đã chuyển được vào Nam 160 nghìn cỗ súng các loại, trong đó có pháo cối, DKZ... Những lực lượng này đã góp phần quyết định cho những chiến thắng vang dội của những năm kế tiếp 1964, 1965 như chiến thắng Đồng Xoài, Bình Giã, Ba Gia... Đến lúc này, tổng quân số của Đoàn 559 đã lên đến 6.997 người. Trang bị phương tiện vận tải gồm có 1.900 chiếc xe đạp thồ, 3 thớt voi, 40 con ngựa thồ, 70 ô tô vận tải... 

Tính đến cuối năm 1964, đường mòn Hồ Chí Minh đã được xây dựng và nối dài gồm 781 km đường ô tô, hơn 600 km đường giao liên và gùi thồ. Một mạng lưới vận tải từ Đông sang Tây Trường Sơn cũng đã hình thành, với hệ thống ba đường song song: Đường giao liên, đường vận tải gùi thồ và đường vận tải cơ giới, gồm những trục đường chính và những đường nhánh đi vào các chiến trường.

Đến năm 1965, để đối phó với quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Bộ Quốc phòng quyết định nâng Đoàn 559 lên cấp Quân khu và cử Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Đại tá Võ Bẩm làm Phó Tư lệnh. Đại tá Vũ Xuân Chiêm làm Phó Chính ủy... Từ đây, đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ thống đường chiến lược cơ giới, gồm ba tuyến liên hoàn, đảm bảo vận chuyển suốt bốn mùa, kể cả mùa mưa. Ba tuyến này là:

Tuyến 1 (mật hiệu là S1) đi từ khe Ve đến Xê-pôn ở phía Bắc đường 9. Nhiệm vụ của tuyến này là đảm bảo mỗi đêm đưa được một chuyến hàng từ đèo Mụ Giạ ở biên giới Việt - Lào thuộc Quảng Bình đến Ba-na-phào. Hai đêm đưa một chuyến hàng từ cột cây số 50 đến cột cây số 31. Mỗi đêm một chuyến từ Ba-na-phào đến La-phi-lang trên đất Lào.

Tuyến 2 (S2) đi tiếp từ đường 9 đến Bắc Bạc. Tuyến 2 này có ba cánh: Một cánh từ đoạn Mường Phin - Bản Đông qua La Thạp đến Bạc, nhằm giao hàng cho Khu V, chủ yếu dùng cơ giới, do hai binh trạm cơ giới phụ trách. Một cánh chéo xuyên từ Làng Ho xuống bản Đông, hoàn toàn dùng xe thồ, do một binh trạm thồ phụ trách. Rồi từ Bản Đông lại dùng cơ giới đưa hàng xuống đến La Thạp. Từ La Thạp lại theo đường B45 hoàn toàn dùng thồ, do một binh trạm thồ phụ trách. Cánh này có nhiệm vụ giao hàng cho Trị Thiên, đi qua A Túc, Tà Riệt và động Con Tiên (có bản đồ ghi là động Cồn Tiên) vào các căn cứ của Trị Thiên ...(Trong cuốn Lịch sử giao thông vận tái Việt Nam (sđd), trang 182 ghi Cồn Tiên là nhầm. Cồn Tiên là một khu căn cứ của quân đội Sài Gòn ở phía Nam sông Bến Hải, không lý nào đã đưa hàng vào đến đường 9 rồi lại chở ngược chiều ra Cồn Tiên! Còn động Con Tiên là một địa danh ở sâu hơn 200 km về phía Nam, đó là con đường tiếp tế cho Trị Thiên (xem bản đồ 1, 2, 3 phụ bản).)

Tuyến 3 (S3) từ Bắc Bạc tới Tà-xẻng. Nhiệm vụ là đưa hàng theo trục đường 138 từ Bắc Bạc tới Tà-xẻng, rồi theo đường C4 thuộc Hạ Lào và vào đường B.46 từ Chà Vằn (Chavnane) tới Khâm Đức, tức là đã vào tới Kontum (Xem bản đồ 1, 2, 3, phụ bản).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:18:01 am »

Mỗi tuyến kể trên có một Bộ Tư lệnh, có lực lượng tương đương một sư đoàn với đủ các loại lực lượng phối hợp: Công binh làm đường, vận tải kho giao liên, và bộ đội chiến đấu bảo vệ đường bộ. lực lượng phòng không để đánh máy bay .

Đến lúc này hệ thống Đoàn 559 đã có quân số lên tới 3 1.762 người, trong đó có 27.462 quân nhân, 4.500 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Tổng trang bị của đoàn có 2.972 ô tô, trong đó 2.100 xe tải hàng, 872 xe phục vụ chiến đấu công tác, có 190 khẩu súng phòng không gồm 79 khẩu pháo, 111 súng máy, 138 phương tiện công binh gồm 53 máy ủi, 34 xe phóng từ (do Liên Xô chế tạo chuyên dùng cho việc phá bom từ trường).

Đến thời kỳ 1968 - 1972, quân số của Đoàn 559 đã tăng gấp hơn 2 lần, gồm 68.726 người, trong đó có 58.726 quân nhân, 10.000 thanh niên xung Phong và công nhân giao thông. Tổng số trang bị là 6.490 xe ô tô, gồm 4.100 xe chở hàng, 2.390 xe phục vụ chiến đấu, 842 súng pháo phòng không gồm 419 cao xạ pháo và 423 súng máy, 461 phương tiện công binh gồm 138 máy ủi, 98 xe phóng từ...
Về tình hình này, Cơ quan tình báo Trưng ương Mỹ (CIA) đánh giá như sau:

"Do hệ thống đường cần sửa chữa trở nên dài hơn và tuyến đường mới mở đã kéo đến tận những vùng rừng núi thuộc biên giới Việt Nam, lượng nhân công đã giảm. Cơ quan tình báo Trung ương (the Central Inlelligence Agency) vào năm 1967 đã ước tính con số nhân công phục vụ cho việc xây dựng con đường mòn là 23.000 người. Đến tháng 1 năm 1968, con số ước tính trên đã giảm xuống 11.500.

Một trong những nguyên nhân không phải do độ dài đang được xây dựng của con đường mà là sự đóng góp của những thiết bị cơ giới. CIA thừa nhận rằng không thể nào xác định được những trang thiết bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng không chắc chắn về con số chính xác, nhưng dự đoán Đoàn 559 đang sử dụng 20 máy ủi đất, 11 máy san đường, 3 máy đập đá, và 2 xe lu trong suốt mùa khô của những năm 1967- 1968. Số lượng thiết bị chắc hẳn đã tăng theo thời gian...”

Đến thời kỳ 1973 - 1975, sau khi ký Hiệp định Paris, quân số Đoàn 559 lại tăng lên gấp đôi so với thời kỳ trước, gồm 112.722 người, trong đó có 97.500 quân nhân, 15.200 thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến. Tổng quân số năm cao nhất đã lên tới 145.200 người, trong đó có 100.495 quân nhân, 44.295 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.

Từ 1974 cho đến 30/04/1975, Đoàn 559 chịu trách nhiệm quản lý sử dụng tất cả các trục giao thông trong vùng mới giải phóng. Tổng trang bị năm cao nhất của thời kỳ này là 15.939 ô tô, gồm 8.218 xe chở hàng và chở bộ đội cơ động, 7.721 xe phục vụ chiến đấu, 1085 súng pháo phòng không, trong đó có 661 đại bác và hỏa tiễn, 424 súng máy, 1.010 phương tiện công binh gồm 141 máy ủi. 72 xe phóng từ...

Từ đầu năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, có một giai đoạn tương đối hòa bình thuận lợi cho việc vận chuyển và xây dựng đường sá. Tuyến đường Trường Sơn được phát triển thành đường tiêu chuẩn quốc gia cấp 4 miền núi, xuyên suốt Bắc - Nam, bắt đầu từ Tân Kỳ thuộc Nghệ An và kéo dài 1.300 km tới Chơn Thành thuộc Bình Phước.

Trong sự nghiệp phát triển đường Trường Sơn thời kỳ này, lần đầu tiên có sự tham gia trực tiếp của người nước ngoài: Đó là các chuyên gia cầu đường của Cuba. Tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Fidel Castro sang thăm Việt Nam và có vào thăm đường Trường Sơn. Sau đó ông quyết định cử chuyên gia sang đóng góp với Việt Nam trong việc xây dựng một số đoạn chính trên tuyến đường này. Có 43 cán bộ Việt Nam được cử sang học tại Cuba trong 2 tháng. Đến tháng 11 năm đó, số người này trở về cùng 23 chuyên gia của Cuba. Tất cả đã trực tiếp tham gia xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp một số đoạn chính của đường Trường Sơn.

Lực lượng bộ đội Trường Sơn lúc này đã lên tới 2 sư đoàn ô tô vận tải, 3 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn pháo binh cao xạ, 1 sư đoàn bộ binh và đoàn chuyên gia 565 tương đương 1 sư đoàn, 12 trung đoàn đường ống... Tất cả là 8 sư đoàn, 80 trung đoàn, 8.212 ô tô vận tải, 2.000 xe đặc chủng, 240 khẩu cao xạ. Tổng số quân lực là gần 110 ngàn người, trong đó có 11 ngàn là nữ...

Trên các tuyến này đã kết hợp sử dụng gần như tất cả các loại phương tiện khác nhau. Những nơi có thể vận chuyển bằng đường hàng không thì dùng máy bay chở thẳng từ ngoài Bắc tới Xê-pôn và một số địa điểm khác. Từ đó, các đoàn xe cơ giới vận chuyển tiếp tới nơi nào không còn đường cho ô tô đi thì dùng xe thồ. Không có đường xe thồ thì dùng phương pháp gồng gánh, gùi thồ để đi tiếp ...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:19:51 am »

4. Sức mạnh, quyết tâm và sự đánh phá của Mỹ


Nếu chỉ nói đến số tấn đã vận chuyển và số kilomet chiều dài của những tuyến đường thì có lẽ chưa thấy hết được sự cam go của sự nghiệp lớn lao này, do đó cũng chưa nói lên hết được tầm cao của cuộc đấu trí có tính chất thời đại đó. Phải nói rằng đây là sự thách đố với một đỉnh cao của kỹ thuật Mỹ và được chi trả bằng những núi của cải của một nước giàu nhất thế giới, mà theo cách nghĩ thông thường của thế giới lúc đó thì khó có đối phương nào chịu đựng nổi.

Từ khi Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam thì việc đánh phá ngăn chặn con đường Trường Sơn được thực hiện bằng những phương pháp hoàn toàn mới, với những vũ khí và phương tiện mà trên thế giới chưa từng biết tới. Từ thực tiễn của con đường này, khoa học chiến tranh Mỹ còn nghĩ ra những biện pháp mà tưởng như không ai chống đỡ được. Hầu như tất cả nền khoa học quân sự của Mỹ đã tập trung nghiên cứu để quyết thắng trong cuộc đọ sức này.

Có thể kể đến một số phương tiện và biện pháp chủ yếu mà Mỹ đã dùng đến ở đây:

4. 1. Không quân

(Khi tìm hiệu và khai thác các tư liệu Mỹ về khía cạnh này, tác giả đã được sự giúp đỡ chân tình về tư liệu của ông Nguyễn Kỳ Phong, tác giả cuốn sách nối tiếng Vũng lầy toà Bạch ốc. Người Mỹ và chiến tranh Viet Nam 1945-1975, xuất bản tại Virginia năm 2006. Nhân đây xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới ông Nguyễn Kỳ Phong)

Không lực Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thuộc hai binh chủng khác nhau:

Không quân thuộc Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược (Strategic Air Command): Trực thuộc Bộ Tư lệnh này có nhiều đơn vị. Tham gia trực tiếp tại chiến trường Việt Nam là Đơn vị Không lực số 7 (The Seventh Air Force). Đây là đơn vị lớn nhất của Không lực Mỹ, nó gồm 7 Không đoàn tác chiến và 1 sư đoàn vận tải, với tổng số hơn 1.000 máy bay các loại. Không lực số 7 là đơn vị chủ chốt trong việc oanh tạc miền Bắc Việt Nam và các vùng có chiến sự ở miền Nam.

Không quân của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương (The Seventh Fleet): với 19 Hàng không mẫu hạm lần lượt tham chiến ở Việt Nam, mỗi hàng không mẫu hạm đó có từ 70 đến 90 máy bay chiến đấu. Lực lương không quân trên các hàng không mẫu hạm chịu sự điều khiển của Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại Việt Nam (Military Assistance Command, Vietnam, viết tắt là MACV), mà thuộc về quyền của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, có trách nhiệm tham gia các kế hoạch đánh phá miền Bắc, giội bom các tuyến đường thủy và bộ Bắc - Nam...

Không lực 7-13 (The Seventh - Thirtenth Air Force): là một đơn vị đặc nhiệm trực tiếp "phụ trách" các tuyến đường Trường Sơn. có bản  doanh ở Udon, Thái Lan. Về nguyên tắc nó nằm dưới quyền điều khiển của The Seventh Air Force, nhưng về danh nghĩa nó là một đơn vị riêng, vì nó có trách nhiệm đánh phá cả những vùng ngoài lãnh thổ Việt Nam như Lào và Campuchia (vì theo quy định của luật pháp Mỹ thì khi chưa được Quốc hội Mỹ chuẩn y thì Seventh Air Force không được làm việc đó).

Không lực 8: Bộ Tư lệnh của không lực nằm ở căn cứ không quân Andersen, đảo Guam, phụ trách các phi vụ pháo đài bay B.52, dưới quyền điều khiển trực tiếp của Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược. Không lực 8 có 8 không đoàn B.52 và 4 phi đoàn KC.135 dùng để tiếp nhiên liệu trên không cho các phi cơ bay đường xa. Không lực 8, trong cao điểm của cuộc chiến - trận bom Linebacker I và II vào năm 1972 - có đến 200 pháo đài B.52 và 6 phi đoàn hỗ trợ phụ thuộc. (Theo Carl Berger. The US Air Force in Southeast Asia: 1961-1973. An Ilustrated Account. Wasshington D.C. 1981 (Trích theo Nguyễn Kỳ Phong trong Vũng lầy tòa Bạch ốc.... sđd).)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:20:25 am »

Chống một đối phương như thế không phải là điều dễ dàng. Trong thực tế từ năm 1965, việc vận tải qua Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn Thời gian đầu, những cuộc đánh phá của không quân Mỹ đã phát huy hiệu quả đáng kể. Nhiều khi cái chết ập đến thật bất ngờ, không chỉ với bộ đội, công binh, thanh niên xung phong mà với bất cứ ai đang hoạt động trong khu vực: Bác sĩ, giáo viên, nghệ sĩ, cán bộ ngân hàng, thương nghiệp ...

Một trong những người chỉ huy bộ đội Trường Sơn lúc đó là Đại tá Phan Hữu Đại nhận xét:

"Thời gian đầu, những biện pháp chiến tranh phát triển quá nhanh mà ta chưa kịp thích ứng, chưa nhận thức đúng chỗ mạnh chỗ yếu của đối phương nên đối phó theo xu hướng phòng chống là chủ yếu. Thời kỳ này, không quân Mỹ tự do bắn phá, gây tắc đường, vận tải ì ạch, xe cháy, bộ đội hy sinh nhiều, khiến tâm lý hoang mang lo sợ bắt đầu xuất hiện...”

Ông Lê Bá Hùng, cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình kể:

"Hai giờ sáng, anh Dù, chị Thức, chị Mai và tôi lên đường đến đợi xe lâm nghiệp ở Cầu Cúp theo ô tô vận chuyển gỗ về. Chúng tôi lên đường với 4 chiếc xe đạp, trên đường 15. Bỗng có tiếng ì ầm của máy bay Mỹ mỗi lúc một gần. Trên trời treo lơ lửng ánh đèn dù pháo sáng soi rõ cả con đường và đoàn xe. Cũng vừa lúc nhiều tiếng nổ chát chúa quanh mình, tiếp đến hàng trăm ngàn tiếng nổ của bom. Mãi đến 5 giờ sáng tiếng máy bay mới xa dần.

Tôi đứng dậy phủi vội bụi đất, tìm gặp lại anh em, thấy hai chị Mai và Thức đang đi tới, nước mắt hai chị đã tuôn trào. Các chị nghẹn ngào nức nở: Anh Dù chết rồi! Ba anh em cùng khóc lặng hồi lâu. Tôi đến chỗ anh Dù nằm, mắt anh vẫn mở to như nhìn lần cuối 3 anh em chúng tôi. Tôi đưa tay vuốt nhẹ đôi mắt anh và nhận thấy anh bị 10 viên bi găm vào bụng và ngực: Anh Dù đã che đỡ và hứng chịu quả bom bi đó để hai chị được yên lành.

Sau đó, cơ quan làm tờ trinh gửi lên cấp trên cấp bằng "Tố quốc ghi công" cho các anh Ngô Văn Dù, liệt sĩ Võ Văn Tương, Lương Ngọc Sướng." (Nhớ ngày anh Ngô Văn Dù hy sinh. Hồi ký ông Lê Bá Hùng, cán bộ Ngân hàng Kiến thiết Quảng Bình. )
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM