Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:02:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 132902 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:27:34 pm »

Về vận chuyển và tiếp tế, tính từ năm 1947 đến năm 1954, riêng Phòng Liên lạc Liên khu V đã tham gia vận chuyển được: 80.000 tấn hàng vào Liên khu V và Bình Trị Thiên. Trong đó vận chuyển vào Khu V được 7.400 kg vàng thỏi (Đây là con số tổng kết của Ban Liên lạc cựu cán bộ chiến sĩ Phòng Liên lạc Liên khu V. Theo chúng tôi được biết, trong "tuần lễ vàng" do chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1946, chỉ thu được 376 kg vàng. Do đó con số 7.400 kg vàng là không có lý [Đ.P]), 11.400 kg tiền Đông Dương, 41.200 kg tiền Việt Nam, 2.000 kg máy móc, vật liệu in tiền và nhiều tài liệu khác.

Để dễ hình dung con đường mòn Bắc - Nam này, xin kể tên những đoạn đường mòn chính trên núi rừng Trường Sơn thời đó:

1/ Đường thượng (Tây Trường Sơn): Lộ trình bắt đầu từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ theo đường sắt đến ga Tân Ấp (đầu Quảng Bình), leo nhiều núi, qua nhiều đèo và thác, đến Phong Nha, qua khe Cóc, đi đò (vì không có đường đi bộ) lên khe Giữa, đến Bang Bụt là hết đất Quảng Bình. Rồi từ Quảng Bình tiếp đến Cổ Kiềng (Quảng Trị) vào xóm Mới, Khe Sanh, qua đường 9 đến Ba Lòng là chiến khu Quảng Trị .

2/ Con đường Đông Trường Sơn: Bắt đầu từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ, rồi đi goòng (goòng là toa xe lửa nhưng không có đầu máy, hai người chạy bộ hai bên kéo và hai người chạy sau đẩy trên đường ray) qua Minh Cầm vào Bồng Lai, đến Thuận Đức (Quảng Bình). Từ đây có thể đi theo hai hướng qua đường số 9 đến chiến khu Quảng Trị.

3/ Từ chiến khu Quảng Tri vào Liên khu V: Từ Ba Lòng vượt qua nhiều thác của đất Bình Trị Thiên như thác Mệ, qua vùng đồng bào Vân Kiều rồi vào Phú Lộc, A Lưới về dốc Bút (Quảng Nam), đến bến Hiên là địa đầu của tỉnh Quảng Nam rồi đi tiếp vào Bồng Sơn - Bình Định.

4/ Từ Khu V vào Nam Bộ: Từ dốc Chanh (Phú Yên) đi đến hòn Dữ (Khánh Hoà) rồi xuyên qua núi Ba Cụm, qua bản làng của người Thượng, đến Lý Điềm, từ Lý Điềm xuống dốc để đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu), thuộc miền Đông Nam Bộ.

Ông Trần Hữu Tôi, một cán bộ kỳ cựu của Phòng Liên lạc Liên khu V lúc đó đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng giấy khen về thành tích vận chuyển trên hệ thống đường này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:38:51 am »

Con đường trên biển Đông:

Ngoài đường bộ trên đại ngàn, đường biển cũng đã hình thành trong những ngày sơ khai của Cách mạng và kháng chiến.

Có lê chuyến đi biển đầu tiên là đoàn của tỉnh Bến Tre vào đầu năm 1946, do ông Mười Khước và bà Nguyễn Thị Định ra Bắc để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và xin tiếp tế vũ khí cho Nam Bộ kháng chiến. 

“Tỉnh ủy Bến Tre đã cử đồng chí Nguyễn Văn Khước (Năm Chung, hay còn gọi là Mười Khước), Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Thị Định, vượt biển ra Bắc xin vũ khí từ năm 1946 lo việc tổ chức chuyến đi."

Lộ trình của chuyến đi đầu tiên này cũng đầy những bất trắc gian nan và cùng với nó là những ứng phó sáng tạo, quyết đoán, linh hoạt... Những đặc điểm của chuyến đi đầu tiên đó sau này cũng được lặp lại trong suốt lịch sử của con đường Hồ Chí Minh trên biển trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ:

Từ tháng 2 năm 1946, Pháp đánh chiếm tỉnh Bến Tre. Đội quân Nam tiến của miền Bắc chi viện chỉ vào tới được Nam Trung Bộ. Các tỉnh Nam Bộ phải tự lực cánh sinh để chống chọi với quân Pháp. Lãnh đạo của Khu VIII (trong đó có tỉnh Bến Tre) đã bàn việc cử phái đoàn của Khu VIII ra báo cáo với Trung ương xin chi viện.

Một phái đoàn "hạn chế" gồm có ông Nguyễn Văn Khước, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và đại biểu Quốc hội của Khu VIII, bà Nguyễn Thị Định cán bộ của Bến Tre, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp của Mỹ Tho, Giáo sư Cao Văn Thỉnh của Bến Tre.

Cuối tháng 3, đoàn dùng một chiếc thuyền buồm xuất phát từ bến Cồn Lợi thuộc huyện Thanh Phú tỉnh Bến Tre dong buồm chạy thẳng ra khơi để tránh tàu tuần tiễu của Pháp. Sau đó thuyền hướng về phía Tây Bắc. Ngày hôm sau khi tới hải phận Phan Thiết thì gặp gió chướng, thổi ngược chiều, buồm lại hỏng. Thuyền buộc phải ghé vào mũi Kê Gà để tránh gió. Đây là vùng Pháp đã chiếm đóng. May mắn đã tránh được tầm mắt quân Pháp. Đợi suốt hai ngày gió vẫn thổi mạnh. Đoàn quyết định trả thuyền về bến cũ, cả đoàn mang ba lô đi bộ ra Khu V.

Nhưng ngay sáng hôm sau, bỗng đổi hướng gió, lại thổi từ phía Tây Nam lên phía Bắc. Đoàn hội ý chớp nhoáng và quyết định trở lại đi bằng đường biển. Về đến bến Kê Gà, đoàn mua một chiếc thuyền buồm khác và tiếp tục lên đường. Đến khu vực Tuy Hòa, nhìn vào bờ xa xa thấy đã có cờ đỏ sao vàng, thuyền vội vã vào bến. Đoàn được chính quyền cách mạng địa phương đón tiếp, giúp đỡ để đi bằng xe lửa ra Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi lúc đó là nơi đóng cơ sở của lãnh đạo Khu V. Tư lệnh Khu V lúc đó là Thiếu tướng Nguyễn Sơn thân mật tiếp đoàn và hôm sau bố trí xe lửa để đoàn đi thẳng ra Hà Nội. Đến Thủ đô đoàn được Chính Phủ và Quốc hội chăm sóc chu đáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và cùng ăn cơm thân mật. Sau đó, đoàn còn được dự lễ mừng thọ Chủ tịch vào ngày 19/05.

Trung ương quyết định Giáo sư Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ở lại làm việc tại Hà Nội. Những người còn lại được giao nhiệm vụ trở về Nam mang theo vũ khí. Đoàn lại tiếp tục đi theo đường sắt vào tới Phú Yên. Từ Phú Yên, đoàn lại dùng thuyền để chở vũ khí vào Nam. Trên chiếc thuyền này, đã có 10 tấn vũ khí chi viện của miền Bắc. Có lẽ đó cũng là khoản chi viện đầu tiên của miền Bắc cho Nam Bộ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:39:41 am »

Đối với Nam Bộ lúc đó, 10 tấn vũ khí là vô cùng quý báu. Chính số vũ khí này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng các lực lượng vũ trang ở Bến Tre và nhiều tỉnh thuộc Nam Bộ, góp phần duy trì sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Pháp trong suốt 9 năm. (Bộ Tư lệnh Quân Khu IX. Bảo đảm giao thông vận tải... ở đồng bằng sông Cửu Long 1954-1976. Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Nxb Phương Đông, Tp. HCM, 2008, tr. 15 và 529.)

Đến tháng 11 năm 1946, tỉnh Trà Vinh đã cử 10 chiếc thuyền buồm đi ra các tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Định, Quảng Ngãi), chở theo lương thực thực phẩm để tiếp tế cho ủy ban Kháng chiến Miền Nam đang đóng tại đó. Sau đó, các thuyền này lại nhận vũ khí của Trung ương chi viện trở về Trà Vinh. Mỗi chiếc thuyền chở khoảng 5 tấn vũ khí.

Sang năm 1947. việc vận tải trên biển đã được tổ chức có quy củ hơn. Đoàn vận tải biển Nam Bộ đã được thành lập. Chiến Khu VIII thành lập chi đội số 14, với 13 thuyền buồm. Số thuyền này liên tục chở lương thực thực phẩm ra tiếp tế cho Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, đồng thời nhận vũ khí chi viện của Trung ương cho miền Nam.

Tính trong toàn cuộc kháng chiến chống Pháp, đoàn vận tải biển Nam Bộ đã có hàng chục chiếc thuyền của hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ.

Trong năm 1946, còn có một tuyến đường biển nữa đã bắt đầu được khai thác: Qua Thái Lan, sang Hong Kong rồi về miền Bắc. Đây là con đường mà đoàn Đại biểu Quốc hội gồm các ông Ngô Tấn Nhơn, Phạm Văn Bạch, bà Ngô Thị Huệ (vợ ông Nguyễn Văn Linh) đã đi từ Rạch Giá sang Bangkok rồi đi tàu thủy qua Hong Kong, về Hải Phòng.

Cũng vào thời gian đó, còn có một đơn vị thuộc đại đội Hồ Chí Minh của Nam Bộ, xuất phát từ bến Khâu Băng (Bến Tre) xuyên biển Đông ra Nam Trung Bộ nhận hàng tiếp tế từ Trung ương chi viện. Họ đi bằng thuyền buồm, không có bản đồ nhưng cũng đã đi tới nơi, về tới chốn.

Năm 1947, một hướng mới trên biển đã được mở thêm: Một số đoàn thuyền buồm được cử đi Thái Lan mua vũ khí và các phương tiện kỹ thuật, như máy móc, điện đài để phục vụ cho kháng chiến chống Pháp. Đoàn mang tiền mặt và vàng sang Thái Lan. Đoàn đến Thái Lan liên lạc với đại diện Tổng hội Việt Nam ở Thái Lan là các ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ, lúc đó phụ trách Văn phòng đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bangkok.

Người được giao nhiệm vụ đưa những đoàn thuyền đầu tiên sang Thái Lan là ông Tám Xã kể lại :

"Đầu năm 1947, Chủ tịch Phạm Văn Bạch và Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn giao nhiệm vụ cho tôi đưa đoàn thuyền có trọng tải 15-40 tấn sang Thái Lan đế công tác. Đoàn gồm ba chiếc, một chiếc trong đó có tôi và anh Hóa đi trước; chiếc thứ hai có anh Hoài và khoảng 10 cán bộ vừa tốt nghiệp Trường Quân chính Sơn Tây về: chiếc thứ ba Sáu Thanh và Đinh Luỵ chở máy móc nhà máy đường Đồng Bò. Riêng phần tôi còn mang 500. 000 đồng tiền Đông Dương ngân hàng, đem giao cho Tổng hội Việt kiều Thái Lan ở Bangkok, trực tiếp là các anh Trần Văn Giàu, Nguyễn Đức Quỳ ở Văn phòng đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bangkok...

Chín ngày trôi qua. mọi việc đều được an toàn. Chúng tôi đã tiến vào vịnh Thái Lan. Sang ngày thứ mười hai thì bờ biển Thái Lan hiện dần. Đến Bangkok anh Hóa nói tiếng Anh hỏi thăm đường, chúng tôi đi đến tiệm may Sai gon Tailor địa điểm liên lạc với anh Trần Văn Giàu.

Độ một tuần sau có đoàn các anh Năm Đông, Kinh, Kính, Bông Văn Dĩa và một số cán bộ khác nữa từ Khu IX cũng mang vàng của tuần lễ vàng Nam Bộ qua lo mua súng ống đạn dược, quân trang chuẩn bị thành lập một đơn vị mang vũ khí về nước (đó là Đoàn Cửu Long II sau này)."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:40:27 am »

Tính trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, các đoàn thuyền đi Thái Lan đã đi được 36 chuyến, chở về được 250 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Sau đó không lâu, khi các căn cứ kháng chiến ở Nam Bộ đã được củng cố, cơ quan ủy ban Kháng chiến Miền Nam tạm đóng ở Khu VI (từ lúc bùng nổ kháng chiến) cũng trở về Nam Bộ bằng đường biển.

" Tháng 5 năm 1947 đoàn vận tải 14 có 6 ghe lớn ở sông Cầu (Phú Yên) do anh Thận phụ trách đưa đi, phải huy động hàng trăm công nhân và dân quân tại chỗ, ngày đêm khuân vác tắt qua đèo Cù Mông, đi cả tháng để đến thuyền. Con đường xuyên biển Đông xa bờ, ta đã đi được 36 chiếc thuyền buồm, đưa cán bộ chiến sĩ, chở gạo tiếp tế ra... rồi nhận vũ khí tiền vàng, rước cán bộ trở về Nam Bộ, hai phần ba là đi vào cửa biển Bến Tre. Vũ khí ước tính được trên 250 tấn.”

Ở miền Trung Trung Bộ, Phòng Liên lạc Liên khu V, sau thắng lợi mở đường Trường Sơn trên bộ, cũng đã mở ra tuyến đi ven biển từ Nghệ An, Hà Tĩh vào Cửa Đại (Quảng Nam).

Ông Trần Hữu Tôi nhớ lại :

"Hàng và người đi bộ quá chậm, hàng cồng kềnh khó gùi, cõng... Mỗi đoàn dân công 100 người chỉ mang được hai tấn hàng, mà từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên mất 30 ngày, đến Quảng Nam mất 40 ngày. Đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo cho Phòng Liên lạc Liên khu V cố gắng bằng mọi cách tổ chức chuyển hàng bằng đường thủy..."

"Yêu cầu tiếp tế cho chiến trường và nhân dân Bình Tri Thiên rất lớn và khẩn thiết. Liên khu uỷ Liên khu IV và các tỉnh ủy phải khai thông đoạn đường này bằng mọi giá, xây dựng các cơ sở bí mật làm nhiệm vụ cảnh giới địch, tiếp nhận hàng..."

"Chúng tôi thành lập một trạm chuyên trách đóng quân tại làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Vì không có khả năng đóng thuyền chuyên chở riêng, chúng tôi phải mượn thuyền đánh cá, thuyền buôn của ngư dân Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đang làm ăn sinh sống. Bà con rất tốt, sẵn sàng cho cách mạng mượn, không đòi gì cả, lại xung phong đi theo làm thủy thủ.

Lúc đầu thuyền của chúng tôi đi dọc bờ biển Bình Trị Thiên, vượt qua vùng đèo Hài Vân. Để dễ trà trộn với ghe thuyền của nhân dân các địa phương, chúng tôi sử dụng thuyền loại nhỏ từ 3-5 tấn, lúc thì đi lộng, lúc thì đi xa bờ, tùy tình hình địch kiểm tra kiểm soát. Nếu trót lọt thì cho thuyền vào vùng Cửa Đại, rồi luồn theo sông Trường Giang vào An Tân giao hàng. Dọc đường nếu gặp địch phát hiện đuổi bắt thì nhắm các cồn cát ven bờ lấp vào cất giấu thuyền, giấu hàng."

"Càng ngày địch càng bao vây kiểm soát chặt chẽ dọc bờ biển nằm trong vùng chúng chiếm đóng. Chúng ra sức khủng bố, bắn phá ghe thuyền của nhân dân, nhằm triệt phá công việc vận chuyển, tiếp tế của ta. Việc huy động vận chuyển của bà con rất khó khăn, chúng tôi phải đóng thuyền và tuyển mộ thủy thú để tiếp lục công việc. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, chúng tôi thành lập một xưởng đóng thuyền, làm việc cả ngày đêm, đóng năm thuyền một lần, hễ năm thuyền này đóng xong thì đóng tiếp năm thuyền khác.

Tranh thủ đợt gió mùa với sức gió cấp 6, cấp 7 (là thời điểm địch khó hoạt động đế kiểm soát ta), chúng tôi vượt biển làm nhiệm vụ. Xuất phát từ cửa Roòn (Quảng Bình), lúc 6 giờ tối nhắm hướng đông đi thẳng ra cách bờ biển khoảng trên dưới 40 km, rồi lật cánh đi xuôi.

Với sức gió cấp 6, 7 thuyền chạy ngay trong đêm đó tới Cổ Rùa (bên trong cửa Hiền của tỉnh Thừa Thiên) trước khi trời sáng. Ẩn nấp tại đây đến đêm sau, thuyền lại đi vòng ngoài cù lao Quảng Nam đế tránh những luồng quét đèn pha cực mạnh của địch bố trí khoảng giữa cù lao và núi Sơn Trà (Đà Nẵng).

Nếu an toàn thì thuyền đi xuôi vào lạch Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) vào khoảng 3 giờ sáng. Giao thuyền xong thì thủy thủ để thuyền lại, đi bộ hàng tháng trời trở về trạm Cảnh Dương, Quảng Bình, tiếp tục đi chuyến khác suốt trong hai mùa gió."

Không kiếm đâu ra cái la bàn. chúng tôi phải tìm những thủy thủ của các nhà buôn trước đây thường vào ra các địa phương miền Nam đi cùng dẫn đường. Chuyến dò đường thành công, bắt đầu khai thông con đường vận chuyển ngoài biển khơi từ Liên khu IV vào Liên khu V." (Trần Hữu Tôi. Đường Trường Sơn thủy bộ...”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:41:12 am »

Như vậy các tuyến trên biển Đông đã được nối lại thành tuyến Bắc - Nam từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, từ Quảng Bình đi qua Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng. Quảng Nam cũng đã hình thành các chi điếm vận tải trên biển là: Cửa Lò, cửa Hội (Nghệ An), cửa Nhượng, cửa Sót (Hà Tĩnh), Cảnh Dương (Quảng Bình), Cửa Đại (Quảng Nam). Đoạn này do Phòng Liên lạc Liên khu V phụ trách. Từ Quảng Nam trở vào, các tuyến từ hòn Hèo (Khánh Hoà) đi vào cửa sông Ray của Bà Rịa đi vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ do Phòng Liên lạc Nam Bộ phụ trách.

Trên tuyến đường biển Bắc - Nam, có một sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là chuyến đi của đoàn đại biểu Nam Bộ ra dự Đại hội Đảng lần thứ II.

Ông Võ Văn Kiệt kể lại :

“Đoàn đại biểu của các tỉnh Nam Bộ đi dự Đại hội Đảng lần thứ II vào đầu năm 1951. Tôi lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu được tham gia đoàn này. Cuối năm 1950, chúng tôi định đi theo đường bộ, sang Thái Lan và vượt qua biên giới Lào để lên Việt Bắc. Nhưng tuyến đường này bị tắc nghẽn, phía Thái Lan cũng có nhiều khó khăn, phía Lào cũng bị quân Pháp phong tỏa. Chúng tôi tính toán cơ hội để vượt qua hai biên giới. Nhưng như thế thì sẽ trễ ngày họp Đại hội.

Cuối cùng chúng tôi đành quay về đi đường biển. Một con đường rất xa nhưng cũng tới nơi nhanh chóng. Đó là tuyến đường đi từ vịnh Thái Lan, vượt biển Đông đến đảo Hải Nam. Rồi từ đảo Hải Nam bay về Quảng Châu. Từ Quảng Châu đi đường bộ về Việt Bắc. Đó là lần đầu tiên tôi được biết miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là được sống ở Việt Bắc." (Võ Văn Kiệt kể lại với tác giả tại nhà riêng ở TP HCM.)
Do bị địch kiểm soát, nhân dân vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị không thể hỗ trợ vận chuyển được thì họ lại giúp đỡ bằng cách khác:

“Chúng tôi không thể cho thuyền của đơn vị trà trộn với thuyền bè của nhân dân được nữa mà tự tổ chức tuyến đường riêng từ Roòn (Quảng Bình), vào Cửa Đại (Quảng Nam). Các thuyền vận chuyển từ Roòn xếp hàng từ 3-5 lần đi lộng, vượt qua các chốt của địch như đồn Thanh Khê ở cửa sông Gianh và hàng chục lô cốt từ cửa Lý Hòa vào Nhật Lệ.

Vì vậy từ cửa sông Gianh vào đến Nhật Lệ, Phòng Liên lạc Liên khu V phải cùng các địa phương bố trí 7 tổ liên lạc, bí mật làm nhiệm vụ cảnh giới địch, thông báo tin tức và mật hiệu cho các thuyền, các tổ:. Ngoại Hải, Mỹ Hòa, Thanh Khê, Phú Hội, Lý Nhân Nam, Lý Hòa và tổ Nhật Lệ nằm sát phía Bắc và phía Nam cửa sông Gianh.

Từ Nhật Lệ trở vào có 3 tổ: Vĩnh Ninh, Vĩnh Mốc, Vĩnh Hoàng, gọi là trạm Lệ Vĩnh. Từ Cửa Tùng đến cửa Tư Hiền có 3 tổ: Phong Điền, Quảng Điền, Tư Hiền. Vượt đèo Hải Vân có tổ Phú Lộc cảnh giới..."

“Vào một đêm tối trời tháng 9 năm 1951, đoàn thuyền của Phòng Liên lạc Liên khu V chở gạo, vũ khí xuất phát từ Cảnh Dương đi vào, đến ngang cửa Lạch, Phú Hội thì nhận được báo động là địch đang tập trung nhiều tàu thuyền tuần tiễu, bao vây, kiểm soát các thuyền bè của nhân dân tại cửa Nhật Lệ. Đoàn thuyền không thể quay trớ lại Cảnh Dương kịp vì đến cửa sông Gianh thì trời sáng, sẽ bị địch phát hiện.

Một cuộc hội ý cấp tốc, quyết định phá vòng vây của địch để đi. Lập tức bốn chiếc thuyền có buồm với trọng tải một tấn của nhân dân địa phương và tám dân quân du kích khỏe mạnh thạo tay lái và chèo đò được huy động ngay. Các thuyền này được ngụy trang là thuyền đánh cá, lợi dụng lúc gió cấp 6, 7 thì lao vào hàng rào thuyền của địch làm rối loạn hàng ngũ địch. Lúc đó đoàn thuyền của Phòng Liên lạc Liên khu V tranh thủ vượt biển, để lại tám dân quân anh hùng vô danh anh dũng chiến đấu với địch để mở đường phá vây.”

“Đến cuối năm 1949, một số thuyền bị địch bắt cả người và hàng. Chúng tôi phải dùng loại thuyền đánh cá có đáy ở phía dưới đế cất giấu hàng quân sự, sách báo, ở trên để sẵn ngư cụ, nếu địch phát hiện thấy hoặc có máy bay địch thì mọi người thả lưới xuống đánh cá. Dần dần địch cũng phát hiện ra, tăng cường kiểm soát con đường vận chuyển ngoài khơi của chúng tôi. Đồng bào ven biển và chúng tôi không bó tay, vẫn cho thuyền đi. Đục lỗ sẵn dưới đáy thuyền, nút lại không cho nước vào, nếu bị địch phát hiện sẽ rút nút cho nước ngập thuyền, đánh chìm cả người và thuyền.”

Tổng kết trong kháng chiến chống Pháp, con đường vận chuyển biển do Phòng Liên lạc Liên khu V tổ chức: 2.500 chuyến thuyền, vận chuyển được 50.000 tấn hàng quân sự, sách báo, lương thực, đưa được nhiều đoàn cán bộ quân sự, y tế, quân giới, hải quan, nhà báo tăng cường cho Liên khu V và miền Nam...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:41:59 am »

3. Tình hình từ sau Hiệp định Genève

Một trong những quy định quan trọng của Hiệp định Genève là di cư những người dân từ Bắc vào Nam và tập kết những cán bộ, chiến sĩ từ Nam ra Bắc. Hầu hết sự vận chuyển trên cả hai chiều này đều dùng đường biển. Tàu của Mỹ và Pháp chở những người dân di cư vào Nam, xuất phát từ cảng Hải Phòng. Tàu của Liên Xô và Ba Lan chở những cán bộ và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, xuất phát từ Cà Mau và Quy Nhơn.

Sau khi hoàn tất việc di cư và tập kết (300 ngày), thì việc liên lạc Bắc Nam cả trên đường bộ và đường biển đều gần như chấm dứt.
Cho đến năm 1959, chính sách khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam đã đặt các lực lượng cách mạng ở trong Nam và Chính phủ miền Bắc trước một sự lựa chọn khắc nghiệt: Hoặc là tiếp tục chịu đựng những cuộc khủng bố đó, trung thành với những gì đã ký kết tại Hội nghị Genève, chờ đợi Tổng tuyển cử. Hoặc là phải chống trả.

Với Ngô Đình Diệm thì chờ đợi ông ta chấp thuận Tổng tuyển cử chỉ là điều dại dột. Nếu không chống trả thì lực lượng cách mạng sẽ bị chết dần chết mòn trong sự khủng bố ngày càng ác liệt. Cho đến năm này, toàn bộ lực lượng các cán bộ cũ còn lại ở miền Nam là hơn 50 nghìn người mà chỉ sau mấy năm khủng bố của Ngô Đình Diệm, chỉ còn 5 nghìn, điều đó có nghĩa là 10 người thì đã bị tiêu diệt 9. Những người còn lại chắc chắn cũng lâm vào cảnh tương tự nếu cứ tiếp tục ngồi im để chờ đợi thi hành Hiệp định Genève.

Tại Hội nghị TW lần thứ 15 , họp đợt 1 vào tháng 1 năm 1959, một vấn đề gay cấn được đặt ra: Tiếp tục giữ gìn hòa bình hay vùng lên đấu tranh. Đây là điều day dứt của Chính phủ, của Đảng. Lúc này, toàn phe xã hội chủ nghĩa đang có xu hướng chung sống hòa bình, tránh những cuộc xung đột đổ máu. Việt Nam là một nước trong phe xã hội chủ nghĩa, tất nhiên không thể không chú ý đến xu hướng đó. Nhưng mặt khác, nếu tiếp tục bảo vệ hòa bình một cách thụ động, thì sẽ không còn lực lương nữa.

Cuối cùng, sau khi tranh luận bàn bạc nhiều tháng, Hội nghị TW lần thứ 15 họp đợt 2 vào tháng 5 năm 1959 quyết định áp dụng hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để tự vệ, trong đó có việc xây dựng các vùng căn cứ địa ở miền Nam để chống trả những trận càn quét đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Đây chính là bước ngoặt trong sự phát triển của tình hình ở miền Nam.

Để giành thắng lợi cuối cùng trước một đối phương mạnh về tiền, về của như Mỹ, tất nhiên phải có một đội quân hùng mạnh, phải có những vũ khí hiện đại, phải có đủ những phương tiện vật chất để sống và hoạt động, phải có các cơ quan, đoàn thể và một bộ máy đảm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau... Phần quan trọng nhất tạo nên sức mạnh đó là sự chi viện của miền Bắc.

Các khoản chi viện của miền Bắc rất to lớn: Vũ khí, quân trang, quân dụng, nhưng hàng hóa thiết yếu cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân như gạo, vải, đường, sữa, tiền bạc... dưới nhiều hình thức khác nhau.

Để chi viện cho miền Nam, phải mở những tuyến đường.

Những con đường mòn mang tên Hồ Chí Minh đã dần dần hình thành.

Người, vũ khí, hàng hóa và tiền chi viện cho miền Nam được chuyển qua nhiều con đường: Vận chuyển thẳng từ miền Bắc vào qua đường Trường Sơn. Vận chuyển bí mật qua đường biển, vận chuyển công khai qua cảng Sihanoukville (nay là cảng Komponsom) của Campuchia. Trong những trường hợp khẩn cấp thì cũng dùng con đường hàng không tuyến Sài Gòn - Phnom Penh - Quảng Châu - Hà Nội... Tiền thì có khi chuyển thẳng tiền mặt vào, về sau dùng hình thức chuyển ngân bí mật.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:42:50 am »

chương 1
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

1. Từ tự phát "xoi" đường...

Như trên đã nói, những con đường mòn trên Trường Sơn đã từng xuất hiện từ lâu, trong thời phong kiến, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Từ sau Hiệp định Genève 1954, con đường này hoang vu trở lại, chỉ còn những đường dây liên lạc bí mật về thư tín, dựa trên cơ sở những điểm liên lạc của các dân tộc thiểu số ở phía đông Trường Sơn. Đường dây này do Khu ủy Khu V phối hợp với ủy ban Thống nhất Trung ương ngoài Hà Nội phụ trách, mang mật danh là "Quận 9". "Quận 9" chủ yếu chỉ làm các công việc chuyển công văn, thư tín từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Tuy nhiên trong một số trường hợp cá biệt, thì "Quận 9" cũng đảm đương việc đưa đón một số cán bộ bí mật ra Bắc để chữa bệnh hoặc dự các cuộc họp đặc biệt và cả một số cán bộ buộc phải đưa ra Bắc vì đã bị lộ, bị chính quyền Sài Gòn truy lùng, không nơi ẩn nấp...
Ngay từ trước khi chính thức có chủ trương mở đường Trường Sơn, các địa phương đã tự động xoi những tuyến liên lạc qua rừng, qua núi.

Giữa tháng 12/1954, Tỉnh ủy Quảng Trị cho lập 7 trạm liên lạc mật từ Tà Long đi Bãi Hà. Cơn Tăm, vượt đường số 9 gần biên giới đến Cheng là trạm bắt mối với đường từ Thừa Thiên ra. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bình Định, Phú Yên cũng xoi đường lên miền Tây lập căn cứ bí mật.

Năm 1958, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo các tỉnh tổ chức đội tuyên truyền vù trang xoi đường xuyên rừng từ Bù Đăng, Bù Gia Mập lên đến vùng Ba Biên Giới.

Tháng 06/1959, Tỉnh ủy Quảng Nam xoi đường bí mật để chờ đón đoàn cán bộ miền Bắc vào. Tháng 08/1959, đoàn cán bộ Dân chính Đảng đầu tiên gồm 34 người vào tới căn cứ Tà Ti (xã Tà Rựt, huyện Giằng).

Tháng 07/1959, tỉnh Đắk Lắk xoi hành lang Nam Tây Nguyên dài 200 km vào tới Đông Nam Bộ. Các tỉnh trên Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có sáng kiến tổ chức "hành lang giao lưu” để giữ mối quan hệ giữa các vùng, nhằm liên kết và hỗ trợ nhau trong việc đấu tranh chống càn quét khủng bố.

Đến khoảng cuối năm 1959 con đường Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo xoi ra đã nối thông được với tuyến hành lang Tây Nguyên, từ Khu V, Khu VI xoi vào...

Đến giữa năm 1960, đường giao liên "thống nhất" thông tới Nam Bộ. Đã thực hiện được việc chuyển công văn, tài liệu mật vào các tỉnh, dẫn được 4 đoàn cán bộ đi các Khu IV, V, VI và Nam Bộ. ( Nguyễn Việt Phương. Trường Sơn đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nxb Trẻ 2004, tập 1; tr 52- 53.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:43:50 am »

2. ...Đến chính thức mở đường

Đầu tháng 05/1 959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị đã giao cho Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở một tuyến giao thông và vận tải để đưa cán bộ, vũ khí và những hàng hóa cần thiết vào miền Nam. Chỉ thị của Bộ Chính trị ghi rõ: .

"Đây là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.”

Vì xu hướng của những nước xã hội chủ nghĩa vẫn là chung sống hòa bình, nên việc mở đường và đưa lực lượng vào Nam chiến đấu là chuyện rất tế nhị. Do đó, Chỉ thị của Bộ Chính trị còn căn dặn:

“Mở đường và tổ chức vận tải từ miến Bắc vào miền Nam phải tuyệt đối bí mật, an toàn.” (Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, sđd. tr.473. )

Người được Bộ Chính trị lựa chọn và trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường này là Thượng tá Võ Bẩm. Võ Bẩm là người gốc Liên khu V. Trong thời kháng chiến chống Pháp, Võ Bẩm đã từng hoạt động nhiều năm ở vùng núi Tây Nguyên và Trường Sơn. Ông đã từng giữ chức Trưởng ban Tác chiến Liên khu V và đã từng tổ chức nhiều đoàn thuyền từ Liên khu V vượt biển ra Bắc, có lần sang tận Trung Quốc để chở vũ  khí vào Nam. Qua đó ông đã thông thạo cả đường biển lẫn đường núi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi còn là đại diện của Chính phủ Trung ương ở Nam Trung Bộ những năm 1947 - 1948 cũng đã từng gặp và làm việc với ông ở Tây Nguyên. Ông cũng đã từng ra Việt Bắc để làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh và đã từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đó.

Khi tập kết ra Bắc, ông được giao chức Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Nông trường Quân đội, là đơn vị có nhiệm vụ sử dụng phần lớn cán bộ miền Nam tập kết để xây dựng các nông trường ở miền Bắc. Đầu năm 1959, ông đã gửi quyết tâm thư lên Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, xin được cho tổ chức những đoàn người vào Nam để cứu đồng bào đồng chí đang bị khủng bố.

Ngày 02/05/1959, Tổng Quân ủy quyết định lập Phòng Nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam. Ba ngày sau, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, ủy viên Thường trực Tổng Quân ủy, triệu tập Thượng tá Võ Bẩm để chính thức giao chức Trưởng phòng "nghiên cứu”. Sau đó ông triệu tập một số cán bộ các cục hữu quan trong Bộ Quốc phòng đến họp. Tại cuộc họp này, "Đoàn quân sự đặc biệt" đã được thành lập.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:44:39 am »

Sau cuộc họp đó, Võ Bẩm viết trong hồi ký của mình:

"Hôm ấy đúng ngày sinh nhật Bác 19/05//959. Tôi đang đi dọc đường phố Phan Đình Phùng ở Hà Nội thấy rợp cờ, biểu ngữ và tiếng hái ca ngợi Bác. Tôi đến nơi làm việc của Cục Nông trường thì đồng chí trực ban báo có điện thoại của Văn phòng Quân ủy Trung ương gọi sang ngay gặp Chủ nhiệm ủy ban Thống nhất kiêm Thường trực ủy ban Quân ủy Trung ương là tướng Nguyễn Văn Vịnh.

Khi tôi đến, anh Vịnh nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: " Việc này không phải do Quân ủy giao mà do Bộ Chính trị đã chỉ đích danh đồng chí. Tôi thay mặt Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí tổ chức mở đường giao thông quân sự đặc biệt, để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo những điều kiện cho miền Nam thực hiện Nghị quyết 15."

“Tôi vội vàng mở cặp lấy sổ tay để ghi chép chỉ thị nhưng anh Vịnh xua tay và nói tiếp: “Cố nhập tâm. không được ghi chép. Tôi nhắc luôn điều này. Từ nay tất cả các công việc của đồng chí không được ghi chép... Việc lãnh đạo công tác đặc biệt này là Quân ủy Trung ương, tôi được phân công trực tiếp chỉ đạo. Việc dự toán, thanh toán đồng chí trực tiếp làm việc với Cục tài vụ v. v... còn những việc khác, đồng chí mang bức thư này đến gặp đồng chí Trần Lương sẽ rõ..."

“Ngay buổi chiều hôm đó, tôi đền gặp anh Trần Lương ở nhà riêng. Anh Trần Lương động viên tôi. "Anh là người đầu tiên ở quân đội được nhận nhiệm vụ mở đường. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, trong năm 1959 phải đưa vào được 500 cán bộ từ trung tá trở xuống và 7.000 khẩu súng bộ binh từ trung liên trở xuống để tổ chức 700 trung đội, trước mắt là tự vệ, đồng thời chuẩn bị cho lực lượng vũ trang sau này. Cần mở thật gấp một con đường đặc biệt. Không được để nó thành lối mòn, nghĩa là không được để lại một dấu chân, một tàn thuốc, một cành cây gãy..."

“Về đến nhà, tôi ngồi ngay vào bàn làm việc với sự hứng thú, như nhà thơ vì ta làm ra từ thơ. Trên trang sổ tay của tôi trải ra những dòng chữ bằng ký hiệu riêng chỉ mình tôi biết:

Ngày 20: Sáng gặp đồng chí Mậu.
Chiều tới Quân khu III xin cán bộ.

Ngày 2 1: Sáng sang Cục Quản lý xe.
Chiều... "

“Một ngày đầu của con đường đặc biệt đã qua...

Cuối tháng 5, hầu như không ngày nào chiếc xe "GAT 69 " không đưa tôi đi lên khắp tuyến đường tới Quân khu III, Quân khu IV, Quân khu Tả Ngạn, sư đoàn 305... Mọi việc làm tôi chưa thấy bao giờ lại trôi chảy đến thế

Người đầu tiên được điều về là Thượng úy Lê Trọng Tần, quê ở Hà Tĩnh, chiến sĩ Nam tiến, vừa từ miền Nam tập kết ra Bắc, được điều động về làm trợ lý cho tôi. Tôi là đoàn trưởng, anh Thạnh, vốn là du kích Ba Tơ, là đoàn phó...

Thành lập đoàn bộ và tổ chức ban cán sự xong, chúng tôi nghĩ ngay đến trang phục của đơn vị. Phải giữ bí mật nhưng không được dùng quân trang, quân phục của bộ đội. Chúng tôi yêu cầu quân nhu may quần áo bà ba và sắm mũ lá cho anh em, mặt khác, chúng tôi ra chợ trời mua ba lô, bi đông, quân dụng... cũ của Pháp." (Võ Bẩm. Mở đường Hồ Chí Minh. Trong Hồi ký Trường Sơn. Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội 2005, tr 45-46)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2009, 08:45:30 am »

Sau khi được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách "Đoàn quân sự đặc biệt". Võ Bẩm đã xuống ngay các nông trường do mình phụ trách trước đây để lựa chọn những người có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ mới: Trước hết đó phải là những cán bộ miền Nam tập kết, phải quen địa hình vùng núi miền Tây Khu V. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây:

Hoàn toàn tự nguyện;

Tinh thần dũng cảm đã được xác minh qua chiến đấu;

Tinh thần kỷ luật, tự giác cao đã thể hiện trong quá trình công tác;

Có ý thức bảo mật tốt;

Lý lịch rõ ràng, không có những quan hệ phức tạp;

Kiên định lập trường cách mạng, trung thành tuyệt đối, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam;

Có sức khỏe dẻo dai. 

Đơn vị đầu tiên được Võ Bẩm tuyển chọn chỉ gồm có tám người, theo đúng tiêu chuẩn như trên đã nói. Tám người này họp bí mật tại khu nhà 83 đường Lý Nam Đế, Hà Nội ngày 19/05/1959 để bàn việc triển khai kế hoạch. Vì thế, kể từ đây đơn vị này được mang tên Đoàn 559, tức tháng 5 năm 1959. Cũng từ đó, ngày 19 tháng 5 được coi là ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn.

Không bao lâu sau, Sư đoàn 305 vốn là sư đoàn quân đội của Khu V tập kết đóng tại Phú Thọ đã tuyển thêm được 447 cán bộ và chiến sĩ để thành lập một tiểu đoàn phục vụ cho kế hoạch kể trên, lấy tên là tiểu đoàn 301.

Đại tá Nguyễn Danh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 301 kể lại:

"Tháng 5 năm 1959, Sư đoàn 305 của chúng tôi đóng quân tại Vĩnh Phú. Bỗng một buổi sáng có điện của Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Đường gọi tôi lên...

Trong phòng khách của Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Chính ủy Nguyễn Đường đang ngồi với một đồng chí Thượng tá, trạc tuổi ngoài 40, trông béo tốt, hồng hào. Chính úy giới thiệu:

- Anh Võ Bẩm ở Bộ Tổng tư lệnh.

Anh Bẩm hỏi tôi:

- Về Nam được chứ cậu?

- Dạ, được ạ.

Từ đó anh chuyển sang phổ biến Nghị quyết của Bộ Tư lệnh và Quân ủy Trung ương...

Tiếp lời anh Bẩm, Chính ủy Đường cho biết một đơn vị đã được thành lập do đồng chí Chu Đăng Trực làm Tiểu đoàn trưởng. Tôi, Nguyễn Danh, được chỉ định làm Chính trị viên..." (Nguyễn Danh. Những năm tháng đầu tiên. Trích trong Hồi ký Trường Sơn, sđd, tr.38-39.)
Biên chế lực lượng xong, Tiểu đoàn 301 hành quân đến hạ trại ở vùng đồi núi Lâm Thao (Phú Thọ) là vùng thưa dân, dễ bảo đảm bí mật. Ban chỉ huy tiểu đoàn ở đây trực tiếp tổ chức việc rèn luyện đội quân vận tải chiến đấu đầu tiên sẽ đi vào Trường Sơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM