Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:50:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 5 đường mòn Hồ Chí Minh  (Đọc 132922 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:11:01 pm »



Tên sách: 5 đường mòn Hồ Chí Minh
Tác giả: Đăng Phong
Nhà xuất bản: Tri thức
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh; Sao Vàng


Những người đã tham gia hoàn thành bản thảo:
Cao Tuấn Phong
Hải Yến.
Huyền Minh
Thùy Dương
Vi Thanh Mai
Vũ Ngọc Quyên.
Phạm Văn Hiếu


LỜI GIỚI THIỆU
NGÔ VĨNH LONG
Giáo sư Sử học Đại học Tổng hợp bang Maine
(University of Maine), Hoa Kỳ.

Tác phẩm này là một công trình rất quý giá, vì đây là lần đầu tiên tư liệu trong và ngoài nước được tập hợp trong một cuốn sách để miêu tả và giải thích tầm quan trọng và quan hệ của "5 đường mòn Hồ Chí Minh" trong việc chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam cũng như trong việc giữ liên lạc giữa miền Nam với miền Bắc.

Trước đây, khi nói đến chi viện miền Bắc cho chiến trường miền Nam thì người ta chỉ chủ yếu nghĩ đến đường Trường Sơn, một phần vì sự tàn khốc ở đây: khoảng một triệu tấn bom đạn Mỹ đã tàn phá dọc đường này, làm cho khoảng hai vạn chiến sĩ miền Bắc đã ngã xuống và khoảng 20.000 người bị tàn phế.

Các đường tiếp viện khác, tuy đã đóng góp rất lớn trong việc chi viện cho miền Nam và việc giữ liên lạc giữa hai miền, không được người ta chú ý đến nhiều vì chúng đã được bảo đảm bí mật bởi những người trong cuộc, bởi dân chúng trong nước và những người yêu mến Việt Nam ở nước ngoài.

Không phải chính phủ Hoa Kỳ và các chính quyền Sài Gòn không biết đến bốn đường tiếp viện khác, ngoài đường Trường Sơn, như được miêu tả trong sách này. Đọc những báo cáo của Mỹ về chiến trường tại Việt Nam trong các kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, ta thấy là các cục tình báo Mỹ đã đề cập đến các con đường này hàng nghìn lần. Nhưng vì sự bảo đảm bí mật nói trên, họ chỉ biết rất lõm bõm nên đã không thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của chúng để có những biện pháp ngăn chặn hay phá hủy một cách hữu hiệu hơn.

Nhưng vì yêu cầu bảo đảm bí mật nên chính những người trong cuộc cũng chỉ biết đường dây của chính mình thôi và không biết rõ những hoạt động của người khác hay biết bức tranh toàn cảnh là gì.

Cuốn sách này, lần đầu tiên, giúp cho người đọc biết tương đối rõ rệt bức tranh toàn cảnh của việc chi viện cho miền Nam cũng như những hoạt động cụ thể của từng con đường tiếp viện và của các nhân vật chủ chốt trong đó. Tiếng nói của các nhân vật chủ chốt được trích trong sách này là một đóng góp rất quan trọng và rất sống động mà chưa quyển sách nào hay bài báo nào làm được.

Nhiều nhân vật chủ chốt đều cho biết họ sẽ không thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó nếu không có sự ủng hộ, sáng tạo và bảo vệ của người dân. Nhưng những nhân vật chủ chốt được trích trong sách này đã không nói rõ là vì sao nhân dân đã hi sinh lớn đến như vậy để giúp thiết lập và bảo vệ "5 đường mòn Hồ Chí Minh" này. Đó là nhờ trong suốt thời gian từ năm 1945 đến năm 1975 Cách mạng đã giành được chính nghĩa.

Chính phủ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng Lâm thời) có chính danh vì đã tranh đấu giành độc lập và tự do cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Chính nghĩa và chính danh, chứ không phải chỉ các hoạt động bí mật và sáng tạo, đã giúp cho Cách mạng không những bảo vệ được 5 con đường miêu tả trong sách này mà còn bảo vệ tổ quốc và giành lại độc lập cho toàn dân tộc.

Nếu cuốn sách này có gợi ra được một ấn tượng, hay một ý gì đáng suy nghĩ nhất cho người đọc thì đó là việc huy động được lòng dân - nhân dân trong nước và nhân dân thế giới.

Thêm vào đó, người đọc có cảm nhận ngay đây là một cuốn sách có tinh thần khoa học rất cao. Tác giả đã nghiên cứu rất công phu, đã đối chiếu và phân tích các tư liệu với sự trung thực của một sử gia, và đã không qua đó mà phê phán cách tiếp cận của bất cứ một người nào hay đường lối chính trị của bất cứ một phe phái nào từ trong cuộc chiến đến nay.

« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười, 2020, 07:32:29 am gửi bởi Giangtvx » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:13:54 pm »

LỜI TÁC GIẢ

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (theo cách gọi của Việt Nam), hay chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của người Mỹ và đồng minh), là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, để lại những dấu ấn sâu sắc nhất trong dư luận và tâm linh của nhân loại thế kỷ XX. Những dấu ấn đó có nhiều chiều và nhiều ý nghĩa khác nhau: Là niềm tự hào nơi người chiến thắng, là sự bẽ bàng và khủng hoảng trong đời sống chính trị và tâm linh Mỹ, là sự day dứt nơi những người đã từng tham gia quân đội và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa...
Có lẽ cũng vì những loại dấu ấn rất khác nhau đó, cho nên dù chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, vẫn tiếp tục một loại “chiến tranh" trong giải thích và bình luận lịch sử.

Cuốn sách này không nhằm tham gia vào cuộc "chiến tranh" đó, và cũng không chọn một chỗ đứng nào trong ba góc nhìn kể trên.
Mục đích của cuốn sách này là phơi bày một khía cạnh lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh mà nhiều chỗ vẫn còn chưa được biết tới, hoặc biết rất không đầy đủ: Đó là những hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

Cho đến nay, có biết bao nhiêu tài liệu đã được công bố từ cả ba phía, biết bao nhiêu cuốn sách đã được viết ra nhưng vẫn chưa nói hết được những câu chuyện về các con đường mòn Hồ Chí Minh đó, thậm chí có những con đường hầu như chỉ ai đã đi thì mới biết.

Sách báo Mỹ đã biết khá rõ về con đường Hồ Chí Minh trên bộ, tức là đường Trường Sơn. Nhưng cả những tài liệu đã được giải mật lẫn những sách báo đã được viết ra vẫn chưa giúp người đọc thỏa mãn một câu hỏi: Vì sao mà những phương tiện hiện đại nhất của Mỹ, dù đã được huy động tối đa vào đây, vẫn bị vô hiệu hóa bởi những con người mà xét về cả tiền bạc lẫn kỹ thuật đều thua kém nhiều lần?

Những biện pháp để làm đường, những cách tổ chức vượt đường, hệ thống quản lý các cung chữa và nhất là những cách để tránh bom đạn và "đánh từa" kỹ thuật Mỹ... mà đến nay chính là những chuyện lý thú nhất, thì hình như sách báo Mỹ vẫn chưa nói được bao nhiêu, thậm chí cho đến gần đây nhất vẫn có những chuyện hiểu lầm (như chuyện hoang đường mới được phía Mỹ công bố đầu năm 2008 về việc "tình báo Việt cộng" lọt được vào hệ thống thông tin quân sự của Mỹ để "ra lệnh" cho máy bay Mỹ ném bom các căn cứ quân sự Mỹ).

Con đường thứ hai là con đường xăng dầu, với tổng chiều dài tới 5.000 km, để vận chuyển nhiên liệu suốt từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển miền Bắc vào đến tận Nam Bộ, có chỗ vượt qua cả những độ cao tới gần ngàn mét là điều có vẻ là bất khả thi đối với kỹ thuật đường ống.

Con đường này người Mỹ dường như cũng biết rằng có và cũng đã đánh phá được một số điểm. Nhưng nó có bằng cách nào và nó đã đóng vai trò ra sao trong việc cung cấp nhiên liệu cho các đoàn xe vận tải vũ khí cung cấp nhiên liệu cho xe tăng trong các trận đánh lớn ở miền Nam, thì hình như trong những tài liệu đã giải mật gần đây nhất cũng không có được những thông tin cụ thể.

Con đường thứ ba là con đường trên biển, thì hải quân, không quân của Mỹ và của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã cảm thấy hình như có chuyện và đã tổ chức đề phòng. Nhưng trong suốt 7 năm đầu hoạt động, các đoàn tàu không số đã đưa được hàng chục ngàn tấn vũ khí vào Nam rồi mà đối phương vẫn không bắt được vụ nào. Chỉ đến năm 1966 họ mới giật mình khi bắt được một vài vụ.

Nhưng họ vẫn không sao tìm ra manh mối. Một số con tàu chớm bị phát hiện, sắp bị vây bắt, thì thuỷ thủ đoàn đã tự đánh đắm và tự thủ tiêu. Do đó nó vẫn là một con đường "phi tang”. Nếu lại so sánh những hải đồ do phía hải quân Mỹ vẽ về các tuyến đi của các con tàu không số và hải đồ thật của Lữ đoàn 125 thì khoảng cách sai biệt vẫn rất lớn

Rồi khi những "con tàu đánh cá giả” bị họ theo dõi sít sao, thì những "con tàu đánh cá thật", hoàn toàn hợp pháp mà họ quen mặt từ lâu, lại bắt đầu chuyển sang chở vũ khí, còn công nhiên chở cả những cán bộ lãnh đạo quan trọng như Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh ra Bắc, vào Nam..., thì cho đến ngày giải phóng đối phương cũng chưa hề biết đến.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:14:10 pm »

Con đường thứ tư là con đường hàng không, bí mật trong công khai, đi từ Phnom Penh, bay qua lãnh thổ miền Nam Việt Nam, thậm chí bay qua chính Sài Gòn, tới Hồng Kông hoặc Quảng Châu rồi về Hà Nội. Con đường này đã từng vận chuyển hàng ngàn lượt tướng tá của miền Bắc vào miền Nam và từ miền  Nam ra miền Bắc, vận chuyển hàng triệu đô-la cho cơ quan Kinh-tài của miền Nam, vận chuyển rất nhiều thứ máy móc, thuốc men và hóa chất quan trọng, vận chuyển thương binh, vận chuyển vợ con những chiến sĩ và cán bộ của miền Nam ra Bắc để học tập và điều dưỡng... Nhưng phía Mỹ và Chính quyền Sài Gòn hình như cũng hoàn toàn chưa biết gì.

Con đường thứ năm, con đường chuyển ngân thì còn bí hiểm hơn. Đó là con đường vô hình, không có đường, không có lối trên đất liền, trên biển, trên không, trên những đường ống... Nó đi theo hệ thống ngân hàng của chính các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở ngay Sài Gòn để chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam, từ các nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa để chi tiêu cho những lực lượng Giải phóng.

Không cần ô tô, không cần máy bay, không cần tàu thủy, không cần gùi thồ, chỉ những mật mã, những cú điện... là tiền từ Paris, Lon don, Hong Kong, Bangkok, Moskva, Bắc Kinh... được chuyển qua Sài Gòn rồi lên các căn cứ địa ở khắp miền Nam, được thanh toán cho những địa chỉ cần thiết ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ... Con đường đó suốt hai mươi năm chiến tranh chỉ "ai làm thì biết", Mỹ không biết, Chính quyền Sài Gòn không biết, nên không một ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào bị phát hiện...

Không riêng người Mỹ, không riêng những người nước ngoài, ngay cả những người Việt Nam, thậm chí cả những chiến sĩ, những cán bộ và cả những người lãnh đạo cấp cao trong hệ thống các con đường Hồ Chí Minh kể trên cũng không biết hết được những gì ngoài phạm vi mình phụ trách. Người phụ trách đường bộ không biết được bao nhiêu về hệ thống đường biển. Người phụ trách đường biển không biết bao nhiêu về hệ thống đường hàng không.

Và tất cả những lực lượng đó hoàn toàn không biết đến hệ thống đường chuyển ngân bí mật qua các ngân hàng. Sự "không biết" đó của cả bên này lẫn bên kia càng chứng tỏ rằng ngoài những điều thần kỳ của ý chí, tài năng và cách tổ chức, còn có một điều thần kỳ nữa: Sự bí mật?

Ở Việt Nam đến nay cùng đã có rất nhiều sách viết về đường Trường Sơn, một số sách viết về con đường trên biển. Nhưng do những sách đó vẫn còn nặng về biểu dương thành tích, về lòng tự hào và ngợi ca, nhẹ về mô tả lịch sử và đúc kết lịch sử, mà có đúc kết thì cũng không ngoài mấy bài học đã thuộc từ lâu, nên tuy số trang thì kể ra đã có tới hàng ngàn, hàng vạn, mà người đọc vẫn khó thu lượm được những điều mà họ thực sư tìm

Có thể nói, cho đến nay chưa có một sự trình bày tổng hợp nào về cả 5 đường mòn Hồ Chí Minh đó cũng như tính liên hoàn của chúng, để làm sao trong vòng hai, ba trăm trang thôi, có thể nói lên được những nét chính yếu của hệ thống chi viện vừa đa phương, vừa đa dạng cho miền Nam suốt trong 20 năm chiến tranh. Đó đang là nhu cầu của cả những thế hệ đương thời lẫn những thế hệ hậu chiến ở Việt Nam cũng như' ở Hoa Kỳ.

Đó chính là lý do thúc đẩy tác giả viết nên tập sách nhỏ này.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:14:17 pm »

Cũng xin nói rõ rằng tác giả không hề có cương vị nào trong sự nghiệp lớn lao này, nên không hề dám làm điều gì vượt trội những tác giả tiền bối mà chỉ xin khiêm tốn nhặt nhạnh lại của những người đi trước (cả những người đã viết lẫn những người đã làm, cả phía bên này và phía bên kia), lại dựa thêm vào những tài liệu mới được giải mật của Mỹ, cộng với việc phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng đương thời, rồi sau đó tuyển chọn, sắp xếp lại một cách có hệ thống những gì mà người viết hiểu rằng người đọc ngày nay thực sự cần biết.

Cũng xin nói rõ thêm rằng trong công việc sưu tầm này có nhiều khi tác giả không thể vượt qua được một khó khăn rất lớn là: Những nguồn số liệu thống kê trong thời kỳ này có nhiều chỗ còn mâu thuẫn với nhau mà tác giả không có đủ khả năng kiểm chứng. Ở những chỗ đó, tác giả xin ghi chú rõ sự bất lực của mình, hy vọng các cơ quan hữu quan và các nhà nghiên cứu lưu ý xác minh.

Còn về hình ảnh minh họa, cũng do hoàn cảnh chiến tranh, trong khi sưu tầm, tác giả không xác định được nguồn gốc của một số ảnh, cũng xin mạnh dạn trình trước quý bạn đọc và mong nếu có ai phát hiện được thì xin cho tác giả được biết.

Còn về tên gọi, xin có đôi lời giải trình: Con đường trên bộ qua Trường Sơn, gồm toàn bộ hệ thống đường vận tải bộ và sau đó là hệ thống đường ống xăng dầu, đương nhiên đã được đặt tên từ lúc khai sinh 19-5-1959 là "Đường Hồ Chí Minh". Còn con đường trên biển thì thậm chí, như trong sách này viết, nó đã ra đời ngay từ thời kháng chiến chống Pháp và đã được những "con cá kình" đầu đàn thời đó đặt tên là "Đường Hồ Chí Minh trên biển".

Còn con đường chuyển ngân thì ban đầu vốn cũng đi theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, sau đó hai vị “cha đẻ" của sáng kiến chuyển ngân là Mười Phi và Mai Hữu Ích gặp nhau ở Phnom Penh để quy định những mật ước, cũng đã đặt tên cho nó là "Đường Hồ Chí Minh FM", tức là Đường Hồ Chí Minh theo phương pháp mới.

Riêng con đường bí mật trên không thì quả chưa thấy ai đặt tên cho nó là gì. Nhưng nói về tính chất, về tính năng và tác dụng của nó đều giống như các con đường kia: Đều là vận chuyển người, vận chuyển tiền một cách bí mật để chi viện cho miền Nam. Tác giả thấy nó hoàn toàn đáng được xếp vào hệ thống chung của các con đường mòn mang tên Hồ Chí Minh, nên nhân đây xin mạn phép thỉnh vấn các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc.

Tác giả xin chân thành cảm ơn tất cả các vị lão thành đã từng là người trong cuộc (mà tên tuổi đã chú thích trong sách) đã vui lòng cho gặp cho hỏi, cho tư liệu, cho ảnh, để nhờ đó có được nội dung chính của cuốn sách này.

Tác giả xin cảm ơn Gs. Đỗ Hoài Nam và Ban lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam đã chấp nhận công trình này trong khuôn khổ một đề tài khoa học của Viện Kinh tế Việt Nam và tạo những điều kiện tối ưu cho việc thực hiện nó.

Tác giả xin cảm ơn các sử gia Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Kỳ Phong là những người nhiều năm sống ở Mỹ, biết rất nhiều về lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, đã giúp tác giả không những về tư liệu, mà về cả cách hiểu những tình tiết lịch sử liên quan đến phía Mỹ.

Tác giả cũng không thể nào quên nhắc đến tên và gửi vào đây lời cảm ơn tới các bạn cộng sự trẻ đã hết lòng cộng tác và cộng tác một cách đầy hào hứng trong công việc tìm tư liệu, biên soạn và hoàn tất một bản thảo "khó tính" như bản thảo cuốn sách này: Ngô Huyền Minh, Cao Tuấn Phong, Vũ Ngọc Quyên, Trịnh Thị Hải Yến, Thùy Dương, Phạm Văn Hiếu... thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:15:20 pm »

NHẬP ĐỀ: NHỮNG GIAI ĐOẠN "TIỀN SỬ”

1. Thời trước Cách mạng

Nếu nói đến những con đường giao thông Bắc - Nam, ngoài tuyến đường thông dụng mà thời xưa vẫn thường gọi là đường “thiên lý", gần trùng với quốc lộ 1A ngày nay, thì từ nhiều thế kỷ trước đã có những đoạn đường trên Trường Sơn và cả một số tuyến giao thông đường biển được sử dụng trong việc qua lại giữa miền Bắc và miền Trung, miền Trung với miền Nam.

Trên đường bộ, nếu xét về mặt lịch sử, thì con đường Trường Sơn đã có trước đường quốc lộ 1A hàng ngàn năm. Con đường đi từ Phong Châu vào miền Trung, men theo núi, gọi là đường "thượng đạo", đã có từ thời Hai Bà Trưng. Nó là con đường do các bộ tộc của nước Việt cổ xây dựng dần từng đoạn, qua từng thế hệ do nhu cầu giao lưu và bành trướng. Sau này, đó là những đoạn đường dùng cho các cuộc chuyển quân chiến đấu giữa các sứ quân.

Còn ở phía Nam, ngay từ thế kỷ VI-VIII, quốc vương Chân Lạp (Campuchia ngày nay) mấy lần mở cuộc tấn công lên phía Bắc, chiếm cao nguyên Bôlôven, đánh sang phía Tây chiếm một phần đất Xiêm La (Thái Lan), đánh xuống phía Đông chiếm đồng bằng sông Cửu Long. Những đường hành quân đó đều là những lối mòn xuyên sơn, dần dần được mở thành đường cho cả xe thổ mộ đi lại...

“Cho tới trước khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, thì có lẽ chi có một con đường chính mà sau này gọi là "thượng đạo”. Tới thế kỷ X đó là tuyến đường bộ duy nhất nối đồng bằng sông Hồng với vùng Thanh – Nghê. So với ngày nay, đoạn đầu của đường "thượng đạo " hầu như trùng với quốc lộ số 6. Đường qua sông Đáy đi lên Trúc Sơn theo đường Đìa, qua Tốt Động, vượt sông Tích. qua đất Mỹ Lương, Chi Nê, Nho Quan, Rịa thuộc Ninh Bình rồi vượt qua Đồi Ngang vào Thanh Hóa qua Phố Cát, Thạch Thành... đến núi Đồng Cổ thuộc huyện Yên Định. Đi tiếp vào phía Nam đến Vụ Ôn, thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh thì có một ngả rẽ sang Lào”.

Sử còn chép, vào năm 982 khi vua Lê Hoàn đi đánh Chiêm Thành, đã theo đường "thượng đạo" mà cất binh:

"Khi vua đi đánh Chiêm, đã qua núi Đồng Cồ, đến sông Bà Hòa thuộc Tĩnh Gia, đường núi rất hiểm trở, khó đi." (Đại Việt Sử ký toàn thư. Nxb Văn hóa-thông tin, Hà Nội, 1999, q.1. tr.124)

Ngược lại, vào các năm 1207 - 1209, quốc vương Chân Lạp cùng quân Chiêm Thành; Xiêm La mở nhiều đường theo hướng các đường 19, 20, 21 ngày nay) xuyên Trường Sơn thọc xuống đánh úp Đại Việt...

Đến khi Lê Lợi dấy binh chống quân nhà Minh, thì ông cũng thường dùng đường “thượng đạo" để "chuyển quân và chuyển lương không ngớt." (Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, q.2. tr.382.)

Đặc biệt trong những chiến dịch quân sự, nhất là thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, đường Thiên lý bị tắc nghẽn, nhiều tuyến đường từ Bắc vào Nam trên Trường Sơn vẫn được dùng đến. Trên tuyến đường "thượng đạo” thường có nhiều sông suối. Để vượt qua sông suối, người xưa đã dùng thuyền, mảng. Những đoạn hẹp thì dùng cầu tre. Những đoạn rộng thì đã biết dùng cầu phao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:16:17 pm »

Năm 1587, chúa Trịnh Tùng vào Nam đánh chúa Nguyễn đã cho bắc cầu phao qua sông Đáy ở vùng chợ Rịa, thuộc Ninh Bình. Trong trường hợp thần tốc thì còn căng dây qua sông qua suối để người ngựa vịn qua đó mà vượt qua, gọi đó là "dây bay". Lại có phép dùng phao để chuyển người và hàng hóa, những chiếc chum đan bằng tre rồi lấy vải gai tẩm dầu bọc lại để người ngựa và hàng hóa dựa vào đó bên kia dùng dây kéo qua sông…

Sau đó, chính Lê Quý Đôn (năm 1775 với cương vị Hiệp trấn Tham tán Quân cơ) cũng đã dùng con đường phía Tây Quảng Trị rồi tràn qua đường số 9, dùng voi đánh vào Thuận Hóa. Trong “Phủ biên tạp lục”, ông cũng đã từng kể đến nhiều đoạn gian truân của cuộc hành quân qua con đường này: .

“Tôi là kẻ tầm thường, may gặp chánh Chúa, mùa thu năm Giáp Ngọ (1774) được vào hầu ở Chính phủ, gặp việc đi đánh miền Nam... Đến mùa xuân năm Bính Thân (1776) tôi được sai làm Tham thi Quân vụ giúp việc của xứ ấy..."

"Từ sông lớn Lệ Thủy, thuyền chở vào sông Ngô, thẳng đến Bến Dâu, xã Thô Ngõa, trước có kho thóc, nay làm chỗ đồn chứa lương. Từ Bến Dâu đến Lai Cách là đồi núi trập trùng, rừng cây rậm rạp. Tôi đi từ Bến Dâu, sai lấy hai đội xe trâu vận tải, mỗi xe hai trâu kéo, một người coi 7 xe, một xe chở gạo 1200 bát, qua mười lăm, mười sáu lớp đồi ngang, đến quán Mít nghỉ một lát, lai đi qua sáu bày lớp đồi bằng, giờ Thân thì tôi đến đồn Lai Cách, đến tối các xe trâu cũng đến."

“Từ Cam Lộ theo đường sông đi xuống, qua các xã Thượng Độ, Nham Giang, Thuận Đức, Thiết Phủ, đường rất hiểm dốc, bên hữu đường đều là đồi núi, trèo non lội suối nửa ngày mới đến xã Đông Hà, thấy đất bằng có đông dân cư... Xã Cam Lộ huyện Đăng Xương ở thượng sông Điếu Ngao, dưới thông với Cửa Việt, trên tiếp với các nguồn sát đất Ai Lao, ở xa thì nước Lạc Hoàn. nước Vạn Tượng." (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.27, 106-108.)

Đến cuối thế kỷ XVIII chính Quang Trung cũng đã tận dụng con đường thượng đạo để hành quân thần tốc. Ông đã từng dùng con đường phía Tây thành Quảng Ngãi, Quảng Nam để ra đánh thành Phú Xuân. Nhiều cánh quân của Quang Trung đã dùng voi đi trên con đường này để tạo sự bất ngờ cho quân chúa Nguyễn. Từ thượng du Bình Định theo đường thượng đạo tiến ra thượng du Nghệ An. Khi đánh lại liên quân Xiêm La - Nguyễn Ánh, quân Tây Sơn lại mở đường xuyên sơn tiến vào Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Định... (Việt sử thông giám cương mục. Dẫn theo Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, sđd, tr 67.)

Còn quốc lộ 1A, mà tiền thân của nó là đường Thiên lý còn gọi là "hạ đạo" thì xuất hiện từ khoảng giữa thế kỷ XI, dưới triều nhà Lý.

Sách “Sử học bị khảo” của Đặng Xuân Bảng viết vào thế kỷ XIX chép:

"Nhà Lý về sau đóng đô ở Thăng Long, muốn vào Thanh Hóa thì làm một đường qua các huyện Thượng Phúc (Thường Tín), Thanh Liêm mà vào Gia Viễn." (Đặng Xuân Bảng. Sử học bị khảo, Nxb Văn hóa-thông tin. Hà Nội, 1997, tr.65.)

Khi con đường Thiên lý đã mở, thì con đường "thượng đạo" ít được dùng đến. Đến thế kỷ XVIII, trong “Kiến văn tiểu lục”, Lê Quý Đôn viết:

“Đường cái ở Tốt Động, Mỹ Lương rộng 2 trượng (khoảng 6 m) nghe nói là đi rất gần, nhưng nay không còn đi được nữa”.

Đầu thế kỷ XX. các sĩ phu yêu nước Việt Nam lại "xoi" lên Trường Sơn đón vua Hàm Nghi đến động Voi Mẹp (phía Tây Cam Lộ) lập căn cứ Chính ở nơi này, vua đã hạ chiếu Cần Vương...

Đó là quá trình hơn ngàn năm hình thành mạng lưới đường không tên trên dải Trường Sơn, gắn bó ba quốc gia Đông Dương.

Còn trên biển thì chắc chắn từ xa xưa đã có những cuộc di cư Bắc Nam bằng thuyền theo gió mùa. Những tài liệu chính thức nói đến các tuyến đường biển là vào thế kỷ X. Trong triều đại nhà Lý, những tuyến đường trên biển đã được mở cho các cuộc hành quân đánh Chiêm Thành. Trên tuyến đường này, ngay từ thế kỷ XI-XII, mối quan hệ giữa Bắc và Nam là quan hệ giữa triều đại nhà Lý, nhà Trần với Chiêm Thành, cả hai bên đều đã sử dụng cho cả quân sự lẫn ngoại giao, thương mại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:17:16 pm »

2. Từ sau Cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nhất là từ khi bùng nổ kháng chiến Nam Bộ, nhiều đoạn trên quốc lộ số 1 bị quân Pháp chiếm đóng. Nhiều đoàn cán bộ Việt Minh đã phải hoặc theo ngả Trường Sơn, hoặc qua biển Đông ra Bắc vào Nam... Như thế cả hai tuyến đường Hồ Chí Minh đã in dấu chân những chiến sĩ cách mạng từ những năm 1945 - 1946.

Giữa năm 1946, Đông Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ bị Pháp chiếm đóng. Pháp đã kiểm soát hầu hết đoạn quốc lộ Bắc - Nam. Lực lượng vũ trang của Việt Minh chỉ còn kiểm soát được phía Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Đây là các vùng tự do, còn có thể đi lại được.

Đầu năm 1947, Pháp đã chiếm được một phần đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, đoạn từ phía nam đèo Ngang vào đến nam Đà Nẵng, phần lớn Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong Nam, nhiều đoàn cán bộ đã ra Bắc bằng đường biển. Còn từ ngoài Bắc, để chi viện cho chiến trường Nam Bộ, Chính phủ Hồ Chí Minh đã cử nhiều cán bộ cấp cao, đồng thời chuyển một số lớn tiền và vàng để giúp miền Nam mua sắm thêm vũ khí và giải quyết những nhu cầu của kháng chiến. .

Như vậy, ngay từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, hai con đường vào Nam đã được đánh thông: Một hướng trên bộ, một hướng trên biển.

Con đường trên bộ:

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các tỉnh đều tự động xoi đường lên vùng núi để mở đường liên lạc. Thanh Hóa xoi lên Hồi Xuân, suối Rút, Cổ Định, núi Nưa. Nghệ Tĩnh tìm đường bí mật lên Con Cuông, Ngàn Phố. Quảng Bình, Quảng Trị xoi đường vượt Trường Sơn sang Lào, men dọc Tây Trường Sơn vào Khu V. Cuối năm 1947, ủy ban Kháng chiến Trung Bộ xoi đường lên Tây Nguyên, nối với Nam Bộ: Từ Bắc Ái (thuộc Ninh Thuận) bắt đầu xoi con đường mòn Ninh Thuận - Bình Thuận - miền Đông Nam Bộ. Hành lang này giữ vững cho đến thời chống Mỹ.

Đoàn đầu tiên mở đường bộ vào Nam là đoàn của các ông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông, Ca Văn Thỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, cùng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Sau khi dự họp kỳ Quốc hội đầu tiên vào đầu năm 1946, các ông nhận chức vụ trong Chính Phủ, nhưng lại tình nguyện vào Nam tham gia chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến Nam Bộ. Ngoài nhiệm vụ vào Nam tham gia kháng chiến, các ông còn kết hợp mang theo tiền, vàng và những tài liệu để xây dựng bộ máy kháng chiến Nam Bộ thời đó. (Thăng Long. Nhớ Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Nxb Trẻ Tp Hồ Chí Minh 1999, tr374)

Từ Hà Nội vào Nam Bộ, đoàn chỉ đi bằng tàu hỏa được một đoạn từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, sau đó phải đi bộ, nhờ dân địa phương vác hàng hóa, tài liệu và tiền. Đoàn vào tới Quảng Bình bằng đường quốc lộ sau đó rẽ sang động Phong Nha để đi theo đường trên núi Trường Sơn
Đơn vị đầu tiên mở đường tiếp tế và dẫn đường cho đoàn Ngô Tấn Nhơn và các đoàn khác sau đó chính là Phòng Liên lạc Liên khu V. Đơn vị này được thành lập theo chỉ thị của ông Phạm Văn Đồng, lúc đó là đại diện của Chính phủ tại Nam Trung Bộ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:18:12 pm »

Tháng 1 năm 1947, Phòng Liên lạc Liên khu V đóng tại Phú Ốc, Thừa Thiên chỉ gồm 8 thành viên, ông Sĩ Huynh làm trưởng phòng. Năm 1947, ông Phạm Văn Đồng gửi thư vào cho Phòng Liên lạc Liên khu V:

“Liên khu V ngày 20.8.1947

Kính gửi đồng chí Nguyễn Sĩ Huynh

Trưởng Phòng Liên lạc Liên khu V.

Trong này đã nhận được các chuyến hàng do các anh gửi vào bằng đường bộ và đường biển.

Thay mặt lãnh đạo, tôi gửi lời khen các anh đã cố gắng làm được một số việc có ý nghĩa lớn. Trong này rấl cần gạo, vũ khí, thuốc men. Mong các anh tiếp lục phấn đấu, vượt khó khăn, gian khổ gửi nhiều hàng vào an toàn. kịp thời phục vụ cho chiến trường Liên khu V đang đòi hỏi.

Chúc các đồng chí khỏe.
Thân ái,
Phạm Văn Đồng Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ”.

Ông Ngô Duyệt, một trong những thành viên đã đi áp tải chuyến hàng đầu tiên của đơn vị nhớ lại:

"Năm 1947, tôi được Nha Tài chính Trung Bộ lúc đó sơ tán tại làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, cử phụ trách một đoàn đi áp tải bạc Đông Dương vào miền Nam. Nhiệm vụ của đoàn là áp tải số bạc Đông Dương từ Khu IV (Hà Tĩnh) vào bàn giao cho Liên khu V (Quảng Ngãi) để Liên khu V chuyển đến cho Khu VI và cứ thế cho đến cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Mọi công việc chuẩn bị đều được giữ bí mật từ nhiều tháng trước, như tuyển mộ 120 dân công, trang bi phương tiện đi rừng, đóng thùng đựng bạc vừa một người cõng sau lưng. Đến giờ G, ô tô đưa tôi, anh Lâm Công Thương, hai đại diện của Nha Tài chíh Trung Bộ và anh Đoàn Văn Long đại diện của kho bạc Trung Bộ đến ga xe lửa Chợ Thượng (Hà Tĩnh) gặp đoàn từ Hà Nội đi vào trên một toa tàu riêng có cảnh vệ canh gác.

Anh Trần Duy Bình thay mặt Nha Tài chíh Trung Bộ và cũng là người tổ chức đoàn áp lài giới thiệu chúng tôi với ông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông được Trung ương và Bác Hồ cử đi công tác Nam Bộ. Đi cùng với ông Nhơn có anh Thực, thư ký riêng kiêm bảo vệ, anh Nguyễn Thanh Tâm của Phòng Liên lạc Liên khu V chịu trách nhiệm đưa đoàn đi bằng đường bộ.

Đi đúng 30 ngày, đoàn đến xóm Mới (Quảng Trị). theo đường rừng đi đến Thừa Thiên, rồi Quảng Nam, leo dốc Bút, đổ xuống An Tân, bến Vát đã có ô tô từ Quảng Ngãi ra đón... Đến thị xã Quảng Ngãi thì bàn giao, tiến hành ký biên bản, sau đó đồng chí Phạm Văn Đồng mời cơm và chia tay ông Nhơn, chúng tôi và 120 dân công trở ra Hà Tĩnh."

Đoàn cán bộ của ông Ngô Tấn Nhơn vào đến Quảng Ngãi, đi tàu hỏa từ đó vào Phú Yên thì không đi tiếp được nữa, vì liên lạc từ Bắc vào Nam bị tắc ở đoạn từ Khánh Hòa vào đến Ninh Thuận. Mặc dù ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam đã cử ba đoàn đi mở đường nhưng vẫn không thành công. Đoàn thì bị lộ, phải rút chạy vì bị biệt kích truy đuổi, đoàn thì bị giặc Pháp chặn đánh... mất mát, hy sinh, số còn lại đói khát, thiếu thốn mất liên lạc...

Cuối cùng ủy ban Kháng chiến Miền Nam quyết định cử ông Nguyễn Đăng, Tham mưu trưởng Khu VI làm trưởng đoàn để mở lối đi mới. Rút kinh nghiệm ba đoàn mở đường trước đây, ông Nguyễn Đăng nghĩ ra cách là vượt núi rừng Trường Sơn ở đoạn giáp biên giới Lào. Đoàn đã xuất phát từ dốc Chanh (Phú Yên), đi đến hòn Dữ (Khánh Hòa) và từ đây đi xuyên qua núi Ba Cụm, qua bản làng của người Thượng, đến Lý Điềm, từ Lý Điềm xuống dốc để đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu). Đây là trạm cuối của đường dây liên lạc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:26:08 pm »

Tính từ lúc xuất phát ở dốc Chanh đến đây mất 1 tháng 10 ngày, thế là đã thông suốt đường liên lạc bộ trên dãy núi Trường Sơn: Lộ trình bắt đầu từ Hà Tĩnh, đến Quảng Bình, leo núi sang phía Tây Trường Sơn, trở về vùng đồng bằng Quảng Trị, qua Thừa Thiên, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi... Sau đó đoàn của ông Ngô Tấn Nhơn được chuyển giao cho ủy ban Kháng chiến Miền Nam đóng tại Phú Yên dẫn đường đi tiếp vào Nam.

Sau khi vào đến Nam Bộ, ông Ngô Tấn Nhơn thấy được những khó khăn của việc đi lại trên đường Trường Sơn, ông thành lập Ban Tiếp tế miền Nam Việt Nam và trực tiếp làm trưởng ban này. Hiểu được thiếu thốn của Liên khu V là thuốc chữa bệnh, ông tổ chức mua thuốc tây tại Sài Gòn, đóng vào thùng kẽm, chuyển bằng đường bộ ra Liên khu V, mỗi năm chuyển được hai chuyến.

Cùng năm 1947, Phòng Liên lạc Liên khu V còn tổ chức một đoàn dân công mang tiền bạc, thuốc men từ Vinh đi bộ vào Liên khu V cùng với ông Nguyễn Duy Trinh lúc đó là Chủ tịch kiêm Bí thư Liên Khu ủy V (Nam Trung Bộ). Đoàn cũng phải đi qua các chiến khu thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, qua huyện Hiên (cực Tây Quảng Nam).

Tuy gọi là đường nhưng không phải đoạn nào cũng sẵn đường. Đường đi thường là tự mở, đi đến đâu mở đến đó, có đoạn phải leo núi, có đoạn phải lội suối. Nguy hiểm nhất trong những ngày đầu mở đường là thú dữ: hổ, voi. Càng đi sâu vào rừng, dấu chân người càng vắng dần. Không chỉ có thú dữ mà sốt rét rừng, muỗi, vắt cũng là những kẻ thù đe dọa sinh mạng và sức khỏe con người .

Như vậy, sau hai đoàn của các ông Ngô Tấn Nhơn và Nguyễn Duy Trinh, con đường bộ từ miền Bắc đi dọc Trường Sơn vào tới Nam Trung Bộ và tới các căn cứ của Nam Bộ kháng chiến thực sự đã được đánh thông. Tất nhiên đó hầu hết đều là đường mòn, khi thì đi trên núi, khi xuống ven đồng bằng, khi đi đò... Ngoài các cán bộ và chiến sĩ, còn phải thuê người dân tộc gùi đỡ một phần. Có nhiều trường hợp không có tiền thuê thì đồng bào cũng sẵn sàng giúp không lấy công.

Trên con đường này cũng đã hình thành những trạm giao liên, mỗi cung đoạn có một đơn vị phụ trách. Bắc và Trung Bộ do Phòng Liên lạc Liên khu V phụ trách. Từ Phú Yên trở vào do Ban Liên lạc ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ phụ trách. Kể từ đó trở đi, việc liên lạc Bắc Nam tuy gian nan vất vả nhưng an toàn và ổn định. Mỗi năm có nhiều đoàn đi ra và nhiều đoàn đi vào. Vũ khí tiền bạc, vàng, tài liệu, thuốc men của Trung ương chi viện cho miền Nam cũng theo con đường này để vào Nam.

Ông Dự Văn Kiều một trong số những người đảm nhiệm một chuyến hàng trên tuyến đường này vào tháng 8 năm 1949, còn giữ lại được một tấm ảnh rất quý hiếm của chuyến đi.

Trong số những đoàn vào sau hai đoàn đầu tiên mở đường kể trên, có thể kể đến những đoàn quan trọng như đoàn của các ông: Lê Duẩn, Lê Hiến Mai, Hồ Sĩ Ngợi, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Trần Quý Hai, Lưu Quý Kỳ. Một trong những đoàn rất quan trọng đã vào Nam vào năm 1948 là phái đoàn của Chính phủ do các ông Lê Đức Thọ (đại diện cho Trung ương Đảng) và ông Phạm Ngọc Thạch (đại diện cho Chính phủ) đi từ giữa tháng 9 năm 1948 đến đầu tháng 9 năm 1949 thì tới Đồng Tháp Mười.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2009, 11:26:50 pm »

Một trong những người đi trong đoàn này, ông Lê Toàn Thư, thư ký riêng của ông Lê Đức Thọ đã kể lại :

"Năm đó, đầu tháng 9, chỉ cách ngày phái đoàn lên đường độ 10 ngày, tôi được điều động sang Trung ương Đảng làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Đức Thọ, lúc đó là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (sau này gọi là Bộ Chính trị), phụ trách công tác tổ chức và dân vận của Trung ương. Đồng chí Lê Đức Thọ cho tôi biết: "Trung ương cử một phái đoàn vào công tác lại Nam Bộ. Cậu sẽ đi với tôi, làm thư ký riêng cho tôi. Mọi việc chuẩn bị tôi đã giao cho Văn phòng Trung ương Đảng lo liệu xong xuôi."

"Đồng chí Lê Đức Thọ giao cho tôi ba gói đã bao bọc, niêm phong kỹ lưỡng và cho biết: một là tài liệu chỉ thị, nghị quyết, văn kiện của Trung ương, khi tới Nam Bộ mới lấy ra làm việc. Hai là một số bạc Đông Dương. Khi có lệnh mới được chi dùng. Ba là một số vàng gửi cho Xứ ủy Nam Bộ. Đây là những vật bất ly thân, phải bảo vệ chúng như bảo vệ tính mạng của mình”

Đoàn gồm có ba đồng chí lãnh đạo về ba phương diện: đồng chí Lê Đức Thọ trưởng phái đoàn về mặt Đảng, đồng chí Phạm Ngọc Thạch trưởng phái đoàn về mặt Chính phủ. Đồng chí Dương Quốc Chinh, tức thiếu tướng Lê Hiền Mai đại diện của Bộ Tổng chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam...

Cán bộ cùng đi giúp việc phái đoàn tổng cộng dưới 30 người gồm thư ký, y sĩ, bảo vệ, cần vụ. Nhiều nhất là cán bộ quân sự...

"Từ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trở vào, đoàn phải leo núi, băng rừng, lội suối, phần nhiều là đi qua những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... Tới Bắc Khánh Hòa, đoàn phải chia làm hai, một bộ phận gồm ba đồng chí, trong đó có tôi đi đường biển, xuất phát từ hòn Hỡi Bắc Khánh Hòa qua nhiều chặng suốt dọc ven biển miền Trung, vào tận Xuyên Mộc (Bà Rịa), lại đi bộ, đi xuồng trên các kinh rạch tới Đồng Tháp Mười. Bộ phận còn lại tiếp tục đi đường rừng. Hai bộ phận đã gặp lại nhau đông đủ không thiếu một ai tại căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ Đồng Tháp Mười trên Kinh Ba..."

Trong số các đoàn từ Nam ra Trung ương công tác, học tập, có các đoàn của các ông Phạm Văn Đồng, Lê Đình Thám, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh, Huỳnh Ngọc Huệ, Trần Văn Trà, Đàm Quang Trung, đoàn của Xứ ủy Nam Bộ ra họp Đại hội Đảng lần thứ II, đoàn Lào của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, đoàn Campuchia của Sơn Ngọc Minh. 

Một trong số thành viên của đoàn đại biểu ra họp Đại hội Đảng lần thứ II, ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đã kể lại: 

“Ra Bắc dự Đại hội Đảng lần thứ II xong, khi trở về Nam, tôi cùng đoàn cuốc bộ mất một năm (ăn Tết năm 1951 ở Việt Bắc, ăn Tết năm 1952 ở Đồng Tháp Mười). Hồi đó tôi chưa hiểu lắm về địa lý Việt Nam, nhưng từ chiến khu Việt Bắc (Sơn Dương, Tuyên Quang) về đến khu căn cứ Bạc Liêu (Cà Mau), tôi đã thuộc khá nhiều địa danh trên đường mòn và các tỉnh duyên hải Khu IV khu V, miền Trung và cả Cực Nam Trung Bộ.

Qua từng chặng phải dừng một thời gian để chuẩn bị lương khô cho chặng tiếp theo, ngoài ra phải dừng lại do địch hành quân phục kích... Bấy giờ bom pháo không dữ dội như hồi chống Mỹ, nhưng anh chị em phải chiến đấu một cách lặng lẽ trong thiếu ăn, thiếu thuốc, nhất là thuốc sốt rét, lại thường xuyên phải chống địch đốt phá, bảo vệ mạch máu giao thông và bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ đi qua.

Bấy giờ lương thực có được chủ yếu dành cho khách, còn anh chị em thì sống vô cùng gian khổ. Tôi nghĩ mình đi như thế này đã là gian khổ lắm. nhưng so với các chiến sĩ giao liên chỉ có một lon bắp rang, phải chia bữa ra, ăn với rau rừng nấu cùng nước lã..."
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM