Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:35:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vì sao có cuộc chiến "ba ngàn ngày không nghỉ"?  (Đọc 60002 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2012, 11:06:05 pm »


- Tại sao đài phát thanh Bạch Mai không phát Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: theo tài liệu ta, đài đã được sơ tán và phần còn lại được tự vệ phá hủy bằng mìn theo kế hoạch. Tất nhiên ở đây sẽ đặt ra câu hỏi là vì sao không phát trước rồi phá hủy sau, điều này thì ta không trả lời được.


Trả lời câu hỏi này cũng không quá khó bác chiangshan ạ. Chuyển nhà mình thôi cũng đã phải mất cả ngày. Bản tin vừa phát ra, Pháp tập trung quân đánh vào đấy thì coi như mất hoàn toàn.


Hôm nay em tình cờ đọc được thêm đoạn này cũng có vài thông tin, mức độ chính xác chưa rõ:

Chủ trương toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chính phủ đã được quán triệt từ trước. Khắp các tỉnh trong cả nước, các Uỷ ban kháng chiến đều đã được thành lập và tổ chức lực lượng chuẩn bị đánh giặc. Trước giờ nổ súng toàn quốc kháng chiến 20 phút tại "Bưu điện Trung ương" Bờ Hồ (Hà Nội ) cùng một lúc tất cả các máy đều phát tín hiệu chuyển mệnh lệnh của Bộ quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi toàn quân. Toàn văn bức điện như sau: "Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ Tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ quốc phòng - Tổng chỉ huy, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội vệ quốc quân, dân quân tự vệ  Trung - Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy. Phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước". Tại nhiều thành phố, thị xã trong cả nước ngay sau khi nhận được điện báo mệnh lệnh nổ súng của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, các điện báo viên đã kịp thời báo cáo lên cấp chỉ huy cao nhất. Lệnh tấn công quân Pháp  được triển  khai kịp thời. Lực lượng tại chỗ của ta đồng loạt nổ súng  đánh địch ngay trong đêm 19-12-1946. ở Bưu điện Bờ Hồ, Hà Nội ngay khi tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ, điện thành phố tắt, súng địch xối xả bắn vào nhà bưu điện. Ngay lập tức các điện thoại, điện báo viên cắt toàn bộ đường liên lạc bằng điện thoại của Pháp. Đồng thời tiếp tục chuyển hết tất cả những công điện khẩn của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng ngay trong đêm 19-12. ở Đài tiếng nói Việt Nam ngay khi điện thành phố bị cắt, Đài đã dùng nguồn điện riêng tiếp tục buổi phát thanh tối với bản tin thời sự đặc biệt về tình hình chiến sự nổ ra tại Hà Nội. Ngay sau đó cơ sở đài phát thanh cũng được đặt mìn phá nổ theo kế hoạch tác chiến.

http://www.mattran.org.vn/home/thongtinCTMT/so54/vbhd1.htm#7
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2012, 11:17:05 pm »

Theo hồi ký của đại tá Nguyễn Dân thì chúng ta có chủ trương đấy. Bài đó in trong cuốn "Hai lần được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp" do Trần Đương biên soạn, nhà xuất bản Thanh Niên 2011.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #42 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2012, 10:20:24 am »

Chiến tranh Pháp - Việt bùng nổ vì đâu?

Cuộc chiến tranh Pháp - Việt (1945 - 1954) là một cuộc chiến tranh lớn kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Qua 9 năm chiến tranh ác liệt, về phía Việt Nam, đất nước đã bị tàn phá nặng nề, hàng chục vạn quân nhân và dân thường bị thương vong, hậu quả nặng nề về kinh tế, văn hoá, xã hội còn kéo dài nhiều năm sau. Về phía nước Pháp, 561.900 binh sĩ bị chết và bị bắt, trong đó có 142.900 binh sĩ Âu Phi. Đáng kể là hai viên tướng Tổng Tư lệnh quân Pháp ở Việt Nam là Lơcléc và Đờlát Đờ Tátxinhi, mỗi người đều có một con trai chết trận trên chiến trường Việt Nam. Nước Pháp đã tiêu tốn 2.938,7 tỉ Phrăng chiến phí, trong đó có 1.154 tỉ Phrăng viện trợ Mỹ. Vết thương của một cuộc chiến bại còn để lại di chứng cho nhiều thế hệ người Pháp.

Vậy ai là người chịu trách nhiệm làm bùng nổ cuộc chiến tranh đó?


Trước kia, bọn thực dân gây chiến cùng những kẻ bồi bút cho chủ nghĩa thực dân cố tình xuyên tạc sự thật, đổ trách nhiệm cho phía Việt Nam là  “bội ước tấn công trước”.

Ngày nay, mấy kẻ phản động người Việt ở nước ngòai mạo danh “vì quốc gia, dân tộc” cũng lớn tiếng vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam theo đường lối “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản và của những người lãnh đạo các nước cộng sản lớn, đưa đất nước vào cuộc chiến 30 năm (cả chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ), khiến cho đất nước lụn bại, hàng triệu người chết (cả hai phía), dân tộc phân ly…(!)

Lịch sử với sự thật vốn có, luôn phán xử công minh.

Sau thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đảng ta và nhân dân ta chỉ mong muốn có cuộc sống hòa bình để xây dựng đất nước, chăm lo đời sống. Nhưng hòan cảnh nước ta lúc đó lại vô cùng phức tạp, gần 30 vạn quân của nhiều nước đế quốc, dưới danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân phát xít Nhật, rải ra chiếm đóng các thành phố, thị xã, kể cả Thủ đô Hà Nội, các đường giao thông huyết mạch, các vị trí trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế ở hầu khắp nước ta. Bọn đế quốc có ý đồ và hành động khác nhau, nhưng đều chung một dã tâm lật đổ chính quyền Việt Nam độc lập, đưa dân tộc ta trở lại cuộc sống nô lệ.

Trong các nước đế quốc thì thực dân Pháp có lực lượng và điều kiện hơn cả, quyết tâm xâm lược lại nước ta, đặt lại nền cai trị trên “đóa hoa đẹp nhất” trong vườn hoa thuộc địa của Pháp trước đây.

Ngày 2 - 9 - 1945, giữa lúc nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng ngày Độc lập thì một số tên lính Pháp còn ẩn náu trong Thành phố, đã xả đạn vào đồng bào ta, làm hàng chục người chết và bị thương. Hai mươi ngày sau, 0 giờ ngày 23 - 9, được quân Anh và quân Nhật hỗ trợ, quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược lại nước ta. Quân và dân Nam Bộ được cả nước chi viện, đã chặn đánh quyết liệt, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.

Lúc này, nhân dân cả nước sôi sục căm thù quân xâm lược và hăm hở chuẩn bị sẵn sàng đánh trả quân Pháp nếu chúng mở rộng chiến tranh. Với trọng trách trước vận mệnh đất nước, trước sự sống còn của cách mạng, Đảng phải sáng suốt, cân nhắc lợi, hại để lãnh đạo tòan dân vượt qua khó khăn, thử thách, đưa cách mạng tiến lên. Trong Chỉ thị Tình hình và chủ trương ngày 3 - 3 - 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ rõ:

“Vấn đề lúc này không phải là muốn đánh hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lợi hại trong nước và ngòai nước mà chủ trương cho đúng”[1].

Vào lúc này, tình thế đất nước vô cùng hiểm nghèo. Chính quyền Tưởng Giới Thạch theo lệnh Mỹ, đã ký kết thỏa thuận cho quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân Trung Hoa (lúc này thường gọi là quân Tưởng). Như thế, quân Pháp đương nhiên sẽ đổ bộ vào miền Bắc nước ta. Nếu ta đánh quân Pháp, chúng sẽ vu cáo ta chống lại Đồng minh. Quân Tưởng sẽ có cớ để dùng vũ lực lật đổ chính quyền ta, lập chính quyền tay sai, cài cắm lực lượng phục vụ cho âm mưu bành trướng sau này và gây sức ép buộc Pháp phải nhân nhượng thêm quyền lợi. Quân Pháp sẽ trắng trợn tiến đánh quân ta. Về phía ta, chính quyền còn non trẻ, mặt trận dân tộc thống nhất chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn ít ỏi và non yếu về nhiều mặt. Sức ta chưa thể cùng lúc dùng lực lượng vũ trang đánh lại cả hai kẻ thù.

Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp để sớm đuổi quân Tưởng về nước, loại bỏ một kẻ thù nguy hiểm; đồng thời tranh thủ khả năng giải quyết quan hệ với kẻ thù chính là thực dân Pháp bằng con đường hòa bình, chí ít cũng làm cho cuộc chiến tranh chậm nổ ra, giành được thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lâu dài. Trong tình thế so sánh lực lượng bất lợi và để đạt được hòa hoãn, ta phải mềm dẻo nhân nhượng, chấp nhận phải đi đường vòng, đi từng bước một, nhưng bảo đảm chắc chắn tới đích cuối cùng.

Về phía Pháp, vào đầu năm 1946, nước Pháp đang còn khó khăn bề bộn do hậu quả chiến tranh thế giới; lực lượng quân viễn chinh ở Việt Nam chưa đủ khả năng mở rộng chiến tranh ra cả nước. Nhiều người trong chính giới Pháp, kể cả Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương Lơcléc và Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Đông Dương Xanhtơny cũng đề xuất dùng biện pháp đàm phán hòa bình để từng bước thôn tính Việt Nam - điều mà biện pháp vũ lực không thể đạt được.

Đó là bối cảnh lịch sử dẫn đến những cuộc hòa đàm Việt  - Pháp.

Ngày 6 - 3 - 1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết tại Hà Nội giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Pháp. Những Điều khỏan chính của Hiệp định gồm: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, tài chính riêng và là một thành viên trong Liên bang Đông Dương và trong Khối Liên hiệp Pháp; việc thống nhất Nam Kỳ vào nước Việt Nam sẽ được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng thân thiện đón quân đội Pháp vào thay thế quân đội Trung Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Số quân Pháp giới hạn là 15.000 người và sẽ rút hết trong 5 năm, mỗi năm rút 1/5 quân số.

Hiệp định sơ bộ ghi nhận sự nhân nhượng của hai bên. Mục tiêu trước sau như một của tòan Đảng, tòan dân ta là độc lập, thống nhất hòan tòan, nhưng hòan cảnh cụ thể chưa cho phép ta đạt ngay tới mục tiêu đó. Chúng ta phải chấp nhận một nền độc lập hạn chế và một nền thống nhất có điều kiện. Trong tình thế đất nước như “ngàn cân treo trên sợi tóc”, sự mất, còn của vận mệnh dân tộc chỉ là một khỏang cách mong manh, hòa thì còn mà đánh thì rất có thể mất, thực hiện sách lược hòa hoãn ngay với kẻ thù xâm lược là một quyết sách cần thiết, đúng đắn và mưu lược.

Tiếp sau Hiệp định sơ bộ, cuộc đàm phán chính thức diễn ra qua Hội nghị trù bị Đà Lạt và Hội nghị Phôngtennơblô. Tại các cuộc đàm phán, lập trường chính nghĩa mềm dẻo của ta là độc lập, thống nhất quốc gia và hợp tác với Pháp trên cơ sở bình đẳng. Trái lại, lập trường của Pháp hết sức ngoan cố phản động. Giới cầm quyền nước Pháp, đại diện quyền lợi tầng lớp tư bản phản động vẫn đòi Việt Nam phải nằm trong vòng cai trị của Pháp, vẫn tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam thống nhất. Lập trường thực dân của Pháp dẫn đến cuộc thương thuyết chính thức tan vỡ. Cánh cửa hòa bình như đã đóng chặt, quan hệ hai nước rất căng thẳng. Cuộc chiến tranh trên cả nước Việt Nam có thể xảy ra một sớm một chiều.

Để cứu vãn tình thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm tiếp tục vận động cho một giải pháp hòa bình, dù là tạm thời và mong manh. Ngày 14 - 9 - 1946, đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Người đã ký với Mutê - đại diện Chính phủ Pháp - bản Tạm ước thỏa thuận hai bên đình chỉ xung đột về quân sự, ghi nhận cuộc thương thuyết vẫn còn được tiếp tục. Trong cuộc họp báo ở Pari giải thích việc ký Tạm ước 14 - 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bản Tạm ước này đối với tôi có phải đã thỏa mãn không? Có và không. Được rất ít nhưng có còn hơn không. Ký Tạm ước này, chúng tôi muốn tỏ cho nhân dân Pháp biết chúng tôi mong muốn một tinh thần rộng mở trong sự hòa giải”[2].

Trong những hòan cảnh cụ thể, thực dân Pháp phải ký nhận sự hòa hoãn để đạt được một số mục tiêu mà chúng không thể đạt được bằng tiến công quân sự như đưa được một số quân ra miền Bắc Việt Nam, nhưng âm mưu trước sau như một của chúng là dùng vũ lực xâm lược lại đất nước ta. Cho nên, quân Pháp luôn vi phạm các điều khỏan đã ký kết, thường xuyên gây sự, xâm phạm chủ quyền nước ta.


------------------------------------------------------------------------
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng 1945 - 1954, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, H. 1978, t 1, tr 39
[2] . Nguyễn Thành: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp, Tạp chí Thông tin lý luận, H. 1988, tr 204
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #43 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2012, 10:28:11 am »

Diễn biến chính trị nước Pháp ngày càng phức tạp, bọn thực dân hiếu chiến ra sức phản đối hòa hoãn, các chính phủ thay nhau lên nắm quyền ngày càng thiên hữu. Cuối năm 1946, sau khi quân đội Trung Hoa đã rút về nước và quân viễn chinh Pháp đã được tăng cường đáng kể, thực dân Pháp quyết phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Giữa tháng 11 - 1946, quân Pháp đánh chiếm thành phố Hải Phòng, tiếp đó đánh chiếm nhiều công sở và tàn sát dã man đồng bào ta ở Lạng Sơn. Tướng Moóclie - Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương - đã nhận định rằng với các hành động đó, Hiệp định sơ bộTạm ước đã tan vỡ hòan tòan, chắc chắn chiến cuộc sẽ lan rộng khắp Bắc Kỳ, và như thế chứng tỏ nước Pháp đã chọn chính sách dùng vũ lực.

Chính phủ ta cố gắng dàn xếp để chấm dứt cuộc xung đột, nhưng quân Pháp càng ngang ngược, yêu sách những điều xâm hại đến độc lập chủ quyền của nước ta. Trước tình hình nghiêm trọng này, Đảng ta khẳng định:

“Sự thật đã chứng minh rằng: thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Tạm ước 14 tháng 9 là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc”[3].

 Ngày 17 - 12 - 1946, quân Pháp bắn vào trụ sở tự vệ ta và thảm sát dã man đồng bào ta ở Hà Nội. Ngày 18 - 12, quân Pháp đánh chiếm Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Chúng ta vẫn kiềm chế, cử người đến gặp chỉ huy quân Pháp nhằm ngăn chặn hành động chiến tranh của chúng. Chính Xanhtơny trong bức điện từ Hà Nội gửi về Sài Gòn cũng phải thừa nhận:

“Dẫu sao, cái quyết tâm (của Chính phủ Việt Nam - VNK) không phát động một cuộc đổ vỡ hòan tòan vẫn được ghi nhận cho tới hôm nay”[4]. Trong ngày 18 - 12, Pháp chuyển cho Chính phủ ta hai bức thư đòi ta phá hủy những chướng ngại trên đường phố để quân Pháp tự do đi lại, đòi để cho quân Pháp đảm nhiệm việc trị an thành phố Hà Nội, đòi để cho quân Pháp chiếm đóng nhiều vị trí quan trọng trong thành phố... Những điều trên chúng ra điều kiện phải thực hiện trong ngày 19 - 12. Thực sự, đây là tối hậu thư đòi ta hạ vũ khí đầu hàng. Thực dân Pháp đã có kế hoạch đánh úp các cơ quan Chính phủ và quân chủ lực ta ở Thủ đô Hà nội vào ngày 20 - 12 - 1946.

Ngay ngày 18 - 12, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hội nghị nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến. 9 giờ 30 phút đêm 19 - 12 - 1946, Thủ đô Hà Nội nổ súng, mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến.

Ngay trong đêm 19 - 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Tòan quốc kháng chiến[5]. Mở đầu Lời kêu gọi, Người nêu rõ thiện chí hòa bình của ta và dã tâm cướp nước ta của thực dân Pháp: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”. Người khẳng định ý chí sắt đá của tòan Đảng, tòan quân, tòan dân ta: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sự thật lịch sử, nhất là những sự kiện diễn ra trong quan hệ Pháp - Việt từ 23 - 9 - 1945 đến 19 - 12 - 1946 đã bác bỏ hòan tòan luận điệu xuyên tạc, “gắp lửa bỏ tay người” của bọn thực dân và những kẻ bồi bút tay sai chúng. Lịch sử cũng minh chứng rõ ràng nguyên nhân của cuộc chiến tranh Pháp - Việt (1945 - 1954) là do thực dân Pháp cố tình gây chiến, định dùng sức mạnh quân sự cướp nước ta một lần nữa. Nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ quyền độc lập, thống nhất thiêng liêng của dân tộc, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.

Những ai hiểu biết về cuộc chiến tranh, những người có lương tri trên thế giới, đều đứng về phía Việt Nam. Nhà sử học Pháp Philíp Đờvile đã nhận định có lý rằng: “Trong khi máy bay, xe tăng và binh lính Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược, thì chỉ có một dân tộc cam chịu để mình bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội dân tộc mình mới không chuẩn bị gì, không hành động gì để chống lại”[6]. Sau này Tổng thống Pháp Ph. Mittơrăng, trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam tháng 2 - 1993, đã trả lời các nhà báo rằng: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh bị đẩy vào cuộc chiến tranh”[7].

Đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta nhất tề đứng lên chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp, kẻ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền, tòan vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Đội quân nhà nghề hùng mạnh của nước Pháp đã bại trận, phải cuốn cờ rút về nước.

Diễn biến và kết cục cuộc chiến tranh Pháp - Việt (1945 - 1954) để lại bài học tổng quát chung: Bọn xâm lược cuồng chiến dù có lực lượng hùng mạnh cũng không thể đè bẹp được một dân tộc dù là nhỏ yếu, dám đứng lên chiến đấu vì mục tiêu chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia và có đường lối đúng đắn, có sức mạnh đòan kết tòan dân.

Ngày nay, Tổ quốc ta đã độc lập, thống nhất hoàn toàn, đang hòa bình xây dựng đất nước, nhưng chúng ta vẫn đang đứng trước sự đe dọa từ âm mưu xâm lược, can thiệp của các thế lực bên ngoài. Dân tộc ta với truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt, với thế và lực mới, chắc chắn trong bất cứ tình huống nào cũng có đủ tinh thần và lực lượng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược dù chúng lớn mạnh đến đâu và từ đâu tới./.

PGS, TS Vũ Như Khôi
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

-----------------------------------------------------------------------
[3] . Báo Sự thật ngày 29 - 11 - 1946
[4] . Ph. Đờvile: Pari - Sài Gòn -Hà Nội, Pari, 1988, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr 129
[5] . Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, t 4, tr 480 - 481
[6] . Philíp Đờvile: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Tạp chí Quốc tế, Pari, tháng 2 – 1949, tr 37, 38
[7] . Tạp chí Xưa và nay, số 2, tháng 5 - 1994, tr 9
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2012, 04:18:03 pm »

Chiến thắng Thượng Lào qua bình luận của các nhà quân sự và sách báo nước ngoài

Sau chiến thắng Tây Bắc tháng 10-1952, Cách mạng Việt Nam có điều kiện phù hợp với Cách mạng Lào hơn. Phân tích tình hình mọi mặt, Tổng Quân ủy Việt Nam đã đề nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Sầm Nưa (Thượng Lào) nhằm tiêu diệt, làm tan rã quân địch, củng cố vùng giải phóng và khu căn cứ địa cách mạng nước bạn.

Chiến dịch Thượng Lào diễn ra từ ngày 8-4 đến ngày 3-5-1953. Kể từ đó đến nay đã gần 60 năm trôi qua, nhiều tướng lĩnh, chính khách Pháp - Mỹ, nhiều học giả và ký giả trong thế giới tư bản đã viết rất nhiều cuốn sách, bài báo về chiến dịch Thượng Lào. Có người viết là để thanh minh cho mình và để trút trách nhiệm lên đầu người khác. Có người viết nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ của độc giả. Và có người tỏ ra nghiêm túc, khách quan trong khi nghiên cứu, trình bày, tuy căn bản vẫn chưa vượt ra khỏi cách nhìn tư bản.

Mặc dù còn nhiều vấn đề cần được trao đổi, bàn luận thêm, nhưng với cách nhìn, cách nghĩ của những vị tướng trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo và điều hành trước, trong và sau khi chiến dịch diễn ra đã có những lời rất thẳng thắn về nội tình của binh sĩ; về nguyên nhân thất bại cũng như thắng lợi từ hai phía trong chiến dịch.

Trước khi Chiến dịch Thượng Lào diễn ra, tại Pháp, trong các cuộc họp của Quốc hội và Chính phủ bàn về tình hình chính trị, xã hội Pháp lúc bấy giờ, các nghị sĩ chất vấn Thủ tướng Rơnê Mayê về vấn đề Đông Dương và tỏ ra lo lắng, thất vọng. Bộ trưởng Chiến tranh Pháp nghiêm túc cảnh báo khả năng có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa, sẽ có nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh của Pháp ở Hà Nội. Báo chí Pháp, kể cả báo chí phái hữu, đều kịch liệt phản đối chính sách theo đuổi chiến tranh mù quáng của Chính phủ Pháp và chỉ ra những tác hại của nó. Tờ Người quan sát số ra ngày 10-2-1953 viết: “ …binh lính Pháp không thể chiến đấu được nữa, họ đã bị kiệt sức trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Đó là một sự thật” và lời lẽ của tờ Combat (Chiến đấu) ngày 14-1-1953 còn quyết liệt hơn: “Chính phủ Rơnê Mayê phải lựa chọn trước tình hình chính trị tại Pháp và Đông Dương. Đó chính là một sự đầu hàng”. Tình hình chính trị tại Pháp như vậy rất bất lợi cho Tổng Chỉ huy Sa Lăng, người đang trực tiếp điều hành cuộc chiến tại Đông Dương.

Từ đầu năm 1953, Bộ Chỉ huy Pháp càng nhận rõ nguy cơ có thể mất Thượng Lào. Vì vậy, tướng Sa Lăng quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ nhằm sử dụng lực lượng cơ động của toàn Bắc Bộ ứng cứu bằng đường không khi bị chủ lực của ta tiến công. Chiến trường Thượng Lào được Pháp chia ra làm hai khu là Mê Công và Trấn Ninh (gồm cao nguyên Cánh Đồng Chum). Khu Mê Công có hai phân khu Viêng Chăn và Luông Pha Băng; còn khu Trấn Ninh có phân khu Sầm Nưa và Xiêng Khoảng.

Với ý đồ chọn thị xã Sầm Nưa làm khu vực phòng giữ chủ yếu, Bộ Chỉ huy Pháp đã tập trung lực lượng, phương tiện, xây dựng những công sự, điểm tựa kiên cố nhằm biến Sầm Nưa thành một cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” trên đất Lào. Mặc dù được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt như vậy, song, những người trực tiếp chỉ huy và giới quân sự tại Pháp đều thực sự lo ngại. Qua nghiên cứu tình hình, tướng Sa Lăng phán đoán: đứng trước một đối thủ lớn mạnh và điêu luyện, ba tiểu đoàn Pháp và ngụy Lào sẽ khó tránh khỏi bị tiêu diệt hoặc tan rã, nếu đối phương nhằm hướng Sầm Nưa để mở chiến dịch tiến công. Cùng quan điểm với tướng Sa Lăng, tướng Đờ Gioăng nhận định rằng: “Mất Thượng Lào sẽ có những tác hại không thể tính hết được về mặt chính trị”[1]. Và rồi tướng Sa Lăng đã vội vã xin Chính phủ và Quốc hội Pháp viện trợ khẩn cấp về tài chính, lực lượng và trang bị, nhưng không được đáp ứng.

Về phía liên quân Việt - Lào, theo đúng kế hoạch, chiến dịch diễn ra ngày 8-4-1953. Trên cơ sở phương án tác chiến, các đơn vị Việt Nam và Lào tham gia được giao nhiệm vụ tiến quân theo hướng chủ yếu đánh vào tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa (Thượng Lào). Chỉ sau đó 3 ngày, thấy không thể chống đỡ được với liên quân Việt - Lào, sau khi nhận được tin báo khẩn cấp của viên trung tá Manpơlát, Chỉ huy Phân khu Sầm Nưa, tướng Sa Lăng thấy rằng, nếu để ba tiểu đoàn cố thủ Sầm Nưa bằng mọi giá trước ưu thế áp đảo của đối phương thì chẳng khác nào lấy trứng chọi với đá, và thất bại là không tránh khỏi. Vì vậy, ngay trong đêm 12-4, tướng Sa Lăng quyết định rút quân khỏi Sầm Nưa về phía Nam. Khi trả lời phỏng vấn ông Giăng Pharăng (Tổng Biên tập tờ Paris Match), tướng Sa Lăng nhìn nhận rằng: trong một vài điểm, Việt Minh bắt chúng ta phải rút lui đến hàng trăm kilômét và đã cùng với quân Pathet Lào kiểm soát được Thượng Lào.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch, nhiều báo, tạp chí đã không ngớt lời ca ngợi tinh thần chiến đấu của liên quân Việt - Lào và chỉ trích quân Pháp. Tờ Thế giới số ra ngày 14-5-1953 viết: “Với phần đông các vị chỉ huy và phần lớn quân đội, tinh thần binh lính rất rệu rã. Điều đó đã dẫn đến thất bại trong từng ngày”. Sau này, tướng Nava trong cuốn Hồi ký: “Thời điểm của những sự thật”, đã viết những lời bi đát vào thời điểm khi liên quân Việt - Lào tiến công: “Thất bại chiến tranh đã đến tình trạng hoặc là chúng ta thua cuộc sau một đại bại về quân sự, hoặc là chúng ta rã rời, “bị xé tả tơi’, điều mà thống chế Đờ Gioăng lo ngại nhất”[2].

Đến đây, tình huống chiến dịch đã thay đổi. Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: tinh thần địch mệt mỏi, sút kém, đường rút lui dài trên 200 kilômét, quân Pháp lại thoát ly khỏi công sự nên ta có điều kiện đánh tiêu diệt. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phải truy kích thật nhanh, thật mạnh. Bộ Chỉ huy ra lệnh tổ chức những đơn vị gọn, nhẹ, nhanh chóng đuổi kịp tiêu diệt địch, không cho chúng chạy thoát về Cánh Đồng Chum.

Tin tức của chiến dịch được các phóng viên kịp thời chuyển tải về Pháp, Mỹ và các nước phương Tây. Phóng viên người Pháp Luyxiêng Bôda gửi một bức điện cho báo Nước Pháp Buổi chiều tháng 5-1953 bình luận: “Chúng ta phòng ngự đơn thuần sẽ khiến cho đối phương tràn khắp rừng núi, từ sông Hồng đến Mê Công. Tình trạng này khiến chúng ta còn bị hao người, tốn của trong khi rút lui. Những thiệt hại này so với những trận đánh lớn có kém gì đâu”.

Tất thảy những diễn biến tư tưởng của những người đang đứng bên kia chiến tuyến đều đặt hy vọng vào Sầm Nưa. Bởi, giá trị của Sầm Nưa không chỉ đơn thuần là ở địa thế chiến lược đối với Pháp. Nhưng, cũng chẳng thể giữ nổi nên đến ngày 15-4-1953, trước sức tiến công mạnh mẽ của liên quân Việt - Lào, địch chống cự yếu ớt và nhanh chóng tan rã.

Lúc này, Bộ Chỉ huy Pháp ở Hà Nội mất liên lạc với Manpơlát, viên trung tá chỉ huy Phân khu Sầm Nưa, họ chỉ còn cách theo dõi bằng máy bay, đội hình đang rút chạy về phía Cánh Đồng Chum. Trước thất bại diễn ra quá nhanh chóng và bất ngờ, tướng Sa Lăng vội vã gửi Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia liên hiệp bức thư biện minh rằng: “ Những sự kiện tháng 4, tháng 5 vừa qua chỉ rõ sự cấp bách của giải pháp này mà sự yếu kém về vận tải bằng không lực đã ngăn cản việc thực hiện, trước sự tấn công vừa rồi của Việt Minh”.[3]

Không phải Chính phủ Pháp và giới quân sự không có kế hoạch bảo vệ Thượng Lào, bởi họ đã xác định: “Không bảo vệ Thượng Lào tức là chấp nhận một thảm họa chung trong vòng vài tháng tới”“Xét về mặt chính trị, quyết định không bảo vệ Thượng Lào cũng là một điều rất nghiêm trọng”. Nhưng rồi thực tế thiếu quân, khan hiếm về tài chính, trang bị, sự thay thế chỉ huy liên tiếp, tinh thần binh lính mệt mỏi, mất sức chiến đấu đã làm cho đối phương không còn thiết gì đến việc tiến công nữa.

Đến ngày 3-5-1953, Chiến dịch Thượng Lào kết thúc đã làm hệ thống bố trí quân Pháp - Việt (ngụy) co lại một cách nguy hiểm. Trên chiến trường Bắc Đông Dương, lực lượng cơ động của Pháp bị căng mỏng và phân tán, buộc địch phải làm nhiệm vụ đóng giữ những vị trí chiến lược. Kế hoạch nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược của viên chỉ huy Đờ Lát, được tướng Sa Lăng dốc sức thực hiện, đến đây coi như đã thất bại. Khi trở về Pháp, tướng Sa Lăng đã trả lời phỏng vấn một số báo Pháp, Mỹ và phải thú nhận: “Sau chiến dịch mùa Xuân năm 1953, Việt Minh đã kiểm soát gần hết, trừ vùng kế quân chủ lực của họ lại càng mạnh mẽ, đầy khí thế hơn bao giờ hết vì chiến dịch vừa qua chưa làm họ sứt mẻ gì nhiều”.

Sau khi Chiến dịch Thượng Lào kết thúc, các nhà quân sự, sách báo Pháp và phương Tây đưa ra nhiều bình luận về nguyên nhân dẫn đến thất bại. Nguyên nhân thứ nhất được đưa ra là việc nắm tin tức tình báo của đối phương rất hạn chế. Bởi vậy, khi chiến dịch bắt đầu, đối phương gần như bất ngờ hoàn toàn. Báo cáo của Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương số 675/FO/TS tháng 5-1953 nêu rõ: “Ta không có điều kiện đánh giá đúng đắn lực lượng quân địch. Tình trạng thiếu tin tức tình báo về địch ngược lại hẳn với tình trạng tiết lộ bí mật phổ biến trong chúng ta là một trong những nhân tố tai hại nhất của cuộc chiến tranh này. Kẻ địch nắm rất chắc mọi ý đồ của chúng ta và giữ bí mật gần như tuyệt đối về các ý đồ của họ”. Chỉ đến khi chiến dịch đã diễn ra, phía Pháp mới phần nào có được những thông tin ít ỏi về các cuộc chuyển quân của chủ lực Việt Minh… có được những tin tức ấy là hầu như duy nhất là do giải được một số mật mã của đối phương. Đúng như tướng Nava sau này đã khẳng định: “Chỉ cần Việt Minh thay đổi mật mã là chúng ta thiếu tin tức, ít nhất cũng một thời gian”[4].

Nguyên nhân thứ hai mà giới quân sự của Pháp ở Đông Dương cũng như chính quốc đều có nhận xét rằng, Việt Minh có một bộ máy chỉ đạo chiến tranh hoàn chỉnh: “Về tổ chức cơ quan quân sự, ông Giáp có một Bộ Tham mưu đúng với chức năng của nó”. Trong cuốn “Lời thú nhận muộn mằn”, tác giả Marcel Bigeard, tướng 3 sao của quân đội Pháp, người nhiều năm tham chiến trên chiến trường Đông Dương với cương vị chỉ huy Tiểu đoàn dù số 6 đã viết: “Tướng Giáp vẫn cứ vững vàng ở vị trí của ông ta, sắp sửa tiếp tục đánh bại các vị tướng của chúng tôi trước khi có trận truy kích”[5].

Bên cạnh Bộ Chỉ huy ấy, là sự lớn mạnh nhanh chóng của liên quân Việt - Lào. Vị Tổng Chỉ huy Sa Lăng với những bản báo cáo của ông gửi Bộ Quốc phòng và Chính phủ Pháp ở thời điểm này đã có nhiều trang đánh giá về lực lượng của đối phương. Trong cuốn Hồi ký “Việt Minh - địch thủ của tôi”, Sa Lăng mô tả “ Đối thủ đã tăng gấp ba lần sức mạnh hỏa lực và số lượng các đơn vị chính quy”“Quân đội Việt Minh là một bộ đội lục quân tuyệt vời… một công cụ chiến đấu không có gì có thể so sánh được… một đối thủ đáng sợ”. Còn tướng Cônhi thì ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân đội đối phương: Tôi thấy những người lính Việt Minh, những người lính Pathét Lào không chỉ sử dụng thành thạo vũ khí được trang bị mà họ còn có một tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, bất kể trong thời tiết xấu đến mức nào.

Tướng Sa Lăng, tướng Đờ Gioăng và Bộ Tham mưu Pháp cùng có nhận định giống nhau. Sau khi chiến dịch thất bại họ đổ lỗi cho nhau và đưa ra nguyên nhân vì quân số không được bổ sung, binh lính chỉ được huấn luyện ở vùng đồng bằng chứ không có kinh nghiệm chiến đấu ở vùng rừng núi.

Nguyên nhân thứ ba đưa đến thất bại của Pháp tại Thượng Lào là do phía Pháp không có Bộ Chỉ huy thống nhất, quân số ít, trang bị thiếu, tinh thần binh lính mệt mỏi. Trong báo cáo gửi Chính phủ Pháp ngày 25-2-1953, tướng Sa Lăng đã thể hiện sự thật đáng lo ngại: “Tổng số quân Pháp làm nòng cốt bị giảm, khối quân cơ động không hề thay đổi. Vì vậy, khoảng cách giữa hai bên ngày càng rõ rệt và ta ở vào thế ngày càng yếu kém hơn”[6].

Ngoài Hồi ký của các tướng lĩnh, các tài liệu mật thì các báo của Pháp và phương Tây cũng tập trung bình luận về nguyên nhân thất bại của chiến dịch Thượng Lào. Báo Lơphigarô, báo Nhân đạo, ra tháng 4 và tháng 5-1953 còn nhấn mạnh rằng: Quân, dân Việt Nam và Quân đội Pathét Lào có mục đích chiến đấu  rõ ràng, đường lối kháng chiến nhất quán và tinh thần chiến đấu cao. Điều đó dẫn đến những bất lợi về quân sự cho Pháp, và cũng là một nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại trong chiến dịch Thượng Lào.

Báo Thế giới, báo Mỹ Diễn đàn thông tin quốc tế, Báo Pháp tờ Paress được đăng tải trong các ngày 14, 15, 16-5-1953 có chung nhận định rằng: Trong lúc đối phương đang trên đà phát triển không ngừng thì quân viễn chinh Pháp không được tăng cường với nhịp độ mà các vị Tổng tư lệnh đã đề nghị. Chính quốc không thỏa mãn yêu cầu của các vị đó, trước hết vì lý do tài chính. Và rồi họ thốt ra rằng: Chúng ta có sức mạnh hơn hẳn địch là máy bay, pháo binh và cơ giới nhưng các binh chủng này cũng có nhược điểm là nặng nề, không phù hợp với chiến trường Đông Dương. Bộ binh Pháp đã có một thời kỳ chế ngự hẳn đối phương song hiện nay thì rõ ràng kém họ. Bởi vậy, thất bại của quân đội Pháp đã được chính các tướng lĩnh của họ nhận định từ khi chiến dịch sắp xảy ra.

Chiến thắng Thượng Lào đã lùi xa hơn nửa thế kỷ và đã có biết bao sách, báo đề cập đến trên những bình diện và góc độ khác nhau, trong đó có không ít tác phẩm được viết ra từ chính những nhân vật chóp bu trong Chính phủ và quân đội Pháp đã từng chỉ đạo, chỉ huy cuộc chiến ở Đông Dương. Lời thú nhận của họ tuy có muộn mằn song nó đã giúp cho chúng ta có cái nhìn ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn về ý nghĩa, tầm vóc cũng như nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào./.

Trung tá, TS. Trương Mai Hương
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

------------------------------------------------------------------------
[1] Tài liệu Mật Bộ Quốc phòng Pháp từ 1952 - 1954, Lưu Thông tấn xã Việt Nam

[2] Hen ri Nava rre, Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Vé rités), Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb CAND, Hà Nội,  2004, tr. 410, 411

Hen ri Nava rre, Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Vé rités), Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb CAND, Hà Nội,  2004, tr. 49

[3] Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ, Bùi Đình Kế dịch, VLSQSVN xuất bản, Hà Nội, 1994, tr.12

[4] Hen ri Nava rre, Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Vé rités), Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb CAND, Hà Nội,  2004, tr.62, 63

[5] Marcel Bigeard, Lời thú nhận muộn mằn, Ngô Bình Lâm và Phạm Xuân Phương dịch, Nxb Hà Nội, 2004, tr.159

[6] Tư liệu mật Bộ Quốc phòng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng Việt Nam
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM