Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 24 Tháng Chín, 2023, 08:20:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những phát hiện lịch sử của Thiền sư Lê Mạnh Thát ???  (Đọc 22255 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2008, 08:48:03 pm »

 
Trao đổi về sử liệu với TS Lê Mạnh Thát


Người viết: Phạm Tuấn Phong   
03/04/2008
Nguồn: www.trannhuong.com

Phạm Tuấn Phong
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Với nguồn tư liệu phong phú, những công trình nghiên cứu Phật học của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát khiến cho nhiều độc giả khâm phục. Gần đây, trong loạt bài đăng báo Thanh Niên về vấn đề “chấn động lịch sử” của ông khiến cho học giới xôn xao. Xét lại tư liệu và phương pháp tiếp cận vấn đề trong công trình nghiên cứu Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta (Nxb Tổng hợp Tp HCM, 2005) của Tiến sĩ Lê Mạnh Thát chúng tôi thấy cần những trao đổi cơ bản về hệ thống thư tịch cũng như lịch sử của Trung Quốc viết về Việt Nam mà trong đó có nhiều tư liệu ông cho là không đủ căn cứ để xác minh lịch sử dân tộc.

Bài 1.

I. Về bốn tài liệu lịch sử.

  Bài viết chúng tôi tập trung thảo luận với tác giả Lê Mạnh Thát xung quanh chương II “Về vấn đề An Dương Vương”, trong đó mặt tư liệu lịch sử cũng như cách lập luận mang tính chất thống nhất phương pháp trong các công trình nghiên cứu của ông. Trước tiên chúng tôi trao đổi về bốn tài liệu mà ông cho là “báo cáo” không đáng tin cậy là: Giao Châu ngoại vực kí 交州外域记, Quảng Châu kí廣州記, Nam Việt chí南越志 và Nhật Nam truyện日南傳.

  Về bốn tài liệu này, theo Ts Lê Mạnh Thát ba tài liệu là không có tác giả, còn Nam Việt chí có tác giả là Thẩm Hoài Viễn (Ts Lê Mạnh Thát đọc là Trầm Hoài Viễn, không sai, nhưng trong cách dùng chữ 沈 Trầm, khi dùng làm họ thì đọc là Thẩm) sống thời Tống Văn đế. Chúng tôi nhận thấy, có lẽ ông Lê Mạnh Thát bỏ quên hoặc ông đọc không kĩ các tài liệu nên đã bỏ qua việc Quảng Châu kí có ghi tên tác giả Bùi Uyên 裴淵rất rõ mà ông đã nhầm lẫn cho là “họ Diêu xét” theo bản sách ẩn của Tư Mã Trinh trong Sử Kí. Dưới đây, chúng tôi dẫn tư liệu trên viết nhiều về Việt Nam mà ông Lê Mạnh Thát cho là không đáng tin cậy, “sai lầm không kém gì những báo cáo trong các cuốn sử ta”:

  - Giao Châu ngoại vực kí xuất hiện trong hệ thống Thư tịch Trung Quốc không chỉ trong Thủy Kinh chú, hay các bản chú thích sách này thời Thanh về sau mà còn trong Quảng Đông thông chí quyển 37, Thanh Nhất thống chí quyển 422,…. Do đó có thể thấy giá trị của “báo cáo” này đối với trong nguồn thư tịch Trung Quốc rộng lớn là không nhỏ, không những thế, những cứ liệu trong “báo cáo” còn là tư liệu cho nhiều nguồn sách trích dẫn.

  - Quảng Châu kí xuất hiện rất nhiều, như trong Văn Uyên các Tứ khố toàn thư với 278 lượt. Có lẽ số lượt xuất hiện tên tác giả sách này là Bùi Uyên quá nhiều mà Ts Lê Mạnh Thát không đọc hết được, để rồi ông nhận định: “Cuốn Quảng Châu kí do ông xét vì thế chắc chắn phải ra đời trước thế kỉ thứ VII” mà không biết rằng sách này xuất hiện trong Thủy Kinh chú. Xin đơn cử một số sách như: Vũ cống trùy chỉ, Lục thị thi sớ quảng an, Ngũ lễ thông khảo, Nhĩ nhã dực, Tống Thư, Nam Tề thư, Tam Quốc chí bổ chú, Thông chí, Thái Bình hoàn vũ kí, Quảng Đông thông chí, Quảng Tây thông chí, Thủy Kinh chú, Thái Bình ngự lãm…phần nhiều ghi rằng: Bùi Uyên Quảng Châu kí. Trong đó đặc biệt Thái Bình ngự lãm trích dẫn rất nhiều với 58 lần xuất hiện Bùi Uyên Quảng Châu chí. Về Bùi Uyên, có nhiều tài liệu viết, tuy nhiên chúng tôi chưa tổng hợp các cứ liệu để nhận xét về con nguời và thời đại của ông, nếu có thể chúng tôi sẽ viết bài giới thiệu sau.

  - Nam Việt chí được trích dẫn là 355 lượt trong Văn uyên các Tứ khố toàn thư, trong đó cách sách sử cơ bản của trung Quốc như Tống thư, Tùy thư, Nam sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Thông chí, Tống sử… Về tác giả của Nam Việt chí là Thẩm Hoài Viễn. Chúng tôi căn cứ theo phần viết về Thẩm Hoài Viễn trong Ngô Hưng bị chí bởi ông người Ngô Hưng, cũng như Tống thư quyển 19 cho biết ông bị đày ra Quảng Châu và chết ở đó. Ngô Hưng bị chí cho biết: “Nam Việt chí thất quyển, Vũ Khang lệnh Ngô Hưng Thẩm Hoài Viễn soạn” nghĩa là: Nam việt chí 7 quyển, quan Vũ Khang lệnh Thầm Hoài Viễn người Ngô Hưng soạn.

  - Nhật Nam truyện trích dẫn 11 lượt trong hệ thống thư tịch của Văn uyên các Tứ khố toàn thư và không rõ tác giả. Đồng thời, Nhật Nam truyện xuất hiện cũng rất muộn ở Kinh tịch chi của Tùy Thư cũng như sau sau này là Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Thông chí (soạn thời Đường Tống). Như thế có thể khẳng định: Nhật Nam truyện đến nay tư liệu không còn nhiều, mà chỉ có vài trích dẫn trong Nghệ văn loại tụ, Thái Bình ngự lãm, Ngự định Uyên giám loại hàm, trong đó các trích dẫn về An Dương Vương và Triệu Đà cơ bản giống với Giao Châu ngoại vực kí.

  Như vậy trong bốn tài liệu thì chỉ có Giao Châu ngoại vực kí và Nhật Nam truyện là không rõ tác giả. Đồng thời, ba tác phẩm Giao Châu Ngoại vực kí, Quảng Châu kí, Nam việt chí đều xuất hiện trong Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên郦道元. Điều này nói lên tính xác thực về thời gian lịch sử của ba tác phẩm khi Lịch Đạo Nguyên trích dẫn. Như ta biết, Lịch Đạo Nguyên đã đi khắp nơi, đọc rất nhiều để biên soạn nên sách Thủy Kinh chú. Như thế, hẳn các tài liệu này phải có giá trị nhất định trong việc nghiên cứu thực tế đất Giao Châu thì Lịch Đạo Nguyên mới dùng làm tài liệu trích dẫn. Đồng thời các nhà làm sử Trung Quốc cũng như Việt Nam về sau cũng trích dẫn các sách này như một căn cứ chính cho lịch sử giai đoạn sơ kì của đất Việt Nam. Trong đó cơ bản thống nhất trong các “báo cáo” trên là phần viết về An Dương Vương – Triệu Đà và Mỵ Châu, Trọng Thủy.

  Như vậy, qua cứ liệu Trung Quốc sử dụng bốn báo cáo trên là những minh chứng cho giá trị đích thực sử liệu khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam giai đoạn sơ kì. Ông Lê Mạnh Thát chỉ căn cứ trên một bộ kinh Lục Độ tập kinh mà suy diễn văn hóa Ấn Độ chuyển mình trong trong văn hóa Giao Châu để rồi khẳng định bộ kinh đấy là của người Việt. Quả là một cách lập luận “thậm vô lí”.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2008, 08:52:31 pm »

II. Giao Châu ngoại vực kí là đáng tin cậy.

  Trong phần này chúng tôi tiến hành phân tích về Giao Châu ngoại vực kí trên hai phương diện: một là về địa danh trích dẫn; thứ hai về thông tin lịch sử cũng như hệ thống tư liệu được sử dụng để nhằm tìm rõ tính xác thực của văn bản.

  + Về mặt địa danh: trong Giao Châu ngoại vực kí quyển 36 – 37, có dẫn các địa danh là huyện Vũ Ninh, huyện Bình Đạo. Mà theo Thủy Kinh chú thích, hoặc Thủy Kinh chú tập thích đính ngoa thời Thanh thì các huyện cũng thuộc Giao Châu.

   - Về huyện Vũ Ninh, theo Dư địa quảng kí舆地广记quyển 38 được soạn bởi Âu Dương Mấn 欧阳忞thời Tống cho biết rằng: “Vũ Bình huyện bản Đông Hán Phong Khê huyện địa, Ngô trí Vũ Ninh huyện cập lập Vũ Bình quận. Tấn dĩ hậu nhân chi, hậu cải huyện, viết Vũ Định, Tùy thuộc Giao Châu”, nghĩa là: Vũ Bình huyện vốn là đất thuộc huyện Phong Khê thời Đông Hán, đến thời Ngô đặt Vũ Ninh huyện cùng lập quận Vũ Bình. Nhà Tấn về sau theo đó, sau đổi tên huyện thành Vũ Định. Thời Tùy thuộc Giao Châu. Huyện Phong Khê thành lập khi Mã Viện đánh Trưng Trắc, Trưng Nhị mà lập nên (xem Cựu Đường thư, quyển 41), đồng thời cho biết: “Phong Khê Vọng Hải huyện tịnh thuộc Giao Chỉ quận”, nghĩa là: Huyện Phong Khê, Vọng Hải đều thuộc quận Giao Chỉ (Hán Thư quyển 25, của Phạm Hoa được Lý Hiền chú).

   - Về huyện Bình Đạo, theo 元和郡縣志 Nguyên Hòa quận huyện chí quyển 38 thì: Ngô thời khai vi Vũ Bình quận lập Bình Đạo huyện thuộc chi, Tùy Khai Hoàng thập niên phế huyện thuộc Giao Châu”, nghĩa là: huyện Bình Đạo thuộc quận Vũ Bình thời Ngô, thời Tùy năm Khai Hoàng thứ 10 năm (năm 590) phế bỏ huyện, cho thuộc vào Giao Châu.

   - Về Giao Châu, theo Dư địa quảng kí quyển 38 Quảng nam lộ Hóa ngoại châu viết về An Nam: “Tần thuộc Tượng quận, Hán thuộc Nam Việt, Nguyên Đỉnh lục niên lập Giao Chỉ quận, Đông Hán Kiến An bát niên kiêm lập Giao Châu, trị Long Biên”, nghĩa là: thời Tần thuộc Tượng Quận, Hán thuộc Nam Việt, Nguyên Đỉnh năm thứ 6 (năm 111 Tcn) lập quận Giao Chỉ, đến năm Kiến An thứ 8 (203) nhà Đông Hán lập Giao Châu, trị sở ở Long Biên. Đồng thời sách trên cũng viết: “Đại Nghiệp sơ, châu phế phục lập Giao Chỉ quận”, nghĩa là: năm đầu Đại Nghiệp (nhà Tùy 605) phế bỏ châu lập lại quận Giao Chỉ.

  Từ các nhận định trên có cho biết huyện Bình Đạo cũng như huyện Vũ Ninh đều thuộc quận Vũ Bình thời Ngô và đều thuộc vào Giao Châu. Về địa danh, con người và sự kiện của Giao Châu Ngoại vực kí là hoàn toàn phù hợp với sự chuyển mình lịch sử trong tương quan so sánh với Sử Kí, Tiền, Hậu hán thư của Trung Quốc cho đến Việt Sử lược, An nam chí lược, Đại Việt Sử kí toàn thư, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục của Việt Nam. Như thế có thể nhận định: Giao Châu ngoại vực kí viết sau thời Ngô (năm 229 – 280) và cho đến thời Ngụy mà Lịch Đạo Nguyên trích dẫn trong Thủy kinh chú (trước khi Lịch Đạo Nguyên chết năm 529).

  + Về mặt sử liệu: theo Giao Châu ngoại vực kí trong Thủy Kinh chú quyển 37 thì nhà Thục thôn tính Lạc Vương và truyền ngôi cho con là Thục An Dương Vương. Sau đó, nhà Thục bị Nam Việt Triệu Đà tiêu diệt (bao gồm cả đất của Lạc vương mà nhà Thục đã xâm lược) cho đến năm Lộ Bác Đức đánh Nam Việt 111 Tcn thì hai sứ giả đã cung cấp toàn bộ dân số cũng như điền bạ của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân. Đồng thời, Giao Châu ngoại vực kí trong Thủy Kinh chú quyển 36 cũng viết: 交州外域记曰从日南郡南去到林邑国四百馀里Giao Châu ngoại vực kí viết: Tòng Nhật Nam quận nam khứ, đáo Lâm Ấp quốc, tứ bách dư lí – Giao Châu ngoại vực kí viết: từ quận Nhật Nam đi về phía nam đến nước Lâm Ấp là hơn 400 dặm”. Thủy Kinh chú quyển 36 còn trích:交州外域记曰九德县属九真郡在郡之南与日南接 “Giao châu ngoại vực kí viết: Cửu Đức huyện thuộc Cửu Chân quận, tại quận chi nam dữ Nhật Nam tiếp” nghĩa là: Giao Châu ngoại vực kí viết: Huyện Cửu Đức thuộc quận Cửu Chân, ở phía nam của quận tiếp giáp với Nhật Nam.

  Vậy, căn cứ cùng với đoạn trích trong Thủy Kinh chú quyển 36 cũng như quyển 37 thì lãnh vực của Giao Châu bao gồm các quận từ Cửu Chân trở ra Giao Chỉ và tiếp giáp quận Nhật Nam, phía nam là nước Lâm Ấp.

  Như thế, việc hai sứ giả cấp dưới của Lữ Gia đã nắm vững dân số (khẩu bạ) cùng với sự tiếp giáp địa chính Nhật Nam, Lâm Ấp mà Giao Châu ngoại vực kí đã dẫn chính là bằng chứng rõ ràng nhất còn trên văn bản cả ngàn năm qua về việc nước Nam Việt bao gồm cả các quận Giao Chỉ - Cửu Chân mà nay là vùng từ Thanh Hóa trở ra của Việt Nam.

  Tạm kết:

  Bước đầu chúng tôi dẫn giải địa danh, nhằm lý giải việc An Dương Vương và Triệu Đà đánh nhau trên đất Giao Chỉ, và việc nhà Triệu thắng An Dương Vương nhà Thục có tính chặt chẽ của chứng cứ lịch sử. Thế mà, Sử gia Lê Mạnh Thát cho rằng “không có việc Đà diệt họ An Dương Vương” (Lục Độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, trang 196). Qua phân tích trên chúng tôi thấy rằng, tư liệu về Giao Châu trong bốn báo cáo là đáng trân trọng trong tương quan so sánh với sử học Việt Nam cũng như Trung Quốc. Do đó những kiến giải về An Dương Vương và Triệu Đà cũng như đất Giao Châu của bốn tài liệu sử học: Giao Châu ngoại vực kí, Quảng Châu kí, Nam Việt chí và Nhật Nam truyện là những sử liệu đáng tin cậy trong nghiên cứu Sử Việt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi về Lịch sử Việt trong những chuyên luận sau.
---------------------------------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:
1.Dư địa quảng kí,  Âu Dương Mấn soạn, trong Tứ Khố toàn thư, Văn Uyên các, Thượng Hải nhân dân xuất bản xã.
2. Sử Kí – Hán, Tư Mã Thiên soạn, Tống, Bùi Nhân tập giải, Đường – Tư Mã Trinh sách dẫn, Trương Thủ Tiết chính nghĩa, Trung Hoa thư cục, tháng 1 năm 1999.
3. Hán Thư – Ban Cố soạn, Nhan Sư Cổ chú, Trung Hoa thư cục xuất bản tháng 2 năm 1999.
4. Thủy kinh chú – Bắc Ngụy, Lịch Đạo Nguyên, Hoa Hạ xuất bản xã tháng 1 năm 2006.
5. Thủy Kinh chú tập thích đính ngoa, 40 quyển, Thẩm Bính Tốn soạn thời Thanh.
6. Nguyên Hòa quận huyện chí, Lý Cát Phủ soạn năm Đường Nguyên Hòa thứ 8 (813) gồm 40 quyển.
7. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, bản dịch của Viện Sử học (in lần 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

Phụ chú các đoạn trong Thủy Kinh chú quyển 37:
Đoạn 1:
Nguyên văn:
交州外域记曰:越王令二使者典主交阯九真二郡民后汉遣伏波将军路博德讨越王路将军到合浦越王令二使者赍牛百头酒千锺及二郡民户口簿诣路将军乃拜二使者为交阯九真太守诸雒将主民如故交阯郡及州本治于此也州名为交州.
Dịch  nghĩa:
Giao Châu ngoại vực kí viết: Việt vương lệnh cho hai sứ giả quản chủ dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân. Nhà Hậu Hán sai tướng là Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức đánh Việt Vương. Lộ tướng quân đến Hợp Phố. Việt Vương lệnh cho hai sứ giả đem trâu trăm con, rượu nghìn vò cùng hộ khẩu danh bạ của dân 2 quận đến cho Lộ tướng quân. Nên mới cho hai sứ giả làm Thái thú Giao Chỉ, Cửu Chân. Các Lạc tướng vẫn làm chủ dân như cũ. Quận Giao Chỉ đến thành Châu vốn từ đó, mà tên Châu là Giao Châu.

Đoạn 2:
Nguyên văn:
《交州外域记》曰:交阯昔未有郡县之时,土地有雒田。其田从潮水上下,民垦食其田,因名为雒民。设雒王、雒侯,主诸郡县。县多为雒将,雒将铜印青绶。后蜀王子将兵三万,来讨雒王、雒侯,服诸雒将,蜀王子因称为安阳王。后南越王尉佗举众攻安阳王。安阳王有神人,名皋通,下辅佐,为安阳王治神弩一张,一发杀三百人。南越王知不可战,卻军住武宁县。按《晋太康记》县属交趾。越遣太子名始,降服安阳王,称臣事之。安阳王不知通神人,遇之无道,通便去,语王曰:能持此弩王天下,不能持此弩者亡天下。通去,安阳王有女名曰眉珠,见始端正,珠与始交通。始问珠,令取父弩视之。始见弩,便盗以锯截弩讫,便逃归报越王。南越进兵攻之,安阳王发弩,弩折,遂败。安阳王下船,迳出于海。今平道县后王宫城见有故处。
Dịch nghĩa:
Giao Châu ngoại vực kí viết: Giao Chỉ xưa khi chưa có quận huyện, đất đai có ruộng gọi là Lạc điền. Ruộng đó theo nước triều lên xuống. Dân khai khẩn trên ruộng đó lấy lương thực, do đó mà gọi là Lạc dân. Đặt ra Lạc vương, Lạc hầu, làm chủ các quận huyện. Huyện phần nhiều là các Lạc tướng. Lạc tướng mang ấn đồng đai xanh. Sau đó con Thục Vương đem 3 vạn quân đánh Lạc vương, Lạc hầu, thu phục Lạc tướng. Con Thục vương nhân đó mới xưng là An Dương Vương. Sau Nam Việt vương Úy Đà đem quân đánh An Dương Vương. An Dương Vương có thần nhân, tên là Cao Thông là thủ hạ phụ tá, làm cho An Dương Vương một cái nỏ thần, bắn một phát giết 300 người. Nam Việt vương biết không thể đánh thắng. Mới cho quân đóng ở huyện Vũ Ninh. Theo Tấn Thái Khang kí huyện thuộc Giao Chỉ. Việt (vương) sai Thái tử tên là Thủy hàng phục An Dương Vương, xưng bề tôi mà thờ. An Dương Vương không biết (Cao) Thông là thần nhân, đối đãi không có đạo lí, (Cao) Thông mới bỏ đi, mà nói với vua rằng: “có thể giữ đuợc nỏ đó thì làm vua thiên hạ, nếu không giữ được nỏ thì mất thiên hạ”. Thông đi, An Dương vương có con gái tên là Mỵ Châu, thấy Thủy là người đoan chính, Châu với Thủy thông giao. Thủy mới hỏi Châu muốn xem nỏ của cha. Thủy thấy nỏ, trộm lấy mà cưa nỏ, rồi trốn về báo với Việt vương. Nam Việt tiến binh đánh, An Dương vương đem nỏ bắn, nỏ gãy, bị thua trận. An Dương Vương xuống thuyền, chạy trốn ra biển. Nay ở hậu vương cung thành huyện Bình Đạo còn thấy nền cũ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM