Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:11:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày dài nhất - Cornelius Ryan  (Đọc 80094 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:19:54 pm »

Đối với phần lớn dân Mỹ, tin tức đến vào lúc nửa đêm; ở bờ biển phía Đông là 3:33 sáng, ở bờ biển phía Tây là 12:33 sáng. Phần lớn đang say ngủ, nhưng trong số những người đầu tiên biết tin về D-Day là hàng ngàn người làm việc ca đêm, những người đàn ông và phụ nữ đã lao động vất vả để sản xuất ra phần lớn xe tăng, máy bay, tàu chiến đang được sử dụng trong cuộc đổ bộ. Ở khắp nơi trong các nhà máy quốc phòng nhộn nhịp, người ta ngừng tay để dành một phút mặc niệm. Tại xưởng đóng tàu Brooklyn, trong ánh lửa chói mắt của đèn hàn, hàng trăm người quỳ xuống trên boong những chiếc tàu Liberty chưa hoàn thành và bắt đầu đọc kinh.

Trên khắp đất nước, trong những ngôi làng và thị trấn đang say ngủ, đèn bật sáng. Đường phố tĩnh mịch bỗng chốc tràn ngập âm thanh khi radio được bật lên. Người ta đánh thức láng giềng để báo tin cho họ, và quá nhiều người gọi cho bạn bè, người thân đến mức mạng điện thoại đã bị nghẽn. Ở Coffeyville, Kansas, đàn ông và phụ nữ vẫn còn mặc quần áo ngủ quỳ xuống bên cửa vòm nhà thờ và cầu nguyện. Trên chuyến tàu giữa Washington và New York, người ta đề nghị một tu sĩ tổ chức buổi lễ tại chỗ. Ở Marietta, Georgia, người dân đổ đến nhà thờ lúc 4:00 sáng. Quả chuông Tự do đã được gióng lên ở Philadelphia, và trên khắp mảnh đất Virginia lịch sử - quê hương của Sư đoàn 29, chuông nhà thờ kêu trong đêm như từng trong thời kỳ Cách mạng. Ở thị trấn nhỏ Bedford, Virginia (dân số 3.800 người), tin này có một tầm quan trọng đặc biệt. Hầu như ai ở đây cũng có một người chồng, người con, người anh em hay người yêu phục vụ trong Sư đoàn 29. Người dân Bedford vẫn còn chưa được biết, nhưng tất cả những người đàn ông của họ đã đổ bộ lên bãi biển Omaha. Trong số 46 người Bedford ở Trung đoàn 116 chỉ có 23 trở về.

Thiếu úy Hải quân WAVE ** Lois Hoffman, vợ của thuyền trưởng tàu Corry đang làm nhiệm vụ ở căn cứ hải quân Norfolk, Virginia khi nghe tin về D-Day. Trong suốt thời gian qua cô đã theo dõi hành trình của chồng thông qua các bạn bè ở phòng tác chiến. Tin này không mấy quan trọng với cá nhân cô. Lois Hoffmann vẫn nghĩ chồng đang hộ tống một đoàn tàu chở đạn ở Bắc Đại Tây Dương.

** Tức WAVES: Women Accepted for Volunteer Emergency Service - Nữ tình nguyện viên được chấp nhận phục vụ cho trường hợp khẩn cấp. WAVES là bộ phận thuộc Hải quân Mỹ gồm toàn quân nhân nữ đi vào hoạt động tháng 8 năm 1942 để đáp ứng yêu cầu thời chiến – chiangshan.

Ở San Francisco, bà Lucille M. Schultz, y tá bệnh viện Cựu chiến binh tại Fort Miley đang làm ca đêm khi thông báo được đưa ra. Bà muốn nghe đài với hy vọng Sư đoàn Đổ bộ đường không 82 sẽ được nhắc đến; bà hoài nghi về chuyện sư đoàn có tham gia cuộc tấn công hay không. Nhưng bà cũng e ngại rằng việc đó sẽ gây phấn khích cho bệnh nhân tim của mình, một cựu binh Thế chiến I. Ông muốn được nghe. “Tôi ước gì mình cũng ở đó”, ông nói. “Ông đã có cuộc chiến của mình rồi”, y tá Schultz nói khi tắt đài. Ngồi trong bóng tối và lặng lẽ khóc, bà cầu nguyện cho con trai, người lính dù 21 tuổi Arthur, được biết đến ở Trung đoàn 505 là Binh nhì Dutch Schultz.

Tại căn nhà ở Long Island, bà Theodore Roosevelt đã có một giấc ngủ chập chờn. Khoảng 3:00 sáng, bà tỉnh giấc và không thể ngủ lại được. Như cái máy, bà bật radio – vừa đúng lúc để nghe thông báo chính thức về D-Day. Bà biết với tính cách của chồng, ông sẽ ở đâu đó trong cuộc chiến đấu. Bà không biết mình có lẽ là người phụ nữ duy nhất có chồng chiến đấu trên bãi Utah và con trai – Đại úy Quentin Roosevelt 25 tuổi ở Sư đoàn 1 – trên bãi Omaha. Ngồi trên giường, bà nhắm mắt đọc lời cầu nguyện cũ quen thuộc của gia đình. “Chúa che chở cho chúng con… cho tới khi bóng tối kéo dài và đêm đổ xuống”.



Người dân New York (Mỹ) theo dõi tin tức về cuộc đổ bộ Normandy, 6/6/1944.

Tại trại Stalag 17But gần Krems, Áo, tin tức được đón nhận với một sự hoan hỉ hầu như không thể che giấu được. Các quân nhân Không quân Mỹ đã bắt được nó qua sóng điện bằng những máy thu thanh tí hon tự chế, một số có thể nhét vừa hộp đựng bàn chải, một số được ngụy trang như những chiếc bút chì. Hạ sĩ nhất James Lang, người đã bị bắn rơi trên bầu trời nước Đức hơn 1 năm trước gần như không dám tin. “Hội đồng kiểm soát thông tin” của trại đã cố cảnh báo 4.000 tù binh không nên lạc quan quá mức. “Đừng quá hy vọng vội”, họ thận trọng, “hãy cho chúng tôi thời gian để xác nhận hay bác bỏ”. Nhưng ở khắp khu này đến khu khác, các tù binh đã bắt đầu vẽ những tấm bản đồ bí mật ghi lại bước tiến thắng lợi của quân Đồng minh ở Normandy.

Lúc này, những tù binh đó biết về cuộc đổ bộ còn nhiều hơn cả dân Đức. Những người trên đường phố vẫn chưa được nghe gì chính thức. Điều này thật mỉa mai vì Radio Berlin đi trước thông cáo của Eisenhower đến 3 tiếng là đài đầu tiên loan tin quân Đồng minh đổ bộ. Từ 6 rưỡi, người Đức đã bắt đầu cảm thấy hồ nghi trước luồng tin tức không ngừng đổ về. Dân Đức không nghe được các phát thanh trên sóng ngắn. Tuy vậy, hàng nghìn người đã biết tin từ những nguồn khác. Mặc dù nghe đài nước ngoài bị cấm và có thể bị bỏ tù một cách cứng rắn, nhiều người đã bắt sóng từ Thụy Sĩ, Thụy Điển hay Tây Ban Nha. Tin tức lan truyền nhanh chóng. Nhiều người ngờ vực. Nhưng cũng có nhiều người, nhất là những ai có chồng đóng quân ở Normandy hết sức lo lắng. Một trong số đó là vợ của Werner Pluskat.

Cô dự định buổi chiều sẽ đi xem phim với bà Sauer. Nhưng khi nghe tin đồn rằng quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, cô trở nên gần như bị kích động. Ngay lập tức cô gọi cho Sauer, người cũng đã nghe gì đó về cuộc tấn công và hủy buổi xem phim. “Tôi phải biết chuyện gì đang xảy ra với Werner”, cô nói, “tôi có thể sẽ không bao giờ được gặp lại anh ấy nữa”.

Sauer tỏ ra hết sức cục cằn và rất Phổ. “Cô không được như thế này!”, Sauer hét lên. “Cô phải tin tưởng vào Quốc trưởng và cư xử cho xứng là vợ của một sĩ quan”.

Pluskat đáp trả. “Tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với cô nữa!”. Rồi cô dập máy.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:21:37 pm »

Tại Berchtesgaden dường như hầu hết những người thân cận của Hitler đang chờ tuyên bố chính thức của phía Đồng minh trước rồi mới dám báo cho ông ta. Lúc đó là 10:00 sáng (9:00 giờ Đức) khi phụ tá hải quân của Hitler, Đô đốc Karl Jessko von Puttkamer gọi cho trụ sở của Jodl để yêu cầu báo cáo mới nhất. Ông được trả lời rằng “có những bằng chứng rõ ràng cho thấy một cuộc đổ bộ quan trọng đã được tiến hành”. Tập trung mọi tin tức có thể, Puttkamer và ban tham mưu nhanh chóng chuẩn bị một tấm bản đồ. Rồi Thiếu tướng Rudolf Schmundt, sĩ quan quản trị của Quốc trưởng đánh thức Hitler. Ông ta vẫn mặc đồ ngủ khi ra khỏi phòng. Ông ta bình tĩnh lắng nghe báo cáo và cho gọi Tham mưu trưởng OKW, Thống chế Wilhelm Keitel và Jodl. Khi họ đến Hitler đã thay quần áo và đang đợi trong trạng thái kích động.

Cuộc thảo luận sau đó, như Puttkamer nhớ lại, “hoàn toàn kích động”. Tin tức chưa đầy đủ, nhưng dựa trên những gì được biết Hitler đã quả quyết rằng đây không phải là cuộc đổ bộ chính, và ông ta lặp đi lặp lại điều đó. Cuộc thảo luận chỉ kéo dài vài phút và bị cắt một cách thô lỗ, như Jodl nhớ lại sau này, khi Hitler bất ngờ quát vào mặt ông và Keitel, “Nào, đây có phải cuộc đổ bộ không?” rồi xoay lưng bỏ ra khỏi phòng.

Vấn đề chuyển giao các sư đoàn xe tăng dự bị của OKW mà Von Rundstedt đang rất cần thậm chí còn chưa được đề cập đến.

Lúc 10:15 chuông điện thoại tại tư gia của Thống chế Erwin Rommel ở Herrlingen reo vang. Người gọi là tham mưu trưởng của ông, Thiếu tướng Hans Speidel. Mục đích: báo cáo hoàn chỉnh đầu tiên về cuộc đổ bộ. * Rommel lắng nghe, choáng váng.

* Tướng Speidel nói với tôi rằng ông gọi Rommel “lúc khoảng 6:00 sáng qua đường dây riêng”. Ông cũng kể lại tương tự như vậy trong cuốn sách của mình Invasion 1944. Nhưng tướng Speidel đã nhầm lẫn về thời gian. Ví dụ, trong sách ông viết rằng thống chế rời La Roche-Guyon ngày 5 tháng 6 – không phải 4 tháng 6 như Đại úy Hellmuth Lang và Đại tá Hans George von Tempelhof cho biết và nhật ký của Cụm quân B ghi lại. Trong D-Day nhật ký chỉ ghi lại một cuộc gọi cho Rommel: lúc 10:15. Nội dung viết: “Speidel thông báo tình hình cho Thống chế Rommel qua điện thoại. Tư lệnh Cụm quân B sẽ quay lại sở chỉ huy trong hôm nay” – TG.

Đây không phải một cuộc tập kích “như kiểu Dieppe”. Với tất cả bản năng khôn ngoan đã theo ông gần hết cuộc đời, Rommel biết đây chính là cái ngày mà ông đã chờ đợi – ngày mà ông đã nói sẽ là “ngày dài nhất”. Ông kiên nhẫn đợi Speidel báo cáo xong và khẽ nói, không biểu hiện chút cảm xúc nào, “Tôi đã ngu ngốc làm sao. Tôi đã ngu ngốc làm sao”.

Ông đặt máy và bà Rommel thấy “cuộc gọi đã biến đổi ông ấy… một sự căng thẳng khủng khiếp”. Trong vòng 45 phút sau, Rommel gọi người phụ tá, Đại úy Hellmuth Lang đang ở nhà tại Strasbourg 2 lần. Mỗi lần ông cho Lang một giờ giấc để khởi hành về La Roche-Guyon khác nhau. Bản thân điều đó làm Lang lo lắng; thống chế chưa bao giờ tỏ ra thiếu quyết đoán như vậy. “Giọng ông nghe phiền muộn ghê gớm trong điện thoại”, Lang nhớ lại, “và điều đó cũng không giống ông ấy”. Giờ lên đường cuối cùng cũng được ấn định. “Chúng ta sẽ đi vào 1 giờ đúng từ Freudenstadt”, Rommel bảo. Khi đặt máy Lang đoán rằng Rommel hoãn chuyến đi để kịp gặp Hitler. Anh không biết là ở Berchtesgaden trừ Thiếu tướng Schmundt, sĩ quan quản trị của Hitler, không ai biết Rommel đang ở Đức.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:26:34 pm »

Trên bãi biển Uta, tiếng động cơ xe tải, xe tăng, half-track và xe jeep gần như che lấp tiếng nổ rời rạc của những khẩu pháo 88 Đức. Đây là âm thanh của chiến thắng; Sư đoàn 4 đang tiến vào đất liền nhanh hơn bất cứ đơn vị nào khác.

Ở lối ra số 2, đường dẫn duy nhất chạy từ bãi biển, 2 người đang đứng điều hành luồng giao thông. Đó đều là những vị tướng. Ở một bên đường là Thiếu tướng Raymond O. Barton, Sư đoàn trưởng 4, ở phía bên kia là người đang vui vẻ như trẻ con, Chuẩn tướng Teddy Roosevelt. Khi Thiếu tá Gerden Johnson ở Trung đoàn Bộ binh 12 tới, anh thấy Roosevelt "chống gậy đi tới đi lui trên con đường đầy bụi, bình thản hút thuốc như thể ông đang đứng giữa Quảng trường Thời đại”. Roosevelt nhìn thấy Johnson và hét lên, “Chào Johnny! Cứ đi đúng đường, cậu đang làm tốt đấy! Một ngày tuyệt vời để đi săn, phải không?”. Đó là giây phút chiến thắng của Roosevelt. Quyết định cho Sư đoàn 4 xuất phát cách vị trí đổ bộ theo kế hoạch 1.800m của ông đã có thể trở thành thảm họa. Giờ ông dõi theo hàng dài người và xe tiến vào đất liền và cảm thấy vô cùng hài lòng. *

* Vì thành tích ở bãi biển Utah, Roosevelt được tặng thưởng Huân chương Danh dự Quốc hội. Ngày 12 tháng 7, Đại tướng Eisenhower ký quyết định bổ nhiệm ông làm Tư lệnh Sư đoàn 90. Roosevelt không bao giờ biết về chuyện này. Ông mất tối hôm đó vì một cơn đau tim – TG.

Nhưng bất chấp không khí lạc quan, Barton và Roosevelt đều có một lo lắng chung: trừ khi tiếp tục giữ được tốc độ hành quân thế này, nếu không một cuộc phản kích kiên quyết của quân Đức có thể chặn Sư đoàn 4 chết cứng. Hai vị tướng liên tục giải tỏa những chỗ ùn tắc. Xe chết máy bị đẩy khỏi đường không thương tiếc. Đây đó có những chiếc xe cháy, nạn nhân của đạn pháo địch, gây ra nguy cơ cản trở cuộc tiến quân. Những chiếc xe tăng ủi chúng tới một khu vực ngập nước nơi binh sĩ đang bì bõm tiến qua. Khoảng 11:00, Barton có được tin tốt, lối ra số 3 cách đó 1,5km đã được khai thông. Ngay lập tức Barton cho xe tăng tiến vào bằng con đường mới để giảm bớt sức ép. Sư đoàn 4 đang chuyển động, tiến thẳng tới điểm hội quân với những lính dù đang phải chịu áp lực khá lớn.



Sư đoàn 4 Mỹ tiến vào bờ từ bãi Utah.

Cuộc hội quân diễn ra không ngoạn mục – những người lính lẻ tẻ gặp nhau ở những nơi không ngờ tới, thường là dẫn tới những kết quả hài hước và xúc động. Binh nhất Louis Merlano Sư đoàn 101 có thể là lính dù đầu tiên gặp Sư đoàn 4. Cùng với 2 lính dù khác, Merlano, người nhảy xuống giữa đám chướng ngại vật trên bờ biển ngay trên bãi Utah, đã đánh mở đường qua gần 3km xuống bờ biển. Anh mệt mỏi, bẩn thỉu và lôi thôi khi gặp những người lính Sư đoàn 4. Anh nhìn chằm chằm vào họ một giây và rồi cáu kỉnh hỏi, “Các cậu đã ở cái chỗ khỉ nào thế?”.

Hạ sĩ Thomas Bruff Sư đoàn 101 thấy một trinh sát Sư đoàn 4 xuất hiện trên con đường gần Pouppeville, “mang khẩu súng trường như một cây súng săn”. Người trinh sát nhìn Bruff đã mệt lử, “Cuộc chiến ở đâu?”, anh ta hỏi. Bruff, người rơi cách bãi đổ bộ 13km và đã cùng một nhóm nhỏ chiến đấu suốt đêm dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Maxwell Taylor, càu nhàu, “Bất cứ chỗ nào từ đây. Đi tiếp đi anh bạn, cậu sẽ thấy nó”.

Gần Audouville-la-Hubert, Đại úy Thomas Mulvey Sư đoàn 101 đang hối hả đi dọc con đường đất về phía bờ biển khi “một người lính nổ súng từ bụi cây, cách đó 70m phía trước”. Cả hai nhào xuống nấp. Họ thận trọng nằm, súng sẵn sàng và yên lặng nhìn một cách đề phòng. Người kia yêu cầu Mulvey bỏ súng, giơ tay lên đầu và bước ra chỗ anh ta. Mulvey đề nghị anh ta cũng làm như thế. “Điều này lặp đi lặp lại mấy lần”, Mulvey kể, “không ai chịu nhường”. Cuối cùng Mulvey có thể thấy rõ người kia là một lính Mỹ, bèn đứng dậy. Họ gặp nhau giữa con đường, bắt tay và vỗ vào lưng nhau.

Ở Ste-Marie-du-Mont, Pierre Caldron, người thợ làm bánh, thấy lính dù trên tháp chuông nhà thờ vẫy tấm bảng hiệu màu da cam. Trong vài phút, một đoàn quân dài đi hàng một xuất hiện trên đường. Trong khi Sư đoàn 4 hành quân qua, Caldron đặt cậu con trai lên vai. Cậu bé vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ cuộc phẫu thuật cắt amiđan hôm qua, nhưng đây là cảnh tượng mà anh không muốn con bỏ lỡ. Bỗng nhiên anh khóc. Một người lính Mỹ chắc nịch ngoác miệng ra cười với Caldron và hét lên, “Vive la France”. Caldron gật đầu, cười đáp lại. Anh không thể nói được gì.

Từ bãi Utah, Sư đoàn 4 phát triển vào trong đất liền. Tổn thất của họ trong D-Day khá nhẹ: 197 thương vong, trong đó có 60 là ở ngoài biển. Cuộc chiến đấu ác liệt vẫn còn ở phía trước trong những tuần tiếp theo, nhưng đây là ngày của họ. Đến tối 22.000 quân và 1.800 xe cơ giới đã lên bờ. Cùng với quân dù, Sư đoàn 4 đã làm chủ đầu cầu đầu tiên của quân Mỹ trên đất Pháp.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:30:36 pm »

Một cách khó khăn, binh sĩ chiến đấu mở đường qua từng thước đất trên bãi Omaha đẫm máu. Từ ngoài khơi nhìn vào, bãi biển đưa ra một cảnh tượng tàn phá ghê gớm. Tình hình căng thẳng đến mức vào buổi trưa, Trung tướng Omar Bradley trên chiến hạm Augusta đã bắt đầu cân nhắc khả năng di tản và chuyển hướng sang bãi Utah và các bãi biển của quân Anh. Nhưng trong khi Bradley đang đấu tranh với khó khăn, những người đang kẹt trong sự hỗn loạn của Omaha vẫn tiến lên.

Dọc theo Dog Green và Dog White, viên tướng cộc cằn 51 tuổi có tên Norman Cota sải bước tới lui trong làn mưa đạn, tay vung vẩy khẩu .45 và hô binh sĩ rời khỏi bãi biển. Dọc bãi cát đầy đá cuội, bên dưới bức tường biển và trong những đám cỏ ở chân đồi, những người lính nấp bên nhau chăm chú nhìn vị tướng, không tin được là một người có thể đứng thẳng mà vẫn sống.



Chuẩn tướng (sau này là Thiếu tướng) Norman Daniel Cota, Sr, Sư đoàn phó Sư đoàn Bộ binh 29 Mỹ.

Một toán biệt kích nằm tụm lại gần lối ra Vierville. “Lính biệt kích hãy dẫn đầu!”, Cota hét lên. Họ bắt đầu đứng dậy. Phía xe trên bãi biển có một xe ủi chất đầy TNT bị bỏ lại. Đó chính là thứ ông cần để phá bức tường chống tăng ở lối ra Vierville. “Ai sẽ lái nó?”, ông hô lớn. Không ai trả lời. Họ dường như vẫn còn bị tê liệt trước làn đạn tàn bạo đang đổ xuống bãi biển. Cota bắt đầu mất bình tĩnh. “Chẳng nhẽ không ai dám lái cái thứ khốn nạn đó lên đây à?”, ông gầm lên.

Một người lính tóc đỏ chậm rãi đứng lên và thong thả bước lại. “Để tôi”, anh nói.

Cota vỗ vào lưng anh ta. “Đúng là người tôi cần”, vị tướng nói, “giờ ra khỏi đây thôi”. Ông bước đi mà không nhìn lại. Phía sau, binh sĩ bắt đầu chuyển động.

Đó là điển hình. Chuẩn tướng Cota, Sư đoàn phó 29 đã trở thành tấm gương ngay lúc ông đặt chân lên bờ biển. Ông chỉ huy cánh phải của Sư đoàn 29, Đại tá Charles Canham, Trung đoàn trưởng 116 chỉ huy cánh trái. Canham với chiếc khăn tay đẫm máu buộc quanh vết thương, đi lại giữa những người chết, những người đang hấp hối và những người còn đang choáng váng, giục giã từng nhóm. “Chúng đang giết ta ở đây!”, ông nói. “Hãy tiến lên và giết chúng!”. Binh nhất Charles Ferguson kinh ngạc khi đại tá đi qua. “Thằng quái nào thế nhỉ?”, anh hỏi và rồi cùng những người khác nhỏm dậy.

Ở khu vực Sư đoàn 1 trên bãi Omaha, những cựu binh của Sicily và Salermo ra khỏi cơn sốc nhanh hơn. Hạ sĩ Raymond Strojny tập hợp đơn vị và dẫn họ lên đồi xuyên qua bãi mìn. Anh tiêu diệt một lô cốt trên đỉnh bằng súng bazooka. Strojny đã trở nên “hơi điên”. Cách đó 90m, Hạ sĩ Phillip Streczyk cũng đã hết chịu nổi. Vài binh sĩ nhớ lại là Streczyk gần như đá đít họ khỏi bãi biển và leo lên doi đất gài đầy mìn, nơi anh đã chọc thủng hàng rào dây thép gai của địch. Ngay sau đó, Đại úy Edward Wozenski gặp Streczyk trên đường. Wozenski kinh hoàng khi thấy Streczyk đạp phải một quả mìn Teller. Streczyk bình tĩnh nói, “Nó không nổ khi tôi dẫm lên, Đại úy ạ”.

Đại tá George A. Taylor, Trung đoàn trưởng 16 chạy khắp khu vực do Sư đoàn 1 đảm nhiệm, không quan tâm đến đạn pháo và súng máy đang cày đất xung quanh. “Có hai loại người nằm trên bãi biển”, ông hét lên, “những người đã chết và những người sẽ chết. Hãy ra khỏi đây”.

Ở khắp nơi, những sĩ quan, binh nhì và tướng lĩnh dũng cảm đều làm giống nhau là dẫn đầu đoàn quân. Khi đã bắt đầu, họ không dừng lại nữa. Hạ sĩ kỹ thuật William Wiedefeld, Jr bước qua xác của nhiều đồng đội, hiên ngang leo lên đồi qua bãi mìn. Thiếu úy Donald Anderson băng vết thương – anh đã bị bắn vào sau cổ và viên đạn đã xuyên ra ngoài qua miệng – thấy mình “có đủ dũng khí để đứng dậy, và từ thời điểm đó tôi đã từ một tân binh trở thành một cựu binh”. Hạ sĩ Bill Courtney ở Tiểu đoàn Biệt kích 2 trèo lên đồi và hét gọi với tiểu đội, “Tiến lên! Lũ khốn đã bị quét sạch!”. Đột nhiên một loạt súng máy bắn về phía trái anh. Courtney lăn tròn, ném 2 quả lựu đạn và lại hét lên, “Tiến lên! Tiến lên! Bây giờ lũ khốn đã bị quét sạch!”.

Trong khi bộ binh vận động, vài tàu đổ bộ bắt đầu di chuyển vào bờ, lách qua những vật cản. Thuyền trưởng trên những tàu khác thấy điều đó có thể thực hiện được và làm theo. Một số khu trục hạm yểm trợ đã vào gần đến mức mạo hiểm với nguy cơ đắm tàu, từ đây họ bắn trực xạ vào các vị trí địch. Dưới hỏa lực chi viện, lính công binh bắt đầu hoàn thành công việc phá hoại đã khởi đầu gần 7 tiếng trước đó. Khắp nơi trên bãi Omaha, vòng khóa chết chóc dần dần bị phá vỡ.



Quân Mỹ chiến đấu trên bãi Omaha.

Khi binh sĩ thấy có thể tiến lên, nỗi sợ và thất vọng nhường chỗ cho cơn giận dữ. Gần đỉnh đồi Vierrville, Binh nhất Biệt kích Carl Weast và đại đội trưởng của anh, Đại úy George Whittington phát hiện ổ súng máy Đức với 3 tên. Khi Weast và đại úy thận trọng bọc hậu nó, một lính Đức bất ngờ quay lại, nhìn thấy họ và kêu lên "Bitte!  Bitte!  Bitte!". Whittington bắn chết cả ba. Quay sang Weast anh nói, “Tớ chả hiểu “bitte” nghĩa là gì”.

Vượt qua cảnh rùng rợn là bãi biển Omaha, binh sĩ phát triển vào đất liền. Lúc 1:30, Trung tướng Bradley sẽ nhận được thông điệp: “Các đơn vị bị cầm chân ở Easy Red, Easy Green, Fox Red đang tiến chiếm các điểm cao phía sau bãi biển”. Đến cuối ngày, Sư đoàn 1 và 29 sẽ vào sâu được 1,5km. Cái giá của Omaha: gần 2.500 người chết, bị thương và mất tích.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Năm, 2010, 09:11:48 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:35:17 pm »

Lúc đó là 1:00 chiều khi Thiếu tá Werner Pluskat về được sở chỉ huy ở Etreham. Hiện ra ở cửa không phải là hình ảnh quen thuộc của người chỉ huy như các sĩ quan của anh từng biết. Pluskat run lẩy bẩy như người bệnh, và tất cả những gì anh có thể nói là “Brandy. Brandy”. Khi rượu được đưa tới, hai bàn tay anh run đến mức gần như không cầm nổi cốc.  

Một sĩ quan nói, “Thưa chỉ huy, quân Mỹ đã đổ bộ”. Pluskat nhìn trừng trừng và xua anh ta đi. Ban tham mưu tập trung xung quanh, một vấn đề lớn đang ở trong tâm trí họ. Pluskat được báo cáo các khẩu đội sẽ sớm thiếu đạn. Họ cho anh biết vấn đề đã được báo cho trung đoàn, và Trung tá Ocker nói rằng tiếp tế đang trên đường tới. Nhưng vẫn chưa nhận được gì. Pluskat gọi cho Ocker.

“Pluskat thân mến”, giọng nói vui vẻ của Ocker vang lên từ đầu dây bên kia, “Vẫn sống chứ?”.

Pluskat không để ý đến câu hỏi. “Chuyện gì xảy ra với chỗ đạn?”, anh hỏi thẳng.

“Đang đưa tới”, Ocker trả lời.

Thái độ bình thản của viên trung tá làm Pluskat nổi điên. “Khi nào?”, anh hét lên. “Khi nào mới tới? Các anh hình như không nhận ra là tình hình ở đây thế nào?”.

Mười phút sau Pluskat được gọi tới điện thoại. “Tôi có tin xấu”, Ocker nói, “Tôi vừa được biết là đoàn xe chở đạn đã bị tiêu diệt. Sẽ phải đến tối mới đưa được thứ gì đó cho anh”.

Pluskat không ngạc nhiên; anh đã biết từ những kinh nghiệm cá nhân đau đớn của mình là không gì có thể đi trên đường. Anh cũng biết là với tốc độ bắn hiện nay, đến tối là các khẩu pháo sẽ hết đạn. Câu hỏi là thứ gì sẽ đến với họ trước – đạn dược hay quân Mỹ? Pluskat ra lệnh cho binh sĩ chuẩn bị sẵn sàng cho cận chiến rồi bước đi một cách vô định. Anh bỗng thấy đơn độc và vô dụng. Anh ước gì biết được chú chó Harras đang ở đâu.

*

*        *

Lúc này những người lính Anh đánh trận đầu tiên của D-Day đã giữ vững thành quả của mình - những cây cầu qua sông Orne và kênh Caen hơn 13 tiếng đồng hồ. Mặc dù Thiếu tá Howard đã được lính dù Sư đoàn 6 tăng viện lúc bình minh, nhưng quân số của họ bị tiêu hao liên tục dưới hỏa lực đạn cối và súng bộ binh. Quân của Howard đã chặn đứng nhiều đợt phản kích nhỏ thăm dò. Giờ, những binh sĩ mệt mỏi và lo âu trong công sự chiếm được của quân Đức ở cả hai đầu cầu đang nóng lòng chờ đợi hội quân với lực lượng đổ bộ đường biển.

Trong hố cá nhân gần lối lên cầu kênh Caen, Binh nhì Bill Gray lại xem đồng hồ. Đơn vị đặc công của Lord Lovat đã trễ gần tiếng rưỡi. Anh tự hỏi chuyện gì đang diễn ra trên bãi biển. Gray không nghĩ là chiến sự còn có thể xấu hơn tình hình ở những cây cầu này. Anh hầu như không dám nhô đầu lên, dường như mỗi phút bọn bắn tỉa lại trở nên chính xác hơn.

Chính trong khoảng thời gian yên tĩnh giữa trận đánh, người bạn của Gray, Binh nhì John Wilkes nằm cạnh bỗng nói, “Cậu biết không, tớ nghĩ là tớ nghe thấy tiếng kèn túi”. Gray nhìn anh ta một cách ngớ ngẩn.

“Cậu điên rồi”, anh nói. Vài giây sau, Wilkes lại quay sang. “Tớ nghe thấy tiếng kèn túi thật mà”, anh khăng khăng. Giờ chính Gray cũng nghe thấy.

Những người lính đặc công của Lord Lovat xuất hiện trên đường, bảnh chọe trong những chiếc bêrê màu xanh lá cây. Bill Millin đi đầu đoàn quân, thổi bài "Blue Bonnets over the Border”. Súng từ cả hai phía bỗng ngừng lại khi binh sĩ ngạc nhiên trước cảnh tượng đó. Nhưng nó không kéo dài. Lúc lính đặc công tiến về phía cầu thì quân Đức tiếp tục bắn. Bill Millin nhớ lại rằng anh “chỉ thấy may mắn khi không trúng đạn, vì tôi chẳng nghe được gì do tiếng kèn túi”. Được nửa đường, Millin quay lại nhìn Lord Lovat. “Anh ta sải bước như thể đang đi dạo trong vườn”, Millin nhớ lại, “và anh ấy ra hiệu cho tôi tiếp tục”.

Bất chấp hỏa lực dày đặc của quân Đức, lính dù lao tới để chào đón lính đặc công. Lovat xin lỗi “vì chậm mất mấy phút”. Đối với những binh sĩ mệt mỏi của Sư đoàn Đổ bộ đường không số 6, đây là một thời khắc sung sướng. Mặc dù phải nhiều giờ nữa chủ lực quân Anh mới tới được điểm xa nhất của tuyến phòng thủ do lính dù bảo vệ, nhưng lực lượng tăng viện đầu tiên đã tới. Khi những chiếc bêrê đỏ và xanh hòa vào nhau, trong lòng họ bỗng xuất hiện cảm giác phấn khởi rõ rệt. Anh lính 19 tuổi Bill Gray thấy “trẻ đi đến vài tuổi”.



Lính dù và đặc công Anh hội quân tại cầu kênh Caen trong D-Day.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:38:44 pm »

Giờ đây, trong cái ngày định mệnh của Đế chế thứ ba này, trong khi Rommel đang vội vã quay về Normandy, trong khi các sĩ quan của ông đang cố gắng chặn cuộc tấn công vũ bão của Đồng minh, tất cả đặt vào những đơn vị xe tăng: Sư đoàn Panzer 21 ở ngay phía sau các bãi biển của quân Anh, và Sư đoàn SS 12 và Panzer Lehr thì vẫn đang bị Hitler giữ rịt.

Thống chế Rommel dõi theo những vạch làn đường màu trắng trải dài phía trước và thúc giục người lái xe. “Nhanh lên! Nhanh lên! Nhanh lên!”, ông nói. Chiếc xe rú lên khi Daniel nhấn ga. Họ mới chỉ rời Freudenstadt 2 giờ trước và Rommel hầu như không thốt ra một lời nào. Người phụ tá, Đại úy Lang ngồi phía sau chưa bao giờ thấy thống chế phiền muộn đến vậy. Lang muốn trao đổi về cuộc đổ bộ nhưng Rommel tỏ ra không muốn nói chuyện. Bỗng nhiên ông xoay người lại và nhìn Lang. “Tôi đã luôn đoán đúng”, ông nói, “luôn đúng”. Rồi ông lại chăm chú nhìn đường.

Sư đoàn Panzer 21 không thể đi qua Caen. Đại tá Hermann Von Oppeln-Bronikowski, chỉ huy trung đoàn xe tăng của sư đoàn chạy tới chạy lui dọc đoàn quân trên chiếc Volkswagen. Thành phố là một cảnh hỗn loạn. Nó đã bị ném bom trước đó và những máy bay ném bom đã thực hiện nhiệm vụ khá tốt. Đường phố phủ đầy gạch vữa, với Bronikowski dường như “tất cả dân cư trong thành phố đang cố gắng thoát ra”. Những con đường đông nghịt đàn ông và phụ nữ trên những chiếc xe đạp. Không có hy vọng gì cho xe tăng. Bronikowski quyết định quay lại và đi vòng qua. Sẽ mất hàng giờ, ông biết, nhưng không còn cách khác. Và những trung đoàn sẽ phải hỗ trợ ông tấn công khi đã qua được thì đang ở chỗ nào vậy?  



Thành phố Caen (Pháp) tháng 6/1944 sau những đợt ném bom của Không quân Đồng minh.

Binh nhì 19 tuổi Walter Hermes ở Trung đoàn 192 Sư đoàn Panzer 21 chưa bao giờ vui như lúc này. Thật là vinh dự. Anh ta sẽ dẫn đầu cuộc tấn công vào quân Anh! Hermes ngồi lên mô tô, phóng lên phía trước đại đội tiên phong. Họ sẽ tiến về bờ biển và sẽ sớm được xe tăng tăng cường, rồi Sư đoàn 21 sẽ đẩy quân Anh xuống biển. Ai cũng nói vậy. Trên những chiếc mô tô gần đó là đồng đội của anh, Tetzlaw, Mattusch và Schard. Trước đó tất cả bọn họ đã chờ đợi sẽ bị quân Anh tấn công, nhưng không có gì xảy ra. Có vẻ lạ là họ vẫn chưa bắt kịp đơn vị xe tăng. Nhưng Hermes đoán rằng họ ở đâu đó phía trước, có lẽ đã đang đột kích vào bãi biển. Hermes phóng đi một cách vui vẻ, dẫn đại đội tiên phong của trung đoàn vào thẳng lỗ hổng 13km giữa bãi Juno và Gold mà đặc công Anh vẫn chưa bịt được. Đây là lỗ hổng mà xe tăng có thể tận dụng để chia cắt các bãi đổ bộ của quân Anh, đe dọa toàn bộ cuộc tấn công của Đồng minh – lỗ hổng mà Đại tá von Oppeln-Bronikowski không biết tí gì.

Tại sở chỉ huy OB West ở Paris, Thiếu tướng Blumentritt, tham mưu trưởng của Rundstedt gọi cho Speidel ở sở chỉ huy của Rommel. Cuộc đàm thoại với một câu duy nhất này được ghi lại đầy đủ ở Nhật ký chiến tranh của Cụm quân B. “OKW đã chuyển giao Sư đoàn SS 12 và Panzer Lehr”, Blumentritt nói. Lúc này là 3:40 chiều. Cả hai vị tướng đều biết đã quá trễ. Hitler và cấp dưới của ông ta đã giữ 2 sư đoàn xe tăng suốt hơn 10 tiếng đồng hồ. Không có hy vọng là họ tới được khu vực đổ bộ trong cái ngày quan trọng này. Sư đoàn SS 12 chỉ tới được bờ biển vào sáng ngày 7 tháng 6. Sư đoàn Panzer Lehr đã bị tiêu hao trong những cuộc không kích liên tục không thể tới trước ngày 9. Cơ hội duy nhất để thay đổi cán cân giờ phụ thuộc vào Sư đoàn Panzer 21.  

Khoảng 6:00 chiều, chiếc Horch của Rommel dừng lại ở Rheims. Tại sở chỉ huy thành phố, Lang gọi cho La Roche-Guyon. Rommel dành 15 phút nắm tình hình từ tham mưu trưởng qua điện thoại. Khi Rommel rời trụ sở, Lang thấy rằng ông đã nhận được tin xấu. Im lặng bao trùm chiếc xe khi họ đi tiếp. Lúc sau Rommel đấm vào lòng bàn tay đeo găng và nói chua chát, “Kẻ thù thân thiết của tôi, Montgomery”. Rồi sau đó ông nói, “Lạy chúa! Nếu Sư đoàn Panzer 21 thành công, chúng ta có thể đẩy lui chúng trong 3 ngày”.  

Phía bắc Caen, Bronikowski ra lệnh tấn công. Ông cử 35 xe tăng do Đại úy Wilhelm von Gottberg chỉ huy đi trước để chiếm các điểm cao ở Peeriers cách bờ biển 6,5km. Bản thân Bronikowski sẽ chiếm dãy đồi ở Bieeville cách đó 3,2km với 25 xe tăng khác.

Đại tướng Edgar Feuchtinger, Tư lệnh Sư đoàn Panzer 21 và Đại tướng Marcks, Tư lệnh Quân đoàn 84 đã tới để chứng kiến cuộc tấn công được tiến hành. Marcks bước lại chỗ Bronikowski. Ông nói, “Oppeln, tương lai nước Đức đang đặt hết lên vai anh. Nếu anh không đẩy được quân Anh xuống biển, chúng ta sẽ thua”.

Bronikowski đứng nghiêm chào và trả lời, “Thưa tướng quân, tôi sẽ cố hết sức”.



Đại tá (sau này là Thiếu tướng) Hermann Leopold August von Oppeln-Bronikowski, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Panzer 100, Sư đoàn Panzer 21 Đức, một trong những Ace của binh chủng thiết giáp Đức.

Khi họ lên đường, những chiếc xe tăng tản ra khắp cánh đồng, Bronikowski bị chặn lại bởi Thiếu tướng Wilhelm Richter, Sư đoàn trưởng 716. Bronikowski thấy Richter “gần như mất trí vì đau khổ”. Những giọt nước mắt trào ra khi ông nói với Bronikowski, “Quân của tôi đi tong hết rồi. Cả sư đoàn đã mất rồi”.

Bronikowski hỏi, “Tôi có thể làm gì, thưa ngài? Chúng tôi sẽ giúp hết sức”. Ông rút bản đồ và chỉ cho Richter. “Họ đang ở đâu, thưa ngài? Ngài có thể chỉ cho tôi được không?”.

Richter chỉ biết lắc đầu. “Tôi không biết”, ông nói, “tôi không biết”.

Rommel xoay nửa người lại trên ghế trước và nói với Lang, “Tôi hy vọng không có cuộc đổ bộ thứ hai từ Địa Trung Hải”. Ông dừng lại một phút. “Cậu biết không, Lang”, ông trầm ngâm nói, “nếu lúc này tôi là chỉ huy quân Đồng minh, tôi có thể giải quyết cuộc chiến trong 14 ngày”. Ông quay lại và nhìn thẳng. Lang nhìn ông, cảm thấy khổ sở, không thể giúp gì. Chiếc Horch kêu vang trong đêm.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2010, 09:12:30 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:45:31 pm »

Những chiếc xe tăng của Bronikowski gào rú tiến lên dãy cao điểm Bieeville. Họ vẫn chưa gặp sự chống trả nào. Rồi, khi chiếc Mark IV đầu tiên gần tới đỉnh đồi, đột nhiên có tiếng gầm của pháo ở đâu đó phía xa. Ông không thể nói được là đã đụng phải xe tăng Anh hay đó là tiếng nổ của pháo chống tăng. Nhưng chúng bắn rất dữ dội và chính xác. Dường như có đến nửa tá trận địa cùng bắn. Chiếc xe tăng đi đầu nổ tung mà không kịp bắn phát nào. Hai chiếc khác tiến lên, khai hỏa pháo chính. Nhưng xem ra chúng không gây được ấn tượng đối với các pháo thủ Anh. Bronikowski bắt đầu hiểu vì sao: ông đang bị áp đảo về hỏa lực. Pháo của quân Anh dường như có tầm bắn rất ghê gớm. Lần lượt từng chiếc tăng của Bronikowski bị hạ. Trong không đến 15 phút mà ông đã mất 6 chiếc. Chưa bao giờ ông gặp một trận đánh thế này. Bronikowski không thể làm gì. Ông cho dừng cuộc tấn công và ra lệnh rút quân.

Binh nhì Walter Hermes không hiểu xe tăng đang ở đâu. Đại đội tiên phong của Trung đoàn 192 đã tới bờ biển ở Luc-sur-Mer, nhưng không thấy dấu hiệu nào của đơn vị xe tăng. Cũng không thấy dấu hiệu nào của quân Anh, và Hermes cảm thấy một chút thất vọng. Nhưng cảnh tượng hạm đội đổ bộ đã bù đắp lại. Trên bãi biển, cả bên trái lẫn bên phải, Hermes thấy hàng trăm tàu thuyền đang ngược xuôi, và ngoài khơi 1,5km hay hơn thế là những chiến hạm đủ loại. “Đẹp thật”, anh nói với người bạn, Schard. “Như một cuộc duyệt binh vậy”. Hermes và đồng đội tản ra trên bãi cỏ và rút thuốc lá. Có vẻ không có gì sẽ xảy ra và không ai cho họ mệnh lệnh nào.



Xe tăng Đức tiến ra mặt trận ở Normandy.

Quân Anh đã vào vị trí sẵn sàng trên các điểm cao Peeriers. Họ chặn đứng 35 xe tăng dưới quyền Đại úy Wilhelm von Gottberg trước khi chúng đạt đến tầm bắn. Chỉ trong vài phút Gottberg đã mất 10 xe tăng. Mệnh lệnh chậm trễ, thời gian lãng phí khi đi vòng qua Caen đã cho quân Anh cơ hội củng cố vững chắc trên những điểm cao chiến lược. Gottberg nguyền rủa thẳng thừng bất cứ ai mà anh nghĩ ra được. Anh rút về bìa rừng gần làng Lebissey. Tại đây anh ra lệnh đào hầm cho xe tăng, chỉ nhô tháp pháo lên. Anh chắc rằng quân Anh sẽ tiến đến Caen chỉ vài giờ nữa.

Nhưng trước sự kinh ngạc của Gottberg, thời gian trôi qua mà không có cuộc tấn công nào. Sau đó, khoảng sau 9:00 tối một chút, Gottberg chứng kiến một cảnh tượng kì vĩ. Tiếng động cơ máy bay chậm rãi vọng đến, và từ phía xa trong ánh mặt trời hoàng hôn, anh thấy hàng đoàn tàu lượn đến từ hướng biển. Có rất nhiều tàu, bay theo đội hình ổn định sau những chiếc máy bay kéo. Trước sự quan sát của anh, những chiếc tàu lượn tách ra và lượn vòng, hạ độ cao để hạ cánh đâu đó ngoài tầm mắt ở giữa anh và bờ biển. Gottberg chửi thề một cách giận dữ.

Ở Bieeville, Bronikowski cũng đã cho xe tăng xuống công sự. Đứng bên đường, ông chứng kiến “các sĩ quan Đức với những toán lẻ 20 đến 30 lính quay trở lại từ mặt trận, rút lui về Caen”. Bronikowski không thể hiểu vì sao quân Anh không tấn công. Với ông dường như “Caen và cả khu vực xung quanh có thể bị đánh chiếm chỉ trong vài giờ”. *

Ở cuối đoàn, Bronikowski thấy một hạ sĩ khoác vai hai gã lính lực lưỡng. Chúng “say bí tỉ như một lũ lợn, khuôn mặt bẩn thỉu và bước đi xiêu vẹo”. Quay cuồng, quên bẵng mọi thứ, chúng cất tiếng gào to bài "Deutschland euber Alles". Bronikowski dõi theo cho tới khi chúng khuất khỏi tầm mắt. Ông nói to, “Chúng ta thua rồi”.

* Mặc dù trong D-Day quân Anh tiến nhanh nhất, họ đã thất bại trong việc đánh chiếm mục tiêu quyết định – Caen. Bronikowski sẽ còn ở đó với những chiếc xe tăng trong hơn 6 tuần nữa – đến khi thành phố hoàn toàn thất thủ – TG.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tám, 2010, 11:49:42 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:47:35 pm »

Chiếc Horch của Rommel lặng lẽ tiến vào La Roche-Guyon, chậm rãi lướt qua những ngôi nhà nhỏ sát nhau hai bên đường. Chiếc xe lớn màu đen rẽ khỏi đường cao tốc, đi qua 16 cây chanh cắt tỉa ngay ngắn và tiến vào cổng tòa lâu đài của dòng họ de La Rochefoucauld. Khi họ dừng lại trước cửa, Lang nhảy ra và chạy đi báo cho Thiếu tướng Speidel. Trong hành lang chính anh nghe thấy giai điệu của một vở opera Wagnerian vọng đến từ văn phòng của tham mưu trưởng. Tiếng nhạc vang lên khi cửa đột ngột bật mở và Speidel bước ra.

Lang vô cùng choáng váng và giận dữ. Quên mất mình đang nói chuyện với một vị tướng, anh cáu kỉnh, “Làm sao mà ngài có thể nghe opera vào lúc như thế này?”

Speidel mỉm cười, “Lang thân mến, cậu không nghĩ là việc tôi chơi nhạc một tí sẽ chặn được cuộc tấn công, phải không?”

Rommel trong chiếc áo khoác dài màu xanh xám sải bước dọc hành lang, tay phải cầm cây trượng đầu bạc của thống chế. Ông bước vào văn phòng của Speidel và đứng chắp tay sau lưng, nhìn bản đồ. Speidel đóng cửa, và Lang, biết cuộc thảo luận sẽ mất nhiều thời gian, rời đến phòng ăn. Anh uể oải ngồi xuống bên chiếc bàn dài và gọi một tách cà phê. Một sĩ quan khác ngồi gần đó đang đọc báo. Anh ta nhìn lên. “Chuyến đi thế nào?”, viên sĩ quan vui vẻ hỏi. Lang chỉ nhìn trừng trừng vào anh ta.

*

*        *

Trên bán đảo Cherbourg gần Ste-Mere-eeglise, Binh nhì Dutch Schultz của Sư đoàn 82 dựa lưng vào thành hố cá nhân và lắng nghe tiếng chuông nhà thờ phía xa điểm 11 giờ. Anh không thể mở mắt được nữa. Anh tính rằng mình đã thức suốt gần 72 giờ đồng hồ - từ lúc tham gia ván bài bạc khi cuộc hành quân bị hoãn lại đêm 4 tháng 6. Anh cảm thấy buồn cười là đã mất quá nhiều công để thua hết số tiền thắng bạc – cuối cùng chẳng có chuyện gì xảy ra. Trên thực tế, Dutch hơi có một chút ngượng ngùng. Suốt cả ngày hôm đó anh vẫn chưa bắn phát súng nào.

Ở bãi biển Omaha, Hạ sĩ nhất quân y Alfred Eigenberg kiệt sức thả mình xuống một cái hố. Anh đã không còn đếm được số người bị thương mà mình cứu chữa. Anh mệt mỏi đến tận xương tủy, nhưng vẫn còn muốn làm nốt một việc trước khi ngủ. Eigenberg lôi trong ba lô ra một tập giấy nhàu nát và bắt đầu viết thư về nhà dưới ánh sáng đèn pin. Anh viết nguệch ngoạc, “Đâu đó trên đất Pháp”, và mở đầu:

“Cha mẹ thân yêu, con biết lúc này cha mẹ đã biết tin về cuộc đổ bộ. Con vẫn khỏe”. Rồi người y tá 19 tuổi dừng bút. Anh không thể nghĩ ra điều gì để viết thêm.

Trên bãi biển, Chuẩn tướng Norman Cota dõi theo ánh đèn “mắt mèo” mờ mờ của xe tải và lắng nghe tiếng quát tháo của các quân cảnh và sĩ quan chỉ huy bãi biển khi họ hướng dẫn người cùng với xe cộ tiến vào đất liền. Ở đây đó những chiếc tàu đổ bộ vẫn còn cháy, rọi lên trời những ánh lửa đỏ. Sóng vỗ nhẹ lên bờ biển và ở phía xa Cota nghe thấy tiếng cục cục của một khẩu súng máy đơn độc. Bỗng nhiên ông cảm thấy rất mệt. Một chiếc xe tải ầm ầm lao tới và Cota ra hiệu cho nó dừng lại. Ông bước lên bậc, vòng một tay bám vào cửa. Trong một giây ông nhìn lại bãi biển rồi nói với lái xe, “Đưa ta lên đồi nào, con trai”.



Quân Mỹ tiến vào đất liền từ bãi Omaha.

*

*        *

Ở tổng hành dinh của Rommel, Lang cũng như những người khác đã nghe được tin xấu: cuộc tấn công của Sư đoàn Panzer 21 thất bại. Lang rất phiền muộn. Anh nói với thống chế: “Thưa ngài, ngài nghĩ là ta có thể đẩy lui chúng không?”

Rommel nhún vai, giang tay và nói, “Lang, tôi hy vọng là có. Ta gần như đã luôn luôn thành công cho tới bây giờ”. Rồi ông vỗ vai Lang. “Trông cậu có vẻ mệt”, ông nói, “Sao không nghỉ đi. Hôm nay là một ngày dài”. Ông quay đi và Lang nhìn theo thống chế bước dọc hành lang trở về văn phòng. Cánh cửa đóng lại nhẹ nhàng phía sau ông.

Bên ngoài, không có gì xuất hiện trên hai khoảnh sân lớn lát đá. La Roche-Guyon vẫn yên tĩnh. Ngôi làng bị chiếm đóng ngặt nghèo nhất của nước Pháp sẽ sớm được giải phóng – cũng như toàn châu Âu đang nằm dưới ách Hitler. Từ hôm nay Đế chế thứ ba chỉ còn tồn tại không đầy 1 năm. Bên ngoài lâu đài, con đường chính trải rộng và trống trải, cửa sổ của những ngôi nhà lợp ngói đỏ khép chặt. Ở nhà thờ St. Samson, chuông kêu báo nửa đêm.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:47:58 pm »

Ghi chú về con số thương vong


Trong những năm qua, nhiều số liệu mâu thuẫn và không rõ ràng về tổn thất của quân Đồng minh trong 24 giờ đầu tiên đã được đưa ra. Không số liệu nào có thể nói chính xác. Khá nhất cũng chỉ là ước đoán, vì một lí do rất tự nhiên là trong quá trình tấn công không ai có thể nắm được số liệu chuẩn. Nói chung, hầu hết các sử gia quân sự đồng ý rằng quân Đồng minh thương vong khoảng 10.000 người; một số thậm chí cho là 12.000.

Thiệt hại của quân Mỹ là 6.603. Số liệu này dựa trên báo cáo sau trận đánh của Tập đoàn quân 1 Mỹ, đã đưa ra tổng kết dưới đây: 1.465 chết, 3.184 bị thương, 1.928 mất tích và 26 bị bắt. Ở đây bao gồm cả thiệt hại của Sư đoàn 82 và 101, với 2.499 chết, bị thương và mất tích.

Quân Canada có 946 thương vong, trong đó 335 chết. Không có số liệu vào của Anh được xuất bản, nhưng ước tính họ có ít nhất 2.500 đến 3.000 thương vong, trong đó Sư đoàn 6 có 650 chết, bị thương và mất tích.

Tổn thất của quân Đức trong D-Day là bao nhiêu? Không ai có thể nói. Các sĩ quan cao cấp Đức tôi phỏng vấn cho con số ước tính từ 4.000 đến 9.000. Nhưng đến cuối tháng 6, Rommel sẽ báo cáo tổn thất của ông trong tháng là “28 tướng lĩnh, 354 sĩ quan và khoảng 250.000 quân”.




HẾT
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2010, 09:12:49 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM